TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
TẬP 3
CHƯƠNG MƯỜI SÁU
HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN
A. GIỚI THIỆU ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN.
Theo Lịch Công giáo Địa phận Sài Gòn 1964, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền sinh ngày 13-3-1921 tại Gia Định. Nhưng theo một tài liệu khác, lưu hành trên Internet, ngài sinh ngày 21-3-1921, tại Long Đức, Trà Vinh. Đến năm 1928 mới theo gia đình chuyển lên Gia Định.
1933-1940: Nhập Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
1940-1947: Lên Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Được Đức cha Cassaigne Sanh truyền chức linh mục ngày 21-9-1947 tại Sài Gòn.
1948-1954: Giáo sư rồi Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Sáng lập tờ Bán Nguyệt san Tông đồ.
1955-1957: Nhập dòng Charles de Foucauld, sống khổ hạnh ở sa mạc Sahara, nước Algérie, châu Phi.
1957-1960: Sống đời lao động thợ thuyền nhiệm nhặt, có lúc ở Bàn Cờ đạp xe ba bánh, có lúc ở chợ Cầu Muối làm phu khuân vác, có lúc lên Di Linh giúp đồng bào Dân tộc, có lúc ở trong ngôi nhà lá tại Bình Thủy, Cần Thơ…
ĐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN
(Ảnh: Internet)
Ngày 8-12-1960 ngài được Toà Thánh bổ nhiệm Giám mục lãnh đạo Giáo phận Cần Thơ, thay Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình nhận nhiệm vụ Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn. Lễ tấn phong Đức cha Philipphê được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn ngày 22-1-1961. Khẩu hiệu “Nên mọi sự cho mọi người” (Omnia Omnibus).
Sau cuộc chính biến ngày 1-11-1963, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục ở lại Rôma, không thể trở về Việt Nam. Toà Thánh bổ nhiệm Đức cha Philipphê làm Giám quản Tông tòa Tổng Giáo phận Huế.
Ngày 26-8-1968, Đức cha Phêrô Máctinô từ nhiệm chức vụ Tổng Giám mục Huế. Toà Thánh bổ nhiệm Đức Giám quản Philipphê Nguyễn Kim Điền làm Tổng Giám mục lãnh đạo Tổng Giáo phận Huế.
Ngài luôn trung thành với đời sống khổ hạnh Charles de Foucauld, ăn uống đạm bạc, tính tình hiền lành, thể hiện nhơn đức của một bậc chân tu. Mùa đông xứ Huế lạnh giá ngài vẫn ngủ trên chiếc giường bằng gỗ không nệm. Phương tiện đi lại là chiếc Mobylette cũ kỹ, không có tài sản riêng.
Tài sản lớn lao của ngài là tấm lòng yêu mến Thánh Thể và sùng kính Đức Mẹ La Vang. Theo định lệ, cứ ba năm tổ chức Đại hội Hành hương La Vang một lần. Đức cha thường chủ tọa các buổi Đại hội, thuyết giảng cho các đoàn thể giáo dân, giới chức, linh mục, tu sĩ, sinh viên học sinh… Các bài giảng của ngài lôi cuốn người nghe không chỉ bằng cử điệu, giọng nói hùng hồn và lời văn hoa mỹ, mà còn là sự duyên dáng, giản đơn, không vấp váp… lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối.
Suốt 24 năm lãnh đạo Tổng Giáo phận Huế, với những biến cố thời cuộc dồn dập: Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, 30-4-1975, tiếp đến là những năm tháng “đầy khó khăn và tế nhị”…, Đức cha vẫn giữ lập trường trước sau như một: “Nên mọi sự cho mọi người”.
Công việc bề bộn, trách nhiệm nặng nề, đời sống khổ hạnh nhiệm nhặt, tinh thần căng thẳng…, ngài ngã bệnh. Giáo phận Huế vội vàng đưa ngài vào Sài Gòn chữa chạy, nhưng Đức cha đã qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 8-6-1988, linh cữu được di chuyển bằng đường bộ ra Huế, an táng trong nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.
B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI KHÓI LỬA CHIẾN TRANH
I. ĐẠI HỘI LA VANG 16 (1964)
1. Hành hương La Vang – Đại hội La Vang 16 (1964)
a/ Lời hiệu triệu của Đức Giám quản Philipphê Nguyễn Kim Điền ngày 1-3-1964(1):
“Tôi tha thiết kêu gọi toàn thể tín hữu Giáo phận Huế đến tham dự Đại hội đông đúc và sốt sắng để biểu lộ lòng Tin, Cậy, Mến yêu Đức Mẹ La Vang…”.
b/ Học tập chuẩn bị Đại hội(2):
Trước Đại hội lần thứ 16, Đức Giám quản đã cho phát hành tài liệu học tập, chuẩn bị Đại hội. Tài liệu gồm 7 bài, với 7 nội dung súc tích khác nhau. Tóm lược:
BÀI I: LA VANG THIÊN ĐÀI TOÀN QUỐC
+ Sứ điệp La Vang: Hãy tin tưởng và cậy trông.
+ Tinh thần La Vang: Cầu nguyện, hy sinh, đoàn kết.
+ Ân phúc của La Vang: Huyền diệu, tràn đầy, thiên hình vạn trạng.
BÀI II: ĐẠI HỘI LA VANG LÀM GÌ?
+ Đại hội La Vang là một Đại hội định kỳ ba năm một lần. Đây là Đại hội lần thứ 16.
+ Ý chỉ cầu nguyện.
– Danh Chúa được cả sáng.
– Hội Thánh được cường thịnh.
– Nước nhà được hoà bình và thống nhất trong tự do.
– Toàn dân được bình yên, đoàn kết trong tình huynh đệ chân thành.
+ Đề tài chính của Đại hội: Tăng cường đức tin nhờ các phép Bí tích.
+ Mục đích của Đại hội: Thực hiện huấn lệnh của Đức Mẹ:
– Thống hối ăn năn.
– Cầu nguyện.
– Thánh hóa bản thân.
BÀI III: TĂNG CƯỜNG ĐỨC TIN BẰNG CÁC
PHÉP BÍ TÍCH
+ Đức tin là gì?- “Đức tin là một thần đức, hoàn toàn siêu nhiên, do Thiên Chúa ban cho ta chỉ vì lòng người lân ái chứ không phải vì một chút gì công linh của chúng ta. Nhờ đó ta tin thật mọi điều Chúa dạy và Hội Thánh truyền không phải vì trí thông minh ta hiểu được, nhưng vì Chúa đã mạc khải. Chúa là Chân Lý không thể sai lầm và không hề lừa dối ai”.
+ Bí tích là gì?- “Trong phụng vụ các Bí tích giữ phần bồi bổ và nuôi dưỡng đức tin người Công giáo”.
BÀI IV: BÍ TÍCH RỬA TỘI
+ Ơn ích của phép Rửa tội: Chúa Kitô dùng phép Rửa tội để thanh tẩy hồn ta khỏi tội tổ tông và tội ta phạm. Người tha thứ mọi tội lỗi. Người ban cho ta một đời sống mới: đời sống ân sủng. Nhờ đó ta trở nên con Chúa Kitô và hưởng gia nghiệp đời đời.
+ Ý nghĩa của nghi thức Rửa tội: Ngày xưa dìm nước, ngày nay dội nước, tượng trưng cho sự từ trần và mai táng Chúa Kitô. Người tân tòng chôn táng xuống nước mọi tội lỗi và xu hướng tội lỗi, họ cởi bỏ người cũ và ách nô lệ của ma quỷ. Từ đó ta được hưởng rộng rãi các ân sủng từ mầu nhiệm Chết và Sống Lại của Chúa Kitô.
BÀI V: BÍ TÍCH THÊM SỨC
+ Phép Thêm sức bổ túc cho phép Rửa tội: Phép Thêm sức làm cho đời sống ân sủng của ta khi chịu phép Rửa tội được đầy đủ và vững mạnh hơn.
+ Ơn Phép Thêm sức: Khi chịu phép Thêm sức, Chúa Kitô ban Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trong tâm hồn chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần sẽ ban sức mạnh cho ta chống lại các kẻ thù của đức tin, chống lại ma quỷ, chống lại khuynh hướng xấu và tội ác.
BÀI VI: BÍ TÍCH THÁNH THỂ
+ Thánh lễ trong Giáo hội: Trước cuộc tử nạn, Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể và truyền dạy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Phép Thánh Thể trong thánh lễ hằng ngày là sự tái hiện những gì Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly. Vậy, trong thánh lễ, Chúa Giêsu ban cho ta được dự phần vào cuộc hiến tế của Người trên thập giá.
+ Tham dự thánh lễ:
– Tham dự vào việc dâng tiến Chúa Giêsu.
– Tự hiến dâng cùng Chúa Giêsu.
– Hiệp nhất với Chúa Giêsu.
+ Ơn ích của việc rước MTC:
– Được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô.
– Được kết hợp với anh em mình nhờ cùng ăn một bánh bởi trời.
– Tăng cường sức mạnh để theo Chúa.
– MTC sẽ giữ gìn ta khỏi tội lỗi.
– Đảm bảo để ta dự tiệc hằng sống đời đời.
BÀI VII: BÍ TÍCH GIẢI TỘI
+ Chúa Kitô tha tội:
– “Hỡi con, các tội con đã được tha”.
– “Hãy chỗi dậy vác giường mà về nhà”.
+ Chúa trao quyền tha tội cho các Tông đồ:
Chiều Phục sinh Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ và nói: “Bằng an cho các con. Như Cha Ta đã sai Ta thế nào thì Ta cũng sai các con như vậy”. Nói đoạn, Chúa thở hơi trên các ông ấy và dạy: “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì kẻ ấy được tha. Các con cầm giữ ai thì kẻ ấy bị cầm giữ”.
+ Giáo hội ban Bí tích Giải tội.
+ Phải nhận Bí Tích Giải tội với lòng thống hối ăn năn, dốc lòng chừa và làm việc đền tội.
+ Ơn ích của Phép Giải tội:
– Được tẩy xóa mọi tội lỗi đã phạm.
– Hoà giải cùng Chúa.
– Tái sinh ra trong Chúa Thánh Thần.
c/ Chương trình Đại hội La Vang 16 (1964)(3).
THỨ NĂM 14-5-1964
19.00: Thánh lễ đại triều khai mạc Đại hội. Giảng.
21.00: Kiệu Đức Mẹ trước quảng trường. Chầu chung. Phép lành.
THỨSÁU 15-5-1964
Ngày cầu nguyện cho gia đình, học đường.
Đề tài:“Bí tích Rửa tội và bí tích Hôn phối”.
(Ngày tập trung trẻ em các trường, các đoàn thể thiếu nhi, các bà mẹ gia đình, các giáo viên).
07.00: Tập trung các em thiếu nhi tại đài Đức Mẹ. Thánh lễ. Giảng.
09.00: Thánh lễ cho các bà mẹ Công giáo. Giảng.
16.00: Giờ chầu của các bà mẹ cầu nguyện cho gia đình.
17.00: Khai mạc triển lãm. Thuyết trình về “Học đường Công giáo”.
19.00: Thánh lễ trọng thể. Giảng.
21.00: Đi đàng Thánh Giá cầu nguyện cho Giáo
hội thầm lặng. Rước kiệu Đức Mẹ. Phép lành.
THỨ BẢY 16-5-1964
Ngày cầu nguyện cho giáo phận, cho linh mục, tu sĩ, cho ơn kêu gọi.
Đề tài: “Bí tích Thánh Thể, Bí tích Truyền chức và Xức dầu”.
(Ngày tập trung các tu sĩ, dòng Ba Phanxicô, hội Vinh Sơn, các Y tá Công giáo, các bệnh nhân).
07.00: Thánh lễ cho các nam nữ tu sĩ, dòng Ba Phanxicô. Giảng.
09.00: Tại Thánh đường. Lễ cho bệnh nhân. Giảng.
16.00 : Giờ cầu nguyện cho ơn Thiên triệu.
17.00 : Thuyết trình về “Ơn Thiên triệu”.
19.00 : Thánh lễ đối thoại. Giảng. Rước kiệu Mình Thánh Chúa.
CHÚA NHẬT 17-5-1964
Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Ngày cầu nguyện cho Tổ quốc, Tông đồ giáo dân.
Đề tài: “Bí tích Thêm sức và bí tích Giải tội”.
(Tập trung tất cả các Ban Chấp hành Công giáo Tiến hành (CGTH) họ, các đoàn thể CGTH trưởng thành, quân nhân, công chức).
07.00: Thánh lễ cho thanh niên, Thanh sinh, Sinh viên, Hướng đạo. Giảng.
09.00: Thánh lễ cho Quân nhân, Công chức, các Ban Chấp hành CGTH họ, Liên minh Thánh Tâm, Legio Maria. Giảng.
16.00: Thánh lễ cho Con Đức Mẹ và các Thanh nữ. Giảng.
17.00: Thuyết trình về “Công giáo Tiến hành”.
19.00: Thánh lễ đại triều. Giảng. Rước kiệu Đức Mẹ. Phép lành.
Bế mạc.
d/ Ghi nhận từ Đại hội La Vang 16 (1964).
Trong bầu không khí chính trị đầy thách thức, vì trước đó nửa năm, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại trong cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963. Những kẻ hận thù tôn giáo thừa cơ hội thỏa mãn tư thù tư oán. Nhiều linh mục bị đánh đập, nhiều giáo dân bị hành hạ, nhiều giáo xứ bị ruồng bố, phá hoại. Dù vậy, Đại hội La Vang 16 vẫn được khai mạc theo chương trình đã định.
Tham dự Đại hội La Vang 16, ngoài hai Đức Tổng Giám mục Huế Urrutia Thi và Philipphê Nguyễn Kim Điền còn có Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi và Đức Đan Viện phụ Phước Lý Stanilaô Trương Đình Vang cùng rất đông linh mục đến từ các địa phận: Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang… Hằng trăm tu sĩ nam nữ và 30.000 giáo dân trong, ngoài giáo phận Huế tuôn về.
Đặc biệt, trong bầu không khí tôn giáo không mấy thân thiện, ngày 17-5-1964 vẫn có hai phái đoàn chính quyền hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên do hai vị tỉnh trưởng dẫn đầu đã đến La Vang trong sự đón tiếp nồng hậu của giáo dân hành hương và giáo quyền. Cả hai phái đoàn cùng xuống xe đi bộ từ cổng tam quan vào đền thánh. Sau phần nghi thức chào mừng Đại hội, hai phái đoàn ở lại dự thánh lễ lúc 9 giờ sáng, thánh lễ dành riêng cho giới Quân nhân, Công chức, Công giáo Tiến hành… và cũng là thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình tổ quốc, quốc thái dân an. Lễ tất, hai phái đoàn ra về.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp(4) cho biết:
“Cách đây ba năm, hàng Giáo phẩm Việt Nam đã gởi Thư Luân lưu mở năm Thánh Mẫu trên toàn lãnh thổ Việt Nam và sẽ bế mạc vào năm nay một cách long trọng tại La Vang. Nhưng vì tình hình bất an tại quê nhà, Hàng Giáo phẩm đã định bãi bỏ Đại hội toàn quốc tại La Vang. Nhưng dù thế, bế mạc năm Thánh Mẫu vẫn được cử hành sốt sắng khắp nơi, mà La Vang là một trong những địa điểm cử hành Lễ Bế mạc Năm Thánh Mẫu.
Tại La Vang, Năm Thánh Mẫu được bế mạc một cách đơn giản. Mặc dù tình thế căng thẳng và thiếu an ninh tại miền Trung, tín hữu toàn Địa phận Huế và các địa phận lân cận đã đến dự ba ngày Đại hội rất đông. Đại hội đã bế mạc vào 10 giờ đêm Chúa nhật 17-5-1964. Hiện diện trong buổi lễ bế mạc này, có Đức cha Giám quản Philipphê Nguyễn Kim Điền, Đức cha Urrutia Thi, Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, Đức cha Đa Minh Hoàng Văn Đoàn, một số đông linh mục dòng, triều, tu sĩ nam nữ và gần 50 ngàn tín hữu.
XE KIỆU ĐỨC MẸ – ĐẠI HỘI LA VANG 16 (1964)
(Ảnh: Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 181, th.6-1964)
Trong suốt ba ngày Đại hội, có chừng hai trăm ngàn tín hữu khắp nơi đến kính viếng Đức Mẹ La Vang để cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cho Tổ quốc và Giáo hội Việt Nam”.
2. Hành hương La Vang sau Đại hội 16 (1964)
a/ Những cuộc hành hương viếng Mẹ(5).
Sau Đại hội 16, chiến sự leo thang, giao thông bị gián đoạn, an ninh không cho phép tổ chức các cuộc kiệu lớn, tập trung đông người. Dù vậy ở La Vang vẫn diễn ra các cuộc kiệu, lễ cấp giáo phận và các cuộc hành hương viếng Mẹ riêng lẻ của hàng giáo sĩ, giáo dân.
+ Ngày 28-11-1964: Đức Khâm sứ Tòa Thánh Angelo Palmas đã tới La Vang giữa tiếng hoan hô của 7.000 giáo dân chờ đón ngài. Lễ đài được lập ngay Linh đài Đức Mẹ. Một vị đại diện đọc chúc từ. Đức Khâm sứ đáp từ. Sau đó ngài chủ tế thánh lễ tại Linh đài.
+ Ngày 29-5-1965: Hưởng ứng Thông điệp Mense Maio của Đức Thánh cha Phaolô VI, đấng kế vị Đức Thánh cha Gioan XXIII qua đời năm 1963, Đức Tổng Giám mục Philipphê chủ tọa cuộc rước kiệu Đức Mẹ tại La Vang, có đông giáo dân đến tham dự.
+ Ngày 22-11-1965: Thánh tượng Đức Mẹ Fatima đã được Đức Thánh cha Phaolô VI làm phép, được gởi tặng Giáo hội Việt Nam. Tháng 10-1965, thánh tượng nói trên đã đến Việt Nam, được cung nghinh tại các giáo phận Miền Nam.
Trưa ngày 19-11-1965, thánh tượng đã đến Huế, được giáo phận tổ chức cung nghinh long trọng tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam.
Ngày 22-11-1965, cha Quản xứ La Vang Giuse Trần Văn Tường và phái đoàn vào tận Huế rước thánh tượng ra La Vang. Tại đây đã có hàng ngàn giáo dân chờ sẵn, đón rước tượng Mẹ trong niềm hân hoan, sốt sắng và cầu khẩn.
+ Ngày 8-12-1965: Ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II, đúng vào ngày lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội, tại Vương Cung Thánh Đường La Vang có tổ chức cuộc lễ trọng thể. Từ nửa đêm thánh lễ đã khởi sự và các linh mục nối tiếp bằng các thánh lễ khác, liên tục. Đến 10 giờ sáng có thánh lễ đồng tế. Chiều rước kiệu Đức Mẹ.
+ Kiệu Minh niên 1966: Mồng ba Tết 1966, mặc dù an ninh đã đến hồi báo động, hàng vạn giáo dân Dinh Cát nói riêng và Giáo phận Huế nói chung cũng tập trung về La Vang rước kiệu Đức Mẹ, mừng tuổi Mẹ. Đức cha Philipphê chủ tế thánh lễ đồng tế cùng 12 linh mục hợp tế.
+ Đoàn Sinh viên Công giáo liên Đại học Việt Nam hành hương La Vang:
Ngày 8-12-1966, nhân ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đoàn Sinh viên Công giáo liên Đại học Việt Nam (Tổng Liên đoàn Sinh viên Công giáo), dưới sự hướng dẫn của Linh mục Tổng Đại diện Huế, nay là Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đi bộ hành hương từ Huế ra La Vang. Tại La Vang, đoàn hành hương đã được cha Tổng Đại diệnhướng dẫn tĩnh tâm, cầu nguyện.
ĐOÀN SINH VIÊN CÔNG GIÁO LIÊN ĐẠI HỌC VIỆT NAM ĐI BỘ TỪ HUẾ HÀNH HƯƠNG LA VANG
(Ảnh Lê Ngọc Bưu)
b/ Thông báo của Ủy ban Toàn quốc về việc không tổ chức Đại hội La Vang 17 vào năm 1967.
Ngày 15-5-1967,Ủy ban Toàn quốc về Tổ chức Đại hội Đức Mẹ La Vang đã ra thông cáo, đăng công báo và gởi đến các địa phận như sau:
“Theo định lệ thì năm 1967 là năm tổ chức Đại hội Toàn quốc Đức Mẹ La Vang, nhưng vì hiện nay hoàn cảnh lưu thông khó khăn, nên sau khi lãnh ý các bề trên, Ủy ban Tổ chức Đại hội La Vang xin kính báo cùng toàn thể đồng bào Công giáo là không thể tổ chức Đại hội toàn quốc trong năm nay”.
Riêng Giáo phận Huế, Đại hội La Vang 1967 là một cuộc hành hương kéo dài trong gần 4 tháng, từ 1-5 đến 22-8-1967. Trong thời gian ấy, các giáo xứ, các giới và các đoàn thể Công giáo Tiến hành sẽ học tập về Công đồng Vaticanô II và lần lượt từng nhóm, từng hội đoàn hoặc từng giáo xứ riêng lẻ hành hương La Vang.
c/ Cha sở mới La Vang Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đông – Quản xứ La Vang thứ tư và Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang thứ hai.
Ngày 25-7-1967, Đức Giám quản Philipphê bổ nhiệm cha Giuse Tường, nguyên quản xứ La Vang làm Bề trên, thay mặt Giám mục coi sóc dòng MTG Hiệp Nhất (tên gọi mới là dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai) trong địa phận. Với chức vụ mới cha Giuse Tường rời La Vang vào ở Tòa Khâm mạng.
Thay vào đó, Đức Giám quản Philipphê bổ nhiệm cha GB. Nguyễn Văn Đông, nguyên quản xứ Thạch Bình ra thay làm quản xứ La Vang và quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.
Cha GB Nguyễn Văn Đông sinh năm 1908 tại Đại Lộc, Quảng Trị. Thụ phong linh mục năm 1938. Ngài nổi danh trong việc truyền giáo bằng con đường văn hoá, giáo dục. Vì vậy, hầu như ngài nhận nhiệm vụ ở giáo xứ nào thì mở trường học ở đó.
Năm 1943, quản xứ Thủy Ba, lập trường Thủy Ba và trường Quản Xá, cùng huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bậc yếu lược.
Năm 1944 lại mở thêm trường Tiểu học Phan Xá.
Năm 1952, đang làm Tuyên úy Quân đội, cổ động viên, bảo trợ mở trường Tiểu học Tây Lộc và trường Tiểu học Bồ Điền, huyện Phong Điền.
Năm 1957, quản xứ Thạch Bình, huyện Quảng Điền. Qua năm sau, 1958, lập trường Tiểu học Li Băng Thạch Bình.
Năm 1959, lập trường Tiểu học Mai Vĩnh. Mai Vĩnh là họ nhánh của giáo xứ Thạch Bình.
Năm 1960, lập trường Tiểu học Mỹ Thạnh.Mỹ Thạnh cũng là họ nhánh thuộc giáo xứ Thạch Bình, sau trở thành giáo xứ An Mỹ.
Điều đáng nói, tất cả các trường trên đều là trường Tư thục nhưng hoàn toàn miễn phí.
Ngày 4-7-1967, ngài được bổ nhiệm quản xứ La Vang Chính và quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, đồng thời được cử vào Hội đồng Cố vấn Địa phận Huế từ ngày 16-6-1969.
Sau Mùa hè Đỏ lửa 1972, ngài di tản vào Đà Nẵng rồi xin hưu trí ở Nha Trang. Qua đời tại Nha Trang ngày 6-5-1987, hưởng thọ 79 tuổi.
Thời gian cha GB. Nguyễn Văn Đông làm quản xứ La Vang là thời gian chiến tranh ác liệt, chỉ có một linh mục đến phụ tá ngài, và cũng chỉ được ít tháng. Đó là cha Giacôbê Bùi Chung (1924-1961- …). Cha Giacôbê Bùi Chung trước đã từng là cha phó của cha GB. Đông tại giáo xứ Thạch Bình (1961). Nay, khoảng năm 1967, từ Dương Lộc tản cư ra La Vang giúp mục vụ chừng 6 tháng.
Trong 5 năm làm quản xứ La Vang Chính và quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, từ 1967 đến 1972, địa phận chỉ ban phép tổ chức một kỳ Đại hội 17 (1970). Ngoài ra chỉ có những nhóm hành hương riêng lẻ cấp địa phận. Cho đến Mùa hè Đỏ lửa 1972 tàn phá quê Mẹ.
d/ La Vang với biến cố Tết Mậu Thân (1968).
+ Giáo xứ La Vang Thượng…
Biến cố Tết Mậu Thân tàn phá khủng khiếp người và cơ sở vật chất Giáo phận Huế. Nhưng nặng nề ở Thừa Thiên, còn Quảng Trị đỡ hơn. Trong các giáo xứ vùng La Vang, thiệt hại nặng nhất có lẽ là giáo xứ La Vang Thượng:
“Tại giáo xứ La Vang Thượng, sáng mồng hai Tết Mậu Thân, giáo dân dậy sớm đi lễ mai lúc 5 giờ, thấy VC tràn ngập, giáo dân lo sợ, báo tin cho nhau. Nhiều người bỏ giáo xứ chạy thoát thân. Ra khỏi làng, một số được trực thăng bốc đi. Suốt ngày hôm đó, máy bay và trọng pháo oanh kích lung tung. Từ La Vang Chính đến các giáo xứ La Vang định cư đạn nổ rền trời. Vài người trúng đạn chết ngay tại nhà. Cha sở La Vang Thượng Đôminicô Lê Hữu Luyến (1894-1926-1969) cùng nhiều giáo dân vào núp trong nhà thờ. Tối đến, Mỹ đổ bộ, bắn khủng bố, đạn bay vào nhà thờ, giáo dân khiếp sợ đạp cửa chạy ra ngoài thì bị bắn chết. Mấy bà già và hai chị núp trong hầm bếp nhà cha sở trúng đạn rốc-két bị trọng thương. Về nhà cửa: 11 căn cháy rụi, 13 căn sụp đổ, nhiều nhà khác hư hại nặng…
Qua ngày sau, giáo dân La Vang Thượng hoảng loạn bỏ nhà cửa chạy qua các họ khác (La Vang Trung, La Vang Tả, La Vang Chính) lánh nạn. Cha sở Đôminicô Lê Hữu Luyến qua trọ tại nhà cha sở La Vang Tả và ở đó cho đến tháng 7 cùng năm đổi vào họ Thợ Đúc”(6).
+ …Và giáo xứ La Vang Chính, nhà Mẹ?
Khoảng nửa năm sau La Vang mới trở lại bình thường. Ngày 22-8-1968, Bản tin La Vang(7)loan báo: “Có lẽ nhiều bạn ở xa lo sợ cho nhà Mẹ La Vang lắm. Những hỏa tiễn bay vèo, những quả đạn ca-nông, những trận dội bom kinh khủng, những cuộc chạm súng, đột kích…Đền thờ Mẹ vẫn còn đứng vững, trang nghiêm và âu yếm, mời mọc hơn bao giờ… Khách hành hương sáu tháng trước đây thưa thớt, vìai cũng e ngại đường sá… Nhưng từ ba tháng nay, đường sá xem ra cũng có phần tương đối an ninh hơn… Cho nên nhà Mẹ người ra vào cũng trở lại bình thường, cây cối trong vườn Mẹ lúc này, nhất là ở Linh đài đã lên sum sê, đẹp lắm…”
e/ La Vang sau biến cố Tết Mậu Thân 1968.
+ Kiệu La Vang thường niên 1968 – Thánh lễ truyền chức linh mục tại La Vang:
Theo thông báo từ Toà TGM Huế, năm 1968, dù không có Đại hội cấp toàn quốc, giáo phận vẫn tổ chức kiệu Đức Mẹ La Vang thường niên vào ngày 22-8-1968.
Bản tin La Vang (8)cho biết: “Từ chiều hôm trước, La Vang đã bắt đầu rộn rịp! Đã có những đoàn thiếu nhi đến cắm trại, đã có những người từ Huế ra với khăn gói, với những đồ ăn khô như những thuở nào. Nhưng người ta thấy nổi bật lên nhất là những chiếc áo dòng đen của các chủng sinh Xuân Bích, những chiếc lúp đen của các nữ tu Đức Bà Đi Viếng hoặc Mến Thánh Giá Thừa Sai.
Bầu không khí u tịch của đất Mẹ đã có phần thay đổi, lâng lâng, nhẹ nhàng, vui vẻ…
Đêm La Vang mau xuống. Những người lính Mỹ tay lăm le cò súng âm thầm tuần tiễu, tiếng đại bác nổ xa xa và hỏa châu thắp sáng từng hồi… tạo nên bầu không khí hãi hùng của chiến tranh. Thế nhưng quanh đài Mẹ đèn vẫn sáng, lời kinh tiếng hát vẫn ngân nga khiến ai nấy đều cảm thấy vững dạ an tâm… Và chúng tôi đã cùng nhau lần hạt, cầu nguyện cho quê hương chinh chiến sớm có ngày mai thanh bình”.
Ngày 22-8-1968, hưởng ứng lời mời gọi của bề trên, khoảng 10.000 giáo dân đã tề tựu về La Vang rước kiệu Đức Mẹ, tham dự lễ truyền chức linh mục.
Bản tin La Vang, số đã dẫn,viết tiếp: “5 giờ 30 sáng, chuông đổ hồi inh ỏi kêu gọi đoàn con cái tề tựu dưới bóng Mẹ, rất nhiều thánh lễ được tiếp nối cử hành… ”.
Người hành hương mỗi lúc một đông. Người ta ước lượng số người tham dự cuộc rước kiệu khoảng độ 5.000 người, cộng với những người không dự kiệu đang vây quanh các tòa cáo giải trong đền thờ thì số người hành hương hôm ấy cũng ngót độ 10.000.
Sau cuộc kiệu, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ tế thánh lễ truyền chức linh mục cho thầy Giuse Dương Đức Toại(9), tại Linh đài Đức Mẹ. Đây là thánh lễ truyền chức đầu tiên được tổ chức ngay chính nơi tương truyền Đức Mẹ hiện ra.
+ Hành hương La Vang mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm – Đại hội Lêgiô Marie tại La Vang -Hoa thiêng liêng từ La Vang kính dâng Đức Thánh cha Phaolô VI(10).
Ngày 8-12-1968, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, trên 10.000 giáo hữu đã tề tựu tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang để kính viếng Đức Mẹ, dâng thánh lễ cầu nguyện cho tổ quốc được hòa bình. Sau thánh lễ có cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Cuộc hành hương bế mạc lúc 12 giờ trưa.
Cũng nhân dịp này trên 1.000 hội viên Lêgiô thuộc các Curiae La Vang, Thạch Hãn, Trí Bưu, Đại Lộc, Bố Liêu và Đông Hà đã tề tựu họp Đại hội tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, theo chương trình:
SÁNG: Cha Giuse Đỗ Bá Ái chủ tế thánh lễ, ban huấn từ và hướng dẫn học tập về đề tài: Chiến dịch Lửa mới, Thông điệp Humane Vite.
CHIỀU: Họp Đại hội Lêgiô. Kiểm điểm các hoạt động trong năm cũ. Thảo luận đề án công tác năm mới và đồng ý lấy chiến dịch Lửa mới làm kim chỉ nam cho công tác Lêgiô năm tới, với 3 điểm chính:
– Thực thi những giai đoạn của chiến dịch Lửa mới.
– Đẩy mạnh lòng sùng kính Đức Mẹ theo lối tận hiến cho Đức Mẹ.
– Tổ chức phong trào Hiệp sĩ.
Đại hội Lêgiô Marie bế mạc lúc 16 giờ cùng ngày. Các thành viên ra về mang theo lòng phấn khởi quyết tâm phụng sự Chúa, nhờ Mẹ Maria trong Đức tin và Lòng mến.
Trong Đại hội này, qua học hỏi thông điệp Humane Vite, với tình con cái thảo hiếu, cảm thông với nỗi lo âu của Đức Thánh cha Phaolô VI, qua đệ trình của Đức Tổng Giám mục Địa phận Huế, bản kiến nghị với nội dung như sau:
“Chúng con gồm trên 1.000 hội viên Lêgiô Marie thuộc tỉnh Quảng Trị – Việt Nam, hầu hết là những người cha, mẹ gia đình, họp Đại hội tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang – Việt Nam. Chúng con đồng thanh quyết nghị dâng lên Đức Thánh cha:
– Lòng thảo hiếu trung thành và tri ân Đức Thánh cha đã ra thông điệp làm sáng tỏ các giáo huấn của Giáo hội về vấn đề hôn nhân.
– Dưới chân Mẹ La Vang chúng con xin dâng những kinh nguyện, hy sinh, hãm mình do chiến cuộc gây nên để xin Chúa đổ tràn ơn an ủi cho Đức Thánh cha và làm cho các gia đình hiểu biết để tuân theo những giáo huấn của Giáo hội.
– Nguyện cố gắng học tập thấm nhuần và hướng dẫn các gia đình thực thi các giáo huấn của thông điệp để đem lại hạnh phúc cho các gia đình như lòng mong muốn của Đức Thánh cha”.
Đồng kính dâng.
Curiae Thạch Hãn, Đông Hà, La Vang, Bố Liêu, Trí Bưu, Đại Lộc.
Ngày 20-1-1969, Hội Lêgiô Mariae Quảng Trị nhận được phúc đáp từ Đức TGM Phụ tá Quốc Vụ Khanh: “Ngày 8-12 vừa qua, Đức Tổng Giám mục đã chuyển đệ lên Đức Thánh cha bức thư thảo hiếu của các hội viên Lêgiô Mariae họp Đại hội tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang. Đức Thánh cha rất lấy làm cảm động đối với việc tốt đẹp này”.
+ Đại hội Mẹ Gia đình Công giáo TGP Huế tại La Vang (11).
Ngày 26-7-1969, lễ Bà Thánh Anna, bổn mạng Mẹ Gia đình Công giáo, một buổi họp mặt trọng thể tại Vương Cung Thánh Đường La Vang, với sự tham dự của hơn 2.000 bà mẹ Công giáo Địa phận Huế. Sau cuộc rước kiệu trọng thể là thánh lễ đồng tế do cha Tổng Đại diện chủ tế.
Linh mục Giám đốc Công giáo Tiến hành địa phận thuyết trình đề tài:“Vai trò Mẹ Gia đình trong Giáo hội, Tổ quốc và xứ đạo”. Tiếp đến là lễ Dâng mình vào hội của các bà mẹ. Ngày hành hương họp Đại hội các Bà Mẹ Gia đình Công giáo kết thúc bằng một buổi chầu Phép lành MTC trọng thể.
+ Hành hương La Vang thường niên mừng lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ (12).
Cũng như mọi năm, ngày 22-8-1969, lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ được tổ chức trọng thể tại La Vang, mặc dù đây đó, vùng nông thôn, đang sống trong tình trạng chiến tranh, nguy hiểm.
Từ chiều 21-8-1969, giáo dân khắp nơi trong địa phận đã tề tựu về bên Mẹ để ngợi khen, phó thác và dâng Tổ quốc Việt Nam yêu quí của mình cho Đức Mẹ. Như dân Do Thái xưa, khi lên đền Giêrusalem, miệng hớn hở hát thánh vịnh: “Tôi vui mừng khi nghe người ta bảo chúng ta đi về nhà Chúa”. Hôm nay, nét hân hoan và niềm hy vọng cũng hiện rõ trên gương mặt của mỗi người con Mẹ. Quanh đền Mẹ, câu kinh tiếng hát nhịp nhàng ngân vang suốt đêm. Các tòa giải tội mở rộng đón tiếp nhiều tâm hồn.
Sáng ngày 22-8-1969, lúc 8 giờ 30, tại Linh đài Mẹ, thánh lễ đồng tế được cử hành trọng thể do Đức Tổng Giám mục Huế chủ tế. Sau thánh lễ, cuộc rước kiệu Đức Mẹ diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và sốt sắng. Buổi rước kiệu được kết thúc bằng Phép lành Tạ ơn của Đức Tổng Giám mục địa phận.
+ Thanh nữ Con Đức Mẹ Quảng Trị họp bạn tại Trí Bưu – Hành hương La Vang cầu nguyện cho hòa bình(13).
Từ 15 giờ chiều 7-12-1969, trên 230 chị em thanh nữ thuộc 14 đoàn Con Đức Mẹ tỉnh Quảng Trị đã tập trung tại trường Thánh Mẫu, tu viện Trí Bưu, họp mặt mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Trong bài thuyết trình, linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, Tổng Thư ký Tông đồ giáo dân Địa phận Huế đã nói đến cuộc canh tân toàn diện từ Công đồng Vaticanô II, và đặt lại vai trò người thanh nữ trong khung cảnh giáo xứ canh tân, giữa tình trạng đất nước chiến tranh.
Tảng sáng hôm sau, chị em đã lên đường trong cơn mưa lay bay, đi bộ lên La Vang, khoảng 7 cây số. Bài đọc Công đồng chương VIII mở đầu cho cuộc hành hương này. Bản văn được đặt vào tay chị em để đọc và thảo luận dọc đường.
Đến La Vang, mưa to chị em vào tập họp tại nhà nguyện Tĩnh Tâm, đúc kết cuộc hội thảo, quyết nghị về nhiều điểm quan trọng: Học hỏi tài liệu, đặt văn phòng liên lạc, định công tác phát triển ngân quỹ, và định ngày họp Đại hội cán bộ của đoàn vào ba tháng sau.
Cha Tổng Thư ký Phaolô Nguyễn Kim Bính cử hành Thánh lễ Bế mạc lúc 11 giờ 30. Mưa lớn, đường lầy lội, chị em thanh nữ ra về vất vả, nhưng lòng đầy ơn Mẹ, vui tươi phấn chấn.
(Còn tiếp…)
——————————————————————-
(1) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 33, th.5-1964, tr.53.
(2) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số đã dẫn, từ tr.23-37.
(3) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 33, th.5.1964, tr.54-55.
(4) Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 181, th.6-1964, tr.164-167.
(5) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.127-128.
(6) Lm. Inhaxiô Võ Văn Bảo: Giáo xứ La Vang Thượng – Tết Mậu Thân 1968. Bản Thông tin Giáo phận Huế. Số 9, th.9-1971, tr.24.
(7) Tin La Vang. Bản tin La Vang. Số 1, tr.7-8.
(8) Hành hương về đất Mẹ. Bản tin La Vang. Số 1, tr.8.
(9) Nay là Linh mục Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.
(10) Bản tin La Vang. Số 5, ngày 20-11-1968, tr.17-19.
(11) Nội san La Vang. Số 13, ngày 1-9-1969, tr.33.
(12) Nội san La Vang.Số 13, ngày 1-9-1969, tr.30.
(13) Nội san La Vang. Số 19, ngày 15-12-1969, tr.28.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 3 – Chương 16 – Phần 1