Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 4 – Chương 22 – Phần 1

04/10/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 4

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI

THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC MẸ LA VANG

A. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II VỚI GIÁO HỘI VIỆT NAM.

I. TÔN PHONG HIỂN THÁNH VÀ CHÂN PHƯỚC CÁC ĐẤNG TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

1. Tôn phong Hiển Thánh 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam.

Ngày 19-6-1988, tại Rôma, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, theo đơn xin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã cử hành lễ tôn phong Hiển Thánh cho 117 Chân phước Tử Đạo Việt Nam. Trong số 117 vị được tôn phong có 116 nam và 1 nữ (bà Inê Lê Thị Thành), chia ra: 8 vị Giám mục, 50 vị linh mục, 59 giáo dân.

Trong ngày trọng đại này, mặc dù không có một phái đoàn nào đại diện cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam tham dự, vì “quyết định phong thánh đã gây ra một số phản ứng về phía Chính phủ Việt Nam(1), nhưng Đại lễ phong thánh vẫn diễn ra tôn nghiêm, trang trọng với sự tham dự của gần 10.000 giáo dân Việt Nam khắp nơi ở hải ngoại tuôn về Rôma, không kể giáo dân đến từ các nước có liên quan: Pháp, Tây Ban Nha, Philippines.

ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, người luôn lưu ái với Giáo hội Việt Nam, bắt đầu bài giảng, đã thay mặt Giáo hội Rôma gởi lời chào Giáo hội Việt Nam:

“Giáo hội Rôma hôm nay gởi lời chào Giáo hội Việt Nam. Mặc dù trùng dương xa cách, nhưng rất gần gũi trong tình thân ái của tôi. Đồng thời tôi xin chào toàn thể dân tộc Việt Nam và nói lên rằng cả Giáo hội hoàn vũ hết lòng cầu chúc cho dân tộc quý quốc được vạn sự an lành”(2).

Sau lời chào Giáo hội Việt Nam, ĐTC Gioan Phaolô II, qua bài giảng, ưu ái gởi lời chào các vị Hồng y, Giám mục, linh mục và cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, Phi Luật Tân, và hết lời ca tụng 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Lược trích như sau(2):

+ “Mối thịnh tình ưu ái đầu tiên xin dành cho người anh em thân mến, tức là Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng Giám mục Hà Nội, và cho tất cả các vị Giám mục trong giáo đoàn Việt Nam, mà giờ này tôi ao ước các ngài hiện diện nơi đây. Cùng với hàng giáo phẩm, tôi chào tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ, các thành phần Dân Chúa tham gia công cuộc truyền đạo và toàn thể giáo đoàn Việt Nam. Trong giờ phút này, tôi linh cảm mình hiệp thông với họ một cách sâu xa đặc biệt.

Tôi chào tất cả các anh em Giám mục cũng như giáo dân của Tây Ban Nha, Pháp, Phi Luật Tân, những xứ sở mà suốt trong ba thế kỷ đã góp phần vào việc truyền giáo tại Việt Nam. Tất cả tuôn về Rôma hôm nay để tưởng niệm những người anh em trước kia là thừa sai xuất xứ từ ba quốc gia này.

Một tình cảm ưu ái xin gởi tới các linh mục Đa Minh thuộc tỉnh dòng Đức Mẹ Mân Côi đã được thành lập cách nay bốn thế kỷ, và Hội Thừa Sai Ba Lê đã cống hiến một số đông đảo Giám mục, linh mục mà hôm nay chúng ta sùng kính như những vị Tử Đạo vì đức tin, vì rao giảng Tin Mừng”.

+ “Một cách đặc biệt, tôi gởi lời chào tất cả anh chị em Việt Nam, hiện là thành phần giáo đoàn thế giới, hôm nay từ bốn phương trời: Mỹ châu, Á châu, Úc châu và Âu châu tuôn về địa điểm này. Tôi biết rằng anh em đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm nhu cầu – đứng chung quanh các vị thánh – để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, thương mến, hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này, anh chị em hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt, anh chị em cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng.

Lên tiếng với anh em để hô vang Chúa Kitô tử nạn thập giá. Tất cả chúng tôi hôm nay tỏ lời cảm ơn anh em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử Đạo của Giáo hội Việt Nam anh em đã nêu cao, bất cứ các Ngài là con dân Việt Nam hay là những vị Thừa Sai, xuất xứ từ các nước đã in sâu mầm móng đức tin Chúa Kitô…

Truyền thống còn ghi nhớ lịch sử chết vì đạo của Giáo hội Việt Nam rất bao quát, đa dạng ngay từ lúc ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc miền Đông Nam Á châu vừa được truyền đạo, Giáo hội Việt Nam đã chịu bách hại suốt ba thế kỷ, trừ một vài năm cách quãng, giống hệt ba thế kỷ bách hại của Giáo hội Âu châu xưa kia. Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm người đã chết lưu lạc trên núi xa, trong rừng sâu nước độc!”

+ “Trong bài Phúc âm hôm nay, nhắc lại những gì Chúa Kitô tiên đoán về sự kiện các Tông đồ và những ai theo chân các Ngài sẽ bị bách hại: ‘Họ sẽ lôi chúng con ra tòa công nghị, sẽ đánh đập chúng con giữa hội đường, sẽ điệu chúng con ra trước vua chúa quan quyền vì danh Cha, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại’ (Mt 10, 17-18). Chúa tiên báo một cách hết sức rõ rệt, không úp mở. Chúa không đưa đẩy với những lời hứa hẹn xa gần nhưng với thói quen nói thẳng lời Chân Lý toàn diện. Chúa chuẩn bị tâm hồn các Ngài trước nguy cơ: Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con,con cái sẽ đứng lên tố cáo làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Cha, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng ai bền chí tới cùng sẽ được cứu độ’ (Mt 10, 21-22)”.

+ “Trước mặt chúng ta hôm nay, các vị Tử Đạo Việt Nam đóng vai trò những người đi gặt lúa cho Chúa, như Thánh vịnh 125-126 (5, 6) đã ghi:

‘Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan.

Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt,

Nhưng khi trở về lòng thênh thang phấn khởi,

Vì ôm nặng nhiều bông lúa’.

Lời tuyệt diệu trên đây nói lên ý nghĩa cuộc chứng nhân lịch sử nơi các vị tử đạo trong Giáo hội Việt Nam. Trong vũng nước mắt của họ đã gieo xuống hạt giống ân sủng để rồi trở thành vô số bông hoa đức tin: ‘Hạt giống gieo xuống mà không mục đi thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu mục đi sẽ sinh nhiều bông lúa’ (Ga 12, 24).

Các vị Tử đạo Việt Nam ‘gieo trong lệ sầu’, có nghĩa là các Ngài đã khởi sự giữa lớp người đồng hương và giữa nền văn hóa dân tộc một cuộc đối thoại sâu rộng và cởi mở, bằng cách nêu cao chân lý và tin vào Chúa là sự kiện phổ cập tất cả hoàn cầu. Đồng thời các ngài góp phần vào việc nhận định các giá trị và nghĩa vụ thích hợp với nền văn hóa tôn giáo trong thế giới Đông Phương… Với sự dấn thân và hành động chứng nhân của các vị Tử Đạo, Giáo hội Việt Nam hiên ngang nói lên sự quyết tâm và tha thiết của mình, không chối bỏ truyền thông văn hóa và các thể chế quốc gia, trái lại Giáo hội tuyên xưng và chứng minh rằng nếu mình nhập cuộc trong truyền thống và văn hóa dân tộc là vì có ý muốn góp phần vào việc xây dựng quốc gia một cách trung thực hơn…

Từ những đoàn thể đông đảo các vị Tử Đạo, từ những gian lao đau khổ, từ những giọt lệ sầu, tất cả đã tạo nên ‘mùa lúa vàng’ của Thiên Chúa. Các Ngài là những bậc thầy, tôi xin mượn dịp hôm nay để nêu lên trước toàn thể Giáo hội sức linh hoạt và hình vóc hùng tráng của Giáo hội Việt Nam: Ý chí kiên cường, sự nhẫn nại và khả năng vượt mọi khó khăn để tuyên xưng danh Chúa Kitô. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành mà Thánh Linh của Ngài hiện đang thực hiện một cách dồi dào giữa chúng ta.

Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin. Giữa anh em, Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai, Đức Tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn còn là người tín hữu của Chúa Kitô.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam! Các Ngài là chứng nhân cho Chúa Kitô đã toàn thắng sự chết. Chứng nhân có nghĩa là con người vẫn được kêu gọi về hưởng trường sinh. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, anh em sẽ được nhiều ơn vĩ đại là vì Thiên Chúa đã luyện lọc anh em và thấy anh em xứng đáng. Ngài đã thử thách anh em như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận anh em như của lễ toàn thiêu. Phải, như của lễ toàn thiêu hợp với của lễ hy sinh trên thập giá của Chúa Kitô. Là vì kiên cường cho đến chết, anh em đã tuyên xưng Chúa Kitô tử nạn. Ngài là sự khôn ngoan, là quyền năng Thiên Chúa, Chúa Kitô, trong Ngài chúng ta được cứu rỗi…

Hỡi anh em, dòng giống các vị Tử Đạo! Hỡi anh em, dòng giống những người được kén chọn! Anh em hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: ‘Trong ngày phán xét họ sẽ long lanh như những tia sáng chiếu trên đồng cỏ từ Đông sang Tây’ (3.7). Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rực rỡ. Và đây là câu sau cùng trong sách khôn ngoan: ‘Các dân tộc sẽ trị vì, họ cai trị dân chúng. Nhưng trên tất cả, Thiên Chúa sẽ thống trị mọi loài’ (3.8). Chúa đây tức là Chúa Kitô tử nạn và phục sinh, Ngài xuống trần gian ‘không để xét xử thế giới nhưng để thế giới nhờ Ngài mà được cứu rỗi’ (Ga 3,17). Chính nhờ Chúa Kitô, anh em đã tham gia vào cuộc thống khổ và tử nạn Thập giá của Ngài. Hôm nay anh em hãy tham gia vào việc cứu độ trần gian mà chính Ngài đã hoàn tất. Nguyện chúc cho ‘mùa lúa vàng’ của anh em muôn năm tồn tại trong hoan lạc”.

2.Tôn phong Chân Phước Thầy giảng Anrê Phú Yên Tử Đạo(3).

Sáng Chúa nhật 5-3-2000, ĐTC Gioan Phaolô II đã chủ sự lễ phong Chân Phước lần đầu tiên trong Năm Thánh 2000 và đã đặt lên bàn thờ 44 vị tử đạo thuộc các nước Braxin, Thái Lan, Bạch Nga, Philippines và Việt Nam. Các vị đã chịu tử đạo vào những thời buổi khác nhau, trong những bối cảnh văn hóa khác nhau nhưng cùng trong cảm nghiệm trung thành với Chúa Kitô và hăng say phục vụ Tin Mừng. Giáo hội Việt Nam hân hoan mừng vị tử đạo tiên khởi được ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong bậc Chân Phước: Anrê Phú Yên.

Lễ phong Chân Phước đã diễn ra trước tiền đường Đền thờ thánh Phêrô với sự tham dự của 30.000 tín hữu. Phái đoàn Việt Nam gồm Đức Hồng Y Tổng Giám mục Hà Nội Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Giám mục Thanh Hóa Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Tổng Thư ký HĐGMVN; Đức Giám mục Qui Nhơn Phêrô Nguyễn Soạn; linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Đà Nẵng Antôn Trần Văn Trường. Ngoài ra còn có các linh mục và giáo dân sinh sống ở nước ngoài.

Các thành viên hội liên tu sĩ Rôma đã họp thành ca đoàn dưới sự điều khiển của cha Hoàng Minh Thắng hợp xướng các bài thánh ca “Đây Bài Ca Ngàn Trùng” ở đầu lễ và “Đẹp Thay Bước Chân Những Người Rao Giảng Tin Mừng” ở cuối lễ.

Cùng đồng tế với ĐTC Gioan Phaolô II có 6 Hồng y, 7 Giám mục và 13 Linh mục. Trong số này, thuộc hàng giáo sĩ Việt Nam, ngoài các vị bản quyền đã kể, còn có Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội Đồng Công Lý Hòa Bình; Linh mục Võ Văn Thiện, Trưởng ban Sử học trong hồ sơ phong Chân Phước; Linh mục Đinh Đức Đạo, Đặc trách mục vụ người Việt ở hải ngoại.

Thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ sáng sau kinh Xin Chúa Thương Xót. Năm vị Giám mục bản quyền của các giáo phận có Đấng Chân Phước được tôn phong tiến đến trước mặt ĐTC để xin tiến hành lễ tôn phong. Tiểu sử mỗi Đấng Chân Phước lần lượt được đọc bằng tiếng bản ngữ.

Tiểu sử thầy giảng Anrê Phú Yên được Đức Hồng y Phạm Đình Tụng đọc sau cùng, bằng Việt ngữ. Tiếp đến ĐTC thực hiện nghi thức phong Chân Phước bằng tiếng La Tinh. Công thức gồm hai phần: Tôn phong các tôi tớ Chúa lên hàng Chân Phước và ấn định ngày kính trong năm phụng vụ. Chân Phước Anrê Phú Yên được kính ngày 26-7 hằng năm.

Trong bài giảng, ĐTC đã nêu bật tấm gương của các Chân Phước tử đạo. Ngài lần lượt bình giảng gương sáng của từng vị bằng tiếng Bồ Đào Nha, Anh, Ba Lan. Hướng về Chân Phước Anrê Phú Yên, ĐTC nói bằng tiếng Pháp như sau: ‘Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, Thầy giảng Anrê Phú Yên ở Việt Nam đã sống câu nói của Chúa Giêsu một cách anh hùng’.

Trong phần dâng lễ vật, phái đoàn Việt Nam đã dâng lên ĐTC một bức tranh vẽ ĐỨC MẸ LA VANG. Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 15.

Buổi chiều cùng ngày, vào lúc 15 giờ, tại trụ sở Bề trên Tổng quyền dòng Tên ở Vatican, Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng cùng các Giám mục, Linh Mục Việt Nam đã cử hành Lễ Chầu Tạ ơn, có khoảng 400 tín hữu Việt Nam hải ngoại tham dự.

II. THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II VỚI HÀNG GIÁO PHẨM VÀ CÁC THÀNH PHẦN DÂN CHÚA TẠI VIỆT NAM.

1. Huấn dụ của ĐTC Gioan Phaolô II gởi các Giám mục Việt Nam(4).

Ngày 11-12-1980, trong buổi tiếp kiến phái đoàn II các Giám mục Việt Nam đi “Ad Limina” do Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình làm trưởng đoàn, ĐTC Gioan Phaolô II đã ban huấn dụ:

“Anh em hãy tỏ lòng tha thiết yêu nước mỗi ngày một hơn. Trên bình diện rất quan trọng và tế nhị này, cách cư xử của Đức Kitô cũng rất ý nghĩa. Ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng: Đức Kitô đã yêu mến quê hương Ngài một cách sâu xa và chân thực. Ngài đã chia sẻ những đau khổ và hy vọng của đất nước cách đích đáng và trung thành. Như anh em biết, Công đồng đã làm nổi bật nghĩa vụ của mọi người công dân là phải tham dự vào đời sống quốc gia, vào sự thăng tiến của công ích (Ga 75,5). Tôi ca ngợi anh em đã nêu lên giáo huấn của Vaticanô II này trong bức Thư chung của Hàng Giám Mục Việt Nam mà tôi đã nói đến ở trên. Ước mong rằng các giáo hữu của anh em đều hiểu rõ rằng chính cách thức họ làm việc để cho cộng đồng dân tộc được phồn vinh là một phương thế rao giảng Phúc Âm”…

2. Sứ điệp ĐTC Gioan Phaolô II gởi hàng Giám mục Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm (19601985) thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam(5).

Ngày 24-11-1985, tại Điện Vatican, ĐTC Gioan Phaolô II đã ban Sứ Điệp gởi Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Chủ tịch HĐGMVN và toàn thể các Giám mục Việt Nam:

“Hôm nay, kỷ niệm 25 năm thiết lập Phẩm trật Giáo hội tại Việt Nam (do Đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII thân mến). Đây là lý do cho tới giờ này cảm nghiệm niềm hân hoan sâu xa, trong dịp hạnh ngộ này, được ngỏ lời với Đức Hồng y, với toàn thể các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và cộng đoàn giáo hữu Việt Nam.

Quyết nghị thành lập 3 Giáo tỉnh quả là một dấu chỉ hiển nhiên, nói lên niềm cảm quý Đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII, ca ngợi lòng nhiệt thành và những đức tính của hàng Giám mục và giáo sĩ Việt Nam, cũng như nói lên sự xác tín của Ngài trước công lao mục vụ tại địa phương đã tới mức trưởng thành. Trong một bối cảnh xã hội phức tạp, khó khăn, thực thi một cử chỉ sáng suốt như thế, đi trước cả những gì về sau được quyết định trong Công Đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng đã đặt nền móng vững chắc cho Giáo hội Việt Nam…

Trong ngày trọng đại này, tôi cảm thấy phấn khởi vì nói lên được những cảm nghĩ tôi vẫn dành cho các vị chủ chăn và cho đoàn con thân yêu nam nữ Việt Nam.

Thực ra không ngày nào mà tôi không tưởng nhớ tới quý vị trong lời cầu nguyện, trong tình thương mến và trong sự cảm quý sâu xa. Dù cho trùng dương xa cách, tôi cảm thông được tinh thần đạo đức của quý vị, khí phách hiên ngang vì được làm thành phần Giáo hội Công giáo, lòng dũng cảm để nêu cao đức tin trong muôn vàn khó khăn hiện còn tiếp diễn và gia tăng…

Thưa Chư huynh thân mến và đoàn con yêu quý Việt Nam! Xin cho tôi nói lên rằng quý vị là tiêu biểu cho một dân tộc thời danh và được quý trọng vì tinh thần sâu sắc trong lao động, cần cù, dũng cảm để lướt thắng những khó khăn nặng nề, nhất là những khó khăn gây nên trong bao nhiêu năm đằng đẵng vì chiến tranh.

Lễ kỷ niệm 25 năm nhằm trúng dịp một số các Giám mục Việt Nam tới ‘Viếng mộ các Thánh Tông Đồ’. Đây là cơ hội cho tôi được gặp ba vị đã tới Rôma, cũng là cơ hội để tôi đích thân chia sẻ những vui mừng, những lo lắng, những ưu tư của những cộng đoàn các Ngài đảm nhiệm…

Ngày kỷ niệm hôm nay còn phải là một lý do biểu diễn nguồn vui đậm đà thiêng liêng vì xác tín rằng, theo lời Chúa dạy: ‘Nếu hạt cải gieo xuống đất mà không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình, nhưng nếu chết đi, nó sẽ mang lại nhiều hoa trái’ (Ga 12, 24). Có phải truyền thống Công giáo của quý vị ròng rã ba thế kỷ, đã hơn một lần được nhuộm đỏ bởi dòng máu tử đạo, đã không minh chứng một cách hào hùng, để lên tinh thần trong những thế hệ mai sau, cho những đợt môn đệ trẻ trung của Chúa như thế đó ư? Nếu hạt giống trước đây gieo xuống trong lòng lịch sử đã có một quá khứ oanh liệt như thế, chắc rồi ra trong tương lai mùa nở hoa trong vườn Giáo hội của quý vị cũng sẽ không kém phần quan trọng.

Tôi phó thác tất cả quý vị: Chủ chăn, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân cho Đức Mẹ, vừa là Mẹ hiền, vừa là Nữ Vương Việt Nam mà tôi biết quý vị tha thiết kính mến và hết lòng sùng mộ. Mẹ sẽ nâng đỡ quý vị để trung thành với Con Ngài là Chúa Giêsu, và trung thành với Giáo hội…

Tôi thành tâm gởi tới tất cả quý vị Phép lành Tòa Thánh bảo đảm sự thương mến”.

3. Diễn từ của ĐTC Gioan Phaolô II gởi Hàng Giám mục Việt Nam, dịp Ad Limina (13-12-1985)(6).

“Kính gởi Đức Hồng y Giuse Trịnh Văn Căn, Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Trước tiên tôi muốn bày tỏ niềm vui mừng sâu xa được tiếp đón Đức Hồng y cùng với Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Qui Nhơn.

Theo một quy luật có từ ngàn xưa của Giáo hội, anh em đã đến Rôma thăm viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và gặp gỡ người kế vị thánh Phêrô để tỏ bày những quan tâm mục vụ cũng như để cho tôi được biết về những hoạt động, những dự án tông đồ của các cộng đoàn anh em. Làm như thế, anh em nói lên một cách hoàn hảo hơn mối liên hệ hiệp thông nối kết anh em với Giáo hoàng…

Trong dịp này tôi muốn ủy thác cho Đức Hồng y, trong tư cách là Chủ tịch HĐGMVN nhiệm vụ bày tỏ cho tất cả các Giám mục lòng ưu ái mà tôi hằng ấp ủ đối với từng vị Giám mục…

Xin Đức Hồng y nhớ chuyển đến các vị Giám mục Việt Nam tâm tình ngưỡng mộ của tôi trước lòng trung thành mà các vị đã nhiều lần biểu lộ đối với Chúa Kitô và người kế vị thánh Phêrô. Tôi cũng ngưỡng mộ niềm hãnh diện khiêm tốn mà các Giám mục Việt Nam luôn tỏ ra vì được thuộc về Giáo hội của Chúa Kitô…

Hôm nay tôi muốn nhớ đến từng vị chủ chăn Việt Nam mà tôi đặc biệt quý mến. Tôi muốn lòng quý mến và sự gần gũi của tôi trong lời cầu nguyện được biểu lộ rõ hơn cho các vị. Lòng quý mến và lời cầu nguyện này của tôi dĩ nhiên cũng được nới rộng đến các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân được giao phó cho các vị Giám mục Việt Nam coi sóc.

Trong giáo tỉnh Hà Nội, mà Đức Hồng y là Tổng Giám mục Chính tòa, tôi kể đến… (ĐTC kể tên các Giám mục miền Bắc).

Trong các giáo phận miền Trung, ngoài Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám mục Huế mà tôi biết rõ lòng tông đồ nhiệt thành và can đảm, tôi muốn kể tên các vị khác nữa…(ĐTC kể tên các vị Giám mục thuộc Giáo tỉnh Huế).

Trong Giáo tỉnh Tp.Hồ Chí Minh, được giao phó cho Đức Tổng Giám mục nhiệt thành Phaolô Nguyễn Văn Bình, hôm nay vắng mặt, nhưng tôi đã được đích thân gặp, tôi muốn kể ra… (ĐTC kể tên các vị Giám mục miền Nam).

Với niềm quý mến đặc biệt, tôi không thể không nhắc lại đây Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mà tôi biết lòng trung thành của Đức cha đối với Thiên Chúa và lòng quý mến kiên trì của ngài đối với Giáo hội.

Tôi xin gởi đến tất cả các Giám mục nói trên, lời chào thăm quý mến, và tôi đặc biệt nghĩ đến những vị đã cao niên hay bị đau yếu và đau khổ nội tâm, là những vị đang được dịp để thấy mình càng ngày càng giống Chúa Giêsu Kitô, vị Linh mục đời đời…

Xin Đức Hồng y nhắc nhở cho anh em của Đức Hồng y, trong hàng Giám mục, là các vị phải hết sức cố gắng, quảng đại và tận tâm loan truyền cho đồng bào của mình sứ điệp Tin, Cậy, Mến mà Giáo hội không ngừng đề nghị với mọi người để dẫn đưa họ khám phá ra Chúa Giêsu ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống ’…

Với một tâm tình quý mến đặc biệt, tôi cũng ngỏ lời với các linh mục Việt Nam mà Chúa đã gọi để cùng với anh em phụng sự Dân Ngài. Trong niềm trung thành và tín thác, xin các linh mục hãy tiếp tục săn sóc các cộng đoàn đã được phó thác cho mình. Hãy đào sâu những đòi hỏi cụ thể của mầu nhiệm Giáo hội và của niềm hiệp thông. Xin các linh mục hãy luôn coi mình là những người phục vụ anh em mình, nhất là những người nghèo khổ, bé nhỏ nhất, những người đang phải chịu đau khổ và những người khiêm hạ…

Thưa Đức Hồng y, tư tưởng cuối cùng của tôi trong thư này hướng về toàn thể nhân dân Việt Nam mà tôi quý mến sâu xa và tôi ngưỡng mộ lòng kiên trì can đảm. Với lòng kiên trì này, dân Việt Nam đã biết vượt thắng những khó khăn đau thương, trong những hoàn cảnh thật khác nhau. Tôi cầu chúc cho nhân dân Việt Nam được một tương lai sáng sủa và được an bình…

Tôi xin chào Đức Hồng y và Đức cha trong mối dây hòa bình (Ep 4,3) và với nụ hôn bác ái, nói theo danh từ của thánh Phaolô và Phêrô, tôi xin hết lòng phó thác anh em là các vị chủ chăn và toàn thể tín hữu cho Mẹ Maria, Mẹ của Giáo hội. Tôi phó thác như thế với niềm xác tín mạnh mẽ là Đức Mẹ sẽ biết cách tiếp nhận các dự định, các hy vọng thâm sâu nhất cũng như các lao nhọc của anh em…

Tôi thân ái ban phép lành cho anh em”.

4. Huấn dụ của ĐTC Gioan Phaolô II gởi các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam(7).

Ngày 24-11-1990, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, ĐTC Gioan Phaolô II tiếp kiến đoàn Giám mục Việt Nam đi Ad Limina tại Vatican. Nhân dịp này, ĐTC ngỏ lời với các thành phần Dân Chúa tại Việt Nam, như sau:

a/ Chào mừng:

“Tiếp đón anh em trong tinh thần huynh đệ, tôi muốn nói lên tất cả tâm tình nồng ấm của người kế vị thánh Phêrô đối với Giáo hội Việt Nam, vì lòng trung tín trong đức tin, trong việc sùng đạo, trong tình bác ái huynh đệ”…

b/ Tán dương Dân Chúa tại Việt Nam:

“Người Công giáo (VN) sẵn sàng phục vụ người nghèo khổ bất hạnh, bệnh tật và hướng về một xã hội công bình, yêu thương và hạnh phúc. Đó là điều mà không còn một ai nghi ngờ nữa”…

+ Ngỏ lời với các Giám mục:

“Những thành viên của Giáo hội là thành phần của dân tộc và gắn liền mật thiết với dân tộc trong giai đoạn cần xoa dịu các đau khổ do quá khứ gây ra và xây dựng lại một cuộc sống chung xứng đáng với di sản cao quý mà anh em nhận từ tổ tiên mình”…

+ Ngỏ lời với các linh mục:

“Các linh mục cần nhất là có thể đổi mới kiến thức về Kinh Thánh, đổi mới các suy tư thần học và mục vụ là những điều nuôi dưỡng thừa tác vụ hằng ngày của họ”…

+ Ngỏ lời về giáo dân:

“Tôi hy vọng anh em có những sáng kiến thích hợp cho giáo dân, tiếp tục công cuộc huấn luyện về đức tin và tìm được sự nâng đỡ tương xứng với vai trò của họ trong Giáo hội”…

c/ Hãy sống tinh thần hiệp thông:

“Hãy tỏ cho anh em chúng ta thấy càng ngày càng rõ rằng Giáo hội, thân thể sống động mà Đức Kitô là đầu, là dấu chỉ và dụng cụ cho sự hiệp nhất và hòa giải”.

d/ Hãy tạo thành một trào lưu cầu nguyện:

“Làm thế nào để không còn những chua chát giữa anh chị em cùng một dân tộc! Làm sao cho mọi người mở lòng đón nhận sự mới mẻ của Phúc Âm và niềm hy vọng vào một thế giới được hòa giải trong hòa bình”…

e/ Tâm tình của vị cha chung với các Giám mục Việt Nam:

“Dù cho chúng ta ít gặp gỡ nhau qua dòng thời gian, sự hiệp thông của chúng ta vẫn bền vững và sự liên đới của chúng ta vẫn sâu sắc. Và anh em cũng có thể tin vào tình huynh đệ của toàn thể các chủ chăn và tín hữu trong Giáo hội”.

+ Dưới triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II một Giám mục Việt Nam được bổ nhiệm lãnh đạo một cơ quan Trung ương Tòa Thánh Vatican, được tấn phong Hồng y – Vị Hồng y người Việt Nam đầu tiên tại Giáo triều Rôma: Hồng y Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

– Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được bổ nhiệm lãnh đạo Hội đồng Tòa Thánh về Công lý – Hòa bình(8).

Ngày 24-11-1994, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm Phó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý – Hòa bình, phụ tá Đức Hồng y Roger Etchegaray.

Ngày 24-6-1998, Đức TGM Phó Chủ tịch PX. Nguyễn Văn Thuận được bổ nhiệm Chủ tịch HĐTT về Công lý – Hòa bình thay Đức Hồng y chủ tịch Roger Etchegaray. Đây là trường hợp một Giám mục Việt Nam đầu tiên đứng đầu một cơ quan Trung ương Tòa Thánh Vatican.

Ngày 8-7-1999, Đức thánh cha Gioan Phaolô II lại bổ nhiệm Đức TGM Chủ tịch HĐTT về Công lý – Hòa bình làm thành viên Bộ Truyền giáo. Với tư cách mới Đức cha PX. Nguyễn Văn Thuận sẽ được tham dự các cuộc họp thường kỳ của Bộ Truyền giáo và bỏ phiếu chọn lựa các Giám mục thuộc các xứ Truyền giáo trong đó có Việt Nam.

– Đức TGM Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý – Hòa bình PX. Nguyễn Văn Thuận được tấn phong Hồng y tại giáo triều Rôma(9).

Ngày 21-2-2001, lúc 10 giờ 30, ĐTC Gioan Phaolô II đã chủ tọa một Công nghị Hồng y lớn nhất trong lịch sử để tấn phong cho 44 vị Tân Hồng y với lời kêu gọi các ngài hãy “chiếu tỏa ánh sáng của sự khôn ngoan và thánh thiện” trong khi các ngài dẫn dắt Hội Thánh Chúa trên khắp thế giới.

Trong một quang cảnh ngoạn mục với các phẩm phục đỏ và một rừng cờ đầy màu sắc của các đoàn hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô. ĐTC nói rằng qua việc nâng lên hàng Hồng y, Giáo hội không mừng quyền lực trên trần gian, nhưng nhắm tới một ý tưởng phục vụ và khiêm hạ.

Trong một cử chỉ khiêm hạ và để chứng tỏ lòng trung thành với Đấng kế vị Thánh Phêrô, các Đức Hồng y đã lần lượt quỳ trước mặt ĐTC, từng vị một, để nhận mũ đỏ và chiếu chỉ tấn phong (a).

Vị đầu tiên được trao mũ đỏ là Đức Hồng y người Ý Giovanni Battista Re, Bộ trưởng Bộ Giám mục. Vị thứ hai là Đức Hồng y người Việt Nam PX. Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch HĐTT Công lý – Hòa bình, cũng là vị Giám mục thâm niên nhất trong số 44 vị được tấn phong. Cứ thế lần lượt cho đến vị cuối cùng là Đức Hồng y Avery Dulles, 82 tuổi

Hầu hết các Đức tân Hồng y đã nhận bài sai là mục tử danh dự một nhà thờ tại Rôma, đánh dấu rằng các vị là thành phần của hàng giáo sĩ tại Rôma. Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được bổ nhiệm nhà thờ Sancta Maria Della Scala, Rôma (b). Tuy nhiên, cả hai điều trên (a) và (b) đã không áp dụng cho các vị thuộc nghi lễ Đông Phương.

Có khoảng 50.000 người từ khắp nơi trên thế giới đã đến Rôma tham dự ngày trọng đại này. Trước một buổi lễ mang tính chất quốc tế vừa của Hồng y đoàn, vừa của người tham dự, ĐTC Gioan Phaolô II đã đặt câu hỏi để mọi người tự vấn: “Đây không phải là dấu chỉ cho thấy Giáo hội đã vươn tới mọi góc trời của hành tinh này. Giáo hội đã có thể hiểu được các dân tộc khác nhau với những truyền thống và ngôn ngữ khác nhau để đem sứ điệp của Đức Kitô đến cho mọi người sao?Trong Ngài và chỉ trong Ngài mới có thể tìm thấy ơn cứu độ. Đây là một sự thật mà chúng ta tái xác nhận hôm nay”…

Nghi lễ tấn phong Hồng y kết thúc với kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

Như vậy, với 44 tân Hồng y, nâng tổng số Hồng y đoàn lên 185 vị, trong đó có 135 vị là cử tri bầu Giáo hoàng, Đức Hồng y PX. Nguyễn Văn Thuận là một trong 135 vị cử tri đoàn.

+ Huấn từ “Hãy ra khơi” của ĐTC Gioan Phaolô IItrong cuộc gặp gỡ các Giám mục Việt Nam đi viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô 14 – 24-1-2002.

“Thưa Đức Hồng y,

Anh em thân mến trong hàng Giám mục và linh mục,

– Tôi vui mừng tiếp đón anh em, các Giám mục Việt Nam, đã rong ruổi đường xa đến Rôma viếng mộ các thánh Tông đồ…

Tôi cám ơn Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Nha Trang, Tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục, vì những lời Đức cha vừa nhân danh anh em nói với tôi, chia sẻ cho tôi những dấu chỉ hy vọng và những ưu tư mục vụ hiện nay của các giáo phận Việt Nam. Tôi cũng nồng nhiệt chúc mừng những người anh em mới chịu chức Giám mục. Trong cuộc viếng mộ các thánh Tông đồ này, tôi rất vui mừng vì được gặp toàn thể anh em thuộc Hội đồng Giám mục. Thật hạnh phúc vì chúng ta có thể cùng nhau sống những giờ phút hiệp thông thiêng liêng và huynh đệ thắm thiết. Khi trở về quý quốc, xin anh em chuyển lời đến các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên, giáo dân, và nhất là giới trẻ, nói với họ rằng Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho họ và khích lệ họ đảm nhận những thách đố do Tin Mừng đề ra, noi gương các thánh và các vị Tử Đạo đã đi trước trên con đường đức tin và máu các vị đã đổ ra vẫn còn là hạt giống sinh ra sự sống mới cho đất nước.

– Từ chuyến Ad Limina lần trước, Giáo hội tại châu Á đã được đặc biệt mời gọi đào sâu Tin Mừng cứu độ, và tiếp cận cách riêng vấn đề then chốt là phải minh nhiên rao giảng ơn cứu độ cho đông đảo dân chúng Á châu chưa được nghe nói về Chúa Kitô. Cũng như các Giáo hội địa phương khác ở châu Á, cộng đồng Công giáo Việt Nam đã có những suy tư riêng về thần học, tu đức và mục vụ theo nhịp những biến cố lớn trong Giáo hội như Thượng Hội đồng Giám mục khóa thường kỳ mới đây, mà một số anh em đã hân hoan tham dự. Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy Giáo hội rao giảng Tin Mừng và thúc giục các Giám mục cổ võ công cuộc truyền giáo, là nhiệm vụ hàng đầu của sứ vụ Giám mục.

– Giáo Hội tại Việt Nam được mời gọi ra khơi: vì thế tôi muốn khích lệ anh em, trong các chương trình mục vụ, hãy hết sức quan tâm đến việc rao giảng Tin Mừng và truyền giáo. Tôi biết anh em luôn nhiệt thành thi hành trách vụ của mình trong những điều kiện khó khăn. Ước gì luồng gió của Thánh Linh làm cho những sáng kiến tông đồ của anh em được phong phú, mang lại một sức bật mới cho việc rao giảng, huấn giáo, đào tạo các linh mục và tu sĩ, cho việc cầu nguyện của các tín hữu, cho việc tông đồ giới trẻ và gia đình! Trong các giáo phận và giữa lòng Hội đồng Giám mục, anh em hãy quan tâm đề ra những chọn lựa mục vụ thích hợp với hoàn cảnh và những nhu cầu của Giáo hội địa phương, lưu ý tới môi trường con người nơi anh em sinh sống, môi trường được hình thành bằng bối cảnh tinh thần đất nước anh em. Trong tinh thần ấy, tổ chức Hội đồng Giám mục mà anh em vừa đặt lên nhất là lập thêm các ủy ban chuyên môn, là công cụ phục vụ nhiệt tình truyền giáo mới mà các cộng đoàn của anh em đang cần. Sự cấp thiết của công cuộc truyền giáo phải luôn khai sáng chờ những chọn lựa can đảm của anh em. Những chọn lựa đó được hướng dẫn bởi Thánh Linh, vì Ngài là Tác Nhân chính của công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Với sự trợ giúp của Ngài, anh em sẽ đáp ứng một cách hữu hiệu những đòi hỏi của việc loan báo Tin Mừng…

– Để sứ vụ yêu thương phục vụ được vững bền, Giáo hội Công giáo cũng được mời gọi chia sẻ hy vọng của mình bằng cách không ngừng đề nghị con đường đối thoại, vốn bắt nguồn và kín múc sự phong phú trong cuộc đối thoại tình yêu ban ơn cứu độ của Chúa Cha đối với nhân loại, qua Chúa Con và trong sức mạnh của Chúa Thánh Linh. Chỉ có sự đối thoại chân tình tin tưởng và xây dựng giữa tất cả các thành phần trong xã hội dân sự mới giúp mang lại một niềm hy vọng tươi sáng cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Đối với các Kitô hữu, cuộc đối thoại này, do đức ái thúc đẩy và được ăn rễ sâu nơi ước muốn thực sự gặp gỡ Đức Kitô Đấng Cứu Thế, nuôi dưỡng quan hệ sinh động với tha nhân, bất kỳ họ là ai, trong phẩm giá bất khả nhượng của họ là con Thiên Chúa, nhất là khi họ đang phải sống kinh nghiệm nghèo đói hoặc bị loại trừ. Anh em hãy khuyên nhủ các cộng đoàn chiêm ngưỡng Chúa Kitô nơi khuôn mặt của những người mà chính Người muốn tự đồng hóa, mời gọi họ hãy nhận ra trong cuộc gặp gỡ ấy lòng trung thành của Giáo hội với sứ mạng của mình.

– Như Công Đồng Chung Vatican II đã nhắc nhở chúng ta, ‘Giáo hội, do trách vụ và thẩm quyền của mình, không thể bị đồng hóa bất cứ cách nào với cộng đồng chính trị và không bị ràng buộc vào bất cứ một thể chế chính trị nào’. Vì thế ‘cộng đồng chính trị và Giáo hội độc lập với nhau và tự lập trong lãnh vực riêng của mình. Tuy nhiên, vì cả hai đều được mời gọi chu toàn sứ mạng đặc thù để cùng mưu ích cho con người, nên việc phục vụ ấy càng hữu hiệu hơn, nếu hai bên cộng tác một cách lành mạnh với nhau nhiều hơn nữa’. (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 76).

Nhân danh sự ‘cộng tác lành mạnh’ ấy, Giáo hội mời gọi tất cả các phần tử của mình chân thành dấn thân để cho mọi người được tăng trưởng và xây dựng một xã hội đạo đức, liên đới và công bình hơn. Giáo hội không hề muốn thay thế các vị lãnh đạo quốc gia và hoạt động của con người, cá nhân cũng như tập thể, Giáo hội chỉ mong ước được thi hành sứ mạng đặc thù của mình. Nhưng, qua các thành viên, trong tinh thần đối thoại và cộng tác huynh đệ, Giáo hội chỉ muốn góp phần chính đáng vào đời sống quốc gia, nhằm phục vụ toàn thể dân tộc và tình đoàn kết trong xã hội. Khi tham gia tích cực vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, theo chỗ đứng và ơn gọi riêng của mình, Giáo hội ‘thông truyền cho con người sự sống thần linh, nhưng cũng chiếu tỏa ánh sáng của mình (…) nhất là qua việc Giáo hội tái lập và thăng hoa phẩm giá con người, qua việc làm cho hoạt động thường nhật của con người mang một ý nghĩa sâu xa hơn’ (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 40).

Để thực hiện sự ‘cộng tác lành mạnh’ ấy Giáo hội mong đợi cộng đồng chính trị hoàn toàn tôn trọng sự độc lập và tự lập của Giáo hội. Thiện ích rất quý giá là tự do tôn giáo – mà Công Đồng Chung Vatican II, các Tuyên ngôn và Hiệp ước quốc tế nói tới – vừa có liên quan tới cá nhân cũng như các cộng đồng tôn giáo. Đối với các cá nhân, tự do tôn giáo bảo đảm quyền tuyên xưng và thực hành tôn giáo của mình mà không bị cưỡng bách, quyền theo ơn gọi tu trì và thực hiện những hành vi, tư cũng như công, nói lên quan hệ nội tâm nối kết con người với Thiên Chúa và với anh chị em đồng bào và đồng loại. Đối với các cộng đồng tôn giáo, tự do tôn giáo bảo đảm các quyền cơ bản như: tự quản, cử hành việc phụng tự công cộng mà không bị hạn chế, giảng dạy công khai đức tin của mình và làm chứng về đức tin bằng lời nói cũng như bằng chữ viết, nâng đỡ các thành viên của mình trong việc hành đạo, chọn lựa, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các thừa tác viên của mình, biểu lộ sức mạnh đặc biệt của giáo huấn xã hội của Hội Thánh, cổ võ các sáng kiến trong lãnh vực giáo dục, văn hóa, bác ái và xã hội (xem Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, số 4). Tôi tha thiết cầu mong tất cả các phần tử của quốc gia đoàn kết với nhau để cổ võ một nền văn minh tình thương, dựa trên các giá trị phổ quát hòa bình, công lý, liên đới và tự do.

– Làm sao không cảm tạ vì sức sống và lòng can đảm của giáo dân trong các giáo phận của anh em, họ được mời gọi sống và cử hành đức tin trong những hoàn cảnh nhiều khi khó khăn! Qua chứng tá khả tín và hăng say, họ tỏ ra xứng đáng là những người thừa kế các bậc tiền bối trên con đường Tin Mừng. Tôi mời gọi họ ngày càng trân trọng ơn gọi đến từ bí tích Rửa tội của mình và ‘đảm nhận vai trò chứng nhân của Đức Kitô trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, ở bất cứ nơi đâu’ (Tông huấn Giáo hội tại châu Á, số 45). Họ cần được cung cấp đủ mọi phương thế huấn luyện để trở thành những chứng nhân trong đời sống xã hội, chính trị và kinh tế.

Tôi thân ái chào thăm các linh mục, những cộng tác viên quý báu của anh em, là những người đang rao giảng Tin Mừng Đức Kitô tại Việt Nam một cách vững vàng và can đảm. Tôi biết các linh mục rất quảng đại và hăng say hoạt động để xây dựng các cộng đồng huynh đệ, làm chứng cho một Giáo hội cởi mở và có tinh thần truyền giáo. Các linh mục ý thức rằng trách nhiệm truyền giáo có liên quan tới toàn thể Dân Chúa và đòi phải có một lòng nhiệt thành mới, những phương pháp mới và một ngôn ngữ mới. Anh em có nhiệm vụ luôn gần gũi các linh mục, để nâng đỡ họ trong các dự án mục vụ, quan tâm tới đời sống thường nhật của họ và nhất là tháp tùng họ trong những thử thách gắn liền với sứ vụ. Cũng cần phải giúp các linh mục được huấn luyện về tu đức và trí thức phù hợp với những thách đố truyền giáo mà họ phải đương đầu.

Tôi vui mừng vì thái độ sẵn sàng đang thúc đẩy nhiều người trẻ trong các giáo phận của anh em, từ bỏ mọi sự để quảng đại đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô trong chức linh mục và trở thành những người trung thành quản lý các mầu nhiệm của Chúa, Đó là dấu chỉ hùng hồn về sức sống của Giáo hội, được biểu lộ nơi các bạn trẻ, là những người đang khao khát các giá trị tinh thần để chia sẻ với mọi anh em khác. Anh em có nhiệm vụ lo liệu sao cho có đủ điều kiện để huấn luyện và phân định vững chắc về ơn gọi, bằng cách cẩn thận chọn lựa những nhà đào tạo và các giáo sư giàu kinh nghiệm về nhân bản và về đời sống linh mục.

Ơn gọi phong phú về đời sống thánh hiến, nhất là nữ tu chắc chắn cũng là một hồng ân tuyệt vời Chúa ban cho Giáo hội tại Việt Nam. Đó là hồng ân cần phải cảm tạ và cũng là hồng ân mà Giáo hội không thể phủ nhận. Tôi khích lệ tất cả những người thánh hiến đừng chùn bước trong sự dấn thân truyền giáo và có một nỗ lực mới để rao giảng Đức Kitô và phục vụ mọi người. Theo chứng tá mạnh dạn của các dòng tu qua bao thế kỷ trước đây, ước gì những người thánh hiến không ngừng để cho ơn Chúa biến đổi qua sự dâng hiến nhiều hơn nữa cho Tin Mừng!

– Anh em quý mến trong hàng Giám mục, một lần nữa tôi muốn cám ơn lòng quảng đại và sự dấn thân gương mẫu của anh em. Tôi cảm tạ vì lòng kiên trì và chứng tá can đảm của anh em. Ước gì đức cậy trong Kitô giáo làm cho lòng nhiệt thành tông đồ của anh em được phong phú và mang lại cho anh em những sức mạnh mới để rao giảng Đức Kitô Cứu Thế, Đấng đã đến ‘để mọi người được sống và sống dồi dào’ (Ga 10, 10)”.

III. TRONG HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ, NHIỀU PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH VATICAN – ÐẠI DIỆN ÐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II – VIẾNG THĂM VIỆT NAM, THĂM CÁC ĐỊA PHẬN  TẠI VIỆT NAM. 

1. Đức Hồng Y Roger Etchegaray, đại diện ĐTC Gioan Phaolô II, viếng thăm Việt Nam.

Ngày 1-7-1989, Đức Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch HĐTT về Công Lý – Hòa Bình, đại diện ĐTC Gioan Phaolô II, đã có mặt ở Việt Nam, thực hiện chuyến viếng thăm từ ngày 1-7 đến 13-7-1989.

Đây là lần đầu tiên, sau năm 1975, một nhân vật cao cấp, đại diện ĐTC viếng thăm Giáo hội Việt Nam. Ngoài các cuộc gặp gỡ ngoại giao với chính quyền Việt Nam, Đức Hồng y R. Etchegaray đã đi thăm 11/25 giáo phận tại Việt Nam: Hà Nội, Bùi Chu, Phát Diệm, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Vĩnh Long, Long Xuyên, Mỹ Tho, Cần Thơ(10).

Tại Giáo phận Huế, Ðức Hồng y R. Etchegaray đã đến kính viếng Ðức Mẹ La Vang. Ngài vô cùng xúc động khi tận mắt chứng kiến những đổ nát, tang thương còn đọng lại sau chiến tranh. Và Ðức Hồng y cũng không khỏi sững sờ ngạc nhiên khi nhìn thấy, trong tang thương, con cái Việt Nam vẫn một lòng tin yêu, sùng kính Ðức Mẹ La Vang – Ðức Mẹ của người dân lương giáo Việt Nam.

Ngày 8-7-1989, nhân dịp phái đoàn Tòa Thánh viếng thăm Ðịa phận Huế, cha sở Diên Sanh kiêm La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang có đệ trình lên Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II – qua Ðức Hồng y R. Etchegagay và Ðức ông Barnabê Nguyễn Vãn Phương – một lá thư tường trình với đấng chủ chăn Giáo hội về những cuộc hành hương, đời sống cầu nguyện tại Linh địa La Vang sau năm 1975.

Ðây là lần thứ ba Ðức Hồng y R. Etchegagay có mặt ở Việt Nam:

+ Tháng 5-1990, Ðức Hồng y R. Etchegagay dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh sang dự lễ tang Ðức Hồng y Giuse Maria Trịnh Vãn Căn, Tổng Giám mục Hà Nội.

+ Ngày 7-11-1990, lần thứ ba, Ðức Hồng y R. Etchegaray dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh Vatican, gồm Ðức ông Claudiô Celli, Thứ trưởng Ngoại giao Vatican và Ðức ông Barnabê Nguyễn Vãn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo, đến viếng thăm Việt Nam và làm việc với Chính phủ Việt Nam.

2. Đức ông Claudiô Celli, đại diện ĐTC Gioan Phaolô II, viếng thăm Việt Nam(11).

+ Ngày 14-1-1992, phái đoàn Tòa Thánh Vatican do Ðức ông Claudiô Celli, phó Tổng Thý ký phân bộ Ngoại vụ Phủ Quốc vụ khanh làm trưởng đoàn và Ðức ông Barnabê Nguyễn Vãn Phương tháp tùng đã đến Việt Nam thực hiện chuyến viếng thăm và làm việc với Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam.

Ðức ông Celli đã thảo luận với Chính phủ Việt Nam về việc bổ nhiệm các vị Tổng Giám mục cho hai Tổng Giáo phận Hà Nội, Huế và Giám mục cho Giáo phận Thanh Hóa là những nơi đang trống tòa.

Trong 4 ngày ở Hà Nội (14-1 – 17-1-1992) phái đoàn đã đến thãm Tòa TGM Hà Nội, Tòa GM Bắc Ninh.

Trong 3 ngày ở TP.HCM (17-1 – 19-1-1992) phái đoàn đã dâng thánh lễ tại nhà thờ Ðức Bà, thãm ÐCV Thánh Giuse, Trung tâm Công giáo, dòng MTG Chợ Quán, dòng MTG Thủ Thiêm, dòng Thánh Phaolô, dòng Kín Carmel và tiếp xúc với các vị trong Hội ðồng Giám mục Việt Nam.

+ Ngày 6-3-1994, phái đoàn Tòa Thánh Vatican do Ðức ông Claudiô Celli dẫn đầu lại đến Hà Nội trong chuyến viếng thăm và làm việc với Chính phủ Việt Nam. Trong chuyến đi này phái đoàn đã đến thăm hai giáo phận miền Trung: Ðà Nẵng và Nha Trang.

+ Ngày 27-3-1995, phái đoàn Tòa Thánh Vatican do Ðức ông Claudio Celli dẫn đầu – lần thứ ba đến thăm Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, phái đoàn đã gặp gỡ Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đang họp tại Hà Nội, cử hành thánh lễ tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Về phía Chính phủ, phái đoàn đã được Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tiếp. Ðã đến thăm và chào xã giao UBND Thành phố Hà Nội.

Ngày 30-3-1995 phái đoàn đến Ðà Lạt, thăm UBND tỉnh Lâm Ðồng, thãm Giáo phận Ðà Lạt và ðã cử hành thánh lễ tại nhà thờ Chánh tòa Ðà Lạt với sự tham dự của hơn 5000 tín hữu.

3. Đức ông Celestine Migliore, đại diện ĐTC Gioan Phaolô II, viếmg thăm Việt Nam(12).

+ Từ ngày 22-2 – 28-2-1998 phái đoàn Tòa Thánh do Ðức ông Celestine Migliore, Thứ trưởng Ngoại giao dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội.

Một tuần lễ sau chuyến viếng thăm này, ngày 9-3-1998, ÐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho GB. Phạm Minh Mẫn làm TGM Tổng Giáo phận TP.HCM, Ðức TGM Giám quản Têphanô Nguyễn Như Thể làm TGM Tổng Giáo phận Huế và Ðức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, TGM Hà Nội, kiêm nhiệm Giám quản Tổng tòa Giáo phận Lạng Sơn.

Ngày 24-11-1998, Ðức tân Giám mục Phêrô Trần Ðình Tứ được bổ nhiệm Giám mục Giáo phận Phú Cường.

+ Từ ngày 15-3 đến 19-3-1999, phái đoàn Tòa Thánh gồm Ðức ông Celestine Migliore, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, làm trưởng đoàn và Ðức ông Barnabê Nguyễn Vãn Phương, Chủ sự tại Bộ Truyền giáo đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

– Ngày 16-3-1999, phái đoàn đã gặp gỡ và làm việc với Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Lê Quang Vịnh, gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, thăm Ban Thường vụ HÐGMVN.

– Ngày 17-3-1999, phái đoàn thăm Giáo phận Phan Thiết. Buổi chiều, cử hành thánh lễ đồng tế với Ðức Giám mục Nicolas Huỳnh Vãn Nghi. Có khoảng 5.000 giáo dân tham dự.

– Ngày 18-3-1999, phái đoàn thăm Giáo phận TP.HCM, gặp Ðức TGM GB. Phạm Minh Mẫn cùng khoảng 50 linh mục, tu sĩ tại Tòa Tổng Giám mục.

– Ngày 19-3-1999, phái đoàn đáp máy bay ra Hà Nội, dâng thánh lễ đồng tế với ÐHY Giuse Phạm Ðình Tụng tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội, trước khi lên đường trở về Rôma.

+ Từ ngày 2-5 đến ngày 6-5-2000, phái đoàn Tòa Thánh do Ðức ông Celestine Migliore, Thứ trưởng Ngoại giao và Ðức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Chủ sự tại Bộ Truyền giáo đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

– Ngày 3-5-2000, phái đoàn đã gặp gỡ và làm việc với Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Lê Quang Vịnh gặp gỡ và thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao Chu Tuấn Cáp, gặp Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam.

– Ngày 4-5-2000, phái đoàn viếng thãm Giáo phận Phú Cường. Phái đoàn đã được Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ, Giám mục GP Phú Cường, linh mục Micae Lê Văn Khâm, Tổng Ðại diện, cùng linh mục đoàn, đông đảo tu sĩ và hàng ngàn giáo dân chào đón tại cổng nhà thờ Chính tòa. Thánh lễ đồng tế trọng thể được cử hành tại nhà thờ Chính tòa lúc 14 giờ 30.

– Ngày 5-5-2000,phái đoàn rời Bình Dương về TP.HCM, đáp máy bay ra Hà Nội để về Rôma.

+ Từ ngày 11-6 đến 17-6-2001, phái đoàn Tòa Thánh do Ðức ông Celestine Migliore, Thứ trưởng Ngoại giao và Ðức ông Barnabê Nguyễn Vãn Phương, Chủ sự tại Bộ Truyền giáo, một lần nữa lại đến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam.

Đây là chuyến viếng thăm và làm việc lần thứ mười của phái đoàn Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam, nằm trong khuổn khổ những cuộc họp định kỳ giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam (13). Trong chuyến viếng thăm lần này, “đoàn (Vatican) đã gặp gỡ ban thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam, thăm Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Tòa Giám mục Lạng Sơn, thăm Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình và Tòa Giám mục Thái Bình, gặp gỡ với đông đảo linh mục, tu sĩ và bà con Công giáo”(14).

Theo các nguồn tin trong và ngoài nước, kết quả của cuộc gặp gỡ lần naÌy sẽ có 3 tân Giám mục được bổ nhiệm: một cho giáo phận Bùi Chu đang trống tòa, một Giám mục phụ tá cho Giáo phận TP.HCM và một Giám mục phụ tá cho Giáo phận Phan Thiết.

IV. ĐTC GIOAN PHAOLÔ II CHIA SẺ NHỮNG MẤT MÁT ĐAU THƯƠNG VỚI ĐỒNG BÀO VIỆT NAM DO THIÊN TAI GÂY RA.

1. ĐTC Gioan Phaolô II gởi điện văn chia buồn với các nạn nhân lũ lụt Miền Trung(15).

Ngày 10-11-1999, sau cơn Ðại Hồng thủy miền Trung, ÐTC Gioan Phaolô II đã gởi điện văn – do Ðức Hồng y Quốc Vụ Khanh Agelo Sodano ký nhân danh ÐTC – đến Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, chia buồn về những mất mát về người và của do bão lụt gây ra tại miền Trung:

“Được tin các trận lũ dữ dội tàn phá các tỉnh miền Trung Việt Nam, ĐTC bày tỏ những lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị chết, cũng như đến tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi thiên tai này. Ngài xin phó thác những người đã mất cho lòng thương xót của Chúa, ca ngợi những công việc đã được thực hiện để cứu giúp các gia đình bị nạn. ĐTC cầu nguyện để tình liên đới quảng đại có thể đem đến cho những nạn nhân lũ lụt, đặc biệt là trẻ em, tìm được niềm an ủi và sự cứu trợ hiện đang cần đến trong lúc này”.

Về phía Tòa Thánh, HÐTT về Ðồng tâm (Cor Unum), tổ chức phụ trách về công tác bác ái trong Giáo hội sẽ lo góp phần trong việc cứu trợ các nạn nhân bão lụt miền Trung.

2. ĐTC Gioan Phaolô II giúp các nạn nhân bão lụt Miền Trung Việt Nam 100.000 USD(16).

Theo tin của đài Vatican phát ngày 24-11-1999, ÐTC Gioan Phaolô II đã gởi 100.000 USD để giúp đỡ các nạn nhân bão lụt miền Trung Việt Nam. Và trong một bản tin phát ngày 24-11-1999, hãng thông tấn AP cho biết Ðức TGM Paul J. Cordes, chủ tịch HÐTT về Ðồng tâm – một tổ chức bác ái trong Giáo hội – đã nói với cơ quan thông tấn Fides của Bộ Truyền giáo là ÐTC rất đau buồn về những thiệt hại do lũ lụt gây ra ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Đức TGM Paul J. Cordes cũng cho biết thêm là “giá trị khoản cứu trợ này gấp ba lần các khoản cứu trợ mà Vatican thường gởi cho các vùng bị thiên tai. Và đó là dấu hiệu cho thấy lòng ưu ái của ĐTC và Giáo hội Công giáo đối với Việt Nam”.

(Còn tiếp)

—————————————————————

(1) Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995). Công giáo và Dân tộc, tr.124.

(2) Bản dịch của Đức ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, trong Thiên hùng sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam. San Jose, Ca, USA. Lược trích từ trang 19-27.

(3) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1249. Từ 10-3 đến 16-3-2000, tr.21.

(4)Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm(1945-1995).Công giáo và Dân tộc, tr.115.

(5) Trích bản dịch của Đức ông Vincent Trần Ngọc Thụ. Dẫn lại Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam (Lm. Trần Anh Dũng), tr.295-299.

(6)Observatore Romano. Số ra ngày 14-12-1985. Bản dịch của Lm. Trần Đức Anh. Dẫn theo Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Lm. Trần Anh Dũng, tr.300-305.

(7)Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995), tr.128 (Dẫn Observatore Romano. Số ra ngày 26-11-1990).

(8)Trần Quang Chu: Hành hương Giáo phận. T. III, tr.221-222.

(9) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1279 (từ 3-3 đến 8-3-2001), tr.14.

(10)Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995).Công giáo và Dân tộc, tr.126-127.

(11)Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995).Công giáo và Dân tộc, tr.131-139.

(12) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1195-1196 (Xuân Kỷ Mão, 1999), tr.20 + Số 1201 (26-3 – 1-4-1999), tr.10 + Số 1258 (12-5 – 18-5-2000), tr.10.

(13) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1311. Từ 15-6 – 21-6-2001, tr.12.

(14)Nb.Sài Gòn giải phóng,ngày 20-6-2001.

(15) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1234 (19-11 – 25-11-1999), tr.93.

(16) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1235 (26-11 – 2-12-1999), tr.16.

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 4 – Chương 22 – Phần 1