Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 4 – Chương 19 – Phần 3

15/08/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 4

CHƯƠNG MƯỜI CHÍN

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ

A. GIỚI THIỆU ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ.

B. ĐẠI LỄ KHAI MẠC NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG (1-1-1998).

C. TAM NHẬT ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 200 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG (13-8 – 15-8-1998).

I. CHUẨN BỊ TAM NHẬT ĐẠI LỄ.

II. DIỄN BIẾN TAM NHẬT ĐẠI LỄ.

1. Ngày thứ nhất – Thứ sáu 13-8-1998: Thánh lễ khai mạc.

a/ Nghinh đón Đức Tổng Giám mục Huế và các Đức Giám mục.

ĐẠI VŨ CHÀO MỪNG KHAI MẠC TAM NHẬT ĐẠI LỄ

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Vào lúc 15 giờ 30 ngày 13-8-1998, có khoảng 50 ngàn giáo dân tràn ngập Quảng trường Mân Côi đón rước Đức TGM Huế và các Đức Giám mục đến khai mạc Đại lễ.

Từ cổng tam quan, các vị Giám mục, dẫn đầu là Đức TGM Huế, lần lượt đến các Đức Giám mục Bùi Chu Giuse Vũ Duy Nhất, Giám mục Phan Thiết Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám mục chính tòa Nha Trang Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Giám mục phó Phêrô Nguyễn Văn Nho, Giám mục Bắc Ninh Giuse Nguyễn Quang Tuyến, Giám mục Kontum Phêrô Trần Thanh Chung, Giám mục Thái Bình PX Nguyễn Văn Sang, Giám mục phó Phát Diệm Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục phó Banmêthuột Giuse Nguyễn Tích Đức…, xuống xe tiến vào Quảng trường Mân Côi, quỳ hôn đất thánh và tiến lên Lễ đài trong tiếng chuông rền vang và tiếng hợp ca du dương trầm bổng “Như song lộc triều nguyên” của ca đoàn Phủ Cam – Huế.

CÁC ĐỨC GIÁM MỤC QUỲ HÔN ĐẤT MẸ LA VANG

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Lễ đài như một đàn tế Nam Giao thu nhỏ, cách tân với hai tầng nền rõ rệt: Tầng ngoài thấp, hình vuông tượng trưng ĐẤT; tầng trong cao, hình tròn, tượng trưng TRỜI. Không gian đất và trời được che kín bởi 9 chiếc lọng vĩ đại, với vị trí và màu sắc phân biệt: 5 chiếc lọng xanh che phủ không gian TRỜI và 4 chiếc lọng vàng che phủ vị trí ĐẤT: Lễ hội La Vang là biểu hiện ý muốn của Trời (Thiên Chúa) và Đất (lòng người), cũng là biểu hiện về nguồn, trở về với cội nguồn đất nước, hòa nhập với nền văn hóa dân tộc.

Mở đầu lễ khai mạc, linh mục Tổng Đại diện Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ đọc lời chào mừng Đức TGM Huế và các Đức Giám Mục(10):

“Trọng kính Đức Tổng Giám mục Têphanô, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế,

Trọng kính quý Đức cha.

La Vang chiều nay hoan hỉ đón tiếp và trân trọng chào mừng Đức Tổng Giám mục Huế thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam khai mạc Tam nhật Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang trước sự chứng giám của quý Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam…

Trọng kính quý Đức cha,

Hôm nay quý Đức cha đã đến La Vang trong dịp Đại lễ tạ ơn long trọng này. Sự hiện diện của quý Đức cha tại nhà của Mẹ làm cho đại gia đình Dân Chúa càng thắm đượm tình hiệp nhất yêu thương. Chúng con xin trân trọng chào mừng quý Đức cha.

Nhân dịp Đại lễ tạ ơn 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, La Vang đã nhận được nhiều kỷ vật dâng kính Đức Mẹ La Vang từ nhiều thành phần Dân Chúa khắp nơi. Chúng con xin hết lòng cám ơn. Đặc biệt có hai kỷ vật chúng con xin được phép giới thiệu với quý Đức cha và toàn thể cộng đồng Dân Chúa hôm nay:

Trước hết đó là một chén thánh có gắn huy hiệu của Đức Thánh cha do chính Đức Thánh cha gởi tặng như chính sự hiện diện hiệp thông của ngài giữa chúng con trong dịp Đại lễ hồng phúc này. Chúng con xin thành kính tri ân Đức Thánh cha.

CHÉN THÁNH VÀ HUY HIỆU GIÁO HOÀNG

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Kỷ vật đặc biệt thứ hai là pho tượng Đức Mẹ La Vang tại Linh đài, ghi nhớ nơi Đức Mẹ hiện ra cách đây 200 năm do Hội đồng Giám mục Việt Nam dâng kính. Pho tượng mang dáng kiểu Việt Nam, muốn diễn tả Đức Mẹ La Vang vừa cao quý như nữ hoàng thiên cung, vừa hiền hậu gần gũi như bà mẹ quê hương. Chúng con trân trọng ghi ơn Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Giờ đây chúng con trân trọng kính mời Đức Tổng Giám mục trao huy hiệu Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang cho quý Đức cha hiện diện”.

ĐỨC TGM HUẾ TRAO HUY HIỆU ĐẠI LỄ CHO CÁC ĐỨC GIÁM MỤC

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

b/ Công bố sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II.

Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức, Giám mục phó Giáo phận Banmêthuột, thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam tuyên đọc sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày 16-12-1997 tại Vatican.

(Xem toàn bộ bản sứ điệp ở chương 22).

c/ Đức TGM Huế cử hành nghi thức khai mạc – Diễn văn khai mạc(11):

“Kính thưa quý Đức cha, quý cha Giám quản, quý Đan Viện phụ, quý cha, quý Bề trên dòng, quý tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và anh chị em giáo hữu thân mến.

Trong sứ điệp gởi toàn thể Hội Thánh Công giáo Việt Nam, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II nói:

‘Tôi chúc tụng Thiên Chúa đã không bao giờ bỏ rơi đoàn người tìm kiếm Chúa mà vẫn tiếp tục dẫn dắt họ trong những ngày hạnh phúc cũng như trong những lúc khốn đốn, với sự phù trợ hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria.

Suốt hai thế kỷ, kể từ năm 1798 đến nay, sứ điệp hy vọng mà Mẹ Thiên Chúa đã gởi đến con cái Người vẫn luôn hợp thời và đã được sốt sắng đón nhận tại La Vang’.

Với tất cả tâm tình ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ La Vang, trong niềm hy vọng dạt dào của mọi người hành hương về bên Mẹ.

Thừa ủy nhiệm của Đức Hồng y Chủ tịch HĐGMVN, Đặc sứ của Đức Thánh cha.

Nhân danh toàn thể Hội Thánh Công giáo Việt Nam, cùng với Đức Hồng y, các Đức Giám mục và Giám quản của 25 giáo phận trên đất nước Việt Nam đang có mặt hay đang hướng về La Vang trong giờ phút linh thiêng này, trong niền tri ân và hiệp thông với Đức Thánh cha, tôi long trọng tuyên bố khai mạc Tam nhật Đại lễ Tạ ơn Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang”.

d/ Rước cờ Đức Mẹ La Vang và cờ 25 giáo phận Việt Nam.

Được rước đi đầu tiên là cờ Đức Mẹ La Vang do bốn thiếu nữ Huế trong trang phục áo tím truyền thống cầm bốn góc. Hai góc trước với hai tay xuôi, hai góc sau với hai tay nâng tạo dáng nghiêng, hiện rõ hình Đức Mẹ La Vang theo mẫu tượng mới trên nền vải hai màu xanh trắng quen thuộc.

RƯỚC CỜ ĐỨC MẸ LA VANG

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Sau cờ Đức Mẹ La Vang là cờ 25 giáo phận. Mỗi cờ giáo phận do năm thiếu nữ Huế rước. Đi đầu là thiếu nữ Huế trong trang phục hồng cầm bảng hiệu có ghi tên giáo phận đi trước. Tiếp theo là bốn thiếu nữ trong trang phục trắng cầm bốn góc cờ giáo phận, tạo dáng giống rước cờ Đức Mẹ La Vang. Cờ giáo phận là cờ ngũ sắc hình chữ nhật, một bên thêu hình nhà thờ chính tòa và tên giáo phận, bên kia thêu hàng chữ 200 năm Đức Mẹ La Vang.

RƯỚC CỜ 25 GIÁO PHẬN

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Đẹp đẽ thay, 25 lá cờ tượng trưng 25 giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam, hôm nay trong tinh thần hiệp thông, cùng đoàn tụ bên Mẹ La Vang.

Buổi rước cờ Đức Mẹ La Vang và cờ 25 giáo phận kết thúc bằng đại vũ chào mừng khai mạc Tam nhật Đại lễ do 200 thiếu nhi giáo xứ Chính tòa Phủ Cam biểu diễn.

e/ Thánh lễ đồng tế khai mạc.

Thánh lễ đồng tế khai mạc do Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang, Phó Chủ tịch thứ hai HĐGMVN, chủ tế và giảng lễ. Cùng đồng tế có các Đức TGM, GM và nhiều linh mục đến từ các giáo phận trong toàn quốc. Năm vạn giáo dân trang nghiêm bao quanh bốn phía Lễ đài, sốt sắng tham dự thánh lễ.

Đức cha chủ tế mở đầu bài giảng bằng một hương vị đậm chất La Vang: “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu – Cầu cho chúng con!”(12):

… “Đền thánh La Vang được khánh thành và làm phép với tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu vào ngày 8-8-1901”.

Chỉ trong ít phút, Đức cha Phaolô đã minh họa lại toàn cảnh La Vang hoang vu thời Đức Mẹ hiện ra cách đây vừa đúng 200 năm.

Ngài kêu gọi chúng ta hãy hướng về Đức Mẹ La Vang – Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu để khơi dậy nơi mỗi người chúng ta một Niềm Tin vững chắc, một Niềm Cậy trông vững vàng, một Lòng Yêu mến thiết tha.

Và Đức cha chủ tế thánh lễ khai mạc đã thay mặt cộng đoàn dâng lên Đức Mẹ La Vang – Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu ba lời cầu:

– Kính lạy Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu xin phù hộ cho Tuần Tam nhật kính Đức Mẹ La Vang này và chấp nhận những ý nguyện chân thành của mỗi người chúng con.

– Kính lạy Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu xin cho những ơn ích mà chúng con nhận được trong Đại lễ này biến đổi chúng con thành chứng nhân của Chúa.

– Kính lạy Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu xin phù hộ cho mọi dân mọi nước, đặc biệt cho dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng con biết đoàn kết thương yêu nhau, xây dựng một đất nước hòa bình và thịnh vượng. Amen”.

THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ KHAI MẠC TẠI LỄ ĐÀI

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

f/ Kiệu Mình Thánh Chúa tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sau thánh lễ đồng tế khai mạc, khách hành hương nghỉ ngơi cơm nước chừng khoảng một tiếng đồng hồ, vội vã tập trung về khu vực Tháp cổ, chuẩn bị rước kiệu tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể.

Mở đầu đoàn kiệu là Thánh Giá nến cao. Sau Thánh Giá là đoàn thiếu nữ trong màu áo trắng học trò, tay cầm ngọn nến hình hoa sen do các nữ tu hướng dẫn. Tiếp đến là đoàn Giới trẻ, đoàn các Gia trưởng, đoàn các Bà mẹ Công giáo, các giáo xứ, giáo họ, đoàn các địa phận… Xe hoa đi giữa.

Đức Giám mục Phan Thiết Nicôla Huỳnh Văn Nghi quỳ trên xe hoa hầu Thánh Thể. Sau lưng ngài, đoàn 24 thiếu nhi với vũ khúc Hoa đăng, kính cẩn hai hàng cầm đèn hoa đứng chầu.

ĐOÀN RƯỚC KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Kiệu Thánh thể khởi đi trên lộ trình từ Tháp cổ ra đường nhựa trước Nhà Trung Tâm tiến vào Quảng trường Mân Côi rồi dừng lại trước Lễ đài.

Trên Lễ đài, Đức cha chủ tế dâng hương, nhường khoảng trống trước Lễ đài cho đoàn vũ Hoa đăng. 24 em thiếu nhi xinh đẹp trong trang phục múa cung đình, theo nhịp điệu âm nhạc cung đình, nhịp nhàng, thuần thục trong từng cử điệu. Lồng trong tiếng nhạc, tiếng thơ, những đôi tay nhỏ xíu, mềm mại nâng đóa sen, nhụy sen là ngọn lửa nến đức tin, tượng trưng đóa hoa lòng sốt mến dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể.

Đức Giám mục Đà Lạt Phêrô Nguyễn Văn Nhơn với bài suy niệm về khuya, nhan đề: “Sứ điệp của Đức Mẹ La Vang dưới chân thập giá” (Ga 19, 25-27) đã làm cho khung cảnh La Vang về đêm vốn tĩnh mịch càng thêm tĩnh mịch, cái tĩnh mịch lạ thường, thánh thiêng của một nơi đô hội, khi Đức cha “trở lại với lịch sử La Vang mà giờ đây không phải chỉ là nhắc nhở kỷ niệm về một quá khứ đã qua, nhưng chính là đang thực hiện lời trăn trối của Chúa Giêsu trên thập giá. Trong thời vua Cảnh Thịnh ban sắc chỉ cấm đạo năm 1798, giáo dân đã tìm đến nơi này và tụ tập chung quanh một cây đa đại thụ để lần hạt và xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Họ không sợ hãi, lo lắng tới nguy hiểm sẽ bị thú dữ cấu xé, hoặc bị đói khát và bệnh tật…”(13).

XE HOA RƯỚC KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Buổi rước kiệu và chầu Mình Thánh Chúa tôn vinh Thánh Thể kết thúc bằng Phép lành Mình Thánh Chúa.

Nếu hiểu hành hương là cầm hương vừa đi vừa niệm, là cầm hương lửa trên tay biểu hiện lửa tin yêu trong lòng, thì: “Cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa đêm khai mạc kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang đang có được điều này. Một dòng người tay cầm nến đỏ rực, vừa đi vừa niệm kinh, vừa ca hát, lung linh như dòng lửa chảy. Có những lão ông, lão bà tay nâng niu cây nến cháy như nâng niu đức tin, mắt đăm chiêu, hồn gởi gắm nơi kinh nguyện. Ông, bà đi kiệu mà như đi lần cuối trong cuộc đời, sốt sắng và chậm rãi. Có thanh niên, thiếu nữ thành khẩn cầm nến cháy như cầm cuộc đời trên tay, cố giữ cho gió khỏi thổi tắt. Trong nền kinh tế thị trường, hưởng thụ là cơn cám dỗ mãnh liệt đối với Giới trẻ, nhưng sự có mặt đông đảo của họ ở lễ hội này cho thấy đức tin đã thắng dục vọng. Họ bỏ lại sau lưng những dễ dãi vui chơi để về đây, cùng với những giới khác làm một cuộc hành hương đức tin. Có những em bé theo cha mẹ, tay cầm nến tham gia cuộc rước, mặt hồn nhiên vô tư như đang dự cuộc kiệu vào thành thánh Gia Liêm trên trời. Thấy những em bé này mới cảm nghiệm trọn vẹn ý nghĩa cuộc kiệu. Đủ mọi giới, đủ mọi hạng người, họ chuyền cho nhau lửa đức tin mà đi kiệu”(14).

Cuộc hành hương về với Mẹ La Vang,

Là cuộc hành trình đức tin dương thế.

(Trích: La Vang quê Mẹ trong trái tim – Thơ Trần Quang Chu)

2. Ngày thứ hai – Thứ bảy 14-8-1998: Ngày cầu nguyện và sám hối.

a/ Thánh lễ đồng tế kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.

Tiếng chuông nhịp một từ 5 giờ sáng đã đánh thức mọi người. Sau lần hạt Năm Sự Vui tại Linh đài, khách hành hương chuẩn bị tham dự Thánh lễ đồng tế kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, do Đức TGM Tổng giáo phận Sài Gòn GB. Phạm Minh Mẫn chủ tế và giảng lễ.

Giọng nói Nam Bộ dịu dàng, lôi cuốn của Đức cha chủ tế thu hút hàng vạn tín hữu hành hương đang có mặt chăm chú hướng về Lễ đài. Nhớ lại, cũng chính chất giọng Nam Bộ dịu dàng này mà trước đây, đấng lãnh đạo Giáo phận Huế, Đức cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, như hấp lực đã cuốn hút hàng vạn vạn tín hữu hành hương vào mảnh đất La Vang khô cằn cát bỏng này.

Bài giảng của ĐTGM chủ tế là lời mời gọi giáo dân thực hiện một cuộc hành hương mới, cuộc hành hương đi vào đời sống đức tin mỗi ngày, cho đến giờ Đức Kitô quang lâm:

“Hành hương La Vang không phải để ở lại đây mãi mãi, nhưng để cùng với Mẹ Maria và nhờ Mẹ Maria thực hiện cuộc hành hương về Giêrusalem thiên quốc, nơi Trời mới Đất mới ngự trị…

Đã gọi là hành hương thì phải biết mình đi đâu và con đường nào dẫn tới nơi ta muốn đến. Chính vì thế vai trò người dẫn đường rất quan trọng. Mẹ Maria chính là người dẫn đường tuyệt vời cho tất cả chúng ta”(15).

b/ Cầu nguyện và sám hối cộng đồng dành cho người lớn.

8 giờ 30, linh mục Giuse Trần Văn Trường, Tổng đại diện Giáo phận Đà Nẵng hướng dẫn buổi cầu nguyện và sám hối cộng đồng dành cho người lớn tại Linh đài.

Mở đầu, cha Tổng Đại diện Đà Nẵng nhắc lại lời Thư Chung:

“Mục đích của Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang này là giúp mọi người tín hữu sám hối, đổi mới đời sống, học hỏi và noi gương Mẹ Maria, nhờ Mẹ mà đón nhận hồng ân Toán Xá…

Tuy nhiên, chúng ta không được quên điều kiện để lãnh ơn Toàn Xá là phải thành tâm sám hối. Giáo hội luôn nhắc ta điều đó! Động lực sâu sắc nhất đưa ta đến sám hối như đã nói ở trên chính là lòng yêu mến Chúa. Nói đúng hơn là sự cảm nghiệm được tình Chúa thương ta thế nào và ta đã tệ bạc vong ân thế nào từ đó nảy sinh tâm tình sám hối…

Chúng ta hãy xin với Mẹ giúp chúng ta ý thức tình thương của Chúa, để chúng ta thấy rõ mình đã vô tình bạc nghĩa thế nào mà ăn năn sám hối để được ơn xá tội. Và khi được xá tội rồi, chúng ta sẽ đổi mới đời sống, sống đời như Mẹ trong tâm tình biết ơn, vui mừng trong Chúa, và nhất là tận hiến đời mình để thực thi ý Chúa hầu đáp lại tình Chúa yêu thương”(16).

Buổi sám hối dành cho người lớn kết thúc bằng vũ khúc Dâng hoa lên Mẹ, trước khi chuyển sang lần hạt Năm Sự Thương.

Kinh Truyền Tin kết thúc buổi sáng của ngày thứ hai (thứ bảy 14-8-1998) trong Tam nhật Đại hội.

c/ Cầu nguyện và sám hối cộng đồng dành cho Giới trẻ.

Đầu giờ chiều, tiếng loa phóng thanh mời gọi Giới trẻ đến tham dự giờ cầu nguyện và sám hối dành riêng cho giới mình bắt đầu lúc 14 giờ.

La Vang quá trưa, dưới cái nắng như thiêu như đốt, cây cối còn uể oải nói chi người. Nhưng thật bất ngờ, hàng chục ngàn bạn trẻ với đủ loại nón mũ, đủ loại ô dù, có người đội tạm chiếc khăn, có người đầu trần chịu trận…, hăng hái đứng lên tham dự cuộc rước cờ mở đầu giờ cầu nguyện sám hối do linh mục Phêrô Nguyễn Khảm, Giáo phận Sài Gòn phụ trách.

Chỉ riêng việc ngồi giữa nắng trưa La Vang đã là một hành động sám hối. Vậy có thể nói mà không sợ quá lời rằng, tại La Vang, Giới trẻ đã thực hiện một cuộc sám hối bằng hai.

Với sự linh hoạt và tài hùng biện, linh mục Phêrô Nguyễn Khảm đã hướng dẫn Giới trẻ, từng bước tự vấn mình: Đến La Vang để tìm gì? (Lc 7, 4-6).

“Từ Cà Mau, Minh Hải; từ Hà Nội, Thanh Hóa; từ Sài Gòn, Đà Lạt…, phải lặn lội mấy ngày đường và chịu đủ thứ kham khổ, vất vả, chúng ta đến La Vang để làm gì? Các bạn đi hành hương La Vang và cuộc hành hương này diễn tả một ý nghĩ sâu xa hơn: Chính cuộc đời ta là một cuộc hành hương, hành hương kiếm tìm hạnh phúc và sự sống, sự sống phong phú dồi dào nhất. Trên con đường hành hương đó, rất cần người dẫn đường lão luyện để giúp chúng ta đi đúng đường và đến đúng nơi lòng ta mong ước. Nhưng ta biết tìm người dẫn đường đó ở đâu?

Câu trả lời cho chính chúng ta hôm nay: Đến La Vang để tìm một vị Ngôn sứ, và còn hơn cả Ngôn sứ nữa, Mẹ là vị Ngôn sứ vượt trên mọi Ngôn sứ”(17).

Linh mục Phêrô Nguyễn Khảm đột ngột dừng bài hướng dẫn sám hối. Phút thinh lặng hồi tâm! Bạn trẻ cùng cầu nguyện bằng mười kinh Kính Mừng, hát bài Ave Maria. Chính trong giây phút thinh lặng, lời hát, lời kinh đã làm cho các bạn trẻ tỉnh táo hơn, đuổi cơn buồn ngủ và cái nắng buồn ngủ ra ngoài.

Bài hướng dẫn sám hối đi vào phần hai: Tìm tình thương che chở (Ga 2, 1-11).

“Trong tiệc cước Cana, đang khi mọi người đều lo ăn lo uống, lo nói cười…, chỉ có một mình Mẹ Maria thấy được nỗi băn khoăn của đôi tân hôn vì rượu đã hết! Và Mẹ đã can thiệp… Sự nhạy bén của Mẹ đã nói lên tấm lòng yêu thương tha thiết Mẹ dành cho con cái mình. Tấm lòng yêu thương ấy trải dài suốt lịch sử Hội Thánh, đặc biệt qua những lần Mẹ hiện ra tại nhiều nơi trên thế giới: Fatima, Lộ Đức, Medjugorje…, và cách riêng là trên chính mảnh đất mà chúng ta đang đứng”(18).

Lại phút thinh lặng hồi tâm. Cầu nguyện bằng mười kinh Kính Mừng. Hát bài Ave Maria.

Bài hướng dẫn đi vào phần ba, phần kết thúc: Đem Mẹ về nhà (Ga 19, 25-27).

“Đem Mẹ về nhà là yêu thương Mẹ hết lòng. Lòng yêu mến Mẹ Maria đã trở thành một trong những dấu chỉ cụ thể về người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu… Đem Mẹ về nhà còn là đem tinh thần Ngôn sứ của Mẹ vào trong cuộc sống, tức là tinh thần truyền giáo, nhiệt tâm làm chứng cho những giá trị Tin Mừng qua chính cuộc sống hằng ngày của mình… Cuối cùng đem Mẹ về nhà còn là mang lấy trái tim nhạy bén của Mẹ trước những tang thương của cuộc đời, những đau khổ của đồng loại, những nỗi niềm của anh chị em đang sống quanh ta. Liệu chúng ta đã thực sự đem Mẹ về nhà như thế chưa?”(19).

Phút hồi tâm.

Cầu nguyện: Mười kinh Kính Mừng. Hát Ave Maria.

Kết thúc: Lời nguyện tín hữu. Kinh Lạy Cha. Mười kinh Kính Mừng. Hát Xin Vâng.

d/ Nghinh đón Đặc sứ của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II: Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Hà Nội.

15 giờ 30, buổi cầu nguyện sám hối dành cho Giới trẻ vừa dứt thì cũng là lúc mây đen vần vũ, đe dọa trút xuống cơn mưa xối xả. Tuy vậy, theo đúng chương trình, Ban Tổ chức vẫn phát loa kêu gọi “nếu không mưa” xin mời mọi người tập họp ở Quảng trường Mân Côi chuẩn bị đón ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN, Đặc sứ của ĐTC Gioan Phaolô II đến chủ tọa Đại hội.

16 giờ, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Mây đen như bị ai đuổi chạy dần về hướng tây. La Vang trời quang nắng dịu, thứ thời tiết hiếm hoi tại La Vang vào mùa này, như một ưu ái của thiên nhiên dành ưu đãi buổi đón chào vị Đặc sứ.

ĐÓN TIẾP ĐỨC HỒNG Y ĐẶC SỨ

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

16 giờ 30, ĐHY Đặc sứ đến trong tiếng vỗ tay hoan hô rền vang và sự tiếp đón trọng thể của các vị Giám mục, linh mục và cộng đồng Dân Chúa. Ngài kính cẩn quỳ hôn đất Mẹ La Vang rồi đứng lên tiến bước vào Lễ đài trong tiếng nhạc vang lừng, kèn trống phở lở, giữa hai hàng lọng xanh, vàng uy nghi và hơn 100.000 giáo dân nghinh đón.

ĐHY ĐẶC SỨ QUỲ HÔN ĐẤT MẸ LA VANG

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Linh mục Tổng Đại diện Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ tuyên đọc thư của ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng làm Đặc sứ, chủ tọa Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang.

(Xem bản văn ở Chương 22).

Tiếp đến, Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể đọc lời chào mừng ĐHY Đặc sứ. Mở đầu như sau(20):

“Trọng kính Đức Hồng y,

Hội Thánh Công giáo Việt Nam rất vinh dự được ĐTC ưu ái cử ĐHY làm Đặc sứ của ngài đến La Vang để chủ tọa Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra. Chúng con trân trọng chào mừng vị Đặc sứ của ĐTC đến với Đức Mẹ La Vang.

Không phải lúc nào ĐTC cũng cử Đặc sứ, nhưng chỉ vào các dịp lễ rất đặc biệt hay Đại hội quốc tế có tầm quan trọng nhất định đối với Tòa Thánh.

Với sự hiện diện của vị Đặc sứ của ĐTC tại La Vang mang tầm vóc của Hội Thánh Công giáo toàn cầu, chứ không chỉ là Đại lễ của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam mà thôi.

Đức Thánh cha là vị Giáo hoàng của Đức Mẹ. Đức Mẹ La Vang ở trong tim ĐTC. Hội Thánh Công giáo Việt Nam cũng ở trong tim ĐTC. ĐTC cũng ở trong tim chúng con.

Chúng con vô cùng xúc động trước tấm lòng ưu ái đặc biệt của ĐTC đối với Đức Mẹ La Vang, đối với Hội Thánh Công giáo Việt Nam. Trân trọng kính thỉnh ĐHY chuyển tới ĐTC lòng tri ân cảm mến sâu đậm của chúng con.

Trọng kính ĐHY Phaolô Giuse đáng kính của chúng con,

Từ bao giờ, lòng tôn sùng Đức Mẹ La Vang nơi ĐHY mọi người đều rõ. Suốt hai năm qua, ĐHY đã làm tất cả cho Đức Mẹ La Vang, cho Đại lễ Kỷ niệm 200 năm này. ĐHY đã làm tất cả bên cạnh Chính phủ, bên cạnh Tòa Thánh, giữa HĐGMVN, cho Đức Mẹ La Vang. Để tỏ lòng quý mến ĐHY, chúng con xin được phép gọi ngài là ĐHY của Đức Mẹ La Vang. Đức Mẹ La Vang luôn ở với ĐHY, bây giờ và mãi mai sau trong Nước Trời”…

ĐHY Đặc sứ nhận huy hiệu Đại lễ Kỷ niệm từ Đức TGM Huế rồi đứng lên ban huấn từ(21):

ĐỨC TGM HUẾ TRAO HUY HIỆU ĐẠI LỄ 200 NĂM ĐỨC MẸ LA VANG CHO ĐHY ĐẶC SỨ

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

“Kính thưa các Đức Tổng, các Đức cha, các cha và anh chị em tín hữu thân mến,

Hôm nay tôi đến đây với tư cách là Đặc sứ của Đức Thánh cha ủy nhiệm tôi thay mặt ngài cử hành lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra ở La Vang và trao dây Pallium cho Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể là biểu hiệu chức Tổng Giám mục liên kết ngài với Tòa Thánh một cách chặt chẽ hơn, đồng thời hợp nhất với Giáo tỉnh Huế một cách thân mật hơn. Đây là một hồng ân lớn lao, một vinh dự đặc biệt mà ĐTC ban cho tôi. Nhưng tôi thiết nghĩ hồng ân và vinh dự đó ĐTC ban không phải vì cá nhân tôi cho bằng vì lòng quý trọng của ĐTC đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà ĐTC thường nói là rất dễ mến. Hơn nữa, hồng ân và vinh dự mà ĐTC ban cho tôi hôm nay cũng là dấu chỉ tình ưu ái từ phụ của ngài đối với Giáo hội Việt Nam, một Giáo hội đã trải qua 400 năm lịch sử với bao thăng trầm nhưng vẫn giữ vững đức tin và lòng trung thành với Tòa Thánh, một Giáo hội có một địa vị thứ hai về số giáo dân trong vùng Đông Nam Á sau Phi Luật Tân. Để đáp lại lòng ưu ái của ĐTC tôi đề nghị chúng ta đọc một kinh Lạy Cha và hát một bài cầu nguyện cho ngài. (Tất cả cùng đọc kinh Lạy Cha và hát bài ‘Này con là đá’).

Kính thưa Đức Tổng,

Con xin thay mặt các Đức cha, các cha và anh chị em tín hữu hành hương chân thành cảm ơn Đức Tổng và Ban Tổ chức về cuộc đón tiếp long trọng và nồng hậu với những tiện nghi sinh hoạt mà Đức Tổng và Ban Tổ chức đã tốn nhiều công sức để chuẩn bị và đã dành cho chúng con trong cuộc hành hương này.

Kính thưa các Đức cha, các cha và anh chị em tín hữu hành hương thân mến,

Theo truyền thuyết kể lại, vào năm 1798, vua Cảnh Thịnh bắt đạo rất dữ dội, một số giáo hữu trốn vào miền La Vang này, khi đó còn là rừng hoang nước độc. Ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và được Đức Mẹ hiện ra nói: ‘Các con hãy vững lòng trông cậy. Mẹ đã nhậm lời các con và từ nay về sau những ai đến cầu khẩn Mẹ nơi đây sẽ được Mẹ ban cho như ý’.

Quả thật, từ đó đến nay Đức Mẹ đã làm cho bao sự lạ, ban xuống bao ơn lành cho những ai thành tâm đến kêu xin Người ở nơi này. Trải qua 200 năm lịch sử, với bao thăng trầm của đất nước, lòng tôn sùng Đức Mẹ La Vang vẫn còn là một điểm tựa cho giáo dân Việt Nam, là ngọn lửa nung nấu đức tin, là bóng mát che chở bao tâm hồn đau khổ lầm than.

Ngày hôm nay chúng ta từ khắp nơi, trong nước cũng như ngoài nước, họp nhau nơi đây dâng lên Đức Mẹ lòng cảm mến thảo hiền, đồng thời ký thác nơi Mẹ mọi ước nguyện của chúng ta với niềm tin tưởng sẽ được chấp nhận như lời Đức Mẹ đã hứa cách đây 200 năm: ‘Những ai đến cầu khẩn Mẹ nơi này sẽ được Mẹ ban cho như ý’.

Thưa anh chị em thân mến,

Tới đây tôi xin nhắc đến lòng ưu ái của ĐTC với dân tộc Việt Nam và mối quan tâm của ngài, nên ngài đã gởi cho tôi một tông thư, đồng thời cũng gởi cho toàn thể giáo dân Việt Nam trong dịp Đại lễ này:

(Xem sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II, ký ngày 16-12-1997 ở Chương 22).

Thưa anh chị em thân mến, hiệp ý với vị cha chung, chúng ta hãy đi vào năm ân sủng này với tất cả lòng hiếu thảo, yêu mến Mẹ Maria và vui mừng bước theo Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin chan hòa tình thương và hy vọng. Xin Mẹ dẫn ta đến cùng Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi”.

e/ Nghi thức trao dây Pallium Tổng Giám mục cho Đức Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể.

Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Oánh, thư ký HĐGMVN đọc văn thư của Đức Hồng y Tomko, Tổng trưởng Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc(22):

“Rôma ngày 30 tháng 6 năm 1998,

Kính gởi Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN.

Kính thưa Đức Hồng y,

Tôi vui mừng gởi đến ngài dây Pallium mà ĐTC đã có nhã ý ban cho Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, tân Tổng Giám mục Giáo tỉnh Huế.

Vì Đức TGM Nguyễn Như Thể không đến được Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô hôm 29 tháng 6 vừa qua để đích thân lãnh nhận biểu hiệu quyền bính của một vị Tổng Giám mục hiệp thông với Giáo hội Rôma quyền bính mà theo giáo luật (khoản 437, tiết 1) người có được trong giáo tỉnh mình, nên tôi hết lòng cảm ơn Đức Hồng y, kính xin ngài đại diện Đức Thánh cha trao dây Pallium này cho Đức Tổng Giám mục Huế trong một nghi lễ phụng vụ công khai và long trọng.

Tôi xin chân thành cám ơn Đức Hồng y về việc ngài sắp làm nhân danh Đức Thánh cha để thể hiện mối hiệp thông trong Giáo hội.

Xin ngài nhận nơi đây những tình cảm huynh đệ nồng nhiệt của tôi trong Đức Kitô Chúa chúng ta”.

Hồng y Giuse Tomko,

Tổng trưởng Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc.

Sau tràng pháo tay tung hô nhiệt liệt, ĐHY Đặc sứ trao dây Pallium cho Đức TGM Huế. Ngài nói(23):

“Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng và ngợi khen Đức Trinh Nữ Maria cùng hai thánh Phêrô và Phaolô,

Để biểu dương Tòa Tổng Giám mục được giao phó cho Đức cha,

Tôi thừa ủy nhiệm của Tòa Thánh trao cho Đức cha dây Pallium lấy từ Tòa Tuyên Xưng Đức Tin trên mộ Thánh Phêrô như là dấu chỉ quyền bính Tổng Giám mục để Đức cha sử dụng trong phạm vi giáo tỉnh của Đức cha.

Xin Đức cha hãy xem dây Pallium này là tượng trưng của sự hiệp nhất và chứng chỉ của tình hiệp thông với Tòa Thánh, là dây liên kết đức ái và niềm khích lệ dũng mãnh để khi đến ngày Đấng Thiên Chúa cao cả và thủ lãnh của các chủ chăn là Đức Giêsu Kitô quang lâm và tỏ hiện, Đức cha được trao tặng áo trường sinh và vinh hiển cùng với đoàn chiên được ủy thác cho Đức cha. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Đức TGM Têphanô long trọng đọc lời tuyên thệ kết thúc nghi thức trao dây Pallium.

ĐHY ĐẶC SỨ TRAO DÂY PALLIUM CHO ĐỨC TGM TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

f/ Thánh lễ đồng tế Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế và giảng lễ với khoảng 150.000 giáo dân tham dự. 50 phóng viên trong và ngoài nước làm việc liên tục, không rời máy, không ngừng quay, cố gắng ghi lại đầy đủ những hình ảnh quý báu của Đại lễ Kỷ niệm.

Thánh lễ khởi sự khi chiều dần xuống, đã trễ hơn nửa tiếng theo chương trình. Đèn điện đã sáng lên. Đêm về, La Vang lúc chạng vạng đẹp và mát lạ thường. Đức cha chủ tế, qua bài giảng, không hẹn mà gặp, gợi lên hình ảnh buổi chiều sum họp bên Mẹ La Vang:

Và khi rừng thẳm đón chuông chiều,

Con đã về đây với Mẹ yêu.

Muốn nói ngàn lời nhưng bỗng lặng,

Nhìn thôi, đã nói biết bao nhiêu.

Bên tượng đài Mẹ La Vang – Thơ Trăng Thập Tự.

Và Đức cha giảng lễ tiếp tục dẫn dắt mọi người vào cuộc lữ hành đức tin không đơn độc, cuộc lữ hành đức tin cùng với Mẹ La Vang, cuộc lữ hành đức tin bằng lời kinh dài hai thế kỷ. Lược trích(24):

“Anh chị em thân mến,

Hai trăm năm La Vang: Lời kinh dài hai thế kỷ, khi lâm râm tấm tức nghẹn ngào, trong thời chinh chiến, bách hại; khi cất cao dìu dặt ngân vang những lúc thái bình, tự do.

Hai trăm năm Mẹ La Vang: Câu chuyện ngày xưa, đêm đêm Mẹ hiện ra nơi đây, hồi đó là rừng thiêng nước độc, hoang vu, để an ủi hộ phù đoàn con ẩn náu trong thời kỳ nhiễu nhương, bắt bớ. Mẹ vỗ về con cái nheo nhóc: ‘Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện’.

ĐOÀN DÂNG LỄ VẬT TRONG THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ VỌNG KÍNH ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Câu chuyện những đêm xưa ấy đã biến vùng đất này thành một cõi trời, một vùng linh thiêng, vì nơi đây vĩnh hằng thiên quốc đã đến hội ngộ với kiếp phù du long đong, làm cho nó trở nên thanh cao, đầy ý nghĩa và có giá trị vô cùng. Nơi đây Mẹ Thiên Chúa đã đến và ở lại với con cái loài người, để biểu lộ tình hiền mẫu một cách đậm đà, để thi ân giáng phúc và dẫn dắt người lữ hành trần thế đi trên nẻo chính đường ngay, hầu được gặp Chúa Giêsu là Đường Đi, là Sự Thật, là Sự Sống, là Đấng Cứu Độ muôn loài.

Hai trăm năm La Vang: Một lịch sử tình yêu, lịch sử đá vàng, xuyên qua những thăng trầm dâu bể của cuộc đời.

Hai trăm năm câu chuyện Mẹ hiển linh tại La Vang đã đi vào lòng người, đã ghi vào ký ức các gia đình, các cộng đoàn, không hề bị thất truyền: Ông bà, tổ tiên kể lại cho cháu chắt, mẹ kể lại cho con, chị kể lại cho em…, và cứ thế mãi mãi như một dòng sông qua các dòng đời, các thế hệ.

Chúng ta đều biết rằng Mẹ La Vang của chúng ta rất dịu hiền, gần gũi, dân dả, dung dị, như trầu cau, như ca dao tục ngữ, như lá trên nương, như nước giếng đầu vườn…

Khung cảnh La Vang không có gì là sang trọng, cao xa, trái lại rất bình dị, thiếu thốn nhiều mặt, bề ngoài không có gì hấp dẫn. Nhưng sao La Vang lôi cuốn, thu hút đến thế, không cưỡng lại được? Chắc chắn vì mỗi khi bước chân vào đây lòng chúng ta được thanh lọc khỏi những vọng động phù phiếm và chúng ta cảm nghe được hương vị thanh thoát của các Mối Phúc Thật tỏa lan khắp vùng trời vùng đất chốn này. Tưởng không gì an ủi bằng, thư giãn bằng, không gì lắng đọng bằng đứng ở đồi La Vang mà đọc lên và suy niệm bài giảng trên núi Bát Phúc của Chúa Giêsu.

Nơi đây, chúng ta hít thở được một thứ không khí thánh thiêng phảng phất mùi vị Tin Mừng:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.

Phúc thay ai ăn ở hiền lành, chính trực, biết xót thương.

Phúc thay ai có lòng trong sạch.

Phúc thay ai bị bắt bớ, vu khống…

Anh em hãy vui lên, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao (Mt 5, 1-12).

Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Nazareth là một phụ nữ bình thường của đời thường, bên ngoài không chút gì là khác thường, không có gì là khác người, nhưng bên trong Mẹ là những kỳ diệu khôn tả, là những chiều cao nhiệm mầu. Đó là chiều cao của Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến nơi Mẹ.

Hãy lên nơi tầm cao ấy để có thể nhìn thấy được tận cùng trái đất và nhận ra được những mặt nước nhân thế bao la, trên đó Chúa Thánh Thần đang bay lượn, ấp ủ và thổi sinh khí vào.

Hãy đứng ở đỉnh cao Tin, Cậy, Mến để thấy được trong dòng lịch sử Giáo hội pha lẫn ánh sáng và bóng tối, luôn có Chúa Thánh Thần phù trợ, đỡ đần, canh tân và Giáo hội vẫn luôn là dấu chỉ và dụng cụ của hiệp thông, của yêu thương và phục vụ…

Trong sứ điệp gởi toàn thể Giáo hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, ĐTC Gioan Phaolô II mời gọi khách hành hương hãy đào sâu và sống mạnh Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến: ‘Vì đã sống cách hoàn hảo thân phận người môn đệ Chúa, Mẹ Maria hằng kêu gọi các tín hữu tiến bước trên con đường sống Tin Mừng hăng say’.

Cùng Mẹ La Vang tiến về Năm Đại Toàn Xá 2000.

Cùng Mẹ La Vang bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong vui mừng và hy vọng. Amen”.

g/ Đêm Diễn nguyện – Đêm Canh thức bên Mẹ La Vang.

21 giờ 30, dù đã trễ một tiếng so với chương trình, nhưng mười lăm vạn con người vẫn quây quần bên Linh đài Mẹ tham dự Đêm Canh thức, cầu nguyện bên Mẹ La Vang.

Đức TGM Huế trong vai trò chủ nhà – nhà tổ chức, trân trọng mở màn:

“Đêm nay chúng ta thức bên Mẹ, thức với Mẹ, chúng ta nguyện cầu bên Mẹ, nguyện cầu với Mẹ. Quang cảnh đầm ấm, gia đình sum họp, anh chị em ngồi kề bên nhau, vầy quanh Mẹ La Vang, trái tim bồi hồi, lòng tràn ngập yêu thương.

Đêm chong đèn, mẹ con to nhỏ hàn huyên tâm sự. Cả nhà nhắc nhở câu chuyện ông bà tổ tiên năm xưa, sắt son một dạ, kiên vững niềm tin. Con cái tung tăng múa hát bên Mẹ, hồn nhiên trìu mến. Rồi mẹ an ủi vỗ về. Mẹ khuyên nhủ bảo ban. Vì Mẹ La Vang là Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu.

Đêm bên Mẹ, đêm thánh thiêng nhiệm mầu, đêm dạ lý hương huyền diệu”.

Linh đài Đức Mẹ La Vang trở nên một sân khấu hoành tráng đủ chỗ cho vở diễn lớn, với số lượng diễn viên đông.

Sau lời khai mạc Đêm Diễn nguyện của Đức TGM Huế, đèn vụt tắt, sân khấu xao động, nhưng đó chỉ là bóng tối và sự xao động của một màn diễn sắp bắt dầu: Hoạt cảnh Sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Tiết mục mở màn công phu, thành công đến độ khiến nhiều khán giả quên khuấy mình đang xem văn nghệ, mà tưởng rằng đang cầu nguyện, đã cùng các diễn viên quỳ xuống khấu đầu. Nền nhạc Xin Chào Mẹ La Vang làm cho tiết mục này càng thêm thấm thía:

Xin Chào Mẹ La Vang,

Mẹ là Mẹ của nước Việt Nam.

Xin Chào Mẹ La Vang,

Mẹ độ trì giữ gìn đàn con.

Những ai gặp bước gian nan,

Có Mẹ gìn giữ an toàn…

Phải nói rằng Đêm Diễn nguyện là một thể nghiệm nghệ thuật mang tính lễ hội tôn giáo đã thực sự thành công.

Sau hoạt cảnh Truyền thuyết La Vang đến hoạt cảnh Chúa Sống lại trong bài diễn nguyện Suy niệm mầu nhiệm Năm Sự Mừng, hay hoạt cảnh Thiên Thần Truyền Tin, Đức Bà Đi Viếng Bà Thánh Isave trong suy niệm Năm Sự Vui… đều là những thể nghiệm nghiêm túc, thấu đáo.

Trong điều kiện hạn hẹp, các diễn nguyện viên với cố gắng tối đa đã khiến người xem không nhận ra ai là ai nữa, bởi tất cả họ đang bay bổng trong tiếng nhạc lời thơ, đã hóa trang thành những nhân vật của chuỗi Mân Côi.

Tiếp đến là những vở đại vũ hoành tráng: Tôn vinh Đức Mẹ là Nữ Vương, Hoa lòng dâng Mẹ…Diễn nguyện viên, biên đạo múa của những đại vũ đặc sắc này chính là các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres Đà Nẵng. Hoa lòng dâng Mẹ được tiếp nối bởi một chục kinh Mân Côi, một bản hợp tấu cầu nguyện của mấy vạn tín đồ, bất luận giọng đọc ba miền Trung Nam Bắc có khác nhau.

Tiếp nữa, trong một tiểu phẩm khác, đại diện các thành phần giáo dân: Lão ông, thanh niên, thiếu nữ, thiếu nhi…, đồng dâng lên Mẹ những đóa hoa tươi thắm.

VŨ KHÚC “HOA LÒNG DÂNG MẸ” (H.1)

VŨ KHÚC “THIÊN THẦN TRUYỀN TIN” (H.2)

(Ảnh 1+2: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Cuối chương trình diễn nguyện: Vũ khúc múa đèn. Mỗi diễn nguyện viên cầm hai tay hai đèn, lên xuống, uốn lượn nhịp nhàng mềm mại. Những hoa đèn nhỏ bé, chấp chới giữa đêm đen như nôn nóng thắp sáng bầu trời La Vang trong đêm huyền diệu này. Đại vũ đột ngột dừng lại, diễn nguyện viên chia làm hai tốp, tốp trên khán đài, tốp dưới khán đài, vẫn trong tư thế diễn, quỳ trang nghiêm, tay đèn dâng Mẹ, lặng như tờ… Trong giây phút trang trọng ấy, Đức TGM Huế được mời lên khán đài kết thúc Đêm Diễn nguyện trong tâm tình ngạt ngào tin yêu và bát ngát hy vọng:

“Chúng ta vừa tham dự buổi canh thức cầu nguyện bên Mẹ thật sốt sắng và có tính nghệ thuật cao. Lời ca, điệu múa khơi gợi trong lòng những tâm tình quý đẹp, những ước vọng thanh cao, để lại những âm vang sâu xa của bình an thanh thoát nâng cao tâm hồn. Bầu trời La Vang đêm nay ngạt ngào tin yêu. Mặt đất La Vang đêm nay bát ngát hy vọng. Đêm đang lùi dần về khuya. Đêm càng tối sao càng vằng vặc. Xin Mẹ La Vang mãi mãi là Sao Hôm, Sao Mai soi bước con đi trên đường dương thế trong cuộc lữ hành đức tin. Trên bước đường đời ngổn ngang lo toan, gập ghềnh thử thách, xin Mẹ La Vang mãi mãi là ánh trăng làm mát dịu tâm hồn”.

Đức TGM chủ sự xướng bài Lạy Mẹ là ngôi sao sáng. Mọi người hát theo. Đêm La Vang, một đêm chờ sáng.

Hết ngày thứ hai trong Tam nhật.

3. Ngày thứ ba (Chúa nhật 15-8-1998): Đại lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Thánh lễ bế mạc.

a/ Rước kiệu Đức Mẹ La Vang.

5 giờ sáng, chuông đổ hồi, loa phóng thanh mời gọi mọi người tập trung tham dự cuộc rước kiệu Đức Mẹ La Vang. 5 giờ 30 tại Linh đài, phiên lần hạt Năm Sự Mừng cũng vừa dứt. Từ cụ già, em bé, cậu thanh niên, người thiếu nữ, các nữ tu…, đã bắt đầu nhập cuộc kiệu.

Đi đầu là Thánh Giá đèn chầu. Sau Thánh Giá, cặp liễn đối lớn với hai câu:

THỦY TẬN SƠN CÙNG THIÊN MẪU ĐÁO

PHONG THANH NGUYỆT BẠCH THẾ NHÂN HÒA

Người nối tiếp người, đoàn thể nối tiếp đoàn thể, chiêng trống, lọng tàn nối tiếp nhau. Khối thiếu nhi, khối giới trẻ, khối hội đoàn, khối nữ tu, khối nam tu, khối gia trưởng, khối bà mẹ, khối Hội đồng Mục vụ giáo xứ, khối đại chủng sinh, khối lễ sinh, khối các giáo phận…, các đội hoa, đội nhạc dân tộc Giáo phận Huế, đội đại vũ liên dòng Huế, đội vũ hoa đăng Huế, đội hoa giáo xứ Chính tòa Phủ Cam…

Nổi bật, mới lạ là khối các tín hữu dân tộc Tây Nguyên trong lễ phục thổ cẩm, thuộc Giáo phận Kontum với đội cồng chiêng vừa đi vừa hát múa mừng Mẹ. Đội trống Nam Định với trống con, trống cái, trống “tô nô” quá cỡ phải đặt trên xe đẩy. Công trình nghệ thuật hùng hậu này được Ban Tổ chức ưu tiên xếp vào vị trí đặc biệt gần bàn kiệu. Tiếng trống dồn dập, liên hồi như bão nổi, như sóng cồn… Tiếng trống gợi nhớ tiếng “la vang” ngày xa xưa ấy, tổ tiên ta, nơi này đã từng la vang đuổi thú dữ, giữ đất La Vang.

Bàn kiệu sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi do mười sáu người lính hóa trang gánh. Sau bàn kiệu, lại cặp liễn đối khác, cùng kích thước, kiểu dáng như cặp liễn đối trước, nhưng nội dung, với hai câu khác:

 

RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ LA VANG SÁNG 15-8-1998

(Ảnh 1+2: La Vang 200 năm. 1798-1998)

NON NƯỚC MÊNH MANG HÌNH BÓNG CŨ

GIÓ TRĂNG ĐẦY ẮP DÁNG MẸ XƯA

Đức Hồng y Đặc sứ chủ sự cuộc rước kiệu Đức Mẹ với phẩm phục đỏ, mũ gậy Giám mục theo hầu bàn kiệu. Sau ngài, 13 vị Giám mục trong HĐGMVN với lễ phục trắng, mũ Giám mục. Bên cạnh mỗi Giám mục có người lính cầm lọng vàng theo hầu. Tiếp nữa, có không dưới 300 linh mục, vài ngàn tu sĩ nam nữ và khoảng 150.000 giáo dân, với đội ngũ chỉnh tề, trang nghiêm rước kiệu Đức Mẹ.

Cuộc kiệu vĩ đại kỳ lạ, trật tự kỳ lạ, trang nghiêm kỳ lạ. Tất cả, không ai bảo ai, không thử trước, không tập trước, đều tự động vào hàng ngũ, chỉnh tề, sốt sắng. Cuộc kiệu không phải là cuộc rước bình thường mà là cuộc Tôn vinh Đức Mẹ La Vang có vóc dáng và chiều kích tới 200 năm lịch sử!

“Nhìn đoàn người hành hương dự kiệu không thể không nói đến những lần kiệu trước đây mà các giáo dân lánh nạn là những người mở đầu (1798). Trong những đoàn người hành hương hôm qua có ký ức những thế hệ trước. Từ Đại hội đầu tiên (1901) đến nay (1998) đã có 24 lần Đại hội và cuộc rước. Tầng tầng lớp lớp họ có mặt ở đây. Người xưa cũng như nay, làm thành cuộc kiệu dài 200 năm mà cuộc rước hôm nay đánh dấu một chặng đường, làm cuộc kiệu dài thêm chứ không chấm dứt. Non nước vẫn còn đó, gió trăng vẫn còn đó. Người xưa bóng Mẹ vẫn còn đó. Đây không chỉ là lịch sử mà trở thành niềm tin của đạo”(25).

Cuộc kiệu kết thúc bằng đại vũ Ave Maria do 200 nữ tu liên dòng Huế biểu diễn.

b/ Thánh lễ đồng tế mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Thánh lễ bế mạc.

Đúng 9 giờ cuộc kiệu kết thúc. Đức Hồng y chủ sự và các Đức Giám mục, các linh mục trong đoàn đồng tế đã tiến lên Lễ đài.

ĐHY Đặc sứ chủ tế thánh lễ đồng tế, cùng 15 vị Giám mục và hơn 300 linh mục hợp tế. 150.000 giáo dân, dưới cái nắng oi bức vẫn sốt sắng hướng về Lễ đài. Mỗi người tự kiếm một cái gì đó để che đầu: chiếc dù, cái nón, cái mũ, tấm vải, cành lá, tờ báo…, và trong tay có một cái gì đó phe phẩy: chiếc quạt, tờ báo, nón lá, khăn mặt, khăn tay…

Bài đọc 1 do chị phụ nữ trung niên, chất giọng rõ ràng, truyền cảm. Bài đọc 2, gây sự chú ý đến ngạc nhiên thích thú, một thanh niên dân tộc thuộc Giáo phận Kontum, trong y phục thổ cẩm truyền thống, đọc bằng tiếng Jarai. Có thể không ai hiểu gì cả, nhưng có một điều thật dễ hiểu, Mẹ La Vang, Mẹ Âu Cơ Việt Nam, Mẹ chung của kinh, thượng, lương, giáo.

ĐHY Đặc sứ giảng lễ, ngài nói(26):

“Hôm nay cùng toàn thể Giáo hội, chúng ta kính mừng Đức Maria hồn xác lên trời và được tôn phong làm Nữ Vương Vũ Trụ, Đấng mà phụng vụ lễ hôm nay ca tụng là Người Nữ mặt áo mặt trời, có mặt trăng dưới chân, có triều thiên mười hai ngôi sao đội trên đầu.

RƯỚC ĐOÀN ĐỒNG TẾ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC SÁNG 15-8-1998

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Hôm nay cũng là ngày bế mạc Tuần Tam nhật Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, chúng ta từ khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, hưởng ứng lời kêu gọi của ĐTC và của HĐGMVN họp nhau nơi đây để tỏ lòng tôn kính thảo hiền đối với Đức Mẹ, hân hoan bước theo Mẹ trong cuộc lữ hành đức tin chan hòa yêu thương và hy vọng. Xin Mẹ dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại việc đầu tiên Đức Maria thi hành sau khi nhận lời thiên sứ truyền tin là đi thăm viếng bà Isave để đem ơn cứu độ đến cho gia đình bà, nhất là cho thánh Gioan Tẩy Giả, đang được bà Isave mang thai sáu tháng. Nghe lời chào của Đức Mẹ, bà Isave được Thánh Linh soi sáng liền lên tiếng ngọi khen: ‘Chị có phúc vì đã tin những lời Chúa truyền loan báo sẽ thực hiện’…

Thưa anh chị em thân mến,

Chúng ta thấy trong cuộc đời Chúa Giêsu từ lúc còn là thai nhi đến khi tắt thở luôn có Đức Mẹ ở bên cạnh. Tất cả những sự việc xảy ra, những lời Chúa nói Đức Mẹ đều ghi nhớ và suy ngắm. Đức Mẹ đã cống hiến cho Chúa tất cả: huyết nhục của mình, danh dự của mình, đời sống của mình.

Trong Thư Chung HĐGMVN gởi cộng đồng Dân Chúa ngày 8-12-1997 có viết: ‘Mục đích của Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang này là giúp các tín hữu ăn năn sám hối, đổi mới đời sống, học hỏi và theo gương Đức Mẹ, mà đề tài thứ nhất trong Năm Toàn Xá này là Sống đức tin theo gương Mẹ Maria’.

Năm 1798, khi hiện ra ở La Vang, Đức Mẹ hứa: ‘Ai đến cầu xin Mẹ ở nơi này sẽ được Mẹ ban cho như ý’. Tin tưởng vào lời Đức Mẹ hứa, giờ đây chúng ta hãy xin Người ban cho chúng ta theo gương Mẹ trung thành sống đức tin và nhiệt tình đem đức tin cho người khác. Sống đức tin là luôn căn cứ vào các điều răn của Chúa và những lời Chúa truyền dạy như mẫu mực, như ánh sáng soi dẫn ta trong mọi lời nói, hành động và cách ăn ở hằng ngày”.

Sau giảng, thánh lễ được tiếp nối bằng vũ khúc Dâng lễ tạ ơn, đến đoàn dâng hoa, dâng hương, dâng của lễ theo nghi thức cổ truyền.

QUANG CẢNH THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ BẾ MẠC SÁNG 15-8-1998 (Ảnh cắt làm đôi)

(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)

Thánh lễ bế mạc kết thúc trễ hơn dự kiến gần nửa tiếng đồng hồ do số người rước lễ quá đông, kéo dài. Trời càng trưa nắng càng gắt. Tuy vậy không ai rời chỗ. Sự chịu đựng nắng nóng cũng là một hy lễ tạ ơn.

c/ Nghi thức bế mạc.

+ Lời cảm ơn của Ban Tổ chức.

11 giờ 30, linh mục Tổng đại diện Stanilaô Nguyễn Đức Vệ thay mặt Ban Tổ chức đọc lời cám ơn(27):

“Thay mặt Ban Tổ chức Tam nhật Đại lễ Tạ ơn Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, trước hết chúng con trân trọng cám ơn Đức Hồng y Chủ tịch HĐGMVN, Đặc sứ của Đức Thánh cha, đã đại diện Đức Thánh cha đến La Vang để chủ tọa Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra. Chúng con trân trọng kính xin ĐHY chuyển lên ĐTC Gioan Phaolô II lòng tri ân của mọi thành phần Dân Chúa của Hội Thánh Công giáo Việt Nam.

Chúng con xin hết lòng cảm ơn các Đức cha, các cha Giám quản đã đến tại La Vang chủ lễ và tham dự Tam nhật Tạ ơn này.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn các vị lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đến chúc mừng Hội Thánh chúng tôi trong dịp Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn các cấp, các ban ngành trong chính quyền tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng, xã Hải Phú đã hỗ trợ cho Tam nhật Đại lễ được tốt đẹp.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn quý vị đại biểu các tôn giáo bạn hôm nay cũng đến tham dự Đại lễ Tạ ơn Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn các vị linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong các giáo phận khắp đất nước, đã và sẽ hành hương trong suốt Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang, và hôm nay đã đến đây chung lòng tạ ơn trong Tam nhật Đại lễ hồng phúc này.

Chúng con trân trọng cảm ơn các đấng bậc và anh chị em tín hữu trong cũng như ngoài nước, suốt thời gian qua đã tích cực đóng góp ý kiến, góp công, góp của, góp lời cầu nguyện để việc tổ chức Tam nhật Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang được chu đáo, long trọng và sốt sắng.

Chúng tôi chân thành cảm ơn các ban ngành thuộc các thành phần Dân Chúa trong Tổng Giáo phận Huế và các giáo phận bạn, cũng như các thân hữu thuộc mọi thành phần đã chung lòng góp sức cho Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang được trang trọng, thánh thiện, đem lại nhiều ơn ích cho mọi người.

Cúi xin Thánh Mẫu La Vang xuống phước hải hà trên tất cả chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn”.

+ Cảm tưởng của Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Thanh Hóa, Tổng Thư ký HĐGMVN(28):

“Đại hội Thánh Mẫu La Vang năm 1998, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại đất La Vang này giờ đây sắp kết thúc, kết thúc trong thành công rực rỡ, vô cùng thành công và vô cùng rực rỡ.

Đại hội La Vang năm nay thành công, đóng góp một giải đáp, hay nói đúng hơn, một câu trả lời cho thời đại chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng và thường nghe nói rằng đời sống xã hội càng văn minh, càng giàu có thì niềm tin càng suy giảm. Nhưng Chúa đã nói trong Phúc Âm niềm tin là hạt thóc, nhiều khi chúng ta không để ý, nhưng đến khi gặp đất tốt, khi gặp điều kiện thuận tiện thì chúng ta thấy rõ niềm tin đó vươn lên bao trùm khắp mặt đất này.

Đại hội La Vang năm nay thành công khiến cho chúng ta tin tưởng vào xã hội mà ngày nay chúng ta đang sống. Xã hội này vẫn còn nhiều niềm tin. Niềm tin vẫn còn mạnh mẽ, và niềm tin đó càng ngày càng sâu sắc…

Cho đến trước giờ thánh lễ này các tòa giải tội vẫn không trống, chứng tỏ chúng ta đã nghe lời Đức Mẹ La Vang kêu gọi chúng ta để chúng ta đến đây sám hối ăn năn, biến đổi đời sống, quyết tâm có một đời sống tốt đẹp hơn trước. Và tôi nghĩ rằng đó là một thành công lớn lao và là thành công thứ hai của Đại hội La Vang.

Thưa Đức Tổng Giám mục Huế, thưa các linh mục, các tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân Huế,

Được một Đại hội như thế này chắc chắn nhờ ơn Đức Mẹ La Vang, nhờ ơn Thiên Chúa, nhưng mà đồng thời cũng nhờ ơn Đức Tổng, hàng giáo sĩ, hàng tu sĩ và giáo dân của Tổng Giáo phận Huế. Chúng tôi thấy rõ và chúng tôi thường nghe nói Giáo phận Huế, vì đất đai cằn cỗi, cứ mỗi ngày một thưa thớt đi. Nhưng mà dịp Đại hội La Vang này chúng tôi có thể nói được rằng không nhìn thấy người Huế bao nhiêu ở trong khắp cả đồng bào đã đến đây tham dự, nhưng mà rõ ràng chính cái tinh thần Huế của Giáo phận Huế đã cho chúng tôi thấy những ngày Đại hội như thế này.

Chúng tôi không dám nói nhiều bởi sợ Đức TGM mất lòng khiêm cung, nhưng chúng tôi cũng phải thành thật mà nói rằng nếu đã có một Đức Giáo hoàng của Đức Mẹ La Vang, nếu đã có một Đức Hồng y của Đức Mẹ La Vang thì không biết chúng tôi có nên nói rằng cũng đã có một Đức Giám mục của Đức Mẹ La Vang hay không?

Trong mấy ngày này, nhìn thấy Đức cha cử hành các nghi lễ, chúng tôi thấy quả thật Đức Mẹ La Vang đã huấn luyện Đức cha rất nhiều. Lòng yêu mến Đức Mẹ La Vang đã biến đổi con người của Đức cha để trở thành một nhà thơ, trở thành một con người tổ chức với tất cả tấm lòng nhiệt huyết, tận tình, với lòng đạo đức sâu xa và với một tình yêu dân tộc, yêu tất cả những gì là tinh hoa của đất nước. Đức Mẹ La Vang đã huấn luyện Đức cha, cho nên tôi có dám nói Đức cha là Đức cha của Đức Mẹ La Vang thì có lẽ nhiều người cũng tán thành ý kiến của tôi thôi…

Chúng tôi chẳng biết nói gì để mà ca ngợi cảm mến tất cả Giáo phận Huế này. Vì thế, thay mặt cho tất cả bà con hành hương ở các giáo phận tới đây, một lần nữa, tôi xin thành thật nói lên lòng cảm mến, cảm phục của tôi đối với Đức TGM Huế, đối với hàng giáo sĩ, đối với các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và tất cả bà con giáo dân Địa phận Huế này. Xin tất cả mọi người chúng ta hoan hô Đức TGM Huế và Giáo phận Huế.

Tôi xin chân thành cảm ơn”.

+ Huấn từ bế mạc của ĐHY Đặc sứ Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng(29):

“Thưa anh chị em thân mến,

Sau thánh lễ này chúng ta sẽ cùng nhau trở về địa phương, mỗi người chúng ta đem theo một cảm nghĩ riêng. Tất cả những cảm nghĩ đó chúng ta có thể tóm lại trong hai tiếng cảm tạ.

Thứ nhất, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa là Cha mọi tình thương xót. Tất cả mọi ơn lành chúng ta lãnh được đều xuống từ Thiên Chúa.

Chúng ta cảm tạ Đức Mẹ La Vang, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ mà chúng ta tổ chức một cuộc Đại lễ long trọng và thành công như vừa qua. Và chúng ta cũng cảm tạ Đức Mẹ vì bao nhiêu ơn lành chúng ta đã cầu xin và được Đức Mẹ chấp thuận như lời Đức Mẹ đã hứa.

Chúng ta cảm tạ Đức Thánh cha luôn quan tâm đến Đức Mẹ La Vang và hôm nay ngài có nhã ý cử tôi làm đại diện thay mặt ngài. Tuy rằng ngài không có mặt nhưng ngài hiện diện và ngài cầu nguyện cho chúng ta trong thánh lễ này. Và luôn luôn ngài nhắc đến La Vang. Đó là lòng ưu ái của ngài. Chúng ta phải cảm tạ ngài.

Rồi chúng ta cũng cảm tạ Đức TGM Giáo phận Huế và tất cả Ban Tổ chức đã dành cho chúng ta một cuộc đón tiếp rất là nồng nhiệt, đặc biệt là tình anh em trong đại gia đình Giáo hội Việt Nam và những tiện nghi mà Ban Tổ chức đã dành cho chúng ta.

Nhưng thưa anh chị em thân mến,

Lòng cảm tạ của chúng ta phải đi đôi với việc làm là chúng ta biến lòng cảm tạ đấy thành cầu nguyện và thành đời sống. Hôm qua Đức Tổng đã nói rằng chúng ta phải ở đỉnh cao đức tin, đức cậy và đức mến để nhìn mọi thực tại trần thế chúng ta đang sống ở thế gian này. Nhưng chúng ta chỉ là những người lữ hành tiến về Quê Trời, mà muốn cuộc lữ hành này đạt tới đích chúng ta phải luôn đứng ở đỉnh cao của đức tin, đức cậy và đức mến để nhìn mọi sự trần thế, mọi thực tại trần thế và thánh hoá mọi sự trần thế. Đó là lời mà Đức TGM Giáo phận Huế hôm qua đã nhắc nhở chúng ta.

Chúng ta ra về xin Đức Mẹ La Vang tiếp tục theo chúng ta về địa phương và luôn luôn ban ơn phù trợ để chúng ta thực hiện những lời mà Đức Tổng đã căn dặn chúng ta trong thánh lễ hôm qua.

Sau hết, Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang còn tiếp tục đến ngày 15-8-1999. Cùng Mẹ La Vang chúng ta tiến về Năm Thánh 2000 với toàn thể Hội Thánh Công giáo toàn cầu và toàn thể nhân loại”.

————————————————————————

(10) Tòa Tổng Giám mục Huế: Trích đoạn bài Lời chào mừng Đức TGM Huế và các Đức Giám mục. La Vang 200 năm. NXB Thuận Hóa – Huế, 1999, tr.22.

(11) Tòa Tổng Giám mục Huế: Trích đoạn bài Đức TGM Huế khai mạc Tam nhật Đại lễ. La Vang 200 năm. NXB Thuận Hóa – Huế, 1999, tr.28.

(12) Trích bài giảng của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Nha Trang, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.34-36.

(13)Trích bài giảng của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, GM Đà Lạt, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.42-43.

(14) Tống Huệ Thi: Hai trăm năm – Một cảm tưởng. Lưu hành nội bộ, tr.28.

(15) Trích bài giảng của Đức TGM Tổng Giáo phận Sài Gòn GB. Phạm Minh Mẫn, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.45-47.

(16) Trích bài giảng của Lm. Tổng Đại diện GP Đà Nẵng Giuse Trần Văn Trường, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.48-51.

(17) Trích bài hướng dẫn sám hối của Lm. Phêrô Nguyễn Khảm trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.52-53.

(18) Như chú thích (17) trang 55-56.

(19) Như chú thích (18) trang 56-57.

(20) Trích bài Chào mừng ĐHY Đặc sứ của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.66.

(21) Huấn từ của ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Đặc sứ của ĐTC Gioan Phaolô II, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.71-73.

(22)Văn thư của Đức Hồng y Tomko, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.76.

(23) Phát biểu của ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.78.

(24) Trích bài giảng lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.79.

(25) Tống Huệ Thi: Hai trăm năm Một cảm tưởng. Lưu hành nội bộ, tr.30.

(26) Trích bài giảng lễ của ĐHY Đặc sứ Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.108-112.

(27) Lời cảm ơn của Lm. Tổng Đại diện Giáo phận Huế Stanilaô Nguyễn Đức Vệ, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.115.

(28) Trích bài phát biểu của Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.116-121.

(29)Huấn từ bế mạc của ĐHY Đặc sứ Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng,trong La Vang 200 năm. 1798-1998, tr.122.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 4 – Chương 19 – Phần 3