10 điều nên biết về Giai đoạn Châu lục của tiến trình Thượng Hội đồng

09/09/2022

Hôm 26. 8 vừa qua, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã mở cuộc họp báo tại Vatican để trình bày về giai đoạn kết thúc tham khảo ý kiến giai đoạn cấp giáo phận, đồng thời giới thiệu giai đoạn cấp Châu lục, để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI sẽ diễn ra tại Vatican vào tháng 10. 2023 với chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.

Dưới đây là 10 điều nên biết về Giai đoạn Châu lục của tiến trình Thượng hội đồng này.

1. Giai đoạn Châu lục là gì?

Giai đoạn Châu lục bao gồm thời gian lắng nghe và phân định của toàn thể Dân Chúa và của tất cả các Giáo hội địa phương trên cơ sở Châu lục, dẫn đến một loạt các Hội nghị Châu lục. Điều này không có nghĩa là lặp lại việc tham vấn, lắng nghe và phân định đã được thực hiện với toàn thể Dân Chúa. Đúng hơn, đây là việc đào sâu tiến trình phân định đó bởi những người được xác định là đại diện cho các Giáo hội địa phương trong các tiến trình tiền-hội nghị trước mỗi Hội nghị Châu lục. Rõ ràng là sẽ có những khác biệt trong cách tiếp cận có tính đến các thông lệ đã được thiết lập, các yếu tố văn hóa và ngôn ngữ, địa lý và cách tổ chức của mỗi châu lục.

Giai đoạn Châu lục này được đánh dấu bằng Tài liệu về Giai đoạn Châu lục (Document for the Continental Stage), sẽ được soạn thảo sau khi suy tư cẩn thận về những bản tổng hợp của tất cả các Hội đồng Giám mục của Giáo hội Hoàn vũ, cũng như của các Giáo hội Đông phương, và các nhóm như Dòng tu, Phong trào Giáo dân, v.v. Tài liệu về Giai đoạn Châu lục sẽ được công bố vào cuối tháng 10. 2022.

2. Tại sao Giai đoạn này lại được thêm vào?

Giai đoạn Châu lục được đưa vào trong tiến trình Thượng hội đồng để nhấn mạnh phong trào đối thoại giữa Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương (xem CIC 328; Communionis Notio số 7). Tiến trình này bao gồm sự phân định về chủ đề chính của Thượng Hội đồng ngày nay chúng ta cùng nhau bước đi như thế nào” và các ưu tiên của nó theo cách bao gồm nhất có thể. Chúng tôi tin chắc rằng Giáo hội Hiệp hành là Giáo hội của các Giáo hội địa phương với tầm nhìn về một cuộc đối thoại và sự kết nối hỗ tương giữa Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội cụ thể.

Hơn nữa, với giai đoạn này, chúng tôi dự định khuyến khích việc thiết lập hoặc củng cố mối liên kết giữa các Giáo hội láng giềng (x. Fratelli Tutti số151) bởi vì, trong khi đúng là mối tương quan giữa Giáo hội Hoàn vũ và Giáo hội cụ thể vẫn là nền tảng, thì hiển nhiên là với thời gian, có những động lực, căng thẳng, thách thức và đặc thù lịch sử – văn hóa cụ thể và có thể xác định được ở cấp độ của từng châu lục và khu vực.

Để hiểu rõ hơn tính đặc thù của giai đoạn Châu lục này, điều quan trọng là phải tránh xa tầm nhìn đơn thuần về thời gian và không gian (trước hết, là giai đoạn địa phương, sau đó là giai đoạn châu lục, giai đoạn hoàn vũ, và cuối cùng là giai đoạn triển khai tại địa phương), để áp dụng cách tiếp cận đối thoại hiện có giữa Giáo hội Hoàn vũ và Giáo hội cụ thể (các cộng đồng Kitô giáo riêng lẻ của một lãnh thổ được khoanh vùng, do một giám mục đứng đầu, và “trong đó và từ đó Giáo hội Công giáo duy nhất tồn tại” (CIC 328; Communionis Notio số 7) trong và cùng một tiến trình duy nhất luôn bao gồm toàn thể Dân Chúa, nhưng theo một cách khác.

3. Giai đoạn Châu lục bắt đầu khi nào?

Theo một nghĩa rất tổng quát và chức năng, Giai đoạn Châu lục bắt đầu sau giai đoạn địa phương-quốc gia (chủ yếu bắt đầu vào ngày 17. 10. 2021 và kết thúc vào ngày 15. 8. 2022 vừa qua). Tuy nhiên, người ta hy vọng rằng tiến trình Thượng hội đồng thế giới do Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc vào ngày 9.10.2021 sẽ thể hiện sự liên tục giữa các giai đoạn và sự chuyển động liền mạch từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Không có ngày bắt đầu cụ thể, vì ở một số khu vực, các hoạt động đã được lên kế hoạch trùng với Giai đoạn Châu lục.

Ngoài ra, một số giáo phận và Hội đồng Giám mục đã tuân theo lời khuyên của Tổng Thư ký Thượng Hội đồng để duy trì nhân sự và cơ sở hạ tầng dùng cho việc lắng nghe và phân định trong các giáo phận, và đang thực hiện một số thành quả từ tiến trình lắng nghe đó, chẳng hạn như, sự tham gia nhiều hơn của giáo dân trong các giáo xứ. Giờ đây là lối sống của một Giáo hội Hiệp hành.

Tất cả các Châu lục được khuyến khích đảm bảo rằng họ có sẵn nhân sự và quy trình để lập kế hoạch các bước dẫn đến việc tiến hành hội nghị giáo hội khu vực của mình, sẽ được hoàn thành trước ngày 31.3. 2023.

4. Sau đó sẽ có 5 cuộc gặp gỡ cấp Châu lục?

Không. Mặc dù chúng ta nói về “Giai đoạn Châu lục“, nhưng sự phân chia được đề xuất không hoàn toàn tương ứng với 5 lục địa. Trên thực tế, nên nói về các khu vực địa lý, thường tương ứng với các Cuộc họp Quốc tế của các Hội nghị Giám mục (được gọi bằng các tên khác nhau: Hội đồng, Liên đoàn, Hội nghị chuyên đề …), là các cơ quan giáo hội tập hợp các Hội đồng Giám mục quốc gia (nói chung) của một khu vực địa lý nhất định.

Đối với thượng hội đồng này, việc phân khu được quyết định như sau:

1) Điều đó được thể hiện qua 5 Cuộc họp Quốc tế của các Hội đồng Giám mục (được ghi trong ngoặc đơn), tương ứng với 5 châu lục: Châu Âu (CCEE), Châu Mỹ Latinh và Caribe (CELAM), Châu Phi và Madagascar (SECAM), Châu Á (FABC), và Châu Đại Dương (FCBCO).

2) Bắc Mỹ (Hoa Kỳ + Canada) và Trung Đông (sẽ đặc biệt có ​​sự đóng góp của các Giáo hội Công giáo Đông phương).

5. Mục tiêu của Giai đoạn Châu lục này là gì?

Mục tiêu của giai đoạn Châu lục là làm sâu sắc thêm sự phân định về những gì đã nảy sinh từ giai đoạn lắng nghe cấp địa phương và quốc gia trước đó, với mục đích hình thành các câu hỏi mở chính xác hơn, bao quát và đào sâu hơn các ý tưởng đến từ các Giáo hội địa phương, hiện đang ở trong viễn cảnh Châu lục.

Tài liệu về Giai đoạn Châu lục sẽ giúp phản ánh những gì đã đạt được từ sự tham vấn Dân Chúa tại các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới. Giai đoạn này cũng muốn là một cơ hội để lắng nghe những thực tại bên lề của Giáo hội không được tích hợp trong giai đoạn trước. Giai đoạn này vẫn chưa phải là lúc để đề xuất câu trả lời hoặc quyết định các hướng hành động cần thực hiện.

6. Làm thế nào để giai đoạn này phù hợp với tiến trình Hiệp hành?

Điều quan trọng là phải hiểu rằng tính hiệp hành là cách thức của Giáo hội sơ khai và bao gồm một sự căng thẳng và năng động thuộc về chính căn tính của Giáo hội, nghĩa là về chính sự hiện hữu và hành động của Giáo hội. Là một động lực của đời sống giáo hội, đó là một quá trình vừa học vừa làm. Vì lý do này, tiến trình tái khám phá tính năng động của đời sống Giáo hội, bắt đầu nơi Thượng Hội đồng cụ thể này với giai đoạn cấp giáo phận, thì không, cũng không thể, có một kết thúc, một giới hạn, một thời hạn để đạt được nó hay không.

Tính hiệp hành giống như sự hiệp thông giữa mọi người, đòi hỏi sự đồng ý hàng ngày của những người liên quan. Theo nghĩa này, điều quan trọng cần lưu ý là tiến trình đang diễn ra không kết thúc với giai đoạn cấp giáo phận, với giai đoạn cấp Châu lục, hoặc với việc cử hành Đại hội đồng Giám mục. Những sự kiện này được phối hợp vào một động lực liên tục duy nhất của việc hoán cải theo nguyên tắc hiệp hành của Giáo hội. Mọi người được mời gọi sống theo lời kêu gọi hoán cải hiệp hành mỗi ngày trong kinh nghiệm đức tin của chính mình và tiếp tục công việc cụ thể là lắng nghe – phân định theo hướng dẫn của các mục tử tương ứng của họ.

Một cách cụ thể, như đã đề cập trên đây, giai đoạn Châu lục không phải là một giai đoạn độc lập, mà được dự định là sự tiếp nối giữa việc lắng nghe-phân định ở cấp địa phương-quốc gia (giai đoạn đầu) với việc lắng nghe-phân định của giai đoạn tiếp theo, giai đoạn hoàn vũ, được Thượng Hội đồng Giám mục chỉ định vào tháng 10. 2023.

Mối kết nối này sẽ được đảm bảo bằng cách làm việc từ một tài liệu: Tài liệu cho Giai đoạn Châu lục, trước đây được gọi là Tài liệu làm việc 1 (Instrumentum Laboris 1). Tài liệu này nên được hiểu là một nguồn tài nguyên thực sự, phải tạo điều kiện thuận lợi cho công việc đối thoại, lắng nghe và phân định ở cấp độ Châu lục. Tài liệu này là thành quả của quá trình phân tích giai đoạn trước (giai đoạn địa phương) và sẽ được phát triển từ các bản tổng hợp nhận được từ cấp địa phương.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng Tài liệu về Giai đoạn Châu lục không phải là một tài liệu được sửa đổi, bổ sung hoặc mở rộng theo quan điểm của giai đoạn hoàn vũ, nhưng là một hướng dẫn thực sự cho sự phân định liên tục, hoa trái của việc lắng nghe Dân Chúa.

7. Các cuộc họp cấp Châu lục sẽ diễn ra như thế nào và khi nào? Làm thế nào để từng tín hữu có thể tham gia?

Việc cử hành Giai đoạn Châu lục không chỉ giới hạn ở việc cử hành một sự kiện, nhưng là một tiến trình lắng nghe và phân định thực sự ở cấp lục địa, về cùng một câu hỏi duy nhất của toàn bộ tiến trình Hiệp hành, đó là: Làm thế nào để việc “cùng nhau bước đi” cho phép Giáo hội loan báo Tin Mừng phù hợp với sứ mệnh đã được trao phó cho mình ở các cấp độ khác nhau (từ địa phương đến hoàn vũ); và Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để phát triển như một Giáo Hội hiệp hành? (Tài liệu chuẩn bị, số 2). Sự khác biệt duy nhất nằm ở chỗ tiếp cận câu hỏi này từ góc độ Châu lục, đối với những thách thức đặt ra cho sứ mệnh của Giáo hội trên một lục địa nhất định.

Tiến trình cụ thể này liên quan đến Hội nghị Châu lục bắt đầu với việc công bố Tài liệu về Giai đoạn Châu lục, dự kiến ​​vào cuối tháng 10. 2022. Tài liệu này sẽ được phát hành rộng rãi và được gửi đến tất cả các giám mục trên thế giới. Chúng tôi hy vọng nhiệt thành rằng, sau khi phát hành Tài liệu về Giai đoạn Châu lục, hàng nghìn nhóm địa phương đã được tập hợp cho giai đoạn địa phương cũng sẽ mở rộng suy tư của họ về tài liệu này để tiếp tục đào sâu các tiến trình hiệp hành tại địa phương của họ với sự hướng dẫn của mục tử của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là các đối tượng chính của tiến trình tiền-hội nghị này là những người được xác định để đại diện cho các Giáo hội địa phương tại Hội nghị Châu lục.

Ngoài ra, các nhóm đặc nhiệm cụ thể Châu lục sẽ hoặc đã được thành lập để hướng dẫn lộ trình Hiệp hành tại lục địa của mình. Các nhóm này sẽ được tháp tùng bởi một Lực lượng Đặc nhiệm từ Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, vốn có nhiệm vụ thúc đẩy toàn bộ tiến trình Châu lục và hỗ trợ các Hội nghị Châu lục.

Các Hội nghị Châu lục sẽ diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023. Các đóng góp (thông qua Tài kiện cuối cùng) của 7 quy trình này phải được đệ trình trước ngày 31. 3. 2023.

8. Ai sẽ tham dự các Đại hội Châu lục?

Tất cả các Hội nghị Châu lục phải là Hội nghị Giáo hội (của toàn thể Dân Chúa) chứ không chỉ là Hội nghị Giám mục (chỉ của các giám mục). Do đó, những người tham dự phải đại diện một cách thích hợp cho nhiều thành phần Dân Chúa: giám mục, linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, và nam nữ giáo dân. Đây là một trong những thành quả đầu tiên của tiến trình Hiệp hành đang diễn ra, vì nó phù hợp với mong muốn của đa số các Hội đồng Giám mục được Tổng Thư ký Thượng hội đồng tham khảo ý kiến ​​về chủ đề này.

Tuy nhiên, các giám mục được mời, vào một thời điểm cụ thể, có thể là vào cuối các Hội nghị Châu lục, cùng nhau đọc lại kinh nghiệm hiệp hành được sống khởi đi từ đặc sủng và vai trò cụ thể của họ, nhất là để nhận ra tính xác thực và tự do của cuộc hành trình được thực hiện trước mặt Chúa, thay vì điều chỉnh hoặc thêm vào các chủ đề và lập luận.

Cuối cùng, vì tiếp tục công việc lắng nghe và phân định từ giai đoạn địa phương, các Hội nghị Châu lục là cơ hội tốt để lắng nghe những người hoặc nhóm có thể đã bị loại trừ trong giai đoạn trước, bao gồm cả những người sống trong điều kiện nghèo đói, và bị gạt ra bên lề xã hội (hoặc những người có liên hệ trực tiếp với họ), là những người chưa được lắng nghe trong giai đoạn địa phương.

Chúng tôi cũng hy vọng có sự tham gia của các đại biểu huynh đệ từ các giáo hội Kitô khác, và đại diện của các tôn giáo và truyền thống đức tin khác, cũng như những người không thuộc tôn giáo nào nhưng nhận thức được tầm quan trọng của việc “cùng nhau bước đi” đối với xã hội của chúng ta. Các nhóm công tác ở Châu lục có thể tìm ra những cách khác nhau để đảm bảo sự tham gia rộng rãi của Dân Chúa tùy theo thực tế và khả năng cụ thể của họ, nhưng luôn ghi nhớ mong muốn đại diện rộng rãi về sự đa dạng của Giáo hội trong các Hội nghị này.

9. Chúng ta nói nhiều đến các Hội đồng Giám mục và các Cuộc họp Quốc tế của các Hội đồng Giám mục, nhưng vai trò của các Dòng tu, Hiệp hội và Phong trào có cấp Châu lục hoặc cơ quan cấp Châu lục là gì?

Tại thời điểm này của tiến trình Thượng Hội đồng, một số người trong số họ đã tham gia vào việc thực hiện nội bộ thành quả của thời gian lắng nghe và phân định của giai đoạn trước. Đối với các Hội nghị Châu lục, chúng tôi yêu cầu các Giáo hội địa phương đưa một số họ vào các phái đoàn tương ứng của họ.

10. Điều gì sẽ xảy ra vào cuối Giai đoạn Châu lục?

Giai đoạn Châu lục sẽ kết thúc ở mỗi “lục địa” với việc cử hành các Hội nghị Châu lục và soạn thảo Tài liệu Cuối cùng về Giai đoạn Châu lục. Tài liệu này phải là thành quả của một lộ trình hiệp hành đích thực, tôn trọng tiến trình hiệp hành thực sự được thực hiện, do đó phản ánh tiếng nói của Dân Chúa trong Châu lục. Những hướng dẫn cụ thể hơn về cách cấu trúc tài liệu này sẽ được cung cấp cùng với Tài liệu về Giai đoạn Châu lục.

Trước ngày 31. 3. 2023, 7 Tài liệu Châu lục sẽ được gửi tới Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng và sẽ là cơ sở của cho Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris).

Sự kết thúc của giai đoạn Châu lục không có nghĩa là sự kết thúc của tiến trình hiệp hành của Dân Chúa, vốn đã bắt đầu với sự tham vấn của giai đoạn địa phương. Do đó, cuộc hành trình cùng nhau của chúng ta có thể trở thành nền tảng của việc chúng ta tham gia vào Giáo hội với tư cách là Dân Chúa.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: www.synod.va