TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
TẬP 4
CHƯƠNG MƯỜI CHÍN
HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ
A. GIỚI THIỆU ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ.
B. ĐẠI LỄ KHAI MẠC NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG (1-1-1998).
C. TAM NHẬT ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 200 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG (13-8 – 15-8-1998).
I. CHUẨN BỊ TAM NHẬT ĐẠI LỄ.
II. DIỄN BIẾN TAM NHẬT ĐẠI LỄ.
III. TÂM TÌNH SAU TAM NHẬT ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 200 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG.
1. Đại hội thành công(30):
“Đại hội thành công trước hết là do Tinh thần của giáo hữu hành hương: Tất cả vì đức tin. Chấp nhận mọi gian khổ trong hiền hòa và chịu đựng. Nhà cửa đâu để có thể che nắng che mưa cho khoảng 150.000 con người này. Họ hiền lành trong những tấm vải nhựa ngoài bãi cỏ, dưới tàn cây, rồi cơn mưa ngắn ngủi giữa trưa hè ập xuống, hơi nóng bốc lên, che chắn qua loa rồi lại tiếp tục kinh nguyện. Những người có tuổi ngồi yên một chỗ lần hạt đã đành, ngay cả những người trẻ hiếu động cũng hạn chế đi lại, xê dịch, bỏ hẳn thói bông đùa thường thấy ở chốn đông người mang tính cách hội chợ, giải trí. Ba trăm nhân viên trật tự trong đồng phục sơ mi trắng, cà vạt và chiếc mũ màu cam, nếu có vất vả chăng thì chỉ là lúc bà con chen lấn hai bên hàng kiệu để được chiêm ngưỡng Mẹ, để được nhìn thấy các đấng chăn chiên vốn chỉ mới được nghe tên. Trong suốt ba ngày Đại hội, Ban Trật tự không hề phải giải quyết một vụ xích mích nào, cho dù là nhỏ nhặt. Bà con về đây là để cầu nguyện.
Lạc lõng giữa mấy chục hàng quán do chính quyền xã Hải Phú cho nhân dân thầu với giá 600.000 đồng một quán bề rộng 3m, bao quanh khu vực ngoại vi Linh địa, chủ yếu bán đồ ăn và quà lưu niệm. Có duy nhất một nơi có ý định khai thác tiền lẻ của các chú nhóc bằng các trò chơi khéo tay, nhưng vắng teo!
Cũng trong tinh thần vì đức tin, chúng tôi ghi nhận những bóng hình lặng lẽ tại Đại hội. Đó là những cô trong chiếc áo pul màu xanh da trời, từ sáng sớm tới tối khuya, gọn gàng chứ không thướt tha như màu áo xanh dài của đội tiếp tân. Họ đội chiếc mũ lưỡi trai màu xanh có thêu ba chữ SPC. Tưởng là hàng chữ bị in nhầm vì quen với hàng chữ SBC (săn bắt cướp). Tôi vốn tính bông phèng sán lại gần các cô đang gắp rác bỏ vào chiếc bao tải, hỏi và được giải đáp SPC: Sạch Phong Cảnh. SPC là đội vệ sinh của Đại hội đấy! Lại một sáng tạo đáng khen của Đại hội La Vang 1998, của người Huế với cảnh vườn nhà lúc nào cũng hoa chăm cỏ xén, với nội thất cổ kính sạch như lau như lia. Xin cảm ơn những bàn tay thầm lặng. Tất cả đều vì Chúa, vì Mẹ cả!
Đại hội La Vang 1998 thành công là do Tinh thần của Hội Thánh. Như chúng tôi thông tin từ đầu việc Hàng Giáo phẩm đã xác nhận Đại hội La Vang là Lễ chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong lời chào mừng ĐHY Đặc sứ tại thánh lễ chiều 14-8-1998, Đức TGM Huế còn nâng tầm vóc của Đại lễ lên tầm mức toàn cầu. Ngài nói: ‘Không phải lúc nào ĐTC cũng cử Đặc sứ, nhưng chỉ vào các dịp lễ rất đặc biệt hay Đại hội quốc tế có tầm quan trọng nhất định đối với Tòa Thánh. Với sự hiện diện của vị Đặc sứ của ĐTC tại Thánh địa La Vang, Đại lễ Kỷ niệm 200 năn Đức Mẹ hiện ra mang tầm vóc của Hội Thánh Công giáo toàn cầu, chứ không phải chỉ là Đại lễ của Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam mà thôi’.
Đức Thánh cha còn gởi tặng một chén thánh có gắn huy hiệu của ngài. ‘Một quà tặng đầy ý nghĩa như là ĐTC vẫn hiện diện tại La Vang để cùng chúng ta dâng hy lễ tạ ơn. Từ nay, mỗi thánh lễ chính thức được cử hành tại La Vang sẽ dùng chén thánh của ĐTC tặng để nói lên sự hiệp thông sâu đậm nhất của chúng ta với ĐTC và để cầu nguyện đặc biệt cho ĐTC (trích lời chào mừng của Đức TGM Huế). Người Công giáo Việt Nam chân chính hài lòng về những khẳng định rành mạch trên đây.
Con đường đất La Vang dài bốn cây số dẫn từ Thánh địa ra Quốc lộ 1 bụi mù mịt vì dòng người và đoàn xe ra về sau khi lễ chấm dứt. Ấy vậy mà các anh em Công an trong cảnh phục chỉnh tề vẫn vui vẻ điềm đạm có mặt để giữ trật tự, giúp tín hữu, giáo dân ra về thanh thản. Chắc hẳn bà con ngồi trên xe, nhất là các xe có máy lạnh với cửa kính đóng kín không khỏi thầm cảm ơn các chú an ninh đã nghiêm chỉnh thi hành phận sự cho đến phút chót. Người tường thuật ra về lúc 13 giờ cũng xin được góp tiếng trong lời cảm ơn này.
2. Gởi về Mẹ những dòng nhật ký(31):
“San Francisco, September 24th 1998,
Thưa Mẹ! Những ngày Đại lễ đã qua, cuộc hành hương La Vang cũng chấm dứt, nhưng lòng con còn lưu luyến khung trời Mẹ đã chọn làm quê hương. Làm sao quên được giây phút thần thiêng, ngày đầu tiên (12-8) con đến Linh đài tham dự thánh lễ và vô cùng xúc động khi thấy dòng huyết lệ của Mẹ tuôn trào. Làm sao quên được buổi trưa nóng bức của ngày 13-8, toàn thân con đẫm ướt mồ hôi, chịu không nổi lò lửa của bầu trời Quảng Trị. Con đã sấp mình xuống đất nguyện cầu cùng Thiên Chúa Cha. Ôi! Ngông cuồng của tuổi trẻ, điên dại của con! Con đã dám cả gan dâng lên Cha mạng sống của con để xin đánh đổi lấy một làn gió mát cho đoàn hành hương đang âm thầm chịu đựng cơn nóng như thiêu. Ngạc nhiên biết bao và cũng mừng rỡ tạ ơn Chúa không sao xiết vì ngay sau đó không lâu, một trận mưa hồng ân ngắn ngủi từ trời trút xuống tưới mát Thánh địa La Vang.
Đêm nay bầu trời San Francisco âm u, gió lạnh, sương mù bao phủ vùng biển Cali. Cảnh vật trầm lặng, thành phố yên tĩnh. Tôi bỗng cảm thấy thương nhớ người hành hương tại La Vang, ban ngày chen chúc nhau trong các buổi lễ, ban đêm nằm la liệt trên đám cỏ, dưới gốc cây, trong các chòi sơ sài. Tôi mơ màng nhớ đến hình bóng của chính tôi, tâm hồn tôi trong những đêm canh thức bên Mẹ để cầu kinh, hay buổi sáng đẹp trời cùng anh chị em rước kiệu Đức Mẹ, lòng tràn ngập một niềm cực lạc vô biên, tưởng chừng như linh hồn tôi đã thoát tục và đang đi vào chốn vĩnh hằng!
Mẹ ơi! La Vang sẽ sống mãi trong con, với những lễ nghi đầy màu sắc dân tộc, những đám rước linh đình, cờ quạt, hương đèn, những vũ điệu, lời ca của một thời xa xưa với tiếng sáo, tiếng trống, cồng chiêng cổ truyền… Con đã kính viếng Mẹ tại Lộ Đức nước Pháp, tại Guadalupe ở Mexico…, nhưng chưa nơi nào con cảm thấy xúc đông và thiết tha cho bằng ba ngày Đại hội La Vang mùa thu vừa rồi. Linh hồn con hoan hỉ trong niềm hy vọng chan chứa. Con xin dâng lên Thiên Chúa, qua sự chuyển cầu của Mẹ, tình yêu hèn mọn của con, của quê hương con, của toàn thể nhân loại khổ đau đang tiến về Năm Thánh Cứu Độ 2000.
Ước gì lần hành hương này sẽ đổi mới tâm hồn con, để con nên trọn lành trong suốt cuộc đời con”.
3. Bức tâm thư kính gởi Đức Mẹ La Vang(32):
“Paris 8 Septembre 1998,
… Nhưng rồi ba ngày trôi qua quá nhanh, và giờ đây đã tới ngày giờ kết thúc. Lời tuyên bố của Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể cũng như của cha Quản nhiệm Linh địa La Vang đã vang dội khắp Thánh địa làm cho con cái Mẹ sụt sùi rơi lệ: Lệ buồn vui!
Buồn vì đã đến ngày rời Linh địa, rời xa Mẹ, mặc dù chúng con muốn ở gần bên Mẹ luôn, nhưng chúng con phải trở về mãi tận chân trời Âu, Mỹ, Úc…
Buồn vì có lẽ chúng con chưa thành tâm cải hối cho đủ, chưa vẹn toàn trở về cùng Chúa Giêsu, Con của Mẹ, chưa hết lòng khẩn cầu sốt sắng?
Buồn vì rồi đây, lúc trở lại với cuộc sống thường nhật với những thói quen thuở xưa, liệu chúng con có đủ can đảm sống cuộc đời đổi mới đã hứa với Mẹ trong những ngày qua chăng?
Buồn vì con đường trở về với Mẹ, bên Mẹ còn xa vời, còn lắm chông gai, lắm cản trở, bao tà lực đang vờn quanh chúng con, đang kìm hãm chúng con.
Nhưng chúng con cũng vui:
Vui vì được ba ngày sống bên Mẹ, được rước lấy Chúa, được quỳ chầu trước Thánh Thể tại Linh địa và được hưởng ơn Toàn Xá.
Vui vì được sánh vai cùng hàng trăm ngàn con cái Mẹ khắp nơi để chung lời ca, chung lời nguyện, chung lời dâng lên Mẹ Thiên Quốc niềm biết ơn sâu xa đã đoái nhìn đoàn con khốn khổ đang lặn lội nơi cõi trần.
Vui vì ba ngày qua, giữa nắng chang chang, cơm nước sơ sài, thế mà trong chúng con không người nào đau ốm. Trước lúc từ Mỹ ra đi, hai ông bà già quen thân, đem theo nhiều thuốc uống, nhiều ‘sâm bổ lượng’ phòng ngừa lúc ngất xỉu hay cảm gió cảm sương, thế mà chúng trở nên vô ích vì ông bà vẫn khỏe mạnh, vẫn còn cứng cáp, vui tươi, theo dõi đầy đủ các lễ nghi giữa nắng nôi.
Vui vì thấy Hàng Giáo phẩm Việt Nam và Hàng Giáo sĩ triều, dòng tề tựu khá đông đủ. Ai nấy vui tươi, sung sướng được cử hành lễ nghi phụng tự một cách mỹ mãn nơi Thánh địa trước hàng trăm ngàn con cái của Mẹ từ bốn phương tuôn về! Đó là dấu chỉ sức sống và bước tiến mãnh liệt của Giáo hội Việt Nam, trưởng nữ của Hội Thánh tại Viễn Đông. Sức sống của niềm tin, cậy, mến phát xuất từ Đức Giêsu và nhờ lời Đức Mẹ La Vang cầu bầu nên không một quyền lực trần gian nào ngăn cản bước tiến được.
Giờ đây thì con đã xa khung trời La Vang và Thánh địa để trở về với đời sống thường nhật. Nhưng dẫu rời Thánh địa nhưng tâm trí con luôn ở bên Linh đài của Mẹ, lòng con luôn hướng về cây đa cổ thụ, nơi có Người Mẹ mà con đã được chiêm ngắm trong ba ngày qua, sau khi đã vượt trên mười ngàn cây số, Người Mẹ đã hiện rõ cho con thấy tình thương hải hà của Mẹ.
Mẹ La Vang ôi! Mẹ thấu lòng con. Con đã đem về cho con một ít đất cát, sỏi đá khô cằn nơi Mẹ hiện ra. Con đã đem về với con một vài viên gạch đổ nát của thánh đường của Mẹ đã được xức dầu thánh hiến mà bị bom đạn làm sập nát thuở nào. Con đã đem về với con tượng ảnh Mẹ, nước giếng Mẹ, những bịch lá vằng mà con đã đặt trên bàn thờ, nơi Linh địa của Mẹ để khấn xin. Nó sẽ là những chứng tá cho tình thương hải hà của Mẹ đối với chúng con, đồng thời nó cũng là chứng tá cho lòng con mến Mẹ, cho những ngày con khẩn cầu dưới chân tượng của Mẹ.
Nhưng còn hơn nữa, con đã đem về với con cả tấm lòng hải hà của Mẹ đối với người con vượt ngàn trùng về cầu khẩn Mẹ đoái thương. Con đã đem về với con cả bầu trời Linh địa chan hòa những tiếng cười vui của con cái Mẹ chuộng thanh bần hơn giàu sang, chọn cuộc đời ẩn mình bên Mẹ, lấy hạnh phúc vĩnh hằng đánh đổi niềm vui nhỏ bé chóng qua của trần thế. Con cũng đem về với con những lời thống thiết kêu xin, những giấc ngủ mệt mỏi của kẻ hành hương qua đêm bên thành tường khuôn viên, hay hồn nhiên của những trẻ thơ mệt lả trên manh chiếu thô; những ưu tư thầm lặng của những thiếu nữ trong trắng nhưng cuộc đời làm nặng trĩu khổ đau trên đôi vai gầy; những ước mơ của bà cụ già cô đơn, tay lần hạt, mắt rơi lệ trông chờ đứa con xa trở về thăm viếng. Con đã đem về với con gương mặt những kẻ lành thánh, chỉ biết lo phụng thờ Chúa, phục vụ tha nhân. Con cũng đem về với con tiếng nói khắc khoải của những vị linh mục đem hết tâm trí dìu dắt đoàn chiên tiến bước theo đường hướng của chủ chăn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Con còn có thể đem về với con nhiều hơn thế nữa, nhưng tâm tư và con tim của con quá bé nhỏ.
Mẹ La Vang ơi! Mãi mãi Mẹ là Mẹ của chúng con và của đời con.
Con xin kính chào tạm biệt Mẹ”.
4. Chia sẻ tâm tình hành hương La Vang của linh mục (sau là Giám mục) Phêrô Nguyễn Khảm tại nhà thờ Chính tòa Sài Gòn, ngày 19-8-1998(33).
“Thưa anh chị em,
Như tôi đã thông báo thì trong tháng Tám này chúng ta tạm ngưng các buổi học hỏi giáo lý ngày thứ tư vì tôi có công tác phải đi vắng. Nhưng có một số anh chị em biết tôi có đi hành hương La Vang, nên tôi xin chia sẻ một vài tâm tình về cuộc hành hương vừa qua.
PHÊRÔ NGUYỄN KHẢM HƯỚNG DẪN GIỜ SÁM HỐI GIỚI TRẺ TẠI LA VANG NGÀY 14-8-1998
(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)
Vì thế, nên chiều hôm nay xin mời anh chị em cùng dâng thánh lễ tôn vinh Mẹ Maria là Nữ tỳ của Thiên Chúa và chúng ta chia sẻ với nhau tâm tình yêu mến dành cho Đức Mẹ. Chúng ta xin Đức Mẹ chuyển cầu để cùng nhau xứng đáng cử hành thánh lễ này.
Thưa anh chị em,
Cách đây có lẽ hơn một tháng tôi có đi Quy Nhơn để dự lễ phong chức một tân linh mục cùng quê ở Xóm Mới. Ngài đã phải chờ đợi lâu lắm nay mới được thụ phong linh mục cho nên tôi cố gắng đi dự lễ.
Đã ra Quy Nhơn lẽ nào không ra Huế, cho nên tôi cũng ra Huế. Khi đến Huế thì đúng phép lịch sự phải vào để bái chào Đức TGM Huế. Ai dè đâu, vừa thấy tôi, Đức Tổng bắt phải ra La Vang trong dịp hành hương kỷ niệm 200 năm để đóng góp một ít vào sinh hoạt chung của Hội Thánh. Vì ý thức đây là công việc chung của Giáo hội Việt Nam cho nên tôi phải vâng lời, và chính vì thế mà tôi có dịp đi ra La Vang thêm một lần nữa, vào ngày 13 tháng 8.
Lần này tôi đi theo phái đoàn của Đức TGM Sài Gòn, gồm có: Đức Tổng chúng ta, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Giáo phận Đà Lạt, cha Quản lý Trung tâm Công giáo, thêm tôi nữa là bốn người.
Khi phái đoàn chúng tôi đến La Vang thì lúc đó đã 6 giờ chiều ngày 13-8 và Đức cha Nha Trang Phaolô Nguyễn Văn Hòa đang cử hành thánh lễ khai mạc Tam nhật Đại hội Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.
Tối hôm đó có một cuộc rước kiệu Thánh Thể long trọng. Có lẽ một số anh chị em cũng đã biết tại La Vang có một đài lớn lắm để làm nơi quy tụ cho những cuộc cử hành đông người. Chiều dài của quảng trường đó tôi đoán có lẽ 600 thước, dài và rộng lắm.
Cuộc rước kiệu tối hôm đó rất long trọng do Đức cha Huỳnh Văn Nghi chủ sự. Các Giám mục đều có mặt. Hào quang Mình Thánh Chúa được đặt trên một xe trang hoàng lộng lẫy. Đức cha chủ sự thì quỳ phía đàng trước chầu Thánh Thể. Xe đi từ một đoạn của quảng trường lên cho tới Lễ đài.
Tiếp theo có các em thiếu nhi múa, người ta gọi là múa cung đình để tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể. Những điệu múa cung đình này ngày xưa chỉ dành cho các vua chúa mà thôi. Sau đó Đức cha Đà Lạt Phêrô Nguyễn Văn Nhơn hướng dẫn suy niệm về Mầu nhiệm Thánh Thể và kết thúc bằng buổi chầu phép lành. Đó là hôm 13-8.
Sang đến ngày 14-8, khi trời hừng sáng thì Đức TGM Sài Gòn của chúng ta chủ sự thánh lễ cùng các Giám mục và các linh mục có mặt. Trong bài giảng của Đức Tổng ngài gọi lại hai hình ảnh của hai người mẹ; một người mẹ trong sách Sáng thế, người mẹ của chúng sinh; và người mẹ trong sách Khải huyền, người mẹ của các tín hữu, tức là Đức Maria.
Người mẹ của các chúng sinh là bà Eva đã được tạo dựng trong hạnh phúc và cuối cùng đánh mất hạnh phúc. Còn Mẹ Maria, người mẹ các tín hữu phải đối diện với biết bao nhiêu thử thách và đau khổ, nhưng cuối cùng được đưa về nơi an nghỉ với Chúa.
Anh chị em đừng quên ngày 15-8 là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Đức TGM GB. Phạm Minh Mẫn làm lễ ngày 14-8 – Lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, cho nên ngài nói phải chiêm ngắm hai người mẹ vừa nói đó. Chiêm ngắm bà Eva, người mẹ của chúng sinh để biết mình phải tránh cái gì? Tránh tội kiêu ngạo chẳng hạn, không chọn Chúa làm cùng đích mà lại chọn ý riêng của mình. Và đồng thời chiêm ngắm Mẹ Maria để học hỏi những điều phải sống: Đức Tin, Lòng Cậy Trông, Đức Mến.
Sau thánh lễ buổi sáng, cha Tổng Đại diện Giáo phận Đà Nẵng cử hành giờ sám hối giúp người lớn và những anh chị em nào muốn xưng tội.
Đến buổi chiều, lúc 2 giờ trưa thì tôi được phân công hướng dẫn các bạn trẻ cử hành nghi lễ sám hối. Đến 4 giờ chiều có nghi lễ đón tiếp một cách chính thức Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Ngài đến La Vang không phải với tư cách là Hồng y của Giáo phận Hà Nội và Chủ tịch HĐGMVN, nhưng là với tư cách Đặc sứ của Đức Thánh cha. Cho nên có một bức thư của ĐGH gởi cho ĐHY đặt ĐHY Làm Đặc sứ Tòa Thánh trong dịp hành hương này. Cũng chính vì vậy mà Đức TGM Huế nói rằng: ‘Cuộc hành hương La Vang năm nay mang tầm vóc của Giáo hội toàn cầu’.
Chính ĐGH chỉ định Đặc sứ để chủ lễ. Sau khi được đón tiếp như vậy thì ĐHY dâng thánh lễ. Trong thánh lễ chiều ngày 14-8, ĐHY đại diện cho ĐGH trao dây Pallium cho Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể.
Tôi cắt nghĩa cho anh chị em một lần rồi, dây Pallium là một dây mà vị Tổng Giám mục được choàng vào cổ. Đó là dấu hiệu cho thấy ngài là một vị Tổng Giám mục. Trên dây đó có sáu hình Thánh Giá.
Sau khi được Đức Hồng y trao dây Pallium, Đức TGM Huế chủ sự thánh lễ chiều hôm đó.
Buổi tối, các nữ tu Saint Paul Đà Nẵng phụ trách diễn lại sự tích La Vang. Không phải diễn một cách nôm na, mộc mạc đâu, mà bằng những điệu múa rất súc tích và rất đẹp, mục đích để các khách hành hương biết sự tích La Vang là thế nào.
Ngày hôm sau, ngày 15-8, khi trời vừa hừng sáng, có một cuộc rước kiệu Đức Mẹ La Vang rất long trọng. Tất cả các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân có mặt hôm đó đều tham dự. Ước lượng có đến 200.000 người rước kiệu Đức Mẹ, vừa đi vừa lần chuỗi. Trước khi đọc mười kinh Kính Mừng có hướng dẫn suy niệm và cầu nguyện.
Sau cuộc rước kiệu Đức Mẹ, đến 9 giờ là thánh lễ bế mạc Tam nhật do ĐHY Đặc sứ chủ sự. Cuối thánh lễ, Đức cha Nguyễn Sơn Lâm, Giáo phận Thanh Hóa, Tổng Thư ký HĐGMVN phát biểu ý kiến về cuộc hành hương năm nay. Sau đó là giải tán. Đó là đại khái ba ngày hành hương mà tôi có mặt. Tôi thấy thế nào thì trình bày cho anh chị em như vậy.
Bây giờ anh chị em hỏi tôi có tâm tình thế nào thì thật sự ấn tượng lớn nhất đối với tôi chính là lòng tin của anh chị em giáo dân. Xin anh chị em cứ tưởng tượng thế này: La Vang là một vùng núi, cách Quảng Trị 5 cây số thôi. Đó cũng là vùng rừng núi hoang vu ngày xưa, mà đến bây giờ cũng vậy, dân cư rất thưa thớt, chỉ có một chỗ đài Đức Mẹ thì có cây cối kha khá, còn thì khắp nơi nắng cháy người.
Vậy mà 200.000 người tìm đến nơi đây. Chỗ đâu mà ở? Ngoài trời nắng như thiêu kiếm chỗ nào để trú ngụ? Cho nên ở Giáo phận Huế người ta đã dựng những cái rạp. Gọi là cái rạp thì hơi quá, thực sự chỉ là tấm bạt che trên đầu. Tất cả những người chung quanh đến đó chỉ để trải chiếu nằm mà thôi. Mà có lẽ cũng không đủ chỗ nằm nữa, cho nên tôi gọi đó là ‘khách sạn ngàn sao’. Ban đêm đâu chỉ có bốn hay năm ngôi sao mà cả ngàn ngôi sao, tha hồ mà ngắm. Mà cảnh đó đúng là ‘màn trời chiếu đất’!
Vậy mà 200.000 người đến đây, thiếu thốn đủ mọi thứ, kể cả nước. Cố gắng lắm nhưng không làm sao cung cấp nổi. Tôi được mời diện ưu tiên thế mà buổi sáng không có nước rửa mặt, thì cũng rửa theo kiểu qua loa vậy thôi.
Anh chị em nghĩ xem: 200.000 người chấp nhận thiếu thốn, vất vả, khó nhọc mà không hề cãi vã, đấm đá nhau. Thực sự đối với tôi đó là một phép lạ. Mà xin đừng quên điều này là người trẻ rất đông, chính tôi phải bỡ ngỡ. Cứ tưởng là các bà lớn tuổi có lòng đạo đức mới đi hành hương, hóa ra người trẻ đông lắm. Nếu 200.000 người có mặt thì Giới trẻ chiếm vào khoảng 130.000 người.
Bây giờ chúng ta thử nghĩ ở TP.HCM này quy tụ độ 10.000 người trẻ thôi xem họ có đánh nhau không? Nội chỉ giữ trật tự cũng đã mệt gần chết, đàng này, tại La Vang cả 100.000 người trẻ mà không ai cãi vã ai, không có đấm đá nhau cho dẫu thiếu thốn, vất vả đủ thứ.
Tôi cho rằng chỉ có đức tin mới là thiết thực, cũng chỉ có đức tin mới giải thích được sự kiện là: không phải ai có tiền mới đến La Vang. Chính mắt tôi đã chứng kiến những gia đình rất nghèo, vợ chồng dìu dắt con cái và gánh theo cả nồi niêu xoong chảo nữa. Đi hành hương mà cứ như là đi di cư vậy!
Đem theo nồi niêu đến La Vang nấu cơm ăn uống thì rẻ tiền hơn, chứ tiền đâu mà vào các quán ăn. Họ chấp nhận cảnh cực nhọc như vậy, mà không phải chỉ có ba ngày ở La Vang mà thôi, họ phải ra đi hai hoặc ba ngày đường mới về đến nhà. Tôi nghĩ Đức Mẹ thương họ lắm. Đức Mẹ thấy đoàn con cái mình đông đảo lếch thếch như vậy chắc là Đức Mẹ phải thương họ lắm.
Bởi vậy, ấn tượng lớn nhất của tôi kỳ hành hương này là lòng tin. Sở dĩ tôi ra La Vang vì Đức TGM ở Huế có nhờ tôi đóng góp một chút, nhưng tôi thấy rõ ràng là: ‘Mình cho đi thì chẳng được bao nhiêu mà mình nhận lãnh thì rất nhiều, quá nhiều!’.
Cái ấn tượng thứ hai đối với tôi là sự cố gắng của Giáo phận Huế. Anh chị em cũng nên biết rằng Giáo phận Huế cho đến nay không có đông bổn đạo. TP.HCM chúng ta có 500.000 tín hữu, Giáo phận Huế chỉ có 50.000 thôi. TP.HCM có 300 hay 400 linh mục trong lúc Huế có độ 50 linh mục thôi. Thế nhưng họ đã cố gắng hết sức. Từ Giám mục cho đến linh mục, tu sĩ và giáo dân Huế, mọi người đều góp phần của mình vào để tổ chức các buổi lễ cho tốt đẹp.
Nỗ lực hết sức, kể cả Đức TGM Huế. Tôi ghi nhận, chứng kiến cụ thể là lúc tôi hướng dẫn lời sám hối cho Giới trẻ ngày 13-8, lúc ấy 2 giờ trưa, nắng đổ lửa vậy mà Đức TGM Huế ngồi ngay đằng sau, ngồi từ đầu cho đến cuối, không bỏ một giờ nào. Ngoài ra, ngài còn đi thăm hỏi các tín hữu chỗ này chỗ kia. Bản thân ngài cố gắng hết sức. Tất cả linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng vậy, mọi người đều cố gắng hết sức để phục vụ cho cuộc hành hương La Vang tốt đẹp năm nay.
Cuối cùng, xin chia sẻ với anh chị em tâm tình thiêng liêng này. Hơn một tháng trước đó, tôi đã có dịp đến La Vang. Một buổi tối, tôi ngồi ở đài Đức Mẹ lần chuỗi cầu nguyện. Có một linh mục đến xin xưng tội với tôi. Tôi nói với ngài: Anh em chúng ta đang ngồi trước tượng Đức Mẹ, như vậy, có lẽ không có lời nhắn gởi nào cụ thể cho bằng tâm tình mà Tin Mừng nói về thánh Gioan, khi được Chúa Giêsu nói: ‘Đây là Mẹ con’ thì thánh Gioan đem Mẹ về nhà mình. Vậy anh em linh mục chúng ta cũng được mời gọi để đem Mẹ về nhà mình.
Trong lần hành hương vừa qua, khi hướng dẫn các bạn trẻ cử hành lời sám hối, tôi cũng lập lại lời tâm tình đó. Những ngày hành hương này rồi sẽ kết thúc. Điều quan trọng là chúng ta đem Mẹ về nhà mình, đem Mẹ về lại cuộc đời mình.
Vậy hôm nay tôi cũng muốn chia sẻ với anh chị em cái tâm tình đó. Dù chúng ta không đi đến La Vang, nhưng lòng chúng ta hướng tới La Vang. Điều quan trọng là chúng ta đem Mẹ Maria về nhà mình, để yêu mến Mẹ như Chúa Giêsu ngày xưa yêu mến. Và chắc hẳn đó là con đường tốt nhất để chúng ta biết và sống Tin Mừng của Chúa Giêsu mỗi ngày một thêm trọn hảo hơn.
Đến đây xin kết thúc. Và để hiệp thông tinh thần với toàn thể Giáo hội Việt Nam năm nay, anh chị em chúng ta đọc kinh Thánh Mẫu La Vang. Xin mời cộng đoàn đứng lên: Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang…”.
5. La Vang và lễ hội truyền thống dân tộc(34):
“Bên cạnh những lễ nghi thuần túy tôn giáo, các lễ hội của Tam nhật mừng 200 năm Đức Mẹ La Vang là cố gắng của Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Huế nói riêng để đem đạo vào đời, vào dân tộc và ngược lại, mặc cho các lối diễn tả thần học một cách Việt Nam. Đó là nét mới Đại lễ làm cho Tam nhật có một khí vị riêng, một nét văn hóa riêng…
Hội nhập văn hóa là phát hiện những yếu tố đạo trong văn hóa, trong truyền thống dân tộc và đưa những hình thái có chọn lọc và điều chỉnh này vào. Có thể những yếu tố này còn ở dạng tiềm thể mà người làm hội nhập phải biến thành hiện thực. Như vậy sẽ làm đạo gần với dân tộc và mất đi tính ngoại lai trên quê hương mà đạo muốn đâm rễ.
Các lễ hội mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang là nỗ lực đem đạo vào lòng dân tộc và ngược lại. Có một sự kết hôn giữa tôn giáo và truyền thống dân tộc. Vũ hội hoa đăng được xem là điển hình. Giữa một rừng người mới đi kiệu Thánh Thể về, nến còn cháy sáng trên tay, là một hội hoa đăng, hoa đèn đang nở, thắp sáng công trường. Trong khung cảnh không phân biệt khán giả và diễn viên, đoàn múa hoa đăng xuất hiện trên lễ đài. Mỗi diễn viên múa hóa trang thành một hoa sen. Những phù điêu ở chân, vai, đầu và thân mình cũng như các gam màu sử dụng đều gợi lên những hình ảnh này. Những hoa đèn cầm ở tay với nhịp điệu lên xuống mềm mại, nhịp nhàng cho thấy sự nôn nóng của trăm hoa như muốn tranh nhau nở sớm. Để nói lên hoạt động này, các múa viên đã xếp hình ngồi, quỳ, đứng và đội hình trên nhau. Đứng xa mà nhìn, có cảm tưởng như một nhánh hoa, cái nọ nở cạnh cái kia, kết lại thành một chùm hoa. Người xem không thể không nghĩ đến ‘Lục cúng hoa đăng’, vũ điệu bắt nguồn từ lễ cúng dân tộc mà không kém phần tôn giáo thiêng liêng.
VŨ HỘI HOA ĐĂNG (H.1) VÀ ĐOÀN CỒNG CHIÊNG (H.2)
(Ảnh: La Vang 200 năm. 1798-1998)
Nét nổi bật của vũ hoa đăng là người dựng vũ dùng thơ làm nền cho điệu vũ. Xưa nay dùng thơ để múa là hiếm, nhưng đây là nét mới. Trong không khí thinh lặng của đêm khuya, lời thơ ngâm bay bổng cao vút, chở theo ý thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng. Người nghe có cảm giác chơi vơi của một hồn thơ đang muốn tìm chỗ đậu. Khi hạ xuống, lời thơ đi thẳng vào lòng người và cắm lều ở đó. Lời thơ mộc mạc nhưng khung cảnh đã thi vị hóa khiến những ý thơ gõ đúng lòng người.
Thành công của vũ hoa đăng là sự kết hợp của ba nghệ thuật: vũ, nhạc và thơ. Ba tinh hoa nghệ thuật hẹn nhau làm thành một thứ ‘Lục cúng hoa đăng’ đầy tính tôn giáo.
Các vũ khúc khác như vũ khúc diễn nguyện kính Năm Sự Mừng, các vũ hội trong thánh lễ khai mạc và bế mạc cũng nằm trong cố gắng thể hiện tính tôn giáo này. Nhạc, vũ và hóa trang, ba yếu tố nghệ thuật này mà phối hợp một cách hài hòa, nhuần nhị thì tác dụng thẩm mỹ sẽ cao. Nhưng vũ đạo hay vũ tôn giáo còn chứa đựng một yêu cầu cao hơn, đó là làm nảy sinh những cảm xúc tôn giáo. Vũ đạo phải đạt mục đích nó đặt ra: ngợi khen, cảm tạ và thờ lạy. Ngoài cảm xúc thẩm mỹ, vũ đạo phải làm phát sinh cảm xúc về đạo. Nếu vũ đạo mà còn ở ngoài hay chưa đạt được cảm xúc này thì kể như thất bại.
Vũ đạo phải chứa đựng sự sốt mến ở diễn tả, cả ở vũ điệu lẫn âm nhạc, mỗi lúc một dâng cao mà sâu thẳm thì vũ đạo mới thành công. Vũ ở đây không đơn giản là vũ nữa mà là một thứ tế lễ, các vũ công là những người tư tế.
Người tham dự cảm thấy có một cảm xúc đạo ở đây.
Nói đến các lễ hội mà không đề cập vũ hội của các anh em dân tộc thiểu số là thiếu sót. Tự nó, vũ điệu của đồng bào Cao Nguyên là một thứ vũ lễ bày tỏ sự hân hoan vào các dịp đầu năm, được mùa, do đó chúng mang tính ca ngợi thiên nhiên. Con người và đất trời hòa hợp với nhau trong một bối cảnh hùng vĩ. Thiên nhiên không còn là mối đe dọa. Tiếng cồng chiêng là một ví dụ: âm thanh nghe khỏe mạnh, thoải mái; tay chân uốn lượn, thân thể lắc lư như gợi lại những con đường lên nương xuống rẫy.
Nhìn vũ hội này mới thấy vũ khúc là một sự khắc hoạ lễ tế bằng những hình tượng. Anh chị em Cao Nguyên mang biếu cho giáo dân miền xuôi một món quà đầy ngạc nhiên và cho thấy hội nhập văn hóa còn là đa văn hóa.
Các lễ hội La Vang đang tạo thành một bản sắc văn hóa riêng, một thứ vũ đạo bên cạnh những dòng vũ dân gian. Những sinh hoạt này cho thấy một lộ trình văn hóa mà đạo và dân tộc có thể kết bạn với nhau. Tình có con đường vào tình sử, hội nhập văn hóa có con đường hội nhập của nó. Các lễ hội La Vang đã tìm ra con đường này và đang đi đúng hướng.
Phải có tâm hồn yêu Hội Thánh mới thấy hết cố gắng của các vị hữu trách trong nỗ lực thực hiện. Ở đây, nghiệp dư đã gặp chuyên nghiệp. Chắc rằng mỗi giáo dân hành hương đều ôm ấp một hình ảnh riêng về các lễ hội, nó làm thành một thứ gia bảo riêng, quý hơn vàng bạc, có thể cho chứ không đổi chác được”.
Hết Chương 19.
Xem tiếp Chương 20.
—————————————————————–
(30) Vũ Sinh Hiên: Lời kinh dài hai thế kỷ. Lưu hành nội bộ, tr.21-24.
(31) Diana Nguyễn (San Francisco. CA. USA): Gởi về Mẹ những dòng nhật ký. Đặc san Đức Mẹ La Vang – Kỷ niệm 200 năm. Lưu hành nội bộ. PX. Phan Đình Ngọc chủ biên.
(32) Phan Hữu Lộc (Paris): Bức tâm thư (trích phần cuối): Đặc san Đức Mẹ La Vang – Kỷ niệm 200 năm. Lưu hành nội bộ. Đã dẫn.
(33) Dẫn theo Đặc san Đức Mẹ La Vang – Kỷ niệm 200 năm. Lưu hành nội bộ. Đã dẫn.
(34) Tống Huệ Thi: Hai trăm năm – Một cảm tưởng. Lưu hành nội bộ, tr. 20-27.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 4 – Chương 19 – Phần 4