TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
TẬP 2
CHƯƠNG MƯỜI HAI
HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM MỤC URRUTIA THI
A. GIỚI THIỆU ĐỨC GIÁM MỤC GIOAN BAOTIXITA URRUTIA THI(1)
Năm 1946, lo buồn trước hoàn cảnh chiến tranh, đói khổ, Đức cha Lemasle Lễ lâm trọng bệnh, Giáo phận Huế đưa ngài vào Sài Gòn chạy chữa, nhưng chứng bạch cầu quái ác đã cướp mất sinh mạng của ngài vào ngày 26-9-1946 tại Bệnh viện Angier, Sài Gòn. Một đám tang âm thầm lặng lẽ với duy nhất một linh mục Huế, cha Reyne Phú, và các vị thân hữu Sài Gòn đưa ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng tại khu nghĩa trang Lăng Cha Cả, Tân Bình, Sài Gòn.
Ngày 12-2-1948, Tòa thánh bổ nhiệm linh mục Tổng đại diện Urrutia Thi làm Giám mục Đại diện Tông tòa, hiệu tòa Isauropolis, lãnh đạo Giáo phận Huế.
Đức cha Gioan Baotixita Urrutia Thi sinh ngày 6-11-1901, nguyên quán xứ Basques, nhưng sinh tại Aldules, Giáo phận Bayonne, tỉnh Basses, Pyrénées, Pháp.
Sau một năm học ở Chủng viện Bayonne, ngài gia nhập Hội Thừa sai Paris và được thụ phong linh mục ngày 6-6-1925. Ngài đáp tàu đi Việt Nam và đến Huế ngày 22-10-1925. Tại đây, ngài lần lượt giữ các chức vụ: Giáo sư rồi Giám đốc Tiểu Chủng viện An Ninh, Tổng đại diện, thay quyền Giám mục giải quyết các vấn đề thuộc địa phận từ ngày Đức cha Lemasle Lễ qua đời.
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC URRUTIA THI
(Ảnh tư liệu Tòa TGM Huế)
Đức cha Urrutia Thi lãnh đạo Giáo phận Huế trong thời kỳ đầy khó khăn: Chiến tranh Pháp Việt, 1946-1954, Giáo phận bị chia cắt, 1954…
Ngày 24-11-1960, Tòa Thánh ban phép thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Giáo phận Huế được nâng lên hàng Tổng Giáo phận. Đức cha Urrutia Thi xin từ nhiệm nhường quyền lãnh đạo cho hàng giáo sĩ Việt Nam. Ngài chọn Thánh địa La Vang làm chỗ nghỉ ngơi bên Mẹ, giúp mục vụ khách hành hương.
Để ghi công và tưởng thưởng ngài, Tòa Thánh đã vinh thăng Đức cha Urrutia Thi lên hàng Tổng Giám mục, hiệu tòa Carpathos.
Năm 1964, ngài xin vào ở giáo xứ Kim Long, làm mục vụ như một linh mục quản xứ.
Trong thời gian diễn ra Công đồng Vaticanô II, Đức Tổng Giám mục Urrutia Thi qua Rôma tham dự 4 khóa họp cùng các vị Tổng Giám mục, Giám mục Việt Nam.
Tháng 2-1966, Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Huế, mời Đức Tổng Giám mục Urrutia Thi ra ở trụ sở truyền giáo dành riêng cho các Thừa sai Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris trong Giáo phận Huế, đặt tại Đông Hà, Quảng Trị, nơi linh mục Georges Neyroud đang làm quản lý. Mùa hè năm 1972, chiến sự lan rộng đến thị xã Quảng Trị, mức độ chiến tranh ác liệt, với biến cố Mùa hè đỏ lửa, Đức cha buộc phải bỏ Đông Hà, theo đoàn người di tản vào Huế.
Năm 1974, Đức Tổng Giám mục Urrutia Thi về Pháp thăm lại quê hương, bạn bè, người thân lần cuối trong đời. Ngài dự tính sẽ trở lại Việt Nam sống những ngày cuối đời, nhưng bấy giờ tình hình Việt Nam có biến chuyển lớn, biến cố 30-4-1975, ngài không thể trở về Địa phận Huế được nữa.
Giáo phận được tin ngài qua đời tại Pháp ngày 15-1-1979, hưởng thọ 78 tuổi, 54 năm linh mục truyền giáo tại Giáo phận Huế, trong đó 12 năm làm Giám mục lãnh đạo Giáo phận Huế.
Đức Tổng Giám mục GB Urrutia Thi là vị Giám mục Tông tòa thứ 8, thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris, và là vị Giám mục Tông tòa cuối cùng kết thúc sứ mệnh lịch sử giai đoạn Đại diện Tông tòa ở Giáo phận Huế nói riêng, Giáo hội Việt Nam nói chung.
B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI CHIẾN TRANH
I. LA VANG THỜI CHÍNH BIẾN – CHIẾN TRANH CÔ LẬP THÁNH ĐỊA LA VANG
1. Cha sở La Vang thứ hai Giacôbê Nguyễn Linh Kinh(2)
Năm 1943, đang làm quản xứ Cầu Hai, cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh được bài sai đi quản xứ An Vân. Đang chuẩn bị thì ngài lâm bệnh. Đức cha Lemasle Lễ cho phép ngài ra La Vang vừa an dưỡng vừa giúp mục vụ.
Năm 1946, sau ba năm an dưỡng, cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh chính thức được bổ nhiệm quản xứ La Vang. Đây là linh mục quản xứ La Vang thứ hai sau cha Phaolô Võ Văn Thới.
Linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh sinh ngày 28-12-1893 tại Phủ Cam, Huế. Vào TCV An Ninh, Quảng Trị tháng 9-1905. Lên ĐCV Phú Xuân, Huế, tháng 9-1915. Thụ phong linh mục ngày 23-12-1922.
1923-1927: Phó xứ Linh Thủy, Thừa Thiên.
1927-1928: Phó xứ Cổ Vưu, Quảng Trị.
1928-1929: Quản xứ Bác Vọng Đông, Thừa Thiên.
1929-1935: Tuyên úy trường Pellerin, Huế.
1935-1943: Quản xứ Đại Lộc, Quảng Trị.
1943: Quản xứ Cầu Hai, Thừa Thiên.
1946: Quản xứ La Vang.
12 năm ở La Vang, trong đó có 9 năm làm linh mục quản xứ, đủ 12 năm nguy nan vì nạn chiến tranh. Nhưng dù khó khăn cách mấy ngài vẫn bám trụ ở với Mẹ, giữ gìn đền Mẹ, và không bỏ lỡ cơ hội, hễ có dịp là ngài tổ chức các cuộc hành hương La Vang viếng Mẹ.
Trước tình hình chiến tranh nguy ngập, ngày 12-9-1946, được phép bề trên, cha Giacôbê Kinh đã tổ chức ngày cầu nguyện cho quốc thái dân an tại đền thờ Đức Mẹ La Vang. Đông đảo linh mục, tu sĩ và giáo dân đến dự lễ, trong đó có một số từ Huế mạo hiểm ra La Vang. Bà Nam Phương hoàng hậu cũng mạo hiểm đi xe hơi riêng ra La Vang tạ ơn Mẹ.
Cha Giacôbê Kinh còn có công lớn trong việc dẫn dắt, dạy dỗ hàng trăm tân tòng Long Hưng, Phú Long và các làng lân cận về với Mẹ. Ngài còn lo việc mở mang, khai thông đường sá, tạo dựng cảnh quan vườn Mẹ. Ngoài ra, ngài còn để tâm ghi chép những ơn lạ tại La Vang. Bộ sưu tập của ngài dày tới 400 trang bản thảo, được biên tập công phu và đã gởi lên Tòa Giám mục để xin phép Imprimatur. Tiếc thay, lợi dụng thời thế chiến tranh kẻ xấu đã vào văn phòng Tòa Giám mục Huế cướp bóc, đốt phá, công trình sưu tập 9 năm của ngài thành tro bụi. Sau này còn một ít bản thảo sót lại, linh mục Matthêô Lê Văn Thành, nghĩa tử của ngài, đã cho phổ biến trong sách Đức Mẹ La Vang, Cứu Thế tùng thư, Sài Gòn,1955.
Linh mục quản xứ La Vang Giacôbê Nguyễn Linh Kinh qua đời ngày 20-1-1955. Thi hài được an táng sau chái nhà thờ La Vang, gần mộ cha Phaolô Võ Văn Thới.
2. La Vang thời chính biến (1946-1954)(3)
Nhật đầu hàng đồng minh, Việt Minh giành chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị, quân Pháp trở lại Việt Nam…, khói lửa chiến tranh lan tràn trên quê hương đất Việt.
Đầu năm 1947, quân Pháp mở cuộc phản công càn quét từ Huế ra Quảng Trị. Một số đông đồng bào Công giáo tỉnh Quảng Trị lánh nạn chiến tranh đã chạy ào lên La Vang. Đợi tình hình lắng dịu họ mới trở về thôn làng, tỉnh thành. Tại vùng tạm chiếm, quân Pháp mở đồn Phước Môn, án ngữ phía Tây Bắc Quảng Trị. La Vang tạm yên ắng một thời gian. Giáo dân Dinh Cát lại lục tục kéo nhau lên La Vang viếng Mẹ.
Năm 1949, quân Pháp yếu thế buộc phải rút khỏi đồn Phước Môn. La Vang nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh. Sợ chiến sự tái diễn, giáo dân hoảng hốt bỏ chạy về tỉnh thành, chỉ có cha sở Giacôbê Nguyễn Linh Kinh và một ít giáo dân phó thác nơi Mẹ, ở lại với Mẹ. Ngược lại, lúc bấy giờ lương dân thuộc hai làng Phú Long và Long Hưng lại tự động kéo đến ở chung quanh đền Mẹ đông đảo. Lâu ngày cảm mến, số đông trong họ đã tòng giáo.
Tết Nguyên đán năm 1950, Ủy ban Kháng chiến địa phương chấp thuận cho cha sở Giacôbê Nguyễn Linh Kinh khai thông đường sá để giáo dân ra vào viếng Mẹ. Nhưng những cuộc hành hương dù lẻ tẻ vẫn bị hạn chế do bom mìn dọc đường hoặc chung quanh đền thờ Đức Mẹ La Vang. Ngoài ra, thỉnh thoảng lính Pháp cũng đến khủng bố, lục soát…, khiến cuộc sống nơi đây càng thêm hoảng loạn, quê Mẹ càng thêm điêu tàn.
Để ghi lại giai đoạn lịch sử La Vang đau thương này, đặc phái viên báo Tông đồ – ông Phêrô Viên, đã viết bài: Miền La Vang trong thời kỳ chính biến (1946-1954). Lược trích:
“Những ngày ở La Vang, chúng tôi được cha sở gởi tại nhà ông câu trong họ. Con người vui vẻ, mặc dù một phần đa đoan vì công việc Đại hội, nhưng ông cũng cho các con ông tùy tiện giúp chúng tôi. Mỗi lúc dư giờ chúng tôi hỏi thăm ông những chi tiết về giáo dân đối với Đức Mẹ La Vang, nhứt là trong thời chiến tranh. Ngoài ra, chúng tôi cũng lăn lộn trong dân chúng tại đó để tìm hiểu lòng người, thì trăm phần trăm ai cũng đặt hết niềm tin tưởng việc Đức Mẹ đã có lần thân hiện nơi đây.
Về sự tích Đức Mẹ La Vang, báo Tông đồ số 54 ngày 1-9-1951 có đăng đầy đủ. Chúng tôi chỉ thuật lại tình trạng trong mấy năm khói lửa, dựa theo lời dân chúng ở đấy thuật lại và theo sách Đức Mẹ La Vang của Cứu Thế tùng thư vừa xuất bản trong dịp Đại hội này.
ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG TRONG THỜI CHÍNH BIẾN
(Ảnh: Bán Ns. Tông đồ. Số 147, 15-9-1955, bìa 1)
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dân chúng ở đây chưa có gì đáng lo ngại. Khoảng đầu năm 1947, quân đội Pháp mở cuộc tấn công từ Huế ra Quảng Trị. Lúc ấy thật là cam go. Lệnh tản cư triệt để, dân chúng vùng ấy đều bồng bế nhau lánh nạn xung quanh đền thờ La Vang. Tỉnh Quảng Trị bị quân Pháp chiếm đóng và một đồn lính dựng tại Phước Môn. Tình thế đã tạm êm một chút, dân chúng lần lượt về quê và con đường ra vào La Vang được một phần dễ dàng.
Tình hình quân sự đã chuyển hướng, đồn Phước Môn đã rút quân lối năm 1949, miền La Vang đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Việt Minh. Một số giáo dân lo sợ chiến tranh tái diễn nên đã tản cư về Quảng Trị. Chỉ còn một số bổn đạo và cha sở Giacôbê Kinh đặt hết lòng tin tưởng vào sự giúp đỡ của Đức Mẹ, ở lại lo việc thánh đường.
La Vang đã trở nên cô lập, quạnh hiu. Nhưng một sự lạ lại xảy ra: Bổn đạo La Vang tản cư thì một số đồng bào bên lương ở rải rác trên các đồi núi vùng Long Hưng, Phú Long tự động kéo đến định cư xung quanh đền Đức Mẹ. Họ đến thay thế đoàn con tan tác vì chiến tranh. Trong số kể trên đã trở lại đạo 600 người. Họ len lỏi gánh củi ra Quảng Trị bán rồi mua đèn cầy về đốt trước bàn thờ Đức Mẹ, ngày đêm sốt sắng kinh nguyện. Họ tuy mới theo đạo nhưng kinh sách đều thuộc và đọc rập ràng, sốt sắng xưng tội rước lễ.
Năm 1950, cha sở La Vang xin Ủy ban Kháng chiến cho phép mở rộng đường giao thông cho bổn đạo xung quanh vùng đến kính viếng Mẹ. Việt Minh chấp thuận cho phép, và tin này được truyền ra, giáo dân gần xa vui mừng, từng đoàn kéo đến La Vang tấp nập làm cho nơi hiu quạnh trở nên náo nhiệt. Hai ngày đầu yên tĩnh, qua ngày thứ ba, khi mọi tín hữu hành hương đã vào hết trong nhà thờ chầu lễ thì một con trâu lớ quớ thế nào đạp địa lôi nổ vang. Con trâu không hề hấn gì, nhưng bổn đạo sợ quá kéo nhau về nhà. La Vang lại trở nên lạnh lùng, vắng vẻ.
Có lúc quân Pháp vào La Vang lục soát, hành hung cha xứ, bổn đạo, nhưng rồi cũng không tìm được gì phải rút về.
Tình thế năm 1952 càng lúc càng găng, lắm trận đánh lớn diễn ra nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị, dân sự chết hại rất nhiều. Đức Giám mục địa phận cũng đồng ý với các linh mục cho người rước tượng Đức Mẹ La Vang về Quảng Trị để giáo dân chạy đến xin Người phù hộ cho tỉnh này được yên và đất nước chóng hòa bình”.
II. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI CHIẾN TRANH
1. Rước thánh tượng Đức Mẹ La Vang về Quảng Trị(4)
Giữa năm 1952, cao điểm của cuộc chiến tranh Pháp Việt, Thánh địa La Vang bị cô lập, an ninh không cho phép tổ chức các cuộc hành hương viếng Mẹ, dù chỉ là ở cấp địa phận.
Không đến được nhà Mẹ thì rước Mẹ về nhà mình! Một ý tưởng độc đáo lóe lên trong đầu óc các linh mục Dinh Cát. Các cha thận trọng họp bàn, đề ra kế hoạch rước thánh tượng Đức Mẹ La Vang về Quảng Trị, được Đức cha Urrutia Thi đồng ý.
Trọng trách được đặt lên vai hai chị Hội Ven Phú Long. Đó là hai người phụ nữ nhà quê, làm rẫy, bán rau, lên về La Vang Quảng Trị thường bữa, đường tắt lối mòn thuộc như lòng bàn tay.
Theo kế hoạch đã vạch, vào một đêm ba mươi, trời tối đen như mực, thánh tượng Đức Mẹ La Vang được gói lại bỏ vào thùng gỗ, dấu vào đáy đôi thúng, trên đôi thúng được ngụy trang bằng những bó rau quen thuộc thường ngày của hai chị. Đợi quá nửa đêm, tin chắc mọi người đang ngủ say, hai chị gánh “thúng rau” ra đi, theo lối mòn, dò dẫm từng bước, thận trọng nghe ngóng động tĩnh, len lỏi qua từng vọng gác… Khi “thúng rau” qua khỏi đường hỏa xa thì tiếng gà vừa gáy sáng.
Ông Phêrô Viên, đặc phái viên Bán nguyệt san Tông đồ, số đã dẫn, người có mặt tại La Vang lúc bấy giờ ghi lại:
“Bí mật liên lạc được với cha sở La Vang và hai người bổn đạo ở đó tình nguyện đem tượng Đức Mẹ ra Quảng Trị. Tượng Đức Mẹ được đặt trong một thùng gỗ thô sơ, hai giáo dân La Vang cảm tử, mạo hiểm qua các vọng gác, lần lần đến Quảng Trị”.
Một nhóm quý chức đã có mặt bên đường hỏa xa đón thánh tượng Đức Mẹ La Vang đưa về nhà thờ Thạch Hãn, ở đó giáo dân tề tựu đông đủ chờ khai mạc buổi chầu tượng trọng thể. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang ngự ở nhà thờ Thạch Hãn cho đến ngày Tam nhật Đại lễ.
2. Tam nhật Đại lễ Đức Mẹ La Vang tại Trí Bưu
Liền sau khi thánh tượng Đức Mẹ La Vang về đến Quảng Trị, một bức tâm thư do hai linh mục JM Lê Hữu Huệ, quản xứ Trí Bưu (Cổ Vưu) kiêm hạt trưởng Dinh Cát và Giacôbê Nguyễn Linh Kinh, quản xứ La Vang đồng ký tên mời gọi giáo dân trong địa phận đến Quảng Trị tham dự tuần Tam nhật kính Đức Mẹ La Vang. Thư và chương trình lễ được Đức cha Urrutia Thi phê duyệt ngày 20-7-1952. Theo đó tuần Tam nhật được tổ chức trong ba ngày 10, 11 và 12-9-1952:
+ Ngày 10-9-1952: Khai mạc. Rước kiệu trọng thể thánh tượng Đức Mẹ La Vang từ Thạch Hãn về Trí Bưu.
+ Ngày 11-9-1952: Ngày Đền tạ, giáo dân các giáo xứ luân phiên chầu Mình Thánh Chúa suốt đêm tại nhà thờ Trí Bưu. Hôm ấy, một đoàn xe lửa 16 toa do Công ty Hỏa xa Trung phần yểm trợ đưa giáo hữu Đà Nẵng và Huế ra hành hương viếng Mẹ.
+ Ngày 12-9-1952: Đức cha Urrutia Thi chủ tế thánh lễ đại trào. Sau thánh lễ là cuộc rước kiệu Đức Mẹ La Vang từ Trí Bưu tiến lên các đường phố trong thị xã Quảng Trị rồi vòng về Trí Bưu. Đoàn rước kiệu với khoảng 20.000 giáo dân tham dự, tay cầm tràng hạt, miệng đọc kinh, hát thánh ca. Trang nghiêm, sốt sắng đến kính phục!
Thánh tượng Đức Mẹ La Vang ngự tại nhà thờ Trí Bưu đến ngày khai mạc Năm Thánh Mẫu 1953.
3. Năm Thánh Mẫu – Rước Mẹ về giáo xứ
Năm 1953, kỷ niệm 100 năm tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Giáo hoàng Piô XII ban hành thông điệp Fulgens Corona mở Năm Thánh Mẫu cho Giáo hội toàn cầu từ ngày 8-12-1953 đến ngày 8-12-1954 và cử hành thánh lễ khai mạc Năm Thánh Mẫu tại Rôma.
Tại các giáo phận Việt Nam và Đông Dương, các Đức Giám mục địa phận lần lượt cử hành thánh lễ trọng thể khai mạc Năm Thánh Mẫu.
Tại Giáo phận Huế, ngày 8-12-1953, Đức cha Urrutia Thi cử hành thánh lễ đại trào khai mạc Năm Thánh Mẫu tại nhà thờ Trí Bưu. Sau thánh lễ là chương trình rước thánh tượng Đức Mẹ La Vang luân phiên về các giáo xứ theo kế hoạch mà cha quản hạt JM Lê Hữu Huệ đã vạch, được Đức cha đia phận phê duyệt. Theo đó, mỗi giáo xứ trong hạt Dinh Cát luân phiên rước thánh tượng Đức Mẹ La Vang về giáo xứ mình trong vòng mười ngày để giáo dân đến kính viếng, cầu xin ơn Mẹ. Trong gần ba tháng cuối năm âm lịch 1953, thánh tượng Đức Mẹ La Vang đã hiện diện trong nhiều giáo xứ, thỏa mãn lòng mong ước của con cái Mẹ.
4. Kiệu Minh niên Đức Mẹ La Vang tại Bố Liêu
Bố Liêu, giáo xứ cuối cùng nghênh đón thánh tượng Đức Mẹ La Vang. Mừng xuân Giáp Ngọ 1954, giáo dân hạt Dinh Cát, theo lời mời gọi của cha quản hạt JM Lê Hữu Huệ, tề tựu đông đủ về giáo xứ Bố Liêu ngày mồng ba tết tham dự kiệu Minh niên Đức Mẹ La Vang tại Bố Liêu. Sau cuộc kiệu, thánh tượng Đức Mẹ La Vang được rước về nhà thờ Trí Bưu chuẩn bị Tam nhật Năm Thánh Mẫu.
5. Tam nhật Năm Thánh Mẫu tại Trí Bưu
Tháng 5-1954, trong khói lửa chiến tranh, Đức cha Urrutia Thi gởi thư về các giáo xứ kêu gọi giáo dân đến tham dự Tam nhật Năm Thánh Mẫu tại Trí Bưu từ ngày 16 đến ngày 18-6-1954, theo chương trình:
+ Ngày 16-6-1954: Khai mạc. Đức cha Urrutia Thi chủ tế thánh lễ đại trào.
+ Ngày 17-6-1954: Rước kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể tại Trí Bưu do Đức cha Urrutia Thi chủ sự.
+ Ngày 18-6-1954: Rước kiệu Đức Mẹ La Vang trọng thể tại Trí Bưu do Đức cha Urrutia Thi chủ sự.
Hưởng ứng lời mời gọi của đấng lãnh đạo giáo phận có khoảng 20.000 giáo dân tề tựu về giáo xứ Trí Bưu sốt sắng tham dự tuần Tam nhật. Từng đoàn người lũ lượt đổ về Trí Bưu trên những chuyến xe lửa đặc biệt dài 16 toa tham dự Tam nhật kính Đức Mẹ(5).
C.HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐÌNH CHIẾN
I. LA VANG NGÀY ĐÌNH CHIẾN
1. Giáo dân Huế di cư
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước bị chia đôi từ vĩ tuyến 17, lấy sông Bến Hải làm giới hạn. Một trong những điều khoản mà hiệp định quy định là dân hai miền có quyền di cư từ Nam ra Bắc hoặc từ Bắc vào Nam.
Do tâm lý hoang mang lo sợ, 650.000 người Công giáo đã rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, làng mạc, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, bằng mọi phương tiện có thể, di cư vào Nam, tạo nên một làn sóng di cư vĩ đại chưa từng thấy trong lịch sử thế giới thời hiện đại.
Tại Giáo phận Huế, trong cuộc chia cắt đau thương này, giáo dân phải bỏ lại bên kia bờ Bến Hải 1/3 lãnh thổ, gồm toàn bộ hạt Quảng Bình và hạt Đất Đỏ, Quảng Trị. Từ diện tích hoạt động 12.227,00 km2, theo Niên giám Tòa Thánh, chỉ còn lại 8.227,62 km2. Giáo phận đau buồn bỏ lại bên kia cầu Hiền Lương toàn bộ cơ sở vật chất lớn nhỏ gồm nhà thờ, nhà xứ, trường học, cơ quan từ thiện, tu viện…, trong đó đáng kể là một Tiểu Chủng viện An Ninh hơn 150 năm tuổi, một dòng Thánh Tâm với Đệ tử viện và trường Trung học Chơn Phước Phượng, cùng đồn điền Ba Canh hơn 100 mẫu đang thời kỳ khai thác, một dòng Phước Sơn khổ tu thánh thiện, danh thắng sau 30 năm xây dựng, một dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm và một dòng Mến Thánh Giá với những cơ sở từ thiện, bác ái, giáo dục, trạm xá, viện mồ côi.
Sau năm 1954, nhất là sau các cuộc không kích của không lực Hoa Kỳ thời chiến tranh, toàn bộ các họ đạo phía Bắc địa phận với các địa danh nổi tiếng như Di Loan, An Ninh, Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Tam Tòa… không còn tên trên bản đồ và niên giám Địa phận Huế. Nhiều họ đạo không còn dấu vết. Nhà thờ Tam Tòa, Đồng Hới chỉ còn lại di tích tháp chuông chơ vơ. Giáo phận Huế mất đi 33 trên tổng số 83 giáo xứ, 155 trên tổng số 376 giáo họ, 2/3 trên tổng số 30.000 giáo dân di cư phải tản mác ngoài giáo phận(6).
May mắn, đền thờ Đức Mẹ La Vang nằm bên bờ Nam sông Bến Hải, giáo dân đã không phải di cư lại còn được nhiều bổn đạo nơi khác đến định cư quây quần bên Mẹ:
+ Tu viện Mến Thánh Giá Di Loan với 45 nữ tu, theo sự hướng dẫn của cha bề trên Phaolô Tống Văn Hộ, cha sở Di Loan kiêm quản hạt Đất Đỏ, đã đến định cư bên Mẹ La Vang. Tu viện Mến Thánh Giá La Vang ra đời, tồn tại và phát triển cho tới ngày nay.
+ Bên cạnh đó, có ít nhất 4 giáo xứ thuộc hạt Đất Đỏ được các cha sở dẫn dắt đã đến định cư bên Mẹ La Vang: La Vang Tả, La Vang Hữu, La Vang Thượng, La Vang Trung (xem chi tiết ở Chương Ba: Địa chí La Vang).
2. Hành hương La Vang ngày đình chiến(7)
+ Ngày 1-8-1954: Ngày đầu tiên thực hiện ngừng bắn theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, giáo dân Dinh Cát từng tốp nhỏ dè dặt vào La Vang viếng Mẹ, tạ ơn Mẹ được bình an sau cuộc chiến, rồi ra về. Thấy không có chuyện gì, người này rủ người kia mạnh dạn vào La Vang viếng Mẹ. Tất cả đều bình an.
+ Ngày 1-9-1954: Hội đồng tỉnh Quảng Trị do vị tỉnh trưởng dẫn đầu, tổ chức cuộc hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang.
+ Ngày 8-9-1954: Gần 4.000 giáo dân và 15 linh mục tự động kéo nhau lên La Vang, họp nhau cầu nguyện, ngợi khen, tạ ơn và cầu khẩn trước bàn thờ Đức Mẹ, mở màn những ngày yên vui bên Mẹ sau đình chiến.
+ Ngày 9-9-1954: Một phái đoàn người Mỹ đồn trú ở Huế hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang.
+ Ngày 11-9-1954: Một phái đoàn người Mỹ khác đồn trú ở Sài Gòn hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang.
3. Bế mạc Năm Thánh Mẫu tại La Vang
a/ Tam nhật bế mạc Năm Thánh Mẫu
Nhân dịp bế mạc Năm Thánh Mẫu, cha hạt trưởng hạt Dinh Cát kiêm quản xứ Trí Bưu lãnh ý Đức cha họp bàn cùng quý cha trong hạt vạch chương trình rước thánh tượng Đức Mẹ về La Vang, đồng thời tổ chức Tam nhật Bế mạc Năm Thánh Mẫu.
+ Ngày 6-12-1954: Khai mạc. Rước thánh tượng Đức Mẹ La Vang từ Trí Bưu vào La Vang. Hàng ngàn giáo dân, linh mục, tu sĩ có mặt từ sáng sớm trước nhà thờ Trí Bưu chờ tiễn đưa thánh tượng Đức Mẹ.
Thánh tượng Đức Mẹ La Vang ngự trong xe kiệu sơn son thếp vàng. Vừa ra khỏi làng, một đoàn xe đạp hàng trăm chiếc, cờ hoa tở mở, hàng lối chỉnh tề chạy theo hộ tống xe kiệu, đưa thánh tượng thẳng hướng lên La Vang.
+ Ngày 7-12-1954: Đức cha Urrutia Thi chủ tế thánh lễ đại trào. Sau thánh lễ là cuộc rước kiệu trọng thể, chầu Mình Thánh Chúa luân phiên.
+ Ngày 8-12-1954: Thánh lễ trọng thể. Sau thánh lễ là cuộc kiệu ảnh Đức Mẹ La Vang.
Bế mạc Tam nhật Năm Thánh Mẫu trúng vào mùa đông mưa phùn gió bấc nhưng không gì ngăn cản được lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang nơi người tín hữu. Có 40 linh mục, 200 nam nữ tu sĩ, thầy Đại Chủng viện và khoảng 20.000 giáo dân quây quần bên Mẹ.
b/ “Lễ Bế mạc Năm Thánh Mẫu ở La Vang”(8):
“Ngày 8-12-1954 là ngày lễ chính trong những cuộc lễ đã được tổ chức ở La Vang để bế mạc Năm Thánh Mẫu.
Người giáo lữ vừa rời Quốc lộ số 1 và vượt qua khỏi khu đồng bào định cư thì được đọc ngay những câu biểu ngữ chằng la liệt giữa hai bờ liễu:
– Muốn hòa bình phải lần hạt Mai Khôi hằng ngày.
– Muốn hòa bình phải cải thiện đời sống.
– Chúa Giêsu là vua toàn thắng.
– Đức Mẹ La Vang – Mẹ của nước Việt Nam.
Rồi giáo khách sửng sốt trước một biển người và xe cộ rộn rịp choáng ngợp đan dày các lối đi trước ngõ thánh đường, giữa một khung cảnh rừng rú lầy lội, mưa gió. Khách muốn vào nhà thờ phải mất 15 phút và phải giỏi chen, cũng như phải giỏi rút chân lên khỏi bùn mà mỗi bước mỗi ôm chặt một cách khăng khít từ bàn chân đến mắt cá.
Thánh uyển nay cũng trở nên quá chật hẹp vì mấy ‘ông’ nhà dù nằm sù sụ ra đấy và đang ấp ủ một số trong 20.000 giáo lữ sùng đạo từ Thừa Thiên và bốn phương tỉnh Quảng Trị, đang bị mưa chan, gió táp và lạnh rút xương… Còn nói chi đến thánh đường, cứng trong, cứng ngoài, vì Đức cha Thi, Giám mục địa phận đang hành lễ.
LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH MẪU 1954 TRONG CẢNH MƯA PHÙN GIÓ BẤC
(Ảnh: Ns Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 75, th.8-1955, tr.228)
Đến trưa, một cuộc rước kiệu Đức Mẹ tương đối nho nhỏ do các bổn đạo trong chốn non Mai, sông Hãn đóng đội ngũ và giáo khách các nơi tháp tùng, đã diễn ra từ nhà thờ thẳng trên con đường La Vang đến khu định cư. Sau hết, một Phép lành Thánh Thể chấm dứt các cuộc lễ.
Độc giả sẽ không ngạc nhiên trước những nét tường thuật thô sơ, vì đây không phải là một cuộc hành hương trọng thể định kỳ ba năm một lần mà chỉ là một lễ Bế mạc Năm Đức Mẹ giữa mùa mưa gió bất trắc.
Chúng tôi xin ghi lại đây một ít nhận xét thô thiển: Thánh địa La Vang vẫn còn nguyên vẹn sau 8 năm chiến sự. Từ nhà thờ cho đến vườn tược, cây cối và đường sá chung quanh không bị phá hoại, mặc dù La Vang mất hút giữa núi rừng trùng điệp, có thể là nơi địa lợi cho các chiến thuật thường được áp dụng ở đây. Tin này chắc sẽ làm reo vui trong lòng mọi người, nhất là những người xa vắng mà lòng nặng nợ tri ân. Nhưng tôi cũng nói để các bạn hay là đã nhiều lần người ta cố phá cho được linh địa này, nhưng vô hiệu. Rơm từng đống, mìn hàng chục đã phải dừng lại trên ngọn đồi thứ hai. Cách 300 mét, trên con đường dẫn tới nhà thờ, người ta cố rạch đôi bằng mấy quả mìn mà cũng chỉ nổ có một quả. Thánh lộ này cũng đã được các nhà chức trách cho tu bổ lại hẳn hoi, nhưng trong mùa mưa lụt, xe cộ qua lại không ngớt đã đào bới thành trăm, ngàn ổ gà to tướng và những luống cày sâu, rộng thật nguy hiểm.
Đến ngày khánh tiết như hôm nay thì độ mươi viên bờ lô chất lên làm đài cho Đức Mẹ ngự, để giáo khách chen chúc nhau chất lên nào lá, nào nước, nào gạch xin Đức Mẹ ban phép lành làm cẩm nang phòng lúc nguy khốn”…
c/ Hoàn cảnh La Vang trong Lễ Bế mạc Năm Thánh Mẫu – Đôi điều mơ ước(9):
“Tiếng kêu thất thanh:
– Ai có thuốc, dầu gì cứu tôi với!
Chúng tôi chạy đến, một thiếu nữ độ 20 tuổi bị xâm (ngất) trong nhà thờ, được mấy người hảo tâm bồng ra và để nằm trên đất bùn lầy lội. Rồi sau một hồi tìm kiếm mới có một bà thầy châm chích (chích lể)…
Người bất tỉnh nhân sự mà phải nằm trên đất bùn lầy lội, vì tìm đâu ra nhà để bệnh nhân an dưỡng. Nói chi đến nơi mà giáo lữ có thể nhờ một bát nước? Trước những sự thiếu thốn đó, chúng tôi kính cẩn dâng các đấng bề trên, các nhà hữu trách, các bậc phụ huynh, các nhà thức giả và các bậc hảo tâm một ít đề nghị thiển cận:
+ Con đường lên La Vang cần được tu bổ lại vì là con đường quan trọng, không ngày nào mà không có khách thập phương lai vãng. Con đường đã, đang và sẽ đón đưa người trong nước cũng như người nước ngoài mang nặng những nỗi u buồn, tin tưởng và hạnh phúc. Hơn nữa, hình như Đức Thiên Mẫu muốn cho hàng vạn người đến định cư trước ngai tòa của Ngài, nên con đường này phải được xem trọng hơn vì mang sự sống lại cho họ: Ngày nào cũng có hàng ngàn người mang lâm sản từ miền núi rừng La Vang về và đem thực phẩm từ dưới đồng bằng lên.
+ Giếng, cần đào thêm và được đặt máy bơm, trổ vòi để cung cấp cho giáo lữ dùng tại chỗ và mang về hộ thân.
+ Một trạm cứu thương tạm thời cũng được đặt ra, dành cho các bệnh nhân đến thỉnh nguyện, như ở Lộ Đức hay Fatima, có khi bệnh nhân phải nằm hằng chục năm để đền tội và cầu xin mới được ơn lạ. Một Liên đoàn Con Đức Mẹ La Vang chẳng hạn, cũng cần được đề cập đến để giúp phụ trách y tế, khánh tiết, phụ tá…
+ Nói đến ơn lạ là nói đến những phòng thí nghiệm cho bác sĩ
+ Các nhà lưu khách cũng cần phải có để cho thiện nam tín nữ có nơi tạm trú trong những cuộc hành hương lẻ tẻ hay tập đoàn (một phong trào viếng La Vang hằng ngày cũng cần được cổ xúy hay phát động mạnh mẽ).
+ Như thế là cần rất nhiều đất đai để xây nhà dựng cửa và hoạch định một hệ thống đường sá liên sơn, đạo đức hóa bằng những Chặng đường Thánh Giá khổng lồ, các sự Mầu nhiệm, các Thánh tích, làm lộ trình cho các đoàn lũ rước kiệu… Đất đai ở đây không thiếu, vì chung quanh La Vang là núi rừng trùng điệp có thể trưng khẩn hoặc mua lại.
+ Song hành với các công tác trên, vườn nhà thờ cần được mở rộng và chăm sóc, trồng thật nhiều cây trường thọ và thật nhiều cây cảnh đẹp mắt.
Vâng, muôn người như một đang khao khát những công trình vĩ đại ở La Vang để làm sáng danh Mẹ và tỏ tình kết cỏ ngậm vành. Muôn người như một, chỉ chờ một tiếng hô của đấng thẩm quyền để mà hưởng ứng.
Chỉ lấy trung bình mỗi giáo nữu Việt Nam 10 đồng bạc nhân lên, chưa kể số tiền kếch xù của người ngoại đạo và ngoại quốc, vì lẽ này lẽ khác mà dâng cúng, sẽ biến chốn La Vang cồn khô cỏ cháy thành một thị xã nho nhỏ của Đức Mẹ.
Lộ Đức ở giữa rừng núi Pyrénées hiểm trở, Fatima là một nơi sơn cùng thủy tận, cách thủ đô Bồ Đào Nha 100 cây số, còn La Vang chỉ cách tỉnh thành Quảng Trị 6 cây số và cách Huế độ 10 lần như thế. Hơn nữa, đối với phép tắc Đức Mẹ thì việc tang điền biến thương hải chỉ là việc trở bàn tay.
Để kết luận, chúng tôi tin tưởng ở quyền phép Đức Mẹ. Hy vọng một ngày, Đức Giám mục chúng tôi có thể tuyên bố như Đức cha José da Silva, Giám mục Leiria đã tuyên bố về Fatima:
‘Quyền phép Đức Thánh Nữ chí thánh lớn lao biết bao! Ngài quy tụ đoàn lũ đông đúc đến một nơi đồi khô núi trọc và biến cải trong một ít năm cái nơi vắng vẻ thành chốn đạo đức, đẹp đẽ’…”.
d/ Các bậc vị vọng kính viếng Đức Mẹ La Vang sau ngày đình chiến
Sau lễ Bế mạc Năm Thánh Mẫu, nhiều cá nhân và đoàn thể tiếp tục đến La Vang viếng Mẹ:
+ Năm 1952, trong tình cảnh an ninh chưa sáng sủa, Đức cha Laos Dregt, Giám mục địa phận Lào đã đến La Vang kính viếng Đức Mẹ(10).
+ Ngày 7-1-1955, Đức Hồng y Francis Spellman, Tổng Giám mục New York, nhân dịp viếng thăm Giáo phận Huế, đã ra La Vang kính viếng Đức Mẹ. Tại La Vang, Đức Hồng y chủ tế thánh lễ Tạ ơn, cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam. Ngài phát biểu trong xúc động: “Tôi cầu nguyện và tin tưởng chắc chắn Đức Mẹ La Vang sẽ thắng và đem lại hòa bình cho Giáo hội Việt Nam”(11).
+ Ngày 27-1-1955, ông Ngô Đình Diệm, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (miền Nam), cùng nhiều bộ trưởng trong chính phủ và hơn 200 đại diện các phái đoàn kiểm soát đình chiến đang có mặt ở miền Nam: Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Philippines…, cùng 12 ký giả, nhiếp ảnh viên nước ngoài đến La Vang kính viếng Đức Mẹ(12).
+ Ngày 19-3-1955, Đức Hồng y tiên khởi Úc châu Norman Thomas Giltroy, Tổng Giám mục Sydney, Australia đáp máy bay đến Sài Gòn. Mục đích của chuyến đi này là ngài muốn thân hành viếng thăm, ủy lạo đồng bào di cư. Từ Sài Gòn, ngài đi thăm các nơi Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng…, và cuối cùng ngài dừng chân ở Giáo phận Huế. Tại đây, ngài dành nhiều thời gian kính viếng Đức Mẹ La Vang. Tôn trọng ý kiến của ngài, Giáo phận Huế không tổ chức đưa đón rình rang mà chỉ cử đoàn hướng dẫn(13).
+ Cũng vào thời gian này, Đức cha O Brien, Tổng Giám mục Canberra, Úc châu cùng linh mục Daniels, đại diện Đức Hồng y Yring – Cologne,đã đếnthăm Giáo phận Huế và hành hương kính viếng Đức Mẹ La Vang(14).
4. Cha sở La Vang thứ ba Giuse Trần Văn Tường
Sau đình chiến không lâu, ngày 20-1-1955, cha sở La Vang thứ hai Giacôbê Nguyễn Linh Kinh bị bệnh qua đời. Thánh địa La Vang không thể không có linh mục quản xứ trông coi, vì lúc này giáo dân trong giáo xứ La Vang đã đông mà khách hành hương đến La Vang cũng càng ngày càng đông, hơn nữa, Đại hội La Vang 13 lại sắp đến. Vì vậy, Đức cha Urrutia Thi đã bổ nhiệm linh mục Giuse Trần Văn Tường làm cha sở La Vang. Đây là cha sở La Vang thứ ba.
Linh mục Giuse Trần Văn Tường sinh ngày 3-11-1906 tại An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị. Vào TCV An Ninh, Quảng Trị ngày 13-9-1921. Lên ĐCV Phú Xuân, Huế tháng 9-1931. Thụ phong linh mục ngày 18-10-1938.
1938-1941: Phó xứ Cổ Vưu, Quảng Trị.
1941-1942: Phó xứ Phủ Cam, Huế.
1942-1944: Quản xứ Linh Thủy, Thừa Thiên, lần 1.
1944-1946: Quản xứ Phú Ngạn, Thừa Thiên.
1946-1948: Quản xứ Linh Thủy, Thừa Thiên, lần 2.
1948-1952: Quản xứ Lại Ân, Thừa Thiên.
1952-1955: Quản xứ Dương Sơn, Thừa Thiên.
1955-1967: Quản xứ La Vang Chính.
Từ 1961: Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang (do quyết định của Hội đồng Giám mục Miền Nam, được Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục công bố năm 1961: La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc).
Trong suốt 12 năm ở La Vang, cha Giuse Tường, dưới sự chỉ đạo của Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, ra công kiến thiết Thánh địa La Vang thành một Trung tâm Hành hương xứng đáng, với việc đại trùng tu đền thờ, xây Linh đài Ba cây đa nhân tạo, nhà cha sở, nhà Tĩnh tâm, nhà Đại chúng, quảng trường Thánh Tâm, đồi Calvê, quảng trường Mai Khôi, Mười bốn Chặng đường Thánh Giá… Đồng thời tổ chức thành công 4 kỳ Đại hội (1955, 1958, 1961, 1964). Ngoài ra, ngài còn là vị đại ân nhân của tu viện Mến Thánh Giá La Vang bằng sự nâng đỡ tinh thần và vật chất ngay từ buổi sơ khai mới di cư từ Di Loan vào.
Ngài qua đời ngày 5-12-1970 tại Bệnh viện Trung ương Huế. Hưởng thọ 64 tuổi. 32 năm linh mục.
(Còn tiếp)
———————————————————————-
(1) Lê Ngọc Bích: Nhân vật Giáo phận Huế. Lưu hành nội bộ. Tập II. 2000, tr.257-262 + Tư liệu Tòa TGM Huế.
(2) Nhiều tác giả: Tiểu sử các linh mục Giáo phận Huế. Bản đánh máy. Cuốn 1, tr.231-232 + Nguồn khác.
(3) Phêrô Viên: Miền La Vang trong thời chính biến. Bán Ns. Tông đồ. Số 147, ngày 15-9-1955, tr.391-392 + Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.86-87 + Bùi Văn Giải: Bản tin Về bên Mẹ La Vang số 6 + Trần Văn Trí: Năm Thánh Mẫu La Vang, tr.63-64.
(4) Xem chú thích (3).
(5) Nội dung và số liệu từ đặc phái viên Phêrô Viên: Miền La Vang trong thời chính biến. Bán Ns. Tông đồ. Số 147, ngày 15-9-1955, tr.391-392.
(6) Số liệu từ Công giáo và Dân tộc:Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm. Xuân 1996, tr.253.
(7) Bán Ns.Tông đồ. Số 147, ngày 15-9-1955, tr.392 + Nguồn khác.
(8) Xuân Lý: Lễ Bế mạc Năm Thánh Mẫu ở La Vang (hồi ký). Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 75, tháng 8-1955, tr.232.
(9)Xuân Lý: Lễ Bế mạc Năm Thánh Mẫu ở La Vang (hồi ký). Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 75, tháng 8-1955, tr.233.
(10) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.138.
(11) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 33, tháng 5-1964, tr.38.
(12) Bán Ns. Tông đồ, Số đã dẫn, tr.392.
(13)Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.138-139.
(14)Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.146.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 12 – Phần I về máy tính