TRẦN QUANG CHU
(Biên soạn)
TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG
KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG
LẦN THỨ 27 (2005)
CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)
CHƯƠNG SÁU
NHÂN VẬT VÀ SỰ KIỆN
I. NHỮNG NHÂN VẬT TRỌNG YẾU TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.
II. CÁC BẬC VỊ VỌNG ĐẾN VỚI ĐỨC MẸ LA VANG.
A. CÁC BẬC VỊ VỌNG TRONG GIÁO QUYỀN.
1. CÁC ĐỨC HỒNG Y ĐẶC SỨ:
* Đức Hồng y Gregorio PietroAgagianian, Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.
Năm 1959, Năm Thánh Mẫu Việt Nam, ĐHY Agagianian, Đặc sứ của ĐGH Gioan XXIII đã đến chủ tọa Đại hội Thánh Mẫu Toàn quốc tại Sài Gòn. Sau Đại hội, ĐHY Đặc sứ đi thăm các giáo phận cao nguyên và miền Trung. Điểm cuối cùng và quan trọng nhất là Thánh địa La Vang.
Hôm ấy đồi La Vang xám xịt trong cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Nhưng lạ thay, một biển người chừng mười lăm, hai mươi ngàn, hàng lối chỉnh tề, nao nức đội mưa chào đón ngài. Ngài xuống xe thân mật tiếp xúc với mọi người ngay giữa sân trong cơn mưa tầm tã rồi xúc động nói:
“Các con thân yêu! Cha cầu mong ơn thánh sủng và phúc lành của Chúa đổ xuống trên các con như những giọt nước mưa đang rơi xuống La Vang lúc này” (11).
ĐHY Đặc sứ cử hành thánh lễ dưới bóng từ bi Đức Mẹ La Vang. Sau thánh lễ, ngài đến quỳ cầu nguyện rất lâu trước Linh đài Bát Giác. Tiếp đó, ngài đi vào phòng khánh tiết viết vào sổ lưu niệm những dòng quý báu bằng La ngữ:
“Với lòng ngưỡng mộ của con cái thảo hiếu, con sấp mình dưới chân Mẹ chí thánh của Thiên Chúa trong thánh đường này. Với một đức tin sắt đá, con khẩn khoản nài xin lòng nhân từ Thiên Chúa đổ xuống mọi ơn lành như mưa trên trời rơi xuống đem mọi phúc đức và bình an cho Giáo hội và dân tộc Việt Nam để vinh danh Chúa Kitô Vua, để sáng danh Giáo hội Công giáo, người Mẹ hiền từ, để các linh hồn được ơn cứu rỗi, hầu nên một đoàn chiên dưới quyền chăn dắt của một Chúa chiên”(12).
* Đức Hồng y Roger Etchegaray, đại diện của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Ngày 1-7-1989, Đức Hồng y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý – Hòa bình, đại diện Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có mặt ở Việt Nam, thực hiện chuyến thăm 11/25 giáo phận Việt Nam từ ngày 1-7-1989 đến ngày 13-7-1989(13).
Ngày 8-7-1989, đang ở thăm Giáo phận Huế, ĐHY R. Etchegaray đã ra La Vang kính viếng Đức Mẹ. Ngài vô cùng xúc động khi tận mắt chứng kiến những đổ nát hoang tàn còn đọng lại sau chiến tranh, nhưng ngài cũng không khỏi sững sờ ngạc nhiên cảm phục khi nhìn thấy trong tang thương con cái Việt Nam vẫn một lòng tin yêu sùng kính Đức Mẹ La Vang.
* Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II(14).
Trong Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, ĐGH Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Chủ tịch HĐGMVN, làm Đặc sứ đến chủ tọa Đại lễ.
Lúc 16 giờ 30 chiều thứ bảy ngày 14-8-1998, ngày thứ hai trong Tam nhật Đại lễ, ĐHY Đặc sứ đã có mặt tại La Vang trong cuộc nghinh đón long trọng và tiếng vỗ tay rền vang của cộng đoàn Dân Chúa, do các Đức Giám mục dẫn đầu.
Cũng trong dịp này, ĐHY Đặc sứ thay mặt ĐTC Gioan Phaolô II trao dây Pallium cho Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, người vừa được Tòa Thánh bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế vào ngày 1-3-1998, đồng thời chủ tế thánh lễ Bế mạc – Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, sáng 15-8-1998 và giảng về đề tài “Sống đức tin theo gương Mẹ”.
* Đức Hồng y Ivan Dias, Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI(15).
Nhân dịp Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam – Đại hội La Vang lần thứ 29, ĐGH Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ĐHY Ivan Dias, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, làm Đặc sứ chủ tọa Đại lễ.
Tại Linh đài, lúc 15 giờ 30 chiều ngày 5-1-2011, ĐHY Đặc sứ, phái đoàn Tòa Thánh, cùng phái đoàn Chính phủ và các vị thượng khách được đón tiếp trọng hậu. Tại đây, ĐHY Đặc sứ đã làm phép pho tượng Thánh Mẫu La Vang mới bằng đá bán quý.
Tại Lễ đài, ĐHY Đặc sứ đáp từ gởi lời chào thăm cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam. Cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ngài trong dịp Đại lễ Bế mạc Năm Thánh long trọng này:
“Tôi được vinh dự và hạnh phúc mang đến anh chị em lời chào thăm nồng nhiệt nhất và hiền phụ, cũng như Phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI”.
Ngài nói tiếng Việt:
“Đức Thánh cha chào thăm anh chị em, Đức Thánh cha yêu mến anh chị em, Đức Thánh cha yêu mến nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam”.
7 giờ 30, sáng ngày 6-1-2011, ĐHY Đặc sứ chủ tế thánh lễ đồng tế và giảng lễ bằng tiếng Pháp, Đức ông Phương chuyển ngữ, có đoạn:
“Tôi xin phó thác nước Việt Nam thân yêu này cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ La Vang, và tôi cầu nguyện cùng với anh chị em, cho sự phồn thịnh vật chất và thiêng liêng của dân tộc Việt Nam”.
Sau bài giảng lễ của ĐHY Đặc sứ, nghi thức đón nhận chén thánh do ĐTC Bênêđictô XVI ban được cử hành. Và sau lời nguyện Hiệp lễ, ĐHY Đặc sứ, Đức TGM chủ tịch HĐGMVN, Đức TGM Huế cùng làm phép viên đá đầu tiên và 27 viên đá tượng trưng cho 26 giáo phận Việt Nam và cộng đoàn Dân Chúa hải ngoại, sẽ dùng vào lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang trong nay mai.
2. CÁC ĐỨC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC NƯỚC NGOÀI.
* Đức Hồng y Francis Spellman.
Ngày 7-1-1955, ĐHY Francis Spellman, Tổng Giám mục New York, nhân dịp đến thăm Địa phận Huế đã ra La Vang kính viếng Đức Mẹ. ĐHY chủ tế thánh lễ Tạ ơn tại bàn thờ Đức Mẹ, cầu nguyện cho hòa bình Việt Nam. Ngài phát biểu trong xúc động: “Tôi cầu nguyện và tin tưởng chắc chắn thế nào Đức Mẹ La Vang cũng sẽ thắng và đem lại hòa bình cho Giáo hội Việt Nam”(16).
* Đức Hồng y Norman Thomas Giltroy.
Ngày 19-3-1955, ĐHY tiên khởi Úc châu Norman Thomas Giltroy, Tổng Giám mục Sydney, Australia đáp máy bay đến Sài Gòn, thân hành viếng thăm, ủy lạo đồng bào di cư. Từ Sài Gòn ngài đến các nơi Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng và cuối cùng dừng chân ở GP Huế. Ngài ra kính viếng Đức Mẹ La Vang, nhưng tôn trọng ý kiến của ngài GP Huế không đưa đón rình rang mà chỉ cử đoàn hướng dẫn(17a).
* Đức cha Gouin.
Năm 1928 Đức cha Gouin, Giám mục địa phận Lào đã đến La Vang tham dự Đại hội 9(17b).
* Đức cha Laos Dregt.
Năm 1952, trong tình cảnh an ninh chưa sáng sủa, Đức cha Laos Dregt, Giám mục Địa phận Lào đã đến La Vang kính viếng Đức Mẹ(17c).
* Đức cha Eris O Brien.
Năm 1955, Đức cha Eris O Brien, TGM Canberra, Úc châu đã đến La Vang kính viếng Đức Mẹ, cùng một lượt với ĐHY Giltroy và linh mục Daniels, đại diện ĐHY Yring – Cologne(17d).
* Đức cha U Win.
Năm 1958, Đức cha U Win, Giám mục tiên khởi Miến Điện, cùng bốn linh mục tháp tùng Toupha, Su, Wong và D’Erie, nhân chuyến viếng thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam, đã đến La Vang tham dự Đại hội 14. Các ngài đã có mặt suốt ba ngày Tam nhật(17e).
* Phái đoàn Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ(18).
Ngày 30-8-1999, đáp lời mời của HĐGMVN, phái đoàn Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ gồm Đức Giám mục trưởng đoàn (Đức cha Joseph Antony Fiorenza, Chủ tịch Hội đồng Giám mục và Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ), ba Đức Giám mục thành viên (Đức cha Théodore E. Mc. Carrick, TGM Neward, Chủ tịch UB Chính sách Quốc tế của HĐGMHK + Đức cha John S. Cummins, GM Oakland, thành viên UB GMHK về Di dân + Đức cha John H. Ricard, Chủ tịch HĐ, Giám đốc điều hành CRS), ba giáo dân (ông Kenneth Hackett, Giám đốc điều hành CRS (Cơ quan Viện trợ Công giáo Hoa Kỳ)+ ông Lacy Wright, Phụ tá Giám đốc UB Giám mục về Di dân và Tị nạn + ông Thomas Quigley, Cố vấn chính sách Á châu Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ) và linh mục gốc Việt Lê Quang Hiền, phụ trách tham vấn và thông dịch, đã có mặt tại La Vang nhân chuyến viếng thăm Việt Nam.
Phái đoàn đã đến chầu Đức Mẹ tại Linh đài rồi vào quỳ cầu nguyện rất lâu trong ngôi nhà nguyện bằng tôn thấp nóng.
Sau bữa cơm trưa thân mật, phái đoàn được thưởng thức vũ điệu Cầu Xin Mẹ La Vang do đoàn dân tộc Bru trong y phục truyền thống của mình biểu diễn.
Phát biểu cảm nghĩ, Đức cha trưởng phái đoàn Giám mục Hoa Kỳ nói: “Giáo dân Việt Nam thật sự hạnh phúc hơn giáo dân Hoa Kỳ vì vinh dự có Đức Mẹ La Vang. Giáo hội Hoa Kỳ tuy rộng lớn nhưng không có nơi nào có dấu chân Mẹ. Vậy ước gì Giáo hội Hoa Kỳ được là đứa con nuôi của Đức Mẹ La Vang”.
Đáp lễ cuộc viếng thăm này, ngày 10-11-2003, phái đoàn các Đức Giám mục Việt Nam do Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, dẫn đầu đã đến chào mừng Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ tại Hội nghị thường niên ở thủ đô Washington, và đã tặng Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ bức tranh thêu Đức Mẹ La Vang.
PHÁI ĐOÀN CÁC GIÁM MỤC HOA KỲ TẠI LA VANG
(Ảnh: Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang)
* Đức Giám mục Jose Oliveros và đoàn hành hương Phi Luật Tân(19).
Ngày 13-11-2008, lúc 9 giờ 30, trong tiết trời đẹp hiếm hoi mùa đông Huế – Quảng Trị, đoàn hành hương của Hiệp hội ASRP (Association of Shrine Rectors and Pilgrimage Promotors of the Philippines – Hiệp hội các Quản đốc Đền thánh và các Nhà Khởi xướng Hành hương của Phi Luật Tân) đã có mặt tại Thánh địa La Vang kính viếng Đức Mẹ.
Đoàn gồm 55 người: 10 Đức ông, 22 linh mục, 22 nữ tu và giáo dân, do Đức Giám mục Jose Oliveros dẫn đầu.
Đoàn được Đức Giám mục Phụ tá TGP Huế PX. Lê Văn Hồng cùng linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang Giacôbê Lê Sĩ Hiền đón tiếp. Nhiều linh mục và nam nữ tu sĩ của TGP Huế cũng có mặt trong buổi đón tiếp này.
Đoàn dâng thánh lễ đồng tế tại nhà nguyện, viếng Linh đài Đức Mẹ La Vang và dự buổi thuyết trình của linh mục hạt trưởng Quảng Trị E. Nguyễn Vinh Gioang về đề tài “La Vang xưa và nay – Nơi của niềm hy vọng cho những người hành hương”.
Theo chương trình, đoàn sẽ thực hiện chuyến du lịch hành hương (pilgrimage tour) đến Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 11 năm 2008, dịp Hội nghị thường niên của Hiệp hội các Quản đốc Đền thánh và các Nhà Khởi xướng Hành hương của Phi Luật Tân. Mục đích để học hỏi, trao đổi và nghiên cứu đề tài: “Những Đền thánh – Những Địa điểm hành hương – Những Niềm hy vọng”.
* Các Đức Giám mục nước ngoài tham dự Đại hội La Vang 29 (2011).
Trong Đại hội La Vang lần thứ 29 – Đại lễ Bế mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo Việt Nam (2011) có các Đức Giám mục nước ngoài cùng đồng tế thánh lễ Bế mạc: Đức cha Philip Wilson DD, TGM Giáo phận Adelaide, Chủ tịch HĐGM Úc châu; Đức cha Guy de Kérimel, Giáo phận Grenoble, Pháp; Đức cha Mangkhanekhoun Ling, Giámquản Tông tòa Paksé, Lào; Đức cha Olivier Schmitthaeusler(người Pháp, MEP), Giám quản Tông tòa Phnom Pênh, Cambodia, đại diện MEP; LM Ghezzi Mario, đại diện GP Phnom Pênh; Đức cha Đa Minh Mai Thanh Lương, GM phụ tá GP Orange, Ca, USA.
* Đức Hồng Y Fernando Filoni(20).
Đáp lời mời của HĐGMVN, ĐHY Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, đã đến thăm một số giáo phận ở Việt Nam.
Sau cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ và cộng đoàn Dân Chúa Giáo tỉnh Huế, lúc 17giờ 15 ngày 22-1-2015 Đức Hồng y đã ra La Vang kính viếng Đức Mẹ. Tại đây, ngài đã chủ tế thánh lễ đồng tế kính Đức Mẹ La Vang.
Cùng đồng tế với ngài có Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú tại Việt Nam; Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN, TGM Sài Gòn; Đức cha PX. Lê Văn Hồng, TGM Huế; Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM Mỹ Tho; Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, GM Nha Trang; Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, GM Banmêthuột; Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, GM Kontum; Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, GM Qui Nhơn; Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GM Thái Bình; Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, GM Đà Nẵng; Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên GM Kontum; quý Đức ông, quý cha Tổng Đại diện các giáo phận và hơn 300 linh mục.
Phụng vụ thánh lễ hôm nay được cử hành bằng tiếng La Tinh, Bài đọc và kinh Tin kính được đọc bằng tiếng Việt.
ĐỨC HỒNG Y FERNANDO FILONI CHỦ TẾ
THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ TẠI LINH ĐÀI
(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)
Trong bài giảng, ĐHY Fernando Filoni chia sẻ:
“Chiều hôm nay, chúng ta là những khách hành hương về với Mẹ La Vang, tham dự thánh lễ và lắng nghe Lời Chúa, điều đó sẽ giúp chúng ta sống, cảm nghiệm được niềm vui và sự bình an.
Thật là đẹp khi La Vang là Trung tâm Hành hương toàn quốc kính nhớ Đức Mẹ, và rất hãnh diện khi người tín hữu Việt Nam coi đây là ngôi nhà chung, nơi đó có Mẹ hiện diện”…
Trong dịp này, ĐHY Fernando Filoni đã dâng lên Đức Mẹ La Vang ba hoa hường với những ý nghĩa: Hoa hường thứ nhất, tượng trưng món quà của Thánh Bộ Truyền giáo để xin Mẹ nhớ đến công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Hoa hường thứ hai dâng lên Mẹ, xin Mẹ cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo tại Á Châu. Hoa hường cuối cùng, xin Mẹ ban cho thế giới được hòa bình và bình an.
3. CÁC ĐỨC KHÂM SAI, KHÂM SỨ TÒA THÁNH.
* Đức Khâm sai Henri Lécroart.
Ngày 8-3-1923, sau cuộc kinh lược các giáo phận miền Bắc, Đức Khâm sai Lécroart đang có mặt ở giáo xứ Hướng Phương, Giáo phận Vinh, chuẩn bị vào thăm Giáo phận Huế. Đức cha Allys Lý dẫn đầu phái đoàn chờ nghinh đón ở họ đạo Bồ Khê, nam sông Gianh. Sáng ngày 9-3-1923, Đức Khâm sai đến Cổ Vưu, chiều đến Huế.
Tại Huế, Đức Khâm sai mở cuộc viếng thăm giáo quyền và chính quyền trong suốt một tuần lễ. Ngày 16-3-1923, Đức Khâm sai đi ngược ra hạt Đất Đỏ thăm địa sở Đất Đỏ, Di Loan, rồi vào Quảng Trị thăm địa sở Cổ Vưu, Phước Môn. Từ Phước Môn ngài qua La Vang kính viếng Đức Mẹ.
Đức Khâm sai cùng phái đoàn vào nhà thờ ngói cổ quỳ cầu nguyện rất lâu. Sau đó ngài nhận cuốn sổ vàng từ tay cha sở Cổ Vưu Morineau Trung và viết vào đó những dòng quý báu ghi nhớ cuộc viếng thăm Giáo phận Huế và kính viếng Đức Mẹ La Vang(21).
* Đức Khâm sứ Constantino Ayuti.
Ngày 20-5-1925 ĐGH Piô XI ban hành Tông thư Ex Officio Supremo thành lập Tòa Khâm mạng Đông Dương và Thái Lan, trụ sở đặt tại Việt Nam. Đồng thời ngày 25-5-1925, bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Constantino Ayuti người Ý làm Khâm sứ tiên khởi.
Ngày 25-11-1925 Đức Khâm sứ Ayuti đến Sài Gòn. Ngài đi thẳng ra Hà Nội xem xét tình hình rồi trở về Huế. Tại đây ngài đã đi thăm Chủng viện An Ninh, địa sở Phước Môn và qua La Vang kính viếng Đức Mẹ(22a).
Sau cuộc viếng thăm này Đức Khâm sứ quyết định, theo ý kiến cụ Bài, thiết lập Tòa Khâm mạng ở Phủ Cam.
* Đức Khâm sứ Colomban Dreyer.
Ngày 26-11-1928 Đức Khâm sứ Colomban Dreyer đến Huế thay Đức Khâm sứ Ayuti qua đời đột ngột ngày 29-7-1928 khi đang thăm viếng Đà Lạt. Đức Khâm sứ Dreyer là vị Khâm sứ đầu tiên ở trong Tòa Khâm mạng Phủ Cam (khánh thành ngày 1-5-1928), cho đến năm 1936. Trong thời gian 8 năm này, Đức Khâm sứ đã nhiều lần ra La Vang kính viếng Đức Mẹ, tham dự và chủ tế các thánh lễ trọng thể(22b).
* Đức Khâm sứ Antonin-FernandDrapier.
Năm 1937 Đức Khâm sứ Drapier đến Huế và ngài đã ở Tòa Khâm mạng suốt 13 năm. Ngài là người hết lòng tin yêu Đức Mẹ La Vang, vì thế trong những ngày tháng nguy nan do thế giới đại chiến thứ hai gây ra, ngài đã gởi thông cáo kêu gọi mọi người hướng về Đức Mẹ La Vang để xin ơn hòa bình.
Dịp Đại hội La Vang 12 (1938), ngài chủ tế thánh lễ bế mạc sáng 19-8-1938 tại đền thờ Đức Mẹ La Vang. Đó cũng là kỳ Đại hội duy nhất mà ngài tham dự, bởi sau đó do hoàn cảnh chiến tranh, Đại hội La Vang bị gián đoạn suốt 17 năm(22c).
Năm 1950, Đức Khâm sứ Drapier thuyên chuyển đi nơi khác. Tòa Khâm mạng Huế được dời ra Hà Nội. Năm 1959 bãi bỏ. Dưới chính thể VNCH, Tòa Khâm mạng được tái lập tại thủ đô Sài Gòn.
* Đức Khâm sứ Giuseppe Caprio.
Đức Khâm sứ Giuseppe Caprio ít nhất đã hai lần đến La Vang. Một lần vào ngày 16-7-1956, ngài chủ tế thánh lễ với sự tham dự của một vạn giáo dân. Lần thứ hai vào dịp Đại hội La Vang 14, ngài cử hành thánh lễ tại Linh đài Bát Giác ngày 21-8-1958 – Ngày Công giáo Tiến hành toàn quốc – trước 10.000 giáo hữu, đa phần là giới chức Công giáo Tiến hành(22d).
* Đức Khâm sứ Mariô Brini.
Ngày 22-8-1961, ngày bế mạc Đại hội La Vang 15, từ Sài Gòn, Đức Khâm sứ Mariô Brini đã gởi bức điện tín như sau: “Thỉnh cầu Đức Tổng Giám mục đặt dưới chân Đức Mẹ La Vang những lời khẩn cầu sốt sắng của tôi, hiệp với những lời khẩn cầu của Hàng Giáo phẩm Việt Nam để xin Nước Chúa Kitô toàn thắng nhờ Mẹ Maria”. Đồng thời, Đức Khâm sứ Mariô Brini đã cử Đức ông De Nitris, thư ký Tòa Khâm sứ tới dự Đại hội(22e).
* Đức ông De Nitris, Đại diện Tòa Thánh.
Sáng 22-8-1961, ngày xức dầu Đền thánh La Vang, cũng là ngày cuối cùng trong 6 ngày Đại hội La Vang 15, trước hàng giáo sĩ và 300.000 giáo dân, Đức ông De Nitris, đại diện Tòa Thánh tuyên đọc nguyên văn bằng La ngữ Sắc chỉ Magno Nos Solatio của ĐTC Gioan XXIII nâng Đền Thờ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường(22f).
* Đức Khâm sứ Leopoldo Girelli.
Kể từ sau 30-4-1975, Tòa Thánh Vatican và Chính phủ CHXHCNVN chưa thiết lập quan hệ ngoại giao nên tại Việt Nam không có Khâm sứ, Sứ thần hoặc Đại diện của Tòa Thánh Vatican. Cho đến ngày 13-1-2011, ĐGH Bênêđictô XVI mới bổ nhiệm Đức TGM Leopoldo Girelli – Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei – kiêm Đại diện không thường trú tại Việt Nam.
Trong thời gian làm Đại diện tại Việt Nam, Đức TGM Leopoldo Girelli đã nhiều lần kính viếng Đức Mẹ La Vang:
– Chủ sự thánh lễ và nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang.
Sau thánh lễ Bế mạc Hành hương thường niên Đức Mẹ La Vang, 15-8-2012, ba vị TGM Leopoldo Girelli; Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Chủ tịch HĐGMVN và Têphanô Nguyễn Như Thể, TGM Huế cùng gắn viên đá đầu tiên vào bệ. Đại diện các thành phần Dân Chúa xúc cát đổ vào phần móng, tạo nên một hình ảnh hiệp nhất trong Giáo hội.
– Trong Đại hội La Vang 30 (2014), ngài đến tham dự và chủ tế thánh lễ chiều 14-8, lễ vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
– Trong Đại hội La Vang 31 (2017) ngài đến tham dự và chủ tế thánh lễ khai mạc chiều 13-8, Lễ Truyền Tin.
– Cũng vào dịp Đại hội La Vang 31, trong thánh lễ bế mạc, Đức TGM Leopoldo Girelli đã choàng dây Pallium cho Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh.
Ngày 13-9-2017, Đức TGMLeopoldo Girelli rời nhiệm vụ tại Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam, theo lệnh bổ nhiệm của ĐGH Phanxicô, đi nhận nhiệm vụ tại Israel, Jérusalem và Palestine.
4. CÁC PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH.
* Phái đoàn Tòa Thánh do Đức Hồng y Crescenzio Sepe dẫn đầu(23).
Ngày 1-12-2005, ĐHY Crescenzio Sepe, Bộ trưởng Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc, nhân chuyến thăm Giáo hội Việt Nam, đã đến kính viếng Đức Mẹ La Vang. Ngài đã chủ tế thánh lễ tại Linh đài, cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam và cầu nguyện cho hai vị Giáo hoàng: Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức đương kim Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Cùng đồng tế với ĐHY có 6 vị Tổng Giám mục và Giám mục thuộc giáo tỉnh miền Trung, 79 linh mục và 10 phó tế. Thành phần tham dự có 75 tiểu chủng sinh, 86 đại chủng sinh, nhiều tu sĩ nam nữ và khoảng 7000 khách hành hương.
Đức Giám mục Phụ tá PX.Lê Văn Hồng đã đọc một bản phúc trình về Thánh địa La Vang, theo đó ngài nhấn mạnh: “Hơn 23 hecta đất của Thánh địa từ trước tới nay thuộc quyền sở hữu của Giáo hội. Các tài liệu văn bản pháp lý còn được gìn giữ lại để chứng minh điều này. Nhiều lần Đức Tổng Giám mục Huế đã yêu cầu chính quyền trả lại cho Trung tâm Thánh Mẫu La Vang toàn bộ số đất nói trên để đáp ứng nhu cầu tối cần thiết trong các kỳ Đại hội Hành hương. Thế nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được chính quyền giải quyết…”.
Cùng ngày, ĐHY Crescenzio Sepe cũng đã chủ sự nghi lễ khánh thành Nhà Hành Hương La Vang.
* Phái bộ Ngoại giao Tòa Thánh do Đức ông Pietro Parolin dẫn đầu(24).
Sáng 13-6-2008, Phái bộ Ngoại giao Tòa Thánh gồm Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – trưởng đoàn – Đức ông Luis Mariano Montemayor, Tham tán Sứ thần tại Phủ Quốc Vụ khanh và Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, Chủ sự tại Bộ Truyền giáo, trong chuyến viếng thăm và làm việc, cấp thứ trưởng, với chính phủ Việt Nam đã đến kính viếng Đức Mẹ La Vang. Đây là lần đầu tiên, về phía Giáo hội, một phái đoàn chính thức của Toà Thánh, thay mặt Đức Giáo hoàng đến viếng thăm và dâng lễ tại Linh địa La Vang.
Thánh lễ đồng tế tại Linh đài, do Đức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế PX. Lê Văn Hồng chủ tế, Đức ông trưởng phái đoàn giảng lễ, ngỏ lời chào mừng cộng đoàn Dân Chúa và công bố ĐGH Bênêđictô XVI ban tặng La Vang Hào quang mặt nhật và yêu cầu Đức Giám mục phụ tá đem ra cho mọi người xem. Hào quang mặt nhật được đem ra đặt trên bàn thờ trong tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt của cộng đoàn hành hương. Đức ông tiếp tục bài giảng đến đoạn “Đức Mẹ hiện ra trong thời cấm cách…”, thì bỗng nhiên cộng đoàn xôn xao, tất cả nhìn lên bầu trời: “Một hào quang mặt trời lung linh chói lòa xuất hiện trên bầu trời La Vang, như một hiện tượng lạ”.
Lúc ấy vào khoảng 9 giờ 30.
Đức ông tiếp lời:
“Như một thông điệp cụ thể, Đức Thánh cha gởi đến đây chiếc hào quang mặt nhật để nói lên sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, Con Đức Chúa Trời, và sự hiện diện của Đức Mẹ Maria nơi Thánh địa này. Vậy xin Mẹ làm cho mỗi người chúng con tin tưởng thế nào Mẹ cũng ban ơn cho chúng con”.
* Phái đoàn Ngoại giao Tòa Thánh do Đức ông Antoine Camilleri dẫn đầu(25).
Nhân chuyến viếng thăm và làm việc với Chính phủ Việt Nam, phái đoàn Ngoại giao Tòa Thánh gồm Đức ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa Thánh, trưởng đoàn; Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, Tham tán Phủ Quốc Vụ khanh Tòa Thánh; Đức ông Yovko Genov Pishtiyski, Tham tán Xử lý thường vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Sigapore đã đến viếng thăm Tổng Giáo phận Huế vào lúc 10 giờ sáng ngày 19-1-2018. Lúc 14 giờ 30 chiều cùng ngày phái đoàn đã ra La Vang kính viếng Đức Mẹ.
Thánh lễ đồng tế tại nhà nguyện do Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế. Cùng đồng tế, ngoài các Đức ông trong phái đoàn, còn có Đức cha PX. Lê Văn Hồng, nguyên TGM Huế; Đức cha Đa Minh Nguyễn Văn Bản, GM Bamêthuột; Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, GM Đà Nẵng.
Trong tiết trời mưa lạnh, hàng ngàn người vẫn tuôn đến tham dự thánh lễ chào đón phái đoàn.
Cuối bài chia sẻ, Đức ông trưởng phái đoàn Antoine Camilleri “cầu chúc mọi người hãy luôn biết noi gương Đức Mẹ, tin tưởng tuyệt đối và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa để cuộc đời mỗi người được Ngài bảo vệ và dẫn đưa vào Nước Thiên Đàng”.
Phái đoàn rời La Vang, vào lại Huế, đi thăm dòng Kín Carmel, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Đại Chủng viện Xuân Bích Huế…, trước khi từ giã đi vào miền Nam thăm Tổng Giáo phận Sài Gòn.
ĐỨC TGM GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH CHỦ TẾ THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ CÙNG CÁC ĐỨC ÔNG TRONG PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH TẠI NHÀ NGUYỆN
(Ảnh: Ban Truyền thông TGP Huế)
5. CÁC ĐỨC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC TRONG NƯỚC.
Thật khó có thể liệt kê hết tên tuổi các vị Giám mục trong nước đã từng đến kính viếng Đức Mẹ La Vang. Tuy nhiên, có một điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết, nếu không nói là tất cả, các Đức Giám mục trong nước đều tôn sùng, phục lụy Đức Mẹ La Vang mà đa phần các vị đều ít nhất một lần đến La Vang bái chầu Mẹ. Hơn thế nữa, có thể nói mỗi Đức Giám mục trong nước là một tấm gương yêu mến Đức Mẹ La Vang mà giáo dân Việt Nam hằng ngưỡng mộ, noi theo.
* Cho đến ngày thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, ngoài các Đức Giám mục lãnh đạo Địa phận Huế, có thể kể thêm một số các Đức Giám mục trong nước đã từng có mặt ở La Vang, một hoặc nhiều lần: Grangeon Mẫn (Quy Nhơn), Eloy Bắc (Vinh), Marcou Thành (Phát Diệm), Vandale Vạn (Hưng Hóa), Tardieu Phú (Quy Nhơn), Piquet Lợi (Nha Trang), GB.Nguyễn Bá Tòng (Phát Diệm), Phaolô Nguyễn Văn Bình (Sài Gòn), Đa Minh Hoàng Văn Đoàn (Quy Nhơn), Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (Đà Nẵng), Jacques Mỹ (Lạng Sơn), Seitz Kim (Kontum), Phêrô Nguyễn Huy Mai (Ban Mê Thuột), Đan Viện phụ Phước Sơn Benoit (Henri Denis) Thuận, và các Đức Giám mục gốc Huế đang lãnh đạo các địa phận khác: Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu), Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục (Vĩnh Long), Tađêô Lê Hữu Từ (Phát Diệm), Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền (Sài Gòn). Về sau có Đức cha PX.Nguyễn Văn Thuận (Nha Trang) và Alexi Phạm Văn Lộc (Kontum)…
* Có thể kể thêm các vị tân Giám mục miền Nam đang tĩnh tâm tại Đan viện Thiên An năm 1960 cũng đến với Mẹ: Giuse Trần Văn Thiện (Mỹ Tho), Antôn Nguyễn Văn Thiện (Vĩnh Long), Philipphê Nguyễn Kim Điền (Cần Thơ), Micae Nguyễn KhắcNgữ (Long Xuyên). Về sau có Đức cha Giuse Lê Văn Ấn (Xuân Lộc)(26).
Sau đó, do chiến tranh và hoàn cảnh, các Đức Giám mục ít có cơ hội đến La Vang. Ngoại trừ một lần các Đức Giám mục Giáo tỉnh Huế đến dâng thánh lễ đồng tế tại La Vang, ngày 9-2-1980, dịp tĩnh tâm tại Huế. Mãi đến năm 1998, năm cử hành Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, hoàn cảnh thuận lợi hơn, các Đức Giám mục mới có cơ hội đến La Vang.
* Trong Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 1998, có mặt Đức Hồng y TGM Hà Nội Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và các Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa (Nha Trang), Nicôla Huỳnh Văn Nghi (Phan Thiết), Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt), GB.Phạm Minh Mẫn (TP.HCM), Bat. Nguyễn Sơn Lâm (Thanh Hóa), Phêrô Nguyễn Văn Nho (Nha Trang), Giuse Nguyễn Tích Đức (Banmêthuột), Phêrô Trần Thanh Chung (Kontum), PX.Nguyễn Văn Sang (Thái Bình), Giuse Nguyễn Văn Yến (Phát Diệm), Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến (Bắc Ninh)…
* Trong Đại hội La Vang 25 (1999) – Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang – có mặt Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và các Đức Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng (Hà Nội), Giuse Ngô Quang Kiệt (Lạng Sơn), Phaolô Maria Cao Đình Thuyên (Vinh), Giuse Nguyễn Tích Đức (Banmêthuột), Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Phêrô Nguyễn Văn Nho (Nha Trang), Raphael Nguyễn Văn Diệp (Vĩnh Long), Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt), Tôma Nguyễn Văn Trâm (Xuân Lộc), PX.Nguyễn Văn Sang (Thái Bình), Phêrô Trần Đình Tứ (Phú Cường), Emmanuel Lê Phong Thuận (Cần Thơ), Phaolô Bùi Văn Đọc (Mỹ Tho), GB.Phạm Minh Mẫn (TP.HCM), Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (Thanh Hóa), PX.Nguyễn Quang Sách (Đà Nẵng), Phêrô Nguyễn Soạn (Quy Nhơn), Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến (Bắc Ninh), Giuse Nguyễn Văn Yến (Phát Diệm)…, linh mục giám quản Giuse Nguyễn Thái Hà (Hưng Hóa) và Đan Viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh.
* Trong Đại hội La Vang 26 (2002) có mặt Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng và các Đức Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (TP.HCM), Têphanô Nguyễn Như Thể (Huế), Phaolô Lê Đắc Trọng (Hà Nội), Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (Phan Thiết), Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Phêrô Nguyễn Văn Nho (Nha Trang), Giuse Ngô Quang Kiệt (Lạng Sơn), Giuse Hoàng Văn Tiệm (Bùi Chu), Phêrô Nguyễn Soạn (Quy Nhơn), Giuse Nguyễn Tích Đức (Banmêthuột), Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Đà Lạt)…, và Đan Viện phụ Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh.
* Không thể không nhắc đến các Đức Giám mục lãnh đạo Giáo phận Huế mà mỗi vị được xem là một “Giám mục của Đức Mẹ La Vang”: Caspar Lộc, Allys Lý, Chabanon Giáo, Lemasle Lễ, Urrutia Thi, Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, Philipphê Nguyễn Kim Điền, Têphanô Nguyễn Như Thể, PX. Lê Văn Hồng, và mới đây nhất: Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh.
Qua sự hiện diện gần như đầy đủ của các Đức Giám mục, có thể nói, kể từ Đại lễ Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang thì La Vang không còn là chuyện riêng của Giáo phận Huế nữa mà là chuyện chung của HĐGMVN và cả Giáo hội Việt Nam.
* Kể từ Đại hội La Vang lần thứ 27 (2005) đến Đại hội La Vang lần thứ 31 (2017), các Đức Hồng y và các vị Giám mục trong Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đến La Vang ngày càng đông, hầu như không thiếu vắng vị nào. Có thể kể:
Đức Hồng y TGM GB. Phạm Minh Mẫn, Đức Hồng y TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, GM Phaolô Cao Đình Thuyên, GM Giuse Trần Xuân Tiếu, GM Giuse Vũ Duy Thống, GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm. GM PX. Lê Văn Hồng, GM Micae Hoàng Đức Oanh, GM Giuse Vũ Văn Thiên, GM Phêrô Trần Đình Tứ, TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, GM Tôma Nguyễn Văn Trâm, GM Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, GM Antôn Vũ Huy Chương, GM Têphanô Tri Bửu Thiên, GM Phêrô Nguyễn Soạn, GM Phaolô Nguyễn Văn Hòa, GM Giuse Nguyễn Văn Yến, TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, GM Giuse Võ Đức Minh, GM Giuse Châu Ngọc Tri, GM Giuse Hoàng Văn Tiệm, GM Phêrô Nguyễn Văn Đệ, GM Cosma Hoàng Văn Đạt, GM Gioan Maria Vũ Tất, GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi, GM Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, GM Giuse Nguyễn Năng, GM Giuse Đinh Đức Đạo, GM Giuse Trần Xuân Tiếu, GM E. Nguyễn Hồng Sơn, GM Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, GM Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu, GM Giuse Nguyễn Tấn Tước, GM Phêrô Nguyễn Văn Viên, GM Lorensô Chu Văn Minh, GM Anphongsô Nguyễn Hữu Long…, Đức Đan viện phụ dòng Thiên An Têphanô Huỳnh Quang Sanh và Đức Đan viện phụ tỉnh dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.
6. CÁC TÔNG ĐỒ NHIỆT THÀNH CỦA ĐỨC MẸ LA VANG(27).
* Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn.
Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn được xếp “Đệ nhất Tông đồ”về sưu tầm sử liệu Đức Mẹ La Vang với những bài giảng sinh động hùng hồn trong các kỳ Đại hội. Bên cạnh đó là những công trình nghiên cứu, những bài viết về ơn lạ đăng tải liên tục trong tuần báo Nam Kỳ Địa Phận. Hơn hết là công lao truy tìm, hiệu đính Vãn La Vang, một tác phẩm quý bị thất lạc nhiều năm.
Kể từ ngày được bổ nhiệm Giám mục Bùi Chu, thời gian không cho phép ngài tiếp tục công việc tốt đẹp này, nhưng lòng trí ngài bao giờ cũng ở bên Mẹ. Như Đại hội La Vang 12 (1938), không thể vào tham dự, ngài ân cần gởi bức điện tín:
“Monseigneur Lemasle, La Vang
Avec chère Mission Huế, Bùi Chu et son Evêque unissent leur joie, prières et louanges devant Notre Dame de La Vang” (Kính gởi Đức cha Lemasle Lễ, La Vang – Một lòng một ý cùng Địa phận Huế, Địa phận và Giám mục Bùi Chu hiệp sự vui mừng, lời cầu nguyện và câu chúc tụng dâng lên trước tòa Đức Mẹ La Vang)(28).
* Linh mục Giuse Trần Văn Trang.
“Đệ nhị Tông đồ” phải kể đến là linh mục Giuse Trần Văn Trang với sách Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang, xuất bản tại Quy Nhơn năm 1923. Bên cạnh đó là những bài thuyết giảng,những bài phóng sự Đại hội La Vang, những bài ơn lạ Đức Mẹ La Vang đều đặn xuất hiện trên Nam Kỳ Địa Phận. Ngoài ra cha Giuse Trang còn sáng tác nhiều bài thơ hay về Đức Mẹ La Vang, nhằm nung nấu lòng tin yêu Đức Mẹ nơi người tín hữu, Đồng thời ngài tận dụng mọi cơ hội để quảng bá quyền phép Đức Chúa Bà La Văng nơi lương dân.
Ngài xứng đáng với danh hiệu Tông đồ dân ngoại và Tông đồ Đức Mẹ La Vang.
* Linh mục Philipphê Lê Thiện Bá.
Không ai khác hơn, chính linh mục Philipphê Lê Thiện Bá là vị “Đệ tam Tông đồ” của Đức Mẹ La Vang với những bài thơ hay, những bài ơn lạ hấp dẫn và những bài phóng sự Đại hội La Vang đặc sắc xuất hiện liên tục trên Nam Kỳ Địa Phận. Bên cạnh đó, một công trình nghiên cứu riêng về sự tích, địa bạ, lịch sử Đức Mẹ La Vang, công phu và tỉ mỉ, giúp ích rất nhiều cho những ai muốn tìm hiểu về Đức Mẹ La Vang.
* Có thể kể thêm:
Linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh với công trình sưu tập 400 trang bản thảo bị thất lạc, linh mục Matthêô Lê Văn Thành với sách Đức Mẹ La Vang (1955), ông Phạm Đình Khiêm với sách Đức Mẹ La Vang là Nữ Vương chiến thắng (1959), linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc với sách Linh địa La Vang (1970), linh mục Hồng Phúc (CSsR) với sách Đức Mẹ La Vang và Giáo hội Công giáo Việt Nam (1998), linh mục Nguyễn Tự Do (CSsR) với sách Đức Mẹ La Vang 200 năm (2000)…
* Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang.
Không thể không nói đến linh mục EmmanuenNguyễn Vinh Gioang, người đã ra sức gìn giữ và bảo vệ La Vang trong những năm tháng đầy khó khăn và tế nhị (1975-1995). Đồng thời âm thầm ghi chép và lưu giữ những tài liệu lịch sử quý giá về Thánh địa La Vang. Nhờ đó mà lịch sử Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang không bị gián đoạn.
Mặc dù rời nhiệm vụ đã lâu, ngài vẫn tiếp tục sưu tầm và kiểm chứng những ơn lạ Đức Mẹ La Vang, cập nhật hóa phần thời sự La Vang rồi đưa vào mạng Internet hoặc công bố trên nội san Sống Tin Mừng.
(Còn tiếp)
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
(11) Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 119, tháng 4-1959, tr.136. Bản dịch trong Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 33, tháng 5-1964, tr.38.
(12) Xem chú thích (11) cùng trang.
(13) Công giáo và Dân tộc: Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995), tr.126-127.
(14) Tòa TGM Huế: La Vang 200 năm, tr.66-79.
(15)Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang. Tòa TGM Huế: Kỷ yếu Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam – Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29, 2011.
(16) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 33, tháng 5-1964, tr.38.
(17e)(Từ 17a đến 17e): Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.138-139+146.
(18) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang và Ban Truyền thông TGP Huế.
(19) Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 100, tháng 11-2008.
(20) Ban Truyền thông TGP Huế.
(21) Giuse Trang, Prêtre: Bài Cuộc rước mầng Đức Khâm mạng Tòa Thánh viếng địa phận Huế. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 734, ngày 12-4-1923, tr.219 + số 736, ngày 26-4-1923, tr.255-257.
(22f)(22a)+(22b)+(22c)+(22d)+(22e)+(22f) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.142.
(23)Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang (chủ biên): Nội san Sống Tin Mừng. Số 65, tháng 12-2005 + VietCatholicNews, 15-12-2005.
(24)Ban Truyền thông TGP Huế.
(25) Ban Truyền thông TGP Huế.
(26) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.144-145.
(27) Cụm từ linh mục Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc dùng để ca tụng Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn về công lao sưu tầm sử liệu Đức Mẹ La Vang.
(28) Tb. Vì Chúa. Số 93, ngày 26-8-1938, tr.1.
=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 6 – Phần 2