Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 6 – Phần 3

24/04/2023

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

 

CHƯƠNG SÁU

NHÂN VẬT VÀ SỰ KIỆN

I. NHỮNG NHÂN VẬT TRỌNG YẾU TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

II. CÁC BẬC VỊ VỌNG ĐẾN VỚI ĐỨC MẸ LA VANG.

A. CÁC BẬC VỊ VỌNG TRONG GIÁO QUYỀN.

B. CÁC BẬC VỊ VỌNG TRONG CHÍNH QUYỀN.

Lịch sử còn ghi lại nhiều cử chỉ tốt đẹp của chính quyền, từ xưa tới nay, đối với Thánh địa La Vang.

1. CÁC BẬC VỊ VỌNG TRONG CHÍNH QUYỀN KÍNH VIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG.

* Cụ Nguyễn Hữu Bài.

Không có kỳ hành hương lớn nhỏ nào mà không có mặt cụ. Cụ đóng góp nhân lực, vật lực tối đa cho việc tổ chức rồi lặng lẽ đến với Mẹ như một người con thảo bình thường, một khách hành hương trong ngàn vạn khách hành hương khác, tin yêu và khiêm tốn(29).

* Nam Phương hoàng hậu.

Năm 1945, Nhật đầu hàng đồng minh, Việt Minh giành chính quyền, vua Bảo Đại thoái vị, thực dân Pháp trở lại Việt Nam… Khói lửa chiến tranh lan rộng. La Vang nằm trong vùng chiến sự.

Trước tình thế nguy ngập, được phép bề trên, ngày 12-9-1946, cha sở La Vang Giacôbê Nguyễn Linh Kinh đã tổ chức ngày cầu nguyện cho quốc thái dân an tại Đền thờ Đức Mẹ La Vang. Rất đông linh mục, tu sĩ và giáo dân từ Huế mạo hiểm ra La Vang, trong đó có bà Nam Phương hoàng hậu đi xe hơi riêng, tham dự ngày lễ cầu nguyện và khấn tạ ơn Mẹ(30).

* Thủ tướng Ngô Đình Diệm kính viếng Đức Mẹ La Vang lần thứ nhất, 1955.

Ngày 27-1-1955, Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm cùng nhiều Bộ trưởng trong Chính phủ Quốc gia Việt Nam, hơn 200 đại diện các phái đoàn kiểm soát đình chiến (Anh, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Philippines…) cùng 12 ký giả, nhiếp ảnh nước ngoài đã đến La Vang kính viếng Đức Mẹ(31).

* Tổng thống Ngô Đình Diệm kính viếng Đức Mẹ La Vang lần thứ hai, 1958.

Ngày 15-8-1958, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm cùng các nhân vật  cao  cấp  trong  Chính  phủ, Quốc  hội  và  quân  đội, trong đó có Đại tướng Lê Văn Tỵ đã đáp máy bay xuống sân bay Đông Hà rồi đi xe hơi lên La Vang kính viếng Đức Mẹ(32).

TỔNG THỐNG VNCH NGÔ ĐÌNH DIỆM KÍNH VIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 14/1958

(Ảnh: Ns. Nguồn sống. Số 2, th.8-1958)

* Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm kính viếng Đức Mẹ La Vang lần thứ ba, 1961.

Ngày 16-8-1961, một ngày trước khai mạc Đại hội La Vang 15, Tổng thống Ngô Đình Diệm và phái đoàn cao cấp Chính phủ VNCH đã đến La Vang.

“Như những giáo dân ngoan đạo khác, ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống VNCH, cũng đã hành hương đến La Vang. Bằng một cử chỉ tôn kính Đức Mẹ, từ cổng tam  quan ông xuống xe cởi giày đi chân đất đến đền thánh, vào quỳ trước bàn thờ chính, cùng với Đức Tổng Giám mục bào huynh Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục bên trái và Đức Tổng Giám mục Urrutia Thi bên phải, cầu nguyện rất lâu với Đức Mẹ La Vang xin cho nước nhà bình yên, dân an quốc thái”(33).

TỔNG THỐNG VNCH NGÔ ĐÌNH DIỆM KÍNH VIẾNG ĐỨC MẸ LA VANG TRONG ĐẠI HỘI LA VANG 15/1961

(Ảnh: Linh địa La vang)

Rời đền thờ, theo sự hướng dẫn của cha sở La Vang, cụ và phái đoàn đến quỳ chầu Đức Mẹ tại Linh đài một lúc rồi mới lưu luyến từ giã.

* Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu kính viếng Đức Mẹ La Vang, 1972.

Giữa tháng 9 năm 1972, khói lửa cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa còn đang tiếp diễn ở tỉnh thành Quảng Trị. Qua ngày 15-9-1972, Sư đoàn TQLC tái chiếm Cổ Thành. Hôm sau, ngày 16-9-1972, lúc 12 giờ 45, quân đội VNCH tổ chức lễ thượng kỳ.

Ngày 20-9-1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến thị sát mặt trận Cổ Thành. Tháp tùng Tổng thống có Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn I Ngô Quang Trưởng và Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn TQLC Bùi Thế Lân. Trên đường di chuyển, đoàn xe của Tổng thống chạy qua nhà thờ La Vang, Tổng thống Thiệu cho lệnh dừng xe và bước vào quỳ gối cầu nguyện trong ngôi nhà thờ đổ nát, trong khi đại bác 130 ly của Mặt trận Giải phóng vẫn còn nổ vang quanh đó. 

TỔNG THỐNG VNCH NGUYỄN VĂN THIỆU QUỲ CẦU NGUYỆN TRONG VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT,1972.

(Ảnh: Đức Mẹ La Vang. Internet)

2. CÁC BẬC VỊ VỌNG TRONG CHÍNH QUYỀN PHỤNG KHẤN, THĂM VIẾNG, THAM DỰ ĐẠI LỄ, ĐẠI HỘI LA VANG.

* Các bậc vị vọng trong Chính phủ Bảo hộ và Chính phủ Nam triều.

Ở tiền bán thế kỷ XX, trong các kỳ kiệu lớn, lễ lớn, người ta thường dễ dàng nhận ra các vị chức sắc cao cấp trong Chính phủ đến tham dự. Đó là các vị quan Khâm sứ, Công sứ người Pháp trong Chính phủ Bảo hộ, các vị quan Thượng thư, Tuần phủ, Án sát trong Chính phủ Nam triều.

* Vua Khải Định phụng khấn Đức Mẹ La Vang.

Vua Khải Định, dù chưa một lần đến La Vang, song qua ơn Mẹ đã ban cho nhà vua khỏi bệnh vào dịp Tứ tuần Đại khánh năm 1925, đã khiến nhà vua hai lần cử phái bộ triều đình ra La Vang phụng khấn tạ ơn Mẹ:

“Một chiều kia cha Morineau Trung ở Cổ Vưu vào La Vang đột ngột bảo ông từ Lê Hộ dọn dẹp trang hoàng đền thờ. Mãi đến nửa đêm hai chiếc xe hơi đưa những vị khách trọng đến. Ấy là lễ tạ ơn của nhà vua. Năm sau, vua Khải Định lại ngã bệnh nguy cấp. Một lần nữa, vua sai cụ Bài ra La Vang khấn xin Đức Mẹ. Lễ vật vua dâng kỳ này là hai cây sáp ong to lớn cao một thước, vòng lưng ba tấc rưỡi…”(34).

* Hội đồng Chính quyền tỉnh Quảng Trị viếng thăm La Vang.

Ngày 1-9-1954, Hội đồng Chính quyền tỉnh Quảng Trị, do vị tỉnh trưởng dẫn đầu, viếng thăm Thánh địa La Vang dịp đình chiến(35).

* Phái đoàn Quốc hội VNCH viếng thăm La Vang.

Ngày 1-10-1958, phái đoàn Quốc hội VNCH do hai ông Phạm Văn Nhu (Chủ tịch Quốc hội) và ông Trần Văn Lắm dẫn đầu đã đến viếng thăm và kính viếng Đức Mẹ. Phái đoàn đã để lại bút tích trong sổ vàng La Vang(36).

* Phái đoàn Chính phủ VNCH viếng thăm La Vang.

Ngày 8-12-1958, nhân ngày lễ Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội, một phái đoàn gồm các nhân vật cao cấp trong Chính phủ VNCH do ông Trương Vĩnh Lễ dẫn đầu đã đến La Vang. Phái đoàn sốt sắng tham dự thánh lễ và nghe giảng về đề tài “Đức Mẹ Maria, Đức Mẹ La Vang”(37).

* Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ và phái đoàn Chính phủ VNCH viếng thăm La Vang.

Ngày 22-8-1961, ngày bế mạc Đại hội La Vang 15, phái đoàn Chính phủ VNCH gồm nhiều tướng lãnh và các vị lãnh đạo cao cấp, do Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ dẫn đầu đã tới La Vang tham dự và chúc mừng Đại hội(38).

Cũng vào dịp này, dễ dàng nhận ra sự có mặt của tướng Pérakiraly, một vị tướng lãnh trong quân đội Hungari.

Sau cuộc chính biến ngày 1-11-1963, người ta thêu dệt nhiều giai thoại lạnh lùng về đạo Công giáo khiến chính quyền và giáo quyền trở nên không mấy thân thiện. Dù vậy, ngày 17-5-1964, ngày bế mạc Đại hội La Vang 16, vẫn có hai phái đoàn chính quyền của hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên do hai vị tỉnh trưởng dẫn đầu đã đến chúc mừng Đại hội La Vang trong sự tiếp đón nồng hậu của Ban Tổ chức và cộng đoàn hành hương.

* Phái đoàn chính quyền hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế thăm viếng và chúc mừng Đại lễ, Đại hội La Vang.

Những năm gần đây, mỗi lần La Vang có Đại lễ, Đại hội, chính quyền hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đều có cử đại diện đến dự lễ và chúc mừng. Họ phát biểu những lời chân tình và thân thiện.

* Phó Thủ tướng Chính phủ CHXHCNVN Nguyễn Thiện Nhân tham dự Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 – Đại hội La Vang lần thứ 29(39).

Nhận lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thay mặt Chính phủ CHXHCNVN, đã đến tham dự Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam – Đại hội La Vang lần thứ 29.

Cùng hiện diện trong lễ tiếp đón, lúc 15 giờ 30 chiều ngày 5-1-2011, về phía chính quyền, tháp tùng Phó Thủ tướng có Phái đoàn Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương,Phái đoàn Chính quyền hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, ông bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM… Ngoài ra còn có đại diện các tôn giáo bạn, các vị khách quý và các tổ chức xã hội tại địa phương…

PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN (MANG VÒNG HOA, HÀNG ĐẦU, BÊN PHẢI) THAM DỰ ĐẠI LỄ BẾ MẠCNĂM THÁNH 2010 TẠI LA VANG

(Ảnh: Ban Truyền Thông TGP Huế)

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chúc mừng:

“Cầu chúc Hội đồng Giám mục Việt Nam, quý Giám mục, quý linh mục, các dòng tu nam nữ cùng toàn thể anh chị em một Đại lễ Bế mạc Năm Thánh thành công và bình an”.

III. CÁC CUỘC LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI LA VANG.

Từ trước tới nay, tại La Vang chỉ có ba cuộc lễ truyền chức linh mục. Đó là:

1. LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC ĐẦU TIÊN CHO THẦY PHILIPPHÊ TRẦN VĂN HOÀI TẠI ĐỀN THỜ ĐỨC MẸ LA VANG(40).

Sáng ngày 24-1-1959, giáo dân tấp nập đổ về La Vang như một ngày hội. Ai nấy đều cố nhanh chân để có một chỗ trong nhà thờ, sốt sắng dự lễ truyền chức linh mục cho thầy Philipphê Trần Văn Hoài, người An Ninh – Quảng Trị.

Để đảm bảo cho cuộc lễ được trang nghiêm, lúc Đức cha Urrutia Thi và 70 linh mục bước lên bàn thờ thì các cửa ra vào phải đóng lại vì không còn một chỗ trống. Hàng ngàn giáo hữu và khách hành hương đến sau đành đứng ngoài sân hướng về bàn thánh thông công cầu nguyện cho vị tân linh mục.

Trong bữa cơm thân mật sau lễ, cha sở La Vang Giuse Trần Văn Tường nhắc lại quãng đường của vị tân linh mục đã trải qua và cầu xin ơn lành cho những ngày mới trong thiên chức mới.

Linh mục Philipphê Trần Văn Hoài sau ngày thụ phong được bổ nhiệm phó xứ Thạch Bình rồi quản xứ Bác Vọng. Sau đó được gởi đi du học Rôma và ngài đã ở lại phục vụ giáo triều cho đến ngày nghỉ hưu năm 2000. Ngài qua đời tại Rôma năm 2010.

2. LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC ĐẦU TIÊN CHO THẦY TÊPHANÔ NGUYỄN NHƯ THỂ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG.

Ngày 6-1-1962, nhằm ngày lễ Chúa Hiển Linh, Đức TGM JB. Urrutia Thi đã cử hành thánh lễ truyền chức linh mục lần đầu tiên kể từ ngày đền thờ Đức Mẹ La Vang được nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường. Người được vinh dự nhận chức thừa tác vụ linh mục là thầyTêphanô Nguyễn Như Thể, sinh năm 1935, sinh quán Cây Da – Quảng Trị, nguyên quán Nho Lâm – Thừa Thiên.

Hôm ấy nhằm tiết đông lạnh rét nhưng vẫn có nhiều linh mục, tu sĩ, thân nhân tân linh mục và hàng ngàn giáo dân tề tựu về dự lễ.

Linh mục Têphanô Nguyễn Như Thể về sau được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế:

1975 – 1983: Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Huế.

1992: Thành viên Hội đồng Tòa Thánh Liên tôn.

1994 – 1998: Giám quản Tông toà Tổng Giáo phận Huế.

1998 – 2012: Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế.

Hiện đang nghỉ hưu tại Tòa TGM Huế.

3. LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC ĐẦU TIÊN CHO THẦY GIUSE DƯƠNG ĐỨC TOẠI, TẠI LINH ĐÀI ĐỨC MẸ LA VANG.

Ngày 22-8-1968, nhằm ngày lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ theo lịch Công giáo Địa phận Huế, cũng là ngày kỷ niệm 7 năm cung hiến Vương Cung Thánh Đường La Vang. Dù không tổ chức Đại hội cấp toàn quốc, Giáo phận Huế vẫn tổ chức kiệu thường niên kết hợp cử hành thánh lễ truyền chức linh mục tại Linh đài Đức Mẹ. Vì thế số giáo dân tề tựu về La Vang hôm ấy có thể lên đến non một vạn người.

Sau cuộc rước kiệu Đức Mẹ, Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ tế thánh lễ truyền chức linh mục cho thầy Giuse Dương Đức Toại, người An Ninh, Quảng Trị. Đây là thánh lễ truyền chức linh mục đầu tiên được tổ chức ngay chính nơi tương truyền Đức Mẹ đã đứng khi hiện ra.

Linh mục Giuse Dương Đức Toại sau này là linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang, giai đoạn 1995 – 2006.

IV. CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ, QUẢN NHIỆM TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG(41).

1. LINH MỤC PHAOLÔ VÕ VĂN THỚI QUẢN XỨ TIÊN KHỞI GIÁO XỨ LA VANG.

Sau Lễ Khánh thành Đền thờ Đức Mẹ La Vang – Đại hội La Vang 9 (1928), Đức cha Allys Lý cảm thấy chưa hài lòng khi để ngôi đền thờ rộng lớn ấy ở nơi hoang sơn không người trông giữ. Hơn nữa, khách hành hương cũng cần xưng tội, rước lễ hầu dọn mình khấn vái cầu xin. Ngài cũng mong muốn có nhiều giáo hữu đến định cư bên Mẹ để La Vang bớt quạnh hiu…

Những lo lắng trên sẽ trở nên dễ dàng nếu ở đó có linh mục quản xứ. Nghĩ vậy, ngài liền cho thành lập giáo xứ La Vang tách từ giáo xứ Cổ Vưu, đồng thời bổ nhiệm linh mục Phaolô Võ Văn Thới làm quản xứ tiên khởi.

Linh mục Phaolô Võ Văn Thới sinh năm 1878 tại Dương Lệ Văn, Quảng Trị. Năm lên 11 tuổi, ngày 6-9-1889, ngài được linh mục nghĩa phụ Inhaxiô Lê Văn Huấn bảo trợ gởi vào Tiểu Chủng viện (TCV) An Ninh, Quảng Trị. Lên Đại chủng viện (ĐCV) Phú Xuân, Huế ngày 7-9-1898. Thụ phong linh mục tại nhà thờ Chánh tòa Phủ cam ngày 27-2-1904.

1904 – 1910: Phó xứ rồi chánh xứ Kẻ Bàng, Quảng Bình.

1910 – 1919: Quản xứ Mỹ Duyệt, Quảng Bình.

1919 – 1924: Quản xứ Kim Long, Thừa Thiên.

1925 – 1928: Quản xứ Tân Mỹ, Thừa Thiên.

1928: Quản xứ tiên khởi giáo xứ La Vang.

Sau hơn 2 năm, công việc kiến thiết nhà Mẹ đang muôn phần tốt đẹp thì cha Phaolô Võ Văn Thới ngã bệnh. Đức cha cho phép ngài về dưỡng bệnh tại nhà mẹ của cha Anrê Từ ở Đại Lộc,nhưng không qua khỏi. Ngài qua đời vào trưa ngày 2-11-1932. Hưởng dương 54 tuổi. An táng sau nhà thờ La Vang.

La Vang trở lại thời kỳ trực thuộc giáo xứ Cổ Vưu.

2. LINH MỤC GIACÔBÊ NGUYỄN LINH KINH QUẢN XỨ THỨ HAI GIÁO XỨ LA VANG.

Linh mục Giacôbê Nguyễn Linh Kinh sinh ngày 28-12-1893 tại Phủ Cam, Huế. Vào TCV An Ninh, Quảng Trị tháng 9-1905. Lên ĐCV Phú Xuân, Huế, tháng 9-1915. Thụ phong linh mục ngày 23-12-1922.

1923 – 1927: Phó xứ Linh Thủy, Thừa Thiên.

1927 – 1928: Phó xứ Cổ Vưu, Quảng Trị.

1928 – 1929: Quản xứ Bác Vọng Đông, Thừa Thiên.

1929 – 1935: Tuyên úy trường Pellerin, Huế.

1935 – 1943: Quản xứ Đại Lộc, Quảng Trị.

1943: Quản xứ Cầu Hai, Thừa Thiên.

Cùng năm, ngài được bài sai quản xứ An Vân, Thừa Thiên. Chưa kịp nhận nhiệm sở mới thì ngài lâm bệnh. Đức cha Lemasle Lễ cho phép ngài ra La Vang vừa an dưỡng vừa giúp mục vụ.

1946, cha Giacôbê chính thức được bổ nhiệm quản xứ La Vang.

12 năm ở La Vang của ngài là thời gian khói lửa chiến tranh, nhưng dù khó khăn cách mấy ngài cũng bám trụ ở với Mẹ, giữ gìn đền Mẹ.

Ngài có công rất lớn trong việc đưa hàng trăm tân tòng Long Hưng, Phú Long và các làng lân cận về với Mẹ. Ngài còn lo việc khai thông đường sá, tạo dựng cảnh quan vườn Mẹ, đồng thời để tâm ghi chép sự tích và ơn lạ Đức Mẹ La Vang. Đáng tiếc bản thảo của ngài đã bị thất lạc trong chiến tranh. Sau này, sót lại một ít, linh mục Matthêô Lê Văn Thành, nghĩa tử của ngài, đã cho phổ biến trong sách Đức Mẹ La Vang.

Ngài qua đời ngày 20-1-1955. Hưởng thọ 63 tuổi. An táng sau nhà thờ La Vang, cạnh mộ cha Phaolô Võ Văn Thới.

3. LINH MỤC GIUSE TRẦN VĂN TƯỜNG QUẢN XỨ THỨ BA GIÁO XỨ LA VANG CHÍNH VÀ QUẢN NHIỆM TIÊN KHỞI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

Linh mục Giuse Trần Văn Tường sinh ngày 3-11-1906 tại An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị. Vào TCV An Ninh, Quảng Trị ngày 13-9-1921. Lên ĐCV Phú Xuân, Huế tháng 9-1931. Thụ phong linh mục ngày 18-10-1938.

1938 – 1941: Phó xứ Cổ Vưu, Quảng Trị.

1941 – 1942: Phó xứ Phủ Cam, Huế.

1942 – 1944: Quản xứ Linh Thủy, Thừa Thiên, lần 1

1944 – 1946: Quản xứ Phú Ngạn, Thừa Thiên.

1946 – 1948: Quản xứ Linh Thủy, Thừa Thiên, lần 2

1948 – 1952: Quản xứ Lại Ân, Thừa Thiên.

1952 – 1955: Quản xứ Dương Sơn, Thừa Thiên.

1955 – 1967: Quản xứ La Vang Chính.

Từ 1961: Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang (do quyết định của Hội đồng Giám mục Miền Nam, được Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục công bố năm 1961: La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc).

Trong suốt 12 năm ở La Vang, cha Giuse Tường, dưới sự chỉ đạo của Đức TGM P.M. Ngô Đình Thục, ra công kiến thiết Thánh địa La Vang thành một Trung tâm Hành hương xứng đáng, với lần đại trùng tu đền thờ năm 1959, xây Linh đài Đức Mẹ, nhà cha sở, nhà Tĩnh Tâm, quảng trường Thánh Tâm, đồi Calvê, quảng trường Mai Khôi, Mười bốn Chặng đường Thánh Giá… Đồng thời ngài tổ chức thành công 4 kỳ Đại hội (1955, 1958, 1961, 1964). Ngoài ra, ngài còn là vị đại ân nhân của tu viện MTG La Vang bằng sự nâng đỡ tinh thần và vật chất ngay từ buổi sơ khai mới di cư từ Di Loan vào.

Ngài qua đời ngày 5-12-1970 tại bệnh viện Trung ương Huế. Hưởng thọ 64 tuổi. 32 năm linh mục.

4. LINH MỤC GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN VĂN ĐÔNG, QUẢN XỨ THỨ TƯ GIÁO XỨ LA VANG CHÍNH VÀ QUẢN NHIỆM THỨ HAI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đông sinh ngày 8-9-1908 tại Đại Lộc, Quảng Trị. Vào TCV An Ninh, Quảng Trị tháng 9-1922. Lên ĐCV Phú Xuân, Huế ngày 7-9-1930. Thụ phong linh mục ngày 18-10-1938 tại ĐCV Phú Xuân, Huế.

1938 – 1941: Giáo sư dòng Thánh Tâm Huế.

1941 – 1943: Biệt phó tại họ đạo Phường Tây kiêm Phường Đông và Mỹ Lợi, Thừa Thiên.

1943 – 1952: Quản xứ Thủy Ba, Quảng Trị.

1952 – 1957: Tuyên úy quân đội.

1957 – 1967: Quản xứ Thạch Bình, Thừa Thiên.

1967 – 1972: Quản xứ La Vang Chính – Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

Năm 1972, trong biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa, ngài di tản vào Đà Nẵng rồi vào Nha Trang. Nghỉ hưu tại nhà riêng. Qua đời tại Nha Trang ngày 6-5-1987, hưởng thọ 79 tuổi. An táng tại Nha Trang.

Thời gian 5 năm phục vụ La Vang của ngài là thời gian chiến tranh tàn phá quê Mẹ. Giáo phận chỉ tổ chức được một kỳ Đại hội năm 1970. Sau đó là cảnh ly tán. La Vang hoang tàn đổ nát.

5. LINH MỤC EMMANUEN NGUYỄN VINH GIOANG, QUẢN XỨ DIÊN SANH KIÊM LA VANG – QUẢN XỨ THỨ NĂM GIÁO XỨ LA VANG VÀ QUẢN NHIỆM THỨ BA TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang sinh ngày 1-1-1933 tại Phú Xuân, Thừa Thiên. Vào TCV An Ninh, Quảng Trị, ngày 17-9-1945. Lên ĐCV Phú Xuân, Huế, ngày 1-9-1953. Từ 1954 đến 1956, vào học ở Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Thụ phong linh mục ngày 29-6-1959 tại Genova, Italia, nơi ngài đang du học.

1959 – 1961: Phó xứ Phủ Cam, Huế.

1961 – 1964: Giáo sư trường Thiên Hựu, Huế.

1964 – 1965: Phó xứ Thạch Hãn, Quảng Trị.

1965 – 1967: Quản xứ Bố Liêu, Quảng Trị.

1967 – 1973: Thư ký Tòa Tổng Giám mục Huế.

1973 – 1975: Quản xứ Hải Thọ, Quảng Trị.

1975 – 1995: Quản xứ Diên Sanh, kiêm La Vang.

1995, bàn giao La Vang cho cha quản nhiệm Giuse Dương Đức Toại. Ngài vẫn tiếp tục trọng trách quản xứ Diên Sanh và cộng tác với cha tân quản nhiệm để phát triển La Vang cho đến ngày nghỉ hưu.

20 năm kiêm La Vang là 20 năm đầy “khó khăn và tế nhị” đối với Giáo phận Huế nói chung, đối với Thánh địa La Vang nói riêng.

Nhưng dù khó khăn cách mấy, cha E. Nguyễn Vinh Gioang cùng bổn đạo của mình cũng cương quyết bằng mọi giá bảo vệ và giữ gìn nhà Mẹ.

Biết rằng không chỉ khó khăn mà cả nguy hiểm nữa, ngài vẫn tổ chức thành công, đúng định kỳ ba năm một lần, từ 1978 đến 1993, 6 kỳ Đại hội: 18 (1978), 19 (1981), 20 (1984), 21 (1987), 22 (1990), 23 (1993), chưa kể những kỳ Hành hương thường niên, kiệu Minh niên và những ngày Lễ Đức Mẹ quanh năm.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ mọi thứ, ngài vẫn sắp đặt dọn dẹp vệ sinh và từng bước tái thiết cơ sở vật chất từ đống đổ nát do bom đạn trong cuộc chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 để lại.

Chi li ghi chép những sự kiện xảy ra tại La Vang trong suốt thời kỳ khó khăn và tế nhị, nhờ đó lịch sử Hành hương Đức Mẹ La Vang không bị gián đoạn, từ khởi thủy cho đến hiện nay.

6. LINH MỤC GIUSE DƯƠNG ĐỨC TOẠI, QUẢN XỨ THỨ SÁU GIÁO XỨ LA VANG VÀ QUẢN NHIỆM THỨ TƯ TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

Linh mục Giuse Dương Đức Toại sinh ngày 13-6- 1941 tại An Ninh, Quảng Trị. Tháng 9-1951, vào TCV An Ninh, Quảng Trị. Từ 1953 đến 1956, theo TCV từ An Ninh dời vô Phú Xuân, Huế (mượn tạm cơ sở của ĐCV), rồi học tiếp ở trường Thiên Hựu, 1957 – 1960, cho đến hết chương trình TCV.

Năm 1961, lên Đại Chủng viện, học ở Đại Chủng viện Xuân Bích – Thị Nghè, Sài Gòn. Sau đó ra Huế học ở Đại Chủng viện Phú Xuân. Thụ phong linh mục ngày 22-8-1968 tại Linh đài Đức Mẹ La Vang, do Đức TGM Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ phong.

1968 – 1969: Phó xứ Tân Thuận, Thừa Thiên.

1969 – 1972: Giáo sư trường Thiên Hựu, Huế.

1972 – 1975: Quản xứ Quy Lai, Thừa Thiên.

1975 – 1995: Quản xứ Thạch Bình, Thừa Thiên.

1995 –2006: Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

2006 – 2010: Đặc trách Ban Bác ái Xã hội Tổng Giáo phận Huế.

Qua đời lúc 14 giờ 30 ngày 17-2-2010 tại Bệnh viện Trung Ương Huế. Hưởng thọ 69 tuổi, 42 năm linh mục. An táng tại Nghĩa trang Linh mục, núi Thiên Thai, Huế.

Trong suốt 11 năm phục vụ ở La Vang, cha Giuse cùng với Tổng Giáo phận Huế đã nỗ lực tối đa nâng danh tiếng Đức Mẹ La Vang lên tầm cao mới:

– Theo sự chỉ đạo của Đức TGM Huế tổ chức thành công bốn Đại hội và bốn Đại lễ: Đại hội La Vang 24 (1996), Đại lễ Khai mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang (1998), Đại lễ Kỷ niệm Hai trăm năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1998), Đại hội La Vang 25– Đại lễ Bế mạc Năm Toàn Xá Đức Mẹ La Vang (1999), Hành hương Kỷ niệm 100 năm Đại hội La Vang (2001), Đại hội La Vang 26 (2002) và Đại hội La Vang 27 – Đại hội Thánh Thể toàn quốc (2005). Đó là chưa kể những kỳ Hành hương thường niên, kiệu Minh niên và những ngày Lễ Đức Mẹ quanh năm.

– Tạo dựng cơ sở vật chất, đẩy lùi cảnh hoang tàn đổ nát vào quá khứ, khiến Thánh địa La Vang ngày càng phong quang cảnh sắc, xứng đáng là một thiên đài toàn quốc, thu hút con cái Mẹ từ muôn phương đổ về.

7. LINH MỤC GIACÔBÊ LÊ SĨ HIỀN, QUẢN XỨ THỨ BẢY GIÁO XỨ LA VANG VÀ QUẢN NHIỆM THỨ NĂM TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG (TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG).

Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền sinh ngày 19-8-1942 tại Kẻ Văn, Quảng Trị. Vào TCV Phú Xuân, Huế năm 1957 (học ở trường Thiên Hựu). Lên ĐCV Xuân Bích, Huế năm 1964. Thụ phong linh mục ngày 18-6-1972 tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, Huế.

1972 – 1973: Quản xứ Thanh Hương, Thừa Thiên.

1973 – 1975: Giáo sư, Giám thị trường Thiên Hựu, Huế.

1975 – 2001: Quản xứ Hà Úc, Thừa Thiên.

2001 – 2006: Quản xứ Nước Ngọt, Thừa Thiên.

2006 – 2018: Quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

2018: Nghỉ hưu.

Trong suốt 12 năm làm quản nhiệm La Vang, điều tưởng như khó khăn đã trở nên dễ dàng khi chính quyền tỉnh Quảng Trị, theo yêu cầu của Tòa Tổng Giám mục Huế, trả lại gần như toàn bộ đất đai (21,1780 ha) cho La Vang vào năm 2008. Từ đó, cha quản nhiệm Giacôbê, dưới sự chỉ đạo của Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, có đủ thuận lợi để tạo lập cho La Vang một diện mạo mới mỗi ngày:

– Đền bù và di dời dân chúng, hàng quán ra ngoài.

– San lấp mặt bằng.

– Đại trùng tu Linh đài, nơi Đức Mẹ đã hiện ra vào năm 1798. Ba cây đa do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế được hoàn chỉnh lại.

– Xây tường thành bao quanh và xây mới 450 buồng vệ sinh khép kín quanh tường.

Không thể không nhắc đến những biến cố quan trọng diễn ra từ năm 2006 đến 2018: với 4 lần Đại hội, 8 cuộc Hành hương, LễĐặt viên đá xây dựng Vương Cung Thánh Đường, Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam, kiệu Minh niên và những cuộc hành hương mừng Lễ Đức Mẹ quanh năm.

Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền đã được Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chấp thuận cho nghỉ hưu vào ngày Lễ Tạ ơn Đức Mẹ La Vang, 13-4-2018, sau 12 năm toàn tâm toàn lực phục vụ Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang.

8. LINH MỤC MICAE PHẠM NGỌC HẢI, QUẢN XỨ THỨ TÁM GIÁO XỨ LA VANG VÀ QUẢN NHIỆM THỨ SÁU TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG.

Linh mục Micae Phạm Ngọc Hải sinh ngày 1-12-1969, tại Tây Lộc, Huế. Nguyên quán Đồng Phú, Đồng Hới, Quảng Bình. Rửa tội ngày 6-12-1969 tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, Huế. Sinh viên Đại học Sư phạm Huế, khoa Pháp văn, khóa 1992-1994. Chủng sinh ĐCV Huế khóa 11/1994 -5/2001. Thụ phong linh mục ngày 29-6-2001 tại nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam, Huế.

– 10/2001 – 9/2006: Du học tại Áo quốc (Austria). Phân khoa Thần học của Đại học Leopold-Franzens-Universitaet Innsbruck. Ngành học: Tín lý; Thần học Hệ thống. Hoàn tất chương trình học ngày 4-4-2006 với văn bằng Tiến sĩ Thần học.

Trở về Việt Nam, ngài lần lượt được bổ nhiệm:

– 9/2006 – 9/2007: Phụ tá Đặc trách Dự tu/ Tiền chủng viện.

– 9/2007 – 4/2018: Đặc trách Dự tu/ Tiền chủng viện. Giảng dạy tại ĐCV Huế, Học viện Liên dòng nữ GP Huế.

– 2011 – 2018: Trưởng Ban Phụng tự GP Huế.

– 2012 – 2018: Phó trưởng Ban Giáo lý GP Huế.

– 2016 – 2018: Giáo sư Học viện Công giáo thuộc HĐGMVN.

Ngày 13-4-2018, Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh bổ nhiệm ngài làm Quản nhiệm Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang. Lễ nhậm chức diễn ra tại La Vang ngày 1-5-2018, trong thánh lễ do cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh chủ tế.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(29) Xem thêm Phần Năm, Mục I: Những nhân vật trọng yếu trong tiến trình phát triển Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang.

(30) Trần Quang Chu: Hành hương La Vang. Tập II. Photocopy, tr.244.

(31) Bán Ns.Tông đồ. Số 147, tr.392.

(32) Ns. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Số 112, tháng 9-1958, tr.304.

(33) Trần Quỳ (California): Ghi từ cuốn phim Đại hội La Vang 15/1961.

(34) Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 11, tháng 7-1962, tr.14.

(35) Bán Ns. Tông đồ. Số 147, tr.392.

(36) Lm. Stanilaô Nguyễn Văn Ngọc: Linh địa La Vang, tr.149.

(37) Ns. Nguồn sống. Số 8, ngày 15-2-1959, tr.37.

(38) Trần Quỳ (California): Ghi từ cuốn phim Đại hội La Vang 15/1961.

(39)Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang. Tòa Tổng Giám mục Huế: Kỷ yếu Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam – Đại hội Hành hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29, 2011.

(40) Ns. Nguồn sống. Số 8, ngày 15-2-1959, tr.35.

(41) Viết theo Tiểu sử các linh mục giáo phận Huế (nhiều tác giả). Cuốn 2 + Thông tin từ Ban Truyền thông TGP Huế.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 6 – Phần 3