TẬP SÁCH
HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)
*****************
TẬP 4
CHƯƠNG HAI MƯƠI
HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ(Tiếp theo)
ĐẠI LỄ BẾ MẠC NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG – ĐẠI HỘI LA VANG 25 (1999)
I. TAM NHẬT ĐẠI LỄ BẾ MẠC NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG (13-8 – 15-8-1999)(1).
So với năm trước, năm nay La Vang có nhiều thay đổi. Trung tâm đã xây thêm một nhà khách mới dành cho các linh mục. Ngôi nhà nguyện phía sau Tháp cổ được làm thêm hai hành lang rộng bằng vật liệu nhẹ. Nơi đây, những ngày hành hương tấp nập người đến xưng tội. Hai bên Quảng trường Mân Côi dài 300m, Ban Tổ chức cho dựng nhiều lán trại bằng phên tre hoặc vải nylon làm nơi trú ngụ cho các đoàn. Tất nhiên cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu. Các lán trại được chia cho các giáo tỉnh, nhiều nhất là các giáo tỉnh TP.HCM ở bên trái nhà thờ cũ, giữa khu rừng thông bóng mát…
Lễ đài năm nay được sửa chữa kiên cố, xây dựng ngay trước Tháp cổ đã bị bom đạn tàn phá, được thiết kế theo kiểu kiến trúc Á Đông. Trên Lễ đài có 9 cái lọng được cách điệu để che mưa nắng, đường kính mỗi cái 6m, cao 8m. Cạnh bàn thờ, một bên là tượng Đức Mẹ La Vang đặt trong lồng kính, một bên là huy hiệu Tổng Giám mục Huế.
1. Ngày thứ nhất, 13-8-1999.Khai mạc.
a/ Nghi thức khai mạc.
TOÀN CẢNH LA VANG TRONG GIỜ KHAI MẠC
(Ảnh: Internet)
Chưa tới giờ khai mạc nhưng con đường chính của Quảng trường Mân Côi dẫn tới Lễ đài dài 300m đã dày đặc những người là người, và con đường dẫn tới Linh đài, nơi Đức Mẹ hiện ra, được ghi dấu bằng hình tượng ba cây đa cách điệu cũng đông nghẹt người. Muốn di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác vô cùng khó khăn. Khắp nơi trong khu vực Thánh địa nườm nượp những người là người. Ban Tổ chức ước tính trong ngày khai mạc đã có tới 200.000 người.
16 giờ 30, bắt đầu nghi thức đón các Đức Giám mục Việt Nam. Đi đầu là 200 thiếu nữ Huế áo dài trắng, nón lá trắng giơ cao tay vẫy chào. Tiếp theo là đoàn giáo hữu dân tộc Tây Nguyên với trang phục thổ cẩm truyền thống và cồng chiêng. Mọi người tập trung chú ý vào đoàn lính thú ngày xưa với trang phục đỏ, vàng, chân quấn xà cạp, đầu đội nón chóp, tay cầm lọng che phái đoàn các Giám mục, do cha Stanilaô Nguyễn Đức Vệ, Tổng Đại diện Giáo phận Huế hướng dẫn tiến về phía Lễ đài.
Hiện diện trong đoàn rước, ngoài Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, còn có các Đức Giám mục: Phaolô Lê Đắc Trọng (GM phó Hà Nội), Giuse Ngô Quang Kiệt (GM Lạng Sơn), Phaolô Cao Đình Thuyên (GM phó Vinh), Phêrô Nguyễn Tích Đức (GM phó Banmêthuột), Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Phêrô Nguyễn Văn Nho (GM chính, phó Nha Trang), Raphaen Nguyễn Văn Diệp (GM Vĩnh Long), Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (GM Đà Lạt), Tôma Nguyễn Văn Trâm (GM phó Xuân Lộc), PX. NguyễnVăn Sang (GM Thái Bình), Phêrô Trần Đình Tứ (GM Phú Cường), Emmanuen Lê Phong Thuận (GM Cần Thơ), Phaolô Bùi Văn Đọc (GM Mỹ Tho), và Đức Đan viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh. Theo sau đoàn các Giám mục là đoàn các linh mục, đoàn các tu sĩ nam nữ…, lần lượt tiến về Lễ đài trong tiếng vỗ tay hoan hô vang dội, tiếng chuông trống, tiếng cồng chiêng tưng bừng rộn rã.
Sau màn đại vũ chào mừng của 200 em vũ công Huế, cha Tổng Đại diện Huế đọc diễn văn chào mừng:
“Kính thưa Đức Tổng Giám mục, quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em,
Thay mặt Ban Tổ chức Đại lễ Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang và Đại hội Hành hương La Vang lần thứ 25, chúng con xin gởi tới quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em tín hữu lời chào hiệp nhất bên Mẹ La Vang.
Vùng đất Quảng Trị vốn được coi là nơi khô cằn nhất của tổ quốc, mùa này lại phải đương đầu với gió Lào, nắng hạ và những cơn giông bão thất thường. Thánh địa La Vang cũng không tránh khỏi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vậy mà quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu vẫn vui vẻ tề tựu về bên Mẹ La Vang thật đông đảo, một cử chỉ biểu lộ đức tin, lòng cậy trông và sự hiệp nhất yêu thương của con cái Chúa.
Chúng con kính chúc quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em tín hữu những ngày đầy ơn Chúa tại Thánh địa. Phần chúng con, Ban tổ chức Đại hội Thánh Mẫu đã cố gắng hết sức để những ngày này sẽ là những khoảnh khắc không thể nào quên đối với mỗi người.
Lạy Thánh Mẫu La Vang, Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu, xin cầu cho chúng con.
Chúng con trân trọng chào mừng”.
Tràng vỗ tay vừa dứt, Đức TGM Huế đứng lên nhận huy hiệu Đại hội từ tay cha Tổng Đại diện rồi trịnh trọng trao đến các vị Giám mục, các vị thượng khách có mặt trên Lễ đài.
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Đà Lạt, tiến lên máy vi âm tuyên đọc sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II gởi Đại hội La Vang 25 – Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang.
(Xem toàn bộ sứ điệp ở Chương 22).
Đức Giám mục Đà Lạt vừa dứt lời, cả rừng người lại vỗ tay tri ân ĐTC. Ca đoàn xướng:
Từ bốn phương trời chúng con về bên Mẹ,
Từ bốn phương trời chúng con về La Vang…
Cuộc rước cờ 25 giáo phận bắt đầu. Theo hiệu lệnh của linh mục chưởng nghi, chuông trống nổi lên, cồng chiêng dồn dập, đờn vang, nhạc trỗi. Ca đoàn xướng Alleluia. Cờ 25 giáo phận được kéo lên trên 25 cột dựng sẵn, thẳng hàng với tiền đường ngôi tháp cổ.
Rời Lễ đài, đoàn các Đức Giám mục, các linh mục được hướng dẫn qua Linh đài dâng hương trước tượng Mẹ. Đức TGM Huế xướng kinh Thánh Mẫu La Vang. Mọi người kính cẩn quỳ xuống đất sốt sắng hòa giọng đọc kinh.
Trong không khí trang nghiêm, đầm ấm Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể long trọng tuyên bố khai mạc Tam nhật Đại lễ Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang – Đại hội La Vang 25.
Ngài nói:
“Kính thưa quý Đức cha, quý Đan Viện phụ, quý Bề trên dòng, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em giáo hữu thân mến,
ĐỨC TGMTÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ ĐỌC DIỄN VĂN KHAI MẠC
(Ảnh: Internet)
Chiều hôm nay chúng ta bắt đầu cử hành Tam nhật Đại lễ Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang – Đại hội Hành hương La Vang lần thứ 25. Hai mươi bốn Đại hội trước đây và Đại lễ 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại nơi này, tất cả đều gói gọn trong thế kỷ XX.
Đại hội lần 1 được tổ chức năm 1901 dưới thời Đức cha Caspar Lộc. Ở năm cuối cùng này của thế kỷ, chúng ta họp nhau để dâng lên Mẹ lời cảm tạ vì Mẹ đã gìn giữ quê hương Việt Nam và Hội Thánh Công giáo qua bao thử thách, qua bao đổi thay lịch sử của thế kỷ XX đầy biến động.
Hôm nay, giang sơn gấm vóc gắn liền một dải, gia đình Chúa từ Bắc chí Nam chung một lòng, cùng gắn bó với nhau và với Hội Thánh toàn cầu. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa nhờ lời chuyển cầu của Mẹ La Vang về hồng ân cứu giúp độ trì này. Chúng ta cũng xin hiệp với Mẹ dâng lên Chúa thế kỷ ngàn năm sắp tới, với nhiều niềm tin vui mừng và hy vọng, nhưng cũng đầy những bất trắc, thách đố. Hội Thánh Chúa đặt trọn niềm cậy trông và phó thác vào bàn tay từ mẫu của Mẹ. Xin Mẹ nâng đỡ, an ủi đoàn con của Mẹ trong nước cũng như ngoài nước, như Mẹ đã từng an ủi và nâng đỡ trong hơn 200 năm qua, đúng với tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu.
Trong tâm tình tạ ơn và dâng hiến ấy, tôi long trọng tuyên bố khai mạc Tam nhật Đại lễ Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang, đồng thời cũng là Đại hội Hành hương lần thứ 25.
Xin trân trọng kính chào”.
Đại vũ Chào mừng Đức Mẹ La Vang trên nền nhạc bài Từ bốn phương trời của 200 em thiếu nhi, do các nữ tu Saint Paul thành Chartres hướng dẫn đã kết thúc nghi thức khai mạc.
b/ Thánh lễ khai mạc.
18 giờ, trời dịu hẳn. Kèn hiệu trỗi bài Ave Maria, nhạc Schubert, báo hiệu bắt đầu thánh lễ đồng tế khai mạc.
Đoàn đồng tế gồm các Giám mục, linh mục hiện diện. Đức cha PX. Nguyễn Văn Sang chủ tế tiến lên bàn thờ trong không khí phấn khích của bài hợp xướng Kìa Bà nào đang tiến lên.
Một rừng người! Một rừng hai trăm ngàn con người chen chúc trong ánh điện mập mờ cố kiếm một chỗ để tham dự thánh lễ. May mà Đại hội có được dàn âmthanh tuyệt vời do Công ty Nguyễn Hoàng, TP.HCM lắp đặt nên đứng xa cũng nghe rõ, dễ thông công.
Bài đọc 1 do một giáo dân ở Tân Bình, Giáo phận Sài Gòn, đại diện Miền Nam đọc. Bài đọc 2 do một giáo dân giáo xứ Hàng Bột, Tổng Giáo phận Hà Nội, đại diện Miền Bắc đọc. Bài đọc 2 được một giáo dân sắc tộc Bru (miền núi Quảng Trị), đại diện Miền Trung đọc lại bằng tiếng Bru. Bài Tin Mừng do linh mục Micae Hoàng Đức Oanh, Giáo phận Kontum tuyên đọc.
Đức cha chủ tế PX. Nguyễn Văn Sang giảng lễ với đề tài: Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót. Ngài nói:
“Hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ đầu tiên trong Tuần Tam nhật Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang và Đại hội La Vang 25. Chúng ta cùng nhau chia sẻ mấy tư tưởng về Đức Mẹ là Đấng hay thương xót.
Người có lòng thương xót là người có trái tim biết thông cảm nỗi đau, nỗi khổ của người khác. Người phụ nữ là người vốn sống trong lãnh vực tình cảm dồi dào nên có lẽ là người có lòng thương xót hơn cả, nhất là đối với các con cái của mình…
Về mặt nhân loại, Đức Mẹ cũng là người, là một phụ nữ có khuynh hướng dồi dào lòng thương xót. Nhưng Đức Mẹ là ‘Bà có phúc hơn mọi phụ nữ’, một người nữ ‘đầy ân phúc’ ngay từ khi đầu thai trong lòng Mẹ, được vô nhiễm nguyên tội, nên Đức Mẹ khác nào cây đàn muôn điệu của Thiên Chúa, mà Chúa Thánh Thần là nghệ sĩ tài hoa đã tấu lên triệu triệu bài ca, trong đó có ‘bài ca hay thương xót’.
Ở đời, trong giới hạn của con người, không phải cứ ‘muốn là được’. Muốn nhiều nhưng khả năng thì ít. Biết bao mối tình đổ vỡ, biết bao thất bại đắng cay… Tất cả bi kịch cuộc đời con người phát sinh từ chính giới hạn của con người… Nơi Đức Mẹ, trong vinh quang Thiên đàng, Đức Mẹ không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian, không còn bị ma quỷ, xác thịt cản trở. Đức Mẹ thấu hiểu hơn cả mọi người ở mọi thời đại. Đức Mẹ hiểu biết mọi người, mọi nỗi vui buồn sướng khổ, thành công hay thất bại của mỗi người, và lòng yêu mến xót thương con cái của Mẹ cũng vô bờ vô bến. Khi còn ở dưới thế, Đức Mẹ yêu thương con cái, thì ở trên trời Mẹ còn yêu thương hơn nữa và vẫn yêu thương một cách kỳ diệu, rộng khắp. Với quyền phép vô song, Mẹ cầu bầu đắc lực cho chúng ta trước tòa Chúa thật là hiệu quả. Đó là ý nghĩa Đức Mẹ hay thương xót.
Đức Mẹ còn tỏ rõ lòng thương xót cụ thể hơn nữa bằng cách hiện ra ở Thánh địa La Vang cách đây 200 năm. Đức Mẹ La Vang chính là Đức Mẹ hay thương xót. Và với tấm lòng người Mẹ bao la với sự thông sáng, hiểu biết vô cùng Mẹ đã rõ biết những con cái đau khổ trong cánh rừng ma thiêng nước độc này, hùm beo rắn rết, ở một miền đất nghèo đói, vô danh này, để ra tay cứu vớt cha ông chúng ta thoát cơn hoạn nạn tinh thần và thể chất mà giữ vững đức tin. Cho tới ngày nay, Đức Mẹ La Vang vẫn tỏ ra là Đức Mẹ thương xót, hằng cầu bầu xin Chúa ban cho con cái Mẹ những ơn dồi dào hồn xác trong suốt 200 năm qua. Ngày nay, nhất là trong những năm gần đây, kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại Linh địa này, hằng vạn người tuôn đến đây để biểu lộ đức tin vào Chúa và lòng sùng kính đối với Đức Mẹ. Đó là phép lạ to lớn, phép lạ nhãn tiền nhất mà Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ thương xót đã cầu bầu cho chúng ta…
Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người mẹ đầy lòng thương xót, là Đấng phản ánh tuyệt vời Cha chúng ta ở trên trời là Đấng từ bi và hay thương xót. Chúng ta hãy nghe lời Công đồng Vatican II khuyên dạy về việc tôn sùng Đức Mẹ tuyệt hảo nhất là noi gương bắt chước các nhân đức của Đức Mẹ.
Chúng ta hãy biến Linh địa La Vang thành mái trường dạy lòng thương xót. Nơi đây, Đức Mẹ vừa là thầy, vừa là gương mẫu sống động, và từ sự thánh thiện này, con cái của Đức Mẹ ra đi, hiểu biết, thông cảm với niềm vui, nỗi buồn của anh chị em mình và ra tay thực hiện lòng thương xót không mệt mỏi của Đức Kitô và Mẹ Maria.
Lạy Mẹ La Vang là Mẹ hay thương xót xin cầu bầu cho chúng con”.
Trong tiếng đàn tranh dìu dặt và nền nhạc bài Ca khúc trầm hương các thanh niên nam nữ vũ công trong trang phục cổ truyền trình diễn vũ khúc Dâng lễ, mang phong cách dân tộc độc đáo. Ít nhất ba lần vũ đoàn dâng lễ, như rồng thiêng phủ phục, sấp mình trước bàn thờ mỗi lần ca khúc đến câu ‘Khẩn cầu Chúa thương ban muôn hồng ân’.
Rải rác trong quảng trường, Ban Tổ chức đặt sẵn 100 cây dù. Đó là những địa điểm rước Mình Thánh Chúa. 100 linh mục cầm chén thánh tỏa đi đến các địa điểm định sẵn. Giáo dân đứng tại chỗ mình đang đứng, không cần di chuyển cũng có thể dễ dàng rước Mình Thánh Chúa. Tuy thế, vì quá đông, không tránh khỏi chen lấn, kéo dài.
c/ Kiệu Thánh Thể.
20 giờ, bắt đầu cuộc rước kiệu tôn vinh Thánh Thể. Một dòng sông đèn nến chảy từ chân Tháp cổ vòng ra con đường nhựa, vào Quảng trường Trung tâm và tiến về Lễ đài.
Mở đầu đoàn kiệu là Thánh Giá đèn chầu. Đoàn thiếu nhi hồn nhiên đơn sơ kế tiếp. Một đoàn lính thú cầm lọng theo hầu bàn kiệu. Hàng vạn tín hữu tay cầm nến, tự động vào hàng ngũ. Ánh sáng đèn cao áp vụt tắt, không còn phân biệt được đoàn thể, đội ngũ, chỉ còn một dòng sông lửa lung linh, mềm mại uốn mình chảy mãi.
Lửa là ánh sáng: Ánh sáng Chúa Kitô Phục sinh. Lửa là đức tin: Hành hương La Vang – Lữ hành đức tin. Một dòng sông lửa, một dòng sông hai trăm ngàn ngọn lửa giương cao, biểu lộ đức tin, tôn sùng Thánh Thể.
Đức cha chủ sự bước xuống kiệu, Thánh Thể được cung nghinh lên lễ đài. Cả cộng đoàn quỳ lạy. Tiếng đàn tranh dìu dặt, tiếng sáo vi vu trỗi lên làm nền nhạc cho vũ khúc Dâng hương do các thanh nữ dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng biểu diễn, với những động tác hân hoan, tin yêu, tôn kính và những lần sấp mình phủ phục cảm động.
Đức Giám mục Mỹ Tho Phaolô Bùi Văn Đọc giúp cộng đoàn suy niệm với đề tài “Mẹ Yêu thương”. Ngài nói:
Trước sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, tại Linh địa La Vang này, chúng ta cùng nhau suy niệm về Mẹ của chúng ta là Đức Trinh Nữ Maria. Lòng kính mến Đức Mẹ khiến chúng ta muốn nói nhiều điều nhưng chỉ cần dừng lại một chủ đề chắc chắn sẽ làm hài lòng Đức Mẹ: ‘Mẹ Maria – Mẹ yêu thương’.
Đức Giám mục Mỹ Tho hướng dẫn cộng đoàn suy niệm thêm về mấy đề tài: ‘Tình yêu của Đức Mẹ đối với Chúa Giêsu, Con của Mẹ’;‘Tình yêu của Đức Mẹ dành cho Hội Thánh, cũng là Con của Mẹ’; và về ‘Mẹ Maria với Chúa Thánh Thần’. Ngài kết luận:
“Mẹ yêu thương sẽ dạy cho chúng ta bài học yêu thương, vì những gì nghịch với yêu thương sẽ không do Mẹ dạy. Bài học của Mẹ thật ra là bài học của chính Thiên Chúa Tình Yêu (Ga 4, 8-16), bài học của Chúa Giêsu, Đấng mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, bài học của Chúa Thánh Thần là quyền năng, là sức mạnh yêu thương nơi Thiên Chúa. Mẹ yêu thương, Mẹ hấp dẫn mọi người, Mẹ lôi cuốn mọi người, có khi mãnh liệt trong những cơ hội đặc biệt như những ngày Đại hội La Vang, nhưng cũng có khi âm thầm, kín đáo ở một nơi nào đó mà không ai biết đến như ở nơi một cõi lòng nào đó. Mẹ yêu thương là hiện thân của tình yêu rất cần thiết cho một thế giới khao khát tình yêu thương và được yêu thương”.
Đêm canh thức tự do. Mọi người tìm một chỗ ngả lưng. Có người rảo bước về phía Linh đài, đến gần Mẹ, ngồi bên Mẹ. Đây đó trong vườn thánh văng vẳng tiếng đọc kinh, tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng ca hát ngợi khen Mẹ. Nhân viên vệ sinh SPC vẫn cần cù lặng lẽ nhặt từng cọng rác, lượm từng bịch nylon. Nhân viên trật tự vẫn trong tinh thần cảnh giác thức cho mọi người ngủ. Ôi! Đêm La Vang bên Mẹ, đẹp làm sao! Thanh bình quá đỗi!
- Ngày thứ hai, 14-8-1999.
Từ 4 giờ sáng, loa phóng thanh của Ban Tổ chức đã kêu gọi mọi người thức dậy chuẩn bị cho chương trình buổi sáng ngày thứ hai trong Tam nhật. Sau vài giờ chợp mắt, ai nấy còn ngái ngủ, nhưng nghe tiếng Mẹ gọi, chẳng ai còn nấn ná, dù khí trời mát mẻ lạ thường.
5 giờ sáng, mọi người hướng về Linh đài, theo sự hướng dẫn của một linh mục trong Ban Tổ chức, suy niệm và hướng dẫn đọc kinh Mân Côi.
a/ Thánh lễ đồng tế sáng 14-8-1999.
6 giờ, thánh lễ đồng tế tại Lễ đài do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang chủ tế và giảng lễ. Cùng đồng tế có khoảng 20 Giám mục và hơn 200 linh mục. Số giáo dân tham dự lên đến trên 200.000 người.
Mở đầu thánh lễ đồng tế, Đức cha chủ tế kêu mời:
“Trong bầu không khí thánh thiện và thân hữu, chúng ta được mời gọi có mặt tại đây. Thật là một dịp vô cùng quý hóa… Đức Maria đã quy tụ chúng ta lại nơi đây để cử hành Tam nhật Bế mạc Năm Toàn Xá Thánh Mẫu La Vang. Sáng hôm nay chúng ta dâng thánh lễ với chủ đề ‘Đức Maria, Mẹ của sự hiệp nhất’. Sự hiệp nhất chính yếu là việc con người sám hối trở về với Thiên Chúa, trở nên con cái của một Cha và từ đó trở nên anh chị em với nhau. Trong cuộc trở về này chúng ta luôn có Đức Mẹ hướng dẫn”…
Bài đọc 1 do một giáo dân Trí Bưu, Quảng Trị đọc. Bài đọc 2 do một giáo dân Chợ Quán, Sài Gòn đọc. Bài đọc 2 được một giáo dân Vân Kiều, Khe Sanh – Quảng Trị đọc lại bằng tiếng Vân Kiều. Bài Tin Mừng do linh mục Giuse Nguyễn Thái Hà, Giám quản Giáo phận Hưng Hóa tuyên đọc.
Trong bài giảng lễ, với chủ đề ‘Đức Maria, Mẹ của sự hiệp nhất’, Đức Giám mục Nha Trang chia sẻ:
“Khi thực hiện chương trình cứu độ, quy tụ mọi con cái về một mối, Thiên Chúa muốn có nhiều người cộng tác vào chương trình ấy; cũng như chức Linh mục của Chúa Giêsu được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và giáo dân; cũng như sự tốt lành được Thiên Chúa ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sứ mạng trung gian duy nhất của Chúa Giêsu, sứ vụ quy tụ con cái Chúa của Đấng Cứu Thế cũng khuyến khích nhiều người cộng tác. Trong số những người cộng tác này, Đức Maria giữ một vai trò quan yếu trong mối hiệp nhất.
Trong mọi giai đoạn của chương trình cứu độ, thấy Đức Mẹ ở bên Chúa Giêsu như không thể nào tách rời hai nhân vật được.Từ khi Ngôi Lời nhập thể cho đến khi hoàn tất công cuộc cứu chuộc trên thập giá ta luôn thấy Đức Maria hiện diện bên cạnh Chúa Giêsu. Đức Maria đã dùng nhiều cách để thể hiện chức năng làm Mẹ của Ngài, một trong những cách đó là việc Mẹ hiện ra tại La Vang.
Chúng ta đang thực hiện cuộc hành hương về chính địa điểm nơi Đức Mẹ đã hiện ra trước đây 200 năm, để cùng nhau tôn vinh Đức Maria với danh xưng Đức Mẹ La Vang. Đây không phải là cuộc du lịch hoặc tham quan, nhưng là cuộc lữ hành biểu dương và đào sâu đức tin, nêu lên ý nghĩa cuộc đời lữ thứ. Chúng ta đang là khách lữ hành trên đường đời, con đường dẫn về Nhà Cha trên trời mai sau.
Như vậy, trên đường tiến tới ngàn năm thứ ba, chính Đức Mẹ là ngôi sao dẫn đường đưa chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Nguyện xin Đức Mẹ, Người đã hiện ra ở La Vang cách đây 200 năm, xin an ủi chúng con, xin dẫn dắt mọi người đến với Đấng là ánh sáng thật, ánh sáng soi cho mọi người”.
Thánh lễ kết thúc lúc 7 giờ trong tiếng hát bài Cùng Mẹ con đi, tiến về ngàn năm mới.
b/ Cầu nguyện, sám hối dành cho các giới.
8 giờ, giờ cầu nguyện, sám hối dành cho người lớn. Linh mục Micae Hoàng Đức Oanh, Tổng Đại diện Giáo phận Kontum phụ trách.
9 giờ 30, giờ cầu nguyện, sám hối dành cho các tín hữu dân tộc Bru do linh mục Trần Sĩ Tín, CSsR, phụ trách. Giờ cầu nguyện với những bài ca, bài đọc, lời cầu mang đậm màu sắc văn hóa Tây Nguyên.
13 giờ, giờ cầu nguyện, sám hối dành cho Giới trẻ do linh mục Giuse Tiến Lộc, CSsR, hướng dẫn. Với tính cách trẻ trung, tài hoạt náo, lời dí dỏm, băng reo ngộ nghĩnh, bài hát vui tươi mang chất Hướng đạo đã thực sự cuốn hút Giới trẻ. Qua những tiếng cười, tiếng hát, giọng hò, câu kinh…, họ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa và Đức Mẹ tại Linh địa La Vang này.
c/ Nghinh đón ĐHY Chủ tịch và các Đức Giám mục trong HĐGMVN.
Lúc 16 giờ 30, cộng đồng Dân Chúa hành hương La Vang tập trung ở Quảng trường Mân Côi để nghinh đón ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN, các Đức Tổng Giám mục, Giám mục. Ngoài các vị đã đến hôm qua, hôm nay có thêm: Đức cha GB. Phạm Minh Mẫn, TGM Sài Gòn; Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, GM Thanh Hóa; PX. Nguyễn Quang Sách, GM Đà Nẵng; Phêrô Nguyễn Soạn, GM Qui Nhơn; Giuse Nguyễn Quang Tuyến, GM Bắc Ninh; Giuse Nguyễn Văn Yến, GM Phát Diệm. Cộng tất cả 22 vị: ĐHY, 20 vị TGM, GM và Đức Đan Viện phụ Thiên An.
Đoàn rước tiến vào Lễ đài trong tiếng kèn trống và tiếng cồng chiêng rộn rã, tiếng vỗ tay hoan hô rền vang của 250.000 khách hành hương, giữa hai hàng rào danh dự, các thiếu nữ con cái Giáo phận Huế trong bộ áo dài trắng học sinhđơn sơ, giơ nón vẫy chào, rất Huế.
Thay mặt Ban Tổ chức và cộng đoàn Dân Chúa Đức TGM Huế đọc diễn văn chào mừng ĐHY và các Đức Giám mục. Sau đó Đức TGM Huế dâng huy hiệu Đại hội La Vang cho ĐHY và các ĐGM mới đến, rồi hướng dẫn đoàn đến Linh đài làm lễ niệm hương. ĐHY Thay mặt HĐGMVN dâng lên Đức Mẹ một lẵng hoa. Sau cùng, cùng cộng đoàn đọc kinh Thánh Mẫu La Vang.
ĐHY PHAOLÔ GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG VÀ CÁC ĐGM TIẾN RA LỄ ĐÀI, CHIỀU 14-8-1999.
(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
THÁP CỔ TRONG ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 200 NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG
(Ảnh: Tb. Công giáo và Dân tộc, số 1195 + 1196/ 1999)
d/ Thánh lễ đồng tế chiều 14-8-1999 – Thánh lễ Vọng mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Thánh lễ đồng tế chiều 14-8-1999 do Đức TGM Sài Gòn GB. Phạm Minh Mẫn chủ tế và giảng lễ. Cùng hợp tế có ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, 20 Giám mục, Đức Đan Viện phụ Thiên An và 265 linh mục. Giáo dân tham dự lên đến 250.000 người. Ba ca đoàn Trùng Dương, Vượt Qua và Phủ Cam hát lễ.
Bài đọc 1 do một giáo dân giáo xứ Chính tòa Hà Nội đọc. Bài đọc 2 do một giáo dân giáo xứ Buôn Hồ, GP Banmêthuột đọc. Một nữ tu người dân tộc Bana đọc lại bằng tiếng Bana. Linh mục GB. Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện GP Sài Gòn tuyên đọc bài Tin Mừng.
Trong bài giảng lễ, Đức TGM chủ tế nói về “Mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”.
Ngài chia sẻ:
“Ngày 1-11-1950, cách đây 49 năm, Đức Piô XII đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Trong thông điệp công bố tín điều này, ĐTC đã ghi nhận: Cho đến bây giờ Hội Thánh mới chính thức công bố tín điều, nhưng từ rất lâu niềm tin này đã tiềm tàng trong sinh hoạt của Dân Chúa qua những ngôi nhà thờ, những tu viện được dâng hiến cho Mẹ Mông Triệu, qua chuỗi Mân Côi suy niệm về Mẹ Lên Trời cả hồn và xác…
Hôm nay, từ mọi miền đất nước, chúng ta hành hương về đây, nơi Mẹ Maria đã đích thân hiện ra yên ủi, nâng đỡ cha ông chúng ta trong cơn gian truân thử thách. Hành hương về La Vang đển tạ ơn và tôn vinh Mẹ, đồng thời cùng với Mẹ và trong sự hướng dẫn của Mẹ, hành hương về Giêrusalem Thiên Quốc.
Ước gì giữa những khó khăn, thử thách của đời sống hôm nay, cuộc đời của mỗi chúng ta vẫn là cuộc hành hương trong hy vọng. Hy vọng vì tin tưởng chắc chắn rằng cuộc hành hương này sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc, đến sự sống thật trọn vẹn nơi Thiên Chúa.
Ước gì cuộc đời của chúng ta cũng trở thành cuộc hành hương của tình thương, khi mọi sinh hoạt, mọi giao tiếp trong đời sống hằng ngày được thấm đẫm lòng yêu thương chân thành, góp phần xây dựng Giáo hội là cộng đoàn hiệp nhất trong yêu thương hầu kiến tạo Nước Trời là nước công chính, bình an, yêu thương và hoan lạc trong Thánh Thần”.
Đoàn giáo dân trong y phục cổ truyền, cùng với đoàn thiếu nữ với áo dài ba miền đã cùng tiến lên Lễ đài dâng lễ vật trong tiếng đàn tranh, đàn tỳ bà, độc huyền cầm dìu dặt của ban nhạc dân tộc Giáo phận Huế.
e/ Đêm Diễn nguyện.
20 giờ 30, bắt đầu Đêm Diễn nguyện – Đêm Canh thức bên Mẹ – tổ chức tại Lễ đài.
+ Diễn nguyện 1: Ca đoàn Trùng Dương trình diễn bài Kinh Thánh Mẫu La Vang, do nhạc sĩ lão thành Vũ Văn Tuynh phổ nhạc, từ hải ngoại gởi về. Ca trưởng Hoàng Hương cùng ca đoàn Trùng Dương thật xuất sắc, mở màn thành công Đêm Diễn nguyện khiến cả cộng đoàn La Vang đêm nay im phăng phắt, như đang hiệp thông sốt mến trong một cuộc rước kiệu!
+ Diễn nguyện 2: La Vang thời bắt đạo Cảnh Thịnh. Các nữ tu diễn nguyện viên dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng đã thực sự gây xúc động qua màn diễn sống động, tái hiện cảnh lầm than, khốn đốn của giáo dân miền Dinh Cát, trong cơn bắt đạo Cảnh Thịnh năm 1798.
+ Diễn nguyện 3: Tiết mục Dụ ngôn Mười cô trinh nữ, một cố gắng đem Tin Mừng hội nhập văn hóa dân tộc. Nam, với khăn đóng áo dài; nữ, với nón quai thao, khăn mỏ quạ, áo tứ thân. Qua làn điệu dân ca Quan Họ Bắc Ninh ngọt ngào, được đánh giá là một tiết mục đặc sắc.
THÁNH VŨ “MAGNIFICAT” (H.1)
THÁNH VŨ “TIẾN VỀ LA VANG” (H.2)
(Ảnh 1+2: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
+ Diễn nguyện 4: Vũ Dâng hoa gây xúc động sửng sốt, khi biết các diễn nguyện viên đều là những thiếu nhi, con em của những bệnh nhân phong sống rải rác nhiều nơi từ Nam ra Bắc. Từ trại hè “Hoa Nhân ái” tổ chức ở Quy Hòa – Quy Nhơn, các em được quý ân nhân Hướng đạo, Hội Bạn Người phong, cùng các linh mục, nữ tu tạo điều kiện đi hành hương La Vang, “Dâng hoa” trong Đêm Diễn nguyện.
+ Diễn nguyện 5: Gây ấn tượng nhất cho cộng đoàn, với 250.000 người đang ngóng mắt, phải kể đến mục Mười lăm Sự Mầu nhiện.
Trong không khí trang trọng và hoành tráng của sân khấu diễn nguyện, 700 diễn nguyện viên người dân tộc Tây Nguyên đã dẫn dắt cộng đoàn qua chặng đường vui, Thương, Mừng. Tới cảnh Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, tiếng khóc thê lương, não nuột của một người nữ J’Rai đã làm đêm La Vang tĩnh lặng như nơi hoang vắng, không người. Tất cả trầm lắng nhìn người anh em dân tộc trần trụi với chiếc khố truyền thống đang vẫy tay trên diễn đài, như Đức Kitô xưa trên đồi Calve. Cảnh tượng ấy, lời than ấy đã làm rơi lệ nhiều người! Mà thực sự phải rơi lệ vì, như linh mục Trần Sĩ Tín, CSsR, đã nói: “Cả một dân tộc thiểu số đang bị đóng đinh!”. Cả một dân tộc thiểu số mà 700 diễn nguyện viên đại diện đang phủ phục trên đài diễn, bỗng đứng bật dậy, nhún nhảy reo mừng theo tiếng cồng chiêng, hát vang bài Alleluia mừng Chúa Phục sinh. Cây nến Phục sinh được thắp sáng bằng lửa lấy từ chiếc chậu sành đựng những lá thư gởi Mẹ La Vang của những anh chị em Tây Nguyên không về được, đang được đốt trên Lễ đài.
Từ cây nến Phục sinh, lửa được truyền sang hàng ngàn bó đuốc và hàng vạn cây nến làm sáng rực quảng trường. Đức TGM Huế tay cầm đuốc, bước lên diễn đài, cùng với tất cả diễn nguyện viên và cộng đoàn hát vang bài ca Lạy Mẹ là ngôi sao sáng.
Kết thúc Đêm Diễn nguyện.
3. Ngày thứ ba, 15-8-1999. Bế mạc.
Ngày cuối cùng cũng là ngày trọng đại nhất trong Tam nhật, từ 4 giờ 30, mọi người đứng lên, hướng về Linh đài lần hạt chung.
a/ Thánh lễ đồng tế bế mạc.
5 giờ 30, sau hiệu lệnh kèn trống, đoàn đồng tế được rước lên Lễ đài trong tiếng hợp xướng bài Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông.
Thánh lễ đồng tế bắt đầu. ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng chủ tế và giảng lễ. Cùng hợp tế có 20 Giám mục, Đức Đan Viện phụ Thiên An và khoảng 250 linh mục. Số linh mục ít hơn hôm qua do ngày bế mạc trúng vào Chúa nhật lễ trọng, các cha sở phải trở về cử hành thánh lễ tại giáo xứ mình. Trong khi đó số giáo dân bất ngờ tăng hơn hôm qua với khoảng 300.000 người. Một con số kỷ lục từ trước tới nay!
Phía khách mời có các vị chức sắc tôn giáo: Phật giáo và Cao Đài.
Ca trưởng nhà thờ Phủ Cam – Giáo sư Đỗ Trinh Huệ – phụ trách ca đoàn Tổng hợp. Ca trưởng Tiến Linh phụ trách cộng đồng.
Sau khi ĐHY chủ tế niệm hương trước bàn thờ, Đức cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến, GM Bắc Ninh long trọng tuyên đọc sứ điệp của ĐTC Gioan Phaolô II gởi Đại hội.
(Xem toàn bộ sứ điệp ở Chương 22).
Bài đọc 1 do một giáo dân nhà thờ Huyện Sĩ, TGP Sài Gòn đọc. Bài đọc 2 do một giáo dân Thạch Hãn, Quảng Trị đọc. Một giáo dân sắc tộc Bru đọc lại bằng tiếng Bru.
Bài Tin Mừng do linh mục Đa Minh Đỗ Kim Thành, Tổng Đại diện Giáo phận Cần Thơ tuyên đọc. ĐHY giảng lễ với đề tài “Hành hương”:
“Cuộc hành hương La Vang của chúng ta năm nay cũng như các năm trước đều nằm trong chiều hướng chung của những cuộc hành hương đã được thực hiện trong lịch sử Cứu độ và lịch sử Giáo hội. Mọi cuộc hành hương tuy có khác nhau về địa điểm, về thời gian, về hình thức, nhưng tất cả đều là những chuyến đi trong đức tin, đến một nơi thiêng thánh, với niềm hy vọng lãnh nhận những ơn thiêng thánh và sẵn sàng đón nhận những hy sinh tốn kém, kể cả những rủi ro, nguy hiểm có thể xảy đến trong cuộc hành trình, và sau khi ra về bao giờ cũng phấn khởi, vui tươi.
Trong Năm Thánh 2000 sắp tới sẽ có nhiều cuộc hành hương được tổ chức khắp nơi trên thế giới, trong Giáo hội hoàn vũ cũng như trong các Giáo hội địa phương. Riêng ĐTC của chúng ta, ngài sẽ có một chương trình hành hương cho cả năm, bắt đầu từ thành Ur, quê hương Tổ phụ Abraham, rồi đến những nơi khác để ôn lại lịch sử Cứu độ và cũng là lịch sử Lòng Thương xót của Thiên Chúa đối với loài người.
Phần chúng ta, hầu hết không có điều kiện đi hành hương Đất thánh Giêrusalem hoặc thủ đô Giáo hội Rôma, nhưng để bù lại, chúng ta hãy sốt sắng tham dự các cuộc hành hương được tổ chức tại giáo phận hoặc trong đất nước chúng ta trong tinh thần hiệp thông với anh chị em tín hữu toàn thế giới. Đồng thời chúng ta hãy liên tưởng tới một cuộc hành hương khác trên bình diện cao hơn, đó là đời sống của chúng ta trên trần thế. Phải, đời sống của người tín hữu ở trần thế, từ lúc sinh ra đến khi lìa trần có thể nói là một cuộc hành hương liên lỉ đi tìm Thiên Chúa. Trong cuộc hành hương này, Đức Giêsu đã đi tiên phong mở đường và Ngài đã về tới đích vẻ vang. Đức Mẹ đã đi theo sát Chúa và cũng đã về tới đích vinh quang.
Thế rồi 2000 năm qua, những đoàn tín hữu đông vô kể đã và đang tiếp bước nhau tiến về Nhà Cha. Những cuộc hành hương đó đã viết lên lịch sử Giáo hội, vì lịch sử Giáo hội là nhật ký sống động của một cuộc hành hương bất tận”…
Phần dâng lễ vật bắt đầu với vũ điệu Dâng tiến Giavê. Trong tiếng đàn tranh thánh thót làm nền, các thanh niên, thiếu nữ vũ viên với trang phục dân tộc truyền thống nhịp nhàng lui tới, uyển chuyển phủ phục dâng lên nào bánh, rượu, hoa, nến, trái cây bốn mùa… Sau tam bái, vũ đoàn lui xuống theo tiếng chiêng trống thu quân, gợi nhớ lễ đàn tế Nam Giao xa xưa.
Đoàn dâng lễ vật do các giáo dân sắc tộc J’Rai, Bana, Bru, Khơme, Stiêng… tiến dâng. Tuy không rập ràng như đoàn dâng lễ chuyên nghiệp của Giáo phận Huế hôm nay nhưng tỏ rõ tính hiệp thông, tình liên đới cao hơn nhiều.
Thánh lễ đồng tế kết thúc bằng đại vũ Đóa hồng dâng Mẹ do 200 nữ tu và dự tu vũ viên của dòng Mến Thánh Giá Huế, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân và dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng hợp diễn. Trong nền nhạc của bài Ave Maria bất hủ, 200 bông hồng giơ lên cao, hướng về Mẹ như muốn dâng lên Mẹ tấm lòng hiếu thảo của 300.000 người hiện diện tại La Vang này, cùng hàng triệu người vắng mặt, trong nước cũng như ngoài nước, đang hướng về Đại hội. Đại vũ kéo dài chừng mươi phút, sau đó các vũ viên tiến lên Lễ đài trao tặng hoa hồng cho ĐHY, các vị GM và quan khách, biểu lộ tấm lòng con cái thảo kính cha mẹ.
b/ Rước kiệu Đức Mẹ La Vang.
7 giờ 15, cuộc rước kiệu Đức Mẹ bắt đầu. Đoàn kiệu rời Lễ đài, tiến ra Quảng trường Mân Côi rồi trở về Linh đài, với lộ trình chỉ hơn cây số. Hàng vạn người tự động vào hàng ngũ đi theo kiệu, tràn ngập cả quảng trường, không đủ chỗ trống để di chuyển. Nhiều người khác phải đứng tại chỗ để thông công. Đoàn kiệu vừa đi vừa cất cao tiếng hát Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ Đồng Trinh. Hết hát tới đọc kinh Mân Côi và những lời cầu nguyện cho Đức Thánh cha, cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ, cầu nguyện cho Giáo hội, giáo phận, giáo xứ và gia đình, xin ơn riêng cho bản thân, người thân…
Tại Linh đài, Đức TGM Huế thay mặt HĐGMVN dâng lời cầu nguyện lên Đức Mẹ La Vang – Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu, rồi cùng cộng đoàn đọc kinh Thánh Mẫu La Vang.
c/ Nghi thức bế mạc.
+ Lời cảm ơn của linh mục Stanilaô Nguyễn Đức Vệ – Tổng Đại diện Giáo phận Huế:
“Đến giờ phút này, Đại lễ Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang – Đại hội La Vang 25 sắp kết thúc. Thay mặt Ban Tổ chức chúng con xin thành kính dâng lên Đức Thánh cha Gioan Phaolô II lòng cảm tạ tri ân vì người đã khứng ban sứ điệp và Phép lành Tòa Thánh cho mọi thành phần Dân Chúa của Giáo hội Công giáo Việt Nam vào dịp đặc biệt này.
Chúng con xin dâng lời cảm tạ ĐHY, quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em tín hữu đã về La Vang và vui vẻ chấp nhận mọi thiếu thốn của Thánh địa. Trong công việc tổ chức, chắc chắn chúng con đã không tránh khỏi những thiếu sót, kính xin quý vị lượng thứ cho.
Chúng tôi trân trọng cám ơn các cấp, các ban ngành trong chính quyền tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên – Huế, chính quyền huyện Hải Lăng, chính quyền xã Hải Phú đã tích cực hỗ trợ cho Đại lễ, và hôm nay đã đến tham dự Đại lễ.
Chúng tôi trân trọng cám ơn quý vị đại diện các tôn giáo bạn và quý vị khách quý hôm nay đã đến La Vang cùng tham dự Đại lễ.
Chúng tôi đặc biệt cám ơn ban giám đốc và các chuyên viên của Công ty Nguyễn Hoàng, từ TP.HCM, đã hết lòng hỗ trợ và tận tâm phục vụ phần âm thanh và ánh sáng cho Tam nhật Đại lễ được tốt đẹp”…
+ Lời phát biểu cảm tưởng của Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Đệ nhị Phó Chủ tịch HĐGMVN:
“Lúc này đây, Tam nhật Đại lễ và Năm Toàn Xá Kỷ niệm 200 năm Thánh Mẫu La Vang cũng như Đại hội La Vang 25 đang đến hồi kết thúc.
– Ai trong chúng ta cũng đều dễ dàng nhận thấy Đức Maria có một sức hấp dẫn phi thường để có thể quy tụ một số đông đảo giáo dân và nhiều người khác đến với Chúa Giêsu như vậy.
– Tại Đại hội này có một Hội Thánh Việt Nam thu nhỏ: Lá cờ của 25 giáo phận, sự hiện diện của các thành phần Dân Chúa, các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc các giáo phận Việt Nam đang hiện diện nơi đây.
– Đại hội này cón mang tính Hội Thánh toàn cầu vì đã được ĐTC hiệp thông tham dự từ xa. Đức Thánh cha Đã nhiều lần nhắc tới La Vang, đã cử ĐHY Đặc sứ đến chủ tọa trong Đại lễ Kỷ niệm 200 năm, đã ban sứ điệp trong dịp bế mạc.
– Đại hội nói lên tinh thần bác ái cao đẹp của anh chị em được thể hiện ở các lều trại, trong việc di chuyển, trong các giờ phụng vụ, với những thanh niên, thiếu nữ đi nhặt rác… Tất cả làm thành một chứng tá tập thể: Làm chứng về Chúa.
– Trong Đại hội, anh chị em đã tham dự sốt sắng. Dù giọng nói của nhiều người nhiều miền có khác nhau, nhưng lời kinh tiếng hát là một, rất du dương, nhịp nhàng. Riêng các Bài đọc trong phụng vụ, những đoàn dâng của lễ, thì giọng nói và y phục khác nhau lại nói lên sự phong phú, đa dạng của Hội Thánh.
– Việc nhận lãnh các bí tích: Bí tích Sám hối được Ban Tổ chức sắp xếp rất chu đáo, giúp biết bao người trút được gánh nặng tâm tư, trở về nhà với tâm hồn nhẹ nhàng nhờ ơn Chúa tha thứ. Việc rước Mình Thánh Chúa cũng nhanh chóng và đều khắp, phục vụ đến người cuối cùng.
– Dâng Đức Mẹ đời sống văn hóa: Cùng với những điệu kèn, nhịp trống, chúng ta cùng dâng lên Chúa và Đức Mẹ những vần thơ ngâm vịnh, những làn điệu dân ca Quan Họ, và những điệu múa, đặc biệt là những điệu múa của anh em dân tộc.
– Một vài ước mong: Nhiều người nước ngoài đã đánh giá cao lòng đạo đức của giáo dân Việt Nam, nhưng phải thành thực thú nhận rằng chúng ta cần phải đào sâu đức tin hơn nữa, cần phải trau dồi giáo lý, suy gẫm và sống Lời Chúa nhiều hơn nữa.
– Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta còn phải cố gắng hơn nữa để có thể phục vụ những người bệnh tật, yếu đau, già cả đã công khó đến với Đức Mẹ trong những ngày Đại hội cũng như trong suốt năm.
– Lời cám ơn Tổng Giáo phận Huế: Chúng ta cám ơn sự đóng góp của toàn Hội Thánh, trong nước cũng như ngoài nước. Đây là một điển hình của sự hiệp thông. Giờ đây La Vang không còn là chuyện của riêng Giáo phận Huế nữa, nhưng là của tất cả chúng ta. Nhưng chúng ta xin đặc biệt cámơn TGP Huế đã tổ chức Đại hội rất quy mô, hiện đại, chu đáo và thành công. Một Đại hội lớn lao chưa từng thấy trong sinh hoạt của Hội Thánh Việt Nam. Xin cám ơn Đức TGM, các linh mục, các tu sĩ, các chủng sinh và anh chị em giáo dân đã vất vả nhiều trong công việc tổ chức. Nhờ các tài năng, nhờ trí óc điều khiển và nhất là nhờ tinh thần hợp tác của cả TGP mà Đại hội đã có những tiến bộ rõ rệt. Kinh nghiệm của 25 Đại hội đã thực sự đem lại rất nhiều kết quả. Xin hết lòng cám ơn TGP Huế”.
+ Lời nhắn nhủ của Đức Hồng y Chủ tịch HĐGMVN và Phép lành Tòa Thánh.
“Chương trình Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang bây giờ đến lúc bế mạc, nhưng cuộc hành hương của chúng ta vẫn phải tiếp tục. Chúng ta phải biến cuộc đời chúng ta thành một cuộc hành hương theo chân Đức Giêsu và Mẹ Maria trong đức tin kiên vững, đức cậy nồng nàn và đức mến dư tràn. Đó là món quà mà chúng ta dâng lên Đức Mẹ trong ngày bế mạc hôm nay. Chúng ta biến của lễ đó thành cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Như thế, cuộc đời của chúng ta là một cuộc lữ hành liên lỉ.
Quê Trời là nhà Cha Chung, trên đó chúng ta mong được tháp tùng vào những người hành hương nơi Linh địa La Vang này, cuộc hành hương sẽ được tập hợp trên Quê Trời là nơi Đức Giêsu và Đức Mẹ đang chờ đợi chúng ta”.
+ Đức TGM Huế Têphanô tuyên bố bế mạc.
“Tam nhật Đại lễ giờ đây kết thúc, nhưng cuộc hành hương của chúng ta không chấm dứt tại đây. Chúng ta vẫn tiếp tục cùng nhau hành hương trên con đường yêu thương và phục vụ. Hành hương trên con đường dấn thân cho Công lý và Hòa bình. Hành hương trên con đường thăng tiến các giá trị nhân bản và thiêng liêng. Hành hương trên con đường hoán cải và canh tân mỗi ngày. Hành hương trên con đường vui mừng trong tình liên đới hiệp thông. Hành hương trên con đường lặng lẽ đi vào nội tâm. Và hành hương trên con đường hân hoan loan báo Tin Mừng.
Và cùng với toàn thế giới, chúng ta cùng hành hương trên con đường tiến về ngàn năm thứ ba, Năm Hồng ân Đại Toàn Xá 2000 với tất cả vui mừng và hy vọng trong niềm lưu luyến, bùi ngùi, hẹn ngày gặp nhau tại La Vang.
Tôi xin tuyên bố kết thúc Tam nhật Đại lễ Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang và Đại hội La Vang lần thứ 25”.
+ Đại vũ Hội Trùng Dương.
Đại vũ Hội Trùng Dương do 200 nữ tu, dự tu biểu diễn là thực đơn cuối cùng trong bữa đại tiệc La Vang. Mọi người lưu luyến chia tay, hẹn gặp nhau vào mùa hội La Vang năm tới, năm tới nữa…
Cờ Năm thánh 2000 được kéo lên trên Tháp cổ phất phới tung bay trong gió mùa thu La Vang.
ĐẠI VŨ “HỘI TRÙNG DƯƠNG”- BẾ MẠC
(Ảnh: Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang)
(Còn tiếp…)
————————————————–
(1) Tổng hợp từ: 1/ Lam Điền: Đại lễ Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang, trong Đặc san La Vang Năm Toàn Xá (Phan Đình Ngọc chủ biên) + 2/ Vũ Sinh Hiên: La Vang Hội ngộ, 1999.
=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 4 – Chương 20 – Phần 1