TRẦN QUANG CHU
(Biên soạn)
TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG
KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG
LẦN THỨ 27 (2005)
CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)
CHƯƠNG BA
LỊCH SỬ ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
I. NHỮNG CUỘC HÀNH HƯƠNG BĂNG RỪNG VƯỢT NÚI TRONG THẾ KỶ XIX.
1. NHỮNG CUỘC HÀNH HƯƠNG RIÊNG LẺ, TỰ PHÁT.
Dựa vào tư liệu đáng tin cậy: Rapport annuel des évêques de Huế de 1872 à 1940 (Báo cáo thường niên của các Đức Giám mục Giáo phận Huế từ 1872 đến 1940 (1)– gởi Hội Thừa sai Paris) được biết trong Đại hội La Vang 1, qua bài giảng, cha François Patinier (cố Kinh) đã “ngược dòng thời gian từ ngót 100 năm qua phác họa lại lịch sử Hành hương La Vang”(2).
Tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn chưa đủ căn cứ để xác định cuộc hành hương đầu tiên diễn ra vào thời gian nào, trong hoàn cảnh nào. Nhiều khả năng những cuộc hành hương trong thế kỷ XIX mà cha Patinier Kinh đã phác họa lại là những cuộc hành hương riêng lẻ do vài cá nhân hoặc vài nhóm giáo dân tự phát thực hiện nhằm cầu xin ơn Mẹ, mà những sự kiện này đã được nói nhiều trong Vãn La Vang (bản văn đầu tiên về La Vang – Không rõ tác giả, xuất xứ, nhưng căn cứ vào nội dung có thể biết thời gian ra đời không lâu trước và sau Đại hội La Vang 1).
Những cuộc hành hương riêng lẻ, tự phát nếu có thì cũng chỉ diễn ra vào thời vua Gia Long và đầu đời vua Minh Mạng, cụ thể là vào khoảng từ năm 1801 đến năm 1833. Sau đó là thời gian bắt đạo ác liệt, hoàn cảnh không cho phép thực hiện hành hương La Vang, dù là riêng lẻ.
2. TỔ CHỨC HÀNH HƯƠNG LA VANG ĐẦU TIÊN(3).
Năm 1862 vua Tự Đức ban hành chỉ dụ “Tha tháp”, chấm dứt 29 năm (1833-1862) bắt đạo ác liệt Nguyễn triều. Những giáo dân còn sống sót lục tục trở về giáo xứ mình.
Tại giáo xứ Cổ Vưu, trùm hạt Phanxicô Xaviê Lê Thiện Thìn hồi cố hương với hai chữ “Tả Đạo” trên má. Bấy giờ ông đã 57 tuổi, trở thành cánh tay đắc lực của các cha sở Jean-Patrice Desvaux (cố Đề), Phêrô Đỗ Khắc Nhơn, Gioan Đoạn Trinh Khoan, Anrê Trần Văn Doãn…
Mùa chay năm 1864, lãnh ý cha sở, trùm Thìn tập trung khoảng 30 người hành hương La Vang. Họ khởi hành từ Cổ Vưu vào lúc rạng sáng, tay cầm gậy gộc, giáo mác, vừa đi vừa đánh phèng la, khua chiêng khua trống, theo đường núi vạch lá rừng mà đi. Đoạn đường Cổ Vưu – La Vang chỉ chừng 7 cây số nhưng khó đi, phải mất nửa buổi mới tới nơi.
Nhóm hành hương đọc kinh cầu nguyện rất sốt sắng tại địa điểm ngôi nhà thờ tranh, bên gốc cây đa đại thụ, nơi theo tương truyền Đức Mẹ hiện ra. Trước khi ra về họ cũng múc nước suối, hái lá mang theo. Từ những nắm lá, chai nước ấy nhiều người được ơn lành bệnh.
Những năm tiếp theo, giáo dân các nơi khác đến tham dự ngày càng đông biến cuộc Hành hương Cổ Vưu (giáo xứ) thành cuộc Hành hương Dinh Cát (giáo hạt).
Nhận thấy Hành hương La Vang, một trong những phương thế biểu lộ lòng sùng kính Đức Mẹ tốt nhất, vả lại từ những cuộc hành hương này, Đức Mẹ đổ tràn ơn lành hồn xác xuống cho con cái Người, cha sở Cổ Vưu Phêrô Đỗ Khắc Nhơn(4) đã vạch kế hoạch giao cho trùm hạt PX.Lê Thiện Thìn cùng các chức việc họ Cổ Vưu tổ chức việc hành hương La Vang mỗi năm hai lần vào Mùa Chay và mồng ba Tết âm lịch.
Từ đó đúng định kỳ, hằng trăm giáo dân Dinh Cát tập trung tại giáo xứ Cổ Vưu, từng nhóm trang bị gậy gộc, giáo mác hành hương viếng Mẹ.
Về sau, trong những cuộc hành hương như vậy giáo dân cung nghinh tượng Mẹ từ Cổ Vưu vào La Vang.
Năm 1925, cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng (1871-1900-1932) kể rằng: “Hồi nhỏ tôi giúp cha Huấn già(5) tại Cổ Vưu, tôi đã đi theo ngài để nghinh tượng Đức Mẹ vào La Vang, cách như vậy một lần, ba năm trước giặc Văn Thân”(6).
II. LỊCH SỬ ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG
1. ĐẠI HỘI LA VANG 1 – KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ NGÓI.
* Đại hội La Vang 1 diễn ra ngày 8-8-1900 hay ngày 8-8-1901?
Lâu nay, dựa vào các tài liệu tại Giáo phận Huế, thời điểm diễn ra Đại hội La Vang 1 được ghi nhận là ngày 8-8-1901. Cột mốc lịch sử này có lẽ được xác định bởi bài viết Cuộc kiệu La Vang 1901 trong sách Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang– Imprimerie de Quy Nhơn, Annam, 1923 của Joseph Huế (linh mục Giuse Trần Văn Trang). Nhưng cha Giuse Trang viết bài này dưới dạng hồi ký hay biên khảo, không phải tường thuật tại chỗ hay phóng sự và thời điểm viết là vào khoảng 20 năm sau Đại hội La Vang 1, vì ở đầu bài có đoạn: “Đức cha Caspar hồi đó còn cai trị địa phận…”, và ở cuối bài có đoạn: “Chỉ nói một điều này mà thôi là mấy lần kiệu sau (1917 và 1919) có làm Tam nhật kính lễ, có các cha giảng mỗi ngày hai buổi nên thiên hạ đến đông đắn vô số hơn khi trước”. Vả lại vào thời gian diễn ra Đại hội La Vang 1 cha Giuse Trang đang là tiểu chủng sinh Tiểu Chủng viện An Ninh (ngài sinh năm 1882, thụ phong linh mục năm 1910).
Ngoài ra trong những bài viết của mình, cha Giuse Trang còn sưu tầm và dịch trích bài Notre Dame de La Vang đăng trong Annales de la Société des Missions Étrangères, số 24, tháng 11-1901. Bài này không ghi tên tác giả, nhưng theo linh mục dịch giả, trong lời tựa, cho biết: “Cha Bonin (cố Ninh), cha sở cựu La Vang đã chép trong sử Hội Giảng đạo năm 1901”. Cha Bonin(7), cha sở cựu La Vang chính là người hoàn thành ngôi nhà thờ ngói, và là trưởng ban tổ chức Đại hội La Vang 1.
Những dẫn chứng và những con số nêu trên phải chăng là nguyên nhân khiến có sự nhầm lẫn đáng tiếc chăng? Hoặc kỹ thuật in ấn có gì sai sót chăng? Bởi có ít nhất ba căn cứ đáng tin cậy xác định Đại hội La Vang 1 diễn ra vào ngày 8-8-1900:
– Căn cứ vào báo cáo năm 1900 của Đức cha Louis Caspar Lộc:
Dựa vào Báo cáo năm 1900 của Đức cha Louis Caspar Lộc gởi bề trên Chủng viện Thừa sai Paris, trong đó phần nói về La Vang, ngài bày tỏ: “Một niềm vui lớn cũng là một kỳ vọng cháy bỏng đã đến với Giám mục ĐDTT và với hàng giáo sĩ là ngôi nhà thờ mới được dựng lên ở La Vang, thay ngôi nhà thờ đã bị phá hủy trong cuộc đảo điên năm 1885 nhằm tôn vinh Đức Mẹ”(8). Đồng thời ngài “dẫn Báo cáo của thừa sai Claude Bonin Ninh, quản hạt Quảng Trị, nơi có nhà thờ La Vang”(8) cho biết:
“…Từ lâu, giáo hữu hằng khẩn khoản muốn khánh thành và cung hiến ngôi nhà thờ mới La Vang, nhân đó chính thức công bố cuộc hành hương được tổ chức tại nơi này nhằm tôn vinh Rất Thánh Nữ Đồng Trinh. Kết cuộc, trong năm nay, việc tái thiết cũng hoàn tất. Theo con,không chỉ giáo dân Quảng Trị mà còn cả giáo dân toàn địa phận đã có thể thỏa mãn lòng sùng kính của họ đối với Đức Trinh Mẫu.
Buổi lễ được ấn định vào ngày 8-8”(9).
Căn cứ vào năm khởi công và năm hoàn thành ngôi nhà thờ ngói:
Dựa vào Báo cáo năm 1894 của Đức cha Caspar Lộc gởi bề trên Chủng viện Thừa sai Paris, trong đó ngài trích Báo cáo của Thừa sai Patinier (cố Kinh), cha sở Cổ Vưu kiêm quản hạt Quảng Trị, đề ngày 29-9-1894:
“…Trong thời gian con về Pháp, cha Jean Bonnand (cố Bổn) đã thay con chăm lo công việc, cùng nhờ sự giúp đỡ của cha Joseph Gontier (cố Công) nhằm tái thiết ngôi nhà thờ này. Hai cha đã vận động được một số tiền bạc và đã mua sắm những vật hạng cần thiết để khởi công… Vừa trở về, con đã kêu gọi tất cả giáo dân thiện chí giúp vận chuyển số gỗ xây dựng lên núi. Vào ngày đã định, giáo dân trong phạm vi sáu dặm tập trung đông đủ, chia nhau vác gỗ và chỉ trong hai chuyến toàn bộ gỗ đã được tập kết tại La Vang… Hôm sau bộ giàn trò được dựng lên, giờ thì chỉ còn lo việc hoàn thành nhà thờ”(10).
Công trình hoàn thành năm nào?
Ngoài căn cứ đáng tin cậy là Báo cáo năm 1900 của Đức cha Caspar Lộc (đã dẫn): “Công cuộc tái thiết cũng hoàn tất trong năm nay” (năm báo cáo tức năm 1900), còn có thể căn cứ vào Vãn La Vang:
“Súc săng gạch ngói gánh gồng,
Đường xa khó nhọc cũng không nề hà.
Sáu năm ngày lụn tháng qua,
Nhà thờ xây lợp cũng đà sự thanh.
Nay lo đến việc lạc thành,
Sắm sửa soạn sành để kiệu cho luôn”(11).
Lấy năm khởi công (1894) cộng thời gian xây dựng 6 năm sẽ biết năm hoàn thành: 1894 + 6 = 1900.
– Căn cứ vào sự tương quan ngày tháng dương lịch và âm lịch:
Trong Báo cáo năm 1900 của Đức cha Caspar Lộc có câu xác định ngày tháng: “Buổi lễ được ấn định vào ngày 8-8 (dương lịch)”. Trong khi đó, Vãn La Vang từ câu 249 đến câu 286 đã ba lần nhắc đến ngày mười ba tháng bảy (âm lịch) và một lần ngày mười bốn tháng bảy (âm lịch):
“Soạn sành tập luyện mấy trăng
Mười ba tháng bảy lòng hằng đợi trông.
Có nơi nổi tính hăng nồng,
Lại thêm tập múa đội bông đội hèo.
Người đi bộ, kẻ thuyền chèo
Trên đất dưới nước cứ theo phận mình.
Mười ba tháng bảy thanh minh,
Cổ Vưu sở tại đến trình thưa cha:
Chúng con xin kiệu Đức Bà
Một vòng khắp họ kẻo mà nhớ thương.
Bấy lâu Mẹ ngự thánh đường
Mai thì đưa Mẹ lên phường La Vang”(12).
(…)
“Họ này, họ nọ sánh bày,
Hoa đèn trau dọn là ngày mười ba.
Truyền về mười bốn sáng ra,
Giờ Dần, giờ Mẹo các cha dặn dò:
Họ nào đình trú ở mô,
Đêm nghe hiệu lệnh phải lo ra dàn”(13).
Đối chiếu lịch Vạn niên, ngày 8-8-1901 (dương lịch) nhằm ngày hăm bốn tháng sáu năm Tân Sửu, không khớp với ngày mười ba hoặc mười bốn tháng bảy (âm lịch) mà Vãn La Vang đã nói đến. Còn nếu đối chiếu ngày 8-8-1900 (dương lịch) thì sẽ nhằm ngày mười bốn tháng bảy năm Canh Tý, khớp với Vãn La Vang: Mười ba tháng bảy năm Canh Tý tức là ngày 7-8-1900, ngày tập trung tại Cổ Vưu, chuẩn bị rước kiệu vào lúc 4 giờ sáng ngày mười bốn tháng bảy tức là ngày 8-8-1900.
Vậy có thể khẳng định Đại hội La Vang 1 diễn ra vào ngày 8-8-1900, không phải ngày 8-8-1901 như lâu nay nhiều người lầm tưởng.
* Diễn tiến Đại hội La Vang 1.
Trong Báo cáo năm 1900của Đức cha Caspar Lộc, diễn tiến và nội dung Đại hội La Vang 1 được ghi rõ qua bàiphóng sự đặc sắc của cha Claude Bonin Ninh, trưởng ban tổ chức Đại hội:
“…Buổi lễ được ấn định vào ngày 8-8. Nhưng ngay từ tối hôm trước từng đoàn giáo hữu từ những nơi xa xôi nhất đã tụ hội về, trong số đó có người phải vượt quãng đường 150 cây số. Người ở gần cũng đã có mặt lúc nửa đêm, để bốn giờ sáng mọi người bắt đầu dàn đội ngũ cuộc kiệu lớn, khởi hành rước bộ lúc năm giờ sáng.
Đoàn các giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của cha sở mình, làm thành nhóm dẫn đầu đoàn rước. Giáo hữu sánh hàng đôi bước đi. Nhiều người tay cầm cờ xí, cờ nheo và đủ loại giáo kỳ. Sau đoàn các giáo xứ là đoàn hằng trăm nữ tu con Đức Mẹ, với sắc cờ riêng biệt. Mọi người nghiêm trang và thành kính tiến bước, trong khi nhóm này lần chuỗi thì nhóm kia hát thánh ca tiếng Annam.
Tiếp theo, các chú tiểu chủng sinh, các thầy Đại Chủng viện theo sự chỉ dẫn của cha Bề trên Alphonse Izarn (cố Ý) vừa đi vừa hát những bài ca phụng vụ. Rồi đến các linh mục bản quốc, các linh mục thừa sai mặc áo các phép hầu cận Đức Giám mục hiệu tòa Canathe, đấng dù tình trạng sức khỏe suy giảm, vẫn cố sức chủ trì cuộc kiệu đầy cảm động này.
Sau cùng, thánh tượng Đức Mẹ hiện rõ trên bàn kiệu đầy hoa nến và khẩu hiệu do mười sáu phu khiêng. Bốn góc phương du, bốn cụ già được tuyển chọn trong số các giáo dân trọng vọng, như toán lính danh dự chầu hầu Đức Mẹ, hòa giọng trầm cùng các kiệu phu, chia làm hai bè, lần chuỗi hoặc đọc kinh cầu Rất Thánh Nữ Đồng Trinh.
Đoàn kiệu kéo dài ít nhất ba cây số tạo thành một cảnh tượng tuyệt đẹp. Ước tính có khoảng mười hai ngàn giáo dân tham dự lễ hội hành hương. Nhiều người lương đi theo hoặc đứng nhìn mà không hề biểu lộ dấu hiệu gì thù nghịch. Họ tỏ thái độ cảm phục.
Lộ trình kiệu từ Cổ Vưu đến nhà thờ La Vang khoảng gần bảy cây số. Ngay khi đến nơi, Đức cha Caspar làm phép nhà thờ mới, tiếp đến thừa sai Patinier (cố Kinh) với bài giảng đầy xúc động trước cộng đoàn, theo đó, ngược dòng thời gian từ ngót một trăm năm qua, ngài phác họa lại lịch sử Hành hương La Vang. Cuộc hành hương kết thúc bằng thánh lễ trọng thể có phó tế và phụ phó tế, do thừa sai Barthélemy (cố Mỹ) chủ tế”(14).
Cũng trong Đại hội La Vang 1 – khánh thành nhà thờ ngói, theo lời truyền tụng, Đức cha Caspar Lộc tuyên bố tước hiệu nhà thờ La Vang là Đức Bà phù hộ các giáo hữu. Đồng thời ngài ban hành định lệ ba năm một lần Đại hội vào tuần lễ Đức Bà Xuống Tuyết và hằng năm rước kiệu Đức Mẹ vào ngày mồng ba Tết âm lịch gọi là Kiệu Minh niên.
2. ĐẠI HỘI LA VANG 2: 1904?
Chưa có căn cứ để xác định Đại hội La Vang 2 diễn ra vào năm nào, 1903 hay 1904? Ngay trong các Báo cáo thường niên của Đức cha Caspar Lộc vào những năm 1901, 1902, 1903, 1904, 1905… đều không có câu chữ nào nói về Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 2. Con số 1904 chỉ là dựa theo lời người xưa truyền tụng, rồi thế hệ trước lưu truyền lại cho thế hệ sau mà thôi.
3. ĐẠI HỘI LA VANG 3: 1907?
Trong Báo Cáo năm 1906 của Đức cha Caspar Lộc, cũng như trong Báo cáo năm 1907 của cha chính Izarn (cố Ý), thay mặt Đức cha Caspar Lộc về Pháp chữa bệnh, và trong Báo cáo năm 1908, 1909 của Đức cha Eugène-Marie-Joseph Allys Lý, cùng những tài liệu liên quan khác không có câu chữ nào nói về Đại hội La Vang lần thứ 3. Vì thế, cũng như Đại hội La Vang lần thứ 2, chưa đủ căn cứ để xác định Đại hội La Vang lần thứ 3 diễn ra vào ngày tháng năm nào.
4. ĐẠI HỘI LA VANG 4 (9-8-1910).
Đức cha Allys Lý bận việc không ra được nên cha sở Cổ Vưu Léopold Michel Cadière (cố Cả) thay mặt đứng ra tổ chức.
Giáo dân Huế đi hành hương bằng phương tiện mới: Xe lửa.
“…Ngày 9-8, 1.150 người hành hương Huế đáp hai chuyến xe lửa từ khuya đi Quảng Trị. Chuyến đầu khởi hành lúc 3 giờ 30 phút, dừng ở ga cầu Bạch Hổ đón giáo dân Kim Long, ở ga An Hòa đón giáo dân Đốc Sơ, ở ga Văn Xá đón giáo dân Dương Sơn. Chuyến thứ hai khởi hành lúc 4 giờ 10 phút đón giáo dân Phủ cam, Thợ Đúc, Ngọc Hồ”(15)…
Cha Patinier (cố Kinh) giảng: “Mời gọi giáo dân yêu kính Đức Mẹ La Vang ngày một hơn và đặt trọn niềm tin nơi Người”(15). Cha PX. Nguyễn Hữu Tân chủ tế thánh lễ trọng thể. Ngoài 60 linh mục Tây, Nam tham dự với số giáo dân đông đảo, trong đó có cả “nhiều kẻ ở tỉnh trong như Quảng Nam, Quảng Ngãi và những người địa phận Đàng Ngoài như Nghệ An, Quảng Bình đến mà hiệp vầy cùng địa phận Huế…”(16).
5. ĐẠI HỘI LA VANG 5 (5-8-1913).
Do cha sở Cổ Vưu Jean Marie Eugène Lemasle (cố Lễ) tổ chức.
Đức cha Allys Lý đi xe lửa từ Huế ra chủ trì cuộc kiệu. Cụ Nguyễn Hữu Bài đi theo hầu kiệu.
“Đoàn rước tới nhà thờ La Vang lúc 8 giờ 30, hơi bị trở ngại do cơn mưa lớn kéo dài. Giáo dân chen cứng trong rạp lớn được dựng sẵn trước cửa nhà thờ. Chỉ một phần ba số người vào được bên trong. Số còn lại đứng ngoài trời hứng trọn cơn mưa tầm tã. Dù vậy mọi người vẫn vui vẻ lắng nghe bài giảng của cha Alexandre Paul Marie Chabanon (cố Giáo) và chăm chú tham dự lễ hát do cha Barthélemy (cố Mỹ) cử hành… 55 linh mục thừa sai và linh mục bản quốc hiện diện chầu lễ”(17).
Còn số giáo dân tham dự là bao nhiêu?
“Bổn đạo sắp đội ngũ mà đi thì số gần tới 9.000, còn những kẻ đi lẻ không nhập vào đội ngũ thì số đông hơn, cho nên cả thảy ước gần 20.000. Tới nhà thờ bổn đạo chen vào chật cứng như nêm, đến nỗi cha sở phải bảo người ta ra bớt kẻo hiểm nghèo”(18).
Từ Đại hội La Vang lần thứ nhất (1900) đến Đại hội lần thứ năm (1913) chỉ tổ chức trong vòng một ngày. Đúng hơn là một “buổi mai mà thôi, là buổi mai vừa tảng sáng thì các họ cứ theo yết sắp đội ngũ kiệu ảnh Đức Mẹ từ nhà thờ Cổ Vưu lên nhà thờ La Vang, rồi thì nghe giảng, xem lễ hát, chầu phép lành Mình Thánh Chúa… Ấy là hoàn tất cuộc kiệu”(19).
6. ĐẠI HỘI LA VANG 6 (20-8– 22-8-1917).
Đại hội La Vang 6 được tổ chức trễ một năm. “Lẽ đáng năm ngoái đúng lệ ba năm kiệu ảnh trọng thể, song vì địa phận đòi cơn túng ngặt, bão táp hủy hoại đôi phen. Lại nhơn dân bất an đoàn thể, gia dĩ đói khát cực bần, nên để đến năm nay”(20).
Trong Báo cáo năm 1917, Đức cha Allys Lý cho biết cụ thể hơn: “Theo định lệ, lẽ đáng năm ngoái đã diễn ra cuộc Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang, nhưng vì tin chắc năm 1916 chiến tranh châu Âu sẽ kết thúc, nước Pháp sẽ thắng trận, chúng con đã hoãn cuộc Hành hương cố ý sẽ tổ chức một cuộc biểu dương vĩ đại, một lễ tạ ơn long trọng vì chiến thắng đã giành được và vì nền hòa bình đã được vãn hồi trên toàn thế giới. Hy vọng không thành, cũng không thể trì hoãn thêm năm nữa… Vì vậy cuộc Hành hương được ấn định vào ngày 22-8”.
Đức cha Allys Lý chủ trì cuộc kiệu, cùng sự hiện diện của 50 linh mục thừa sai và linh mục bản quốc, 220 nữ tu và chủng sinh hai trường An Ninh, Phú Xuân. Phía quan chức có cụ Nguyễn Hữu Bài, các quan Tuần phủ, Án sát và Lãnh binh. Giáo dân tham dự lên đến 20.000(21), nhưng trong Báo cáo năm 1917, Đức cha Allys Lý ghi con số khiêm tốn hơn: “Mười hai đến mười bốn ngàn”.
7. ĐẠI HỘI LA VANG 7 (1-9 – 3-9-1919).
Đại hội La Vang 7 được tổ chức vào năm 1919. Đó là năm đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) vừa kết thúc, hòa bình thế giới được vãn hồi. “Vậy dầu chưa đến lệ ba năm nhưng bề trên đã định ngày mồng ba tháng Septembre là mồng mười tháng bảy nhuần Annam sẽ cất cuộc kiệu Đức Mẹ La Vang cho uy nghi trọng thể hết sức mà tạ ơn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu cùng Đức Mẹ”(22).
Đức cha Allys Lý mặc phẩm phục Giám mục chủ tế thánh lễ hát trọng thể. Cố Phiên (Gabriel Pieters), cố Lịch (Lefèbvre) phụ tế. Cố chính Giáo (Alexandre Chabanon) chầu lễ. Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn giảng lễ. Có tất cả 68 cha Tây Nam, trong đó một cha Tây từ Đàng Ngoài vào, một linh mục Việt Nam từ địa phận Quy Nhơn ra. Cụ Nguyễn Hữu Bài cùng quan Tuần, quan Án các tỉnh và gần 20.000 giáo dân Bắc Trung Nam tham dự.
8. ĐẠI HỘI LA VANG 8 (20-8 – 22-8-1923).
“Rạng ngày 22, vừa tảng sáng, bổn đạo các họ sắp đội ngũ kiệu Đức Mẹ từ nhà thờ Cổ Vưu lên La Vang… Khi bàn kiệu tới nơi nhà thờ tạm, vừa quá tám giờ thì khởi sự làm lễ hát. Cha Chabanon hát lễ, rồi kế Đức cha làm phép lành”(23), “kỳ kiệu này quá lẽ là đông, phỏng chừng non hai vạn”(24).
Trong Đại hội La Vang 8, lần đầu tiên giáo dân đi hành hương bằng hai loại phương tiện mới: xe đạp và xe hơi. “Giấy xe lửa bán ra cho khách hành hương lên đến 4.000 vé. Số khác, đông gấp ba bốn lần như thế đến La Vang bằng đi bộ, ghe thuyền, xe đạp và cả bằng xe hơi nữa”(25).
9. ĐẠI HỘI LA VANG 9 – KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ MỚI (20-8 – 22-8-1928).
Đại hội La Vang 9, theo định lệ, dự trù tổ chức vào năm 1926, rồi 1927, nhưng “lúc này ở Huế đang có bệnh thiên thời”(26) và “năm nay (1927) La Vang không kiệu ảnh Đức Bà, vì cố ý để sang năm (1928) làm phép nhà thờ mới kiệu luôn thể”(27).
ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG TRONG DỊP KHÁNH THÀNH – ĐẠI HỘI LA VANG 9
(Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr)
Ngày thứ nhất trong Tam nhật, lúc 8 giờ sáng, nghi thức làm phép nhà thờ mới được cử hành long trọng. “Chính Đức Giám mục Đại diện Tông toà Giáo phận Huế đã làm phép Đền thờ mới trước sự hiện diện của Đức cha Gouin, Giám mục Đại diện Tông toà Lào và đông đảo các giáo sĩ, trong đó đáng chú ý là sự có mặt của đại diện các Giáo phận Sài Gòn, Quy Nhơn, Vinh, Nam Vang và Hà Nội…”(28). Ngày thứ hai, sáng có lễ, chiều có phép lành và giảng. Ngày thứ ba rước kiệu từ Cổ Vưu vào La Vang. Đức cha Gouin, Giám mục địa phận Lào theo hầu bàn kiệu và chủ tế lễ hát trọng thể. Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn giảng lễ. Thừa sai Combourieu, linh mục địa phận Lào hát lễ. Khắp Đông Dương đều có đại diện về tham dự. Đại hội La Vang 9 là Đại hội đầu tiên mang tính toàn quốc, với sự hiện diện của hơn 30.000 giáo dân đến từ các giáo phận.
Từ Đại hội La Vang 6 (1917) đến Đại hội La Vang 9 (1928) được tổ chức trong ba ngày gọi là Tam nhật: “Hai ngày trước ngày kiệu, tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang, buổi mai có lễ, buổi chiều có phép lành và sẽ có cha trú lại đó mà giảng và làm phước (giải tội) cho giáo hữu. Còn ngày chính (ngày thứ ba) buổi sớm mai sẽ kiệu ảnh Đức Mẹ từ Cổ Vưu lên La Vang, đoạn làm các việc khác như mọi năm trước”(29).
10. ĐẠI HỘI LA VANG 10 (17-8 – 19-8-1932).
Kể từ Đại hội La Vang 10, Đức cha Alexandre Chabanon Giáo cho bỏ lệ rước kiệu từ Cổ Vưu vào La Vang. Cả ba ngày trong Tam nhật đều tổ chức tại La Vang. Tuy nhiên, trong Đại hội La Vang 10 cũng có tổ chức ngày áp lễ tại Cổ Vưu do cha sở René Morineau Trung chủ tế thánh lễ và đặt Mình Thánh Chúa để giáo dân chầu kính suốt ngày.
Đức cha Chabanon Giáo chủ tế thánh lễ đại trào và có mặt suốt ba ngày Đại hội. Cha GB. Lương Văn Thế chủ sự cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Đức cha và cụ Bài đi hầu kiệu. Cha Phêrô Ngô Đình Thục giảng về vai trò Đức Maria trong Hội Thánh. Khoảng 30.000 người tham dự, trong đó có 180 đoàn viên Thanh niên Công giáo mặc đồng phục đi xe đạp từ Huế ra.
“Tôn sùng Thánh Thể là nét canh tân rất tốt đẹp mà Đức cha Chabanon đã đem lại cho Đại hội La Vang. Rất hợp lý, bởi vì Đức Maria luôn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu (Ad Jesum Per Mariam)”(30) : Rước kiệu Thánh Thể vào ngày thứ hai trong Tam nhật.
11. ĐẠI HỘI LA VANG 11 (20-8 – 22-8-1935).
Đức cha Chabanon chủ sự cuộc kiệu Mình Thánh Chúa. Cha Giuse Trần Văn Trang giảng về sự tôn kính Phép Thánh Thể. Cha Phêrô Ngô Đình Thục chủ sự kiệu ảnh Đức Mẹ. Cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh giảng về sự kính mến Đức Mẹ. Đức cha Chabanon Giáo chủ tế lễ hát Pontificale và tiếp làm phép lành Mình Thánh Chúa. Gần 70 linh mục Tây, Nam về dự. Số giáo hữu tham dự không thua gì Đại hội trước.
12. ĐẠI HỘI LA VANG 12 (17-8 – 19-8-1938).
Đức cha François Lemasle Lễ chủ sự Đại hội. Đức Khâm sứ Drapier chủ lễ rước kiệu Mình Thánh Chúa ngày 18-8, và chủ tế thánh lễ trọng thể bế mạc ngày 19-8. Cha Tađêô Nguyễn Văn Tin giảng về “Ý nghĩa việc Đức Mẹ chọn La Vang mà hiện đến…”. Tháp tùng Đức Khâm sứ AntoninDrapier, có 3 cha thư ký Tòa Khâm mạng: Trémeau, Crass và Michel Ngữ.
Khoảng 50.000 giáo dân(31) hiện diện, trong đó đặc biệt có đoàn 200 hành lữ lương giáo từ miền Nam ra. Đội, nhóm giáo lữ đến từ miền Bắc, từ Địa phận Kontum và từ Địa phận Lào. Ngoài ra, cũng kể đến đoàn 300 giáo hữu từ Huế đi bộ ra, đội nhạc Tây Phủ Cam và đoàn 400 Nghĩa binh Thánh Thể Địa phận Huế.
Cũng trong kỳ Đại hội La Vang 12 này, Đức cha Lemasle Lễ ban phép phổ biến bài hát đầu tiên về Đức Mẹ La Vang: Bài Đức Mẹ La Vang của linh mục J.M.T (Joseph Marie Nguyễn Văn Thích).
Từ 1938 đến 1955, tình hình chiến sự không cho phép mở Đại hội La Vang. Lịch sử Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang bị gián đoạn suốt 17 năm. Dù vậy, trong thời gian này các cuộc hành hương thường niên, quanh năm vẫn được tổ chức, các cuộc hành hương riêng lẻ vẫn thường diễn ra. Đáng ghi nhớ là cuộc mạo hiểm đưa thánh tượng Đức Mẹ La Vang về Thạch Hãn để tổ chức Tam nhật Đại hội kính Đức Mẹ La Vang tại Trí Bưu vào năm 1952 (10-9 – 12-9-1952).
13. ĐẠI HỘI LA VANG 13 (17-8 – 19-8-1955).
Đức cha Jean-BaptisteUrrutia Thi, Giám mục Địa phận Huế chủ trì ba ngày Đại hội. Hai Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ và Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi mới di cư vào cùng hơn 100 linh mục Tây, Nam khắp ba miền đến tham dự. Vì chiến tranh vừa kết thúc, đất nước chia cắt, di cư chưa ổn định nên giáo dân về dự không đông, chỉ khoảng 20.000 người.
Linh đài Bát Giác được xây dựng và hoàn thành trong dịp Đại hội La Vang 13.
14. ĐẠI HỘI LA VANG 14 (17-8 – 22-8-1958).
Diễn ra trong 6 ngày: 2 ngày vọng lễ + 4 ngày chính lễ.
Trong ngày khai mạc có cuộc nghinh đón thánh tượng Đức Mẹ Lộ Đức đã được ĐGH Piô XII làm phép ngày 17-6-1958. Được Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc gia Ý gởi tặng Hiệp hội Thánh Mẫu Việt Nam nhân dịp Năm Thánh Mẫu Lộ Đức.
Đức cha JB. Urrutia Thi chủ trì Đại hội. Đặc biệt có sự tham dự của Đức Khâm sứ Giuseppe Capriô. Đức cha U Win, Giám mục tiên khởi Miến Điện, cùng bốn linh mục tháp tùng Toupha, Su, Wong và D’Erie ở lại tham dự suốt ba ngày chính lễ. Giáo dân khoảng 50.000 người.
15. ĐẠI HỘI LA VANG 15 – XỨC DẦU ĐỀN THỜ – ĐÓN NHẬN TƯỚC HIỆU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG (17-8 – 22-8-1961).
Đại hội La Vang 15 diễn ra trong 6 ngày, 3 ngày vọng lễ và 3 ngày chính lễ. Đức TGM Huế Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục chủ trì Đại hội. Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chủ lễ rước kiệu Đức Mẹ.
Đây là lần Đại hội có quy mô và vĩ đại nhất từ trước tới nay, với nội dung phong phú và khối lượng công việc khổng lồ. Chính trong lần Đại hội này, Đức cha P.M. Ngô Đình Thục, TGM Huế, thay mặt Hội đồng Giám mục Miền Nam đã long trọng tuyên bố:
“Kể từ nay, Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc”.
Đại hội La Vang 15 có sự hiện diện của 3 vị Tổng Giám mục(32), 10 vị Giám mục, 300 linh mục, 1000 tu sĩ nam nữ và khoảng 300.000 người lương giáo đến từ các giáo phận Huế, Kontum, Nha Trang, Long xuyên, Vĩnh Long, Sài Gòn, Quy Nhơn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Đà Lạt, Nam Vang và Ai Lao…
Đặc biệt có hai phái đoàn cao cấp của Chính phủ VNCH, một do Tổng thống Ngô Đình Diệm, ngày 16-8-1961; một do PhóTổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, ngày 21-8-1961 dẫn đầu, và tướng Hungari Perakiraly đến tham dự Đại hội.
ĐẠI HỘI LA VANG 15 (1961)
(Ảnh: Ns.Đức Mẹ La Vang. Số 33, th.5-1964)
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
(1) Tài liệu gốc nguyên bản tiếng Pháp trong Phòng Lưu trữ của Hội Thừa sai Paris (Archives des MEP) do Lê Thiện Sĩ sưu tầm, 2004.
(2) Trích Báo cáo năm 1900, tr. 3/3 (các trang, theo nhà sưu tầm tài liệu Lê Thiện Sĩ, được đánh số theo từng báo cáo, không theo số trang toàn tập).
(3) Viết theo bài Lương y Phanxicô Xaviê Lê Thiện Thìn (1805-1878), Trùm hạt Quảng Trị. Tài liệu gia phả Lê Thiện Tộc, trong tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ.
(4) Cha sở Cổ Vưu 1867-1874.
(5) Còn gọi là Huấn Tiên hay Huấn Lão, cha sở Cổ Vưu 1880-1882.
(6) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.50-51.
(7) Cha Bonin (cố Ninh), thay cha Patinier (cố Kinh), làm cha sở Cổ Vưu, 1895-1904.
(8) Trích Báo cáo năm 1900, tr. 2/3.
(9) Trích Báo cáo năm 1900, tr. 2/3 + 3/3.
(10) Trích Báo cáo năm 1894, tr.3/6 + 4/6.
(11) Vãn La Vang, từ câu 237 đến câu 242.
(12) Vãn La Vang, từ câu 249 đến câu 260.
(13) Vãn La Vang, từ câu 281 đến câu 286.
(14) Trích Báo cáo năm 1900, tr.3/3.
(15) Trích Báo cáo năm 1910, tr.2/9 (Đức cha Allys Lý trích bài viết của một giáo dân hành hương La Vang đăng trong Mémorial de la Misson de Quy Nhơn).
(16) Joseph Huế (Lm. Giuse Trần Văn Trang): Trích bài Kiệu Ảnh Đức Mẹ nhà thờ La Văng. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 93, ngày 29-9-1910, tr.555.
(17) Trích Báo cáo năm 1913, tr.6/7.
(18) Ngô Đồng Hành (Lm. Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn):Bài Kiệu Đức Chúa Bà tại La Văng. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 248, ngày 9-10-1913, tr.733.
(19) Trích Thông báo số 1: Kiệu trọng thể tại La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 442, ngày 26-7-1917, tr.458.
(20) Trích Thông báo số 2: Ngợi khen Đức Mẹ La Vang cùng báo tin Kiệu Ảnh. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 444, ngày 9-8-1917, tr.489.
(21) Số liệu từ thư của cha Henri Denis (cố Thuận) – Tổ phụ chi dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, trong sách Hạnh tích cha Benoit, tr.85.
(22) Trích Thông báo Kiệu trọng thể tại La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 547, ngày 14-8-1919, tr.504.
(23) Lm. Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn: Bài Tường thuật Đại hội La Vang 8 (1923). Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 755, ngày 6-9-1923, tr.555-556.
(24) Trích Báo cáo năm 1923, tr.1/6.
(25) Xem chú thích (24).
(26) Morineau (cố Trung): Thông báo việc đình hoãn Đại hội La Vang 9 vào năm 1926. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 905, ngày 12-8-1926, tr.481.
(27) Morineau (cố Trung): Thông báo việc đình hoãn Đại hội La Vang 9 vào năm 1927. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 956, ngày 11-8-1927, tr.488.
(28) Trích Báo cáo năm 1928, tr.3/3.
(29) Quảng Trị: Thông báo số 1: Kiệu trọng thể tại La Vang. Tb.Nam Kỳ địa phận. Số 442, ngày 26-7-1917, tr.458-459.
(30) JB. Roux (cố Ngôn): Bài Le Grand Pèlerinage de Notre Dame de La Vang. Bulletin de la Société des Missions Etrangères de Paris, 1932. No 131. Nov, 1932, p.832-841.
(31) Số liệu từ bài Tam nhật Đại Hội La Vang 12 của Phêrô Nghĩa (Lm. Philipphê Lê Thiện Bá). Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 1520 + 1521, th.9-1938.
(32) TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình và TGM Urrutia Thi.
=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 3 – Phần 1