Vấn đề giáo sĩ trị trong dịp này được nhiều người quan tâm, chia sẻ, góp ý. Đa phần là mong muốn có sự thay đổi nơi các ngài. Cũng phải thôi, một giáo sĩ sẽ mãi dễ thương, thân tình khi vẫn giữ được nếp sống của một chủng sinh đầy khao khát dâng hiến, phấn đấu hy sinh, chuyên cần trong công việc và luôn lắng nghe mọi ý kiến từ cộng đoàn để hoàn thiện bản thân.
Điều cần phải nói đến ở đây, đó chính là trách nhiệm liên đới của giáo dân với hàng giáo sĩ, cụ thể và gần gũi là các Linh mục đang trông coi các xứ đạo. Ngoài những việc tích cực là cầu nguyện, cảm thông và nâng đỡ các ngài, cũng không thể bỏ qua những suy nghĩ và hành vi của giáo dân đã góp phần vào tình trạng giáo sĩ trị này. Xin điểm qua một số nét đặc trưng:
– Đề cao quá đáng khả năng của các ngài, chuyện gì các ngài nói cũng cho là đúng, là phải, kể cả những chuyện ngoài chuyên môn. Hệ quả của sự nịnh hót, lấy lòng, dẫn các ngài đi xa quá mà lạc lối không hay. Việc này dẫn đến tự mãn.
Khi có chuyện cần góp ý với các ngài thì xì xào đẩy đưa, không nên tiếng vì sợ liên lụy. Mà có ai mạnh dạn lên tiếng thì lại ra vẻ bênh vực các ngài, thậm chí chống lại người đã lên tiếng. Chủ đích là lấy lòng các ngài (được lòng cha là được lòng Chúa).
– Mau mắn nhận việc nơi các ngài giao nhưng lại tìm cách đẩy đưa qua cho người khác, hoặc chỉ làm khi có mặt của các ngài. Nếu có sai sót thì đổ lỗi cho người khác, làm các ngài không biết rõ sự việc, dẫn đến khiển trách, la rầy sai người, sai việc.
– Thông tin đưa đến cho các ngài được thêm nếm, khéo léo đẩy đưa theo chủ kiến của mình và vừa ý của các ngài. Như thế sao tránh khỏi chủ quan.
– Chiều ý, làm giúp những công việc cá nhân của các ngài cách quá mức cần thiết. Tạo ra sự ỉ lại và tâm lý kẻ trên người trước.
– Các gia đình không chu toàn trách nhiệm của mình, đặc biệt nơi con cái và những người trẻ trong việc học giáo lý, kinh nguyện để lãnh nhận các bí tích. Đến khi cần thì nài nỉ than van khiến các ngài rất khó xử. Đã vậy, nếu xin không được thì xiên xỏ đủ điều. Với trách nhiệm được trao phó thì chuyện la rầy là khó tránh khỏi.
– Không quan tâm để ý đến giờ giấc sinh hoạt của các ngài, để rồi có những chuyện không thật cần kíp cũng làm phiền các ngài. Khó chịu hay bực bội cũng là chuyện dễ hiểu thôi.
– Một điểm tế nhị liên quan đến các quí chức. Đó là danh xưng chức vị trong cộng đoàn. Đúng ra chỉ xưng hô chức vị khi giao tiếp, làm việc với những quí chức đang đương nhiệm, còn khi đã mãn nhiệm thì chỉ giới thiệu sơ giao thôi, đâu thể gọi mãn đời được. Đây là dư âm của chứng thích danh nơi đình làng xưa kia. Và như thế, nếu không gọi, không mời đúng theo danh xưng của vị ấy, thì sẽ gặp phiền phức to. Đương nhiên các giáo sĩ cũng phải gọi theo, nhưng sơ ý một cái là bị đánh giá liền. Điểm này cần thay đổi nơi quí chức những khóa HĐMVGX sau này với qui chế rõ ràng.
– V.v…
Cùng đi theo Chúa, có Chúa cùng đi, hãy có Chúa trong ta chứ không phải chỉ là có chức, có vị. Sẽ đẹp biết bao khi mỗi thành phần dân Chúa trong khi HIỆP HÀNH, làm việc với hết khả năng trong vị trí của mình, nhưng lại sống như khi khởi đầu ơn gọi của mỗi người.
Vincente Nguyễn Văn Thu
Giáo xứ Chi Lăng, Giáo hạt Châu Đốc, Giáo phận Long Xuyên
Nguồn: hdgmvietnam.com