Đôi dòng suy tư về sống hiệp hành trong thực tế

08/05/2022

Chủ đề Hiệp hành của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI dường như đang được hưởng ứng và thực hiện khá nghiêm túc và sinh động nơi một số các giáo xứ cũng như các dòng tu trong giáo hội địa phương chúng ta. Về mặt hình thức mà nói, chỉ cần vị mục tử có lòng thao thức thăng tiến đời sống giáo xứ bằng cách tạo điều kiện quy tụ giáo dân, cho họ có cơ hội được đóng góp ý kiến và sẵn sàng lắng nghe họ thì họ tham gia rất tích cực. Theo lời chia sẻ của các thành viên Ban Linh Hoạt trong cuộc họp ngày 03/05/2022 vừa qua, trong các giờ hiệp hành tại giáo xứ, người giáo dân rất thẳng thắn và chân thành góp ý về Giáo hội, về các vị chủ chăn và về cơ cấu tổ chức trong giáo xứ. Thiết nghĩ, tiến trình hiệp hành phải là cơ hội để thăng tiến đời sống Giáo hội và việc loan báo Tin Mừng, nếu Giáo hội địa phương biết lắng nghe và phân định từ ý kiến đóng góp của họ.  Nếu không, tiến trình hiệp hành lại chỉ dừng ở hình thức, ở các bản báo cáo, phúc trình mà thôi! Vì vậy, qua các khoá học hiệp hành tại Hội dòng, các vị thuyết trình viên vẫn luôn nhắc nhở chị em: Hiệp hành không chỉ là chủ đề để học hỏi nhưng là một Bài Thực hành.

Ban Linh Hoạt TGP Huế (từ trái qua phải): Ông Phêrô Đặng Văn Hoàng, Cha Antôn Huỳnh Đầy, Bà M. Mađalêna Đỗ Thị Lợi, Cha Giuse Hồ Thứ, Cha Đaminh Phan Hưng, Nữ tu Anna Nguyễn Bảo Uyên, Nữ tu Anna Nguyễn Đoàn Đan Thùy, Nữ tu Terêxa Phan Diệu Trinh, Ông Phanxicô Assisi Phạm Ngọc Tăng (vắng mặt).

Là một tu sĩ, khi tham gia những buổi học hỏi về chủ đề hiệp hành cũng như đồng hành với chị em trong những giờ hiệp hành, tôi càng suy nghĩ hơn về tính thực hành của chủ đề này. Làm sao để chủ đề hiệp hành là dịp để những người được Chúa trao chức vụ chăm sóc đoàn chiên Chúa, những người môn đệ Chúa Kitô, như các linh mục, tu sĩ, cùng suy tư, nhìn lại hành trình đã qua trong việc đồng hành với Dân Chúa? Làm sao để mỗi cá nhân phải tự hỏi: Đời sống, sự hiện diện, cách thức thi hành mục vụ của tôi có thật sự “biểu lộ và thực hành cách hiệu quả bản chất của Giáo hội với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo” (PD, 1)? Thế nào là hiệp hành thực sự trên hành trình lữ hành mà không một ai bị bỏ rơi? 

Tiến trình hiệp hành với 3 chiều kích: Hiệp thông – Tham gia – và Sứ vụ làm nổi bật chiều kích truyền giáo hoặc tái truyền giáo. Nó cho thấy “mục đích của tiến trình này là giúp Hội thánh dấn thân làm chứng cho Tin mừng…đặc biệt đối với những người sống ngoài vùng ngoại vi của thế giới” (x. Tài liệu chuẩn bị & Cẩm nang Hiệp hành, tr. 53). Đức Thánh Cha Phanxicô luôn thao thức về điều này và mời gọi Hội thánh phải “đi ra” đến những vùng ngoại vi, Ngài nói, “Hội thánh phải là một cộng đoàn loan báo tin mừng bằng cách mạnh dạn tiến bước với những sáng kiến đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã,  đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề …Chúng ta hãy thử cố gắng hơn một chút để đi bước trước và dấn thân…” (NVTM, 24). 

Lời mời gọi của Ngài thật sự chất vấn tôi: Ai đang là những “con chiên lạc”, những người sống ngoài vùng ngoại vi của đời sống tôi? Tôi có thật sự mạnh dạn đến với họ hay nói về Chúa cho họ? Là một tu sĩ, qua đặc sủng truyền giáo cho lương dân, tôi cũng như chị em trong Hội dòng luôn ý thức về ơn gọi của mình là: Đến với lương dân, kể cả những người công giáo ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin, lìa bỏ Giáo hội vì nhiều lý do. Như mục tiêu của giai đoạn hiệp hành cấp giáo phận đề ra, là “thỉnh ý Dân Chúa để tiến trình hiệp hành được thực hiện qua việc lắng nghe mọi người đã chịu phép rửa (x. Tài liệu chuẩn bị & Cẩm nang Hiệp hành, tr. 58), tôi thật sự trăn trở cùng Hội dòng cũng như Giáo Hội địa phương về tình cảnh của những người công giáo đang “bị bỏ rơi” trong Giáo phận nhà mà họ thường được gọi là những người rối đạo, bỏ đạo, lơ là đạo.

Một buổi sinh hoạt của Ban Linh Hoạt TGP Huế (Tòa TGM Huế, ngày 03.05.2022)

Qua kinh nghiệm thăm viếng, đồng hành trực tiếp của cá nhân cũng như của chị em trong Dòng đối với những thành phần “bị bỏ rơi” này, tôi nhận thấy rằng tính hiệp hành sẽ không thực tế khi những người mục tử (linh mục, tu sĩ) không quan tân, thường xuyên trực tiếp viếng thăm và chân thành lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, hoàn cảnh, lý do dẫn đến việc họ “phải” lìa bỏ Giáo hội, bỏ đức tin. Thật vậy, để chữa lành tâm hồn và đem họ hiệp thông với Giáo hội thì bổn phận hàng đầu của người mục tử là tìm hiều biết họ đang trong tình trạng như thế nào. Trong thực tế, khi thăm viếng những “con chiên lạc” này, chị em chúng tôi nhận thấy có nhiều lý do làm cho người ta bỏ đức tin, lơ là đạo; ví dụ, do thời cuộc, chiến tranh loạn lạc, theo đạo ông Diệm (đạo gạo), vì chức quyền, địa vị và cơm áo. Tuy nhiên, có những lý do mà chính những người mục tử và cả Kitô hữu chúng ta cũng cần phải phản tỉnh và ngẫm nghĩ lại, đó là khi đức tin của họ chưa sâu, hoặc chỉ vì họ là người tân tòng nhưng lại không được lưu tâm nuôi dưỡng đức tin sau khi chịu phép rửa, hoặc họ trong tình trạng rối đạo do hoàn cảnh, do không hiểu biết luật Giáo hội nhưng lại không được cảm thông và quan tâm dạy dỗ về giáo lý; bên cạnh đó, khi họ đến nhà thờ thì lại bị dèm pha, loại trừ bởi người cùng đạo; hơn nữa, lại nghe những chuyện không tốt về người công giáo, thấy sự bất hoà, chia rẽ trong giáo xứ, thiếu chứng tá của người mục tử. Từ đó, họ bất mãn, chê bai đạo và rồi lìa bỏ đức tin luôn.

Dù là bất cứ lý do nào khiến họ xa rời Giáo Hội, những thành phần “yếu đuối” “dễ bị tổn thương” này rất cần sự đồng hành thường xuyên, gần gũi và thấu hiểu của những người mục tử. Hơn nữa, lý do khiến họ xa lìa Giáo hội một phần cũng là do sự thiếu chứng tá trong đời sống của những người công giáo chúng ta. Thật sự, khi tiếp xúc và nghe họ tâm sự, thậm chí là trách móc nặng lời về hàng giáo sĩ, chúng tôi vẫn nhận thấy rằng trong thâm tâm những con người này vẫn còn đó ước ao trở về với Chúa, với Giáo hội, nên một với đàn chiên, trở về với cội nguồn, được hiệp thông với Giáo hội qua Thánh Lễ, nhưng trong họ vẫn còn bị cản trở bởi nhiều nỗi sợ hoặc những vết thương lòng mà họ chưa thể vượt qua được…

Đó là đôi chút kinh nghiệm thực tế trong sứ mạng thăm viếng của các chị em trong Hội dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng đối với những “con chiên lạc” của Giáo Hội địa phương trong hiện tại. Để kết thúc khoảnh khắc suy tư này, tôi xin nêu lại thao thức của Đức Thánh Cha Phanxicô, về tính thực hành của chủ đề hiệp hành, đó là: Thực thi hiệp hành trong thực tế (x. Tài liệu chuẩn bị & Cẩm nang, tr. 61). Thao thức này cũng là lời mời gọi, nhắn nhủ tha thiết của Ngài đối với các Giáo Hội địa phương trong hành trình hiệp hành với anh chị em vùng ngoại vi của tâm linh rằng: “Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu. Cộng đoàn này cũng quen với việc kiên nhẫn chờ đợi và sự chịu đựng tông đồ. Loan báo Tin Mừng phần lớn hệ tại sự kiên nhẫn và không quan tâm tới áp lực của thời gian…Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng luôn luôn để tâm tới kết quả, vì Chúa muốn nó sinh hoa kết quả. Nó chăm sóc hạt giống và không mất kiên nhẫn với cỏ dại. Người gieo giống khi thấy cỏ dại mọc lên giữa hạt giống thì không càu nhàu hay phản ứng thái quá. Họ tìm cách để cho Lời được nhập thể trong một hoàn cảnh nhất định và phát sinh những hoa quả của đời sống mới, dù những kết quả này có vẻ chưa hoàn hảo hay đầy đủ.” (x. NVTM, 24).

Sr. Têrêsa Phan Diệu Trinh

Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế