TRẦN QUANG CHU
(Biên soạn)
TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC LA VANG
KỶ NIỆM ĐẠI HỘI LA VANG
LẦN THỨ 27 (2005)
CẬP NHẬT ĐẾN ĐÌNH HOÃN ĐẠI HỘI LA VANG LẦN THỨ 32 (2020, 2021)
CHƯƠNG TÁM
ƠN LẠ ĐỨC MẸ LA VANG
I. NHỮNG ƠN LẠ ĐIỂN HÌNH XẢY RA Ở TIỀN BÁN THẾ KỶ XX.
II. NHỮNG ƠN LẠ ĐIỂN HÌNH XẢY RA TRONG THỜI HIỆN ĐẠI.
1. PHÉP LẠ CÓ ÂM VANG TIN MỪNG(9).
Chị Maria Nguyễn Thị Nhung quê ở giáo xứ Bình Lâm Giáo phận Xuân Lộc mắc bệnh tâm thần, suốt ngày nói nhảm như bị quỷ ám, Đã năm năm trôi qua chị từng đến nhiều bệnh viện chữa trị và mời mười một thầy pháp về nhà trừ quỷ nhưng không chút kết quả. Người nhà đưa chị lên giáo xứ Tuân Hóa, Bảo Lộc gặp cha Truyền, cha khuyên nên đưa bệnh nhân đi La Vang.
Sáng ngày 4-1-1999, chị Maria Nguyễn Thị Nhung, mẹ chị là bà Brigita Nguyễn Thị Gấm cùng 17 người hành hương trong đó có bốn người tôn giáo bạn, từ Đồng Nai đón xe Nam Bắc, đến La Vang lúc 12 giờ 30 ngày 5-1-1999.
Vừa bước chân vào quảng trường Mân Côi chị trì lại không chịu vào, nói sợ Đức Mẹ. Đoàn hành hương gọi xe thồ, phụ nhau bồng chị lên xe đẩy vào Linh đài. Đến bậc thềm thứ tư chị không lên nữa, quỳ xuống từ một giờ trưa đến hơn bốn giờ chiều giữa nắng gắt vùng Quảng Trị.
Bà Gấm, mẹ bệnh nhân cho biết: “Hai ngón chân cái của chị Nhung sít cứng lại với nhau, tôi cố ý tách hai ngón chân ra và xoa dầu nóng nhưng lạ thay lôi mãi không sao tách rời được… Lần lượt nhiều người cố hết sức kéo cho hai ngón chân rời ra nhưng vẫn không xong. Một phụ nữ trẻ đã kéo không được còn té ngửa vào tôi”.
Ông Nguyễn Ngọc Đính, khách hành hương trong đoàn cho biết thêm: “Bệnh nhân quỳ, mình vặn vẹo, hai chân duỗi, tỳ thẳng vào bậc thềm, tiếp đến cả hai tay. Bệnh nhân nói Đức Mẹ chưa cho ngồi”.
Trong tình trạng bị Đức Mẹ khóa như vậy thì nước giếng La Vang chính là chiếc chìa khóa vạn năng cởi trói cho bệnh nhân. Khi đem nước đã được cha Giuse Dương Đức Toại làm phép cho bệnh nhân uống thì hai tay hai chân của bệnh nhân đang dính đét vào bậc thềm Linh đài Đức Mẹ bật tung ra, bệnh nhân nằm bất tỉnh nhân sự. Mấy phút sau bệnh nhân hồi tỉnh, cùng khách hành hương đọc kinh, ca hát ngợi khen Đức Mẹ. Ơn lạ xảy ra trước sự chứng kiến của 60 người, lương có, giáo có.
Chị Maria Nguyễn Thị Nhung ở lại thêm ba ngày nữa mới từ giã La Vang về quê sinh sống.
Vào những ngày giáp tết Kỷ Mão 1999, cha mẹ chị ra La Vang khấn tạ cho biết chị đã hoàn toàn bình phục, đang mua bán làm ăn như cũ. Ngày 20-3-1999, chính chị dẫn một đoàn hành hương ra La Vang tạ ơn Mẹ. Chị sẵn sàng làm chứng về một ơn lạ có âm vang Tin Mừng mà chính chị là người được ơn.
2. CHÁU ĐẠT HẾT CÂM(10).
Cháu Phêrô Hồ Tấn Đạt, 6 tuổi, con ông Giuse Hồ Văn Đông, cư ngụ ở quận Gò Vấp, TP.HCM, bị câm từ nhỏ, không nói được, chỉ ú ớ. Gia đình hết sức lo buồn cho tương lai cháu nên tốn kém mấy cũng cố gắng tìm thầy chạy thuốc. Cuối cùng vẫn tiền mất tật mang.
Trong cơn tuyệt vọng ông Đông nhớ lại lời khuyên của người bạn vừa đi hành hương La Vang về: “Nên đem cháu Đạt ra khấn nguyện Đức Mẹ La Vang vì Mẹ hằng ban ơn thật nhiều cho những ai đến cầu khẩn Mẹ”. Ông vội vàng thu xếp đem cháu Đạt và cả bà nội cháu là bà Catarina Hồ Kim Anh cùng đi La Vang.
Cả ba người đến chầu ở Linh đài Mẹ, lấy nước múc ở giếng Mẹ khấn xin rồi cho cháu Đạt uống. Uống xong tiếp tục cầu nguyện, lại cho uống thêm. Bỗng dưng cháu Đạt biến đổi sắc mặt và hớn hở reo lên: “Bố ơi! Nội ơi! Con nói được rồi!”
Từ ngày ở La Vang về cháu Đạt nói năng bình thường, linh hoạt như trẻ con cùng trang lứa. Gia đình đã bắt đầu cho cháu đến trường. Ai cũng trầm trồ ngạc nhiên và công nhận đây là ơn lạ đặc biệt mà Mẹ La Vang đã thương ban cho gia đình ông Đông.
3. CHÁU NAM LÀNH BỆNH(11).
Ông Nguyễn Hữu Như, giáo dân họ Thuận Nghĩa (xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), Giáo phận Vinh có đứa con trai lên năm tên là Nguyễn Hữu Nam. Cháu Nam bị bệnh tắt mao mạch, da bị hoại tử, toàn thân máu mủ hôi thối. Ai nhìn vào cũng thương cảm, tội nghiệp cho cháu Nam.
Ông Như và gia đình đã cố gắng chạy thầy chạy thuốc cho cháu Nam nhưng tất cả đều vô hiệu. Các toa thuốc kháng sinh liều cao chẳng những không hiệu quả gì mà ngược lại còn gây biến chứng khiến toàn thân cháu phù lên, bụng sình to nguy hiểm đến tính mạng. Cả nhà hầu như tuyệt vọng.
Ba năm cháu Nam lâm bệnh cũng là ba năm cả nhà ông Như dốc tâm cầu nguyện. Dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa họ cũng vững niềm tin vào Chúa và Đức Mẹ. Một khi phương thuốc thế gian đã không còn hiệu nghiệm thì họ chỉ còn trông mong vào linh dược thiêng liêng mà thôi.
Quả thật Đức Mẹ đã ban ơn soi sáng, đưa đường chỉ lối, tạo cơ hội để ông Như đem con đi La Vang khấn xin ơn Mẹ.
Chiều chuẩn bị khởi hành thì cháu Nam trở bệnh nặng, tính mạng chỉ còn ngàn cân treo sợi tóc. Gia đình lo lắng không biết hai cha con có đi đến nơi về đến chốn không, hay rủi ro có điều gì thì làm sao xoay xở. Cuối cùng, vì một lòng tin phó thác nơi Mẹ, ông Như quyết định dứt khoát lên đường.
Vài ngày quý báu ở La Vang, ông Như dành hết thời gian để cầu nguyện, thực hành các việc đạo đức và cuối cùng dâng con cho Đức Mẹ.
Ở La Vang về thì bệnh tình cháu Nam có dấu hiệu giảm. Một tuần sau thì lành hẳn. Nhiều người, trong đó có cả trí thức đến thăm thấy sự thể cháu Nam trước và sau đi La Vang đều lấy làm ngạc nhiên. Những người ngoài Công giáo thì thật thà thẳng thắn: “Tôi không phải là người Công giáo nhưng nay tôi cũng tin vì thấy tận mắt là cháu Nam đã lành bệnh chỉ một tuần sau khi đi La Vang về”.
Riêng ông Như, quá sung sướng đã nói lên nỗi lòng của mình qua thư gởi cha quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang: “Con không biết phải cám ơn Mẹ thế nào, chỉ biết xin cha loan báo rộng rãi cho nhiều người biết để khi gặp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống chạy đến cùng Đức Mẹ La Vang mà cầu xin”.
4. NGẬM NGẢI TÌM TRẦM(12).
Anh Nguyễn Đức Năm, 34 tuổi, cư ngụ ở giáo xứ Ngọc Lâm, Giáo phận Xuân Lộc, vì gia cảnh khó khăn, không nghề nghiệp nên theo bạn bè lên núi xanh tìm trầm. Tìm trầm vốn là công việc gian khổ, hiểm nguy, mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng trời mà kết quả thường phụ thuộc vào sự rủi may.
Cũng như những anh em khác, một đôi lần anh Năm gặp may kiếm được hàng mang về bán lấy tiền phụng dưỡng cha mẹ già và lo cho mấy em ăn học. Nhưng vận may không phải có hoài, một lần trong chuyến đi xa lâu ngày anh Năm nhiễm căn bệnh lạ, và từ đó anh trở thành ngớ ngẩn như người mất trí. Có người nói anh bị nhiễm độc, người khác bảo anh bị đánh bùa ngải, bị ma ám, quỷ ám. Kẻ ganh tị thì chua cay: “Đó, ăn của rừng rưng rưng nước mắt!”…
Từ ngày gặp nạn gia đình anh Năm gắng sức chạy vạy hòng cứu chữa cho anh, người lao động chính trong gia đình. Anh được đưa đến bệnh viện tỉnh Đồng Nai và một vài bệnh viện khác ở TP.HCM, nhưng tất cả đều bó tay. Người nhà đem anh về chữa ngoại khoa, đông y cũng không ăn thua. Ngã lòng, gia đình quay qua tìm thầy bùa, thầy ngải. Anh Năm được đưa đến các vị thầy nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ nhưng phép thầy không linh. Anh Năm sống trong khốn khổ và tuyệt vọng suốt 11 năm liền.
Đầu năm 1999 một số giáo dân trong giáo xứ Ngọc Lâm đi hành hương La Vang nghe thấy và chứng kiến nhiều ơn lạ nhãn tiền Mẹ ban đã khuyên gia đình đưa anh Năm ra La Vang khấn xin ơn Mẹ. Gặp lúc túng quẫn nhưng gia đình vẫn cố chạy vạy đưa anh Năm đi. Họ ở La Vang chuyên tâm cầu nguyện đã hai ngày đêm. Qua ngày thứ ba, 18-4-1999, khi đang cho anh Năm uống nước Đức Mẹ và rảy nước thánh lên người anh thì bỗng dưng cả thân mình anh run lên cầm cập như người bị động kinh rồi đổ gục xuống bậc thềm trên đài Mẹ bất tỉnh nhân sự. Một lúc sau, anh tỉnh dậy ngơ ngác nhìn mọi người chung quanh đang sốt sắng đọc kinh. Anh vươn mình đứng dậy, cảm giác khoan khoái như vừa trải qua một giấc ngủ ngon. Anh nhận ra mình đã hết bệnh, quỳ gối khấu đầu tạ ơn Mẹ.
Anh Năm và gia đình ở lại La Vang thêm một ngày nữa để anh được xưng tội, rước lễ và tham dự vào các việc đạo đức cần thiết khác.
Ngày trở về, bà con lối xóm nhìn anh Năm với ánh mắt đầy kinh ngạc: “Lạ, một người tâm thần lâu năm mới đi hành hương có mấy ngày mà lành mạnh như thường? Lạ! Lạ thật!”. Đến khi nghe người nhà anh Năm thuật lại ơn lạ nhãn tiền tại La Vang thì mọi người mới hiểu. Bà con chung vui và không ngớt lời ca khen quyền phép Đức Mẹ La Vang.
5. PHÉP LẠ TRỪ QUỶ(13).
Cô Têrêsa Trần Thị Kim The, 25 tuổi ở An Khê, tỉnh Gia Lai, Giáo phận Kontum bị quỷ ám đã tám năm, lần thứ ba cùng chồng là Vincentê Nguyễn Xuân Phát ra La Vang khấn Mẹ, vào dịp Tuần Thánh năm 2003.
Sáng Chúa Nhật Phục Sinh 20-4-2003, được cha quản nhiệm đặt tay cầu nguyện, cô Kim The cảm nhận một sự biến chuyển lạ lùng trong người bởi sức thần thiêng. Cô tin chắc đây là dấu hiệu Đức Mẹ sẽ cứu.
Tối Chúa nhật cùng ngày, hai vợ chồng từ Nhà Khách Số 2 định lên đài Đức Mẹ cầu nguyện nhưng vừa ra khỏi cổng cô không chịu đi: “Quỷ sợ Đức Mẹ lắm, Quỷ không muốn đến gần Đức Mẹ đâu”. Cô hét lên những tiếng ghê rợn rồi chạy trốn vào nhà bà Kim, đối diện Nhà Khách Số 2. Hai giáo dân bồng cô đến Linh đài đặt dưới chân Đức Mẹ. Cô tiếp tục la hét kinh hồn khiến nhiều người đổ dồn về đài Mẹ chứng kiến một cô gái điên tả tơi đang kêu la gào thét. Cô tự xưng: “Ta là Luxiphe, ta ngoan cố, ta lì lắm, vì ta không chịu ra nên Mẹ xiềng ta lại. Mẹ đánh ta”. Rồi dẫy dụa, run sợ kêu van: “Mẹ ơi! Mẹ đừng đánh con đau, con sợ lắm, con đau lắm Mẹ ơi!” Luxiphe nói: “Mẹ xiềng tay chân ta lại rồi, Mẹ còn lấy roi sắt để đánh”. Mỗi lần như vậy cô nẩy người lên tỏ vẻ đau đớn rồi thảm thiết kêu khóc cầu xin.
Quỷ Luxiphe nói, cố ý cho mọi người nghe: “Mẹ nhậm lời nó rồi, ta sẽ đi. Từ nay ta mất vợ rồi, ta không còn vợ nữa!” Rồi nói với Phát: “Phát ơi! Mày ngu lắm. Tao là Luxiphe, 33 tuổi. Tao chiếm vợ mày tám năm nay mà mày tưởng vợ mày bị thần kinh. Mày đem vợ mày đi bệnh viện thần kinh cho tốn tiền. Mày cho vợ mày uống thuốc thần kinh để hại thân xác vợ mày…”.
Cô tiếp tục la hét bằng những âm thanh ghê rợn và nói trong run sợ: “Mẹ ơi! Đừng chảy nước mắt máu nữa. Mỗi giọt nước mắt máu của Mẹ nhỏ xuống là như một tảng đá đè trên mình con, con đau đớn lắm. Mẹ đánh con bầm tím cả người rồi, Mẹ còn làm con đau đớn nữa”. Rồi quay qua mọi người: “Các ngươi là người trần nên không thấy đâu. Ta là Luxiphe ta mới thấy mẹ chảy nước mắt máu… Thôi, ta sẽ đi, ta vĩnh biệt mọi người”.
Kim The đau đớn lăn lộn, mệt nhoài, tả tơi. Thấy vậy một sơ đến quạt, cô bảo: “Sơ đi đi! Sơ không biết ta là thanh niên, là đàn ông sao?” Cho uống nước Đức Mẹ cô phun ra kêu đắng, mặn. Ép lắm mới uống một tí. Rảy nước thánh lên người cô giật mình, mắt trợn ngược, tay co quắp đưa lên biểu thị chống lại.
Đêm đã khuya nhưng mọi người vẫn kiên trì đọc kinh lần hạt, cầu nguyện cho cô. Kim The phản ứng. “Sơ ơi! Đừng lần hạt nữa!” Một người thử vả nhẹ vào miệng, cô bảo: “Mày là người trần, mày đánh tao không thấm xí cà que gì, chỉ có Đức Mẹ đánh tao mới sợ”. Các sơ giúp cô cầu nguyện, nhưng cô bảo: “Quỷ không cho nói”. Nhìn mặt cô lúc đó thật khủng khiếp.
Một giờ sáng ngày 21-4-2003, Kim The đang trong tư thế quỳ bỗng run rẩy bật ngã ra. Nằm im một lát rồi ngồi dậy sấp mình thờ lạy Chúa và Đức Mẹ. Sau đó cô quỳ lên, tự cầu nguyện bằng những lời rất thảm thương, đầy sốt sắng khiến những người có mặt cảm động, khóc theo.
Quỷ Luxiphe còn đeo bám quậy phá mấy ngày nữa khiến Kim The chưa dám rời xa Mẹ, ăn uống nghỉ ngơi dưới chân Mẹ. Đến ngày thứ sáu 25-4-2003, ba mẹ và chồng cô xin cha ban phép giải tội Kim The mới thật sự bình an.
Ngày đầu tháng hoa 1-5-2003, Kim The thay mặt Giáo phận Kontum dâng hoa lên đài Mẹ. Ngày 2-5-2003, Đức TGM Huế chủ thánh lễ đồng tế kỷ niệm một năm chầu Thánh Thể luân phiên, Kim The lên đọc Bài Đọc 2. Sau đó cô ở lại La Vang thêm một thời gian nữa trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình phục.
Ngày 14-6-2003, trước khi từ giã La Vang, Kim The để lại thư cám ơn, có đoạn: “Con thật xúc động khi nói lời chào tạm biệt chốn thân yêu này, nơi mà Chúa và Đức Mẹ đã cho con Trời mới, Đất mới và một tương lai mới”…
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
(9) Nội dung từ bài Phép lạ có âm vang Tin Mừng. Đặc san Kỷ niệm 150 năm thành lập giáo phận Huế. 1850-2000, tr.63-64.
(10) Nội dung từ thư của ông Giuse Hồ Văn Đông, đề ngày 4-6-2001 gởi linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang. Nội san Sống Tin Mừng (Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang chủ biên). Số 13, tháng 7-2001, tr.7-8.
(11) Nội dung từ thư của ông Nguyễn Hữu Như, đề ngày 13-9-2001, gởi linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang. Nội san Sống Tin Mừng (Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang chủ biên). Số 19, tháng 1-2002, tr.18-19.
(12) Nội dung từ thư của anh Nguyễn Đức Năm, đề ngày 27-4-2001, gởi linh mục quản nhiệm Trung tâm Thánh Mẫu Toàn quốc La Vang. Nội san Sống Tin Mừng (Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang chủ biên). Số 19, tháng 3-2002, tr.8. Nhan đề do người biên soạn đặt.
(13) Nội dung từ bài Ơn lạ Đức Mẹ La Vang. Lm. E. Nguyễn Vinh Gioang sưu tầm. Nội san Sống Tin Mừng. Số 37, tháng 8-2003, tr.8-12. Nhan đề do người biên soạn đặt.
=> Tài liệu dạng Word, nhấn vào đây để tải Chương 8 – Phần 2