TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
*****************
TẬP 1
CHƯƠNG HAI
TRUYỀN THUYẾT LA VANG
A. SAO GỌI LÀ TRUYỀN THUYẾT?
Từ sự kiện “Đức Mẹ hiện ra trên đám cỏ, dưới gốc cây đa”, tại một nơi bây giờ gọi là La Vang, vào khoảng năm 1798, một số ít giáo dân và lương dân được diễm phúc chứng kiến, đã về kể lại cho nhau nghe, người này kể cho người khác, thế hệ trước kể cho thế hệ sau, kể bằng miệng, không bút tích, không chứng tích…
Đến nay, đã hơn 200 năm qua, thế hệ chúng ta cũng chỉ nghe thế hệ trước kể lại. Sách vở, báo chí, phát thanh, truyền hình, internet… cũng chỉ viết, đọc, kể lại theo truyền thuyết mà thôi.
I. TRUYỀN KHẨU TRUYỀN THUYẾT (TRUYỀN RẰNG, TỤC TRUYỀN, TƯƠNG TRUYỀN…)
* La Vang Sự tích vãn là bản văn vần sớm nhất, khoảng năm 1900, viết về “làng La Vang”, “nơi linh hoàng”, nghĩa là về những sự kiện liên quan, sau sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Tác giả (Vô Danh Thị), bằng những câu thơ, vãn bình dị đã tái hiện một cách sống động truyền thuyết La Vang vốn đã được truyền tụng trong vòng một thế kỷ qua, từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Tác giả rành mạch kể lại, từ khi:
Bên lương chức dịch nhộn nhàng,
Đắp nền thờ vọng, rào hàng sơ li [1].
Cho đến khi:
Mười giờ cơ cuộc hoàn thành
Lao xao liến xiến, lữ hành kêu nhau…[2]
Tất cả 324 câu thơ, vãn của câu chuyện mạch lạc, tươi rói ấy được tác giả thận trọng mở đầu bằng hai chữ “Truyền rằng”:
Truyền rằng có một cây đa
Mọc lên giữa núi diềm dà tốt tươi.
Ngày thì hạc phụng dạo chơi,
Đêm thì hổ báo chầu nơi linh hoàng.
Chốn này thanh vắng nghiêm trang,
Hai bên khe ruộng, giữa làng La Vang[3].
* Năm 1901, bài viết về Đức Mẹ La Vang đặc biệt có giá trị về mặt lịch sử, đăng trên Biên niên sử Hội Thừa sai Paris, tác giả – linh mục thừa sai Bonin Ninh, cha sở Cổ Vưu kiêm La Vang (1895-1904), cũng đã thận trọng viết: “Tục truyền rằng, cách đây khoảng 100 năm, có những giáo hữu Cổ Vưu trốn tránh cuộc bách hại, đã tới tị nạn tại đây… Bằng một giọng rất dịu dàng, Bà nói những lời mà mọi người đều nghe thấy và đã được kính cẩn truyền tụng, ghi giữ…[4]”.
* Năm 1923, trong Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang, cha Giuse Trần Văn Trang, bằng lối hành văn rất tự nhiên, rất Nam Bộ, đã mở đầu truyền thuyết La Vang một cách dân giả rằng: “Cứ theo lời ông già bà lão và các cha già còn sống đã nghe tổ tiên xưa thuật lại rằng: Có một hôm kia, khi mọi người đọc kinh về đoạn, thì xem thấy… Thiên hạ bấy giờ còn lưu truyền mà giữ cho đến rày[5]”.
* Năm 1932, dịp Đại hội La Vang 10, trong bài giảng thuyết về Sự tích Đức Mẹ La Vang, cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn cũng tỏ ra dè dặt: “Sự tích La Vang chúng tôi có biết đặng ít nhiều thì bởi truyền khẩu chứ không phải truyền thơ. Những điều truyền khẩu về Đức Mẹ La Vang thật hư thế nào, mặc ai tự nghĩ. Chúng tôi chỉ luận chung rằng có tích mới dịch ra tuồng. Nay việc La Vang đã ra một tuồng lớn lao thế này, lẽ nào lại là một việc vô tang vô tích[6]”.
* Cũng vào dịp Đại hội La Vang 10 (1932), linh mục thừa sai JB. Roux Ngôn, Giám đốc Đại Chủng viện Phú Xuân Huế, qua bài Cuộc Đại Hành hương Đức Mẹ La Vang đã xác định:
“Không có một tài liệu viết nào nói đến nguồn gốc việc tôn sùng Đức Mẹ La Vang, chỉ nhờ truyền tụng để chỉ dẫn cho chúng ta thôi. Trong truyền tụng này, có cái gì là lịch sử chắc chắn, còn những gì chỉ là yếu tố phát xuất từ óc tưởng tượng dân dã? Điều này không thể nào biết được… Một tối kia, theo lời kể lại trong dân gian…
Có gì là xác thực trong sự tích kể lại trên đây, cũng như trong nhiều tích khác thuật lại các sự lạ về Đức Mẹ Chúa Trời?… Dẫu sao, càng ngược lên xa theo truyền tụng thì người ta vẫn còn thấy có kẻ hành hương lui tới nguyện đường khiêm tốn La Vang và có rất nhiều ơn huệ đã được ban phát cho những ai đến đây cầu khẩn cùng Đức Mẹ nhân lành…[7]”.
* Năm 1955, trong công trình sưu tập chọn lọc – sách Đức Mẹ La Vang – linh mục tác giả Matthêô Lê Văn Thành, khi thuật lại truyền thuyết La Vang cũng đã cẩn thận xác định: “Theo lời cổ truyền: Một hôm khi bổn đạo trốn ẩn ở La Vang họp nhau đọc kinh tối nơi đám cỏ, gần gốc cây đa…[8]”.
* Sau Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 17 (1970), linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc, nhà Giáo phận Huế học, đã viết về nguồn gốc truyền thuyết La Vang như sau: “Qua đời Gia Long, mấy giáo hữu đã được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra tại La Vang chỉ kể lại sự lạ đó với những người chung quanh thôi, dần dần câu chuyện lạ ấy được truyền miệng này qua miệng khác, khắp các họ đạo xứ Dinh Cát, rồi truyền tụng cho tới ngày nay[9]”.
* Cùng quan điểm đó, linh mục Thiện Cẩm, qua tuần báo Công giáo và Dân tộc, đã làm sáng tỏ vấn đề hơn, cho rằng La Vang xưa nay vẫn chỉ là nơi, theo “tương truyền Đức Mẹ hiện ra, chứ chưa bao giờ được chính thức công nhận bởi giáo quyền địa phương cũng như bởi Tòa Thánh Vatican. Việc công nhận chính thức này nếu xảy ra thì cũng phải trải qua những cuộc điều tra cẩn thận, lâu dài mà theo chúng tôi nghĩ sự kiện La Vang chưa bao giờ được chính thức điều tra, mà chỉ được mặc nhiên nhìn nhận, dựa vào lòng tin của quần chúng Công giáo. Chuyện này cũng thường xảy ra như vậy ở nhiều nơi trên thế giới. Giáo hội rất thận trọng, ít khi chính thức lên tiếng và càng không muốn khẳng định về tính xác thực của những sự kiện mà Giáo hội khó có điều kiện điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn. Tuy nhiên lòng sùng kính của giáo dân luôn được tôn trọng, miễn là lòng sùng kính ấy không đưa tới những dị đoan, mê tín[10]”.
* Gần gũi với Đức Mẹ La Vang hơn, không ai bằng Tòa Tổng Giám mục Huế. Qua các tài liệu học hỏi về Đức Mẹ La Vang, các Đấng Bản quyền đều thận trọng xác định sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang là theo “truyền tụng”:
“Theo lời truyền tụng, từ xưa tới nay thì Đức Mẹ đã hiện ra tại chốn La Vang này, trong hoàn cảnh người giáo hữu chạy trốn lên rừng xa, núi rậm để tránh cuộc bách hại đạo Chúa thời vua Cảnh Thịnh (1792-1801). Trong cơn nguy khốn ấy, mọi người chỉ trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ, đêm ngày năng hội họp nhau nơi đám cỏ, dưới gốc cây đa cổ thụ, đọc kinh lần hạt, than khóc kêu xin Đức Mẹ cứu giúp che chở… Một hôm trong lúc họ đang đọc kinh cầu nguyện, thì Đức Mẹ hiện ra rực rỡ, tươi đẹp vô ngần…[11]”.
II. PHÁP LÝ TRUYỀN THUYẾT
Khác với những nơi khác, như Đức Mẹ Lộ Đức – Pháp, hay Đức Mẹ Fatima – Bồ Đào Nha, đã được Giáo hội chính thức công nhận, Đức Mẹ La Vang cho đến nay vẫn còn là một truyền thuyết. Tuy nhiên, dù được Giáo hội công nhận hay chưa thì sự kiện Đức Mẹ hiện ra bất cứ ở đâu vẫn không phải là tín điều của đức tin Công giáo. Và nếu hiểu rằng mỗi cuộc hiện ra của Đức Mẹ là một lần mạc khải thì phải hiểu rằng đó là một mạc khải riêng tư, không phải là mạc khải chung.
* “Mạc khải chung có nghĩa là Thiên Chúa bày tỏ sự khôn ngoan và ý muốn của Người cho nhân loại một cách siêu nhiên, vượt lên tư duy của con người, nhằm mục đích giải thoát con người khỏi tội lỗi. Mạc khải chung thể hiện rõ qua những gì Đức Giêsu Kitô đã dạy về Thiên Chúa và Con Người. Giáo hội có nhiệm vụ giải thích và bảo tồn những mạc khải chung chứa đựng trong Kinh Thánh. Người giáo hữu chỉ có thể đón nhận mạc khải chung bằng đức tin siêu nhiên. Những mạc khải chung là toàn bộ thành phần đức tin Công giáo[12]”.
* Mạc khải riêng là những mạc khải vì ơn ích thiêng liêng của một số người, một Giáo hội địa phương… Thiên Chúa, thường qua Mẹ Maria, bày tỏ một chân lý ẩn mật, một sự che chở hay một tình thương… Người nhận có thể nhận với lòng tin tự nhiên. Những mạc khải riêng tư thường là động lực làm tăng tiến đức tin siêu nhiên. Tuy vậy, đối với loại mạc khải này tin hay không tin chẳng hại gì, Giáo hội không bắt buộc cũng không cấm đoán[13]”.
Về vấn đề này, tiếng nói có uy tín được mọi người nhìn nhận là tiếng nói của ĐGH Bênêđictô XIV (1740-1758). Theo ngài: “Cần biết rằng sự phê chuẩn của Giáo hội đối với sự mạc khải riêng tư chỉ có nghĩa là, sau khi đã cẩn thận cứu xét, Giáo hội cho phép được phổ biến nó để giáo dục và mưu ích cho các tín hữu”. Tuy nhiên, cũng theo ngài: “Đối với các mạc khải đó, dù đã được Giáo hội công nhận cũng không ai được quyền cho đó là chuẩn mực của đức tin công giáo”.
Theo ĐGH Bênêđictô XIV đây là một phạm vi “tùy ý” trong Kitô giáo, song họ phải tôn trọng lương tâm người khác, không được khiêu khích hay khinh dể. Điều này là bắt buộc, đặc biệt đối với những nơi nào quyền bính Giáo hội đã cho phép như ở Lộ Đức, Fatima. Trong Giáo hội cũng như ở nơi khác, giới hạn của tự do là tự do của người khác, là điều mà một đức ái đầy thông cảm gợi ý cho ta bởi vì trong linh đạo Kitô giáo có “nhiều chỗ ở”.
Một điểm cần lưu ý khác, đối với những mạc khải riêng tư, dù đã được Tòa Thánh phê chuẩn thì theo sự khôn ngoan và cẩn trọng, Tòa Thánh cũng dựa vào giáo quyền địa phương để làm căn cứ xác định. Trong việc này các Giám mục địa phương đóng một vai trò tối quan trọng. Công đồng Trento 1563 dạy rằng:
“Không có phép lạ nào được phê chuẩn mà không có sự thừa nhận của Đức Giám mục địa phương. Từ khi được báo tin, Đức Giám mục tham khảo, bàn luận với các nhà thần học và những người có lòng đạo đức, và ngài sẽ làm bất cứ điều gì mà ngài cho là phù hợp với chân lý và đức tin Công giáo”.
Sắc luật của Thánh Bộ Truyền bá Đức tin AAS.58, 1186 đã được ĐGH Phaolô VI phê chuẩn ngày 14-10-1966, hủy bỏ các sắc luật 1399 và 2318, ghi rõ rằng những sách vở, tài liệu, báo chí đăng tải về những mạc khải, linh kiến, tiên tri hoặc phép lạ, không cần xin phép chuẩn “Nihil Obstat” hay “Imprimatur” của giáo quyền nữa, với điều kiện là những tài liệu này không ngược với đức tin và luân lý.
Riêng đối với mạc khải La Vang, trên cả sự phê chuẩn chính là dấu ấn Đức Mẹ đã để lại trên quê hương này qua những ơn lành hồn xác đầy rẫy và Mẹ đã ban cho con cái Mẹ, lương giáo, xa gần.
III. TÔN TRỌNG TRUYỀN THUYẾT
Và cũng vì là truyền thuyết nên câu chuyện về sự kiện Đức Mẹ La Vang, mỗi người kể, ngoài cái chung, đồng nhất, còn có sự thêm bớt khác nhau.
1. Những điểm đồng nhất: Dù ai kể thì truyền thuyết về Đức Mẹ La Vang cũng có 5 điểm chung được tôn trọng:
1.1 Cử chỉ của Đức Mẹ: Đức Mẹ tỏ ra nhân từ và âu yếm, an ủi các giáo hữu. Dạy hái lá quanh đó nấu uống để chữa lành các bệnh tật.
1.2 Lời nói của Đức Mẹ: “Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ này về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này thì Mẹ sẽ nhậm lời, ban ơn theo ý nguyện”.
1.3 Hiện trường khi Đức Mẹ hiện ra: Đức Mẹ hiện ra trên đám cỏ, dưới gốc cây đa cổ thụ, trong khi giáo hữu đang đọc kinh cầu nguyện.
1.4 Hình ảnh Đức Mẹ: Đức Mẹ hiện ra rực rỡ, tươi đẹp vô ngần. Người mặc áo choàng rộng, tay ẵm Chúa Hài Đồng.
1.5 Hoàn cảnh khi Đức Mẹ hiện ra: Đức Mẹ hiện ra vào lúc vua quan đang bắt đạo, giáo dân tìm cách vào rừng xa, núi thẳm để trốn tránh, bất chấp đói khổ, bệnh tật.
2. Những điểm khác biệt: có người nghi vấn những cảnh phụ thuộc, và mỗi người hiểu một cách theo suy nghĩ của mình:
2.1 Theo linh mục Phêrô Phan Phát Huồn – CSsR, khi Đức Mẹ hiện ra có thể có, có thể không hai thiên thần hầu cận: “Hoàn cảnh đó có thể là hoàn cảnh tưởng tượng, sáng kiến bởi trí óc của những người tuyên truyền, nhưng đó cũng là một hoàn cảnh rất có thể xảy đến lúc Đức Mẹ hiện ra. Đến nay chúng ta chưa có một lý do nào chắc chắn để bác việc này. Nhưng đồng thời chúng ta cũng không có bằng chứng khác ngoài lời truyền khẩu để chứng minh sự kiện này[14]”.
2.2 Ông Yves Chiron, giáo sư sử học người Pháp đến Việt Nam năm 1993 để tìm hiểu về Đức Mẹ La Vang cũng đã ghi lại theo sự tôn trọng truyền thuyết cộng đôi chút thêu dệt: “Ai nấy đều nhận ra Mẹ Maria, Mẹ bay qua bay lại trước mặt họ như để chiếm lấy nơi chốn… Rồi Mẹ cất tiếng nói dịu dàng…[15]”.
2.3 Ngay cả việc xác định thời điểm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cũng còn là một vấn đề chưa thống nhất, chỉ dám nói là “khoảng năm này”, “Khoảng năm nọ” hay “khoảng 100 năm trước đây”… Tất cả căn cứ của hiện tại đều chỉ dựa vào lối chứng minh loại suy hay lý luận lịch sử mà thôi.
Linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc, người rất gần gũi với quê hương Đức Mẹ La Vang cũng mơ hồ: “Một điều đáng tiếc là không ai biết Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm nào cho đích xác… Có người nói Đức Mẹ hiện ra năm 1798, năm Cảnh Thịnh bắt đạo, đó cũng là nói theo sự phỏng đoán mà thôi[16]”.
Gần đây, trên nguyệt san Mẹ Việt Nam (số 102, ngày 15-8-1998, từ trang 38), linh mục Giuse Trần Hữu Thanh có viết một bài về vấn đề này, nhưng ngài cũng tỏ ra dè dặt với đầu đề: “Thử xác định thời điểm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang”.
Nhìn chung, mọi sự thêu dệt hay mơ hồ về Đức Mẹ La Vang đều vô hại nếu những ý tưởng đó không làm cho truyền thuyết trở nên hoang đường, không dẫn dắt câu chuyện đến chỗ mê tín dị đoan và không xúc phạm đến lòng sùng kính Đức Mẹ nơi người giáo hữu.
B. CÂU CHUYỆN TRUYỀN THUYẾT
Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang là một sự kiện trọng đại, mặc dù chưa phải là một sự kiện lịch sử, nhưng lại liên quan mật thiết đến lịch sử tồn tại, phát triển của đạo Công giáo ở Việt Nam.
I. NỘI DUNG TRUYỀN THUYẾT
1. Truyền thuyết La Vang với nhãn quan người Pháp.
* Bản văn đầu tiên viết về truyền thuyết La Vang (trừ Vãn La Vang) có lẽ là bài Đức Mẹ La Vang, đăng trong Biên niên sử Hội Thừa sai Paris năm 1901, sđd , như sau:
“La Vang nằm ở giữa rừng rú, cách thành Quảng Trị và họ đạo sầm uất Cổ Vưu vài cây số.
Tục truyền rằng, cách đây khoảng 100 năm, có những giáo hữu Cổ Vưu trốn tránh cuộc bách hại, đã tới tị nạn tại đây, thời ấy có rừng cao bao quanh. Những người này rất sùng đạo, mỗi tối họ tụ họp nhau dưới túp lều tranh được dùng làm nhà nguyện, và ở đó, họ sốt sắng cầu nguyện trước một tấm ảnh Đức Mẹ thô sơ.
Phải chăng họ đã khấn xin Đức Mẹ Chúa Trời cho hết dịch hạch, dịch tả – những tai ương rất thông thường tại An Nam? Phải chăng họ đã cầu khẩn Người che chở khỏi cọp beo có rất nhiều trong rừng? Hay họ cầu cho quê hương được bình an để giữ đạo?
Một tối kia, vừa lúc họ ra về thì một Bà rất xinh đẹp hiện ra với họ. Bà ấy mặc y phục trắng và có hào quang bao quanh. Hai thiếu nhi duyên dáng cầm đèn đứng hầu cận.
Bà ấy đi qua đi lại nhiều lần trước mặt các giáo hữu hớn hở vui mừng – chân người chạm đất dường như để chiếm hữu – rồi dừng lại và bằng một giọng rất dịu dàng, Bà nói những lời mà mọi người đều nghe thấy, và đã được kính cẩn truyền tụng, ghi giữ: ‘Hỡi các con, Mẹ ban cho điều các con đã xin, và từ nay về sau, hễ ai đến đây cầu khẩn cùng Mẹ thì Mẹ sẽ nhậm lời’ (Mes enfants, ce que vous m’ avez demandé, je vous l’accorde, et désormais tous ce qui viendront ici me prier, je les exaucerai).
Nói như thế rồi, bà biến đi và hào quang bao quanh cũng biến đi theo”.
Nhận định về bài tường thuật Đức Mẹ hiện ra trên đây, linh mục Tiến Lãng, trong Kính mừng Maria, cho rằng “ngắn gọn, ít chi tiết”, so với các bản tường thuật muộn thời:
– Không nói tới truyền tụng “hái lá nấu nước uống”.
– Không mô tả chi tiết “bồng con”.
– Đặc biệt là không nhắc tới truyền tụng “cây đa”. Phải chăng, theo tác giả – cha Bonin Ninh – hình ảnh cây đa đối với người Đông phương liên quan đến bụt thần, dị đoan?
* Năm 1932, nhân dịp Hành hương La Vang lần 10, cha JB. Roux – Linh mục Hội Thừa sai Paris, Giám đốc Đại Chủng viện Phú Xuân Huế, qua bài Cuộc Đại Hành hương Đức Mẹ La Vang đã viết như sau:
“La Vang là một làng nhỏ bé nằm giữa rừng rú, cách Quảng Trị khoảng 6 km về hướng tây, đã trở thành danh tiếng khắp miền Đông Dương vào thời đầu thế kỷ XX này, nhờ có đền thờ Đức Mẹ…
Ngày xưa, rừng rú trải dài gần tới chỗ nay có thành Quảng Trị. Những người dân nghèo trong vùng đi vào rừng để mót nhặt cành củi, làm than gỗ… Cũng có kẻ tìm góc thung lũng để khai khẩn và trồng khoai sắn, làm rẫy, gieo lúa và dựng túp lều để ở lại lâu mau tùy thời. Đêm đến, họ kêu la lớn tiếng và gây tiếng động huyên náo để đuổi xa cọp beo, heo rừng, hươu nai, có rất nhiều nơi khu rừng gần bên. Người ta nghĩ rằng do đó mà có tên gọi La Vang, tiếng Annam có nghĩa là kêu la om sòm, tên gọi đã có ít nhất 200 năm nay.
Nơi thung lũng hẹp này có một cây cổ thụ, các người đi làm việc trong rừng đến nghỉ dưới bóng mát của cây ấy. Người ngoại thì tôn thờ thần cây, xin được gìn giữ khỏi mọi hiểm nguy, nhất là cọp beo và sốt rét. Còn người giáo hữu thì khẩn cầu Đức Mẹ, cũng cùng một ý nguyện, họ lần chuỗi và đọc kinh. Vì những chuyện sợ hãi và dị đoan, người ngoại đã bỏ chỗ này. Khi ấy các giáo hữu đặt ít đồ đạo, cách riêng một bức ảnh Đức Mẹ và họ tiếp tục việc tôn sùng nơi ấy. Chính vì thế mà khi có các cuộc rước kiệu lớn, người ta nghe người lương nói với nhau: ‘Bà này là của bên ta, mà người bên giáo đã đoạt lấy’.
Vào thời bách hại (chắc là cuộc bách hại của nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII), có những giáo hữu Cổ Vưu tìm nơi trú ẩn đã vào lập cư ở nơi hoang dã này. Họ rất sùng đạo, tối nào họ cũng tụ họp lại, không phải nơi gốc cây cổ thụ nữa, nhưng là dưới túp lều tranh của một người trong nhóm họ, được dùng làm nhà nguyện, và ở đó, trước một bức tượng Đức Mẹ Maria thô sơ, họ cầu nguyện sốt sắng.
Một tối kia, theo lời kể lại trong dân gian, vừa lúc họ ra về thì một Bà rất xinh đẹp hiện ra với họ. Bà ấy mặc y phục trắng và có hào quang bao quanh. Hai thiếu nhi duyên dáng cầm đèn đứng hầu cận.
Bà ấy đi qua đi lại nhiều lần trước mặt các giáo hữu hớn hở vui mừng, chân người chạm đất dường như để chiếm hữu, rồi dừng lại và bằng một giọng rất dịu dàng, Bà nói những lời mà mọi người đều nghe thấy, và đã được kính cẩn truyền tụng, ghi giữ: ‘Hỡi các con, Mẹ ban cho điều các con đã xin, và từ nay về sau, hễ ai đến đây cầu khẩn cùng Mẹ thì Mẹ sẽ nhậm lời’.
Nói như thế rồi, Bà biến đi và hào quang bao quanh cũng biến đi theo[17]”.
Bài viết của cha JB Roux, so với bài của cha Bonin, có nhiều chi tiết hơn:
– Có nói sự kiện xảy ra vào thời bách hại.
– Có giải thích tên gọi La Vang (theo cách giải thích của cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn: La Vang = La + Vang).
– Có nói tới cây đa: “Có một cây cổ thụ…”, nhưng, cũng như cha Bonin, tách hình ảnh cây cổ thụ ra khỏi sự kiện, chủ ý “tìm cách tách biệt tín ngưỡng dân gian (thần cây đa) với việc tôn sùng Đức Mẹ của người có đạo[18]”.
– Phần tường thuật “Đức Mẹ hiện ra” được trích nguyên văn từ bài Notre Dame de La Vang của cha Bonin (đã dẫn).
* Gần đây nhất, 1993, ông Yves Chiron, một sử gia, giáo sư sử học người Pháp đã đến Việt Nam tìm hiểu về Đức Mẹ La Vang, đã ghi lại:
“La Vang vào cuối thế kỷ XVIII là một thôn xóm mất hút trong rừng nhiệt đới, cách Huế khoảng 60 cây số về hướng bắc. Từ năm 1773, thời kỳ Tây Sơn khởi nghĩa, Giáo hội Công giáo bị bắt bớ… Vì thế người tín hữu phải ẩn trốn trong rừng già, về phía bắc thành phố Huế. Tối đến, họ tụ họp trong một cái chòi lụp xụp bằng gỗ để đọc kinh. Hình như họ có tạc một bức tượng Đức Mẹ và cầu xin Người giữ gìn cho khỏi cọp bắt, vì chúng rất đông trong vùng, khỏi bị thổ tả bấy giờ đang bành trướng, và dĩ nhiên khỏi những cuộc ruồng bố bắt đạo.
Một tối kia, sau khi họ đọc kinh xong, thì một Bà ăn mặc toàn trắng, đầy hào quang bao quanh bất ngờ hiện ra. Có hai trẻ cầm đuốc quỳ chầu hai bên. Ai nấy đều nhận ra chính là Mẹ Maria… Rồi Mẹ cất tiếng nói dịu dàng mà ai nấy đều nghe rất rõ, nên họ đã lập lại từ thế hệ này qua thế hệ khác: ‘Các con của Mẹ, những gì các con kêu xin Mẹ, Mẹ sẽ ban cho. Từ đây tất cả những ai đến đây khẩn cầu Mẹ, Mẹ sẽ nhậm lời họ xin’.
Khi hết cơn bắt đạo, người ta dựng một ngôi nhà nguyện vào năm 1800 (?), ngay nơi Mẹ hiện ra. Về sau, ngôi nhà nguyện được biến thành nơi thờ tự rộng lớn hơn. Cho đến khi hết chiến tranh Đông Dương, hàng ngàn người hành hương, không những trong nước tuôn đến, mà lữ hành đến từ Ai Lao, Cao Miên nữa, để tham dự Đại hội Hành hương ba năm một lần được ấn định vào tháng tám dương lịch[19]”.
2. Truyền thuyết La Vang với các linh mục Việt Nam
* Linh mục Việt Nam đầu tiên, quan tâm đến việc “truyền thơ” sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, không ai khác hơn là cha Giuse Trần Văn Trang, với bài hồi ký Đại hội La Vang lần 1 – 1901 (?). Từ sự quan tâm này, ngài đã tích lũy được nhiều nội dung liên quan đến Truyền thuyết La Vang, và năm 1923, Tự tích Tôn kính Đức Mẹ La Vang – cuốn sách văn xuôi đầu tiên về Đức Mẹ La Vang – ra đời. Mặc dù chỉ với 46 trang khổ 17cm, với 2 nội dung “Tích hạnh La Vang” và “Ơn lạ Đức Mẹ La Vang”, đồng thời có nhiều chi tiết khó hiểu như: Văn Thân khuấy khỏa?… nhưng cuốn sách là một tiếng chuông vang vọng đánh đúng lúc vào lịch sử La Vang, khiến con cái Đức Mẹ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều, với lòng ngưỡng mộ, mến yêu, hướng về Mẹ La Vang.
Về truyền thuyết La Vang, ngài viết:
“Cứ lời truyền rằng: Cách chừng 100 năm nay, tỉnh Quảng Trị phải cơn cấm đạo nhiệm nhặt, Văn Thân khuấy khỏa[20], ăn chẳng yên, làm chẳng nổi, ai nấy phải tẩu tán, trốn chỗ này qua chỗ khác kín đáo cho ẩn thân an dật.
Có nhiều đoàn lũ bổn đạo dòng họ Cổ Vưu chừng 50, 70 ở tỉnh Quảng Trị thẳng lên núi đến chốn này mà trú ngụ trốn lánh làm ăn.
Nhằm chính nơi chỗ các bổn đạo trú, có một cây cao lớn sum sê, ban ngày mùa hè chim đến thảnh thót líu lo, cùng che im bóng mát. Nhiều kẻ qua lại nghỉ chơn, kẻ ngoại giáo tin có thần linh, cũng hay ghé vào khấn vái cho khỏi tai ương khốn bức. Các bổn đạo khi ấy làm một nhà tranh nhỏ xấu xấu tại nơi ấy làm như nhà thờ tạm. Trước bàn thờ có chưng một bức ảnh giấy Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu, cùng đặt vài ba chơn đèn cũ xấu và hái hoa ngoài đồng trau giồi bàn thờ, hôm sớm tụ hội nhau lại mà đọc kinh cầu nguyện cùng Đức Mẹ sốt sắng lắm.
Lại vừa buổi ấy thời buổi thần khí ôn dịch, cùng nhiều điều tai ương khốn khó khác, nhứt là cọp beo trên rừng tuôn về tràn đồng khuấy khỏa nhơn dân. Bổn đạo hằng bữa khấn vái kêu van cùng Đức Mẹ cứu cho khỏi muôn điều khốn nạn ấy, nhứt là được ơn bằng an về sự đạo cho dễ giữ yên hàn.
Cứ theo lời ông già bà lão và các cha già cả còn sống đã nghe tổ tiên xưa thuật lại rằng: Có một hôm kia, khi mọi người đã đọc kinh về đoạn, thì xem thấy một Bà mặt mũi tốt tươi, đẹp đẽ oai nghi hiện đến, hào quang sáng láng. Có hai trẻ mặt mày vui vẻ lịch sự, cầm hai đèn chầu hai bên. Bổn đạo đều quyết rằng: là Đức Mẹ Chúa Trời và hai thiên thần chầu kính. Bà đẹp đẽ ấy cũng đã hiện đi, hiện lại nhiều lần, người ta dầu ngoại, dầu đạo cũng đều xem thấy Người, chơn đứng trên đất, dường như nhận đất La Vang là nơi mình muốn ngự xuống mà ban ơn cho thiên hạ. Bà rất tốt lành ấy nói lời rất êm ái thanh bai, bổn đạo đều nghe tỏ và thiên hạ bây giờ còn lưu truyền mà giữ cho đến rày.
Những lời Người phán rằng: ‘Ớ các con, những điều chúng con xin cùng Mẹ, thì Mẹ nhậm lời mà ban cho các con, và từ này về sau hễ ai chạy đến đây mà cầu nguyện cùng Mẹ thì Mẹ cũng sẽ nhậm lời chúng nó’.
Bà ấy phán mấy lời liền biến đi và sự sáng che phủ lấy Người, mà chẳng còn xem đặng nữa[21]”.
* Năm 1955, linh mục Matthêô Lê Văn Thành, tác giả sách Đức Mẹ La Vang, với tiểu đề “Đức Mẹ đã hiện ra thế nào?”, đã lược thuật truyền thuyết La Vang, như sau:
“Theo lời cổ truyền: một hôm khi bổn đạo trốn ẩn ở La Vang họp nhau đọc kinh tối nơi đám cỏ gần gốc cây đa, họ thầm thì than khóc, kêu xin Chúa cùng Đức Mẹ đoái thương phù hộ che chở. Trong cơn lo sợ, thêm phần xác túng ngặt đau ốm, lời than thở kêu xin thật tha thiết não nùng.
Bỗng nhiên Đức Mẹ hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần. Người mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần nhỏ cầm đèn chầu hai bên. Đức Mẹ xuống đứng trên đám cỏ gần gốc cây đa, nơi bổn đạo đang cầu nguyện.
Đức Mẹ vẻ nhơn từ âu yếm, an ủi các bổn đạo vui lòng chịu khó, dạy hái lá quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh. Lại phán hứa rằng: ‘Mẹ đã nhậm lấy các lời chúng con kêu xin, và từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện’.
Từ đó, Đức Mẹ còn hiện xuống nhiều lần như vậy. Ấy là điều các tiền nhân di truyền lại cho đến ngày nay.
Từ ngày đó, người ta đổ xô về La Vang cầu xin cùng Đức Mẹ, và Đức Mẹ cũng đã giữ lời Người đã hứa, ban nhiều ơn lành và chữa nhiều người lành bệnh[22]”.
* Một người rất “duyên nợ” với Đức Mẹ La Vang – linh mục nhà báo Hồng Phúc – CSsR, với những công trình nghiên cứu công phu về truyền thuyết, sự tích Đức Mẹ La Vang:
– Tháng 8-1958, trên Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (số 111, tháng 8-1958, tr.240-241) xuất hiện bài viết Sự tích Đức Mẹ La Vang, với đầy đủ chi tiết về sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, lồng trong khung cảnh lịch sử và hoàn cảnh xã hội được minh họa sắc nét:
“… Vì nơi đây, theo tục truyền Đức Nữ Đồng Trinh đã thân hành hiện xuống ủi an, ủy lạo đoàn người giáo hữu lâm nạn…
Năm 1798 ngai vàng của Cảnh Thịnh (Tây Sơn) lung lay muốn sụp đổ trước sức tấn công vũ bão của chúa Nguyễn từ miền Nam tiến ra. Quân Tây Sơn thua chạy tơi bời. Nhà vua ra sắc lệnh triệt để cấm đạo, một mặt để báo thù Đức cha Bá Đa Lộc, mặt khác để khủng bố giáo dân mà ông cho là bao giờ cũng sẵn sàng nối giáo cho giặc.
Cơn cấm cách bùng nổ dã man, tàn ác, nhất là trong ba tỉnh kế cận kinh đô: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Làng Cổ Vưu (Trí Bưu) ở sát cạnh thị xã Quảng Trị về phía Đông Bắc là một làng có nhiều giáo hữu. Trước cơn bắt bớ hoành hành, giết hại hàng ngàn nhân mạng, xô vào ngục thất hàng vạn lương dân, giáo hữu, Cổ Vưu đã tản cư lên rừng lánh nạn. Họ bỏ cửa bỏ nhà, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, gia tài sự nghiệp thu gọn vào một khăn gói vắt ngang vai. Họ đến La Vang, cách thị xã Quảng Trị 6 cây số, ẩn trú dưới bóng tàn một cây đại thụ. Trong bóng đêm rùng rợn, tiếng gió rít từng cơn hòa lẫn tiếng côn trùng, ác thú, họ cảm thấy cô quạnh quá. Không ai bảo ai, họ ngồi sát cạnh lại với nhau, bàn tay xiết chặt xâu chuỗi, họ đọc kinh cầu khẩn với Mẹ nhân lành. Rồi một đêm kia, dưới bóng cây đa cổ thụ, một ánh hào quang rực rỡ lóe sáng. Trên đám cỏ óng ánh hạt sương đêm, Đức Mẹ mặc áo choàng rộng, tay ẵm Chúa Hài Nhi, có hai thiên thần nhỏ hầu đèn. Đức Mẹ dịu dàng an ủi: ‘Hỡi chúng con, chúng con hãy trông cậy, hãy vui lòng chịu khó. Mẹ đã nhậm lời chúng con kêu xin, từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn với Mẹ nơi này, Mẹ sẽ nhậm lời, ban ơn theo ý nguyện. Các con hãy bẻ lá vườn mà nấu uống sẽ lành các bệnh tật’.
Dứt lời Mẹ biến đi, đoàn con đau khổ thấy tâm hồn sung sướng, nhẹ nhõm quá đã đồng thanh hát ca ngợi khen Đức Mẹ Đồng Trinh. Hôm sau, nhiều lần nữa, trên nền cỏ xanh tắm sương đêm mát dịu vết chân Đức Mẹ hãy còn ghi dấu.
Đức Mẹ hiện ra nhiều lần để an ủi bổn đạo”.
– 40 năm sau, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, linh mục Hồng Phúc, qua tác phẩm cuối đời Đức Mẹ La Vang và Giáo hội Công giáo Việt Nam, đã cô đọng truyền thuyết La Vang như sau:
“Theo lời truyền tụng, trong thời kỳ bách hại 1798, một nhóm người Công giáo ở gần đồn Dinh Cát (nay là tỉnh lỵ Quảng Trị) thuộc mấy họ đạo như Cổ Vưu, Hạnh Hoa, Thạch Hãn đã chạy vào phường La Vang tị nạn. Vì lúc bấy giờ La Vang ở giữa rừng xanh núi hiểm. Trong lúc lánh nạn tại đây, ban đêm họ họp nhau dưới bóng một cây đa cổ thụ để lần chuỗi, cầu nguyện. Trong cơn lo sợ, thể xác lại tiều tụy đau ốm, họ than thở kêu xin thiết tha não nùng.
Bỗng dưng Đức Mẹ hiện ra trong ánh hào quang rực rỡ. Mẹ mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng. Họ nhận ra ngay là Đức Mẹ, vì Mẹ ẵm Chúa Hài Đồng. Hai bên lại có hai thiên thần cầm đèn chầu. Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ âu yếm, an ủi các bổn đạo vui lòng chịu khó, dạy hái lá chung quanh đó nấu uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại hứa rằng: ‘Mẹ nhậm lời chúng con kêu xin và từ đây về sau hễ ai chạy đến cùng Mẹ ở chốn này Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện’.
Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ, gần gốc cây đa cổ thụ, nơi giáo dân đang cầu nguyện.
Sau đó Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy. Đó là điều các tiền nhân đã loan truyền lại cho đến ngày nay[23]”.
* Linh mục sử gia Phêrô Phan Phát Huồn – CSsR, với bài giảng thuyết “Đức Mẹ và Dân tộc Việt Nam”, trên nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (số 119, tháng 4-1959, tr.105), đã mở đầu bằng truyền thuyết La Vang, như sau:
“Theo lời cổ truyền, ngày xưa, có những bổn đạo Quảng Trị, vì cơn bắt đạo dữ dằn ghê gớm đã chạy trốn vào La Vang, xa tỉnh thành Quảng Trị hơn 6 cây số. La Vang hồi ấy là rừng sâu núi rậm, nơi có nhiều ác thú ẩn núp, nên bổn đạo hy vọng quan quân không tìm đến chỗ xa xôi hẻo lánh ấy. Dầu vậy, đêm ngày cũng vẫn áy náy lo sợ bị tầm nã, bắt bớ, sợ thú dữ rừng hoang. Lại thêm lương thực không có, khí hậu độc địa nên lâu ngày nhiều người lâm bệnh, tình cảnh thật trăm điều cơ cực.
Trong cơn nguy khốn ấy, mọi người chỉ trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ, đêm ngày năng hội hiệp nhau nơi đám cỏ, dưới gốc cây đa đại thọ đọc kinh lần hột, than khóc kêu xin Đức Mẹ cứu giúp mình. Thấy con cái bởi muốn giữ lòng trung nghĩa cùng Chúa nên lâm cảnh thảm khốc dường ấy, Mẹ nhân lành động tình thương xót đã hiện ra tại chỗ ấy nhiều lần và ban ơn an ủi, cứu chữa những người đau ốm, dạy lấy lá xung quanh chỗ ấy nấu uống sẽ lành bệnh và hứa sẽ nhậm lời những kẻ đến cầu khẩn cùng Mẹ nơi ấy”.
* Năm 1970, trong món quà kỷ niệm dịp Đại hội La Vang 17 (1970) – sách Linh địa La Vang – linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc, với lối văn tường thuật sinh động, cũng đã giới thiệu một truyền thuyết La Vang vừa lắng đọng, vừa gần gũi, không khác mấy với những bài viết trước đó:
“Theo những lời truyền miệng của các tiền nhân, thì cách đây 200 năm một biến cố hãi hùng do cuộc cấm đạo hoặc do chiến tranh gây nên đã khiến một nhóm người Công giáo ở gần đồn Dinh Cát, thuộc mấy họ đạo như Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa… đã chạy vào phường La Vang để tị nạn, vì lúc bấy giờ La Vang ở giữa rừng thiêng núi hiểm. Trong lúc lánh nạn tại đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần chuỗi. Bỗng nhiên họ thấy một Bà đẹp đẽ, mặc áo choàng, hiện ra gần một cây đa đại thụ mà họ nhận biết ngay là Đức Mẹ, vì có bồng Chúa Hài Đồng, hai bên có hai thiên thần cầm đèn chầu. Đức Mẹ ngỏ lời an ủi họ và dạy bẻ lá quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa ‘từ nay về sau ai đến khẩn cầu tại chốn này Đức Mẹ sẽ ban ơn phù hộ’. Sau đó, Đức Mẹ lại hiện đến với họ nhiều lần như vậy[24]”.
* Cập nhật hóa, năm 1998, trong Thánh địa Đức Mẹ La Vang, Tòa TGM Huế, viết về sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang như sau:
“Tháng 8 năm 1798, từ Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn ra sắc chỉ cấm đạo, hạ lệnh bách hại gắt gao. Cơn bách hại gắt gao và dữ dội.
Lệnh vua vừa ban ra, quân lính đua nhau truy nã người Công giáo để bắt bớ, hành hạ và chém giết.
Để tránh cơn bắt đạo ác liệt này, các giáo hữu thuộc tỉnh Quảng Trị tìm cách chạy trốn vào một nơi hẻo lánh, cách xa tỉnh thành chừng 6 cây số. Đây là rừng núi La Vang độc địa, hẻo lánh, nên giáo hữu hy vọng quan quân không tìm đến. Dầu vậy, đêm ngày họ vẫn hồi hộp lo sợ bị tầm nã, bắt bớ, sợ thú dữ rừng hoang. Lại thêm lương thực không có, khí độc, nước độc, nên lâu ngày nhiều người lâm bệnh. Tình cảnh thực trăm bề khổ cực.
Trong cơn nguy khốn ấy, mọi người chỉ trông cậy vào Chúa và Đức Mẹ xin cứu giúp, chở che.
Thấy con cái giữ lòng trung nghĩa cùng Chúa, nhất là đang lâm cảnh hoạn nạn cơ cực ấy, Mẹ nhân lành động lòng thương xót.
Một hôm trong lúc họ đang đọc kinh cầu nguyện thì Đức Mẹ hiện ra rực rỡ tươi đẹp vô ngần. Người mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần hầu cận. Đức Mẹ xuống đứng trên đám cỏ gần gốc cây đa, nơi giáo hữu đang cầu nguyện. Đức Mẹ tỏ vẻ nhân từ và âu yếm, an ủi các giáo hữu vui lòng chịu khổ, dạy hái lá quanh đó nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Đức Mẹ còn phán hứa rằng: ‘Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện’.
Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy. Đó là điều các tiền nhân loan truyền lại cho đến ngày nay.
Cũng từ ngày đó, người người lương giáo tuôn về La Vang hành hương cầu nguyện, và Đức Mẹ theo lời đã hứa, ban nhiều ơn lành hồn xác cho con cái Người[25]”.
II. THỜI ĐIỂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG
Vì là truyền thuyết, sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cho tới nay, hơn hai thế kỷ, chưa có bằng chứng cụ thể và khoa học để xác định được thời điểm. Tất cả những hiểu biết chỉ dựa vào truyền khẩu rồi dùng phương pháp chứng minh loại suy hay lý luận lịch sử để tìm về căn cơ, ngọn nguồn.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thể kỷ thứ XX, thừa sai Claude Bonin (cố Ninh), cha sở Cổ Vưu, mỗi lần gặp ông già bà cả hay xức dầu kẻ liệt, như khi xức dầu cho bà nội của bà Xã Thoại, giáo dân Cổ Vưu, thọ gần 100 tuổi, có hỏi rằng: “Bà nay gần đến Toà Phán xét, bà phải nói thật, khi nhỏ bà có nghe Đức Bà hiện ra ở La Vang?”. Các bà ấy là những người đạo đức, thật thà thưa rằng: “Thưa cha có, lúc nhỏ con có nghe cha mẹ con và mấy người lớn kể lại các việc ấy… Bấy giờ, theo lời cha mẹ là lúc con sắp sửa chào đời, quê nhà lâm cơn cấm cách ác liệt[26]”.
Trong Đại hội La Vang lần thứ nhất, nhiều vị cao niên được hỏi đều trả lời có nghe cha mẹ, người lớn kể lại nói là sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang xảy ra cách nay khoảng 100 năm.
Soát xét lại lịch sử, lấy mốc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cách đây khoảng 100 năm phải là thời gian có bắt đạo. Vậy là năm nào?
* Thời quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân (1775 – 1786), ít ra hai lần có lệnh bắt đạo vào năm 1779 và năm 1783, nhưng cả hai lần lệnh không được thi hành gắt gao, giáo dân vẫn ung dung, chỉ có vài nơi quan địa phương lợi dụng cơ hội ức hiếp người Công giáo, dọa tịch thu ruộng đất, đòi tiền hoặc buộc họ tham gia vào các việc cúng bái, tế thần hoặc mê tín dị đoan, những phạm vi mà thời đó Giáo hội không cho phép. Còn ngoài ra, không có hình phạt chết người, không đến nỗi phải trốn lên rừng xuống biển. Vả lại lấy mốc 1779, 1783 thì thời gian cũng không khớp với “khoảng 100 năm”.
* Thời Quang Trung Nguyễn Huệ làm chủ Phú Xuân (1786-1792), chỉ có một lần nhà vua hạ lệnh lùng bắt các thừa sai vào giữa năm 1790. Trong thư đề ngày 9-1-1791, Đức cha Gioan Labartette cho biết: “Chừng năm hay sáu tháng trước đây vài chiếc tàu châu Âu xuất hiện gần biển Quy Nhơn. Theo tấu trình của các quan, vua Quang Trung chuẩn y lệnh khám xét, bắt giam các thừa sai[27]”. Tuy nhiên lệnh này có kèm theo hai điều kiện hạn chế: Chỉ thực hiện trong vòng sáu ngày và không được hạch hỏi, bắt bớ giáo dân. Vì vậy cuộc bắt đạo Quang Trung 1790 không đủ điều kiện để các giáo hữu Dinh Cát phải trốn vào La Vang.
* Thời Nguyễn Ánh phục quốc (1801) lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (1802-1819), thống nhất đất nước, không có việc bắt đạo.
* Thời Minh Mạng (1820-1840) có nhiều cuộc bắt đạo ác liệt nhưng phải từ 1833 về sau. Quá ngắn so với thời gian “khoảng 100 năm”.
* Vậy sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang chỉ có thể xảy ra trong thời vua Tây Sơn Cảnh Thịnh, nghĩa là trong khoảng các năm từ 1792-1801.
Căn cứ vào lịch sử, thời vua Cảnh Thịnh, có cuộc bắt đạo năm 1798. Tuy chỉ xảy ra trong vòng một tháng nhưng gắt gao, ác liệt, đưa đến cuộc tử đạo anh dũng của thánh linh mục Emmanuen Nguyễn Văn Triệu.
Linh mục Phêrô Trương Bá Cần trong Công giáo Đàng Trong thời Đức cha Pigneau cho biết: “Tháng 5-1797 Nguyễn Phúc Ánh đem đại quân quấy phá không những ở Quy Nhơn mà còn kéo ra tận đèo Hải Vân…, đổ bộ lên Đà Nẵng. Tháng 7-1797 Phúc Ánh đem quân trở về Gia Định[28]”.
Trước khi rút lui, Nguyễn Ánh đã khôn ngoan sử dụng thành công kế ly gián:
Một mặt ông biên thư cho Đức cha Gioan Labartette đang ở Dinh Cát, yêu cầu Đức cha thành lập một đạo quân Công giáo (?) để làm hậu thuẫn khi ông tiến đánh Phú Xuân. Không biết vô tình hay chủ ý ông để thư này lọt vào tay triều đình Cảnh Thịnh. Đúng vào lúc quan nội hầu Lê Văn Lợi đang thắng thế trong việc xin vua Cảnh Thịnh hạ lệnh bắt đạo. Lệnh bắt đạo tất yếu được ban hành.
Mặt khác, ông “để lại bức thư khuyến dụ Nguyễn Bảo, con cả Nguyễn Nhạc quy hàng, gây nên một sự hoang mang lớn trong hàng ngũ Tây Sơn. Sự thực là nhiều tướng tá và Nguyễn Bảo, cuối năm 1798, đã xin quy hàng Nguyễn Phúc Ánh[29]”.
“Phải chăng trong bầu không khí nghi ngờ và hoảng loạn ấy, ngày 7-8-1798, vào lúc giữa trưa, bốn toán lính đã cùng lúc đột nhập vào bốn họ đạo[30] trong thành phố Huế…[31]”.
Nhưng trước đó, nhờ có quan Công giáo, hoặc có thiện cảm với đạo Công giáo, Hồ Công Diệu làm việc trong triều mật báo nên Đức cha Gioan Labartette đã kịp thời chỉ thị các thừa sai trốn ra Dinh Cát.
Tại họ đạo Thợ Đúc quân lính hùng hổ bố ráp, bắt người, đánh đập giáo dân và các nữ tu Mến Thánh Giá nhằm nhanh chóng tìm ra nơi trú ẩn của các thừa sai. Đau lòng và để tránh thiệt hại cho giáo đoàn Thợ Đúc, một linh mục gốc giáo phận Huế đang phục vụ ở Đàng Ngoài về quê thăm mẹ – Cha Emmanuen Nguyễn Văn Triệu – đã tự ra nộp mình, xưng là linh mục. Binh lính mừng rỡ đóng gông giải cha về ngục.
Mười ngày sau cuộc bố ráp này, vua Cảnh Thịnh đã ban hành một sắc chỉ “Truyền phá hủy tất cả các nhà thờ, tất cả các nhà ở của các linh mục và bắt tất cả những ai có thể bắt được[32]”, “Người dân trong nước phải giữ đạo Tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ); Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Đạo Datô có nhiều tà thuyết phải được cấm triệt để. Do đó, muốn ích quốc lợi dân, hoàng đế truyền lệnh tiêu diệt đạo ấy vì là đạo đáng ghét33”.
Thừa sai Girard trong thư đề ngày 25-6-1801 cho biết: “Cuộc bách hại này chỉ xảy ra dữ dội trong vòng khoảng một tháng bởi vì đã có bất hòa trong nội bộ Tây Sơn. Họ lo chém giết lẫn nhau và để cho chúng tôi yên[34]”.
“Khoảng một tháng”, theo thư thừa sai Girard tức là từ ngày 7-8-1798 đến ngày 7-9-1798. Vậy, đã có căn cứ để kết luận sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang có thể xảy ra vào năm 1798, trong tháng tám hoặc đầu tháng chín.
(Còn tiếp…)
Ban Truyền Thông TGP Huế cập nhật
————————————————————————————————
[1] Vô Danh Thị: Vãn La Vang, câu 9-10.
[2] Vô Danh Thị: Vãn La Vang, câu 317-318.
[3] Vô Danh Thị: Vãn La Vang, câu 3-8.
[4] Lm Claude Bonin: Notre Dame de La Vang. Annales de la Société des Missions Etrangères. No 24, Nov – Déc. 1901, p. 274.
[5] Giuse Trần Văn Trang: Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang. Imprimerie de Qui Nhơn – Annam, 1923, tr.7-8.
[6] Dẫn theo Lm Matthêô Lê Văn Thành: Đức Mẹ La Vang. Cứu Thế tùng thư. Sài Gòn, 1958.
[7] JB Roux: Le Grand Pèlerinage de Notre Dame de La Vang. Bulletin de la Société des Missions Etragères de Paris. No 131. Nov. 1932, p.832-841.
[8] Lm Matthêô Lê Văn Thành: Đức Mẹ La Vang. Sđd, tr.16.
[9] Lm Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh Địa La Vang. Cơ sở ấn loát Xây Dựng, đường Thánh Mẫu, Chí Hòa, Sài Gòn, 1970, tr.39.
[10] Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1182, tr.24.
[11] Tòa TGM Huế: Thánh địa Đức Mẹ La Vang (Tập không ghi năm), tr.7.
[12] Lm René Laurentin, nhà thần học. Bản dịch Việt ngữ của Lm Nguyễn Hồng Giáo. Tb. Công giáo và Dân tộc, số 1205, tr.4.
[13] Xem chú thích 12.
[14] Lm Phêrô Phan Phát Huồn – CSsR: Việt Nam giáo sử. Q.II, tr.557.
[15] Phanxicô Xavie Phan Đình Ngọc chủ biên: Đặc san Đức Mẹ La Vang – Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang (không ghi số trang). Lưu hành nội bộ.
[16] Lm Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc. Linh địa La Vang. Cơ sở ấn loát Xây Dựng, đường Thánh Mẫu, Chí Hòa, Sài Gòn, 1970, tr.36.
[17] JB Roux: Le Grand Pèlerinage de Notre Dame de La Vang. Bulletin de la Société des Missions Etrangères de Paris. No. 131. Nov 1923. P.832-841.
[18] Kiến giải của Lm. Tiến Lãng. CSsR, trong Kính Mừng Maria, tr.198.
[19] Bài Enquêtes sur les Apparations de la Vierge. Bản dịch của Phan Hữu Lộc trong đặc san Đức Mẹ La Vang. Kỷ niệm năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang, PX Phan Đình Ngọc chủ biên. Photocopy.
[20] Đúng ra là Tây Sơn khuấy khỏa, vì bấy giờ chưa có phong trào Văn Thân.
[21] Lm Giuse Trần Văn Trang: Tự tích Tôn kính Đức Mẹ La Vang, Imprimerie de Qui Nhơn – Annam, 1923, tr.7-8.
[22] Lm Matthêô Lê Văn Thành: Đức Mẹ La Vang. Sđd, tr 16-17.
[23] Lm Hồng Phúc – CSsR: Đức Mẹ La Vang và Giáo hội Công giáo Việt Nam, tr.33.
[24] Lm Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc. Linh địa La Vang, sđd, tr.35.
[25] Tòa TGM Huế: Thánh địa Đức Mẹ La Vang, 1998, tr.7-8.
[26] Lm Phêrô Phan Phát Huồn (CSsR). Bài: Đức Mẹ và dân tộc Việt Nam. Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 119, tháng 4-1959, tr.105.
[27] Andrien Launay: Histoire de la missions de Cochinchine. Tome III, p.239.
[28] Lm Phêrô Trương Bá Cần: Công giáo Đàng Trong thời Đức cha Pigneau. Tủ sách Đại kết, 1992, tr.110.
[29] Xem chú thích 28 cùng trang.
[30] Thợ Đúc, Phủ Cam, Kim Long và Dương Sơn.
[31] Xem chú thích 28 cùng trang.
[32] Xem chú thích 28 cùng trang.
[33] Lm Hồng Phúc – CSsR: Đức Mẹ La Vang và Giáo hội Công giáo Việt Nam, tr.25.
[34] Lm Phêrô Trương Bá Cần, sđd, tr.111.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 1 – Chương 2 về máy tính