Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 4 – Phần 3

12/03/2023

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

 

CHƯƠNG BỐN

 KIẾN THIẾT TRUNG TÂMTHÁNH MẪU LA VANG

I. THỜI KỲ SƠ KHAI (1798-1894).

II. THỜI KỲ PHÁT TRIỂN (1894-1960).

III. THỜI KỲ KIẾN THIẾT (1961-1972).

IV. THỜI KỲ TÁI THIẾT- TỪ 1975 ĐẾN NAY.

A. TÁI THIẾT LA VANG THỜI KHÓ KHĂN VÀ TẾ NHỊ (1975-1995)(16).

1. NHÀ THỜ TẠM BẰNG TÔN.

Tháng 5-1975, cha sở Trí Bưu Tôma Lê Văn Cầu cho dời ngôi nhà  thờ tôn mà hai năm trước đó ngài đã tái lập tại La Vang Thượng về dựng lại trước Vương Cung Thánh Đường sập nát.

2. NHÀ NGUYỆN, NHÀ CHA SỞ.

Cuối năm 1975, bộ đội rút hết khỏi vườn Đức Mẹ, cha sở Diên Sanh, vừa được cử kiêm nhiệm quản nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang E. Nguyễn Vinh Gioang cho sửa lại ngôi nhà lầu (nhà cha sở cũ) đã sập nát, dùng tầng trệt làm nhà nguyện.

Sau đó mỗi năm làm một ít: phòng cha sở, phòng khách, phòng lưu niệm, phòng nhân viên, rạp che mưa nắng, nhà bếp, nhà vệ sinh…

3. HÀNG RÀO SẮT BAO QUANH ĐÀI ĐỨC MẸ.

Trong hoàn cảnh an ninh còn phức tạp, Linh đài Đức Mẹ dễ bị xâm phạm. Có kẻ tiểu tâm dọa phá tượng Đức Mẹ nên cha sở cùng giáo dân phải tìm đủ mọi biện pháp canh phòng, thường là thay phiên ngủ tại đài. Để công việc bảo vệ Linh đài có hiệu quả và lâu bền, cha sở cho làm hàng rào sắt bao quanh.

4. HÀNG RÀO QUẢNG TRƯỜNG MÂN CÔI.

Quảng trường Mân Côi bị bom đạn cày nát, loang lở như một bãi đất hoang. Đã thế xe cộ ra vào như nơi công cộng khiến quảng trường càng nham nhở lầy lội hơn, buộc lòng cha sở và giáo dân phải họp nhau rào lại bằng cách hàn những cột điện sắt với nhau để tạm thời ngăn chặn sự phá hoại, bảo vệ quảng trường được chừng nào hay chừng nấy.

5. TRÁNG XI MĂNG SÂN, ĐƯỜNG, SỬA CHỮA GIẾNG ĐỨC MẸ.

Đúc xi măng khoảng sân đất gồ ghề trước đài Đức Mẹ, tráng xi măng nhiều con đường trong vườn Mẹ và sửa chữa lại giếng Đức Mẹ đã bị hư hỏng theo thời gian.

Những công việc trên tuy không lớn lao, nhưng thời buổi khó khăn, tài chánh eo hẹp nên phải làm lần hồi trong nhiều năm.

6. CHỈNH TRANG KHUÔN VIÊN VƯỜN ĐỨC MẸ.

Chỉ riêng công tác vệ sinh, dọn dẹp những đống đổ nát do chiến tranh để lại đã là một gánh nặng. Giáo dân ít, kinh phí không có, bom mìn đe dọa nên mọi việc đều công phu và thận trọng.

Vì vậy, chỉnh trang vườn Đức Mẹ là một công việc lâu dài. Linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang cho biết đã khởi sự từ năm 1975 và phải mất gần 20 năm mới xong. Công trình được thực hiện từng tấc, từng thước. Khi thì làm vào buổi sáng sớm, khi thì làm vào buổi chiều tối. Khi làm được một chút rồi nghỉ, khi phải gián đoạn nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm mới tiếp tục lại được.

Đứng ngoài nhìn, đập vào mắt là một khuôn viên không đẹp, không cân đối, lồi lõm, gồ ghề… Nói chung là chẳng xứng đáng gì như lời nhận xét của một số kiến trúc sư đến từ TP.HCM. Nhưng họ sẽ nghĩ khác nếu biết rằng khuôn viên vườn Đức Mẹ là công trình tim óc và là chứng từ của một thế hệ linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân Dinh Cát: La Vang, Phước Môn, Diên Sanh, Trí Bưu, Thạch Hãn… đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt trong hoàn cảnh đặc biệt đầy “khó khăn và tế nhị”.

B. TÁI THIẾT LA VANG TỪ 1995 ĐẾN 2006 (THỜI LINH MỤC QUẢN NHIỆM GIUSE DƯƠNG ĐỨC TOẠI).

Năm 1995, Linh mục Giuse Dương Đức Toại được bổ nhiệm quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang. Đó cũng là thời gian đất nước gặt hái được nhiều thắng lợi từ chính sách đổi mới, đẩy lùi chế độ bao cấp đã lỗi thời, theo đó việc sửa chữa, tái thiết cơ sở vật chất tôn giáo, cụ thể là việc tái thiết Thánh địa La Vang, không còn là chuyện khó dễ. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, bộ mặt La Vang đã ngày một khởi sắc.

1. NHÀ NGUYỆN ĐỨC MẸ.

Đó là ngôi nhà nguyện bằng tôn, hơi thấp và nóng, được dựng ngay trên nền cũ Vương Cung Thánh Đường, sau Tháp cổ. Dù vậy, nhà nguyện vẫn là nơi thu hút khách hành hương, bởi lẽ đây là nơi che mưa nắng duy nhất được sử dụng trong các cuộc lễ, cũng là nơi duy nhất có đặt Mình Thánh Chúa, đặc biệt, tại nhà nguyện này có đặt bàn thờ Đức Mẹ với pho tượng THÁNH MẪU LA VANG kiểu mới.

TƯỢNG THÁNH MẪU LA VANG.

Nhân dịp Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, trong cuộc họp ngày 24-2-1998 tại Hà Nội, Ban Thường vụ HĐGMVN đã quyết định chọn pho tượng THÁNH MẪU LA VANG của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Văn Nhân, thực hiện tại Hoa Kỳ, làm mẫu tượng chính thức thay mẫu tượng cũ Đức Mẹ La Vang Nữ Vương Chiến Thắng.

Pho tượng THÁNH MẪU LA VANG đã được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II làm phép ngày 1-7-1998 tại Rôma, trước khi được gởi sang Việt Nam.

Ý nghĩa pho tượng mới được giải thích như sau:

“Đức Mẹ từ ái vận trang phục hoàng hậu, áo trong trắng ngà, áo ngoài xanh thiên thanh viền vàng, tương ứng với đôi hài màu vàng nhạt. Vương miện diễn tả Đức Maria vừa là Người Mẹ nhân từ vừa là Nữ Vương uy linh. Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay, đầu Mẹ hơi ngả về phía  Con, người Con hơi  nghiêng về  phía Mẹ, diễn  tả hai Mẹ Con tâm đầu ý hợp đoái nhìn xuống đoàn con dưới thế. Chúa Giêsu Hài Đồng uy nghi trong bộ áo màu hồng, trước ngực có vòng tròn vàng lồng trong hai chữ ALPHA và OMÊGA (Ta là khởi thủy và là tận cùng). Trong tư thế của Chúa Tình Thương tuyệt hảo, tay trái Chúa chỉ lên Thánh Tâm đầy thương xót của Người. Vì Mẹ La Vang đã nhận lời nên Chúa đưa tay ban phép lành cho con cái Việt Nam và những ai tín thác nơi Người”(17).

TƯỢNG THÁNH MẪU LA VANG

Tác giả: Điêu khắc gia Văn Nhân, 1998.

(Ảnh: Trần Quang Chu, chụp trong nhà nguyện Đức Mẹ, 2002)

Còn bức tượng Thánh Mẫu La Vang cùng kiểu dáng nhưng kích thước lớn hơn được đặt tại Linh đài là do HĐGMVN dâng kính, 1998.

2. QUẢNG TRƯỜNG MÂN CÔI.

Đã được tái thiết hầu như nguyên trạng ban đầu với thành rào bao quanh, sân cỏ, trồng cây, đèn cao áp, lối đi cũng là lộ trình kiệu được lát gạch chạy thẳng từ cổng tam quan đến Lễ đài.

Các pho tượng Mười Lăm Mầu Nhiệm Mân Côi được phục hồi nhưng không làm theo nghệ thuật hiện thực kiểu cũ mà làm theo cách điệu trừu tượng kiểu mới.

MỘT TRONG MƯỜI LĂM MẦU NHIỆM MÂN CÔI TẠI QUẢNG TRƯỜNG MÂN CÔI

(Ảnh: Trần Quang Chu. Đại hội 26 – 2002)

3. LỄ ĐÀI.

LỄ ĐÀI

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2002)

Lễ đài là hình ảnh thu nhỏ đàn Nam Giao ở Huế với nền vuông (dưới) tượng trưng cho đất và nền tròn (trên) tượng trưng cho trời. Từ hai nền đất vuông tròn hòa hợp ấy vươn lên tám chiếc lọng vàng (thấp), xanh (cao) theo hình tứ trụ. Một chiếc độc lập, cao hẳn trấn thủ đỉnh đài, tạo cảm giác đường bệ uy nghi.

Lễ đài vừa là nơi cử hành các thánh lễ đồng tế, vừa dùng làm sân khấu cho những đêm diễn nguyện trong các kỳ Đại lễ, Đại hội.

4. NHÀ TRUYỀN THỐNG.

Một ngôi nhà trệt khang trang kiểu trường học lợp ngói, nhiều phòng. Mỗi phòng đều là nơi chứa các loại sách báo, tượng ảnh, hình ảnh, tranh vẽ, kỷ vật, vật dụng… liên quan đến lịch sử Đức Mẹ La Vang.

Tư liệu trong Nhà Truyền Thống tuy chưa phải là nhiều, chưa thật là quý, nhưng cái đáng quý là ý thức bảo tồn di sản lịch sử bi hùng hơn hai trăm năm Đức Mẹ La Vang của các bậc trách nhiệm.

NHÀ TRUYỀN THỐNG

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

5. QUẢNG TRƯỜNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU.

Lùi về phía sau nhà nguyện một quãng, Quảng trường Thánh Tâm được tái hiện gần như nguyên bản bốn mươi năm về trước, trên vị trí cũ. Khác chăng là bàn thờ dưới chân tượng đài thay vì bằng đá cẩm thạch, nay là tấm bê tông lát gạch men trắng.

QUẢNG TRƯỜNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2001)

6. DI TÍCH THÁP CỔ.

DI TÍCH THÁP CỔ

(Ảnh: Trần Quang Chu, 2002)

Như đã nói, chiến cuộc Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và sau đó cơn bão 1985 đã làm sập đổ hoàn toàn Vương Cung Thánh Đường, chỉ còn lại tháp chuông loang lở. Qua 30 năm mưa nắng, Tháp cổ đã xuống cấp, chỉ một cơn  giông gió, nguy cơ sụp đổ là không tránh khỏi. Vì vậy cha quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại đã cho gia cố, duy tu để bảo tồn một di tích lịch sử tại La Vang.

7. NHÀ TRUNG TÂM.

Được cải tạo từ nhà nguyện thời cha Gioang. Tuy vẫn giữ kết cấu nhà lầu một tầng nhưng chia nhỏ tùy vào công năng sử dụng. Tầng trệt dùng làm văn phòng, phòng tiếp khách. Tầng trên dùng làm phòng lưu trú cho các cha khi đến tĩnh tâm, đồng tế, điều hành chương mục trong các ngày lễ lớn.

8. NHÀ NGUYỆN THÁNH THỂ.

Từ trước đến nay Thánh Thể được đặt trong nhà nguyện Đức Mẹ. Năm 2002, nhà nguyện Thánh Thể được khởi công xây dựng biệt lập, hoàn thành vào tháng 6-2002.

Ngày 14-6-2002, Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể chủ sự nghi thức mở cửa và rước Mình Thánh Chúa từ nhà nguyện Đức Mẹ sang nhà nguyện Thánh Thể.

“Thế là niềm mong ước của chúng con từ bao lâu, hôm nay được thực hiện. Chúng con được ngắm Mình Thánh Chúa hằng ngày, tại Thánh địa La Vang, trong nhà nguyện Thánh Thể này… Tuy đây chỉ là một nhà nguyện đơn hèn, nhưng chúng con tin Chúa chỉ nhìn vào tâm hồn chúng con, Chúa chỉ muốn những tâm hồn biết cầu nguyện, những tâm hồn sống trong sạch, sống thánh thiện…”(18).

9. NHÀ HÀNH HƯƠNG.

Ngày 1-5-2004, Đức TGM Huế đã chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Hành Hương. Nhà Hành Hương với đồ án thiết kế 4150 m2, gồm 50 phòng cá nhân, nhiều phòng tập thể, nhà nguyện, phòng sinh hoạt, nhà ăn…, với kinh phí dự trù khoảng 14 tỷ đồng. Sẽ đưa vào sử dụng vào dịp Đại hội La Vang 27 (2005).

NHÀ HÀNH HƯƠNG

(Ảnh: Internet)

10. NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁC.

Nhà Khách số 1, Nhà Khách số 2, Trạm y tế, Quầy hàng lưu niệm, hệ thống đường sá, điện nước, nhà vệ sinh… và một khung cảnh vườn Mẹ đang ngày một phong quang xanh tốt.

Nhìn chung, công cuộc tái thiết hiện nay là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, với những gì đã làm chỉ là tạm thời đáp ứng nhu cầu hành hương của con cái Mẹ đến từ khắp nơi, trong và ngoài nước. Công việc trước mắt còn quá nhiều và quá nặng nề, cần thiết có sự tiếp sức của nhiều người, nhiều giới, nhiều đoàn thể, tổ chức… như lời cha quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại đã nói: “Còn khá nhiều, mà là những công trình tương đối lớn. Chẳng hạn như khu đồi Can Vê, khu Nhà Đại Chúng, Nhà Tĩnh Tâm… Không thể ngày một ngày hai mà làm hết được. Phải cần có nhiều thời gian và sự tiếp sức của nhiều người…”(19).

C. TÁI THIẾT LA VANG HIỆN NAY (THỜI LINH MỤC QUẢN NHIỆM GIACÔBÊ LÊ SĨ HIỀN).

NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ THỰC HIỆN:

1. ĐỀN BÙ GIẢI TỎA.

Lợi dụng lúc chiến tranh một số hộ dân đã vào làm nhà ở và hàng quán trong khuôn viên Thánh địa, nay cha quản nhiệm phải thương lượngđền bù di dời họ ra ngoài.

2. SAN LẤP MẶT BẰNG.

3. TRÙNG TU LINH ĐÀI ĐỨC MẸ.

Linh đài Đức Mẹ, theo đồ án tổng thể của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và mô hình “Ba cây đa nhân tạo” của điêu khắc sư Nguyễn Văn Thế đã thực hiện xong phần thô bằng bê tông cốt thép, chưa tạo dáng mỹ thuật. nhưng do biến cố ngày 1-11-1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Đức TGM P.M.Ngô Đình Thục ở Rôma không thể trở về Việt Nam nên công trình bị đình đốn, đến nay đã 44 năm (1963-2007). Nay bề trên quyết định cho trùng tu, theo đó ba cây đa nhân tạo được tạo dáng mỹ thuật như cây đa thật. Riêng phần sảnh và khuôn viên Linh đài được nới rộng và lát đá cẩm thạch, thuận tiện cho việc tổ chức các cuộc lễ lớn và thuận tiện cho khách hành hương quy tụ khấn nguyện ngày đêm.

Lúc 8 giờ 30 sáng Chúa nhật lễ Mân Côi, 7-10-2007, tại Linh đài Đức Mẹ La Vang diễn ra thánh lễ, do Đức cha Phụ tá Huế PX. Lê Văn Hồng chủ tế, cầu nguyện cho việc trùng tu Linh đài.

Công trình trùng tu Linh đài kéo dài trong 8 tháng.

Trước ngày hoàn thành, thánh tượng Đức Mẹ La Vang mới được đặt lên thay thánh tượng cũ. Đây là thánh tượng Đức Mẹ La Vang nét Việt Nam thứ ba, từ 1998, được tôn kính tại Linh đài. Kích thước, kiểu dáng và ý nghĩa tương tự thánh tượng cũ nhưng khuôn mặt Đức Mẹ thánh tượng mới vui tươi hơn, hiền hậu hơn.

Ngày 13-6-2008, ngày hoàn thành cũng là ngày phái đoàn Tòa Thánh do Đức ông Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh, dẫn đầu kính viếng Đức Mẹ La Vang, cử hành thánh lễ tại Linh đài và trao tặng hào quang mặt nhật của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI.

LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LA VANG SAU TRÙNG TU

(Ảnh: Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang)

4. TƯỢNG THÁNH MẪU LA VANG MỚI BẰNG ĐÁ BÁN QUÝ(20).

Đây là bức tượng Thánh Mẫu La Vang nét Việt Nam thứ tư tại Linh đài, kể từ Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

Tác giả: điêu khắc gia Võ Tấn Tánh, xuất thân trường Mỹ thuật Huế, theo lời mời của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể.

Tượng cao 4,20 mét, từ đế mây lên đến đỉnh đầu (tượng = 2,9 mét + đế = 1,3 mét), được tạc bằng đá trắng Quỳ Hợp, Nghệ An, ghép thêm đá bán quý (casedol) bên ngoài. Nhóm điêu khắc gia, nghệ nhân 6 người thực hiện ròng rã trong 6 tháng trời.

Phần căn bản vẫn dựa theo mẫu pho tượng cũ, có sáng tạo thêm phần mây phía dưới chân Mẹ, vừa tạo được sự liên kết giữa tượng và mây, vừa tạo được sự hòa sắc của chất liệu đá bán quý thạch anh trắng và thạch anh ám khói. Những đám mây được khắc trên thạch anh trắng, tà áo xanh của Mẹ phải dùng đá bán quý Pakistan, còn khuôn mặt thánh tượng được dùng thạch anh hồng.

Tượng Thánh Mẫu La Vang mới đã được Đức Hồng y Ivan Diaz, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, Đặc sứ của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI, làm phép lúc 15 giờ 30 chiều ngày 5-1-2011 trong nghi lễ đón tiếp và chào mừng phái đoàn Tòa Thánh và các vị thượng khách tại Linh đài, dịp Đại hội La Vang 29 (2011) – Đại lễ Bế mạc Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam.

TƯỢNG THÁNH MẪU LA VANG BẰNG ĐÁ BÁN QUÝ

(Tác giả: Điêu khắc gia Võ Tấn Tánh, 2011)

(Ảnh: Tb.Công giáo và Dân tộc. Số 1971, th.8-2014)

5. TƯỢNG ĐÀI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

TƯỢNG ĐÀI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

(Ảnh: Giáo xứ Bến Ngự – Huế, 2012)

Tượng đài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tọa lạc phía sau Linh đài Đức Mẹ. Tượng đài gồm hai phần: Phần trước, tượng điêu khắc Đức Mẹ ẵm xác Chúa Giêsu trên đồi Can Vê, màu trắng, đặt trên bệ hai tầng: vuông (tượng trưng đất), tròn (tượng trưng trời); phần sau, bức phù điêu màu đồng hoành tráng khắc họa chân dung 117 vị hiển thánh Tử Đạo Việt Nam.

6. NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁC.

Tái lập Mười bốn Chặng đàng Thánh Giá, xây tường rào bao quanh khuôn viên Thánh địa, xây mới 450 buồng vệ sinh khép kín quanh tường…

NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐANG THỰC HIỆN(21).

Sau buổi họp ngày 10-4-2008, lúc 8 giờ 30, diễn ra tại UBND tỉnh Quảng Trị, giữa phái đoàn Tòa Tổng Giám mục Huế và chính quyền tỉnh Quảng Trị, vấn đề đất La Vang đã được giải quyết thỏa đáng, trả lại cho La Vang 21,1780 ha theo yêu cầu của Tòa Tổng Giám mục Huế.

Hội đồng Giám mục Việt Nam giao trọng trách xây dựng và tái thiết Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang cho Tổng Giáo phận Huế và Ủy ban Giám mục về Nghệ thuật thánh.

Ngày 6-1-2011, một đồ án công phu và đồ sộ đã hoàn thành, theo đó công trình gồm 19 thành phần:

1/ Cổng vào và nhà chờ. 2/ Nhà nguyện hòa giải và tòa giải tội. 3/ Nhà trưng bày chứng tích ơn lạ. 4/ Đại lộ Mân Côi (Quảng trường Mân Côi cũ). 5/ Nhà điều hành, Nhà nguyện La Vang. 6/ Linh đài Đức Mẹ. 7/ Giếng nước Đức Mẹ. 8/ Di tích Tháp cổ. 9/ Nhà nguyện chầu Thánh Thể. 10/ Tượng đài Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. 11. Công trường Lòng Thương Xót Chúa. 12/Vương Cung Thánh Đường và Lễ đài. 13/ Trung tâm Hội nghị. 14/ Nhà Tĩnh Tâm. 15/ Mười bốn Chặng đàng Thánh Giá. 16/ Rừng cây tĩnh tâm. 17/Trạm lọc và tái sử dụng nước. 18/ Khu vực kỹ thuật công trình, trạm điện. 19/ Trạm xử lý nước thải.

Theo Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, trong 19 hạng mục công trình có 3 hạng mục đã trùng tu cần được giữ lại làm bảo tồn di tích:

7. BẢO TỒN DI TÍCH.

* Linh đài: “Nơi đây, hơn 200 năm trước, năm 1798, Đức Mẹ đã hiện ra để cứu giúp người dân cùng khổ. Lòng từ ái của Mẹ tồn tại đến muôn đời. Trải qua bao thế hệ, Mẹ vẫn dang rộng cánh tay đón chờ mọi người chạy đến cùng Mẹ trong những cơn gian nan khốn khó”(22).

* Giếng Đức Mẹ: “Từ lòng giếng này đã tuôn chảy ra nguồn nước tươi mát, bao nhiêu năm qua người ta đến kín múc nơi giếng như kín múc nơi lòng Mẹ những ân thiêng để thỏa lòng khát khao. Hình ảnh cái giếng nước gợi nhớ nếp sống cộng đồng của thôn làng Việt. Mọi người cùng đến nơi đây để gặp gỡ, thông tin, chia sẻ và nhất là cùng nhau đón nhận sức sống qua làn nước giếng làng”(23).

* Ngôi Tháp cổ: “Còn giữ lại như một chứng tích của lòng kiên cường. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao tàn phá của thời gian và chiến tranh, lòng tin vẫn bền vững, vẫn vươn lên cho dù còn mang những dấu vết đổ vỡ như chính Chúa Kitô đã phục sinh mà thương tích vẫn in dấu trên mình”(24).

8. XÂY MỚI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG.

Trong thánh lễ Bế mạc Đại hội La Vang 29 vào sáng ngày 6-1-2011, sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Hồng y Đặc sứ Ivan Diaz, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể cùng làm phép viên đá đầu tiên và 27 viên đá tượng trưng cho 26 giáo phận Việt Nam và cộng đoàn Dân Chúa hải ngoại, sẽ dùng vào lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang.

Tháng 4-2012, HĐGMVN trong phiên họp tại Xuân Lộc, quyết định việc khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang vào ngày 15-8-2012.

PHỐI CẢNHVƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG

(Ảnh: Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang)

Sau thánh lễ Bế mạc Hành hương thường niên Đức Mẹ La Vang 15-8-2012, ba vị TGM Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam; Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN và Têphanô Nguyễn Như Thể, TGM Huế cùng gắn viên đá đầu tiên vào bệ. Đại diện các thành phần Dân Chúa xúc cát đổ vào phần móng, tạo nên một hình ảnh hiệp nhất trong Giáo hội.

Mô hình Vương Cung Thánh Đường La Vang, theo Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, GM Quy Nhơn, trưởng ban Nghệ thuật thánh của HĐGMVN: “Ủy ban Nghệ thuật thánh đã tuyển lựa 3 trong số 5 bản phác thảo để trình Hội đồng Giám mục. Một ủy ban gồm 7 Giám mục được đề cử đã nhất trí biểu quyết chọn đồ án thiết kế theo phong cách Á Đông, gần gũi với tâm hồn và cuộc sống người dân Việt”(25).

“Công trình Vương Cung Thánh Đường được xây dựng trên một mặt bằng có diện tích 13.464 m2. Chiều dài công trình 132m theo hướng bắc nam, chiều ngang 102m theo hướng đông tây. Sức chứa 5.000 chỗ (3.500 chỗ tầng trệt và 1500 chỗ tầng lửng). Sức chứa có thể tăng thêm do sử dụng hành lang chung quanh hoặc Lễ đài mặt tiền, để phục vụ những cuộc hành hương đông đảo người tham dự, hoặc những hội nghị quốc tế…

Vương Cung Thánh Đường là điểm nhấn của tổng công trình Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, thể hiện phong cách kiến trúc Việt, mang hồn Việt qua hình dáng những tấm mái ngói thân quen, kiểu dáng ngôi nhà ở, ngôi đình Việt. Những họa tiết diễn tả cụ thểnhững ân huệ của Thiên Chúa trên chính những sản phẩm của quê hương đất nước…”(26).

VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐANG XÂY DỰNG

(Ảnh: Trần Quang Chu. Th.8-2018)

Kinh phí dự trù lên đến 25 triệu USD. Còn nếu tính hoàn thành công trình với 19 hạng mục như đã nói ở trên thì kinh phí có thể lên đến 50 triệu USD. Tương đương 1.150 tỉ đồng.

Tới thời điểm diễn ra Đại hội La Vang 31 (2017), tiến độ công trình xây dựng Vương Cung Thánh Đường đã có thể đạt trên 60%. Hy vọng ngôi nhà Mẹ sẽ sớm hoàn thành trong tương lai gần, thỏa lòng mong ước của con cái Mẹ ở khắp bốn phương trời.

9. NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁC.

Ngoại trừ ba công trình trong cụm bảo tồn di tích đã được trùng tu tương đối hoàn chỉnh, cộng với Vương Cung Thánh Đường đang hoàn chỉnh, những công trình khác trong 19 hạng mục công trình theo Đồ án Thiết kế còn, hoặc dở dang, hoặc chưa khởi công, bởi phải đòi hỏi một nguồn nhân lực vật lực vô cùng lớn lao mới có thể đáp ứng được, mà nguồn kinh phí chỉ có thể trông chờ vào tấm lòng quảng đại của con cái Mẹ từ khắp nơi, trong cũng như ngoài nước.

Chắc hẳn con cái Mẹ từ khắp bốn phương trời còn nhớ lời linh mục quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại đã nói: “Còn khá nhiều, mà là những công trình tương đối lớn. Không thể ngày một ngày hai mà làm hết được. Phải cần có nhiều thời gian và sự tiếp sức của nhiều người…”(27).

Tân linh mục quản nhiệm Micae Phạm Ngọc Hải cũng tỏ ra lo lắng khi viết lời kêu gọi trong Thư ngỏ đề ngày 1-5-2018:

“Con xin chân thành cám ơn quý Đức cha, quý cha và tất cả mọi người đã yêu mến Đức Mẹ La Vang và luôn hiệp lời cầu nguyện cũng như quảng đại dâng cúng tiền của, tài vật để chung tay xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang.

Đền thánh La Vang vẫn đang trong tiến trình xây dựng và rất cần đến sự chung tay chung lòng của tất cả mọi người để có thể sớm ngày hoàn thành. Vậy con kính xin quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý vị ân nhân và anh chị em giáo dân trong nước cũng như ở hải ngoại tiếp tục thêm lời cầu nguyện và quảng đại nâng đỡ cho công trình xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang”(28)

VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG

(Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang)

 – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –  –

(16) Nội dung từ Văn bản bàn giao của cha sở Diên Sanh kiêm La Vang Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang – Dịp lễ nhậm chức quản nhiệm TTTMTQLV của Lm. Giuse Dương Đức Toại, ngày 16-2-1995.

(17) Bút tự giải thích ý nghĩa bức tượng Thánh Mẫu La Vang của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể.

(18) Lời cầu nguyện của Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể trước Thánh Thể, trong nhà nguyện Thánh Thể, ngày 14-6-2002. Nội san Sống Tin Mừng. Số 23, tháng 6-2002, tr.14-15.

(19)Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1421. Tháng 8-2003, tr.15.

(20) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1971. Tháng 8.2014, tr.18.

(21) Hội Thánh Công giáo Việt Nam. Tổng Giáo phận Huế: Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang. La Vang 15-8-2012.

(22)Hội Thánh Công giáo Việt Nam. Tổng giáo phận Huế: Trích nguyên văn trong Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, tr.6.

(23) Xem chú thích (22), cùng trang.

(24) Xem chú thích (22), cùng trang.

(25) Trích Lời giới thiệu của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, trưởng ban Nghệ thuật thánh thuộc HĐGMVN, trong Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức MLa Vang, sđd, tr.5.

(26) Trích diễn giải về Vương Cung Thánh Đường La Vang trong Đồ án Thiết kế Trung tâm Hành hương Đức MLa Vang, sđd, tr.10.

(27) Tb. Công giáo và Dân tộc. Số 1421, tháng 8-2003, tr.15.

(28) Trích Thư ngỏ của linh mục tân quản nhiệmTrung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang Micae Phạm Ngọc Hải.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 4 – Phần 3