Ân huệ của Đấng Phục Sinh – Suy niệm Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống – Năm C

02/06/2022

Tin Mừng Ga 20,19-23

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.

Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.  

************************************ 

ÂN HUỆ CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Linh mục Archibald Brown là một tông đồ người Mỹ rất nhiệt thành hăng say truyền giáo. Ngài đã đem nhiều lương dân cố chấp và giáo dân nguội lạnh trở lại đạo, đã hòa giải nhiều gia đình dòng họ tranh chấp nhau. Được hỏi về bí quyết của sự thành công ấy, cha trả lời: “Câu đáp thật đơn giản. Đã 50 năm tôi chắp đôi bàn tay và dòng điện Chúa Thánh Linh đi qua đó không ngừng. Chúng ta hãy mở các pin nội tâm của chúng ta để đón nhận dòng điện của Chúa Thánh Linh”.

Mục sư Charles Haddon Spurgeon (1834-1892), một nhà truyền giáo người Mỹ nổi tiếng khác, thuộc phái Baptist (Trưởng tẩy), cũng từng nói trong một bài giảng: “Nếu không có Thánh Thần, chúng ta nên đóng kín nhà thờ, niêm phong các cửa, đặt một thánh giá đen ở đó và thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy thương xót chúng con’. Nếu các giáo sĩ không có Thánh Thần, tốt hơn họ đừng rao giảng Lời Chúa, và giáo dân nên ở nhà mà ngủ. Nếu các giáo dân không có Thánh Thần, thì nên nhớ mình đang bước theo kẻ khác, mình như cây cối không sinh hoa trái được”.   

1. Chúc bình an để môn đệ ban ơn hòa giải

Cuộc đời và lời nói của hai nhà truyền giáo nêu trên là một minh chứng cho những gì Đức Giê-su hứa ban và thực hiện sau ngày sống lại. Vào chiều Phục sinh ấy, khi hiện ra Người đã hai lần chúc cho các Tông đồ đang hội họp (có lẽ tại nhà Tiệc ly): “Bình an cho anh em” và giữa hai lần chúc ấy, Người tỏ cho họ thấy dấu đinh nơi tay chân và vết đâm cạnh sườn mình. Lời chúc bình an trước và sau khi nhắc lại cuộc Tử nạn xem ra nằm trong ý hướng đặc biệt của Đức Giê-su. Thật vậy, việc lặp lại lời chúc cho thấy đây không phải là một công thức chào hỏi thông thường. Người muốn nói bình an được chúc ban là thứ bình an tích hợp các dấu vết của cuộc Tử nạn, và như thế vượt quá bình an thường thấy. Nỗi đau khổ biệt ly không thể biến thành một niềm vui chóng qua làm ta quên mất cuộc Khổ nạn. Nó phải trở nên một niềm vui hằng cửu, được chín muồi trong khổ đau; đó là niềm vui của Đức Giê-su cũng như của các môn đệ, thứ niềm vui không ai có thể cướp mất (x. Ga 16,20-22). Niềm vui này là niềm vui của mùa gặt, kết quả từ sức cần lao và gian khổ của cuộc Tử nạn (x. Ga 4,38; 17,13).

Nhìn lại, chúng ta thấy Tin Mừng đã mở ra với mầu nhiệm Vui: Thánh Thần, ngay từ đầu cuộc hiện hữu nhân loại của Đức Giê-su, đã tạo nên hai niềm vui lớn: Ê-li-za-bét, chị họ Đức Ma-ri-a, nhảy mừng vì được Mẹ Đấng Cứu thế viếng thăm; và Ma-ri-a, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, hát lên niềm vui của mình trong kinh “Hồn tôi ngợi khen Chúa”. Ít lâu sau đó, các thiên thần loan báo cho các mục đồng một cuộc đản sinh gây bao phấn khởi vui mừng cho cả bàn dân thiên hạ. Ba năm Đức Giê-su đi rao giảng cũng là ba năm loan báo cho nhân loại một “Tin Mừng”. Nay thì niềm vui, nỗi mừng ấy đã lên tới tột đỉnh nhờ cuộc Tử nạn-Phục sinh của Đức Giê-su.

Sau khi chúc bình an, Người lập tức “giao sứ mệnh” cùng “ban hành trang” cho các Tông đồ. Sứ mệnh đó là tha tội, hòa giải, nối kết lại con người với Thiên Chúa. Môn đệ đã được hưởng bình an của Thầy, giờ đây họ phải gieo bình an đó qua việc tha tội. Quyền tha và cầm tội ban ở đây cho các Tông đồ và những người kế vị trong Giáo Hội, được diễn tả quá rõ ràng qua chính những lời của Đức Ki-tô, đến nỗi truyền thống Công giáo đã luôn công nhận đó như là lời thiết lập bí tích Cáo giải. Đây là điều đã được công đồng Tren-tô định tín chống lại phái Lu-thê-rô, những kẻ chỉ cho đó là quyền rao giảng sự tha tội cho các tín hữu ăn năn sám hối. Công đồng quả quyết dựa vào câu: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”: Đức Giê-su sai các môn đệ không những với cùng một mục đích như Người là cứu rỗi thế giới nhờ việc rao giảng Chân lý và ơn tha tội, mà còn với một quyền lực như Người.

2. Ban Thánh Thần để môn đệ thông sự sống mới

Hành trang đó là ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần. Giờ đây, họ được Thánh Thần tái tạo để thi hành sứ mệnh của họ. Việc trao ban Thần Khí ở đây không nói lên chuyện tái sinh các môn đệ trong Nước Trời và trong sự sống siêu nhiên (x. Ga 3,3-8) cho bằng nói lên sứ mệnh được trao cho họ là thôi thúc kẻ khác đến cùng chính sự sống ấy để được tái sinh trong Thánh Thần sau khi đã hoán cải.

Như Thiên Chúa đã thổi hơi sự sống cho con người đầu tiên (x. St 2,7; Kn 15,11), Đức Giê-su cũng thổi Thánh Thần vào trong các môn đệ. Cử chỉ của Người nối tiếp một trong những chủ đề được ưa chuộng nhất trong Thánh Kinh: Thánh Thần, hơi thở Thiên Chúa ban, luồng gió Thiên Chúa thổi (ruah trong tiếng Hip-ri và pneuma trong tiếng Hy-lạp, mà ta vẫn dịch là “Thần Khí”, đều có nghĩa nguyên thủy là gió, hơi thở). Người ta không thấy gió, chẳng biết nó đi đâu và ngừng lại chỗ nào. Chỉ thấy gió rít gào và gầm thét. Gió bẽ gãy và bứt tung. Gió chở mây và mang bụi. Gió tàn phá và cho đất được màu mỡ. Đây là chủ tể của sự sống, khi thì tưới mát, lúc lại đốt thiêu. Nghĩa là ta chỉ nhận ra gió qua muôn vàn hiệu quả. Hơi thở của Thiên Chúa cũng vậy. Người len lỏi khắp nơi. Người bẻ gãy, bứt tung, tàn phá những gì trong chúng ta đang chống lại tình yêu, dĩ nhiên với điều kiện chúng ta chìu theo hoạt động của Người; Người cũng làm tươi mát, biến đổi nên phì nhiêu những tâm hồn phó thác cho Người hoạt động. Hơi thở của Thiên Chúa không ngừng thổi trong tâm hồn chúng ta, một cách vô hình nhưng sinh nhiều hiệu quả.

Tuy nhiên, ta cũng tự hỏi tại sao theo Gio-an, Thần Khí đã được trao ban cho các môn đệ ngay từ ngày Phục sinh, trong lúc Giáo Hội sơ khai cho rằng Thần Khí đã được tuôn tràn trong dịp lễ Ngũ tuần (x. Cv 2,1-4). Đã có nhiều câu giải đáp. Sau đây là hai cố gắng trả lời khá hấp dẫn.

a- Theo một vài tác giả, chớ nên dung hòa Gio-an và Công vụ, bằng cách giả thiết Gio-an nói đến việc trao ban Thần Khí lần thứ nhất, còn Lu-ca nói đến việc trao ban Thần Khí lần thứ hai. Không có dấu chỉ nào cho thấy tác giả này biết tới hay để ý tới vấn đề tác giả kia đang bàn. Và như thế có thể nói mỗi tác giả đều mô tả cùng một biến cố: chỉ có một Thần Khí được Đấng Phục sinh và Lên trời trao ban cho môn đệ[1]. Nhưng hai tác giả diễn tả cách khác nhau tùy khuynh hướng thần học riêng của mỗi người. Không thấy hiện tượng các tác giả trình bày khác nhau cùng một biến cố thuộc sứ vụ Đức Giê-su đó sao? Đặc biệt việc Gio-an và Công vụ chỉ định hai thời điểm khác nhau cho việc trao ban cùng chính một Thần Khí mang nhiều ý nghĩa. Có lẽ Gio-an muốn nói Thần Khí chính là hoa quả trực tiếp và đầu mùa của cuộc Tử nạn-Phục sinh (ngay nơi chương 19 câu 30, ông đã viết: “Người gục đầu xuống và ban Thần Khí”). Còn khi đặt việc trao ban Thần Khí vào lễ Ngũ Tuần, Lu-ca hẳn muốn nói lễ Hiện Xuống hoàn thành cuộc Vượt qua của Đức Giê-su, như Giao ước Xi-nai hoàn tất cuộc Vượt qua của dân Do-thái. Như dân này thực sự trở thành dân riêng của Thiên Chúa sau lễ Ngũ tuần, các tín hữu cũng thực sự trở thành dân mới Giáo Hội sau ngày Hiện xuống. Điểm đáng chú ý là hai tác giả đều đặt việc trao ban Thần Khí sau khi Đức Giê-su đã về với Chúa Cha, dù hai ông quan niệm việc về cùng Cha cách khác nhau hẳn.

b- Lối giải đáp thứ hai theo một đường khác, có tính thần học hơn là chú giải. Một số tác giả quan niệm việc trao ban Thần Khí được thực hiện cách tiệm tiến. Thần Khí không phải là một thực tại tĩnh, để trong túi như một đồ vật giá trị. Đối với tín hữu, Thần Khí là sự sống tuyệt hảo. Người được trao ban không ngừng, chẳng những vào lễ Ngũ tuần mà cả sau đó (nếu không muốn nói là trước đó nữa, ngay từ trong Cựu Ước). Việc tuôn tràn Thần Khí dịp Phục sinh, Hiện xuống và các dịp sau đó đều là những dấu chỉ của cùng một thực tại đã biến đổi thế giới (x. Ga 3,3-8) từ khi Đức Giê-su được tôn vinh (x. Ga 7,37-39). Việc phân biệt hai lần trao ban Thần Khí vào ngày Phục sinh và lễ Ngũ tuần chỉ là tùy phụ, nhất là đối với Gio-an, vì theo ông, hai biến cố này phát xuất từ cùng một “Giờ”. Mọi cuộc tuôn đổ Thần Khí chỉ là một. Ngày Phục sinh, các môn đệ nhận Thần Khí để thi hành sứ mệnh; Thần Khí trở lại trên họ khi dân mới của Thiên Chúa được thiết lập và giới thiệu (x. Cv 2,1-4), sau đó Người tiếp tục phù trợ họ luôn mãi. Thật khó chọn lối giải thích nào. Dù sao đây là chuyện phụ thuộc, vì các thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên đã bình thản thâu nhận vào trong quy điển cả hai cách trình bày việc trao ban Thần Khí.

Như thế, Thiên Chúa ban cho chúng ta không những các hồng ân thụ tạo và đầy giới hạn của Người, nhưng còn ban chính mình Người, với tự do của tình yêu Người. Ân huệ cao vời đó gọi là Thánh Thần. (Thông điệp “Chúa Thánh Thần” số 10, và tông thư “Ngàn Năm thứ ba đang tới” số 44 gọi Người là “Ngôi vị Tình yêu”, “Ân Huệ bất thụ tạo”). Người thuộc về chúng ta. Người hiện diện trong mỗi tâm hồn kêu cầu Người với lòng khiêm nhường và tin cậy. Có thể nói Người là Thiên-Chúa-ở-trong-chúng-ta, như Cha là Thiên-Chúa-ở-trên-chúng-ta, và Đức Giê-su là Thiên-Chúa-ở-bên-chúng-ta. Người thuộc về chúng ta đến nỗi không thể nói con người là gì mà không thêm yếu tố này là Thiên Chúa cũng là một thành phần trong hữu thể của con người. Thiên Chúa đã trở thành Thiên-Chúa-của-chúng-ta. Đó là tất cả sứ điệp của lễ Hiện xuống!

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Xin xem lại bài chú giải tuần trước của chúng tôi về biến cố Chúa Lên Trời.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi