TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
TẬP 2
CHƯƠNG MƯỜI BA
THÁNH ĐỊA LA VANG TRONG NĂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC
A. ĐỨC HỒNG Y ĐẶC SỨ AGAGIANIAN KÍNH VIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG
B. THÁNH ĐỊA LA VANG SAU ĐẠI HỘI THÁNH MẪU ĐẠI TRÙNG TU ĐỀN THỜ LA VANG
I. HÀNH HƯƠNG LA VANG SAU ĐẠI HỘI THÁNH MẪU TOÀN QUỐC
1. Cuộc cấm phòng của đại biểu Công giáo Tiến hành(8)
Trong hai ngày 30 và 31-3-1959, tại La Vang, vào dịp lễ Phục Sinh, đã diễn ra cuộc cấm phòng của 120 đại biểu Công giáo Tiến hành, là Ban Chấp hành của 40 họ đạo trong Giáo phận Huế.
Các đại biểu tham dự được chia làm ba đoàn theo ba hạt: Dinh Cát, Bên Bộ, Bên Thủy. Có cả Ban chấp hành Công giáo Tiến hành địa phận tham dự. Cha Giám đốc Công giáo Tiến hành được sự trợ lực của cha sở La Vang điều hành cuộc cấm phòng với những buổi họp, thảo luận sinh động, những buổi cầu nguyện, dâng lễ sốt sắng, nhằm tìm một đường lối hoạt động thích hợp cho Công giáo Tiến hành địa phận.
Kết thúc buổi cấm phòng, toàn thể đại biểu đã gởi hai bức điện văn, một lên Đức Khâm sứ Tòa Thánh và một lên cha Giám đốc Công giáo Tiến hành toàn quốc Simon Nguyễn Văn Lập. Cả hai nơi nhận được đều có thư phúc đáp, như sau:
+ Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương kính gởi Đức cha đáng kính Huế:
“Những mối tình thảo hiếu phục lụy của 120 đại biểu Công giáo Tiến hành nam giới ở địa phận ngài, bày tỏ lên Đức Giáo hoàng làm cho tôi vô cùng cảm động. Họ đã họp nhau cấm phòng tại đền thờ Đức Mẹ La Vang để cầu nguyện và tìm hướng hoạt động. Thật là một cử chỉ tốt đẹp và đáng khen. Tôi yêu cầu ngài vui lòng chuyển đến họ lời cám ơn nồng hậu của tôi và bảo đảm với họ rằng tôi sẽ có dịp chuyển đệ lên Đức Thánh Cha lòng gắn bó tha thiết của đàn con yêu của ngài trên đất Việt Nam. Tôi cũng xin ngài chuyển lại phép lành đặc biệt của tôi để kéo xuống nhiều ơn Chúa tràn trề cho họ và cho công việc Tông đồ của họ”.
Ký tên
Giuseppe Capriô,
Khâm sứ Tòa Thánh.
+ Huế, cha Giám đốc Công giáo Tiến hành toàn quốc vừa gởi đáp từ cho điện văn của đại diện các Ban Chấp hành Công giáo Tiến hành các địa sở trong Địa phận Huế họp tại La Vang trong kỳ Phục Sinh vừa rồi để cấm phòng và nghiên cứu.
“Kính thưa ông Chủ tịch Công giáo Tiến hành Địa phận Huế,
Tôi hết sức cảm động nhận được điện văn của anh em đại diện các Ban Chấp hành địa phận và địa sở thuộc đia phận nhà, gởi trong việc hội họp, nghiên cứu tại La Vang, dưới bóng Mẹ.
Tôi thân ái gởi đến ông Chủ tịch và yêu cầu ông chuyển đến tất cả anh em lòng tri ân của tôi. Tôi thành khẩn cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ anh em, để với sự hướng dẫn của cha Giám đốc và quý cha Tuyên úy, cùng nhau đẩy mạnh Công giáo Tiến hành cả bề sâu lẫn bề rộng, ngõ hầu Chúa Kitô vào trong tất cả”.
Ký tên
Simon Nguyễn Văn Lập.
Giám đốc Công giáo Tiến hành toàn quốc.
2. Lớp huấn luyện Đoàn trưởng Đoàn Con Đức Mẹ tại La Vang(9)
Từ ngày 30-3 đến ngày 2-4-1959, hơn 18 đoàn Con Đức Mẹ trong toàn Địa phận Huế đã cử các đoàn trưởng, đội trưởng và ban điều hành dự lớp huấn luyện. Trại huấn luyện này đã được chuẩn bị và tổ chức rất chu đáo. Cả một chương trình học tập về điều lệ, tập sống kết hiệp, phương pháp làm việc Tông đồ đã được đem ra thảo luận và trao đổi ý kiến. Các cha Tuyên úy các đoàn Con Đức Mẹ đã nỗ lực giúp đỡ trại huấn luyện này. Đức cha địa phận cũng ra tận nơi cử hành thánh lễ, khuyên bảo và khích lệ.
ĐGM ĐỊA PHẬN HUẾ THĂM LỚP HUẤN LUYỆN ĐOÀN TRƯỞNG ĐOÀN CON ĐỨC MẸ TẠI LA VANG
(Ảnh: Ns. Nguồn sống. Số 10, ngày 15-4-1959, tr.42)
3. Các cuộc hành hương khác
Trong năm 1959, nhất là trong suốt thời gian đại trùng tu đền thờ Đức Mẹ, con cái Mẹ khắp nơi vẫn tiếp tục tuôn về La Vang hành hương viếng Mẹ. Nào là các nhóm hành hương riêng lẻ, nào là các cuộc tĩnh tâm các giới, nào là những lớp, trại huấn luyện của các đoàn thể.
+ Lại có phái đoàn của Địa phận Kontum.
+ Phái đoàn quân dân chính đại diện chính quyền Trung ương Sài Gòn.
+ Các đoàn hành hương khác lần lượt đến La Vang đông đúc đến nỗi nhiều người ngỡ rằng La Vang đang có Đại hội.
+ Và La Vang đang thay da đổi thịt. Một La Vang rộn rịp thời đình chiến đã thế chỗ cho một La Vang hiu quạnh thời chiến tranh. Vượt mọi khó khăn, bất chấp hoàn cảnh, các vị “chánh, phó quản gia Thánh địa La Vang” chỉ cần dựa vào tấm lòng yêu kính Đức Mẹ La Vang của giáo dân Việt Nam đã làm cho La Vang ngày càng “lớn hơn, đẹp hơn, được sùng mộ nhiều hơn”.
II. ĐẠI TRÙNG TU ĐỀN THỜ LA VANG
1. Thông báo triệt hạ đền thờ La Vang(10)
Giữa năm 1959, cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường loan tin cho mọi người biết về việc trùng tu đền thờ Đức Mẹ La Vang:
TRÙNG TU ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG
(Ảnh: Ns. Nguồn sống. Số 13, ngày 15-7-1959, tr.48)
“Kính trình quý vị,
Chúng tôi hân hạnh báo tin cùng quý vị hay: Nhà thờ Đức Mẹ La Vang đã được triệt hạ ngày 18-5-1959. Tuồng gỗ bị hư hỏng bất ngờ quá phân nửa, phải nhờ Hội Eiffel Sài Gòn làm vài sắt thay thế và sẽ đóng trần. Công việc dự trù kéo dài trong 5 tháng. Sở phí trên một triệu rưỡi.
Con cái Mẹ nào ai lại không mắc ơn Mẹ, nay gặp dịp tốt để đền đáp được phần nào, xin chớ bỏ qua.
Chúng tôi lấy làm bạo dạn khẩn khoản kêu nài đến lòng hảo tâm của quý vị. Xin quý vị rộng lòng dâng cúng vào việc trùng tu đền thờ của Mẹ cho hoàn thành mỹ mãn.
Xin thành thật cảm ơn trước và xin Mẹ lành La Vang xuống muôn ơn cho quý vị đời này và đời sau.
Kính cáo.
Cha sở La Vang,
Giuse Trần Văn Tường.
2. La Vang sau đại trùng tu đền thờ
a/ Bức tượng Đức Mẹ La Vang – Mẫu tượng Đức Bà Nữ Vương Chiến Thắng – Bức tượng thứ hai được chính thức tôn kính tại La Vang.
Năm 1960, sau đại trùng tu đền thờ, cha sở Giuse Trần Văn Tường cho đặt một bức tượng Đức Mẹ La Vang với kiểu dáng y hệt bức tượng cũ, chỉ khác kích thước lớn hơn, đường nét mềm mại hơn, màu sắc dịu dàng hơn. Bức tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng này được đặt vào vị trí bức tượng cũ, còn bức tượng cũ được đem cất vào phòng mặc áo, chỉ dùng vào các cuộc rước kiệu mà thôi.
Ông Phạm Đình Khiêm, nhà văn, nhà nghiên cứu, tác giả sách Đức Mẹ La Vang là Nữ Vương Chiến Thắng, trong bài tùy bút “La Vang 1961” đã cho mọi người chiêm ngưỡng dung nhan bức thánh tượng Đức Mẹ La Vang – Nữ Vương Chiến Thắng kiểu mới(11):
“Đức Mẹ đầu đội triều thiên vàng, mình mặc áo choàng màu thiên thanh phủ trên áo trắng trinh bạch, chân đứng trên đám mây. Đức Mẹ ngó nhìn ta, nét mặt dịu hiền, dáng điệu uy nghi và lẫm liệt biết bao! Hai tay Mẹ nâng đỡ Chúa Hài Đồng đứng bên tay mặt, như muốn đưa ra giới thiệu cùng ta, ban phát cho ta. Chúa Giêsu, tuy ở tuổi hài nhi, cũng uy nghi biết bao trong bộ áo màu hồng, đầu đội triều thiên vàng, chân đứng trên quả địa cầu nhấp nhánh mấy vì sao. Chúa Hài Đồng một tay níu áo Mẹ, nương tựa vào Mẹ như để làm gương cho ta, một tay giơ ra cùng ta, như mời gọi ta – các con của Chúa – chạy đến cùng Mẹ để nhận lãnh ơn Cứu Chuộc của Chúa và mọi ơn phù hộ khác do Mẹ được quyền ban phát. Rõ rệt là hình ảnh bậc mẫu nghi thiên hạ, sinh Đấng Quân Vương Cứu Thế. Rõ ràng là ảnh tượng vị Nữ Vương quyền phép, phù hộ các giáo hữu và chiến thắng kẻ thù của Thiên Chúa, của Giáo hội và của loài người.
Nhà nghệ sĩ thật đã tìm được bí quyết – hay ơn soi sáng – để diễn tả được đầy đủ tước hiệu và ý nghĩa Đức Mẹ chiến thắng bằng tình yêu phù hộ các giáo hữu và bầu chữa kẻ có tội vậy. Kiểu tượng này trong Hội Thánh đã từng có một lịch sử rất vinh quang, nay lại được lòng sùng mộ của giáo dân Việt Nam làm tăng vinh quang gấp bội.
Trong khuôn khổ ngôi đền thánh mới trùng tu, bộ tượng cũng được đổi mới hoàn toàn, với đường nét mềm mại, màu sắc dịu dàng xứng với ý nghĩa thiêng liêng. Đó là tác phẩm của một nhà điêu khắc Công giáo từ Sài Gòn gởi ra để thay thế cho bức tượng cũ nhỏ hơn đã được tôn kính từ khi làm phép ngôi nhà thờ ngói lần thứ nhất, năm 1900”.
b/ Ngôi thánh đường mới trùng tu
Năm 1961, tác giả Phạm Đình Khiêm, như đã giới thiệu ở trên, trở lại thăm La Vang và đã ghi lại cảm tưởng của mình bằng những lời rất chân thành về sự thay đổi diện mạo La Vang: “Lớn hơn, đẹp hơn và được sùng mộ nhiều hơn”, như sau(12):
“Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vừa qua, tôi lại được trở lại La Vang một lần nữa, lần thứ ba trong khoảng ba năm.
Mỗi lần viếng thăm tôi lại thấy La Vang lớn hơn, đẹp hơn và được sùng mộ nhiều hơn.
Khung cảnh thiên nhiên vẫn là khung cảnh cũ. Một con đường đất đỏ dẫn từ quốc lộ 1 vào đền thánh, hai bên rợp bóng cây xanh. Người giáo lữ từ phương xa tới, cát bụi đầy người cũng như tội lỗi tràn ngập hồn đau, đã bắt đầu thấy một bầu khí mát dịu, phảng phất hương thơm như từ thánh đường tỏa ra, đón mời người bước tới và nhất là dọn lòng người tĩnh tâm cầu nguyện…
Ngôi thánh đường cũng vẫn là ngôi thánh đường xưa với cây tháp vuông hai tầng cao ngất nổi bật lên giữa cảnh đồi cát chung quanh và núi rừng xa xa.
Phải, vẫn là ngôi thánh đường được xây dựng từ 32 năm về trước, với hai tầng mái và hai cánh Thánh Giá cổ điển, nhưng giờ đây hiện ra trước mắt tôi với một bộ mặt hoàn toàn mới mẽ, một bộ áo đặc biệt huy hoàng. Tính từ khi miền rừng rú và đồi cát hoang vu này trở thành Linh địa phồn thịnh của Đức Mẹ, đây là ngôi đền thánh thứ ba minh chứng lòng sùng mộ của giáo hữu toàn quốc đối với Đức Nữ Vương của lòng mình”.
c/ Tu viện Mến Thánh Giá La Vang
Ngoài đền thờ mới vừa được trùng tu, cần phải kể đến cơ sở Tu viện Mến Thánh Giá Di Loan di cư, nay trở thành Tu viện Mến Thánh Giá La Vang.
Tu viện Mến Thánh Giá Di Loan đã theo chân cha bề trên Phêrô Tống Văn Hộ di cư vào La Vang từ năm 1954, đang đợi quyết định của Đức Giám mục địa phận về nơi ăn chốn ở. Đức cha Urrutia Thi đã ban phép cho Tu viện Mến Thánh Giá Di Loan được định cư tại La Vang, đồng thời cử cha sở La Vang làm bề trên tu viện.
Với sự giúp đỡ của các vị ân nhân và các nhà hảo tâm đạo đời, với ngân sách của tu viện và với sự hỗ trợ của giáo phận, cha bề trên Giuse Trần Văn Tường đã xây cất một trụ sở mới bên cạnh đền thờ Đức Mẹ, về phía Bắc. Từ đây, Tu viện Mến Thánh Giá Di Loan di cư được đổi tên thành Tu viện Mến Thánh Giá La Vang, và cũng từ đây Thánh địa La Vang sẽ có thêm một bàn tay tài hoa, cần mẫn chăm sóc nhà Mẹ, vườn Mẹ.
3. Hành hương La Vang sau đại trùng tu đền thờ
a/ Kiệu Minh Niên Canh Tý 1960(13)
Nhà thờ La Vang sau đại trùng tu khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Vừa đúng dịp tết, ngay từ mồng một đã có từng đoàn lũ thay nhau đến viếng Mẹ và dâng năm mới cho Đức Mẹ.
Trong hai ngày mồng năm và mồng sáu, ngày kiệu Minh niên, mặc dù trời mưa, giáo hữu vẫn tấp nập tuôn về La Vang. Cha sở Giuse Tường in chương trình và loan báo rộng rãi đến mọi người:
+ Mồng năm tết Canh Tý (1-2-1960)
– Các cha ngồi tòa.
– Lần hạt. Chầu Phép lành Mình Thánh Chúa tại đài Đức Mẹ.
– Cha Simon Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Công giáo Tiến hành toàn quốc hướng dẫn cuộc cấm phòng cho Ban Chấp hành Công giáo Tiến hành Địa phận Huế.
+ Mồng sáu tết Canh Tý (2-2-1960), nhằm ngày lễ Đức Mẹ Dâng Đức Chúa Giêsu Vào Đền Thánh.
– 05.00: Thánh lễ luân phiên trong nhà thờ và đài Đức Mẹ.
– 08.30: Đức cha chủ tế thánh lễ trọng thể tại đền thờ.
Theo chương trình, sau thánh lễ sẽ có cuộc rước kiệu Đức Mẹ, nhưng vì trời mưa không tổ chức rước kiệu được. Hàng ngàn giáo dân chen chúc trong nhà thờ vừa mới được trùng tu để tham dự thánh lễ và nghe Đức cha ban huấn từ đầu năm.
b/ Đức Giám mục Sài Gòn Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền kính viếng Đức Mẹ La Vang(14)
+ Sau kiệu Minh niên, vào dịp tết Canh Tý 1960, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Sài Gòn đã ra Huế kính viếng Đức Mẹ La Vang. Ngài sốt sắng cử hành thánh lễ Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.
+ Ngày 16-8-1960, lần thứ hai trong năm, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền lại có dịp ra Huế tham dự Tam nhật mừng kỷ niệm 100 năm Á Thánh Giuse Lê Đăng Thị. Ngày bế mạc Tam nhật, Đức cha cử hành thánh lễ trọng thể tại nhà thờ Kẻ Văn. Ngài tham dự đủ các lễ nghi vào buổi sáng và rước kiệu xương thánh vào buổi chiều. Sau phép lành bế mạc, Đức cha ban huấn từ, nhắc lại thân thế, sự nghiệp của Đấng anh hùng tử đạo quê hương Kẻ Văn.
Hôm sau, ngày 18-8-1960, Đức cha ra La Vang kính viếng Đức Mẹ, một việc không hề thiếu vào các dịp ngài hồi cố hương. Sau khi kính viếng Đức Mẹ La Vang, ngài về thăm quê hương Nhu Lý của ngài rồi sau đó trở về Sài Gòn ngày 20-6-1960.
c/ Đại hội Thanh niên Công giáo Tiến hành tại La Vang(15)
Trong hai ngày 24 và 25-3-1960, lần đầu tiên khoảng 200 đại biểu Thanh niên Công giáo Tiến hành thuộc 10 địa sở trong Địa phận Huế đã họp Đại hội tại La Vang, dưới sự hướng dẫn của hai cha GB Nguyễn Cao Lộc và Giuse Trần Thắng Trung.
Đại hội khai mạc bằng bài giảng chủ đề “Lý tưởng của người Thanh niên Công giáo trước thời cuộc”. Tối 24-3, các đại biểu sốt sắng tham dự cuộc rước kiệu Đức Mẹ và chầu chung một giờ thánh tại nghinh đài. Đêm 24 cũng là đêm lửa trại, giới thiệu các đoàn và trình diễn các tiết mục giải trí. Tiếp đó cha Giám đốc Công giáo Tiến hành nói chuyện về đề tài “Nghĩa vụ Tông đồ của người Thanh niên Công giáo”. Tới 12 giờ đêm, một số đại biểu vẫn còn thức dọn mình xưng tội.
Sáng 25-3, nhằm cuộc lễ “Rước nến” – cây nến do Đức Thánh cha ban tặng – đoàn Thanh niên Công giáo dự trại được vinh hạnh làm hàng rào danh dự và tham gia giữ trật tự cuộc lễ. Kết thúc lễ rước nến cả đoàn còn ở lại tham dự chương trình “họp bạn” cho đến chiều mới bế mạc.
d/ Kiệu Minh niên Tân Sửu 1961(16)
Theo chương trình, kiệu Minh niên Tân Sửu 1961 sẽ được tổ chức vào ngày mồng sáu tết (20-2-1961):
– 06.00: Thánh lễ tại đền thờ và Linh đài Đức Mẹ.
– 08.00: Thánh lễ hát trọng thể. Cha Bề trên dòng Chúa Cứu Thế giảng.
– 10.00: Rước kiệu Đức Mẹ. Phép lành Mình Thánh Chúa. Bế mạc.
Trời tốt, số người hành hương đông gấp bội. Có khoảng 40 ngàn giáo dân đến kính viếng và dâng năm mới cho Đức Mẹ. Mọi người chăm chú lắng nghe cha Bề trên dòng Chúa Cứu Thế giảng về đề tài: “Niềm tin tưởng vào tình yêu thương của Đức Mẹ”. Đức cha Urrutia Thi cử hành thánh lễ đại trào trước một rừng người đang sốt sắng chú mục thông công. Sau thánh lễ, mọi người tự động tham gia đoàn kiệu dài chừng hai cây số, vừa đi vừa đọc kinh, hát thánh ca mừng Đức Mẹ, dâng mình, dâng gia đình, dâng giáo xứ và dâng tổ quốc cho Đức Mẹ.
e/ Ban Chấp hành Công giáo Tiến hành Địa phận Huế hành hương La Vang(17)
Vào dịp Mùa Chay, Ban Chấp hành Công giáo Tiến hành Địa phận Huế, gồm đại diện các đoàn thể, nhóm trí thức Công giáo, sinh viên Công giáo… tề tựu về trường Nữ Trung học Jeanne d’Arc trong ba ngày 16, 17 và 18-3-1961 để tham dự “Tuần Tĩnh tâm Mùa Chay” do linh mục (sau là Hồng y) PX Nguyễn Văn Thuận điều hành.
Qua ngày thứ tư, Chúa nhật 19-3-1961, Tuần Tĩnh tâm kết thúc bằng cuộc hành hương La Vang.
– 07.30: Khởi hành từ nhà thờ Phanxicô.
– 09.00: Đến La Vang. Xe dừng cách 500m trước đền thờ. Mọi người sắp hàng đi bộ tiến vào đền thờ, vừa đi vừa đọc kinh.
– 09.30: Cha PX Nguyễn Văn Thuận giảng về đề tài “Sự thánh thiện trong đời sống gia đình”. Sau giảng ngài cử hành thánh lễ.
– 11.45: Xét mình, sám hối.
– 12.00: Cơm trưa. Nghỉ trưa.
– 14.30: Cha Reicht (SJ), giáo sư Đại học Sofia, nói chuyện về đề tài “Actualité du Problème Missionnaire”.
– 15.30: Cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường làm Phép lành Mình Thánh Chúa. Bế mạc.
III. CÁC LINH MỤC PHỤ TÁ GIÁO XỨ LA VANG THỜI CHA SỞ GIUSE TRẦN VĂN TƯỜNG
1. Linh mục Barnaba Phạm Đình Ngãi (1873-1906-1958)
Sinh năm 1873 tại An Bằng, Quảng Trị.
Thụ phong linh mục ngày 2-2-1906.
Năm 1954, đang nghỉ hưu ở giáo xứ An Bằng, Quảng Trị, ngài di cư vào ở với cha Giuse Tường tại giáo xứ Dương Sơn. Khi cha Giuse Tường đổi ra La Vang ngài đi theo giúp mục vụ một thời gian. Ngài qua đời ngày 5-3-1958, an táng tại La Vang.
2. Linh mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Định (1884-1913-1964)
Sinh tại Cổ Vưu năm 1884.
Thụ phong linh mục ngày 20-12-1913.
Hưu trí tại Trí Bưu từ năm 1958. Tuổi già, ngài bị mù cả hai mắt nhưng vẫn siêng năng ngồi tòa giải tội. Ngài lên ở La Vang theo lời mời của cha sở Giuse Tường. Ngài giúp ích rất nhiều trong việc giải tội cho giáo dân hành hương La Vang, nhất là trong các ngày lễ lớn và các kỳ Đại hội. Ngài qua đời năm 1964, an táng tại Trí Bưu.
3. Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hiển (1933-1964-…?)
Sinh năm 1933 tại giáo xứ Hà Thanh, Thừa Thiên.
Thụ phong linh mục ngày 27-5-1964.
Sau khi thụ phong, ngài được bổ nhiệm phó xứ Nhu Lý. Sau một năm, được bổ nhiệm phó xứ La Vang Chính. Ngài phụ tá cho cha sở Giuse Tường trong vòng 2 năm, từ 1965 đến 1967.
4. Linh mục Phaolô Văn Đình Vĩnh (1891-1920-1968)
Sinh tại Cầu Kho, giáo xứ Tây Linh, Thành Nội Huế.
Thụ phong linh mục ngày 18-12-1920.
Năm 1967, ngài ra nghỉ hưu tại La Vang. Giúp mục vụ được mấy tháng rồi vì bệnh tật phải vào hưu dưỡng tại Nhà chung Huế. Qua đời tại Nhà chung ngày 1-3-1968, trong biến cố Tết Mậu Thân.
5. Ngoài ra, phải kể đến sự có mặt đáng khâm phục của Đức Tổng Giám mục Urrutia Thi. Sau ngày từ nhiệm, 12-4-1961, nhường quyền lãnh đạo Giáo phận Huế cho hàng giáo sĩ Việt Nam theo sự bổ nhiệm của Tòa Thánh, ngài tự nguyện ra La Vang vừa nghỉ ngơi bên Mẹ, vừa giúp mục vụ cho giáo dân hành hương La Vang theo như lời ngài đã hứa trong buổi lễ ghi ơn ngài tổ chức tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam sáng 26-1-1961 và tại buổi tiệc trà thân mật tại trường Thiên Hựu chiều cùng ngày: “Cảm ơn tất cả và hứa sẽ tiếp tục làm việc dưới một hình thức khác để cứu các linh hồn”.
Hết Chương 13.
———————————————————-
(8) Ns. Nguồn sống. Số 10, ngày 15-4-1959, tr.39-40.
(9)Ns. Nguồn sống. Số 10, ngày 15-4-1959, tr.40.
(10)Ns. Nguồn sống. Số 13, ngày 15-7-1959, tr.48.
(11) Ns. Trái Tim Đức Mẹ. Số 12, tháng 7-1961, tr.17-18.
(12)Ns. Trái Tim Đức Mẹ. Số 12, tháng 7-1961, tr.17-18.
(13)Ns. Nguồn sống. Số 20, ngày 15-2-1960, tr.44.
(14) Ns. Nguồn sống. Số 20, ngày 15-2-1960, tr.44 + Số 27, ngày 15-9-1960, tr.43.
(15) Ns. Nguồn sống. Số 22, ngày 15-4-1960, tr.42.
(16) Ns. Nguồn sống. Số 32, tháng 2-1961, tr.45 + Số 33, tháng 3-1961, tr.42.
(17)Ns. Nguồn sống. Số 33, tháng 3-1961, tr.43.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 2 – Chương 13 – Phần II về máy tính