Tập sách Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang – Chương 8 – Phần 1

02/07/2023

TRẦN QUANG CHU

(Biên soạn)

 

TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG

 

KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG

LẦN THỨ 27 (2005)

CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)

 

CHƯƠNG TÁM

ƠN LẠ ĐỨC MẸ LA VANG

 

I. NHỮNG ƠN LẠ ĐIỂN HÌNH XẢY RA Ở TIỀN BÁN THẾ KỶ XX.

1. BÁT CANH, VÀY CỎ LA VANG (1).

Ở họ Kim Long, Địa phận Huế, có chàng thanh niên tuổi mười bảy tên Luật, xuất thân con nhà đạo đức, gia cảnh đủ ăn, cha mẹ tuổi ngoại lục tuần, anh chị em đông nhưng mỗi người một phương. Luật là con út ở nhà với cha mẹ, ân cần khuya sớm.

Giữa năm Giáp Dần 1914, Luật đang khỏe mạnh bỗng lâm những chứng bệnh dị thường. Bắt đầu từ đau cúm, hết cúm đến chàm bàm (quai bị), hết chàm bàm đến đen lưỡi: “Lưỡi hóa đen thui tợ than bôi, nhám tợ da cóc, khô như miếng mực nang. Môi tím ngắt dường máu bầm. Thêm thay hỏa phát gần gan mà sinh nói dại như người sốt máu. Bạ chi nói nấy… Ăn thì chẳng đặng bao lăm mà không hề ngủ. Nó đòi rước cha cho nó xưng tội, song cha đến nó cứ nói tầm phào… như đứa điên dại”.

Cha mẹ Luật thương con không ngại tốn hao chạy đủ phương đủ hướng, đủ thầy đủ thuốc, nhưng tất cả – Nam y và Tây y – đều vô vọng. Cuối cùng ông bà thuê đò đưa con xuống Nhà thương Huế. “Quan Năm thầy thuốc án mạch cùng chích thử vài huyệt để coi bèn chắc lưỡi lắc đầu đoán cho là nan chi bệnh. Bởi đó phải chở nó về nhà, việc sống thác phó mặc Đấng cầm quyền sinh tử”.

Từ khi về nhà bệnh càng thêm nặng: “Nước miếng keo như mật thắng, trắng tợ xà bông. Mặt mày võ vàng, da thịt chai đá. Không biết sợ, nỏ biết đau. Đạp phản ầm ầm, đấm rầm độp độp mà kể như không. Nhiều lần loa đầu lõa máu mà cũng vui cười…”

Để tránh nguy hiểm cha mẹ nó phải trói tay chân nó lại.

Ngày 9-1-1915, nhằm ngày 24 tháng 11 năm Giáp Dần, một đứa con trong gia đình đang học ở Nhà Trường Huế (Đại Chủng viện Huế) về thăm nhà, lãnh ý cha mẹ vội vàng đi xe lửa ra La Vang khấn xin Đức Mẹ cứu giúp bệnh tình em trai. Khấn xong thầy ra vườn nhổ nắm cỏ rồi hối hả quay về cho kịp chuyến tàu vô, mong về nhà sớm cho em mau nhờ thuốc Mẹ.

Nghỉ một đêm, sáng ra đi lễ vừa về thầy đem nắm cỏ biểu em trai nhai sống ít vày, còn bao nhiêu đem nấu canh cho nó uống. Nội ngày ấy đã thấy dấu hiệu lành, cách ngày sau thấy khá hơn. Từ đó bệnh tình diễn biến càng lúc càng khả quan: “Lưỡi trắng ra lần hồi, da đỏ lại như trước, biết uống nước sau khi ăn, biết xét lời trước khi nói, hết nói nhảm, thôi làm chạ…”.

Ước chừng một tháng qua, nhân dịp tết, ngày mồng một thấy nó rước lễ trong nhà thờ. Điệu bộ chững chàng, da dẻ hồng hào, mặt mày tươi tỉnh, bà con thân nhân, hàng xóm láng giềng ai cũng mừng, quả quyết đó là ơn lạ Đức Mẹ La Vang cứu chữa.

2. THUỐC LA VANG(2).

Nguyên năm 1913 là năm tổ chức Đại hội La Vang lần thứ 5, giáo hữu đến tham dự đông đúc, trong đó có số giáo hữu tân tòng mới nhập đạo. Hai vợ chồng người lính Stêphanô Xứng tuy mới chịu phép Rửa tội, đi La Vang lần đầu song thấy cuộc kiệu trọng thể và mọi người tỏ lòng sốt sắng thì cũng dốc tâm sùng bái Đức Mẹ. Vì vậy khi vừa mãn cuộc kiệu, cả hai vợ chồng cố chen lấn bứt cỏ, lặt lá trong vườn Đức Mẹ rồi xin cha làm phép đem về phòng khi bất trắc. Trong nhà có ai đau ốm thì vợ chồng lính Xứng cứ việc nấu lá cho uống, bình an vô sự.

Ngày kia, bà Bộ Chạng làng An Xuân, người lương, đau nặng đã bốn năm ngày, thuốc thang tốn kém cũng nhiều song vô hiệu. Vì có bà con họ hàng, vợ chồng lính Xứng qua lại thăm viếng. Trong cơn thất vọng, nghe lính Xứng có đi đạo, ông Bộ Chạng hỏi Xứng: “Anh có thuốc gì bên đạo cứu tôi với?” Xứng thưa rằng: “Có! Có thứ lá tôi xin ngoài nhà thờ Đức Mẹ La Vang, nếu ông bằng lòng tôi sắc cho vợ ông uống. Thiên hạ nói nhà thờ ấy linh lắm”. Bộ Chạng đồng ý. Lính Xứng xăng xái về nhà lấy lá biểu Bộ Chạng sắc cho vợ uống. Bà Bộ Chạng uống liền mấy lần, sắc mặt hồng hào, trong mình khỏe khoắn. Uống thêm mấy bữa thì mạnh luôn.

Lần kia, đứa con ông trưởng hội giáo làng An Xuân đau cổ trướng, sình bụng, sôi bọt miếng nằm bất tỉnh, gia đình đã toan lo hậu sự. Xứng nghe thế qua thăm, nhằm lúc vợ chồng hội trưởng, cũng là tân tòng, đức tin chưa vững, bồng đứa nhỏ ra để nơi nhà thờ hội kẻo sợ ma quỉ hay ông bà về bắt. Xứng an ủi còn nước còn tát, xin phép ông bà cho cháu nhỏ uống nước lá La Vang, hòng xin ơn Mẹ cứu giúp. Trong cơn rối rắm, ừ, thì bảo sao nghe vậy. Lạ thật, nước lá uống đến đâu đứa nhỏ tỉnh ra đến đó. Nó mở mắt đòi bú. Nghe lạ, cả làng An Xuân đều đến xem, chứng kiến chuyện cải tử hoàn sinh.

Khi ơn lạ này được đăng báo thì bệnh nhi đã khỏe mạnh, nhân chứng còn sống cả. Cha Giuse Trang sẵn sàng làm chứng.

3. ĐÔI VỢ CHỒNG HIẾM MUỘN(3).

Họ Tùng Luật thuộc địa sở Di Loan trước đây có số gia đình Công giáo tương đối đông nhưng nay đã trở lại toàn lương(4), chỉ trừ hai vợ chồng son kia.

Hai ông bà kết hôn đã lâu, cuộc sống phu thê đầm ấm, vật chất dùng đủ, đạo hạnh hẳn hoi, nhưng rủi chẳng có mụn con nào. Đã nửa đời người mà phải cảnh vợ chồng son. Tâm sự nhỏ to, bàn bạc trước sau, chỉ còn cách vào La Vang khấn Mẹ.

Bấy giờ là khoảng năm 1916, người chồng lãnh phận sự ra đi, vào đền thờ Mẹ cầu nguyện khấn xin rồi theo cách người ta thường làm quơ đại nắm cỏ mang về cho vợ uống. Chẳng bao lâu, người vợ thọ thai sinh được đứa con trai bụ bẫm. Cả nhà mừng vui tạ ơn Mẹ.

Song chẳng may, “cách ít lâu con trẻ ấy ngộ bệnh phát đau gần chết. Vợ chồng chạy đã hết hơi, nào là lá cỏ lá cây, nào là thuốc viên thuốc bột, người chỉ thầy nọ, kẻ vẽ thầy kia song đều là vô ích”. Vợ chồng tính đã hết phương, nghĩ chỉ còn cách dâng con cho Đức Mẹ La Vang: “Con Đức Mẹ phú cho Đức Mẹ, sinh ra cũng nhờ Đức Mẹ, chết sống cũng trong tay Đức Mẹ”. Dâng con xong vợ chồng khấn xin: “Nếu Đức Mẹ thương thì cho con gặp thầy gặp thuốc”.

Thế rồi “có bà lạ kia đi bán vải tới nhà vào buổi trưa, nghỉ chân ăn trầu uống nước. Bà thấy con trẻ đau làm vậy thì đưa cho người chồng ít viên thuốc và dặn hãy cho cháu uống ắt thuyên bệnh, tôi đi bán vải quanh đây sẽ trở lại”. Người chồng theo lời dặn đem thuốc cho con uống thấy dấu hiệu khả quan, cho uống thêm vài viên thì tỉnh lại, đòi ăn. Vừa hết thuốc thì cháu bé vừa lành. Vợ chồng mừng rỡ, sực nhớ chạy tìm bà bán vải để tạ ơn, song hỏi han khắp nơi chẳng ai biết tăm dạng. Hay bà này chính là người Đức Mẹ soi đàng chỉ lối đem thuốc đến cứu giúp con mình? Hai vợ chồng cả nghĩ mà không có câu trả lời. Chỉ biết một điều con mình là con Đức Mẹ La Vang ban cho.

4. CHÚT CỎ VƯỜN MẸ(5).

… Chúng tôi đi viếng Đức Mẹ lần này là vì cha Matthêu Đức, cha sở Hạnh Thông Tây, hạt Gia Định năm nay đã 58 tuổi, năm kia cha đau nặng, đau trong ruột, ăn uống không đặng, đau đã lâu năm lâu tháng, một ngày một yếu. Sau hết chẳng còn làm việc đặng, nằm luôn bốn tháng, bệnh một ngày một thêm. Khi thấy cha nằm thì coi như xác chết nằm đó mà chưa liệm. Chạy đủ thầy danh sư, chân đã dẫy sưng nhiều lần, sưng tới trên bụng. Thầy Tây, Nam đủ hết, bệnh cứ một ngày một thêm. Các cha cùng bổn đạo tới thăm ai nấy đều sa nước mắt, sợ nay mai ắt cha sẽ lìa thế. Những kẻ tới thăm thì nói chuyện nho nhỏ với nhau kẻo người mệt. Ấy chỉ dấu là bệnh nặng quá. Tờ trối cha đã làm rồi. Mọi sự hồn xác cha đã sắp đặt hầu lên đàng xa! Rất đỗi thảm thương! Lúc ấy có hai vợ chồng thầy Lê Phát An đến thăm, thấy vậy thì liền lên xe hơi rước một thầy Tây rất danh tiếng là Docteur Vielle. Thầy này đạo đức, tuần mạch kỹ cang. Thầy đốc tờ thăm bệnh cha độ trót một giờ. Cha xin thầy nói thiệt bệnh cha làm sao. Thầy trả lời rằng: bệnh cha rất nặng, sức người thế gian không thể chữa đặng vì ruột gan cha đã hư bấy hết. Như mà bằng an, nghĩa là cha không bị cơn rét hành cha thì tự nhiên trong một tháng nữa cha phải chết. Còn như có điều chi uất trắc chút đỉnh, hoặc tại đồ ăn không tiêu, hoặc có rét chút ít thì bất kỳ nay mai gì cũng chết đặng vì yếu lắm rồi. Dầu vậy thầy vẫn làm toa kỹ lưỡng mà bổ thuôc cho cha uống thử, cùng chỉ đồ ăn nhẹ là trứng gà luộc sơ, nước xúp chút đỉnh. Cha làm như lời thầy dạy ba ngày mà một ngày một thêm mệt đuối.

Còn đồ ăn dù rất nhẹ là lòng đỏ trứng gà luộc sơ mà cũng không tiêu, trứng gà ra trứng gà y nguy. Mỗi tuần ở Chợ Lớn tôi đều qua thăm cha, ở luôn cả ngày. Lúc đau nặng năng đến hơn. Tôi thấy trước mắt thật là thảm thương!

Bây giờ là lúc thiên hạ ngã lòng thì mới rõ phép Chúa. Nhớ lại Đức Mẹ La Vang đã chữa vợ thầy Thạnh tại Cầu Kho, cũng đau nặng mà Đức Mẹ cứu. Cô này khi mạnh đã đi tạ ơn Đức Mẹ, lần ấy có lấy cỏ tại La Vang đem về. Biết vậy, cha sai người đi xin chút cỏ ấy, rồi xin đưa viết chì và giấy. Cha nằm mà viết lời nguyện như sau:

“Kính lạy Đức Mẹ khoan nhơn hay thương giúp kẻ ngặt nghèo và chẳng hề từ rảy lời kẻ tin cậy, cầu khẩn cùng Đức Mẹ. Nay bệnh con đã cùng thế, ai nấy đều nói không còn trông đặng thuốc thế gian. Hôm nay là thứ bảy đầu tháng, là ngày riêng của Đức Mẹ. Xin Mẹ dùng quyền phép Mẹ và lòng nhân từ Mẹ mà cứu chữa con. Này có chút dấu tích Mẹ nơi cung thánh La Vang, con xin dùng chút này như thuốc Mẹ bởi trời giáng xuống. Xin Mẹ làm cho con đặng đã các bệnh hoạn trong mình. Mẹ cứu con thì con sẽ đến nơi cung thánh La Vang mà tạ ơn Đức Mẹ và dâng mình lại cho Đức Mẹ mà làm tôi Chúa, cho sáng danh Con Đức Mẹ và sáng danh Đức Mẹ cho đến muôn đời. Amen”.

2 Avril 1921.

Cho uống nước có chút cỏ La Vang vào và đọc kinh ấy ba ngày. Còn thuốc trị bệnh thì cha vẫn rước lại thầy Annam hốt thuốc xưa nay cho cha. Thầy bốc thuốc và cho cha ăn cơm như người thường, thầy biểu cha cứ ăn, không sao. Sự lạ! Chút tròng đỏ trứng gà không tiêu mà bây giờ ăn cơm đặng liền. Đó, khỏi ba ngày uống nước cỏ La Vang, đọc kinh cha viết đó, còn thuốc thì vẫn thuốc thầy xưa nay, không phải danh sư mà bệnh một ngày một giảm. Cách ít bữa cha làm lễ đặng rồi kiệu ảnh trong họ mà tạ ơn Đức Mẹ. Trong buổi kiệu có ít cha đến, có vợ chồng thầy Lê Phát An, vợ chồng thầy Thạnh đến xem lễ cha làm tạ ơn Đức Mẹ tại Hạnh Thông Tây. Sau đó cha chờ lệnh Đức cha ban phép đi La Vang mà tạ ơn Đức Mẹ như lời cha đã khấn nguyện…

Khi cha Matthêu Đức đặng ơn Đức Mẹ mà lành bệnh thì mọi người đều lấy làm lạ. Có kẻ không muốn tin cha mạnh, tưởng đồn huyễn vì có gặp hồi đau và biết là bệnh bất trị, mà nay nghe mạnh, làm lễ đặng, giảng dạy đặng như thường, cha nói khá hơn lúc chưa đau nữa thì lấy làm lạ quá, đi thăm thấy thất kinh. Chính mình tôi gặp hoài mà khi thấy người đi đứng chững chàng thì tưởng là người nào khác đã chết lâu năm mà sống lại, coi như việc chiêm bao vậy. Người ta tưởng khác mà Chúa làm khác, mà việc Chúa làm thì trí người đời không thấu đặng.

Năm ngoái, khi thấy khá rồi thì cha xin phép Đức cha đi viếng Đức Mẹ tại La Vang mà tạ ơn. Đức cha sợ ngài chưa mạnh thiệt mà rủi dọc đường e bất trắc gì chăng nên dạy đợi một năm. Năm nay dù chưa đúng kỳ Đức cha dạy đợi song nhân dịp tháng nghỉ nên cha xin Đức cha cho phép đi và xin một cha Nhà Trường (Đại Chủng viện) coi họ thế. Đức cha cho phép song thêm rằng “Cho đi mà phải có một cha đi theo”. Cha chỉ tôi thì Đức cha thuận liền. Bởi thuở nay tôi không tính đi La Vang bao giờ nhứt là không có xe nên không tưởng đến. Lại việc trong họ lăng xăng, đương lo cất nhà thờ mà một đồng không có, bỏ nhà mà đi làm sao? Bởi đó trong bụng không vui mấy.

… Đang khi cha Matthêu Đức làm lễ (tại bàn thờ chính trong ngôi nhà thờ ngói cổ) thì xem rất động lòng vì thấy đó là Đức Mẹ cứu cho khỏi chết cách lạ. Một năm trước đây thì ai nấy ngã lòng, không hy vọng gì cha mạnh lại. Mọi việc thật đã hết sức rồi mà chẳng có dấu chi mệt, một ngày một thấy khỏe thêm. Hồi đi, Đức cha và cha bề trên dặn tôi đừng đi luôn cả ngày, phải nghỉ nhiều chặng kẻo cha mệt. Song hôm đi, thấy càng đi cha càng khỏe nên đi riết cả ngày. Sớm mai bốn giờ đã thức dậy rồi đi luôn đi đến chín mười giờ tối, lên đèo xuống ải luôn luôn mà không thấy cha mệt chút nào nên mới đi luôn cho mau tới Đức Mẹ…(6).

5. QUÃNG ĐỜI RẮC RỐI(7).

Gia đình tôi chỉ còn lại hai cha con. Tôi học lớp Tứ Niên trường Đồng Khánh, còn cha tôi là một quan chức hồi hưu.

Năm ấy cha tôi mắc phải bệnh lao, tôi đành xếp sách lo phụng dưỡng cha già. Vốn không dư dật khá giả, nay phải thuốc thang cho cha, nhà tôi lâm cảnh túng bấn. Đã thế, trong cơn quẫn bách, tôi phải vơ vét hết những tư trang kỷ niệm cuối cùng dùng vào các việc dị đoan, cúng bái chỉ mong cứu mạng cha già.

Tôi nhớ có lần chị X, bạn thân nói chuyện Đức Bà La Vang ở Quảng Trị hay làm phép lạ, thi ân giáng phúc cho người dù lương hay giáo. Tôi giấu cha tôi lặng lẽ ra miền La Vang với một chút hy vọng. Tôi là người lương, không biết đọc kinh, không biết cầu nguyện, nhưng thấy người ta vào nhà thờ, tôi vào theo. May sao khi ra cửa gặp cha Tây, mặt mày hiền từ, nghe tôi nói hoàn cảnh ngài an ủi đôi lời rồi cho ăn cơm, sai người múc cho tôi chai nước giếng và còn hứa sẽ cầu nguyện cho gia đình tôi.

Thế rồi một thời gian cha tôi trở bệnh nặng. Trong lúc vô kế khả thi tôi sực nhớ tới chai nước giếng La Vang. Vừa uống xong một ly nhỏ, cha tôi buột miệng: “Mát mẻ thật!”. Khi ấy khuôn mặt cha tôi trông thơ thới như người khỏe mạnh, rồi ngả mình an giấc.

Từ giờ phút ấy chai nước đối với tôi trở nên vật quý giá vô cùng. Suốt đêm tôi ngồi ôm chai nước, chỉ chờ cha tôi thức giấc để rót thêm cho uống. Uống được vài lần cha tôi hết ho hen, ngủ yên cho tới sáng. Ôi nước giếng La Vang, thần dược hiệu nghiệm. Tôi sung sướng đến quên cả mệt mỏi dù đã thức trắng một đêm. Cha tôi tỉnh giấc, tôi định vớ chai nước rót thêm nhưng cha tôi ngăn lại hỏi: “Con ơi, vậy chớ thuốc gì đâu mà chỉ vài ly nhỏ bệnh cha qua một đêm mười phần đã hết tám chín?” Tôi thưa bẩm ậm ẹ cho qua chuyện, không dám nói tới chữ “La Vang” vì biết cha tôi trước nay không ưa gì chữ “đạo”.

Một tháng sau, uống hết chai nước thì cha tôi lành mạnh lại như xưa, ăn uống, đi đứng bình thường.

Tôi không thể không nghĩ đến Đức Bà La Vang đã ban ơn tái tạo đấng sinh thành. Tôi giấu cha tôi, nói đi dự đám cưới rồi lẻn ra La Vang tạ ơn Thánh Mẫu. Ai dè ở nhà có người đâm tin, cha tôi giận dữ cầm gậy săng (gỗ) tức tốc lên tàu hỏa ra La Vang tìm tôi. Bao nhiêu nỗi bực tức đều được trút lên cây gậy săng. Tôi cắn răng chịu trận, bầm mình bầm mẩy, tóc tai bù xù, miệng tứa máu. Trên chuyến tàu vô, người ta nhìn tôi mỉa mai thậm tệ, chắc họ nghĩ trong đầu tôi là gái hư bỏ nhà đi hoang.

Về nhà tôi còn chịu thêm mấy trận đòn như thế vì cha tôi chưa nguôi giận cái tội tôi đi đạo. Tôi cố chịu đựng và thầm hy vọng đòn vọt này có thể cảm hóa được cha tôi. Mà quả như tôi dự đoán, khi giận thì đánh đập tưng bừng nhưng khi thấy con tơi tả thì cầm lòng không đậu mà khóc ròng theo con. Thừa dịp, tôi ôm chầm lấy chân cha tôi kể hết mọi sự tình. Nào chuyện mồ côi nhớ mẹ, nào chuyện tư trang kỷ niệm phải bán đi để thuốc thang cho cha, nào chuyện cái chai nước La Vang có phép mầu nhiệm cải tử hoàn sinh… Thật bất ngờ, cha tôi trở giọng dịu dàng: “Con ơi, thật thì cha chẳng giấu chi con, hồi trước khi con cầm chai rót nước thì lạ sao mắt cha thấy những hào quang sáng láng nhấp nhánh quanh miệng chai. Cha đã cố tình nhìn kỹ đôi ba lần cũng đều thấy rõ như vậy… Nhưng con ơi, hẳn con cũng biết cha là một quan viên ăn trên ngồi trước trong làng mà bây giờ cải lương tòng giáo thì dân làng sẽ coi cha ra sao?” Tôi lựa lời an ủi cha tôi và không quên cầu xin ơn Đức Bà La Vang phù hộ…

Hôm nay, đã mười lăm năm trôi qua, một buổi tối thật đầm ấm hạnh phúc, cả nhà chúng tôi – cha con, vợ chồng, các cháu – quây quần bên nhau, chén tạc chén thù mừng thượng thọ thất tuần cha tôi. Tiệc chưa mãn cha tôi đã nhắc: “Sắp tới giờ thắp đèn đọc kinh trước bàn thờ Đức Mẹ La Vang rồi nghe”. Đó cũng là lúc tôi hạ bút kết thúc câu chuyện Quãng đời rắc rối rất thật, rất hậu của chính đời tôi.

6. GIẤC MƠ HOA(8).

Hai ông bà Nghè Nguyễn Khắc Nhân và Tôn Nữ Thị Quyên đã luống tuổi mà chỉ có ba con trai. Cậu út bấy giờ cũng đã lên năm nên ông bà ao ước được mụn con gái vui hưởng tuổi già. Bà Nghè dù chưa nhập đạo nhưng cũng có lòng tôn kính Đức Mẹ La Vang, bà thường khấn: “Xin Đức Mẹ La Vang linh thiêng ban cho một đứa con gái. Nếu được toại nguyện bà xin theo đạo như ông”.

Một tối kia bà Nghè nằm mơ thấy một Bà rất tốt đẹp, bận toàn trắng, tay cầm nhiều tràng hoa thọ kép. Bà Nghè xin một tràng, Bà kia cho. Xin thêm tràng nữa thì Bà mỉm cười rồi biến mất. Bà Nghè thức dậy thuật lại giấc mơ cho chồng nghe. Ông quả quyết: “Đức Mẹ La Vang đã nhận lời, mình sẽ mang thai và sinh con gái”. Từ ngày đó bà Nghè có thai thật.

Ngày 15-8-1913, hai ông bà cùng đến nhà thờ Thạch Hãn dự lễ như mọi khi. Đi được nửa đường bà thấy trong mình có khác nên quay về. Ông một mình vừa đến nhà thờ thì linh tính thế nào cũng quay về theo. Tới nhà nghe bà chuyển bụng, có cô mụ hộ sinh mà vẫn không sinh được. Ông Nghè biết thai nghịch vội vã mượn ngựa phóng lên La Vang cầu xin Mẹ và xin nước phép mang về cho bà uống rồi dùng nước ấy vỗ lên trán. Lạ thay bà sinh nở dễ dàng.

Ông Nghè ôm con đến dâng trước bàn thờ Đức Mẹ: “Lạy Mẹ, đây thật là con của Mẹ. Chúng con xin dâng cho Mẹ”. Ông cụ đặt tên con là Nguyễn Thị Phi Phụng và âu yếm nói với con: “Ba ước ao sau này con sẽ được huy hoàng như chim phụng. Còn nếu con làm gì nên vẻ vang thì con sẽ mang tên Mộng Hoa để kỷ niệm giấc mơ hoa mà má con chiêm mộng”.

Ba ngày sau, bé gái được đưa vào nhà thờ chịu Phép Rửa với thánh danh Maria. Mười sáu năm sau Maria Phi Phụng nổi danh trên đường nghệ thuật, khắp toàn quốc. Người ta biết đến bà với tên Maria Mộng Hoa.

(Còn tiếp)

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

(1) Đức cha Đ. Hồ ngọc Cẩn: Bài Ơn lạ Đức Mẹ La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 327, ngày 29-4-1915, tr.246-249. Người biên soạn đặt nhan đề và biên tập lại. Những câu trong ngoặc kép là câu nguyên văn.

(2) Joseph (cha Giuse Trang): Bài Ơn lạ Đức Mẹ La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 353, ngày 28-10-1915, tr.661-662. Người biên soạn đặt nhan đề và biên tập lại. Những câu trong ngoặc kép là câu nguyên văn.

(3) Phêrô Nghĩa (Lm. Philipphê Lê Thiện Bá): Bài Ơn lạ Đức Mẹ La Vang. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 610, ngày 4-11-1920, tr.697-698. Nhan đề do người biên soạn đặt.

(4) Bấy giờ, vì kinh tế khó khăn, người Công giáo họ Tùng Luật tự nguyện vào Nam di dân lập ấp hoặc làm công nhân ở các đồn điền cao su.

(5) JB. Hướng (Lm. JB. Huỳnh Tịnh Hướng – cha sở họ đạo Ngã Sáu – Chợ Lớn): Bài Đi viếng Cung thánh Đức Mẹ La Vang (lược trích nguyên văn). Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 729, ngày 8-3.1923, tr.136-137.

(6) Theo tài liệu đã dẫn, trong cuộc hành hương này cha Matthêu Đức còn đi thăm dòng Phước Sơn, TCV An Ninh, sở Phước Môn, họ Phú Ngạn (nơi cha Giuse Trang làm quản xứ) và danh lam thắng cảnh Huế… trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình phục.

(7) Mme HTKN: Bài Quãng đời rắc rối. Tb. Vì Chúa. Số 11, ngày 27-11-1936, tr.5-6 + Số 12, ngày 4-12-1936, tr.3-4 + Số 13, ngày 11-12-1936, tr.6 + Số 14, ngày 18-12-1936, tr.5. Người biên soạn lược trích và biên tập lại.

(8) Xuân Lý: Bài Những ơn lạ. Ns. Đức Mẹ La Vang. Số 9, tháng 5-1962, tr.57-59. Nhan đề do người biên soạn đặt.

=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 8 – Phần 1