Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 5 – Chương 23 – Phần 1

17/10/2021

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 5

CHƯƠNG HAI MƯƠI BA

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ (Tiếp theo)

ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 26

(13-8 – 15-8-2002)

Chủ đề: Cùng Mẹ ra khơi

I. CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG LẦN THỨ 26 (2002).

1. Thư mời kính gởi các Đức Giám mục các giáo phận trên toàn quốc.

Ngày 20-4-2002, linh mục Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang Giuse Dương Đức Toại, trưởng ban điều hành Đại hội La Vang lần thứ 26, đã thay mặt Đức Tổng Giám mục Huế, gởi thư đến các Đức Giám mục lãnh đạo các giáo phận trên toàn quốc:

“Kính xin Đức cha vui lòng ban phép lưu hành trong quý giáo phận, để con cái Mẹ khắp nơi được biết và chuẩn bị tinh thần cùng nhau tham dự kỳ Đại hội Hành hương tôn vinh Mẹ”.

Nguyên văn như sau:

HUY HIỆU ĐẠI HỘI LA VANG 26

Trung tâm Thánh Mẫu La Vang.

Kính lạy Đức cha,

Để chuẩn bị cho Đại hội Hành hương lần thứ 26 tôn vinh Mẹ La Vang, xin Đức cha cho phép con được gởi đến Đức cha:

1/ Chương trình Đại hội Hành hương La Vang 26.

2/ Chủ đề chính của Đại hội.

Nếu có thể được, kính xin Đức cha vui lòng ban phép lưu hành trong quý giáo phận để con cái Mẹ khắp nơi được biết và chuẩn bị tinh thần cùng nhau tham dự kỳ Đại hội Hành hương tôn vinh Mẹ.

Con xin hết lòng chân thành cám ơn Đức cha.

Xin Mẹ La Vang ban cho Đức cha muôn ơn lành hồn xác.

La Vang, ngày 20 tháng 4 năm 2002.

Linh mục Giuse Dương Đức Toại,

Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang.

Trưởng Ban điều hành

Đại hội Hành hương La Vang 26.

2. Thư chung của Đức Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể.

(Lược trích)

Kính gởi: Quý linh mục, quý bề trên dòng, quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân giáo phận Huế.

Anh chị em thân mến,

Tháng 8 năm nay, 2002, từ ngày 13 đến ngày 15, lễ Mẹ Lên Trời Hồn Xác, là những ngày Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 26. Đây là Đại hội La Vang lần đầu tiên của thế kỷ XXI.

Chủ đề của Đại hội La Vang lần thứ 26 này là Cùng Mẹ Ra Khơi.

ĐTC Gioan Phaolô II đã viết trong tông thư ngày 6-1-2001, “Khởi đầu thiên niên kỷ mới”, gởi toàn thể Hội Thánh rằng:

“Khi bắt đầu thiên niên kỷ mới và khi kết thúc năm Đại Toàn Xá mà chúng ta đã kỷ niệm 2000 năm Chúa Giêsu giáng sinh và là khởi đầu một giai đoạn mới của cuộc hành trình Giáo hội, tâm hồn chúng ta rung động theo tiếng Chúa Giêsu nói một ngày kia, sau khi giảng cho dân chúng từ chiếc thuyền của Phêrô, Người mời các tông đồ hãy ra khơi thả lưới: Duc in altum (Lc 5, 4). Phêrô cùng các bạn đồng môn đầu tiên đã tin Lời Chúa Giêsu và thả lưới. ‘Họ đã làm như vậy và bắt được rất nhiều cá’ (Lc 5, 6)”.

A. Tin vào lời Thầy con sẽ thả lưới (Lc 5, 4).

a/ Chúng ta nghĩ đến mẻ lưới lạ lùng như được mô tả trong Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 5, 1-11).

Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô tin tưởng vào lời Ngài khi mời Phêrô ra khơi để thả lưới. Trên bình diện nhân loại, đây là một đòi hỏi gây ngỡ ngàng: Làm sao có thể tin được nữa sau một đêm không ngủ và mệt nhọc, tiêu hao năng lực để thả lưới mà không thu lượm kết quả nào cả?

Nhưng Phêrô vâng theo Lời Chúa dạy và bắt được rất nhiều cá, đến độ gần rách cả lưới.

Lời Chúa tỏ lộ quyền năng của Ngài, từ đó phát sinh sự kinh ngạc, đồng thời nảy sinh lo sợ và hồi hộp, giống như khi chúng ta bất ngờ bị một luồng sáng cực mạnh chiếu dọi và phơi bày mọi giới hạn của mình. Phêrô thốt lên: “Lạy Chúa xin hãy xa con vì con là người tội lỗi”. Nhưng Phêrô chưa dứt lời thú nhận thì lòng nhân từ của Chúa đã mở ra một khởi đầu mới cho Phêrô: “Đừng sợ, từ nay con sẽ là kẻ lưới cá con người”.

b/ Con thuyền Giáo hội đã ra khơi, vì tin vào Lời Chúa Giêsu: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu”.

Đây là một trong những đặc điểm mà Chúa Giêsu tìm kiếm nơi người rao giảng Tin Mừng.

Chúa Giêsu mời gọi người rao giảng Tin Mừng phải có khả năng chấp nhận mạo hiểm, phải biết dấn thân, phải biết bỏ đi những lo lắng về tư ích và cả những lo lắng theo lẽ khôn ngoan thế gian nữa.

Phải tuyệt đối tin tưởng vào Chúa, tin vào Chúa Thánh Thần và phải mạnh dạn bước theo Chúa. Chính lúc chúng ta thấy mình yếu, thì lúc đó Thiên Chúa rất mạnh. Cái tôi của mình càng nhỏ lại thì Thiên Chúa càng lớn lên.

c/ Công đồng Vaticanô II dạy: “Để hoàn thành công việc Công bố công trình của Ngài tới tận cùng trái đất, Chúa Kitô đã phái Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Hội Thánh tăng trưởng thêm mãi” (AG 4).

Hội Thánh được khai sinh là để làm cho tình yêu Chúa Ba Ngôi lan tỏa khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Chúa Cha và cho mọi người tham dự vào ơn cứu rỗi. Nếu Hội Thánh không ra khơi truyền giáo, thì việc cứu chuộc của Chúa Giêsu bị bỏ dỡ.

d/ Ra khơi là chấp nhận những khó khăn gian khổ, nguy hiểm, bất trắc khôn lường.

Ra khơi là ra xa bờ, là ra khỏi những biên giới đang cản trở việc rao giảng Tin Mừng, nhất là đang bóp nghẹt sức sống của Tin Mừng. Có phải bấy lâu nay chúng ta cứ mãi quanh quẩn với những vấn đề của chính mình mà quên mất rằng sứ mạng của chúng ta là ở trong đại dương mênh mông. Chúng ta như quên mất rằng ý nghĩa hiện hữu của Hội Thánh không phải là để phục vụ mình, mà là phục vụ biển đời và biển người.

“Bây giờ chúng ta phải nhìn về phía trước, chúng ta phải thả lưới vào chỗ sâu, vì tin vào lời Chúa Giêsu: Hãy chèo ra chỗ nước sâu” (Đức Gioan Phaolô II).

e/ Ra khơi, chẳng ai dám liều lĩnh ra khơi một mình. Cùng nhau, tất cả giáo phận, cùng ở trên một con thuyền là thuyền của Phêrô. Không ai được phép ở lại trên bờ.

Con thuyền ấy không bao giờ bị chìm vì có lời hứa của Chúa Giêsu (x. Mt 16, 18), nhưng thuyền chỉ đi tới khi mọi mái chèo đều cùng chèo một hướng và nhịp nhàng với nhau, bằng không, thuyền sẽ đi vòng vèo, lẩn quẩn, hoặc chỉ đi dọc theo bờ mà không ra tới khơi được.

Trên con thuyền ấy nhân tâm phải tuyệt đối là một. Phải một lòng một ý, một trái tim, một linh hồn, một tinh thần. Phải hiệp nhất với nhau bằng chính cái giá của từ bỏ mình, từ bỏ cái tôi, từ bỏ cái riêng tư. Không có hiệp nhất thì sứ mệnh của Hội Thánh sẽ thất bại (x. Ga 17, 21): “Để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con”.

B. Tôi đây là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38).

a/ Có một người đã dám sống trọn vẹn lời mời gọi ra khơi này của Thiên Chúa. Đó là Mẹ Maria.

Khi Thiên sứ đến truyền tin cho Mẹ, Mẹ xao xuyến trước lời Thiên sứ nói (x. Lc 1, 29).

Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của Mẹ với vũ trụ mới của Thiên Chúa. Mẹ đã từ bỏ những dự tính, chương trình, quan niệm của mình để chọn lấy đường lối của Thiên Chúa. Mẹ đã ra khơi, ra khỏi con người nhỏ bé của mình, ra khỏi cái ao nhà để lao vào cái mênh mông bao la của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã mời gọi Mẹ buông tất cả để ra khơi, để làm theo chương trình của Ngài. Mẹ đã xin vâng một cách thanh thoát nhưng vô cùng mạnh mẽ vì tin vào chính Chúa.

Sự phù hợp hoàn toàn giữa ý định của Mẹ với chương trình của Thiên Chúa được nhấn mạnh khi Mẹ trả lời Thiên sứ: “Tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Ngài nói” (Lc 1, 38).

“Mỗi khi trong Hội Thánh có một cảm thức đích thực về sự hiện diện của Mẹ Maria thì người ta cũng nhận thấy trong Hội Thánh có một sự đổi mới đời sống Kitô, thấm đẫm nghị lực, thanh thản, uyển chuyển, sống động, chính là vì chúng ta được đưa về lại với các mầu nhiệm cốt yếu của ơn cứu chuộc” (Hồng y C.M. Martini).

b/ Trong bài huấn từ gởi các Giám mục Việt Nam nhân dịp hành hương kính viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô tại Rôma, tháng 1-2002, ĐTC viết:

“Từ chuyến Ad Limina lần trước, 1995, Hội Thánh tại Châu Á đã được đặc biệt mời gọi đào sâu Tin Mừng cứu độ và tiếp cận cách riêng vấn đề then chốt là phải minh nhiên rao giảng ơn cứu độ cho đông đảo dân chúng Á Châu chưa được nghe nói về Chúa Kitô…

Hội Thánh tại Việt Nam được mời gọi ra khơi. Vì thế tôi muốn khích lệ anh em, trong các chương trình mục vụ, hãy hết sức quan tâm đến việc rao giảng Tin Mừng.

Tôi phó thác anh em cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, Đấng mà năm ngoái, năm 2001, anh em đã mừng kính một cách đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm Đại hộiThánh Mẫu lần đầu tiên năm 1901”.

Đối với Giáo phận Huế chúng ta, sau thời điểm kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, năm 1998, và 150 năm thành lập giáo phận, năm 2000, cùng với Hội Thánh toàn cầu và Hội Thánh Công giáo cả nước, con đường mục vụ đã mở ra thênh thang: Cùng Mẹ La Vang ra khơi thả lưới, tất cả cùng nhau ra khơi với Mẹ Chúa Cứu Thế.

Với lòng tin mạnh mẽ vào lệnh Chúa truyền hãy ra khơi. Chúng ta cùng nhìn vào đại dương mênh mông trước mặt và quyết tâm làm chứng trọn vẹn đức tin trong thế giới hôm nay.

Ước gì anh chị em, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn hãy lớn lên trong đức tin, hãy nghĩ tới trách nhiệm làm chứng cho Chúa, hãy loại bỏ tất cả những gì, dù nhỏ nhặt, ngăn cản hoặc đi ngược lại chứng từ cuộc sống.

Hãy yêu thương nhau trong giáo xứ, giữa các giáo xứ, giữa các cộng đoàn.

Hãy sống hạnh phúc vui tươi vì được ở trong những cộng đoàn đầy ắp yêu thương.

Hãy để lòng tràn ngập hứng khởi của Chúa Thánh Thần, nhờ Mẹ, với Mẹ, như các tông đồ trong nhà tiệc ly xưa và hãy cùng Mẹ ra khơi thả lưới.

Tòa Tổng Giám mục Huế, ngày 1 tháng 5 năm 2002.

Têphanô Nguyễn Như Thể,

Tổng Giám mục TGP Huế.

3. Phép lành của ĐTC Gioan Phaolô II.

Ngày 24-6-2002, ĐHY Quốc Vụ khanh Tòa Thánh gởi văn thư cho Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể cho biết ĐTC Gioan Phaolô II rộng lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả giáo dân hiện diện trong dịp hồng phúc này:

Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh

Số 514.494

Vatican, ngày 24 tháng 6 năm 2002,

Kính gởi: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.

Nhân dịp Đại hội Hành hương lần thứ 26 tại Đền thánh Đức Mẹ La Vang, Đức Thánh cha hiệp ý chung lời cầu nguyện với các tín hữu giáo phận Huế cùng vị Tổng Giám mục của mình và với các tín hữu trong toàn nước Việt Nam đến tham dự Đại hội Hành hương đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, để sốt sắng tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria là ngôi sao sáng của công cuộc tân Phúc Âm hóa.

Đức Thánh cha mời gọi các vị mục tử và các tín hữu hãy múc lấy nơi chứng tá hùng hồn của Mẹ Đấng Cứu Thế một lòng can đảm tươi mới, để trở thành những chứng nhân tỏa sáng niềm hy vọng Kitô giáo. Ước mong nhờ Lời Chúa nuôi dưỡng, và được no thỏa nhờ Phép Thánh Thể là bí tích xây dựng Thân Mình mầu nhiệm Đức Kitô, họ có thể cùng Mẹ ra khơi, trung tín ấp ủ trong lòng mầu nhiệm Chúa Kitô như Mẹ, để sống và can đảm loan báo niềm tin giữa đồng bào của mình.

Đức Thánh cha cầu xin Thánh Mẫu La Vang cầu thay nguyện giúp, phù hộ che chở Giáo hội tại Việt Nam. Ngài cũng rộng lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và cho tất cả giáo dân hiện diện trong dịp hồng phúc này.

Hồng y Angelo Sodano,

Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

4. Triển khai chủ đề Đại hội La Vang lần thứ 26: Cùng Mẹ ra khơi(1).

Lệnh ra khơi trong văn mạch Tin Mừng (Lc 5, 4) là lệnh lên đường truyền giáo. Trong tông thư Khởi đầu ngàn năm mới, ĐTC Gioan Phaolô II đã lấy lại những lời của Chúa Giêsu: “Duc in altum” để mời gọi Giáo hội đặt ưu tiên cho việc Phúc Âm hóa vào lúc mà nhân loại đang bước vào thiên niên kỷ mới, thiên niên kỷ thứ ba.

Đại hội La Vang 26 diễn ra từ ngày 13-8 – 15-8-2002, nghĩa là diễn ra vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba.

Chia sẻ mối thao thức của ĐTC Gioan Phaolô II, ĐTGM Huế cũng muốn cho lần Đại hội La Vang đầu tiên của thế kỷ 21 trở thành một dịp quy tụ con cái Mẹ rải rác khắp nơi về lại bên Mẹ La Vang, để cùng nhau cầu nguyện và học hỏi nơi Mẹ thái độ, tâm tình và những nhân đức cơ bản cần thiết cho sự Ra Đi lên đường loan báo Tin Mừng cứu rỗi.

Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế Tín lý về Giáo hội dạy rằng: “Đức Maria được chào kính như chi thể của Giáo hội tối cao và độc nhất vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo hội trên phương diện đức tin và đức ái (LG 53), và lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật, đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tinh thần con thảo yêu mến và noi gương nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Mẹ Maria không làm việc truyền giáo như các tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng ở nơi Mẹ đầy rẫy chan chứa Hồn Tông Đồ, khiến Mẹ được tôn vinh là “Nữ Vương các thánh Tông đồ”.

Truyền giáo là việc của Chúa. Người truyền giáo là người biết cộng tác với Chúa để loan báo Tin Mừng. Họ phải cảm thông với ước muốn của Chúa, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của Ngài và nhất là biết đi theo đường lối của Ngài. Họ phải ra khỏi nhân sinh quan và vũ trụ quan của họ để lao vào cái nhìn của Chúa. Đó cũng là sự đòi hỏi của Ra Khơi: Ra khỏi thế giới riêng của mình để lao vào thế giới của Chúa. Ra khỏi sự an toàn của mình, để chỉ cậy dựa vào sự an toàn của Chúa. Ra Khơi bao hàm mọi rủi ro, bất an và nghịch cảnh.

Mẹ Maria đã thật sự Ra Khơi theo ý nghĩa ấy, vì Mẹ đã từ bỏ cuộc sống riêng tư của mình, để ném mình vào kế hoạch của Chúa, kể từ khi Mẹ thưa tiếng “xin vâng” trong biến cố Truyền Tin, cho đến khi Mẹ đứng dưới thập giá của Con Mẹ.

Con thuyền Giáo hội đang Ra Khơi. Xin Mẹ cho các ngư phủ được trang bị hành trang thiêng liêng của Mẹ để hoàn thành sứ mạng mà Con Mẹ đã ủy thác.

a/ Đề tài 1: Đức Maria Ra Khơi: Xin Vâng.

Đức Maria Ra Khơi: “Xin Vâng” (Lc 1, 26-38) Mẹ ra khỏi chính mình để lao vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Ý cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã quảng đại thưa vâng trước lời mời gọi Ra Khơi của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết lắng nghe tiếng Chúa đang mời gọi chúng con ra khơi, ra khỏi chính mình để lao vào kế hoạch nhiệm mầu của Chúa. Xin cho chúng con đừng ngần ngại, đừng tiếc nuối, đừng cố thủ trong lối sống của riêng mình, nhưng sẵn sàng lên đường, CÙNG MẸ RA KHƠI, lao vào đời sống mới theo sự thúc đẩy, khuấy đọng, gạn đục khơi trong của Chúa Thánh Thần. Amen”.

b/ Đề tài 2: Đức Maria Ra Khơi: Mẹ thăm viếng bà Elisabeth – Mẫu gương của đối thoại liên tôn.

Hành trình đức mến: Lên đường phục vụ (Lc 1,39-45).

Ý cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đi tiên phong trước sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Xin Mẹ giúp chúng con vội vã lên đường với Mẹ, ra khơi với Mẹ để đến với mọi người và nhờ những cuộc đối thoại chân tình, yêu thương và nhẫn nại, cùng với chứng tá đời sống bác ái Kitô giáo, chúng con có thể giúp anh chị em chúng con khám phá những hạt giống của Ngôi Lời, những tia sáng của ân sủng và sự thật tiềm ẩn trong các truyền thống tôn giáo của đất nước chúng con. Amen”.

c/ Đề tài 3: Đức Maria Ra Khơi: Mẹ giúp đỡ tiệc cưới ở Cana.

Hành trình đức cậy: “Ngài bảo gì anh em cứ làm theo” (Ga 2, 1-11).

Ý cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết nhạy bén với những khó khăn chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con mỗi ngày mỗi lưu tâm hơn đến những nhu cầu của anh chị em chúng con, nhờ biết ra khơi với Mẹ: Ra khỏi những ích kỷ hẹp hòi của chúng con để dấn thân phục vụ với một tâm hồn cậy trông phó thác vào tình thương của Chúa và quảng đại chia sẻ với những kẻ nghèo khó. Amen”.

d/ Đề tài 4: Đức Maria Ra Khơi: Tin vào Chúa.

Hành trình đức tin: “Phúc cho anh em vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với anh em” (Lc 1, 45).

Ý cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria là mẫu gương chói sáng của Giáo hội trên đường lữ hành đức tin. Mẹ biết chúng con rất dễ bị chao đảo trong đời sống đức tin, nhất là khi gặp phải cuồng phong bão tố. Xin Mẹ giúp chúng con giữ chặt tay lái bằng cách luôn nhìn lên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy, để thuyền đời của mỗi người chúng con và con thuyền Giáo hội vững tin lướt sóng ra khơi, đem Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân, và xin Mẹ cho chúng con cảm mến nguồn hạnh phúc sung mãn vì đã tin vào Chúa như Mẹ. Amen”.

e/ Đề tài 5: Đức Maria Ra Khơi: Đồng lao cộng khổ với Chúa Giêsu.

Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19, 25).

Ý cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria là Mẹ Giáo hội, Mẹ đã can trường ra khơi để đồng lao cộng khổ cùng với Con Mẹ mà cứu chuộc nhân loại. Mẹ đã đứng dưới chân thập giá như là cộng tác viên tuyệt vời của Đấng Cứu Độ. Xin Mẹ giúp chúng con biết can đảm đón nhận những đau thương trong cuộc sống, biết dâng hiến những chén đắng của mình và anh em, để cộng tác với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ của Ngài. Amen”.

5. Chương trình Đại hội La Vang lần thứ 26.

NGÀY 13-8-2002

– 16.00: Nghi thức khai mạc.

– 17.00: Thánh lễ đồng tế khai mạc – Lễ Truyền Tin, tại Lễ đài.

– 20.00: Rước kiệu Thánh Thể. Chầu phép lành MTC.

– 22.00: Chương trình văn nghệ mini HOAN CA BÊN MẸ, tại Quảng trường Thánh Tâm.

NGÀY 14-8-2002

– 04.30: Chuông nhịp một. Kinh Truyền Tin. Kinh sáng chung, tại Linh đài.

– 05.00: Thánh lễ đồng tế – Lễ Đức Bà Đi Viếng, tại Lễ đài.

– 08.00: Giờ cầu nguyện của Giới cha gia đình, tại Linh đài.

– 09.30: Giờ cầu nguyện của Giới mẹ gia đình, tại Linh đài.

– 13.00: Giờ cầu nguyện của Giới trẻ, tại Linh đài.

– 15.00: Giờ cầu nguyện của Giáo dân sắc tộc, tại Linh đài.

Cùng giờ: Giờ cầu nguyện của các tu sĩ, chủng sinh, tại nhà nguyện.

– 17.30: Thánh lễ đồng tế – Lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tại Lễ đài.

– 20.30: Canh thức bên Mẹ hay Đêm Diễn nguyện, tại Lễ đài.

NGÀY 15-8-2002

– 04.30: Chuông nhịp một. Kinh Truyền Tin. Kinh sáng chung, tại Linh đài.

– 05.00: Thánh lễ đồng tế – Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tại Lễ đài.

– 06.30: Rước kiệu Đức Mẹ La Vang.

– 08.30: Nghi thức bế mạc.

6. Thay mới Thánh tượng Đức Mẹ La Vang tại Linh đài (21-7-2002).

Trong Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1998, lãnh ý HĐGMVN, các thánh tượng Đức Mẹ La Vang, mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng (mẫu cũ) đã được thay bằng mẫu tượng mới: Đức Mẹ La Vang – Thánh Mẫu Việt Nam, gọi tắt là tượng Thánh Mẫu La Vang. Bức tượng Thánh Mẫu La Vang ở trong Nhà nguyện Đức Mẹ, do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân sáng tác tại Hoa Kỳ, năm 1998, đã được ĐTC Gioan Phaolô II làm phép tại Rôma, được Trung tâm Thánh Mẫu La Vang nói riêng, Giáo hội Việt Nam nói chung xem như một kỷ vật thiêng liêng vô giá, về nghệ thuật, nội dung và cả về tính lịch sử.

Còn các bức tượng khác, như bức tượng Thánh Mẫu La Vang đặt ở Linh đài, do HĐGMVN dâng cúng, cũng vào năm 1998, do các nghệ nhân trong nước điêu khắc, thì xem bề ngoài có vẻ rực rỡ, bóng láng, nhưng thiếu phần nội dung, các nhà chuyên môn gọi là “hồn”: bức tượng vô hồn. Ngoài ra, bức tượng nói trên với y phục và khăn đóng mang dáng vẻ “cô dâu” quá, khó cảm nhận. Vì vậy, trước Đại hội La Vang lần thứ 26 này, Đức TGM Huế cùng với Trung tâm Thánh Mẫu La Vang đã nhờ họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện bức thánh tượng Thánh Mẫu La Vang mới, thay bức thánh tượng cũ ở Linh đài.

Ròng rã 10 tháng trời, bức thánh tượng đã được thực hiện xong, cao 2,74 mét, nặng 400 kg. Để dễ vận chuyển, bức tượng được thiết kế ba bộ phận rời, dễ tháo ráp: một bộ phận đầu và hai bộ phận thân mình. Tất cả được đóng vào hai thùng.

Tháng 5-2002, tin từ Hoa Kỳ cho biết, hai thùng hàng đã rời cảng, dự trù đầu tháng 7 sẽ cập cảng Bến Nghé, Thành phố Hồ Chí Minh. Đúng kế hoạch, người nhà của họa sĩ Văn Nhân từ Vũng Tàu lên nhận hàng rồi gởi thẳng ra Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

Ngày 15-7-2002, Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang nhận được hai thùng hàng. Ngày 20-7-2002 khui thùng và đợi đến 24 giờ đêm hôm đó, chờ cho đến khi giáo dân đọc kinh quanh Linh đài ra về hết, bộ phận chuyên môn mới bắt tay vào công việc thay tượng. Bức thánh tượng cũ được hạ xuống, đem vào cất giữ ở tu viện Mến Thánh Giá La Vang, bức tượng mới, với dụng cụ duy nhất là chiếc bá lan, được đưa dần lên từng bộ phận, lắp ráp và kiềng đế, xong vào lúc 2 giờ 30 sáng ngày 21-7-2002.

Bức thánh tượng mới với y phục đơn giản hơn, lượt bỏ bớt những hoa văn không cần thiết trên lai áo, cũng như giảm thiểu màu sắc lòe loẹt ở phần trang điểm khiến người chiêm ngắm dễ cảm nhận và gần gũi hơn. Khuôn mặt Đức Mẹ vui tươi, hiền hậu, toát lên sự trìu mến của người mẹ hiền Việt Nam: Người Mẹ Từ Ái. Tay Mẹ bồng hài nhi. Chúa Hài Đồng với khuôn mặt hồn nhiên như trẻ thơ khiến thánh tượng càng trở nên thân thiện.

Đặc điểm đáng chú ý hơn cả là chiếc khăn đóng của thánh tượng. Chiếc khăn đóng ở bức thánh tượng cũ cao và nhiều nếp gấp, cùng với màu vàng rực rỡ làm cho người chiêm ngắm dễ dàng liên tưởng đến “cô dâu”. Còn chiếc khăn đóng ở bức tượng mới nhỏ gọn, không nếp gấp, màu hơi sẫm, trên vành khăn đính 12 ngôi sao, tượng trưng 12 chòm sao lớn trong ngân hà, đồng thời diễn tả, theo sách Khải huyền của thánh Gioan Tông đồ: “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ nữ mình khoát mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1). Phục trang khăn đóng kiểu này chỉ thấy ở nơi các bà hoàng, bà chúa, bà thái hậu: Nữ Vương Uy Linh.

Trong dịp Đại hội La Vang lần thứ 26, hàng vạn giáo dân có dịp chiêm ngắm và cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang qua bức thánh tượng mới. Không khó khăn để có thể cảm nhận rằng Đức Mẹ La Vang vừa là Nữ Vương Uy Linh vừa là Người Mẹ Từ Ái, như chủ ý của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể và của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Bức thánh tượng này, mặc dù kích thước lớn hơn, nhưng cơ bản là bản sao của bức thánh tượng Thánh Mẫu La Vang đã được ĐTC Gioan Phaolô II làm phép năm 1998, cùng tác giả Văn Nhân, nên vẫn mang ý nghĩa như bức thánh tượng cũ mà Đức TGM Huế đã giải thích như sau:

TƯỢNG THÁNH MẪU LA VANG

TÁC GIẢ: ĐIÊU KHẮC GIA VĂN NHÂN. 2002

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2002)

“Đức Mẹ từ ái vận trang phục hoàng hậu, áo trong trắng ngà, áo ngoài xanh thiên thanh viền vàng, tương ứng với đôi hài màu vàng nhạt. Vương miện diễn tả Đức Maria vừa là Người Mẹ nhân từ vừa là Nữ Vương uy linh. Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay, đầu Mẹ hơi ngả về phía Con, Người Con hơi nghiêng về phía Mẹ, diễn tả hai Mẹ Con tâm đầu ý hợp đoái nhìn xuống đoàn con dưới thế. Chúa Giêsu Hài Đồng uy nghi trong bộ áo màu hồng, trước ngực có vòng tròn vàng lồng trong hai chữ ALPHA và ÔMÊGA (Ta là khởi thủy và là tận cùng). Trong tư thế của Chúa Tình Thương tuyệt hảo, tay trái  Chúa chỉ lên Thánh Tâm đầy thương xót của Người. Vì Mẹ La Vang đã nhận lời nên Chúa đưa tay ban phép lành cho con cái Việt Nam và những ai tín thác nơi Người”(2).

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(1) Lược trích từ 5 đề tài triển khai của Lm. Đặng Thanh Minh. Nội san Sống Tin Mừng (Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang chủ biên). Số 22, th.8-2002, tr. 24-32.

(2) Bút tự giải thích ý nghĩa bức tượng Thánh Mẫu La Vang của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể

=> Tài liệu dạng Word, xin nhấn vào đây để tải Tập 5 – Chương 23 – Phần 1.