TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
TẬP 3
CHƯƠNG MƯỜI TÁM
HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI CÁC ĐỨC GIÁM QUẢN
A. GIỚI THIỆU CÁC ĐỨC GIÁM QUẢN GIÁO PHẬN HUẾ TỪ 1988 ĐẾN 1998.
B. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM QUẢN GIACÔBÊ LÊ VĂN MẪN.
I. ĐẠI HỘI LA VANG 22 (17-8 – 19-8-1990).
II. ĐẠI HỘI LA VANG 23 (12-8 – 15-8-1993)(7).
Chủ đề: “Sống đức tin theo gương Mẹ Maria”.
1. Chuẩn bị Đại hội La Vang 23 (1993).
Ngày 3-4-1993, linh mục quản hạt Quảng Trị, quản xứ Diên Sanh kiêm La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang, căn cứ vào biên bản họp hạt Quảng Trị ngày 1-9-1992 đã đề ra nội dung chuẩn bị Đại hội La Vang 23, như sau:
a/ Về cầu nguyện:
Mọi tín hữu đến Hành hương Đại hội La Vang cần ý thức mình đến để cầu nguyện trong sự gặp gỡ Thiên Chúa và Mẹ rất thánh của Ngài, để cùng nhau sống đức tin và biểu lộ đức tin sốt sắng một cách công khai và trật tự. Chủ đề của Đại hội La Vang 23 là “Sống đức tin theo gương Mẹ Maria”.
+ Ban Phụng vụ – Lm. Antôn Dương Quỳnh phụ trách.
– Giờ lễ và 6 thánh lễ tại đài:
16.00 – 12-8-1993: Lễ Sinh nhật Đức Mẹ.
09.00 – 13-8-1993: Lễ Đức Mẹ Dâng Mình.
16.00 – 13-8-1993: Lễ Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ.
09.00 – 14-8-1993: Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.
16.00 – 14-8-1993: Lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Sáng 15-8-1993 (sau kiệu): Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
– Hướng dẫn nghi thức cử hành thánh lễ đồng tế:
Xin các cha mang lễ phục trắng hoặc vàng. Mỗi cha xin mang theo một ciboire có ghi tên mình và trao cho Ban Phụng vụ Đại hội. Xin các cha giải tội trước cho giáo dân trước khi đi hành hương dự Đại hội La Vang. Tại La Vang giờ giải tội từ 07.30 – 08.30 mỗi sáng tại Vương Cung Thánh Đường.
+ Ban Phụng ca– Lm. Aug. Hồ Văn Quý phụ trách.
– Ban Phụng ca gồm các đại chủng sinh và các tu sĩ nam nữ trong giáo phận.
– Ban Phụng ca gởi đến các cha sở danh sách các bài hát sẽ được dùng trong Đại hội 23.
– Ban Phụng ca phổ biến nhiều bài hát đại chúng.
– Khi đi kiệu Ban Phụng ca đứng nơi nền lục giác.
+ Ban Hướng dẫn kiệu– Lm. Trần Đức Tuyên phụ trách.
– Dàn kiệu lúc 6 giờ ngày 15-8-1993.
– Lúc đi kiệu các cha bận alba, mang theo chasuble trên tay.
– Một thầy đại chủng sinh mặc áo giúp lễ, cầm Thánh Giá đi đầu.
– Khi đi kiệu lần hột gẫm dài.
+ Ban Y tế – Lm. Giuse Hoàng Cẩn phụ trách.
– Mỗi giáo xứ có một Ban Y tế riêng.
BÀI HÁT ĐẠI HỘI LA VANG HÀNH KHÚC
(Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
– Đại hội có một Ban Y tế chung, đặt tại rạp nhà thờ.
– Đề phòng những bệnh thường xảy ra như đau bụng, đau đầu, chảy máu cam, ngất xỉu, bị rắn rít cắn, đạp gai, vấp bổ (té) sưng trật chân tay, bị thương chảy máu…
– Trường hợp cấp cứu có xe đưa đi bệnh viện.
b/ Về trật tự – Lm. PX. Lê Văn Cao phụ trách.
– Mỗi giáo xứ có Ban Trật tự riêng.
– Giáo dân của giáo xứ nào đều phải mang huy hiệu của Đại hội do Ban Tổ chức phát cho các giáo xứ theo số lượng các cha sở yêu cầu. Các cha báo cho cha Gioang biết số lượng huy hiệu cần cho giáo xứ mình trước ngày 17-7-1993.
– Mỗi cha sở giới thiệu một giáo dân của giáo xứ mình vào làm việc với Ban Trật tự Đaị hội. Người này có mặt tại La Vang lúc 15 giờ ngày 10-8-1993 cho đến khi bế mạc Đại hội. Xin các cha gởi danh sách trật tự viên đến cha Gioang trước ngày 1-7-1993.
– Khu đất Thánh địa La Vang được phân lô theo hạt. Mỗi lô đều có bảng ghi tên hạt. Giáo dân ở hạt nào phải ở trong lô của hạt đó.
– Xe 4 bánh trở lên phải đậu tại bãi quy định, không được vào khu vực Thánh địa. Xe 2 bánh ban đầu dự tính cho vào lô đất theo hạt để giáo dân tự giữ, nhưng sau Ban Tổ chức sửa đổi lại, xe 2 bánh cũng gởi tại bãi giữ xe.
– Phải tuyệt đối thinh lặng trong khu vực quanh Linh đài Đức Mẹ
– Cấm buôn bán trong toàn bộ khu vực Thánh địa. Để thực hiện tốt điều này xin các cha nhắc nhở giáo dân đừng mua hàng quà của những người rao bán dạo trong khu vực Thánh địa.
– Cấm ăn xin trong khu vực Thánh địa.
– Ban Trật tự Đại hội có trách nhiệm xử lý nghiêm những phần tử bất hảo (trộm cắp, móc túi, giựt xách, gây lộn, đánh lộn, say rượu…). Yêu cầu giáo dân hành hương tích cực cảnh giác đối với những phần tử bất hảo này.
– Trường hợp trời mưa, giáo dân núp tại chỗ mình. Trường hợp có bão, mọi người phải tuân theo chỉ thị của Ban Trật tự Đại hội.
– Người chụp hình, quay camera không được lên Linh đài Đức Mẹ.
– Trước Đại hội, các cha sở kêu gọi giáo dân trong xứ đến La Vang làm những công việc chuẩn bị (dựng lều, đóng trại…) cho hạt mình, tu sửa đường sá, dọn dẹp vệ sinh chung.
– Những người hành hương đến từ ngoài giáo phận Huế sẽ được Ban Trật tự Đại hội quan tâm đặc biệt. Dành một số huy hiệu để phát cho những người này.
– Văn phòng Trung ương của Ban Trật tự Đại hội đặt tại lầu chuông Vương Cung Thánh Đường. Mọi vấn đề liên quan đến trật tự, Ban Trật tự Đại hội có quyền quyết định.
2. Chương trình Tam nhật Đại hội La Vang 23.
CHIỀU VỌNG LỄ – THỨ NĂM 12-8-1993
– 12.00: Chuông nhịp một khai mạc. Kinh Truyền tin. Nhạc Đại hội La Vang.
– 12.30: Phiên chầu thứ nhất tại đài.
– 14.30: Chuông báo hiệu giờ giải tội.
– 15.30: Chuông báo hiệu thánh lễ tại đài.
– 16.00: Thánh lễ khai mạc (Lễ Sinh nhật Đức Mẹ).
– 18.00: Chuông nhịp một. Phát thanh.
– 19.30: Tĩnh nguyện chung tại đài.
– 21.30: Tiếp tục phiên chầu cầu nguyện.
NGÀY THỨ NHẤT – THỨ SÁU 13-8-1993
– 05.00: Chuông nhịp một. Kinh Truyền tin. Phát thanh.
– 07.30: Chuông báo hiệu giờ giải tội.
– 08.30: Chuông báo hiệu thánh lễ tại đài.
– 09.00: Thánh lễ khai mạc (Lễ Sinh nhật Đức Mẹ).
– 12.00: Chuông nhịp một. Kinh Truyền tin. Phát thanh.
– 14.30: Chuông báo hiệu giờ giải tội.
– 15.30: Chuông báo hiệu thánh lễ tại đài.
– 16.00: Thánh lễ tại đài.
– 18.00: Chuông nhịp một. Kinh Truyền tin. Phát thanh.
– 19.30: Tĩnh nguyện chung tại đài.
– 21.30: Tiếp tục phiên chầu cầu nguyện.
NGÀY THỨ HAI – THỨ BẢY 14-8-1993
(Giống chương trình ngày THỨ SÁU 13-8-1993)
NGÀY THỨ BA – CHÚA NHẬT 15-8-1993
– 04.00: Chuông nhịp một. Kinh Truyền tin.
– 05.30: Chuông dàn kiệu. Chuông báo hiệu đoàn kiệu khởi hành. Chuông báo hiệu bàn kiệu Đức Mẹ về đến cổng nhà thờ.
– 09.00: Thánh lễ đồng tế. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
– Sau lễ: Chuông nhịp một. Bế mạc.
3. Các thánh lễ, phiên chầu và lời cầu nguyện trong Tam nhật Đại hội La Vang 23 (1993).
a/ Các thánh lễ:
Trong 4 ngày diễn ra Đại hội La Vang lần thứ 23, có tất cả 6 thánh lễ đồng tế tại Linh đài Đức Mẹ.
– Thánh lễ đồng tế khai mạc diễn ra lúc 16 giờ ngày thứ năm 12-8-1993, do linh mục Giám quản Giacôbê Lê Văn Mẫn chủ tế. Cùng đồng tế có Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể và 20 linh mục hợp tế. Khoảng 3.000 giáo dân tham dự.
– Thánh lễ đồng tế thứ hai bắt đầu lúc 9 giờ ngày thứ sáu 13-8-1993 do linh mục Phêrô Hoàng Kính, cha sở Mỹ Chánh chủ tế, cùng 11 linh mục hợp tế. Khoảng 4.000 giáo dân tham dự.
– Thánh lễ đồng tế thứ ba diễn ra vào lúc 16 giờ ngày thứ sáu 13-8-1993 do linh mục Giuse Trần Đức Tuyên, cha sở Kẻ Văn chủ tế, cùng 7 linh mục hợp tế. Giáo dân tham dự lên đến 7.000 người.
– Thánh lễ đồng tế thứ tư bắt đầu lúc 9 giờ sáng thứ bảy 14-8-1993 do linh mục Augustinô Hồ Văn Quý, cha sở Bố Liêu chủ tế, cùng 13 linh mục hợp tế. Giáo dân tham dự khoảng 7.000 người.
– Thánh lễ đồng tế thứ năm diễn ra vào lúc 16 giờ chiều thứ bảy 14-8-1993 do linh mục PX. Lê Văn Cao, cha sở Đại Lộc chủ tế, cùng Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể và 24 linh mục hợp tế. Giáo dân tham dự lên đến 20.000 người.
– Thánh lễ đồng tế thứ sáu – Thánh lễ bế mạc Đại hội La Vang 23 diễn ra sau cuộc rước kiệu Đức Mẹ, vào khoảng 9 giờ sáng Chúa nhật do Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế, cùng 62 linh mục hợp tế. Giáo dân tham dự lên đến 50.000 người. Thánh lễ kết thúc lúc 10 giờ 20.
HUY HIỆU ĐẠI HỘI LA VANG 23 (1993)
HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI LA VANG 23 (1993)
(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
b/ Các phiên chầu.
Từ 12 giờ trưa ngày thứ năm 12-8-1993 – giờ khai mạc Đại hội 23, một số giáo xứ và cộng đoàn đã đếnđ ăng ký với Ban Tổ chức, ghi danh tham dự phiên chầu lượt cầu nguyện tại Linh đài Đức Mẹ. Mỗi phiên chầu chỉ kéo dài 30 phút. Do có nhiều đơn vị đăng ký nên các phiên chầu diễn ra liên tiếp, đều đặn và sốt mến. Các phiên chầu kết thúc đúng dự liệu: 24 giờ khuya ngày 14-8-1993. Chuẩn bị cho cuộc rước kiệu trọng thể Đức Mẹ La Vang, bắt đầu vào 4 giờ sáng ngày 15-8-1993.
c/ Lời cầu nguyện.
Trong Tam nhật Đại hội La Vang 23, cha sở La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang, trưởng Ban Tổ chức Đại hội 23, đã ghi lại, lược tóm những lời cầu nguyện của các tín hữu đã đến tham dự Đại hội La Vang 23.
Có tất cả 355 lời cầu nguyện, trong hàng vạn lời cầu nguyện, được ghi lại. Những lời cầu nguyện trên, mỗi người xin một ơn khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung nhất: Niềm tin tưởng tuyệt đối, yêu mến, cậy trông Đức Mẹ La Vang.
Những ơn riêng mà tín hữu cầu xin tuy đa dạng nhưng có thể lược tóm những ơn chính mà nhiều người đã xin, đã được: Ơn lành bệnh, ơn bình an, ơn tu tĩnh, ơn khỏe mạnh, ơn thông minh, ơn trở lại, ơn sum họp, ơn thánh thiện, ơn an ủi, ơn may mắn, ơn khiêm nhường, ơn con cái hiếu thảo, ơn gia đình thuận hòa, ơn vợ chồng sum họp, ơn học hành tấn tới, ơn xã hội lành mạnh, ơn thế giới hòa bình, ơn làm ăn phát đạt, ơn tai qua nạn khỏi, ơn tình yêu chung thủy, ơn một vợ một chồng, ơn sinh nở mẹ tròn con vuông, ơn thôi công hết nợ, ơn xuất cảnh dễ dàng… Những ơn trên là những lời cầu xin cho bản thân mình, cho người thân, cho gia đình, cho giáo xứ, cho Giáo hội, cho tổ quốc, đất nước…
Cha sở La Vang dâng lời cầu nguyện chung:
RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ LA VANGTRONG ĐẠI HỘI 23 (1993)
(Ảnh 1+2: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
“Lạy Mẹ La Vang! Trên đây là những lời cầu nguyện đơn sơ chân thành, đầy lòng trông cậy của đoàn con cái Mẹ hành hương Đại hội 1993 này. Còn nhiều lời cầu nguyện trong thâm tâm của nhiều người mà chỉ có Mẹ biết. Chúng con hết lòng trông cậy Mẹ nhậm lời chúng con cầu nguyện như lời Mẹ đã từng phán hứa khi hiện ra tại La Vang: ‘Mẹ nhậm lời những ai đến cầu nguyện tại đây’. Lạy Mẹ La Vang xin nhậm lời chúng con cầu nguyện!”
Trong hàng ngàn, hàng vạn lời cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang trong Đại hội 23, có hai lời cầu nguyện gây sự chú ý:
– Một người ngoại giáo: “Con là người ngoại giáo, nhưng con cũng đến cầu xin Mẹ cho gia đình con gặp nhiều may mắn, luôn gặp quý nhân, làm ăn phát đạt, mọi người trong gia đình được khỏe mạnh, khỏi bệnh tật, con cái học hành thông minh, nên người, thi đậu”.
– Một người được ơn lạ: “Con là Antôn Hoàng Minh Tâm, thuộc giáo xứ Thanh Bình, Đà Nẵng. Con đến La Vang lúc 14 giờ ngày 13-8-1993. Sau khi dự lễ chiều và sau giờ cầu nguyện sốt sắng từ 20 giờ đến 21 giờ 30 con cảm thấy mệt liền nằm nghỉ. Đến 5 giờ sáng ngày 14-8-1993, con thức dậy thấy choáng váng và đau buốt ở thắt lưng trái. Cơn đau dữ dội kéo dài đến trước thánh lễ 9 giờ. Các ông bà thấy con đau đã giúp đỡ thoa dầu, xức bóp. Lúc 8 giờ 30 phút, có một ông bà lớn tuổi vừa xức dầu vừa đưa cho con một ly nước Đức Mẹ La Vang, bảo con cậy trông, khấn xin Đức Mẹ. Con uống ly nước và hết lòng cầu xin Chúa, xin Đức Mẹ La Vang cứu con. Ngay trước thánh lễ, con đang nằm mê man bỗng sực ngồi dậy, thấy hết đau và tỉnh táo, dự trọn thánh lễ. Bây giờ con hết đau hẳn. Con xin cha dâng lời tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ La Vang rõ ràng là đã nhậm lời cầu nguyện của con lúc ngặt nghèo. Con cảm ơn những người tín hữu hành hương đã thương yêu giúp đỡ con”.
4. Dư âm Đại hội La Vang 23 (1993).
Kết thúc Đại hội La Vang 23, cha sở La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang, trưởng ban tổ chức Đại hội đã trả lời một số câu hỏi của anh chị em tín hữu hành hương. Xin trích đăng một số câu hỏi, đáp:
H. Cha nghĩ gì về Đại hội La Vang 1993?
Đ. Tôi nghĩ về Đại hội và nghĩ về La Vang:
Khi nghĩ về Đại hội, tôi nghĩ đến một số người Công giáo quy tụ tại một nơi nhất định, trong một thời gian nhất định để biểu lộ đức tin bằng nhiều cách như qua học hỏi, hội thảo, nghiên cứu, văn nghệ, thể thao, cầu nguyện…
Nghĩ về Đại hội La Vang năm 1993, tôi nghĩ đến Đại hội của những người Công giáo, theo truyền thống ba năm một lần, quy tụ lần thứ 23 về Thánh địa La Vang, nơi Đức Mẹ đã hiện ra năm 1798, để cầu nguyện đặc biệt trong ba ngày và kết thúc ba ngày cầu nguyện đặc biệt này bằng một cuộc kiệu Đại hội, với đức tin được biểu dương một cách tập thể, có kỷ luật, đầy sốt sắng. Vì thế, Đại hội La Vang được nổi bật bằng những thánh lễ đồng tế và cộng đồng, bằng sự cầu nguyện liên tục trước đài Đức Mẹ hiện ra bằng một cuộc kiệu long trọng tung hô Thiên Chúa và Mẹ Chí Thánh của Ngài.
H. Xem ra cha hình dung Đại hội La Vang như một cuộc cấm phòng, như một cuộc tĩnh tâm cầu nguyện với Chúa và với Đức Mẹ trong suốt ba ngày liên tiếp phải không?
Đ. Tôi không phải hình dung, mà tôi còn xác tín và cương quyết chủ trương như vậy. Trong ba năm, người Công giáo chúng ta sống 1.155 ngày mà nếu tính ra giờ thì được 27.720 giờ. Ba năm một lần, họ tự động theo truyền thống đến cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang tại đất thánh của Mẹ hiện ra trong ba ngày, nghĩa là trong 72 tiếng đồng hồ. 72 tiếng đồng hồ được cùng nhau cầunguyện sốt sắng nơi Mẹ hiện ra, thật là tỉ lệ thời gian quá ít ỏi so với 27.720 giờ ta sống trong ba năm. Vì thế những giây phút sống tại La Vang trong ba ngày Đại hội thật là quá quý hóa và quá linh thiêng.
H. Vì sao cha nói những người Công giáo “tự động” đến La Vang?
Đ. Tôi nói “tự động” vì không có “thư mời”, không có “giấy mời” trên báo, không có rao “tin mời” trên đài phát thanh hay truyền hình. Sau năm 1975, những người đến La Vang hành hương một năm ba lần và ba năm một lần là vì họ đến viếng Đức Mẹ La Vang, và họ biết, vì họ nghe những người bà con bạn bè nói lại, vì họ được các linh mục nhắc nhở, hoặc vì họ biết được cách nào khác mà tôi không biết, nhưng tôi nghĩ dễ biết hành hương La Vang vì đã có truyền thống từ lâu rồi.
H. Sau Đaị hội La Vang 1993 cha có những tâm tư và những suy tư nào?
Đ. Sau khi Đại hội La Vang kết thúc lúc 10 giờ 20 phút ngày Chúa nhật 15-8-1993, tôi cảm thấy tâm hồn thanh thản, bình an vì mục đích siêu nhiên của Đại hội đã đạt được kết quả một phần lớn. Và đây là điều nhờ ơn Đức Mẹ La Vang, tôi luôn cảm nghiệm được sau những lần hành hương La Vang từ năm 1975 cho tới bây giờ, với tư cách cha sở La Vang. Xét về mặt liên quan đến việc tổ chức hành hương La Vang tôi thấy còn rất nhiều thiếu sót và khuyết điểm ngoài ý muốn của mình. Nhưng những điều này không xóa được những mục đích siêu nhiên và thành công thiêng liêng mà mọi tín hữu hành hương nhắm đến, vì thế tôi thanh thản và an bình.
H. Cha không nghe những lời phê phán sau Đại hội 23 (1993) sao?
Đ. Tôi có nghe trực tiếp và gián tiếp, nhưng những lời phê phán này không cướp mất sự vui mừng và niềm hy vọng của tôi vào Đức Trinh Nữ Maria, vì tôi tin chắc rằng Đức Mẹ đã nâng đỡ Đại hội này một cách đặc biệt và đã cho chúng ta đạt được mục đích siêu nhiên và thiêng liêng.
H. Hỏi riêng cha, cha có tìm được những an ủi nào ngoài Chúa và Đức Mẹ La Vang không?
Đ. Nói “ngoài” thì không được, mà phải nói “trong”. Đó là những nhận xét đơn sơ, khiêm nhường, thành tâm, tự phát của một số tín hữu hành hương cho tôi biết về La Vang bằng lời nói trực tiếp, bằng giấy viết để lại, hoặc bằng thư từ gởi đến sau Đại hội, nhất là đó lại là thái độ siêu nhiên, chú tâm cầu nguyện, hy sinh ăn chay nằm đất và tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau của các tín hữu hành hương. Họ là những người con của Chúa, của Mẹ. Vì thế tôi nói “trong”.
H. Xin cha cho biết cụ thể?
Đ. Cụ thể, từ năm 1975 cho đến bây giờ, những khi có dịp gặp những người hành hương tại Thánh địa La Vang, trong những dịp hành hương, tôi luôn thấy sự vui mừng và thông cảm của họ trong ánh mắt, trên khuôn mặt, trong nụ cười, và nghe được những lời vui vẻ, thân mật. Đầy tin cẩn và khuyến khích. Cụ thể, những giấy tờ để lại sau khi hành hương về đều ghi cùng nội dung: “Xin cha cầu nguyện cho con, cho gia đình con…”. Ví dụ, một lá thư từ Xuân Lộc: “Từ ngày đi La Vang về, con rất nhớ Mẹ. Mẹ La Vang thật kỳ diệu… Từ ngày đi La Vang về, mỗi ngày con đọc kinh Kính Mừng một cách say mê… Cha thật là quả cảm. Cha rất diễm phúc vì được sống bên Mẹ. Con thấy ai cũng mến cha…”. Hoặc một thư từ Đắc Lắc: “Thấy con từ La Vang về, mọi người xúm xít hỏi con về Đại hội La Vang. Con đã nói rất nhiều về Đại hội La Vang qua ‘Lịch sử La Vang’… Con nói đến cha sở La Vang đã ân cần săn sóc giúp đỡ để con cái trần gian được gặp Mẹ thiên đàng tại La Vang. Con làm Tuần Cửu nhật kính Đức Mẹ La Vang để tạ ơn Mẹ qua bao ơn lành con đã nhận được trong chuyến đi xa gia đình lâu ngày này…”. Hoặc một thư khác từ Bình Điền: “Chúng con được tham dự Đại hội La Vang năm nay. Về nhà, chúng con thấy những người không đi được rất ước ao được nghe nhìn thánh lễ và cuộc hành hương Đại hội La Vang… Chúng con mong được sự giúp đỡ của cha để được thấy Đại hội La Vang qua video…”. Hoặc một thư khác từ giáo xứ Phủ Cam: “Ở đây con không dám nói đến những thiếu sót của Đại hội, con chỉ thấy rằng Đại hội đã thành công tốt đẹp… Thưa cha, con chỉ dám nói đến những gì liên quan đến anh em chúng con… Con mong sớm nhận được thư trả lời của cha”. Hoặc một thư khác từ TP.HCM: “Con là người được gặp cha và nhận từ nơi cha một số chiếu cho đoàn. Con muốn cho nhiều người biết và mến yêu Đức Mẹ La Vang. Con muốn đóng góp vài ý kiến về Đại hội La Vang 23 này… Đức Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể và hàng trăm linh mục đồng tế, hàng ngàn tu sĩ nam nữ và khoảng 150.000 người khắp ba miền Bắc Trung Nam về dự. Thật nhộn nhịp nhưng rất trật tự, trang nghiêm và sốt sắng. Cảm tưởng về Đại hội: Cuộc hành hương Đức Mẹ La Vang khá mệt nhọc, thiếu thốn, nóng nực và cát bụi, nhưng thật bổ ích cho đời sống tâm linh. Ước gì những khách hành hương mỗi khi nhớ đến Đức Mẹ La Vang là nhớ đến các tín hữu tại La Vang năm 1798, là nhớ đến các tín hữu và đồng bào hiện nay đang sống thiếu thốn, cơ cực tại La vang, miền đất hoang, khô cằn sỏi đá, mà cố gắng ‘Sống đức tin theo gương Mẹ Maria’, đối với mọi người quanh ta. Như thế, cuộc hành hương mới thật có hiệu quả tốt đẹp”.
H. Cha có ước nguyện gì về La Vang?
Đ. Tôi muốn La Vang trở nên một thành trì của sự cầu nguyện…
5. Hành hương La Vang sau Đại hội 23 (1993).
a/ Những cuộc hành hương theo định lệ:
+ Chúa nhật 12-12-1993: Hành hương La Vang mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm.
+ Thứ bảy 12-2-1994 (mồng 3 tết Giáp Tuất). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.
+ Chúa nhật 15-8-1994 (mồng 9-7 Giáp Tuất). Hành hương La Vang kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
+ Chúa nhật 11-12-1994 (10-11 Giáp Tuất). Hành hương La Vang mùa đông mừng lễ Đức Bà Vô Nhiễm.
b/ Cầu nguyện trước thánh lễ:
“Lạy Mẹ Maria La Vang. Mẹ hoàn toàn tinh khiết, là Đấng tốt đẹp tuyệt vời. Mừng lễ Mẹ hôm nay, chúng con xin hiệp với toàn thể Hội Thánh ca tụng kỳ công vô cùng cao quý mà Thiên Chúa toàn năng đã làm nơi Mẹ. Xin Mẹ cho chúng con được sống một cuộc đời thanh sạch như Mẹ, và với Mẹ, chúng con cất tiếng cùng nhau ngợi khen Thiên Chúa: Chúa đã làm cho tôi những việc cao cả, trọng đại. Vì danh Ngài là thánh”.
c/ Suy niệm về năm Mầu nhiệm:
+ Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai.
+ Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
+ Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá.
+ Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền thánh.
+ Đức Bà tìm gặp Đức Chúa Giêsu trong đền thánh.
d/ Lời nguyện kết thúc:
“Lạy Mẹ Maria, chính Mẹ là người được Thiên Chúa ở cùng. Mẹ là cửa ngõ để ơn Cứu Chuộc đi vào trần gian. Nếu ơn Cứu Chuộc được tràn ngập nơi tâm hồn mở rộng và sẵn sàng của Mẹ thì sẽ sinh hoa kết quả trên trần gian. Mẹ ở giữa loài người để tiếp nhận ơn Cứu độ thay cho nhân loại thì nhân loại cũng bước đi trên con đường giải thoát” (A.M.D.G. – Phúc âm của người nữ tỳ, tr.132).
“Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Lạy Mẹ La Vang xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”.
Thánh lễ đồng tế:
Thánh lễ đồng tế bắt đầu lúc 9 giờ 30, với hơn 10 linh mục đồng tế. Giáo dân tham dự khoảng 1.000 người.
+ Thứ năm 2-2-1995 (mồng 3 tết Ất Hợi). Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.
– Trước 09.00: Giáo dân cầu nguyện tại Linh đài.
– 09.00: Bắt đầu dàn kiệu.
– 09.30: Đi kiệu trong khuôn viên Thánh địa.
– 10.30: Thánh lễ đồng tế. Đức cha Giám quản Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế. Khoảng 15 linh mục hợp tế. 3.000 giáo dân dự lễ.
– 12.00: Bế mạc.
Kiệu Minh niên mồng 3 tết Ất Hợi là buổi hành hương thứ 60 theo thông lệ, cũng là buổi hành hương cuối cùng của cha sở E. Nguyễn Vinh Gioang, trong thời gian đúng 20 năm ngài phụ trách La Vang.
C. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM QUẢN TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ.
I. THAY ĐỔI NHÂN SỰ TẠI LA VANG.
1. Linh mục Giuse Dương Đức Toại: Quản xứ La Vang thứ sáu và quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang thứ tư(8).
Linh mục Giuse Dương Đức Toại sinh ngày 13-6-1941 tại giáo xứ An Ninh, Quảng Trị. Ngài là nghĩa tử của Đức ông Simon Nguyễn Văn Lập.
1951: Nhập TCV An Ninh, Cửa Tùng – Quảng Trị.
1953: Di cư vào Phú Xuân. TCV mượn cơ sở của ĐCV Phú Xuân.
1957: Học ở trường Thiên Hựu.
1958-1962: Lên ĐCV, vào học ở ĐCV Xuân Bích Thị Nghè, Sài Gòn.
1962-1968: Ra Huế, học ở ĐCV Xuân Bích Huế.
22-8-1968: Thụ phong linh mục tại Linh đài Đức Mẹ La Vang, do Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền truyền chức. Đây là thánh lễ truyền chức linh mục đầu tiên tại nơi theo tương truyền Đức Mẹ hiện ra.
Lần lượt giữ các chức vụ:
1968-1969: Phó xứ Tân Thuận.
1969-1972: Giáo sư trường Thiên Hựu.
1972-1975: Quản xứ Quy Lai, Thừa Thiên.
1975-1995: Quản xứ Thạch Bình, Thừa Thiên. Làm hạt trưởng hạt Thạch Bình (sau đổi thành hạt Hương Quảng Phong).
Ngày 16-2-1995, cha Giuse được bổ nhiệm quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La vang. Trong cương vị mới, với nỗ lực tối đa, cha Giuse đã cùng Giáo phận Huế nâng danh tiếng Đức Mẹ La Vang lên một tầm cao mới, mang tính quốc tế.
Cụ thể trong hai việc:
– Thay mặt Đức TGM Huế trực tiếp tổ chức thành công các kỳ Đại hội và các Đại lễ: Đại hội La Vang 24 (8-1996); Đại lễ Khai mạc Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang (1-1998); Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (8-1998); Đại lễ Bế mạc Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang – Đại hội La Vang 25 (8-1999); Đại lễ Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang (8-2001); Đại hội La Vang 26 (8-2002); Đại hội La Vang 27 (8-2005)…
– Từng bước tái thiết cơ sở vật chất tại Thánh địa La Vang, nổi bật với những công trình: Nhà Trung tâm, Nhà khách số 1 (sau tu viện MTG), Nhà khách số 2 (sát Nhà Trung tâm), nhà nguyện, nhà Truyền thống, nhà y tế, Lễ đài, tái tạo công trường Mân Côi, tái lập quảng trường Thánh Tâm Chúa Giêsu (sau Tháp cổ)…
Ngài rời nhiệm sở La Vang vào năm 2006.
Qua đời lúc 14 giờ 30 ngày 17-2-2010 tại bệnh viện Trung ương Huế. Hưởng thọ 69 tuổi, 42 năm linh mục. An táng tại Nghĩa trang Linh mục Thiên Thai – Huế.
2. Lễ bàn giao giữa hai linh mục tân cựu.
Ngày 16-2-1995, dưới sự chủ tọa của linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Huế Phaolô Nguyễn Kim Bính, cùng với sự hiện diện của quý cha trong hạt Quảng Trị, lễ bàn giao giữa hai linh mục tân cựu La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang và Giuse Dương Đức Toại đã diễn ra trang trọng, thân tình.
Đức cha Giám quản Têphanô Nguyễn Như Thể vì bận công việc không ra được, ngài đã viết thư cho cha cựu bổn sở La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang nói lên tấm lòng biết ơn của Giáo phận Huế:
“Giáo phận Huế hết lòng cám ơn cha đã dày công lo lắng cho giáo xứ La Vang và Trung tâm Thánh Mẫu La Vang trong những năm tháng hết sức khó khăn và thiếu thốn nhiều mặt”.
THƯ CỦA ĐỨC GIÁM QUẢN TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ GỞI CHA QUẢN NHIỆM LA VANG E. NGUYỄN VINH GIOANG ĐỀ NGÀY 16-2-1995
(Ảnh: Tư liệu của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
Trước đó, trong một thư khác đề ngày 21-9-1994, Đức Giám quản cũng có lời tương tự:
“Giáo phận hết lòng cám ơn cha về những công ơn to lớn đối với Trung tâm Thánh Mẫu La Vang. Xin Đức Mẹ luôn phù hộ cha”.
THƯ CỦA ĐỨC GIÁM QUẢN TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ GỞI CHA QUẢN NHIỆM LA VANG E. NGUYỄN VINH GIOANG ĐỀ NGÀY 21-9-1994
(Ảnh: Tư liệu của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
Trong lễ bàn giao, cha cựu bổn sở La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang đã trình bày bằng văn bản 15 trang đánh máy khổ A4, gồm hai nội dung(9):
+ Phần 1: La Vang qua 20 năm (1975-1995) do cha E. Nguyễn Vinh Gioang làm quản nhiệm:
– La Vang với cơ sở vật chất hoang tàn đổ nát từ cuộc chiến 1972 để lại.
– La Vang với các cuộc hành hương trong hoàn cảnh “khó khăn và tế nhị”, từ tháng 8-1975.
– La Vang với những khó khăn riêng đối với cha sở, trong hoàn cảnh khó khăn chung.
– La Vang với những công trình đã được tái thiết trong 20 năm qua.
+ Phần 2: Phần chi thu
– Thu từ các nguồn trong 20 năm = 218.858.000 VNĐ. Bình quân hơn 10 triệu/ năm.
– Chi cho toàn bộ công việc, nhiều nhất là xây dựng cơ bản = 316.720.300 VNĐ. Cộng: âm 97.862.300 VNĐ.
Bản báo cáo viết:
“Chi trong việc tu bổ đài Đức Mẹ, lát xi măng nền đài Đức Mẹ, làm những con đường bằng xi măng trong vườn Đức Mẹ, làm khuôn viên vườn Đức Mẹ, làm khuôn viên đền thờ và nhà thờ, sửa giếng Đức Mẹ và hai giếng nơi nhà cha sở, đào thêm ba giếng mới, sửa nhà cha sở để làm nhà thờ giáo xứ La Vang, sửa phòng cha sở và các phòng liên hệ, sửa tầng lầu trên của nhà cha sở, làm nhà bếp, nhà kho, phòng khách, phòng lưu niệm, phòng trú cho các người phục vụ Linh địa La Vang, hệ thống nhà vệ sinh, hệ thống nước, hệ thống âm thanh và ánh sáng”.
II. HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC GIÁM QUẢN TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ.
1. Đại hội La Vang 24 (1996).
a/ Ý nghĩa Đại hội La Vang 24 (1996).
Đại hội La Vang 24 là Đại hội có tính toàn quốc sau 26 năm (1970-1996), qua 6 Đại hội (18, 19, 20, 21, 22, 23) chỉ diễn ra ở cấp Địa phận Huế.
Về phía giáo quyền, có sự hiện diện của Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, TGM Hà Nội, chủ tọa Đại hội; các Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, Giám quản Huế; Phaolô Cao Đình Thuyên, Giám mục Vinh; Alexi Phạm Văn Lộc, Giám mục Kontum; Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Thanh Hóa.
Về phía chính quyền, có vị đại diện chính quyền tỉnh Quảng Trị. Trên Lễ đài, đứng giữa Đức cha Giám quản Têphanô Nguyễn Như Thể và linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang Giuse Dương Đức Toại, ông phát biểu:
“Hôm nay, nằm trong khung cảnh đất nước thực hiện chương trình đổi mới, tôi xin đại diện cho Ủy ban Nhân dân các cấp tỉnh, huyện và xã chúc mừng Đại hội La Vang”.
Trước Đại hội La Vang hơn hai tháng, ngày 10-6-1996 Đức Hồng y Quốc vụ khanh Angelo Sodano đã gởi thư đến Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, nhân danh Đức Thánh cha Gioan Phaolô II “Mời gọi các tín hữu hãy tin tưởng chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria mà học biết đón nhận Chúa Kitô, giữ Chúa sống trong lòng và trở nên những chứng nhân chiếu tỏa Chúa giữa anh em đồng bào mình. Đức Thánh cha khẩn nài lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang là Đấng phù hộ giáo hữu tại Việt Nam, đồng thời ngài rộng lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho các Giám mục, linh mục tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân hiện diện trong dịp Đại hội này”.
+ Đại hội La Vang 24 hướng tới kỷ niệm 200 năm (1798-1998) Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.
Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang sẽ là một sự kiện trọng đại đối với Giáo hội Việt Nam, như lời Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể đã nói:
“Chúng ta sắp bước vào năm 1998, năm trọng đại nhất trong lịch sử Giáo phận Huế và Giáo hội Việt Nam. Đó là biến cố mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang này. La Vang, vùng đất khó nghèo, sỏi đá nhưng thật diễm phúc vì đã được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Vùng đất thiên ân này, Thánh địa La Vang này hằng ngày, hằng đêm dâng lời cảm tạ tri ân: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”(10).
Nhưng Đại lễ có tổ chức được hay không, tổ chức ở mức độ nào, cấp nào là điều chưa thể quả quyết. Điều này tất yếu bị ảnh hưởng bởi sự thành bại của Đại hội 24, Đại hội toàn quốc đầu tiên sau 21 năm (1975-1996) đất nước thống nhất, sau 8 năm đổi mới.
HUY HIỆU ĐẠI HỘI LA VANG 1996
Tuy nhiên, để hướng tới kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, về mặt tổ chức, vật chất, hình thức không phải là phần quyết định tất cả, như lời Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể đã căn dặn:
“Chúng ta hãy tích cực chuẩn bị cả vật chất lẫn tinh thần, mà chuẩn bị về mặt tinh thần, đạo đức là chính yếu. Vậy mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn đều đồng loạt hướng về 200 năm Đức Mẹ La Vang với quyết tâm sám hối lỗi lầm, canh tân đời sống, hòa giải với anh em, học hỏi về Đức Mẹ, khiêm cung bước theo Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin, chan chứa vui mừng và hy vọng”(11).
Trước Đại hội 24, ngày 1-8-1996, trong thư kêu gọi cộng đồng Dân Chúa chuẩn bị mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã nhắn nhủ:
“Chúng tôi tha thiết kêu mời các đấng bậc và anh chị em tín hữu trong cũng như ngoài nước tích cực đóng góp: góp ý kiến, góp công, góp của, góp lời cầu nguyện để tu sửa lại Thánh địa và trang bị những tiện nghi cần thiết cho việc tổ chức Đại lễ năm 1998 được chu đáo và long trọng nhằm tôn vinh Đức Mẹ và xin Người ban xuống mọi ơn lành cho con cái hằng tin cậy ở Người”(12).
+ Đại hội La Vang 24 hướng tới Năm Thánh 2000 của Giáo hội toàn cầu.
Cũng trong thư kêu gọi đã dẫn, Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể viết tiếp:
“Để chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000, Đức Thánh cha đã ban hành một Tông thư nhan đề: ‘Tiến về ngàn năm thứ ba’. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh cha, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã soạn ra một tài liệu gởi cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam. Tài liệu đó đề ra một chương trình gồm ba giai đoạn:
THÁP CỔ TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 1996
(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)
+ Giai đoạn 1 (1995-1996): Dành cho việc ăn năn sám hối và canh tân đời sống.
+ Giai đoạn 2 (1997-1999): Gồm 3 năm:
– Năm 1997: Học về Chúa Kitô và thực hành sống đức tin theo gương Mẹ Maria.
– Năm 1998: Học về Chúa Thánh Thần và thực hành sống tinh thần phó thác vào lời hứa của Thiên Chúa theo gương Mẹ Maria.
– Năm 1999: Học về Thiên Chúa Cha và thực hành sống đức mến – Mến Chúa yêu người theo gương Mẹ Maria.
+ Giai đoạn 3 (2000): Cũng là giai đoạn chót gồm cả năm 2000, dành để học và sống mầu nhiệm Phép Thánh Thể. Trong Phép Thánh Thể, Chúa Kitô, Đấng đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria cách đây 2000 năm để cứu độ trần gian, và hiện nay Ngài hiến mình làm lương thực và nguồn mạch ban Ơn Cứu độ cho nhân loại.
Trong kế hoạch cứu độ mà Chúa Kitô đã thực hiện, Đức Mẹ Maria có một vai trò cộng tác rất quan trọng. Qua Đức Mẹ mà Đấng Cứu Độ đã sinh xuống trần gian. Cũng qua Đức Mẹ mà Ơn Cứu độ được thông ban cho chúng ta.
Trong những năm Giáo hội toàn cầu chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000, Giáo hội Việt Nam cũng chuẩn bị mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Sự trùng hợp đó chắc có một ý nghĩa.
(…)
Chúng tôi tha thiết ước mong cộng đồng Dân Chúa trong cũng như ngoài nước nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh cha và Hội đồng Giám mục Việt Nam, tích cực chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000, đồng thời chuẩn bị mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, bằng cách học hiểu và thực hành những điều Đức Thánh cha dạy trong Tông thư Tiến về ngàn năm thứ ba”.
b/ Diễn tiến Đại hội La Vang 24 (1996).
+ Các thánh lễ đồng tế trong Tam nhật Đại hội La Vang 24:
– 17.00, ngày 13-8-1996: Thánh lễ đồng tế khai mạc do Đức TGM Giám quản Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế và giảng lễ.
– 08.30, ngày 14-8-1996: Thánh lễ đồng tế mừng kính mầu nhiệm Đức Bà Đi Viếng Bà Thánh Isave, do cha bề trên các dòng nữ Giacôbê Lê Văn Mẫn chủ tế. Cha PX. Lê Văn Hồng giảng lễ. Ca đoàn dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Bãi Dâu hát lễ.
– 08.30, ngày 15-8-1996: Thánh lễ đồng tế mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Thánh lễ bế mạc, do Đức Hồng y chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng chủ tế.
+ Tường thuật Đại hội La Vang 24(13):
Cây đa bến cũ còn lưa,
La Vang Mẹ gọi, xin thưa con về.
(…)
“Tôi đã chen chúc giữa đoàn người đông như kiến cỏ khắp nơi trong nước tuôn đến, từ hải ngoại đổ về. Họ đã cắm lều, dựng trại sơ sài để vui sống ba ngày bên Mẹ, với Mẹ, không quản nhọc nhằn, mưa nắng. Tôi đã lắng nghe trăm lời kinh, ngàn tiếng hát, vạn lời cầu vang dội dâng lên Mẹ, giữa những tiếng đàn tranh điêu luyện của ban nhạc được tạm thiết lập giữa trời… Tôi đã lắng nghe những bài giảng sâu xa của các vị Hồng y, Giám mục, linh mục nhắc nhớ đến tình thương của Mẹ, niềm mong đợi của Mẹ, nguyện cầu, sám hối và tình anh em nghĩa thiết đồng bào chia sẻ… Tôi đã mục kích cảnh phái đoàn đồng bào dân tộc thiểu số nhảy múa theo nhịp điệu bản làng chào mừng Mẹ, hoặc chị em trong phái đoàn của họ dâng hoa và hát vang khi đoàn kiệu Đức Mẹ đi ngang… Tôi đã chứng kiến cảnh những ông già bà cả tay lần hột, miệng lâm râm khẩn cầu cùng Mẹ cho những ngày còn lại của cuộc đời xế bóng qua trong niềm tin yêu… Tôi cũng đã chứng kiến cảnh những em bé còn thơ dại, chưa hiểu vào đời là gì, mệt nhoài vì thời tiết, đã nằm ngủ say, hồn nhiên trên mảnh chiếu bà mẹ đem theo…
Tất cả những hình ảnh thân thương đó của đoàn người hành hương đến với Mẹ đã đúc kết thành một chuỗi dài lời kinh dâng lên Mẹ hiền vào dịp Đại hội Hành hương 1996 vừa qua đã làm cho tâm hồn tôi bàng hoàng xúc động. Hàng ngàn con tim cùng đập một nhịp chào mừng tình thương yêu của Mẹ Việt Nam, Mẹ của Giáo hội Việt Nam, tình Mẹ bền vững từ ngàn xưa cho đến ngày nay! Thật đúng như lời vị Giám quản Giáo phận Huế, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, trong bài giảng khai mạc Đại hội 24: ‘Trải qua bao biến đổi, Mẹ vẫn còn đó để phù hộ đoàn con ngày càng đông đảo trong cái nghèo khó, mộc mạc của Thánh địa La Vang’.
La Vang tưng bừng Đại hội.
Đại hội Hành hương La Vang 24 (1996) vừa qua, Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội và là Chủ tịch HĐGMVN, từ thủ đô đáp phi cơ đến chủ tọa. Các Giám mục, linh mục và nhiều tu sĩ nam nữ cùng hàng ngàn giáo dân hân hoan đón chào ngài. Ngài vui vẻ đưa tay chào mọi người và nhận bó hoa tươi thắm giáo dân dâng tặng. Ngài tỏ niềm sung sướng được đến La Vang như lòng bấy lâu hằng mong ước, để chung vui và cầu nguyện cùng anh chị em tín hữu ba miền và hải ngoại về, ngài nói: ‘Tôi cảm tạ Chúa và Mẹ Maria đã ban cho tôi được dịp đến hành hương nơi Linh địa này. Một ơn mà tôi hằng mong ước được thực hiện…’ Mọi người vỗ tay tán thưởng lời nói đầy chân thành và chí thiết của một vị Hồng y.
Ngoài ra, Đại hội La Vang lần thứ 24 này được Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Angelo Sodano, gởi thư ngày 1-6-1996, chuyển lời Đức Thánh cha Gioan Phaolô II chúc mừng Đại hội và ban Phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho những ai tham dự Đại hội Hành hương… Lòng người cha chung luôn hướng về Giáo hội Việt Nam, vì chính ngài đã ưu ái nâng 117 vị trong số 30.000 vị Tử Đạo ở Việt Nam thời xưa lên hàng Hiển Thánh cách đây vừa đúng 8 năm(1988-1996).
Đức Thánh cha ban lời huấn dụ:
‘Tôi phó thác toàn thể cộng đồng Công giáo Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang cầu bầu. Mẹ là hiền mẫu đã hiện ra vào năm 1798 để an ủi giáo hữu thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo. Không lâu nữa, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, vốn đã được thánh hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, sẽ mừng biến cố 200 năm này…’.
Một điều đáng chú ý nữa là về phía chính quyền địa phương, vị đại diện, đứng giữa Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể và cha sở La Vang Giuse Dương Đức Toại, phát biểu thân tình trên máy vi âm: ‘Hôm nay, nằm trong khung cảnh đất nước thực hiện chương trình Đổi Mới, tôi xin đại diện cho Ủy ban tỉnh, huyện, xã chúc mừng Đại hội La Vang…’.
Lễ bái lạy được cử hành theo truyền thống dân tộc, có phẩm phục đại triều thuở xưa, có lọng tàn, cờ quạt, có tiếng chiêng trống, có hương nến, có bái lạy phủ phục trước Linh đài Mẹ, có bái gối theo tiếng nhịp gõ…, làm cho ta nhớ đến quang cảnh và lễ nghi tế trời ở Nam Giao thời vua Gia Long và cựu hoàng đế Bảo Đại (vị vua Việt Nam cuối cùng đã trở lại đạo Công giáo vào dịp lễ Phục sinh 17-4-1988, hai tháng trước đại lễ phong thánh 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam, 19-6-1988. Người từ trần tại Paris ngày 31-7-1997 vừa qua, hưởng thọ 84 tuổi).
Đại hội La Vang 24 được đầy đủ lời chào chân thành và thiết tha như thế, và con cái Mẹ đến thật đông đủ, nép dưới tà áo Mẹ, thiết tưởng Đức Mẹ cũng không mong gì hơn. Chỉ có tình thương của Mẹ mới quy tụ được lương giáo, các phẩm trật Giáo hội Việt Nam, tín hữu ba miền, con cái ở hải ngoại trở về, đồng bào thiểu số ở xa cũng tìm đến…
Ăn chay nằm đất.
Gặp trời nắng như thiêu làm cho nơi ăn chốn ở của hàng trăm ngàn người từ khắp mọi miền quê hương và từ nước ngoài đổ về thêm chật chội khó chịu. Trên trời nắng chói chang, dưới đất người đông không còn chỗ chen chân, tay luôn cầm chiếc quạt nhỏ phây phất tìm làn gió nhẹ…, nhưng mọi người và mỗi người ngồi yên trên những đống gạch đổ nát của thánh đường, hay đứng trầm lặng dưới bóng cây, vây quanh cái giếng Đức Mẹ, vẫn vui tươi, nhẫn nại, chăm chỉ lắng nghe lời vàng ngọc của vị chủ chăn giáo phận, đấng có sứ mạng bảo vệ và xúc tiến lòng tin vào Mẹ từ ái nơi Thánh địa. Gương mặt hiền hòa của Đức Tổng Giám mục khả ái và khả kính hiện rõ dưới vầng trán cao và giọng Huế trong trẻo, rõ ràng của người đã rót nhẹ vào tai đoàn người trầm ngâm suy tưởng làm cho bài giảng có dài, có thâm sâu cũng được lọt vào tim của người nghe:
‘Đức Mẹ đến làm cho vùng đất khó nghèo này vang dội Tin Mừng tình yêu Chúa gần 200 năm, để trổ sinh hoa trái nơi con cái thập phương. Khách lữ hành nhắm về quê Người. Hành hương là bỏ lại tiện nghi ở nhà, lên đường thanh thoát, nhẹ nhõm. Tinh thần hành hương là sám hối, đền tội, mặc dầu bao nhọc nhằn, đến nơi phải ăn chay, nằm đất. Tinh thần hành hương là thực thi bác ái, là giúp đỡ nhau như anh em đại gia đình nhà Mẹ…’.
Bài giảng nhiều đoạn nghe như những câu thơ. Đôi khi ngài lại tủm tỉm cười khi nhắc đến ca dao tục ngữ làm cho người nghe như say sưa:
‘La Vang một chốn để về, một trời để nhớ…, Khung cảnh La Vang rất đượm tình quê hương, như giòng nước, như vườn cây…, Mẹ La Vang, Mẹ rất Việt Nam, mẹ yêu dấu của mỗi người chúng ta. Sống với Mẹ, cầu nguyện với Mẹ…, Mẹ La Vang như ca dao tục ngữ, như bài hát ru con:
Cảnh nghèo một mảnh chiếu nan,
Bên ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn’.
Cảm động thay lúc đến giờ cầu nguyện của từng giới trước Linh đài Mẹ. Đủ mọi thành phần già trẻ lớn bé, trong nước, ngoài nước. Người ta nhận thấy có nhóm thiếu nhi, nhóm thanh niên nam nữ, nhóm phụ nữ, giới tu sĩ, giới cha mẹ gia đình, đặc biệt là giới trẻ rất đông đảo, tiến đến trong vòng trật tự của hội đoàn, vì tuổi trẻ là tương lai của Giáo hội, là thành phần hăng say vì lý tưởng…, rồi đến đoàn hành hương từ nước ngoài về, dù cách xa ngàn trùng, con cái Mẹ ở hải ngoại luôn hướng về Mẹ Việt Nam quê hương. Trong khi đó, lời Đức TGM Giáo phận Huế vang dội: ‘Thật phấn khởi cùng nhau hướng về Mẹ, dâng lên Mẹ lời cầu. Mẹ nhìn thấy từng người, từng giới đến cùng Mẹ…’. Ca đoàn giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thành phố Huế cất cao lời ca tung hô Nữ Vương Hòa Bình: ‘Tung hô, tung hô Mẹ…, sáng khắp đất nước bao la. Tung hô, tung hô…, đem nguồn sống an vui chan hòa’. Tiếng hát trầm bổng ấy hòa lẫn với những lời cầu kinh của mỗi giới vang dội lại từ xa: ‘Kính mừng Maria đầy ơn phước…, làm thành một bản nhạc đầy cung giọng, nhưng chân thành thiết tha dâng Mẹ… Trên trời cao, chắc hẳn Mẹ Maria không thể không đoái nhìn đoàn con đến từ muôn phương, một lòng một dạ, một lời khẩn cầu, một ước mong đời sống theo Tin Mừng mà Mẹ đem đến, hay quyết tâm đổi mới đời sống, như lời Đức TGM chủ tế mời gọi.
Cảm động không kém khi Đức TGM Huế lên máy vi âm chào mừng Đức Hồng y và ngỏ lời cùng tất cả:
‘Người lương giáo, từ muôn phương tuôn về La Vang hành hương nguyện cầu xin ơn độ trì, và Đức Mẹ đã giữ lời hứa ban nhiều ơn hồn xác… Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ ban ơn theo ý nguyện… Vâng, tại chốn này, tại Thánh địa La Vang này, Đức Hồng y, các Giám mục, các linh mục và mọi người, mọi giới đang ở chốn linh thiêng này chung lòng cầu khẩn cùng Mẹ cho quê hương Việt Nam, cho hết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, cho nhân loại đang tiến về năm 2000. Mẹ sẽ nhậm lời cầu xin và ban ơn theo ý nguyện’.
Canh thức bên Mẹ.
Lời nói của Đức TGM Huế dẫn ta đến với những buổi trình diễn trên sân khấu vào đêm canh thức bên Mẹ. Nào là hoạt cảnh Mẹ Âu Cơ với trăm con múa hát quanh tổ vật Rồng Thiêng như gợi lại nòi giống cao cả Tiên Rồng. Nào diễn lại sự tích Đức Mẹ La Vang hiện ra năm 1798 trước đoàn con tụ tập đọc kinh, giơ cao chuỗi hạt khẩn cầu. Mọi người đã được nghe lại từng lời Mẹ đã phán: ‘Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện. Hãy vững lòng tin và bền tâm cầu nguyện. Mẹ sẽ đến viếng thăm các con…’.
Nơi đây nữa, lời của vị chủ chăn địa phận lại đánh động lòng con cái:
‘Đêm nay chúng ta cùng thức với Mẹ, thức nhờ Mẹ. Mẹ La Vang, Mẹ Âu Cơ Việt Nam. Phải, chúng ta thức bên Mẹ, yêu thương Mẹ. Mẹ là con người của Tin Mừng. Ta cầu nguyện với Mẹ để học biết đón nhận Tin Mừng sự sống, đón nhận trọn vẹn như Mẹ. Chúng ta cùng canh thức với Mẹ cho Giáo hội đang tiến về năm 2000. Chúng ta hy vọng với Mẹ, thế giới sẽ hướng tới nền văn minh sự sống và tình thương. Một thế giới biết đón nhận Tin Mừng sự sống, tôn trọng và phát triển sự sống…’.
Rồi, để kết thúc đêm canh thức với Mẹ, nhờ Mẹ, Đức TGM lại lên tiếng:
‘Đêm đang lui dần về khuya…
Bao giờ tháng tám đêm rằm,
Mẹ ra trải chiếu, ta nằm đếm sao.
Nhiều sao, một sao, hai sao, ba sao và ngàn vạn sao. Nhưng đêm nay không có sao, bởi vì Đức Mẹ là ngôi sao thay cho chòm sao’.
Hình ảnh ví von thơ mộng ấy đã làm cho mọi người có mặt vỗ tay tán thưởng vị lãnh đạo ưa thi phú. Ngừng một chút sau khi hơi mỉm cười, ngài lại nói tiếp với những hình ảnh đầy thú vị:
‘ Mẹ là Sao Hôm, Mẹ là Sao Mai, là ánh sáng soi lối con đi, đi từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, đi trong lịch sử, đi vào lòng người, đi nối niềm tin tình nghĩa đồng bào, đi nối niềm tin đất với trời, đi cho tới năm 2000, đi cho tới thiên niên kỷ thứ ba, đi cho tới thiên thời địa lợi và nhân hòa. Cùng Mẹ con đi, đi cho tới tận nguồn Chúa Cha, Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần…’.
Sau đó, cha sở La Vang mời mọi người hát bài ‘Lạy Mẹ là ngôi sao sáng’.
Mẹ Âu Cơ trăm con.
Nói làm sao cho hết những cảm nghĩ, tâm tình tôi đã được sống trong những ngày Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang 24. Làm sao suy gẫm cho thấu đáo hết những ý tưởng vừa đượm tình dân tộc vừa đưa tâm hồn ta lên cao với Mẹ qua những lời giảng sâu xa của Đức TGM Huế mà tôi trích lại khá nhiều. Tiếc là không thể nhắc lại tất cả!
Làm sao diễn tả hết những tâm tình nhớ quê, nhớ đồng bào, nhớ cây đa bến cũ, nhớ đến một em xinh xinh tên là La Vang, cô học trò cũ rất ngoan đạo và là em Nghĩa binh Thánh Thể sốt sắng, đoàn viên của tôi ngày xa xưa. Bấy giờ, mỗi ngày Chúa nhật, khi đi lễ rồi họp đoàn, em đưa cho tôi tổng số lời nguyện tắt em đọc trong tuần. Tôi hỏi em sao lại có cái tên đẹp như thế? Em tủm tỉm cười để lộ đôi má lún đồng tiền dễ thương, cho hay: Em là kết tinh của lời thân mẫu rất đạo đức cầu xin cùng Đức Mẹ La Vang, xin cho sanh được một người con, và bà mẹ hứa là người con diễm phúc ấy sẽ mang tên nơi chốn Mẹ hiện ra! Và Đức Mẹ La Vang đã nhậm lời. Thế là em mang tên Thánh địa kể từ đó!
Về sau em trở nên một nữ sinh sắc sảo mặn mà, học giỏi, thi đỗ Tú tài và làm việc văn phòng tại một công sở của Chính phủ Sài Gòn. Nhưng bẵng đi một thời gian rất lâu tôi mới có dịp đến thăm em tại đường Lê Văn Duyệt. Em buồn rầu cho biết là bà mẹ hiền hậu đạo đức, tuy chưa già yếu lắm, đã đột ngột qua đời. Bà không đau ốm gì, và qua đời một cách êm ái như người nằm ngủ. Có lẽ Đức Mẹ đã xuống đón tâm hồn đạo đức kia, kẻ đầy lòng tin cậy quyền phép Mẹ năm xưa, về hưởng hạnh phúc trong tình yêu Chúa. Còn em, đang tuổi xuân, mất mẹ, nhưng em hướng cả tâm hồn và cuộc sống bây giờ vào tình mẫu tử của người mẹ Thiên Quốc: Mẹ La Vang!
Làm sao không khỏi cảm động khi vào ngày kết thúc với thánh lễ đồng tế có Đức Hồng y, nhiều Giám mục và trăm linh mục. Đại diện các đoàn thể từ giữa đám đông tiến lên tam cấp bàn thờ dâng lễ vật cho Chúa và Đức Mẹ. Nhiều nhóm đại diện không thể kể hết, chỉ xin nói đến bốn nhóm lên trước tiên. Nhóm đại diện miền Bắc dâng lễ vật là bánh chưng, bánh dầy, món ăn đặc biệt của miền Bắc và cũng là thức ăn dùng để tế tự. Nhóm đại diện miền Nam dâng lễ vật là hai cây nến sáp to đang cháy sáng. Nến sáng tượng trưng sức sống mạnh mẽ tình yêu của Chúa và Mẹ Maria, rồi thông chia cho anh em đồng loại. Nhóm đại diện miền Trung, xứ Huế dâng lễ vật là mâm trầu cau, tình anh em Tân – Lang khắng khít trong truyện cổ tích dân tộc Trầu Cau. Miếng trầu là đầu câu chuyện, mở tâm hồn đón nhận thập phương, hay là lễ vật xe duyên Ông Tơ, Bà Nguyệt. Nhóm đại diện đồng bào thiểu số, lễ vật là đặc sản của họ: trầm hương, chuối, măng tre, bánh mè, cung nỏ. Đặc biệt hôm ấy có hai nhóm dân tộc: nhóm Thừa Thiên và nhóm Tây Nguyên. Nhóm sau này có hai vị nữ tu mà tiếng của họ gọi là ‘dá’. Hai dá dâng một khăn bàn thờ do chính họ làm ra. Tin Mừng mà Mẹ đem tới là hoa quả tốt đẹp tận miền sơn cước…
Vương vấn hẹn hò.
‘Ngày vui mấy rồi cũng hết. Ngày hân hoan sống gần bên Mẹ rồi cũng phải đến ngày chia tay, tuy đôi mắt vương lệ sầu. Ngày gặp gỡ nhau trong tình bác ái của Đức Kitô mà mọi người là anh em, là ruột thịt, là cùng quê quán. Mỗi người nói một thứ tiếng, nhưng ai cũng hiểu nhau vì Thần Khí Thiên Chúa đã ngự trị, phủ lấy họ như ngày lễ Hiện Xuống thuở xưa’… – Lời Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Thanh Hóa, Tổng thư ký HĐGMVN.
Cha sở La Vang Giuse Dương Đức Toại lên máy vi âm nói mấy lời cảm ơn Đức Thánh cha, các vị thượng khách đạo đời, anh chị em tín hữu…, và hẹn gặp lại vào dịp Đại hội La Vang 1998, mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.
Hàng trăm thiếu nữ nhẹ nhàng trong y phục trắng toát đang uyển chuyển lay đưa nhịp nhàng những miếng vải lụa trắng dài, óng ánh, mềm mại như niềm vui trong ba ngày qua. Tay cầm đong đưa, miệng hát bài hò ơi, hò ơi…, làm cho ta có cảm tưởng như hội Trùng Dương, như dòng sông uốn khúc, chảy xiết, xuất phát từ ngôi thánh đường cũ của Mẹ tuôn xối ơn lành xuống cho đoàn con:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Chùm bong bóng bay đầy màu sắc, có mang hình Đức Mẹ La Vang vẽ trên lụa được cắt dây bay thẳng lên trời như tiễn đưa hàng ngàn con cái Mẹ từ từ tản mác ra về trong luyến tiếc… Trên con đường cát bụi dẫn mỗi người về mỗi hướng, phương tiện vận chuyển khác nhau, nhưng đoàn con ai nấy nghẹn ngào khi bước dần xa Mẹ. Mỗi bước đi là bóng Mẹ lùi dần trong nhung nhớ!
Nhưng trên trời cao Mẹ thấu hiểu lòng con như thầm hẹn:
Cây đa bến cũ còn lưa,
La Vang Mẹ gọi, xin thưa con về!
… … …”
2. Hình ảnh rước kiệu Đức Mẹ La Vang trong Đại hội 24 (1996):
ĐOÀN THIẾU NHI VÃI HOA VÀ DÂNG HOA GIÁO XỨ PHỦ CAM BÊN BÀN KIỆU ĐỨC MẸ LA VANG
ĐẠI HỘI LA VANG 24 (1996)
(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)
ĐOÀN KIỆU TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 24 (1996)
(Ảnh 1+2: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
CÁC ĐỨC GIÁM MỤC TRONG ĐOÀN KIỆU
(Ảnh: Nhà Truyền thống La Vang)
3. Truyền thông trong nước bắt đầu lên tiếng: La Vang – Thánh địa cổ tích(14).
Sau thành công của Đại hội La Vang 24 (1996), trên mục Nhật ký lữ hành của Tuần báo Tuổi trẻ chủ nhật đã có bài La Vang – Thánh địa cổ tích, giới thiệu về cảnh quan và lịch sử La Vang.
Phải thành thật nhận định rằng, về mặt lịch sử, bài báo có nhiều chi tiết chưa thật chính xác, nhưng chính nó mang lại một tính cách lịch sử đặc biệt, vì đã qua 21 năm (1975-1996) chưa có tờ báo nào trong nước (ngoại trừ tạp chí Cửa Việt với bài phỏng vấn ông Đại biểu Quốc hội Lê Văn Hoan – đã giới thiệu), kể cả các tờ báo Công giáo, đề cập đến vấn đề La Vang!
Vì tính cách lịch sử này, chúng tôi xin trích đăng bài La Vang – Thánh địa cổ tích, kèm hình Thánh đường La Vang đổ nát của tác giả Trần Minh Tích (Huế):
“… Muốn đến La Vang có hai con đường, nếu không đi theo con đường đất đỏ du khách có thể đi vào đường rải đá dăm cách đó chừng 5km. Ngay đầu đường là tấm bảng chỉ đường kẻ dòng chữ THÁNH ĐỊA LA VANG. Giữa vùng rừng núi hoang vắng tuyệt đẹp, La Vang nổi lên như một cung điện cổ đầy kỳ bí.
Thánh địa La Vang chia làm ba khu vực. Đường trung tâm đi vào là khuôn viên rộng lớn trên nghìn mét vuông, hai bên là hai dãy tượng đài bằng đá trắng. Mỗi tượng đài biểu hiện một nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao. 14 tượng đài (có ba tượng đài còn trống) với những nét chạm trổ cách điệu đầy ấn tượng rất thu hút du khách. Nhìn những tượng đài, giữa quang cảnh hoang sơ như những cây nến trắng rực sáng dưới bầu trời trong xanh, chúng tôi ai cũng ngẩn ngơ. Nằm sâu vào phía trong khu vực trung tâm là ngôi thánh đường chính. Trước kia thánh đường này là ngôi nhà thờ hai tầng (mái) cao ngất với cây tháp vuông trông mạnh mẽ, nhưng bây giờ chiến tranh và thời gian đã khiến nó hư hại nhiều. Kiến trúc cũ nay đã sạt lở, lớp gạch đỏ xưa giờ rêu xanh phủ kín, nền um tùm cỏ dại…
Được xây dựng năm 1798 (?), gần 200 năm qua thánh đường La Vang đã nhiều lần được sửa chữa. Ngôi nhà thờ chính được xây dựng kiên cố thay thế các nhà thờ nhỏ quá chật chội vào năm 1928, sau đó tu sửa lại năm 1959.
Với những kiến trúc cổ, cộng với cảnh quan La Vang trở thành một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng trên quê hương Quảng Trị”.
LA VANG – THÁNH ĐỊA CỔ TÍCH.
(Tuổi trẻ chủ nhật. Số 46-96 (680), ngày 24-11-1996, tr.29)
4. Hành hương La Vang sau Đại hội 24 – Hướng tới Năm Toàn xá Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang(15).
+ Thứ hai 9-12-1996 (29-10 Bính Tý): Hành hương La Vang mùng lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội.
+ Chúa nhật 9-2-1997 (mồng 3 tết Đinh Sửu): Kiệu Minh niên dâng năm mới cho Đức Mẹ.
+ Thứ sáu 15-8-1997 (13-7 Đinh Sửu): Hành hương La Vang thường niên mùng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Đức TGM Têphanô chủ tế thánh lễ đồng tế. Trong bài giảng lễ, ngài nói:
“Nhân loại đang tiến gần tới năm 2000 là mốc lịch sử rất quan trọng. Giáo hội Công giáo cùng nhịp bước trong dòng lịch sử hướng về Năm Thánh 2000 – Năm Toàn Xá.
Hôm nay, chúng ta về đây, bên Mẹ La Vang, cùng với Mẹ ca ngợi tạ ơn Chúa đã ban ơn Cứu độ cho trần gian. Đức Mẹ là người tín hữu được Thiên Chúa cứu độ một cách hoàn hảo, toàn diện hơn bất kỳ một thọ sinh nào ở trần gian.
Chúng ta sắp bước vào năm 1998 là năm trọng đại nhất trong lịch sử Giáo phận Huế và toàn Giáo hội Việt Nam. Đó là biến cố mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang này. La Vang, vùng đất khó nghèo sỏi đá nhưng thật diễm phúc vì đã được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Vùng đất thiên ân này, Thánh địa La Vang này hằng ngày, hằng đêm dâng lời cảm tạ tri ân: ‘Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…’.
Chúng ta tạ ơn Chúa vì được sống trong một thời điểm hết sức đặc biệt, thời điểm đánh dấu 200 năm Đức Mẹ La Vang. Chúng ta hãy tích cực chuẩn bị cả vật chất lẫn tinh thần, đạo đức là chính yếu. Vậy mỗi người, mỗi gia đình mỗi cộng đoàn đều đồng loạt tiến về 200 năm Đức Mẹ La Vang với quyết tâm sám hối lỗi lầm, canh tân đời sống, hòa giải với anh em, học hỏi về Đức Mẹ, học hỏi với Đức Mẹ, khiêm cung bước theo Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin, chan chứa vui mừng và hy vọng, bởi vì chúng ta được Chúa cứu độ và chúng ta cùng nhau hăm hở, nhiệt thành loan báo Tin Mừng Cứu độ cho anh em chúng ta. Amen”.
Hết Chương 18 – Tập 3
Xem tiếp Chương 19 – Tập 4
———————————————————
Người biên soạn: TRẦN QUANG CHU
Email: phaolotranquangchu@yahoo.com
ĐT: 0909360537
THƯ MỤC THAM KHẢO & DẪN NGUỒN. TẬP 3
SÁCH LA VANG
- Lm. Matthêô Lê Văn Thành (chủ biên). Lm. Hồng Phúc (hiệu đính): Đức Mẹ La Vang. Cứu Thế Tùng thư xuất bản. 1955.
- Dục Đức Phạm Đình Khiêm: Đức Mẹ La Vang là Nữ Vương chiến thắng. Tạp chí Trái Tim Đức Mẹ xuất bản. 1961.
- Linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang. Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang xuất bản. 1970. Kỷ niệm Đại hội La Vang 1970.
- Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Kỷ yếu Đại hội La Vang 1993. Tập 1. Lưu hành nội bộ.
- Tòa Tổng Giám mục Huế: Thánh địa Đức Mẹ La Vang. Lưu hành nội bộ.
- Trần Văn Trí: Năm Thánh Mẫu La Vang. 1998.
- PX. Phan Đình Ngọc (chủ biên): Đặc san Đức Mẹ La Vang. Tập 1 + Tập 2 + Tập 3. Kỷ niệm Năm Toàn xá Đức Mẹ La Vang. 1998-1999. Lưu hành nội bộ.
- Đức Hồng y Tổng Giám mục PX. Nguyễn Văn Thuận: Sứ Điệp Đức Mẹ La Vang. Our Lady of La Vang Community. 1999.
- Đức Hồng y Tổng Giám mục PX. Nguyễn Văn Thuận: Chứng nhân và Hy vọng. 2000.
- Đức Hồng y Tổng Giám mục PX. Nguyễn Văn Thuận. Mộng Hằng ghi: Đẹp quá giấc mơ. Cộng đoàn Đức Mẹ La Vang ấn hành. 2000.
SÁCH ĐẠO
- Nhiều tác giả: Tiểu sử các linh mục giáo phận Huế. Cuốn 1 và Cuốn 2. Bản đánh máy.
- Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc và Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội: Lịch sử Giáo phận Huế. Tập 1, Tập 2, Tập 3. Bản đánh máy. 1993.
- Lê Ngọc Bích: Nhân vật Giáo phận Huế – Kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận Huế. Tập 1 + Tập 2. Lưu hành nội bộ.
- Lê Ngọc Bích: Các Giám mục một thời đã qua. 1933-1995. Lưu hành nội bộ.
- Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995). Công giáo và Dân tộc. Xuân 1996.
- Trần Quang Chu: Hành hương Giáo phận Huế. Kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo phận Huế. 1850-2000. Tập 1 + Tập 2 +Tập 3. Lưu hành nội bộ. 2000.
BĂNG, ĐÀI, BÁO ĐẠO, TẠP CHÍ
- Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
- Bán nguyệt san Tông đồ.
- Nguyệt san Sacerdos –Linh mục nguyệt san.
- Nguyệt san Đức Mẹ La Vang.
- Nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ.
- Nguyệt san Thánh Tâm.
- Bản Thông tin Giáo phận Huế.
- Bản tin La Vang.
- Nội san La Vang.
- Tuần báo Công giáo và Dân tộc.
- Nguyệt san Công giáo và Dân tộc.
- Ns.Dân Chúa. Paris.
- Ns.Đất Mẹ. USA.
- Nội san Sống Tin Mừng.
- Văn bản, thư tay, tốc ký, nhật ký, hồi ký của Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang tặng riêng cho Hành Hương Đức Mẹ La Vang.
- Văn bản bàn giao của linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang, dịp lễ nhậm chức Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang của linh mục Giuse Dương Đức Toại.
- Thư, văn thư của Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền gởi linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang, cha sở Diên Sanh kiêm La Vang.
- Hình ảnh, kỷ vật tại Nhà Truyền thống La Vang.
- Tòa Tổng Giám mục Huế: Băng video Đại hội La Vang 24. 1996.
- Tạp chí Cửa Việt.
- Internet.
- Hình ảnh La Vang từ Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr
———————————————————————–
(7) Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang: Kỷ yếu Đại hội La Vang 23 (1993). Tập 1. Lưu hành nội bộ.
(8) Nhiều tác giả: Tiểu sử các linh mục Giáo phận Huế. Cuốn 1, tr.153.
(9) Trích Văn bản bàn giao của linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang, dịp lễ nhậm chức Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang của linh mục Giuse Dương Đức Toại.
(10) Trích bài giảng của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể trong dịp Hành hương thường niên, ngày 15-8-1997.
(11) Xem chú thích (10).
(12) Xem chú thích (10).
(13) Phan Hữu Lộc: Tôi về tham dự Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang 1996. Paris, ngày 8-9-1997. Trích trong Đặc san Đức Mẹ La Vang 1998. PX. Phan Đình Ngọc chủ biên. Lưu hành nội bộ.
(14) Trần Minh Tích (Huế): La Vang – Thánh địa cổ tích. Tb. Tuổi trẻ chủ nhật. Số 46-96 (680), ngày 24-11-1996, tr.29.
(15) Bút ký của Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 3 – Chương 18 – Phần 2