Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 4 – Phần 2

19/02/2023

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

 

CHƯƠNG BỐN

 KIẾN THIẾT TRUNG TÂMTHÁNH MẪU LA VANG

I. THỜI KỲ SƠ KHAI (1798-1894).

II. THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1894-1960).

III. THỜI KỲ KIẾN THIẾT (1961-1972).

Trong phiên họp ngày 13-4-1961, Hội đồng Giám mục Miền Nam đã đồng thanh quyết định La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc và chọn Đền thánh La Vang làm Đền thờ khấng dâng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Đồng thời chấp thuận một chương trình kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

1. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG.

Để thi hành lời khấn hứa, Đền thánh La Vang được đặt bốn bàn thờ cẩm thạch lấy từ núi Ngũ Hành Sơn. Một bàn thờ chính dâng kính Đức Mẹ và ba bàn thờ phụ dâng kính các thánh Tử Đạo ba miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời được chỉnh trang để chuẩn bị đón nhận tước hiệu Vương Cung Thánh Đường.

Sáng 22-8-1961, ngày xức dầu Đền thánh, cũng là ngày cuối cùng trong 6 ngày Đại hội La Vang 15, trước hàng giáo sĩ và 300.000 giáo dân, Đức ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm mạng, đại diện Tòa Thánh tuyên đọc nguyên văn bằng La ngữ sắc chỉ Magno Nos Solatiocủa Đức Thánh cha Gioan XXIII nâng đền thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường. Linh mục Simon Nguyễn Văn Lập phụng dịch Việt ngữ và đọc lại toàn bộ bản văn từ đầu đến cuối. Tiếp đó, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục tuyên bố: “Kể từ nay Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc”.

Vương Cung Thánh Đường La Vang tồn tại được 44 năm (1928-1972), bị bom đạn phá hủy hoàn toàn trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nay chỉ còn di tích tháp chuông.

2. LINH ĐÀI BA CÂY ĐA NHÂN TẠO.

Dựa theo lời truyền tụng “Đức Mẹ hiện ra trên đám cỏ, dưới gốc cây đa”, Ban Kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, đứng đầu là Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục đã chấp thuận đồ án tổng thể của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và mô hình “Ba cây đa nhân tạo” của điêu khắc sư Nguyễn Văn Thế.

Đó là công trình mới lạ, tân kỳ, tái tạo quang cảnh nơi Đức Mẹ hiện ra với ba cây đa bằng bê tông cốt thép cao từ 16,50 đến 21,00 mét, vươn mình trên một đồi đá hình đa giác, với những bậc thềm to nhỏ, rộng hẹp, cao thấp khác nhau.

Chính giữa là bàn thờ bằng đá cẩm thạch Ngũ Hành Sơn. Thánh tượng Đức Mẹ La Vang, mẫu tượng Đức Mẹ Ban Ơn, Huế quen gọi “Đức Bà Xuống Ơn”, ngự trên cao, chính diện, trên một khối đá cẩm thạch vuông vắn khác. Đây là bức thánh tượng thứ ba, mẫu thứ hai, được tôn kính tại Linh đài, mẫu tượng mới hoàn toàn khác với hai mẫu tượng cũ Đức Bà Chiến Thắng do Đức cha Caspar Lộc và cha sở Giuse Tường cung thỉnh.

Năm 1970, cha quản nhiệm GB. Nguyễn Văn Đông thay thế bằng bức tượng khác cùng mẫu tượng Đức Bà Ban Ơn nhưng kích thước lớn hơn. Trong biến cố Mùa hè đỏ lửa 1972, bức thánh tượng này bị bắn bể đầu. Năm 1973, cha Tôma Lê Văn Cầu hạ xuống, tu sửa lại, đặt phía sau Vương Cung Thánh Đường cũ.

Linh đài ba cây đa nhân tạo được khởi công ngày 20-6-1963, vừa xong phần bê tông cốt thép, chưa có phần trang trí mỹ thuật bên ngoài thì bị đình đốn do cuộc chính biến ngày 1-11-1963 xảy ra.

44 năm (1963-2007) trôi qua, Linh đài vẫn tồn tại nguyên trạng ban đầu. Mãi cho đến năm 2007, thời cha quản nhiệm Giacôbê Lê Sĩ Hiền, mới được trùng tu.

LINH ĐÀI BA CÂY ĐA NHÂN TẠO VỚI THÁNH TƯỢNG ĐỨC BÀ XUỐNG ƠN

(Ảnh: Phòng Lưu trữ MEP: https://archives.mepasie/fr)

3. QUẢNG TRƯỜNG MÂN CÔI.

Là khuôn viên trước đền thờ, đã hoàn thành với khuôn viên rộng lớn trồng cây xanh. Diện tích = 30×480 mét, rải đá, tráng nhựa. Hai bên là quần thể 15 pho tượng bằng đá cẩm thạch được chạm khắc công phu theo trường phái nghệ thuật trừu tượng diễn tả Mười lăm Mầu nhiệm Mân Côi.

Tác giả Ngô Thế Vinh, qua bài “Lê Ngọc Huệ và quần thể tượng Mầu Nhiệm Mân Côi tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang”:  https://www.voatiengviet.com/a/le-ngoc-hue-nha-tho-duc-me-la-vang/4757727.html đã cho biết rõ ràng hơn:

“Từ Huế ra đến Quảng Trị mấy ngày đầu năm 2019, tôi có ước muốn trở lại thăm nhà thờ Đức Mẹ La Vang huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nơi đã từng có một quần thể tượng nghệ thuật tôn giáo của giáo sư điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ cùng các môn sinh trong đó có Mai Chửng, với chủ đề Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi.

Đây là một công trình tập thể của nhóm thầy trò trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế do giáo sư Lê Ngọc Huệ, lúc đó còn rất trẻ – sinh năm 1936 – tốt nghiệp điêu khắc trường Mỹ thuật Montpellier, Pháp, mới từ Paris về. Ông cùng mấy sinh viên khoa Điêu khắc, tuy ít nhưng tài ba, và sau này họ trở thành những tên tuổi như Mai Chửng, Lê Tài Điển, Trần Văn Danh… Thầy trò cùng chung sức thực hiện trong khoảng thời gian hơn 2 năm, từ 1961 tới 1963 thì gần như hoàn tất”.

TƯỢNG THIÊN THẦN TRUYỀN TIN – MỘT TRONG MƯỜI LĂM MẦU NHIỆM MÂN CÔI

(Tác giả: Lê Ngọc Huệ. Ảnh: Ngô Thế Vinh)

4. HAI HỒ TỊNH TÂM.

Đó là hai khoảng ruộng trước đền thờ rộng 6 ha, đã đào xong với 30.000 ngày công do giáo dân trong các giáo xứ thuộc Giáo phận Huế tự nguyện. Theo thiết kế, hồ được tạo hình theo kiểu hồ Tịnh Tâm, Thành Nội – Huế. Giữa mỗi hồ có một cù lao nhỏ, bên hồ kia xây Đài Kỷ niệm các Đấng Bổn mạng Xứ Truyền giáo.

5. NHÀ TĨNH TÂM.

Khởi công ngày 24-4-1962. Hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 10-1963. Đó là ngôi nhà lầu bê tông tường gạch một tầng, hình chữ U, ngang 10 mét, rộng 36 mét, cộng với hai cánh, mỗi cánh 12 mét. Được thiết kế gồm nhiều phòng ngủ, hội trường, phòng đọc sách, phòng trang trí, nhà xe, nhà bếp, và nhà ăn 500 khẩu phần một lúc.

NHÀ TĨNH TÂM

(Ảnh: Linh địa La Vang)

6. NHÀ HÀNH HƯƠNG HAY NHÀ ĐẠI CHÚNG.

Đối diện Nhà Tĩnh Tâm, gần như cùng kích thước và kiểu dáng như Nhà Tĩnh Tâm. Được dùng làm nơi lưu trú cho khách hành hương nên quen gọi là Nhà Đại Chúng.

NHÀ HÀNH HƯƠNG

(Ảnh: Đức Mẹ La Vang 200 năm)

7. QUẢNG TRƯỜNG THÁNH TÂM.

Đã hoàn thành với tượng đài Kitô Vua đứng trên quả địa cầu hình bán nguyệt. Một bàn thờ bằng đá cẩm thạch lộ thiên dưới chân tượng. Một hồ nước trong xanh phía trước và một hoa viên tươi tốt bao quanh.

8. HỒ GIÊNÊZARÉT.

Hồ nước không rộng lắm, với hai cầu vồng bắc qua hồ, mỗi cầu rộng 6 mét dài 30 mét, nối liền lộ trình Đền thánh – đồi Calvariô – Đền thánh. Đây là lộ trình chính dành cho các cuộc kiệu lớn.

9. NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁC.

Ngoài ra, một hệ thống đường sá, điện nước, mương cống, nhà vệ sinh… cũng đã và đang gấp rút được hoàn thành.

Riêng chỉ với những công trình kiến thiết trên đây thôi cũng đã khiến La Vang “phảng phất như một lâu đài thiên quốc…, một kinh thành ánh sáng…, một mảnh thiên đàng rớt xuống miền rừng núi hoang vu” (13).

Thật đáng tiếc, những công trình kiến thiết La Vang và những công trình dự kiến (nới rộng đền thờ, xây cổng tam quan, dựng diễn đài, lễ đài kiểu đàn tế Nam Giao, đồi Calvariô, Mười bốn Chặng đàng Thánh Giá, lập dòng Chầu Thánh Thể, dòng Thừa sai và một hệ thống kiều lộ, điện khí, dẫn thủy…) phải đình đốn do cuộc chính biến ngày 1-11-1963 lật đổ và hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm, bào đệ của Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục. Bấy giờ Đức Tổng đang dự Công đồng Vaticanô II ở Rôma không thể trở về và mãi mãi không thể trở về Việt Nam nữa.

Những năm tiếp theo, cho đến ngày chiến tranh tàn phá quê Mẹ, hoàn cảnh không cho phép tiếp tục công cuộc kiến thiết Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, ngoại trừ vài công trình nhỏ như Nền Lục Giác được cha sở GB. Nguyễn Văn Đông cho xây dựng ngay trước Vương Cung Thánh Đường, tạm thời làm Lễ đài phục vụ Đại hội La Vang 17 (1970).

Chắc hẳn ý Mẹ muốn con cái Mẹ phải hòa mình vào cuộc hành trình đau thương của dân tộc mà điểm mốc là cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, toàn bộ công trình kiến thiết tại La Vang, ngoại trừ Linh đài Ba cây đa nhân tạo, đã bị phá hủy hoàn toàn.

“Chiến cuộc năm 1972 đã gây nên tổn thất vô cùng nặng nề cho Linh địa La Vang. Theo ghi nhận của những nhân chứng tại chỗ, toàn bộ khu vực La Vang đổ nát, đền thờ tróc hết mái và đổ sập thành một đống cao. Các dãy nhà khác trong Linh địa như Nhà Tĩnh Tâm, Nhà Đại Chúng, nhà cha sở, nhà dệt, nhà điện, tu viện MTG đều sập nát tan tành. Thánh đường chỉ còn lại một bức tường găm đầy vết đạn và bùn đất. Cây cối tàn rụi, chỉ còn vài thân cây đứng vững nhưng xác xơ và sầnsùi dấu vết đạn bom. Quảng trường Mân Côi bị bom đạn cày xới lỗ chỗ. Nhiều bức tượng trong quần thể Mười lăm Mầu nhiệm bị tan nát hoặc bị sứt mẻ trầm trọng. Hầm hố chằng chịt, xác chết ngổn ngang, ruồi nhặng đầy tràn, mùi tử khí tỏa ra khắp Linh địa La Vang. Chỉ còn ba cây đa nhân tạo nơi đài Đức Mẹ là vẫn đứng vững, nguyên vẹn. Dấu tích hoang tàn kéo dài đến năm 1975” (14).

Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền than thở: “Công trình bao năm gầy dựng hầu như mất cả rồi!” (15).

VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT

(Ảnh1+2: Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang)

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(13) Khổng Trung Lưu:  Thư La Vang, 1963. Ns. Đức Mẹ La Vang. Bộ II. Số 12, tháng 8-1963, tr.53.

(14) Trích bút ký của linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang.

(15) Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền: Lời ngỏ cùng địa phận trong thời chiến.Sacerdos Linh mục Nguyệt san. Số 127, tháng 7-1972, tr.428.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 4 – Phần 2