Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 1 – Chương 5

29/07/2019

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

*****************

CHƯƠNG NĂM

THÁNH ĐỊA LA VANG – MỘT THẾ KỶ IM HƠI LẶNG TIẾNG

A. LA VANG THỜI THANH BÌNH

I. LA VANG THỜI ĐỨC CHA GIOAN LABARTETTE

Cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn khiến giao thông thủy bộ bị phong tỏa, ba miến Bắc (Huế), Đông (Qui Nhơn), Tây (Sài Gòn) của Địa phận Đàng Trong không liên lạc được nhau.

May mắn, một số thừa sai lọt được ra vùng Bắc địa phận – Giáo phận Huế sau này, trong số đó có thừa sai Gioan Labartette.

Năm 1784, thừa sai Gioan Labartette được sắc phong Giám mục, nhưng do không có Giám mục chủ phong nên mãi tới năm 1793 ngài mới được tấn phong tại Đàng Ngoài.

Năm ấy vua Quang Trung mới qua đời, vua Cảnh Thịnh kế vị hăm he bắt đạo, nên Đức cha và các thừa sai phải lẩn trốn ở vùng Dinh Cát, Đất Đỏ – Quảng Trị. Trong cuộc bắt đạo tháng 8-1798, các ngài phải một phen lao đao, nhưng vẫn bám địa bàn truyền giáo.

Vậy có thể nói Đức cha Gioan Labartette là vị lãnh đạo giáo phận gần gũi nhất với sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Thế mà trong suốt 25 năm, từ 1798 đến 1823, sau biến cố, Đức cha viết nhiều thư liên lạc về Hội Thừa sai Paris, và cả thư cho thân nhân, bè bạn, ngài không hề đả động gì tới sự kiện trọng đại này. Tại sao vậy?

Có thể giải thích theo 3 nguyên nhân:

1. Nguyên nhân một:

“Điều ấy không lạ gì vì bấy giờ Đức Mẹ chỉ hiện ra cho một ít người tị nạn ở chỗ rừng xanh và không truyền dạy việc gì cần thiết”(1). Sứ điệp La Vang của Đức Mẹ chỉ là sứ điệp Cậy, Tin, Phú thác, Hy vọng; an ủi giáo dân cam lòng chịu khổ, dạy hái lá quanh đó nấu uống để trừ các bệnh tật… Mẹ không dạy điều gì liên quan đến các vị lãnh đạo giáo phận. Vả lại, với những giáo dân bình thường, họ ít có cơ hội gặp Giám mục. Có chăng, chỉ gặp và nói lại với các linh mục mà thôi.

2. Nguyên nhân hai:

Thông thường, với một biến cố lạ, một biến cố liên quan đến tín lý Công giáo, các Đức Giám mục buộc lòng phải thận trọng. Đức cha có thể ghi nhận, nhưng thấy chưa cần thiết phải báo cáo về Hội hay về Tòa Thánh. Bởi vì, hơn ai hết, ngài biết, ngài không thể công khai thừa nhận một sự việc mà ngài khó có thể điều tra kỹ lưỡng để có bằng chứng xác thực.

Việc này cũng thường xảy ra đối với các sự kiện tương tự ở những nơi khác: Đức Bà Ba Bông Lúa (1491, Đức Mẹ hiện ra với người thợ rèn Thierry Schoeré ở Alsace, Pháp); Đức Bà Các Ơn (1519, Đức Mẹ hiện ra với người tiều phu ở Provence, Pháp); Đức Bà Gadalupê (1531, Đức Mẹ hiện ra với người thổ dân Jean Diego ở Têpeyac, Mêhicô)…

3. Nguyên nhân ba:

Cũng có thể Đức cha Gioan Labartette có để lại bút tích về sự kiện Đức Mẹ La Vang tại văn khố địa phận. Nhưng văn khố địa phận đã bị thiêu hủy hoàn toàn vào các năm 1861 tại Kẻ Sen trong chiến dịch phân sáp thời Tự Đức, mặc dù Đức cha Sohier đã cẩn thận truyền cho vào một lu lớn, bí mật đưa từ Di Loan ra Kẻ Sen chôn xuống đất. Chẳng may bị kẻ xấu tìm của, đào lên đốt sạch…

Gần đây, linh mục Tiến Lãng – CSsR, đã cố gắng tra cứu tại văn khố Hội Thừa sai Paris, và đã tìm thấy bốn tài liệu liên quan đến lòng sùng kính Đức Mẹ của người giáo hữu Dinh Cát, nhưng hầu như chẳng liên quan gì tới truyền thuyết La Vang(2):

+ Bức thư của Đức cha Gioan Labartette gởi về Paris và Rôma, đề ngày 12-10-1800. Theo đó, vị Đại diện Tông tòa có thuật lại câu chuyện xảy ra trước đó hai năm rưỡi, nghĩa là vào khoảng tháng 5-1798, thời khởi sự cấm đạo:

Một giáo hữu có học vấn bị bắt và bị đưa ra hạch hỏi trước tòa: Tại sao không lạy xác khi cha mẹ qua đời? Người ấy đã không trả lời gãy gọn được nên bị các quan tòa lăng nhục thậm tệ. Nhân cuộc lùng xét, quan quân vừa lấy về được một bức ảnh Đức Mẹ rất đẹp, quan tòa bắt người kia đạp ảnh, nhưng người ấy cương quyết từ chối. Quan sai lính đem bức ảnh ra ngoài sân, làm ô uế tấm ảnh rồi đem áp vào mặt mũi, tóc tai người có đạo kia.

Đấy! Một hình ảnh người giáo dân Dinh Cát can đảm tỏ lòng tôn kính ảnh Mẹ, vào thời điểm khởi đầu sự kiện La Vang.

+ Bản thỉnh nguyện thư của Đức cha Gioan Labartette đệ trình lên ĐTC Piô VII vào năm 1806. Trong bản đệ trình này, vị Giám mục xin được quyền thành lập trong các miền của giáo phận “Hội Tôn sùng vĩnh viễn Đức Trinh Nữ Maria” (Associatio ad Beatal Mariae Virginis cultum perpetuum), với đầy đủ các đặc quyền và ân xá như hội mới thành lập và chuẩn y tại Toscana, Ý.

Theo linh mục Tiến Lãng, sự lạ La Vang chỉ mới xảy ra cách đó tám năm nên ta có thể đặt câu hỏi: giữa hai chuyện chỉ có sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có hàm ẩn một liên hệ nào chăng?

+ Năm 1809, thừa sai Jean Joseph Audemar (sau là Giám mục phó), trong thư gởi về Rôma đề ngày 9-4-1809 đã viết: “Cho tôi mạn phép xin được cung cấp những tấm ảnh nhỏ để cho các hội viên. Hiệp hội hay Hội Đức Bà Phù Hộ (Notre Dame Auxiliatrice). Tôi cần vài ngàn tấm ảnh. Ở bên đây, trong vòng có gần hai tháng mà chúng tôi đã nhận được hơn 200 người xin gia nhập Hội Đức Bà”.

Có liên quan gì chăng, như ta sẽ thấy sau này: Đền thờ La Vang (nhà thờ ngói cổ) được khánh thành với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”?

+ Hai năm sau, trong một bức thư khác, viết từ Di Loan, Quảng Trị đề ngày 28-4-1811 gởi về Paris, thừa sai Audemar lại yêu cầu: “Vậy nếu được, xin cung cấp cho tôi ba hay bốn ngàn ảnh tượng Chúa chịu đóng đinh hay ảnh Đức Mẹ bồng Hài Nhi trên tay. Tôi ao ước nhất là nhận được thật nhiều ảnh đeo với hình ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Nhi trên tay”.

Những chứng từ trên đây cho thấy, vào thập niên đầu của thể kỷ XIX, tại Giáo phận Đàng Trong nói chung, tại Dinh Cát nói riêng, giáo dân đã hết lòng sùng kính Đức Mẹ Maria, nhất là dưới tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”.

Tuy nhiên, vẫn chưa đủ cơ sở để chứng minh rằng sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1798 đã được “truyền thơ”. Ngược lại, trong vòng một trăm năm, truyền thuyết La Vang vẫn chỉ là câu chuyện truyền khẩu mà thôi:

“Qua đời Gia Long, mấy giáo hữu đã được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra tại La Vang chỉ biết kể lại sự lạ đó với những người chung quanh thôi, dần dần câu chuyện lạ ấy được truyền từ miệng này qua miệng khác khắp các họ đạo xứ Dinh Cát, rồi truyền tụng cho tới ngày nay”(3).

Nhưng họ đã truyền miệng với nhau chuyện gì? Tất nhiên là họ kể cho nhau nghe câu chuyện thần kỳ về “Truyền thuyết La Vang”, mà nội dung cho tới ngày nay vẫn được tôn trọng, hoàn toàn được tôn trọng. Lồng trong câu chuyện truyền thuyết là những câu chuyện bên lề truyền thuyết. Và chính những câu chuyện “bên lề” này đã làm cho truyền thuyết gần hơn, thực tế hơn. Tiếc rằng những câu chuyện bên lề không nhiều nên không minh họa sắc nét cho truyền thuyết. Chung quy, minh họa cho truyền thuyết La Vang, theo Vãn La Vang, chỉ có 3 câu chuyện: 1/ Sự tích ngôi chùa tranh; 2/ Sự tích mụ bán vải; 3/ Tập quán hái lá vườn Mẹ.              

II. CÂU CHUYỆN BÊN LỀ TRUYỀN THUYẾT

1. Sự tích ngôi chùa tranh – Nhà thờ tranh La Vang đầu tiên

La Vang thời Gia Long là đất hoang nhàn, mộ địa thuộc làng Cổ Vưu, nhưng vì bấy giờ La Vang là chốn rừng thiêng nước độc, người làng Cổ Vưu ít lên khai thác. Vì vậy dân nghèo các làng lân cận như Thạch Hãn, Ba Trừ, Cổ Thành thường đến đó làm rú.

Truyền khẩu về Đức Mẹ hiện ra tại La Vang khiến những người lương đi rú bán tín bán nghi. Vốn là người chân quê, kính trọng thần linh, theo họ, Bà “hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần” mà người bên giáo gọi là Đức Mẹ ấy biết đâu lại là Phật Bà Quan Âm, Bà Tiên, Bà Thánh, Bà Chúa của bên lương. Nếu có lòng thành kính thì thần linh sẽ phù trì cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, được mùa sắn, khoai… Nghĩ rồi họ họp nhau đắp một nền đất ngay dưới gốc cây đa đại thụ, nơi người đi rú đang xôn xao bàn tán chuyện Đức Mẹ hiện ra. Xong nền đất, họ dùng tre, gỗ làm hàng rào, bảo vệ nơi tôn nghiêm khỏi gia súc, muông thú vào phá hoại.

Xin đọc Vãn La Vang:

Bên lương chức dịch rộn ràng,

Đắp nền thờ vọng rào hàng sơ ly.

Chốn này linh ứng oai nghi,

Ngoại mình khấn vái điều gì cũng linh.

Dân thôn chớ khá nại tình,

Công lao khó nhọc thần linh phù trì.

Qua đây thì phải kiêng vì,

Chốn này linh ứng nhiều khi lạ lùng.

Những ai vào chốn sơn trung,

Hễ khi đến đó nguyện cùng được an.

Những người mót củi đốt than

Cũng đều đến đó kêu van khẩn nài… (4)

Vào khoảng đầu đời Minh Mạng (1820), ba làng Thạch Hãn, Cổ Thành, Ba Trừ làm một ngôi chùa tranh trên nền đất đã đắp trước đó. Sự việc này là chuyện bình thường ở nông thôn Việt Nam vốn kính trọng thần linh. Nhưng, cũng theo Vãn La Vang, chỗ không bình thường là những người lớn tuổi bên lương lý sự với nhau rằng “Bà hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần ấy là của bên lương ta mà bên giáo dành đi đó!” Từ sự đố kỵ này họ ra sức, vội vã “bứt tranh đốn gỗ”, “để mai làm chùa”:

Dân ta chớ khá công nài,

Bứt tranh đốn gỗ để mai làm chùa.

Làm rồi khi ấy đi mua

Hương đèn lễ vật dọn chùa sửa sang.

Dọn ra Thần Phật hai hàng,

Lư hương bát nước nghiêm trang đề huề.

Làm rồi chức dịch mới về… (5)

Dựng chùa xong, về nhà, ngay đêm ấy các vị chức dịch của cả ba làng nằm mơ, cùng giấc mơ thấy “Bà bên đạo”, “phép cao”, quăng lư hương bát nước, tượng thờ ra ngoài. Rạng sáng, họ gặp nhau, kể chuyện mộng mị, kéo nhau ra chùa xem sự thể thì hỡi ơi, cảnh bát rơi, tượng bể… như có ai đó vừa vào chùa đập phá lung tung.

Xin đọc Vãn La Vang:

Về nhà nghỉ giấc canh thâu,

Tự nhiên mộng mị chiêm bao rập ràng.

Trên chùa Thần Phật rộn ràng,

Về bắt chức dịch mấy làng xôn xao.

Rằng Phật, rằng Thần lao đao,

Có Bà bên đạo phép cao lạ lùng.

Bà vào Bà đánh tứ tung,

Bao nhiêu Thần Phật đều tung ra ngoài.

Tiếng Bà thật đã linh oai,

Lư hương, bát nước, đền đài đều hư.

Chức làng thức dậy lao lư,

Hỏi nhau coi thử cũng như một điềm.

Sáng mai chức việc đi liền,

Kêu nhau coi thử sự thiềng ra sao.

Xét coi trong việc chiêm bao,

Hoặc hư, hoặc thiệt thể nào cho yên.

Kéo nhau ra tới ngoại viên,

Thấy ngôi Thần Phật ngả nghiêng ngoài đường.

Kêu nhau khi ấy rộn ràng,

Kẻ khiêng người vác về làng cho mau.

Tưởng rằng Thần Phật linh mầu,

Đem về cúng tế bấy lâu nay tròn.

Không hay Phật giả yêu ngôn,

Tiếc vàng quang thiếp, tiếc son, tiếc dầu.

Linh Bà Người hóa phép mầu,

Thôi thôi ta phải chạy mau về làng.

Cùng nhau bàn bạc rộn ràng,

Chùa này để cúng về đàng đạo nhơn.

Gỡ đi thì sợ người hờn,

Phá không dám phá, thiệt hơn thế nào?

Tiếc công dân sự lao đao,

Ăn làm ba tháng lại hao của tiền!

Bây giờ Phật ở không yên,

Lo làm nơi khác, tiêu miền xứ Ran… (6)

Sau biến cố lạ lùng trên, chức dịch ba làng đồng thuận nhượng cúng ngôi chùa tranh cho bên đạo. Các chức dịch cử người xuống Thạch Hàn(7), Quảng Trị tìm “ông đạo cựu” (hay “ông chức” – chỉ ông chức việc họ –  nay là quý chức trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ) để trình bày thiện chí việc bàn giao có một không hai trong lịch sử tôn giáo này:

Sai người xuống dưới Thạch Hàn,

Tìm ông đạo cựu hỏi han một lời.

Ông chức nghe tiếng làng mời,

Tức thì vội vã gót dời ra đi.

Tới nơi hiệp mặt một khi,

Thuật ra mọi sự vân vi cho tường.

Chốn này linh ứng phi thường,

Chúng tôi xin cúng về đường đạo ông.

Chùa tranh một cái đã xong,

Vườn thời một bức, trong vòng một nơi.

Bên ông gìn giữ cho Người

Để lo vun quén tày bồi cây đa.

Chốn này là chốn Chúa Bà,

Cho nên Thần Phật, quỷ ma kiêng dè.

Ông chức khi ấy liền nghe,

Về thưa bổn sở cũng y mấy lời.

Bổn sở nghe nói liền cười

Chúa Bà hóa phép ngoại người mới tin.

Sai người lên ở giữ gìn

Để lo kinh nguyện, dầu đèn hôm mai… (8).

Ở đây, cần ghi nhận tấm lòng thành kính quý hóa của các chức dịch bên lương. Từ tấm lòng của họ, ngôi nhà thờ tranh La Vang đầu tiên ra đời.

Sau khi bàn giao, “ông đạo cựu” vội vàng tìm gặp cha bổn sở trình bày sự việc để ngài quyết định. Nhưng cha bổn sở Thạch Hàn bấy giờ là ai?

Đầu thế kỷ XIX, thời Đức cha Gioan Labartette, các thừa sai, linh mục còn ít, chưa có hệ thống hành chánh  giáo xứ tách bạch như sau này, nhưng riêng vùng Dinh Cát thì mạng lưới họ đạo đã hình thành rõ nét. Theo đó, “cha … Nguyễn Ngọc Đàng (?… trước 1828…?), sinh tại Phủ Việt… Ngài đã ở Dinh Cát một thời gian. Trong cuộc họp năm 1828 tại Mỹ Hương(9) ngài có mặt trong 3 cha (Chỉnh, Đàng, Hòa)(10).

Vậy linh mục được “ông đạo cựu” phúc trình sự việc ngôi chùa tranh – ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ nhất phải chăng là linh mục Nguyễn Ngọc Đàng? Nếu đúng vậy thì chắc chắn linh mục Đàng ít nhiều phải biết sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, cả sự kiện bàn giao ngôi chùa tranh, và cả sự tích Mụ bán vải sau này nữa.

Tiếc rằng, sau đó không bao lâu, Giáo hội Việt Nam nói chung, Giáo phận Huế nói riêng bị dập vùi trong bão táp Minh Mạng, việc cấp bách của các vị chủ chăn không phải là “chuyện sự tích” mà là việc làm thế nào để bảo vệ đàn chiên khỏi nanh hùm, vuốt hổ.

Linh mục Nguyễn Ngọc Đàng lánh nạn vào phía Nam địa phận và qua đời trong đó.

2. Sự tích mụ bán vải

Chùa tranh, nhà tranh, nhà thờ tranh dẫu làm chắc, lợp kỹ thì tuổi thọ cũng chỉ bảy, tám năm, nhà thờ tranh La Vang hết tuổi thọ trống huơ, trống hoác. Giáo dân thì ít, đa số lại sống bằng nghề đi rú (đốn củi, đốt than, bẫy thú, nương rẫy…), nghèo. Họ có khả năng bứt tranh, chặt tre sửa sơ lại nhà thờ, nhưng nếu phải đại tu một công trình mà trước đó “cả 3 làng Thạch Hãn, Ba Trừ, Cổ Thành góp sức trong 3 tháng mới xong” thì quả là chuyện ngoài khả năng của họ. Vả lại sửa sang xong còn phải lo trang hoàng bên trong, khăn bàn, màn treo, cờ, liễn đủ thứ… lấy đâu ra?

Đau lòng trước cảnh nhà thờ “bốn bề trống trải”, “mưa tạt gió lồng”, “màn mùng cũng không”… Người giữ nhà thờ (ông từ) chỉ còn cách về tỉnh thành Quảng Trị thưa lại với cha sở để ngài lo liệu.

Chùa tranh mưa tạt gió lồng,

Bốn bề trống trải màn mùng cũng không.

Ông từ ái ngại trong lòng,

Về thưa bổn sở để hòng tính phương (11).

Nhưng chuyến đi có lẽ không thành công. Bấy giờ tài chánh eo hẹp, các cha không đủ sức bao biện. Có chăng cũng chỉ là những lời an ủi, khích lệ ông từ về nói bổn đạo cứ chờ…

TRANH VẼ SỰ TÍCH MỤ BÁN VẢI

(Nguồn: Đức Mẹ La Vang 200 năm. Lm Nguyễn Tự Do)

Hôm sau, mới từ Quảng Trị lên, ông từ gặp mụ bán vải đến đòi tiền. Tiền gì? Tiền có người mua vải hôm qua! Lời qua tiếng lại, ông từ quyết một là hôm qua trong nhà thờ La Vang này không có ai cả. Ông là người duy nhất lo việc trông coi nhà thờ, mà suốt ngày hôm qua ông về Quảng Trị gặp cha sở, lấy ai vô đây mua vải?

Mụ bán vải nói theo lý của mụ, hôm qua không phải ông mua vải, mà có một người đàn bà gọi mua. Ông từ đâm lo trong bụng! Người đàn bà là ai? Phải chăng có người lừa gạt? Ai chơi ác lợi dụng lúc ông đi vắng gọi mua vải, bắt ông trả tiền? Mà chuyện này ở quê chưa hề xảy ra bao giờ. Dân quê người nào cũng chơn chất, nghèo nhưng tốt bụng. Vậy ai?

Mụ bán vải cứ sự tình mà nói, mụ chỉ vào trong nhà, chỉ cái rương, cho biết hôm qua người đàn bà mua 5 cây vải, bỏ vào rương, hẹn hôm nay ghé lại lấy tiền. Ông không tin cứ mở rương ra xem.

Chẳng còn cách nào khác, ông từ lúng túng mở rương. Ôi thôi! Rõ ràng 5 cây vải trong rương bên cạnh là một xâu tiền đồng! Ông từ lấy tiền trả mụ bán vải.

Hai bà buôn bán với nhau,

Tính toan giá vải trước sau cho rồi.

Mua rồi sắp sửa mọi nơi,

Để trong hòm nọ ngoài thời niêm phong.

Dặn dò, mai sớm rạng đông,

Đến đây sẽ trả cho xong giá tiền.

Hai người truyện vãn hàn huyên,

Vải này tôi sắm để riêng may màn.

Truyện rồi từ giã lên đàng,

Sớm mai lui lại hỏi han lấy tiền.

Ông từ bỡ ngỡ hỏi liền

Bữa qua đi khỏi, vải tiền ai mua?

Chốn này là chốn linh chùa,

Đi ra cho khỏi, bèn xua tức thì.

Mụ ấy mới nói một khi,

Không tin chú mở hòm này cho coi!

Mở ra thật đã hẳn lời,

Tiền đồng một bó, vải thời năm cây.

Tức thì lấy trả tiền ngay,

Mụ ngồi nhắc lại cho hay sự tình.

Chú từ nghe nói thất kinh,

Về thưa cha sở cho minh việc này (12).

Ông từ một lần nữa quay về Quảng Trị trình bày cho cha sở biết sự tích mụ bán vải. Cha sở cho đây là phép lạ của Đức Mẹ, ngài truyền bá ơn lạ này cho giáo dân Dinh Cát biết, khiến nhiều người thêm lòng xác tín Bà linh thiêng tại La Vang là Đức Mẹ Maria. Tin lành này truyền khẩu cho đến đầu thế kỷ XX, khiến hôm nay, thêm một thế kỷ nữa, La Vang có câu chuyện truyền thơ Mụ bán vải.

3. Tập quán hái lá vườn Mẹ

Truyền khẩu về một đôi vợ chồng ở gần La Vang, người vợ bị bệnh liệt giường, thuốc thang gì cũng không khỏi. Người chồng thương vợ, tất bật ngược xuôi, cầu thầy chạy thuốc nhưng cuối cùng đành bó tay phó mặc cho số phận.

Mỗi tối, trước khi bệnh, hai vợ chồng thường ngồi trước bàn thờ Đức Mẹ đọc kinh sốt sắng. Nay lâm bệnh nặng, người vợ không gượng dậy được, người chồng vẫn không bỏ truyền thống đọc kinh tối kính Đức Bà, ngồi bên giường vợ đọc một mình, cốt để vợ nghe dọn mình chết lành. Trong nhịp du dương của Kinh cầu Đức Bà, người vợ ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Trong giấc mơ, người vợ nhìn thấy có Bà đẹp đẽ đứng ở đầu giường, khuôn mặt hiền từ, khả ái, mỉm cười bảo: “Hãy lên La Vang, chỗ gần nhà thờ tranh, hái lá quanh đó đem về sắc uống sẽ lành bệnh. Đừng sợ!” Người vợ giật mình tỉnh giấc, bên tai còn nghe tiếng chồng đọc kinh sang sảng.

Nghe vợ thuật lại giấc mơ, đêm ấy người chồng nôn nao không ngủ được. Rạng sáng, anh cầm mác lào hộ thân một mình nhắm hướng La Vang đi ngay. Vừa đi vừa nhớ lời truyền tụng về lời dạy của Đức Bà khi hiện ra ở La Vang: “Hãy hái lá quanh đây nấu uống sẽ lành các bệnh tật…”. Phải chăng trong giấc mơ đêm qua của vợ mình, Đức Mẹ đã đến dạy bảo? Càng nghĩ, anh càng sung sướng, càng nhanh chân.

Tại La Vang, cơ man nào là lá, tràm, chổi, móc, muồng, sim, tre, dược thảo… Không biết hái lá gì đây? Anh chồng quỳ xuống đọc kinh, khấn xin Đức Mẹ dẫn đường chỉ lối rồi quơ đại mỗi thứ một ít mang về.

Uống thang thứ nhất, người vợ cảm thấy bớt trong mình, ra mồ hôi, ngủ được. Thang thứ hai, thứ ba có thể ngồi dậy, ăn cháo, những thang tiếp theo bớt nhiều, có thể đi bộ quanh vườn, đi qua nhà hàng xóm. Sau đó lành hẳn.

Xóm giềng thấy lạ đến mừng, hỏi han chuyện thuốc thang. Đúng là bệnh của chị chỉ có thuốc tiên mới chữa được. “Thuốc tiên” mua ở đâu? Thầy nào? Hai vợ chồng cứ thật bụng kể cho bà con nghe về chuyện giấc mơ, chuyện hái lá quanh nhà thờ La Vang về nấu uống, lành bệnh.

Tiếng lành đồn xa, ai nấy xa gần đều biết đó là ơn lành của Bà Chúa ngự ở La Vang hiển linh ban cho đôi vợ chồng hiền lành này. Từ đó nhiều người lương giáo hễ có dịp đến La Vang đều hái lá trong vườn, khấn vái, xin ơn nọ ơn kia, hễ có thành tâm là có ứng nghiệm. Ban đầu người ta chỉ hái các loại lá thông dụng, sim, tre, tràm, chổi, lá vằng… Về sau hết lá, lá gì cũng hái, kể cả lá cây đa cổ thụ. Hết lá tới bẻ cành, lột vỏ cây, cắt rễ, đào củ… thành ra vườn La Vang cây khô, lá trụi. Cây đa cổ thụ tương truyền cũng không còn nữa:

Kẻ thì trảy lá cây đa,

Kẻ thì nhổ cỏ đem ra theo mình.

Thuốc đâu hiệu nghiệm oai linh,

Cho bằng lá cỏ xung quanh Đền Bà.

Bứt lâu trụi nhánh cây đa,

Cây lâu cũng rụi, nay đà mất tang.

Miễn trong vườn thánh La Vang

Sim, tre, tràm, chủi, lá vằng cũng hay.

Dầu lá nọ, dẫu cỏ này,

Đem về sắc uống, kíp chầy bệnh thuyên (13).

Cùng với việc hái lá, người hành hương còn có thói quen múc nước suối: Rừng La Vang nguyên sinh có con suối nhỏ, dòng nước mát róc rách chảy quanh năm, dân địa phương gọi là Khe Khế, Suối Khế, Cái Khế (từ của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền – theo cách gọi người Nam Bộ). Nước Khe Khế ngọt mát, trong vắt, hiền, uống được. Biết rằng đó là loại nước suối tự nhiên, thông thường, không mang dược tính, nhưng nhờ bởi lòng thành tin cậy quyền phép Đức Mẹ, được Mẹ ban ơn nên nhiều người uống nước suối này được lành các chứng bệnh tật.

Về sau nhiều người đến sinh sống tại La Vang gây ô nhiễm môi trường, Khe Khế trở thành nơi tắm giặt công cộng, trâu bò uống, tắm, rác rến thảy ra… không còn uống được. Vì vậy dân chúng phải đào giếng lấy nước sạch. Khe Khế hiện nay vẫn còn là tên một họ đạo thuộc giáo xứ La Vang.

Năm 1903, cha phó Trí Bưu Giuse Nguyễn Xuân Cảnh đến tạo dựng cảnh quan vườn Mẹ cũng cho đào một giếng nước ngay trong vườn, trước nhà thờ ngói. Nước giếng ấy được dùng thay thế nước suối Khe Khế trong sinh hoạt tại chỗ cũng như để khách hành hương múc mang về phòng khi hữu sự, gặp chuyện cơ cầu mà dùng đến.

Tập tục hái lá trong vườn Mẹ, múc nước giếng Mẹ đem về ngày nay vẫn còn phổ biến. Nhưng để tiện lợi hơn, khoa học hơn đã có những gian hàng bán lá cây, bán bình nước, người hành hương chỉ mua đem đến khấn nơi bàn thờ Mẹ rồi mang về…

Trong thời đại khoa học này, nhiều chuyện lạ, ơn lạ quanh những nắm lá, gàu nước vườn quê này vẫn còn xảy ra, xảy ra nhiều, cụ thể, giữa ban ngày ban mặt… khiến phải nao lòng nhiều tâm hồn cứng cỏi.

B. LA VANG THỜI BẮT ĐẠO ÁC LIỆT

I. LA VANG THỜI ĐỨC CHA TABERD TỪ VÀ THÁNH GIÁM MỤC CUÉNOT THỂ – THỜI KỲ IM HƠI LẶNG TIẾNG.

Năm 1823 cả hai Đức cha chánh, phó Gioan Labartette và Giuse Audemar đều qua đời. Năm 1827 cha chính Taberd được sắc phong Giám mục. Lễ tấn phong tại Băng Cốc, Thái Lan năm 1830. Ngài đặt trụ sở Tòa Giám mục tại Lái Thiêu, Bình Dương.

Năm 1833 vua Minh Mạng ban chiếu chỉ cấm đạo, Đức cha Taberd lánh nạn sang Thái Lan rồi đi Mã Lai và Singapore. Tại Singapore Đức cha Taberd chọn thừa sai Cuénot làm Giám mục Phó kế vị. Lễ tấn phong vào năm 1835. Năm ấy Đức cha Phó trở về địa phận, đặt trụ sở Tòa Giám mục tại Gò Thị, Qui Nhơn. Từ đó đến ngày lãnh hồng phúc tử đạo, năm 1861, ngài ở luôn trong hầm trú ẩn suốt 26 năm trời.

Vì vậy trong thời kỳ bắt đạo ác liệt, các đấng lãnh đạo giáo phận đều ở xa quê hương Đức Mẹ La Vang. Hẳn nhiên các ngài không để lại bút tích gì.

Nhưng điều đáng nói là trong suốt thời kỳ này, ròng rã 29 năm bắt đạo ác liệt, hàng ngàn Đấng chịu đổ máu tuyên xưng đức tin, nổi bật có 111/117 vị hiển thánh tử đạo (thời Minh Mạng 50, thời Thiệu Trị 3, thời Tự Đức 58), trong đó có 14 vị(14) thuộc Giáo phận Huế, 5 vị đổ máu trên đất Giáo phận Huế. Ở trong tù ngục cũng như ở ngoài pháp trường, các ngài luôn cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện với Đức Mẹ Maria: “Lòng sùng kính Đức Mẹ là một trong những điểm hệ trọng của đức tin nơi các vị tử đạo. Khi những vị này bị điệu ra pháp trường thì người ta thường thấy các ngài mang tràng hạt ở cổ…”(15).

Thế nhưng trong hồ sơ các Đấng Tử Đạo Việt Nam thể kỷ XIX không nói đến có Đấng nào cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang?

1. Tại Đồng Hới, năm 1833, cha thánh Borie Cao, Giám mục thừa sai Paris, bị giam chung với hai cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm và Phêrô Vũ Đăng Khoa. Ba vị linh mục hằng ngày cùng nhau đọc kinh Mân Côi và hát vang bài Ave Maria Stella (Kính chào Mẹ là Sao Mai rực rỡ, xin chuyển cầu cho chúng con)… “Ba cha phó thác đời mình cho Nữ Vương các linh mục như xưa Mẹ đã dâng Con yêu quý trong đền thờ, nay xin Mẹ cũng hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo đầy hồng phúc”(16).

2. Cũng tại Đồng Hới, năm 1861, nơi cha thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan bị tù ngục và bị hành quyết: “Trước đó, khi cha cởi áo, thấy hai mảnh áo Đức Bà cha đeo phất phới trước ngực, một người lính tưởng là vật gì quý giá liền xin, nhưng vị chứng nhân Chúa Kitô trả lời: cái này tôi không thể cho ai được. Đây là hình ảnh Đức Nữ Vương và là Bà Chúa của tôi”(17).

3. Tại Huế, năm 1833, trong lao tù, thánh Phaolô Tống Viết Bường thường khuyên các bạn bị bắt hãy kiên tâm bền chí, trông cậy và cầu nguyện Đức Mẹ luôn để được vững lòng chịu khổ đến cùng… “Mỗi ngày ông siêng năng cầu nguyện, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi”(18).

4. Trong lao ngục kinh đô Huế, năm 1835, thánh Anrê Trần Văn Trông “sốt sắng cầu nguyện và phó thác đời mình cho Đức Mẹ. Xin Chúa, vì lời Mẹ Maria chuyển cầu ban cho ơn bền vững đến cùng”(19).

5. Đặc biệt thánh Giuse Lê Đăng Thị, một người con của quê hương Kẻ Văn, họ đạo rất gần với La Vang, bị giam gần một năm (1860) trong ngục Quảng Trị. Trong thời gian bị giam, nhờ có quan hệ đạo đức mật thiết với “Người đầu tiên tổ chức hành hương La Vang PX Lê Thiện Thìn”, được ông Thìn hối lộ quan, đưa về nhà để được xưng tội rước lễ, sau đó trả về ngục. Nhiều lần như thế, nhưng cũng như các vị chứng nhân tử đạo khác, tuyệt nhiên không nói gì đến thánh danh Đức Mẹ La Vang.

II. LA VANG THỜI ĐỨC CHA PELLERIN PHAN VÀ SOHIER BÌNH

1. Đức cha Pellerin Phan thành lập các hội đoàn sùng kính Đức Mẹ

+ Các hội đoàn sùng kính Đức Mẹ

Một thực tế đáng ngạc nhiên làm nhức đầu các nhà sử học, giáo dân Việt Nam trong bách hại vẫn tăng số. Trước bắt đạo, năm 1830, toàn Giáo phận Đàng Trong có 60.000 giáo dân. Năm 1858, thời bắt đạo ác liệt nhất, số giáo dân tăng lên 82.000 người(20), trong đó Giáo phận Huế có khoảng 25.000.

Được vậy là nhờ các vị chủ chăn đã biết xếp đặt, đưa giáo dân vào các hội đoàn, nhất là các hội đoàn chuyên lo việc sùng kính Đức Mẹ. Cầu nguyện và hoàn toàn cậy trông vào Thiên Chúa và Mẹ Maria là phương thế duy nhất hiệu quả thời ly loạn cấm cách, như lời Đức cha Pellerin đã dặn: “Chỉ nên cậy trông nơi Chúa và Mẹ nhân lành của chúng ta mà thôi”. Vì thế ngay những ngày phôi thai thành lập Giáo phận Huế đã có các hội đoàn hoạt động và các cách làm việc sùng kính Đức Mẹ:

– Làm việc kính Trái Tim Đức Bà.

– Làm việc kính Bảy sự Thương khó Đức Mẹ.

– Làm Tuần Cửu nhật Đức Mẹ.

– Hội Đức Bà Môi Khôi.

– Hội Trái Tim Đức Bà…

– Phổ biến nhất là Hội Đức Bà Phù hộ Các Giáo Hữu.

+ Hội Đức Bà Phù hộ Các Giáo Hữu

“Vào giữa cơn bách hại đạo dưới đời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, giáo dân từ đèo Hải Vân tới sông Gianh đã có một tổ chức đạo đức là việc vào Hội Đức Bà Phù hộ các giáo hữu. Thiết tưởng khi lập Hội này, giáo quyền địa phương đã ghi nhớ sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Trong thông cáo đề ngày 16-8-1852 gởi các linh mục, Đức cha Pellerin Phan, Giám mục tiên khởi Giáo phận Huế, đã  nói rằng: ‘…Lại một điều ta chỉ riêng đây, vì đã thấy một hai linh mục không lo mấy đến việc phải dạy người ta vào Hội Đức Bà Phù Hộ các giáo hữu đã lập trong địa phận ta. Các cha cũng năng dạy dỗ người ta phải có lòng sốt sắng mà kính Đức Mẹ, vì sự ấy là mạch nhiều ơn, nhiều sự lành kể chẳng xiết…”.

Cũng với mục đích trên, khi chọn bổn mạng cho thánh đường La Vang, Đức cha Caspar Lộc đã tuyên bố: Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu là tước hiệu chính thức của nhà thờ La Vang”(21).

Hiện nay, sau hơn 100 năm được tôn kính, tước hiệu này vẫn không thay đổi.

2. Đức cha Sohier Bình dự định mở mang Thánh địa La Vang

Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, vua Tự Đức ban hành lệnh ân xá, tha tháp, chấm dứt 29 năm (1833 – 1862) bắt đạo ác liệt Nguyễn triều. Giáo dân lục tục trở về nhà mình với hai bàn tay trắng.

Chờ hoàn cảnh chính trị thực rõ ràng, năm 1863, Đức cha Sohier Bình mới rời Kẻ Sen vào Kim Long ra mắt công chúng, cử hành thánh lễ Tạ ơn, truyền chức linh mục…

Năm sau, 1864, Đức cha mở chuyến công du đi Âu châu, mục đích đệ trình lên Tòa Thánh và Hội Thừa sai Paris những mất mát lớn lao, những khó khăn tất yếu của địa phận sau cuộc đại cấm cách. Đồng thời kêu gọi lòng nhân ái của bạn bè Pháp, thân nhân, ân nhân nhằm ủng hộ tài chánh giúp tái thiết địa phận.

Sau chuyến công du, năm 1866, Đức cha Sohier Bình trở về địa phận. Một trong những kế hoạch cấp bách của ngài là mở mang Linh địa La Vang. Các hồ sơ lưu trữ không nói rõ nguyên nhân tại sao phải là La Vang mà không phải nơi khác, trong khi vào thời điểm ấy La Vang chưa lột xác khỏi cảnh “hùm beo thú dữ”, “rừng thiêng nước độc”?

Chỉ có thể trả lời đơn giản là vì ở đó có truyền thuyết La Vang. Chắc hẳn không ít thì nhiều, Đức cha Sohier Bình đã quan tâm tới sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang trong suốt 20 năm (1842-1862) lao đao khốn đốn trốn bắt đạo.

Theo kế hoạch dự trù, Đức cha sẽ cho xây dựng ở đó một Đại Chủng viện, một Tu viện Mến Thánh Giá, một nhà hưu dưỡng linh mục và một Viện Mồ côi. Nhưng cuộc vận động sang nhượng đất La Vang không có kết quả, dân làng Cổ Vưu không thuận bởi nhiều lý do trong đó có lý do truyền thống, đất La Vang có mồ mả tổ tiên họ, không tiện di dời.

Thế là mất cơ hội mở mang đất Mẹ. La Vang vẫn chưa lên tiếng!

Thất bại việc trưng mua đất La Vang, Đức cha đổi hướng vô Thanh Tân, lập sở Ba Trục. Công tác khai hoang thiếu người, Đức cha đưa đại chủng sinh lên phụ giúp, vừa học vừa lao động. Với tài năng điều hành và quản lý của nhà xây dựng, thừa sai Renauld (cố Đồng), đã khiến Ba Trục hoang vu trở thành một cơ sở kinh tế và tôn giáo lớn của địa phận với Đại Chủng viện, Tu viện Mến Thánh Giá, Viện Dục anh, đồn điền… Để động viên, mỗi tháng Đức cha đều ra thăm cơ sở này.

Đến đời Đức cha Caspar Lộc, sở Ba Trục bị hỏa hoạn, giao về cho giáo xứ Thanh Tân. Đồn điền trở thành làng mạc. Ruộng đất được phân chia cho các thành viên mà trước kia, sau cuộc bắt đạo phân tháp, là những trẻ mồ côi thuộc Viện Dục anh Thanh Tân. Từ đó Thanh Tân trở thành giáo xứ phồn thịnh và hiện nay là giáo xứ toàn tòng duy nhất của Giáo phận Huế.

III. HÀNH HƯƠNG LA VANG SAU THA THÁP

1. Người đầu tiên tổ chức hành hương La Vang(22)

Sau tha tháp, tháng 7-1862, những giáo dân còn sống sót lục tục trở về giáo xứ mình. Tại giáo xứ Cổ Vưu, trùm hạt PX Lê Thiện Thìn hồi cố hương với hai chữ “Tả Đạo” trên má. Bấy giờ ông đã 57 tuổi, trở thành cánh tay đắc lực của giáo xứ, giúp cha sở Desvaux (cố Đề) và các linh mục quản xứ kế tục: Phêrô Đỗ Khắc Nhơn, Gioan Đoạn Trinh Khoan, Anrê Trần Văn Doãn…

Mùa Chay năm 1864, lãnh ý cha sở, Trùm Thìn tập trung khoảng 30 người hành hương La Vang. Họ khởi hành từ Cổ Vưu vào lúc rạng sáng, tay cầm gậy gộc, giáo mác, vừa đi vừa đánh phèng la, khua chiêng, khua trống, theo đường núi, vạch lá rừng mà đi. Đoạn đường Cổ Vưu – La Vang chỉ chừng 7 cây số, nhưng khó đi, phải mất nửa buổi mới tới nơi.

Tại La Vang, họ tập trung đọc kinh cầu nguyện tại nền nhà thờ tranh cũ đã bị đốt phá trong cơn cấm cách. Sau đó mỗi người tự hái “lá quanh đây” mang về như phương thuốc thần diệu Mẹ ban.

Những năm tiếp theo, giáo dân các nơi khác đến tham dự ngày càng đông, biến cuộc Hành hương Cổ Vưu (giáo xứ) thành cuộc Hành hương Dinh Cát (giáo hạt).

Nhận thấy Hành hương La Vang, một trong những phương thế biểu lộ lòng sùng kính Đức Mẹ tốt nhất, vả lại, từ những cuộc hành hương này, Đức Mẹ đổ tràn ơn lành hồn xác xuống cho con cái Người, cha sở Cổ Vưu Phêrô Đỗ Khắc Nhơn (1821-1855-1874)(23) đã vạch kế hoạch giao cho Trùm Thìn và các chức việc họ Cổ Vưu nghiên cứu thực hiện việc tổ chức hành hương La Vang mỗi năm hai lần, vào Mùa Chay và Mồng Ba Tết âm lịch.

Từ đó, đúng định kỳ, hàng trăm giáo dân Dinh Cát tập trung tại giáo xứ Cổ Vưu, từng nhóm trang bị gậy gộc hành hương viếng Mẹ.

Về sau, trong những cuộc hành hương như vậy, giáo dân cung nghinh tượng Mẹ từ Cổ Vưu vào La Vang.

Năm 1925, cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng (1871-1900-1932) kể rằng: “Hồi nhỏ tôi giúp cha Huấn Già (Huấn Tiên hay Huấn Lão 1837-1871-1890)(24) tại Cổ Vưu, tôi đã đi theo ngài để nghinh tượng Đức Mẹ vào La Vang, cách như vậy một lần, ba năm trước giặc Văn Thân”(25).

2. Giới thiệu nhà tổ chức hành hương La Vang đầu tiên – Trùm hạt Phanxicô Xavie Lê Thiện Thìn(26)

Phanxicô Xavie Lê Thiện Thìn sinh năm 1805 tại giáo xứ Cổ Vưu trong một gia đình đạo đức lâu đời, thuộc dòng họ Lê Thiện danh tiếng, có truyền thống cống hiến cho Giáo hội.

Thuở nhỏ cậu Thìn học hành xuất sắc, nhưng lớn lên, vì là người Công giáo không được đi thi. Ông chuyển qua nghề thuốc Đông y và rất thành công trong lãnh vực này. Hơn hết, Chúa ban cho ông một nghề “lương y như từ mẫu” để ông làm chứng cho Chúa qua việc cứu nhân độ thế, đồng thời nhờ đi lại dễ dàng, gánh trách nhiệm nặng nề, giữ mối dây liên lạc thời ly loạn cấm cách.

Khi Đức cha Pellerin Phan mới nhận quyền lãnh đạo giáo phận Huế, ngài tín thác và giao phó trọng trách trùm hạt cho 3 vị:

– Hạt Quảng Bình với Matthêô Nguyễn Văn Đắc (Phượng), Thánh Tử Đạo.

– Hạt Quảng Trị với Phanxicô Xavie Lê Thiện Thìn.

– Hạt Thừa Thiên với Micae Hồ Đình Hy, Thánh Tử Đạo.

Ngày 17-8-1851, dịp lễ tấn phong Giám mục Phó Đức cha Sohier Bình tại Di Loan, Đức cha Pellerin Phan đã có một cử chỉ như vừa tán dương, vừa xác nhận vai trò Trùm hạt của ba ông trước cộng đoàn Dân Chúa: Ủy nhiệm ba ông dẫn đầu ba đoàn đại diện ra Di Loan dự lễ.

Đến thời Tự Đức bắt đạo, nhà lương y Lê Thiện Thìn vừa là nơi liên lạc các linh mục, vừa là nơi gặp gỡ các tù nhân Công giáo. Ông dùng tiền mua chuộc quan quân để xin cho tù phạm được về nhà ông dưỡng sức. Thật ra là để các vị được xưng tội rước lễ. Ông đã nhiều lần đưa về nhà mình, từ nhà lao Quảng Trị, các chức việc họ, các thầy giảng, đại chủng sinh, sĩ quan, binh sĩ… Công giáo. Trong đó có thầy Đôminicô Lê Xuân Biện (sau là linh mục) và sĩ quan Giuse Lê Đăng Thị (Thánh Tử Đạo).

Nhưng cuối cùng chính ông cũng không thoát khỏi thiên la địa võng Tự Đức. Ông bà bị bắt vào lúc chỉ dụ phân tháp được ban hành, tháng 8-1861. Hai ông bà bị thích tự “Tả Đạo” vào má và bị đẩy vào chuồng phân sáp Nại Kiểu (làng Nại Cửu). Tuổi già sức yếu, bà Thìn chết rũ tù vào cuối năm 1861.

Tháng 7-1862, vua Tự Đức ban hành chỉ dụ “Tha Tháp”. Ông Thìn trở về giáo xứ tiếp tục trách nhiệm truyền giáo vinh quang, khai đường mở lối hành hương Đức Mẹ La Vang…

Sau lễ Đức Bà Thăng thiên 1878, Trùm Thìn ngã bệnh nặng. Cha sở Cổ Vưu Anrê Trần Văn Doãn đến ban các phép sau cùng cho ông, bên cạnh là thừa sai Patinier Kinh và linh mục Phanxicô Xaviê Lê Thiện Cần, con trai ông (tử đạo thời Văn Thân) và đủ mặt con cháu nội ngoại. Ông ra đi ở tuổi 73, nét mặt bình thản lạ lùng còn hằn rõ hai chữ “Tả Đạo”. Thi hài ông được an táng tại nghĩa trang đất thánh quê nhà Trí Bưu.

3. Ngôi nhà thờ tranh thứ hai

Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, vua Tự Đức ban hành chỉ dụ “Tha Tháp”, việc đạo được bình yên. Đức cha Sohier Bình sau chuyến công du châu Âu trở về dự định mở mang Thánh địa La Vang, nhưng bất thành vì việc sang nhượng đất La Vang không có kết quả. Đức cha chuyển hướng đưa công trình vào Ba Trục (Thanh Tân). La Vang mất cơ hội.

Tuy nhiên, trước đó đã có những cuộc hành hương băng rừng vượt núi vào La Vang kính viếng Đức Mẹ do giáo xứ Cổ Vưu tổ chức. Bắt đầu từ Mùa Chay năm 1864, trùm hạt Quảng Trị PX Lê Thiện Thìn, một tù nhân mới được tha về từ trại phân tháp, lãnh ý cha sở tập trung khoảng 30 giáo dân Cổ Vưu, vào lúc rạng sáng, vừa cung nghinh tượng Mẹ, vừa cầm gậy gộc, giáo mác, đánh phèng la, khua chiêng khua trống đề phòng thú dữ, vạch lá rừng mà đi.

Những cuộc hành hương như thế diễn ra hằng năm và số giáo dân tham dự càng lúc càng đông biến cuộc Hành hương La Vang cấp giáo xứ (Cổ Vưu) thành giáo hạt (Dinh Cát).

Thiết nghĩ trong những lần hành hương như thế há lại không có chỗ dừng chân, đặt tượng Mẹ, hội họp đọc kinh và cử hành các nghi thức phụng vụ? Vả lại bấy giờ là thời bình yên, việc đạo được tự do, La Vang đã là một họ nhánh thuộc giáo xứ Cổ Vưu, không có gì khó khăn cho việc tái lập một nhà thờ tranh trên nền cũ.

Ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ hai tất yếu phải được xây dựng vào thời kỳ này, được tu bổ theo năm tháng và tồn tại trong khoảng 20 năm, cho đến ngày bị thằng Thơ đốt vào dịp Văn Thân cực đoan thảm sát giáo phận Huế (1885).

C. LA VANG THỜI VĂN THÂN CỰC ĐOAN

I. HIẾN LỄ TOÀN THIÊU

1. Hiến lễ toàn thiêu tại nhà thờ Cổ Vưu(27)

Ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885) kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở, Quảng Trị. Tại đây, do áp lực của Văn Thân cực đoan, vua Hàm Nghi, mới 13 tuổi, ban hịch Cần Vương, tức là hịch Bình Tây Sát Tả.

Đúng ra, hịch Cần Vương phải là hịch chính nghĩa, kêu gọi mọi thành phần dân chúng yêu nước phò vua đánh Pháp, nhưng do đầu óc tôn giáo hẹp hòi, Văn Thân cực đoan lại hô hào đuổi Pháp (Bình Tây) bằng cách giết hết người Công giáo (Sát Tả).

Ngày 6-9-1885, một phát súng lệnh nổ vang báo hiệu bắt đầu cuộc thảm sát người Công giáo tỉnh Quảng Trị.

Cha sở Cổ Vưu Matthey Thiện vừa làm lễ xong vội vã đến dinh quan tỉnh, nhưng quan Tuần phủ vắng nhà. Ngài định ở lại chờ thì một giáo dân báo tin tỉnh thành sẽ thất thủ, yêu cầu ngài đi ngay. Cha Matthey Thiện đoán định tình thế rồi vội quay về Cổ Vưu, tỉnh táo viết thư cho tướng De Courcy ở Huế và viết thư gởi Đức cha Caspar những dòng cảm động:

“Kính lạy Đức cha, phái Văn Thân đã lấy tỉnh thành Quảng Trị rồi, tình cảnh chúng con rất éo le. Đức cha có thể làm gì cứu chúng con được không? Nếu chúng ta không gặp nhau ở đời này nữa thì con xin từ giã Đức cha. Con đã quyết hy sinh… Chiều chủ nhật”.

Cha Matthey Thiện truyền giáo dân chia làm nhiều nhóm nhỏ trốn lên La Vang, tìm đường vô Huế. Tối hôm ấy, chính ngài cải trang dẫn toán khoảng 200 giáo dân đi trước, đến được La Vang an toàn, ẩn núp trong các lùm bụi, chòi rẫy. Cha Matthey Thiện được một giáo dân Cổ Vưu lên La Vang đi rú, đưa về túp lều tranh của mình. Nửa đêm cha nghe tiếng đồng đảng Văn Thân bàn tán, để tránh vạ lây cho gia đình giáo dân này ngài lẻn ra ẩn núp trong lùm bụi. Rạng sáng, một người lương dân tốt bụng tự nguyện thân hành dẫn ngài và một số giáo dân Cổ Vưu theo đường núi đến Thanh Tân rồi vô Huế.

Toán sau do cha phó Giuse Bùi Thông Bửu dẫn đi. Chưa tới La Vang thì nghe tiếng kêu la, hò hét, tưởng quân Văn Thân đang chém giết toán trước nên rút lui. Cha bị Văn Thân bắt ở Long Hưng, rồi sau đó không biết được thả hay được giải thoát, ngài cùng giáo dân toán sau trở về Cổ Vưu.

Sáng 7-9-1885, quân Văn Thân do Đội Cự chỉ huy chia làm 2 toán bủa vây làng Cổ Vưu. Một toán lùng sục khắp ruộng đồng, thôn xóm, phóng hỏa đốt nhà đuổi giáo dân về hướng nhà thờ. Phản ứng tự nhiên của giáo dân là vào nhà thờ lánh nạn. Trúng kế, quân Văn Thân phóng hỏa nhà thờ Cổ Vưu. Hơn 400 sinh mạng, trong đó có cha phó Giuse Bùi Thông Bửu bị hỏa thiêu trong nhà thờ. Khoảng 200 giáo dân khác bị hỏa thiêu ngay trong nhà mình, hay bị chém chết ngoài đồng ngoài ruộng.

2. Hiến lễ toàn thiêu tại nhà thờ La Vang

+ Chuyện thằng Thơ đốt nhà thờ La Vang(28)

Trong Đại hội La Vang 10 (1932) Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn trong bài giảng lễ về “Truyền thuyết Đức Mẹ La Vang” ngày 18-8-1932, đã kể câu chuyện thằng Thơ đốt nhà thờ Đức Mẹ La Vang:

Sau khi thiêu sát họ Cổ Vưu vào ngày 7-9-1885 xong, hôm sau 8-9-1885 quân Văn Thân kéo nhau vào phường La Vang. Chúng thấy cảnh vườn không chòi trống, vì mấy nhà Công giáo ở La Vang đã chạy thoát lên núi cả. Chúng bèn vơ vét của cải, đốt chòi rẫy, bắt trâu bò, chỉ chừa lại ngôi nhà thờ tranh vì nghe tiếng Đức Bà linh thiêng, không dám đốt. Sau đó chúng kéo nhau đi.

Trưa ngày hôm sau, 9-9-1885, một người lương ngụ ở làng Phú Long, xóm Bốc, tên là Thơ, con ông Mẹo lảng vảng đến La Vang với ý định hôi của, nhưng thấy tất cả nhà cửa người Công giáo nơi đây đã thành đống tro tàn, chẳng còn gì để kiếm chác. Sực thấy ngôi nhà thờ tranh La Vang vẫn đứng yên như chọc tức nó, thấy ghét, nó châm lửa đốt luôn.

Ngày hôm ấy, quân Văn Thân thấy La Vang có lửa cháy, nghi có chuyện gì chăng bè rủ nhau trở lại La Vang dò xem động tĩnh. Chúng hỏi thăm biết thằng Thơ đã cả gan làm một việc mà chúng không dám làm: đốt nhà thờ La Vang! Tức giận, chúng kéo nhau tới nhà ông Mẹo chưởi bới rồi phóng hỏa đốt cả nhà trên, nhà dưới. Ông Mẹo, thằng Thơ và vợ con nó đều làm mồi cho ngọn lửa. Thật ác giả ác báo.

Nhà ông Mẹo đã cháy, người đã chết nhưng vườn nhà hãy còn. Về sau dân chúng hay chỉ ngôi vườn nhắc lại sự tích.

+ Hiến lễ toàn thiêu tại nền nhà thờ La Vang(29)

Những giáo dân theo cha sở Matthey Thiện chạy vào La Vang nhưng không muốn theo ngài vô Huế, cùng một số khác lẻ tẻ trốn lên sau, ẩn núp trong lùm bụi, hốc đá hoặc chạy vào rừng sâu. Lâu ngày đói khát, chịu không nổi, một số lén về gần tỉnh thành, vào nhà dân kiếm cái ăn. Bỗng nghe tiếng kèn Tây từ Quảng Trị vọng lên, họ rủ nhau về hướng ấy thì gặp cha Allys Lý (sau là Giám mục), được ngài cho ăn uống, nói chuyện tỉnh thành đã bình yên.

Biết tỉnh thành đã được bình định, nhiều người trong họ trở lên La Vang tìm báo tin cho thân nhân, bạn bè kêu ai về nhà nấy. Bấy giờ là vào khoảng giữa tháng 9-1885, quân Văn Thân sau 8 ngày chiếm tỉnh thành đã rút đi.

Giáo dân lánh nạn lên La Vang từng toán, từng toán rời rừng xanh hớn hở trở về giáo xứ. Không ngờ một vài nơi dư đảng Văn Thân còn say máu, lẩn quẩn quanh khu vực La Vang chờ chém giết. Một toán 30 giáo dân Cổ Vưu bị bắt khi vừa rời khỏi bìa rừng. Ông Thoàn, trưởng toán xin cho được chết trên nền nhà thờ La Vang vừa bị thằng Thơ đốt. Họ được như ý. Quân Văn Thân trói ông Thoàn và 29 giáo dân Cổ Vưu lại thành chùm, chất củi hỏa thiêu. Xa xa vẳng tiếng kèn Tây thắng trận.

Nhiều giáo dân khác thoát được về tỉnh thành, nhưng vì đói, dật dờ như thây ma, vừa đến Quảng Trị đã kiệt sức, ngã gục.

Sau biến cố Văn Thân, nhiều người dân lương giáo La Vang kể lại chính họ đã nghe thấy nơi nhà thờ Đức Mẹ La Vang đã bị đốt vẫn còn bàn thờ bằng gỗ và mấy chân đèn bằng gỗ chỉ cháy lém đém mà thôi. Khi núp trốn ở trên núi, sau cuộc thiêu sát 30 giáo dân Trí Bưu, hằng đêm họ ngóng mắt nhìn về La Vang  thấy tại nền nhà thờ đã bị đốt có đèn sáng và có tiếng đông người đọc kinh.

II. HẬU QUẢ CUỘC THẢM SÁT CỦA VĂN THÂN CỰC ĐOAN TRÊN QUÊ MẸ

1. Tổng kết cuộc thảm sát của Văn Thân cực đoan

Sau biến cố Văn Thân, theo thống kê của Giáo phận Huế, số người bị giết chết gồm 8.500 giáo dân, 12 linh mục, 1 chủng sinh và khoảng 100 nữ tu. Trong đó, miền Dinh Cát quê Mẹ là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất với 7.041 giáo dân, 6 linh mục (cha Gioan Đoạn Trinh Khoan, Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên, Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh, GB Lê Văn Huấn II, Giuse Bùi Thông Bửu, Giuse Dương Đức Thành), một chủng sinh (chú Tôma Khiêm), hơn 60 nữ tu Mến Thánh Giá.

Hầu hết nhà thờ, nhà nguyện, hội trường, nhà xứ, nhà giáo dân bị đốt phá hoàn toàn.

Bình yên trở lại, được sự giúp đỡ của Đức cha Caspar Lộc, các linh mục quản xứ, quý vị ân nhân… khắp các họ đạo hưởng ứng phong trào tái thiết giáo xứ. Tại mỗi họ đạo đều có xây dựng đài kính các Thánh Tử Đạo, gọi là “Lăng Tử Đạo đời Văn Thân”. Riêng tại Dinh Cát, có thể kể: Lăng Tử Đạo Trí Bưu, Kẻ Văn, Kẻ Vịnh, Hòa Viện, Nhu Lý, An Lộng, Đầu Kinh, Phúc Lộc, Dương Lộc, Đồng Giám, Giáo Liêm, Hoan Thịnh, Bích Khê, Dương Lệ Văn, Đại Lộc…

Tại La Vang không có đài Tử Đạo mà có nhà thờ dâng kính Đức Mẹ – Nữ Vương các Thánh Tử Đạo.

2. Nhà thờ dâng kính Nữ Vương các Thánh Tử Đạo – Nhà thờ tranh La Vang thứ ba

Hết thảm họa Văn Thân, tình hình xứ Dinh Cát trở lại bình yên. Giáo dân La Vang bỏ rừng núi trở về tái lập nhà cửa, ổn định cuộc sống. Không ai khỏi chạnh lòng khi chứng kiến ngôi nhà thờ tranh nhỏ bé thân thương, nơi sớm hôm có bóng Mẹ từ bi, nay chỉ còn nền hoang. Họ tập trung đi rừng đốn gỗ, bứt tranh, chặt tre làm lại ngôi nhà thờ khác trên nền nhà thờ cũ đã bị đốt trong biến cố Văn Thân.

Ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ ba ra đời ngoài ý nghĩa lưu dấu nơi Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra còn là nơi minh chứng máu đào đức tin của con cái Mẹ đã đổ xuống.

Nhà thờ tranh La Vang thứ ba tồn tại được bao lâu? Điều này lệ thuộc vào việc khởi công ngôi nhà thờ ngói, được xây cất trên nền nhà thờ tranh. Nhưng, nhà thờ ngói được khởi công năm nào?

Dựa vào bài viết của cha Giuse Trang: “Trước hết, cha Bonnand (cố Bổn) lo khởi công đặt săng súc, đá gạch, kế tiếp có cha Patinier (cố Kinh) nối việc theo sau, và sau hết cha Bonin (cố Ninh) làm cho hoàn thành việc, là dựng nên một tòa nhà thờ kia đẹp, bằng ngói…”(30), nhiều người cho rằng nhà thờ ngói được khởi công từ năm 1886 và phải mất 15 năm mới hoàn thành. Điều này, theo chúng tôi là không hợp lý:

+ Cổ Vưu là một trong những giáo xứ bị Văn Thân tàn phá nặng nề nhất với cơ sở vật chất bị hư hại 100%, thiệt hại về người = 78% (630 người chết trên tổng số 800!). Tất cả nhân lực, vật lực phải dành tái thiết giáo xứ trước rồi mới tới họ nhánh. Thực tế, cha sở Patinier Kinh cố gắng lắm mới hoàn thành ngôi nhà thờ ngói sườn gỗ Cổ Vưu vào tháng 9-1889, tức là 4 năm sau Văn Thân. Liệu ngài có đủ khả năng ôm đồm một nhà thờ tương tự tại La Vang cách đó 7 cây số đường rừng, khó phương tiện giao thông, không an ninh đi lại?

+ Khả năng tài chánh địa phận rất eo hẹp, sau Văn Thân phải trang trải đều, nhiều nơi, mỗi nơi một ít. Thậm chí các tu viện MTG cũng phải trở về trong cảnh màn trời chiếu đất, buộc lòng Đức cha phải dạy cha Cros Jean Gioang cất tại Kim Long mấy ngôi nhà tranh tre, phên đất để các tu viện không khả năng hồi hương như Di Loan, Kẻ Bàng, Bố Liêu… với gần 100 chị tập trung sống tạm(31). Trong hoàn cảnh như thế có cần thiết phải xây dựng một nhà thờ ngói tốn kém nơi hoang địa?

+ Xây dựng ngôi nhà thờ ngói tại họ nhánh La Vang  chắc không phải vì nhu cầu thông thường. Các họ nhánh miệt Dinh Cát bấy giờ đều xây nhà thờ tranh tre cả, kể cả các họ nhánh lớn, đông giáo dân. La Vang là một họ nhánh nhỏ, mới thành lập lại nằm nơi hẻo lánh, giáo dân nghèo…, việc xây nhà thờ ngói tại đây ắt phải vì lý do đặc biệt khác: Dâng kính Đức Mẹ La Vang.

Một nhà thờ dâng kính Mẹ há lại có thể cẩu thả trong xây dựng? Trễ nãi kéo dài tới 15 năm? Vả lại, cấu trúc nhà thờ sườn gỗ với cột, kèo, xuyên, trến, đòn tay, rui mèn đều bằng gỗ cả. Gỗ làm nhà thờ La Vang không phải là danh mộc, chỉ là gỗ nhóm 2 nhóm 3 như các nhà thờ bằng gỗ khác. Tuổi thọ của nhóm gỗ này khoảng ba, bốn chục năm. Đất La Vang lại nhiều mối, tuổi thọ nhà gỗ càng giảm. Bằng chứng là ngôi nhà thờ ngói cổ này đã sụp đổ chỉ sau không quá 25 năm. Với một tuổi thọ như thế mà phải mất 15 năm cho xây dựng thật không hợp lý.

Những luận giải trên đã được minh chứng khi những năm gần đây các nhà nghiên cứu dễ dàng tìm thấy, qua địa chỉ: https://archives.mepasie/fr) – Phòng Lưu trữ Hội Thừa sai Paris, những bản Báo cáo thường niên của các Đức Giám mục địa phận Bắc Đàng Trong (Huế), từ 1872 đến 1940 (Rapport annuel des Évêques de Mission Cochinchine Septentrionale de 1872 à 1940), trong đó có bản Báo cáo năm 1894, theo đó, cha sở Cổ Vưu kiêm quản hạt Quảng Trị Patinier Kinh cho biết:

“Năm 1885 ngôi nhà thờ ở đây, cũng như những nhà thờ khác trong hạt, không thoát khỏi thảm họa… Khi hòa bình vừa vãn hồi, con đã cấp tốc dựng lại ngôi nhà thờ nhỏ bé, tạm bợ để chờ nguồn kinh phí cũng như để chờ cho tình hình bớt nhiễu nhương…”(32).

Ngôi nhà thờ nhỏ bé, tạm bợ chính là ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ ba.

Nhà thờ tranh thứ ba tồn tại được bao lâu? Điều này lệ thuộc vào việc khởi công xây dựng ngôi nhà thờ ngói được xây trên nền nhà thờ tranh. Nhưng nhà thờ ngói được khởi công năm nào?

Trở lại bản Báo cáo năm 1894, cha Patinier Kinh cho biết:

“… Vừa trở về, con đã kêu gọi tất cả giáo dân thiện chí giúp vận chuyển số gỗ xây dựng lên núi. Vào ngày đã định, giáo dân trong phạm vi sáu dặm tập trung đông đủ, chia nhau vác gỗ và chỉ trong hai chuyến toàn bộ gỗ đã được tập kết tại La Vang… Hôm sau bộ giàn trò được dựng lên, giờ thì chỉ còn lo việc hoàn thành nhà thờ”(33).

Vậy ngôi nhà thờ tranh La Vang thứ ba chỉ tồn tại được khoảng 9 năm, từ cuối năm 1885 hoặc đầu năm 1886 đến năm 1894.

Hết Chương 5.

(1) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.37.

(2) Lm. Tiến Lãng (CSsR): Kính mừng Maria. Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang, tr.116-117.

(3) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.39.

(4) Vãn La Vang, câu 9-20.

(5) Vãn La Vang, câu 21-27.

(6) Vãn La Vang, câu 29-62.

(7) Thạch Hàn tức Thạch Hãn.

(8) Vãn La Vang, câu 63-82.

(9) Nội dung cuộc họp là bàn biện pháp đối phó với bão táp bách hại thời Minh Mạng, sắp xảy ra.

(10) Tiểu sử các linh mục giáo phận Huế. Cuốn I, tr.50.

(11) Vãn La Vang, câu 93-96.

(12) Vãn La Vang, câu 99-120.

(13) Vãn La Vang, câu 185-194.

(14) Ngoại trừ Thánh Linh mục E. Nguyễn Văn Triệu tử đạo khi chưa có sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

(15) Lời Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, tại Rôma, ngày tôn phong 117 vị Hiển thánh Tử Đạo Việt Nam (19-6-1988).

(16) Cộng đồng Công giáo Việt Nam: Thiên hùng sử. San Jose. CA. USA, 1990, tr.399.

(17) Xem chú thích 16, tr.125.

(18) Xem chú thích 16, tr.322.

(19) Lm. Bùi Đức Sinh: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam. Ronéo. QIII/2, tr.57.

(20) Số liệu từ Đức cha Dépierre trong bài Tình hình Giáo hội Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX. Nguyệt san Công giáo và Dân tộc. Số 60, tr.99.

(21) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.46-47.

(22) Viết theo bài Lương y Phanxicô Xaviê Lê Thiện Thìn, 1805-1878, trùm hạt Quảng Trị. Tài liệu Gia phả Lê Thiện Tộc, trong tài liệu gia đình của ông Anrê Lê Thiện Sĩ.

(23) Cha sở Cổ Vưu 1867-1874.

(24) Cha sở Cổ Vưu 1880-1882.

(25) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.50-51.

(26) Viết theo bài Lương y Phanxicô Xaviê Lê Thiện Thìn, 1805-1878, trùm hạt Quảng Trị. Tài liệu Gia phả Lê Thiện Tộc, trong tài liệu gia đình của ông Anrê Lê Thiện Sĩ.

(27) Jabouille (nguyên Công sứ Quảng Trị): Một trang huyết lệ trong lịch sử tỉnh Quảng Trị tháng chín Tây 1885. Lm. Delvaux (cố Văn) bổ chính và chú thích. Tb. Vì Chúa, số 163, tr.12 + số 164, tr 9-10.

(28) Bài giảng của Đức cha Đ. Hồ Ngọc Cẩn về Truyền thuyết La Vang, trong Đại hội La Vang 10 (1932). Sách Đức Mẹ La Vang của Lm. Matthêô Lê Văn Thành, tr.46-49.

(29) Jabouille (nguyên Công sứ Quảng Trị): Một trang huyết lệ trong lịch sử tỉnh Quảng Trị tháng chín Tây 1885. Lm Delvaux (cố Văn) bổ chính và chú thích. Tb. Vì Chúa, số 164, tr.10-11.

(30) Giuse Trần Văn Trang (cha Giuse Trang): Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang. Imprimarie de Qui Nhơn, Annam, 1923, tr.14-15.

(31) Trần Quang Chu: Hành hương giáo phận. Lưu hành nội bộ. Tập II, tr.288.

(32) Trích Báo cáo năm 1894, tr.4/6.

(33) Trích Báo cáo năm 1894, tr.4/6.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 1 – Chương 5 về máy tính