Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – Tập 6 – Chương 29 – Phần 2

15/05/2022

TẬP SÁCH

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG

TRẦN QUANG CHU (Biên soạn)

*****************

TẬP 6

CHƯƠNG HAI MƯƠI CHÍN

HÀNH HƯƠNG LA VANG THỜI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH              

ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 31

(13-8 15-8-2017)

KỶ NIỆM 100 NĂM (1917-2017) ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI FATIMA, BỒ ĐÀO NHA

Chủ đề: Sống tinh thần Sứ điệp Fatima

(cải thiện đời sống, tôn sùng Trái Tim Mẹ, siêng năng lần hạt Mân Côi)

I. HÀNH HƯƠNG LA VANG TRƯỚC ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 31 (2017).

II. ĐẠI HỘI LA VANG 31 (13-8 15-8-2017)(12).

Chủ đề: Sống tinh thần Sứ điệp Fatima.

LỄ ĐÀI TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 31 (2017)

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

A. Chuẩn bị Đại hội La Vang lần thứ 31.

Sáng ngày 4-8-2017, tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, các hạng mục chuẩn bị cho Đại hội đang được tiến hành khẩn trương. Nhiều chuyến xe của các đoàn hành hương cùng về viếng Đức Mẹ La Vang, trên Linh đài Đức Mẹ có nhiều đoàn đến dâng lời tạ ơn, cầu nguyện sốt sắng bên Mẹ.

Từ cổng chính khi đi vào, ngay tại Quảng trường Mân Côi, khoảng 200 trại nhỏ đã được dựng lên. Các ban ngành tập trung trang trí cho Lễ đài tại phía trước tiền đường Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang đang xây dựng, là nơi sẽ diễn ra các thánh lễ quan trọng trong những ngày Đại hội.

QUẢNG TRƯỜNG TRƯỚC LỄ ĐÀI

(Ảnh: Ban Truyền Thông TGP Huế)

Những suối hoa trang trí đang tuôn chảy, tượng trưng cho nơi đây hồng ân Chúa qua tay Mẹ cũng tràn trề trên đoàn con. Những cánh hoa lan trắng tinh được kết thành những dải dài, như tấm lòng từ mẫu cao quý, tuyệt mỹ của Mẹ La Vang.

Trước Lễ đài là những dãy ghế đá mới tinh, được dâng tặng từ những tấm lòng quảng đại của đoàn con hiếu thảo khắp bốn phương. Các bảng chỉ dẫn, những tấm panô chương trình Đại hội được lần lượt dựng lên. Các khâu vệ sinh, nước uống đều đã được chuẩn bị đàng hoàng, sạch sẽ.

Mặc dù thời tiết vùng đất miền Trung lúc này đang vào mùa hè thật nóng, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài cơn gió mát dịu nhẹ, hy vọng với tình hiền mẫu của Mẹ, đoàn con cái về dự Đại hội vẫn sẽ cảm nhận được sự rợp mát trong tình thương của Mẹ chở che.

Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31 sẽ diễn ra từ ngày 13-8– 15-8-2017, với chủ đề: “Sống tinh thần sứ điệp Fatima”.

B. Chương trình Đại hội La Vang lần thứ 31.

NGÀY 13-8-2017:

– 14.00: Thuyết trình: “Cùng với Mẹ, người trẻ vững tâm bước vào đời sống gia đình”.

– 17.00: Nghi thức khai mạc Đại hội: Chào mừng và giới thiệu – Làm phép bàn thờ. Thánh lễ khai mạc Đại hội Hành hương tại Lễ đài trước Vương Cung Thánh Đường đang xây dựng.

– 20.00: Rước Kiệu Thánh Thể.

– 21.00: Sám hối – Giải tội – Chầu Thánh Thể.

NGÀY 14-8-2017:

– 05.00: Thánh lễ kính Đức Mẹ.

– 08.00: Thuyết trình: “Kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima”.

– 15.00: Đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót. Giải tội cho khách hành hương.

– 17.00: Thánh lễ Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

– 20.00: Diễn nguyện. Giải tội cho khách hành hương.

– 22.00: Thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại Lễ đài Lòng Chúa Thương Xót.

NGÀY 15-8-2017:

– 05.00: Rước kiệu tôn vinh Đức Mẹ La Vang. Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Bế mạc Đại hội.

C. Diễn tiến Đại hội La Vang lần thứ 31.

NGÀY 13-8-2017

1. Nghi thức khai mạc và thánh lễ khai mạc.

a/ Nghi thức khai mạc.

Nghi thức khai mạc Đại hội Hành hương La Vang được cử hành vào lúc 17giờ ngày 13-8-2017 tại Lễ đài trước Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang. Đội kèn trống đến từ Giáo phận Bùi Chu và Thái Bình cất lên những khúc ca rộn rã để chào đón quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà và anh chị em giáo dân từ khắp nơi về hành hương dịp Đại hội năm nay. Trời chiều La Vang lúc này vừa trải qua một cơn mưa nhẹ, mang lại sự mát mẻ và dễ chịu hơn cho khoảng 50.000 người tham dự.

Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN, có đôi lời chào mừng và giới thiệu các thành phần tham dự. Tiếp đó, Ngài long trong tuyên bố khai mạc Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31 trong tiếng vỗ tay rộn rã của toàn thể thành phần Dân Chúa hiện diện.

VŨ KHÚC “KÍNH MỪNG NỮ VƯƠNG”

KHAI MẠC ĐẠI HỘI LA VANG 31

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh cùng với Đức TGM Leopoldo Girelli và Đức TGM Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, nguyên Tổng Giám mục Huế, cùng thả bong bóng tượng trưng cho ba miền lên bầu trời cao, như ước vọng đoàn con toàn cõi đất Việt đang hướng lòng lên Mẹ, để xin Mẹ cầu thay nguyện giúp và ban xuống muôn ơn lành cho đoàn con.

Vũ khúc chào mừng của Hội Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế với những cánh hoa đầy màu sắc, diễn tả tâm tình vui sướng của đoàn con cái đã và đang hành hương về bên Mẹ. Kết thúc vũ khúc, quý Đức cha và đoàn đồng tế gần 200 linh mục mặc lễ phục bắt đầu thánh lễ khai mạc Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31.

b/ Thánh lễ khai mạc.

Ca đoàn Tổng hợp bắt đầu hát Ca nhập lễ Từ bốn phương trời, chúng con về bên Mẹ… để hướng cộng đoàn sốt sắng bước vào thánh lễ. Thánh lễ khai mạc do Đức TGM Leopoldo Girelli chủ tế, sau khi làm dấu Thánh Giá và ngỏ lời chào mừng, Đức TGM Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, nguyên Tổng Giám Mục Huế, đã có đôi lời với cộng đoàn về về ý nghĩa của thánh lễ khai mạc hôm nay.

Trước hết, trong dịp này, nhiều đoàn con cái Mẹ từ khắp mọi nơi cùng nô nức quy tụ về bên Mẹ, để cùng với Mẹ tạ ơn Chúa về những ơn lành đã được lãnh nhận. Dịp Đại hội này cũng trùng hợp may mắn với sự kiện kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Và chủ đề của Đại hội là “Sống tinh thần Sứ điệp Fatima”, đoàn con cái Mẹ đang hiện diện nơi đây cùng hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ để đáp lại lời mời gọi của Mẹ năm xưa là quyết tâm ăn năn đền tội, cải thiện đời sống cá nhân, siêng năng lần hạt mỗi ngày và tôn sùng trái tim Đức Mẹ.

Phụng vụ Lời Chúa gồm các Bài đọc với những ý nghĩa mời gọi mọi người giữ lòng ngay thẳng, kiên trì trước những khốn khổ, hãy luôn bám lấy Chúa để có thể vượt qua.

Sau bài Tin Mừng, Đức TGM Leopoldo Girelli chia sẻ Lời Chúa bằng Anh ngữ. Linh mục Đaminh Phan Văn Anh (Minh Anh) chuyển Việt ngữ.

Trước hết, Đức Tổng cho thấy ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta rằng Đức Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu khi đến trần gian, sứ vụ ưu tiên hàng đầu của Ngài, là thi hành ý muốn của Cha trên trời. Và mỗi người chúng ta khi quy tụ về đây nhận được sự chỉ bảo của Mẹ, qua Mẹ, xin Chúa Giêsu mở lòng chúng ta, chữa lành chúng ta, giúp chúng ta cũng biết chia sẻ niềm vui của mình với những anh chị em khác.

Đức Tổng cũng mời gọi mỗi người khi hành hương về bên Đức Mẹ La Vang, cần dành thời giờ cho việc cầu nguyện. Cầu nguyện là một cái gì rất dễ làm để Thiên Chúa hiện diện với chúng ta.

Hành hương về La Vang, chúng ta hãy xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta để mọi người được chúc lành, bình an và được chữa lành mọi bệnh tật. Để rồi từ đó, cuộc hành hương của chúng ta sẽ khởi sắc trong niềm vui, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Vì chỉ khi dõi bước theo Chúa Giêsu và ở lại trong Ngài, chúng ta mới thực sự hạnh phúc.

ĐÓN RƯỚC ĐTGM LEOPOLDO GIRELLI CHỦ TẾ THÁNH LỄ KHAI MẠC (H.1)

VÀ ĐOÀN ĐỒNG TẾ (H.2)

(Ảnh: Trang tin giáo phận Bùi Chu)

Hành hương về La Vang, chúng ta hãy xin Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta để mọi người được chúc lành, bình an và được chữa lành mọi bệnh tật. Để rồi từ đó, cuộc hành hương của chúng ta sẽ khởi sắc trong niềm vui, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Vì chỉ khi dõi bước theo Chúa Giêsu và ở lại trong Ngài, chúng ta mới thực sự hạnh phúc.

Ngài cũng nói đến sự tự do tôn giáo là một quyền ở trong tay người dân, và nhiều người ở trên thế giới cũng mong ước tự do tôn giáo.

Đức Tổng cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy luôn biết noi gương Mẹ Maria và Thánh Giuse, mặc dù chưa hiểu các Lời của Chúa Giêsu khi gặp Ngài trong đền thờ, nhưng vẫn đón nhận, suy niệm và sau cùng là nhận ra thánh ý của con mình. Mỗi người cũng cần phải để tâm suy nghĩ các biến cố và chờ đợi cho tới khi Thiên Chúa bày tỏ ý nghĩa này.

Trong hai năm này, Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi chúng ta suy tư về đời sống gia đình và cầu nguyện cho đời sống gia đình. Vì thế, chúng ta hãy học như gia đình Thánh Gia. Nơi đó, có ba giá trị cần quan tâm. Giá trị thứ nhất, là sự thinh lặng, cái không thể thiếu của sự tư duy, suy nghĩ và cầu nguyện. Giá trị thứ hai, là đời sống gia đình như một sự thông hiệp của tình yêu, mỗi người học biết yêu thương. Giá trị thứ ba, là làm việc như thực hành giao ước ban đầu tạo dựng của Thiên Chúa với con người. Chúng ta hãy đem sự tĩnh lặng, hiệp nhất và làm việc vào đời sống gia đình mình, để sinh lợi ích cho bản thân và cho đất nước.

Sau cùng, Đức Tổng xin dâng Giáo hội cho Đức Mẹ. Nguyện xin Mẹ mang Chúa Giêsu đến cho mỗi người, mỗi gia đình, và với hết mọi người, giúp mọi người nhận ra Chúa là Đấng đầy yêu thương.

Cộng đoàn phụng vụ cùng tuyên xưng đức tin, và cùng hiệp lòng với các lời nguyện tín hữu, khấn xin cho ĐTC Phanxicô được khôn ngoan để lãnh đạo Dân Chúa, cầu cho sự hòa bình thế giới, cầu cho những người đau khổ bệnh tật thể xác và tinh thần, cùng cầu xin cho mọi người về hành hương, có lòng bác ái, yêu thương.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức TGM Leopoldo Girelli bày tỏ niềm vui mừng của ngài khi cử hành thánh lễ cùng với sự tham dự của các anh chị em hành hương hôm nay. Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy luôn tin tưởng, tiếp tục cậy trông vào Đức Mẹ.

Đức TGM ban Phép lành Tòa Thánh cho toàn thể cộng đoàn hiện diện và Ngài chúc mọi người có một đêm an lành bên Mẹ La Vang.                                   

2. Rước kiệu Thánh Thể và nghi thức sám hối.

a/ Rước kiệu Thánh Thể.

Trong thông điệp về Bí tích Thánh Thể của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Maria được gọi là Người Nữ Thánh Thể, và có thể nhận ra nơi con người và cuộc đời của Đức Mẹ, một tương quan rất sâu sắc và mật thiết với Chúa Kitô Thánh Thể.

Và đêm nay, trong bầu khí linh thiêng lắng đọng tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, tình yêu của Đức Mẹ đã dẫn đưa con cái Mẹ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Và có thể nói rằng, Thánh Thể là nguồn mạch sống của con cái Chúa. Chính về thế, xuyên suốt trong mỗi năm, các dòng tu và giáo xứ trong Giáo phận Huế đã thay phiên nhau để đến La Vang chầu Thánh Thể mỗi ngày.

Nghi lễ rước kiệu Thánh Thể do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo phận Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Truyền thông Xã hội Hội đồng Giám mục Việt Nam, chủ sự vào lúc 20giờ 30 ngày 13-8-2017, đoàn kiệu bắt đầu khởi hành từ Lễ đài, di chuyển vòng ra phía trước Tháp cổ và kết thúc tại Linh đài Đức Mẹ.

RƯỚC KIỆU THÁNH THỂ

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

Đi đầu đoàn rước là Thánh Giá – đèn hầu, các thầy đại chủng sinh, các linh mục và các Đức Giám mục. Tiếp đến, là ba xe hoa. Xe hoa thứ nhất chở các em thiếu nhi thiên thần, xe hoa thứ hai chở hào quang Mình Thánh Chúa, xe hoa thứ ba chở Đức cha chủ sự và hai linh mục phụ tá. Sau cùng, cộng đoàn giáo dân hành hương và đội kèn Giáo phận Bùi Chu.

Mọi người sốt sắng tham dự nghi thức rước kiệu Thánh Thể với nến sáng trên tay. Sau mỗi đoạn suy niệm Lời Chúa, cộng đoàn dâng một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh; sau đó, hát một bài về Thánh Thể. Những bài thánh ca ngợi ca Thánh Thể giúp cho bầu khí rước kiệu thêm phần linh thiêng, sống động và thêm lòng yêu mến Thánh Thể hơn.

Thánh Thể đi ngang qua các lều trại của khách hành hương như đi ngang qua mỗi gia đình và cuộc đời của mỗi người. Có người quỳ bái lạy, nhưng cũng có người thờ ơ với Thánh Thể Chúa. Chính trong cuộc sống thường ngày, nhiều lúc chúng ta quên đi sự hiện diện của Chúa mà chạy theo những giá trị hào nhoáng bên ngoài, để Chúa đi ngang qua đời mình mà mình thờ ơ, không quan tâm!

Khi Thánh Thể đến trước Linh đài Đức Mẹ, cộng đoàn quỳ gối thờ lạy qua bài Con quỳ gối. Sau đó, ca đoàn hát Này con là Đá, cầu nguyện cho ĐTC Phanxicô.

Lúc 21 giờ 30, mọi người cung kính nhận Phép lành Thánh Thể từ Đức cha chủ sự.

Kết thúc nghi thức rước kiệu, cộng đoàn hành hương cất vang lời ca tụng Mẹ qua bài Năm xưa trên cây sồi.

b/ Nghi thức sám hối.

Sau bài ca tôn vinh Đức Mẹ, Đức cha Giuse chủ sự nghi thức sám hối. Trước Linh đài Đức Mẹ, ngài kêu gọi mọi người đi vào tâm tình sám hối và ban huấn từ cho cộng đoàn hành hương đang hướng về việc lãnh nhận bí tích Hòa giải.

Để hỗ trợ Đức cha chủ sự cử hành nghi thức sám hối, Hội dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa diễn nguyện qua hoạt cảnh “Fatima– Sứ điệp Sám hối“Lần chuỗi Mân Côi”.

Tiếp theo, những nét chính yếu trong nghi thức sám hối được diễn tả qua các hoạt cảnh:

– Phần 1: Từ sự sa ngã của tổ tông loài người cho đến những mầm tội lỗi ngày nay.

Các diễn viên đã nhập vai tái hiện lại những thực tại trong cuộc sống, những vấn đề nhức nhối trong xã hội… từ chiến tranh tàn phá lẫn nhau, lòng đố kỵ, cướp bóc, chém giết nhau, đến bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em, lối sống buông thả của tuổi trẻ, nạn sống thử, phá thai… Những vấn đề này gợi lên trong tâm hồn chúng ta, nhiều điều đáng suy nghĩ để nhìn nhận lại bản thân cũng như lối sống của mình.

– Phần 2: Ăn năn sám hối.

Đức cha chủ sự hướng dẫn suy niệm ăn năn sám hối trong thời gian khoảng 5 phút:

Trước nhan thánh Mẹ, trong những giây phút của đêm về, lòng mỗi người như lắng đọng lại để thấy sự nhỏ bé, yếu đuối với những bất xứng của bản thân, để nhờ Mẹ dẫn đưa mỗi người đến với Chúa và trở về với Chúa qua lòng ăn năn, sám hối. Cúi đầu xin lỗi Chúa và xin lỗi anh chị em, những người mà chúng con đã xúc phạm trong thời gian qua.

– Phần 3: Lần chuỗi Mân Côi.

Cộng đoàn tiếp tục lần chuỗi Mân Côi theo lời mời gọi của Sứ điệp Đức Mẹ Fatima.

Mình Thánh Chúa được đưa vào nhà chầu sau Linh đài, chuẩn bị cho các phiên chầu lượt suốt đêm.

HOẠT CẢNH ĂN NĂN SÁM HỐI TRONG NGHI THỨC SÁM HỐI ĐÊM 13-8-2007

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

Kết thúc phần Diễn nguyện, Đức cha Giuse khích lệ các cha ngồi tòa ban phép Giải tội và kêu gọi các tín hữu hành hương lãnh nhận bí tích Hòa giải, để sau đợt hành hương này, mọi người trở về với tâm hồn mới và đổi mới đời sống của mình. Và cuối cùng, ngài chúc lành cho cộng đoàn.

Đêm nay, cùng với Mẹ La Vang, mọi người có dịp được hồi tâm và chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô, để giúp nhận ra được tình thương bao la của Thiên Chúa để từ đó thêm yêu mến bí tích Thánh Thể nhiều hơn.

NGÀY 14-8-2017

3. Thánh lễ Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu.

Ngay từ sáng sớm, con cái Mẹ được mời gọi cùng nhau quây quần trước khuôn viên Lễ đài để chuẩn bị bước vào thánh lễ. Đội trống kèn Giáo phận Bùi Chu và Thái Bình hùng hồn vang lên những khúc ca, giúp cho bầu khí tại Linh địa Đức Mẹ La Vang tràn đầy sức sống sau một đêm dài yên bình.

Trước khi bắt đầu thánh lễ, mọi thành phần tham dự có dịp được nghe lại đôi nét lịch sử về tước hiệu Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu, giúp hiểu rõ thêm về ý nghĩa của thánh lễ sáng hôm nay.

Đoàn đồng tế gồm có ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 8 ĐGM và 135 linh mục, được rước từ Tháp cổ đến Lễ đài trong tiếng hòa ca của muôn tâm hồn hân hoan, vui sướng Con đã quay về cùng đoàn người năm tháng hành hương…. Thánh lễ sáng nay do Đức TGM Sài Gòn Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý Đức tin chủ tế, và Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm, Phó Chủ tịch HĐGMVN giảng lễ.

Dẫn vào thánh lễ, Đức TGM Phaolô mời gọi cộng đoàn phụng vụ nhìn nhận những yếu đuối, lỗi lầm thiếu sót của bản thân, thành tâm ăn năn để sốt sắng tham dự thánh lễ.

Sau bài Tin Mừng, Đức cha Giuse Nguyễn Năng chia sẻ Lời Chúa:

Con cái Mẹ về nơi đây từ bốn phương trời, từ khắp các thôn làng, trên mọi miền đất nước, các giáo xứ và giáo phận. Mỗi người không có hành lý kềnh càng, nhưng hành trang là tâm hồn mỗi người đang gánh vác, là những đau khổ, ưu phiền trong gia đình, những thao thức ưu tư về Hội Thánh, là những khát vọng cho đất nước được bình an và được xây dựng trên sự thật, trên công lý và tình thương, và là nỗi âu lo cho thế giới được hòa bình và nhân loại được tiến lên trong tình yêu và chân lý. Ngài mời gọi cộng đoàn hành hương đem tất cả những hành trang đó, ký thác cho lòng thương xót Chúa và cho tình mẫu tử của Đức Mẹ.

Đức cha Giuse cũng cho thấy cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội, cộng đoàn Hội Thánh, nhiều lúc rơi vào tình trạng của một tiệc cưới đang vui nhưng lại hết rượu:

Một đám cưới hết rượu thì gia đình rơi vào lúng túng, mất thể diện, niềm vui bỗng dưng biến thành âu lo và hạnh phúc có nguy cơ vụt mất. Ngài nhấn mạnh vai trò của Đức Mẹ. Một người Mẹ nhạy cảm, phát hiện kịp thời và can thiệp đúng lúc, để Chúa Giêsu làm phép lạ, mang lại hạnh phúc. Cũng vậy, không phải chờ chúng ta đến đây giãi bày thì Đức Mẹ mới biết nhu cầu của chúng ta. Đức Mẹ thương xót chúng ta, cầu xin Chúa Giêsu cứu chúng ta khỏi muôn ngàn nỗi khổ đau trong cuộc sống. Như xưa, khi các tín hữu bị bách hại vì đạo, đau khổ, bệnh tật, trốn tại nơi đây, cầu xin Mẹ, Mẹ đã hiện đến cứu giúp và còn hứa từ nay về sau, hễ ai đến nơi đây cầu xin Mẹ thì Mẹ sẽ nhậm lời ban ơn theo ý nguyện.

Đức Cha còn đặc biệt nhắc lại ý nghĩa thánh lễ hôm nay:

“Mừng kính Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu là tước hiệu của Vương Cung Thánh Đường La Vang này. ĐGH Pio VII, khi bị Napoleon bắt giữ và câu lưu trong nhiều năm, đã liên lỉ cầu nguyện với Đức Mẹ qua tước hiệu Phù Hộ Các Giáo Hữu, và Mẹ đã cho ngài tự do. Trải dài trong lịch sử cứu độ, Đức Mẹ lúc nào cũng là Đấng Phù Hộ Các Giáo Hữu.

Như trong tiệc cưới, khi chờ đợi Chúa Giêsu làm phép lạ, Mẹ đã khuyên bảo các gia nhân: Người bảo gì thì các anh hãy làm theo. Điều kiện tiên quyết để lời cầu nguyện của chúng ta được chấp nhận, là mỗi người cần lắng nghe Chúa bảo gì và làm theo ý Ngài thì Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn lành mà chúng ta không dám cầu xin và không hề nghĩ tới. Đây là thông điệp cốt lõi và hiệu quả vô cùng to lớn mà Mẹ gởi đến cho chúng ta”.

Đức cha cũng chia sẻ:

Năm nay Giáo hội mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, và thông điệp của Mẹ cũng chính là hãy ăn năn sám hối, cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi và hãy yêu mến Đức Mẹ, tôn sùng Trái Tim Mẹ. Thực chất, đây cũng là lời Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng. Thứ nhất, Chúa bảo gì thì cứ làm như thế. Lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu, là hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng. Siêng năng lần hạt Mân Côi là chiêm ngắm cuộc đời của Chúa, chiêm ngắm lối sống của Chúa, để chúng ta bước đi theo Chúa, để họa lại lối sống của Chúa trong cuộc đời chúng ta. Yêu mến Đức Mẹ, chính là thực hiện lời của Chúa Giêsu khi ở trên Thánh Giá: Đây là Mẹ con.

Đức cha kết luận:

“Ba mệnh lệnh Fatima, chính là Đức Mẹ kêu gọi chúng ta hãy thực thi Lời Chúa. Những lời khuyên của Đức Mẹ xem ra chẳng dính dáng gì đến những đau khổ mà nhân loại và Hội Thánh hôm nay đang phải gánh chịu, nhưng Mẹ đã hứa nếu con cái tin vào Mẹ và thực thi lời khuyên ấy, thì nhân loại sẽ hòa bình, nhân loại sẽ tìm về chính lộ và người tội lỗi sẽ trở lại với Chúa”.

Cuối bài giảng lễ, Đức cha Giuse nhấn mạnh:

“Chúng ta phải học cầu nguyện thế nào cho đúng, chính Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn cho chúng ta. Xin Ngài dạy chúng ta cầu nguyện cho đúng ý Thiên Chúa. Ngài kể giai thoại một người mù cầu nguyện luôn có câu: nếu điều đó có ích cho phần rỗi con, để rồi mời gọi mọi người luôn cầu nguyện có câu đó. Chúng ta cần biết lắng nghe Lời Chúa dạy và quyết thực thi ngay cả khi đau khổ hay gặp những khó khăn trong cuộc sống”.

THÁNH LỄ ĐỨC MẸ PHÙ HỘ CÁC TÍN HỮU

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

Cộng đoàn phụng vụ cùng hợp lòng trong những lời nguyện chung. Trước là cầu cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn biết noi gương Mẹ, sống gắn bó với Chúa và nhiệt thành đem Chúa cho mọi người; cầu cho các gia đình trên thế giới biết xây dựng gia đình trên nền tảng đức tin vững chắc, một nền luân lý lành mạnh và những mối tương quan tốt đẹp trong gia đình và xã hội; cầu cho tất cả những ai đang gặp khốn khó trong gia đình biết nhờ Mẹ mà đến với Chúa là nguồn bình an và đặt hết tin tưởng, phó thác vào tình thương của Ngài. Sau cùng, là cầu cho cộng đoàn phụng vụ được lòng yêu mến Chúa và sống theo lời Chúa dạy trong Tin Mừng.

Mọi người tiếp tục hiệp dâng bản thân mình cùng với hiến tế của Chúa Giêsu đang tái diễn trên bàn thờ với ước mong được cứu độ đời đời.

Sau lời nguyện hiệp lễ, quý Đức cha, quý cha cùng ban phép lành cho đoàn con cái Mẹ.

Tạ ơn Chúa một ngày mới tươi vui, lại tái diễn trên mảnh đất Linh địa Đức Mẹ La Vang thân yêu.

Xin Mẹ tiếp tục rộng tay ban muôn ơn lành và bình an cho con cái Mẹ đã và đang trên đường về với Mẹ.

4. Thuyết trình Kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

– Thời gian: 8 giờ sáng ngày 14-8-2017.

– Chào mừng: Đội kèn trống Bùi Chu.

Thuyết trình viên: Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Hải Phòng, Phó Tổng thư ký HĐGMVN.

– Địa điểm: Phía sau Linh đài.

– Điều hành và trật tự: Linh mục Bênêđictô Ngô Văn Hài và Giới trẻ TGP Huế.

5. Giới trẻ dâng hoa tôn vinh Mẹ La Vang. Chiều 14-8-2017.

Vào lúc 16 giờ 15, trước thánh lễ Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tại Linh đài, Giới trẻ thực hiện nghi thức dâng hoa tôn kính Mẹ.

GIỚI TRẺ DÂNG HOA TÔN VINH MẸ LA VANG

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

6. Thánh lễ Vọng mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chiều 14-8-2017.

Sau giờ dâng hoa tôn vinh Mẹ của các bạn Giới trẻ, các đoàn thể di chuyển từ Linh đài về khu vực Lễ đài, chuẩn bị tham dự thánh lễ Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào chiều ngày 14-8-2017.

Thành viên Đội trống kèn Bùi Chu và Thái Bình cũng tăng lên thật đông đảo, làm cho cả bầu trời La Vang thêm hoành tráng, đầy khí thế phấn khởi, tôn vinh Mẹ. Ánh nắng chiều lúc này không còn gay gắt nữa, và thỉnh thoảng có đôi cơn gió nhẹ như tình Mẹ trên đoàn con.

Ca đoàn cất lên bài Ca nhập lễ: Con đã quay về cùng đoàn người năm tháng hành hương… và bài Kính mừng Nữ Vương. Các linh mục, Giám mục trong đoàn đồng tế lần lượt tiến lên Lễ đài. Khi mọi người đã an tọa, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh có đôi lời với mọi người:

ĐHY PHÊRÔ NGUYỄN VĂN NHƠN CHỦ TẾ THÁNH LỄ CHIỀU 14-8-2017

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

“Vì ngày mai có thánh lễ bế mạc Đại hội trọng thể và đầy đủ các thành phần tham dự hơn, nên ngài dự định để phần giới thiệu quý Đức Hồng y và quý Đức Giám mục về tham dự Đại hội sang ngày mai. Hôm nay, ngài muốn mọi người cùng chào mừng các đoàn hành hương đến từ các đất nước bạn như Campuchia, Inđônêsia, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines và những đoàn hành hương khác…

Thánh lễ Vọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời do ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội, chủ tếvà Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Qui Nhơn, Chủ tịch Ủy Ban Nghệ thuật thánh, giảng lễ. Cùng với 22 Giám mục và hơn 500 linh mục trong, ngoài nước đồng tế trong thánh lễ này.

Dẫn vào thánh lễ, ĐHY Phêrô nêu lên ý nghĩa của thánh lễ hôm nay, đồng thời mời gọi mọi người hướng tâm hồn hoàn toàn kết hiệp với mầu nhiệm thánh lễ mà chúng ta cử hành. Ngài cũng nhắc lại Sứ điệp Fatima để nói đến Sứ điệp mà chúng ta đang cử hành, đó là lời nhắn nhủ của Đức Mẹ: Mẹ đã nhận lời các con kêu xin, từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện. Mẹ không bao giờ từ bỏ lời đã hứa. Vì thế, ngài mời gọi cộng đoàn chừa bỏ mọi tội lỗi, xin Chúa giúp chúng ta cử hành thánh lễ xứng đáng.

Sau phần công bố Tin Mừng, Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Qui Nhơn chia sẻ Lời Chúa:

“Ngày 1-11-1950, trước toàn thể Hội Thánh, ĐTC Piô XII đã long trọng công bố một tín điều trọng đại liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria. ĐTC nói: ‘Do quyền Đức Giêsu Kitô, do quyền hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, do quyền của riêng Ta, Ta phán quyết, Ta tuyên bố và Ta ấn định rằng Đức Maria trọn đời đồng trinh, Thánh Mẫu Vô Nhiễm của Thiên Chúa, sau khi đã hoàn tất cuộc đời trần thế, đã được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác. Đó là tín điều do Thiên Chúa mạc khải. Điều này đã làm rung động hàng triệu con tim, mang lại cho họ niềm vui khôn tả’.

Sự ấn định tối hậu của vị lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ kết thúc một quá trình nghiên cứu và tranh luận của nhiều thế kỷ, liên quan đến một mầu nhiệm mà rõ ràng Hội Thánh đã tin, sùng kính từ rất lâu đời. Bởi vì xét cho cùng, việc Thiên Chúa cho Đức Maria về trời cả hồn lẫn xác, chỉ là một hệ quả tất nhiên của biết bao hồng ân độc nhất vô nhị mà Mẹ đã nhận từ nơi Thiên Chúa’.

ĐGM MATTHÊU NGUYỄN VĂN KHÔI GIẢNG LỄ –  THÁNH LỄ CHIỀU 14-8-2017

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

Đặc ân được đưa về trời cả hồn lẫn xác của Đức Maria được chứa đựng trong ba đoạn Thánh Kinh hôm nay. Trước hết, việc Đức Maria được đưa về trời cả hồn lẫn xác, báo trước bằng việc vua Đavít cung nghinh Hòm Bia Thiên Chúa vào thành thánh Giêrusalem trong tiếng nhạc khí, đàn sắc đàn cầm, như chúng ta vừa nghe trong sách Sử biên niên quyển thứ nhất. Trong kinh cầu Đức Bà, Hội Thánh đã tôn vinh Đức Maria là Hòm Bia Thiên Chúa vì Mẹ đã cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa trong tâm hồn và trong thân xác. Tiếp đến, theo lời Thánh Luca thuật lại trong đoạn Tin Mừng ngắn ngủi hôm nay: phúc thay người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu nâng Mẹ lên một tầm cao mới. Trước mắt người phụ nữ trong câu chuyện hôm nay, Mẹ của Đức Giêsu được ngưỡng mộ trên một bệ tự nhiên, là bệ lý lịch máu huyết, bệ của cửu nguyệt cưu mang, của tam niên bú mớm của sớm hôm dưỡng dục. Nhưng Đức Giêsu đã không coi đó là đủ và xứng đáng đối với người mẹ rất yêu quý và đáng kính trọng của Người. Mẹ Người còn phải được ngưỡng mộ trên một bệ khác đặc biệt hơn nhiều, đó là cái bệ của lòng tin yêu và thi hành thánh ý Thiên Chúa.

Đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác, không chỉ dành riêng cho Đức Maria, mà còn cho cả chúng ta trong ngày Đức Kitô quang lâm để hoàn tất lịch sử cứu độ. Điều này thánh Phaolô cũng đã nói đến trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô (1 Cr 54b, 57) hôm nay chúng ta vừa nghe.

Đức Maria được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác vì đã tận hiến cả cuộc đời cho Chúa. Chúng ta được mời gọi noi theo gương Mẹ mỗi ngày, biết chấp nhận sống như một tôi tớ của Thiên Chúa. Những ai không bắt đầu sống cuộc sống vĩnh cửu ngay tại thế trần này thì không bao giờ biết được thiên đàng. Thiên Chúa muốn chúng ta kiến tạo thiên đàng bằng cách khởi sự tái tạo và biến trái đất này thành một nơi công bằng ngự trị, một nơi con người biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Ước gì những điều tốt đẹp mà hôm nay chúng ta cảm nghiệm được trong cuộc sống thường ngày, sẽ là một sự hứa hẹn vô hình cho ngày mai”.

Cộng đoàn phụng vụ cùng tuyên xưng đức tin và hiệp lòng tha thiết khấn xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết nhìn lên mẫu gương tuyệt hảo của Đức Mẹ để luôn vững lòng tin tưởng, cậy trông và kiên trì bước theo Chúa.

Cầu cho thế giới hôm nay biết dùng các tiến bộ khoa học phục vụ đời sống đức tin; cầu cho tất cả mọi người đang hướng lòng về La Vang, đặc biệt là những bệnh nhân đang chờ mong ơn nâng đỡ của Chúa trong cơn bệnh; cầu cho cộng đoàn phụng vụ biết vui vẻ chấp nhận giới hạn của con người, vững tin vào tình thương cứu độ của Chúa, sống thánh thiện và biết yêu thương”.

Thánh lễ được tiếp tục trong bầu khí sốt sắng của cộng đoàn hành hương, với số lượng người hành hương quy tụ tại Linh địa La Vang rất đông ước chừng khoảng trên 150.000 người, những vị trí rất xa với Lễ đài thì mọi người chỉ có thể tham dự qua các màn hình lớn.

7. Đêm Diễn nguyện.

Trời đêm La Vang rực rỡ muôn ánh đèn, đoàn con cái cùng nhau quây quần quanh Linh đài Mẹ, cùng nhau ca hát tôn vinh Mẹ, cùng nhau sống lại những tâm tình Mẹ hiện ra nhắn nhủ, phù trợ và nâng đỡ đoàn con.

LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LA VANG TRONG ĐÊM HOA ĐĂNG 14-8-2017(H.1)

Đêm Diễn nguyện bắt đầu vào lúc 20 giờ ngày 14-8-2017 tại Linh đài Đức Mẹ. Khởi đầu là hợp tấu tràn đầy bầu khí hào hùng, hân hoan với những khúc ca sinh động của Đội kèn trống Thái Bình và Bùi Chu.

Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, phụ trách Đêm Diễn nguyện, có đôi lời chào mừng quý Đức Hồng y, quý Đức Giám mục và quý linh mục cùng toàn thể khách hành hương đang hiện diện nơi đây.

Quý nữ tu thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Huế đã phối hợp dàn dựng khung cảnh bằng những slides hình nền phù hợp với các diễn viên đang nỗ lực chuyển tải các nội dung về Sự kiện lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ HUẾ VỚI HOẠT CẢNH ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI FATIMA (H.2)

VÀ THÁNH VŨ “TRÀNG CHUỖI MÂN CÔI” (H.3)

Sự nhí nhảnh vui tươi của các diễn viên, sự sốt sắng tâm tình trước lời khuyên của Mẹ, tất cả đã thu hút sự chú ý của khán giả. Các đạo cụ, trang phục cũng rất sinh động và phù hợp với hoàn cảnh của đất nước Bồ Đào Nha lúc bấy giờ. Sáng kiến của quý chị em đã giúp mọi người lắng đọng tâm tình đi vào phần tiếp theo.

Đức cha PX. Lê Văn Hồng, nguyên Tổng Giám mục Huế chủ sự giờ lần hạt Mân Côi.

Những lời hướng dẫn suy niệm giúp con cái Mẹ sống lại mầu nhiệm Năm Sự Mừng một cách sốt sắng. Khung cảnh lúc này tại Linh đài Đức Mẹ thật đẹp khi mọi người có dịp được chiêm ngưỡng tràng chuỗi Mân Côi “khổng lồ” được ghép lại bởi những chiếc đèn lồng trang trí với màu sắc bắt mắt.

Tiếp theo, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng khép lại chương trình của Đêm Diễn nguyện bằng Sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Hoạt cảnh được dàn dựng rất công phu và đầy ý nghĩa, khiến mọi người như đang sống lại những giây phút Mẹ hiện ra cứu giúp cha ông mình ngày xưa.

Tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ, tình thương và sự quan tâm đối với đoàn con cái, đặc biệt trong những khi cảnh đời đầy sóng gió thử thách của bệnh tật, khổ đau và bách hại.

Giờ diễn nguyện bên Đức Mẹ La Vang đã để lại nhiều ấn tượng cho mọi người tham dự. Nguyện xin Mẹ tiếp tục yêu thương, phù trợ và nâng đỡ đoàn con trên hành trình đức tin của mình.

HỘI DÒNG THÁNH PHAOLÔ ĐÀ NẴNG VỚI HOẠT CẢNH ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG (H.4)

VÀ THÁNH VŨ “CHUỖI MÂN CÔI NĂM SỰ MỪNG” (H.5)

(Ảnh 1- 5: Ban Truyền thông TGP Huế + Video “Đêm Diễn nguyện 14-8-2017”)

8. Thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa.

Sau khi kết thúc lần chuỗi Mân Côi, Cộng đoàn hành hương sốt sắng lắng nghe Sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa, mà Chúa đã ủy thác cho thánh nữ Faustina, người nữ tu hèn mọn, nhưng mạnh mẽ và khiêm nhượng: “Hiện nay, Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới, Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha” (NK 1588).

Tiếp đến, cộng đoàn hành hương quỳ gối, giang rộng tay để lần chuỗi Kinh Lòng Thương Xót Chúa.

Cao điểm của Đêm Canh thức là thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa lúc 23 giờ đêm 14-8-2017 do Đức GM Đà Nẵng Giuse Đặng Đức Ngân chủ tế. Cùng đồng tế, có Đức GM Thái Bình Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Đức GM Lạng Sơn Giuse Châu Ngọc Tri, cha Quản nhiệm La Vang Giacôbê Lê Sĩ Hiền, và một số linh mục, với sự tham dự sốt sắng của đông đảo khách hành hương.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha chủ tế mời gọi mọi người hướng về Mẹ La Vang với tâm tình của đoàn con thảo, kính mến Lòng Thương Xót Chúa và trong khoảnh khắc thân thương này, nguyện dâng lên Chúa đức tin, sự nhiệt thành của chúng ta, dâng lên Chúa sự hiệp nhất yêu thương để chúng ta trở nên những người mang dấu chỉ của Lòng Thương Xót Chúa, lan tỏa cho con người và thế giới hôm nay. Ở bên Đức Mẹ La Vang, cầu xin tình thương của Chúa biến đổi chúng ta và xin Lòng Thương Xót Chúa chạm đến con tim và cuộc sống của chúng ta, để cuộc đời mỗi người chúng ta trở thành con cái của Đức Mẹ La Vang.

THÁNH LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA ĐÊM 14-8-2017

(Ảnh 1+2: Ban Truyền thông TGP Huế)

Trong bài chia sẻ, trích đoạn Tin Mừng Lc 11, 27- 38, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri giúp cộng đoàn nhận ra rằng Chúa Giêsu không phủ nhận công ơn của Mẹ mình, đã cưu mang mình, đã cho mình bú mớm, nhưng Chúa Giêsu đề cao Mẹ lên, Mẹ được phúc, không phải chỉ vì cưu mang sinh hạ Chúa Giêsu, nhưng vì Mẹ lắng nghe Lời Chúa, Mẹ thấm đẫm Lời Chúa, Mẹ thực thi Lời Chúa, Mẹ nên một với Chúa, nên chắc chắn Chúa Giêsu rất vui mừng và yêu mến Mẹ. Trong tâm tình con thảo, Đức cha Giuse đã bày tỏ cho cộng đoàn biết ngài thật may mắn vì ngài vẫn còn có người mẹ già năm nay đã 98 tuổi, hiện đang sống ở Quảng Nam.

Sự liên kết giữa người mẹ và con trong chúng ta, ai cũng có và chắc chắn Chúa Giêsu đã có những tâm tình đó. Đức Mẹ là người đầu tiên yêu mến và thực thi Lời Chúa, và cũng là người được Chúa Giêsu thương xót trước hết. Mẹ cưu mang Đấng Thương Xót và cảm nhận lòng thương xót từ tận trái tim, nên Mẹ đầy lòng thương như Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Giữa những đau khổ, những trầm luân của con người, Mẹ luôn tỏ ra là người Mẹ từ mẫu.

Lời kinh Mân Côi đọc bên ngoài, suy ngắm bên ngoài thôi, vẫn chưa đủ. Điều quan trọng, là hãy noi gương Đức Mẹ, học cùng Đức Mẹ, lắng nghe lời của Đức Mẹ “Hãy ăn năn đền tội. Hãy tôn sùng Mẫu Tâm. Hãy năng lần hạt Mân Côi”. Đó là những phương thế mang hòa bình đến cho chúng ta và cho thế giới xung quanh.

Trong kinh Lòng Thương Xót: “Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”, chúng ta muốn cầu nguyện cho thế giới. Trước hết phải cầu nguyện cho chính bản thân, cho gia đình chúng ta, bởi trong mỗi người chúng ta, không phải ai cũng hoàn hảo, trái lại, ai cũng có những rủi ro, thất bại.

Cuối bài chia sẻ, Đức cha Giuse mời gọi mọi người hãy là những hạt muối, nắm men làm dậy lên tâm tình, cảm nhận Lòng Thương Xót Chúa và sống Lòng Thương Xót Chúa. Trong bầu khí này, Chúa mời chúng ta qua Thánh nữ Faustina, qua các cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa, phải sống thế nào để qua đời sống mỗi người thấy mình là một sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa, và ước mong lời kinh vang vọng này được lan xa hơn nữa và đánh động nhiều tâm hồn hơn nữa để cho ai nấy đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa và cộng tác để trở thành sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa.

Mặc dù đêm đã về khuya, nhưng thánh lễ vẫn diễn ra trong bầu khí trang nghiêm. Qua các nghi thức, lời ca tiếng hát vang lên trong đêm thanh, trên ốc đảo nhỏ bé, khiến cho những tâm tư nguyện cầu thêm phần sốt mến và rõ ràng hơn.

Cuối thánh lễ, Đức cha chủ tế đã làm phép ảnh tượng, các tràng chuỗi, nước và lá cho khách hành hương.

Đêm Canh thức kết thúc, nhưng những lời cầu nguyện sẽ không bao giờ kết thúc. Trong lúc này, dù thức hay ngủ, chúng ta đang ở bên Đức Mẹ La Vang của chúng ta.

Nguyện xin bình an của Chúa, qua lời cầu của Đức Mẹ La Vang, đến với mọi người chúng ta trong đêm linh thiêng của Đại hội tại Linh địa Đức Mẹ La Vang này.

NGÀY 15-8-2017

9. Rước kiệu Đức Mẹ.

Ngay từ sáng sớm, khi hừng đông chưa xuất hiện, con cái Mẹ đã được mời gọi xếp hàng theo thứ tự đoàn rước để chuẩn bị cung nghinh Đức Mẹ La Vang. Kiệu Đức Mẹ được khởi đi từ Linh đài, di chuyển đến Lễ đài, do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ sự.

Một loạt trống kèn vang lên rầm rộ, đánh thức những ai còn ngủ mê, chỗi dậy để cùng hướng về Linh đài cung nghinh Đức Mẹ La Vang.

Vì số lượng khách hành hương quá đông, không thể chen chân, nên đa phần chỉ có thể đứng tại chỗ, hiệp lòng với đoàn rước.

RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ LA VANG

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

Đức TGM Giuse dâng hương trước bàn kiệu Đức Mẹ La Vang. Đoàn kiệu khởi hành, vừa đi vừa hát thánh ca, lần hạt, suy niệm, tôn vinh Mẹ.

Khi đoàn kiệu về đến Lễ đài, các Đức Giám mục, linh mục đồng tế về chỗ của mình. Bàn kiệu Đức Mẹ La Vang được đặt bên trái Lễ đài, hướng về cộng đoàn phụng vụ. Ca đoàn cất lên bài Ca nhập lễ Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên không trung

10. Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Thánh lễ bế mạc.

a/ Trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh.

Linh mục hướng dẫn phụng vụ công bố cho mọi người hiểu ý nghĩa của dây Pallium mà Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã được ĐTC Phanxicô trao vào ngày 29-6-2017 vừa qua tại Vatican.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình Thánh Giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn, một ở phía trước ngực, và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị Tổng Giám mục đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô. Trước đây, các vị tân Tổng Giám mục Chính tòa vẫn về Rôma để nhận dây Pallium từ Đức Thánh cha trong thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, dây này được vị Đại diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo hội địa phương.

Nhưng từ đầu năm 2015 trở đi, do quyết định của ĐTC Phanxicô, dây Pallium được trao cho vị Tổng Giám mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại giáo phận. Sự thay đổi này nhắm làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM Chính tòa với Giáo hội địa phương của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là cho các Giám mục thuộc hạt – trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối dây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa Đức Thánh cha và các vị tân TGM Chính tòa, và đồng thời, qua sự trao dây này thể hiện thêm mối liên hệ với Giáo hội địa phương.

Theo quyết định mới, dây Pallium vẫn được Đức Thánh cha làm phép trong ngày 29-6 tại Đền thờ Thánh Phêrô, trong thánh lễ đồng tế với các vị tân Tổng Giám mục Chính tòa, như thói quen từ trước đến nay, nhưng Đức Thánh cha chỉ trao dây này cho các vị theo thể thức riêng và đơn sơ. Sau đó, tại giáo phận thuộc quyền, việc trao dây Pallium sẽ được tổ chức trong một nghi lễ trọng thể, trong đó vị Đại diện Tòa Thánh, được Đức Thánh cha ủy quyền, trao cho vị tân Giám mục Chính tòa trước sự hiện diện của các Giám mục trong cùng giáo tỉnh và các tín hữu.

Vì vậy, trong thánh lễ trọng thể hôm nay, trước sự hiện diện đông đảo của quý Giám mục, linh Mục và cộng đoàn Dân Chúa, Đức TGM Giuse trình dây Pallium mà ngài nhận từ ĐTC Phanxicô cho Đức TGM Leopoldo Girelli, vị Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam.

Sau dấu Thánh Giá và lời chúc bình an, Đức TGM Leopoldo Girelli mang dây Pallium cho Đức TGM Giuse. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, nhân danh Đức Thánh cha Phanxicô tôi trao cho Đức TGM Giuse của anh chị em dây Pallium như là một biểu tượng của sự hiệp nhất và dây Pallium còn có một ý nghĩa khác nữa đó là việc chăm sóc. Đức TGM Giuse của anh chị em sẽ chăm sóc không chỉ trong Tổng Giáo phận, mà còn cả Giáo tỉnh nữa.

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh hiền đệ kính yêu, hãy nhận lấy dây Pallium đã được làm phép do tay ĐTC Phanxicô trong ngày 29-6-2017 vừa qua, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Để làm vinh danh Thiên Chúa toàn năng, để ca ngợi Đức Trinh Nữ Maria và hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, nhân danh Giáo hoàng Rôma, Đức Phanxicô và Hội Thánh Công giáo Rôma, để tôn vinh ngai tòa Huế được giao phó cho hiền đệ như là dấu chỉ năng quyền Trưởng Giáo tỉnh, tôi trao cho hiền đệ dây Pallium này, nhận từ Tòa Đức tin Thánh Phêrô, để hiền đệ dùng trong phạm vi Tổng Giáo phận của hiền đệ.

Ước gì dây Pallium này là dấu chỉ của sự hiệp nhất với Tòa Thánh, là mối dây bác ái, là sự cổ võ lòng can đảm mạnh mẽ. Nhờ đó, vào ngày quang lâm và tỏ mình của Thiên Chúa toàn năng và của Đức Kitô, mục tử của các mục tử, hiền đệ và các tín hữu được giao phó cho hiền đệ có thể lãnh nhận dây áo trường sinh và vinh quang. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”.

Cộng đoàn phụng vụ vỗ tay, xen lẫn tiếng kèn trống vang lừng, hân hoan chúc mừng.

ĐTGM LEOPOLDO GIRELLI MANG DÂY PALLIUM CHO ĐTGM GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

Đức TGM Giuse nói lên tâm tình tri ân đối với ĐTC Phanxicô, Đức TGM Leopoldo Girelli, vị Đại diện ĐTC Phanxicô tại Việt Nam và mọi thành phần Dân Chúa đang hiện diện. Đức Tổng cũng chia sẻ rằng thánh lễ hôm nay là cao điểm của Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31 và cũng là thánh lễ bế mạc Đại hội. Đồng thời, ngài cũng trân trọng giới thiệu quý Hồng y và quý Giám mục về tham dự Đại hội hôm nay.

b/ Giới thiệu các Đức Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục tham dự Đại hội La Vang 31.

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh trân trọng giới thiệu các Đức Hồng y, các vị Tổng Giám mục, Giám mục tham dự Đại hội La Vang lần thứ 31:

ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Tổng Giám Mục Hà Nội, Đức TGM Leopoldo Girelli – Đại diện ĐTC Phanxicô tại Việt Nam, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng Giám mục Sài Gòn – Ủy Ban Giáo lý Đức tin, Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng – Nguyên Tổng Giám mục Huế, Đức cha Giuse Nguyễn Năng – Giám mục Phát Diệm – Phó Chủ tịch HĐGMVN, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục Mỹ Tho – Tổng Thư ký HĐGMVN, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ – Nguyên Giám mục Phú Cường, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long – Giám mục Phụ tá Hưng Hóa – Ủy ban Loan báo Tin Mừng, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi – Giám mục Qui Nhơn – Ủy Ban Nghệ thuật thánh, Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh – Giám mục Phụ tá Hà Nội, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến – Nguyên Giám mục Phát Diệm, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu – Giám mục Bùi Chu – Ủy ban Bác ái Xã hội, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương – Giám mục Đà Lạt – Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh, Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị – Giám mục Kontum, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục Bắc Ninh, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Vinh – Ủy ban Công lý và Hòa bình, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Phú Cường – Ủy ban Truyền thông Xã hội, Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh – Giám mục Phó Đà Lạt, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Lạng Sơn – Cao Bằng – Ủy ban Mục vụ Gia đình, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ – Giám mục Thái Bình – Ủy ban Tu sĩ, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục Đà Nẵng – Ủy ban Văn hóa.

c/ Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Thánh lễ bế mạc.

LỄ ĐÀI TẠI TIỀN ĐƯỜNG VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐANG XÂY DỰNG TRONG ĐẠI HỘI 31

(Ảnh: Chụp lại từ video Đại hội La Vang 31)

Sau khi đã giới thiệu Đức Hồng y và các Đức Giám mục hiện diện, Đức TGM Giuse mời gọi cộng đoàn sốt sắng bước vào thánh lễ trọng thể kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, bế mạc Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31, bằng tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã đưa Mẹ về trời cả hồn lẫn xác. Xin Mẹ cho chúng ta cũng biết sống siêu thoát và tinh sạch như Mẹ, để một ngày kia, chúng ta được gặp Mẹ trên Quê Trời hạnh phúc.

ĐOÀN ĐỒNG TẾ TỪ THÁP CỔ ĐANG TIẾN LÊN LỄ ĐÀI GIỮA CỘNG ĐOÀN HÀNH HƯƠNG

(Ảnh: Chụp lại từ video Đại hội La Vang 31)

Qua thánh lễ này, chúng ta cũng hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một kỳ Đại hội thật tốt đẹp. Xin Ngài trả công bội hậu cho tất cả những ai bằng cách này cách khác, đã giúp đỡ để chúng ta thực hiện thành công Đại hội này.

Sau thánh lễ, chúng ta sẽ chia tay nhau, mỗi người hãy xin Mẹ phù hộ để khi trở về được luôn bình an, bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình và bình an trên đường trở về.

Sau bài Tin Mừng, ĐGM Mỹ Tho Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký HĐGMVN, chia sẻ Lời Chúa:

THÁNH LỄ SÁNG 15-8-2017 – THÁNH LỄ BẾ MẠC

(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)

“Sống tinh thần Sứ điệp Fatima, là chủ đề của Đại hội Hành hương năm nay. Trong hai ngày qua, các bài giảng trong thánh lễ, cũng như trong diễn nguyện, đều tập trung vào chủ đề này. Và để tiếp tục khơi dậy tinh thần này của Sứ điệp, Đức cha Phêrô mời cộng đoàn nhìn lại sự kiện Fatima và sự kiện La Vang. Đặt những sự kiện đó trong bối cảnh lịch sử cụ thể và dưới ánh sáng của Lời Chúa, để chúng ta khám phá Fatima và La Vang gần gũi với nhau đến thế nào.

Đức Mẹ đã hiện ra ở Fatima năm 1917, nhưng ít ai quan tâm bối cảnh của nước Bồ Đào Nha lúc bấy giờ, và rất may, trong giờ diễn nguyện tối hôm qua, chúng ta được nhắc nhớ về bối cảnh đó. Theo lịch sử kể lại thì năm 1910, một cuộc cách mạng lớn nổ ra ở Bồ Đào Nha, và chính quyền cách mạng lúc đó phần lớn là những người thuộc Hội Tam điểm, cho nên họ cùng ghét đạo Công giáo. Vì thế, khi họ nắm chính quyền thì lập tức ban hành rất nhiều những điều lệ khắt khe đối với đạo Công giáo. Nhiều tu viện bị đóng cửa, nhiều tu sĩ bị trục xuất, cấm đạo Công giáo cử hành phụng vụ nơi công cộng, kể cả cấm kéo chuông nhà thờ. Chính trong bối cảnh đó, Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.

Giáo hội Việt Nam chúng ta hơn 200 năm trước, cũng ở trong một hoàn cảnh khó khăn như thế. Dưới thời vua Cảnh Thịnh mà anh chị em được nghe lặp đi lặp lại nhiều lần, sắc chỉ cấm đạo được ban hành, nhiều giáo dân ở Quảng Trị, để giữ đạo, đã phải chạy vào vùng rừng thiêng nước độc La Vang ẩn trốn, và chính ở đây, Đức Mẹ hiện ra nâng đỡ, an ủi con cái Mẹ.

Đặt những sự kiện đó trong bối cảnh lịch sử để chúng ta khám phá ra thân phận của Giáo hội là một thân phận bị bắt bớ và bách hại. Điều đó không phải là cái gì quá mới mẻ, nhưng đã được báo trước trong Kinh Thánh”.

Bài đọc I hôm nay trích sách Khải huyền, trình bày thị kiến về một người phụ nữ đang kêu la đau đớn, chuẩn bị sinh con, và một con mãng xà rất lớn chực sẵn để nuốt lấy đứa con mà người phụ nữ sinh ra.

“Trước khi là hình ảnh về Đức Mẹ, thì đây đã là hình ảnh về Giáo hội. Một Giáo hội mang Chúa Giêsu trong lòng và đang cố gắng đem Chúa Giêsu đến cho thế giới. Giáo hội đó bị ma quỷ chống đối quyết liệt. Nếu Giáo hội thỏa hiệp với thế gian thì thế gian sẽ để cho Giáo hội yên. Nhưng nếu Giáo hội thực sự tha thiết với sứ mạng đem Chúa Giêsu đến cho thế giới, thì chắc chắn Giáo hội sẽ gặp sự chống đối quyết liệt từ ma quỷ.

Ngày hôm nay cũng vậy, kể cả trong những đất nước được gọi là tự do, Giáo hội vẫn bị tấn công bằng những đòn hiểm độc hơn vua chúa ở Việt Nam ngày xưa. Chúng ta đừng quên điều Đức Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ chúng ta: “Giáo hội ngày hôm nay chịu đau khổ, không chỉ từ bên ngoài, mà còn từ bên trong. Giáo hội chịu đau khổ từ chính tội lỗi của con cái mình, mà không chỉ từ anh chị em giáo dân, mà còn từ hàng giáo sĩ. Chính vì thế mà Sứ điệp Sám hối Fatima vẫn còn rất sống động và hiện thực cho chúng ta, từng người và tất cả, cho đến hôm nay”.

Đức cha Phêrô cũng nói thêm rằng:

“Giáo hội đang bước đi giữa thử thách, nhưng luôn nhận được sự nâng đỡ, an ủi của Chúa và Mẹ. Sứ điệp Fatima và La Vang là một sứ điệp hy vọng. Trong cuộc sống của chúng ta, cũng có nhiều thử thách làm chúng ta thất vọng, nhưng đừng để chúng nhận chìm mình, và hãy ngước mắt nhìn lên Đức Mẹ Maria, như là ngôi sao hy vọng, để không ngừng bước tới trong đời sống đức tin của mình. Cùng nhau xây dựng một Giáo hội nghèo, theo gương Mẹ, từng bước đem Chúa đến cho mọi người”.

Kết thúc, Đức cha giảng lễ mời gọi mọi người cùng hát lên với ngài bài ca Magnificat để cùng tạ ơn Chúa.

Tiếp tục thánh lễ, cộng đoàn sốt sắng tuyên xưng đức tin. Đức TGM Giuse mời gọi mỗi người dâng đời mình, với những lắng lo, băn khoăn, ưu tư, những ước mơ, khát vọng, cho cuộc sống bản thân, gia đình, giáo xứ, giáo phận, Giáo hội và toàn thế giới lên Chúa cùng những lời cầu xin tha thiết. Cầu cho tất cả mọi Kitô hữu niềm tin và sức mạnh vượt thắng mọi thử thách gian nan để đem Chúa đến cho mọi người; Cầu cho các quốc gia, dân tộc trên thế giới biết hướng mọi sự lên Chúa và tôn vinh Chúa. Cầu cho những người đang đau khổ trong tinh thần và thể xác luôn được tình yêu Chúa và Mẹ đỡ nâng. Cầu cho cộng đoàn hành hương về La Vang trong dịp Đại hội biết chiêm ngưỡng những hồng ân Chúa ban cho Mẹ, để sống và được hồng phúc như Mẹ.

d/Nghi thức bế mạc.

Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền, quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, thay mặt Ban Tổ chức, bày tỏ tấm lòng tri ân đến quý Đức Hồng y, Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, các dòng tu, các ban ngành phục vụ, các giáo xứ, đặc biệt là giáo xứ Chính tòa Phủ Cam, đội trống Thái Bình, đội kèn Bùi Chu, các công ty, cám ơn quý ân nhân và toàn thể khách hành hương. Xin Mẹ La Vang chúc lành cho quý Đức cha và mọi người. Chúc mọi người ra về bình an.

Sau lời cám ơn của cha Quản nhiệm, Đức TGM Giuse có đôi lời nhắn nhủ với cộng đoàn:

Trước hết, ngài thay mặt cộng đoàn hành hương, cám ơn Ban Tổ chức, đặc biệt là cha Giacôbê Lê Sỹ Hiền, quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, đã tổ chức tốt đẹp dịp Đại hội năm nay. Ngoài ra, Đại hội thành công được cũng nhờ vào sự cộng tác của các Hội dòng, các giáo phận, các ban ngành, các ân nhân, nhiều thành phần Dân Chúa ở khắp nơi trên thế giới.

Đức TGM cũng tin tưởng và phó thác công trình xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang cho Đức Mẹ, để nguyện xin Mẹ tiếp tục ban ơn và gìn giữ. Nhưng cũng xin mọi người rộng lòng đóng góp để công trình sớm được hoàn thành.

Đức TGM long trọng ban phép lành kết thúc thánh lễ. Sau đó, ngài tuyên bố bế mạc Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 31 và hẹn gặp lại vào những dịp sắp đến.

Đức TGM Giuse cắt dây bong bóng mang phướn bay lên trời cao trong tiếng vỗ tay của cộng đoàn và tiếng kèn trống hân hoan, vui vẻ lên đường ra khơi với Mẹ La Vang, để tiếp tục loan báo Tin Mừng đến cho mọi người.

Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh tuyên bố bế mạc. Hẹn hội ngộ ở Đại hội La Vang lần thứ 32 (2020).

(Còn tiếp…)

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Tập 6 – Chương 29 – Phần 2