Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 2 – Chương 11 – Phần II

05/10/2020

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 2

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC LEMASLE LỄ

A. GIỚI THIỆU ĐỨC GIÁM MỤC FRANÇOIS ARSÈNE JEAN MARIE EUGÈNE LEMASLE LỄ(1)

B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC LEMASLE LỄ

ĐẠI HỘI LA VANG 12 (1938)

I. HÀNH HƯƠNG LA VANG TRƯỚC ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 12 (1938)

II. ĐẠI HỘI LA VANG 12 (1938)

1. Lược ghi Đại hội La Vang lần thứ 12 (1938)(7)

Đại hội La Vang lần thứ 12 diễn ra trong 3 ngày 17, 18 và 19-8-1938

+ Chiều vọng lễ 16-8-1938

Các cha ngồi tòa. Giáo dân nối nhau xưng tội. Cha Tađêô Nguyễn Văn Tin, cha sở Ngô Xá, giảng khai mạc: “Quyền phép và lòng nhân từ Đức Mẹ”. Sau giảng, Phép lành Mình Thánh Chúa. Kinh tối chung trong nhà thờ. Bên ngoài nhà thờ, từng nhóm quy tụ đọc kinh lần chuỗi chờ khai mạc.

+ Ngày khai mạc 17-8-1938

Từ 3 giờ sáng đã có thánh lễ trong nhà thờ, ngoài hành lang và trên các bàn thờ tạm. 6 giờ 30 kiệu ảnh Đức Mẹ do cha Phaolô Lê Quang Tuyến, cha sở Phương Gia chủ sự. Kiệu xong, đến khoảng 8 giờ sáng, cha Phanxicô Salêdiô Trần Văn Đông, cha sở Nhất Tây chủ tế thánh lễ hát trọng thể. Hai cha Tôma Lê Văn Thiện, cha sở Mai Xá và Anrê Bùi Quang Tịch, giáo sư Tiểu Chủng viện An Ninh làm phó tế. Đức cha Lemasle chầu lễ. Ca đoàn Trí Bưu (Cổ Vưu) và Tiểu Chủng viện An Ninh hát lễ.

Buổi chiều, lúc 3 giờ, Đức cha Lemasle diễn thuyết dành cho các chức việc họ, về đề tài: “Bổn phận, Đức công bình, Sự hòa thuận, Gương tốt của một vị hào mục”, và về đề tài: “Trách nhiệm giáo dục con cái của một người cha trong gia đình”. 17 giờ lần hột, hát Kinh Cầu. Tiếp đó, cha Tađêô Nguyễn Văn Tin giảng về “Chúa Cứu Thế – Vai trò Đức Mẹ”. Cha Gioakim Nguyễn Văn Khiết, cha sở Nhu Lý, chủ sự Phép lành Mình Thánh Chúa. Sau Phép lành, giáo dân từng nhóm lần hạt, đọc kinh cầu nguyện chờ sáng.

+ Ngày chính lễ 18-8-1938

Thánh lễ bắt đầu lúc 3 giờ sáng. Trên bàn thờ chính và các bàn thờ tạm đều có thánh lễ. Đến 7 giờ 30, Đức cha Lemasle chủ tế thánh lễ hát trọng thể. Cha Tađêô Nguyễn Văn Tin giảng lễ: “Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta”.

Trong ngày chính lễ, khách hành hương đổ về càng lúc càng đông. Ai nấy trầm trồ thán phục đoàn 300 giáo dân Huế đi bộ vượt quãng đường gần 60 cây số vừa có mặt. Họ khởi hành từ Kim Long lúc 4 giờ chiều hôm qua, do hai linh mục Phaolô Văn Đình Vĩnh, cha sở Phú Ngạn, linh mục JM Nguyễn Văn Thích, chủ nhiệm báo Vì Chúa và ông Phan Thiện Tuần, nhân sĩ Công giáo, hướng dẫn. Nghỉ giải lao, xem lễ ở Mỹ Chánh rồi tiếp tục đi bộ ra La Vang. Đội nhạc Tây và Nghĩa binh Thánh Thể Phủ Cam đáp xe lửa lúc 9 giờ 30 cũng có mặt ở La Vang vào buổi trưa.

Buổi chiều, lúc 15 giờ, Đức cha giảng về “Nghĩa binh Thánh Thể”, đồng thời ngài chủ lễ nhận lời hứa của 400 Nghĩa binh đến từ các giáo xứ trong giáo phận. Sau đó là cuộc rước kiệu Thánh Thể long trọng. Đức Khâm sứ Drapier vừa đến La Vang lúc 3 giờ chiều, chủ lễ buổi rước kiệu. Theo hầu Thánh Thể có Đức cha Lemasle, ba linh mục thư ký Tòa Khâm mạng: Trémeau, Crass, Michel Ngữ và hơn 30 thừa sai, linh mục mặc áo lễ, áo các phép đi sau. Phía giáo dân, tham dự buổi rước kiệu Thánh Thể có khoảng năm sáu vạn người. Chuông nhà thờ báo hiệu để Thánh Giá khởi hành lúc 3 giờ 30 mà tới 6 giờ 30 Thánh Thể chưa ra khỏi nhà thờ. Thật là cuộc kiệu vĩ đại chưa từng có. Trong bóng tối mập mờ, con rồng lửa nhấp nháy, uốn mình quanh co, huyền ảo trên mấy ngọn đồi sau thánh điện. Đẹp làm sao!

Vì buổi kiệu kéo dài nên tối hôm ấy không có giảng như chương trình đã định, chỉ có chầu Mình Thánh Chúa suốt đêm.

+ Ngày bế mạc 19-8-1938

Như hai ngày trước, từ 3 giờ sáng đã có thánh lễ trên bàn thờ chính và các bàn thờ tạm. 5 giờ 30 khởi sự kiệu ảnh Đức Mẹ. Ban ngày không có nét huyền ảo của đèn nến lung linh, bù lại có nét rực rỡ của lọng tàn, cờ hoa phất phới. Đoàn kiệu dài hơn ba cây số, vừa đi vừa đọc kinh, hát thánh ca. Quay về nhà thờ, Đức Khâm sứ Drapier chủ tế thánh lễ hát trọng thể tại đền thờ Đức Mẹ La Vang. Cha Tađêô Nguyễn Văn Tin giảng về “Ý nghĩa việc Đức Mẹ chọn La Vang mà hiện đến, ban nhiều ơn lành hồn xác cho người dân lương giáo. Bổn đạo phải sống xứng đáng với đặc ân này”. Sau thánh lễ là Phép lành Mình Thánh Chúa. Ca đoàn hợp xướng bài hát mới đã được Đức cha cho phép hát trong nhà thờ: Bài Lạy Đức Mẹ La Vang của linh mục JM Nguyễn Văn Thích, chủ nhiệm tuần báo Vì Chúa.

Lạy Đức Mẹ La Vang,

Xin cứu con nguy nan.

Phần linh hồn, phần xác,

Xuống ơn thiêng muôn vàn…

10 giờ, bế mạc Đại hội La Vang 12. Ngày bế mạc đúng vào ngày thứ sáu kiêng thịt (giáo luật cũ mọi ngày thứ sáu đều kiêng thịt). Đức cha ban phép chuẩn cho giáo dân Quảng Trị và tất cả những ai hành hương đến La Vang.

Đặc biệt trong kỳ Đại hội lần thứ 12 này có sự góp mặt của phái đoàn miền Nam do giáo xứ Tân Định tổ chức, với khoảng 200 giáo lữ và 20 thành viên bên lương. Thầy Bùi Công Hoanh được cử làm trưởng đoàn. Chi phí cho mỗi người là 26 đồng.

2. Tường thuật Đại hội La Vang lần thứ 12 (1938)

a/ “La Vang – Đất của Mẹ”(8):

“La Vang, đất của Mẹ!

Đất của Đức Mẹ có sức hấp dẫn người Công giáo và cả đến người ngoại giáo ở xứ này. Vì thế mà cứ 3 năm đến kỳ Đại hội Tam nhật, người ta nhận thấy sự rộn rịp trong các sở, các họ đạo. Người Công giáo không những đã tỏ sự kính mến Mẹ của mình trong lòng hay trước một bàn thờ kín đáo mà còn biểu lộ sự kính mến ấy bằng những cuộc sùng kính chung mà cái bề ngoài rực rỡ và lộng lẫy đã gây ra trong trí kẻ bàng quan một mối cảm phục vô hạn.

ĐẠI HỘI LA VANG 12 (1938)

(Ảnh: Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938)

Hơn các năm trước, cuộc Đại hội La Vang năm nay có một vẻ đông đảo và rực rỡ khác thường. Chúng tôi đã nhận thấy cái đặc sắc ấy lúc vừa bước chân xuống gare La Vang, một gare cách nhà thờ Đức Mẹ độ hai cây số”.

Trên con đường đến La Vang

“Rẽ đám đông người trên xe lửa vừa bước xuống và sau khi đi qua những quán cơm vừa mọc lên được vài hôm, chúng tôi theo con đường đến nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Trên đường, người đi liên tiếp, hầu hết là người đi chân (đi chân đất, không giày dép), đầu đội nón lá, vai mang tay nải, tay lần hột.

Đi được nửa cây số, chúng tôi đã trông thấy cây Thánh Giá đứng trên lầu chuông nhà thờ, giữa bầu trời xanh điểm mây bạc. Chúng tôi càng đi tới càng nhận thấy cảnh rộn rịp ở chung quanh nhà thờ. Những quán bán cơm liên tiếp ở hai bên đường. Những gian hàng bán hàng đạo phô lên trước mắt công chúng những tấm quảng cáo lòe loẹt.

Nổi cao giữa đám người đông đảo ấy, nhà thờ Đức Bà La Vang với những dây cờ giăng từ trên đỉnh gác chuông xuống tới sân cỏ, với những hàng đèn ngôi sao chạy theo hình bầu dục trước sân có vẻ vui mừng như đưa hai tay ra mà đón chào đoàn con về thăm viếng.

Trước nhà thờ, ngay giữa sân, một pho tượng Đức Bà đứng trên bệ cao, dưới chân tượng đầy những bó hoa tươi đẹp. Đức Mẹ đứng đó như thể đợi đoàn con ở khắp trong nước đến để ban ơn phước”.

Đại hội La Vang khai mạc

“Đại hội La Vang khai mạc vào chiều thứ ba 16Août bằng bài giảng thứ nhất của cha Tin về ‘Quyền phép và lòng nhân từ Đức Mẹ’. Sau khi cho thính giả biết thế lực vô cùng của Mẹ Chúa Giêsu, diễn giả nói đến lòng thương người vô hạn của bà Mẹ trên hết các bà mẹ và khuyên người Công giáo phải luôn luôn trông cậy ở Mẹ chung của loài người.

Tiếp đến, cuộc chầu phép lành. Trong nhà thờ không còn chỗ chen chân. Hàng mấy nghìn giáo hữu phải ngồi ngoài sân cỏ chung quanh nhà thờ, hoặc ở dưới những lều rạp, họp nhau từng nhóm đọc kinh.

Tối lại, trăm nghìn ngọn đèn đâm thủng bóng tối và bày ra trước mắt người đứng ngắm ở xa một cảnh huyền ảo giữa những ngọn đồi mờ mịt.

Đức tin đã biến đổi một nơi hiu quạnh thành một chỗ huyên náo. Hôm qua là đám đất vắng vẻ, hôm nay là một nơi đô hội!”.

Cuộc kiệu đầu tiên

“Ngày 17Août mở đầu bằng cuộc kiệu Đức Bà. Đoàn kiệu dài không kém 3 cây số. Tuy các sở đến chưa đủ nhưng trong đoàn kiệu đã có nhiều đội ngũ, mỗi đội mặc y phục riêng đi rất trật tự, trông rất đẹp mắt. Toàn thể giáo hữu theo sau bàn kiệu Đức Mẹ đọc kinh một cách rập ràng, vẻ cung kính lộ ra trên nét mặt mọi người.

Mỗi khi bàn kiệu Đức Mẹ đi qua, những người đứng hai bên đường đều quỳ xuống một loạt. Toán lính khố xanh ở Quảng Trị đến giữ trật tự đứng rải rác dọc đường nhưng không phải mệt nhọc cho lắm, vì mọi người đã tự giữ lấy trật tự trong khi đi kiệu và trong khi đứng chờ bàn kiệu.

Đoàn kiệu đi theo đường tắt, kiệu về đến gần nhà thờ thì đã gần 8 giờ sáng. Tiếp đến, cuộc lễ Misa trọng thể do cha Đông chủ tế, cha Thiện và cha Tịch giữ chức thầy Năm và thầy Sáu. Trong buổi lễ này có Đức cha Lemasle, Giám mục Địa phận Huế, chầu lễ. Cha Ngọc, cha Hùng giúp Đức cha. Giúp lễ có các chủng sinh Chủng viện An Ninh. Hát lễ có hội hát Cổ Vưu và một số chủng sinh An Ninh giúp sức. Trong buổi lễ này, cha Tin giảng về ‘Chúng ta hãy đến cùng Đức Mẹ mà xin ơn phước’…”.

Đức cha Lemasle giảng

“Chiều hôm 17 Août, vào lúc 3 giờ, Đức cha Lemasle giảng cho các hào mục trong đạo về những bổn phận của họ đối với các đấng thay mặt Chúa và đối với những người bề dưới. Đức cha còn nhắc lại cho các chức luật công bình lúc thừa hành công vụ, sự hòa thuận khi cộng tác ở làng, ở họ và gương tốt cần phải treo cho những người ngoại giáo ở chung quanh mình.

Ngài có nói qua bổn phận của cha mẹ đối với con cái, trách nhiệm nặng nề của người cha trước mặt Chúa trong sự giáo dục về tôn giáo.

Chiều hôm 17 ấy, trước khi cha Khiết làm phép lành, cha Tin giảng về ‘Chúa xuống thế và chức phẩm của Đức Mẹ’.

Người đến dự Đại hội mỗi ngày một đông thêm. Các hàng cơm không có nơi nghỉ cho hết. Giáo hữu tối hôm ấy nằm ngồi la liệt ở trong sân cỏ rộng bao quanh nhà thờ, ở dưới những rạp tranh và cả trong nhà thờ nữa.

Suốt đêm, người ta xúm nhau lại từng nhóm để đọc kinh, hoặc đến đứng nối đuôi trước các tòa giải tội, chực quá nửa đêm đi xem lễ và rước Mình Thánh”.

Người đến đi kiệu

“Cũng như sáng 17, sáng 18 các cha dậy làm lễ lúc 3 giờ sáng. Ở trong nhà thờ và ở ngoài rạp các cha thay nhau làm lễ, giáo hữu lần lượt đi xem lễ và rước lễ.

Vào hồi 7 giờ rưỡi sáng, Đức cha Lemasle làm lễ trọng thể. Trong buổi lễ này, cha Tin giảng về ‘Đức Bà Maria, Mẹ của Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta’. Diễn giả nhắc lại lời Đức Chúa Giêsu nói với thánh Gioan Tông đồ khi Chúa đương chịu nạn: ‘Ecce mater tua’. Cha Tin đã cho giáo hữu biết vì sao Đức Bà Maria là Mẹ Chúa và nếu Đức Bà đã nhận làm Mẹ chúng ta thì bổn phận người có đạo phải ở với Đức Mẹ ra thế nào.

Trưa hôm 18 này người đi kiệu đến đông không kể xiết. Chúng tôi phải nói đến đoàn giáo hữu đi bộ ở Huế ra do cha Vĩnh, cha JM Thích và ông Phan Thiện Tuần hướng dẫn. Số người tham dự có khoảng 300. Họ bắt đầu đi từ gare Kim Long vào lối 4 giờ chiều hôm 17Août. Họ đến La Vang sáng hôm 18 vào lúc 9 giờ, sau khi nghỉ và xem lễ gần gare Mỹ Chánh.

Đội nhạc Tây và đội đồng hiệp ở Phủ Cam cũng ra trong chuyến tàu 9 giờ rưỡi hôm ấy.

Trưa ngày 18, số người vào trong nhà thờ mỗi giờ có đến hơn 5.000 người. Buổi chiều, Đức cha Lễ đã nhận lời hứa của 400 Nghĩa binh và giảng về ‘Phận sự quân Nghĩa binh’. Tiếng đọc kinh và tiếng hát của 400 trẻ rập ràng cảm động biết là bao, ai thấy mới hiểu được”.

Cuộc kiệu Thánh Thể

“Cuộc kiệu Thánh Thể năm nay có lẽ là cuộc kiệu long trọng và rực rỡ hơn hết các cuộc kiệu ở La Vang từ trước đến bây giờ.

ĐẠI HỘI LA VANG 12 (1938)

(Ảnh: Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938)

Trước khi tường thuật cuộc kiệu ấy, chúng tôi xin nói đến cuộc dâng hoa và tung hoa trước pho tượng Đức Bà đặt ở giữa sân. Có hai sở dâng hoa và một sở tung hoa. Các sở ấy dâng cho Đức Mẹ năm sắc hoa trắng, đỏ, vàng, tím, xanh. Sắc trắng chỉ sự trinh khiết của Đức Mẹ, màu đỏ ngụ sự đau khổ, sắc vàng lòng thương yêu, sắc tím sự hãm mình và sắc xanh là tượng trưng sự hoàn hảo, toàn mỹ của Đức Mẹ.

Mỗi một sắc hoa có đến năm bó hoa và mỗi bó hoa có một câu hát ghép vào. Năm sắc hoa có năm câu hát, và mỗi khi dâng một sắc hoa thì đoàn trẻ dâng hoa lại hát lên câu ấy.

Trước khi dâng hoa, một đoàn hội ven (ca đoàn nữ) hát bài ‘Xa xa thấy Mẹ’ theo điệu Pour consaler, nghe rất cảm động. Sau dâng hoa là cuộc tung hoa lên tượng Đức Mẹ.

Vào lúc 3 giờ rưỡi chiều thì chuông nhà thờ bắt đầu giục đi kiệu. Các đội ngũ lần lượt ra sắp hàng như chương trình đã định. Đoàn kiệu dàn ra dài gần 5 cây số. Cây Thánh Gía đi đầu khởi sự lúc 3 giờ rưỡi mà đến 6 giờ rưỡi chiều Thánh Thể mới ra khỏi thánh đường.

Sau Thánh Giá, có đội nhạc Tây ở Huế, tiếp đến 400 Nghĩa binh, rồi đến các bà phước, kế đến đội ngũ của các sở, đi đầu là sở Hội Yên, đến Cây Da, Kẻ Văn, Nhứt Tây, Nhứt Đông, Ngô Xá, An Lộng, Linh Yên, Bố Liêu, Nhu Lý, Phước Môn. Tiếp đến, đoàn giáo hữu Nam Kỳ. Họ Cổ Vưu là họ sở tại đi trước đoàn học sinh Chủng viện An Ninh, rồi đến các thầy ở Chủng viện Phú Xuân, các cha mặc áo các phép (surplis), 20 cha mặc áo lễ và 7 cha mặc áo làm phép lành đi trước phương du che Thánh Thể. Bốn vị hào mục mặc áo rộng xanh cầm bốn chân phương du. Đức Khâm sứ Tòa Thánh Drapier đến La Vang vào lúc 3 giờ rưỡi, theo ngài có các cha thư ký Trémeau, Crass và Michel Ngữ. Đức Khâm sứ cầm hào quang Mình Thánh Chúa. Đi theo hầu Thánh Thể có Đức cha Lemasle, và tiếp sau bàn kiệu Thánh Thể có ba sở Đại Lộc, An Đôn và Phương Gia. Đoàn giáo hữu đi sau hết, đông dày không kể xiết.

Muốn biết đoàn kiệu dài chừng nào chúng ta phải nhớ rằng trong mỗi sở (địa sở = giáo xứ) có nhiều họ (họ đạo). Có khi một sở có đến bảy tám họ. Chỉ một sở Kẻ Văn đã có 5 họ, trong 5 họ ấy có 300 người chia thành ra 20 đội ngũ, có y phục riêng của từng đội.

Trên các tầng đồi mờ mịt với hơn 6.000 ngọn đèn, đoàn kiệu uốn mình như một con rồng lửa, khi ẩn khi hiện, bày ra một cảnh tượng vĩ đại giữa chốn hoang vu tịch mịch. Đoàn kiệu đi cách nhà thờ độ 3 cây số thì đến nhà tạm, bàn thờ làm rất cao. Khi dâng Mình Thánh, một tiếng lệnh báo cho mọi người biết để cúi đầu trước Thánh Thể.

Đoàn kiệu về đến nhà thờ liền có cuộc chầu phép lành. Vì quá giờ trong chương trình đã định nên bài giảng của cha Tin phải giảm đi.

Tối hôm ấy người đông dày. Độ sáu vạn người đã đến viếng Đức Mẹ La Vang trong ngày 18Août. Suốt đêm hôm nay, các sở đều thay phiên nhau vào chầu Thánh Thể. Tiếng người đọc kinh và hát kinh không dứt”.

Cuộc kiệu cuối cùng

“Sáng hôm 19 Août, cử hành cuộc kiệu chính thức Đức Bà La Vang. Cảnh tượng của cuộc rước kiệu ban ngày kém vẻ rực rỡ và cũng thiếu vẻ huyền ảo của cuộc kiệu Thánh Thể trong buổi tối hôm qua. Tuy vậy, các đội ngũ vẫn còn như cũ, chỉ thiếu đèn. Đoàn kiệu dài hơn 3 cây số.

Người ta vẫn nhận thấy sự trật tự trong các cuộc kiệu trước. Đoàn kiệu về đến nhà thờ liền có lễ Misa trọng thể do Đức Khâm sứ Tòa Thánh chủ tế. Trong buổi lễ này, cha Tin nói cho giáo hữu Việt Nam biết rằng Đức Mẹ chọn La Vang để xuống ơn phước cho chúng ta là một sự vẻ vang cho nước ta. Vì thế người nước Nam ta phải tỏ ra xứng đáng với đặc ân ấy.

Sau cuộc lễ thì Đại hội Tam nhật bế mạc với bài hát Lạy Đức Mẹ La Vang đã đăng trong báo Vì Chúa”.

Ý nghĩa cuộc Đại hội Tam nhật

“Cuộc Đại hội ở La Vang đã cho ta thấy sự liên hiệp thiêng liêng của người Công giáo dưới bóng cây Thánh Giá. Đức tin sáng suốt đã sai khiến mấy vạn người.

La Vang, Lộ Đức của Đông Dương, càng ngày càng được truyền khắp mọi nơi trong xứ này về quyền thế của Đức Mẹ. Không những giáo dân được hưởng những ân huệ của Đức Nữ Đồng Trinh mà thôi, dân bên lương cũng nhiều phen đã thấy rõ sự che chở, lòng thương yêu của Đức Mẹ đối với họ.

Chúng ta nên biết rằng trong số người đến viếng La Vang, số người ngoại giáo không phải là ít. Đã đành rằng trong những người lương đến La Vang nhiều người vì ham vui hoặc hiếu kỳ, muốn quan sát những lễ nghi Thiên Chúa giáo, nhưng số người đến, hoặc để cảm ơn Đức Mẹ vì một ơn riêng đã được, hoặc để mong xin ơn khác, cũng vẫn còn nhiều hơn.

Chúng tôi đã được nghe nhiều người lương vì muốn xin ơn riêng mà đến La Vang. Như thế ảnh hưởng của cuộc Đại hội không phải là nhỏ. Biết đâu rằng không phải vì một ơn của Đức Mẹ La Vang mà một người, một gia đình, một họ trở về dưới bóng cờ Chúa Giêsu? Thánh ý của Đấng Tối Cao rất khôn ngoan, trí hẹp hòi của loài người không thể hiểu thấu được. Chúng ta chỉ mong rằng trong cuộc Đại hội vừa qua, cũng như trong các cuộc Đại hội trước, cái gương sốt sắng của người Công giáo thành thực vì Đức Mẹ La Vang đã ăn sương nằm cỏ, hãm mình cầu nguyện trong ba ngày ấy sẽ được Chúa đổi ra làm ơn phước xuống trong tâm hồn của 20 triệu dân Việt Nam còn ở xa Chúa.

Chúng tôi chắc rằng Đức Mẹ đã chọn La Vang để ban ơn cho xứ này, thì chúng tôi cũng có thể trông cậy rằng không sớm thì chầy dân Đông Dương sẽ nhờ những ơn ấy mà tìm thấy dấu chân của Đức Chúa Giêsu trên con đường Thánh Giá”.

b/“Tam nhật Đại hội La Vang 12”(9):

“Cuộc Tam nhật Đại hội tại đền thờ Đức Mẹ La Vang năm nay đã bắt đầu cử hành từ 17 đến 19Août, đúng như chương trình đã tuyên định. Mọi sự được thập phần hoàn hảo và kết quả mỹ mãn một cách quá trí khôn loài người tưởng tượng, đến đỗi dư luận của khách bàng quan ai cũng rập nói rằng: Từ xưa đến nay chưa từng có kỳ Đại hội La Vang nào được nguy nga lộng lẫy và đông đúc cho bằng kỳ này, nói được là gấp đôi, gấp ba các kỳ trước vậy.

Muốn rõ điều ấy xin liệt vị chư tôn phí chút thì giờ mà xem hết bài tường thuật sau đây, tất sẽ biết những lời dư luận ấy hẳn không phải sai ngoa”.

Lòng nhiệt thành của mọi người đối với cuộc Đại hội La Vang

“Kể từ ngày 20 Juin 1938, chương trình cuộc Tam nhật Đại hội La Vang đã được lục tống châu tri thì các giáo hữu khắp nơi đều cùng nhau hưng tâm phấn chí một bầu nhiệt huyết đối với Đức Mẹ La Vang. Nhiều người những sục sôi, nóng nảy, bứt rứt, đâu đó đều nghe tiếng rộn rực bàn tán đến cuộc kiệu La Vang. Lòng nhiệt thành của giáo hữu khắp nơi đã khiến nên nhiều cuộc tổ chức biểu dương rất là đặc biệt, chưa từng thấy. Đừng kể giáo hữu khắp cả địa phận Dinh Cát là những vai chủ động trong cuộc Đại hội La Vang này. Họ đã có lòng hăng hái nhiệt thành đến chừng nào! Họ đã lo lắng sắp đặt đội ngũ, lo tổ chức những cuộc biểu dương lộng lẫy đến chừng nào! Các cha sở trong mấy họ lân tiếp đã kiệt lực lao tâm đốc suất bài trí đến chừng nào! Họ nào họ nấy đã được biểu dương nhiều hàng đội ngũ rất là đặc sắc, tối tân đến chừng nào! Chỉ nói những nơi xa cách ngàn dặm như các họ ở trong Thừa Thiên, các bổn đạo ở ngoài Đất Đỏ cũng có nhiều nơi tổ chức những cuộc biểu dương đặc biệt để tỏ lòng thành tuyệt đối với Đức Mẹ La Vang. Họ thì kết thành đội ngũ, đèn đuốc, trống cờ, kẻ thì tổ chức những đoàn đi bộ, kể số đến sáu bảy trăm người, có các cha đi đốc đoàn, hết thảy đều vai mang mo cơm, chơn đạp đường sỏi đá mà đi bộ cho thấu đến La Vang. Các đoàn ấy đi từ sớm mai thứ tư, ở Huế mà ra, tối đến Mỹ Chánh thì cha con đều tạm nghỉ đêm lại đó. Các cha làm phước cho bổn đạo rồi sớm mai dựng bàn thờ giữa truông mà làm lễ cho bổn đạo dự lễ. Đoạn rồi hết thảy mở mo cơm ăn lót lòng, xong rồi lại kéo nhau đi cho đến La Vang. Ấy là một cuộc biểu dương chưa từng có. Còn đối lại với đoàn đi bộ thì ở ngoài Đất Đỏ có nơi lại tổ chức cuộc đi thuyền. Có nhiều chiếc đò treo cờ, thắp đèn hiệp nhau thành từng đoàn để chở khách đi La Vang. Giữa mặt trường giang, ban ngày cờ bay phất phới, ban đêm giấp giới đèn hoa. Ấy cũng là một cuộc biểu dương đặc biệt có thể làm cho danh Đức Mẹ thêm cả sáng vậy.

Nhưng lại còn hơn thế nữa là bổn đạo trong Sài Gòn, dầu muôn dặm sơn hà, tha quê biệt cõi mà họ cũng hiệp nhau thành một đoàn có thấu 200 người, cờ xí, quyển kèn, đem nhau băng miền tới chốn La Vang, chung vào một vai đội ngũ để dâng kính tấm lòng thành thiệt cho Đức Mẹ. Ấy là một việc xưa nay chưa từng có như thế.

Nói tắt một lời, đối với cuộc Đại hội La Vang năm nay thật giáo hữu khắp cả ngoài trong, đâu đó đều nô nức đua nhau tỏ lòng hăng hái nhiệt thành một cách khác thường lắm”.

Quang cảnh chốn La Vang

“Được lệnh bề trên ủy thác, cha Jacques Kinh, bổn sở Đại Lộc, đã đồng tâm hiệp lực lo cuộc trang sức đền thánh La Vang cho ra trang hoàng nghi vệ. Non một tháng trời, nhờ hai cha khéo bề tổ chức sắp đặt nên kịp đến ngày mở cuộc Đại hội, quang cảnh chốn La Vang đã được vẻ huy hoàng xán lạn lắm. Vả chăng, đền thánh La Vang vốn ở giữa gò núi, xung quanh tuy có ít nhiều nhà giáo hữu, nhưng vì rải rác xa cách nhau nên bình nhựt có vẻ buồn hiu, quạnh vắng. Nay vì có cuộc Đại hội nên những hàng cơm, quán rượu, những kẻ quen mua bán ở chốn thị thành đã đem nhau lên làm nhà cất rạp, dọn dẹp hàng hóa để tiếp khách tới La Vang trong mấy ngày hội hiệp, vì vậy chốn La Vang tự dưng đã trở nên một chốn náo nhiệt phồn hoa, la liệt quán nhà, chưng bày đủ kiểu cách. Độ một tuần lễ trước đã thấy người ta lăng xăng lên xuống, xe cộ rộn ràng, rồi kịp đến ngày Đại hội, chốn La Vang quang cảnh chẳng khác gì một nơi đô thành thị tứ vậy. Những khách đi La Vang vừa mới lên khỏi đường xe lửa một đỗi thì đã trông thấy hai lá cờ cao dựng giữa đồi núi trọc, một lá cờ sắc đỏ có đề mấy chữ: VẠN TUẾ ĐỨC CHÚA GIÊSU LÀ VUA. Hai lá cờ đêm ngày cứ theo chiều gió mà mặc sức tung bay phất phới trên quãng trời xa, chẳng khác gì haicái huy hiệu bảo cho thế gian biết rằng giữa bầu trời lồng lộng, vượt khỏi trên chốn trần gian chỉ có mình Đức Chúa Giêsu và Rất Thánh Nữ Vương được cầm quyền nhứt thống khắp cả vạn dân vậy.

Rồi cứ trông theo hai lá cờ đó mà đi lần tới cho đến khi gặp được con đường kiệu vòng quanh trên gò núi trước mặt thánh đường thì đố ai mà khỏi sững sờ bỡ ngỡ vì thấy sự uy vang lộng lẫy trong cả và vòng Thánh địa La Vang. Chính giữa con đường kiệu vòng cung đó, cách xa Thánh địa độ nửa cây số, đối diện ngay với mặt trước nhà thờ thấy dựng một cái thể lâu hai tầng. Tầng trên đặt một bàn thờ tráng lệ để khi Mình Thánh Chúa kiệu ngang qua đó sẽ tạm ngưng mà ban phép lành. Cái thể lâu này xa trông kiểu cách như một cái lầu bằng đá, tầng dưới xây vách tô vôi, tầng trên đóng câu lơn tứ diện, hai mái lợp bằng ngói âm dương đỏ chói và xây đắp nhiều kiểu khéo tuyệt, nhưng thật ra là thợ làm bằng gót tre cả. Thật là một món mỹ thuật tuyệt xảo, không phải vừa. Từ đó mà đi ra hai bên tả hữu, và đi thẳng vào cho thấu cửa nhà thờ đều có cắm cờ, treo đèn và dựng những cột trụ bằng vải trắng, ban đêm thắp đèn trông như những cột trụ vôi không khác. Tới trước lũy tre, phía ngoài Thánh địa, dưới cả vung đất rộng hai bên thấy la liệt là hàng hóa, quán xá, khách khứa nhộn nhàng, bán mua tấp nập, đêm ngày chật trít những người là người, không khác gì mấy chỗ thị thành đô hội.

Bước qua lũy tre, vào chốn Thánh địa, vòng quanh tứ phía đều có dựng rạp lợp tranh cho quan khách trú nghỉ. Phía trước cửa, hai bên đối diện nhau thấy dựng hai cái rạp lợp bằng vải bố, trong ngoài trần thiết, cờ xí trang hoàng, đó là hai rạp của khách Sài Gòn và đội Phủ Cam vậy. Trên tháp nhà thờ thấy chằng xuống hai sợi dây thép cực dài, đính những lá cờ đủ sắc màu, bay liệng lăng xăng rất là toại nhãn cho người chiêm cảnh. Chính giữa sân nhà thờ lại có dựng một tượng Đức Bà cao lớn đứng trên một đế cao để tiện cho những người ở ngoài sân cũng được van vái trước mặt Mẹ nhơn lành cũng như kẻ ở trong nhà thờ vậy. Còn như phía trong nhà thờ thì tưởng không cần phải tả rõ ra, vì chắc chư tôn độc giả cũng đã tưởng tượng được những vẻ nguy nga tráng lệ đến chừng nào vậy”.

Ba ngày Đại hội

“Nhờ một tấm nhiệt thành của giáo hữu khắp nơi đối với cuộc Tam nhật Đại hội La Vang, nhờ các cha và bổn đạo địa phận Dinh Cát đã cố công tận lực mà lo bài trí tổ chức các hàng đội ngũ cho đặc biệt huy hoàng, nhờ các nơi lập ra đoàn kết(đoàn thể) để khuyến khích thúc giục con cái Đức Mẹ tuôn đến chốn La Vang cho đông đảo, cho nên cuộc Đại hội La Vang năm nay thật là lộng lẫy phi thường, cực kỳ xán lạn và đông đúc gấp mấy lần các kỳ trước.

Trong cả ngày thứ ba 16Août là ngày áp cuộc Đại hội, chốn La Vang đã thấy tấp nập những người xa gần dồn tới, ngọn thủy triều bằng người ở dưới tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu đổ ngược lên gò núi La Vang mỗi lâu một mạnh. Cho nên đến chiều tối ngày ấy quang cảnh đất thánh La Vang đã thấy quá vẻ nhộn nhàng đô hội. Cách 15 phút trước 8 giờ tối, cuộc Tam nhật Đại hội La Vang đã bắt đầu khai mạc. Trước hết, cha Tađêô Tin (Tađêô Nguyễn Văn Tin, cha sở Ngô Xá) bước lên tòa giảng một bài về đề tài ‘Đức Mẹ có tài có phép và có lòng khoan nhơn’. Giảng đoạn, tiếp Phép lành Mình Thánh Chúa. Ngày ấy các cha đã lãnh phần làm phúc cho giáo hữu tới La Vang đã tựu về hòng đủ mặt.

Qua ngày thứ tư 17 Août là ngày thứ nhứt trong cuộc Đại hội, lúc 3 giờ sáng, các cha đã bắt đầu làm lễ và cho bổn đạo chịu lễ, rồi tiếp đó các họ gần hơn đã kịp đưa đội ngũ đến mà dàn cuộc kiệu. Dàn lớp xong, hơn 6 giờ, cha Paul Tuyến (Phaolô Lê Quang Tuyến, cha sở Phương Gia) đứng chủ sự kiệu bàn Đức Mẹ đi quanh một vòng trong vườn thánh. Khi bàn kiệu đã được nghênh về đặt lại trong nhà thờ rồi thì cha François Đông (Phanxicô Salêđiô Trần Văn Đông, cha sở Nhất Tây) đứng chủ tế mà làm lễ hát. Mai ấy cha Tin lại giảng một bài về sự ‘Muốn đặng ơn Chúa thì hãy chạy đến kêu xin cùng Đức Mẹ’.

Xong mọi việc thì các cha ra nhà cơm lót lòng, đoạn bắt đầu làm phúc cho bổn đạo. Cả ngày ấy thiên hạ đoàn năm lũ bảy tuôn đến đất La Vang càng đông hơn nữa. Cả một con đường từ tỉnh Quảng Trị lên đất La Vang thấy lũ lượt những người lên xuống không một quãng nào bỏ trống.

Đến 3 giờ chiều, Đức Giám mục địa phận diễn thuyết cho chức việc các họ. Ngài khen các chức ngày xưa trong thời đạo Chúa bị cấm cách, bắt bớ họ đã đồng phơi gan mạo hiểm mà chung vai sát cánh giúp các cha trong việc giảng đạo được khá lắm, cho nên bây giờ các chức phải bắt chước cái gương sáng ấy mà lo trọn cái nghĩa vụ Công giáo Tiến hành của mình.

Lối 5 giờ chiều, cha Tin cũng lên tòa giảng một bài về ‘Quyền chức Đức Mẹ rất trọng là vì Đức Mẹ là Mẹ Chúa Trời’. Giảng xong thì cha Sanh (Phaolô Trần Văn Sanh, cha sở Phước Môn) chủ sự ban Phép lành Mình Thánh Chúa.

Qua ngày thứ năm 18 Août, cũng như ngày trước, lối 3 giờ sáng, các cha bắt đầu làm lễ và cho bổn đạo chịu lễ. Đến 7 giờ rưỡi, Đức Giám mục địa phận làm lễ hát rất trọng thể. Mai ấy cha Tin cũng giảng cho giáo hữu một bài về đề tài ‘Đức Mẹ là Mẹ chúng ta’. Đến chiều, lối 3 giờ, Đức Giám mục diễn thuyết cho Hội Nghĩa binh trong cả địa phận.

Nói đến Nghĩa Binh, tôi xin lạc đề một chút mà rằng: Khá mầng thay! Địa phận Huế ngày nay, Hội Nghĩa Binh Thánh Thể nhiều nơi đã được thành lập, tuy rằng sinh sau trổ muộn, nhưng cả địa phận cũng đã được sáu bảy họ đã có đội Nghĩa binh. Nay trong dịp Đại hội La Vang này, các hội đoàn đã kết hiệp nhau lại làm một vệ binh tất cả có hơn 300 người. Dẫu rằng y phục chưa được nhất tề, nhưng hội hữu nào cũng có mang cái dấu hiệu Thánh Giá trên mình, trông đẹp đẽ oai nghi lắm. Chiều ấy Đức Giám mục diễn thuyết cho toàn cả cơ binh, an ủi khuyến khích mọi người cứ hăng hái đuổi theo cái mục đích trọng đại là chung tay đấu lực mở Nước Chúa một ngày một rộng mãi ra.

Đến chiều tối độ 5 giờ, chuông trên tháp nhà thờ ra hiệu báo cáo cho mọi người lo dàn cuộc kiệu Mình Thánh Chúa bằng đèn. Cuộc kiệu đèn hôm ấy thật rất đỗi xán lạn, không bút nào tả được cho rành. Có thể nói được rằng không còn có cách gì biểu lộ cái vẻ nguy nga lộng lẫy hơn thế nữa được. Họ nào họ nấy đèn hoa sáng láng, cờ xí xen pha, thi đua nhau mà kéo ra dàn cuộc kiệu. Muôn vạn lá cờ rất tinh xảo, trăm ngàn thức kiểu quá vẻ tối tân, những bức trướng tuyệt trần kết ngọc đính vàng chói lói, những cành hoa cực đẹp trang điểm mọi thứ sắc màu, thảy đều làm bằng càc thức kiểu đèn giấy cực kỳ xảo ngộ. Đặc biệt hơn cả là đội ngũ đèn đuốc của mấy họ Cây Da, Hội Yên, Phước Môn và Phủ Cam. Mà đáng chú ý hơn nhứt là cái bàn kiệu bằng đèn giấy của địa sở Hội yên thật tinh xảo khéo khôn không thể nói.

Gần 6 giờ chiều, đội ngũ dàn lớp xong, Mình Thánh Chúa bắt đầu khỉ sự kiệu. Khít trước bàn Mình Thánh Chúa, các thầy trường Thần học bận áo các phép, rồi tiếp đến 20 đấng linh mục bận áo Casula, 7 đấng bận áo Cappa, hết thảy đều cầm đèn sáp kéo đi hai hàng trông rất nghiêm chỉnh. Cuộc kiệu cũng cứ theo con đường vòng quanh trên gò núi như mấy kỳ trước. Bởi kỳ này đội ngũ của các họ nhiều hơn lúc trước xa chùng, và số người ta cũng đông đúc không kỳ nào sánh kịp nên chi một con đường vòng cung trên núi dài gần 4 cây số, mà đội ngũ đã choán mất hơn nửa phần đường vậy. Khoái thay! Lúc Mình Thánh Chúa bước ra khỏi nhà thờ thì bỗng chúc ở phía ngoài gò núi những quả pháo thăng thiên đua nhau vụt đâm lên trời, rồi tự trên cao thả xuống những tràng hoa hồng cực kỳ tốt đẹp chẳng khác gì Đức Mẹ ở trên trời đã ban xuống muôn ơn thiêng cho khắp mọi người đương giữa cuộc kiệu này vậy.

Đoàn kiệu cứ dần dần bước tới, từ Thánh Giá tiên phong cho đến Mình Thánh Chúa, muôn vạn đèn hoa rực rỡ đã liên kết thành một dãy núi lửa dài gần 3 cây số. Ở giữa con đường vòng cung trên gò núi cảnh trời đêm tối tăm thanh lặng, ngọn gió Nam phất phưởng thê lương, cả vùng không khí êm đềm tịch mịch, muôn giống côn trùng đang riu ríu kêu sương, thời bỗng dưng dồn đến một cái cơ hội quá vẻ khủng động nhộn nhàng, tiếng trống kèn vang trời chuyển núi, giọng hát kinh thảnh thót vang lừng, thiên hạ hằng hà sa số lũ lượt chen chúc nhau không một chỗ hở chân. Ấy xét theo sức mọn loài người thì thật đã xứng đáng làm một đạo binh rước ngai Vua Cả trời đất vậy. Đoàn kiệu khỉ động bước đi, ngọn sông lửa cứ cuồn cuộn chảy quanh gò núi, nơi cao chỗ sũng giấp giới đèn hoa tợ những con rồng lửa đang vẫy vùng trên gò núi vậy. Một sự tình cờ mà nghiệm ra cũng có vẻ siêu nhiệm là đương lúc những con rồng lửa ấy đương vẫy vùng mà tiến qua ngã Tây Bắc thời ở góc trời phía Đông Nam lại phát hiện ra những làn chớp nhấp nhoáng ngoằn ngoèo tợ hồ như máy nhiệm huyền vi cũng biểu đồng tình với sức người dương thế mà làm cho cuộc rước ngai Vua Cả thêm vẻ oai nghiêm rực rỡ vậy.

Khi Mình Thánh Chúa đã kiệu ngang qua chốn thể lâu thì dừng bước lại, đoạn đưa lên tầng trên thể lâu, đặt giữa bàn đã dọn sẵn mà ban phép lành trước mặt đô hội người chen chúc quỳ gối. Phép lành xong thì Mình Thánh Chúa lại bước xuống khỏi thể lâu, cứ theo phần đường vòng bên kia mà kiệu về lại nhà thờ.

Khi Mình Thánh Chúa đã ngự trên tòa chính rồi thì cứ theo chương trình là phải có một bài giảng nữa, nhưng vì hết giờ nên đã giảm đi mà khỉ sự ban phép lành tức thì. Đương lúc bấy giờ, ở phía ngoài đồi kia lại còn đốt các pháo hoa một lần nữa. Cái thì vụt bay lên cõi tít mù rồi tung vãi xuống những nắm hoa hồng rực rỡ, cái thì xoay vòng dưới đất mà bắn tỏa những đám mưa diêm chớp lửa tứ tung, thứ thì lại đùng đùng bắn lên những ngọn đèn sáng láng làm choáng lòa cả một vùng trời xa. Ấy thật là một cuộc thích thú vừa làm toại nhãn cho đô hội người xem, vừa ám chỉ được nhiều ý nghĩa sâu xa thâm thúy khác nào cuộc kiệu vừa xong thì trên trời ban xuống nhiều thứ ơn lạ, dưới đất danh Mẹ càng được rạng ngời. Thú vị thay và thâm thúy thay những cuộc đốt pháo hoa tối hôm ấy! Các thức pháo đó nghe đâu của bổn đạo Nam Kỳ dâng cúng.

Sau cuộc ban phép lành, Mình Thánh Chúa cứ đặt trên nhà hoa để cho các họ thay phiên nhau mà chầu cách trọng thể. Đoàn Nghĩa binh chầu trước hết, rồi đến các họ kế tiếp nhau mà đưa đội ngũ đèn đuốc tới chầu, cho nên suốt cả đêm ấy những đoàn đội ngũ đèn đuốc trống kèn cứ ra vào liên kế, kinh nguyện vang dày làm cho đền thờ Đức Mẹ La Vang đã hóa nên một chốn hỉ hoan nghiêm trọng chẳng khác gì cái cảnh tiêu diêu trên cõi thiên đài vậy.

Qua ngày thứ sáu 19 Août, cũng là ngày sau cùng trong cuộc Đại hội, lúc 3 giờ sáng, Mình Thánh Chúa được cất đi, các cha bắt đầu làm lễ và cho bổn đạo chịu lễ. Mai ấy không những trong nhà thờ Đức Mẹ các cha kế tiếp nhau làm lễ mà thôi, mà cả đến ngoài rạp chứa khách Sài Gòn cũng có dựng bàn thờ làm lễ, và hơn nữa, ở trước gò núi gần chốn thể lâu, cha Jean Bte Quý (GB Trần Hữu Quý, Giám đốc Nghĩa Binh Thánh Thể, cha sở Gia Hội) cũng làm lễ cho các đoàn Nghĩa binh xem trong rạp riêng đã dựng sẵn.

Đến 5 giờ thì chuông lầu ra hiệu cho các họ dàn đội ngũ mà đi kiệu Đức Mẹ lần sau hết. Cuộc kiệu mai ấy cũng có vẻ long trọng, nguy nga, cực kỳ xán lạn như cuộc kiệu Thánh Thể tối hôm qua, nhưng lại còn có vẻ đặc sắc hơn nhiều là trong cuộc kiệu đèn tuy lộng lẫy sáng láng, nhưng về phần y phục, áo mão không được thấy cho rõ ràng mấy, chí như cuộc kiệu Đức Mẹ mai này thì phần đội ngũ cờ xí đã quá vẻ trang hoàng rồi, mà về phẩm phục đaimão lại cũng cực kỳ chói đẹp vô cùng nữa. Ánh vừng ô càng chiếu tới thì vẻ sáng láng của các đoàn đội ngũ càng tăng thêm, khiến cho hai phần quãng đường kiệu đã trở nên một dãy hoa màu rực rỡ, kết đủ mọi thứ kim ngọc trân châu. Ban mai thái tảo, khí mát trời thanh, thiên hạ đô hội nô nức chen nhau giữa một khoảng đường gần 3 cây số. Ở trên, ngọn gió phất phơ trương cờ kéo phướn, bướm bay én liệng, phô đỏ khoe vàng, vòng quanh gò núi mấy tầng, lẫy lừng ca nhạc chuyển vang trống kèn.

Đoàn kiệu vừa đi giáp mối con đường vòng cung thì lại cứ lối thẳng đã đi ra mà trở về nhà thờ lại. Lúc bàn kiệu đã yên vị trong nhà thờ rồi thì cha Tin lại bước lên tòa giảng cho giáo hữu một bài sau hết về sự ‘Đức Mẹ hiện ra tại chốn La Vang đã làm cho tổ quốc nên vinh dự và ngang hàng với các cường quốc phương Tây, được có phước hơn mọi chỗ khác’.

Giảng đoạn thì Đức Khâm sứ Tòa Thánh chủ sự làm lễ hát rất trọng thể. Mai ấy, trước và sau, cùng trong buổi cử hành các lễ nhạc trong nhà thờ đều có nhạc Tây xen vào từng buổi làm cho giáo hữu càng thêm phấn khởi tâm hồn. Lễ đoạn lại tiếp làm phép lành rất trọng thể nữa. Các việc xong thì Đức Khâm sứ thừa lệnh Tòa Thánh ban ơn Đại xá cho hết thảy mọi người đồng có mặt tại La Vang, đoạn mọi người giải tán”.

Ít lời tổng kết

“Thật trong kỳ Đại hội La Vang năm nay đã biểu lộ được tấm lòng nhiệt thành của các giáo hữu Việt Nam một cách lạ lắm: Lòng sốt sắng, chí hăng nồng đã lôi kéo muôn vạn người chẳng ngại đường xa dặm thẳm, đạp núi băng sông mà tìm đến nhà thờ Đức Mẹ…, đã đem người lương giáo khắp cả tam kỳ hiệp nhau thành một đoàn lũ đông đúc, đô hội mà làm cho danh Đức Mẹ được cả sáng hơn mọi kỳ năm trước bội phần.

Trong ba ngày Đại hội, thiên hạ tuôn đến đất La Vang thật là hằng hà sa số, nhứt là trong cả ngày 18 Août, người tuôn đến La Vang chẳng khác gì một ngọn thủy triều đang chảy mạnh. Trưa ấy, thời buổi rảnh, có kẻ đứng trước cửa nhà thờ dụng công đếm thử số người đi vào nhà thờ mà thôi thì trong một giờ đồng hồ đã đếm được 5.000 người. Xem thế đủ biết số người tới dự cuộc Đại hội này thật là đông đúc không biết chừng nào vậy.

Dẫu có một điều rất đáng phàn nàn là trong kỳ Đại hội này, Sở Hỏa xa không chịu giảm bớt số tiền cho hành khách nên đã trở thành một cái trở lực làm giảm bớt sồ ngườiđi La Vang vậy. Nhưng mặc lòng, trong buổi kiệu Đức Mẹ mai thứ sáu ấy, những kẻ đã ước lượng số người cho kỷ cang thì đều nói có thấu năm vạn, không phải ít. Phần các cha trong địa phận thì đi hòng đủ mặt, còn ngoài địa phận cũng có ít đấng tới hiệp dự như Vinh 1 cố, 2 cha; Qui Nhơn 2 cha. Bởi trong nhà thờ có 20 tòa giải tội, các cha đêm ngày cứ ngồi làm phúc liên thanh nên số người xưng tội trong ba ngày đó kể được 6.500 người, còn số rước lễ hơn một vạn.

Vả chăng, cái lòng nhiệt thành kính ái Đức Mẹ, sự oai nghiêm tráng lệ ở đất thánh La Vang lại còn phát lộ ra nhiểu vẻ đặc biệt lạ thường nữa, như trong kỳ Đại hội đó, nhứt là trong mấy ngày đêm sau cùng, bởi người ta tuôn đến đông đúc quá sức nên dẫu trong các dãy rạp, dẫu khắp cả các quãng trống quanh vườn, dẫu phía trong thánh điện, dẫu cả vùng quán xá ngoài lũy tre, đâu đó thiên hạ chen chúc chật quá hơn nêm đóng, nhưng tuyệt nhiên không thấy có một vẻ gì ồn ào dức lác, không nghe một ai trà rượu say sưa. Ban đêm thì nghe tiếng kinh nguyện rầm rì, khuya lại thì nằm lăn lóc kềnh càng, gối đất nệm cỏ mà nằm chồng chất nhau đầy cả vùng đền thánh. Linh diệu thay! Oai nghiêm thay cái vùng Thánh địa La Vang! Dẫu đêm ngày chất chứa người đô hội, sang hèn lẫn lộn, nam nữ tương xen, thế mà không một dấu gì ra vẻ bất bình thất lễ rốt!

Lạy Đức Mẹ! Thật trong kỳ Đại hội này, các con cái Đức Mẹ âu đã kiệt lực tận tâm rồi, tưởng đã hết sức hèn mọn loài phàm tục rồi, không còn cách gì làm cho rạng danh Đức Mẹ hơn thế nữa đâu. Cúi xin Đức Mẹ chớ để một cuộc biểu dương cực kỳ xán lạn như thế đi qua mà không lưu lại những cái hậu quả tốt đẹp cho Hội Thánh Chúa về sau. Xin Đức Mẹ chớ để cho concái Đức Mẹ đã chịu vất vả khó nhọc trong hội này mà phải luống công vô ích, không tăng được phần ơn ích nào cho linh hồn và xác.

Vinh danh Đức Mẹ giữa trời Nam,

Vạn tuế La Vang cõi Thánh địa.

Nguyện xin đạo Chúa mãi thái bình,

Cho con cái Đức Mẹ được toại tình nhiều phen khác”.

c/ Đoàn giáo hữu Nam Kỳ tham dự Đại hội La Vang 12 (1938)

+ “Tường thuật cuộc du lịch của đoàn giáo hữu Nam Kỳ đi dự lễ Tam nhựt Đại hội Đức Bà La Vang”(10):

“M. J. Bùi Công Hoanh ở Tân Định là người nhiệt thành đứng tổ chức, đã gởi thư cho cha Giuse Trang, linh mục Huế hôm tháng Juin mà xin ngài liệu định giúp đỡ trong những sự cần kíp khi đoàn giáo hữu Sài Gòn ra tới Huế và La Vang.

Cha Giuse Trang dạy thầy Hoanh phải ra Huế để bàn tính về việc ấy mới tiện. Vâng lời cha, thầy Hoanh đã ra tận Huế hôm thượng tuần tháng Juillet mà thương lượng các việc. Gặp được cha Trang, ngài bèn đem M. Hoanh tới hầu ra mắt Đức cha Lemasle và cha Reyne Phú, bổn sở Cổ Vưu kiêm La Vang.

Tính công việc ở Huế đã xong, thầy liền trở về Sài Gòn in chương trình… Sở phí ăn uống, xe cộ đi và về tính giá mỗi người 26 đồng. Chương trình phát ra được nhiều người hưởng ứng hoan nghinh. Cả thảy gần 200 người nhập đoàn pèlerinage này. Cũng có người bên Thích giáo đồng đi dự hội.

Thầy (Hoanh) nhỏ người mà gan, toan làm sáng danh Đức Mẹ nên ai nấy cũng thương, trợ lực cho thầy được thành tựu mọi điều. Thầy mướn thêu một lá đại kỳ rất tốt làm dấu hiệu đoàn giáo hữu Nam Kỳ ra viếng Đức Mẹ. Trên lá cờ đề những hàng như vầy: A NOTRE DAME DE LA VANG – 17, 18, 19 Août 1938 (LES PÈLERINS COCHINCHINOIS) và 50 lá cờ bằng tơ lụa cầm tay đi kiệu”.

+ “Đại cuộc kiệu Đức Bà La Vang”(11):

“Chuyến này người Nam Kỳ đi dự lễ Tam nhựt không đi riêng, song nhập nhau làm một đoàn, có M. Jacques Lê Văn Đức, ông Biện Huê, ông Kinh lý Lương, ông Đốc học Tuấn, ông Đốc học Lợi, ông Phán Thiêng, ông Phủ Mỹ, bà Trùm Có, bà Hội đồng Lễ, bà A Pan, bà Crosnier de Briant, bà Huyện Báu, bà Tổng Lưu, bà Trùm Sách, bà Hương Nho… Cộng hết thảy được 200 vị đàn ông, đàn bà và 20 người bên lương.

Tối ngày lễ Mông Triệu (lễ Mông Triệu Thăng Thiên = lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời), đúng 7 giờ 20, có một cái đầu máy riêng kéo 4 wagons chạy trước xe tối 9 giờ thường bữa. Người ta đi đưa hành khách đông nên coi cũng vui và nhờ có nhạc Tây đi theo đoàn thể nên trước khi xe chạy có thổi vài bản. Kế đó ông Jacques Đức(Jacques Lê Văn Đức, nhà báo, phóng viên tuần báo Nam Kỳ địa phận)làm ống loa chạy trước mỗi xe mà nhắc cuộc đi La Vang đây là việc phần hồn, chớ không phải cuộc du lịch chơi, nên ai nấy trên xe hãy lần hột chung cho đặng nhớ sự sốt sắng phải giữ.

Xe chạy một lát, đâu đó yên ổn rồi, trong 4 xe (toa) đều cả tiếng đọc kinh tối và lần hột. Đó cũng là ý kiến trúng theo cuộc pèlerinage. Khi ra đến Huế, bổn đạo đến viếng Đức cha Khâm mạng thì ngài hỏi trên xe lửa có đọc kinh chung không?

Qua ngày 16 Août, 11 giờ khuya mới tới Huế. Có thầy dòng Frères và cha Trang ra rước. Nghe cha Trang mời ông Jacques Đức diễn thuyết tại La Vang, có Đức cha Địa phận Huế đã phê ban rồi. Ai nấy xuống đò gần 30 chiếc đậu tại bến sông Hương đặng nghỉ ngơi.

Sáng ngày 17Août, đoàn lên xe hơi đi viếng các lăng vua. Chiều nghỉ tới 5 giờ, kéo nhau lại nhà thờ các cha dòng Chúa Cứu Thế chầu phép lành, hiệp ý chung cùng với bổn đạo ở La Vang, và nghe cha Trang dẫn gốc tích Đức Mẹ La Vang do sách của cha có in ra.

Sáng ngày 18 Août lên xe lửa đi La Vang. Trước khi xe chạy, ông Jacques Đức cầm ống loa chạy trước các toa xe mà nhắc đọc kinh chung, lần hột và hát kinh đang khi xe chạy. Ông Jacques Đức xin quyên tiền bố thí đặng kỷ niệm người Nam Kỳ nhập đoàn lần thứ nhất đi La Vang. Đang khi xe chạy thì ông Phán Lê Quang Nhơn, ông Kinh lý Lương, ông Đốc học Tuấn đi cùng toa xe với ông Jacques Đức xin tức thì được gần 300 đồng, nhờ ai nấy có lòng sốt sắng hết, đến đỗi hành khách bên lương cũng cúng tiền nhiều, và đang khi bổn đạo đọc kinh thì quý vị ấy ngồi cách cung kính vì đi La Vang đây cũng là đi cầu khẩn hay là tạ ơn.

Từ Huế, xe lửa đi tới La Vang chừng 3 giờ đồng hồ, rồi đi xe kéo từ chỗ gare tới nhà thờ chừng vài ba ngàn thước. Chiều bữa 18 Août thì kiệu Đức Mẹ long trọng hơn mấy ngày khác, nên có Đức cha Khâm mạng, Đức cha Địa phận Huế, 60 cha và các tu sĩ Nhà trường La Tinh, còn bổn đạo thì vô số vô ngàn. Cha Reyne là cha sở La Vang khai rằng: Thuở nay chưa hề khi nào thấy người ta đông đảo như năm nay. Người có cho người lo chấm số vô cửa nhà thờ từ sớm mai tới chiều trọn ba bữa thì kể người ra vô một giờ là 5.000 người. Cha Reyne nói năm nay mới là lần thứ nhất có đủ bổn đạo ba kỳ, Kontum và Lào nữa, đến đỗi một ngày rước lễ được một muôn. Vì vậy nên đoàn đi kiệu Mình Thánh Chúa từ đầu đến cuối ít nữa là ba ngàn thước Tây. Kiệu trên một con đường lối bốn năm ngàn thước. Đức cha Khâm mạng thật là hẳn hòi, chính mình ngài cầm Mình Thánh Chúa đi kiệu từ đầu mùa tới cuối, đi bộ luôn, nghỉ nửa đường đặng dâng Mình Thánh Chúa cho dân sự thờ lạy. Bổn đạo đi kiệu sắp năm bảy hàng mà còn dài vậy. Kẻ ngoại đứng hai bên đàng thì đông như kiến. Cha Reyne nói không biết ở đâu mà họ tới đông dữ vậy.

Bổn đạo Nam Kỳ khi tới La Vang có đi thăm Đức cha Huế thì ngài có khuyên lơn về những ơn phải xin Đức Mẹ, rồi chiều cũng nhập kiệu chung với người ta. Có nhạc, có ban hát, có cờ lớn, cờ nhỏ đủ hết. Đang khi kiệu Mình Thánh Chúa thì có đốt pháo bông của ông Rỡ ở Cù Lao Giêng, Nam Kỳ, dâng.

M.J. Hoanh có che riêng một trại lớn cho bổn đạo Nam Kỳ ở. Đức cha Khâm mạng Drapier và Đức cha Lemasle có đến viếng trại và ban phép lành. Ấy là một sự hân hạnh cho đoàn giáo hữu Nam Kỳ lắm. Sáng bữa sau là 19Août, có cha Trang và cha phó của ngài là cha Kinh (Phêrô Huỳnh Đình Kinh) làm lễ tại trại. Ông Jacques Đức nói đôi ba tiếng vắn tắt làm cho ai nấy ngùi ngùi! Mấy bà hay mủi lòng khóc đến đỗi phải lau nước mắt. Động lòng nhất là khi ông Jacques Đức trở mặt lên bàn thờ mà than van với Đức Mẹ La Vang cách tấm tức tấm tưởi đến nỗi đờn ông cũng cầm lòng không đậu.

Vốn là trong cuộc kiệu La Vang năm nay có nhiều sự sốt sắng lắm. Nhà thờ chật ních luôn cả ngày đêm, vì có để Mình Thánh Chúa. Còn ngoài sân, nghe đầu này đầu kia đọc kinh chung luôn luôn. Ban ngày trời nắng nóng như lửa đốt mà cũng không ai phàn nàn. Cha chủ bút báo Vì Chúa (JM Nguyễn Văn Thích) và vài cha khác dắt 300 bổn đạo đi bộ từ Huế ra tới La Vang, là 70 cây số ngàn, ngủ ngoài đồng ngoài ruộng. Có một đoàn khác 1.000 bổn đạo cũng đi bộ vậy, trọn 100 cây số, nắng nôi, ăn cực, uống khổ mà cũng vui lòng.

Thật là vui mừng cho bổn đạo xứ ba kỳ và đáng thương cho kẻ nghèo khổ mà cũng rán đi viếng Đức Mẹ La Vang.

Chiều ngày 19 Août, đoàn Nam Kỳ trở về Huế nghỉ vì mệt đuối. Qua ngày 20Août chia ra hai tốp, một tốp đi Tourane coi núi đá cẩm thạch (Ngũ Hành Sơn), một tốp ở lại đi coi các đền vua trong Thành Nội. Ngày 21, hai tốp xem lễ Chúa nhật, kẻ ở Huế, người ở Tourane, rồi khi nhập nhau một đoàn mà trở về Sài Gòn. Sáng ngày 22 Août thì tới nơi bình yên.

Ai nấy đi tới nơi về tới chốn. Tạ ơn Đức Mẹ La Vang”.

+ Những việc thiêng liêng của đoàn giáo hữu Nam Kỳ làm tại La Vang(12):

Tham gia cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa

“Vậy chiều 19 Août, đoàn giáo hữu Nam Kỳ cũng nhập đội ngũ mà đi kiệu Mình Thánh Chúa trên các gò nổng đồng núi La Vang với bổn đạo Huế. Rủi một điều là, mới lần thứ nhứt, M. Hoanh không biết đặng mà sắm sửa đèn cầm tay cho mọi người trong đoàn mình đi kiệu, nên lúc kiệu trở về trời tối, bổn đạo Huế thì họ đã quen nên sắp đặt trước cả năm, hàng ngàn lồng đèn kiểu thức khác nhau, thắp lên xem sáng láng rực rỡ như một con rồng lửa lượn theo các gò nổng thật là ngộ. Còn đoàn đội ngũ Nam Kỳ có hơn 200 người không có đèn nên bị thiên hạ chen lấn chút. Dù vậy, dàn đội ngũ đi kiệu thì đoàn giáo hữu Nam Kỳ có đại kỳ tốt đẹp làm biểu hiệu xem oai thể, lại có hơn 50 lá cờ bằng hàng lụa cho người trong đoàn cầm tay, lại có ban nhạc Tây theo hầu kiệu Mình Thánh Chúa đánh thổi những bản nghe rất hùng hồn, cảm động làm tăng vẻ oai nghi long trọng cuộc kiệu.

Đường đi kiệu vòng quanh trên các gò nổng gần 5 cây số ngàn mà xem bộ trong đoàn ai nấy cũng vui hớn hở, không biết mệt nhọc. Những người già yếu cũng rán thả bộ nhập đội ngũ mình mà đọc kinh lần hột ngợi khen Chúa. Đoàn kiệu về đến nhà thờ lối 8 giờ tối, ai nấy lo về rạp nghỉ ngơi.

Bữa ấy cha sở La Vang cũng để riêng một phiên chầu Mình Thánh Chúa ban đêm cho đoàn giáo hữu Nam Kỳ là từ 1 giờ đến 1 giờ rưỡi khuya.

Một sự hân hạnh khác là giáo hữu Nam Kỳ có một lễ Misa riêng làm tại rạp, có linh mục ngồi tòa làm phước cho đoàn cả và đêm. Chẳng những giáo hữu Nam Kỳ mà thôi, song thấy có ít gia thất Bắc Kỳ cũng đến thông công các việc thiêng liêng tại rạp này nữa.

Bổn đạo Nam Kỳ có lòng sốt sắng kính tin Đức Mẹ lắm, nên những lúc ban ngày rảnh họ đua nhau đi bẻ lá cây, lớp múc nước đem về chất cả đống gần bàn thờ trại. Tôi thấy vậy bèn mời một cha đến làm phép cho thì ai nấy cũng tỏ lòng mừng rỡ”.

Lễ Misa tại rạp

“Lối 3 giờ rưỡi đêm 18 rạng 19 Août, cha Giuse Trang đến tại rạp giáo hữu Nam kỳ, người rung chuông nhỏ thức mọi người dậy đọc kinh nguyện buổi mai. Đúng 4 giờ, mọi sự đã an bài thì ngài khỉ sự làm lễ. Thật là một lễ rất cảm động, ai nấy đều vầy quanh nơi bàn thờ mà chầu lễ cách trang nghiêm sốt sắng. Tuy đơn sơ, nhưng ban đêm ai nấy thức dậy chưa đi đâu, xin thầy cả dâng lễ thượng tiến Thiên Chúa cho mình nơi chốn đất nước xa lạ sơn lâm, xưa kia là chỗ hang beo ổ cọp. Trong buổi lễ có nhạc kèn đánh thổi và hát đưa lễ những kinh Gredo, Gloria, O Salutaris… nghe rất thâm trầm oai thể. Bổn đạo đọc kinh dọn mình rước lễ. Người ta rước lễ thật đông. Có người bị rối rắm ngăn trở thì lấy làm tiếc. Nhờ cái rạp Nam Kỳ mà giáo hữu Huế với Bắc Kỳ cũng được đến thông công buổi lễ khuya ấy và rất lấy làm phỉ tình.

Lễ Misa mai ấy cha Giuse làm riêng cho đoàn giáo hữu Nam Kỳ nên người ta biết ơn mà làm quête trong mùa lễ dâng cúng cho cha đặng 30 đồng.

Trong buổi lễ, tôi thấy ông Jacques Đức động lòng lắm. Mọi người rước lễ vừa rồi, và sau lễ đoạn, ông xin cha phó thưa với cha Giuse Trang ở nán lại một chút để ông nói ít lời cảm ơn”…

Lời cảm ơn của ông Jacques Đức

“Cha Giuse Trang vừa lại nơi bàn quỳ thì ông Jacques Đức xin phép các quan và quý ông quý bà mà nói ít lời thế này:

– Chiều hôm qua đến nay, chúng ta đến La Vang, mai này lại đặng hân hạnh xem lễ tại rạp riêng của chúng ta nơi đồng núi Đức Mẹ La Vang. Ấy là ta đạt tới mục đích đi viếng Thánh địa Đức Mẹ. Ta đã đặng đến kêu xin Đức Mẹ ban mọi ơn ta thiếu thốn. Thật nhờ có cha Giuse Trang, và ngài đã cho cha phó đi theo ta mấy chỗ ngài trở việc không đi đặng. Nhờ ngài giúp M. Hoanh tổ chức cuộc trú tất cho chúng ta tại Huế có nơi ăn chốn ở an thỏa mọi bề. Một sự lạ lùng là các ông các bà ở đây hơn 200 người, khác tỉnh, khác nơi, khác địa phận, cả đời không quen biết chi nhau, thế mà nhờ lòng kính mến Đức Mẹ La Vang, đã kết hợp lại thành một đoàn thể, từ hôm tối 15 Août lên xe lửa Sài Gòn ra đi cho tới nay thì mọi người nhìn nhau như anh em, nên đây là con một nhà, nhờ cha Giuse đi hộ với ta, ngài xử trí với ta như cha ở với con, chẳng nệ khó nhọc mệt mỏi, lo lắng cho chúng ta mọi điều.

Ông Đức nói đến đây bắt cảm động quá bèn trở mặt lên bàn thờ có ảnh Đức Mẹ, ông sa nước mắt mà than thở rằng:

– Lạy Đức Mẹ La Vang là Đấng hay khoan dong nhân hậu, xin thương đoái chúng con là kẻ ở xa xôi đã men đến đây chẳng phải cho đặng sung sướng, song cho đặng làm sáng danh Đức Mẹ, để xin Đức Mẹ phù hộ cho anh chị em chúng con.

Đoạn ông xin các người Sài Gòn giúp lời cầu nguyện cho kẻ có tội, kẻ ngoại được ơn ăn năn trở lại. Ông nói:

– Ấy là lời Đức cha sở tại Lemasle đã xin chúng ta trong dịp Đại hội này.

Ông cũng nói lớn tiếng rằng:

– Hỡi các người đồng bào bên lương đi đây với chúng tôi, xin các quý ông xem xét coi cái đạo của chúng tôi tốt lành là trùng nào! Các ngài thấy thiên hạ tuôn đến đây chẳng phải cốt kiếm cái chi sung sướng, mà trái lại, dầu cực nhọc cách mấy cũng vui lòng cho đặng sáng danh Chúa và Đức Mẹ mà cầu xin phần rỗi cho anh em đồng bào mà thôi.

Ông Đức cũng nói:

– Xin các quý ông quý bà, nay đã gần ngày từ giã chốn này mà về Sài Gòn, ta cũng nên cám ơn cha Giuse: Trọng kính cha Giuse và cha phó, chúng con hết lòng cảm mến và biết ơn hai cha vì đã có công dìu dắt chúng con mấy bữa rày. Cúi xin Chúa và Đức Mẹ trả phần thưởng trọng tốt cho hai cha. Chúng con chẳng hề quên hai cha khi nào.

Các ông các bà cảm động quá cũng thút thít sa nước mắt và nói ít nữa sẽ từ giã Đức Mẹ mà trở về Huế.

Lúc ấy cũng có ông Ngô Tử Hạ và ông Tiến Thìn cùng giáo hữu Hà Nội cũng khen ngợi cuộc tổ chức của M. Hoanh và ước ao kỳ sau giáo hữu ngoài Bắc cũng sẽ có một đoàn thể tổ chức đi viếng Đức Mẹ La Vang đông đắn như Nam Kỳ vậy”.

Bài ca vịnh hát giã từ Đức Mẹ

Air: En vous Quittant

Choeur:

Lìa Mẹ yêu dấu, tâm trí bâng khuâng thay!

Mẹ rất khoan nhơn đừng bỏ chúng con.

Nhìn xem Mẹ hỡi, con cất tiếng kêu van,

Trông ơn Mẹ lành dìu dắt không rời.

Solo:

Đoàn con đông đủ hiệp nhau tuôn đến cầu nguyện,

Này con yêu dấu, giã con ra đi an lòng.

Dẫu sau nhiều phen phong ba giông tố trên trần,

Thì hãy kêu xin vì Mẹ không quên đoàn con trung hiếu.

Solo:

Rồi đây như sao, con e sa bước trên đời,

Này con yêu dấu hãy kêu tên Mẹ nhơn lành.

Và khi giờ lâm chung sắp đến bên mình,

Chừng ấy có Mẹ kề cận bên con khuyên lơn an ủi.

Air: Dieu de paix et d’amour

Solo:

Kìa kìa trăm bông ngàn tia,

Lại thêm trăm hoa đua nở.

Rải rác cỏ cây xanh tươi,

Lòng hằng muốn xem không nhàm.

Cảnh rất tốt thoáng trước mắt,

Như tấm chắn khéo vẽ vời.

Lòng ta biết bao giờ chán,

Thợ trời thật chẳng ai bì.

Choeur:

Thế mới biết Đấng Hóa Công tài,

Bởi xem cảnh thiên nhiên, ta xem:

Ngàn muôn chim núp cành cây

Đều rập nhau hát líu lo.

Những tiếng hát thật trong trẻo,

Để khuyến khích ta hằng giữ,

Lòng nhớ Đấng sanh muôn loài.

Đặng ngày sau hưởng phước vô cùng.

Air: Le soldat blessé

Pèlerins:

Từ đây dời gót giã Mẹ lành hỡi!

Này con phú dâng mình trót cho đến cùng.

Dầu trăm ngàn chước quỉ ma dành bắt,

Thì con rán ra sức dẹp nó, nhờ Mẹ!

Những cơn ưu sầu lo lắng thế gian,

Thì con cúi xin Mẹ dìu dắt, ủi an.

Nào bệnh tân toan con đã phải mang,

Con xin Mẹ nhơn lành hầu cho con đặng qua khỏi.

Mẹ hỡi! Con xin cầu chúc cho đặng gần,

Mẹ trông thấy lúc con sắp lìa thế gian.

Ste Marie:

Này Mẹ từ giã, hỡi con,

Đừng bỏ lòng tôn kính Chúa Trời!

Quyết cho đến cùng.

Rồi đây lìa cành, chúng con,

Mẹ đã hòng giao phú cho Chúa giữ gìn bình an.

Hỡi con chiên lành, con khá noi theo,

Lòng ngay thảo, một mực thờ Chúa, yêu nhau,

Mà việc phước đức chẳng có luống công,

Cho con đặng vuông tròn, ngày sau hưởng đặng muôn phước.

Này hỡi chúng con, đừng có quên Mẹ,

Giờ lâm tử khẩn xin giúp cầu cho con.

Xong ‘Đại cuộc kiệu Đức Bà ở La Vang’, đoàn giáo hữu Nam Kỳ lên xe ôtô đi xuống Quảng Trị. Ai nấy cũng mệt đừ. Mọi người nằm nghỉ trên cái ghế xếp, chờ xe lửa ở Đông Hà vô. Đúng 1 giờ 40 phút, xe lửa Vinh mới vô tới mà kéo mấy wagons đoàn giáo hữu Nam Kỳ vô Huế”…

——————————————————–

(1) Lê Ngọc Bích: Nhân vật Giáo phận Huế. Lưu hành nội bộ. Tập II. 2000, tr.251-256 + Tư liệu Tòa TGM Huế.

(7) Nội dung từ: Tb. Nam Kỳ địa phận. Các số 1521, 1522, 1523, 1524, 1525 + Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938.

(8) Lâm Giang và Tam Đệ: La Vang – Đất của Mẹ. Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938, tr.3-4.

(9) Phêrô Nghĩa: Tam nhật Đại hội La Vang 12. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1520, ngày 1-9-1938, tr.537-543 + Số 1521, ngày 8-9-1938, tr.558-560.

(10) Un prêtre de Hương Thủy -Huế: Tường thuật cuộc du lịch của đoàn giáo hữu Nam Kỳ đi dự lễ Tam nhựt Đại hội Đức Bà La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1522, ngày 15-9-1938, tr.576.

(11) Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1518, ngày 18-8-1938, trang cuối, không ghi số trang + Số 1519, ngày 25-8-1938, tr.356a-356b.

(12)Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1524, ngày 29-9-1938, tr.608-611 + Số 1525, ngày 6-10-1938, tr.626-630.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 11 – Phần II về máy tính