Bài giảng Thánh Lễ ngày thứ bảy đầu tháng 01.2021 tại Linh Địa La Vang

06/01/2021

Trọng kính Quý Đức Cha, Quý Cha, quý Nam Nữ Tu sĩ,

Cùng quý anh chị em hành hương đang hiện diện trên Linh Địa Mẹ Lavang, Mẹ TGP Huế, Mẹ Việt Nam.

Về với Mẹ La Vang giữa Mùa Giáng Sinh mừng đón Con Thiên Chúa nhập thể làm người, Đấng là Hoàng Tử Hòa Bình đến để mang lại Hòa bình đích thực cho nhân loại, trong Thánh Lễ hành hương Thứ Bảy đầu Năm Mới Dương Lịch 2021 này, chúng ta hãy hiệp thông với toàn thể Giáo Hội mừng kính Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương ban sự bình an để xin Mẹ thương cầu bàu cho Hòa Bình Thế Giới theo lời Sứ Điệp ĐTC Phanxicô mời gọi.

“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” phải chăng là lời kinh tôn vinh Mẹ vang lên liên lỉ hằng ngày, hằng giờ trong đời kitô hữu chúng ta, – đặc biệt nơi Linh Địa La Vang này của Mẹ?

Tuy nhiên, Thánh Lễ mừng kính Mẹ Thiên Chúa hôm nay nhắc chúng ta nhớ rằng lời tuyên xưng “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” đã là kết quả của một cuộc tranh luận lâu dài, gay gắt, đầy máu và nước mắt về Thánh Mẫu học ngay từ ban đầu trong lịch sử Giáo Hội. Để giải quyết vấn đề này cách đây hơn 1500 năm, ngày 22 tháng 6 năm 431, cùng với hoàng đế Theodosius II, Giáo Hội đã phải triệu tập một công đồng chung tại Êphêsô. Và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đa số tuyệt đối các nghị Phụ đã đồng quan điểm với Thánh Xyrillô – giáo chủ Alexandria – công bố Đức Maria là Mẹ Thiên ChúaTheotokos chống lại lạc giáo của Nestorius sau đó đã bị truất phế chức giám mục Constantinople.

Là con cái của Mẹ, chúng ta hãy cung kính lắng nghe Nguyên văn lời công bố của Công Ðồng Ephêsô năm 431 này: “Các nghị phụ không ngần ngại gọi Ðức Trinh Nữ Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Không phải vì Mẹ đã sinh hạ thiên tính của Ngôi Lời Thiên Chúa. Mà vì nhờ Mẹ mà Ngôi Lời Thiên Chúa mang một thánh thể với một linh hồn có trí năng mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hiệp trong một Ngôi duy nhất khi sinh hạ trong thể xác. Nếu ai không tuyên xưng rằng Thiên Chúa chính là Emmanuel và vì thế, Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, kẻ ấy bị vạ tuyệt thông. Vì Ðức Mẹ đã sinh hạ “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” khi ban đời sống thể xác”.

Việc vinh danh Đức Mẹ với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, như vậy, đã khẳng định vai trò ưu tuyển của Mẹ trong dòng lịch sử cứu độ, đồng thời cũng cho thấy rõ hơn mầu nhiệm cao cả đã diễn ra nơi cung lòng của Mẹ. Thánh Bônaventura đã nói: “Chức mẹ TC là một ơn vĩ đại phi thường nhất Thiên Chúa có thể ban cho loài thụ tạo. Ơn ấy Ngài đã ban cho Đức Maria”.

Vì thế năm 1931, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã ra thông điệp “Mediator Dei” mừng kỷ niệm 1.500 năm Công Đồng Êphêsô và công bố lễ Mẹ Thiên Chúa, mừng trong toàn thể Giáo Hội vào ngày 11 tháng 10. Và đến hai năm sau khi bế mạc Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã chính thức chọn “ngày đầu năm dương lịch” làm “Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình thế giới” và đích thân Ngài đã cử hành Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình thế giới lần đầu tiên vào ngày 1/1/1968. Kễ từ đó, Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình thế giới  hằng năm được cử hành với một đề tài suy tư, học hỏi, cầu nguyện và hành động cho Hòa Bình thế giới.

Năm nay ĐTC Phanxicô đã chọn chủ đề: “Không thể có được hoà bình nếu chúng ta không hy vọng nó”…Mỗi cuộc chiến – ĐTC phân tích – rốt cuộc là một sự tương tàn phá hủy tình huynh đệ, vốn được khắc ghi trong ơn gọi của gia đình nhân loại. Chiến tranh nảy sinh từ lòng của người bị ô nhiễm bởi sự ích kỷ, kiêu ngạo và căm thù người khác.”

Và ĐTC kêu gọi : “Chúng ta phải theo đuổi một tình huynh đệ thực sự, được linh hoạt dựa trên nguồn gốc chung xuất phát từ Thiên Chúa và được thực hiện trong sự đối thoại và tin tưởng lẫn nhau. Mong muốn hòa bình được khắc sâu trong trái tim con người và chúng ta không được cam chịu bất cứ điều gì thấp hơn thế”.

Và trong thông điệp Giáng Sinh năm 2020 này, ĐTC Phanxicô cũng đã nhắn nhủ:

“Tôi muốn chuyển đến mọi người thông điệp mà Giáo hội loan báo trong ngày lễ này, theo lời của Tiên tri Isaia: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9: 5).  

“Một hài nhi được sinh ra: – ĐTC phân tích – sinh ra luôn là nguồn hy vọng, là mầm sống, là hứa hẹn của tương lai. Và Hài Nhi này, là Chúa Giêsu, đã được “sinh ra cho chúng ta”: “một chúng ta” không có biên giới, không có những đặc quyền hay những loại trừ. Hài Nhi mà Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Belem đã được sinh ra cho tất cả mọi người: hài nhi ấy là “Con Một” mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể gia đình nhân loại…”

“Trong thời điểm lịch sử này, – ĐTC nói tiếp – được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sinh thái và sự mất cân bằng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, và tình hình còn trầm trọng hơn bởi đại dịch coronavirus, chúng ta cần tình huynh đệ hơn bao giờ hết. Và Thiên Chúa ban tình huynh đệ ấy cho chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Con Ngài là Chúa Giêsu: đó không phải là một tình huynh đệ được tạo nên bởi những lời hoa mỹ, những lý tưởng trừu tượng, những tình cảm mơ hồ… Nhưng đó là một tình huynh đệ dựa trên tình yêu thương thực sự, có khả năng gặp gỡ tha nhân, là những người khác biệt với chúng ta – có khả năng thương cảm trước những đau khổ của họ, để tiếp cận và chăm sóc họ ngay cả khi họ không phải là những người trong gia đình tôi, trong dân tộc tôi, tôn giáo của tôi… Và như vậy, nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể gọi nhau là anh em và thực sự là anh em với nhau: bất kể sống ở châu lục nào, bất kể những dị biệt về ngôn ngữ và văn hóa, bất kể những khác biệt về bản sắc giữa chúng ta, tất cả chúng ta đều là anh chị em.”

Kính thưa Cộng Đoàn Phụng Vụ

Có một câu chuyện Giáng Sinh – conte de Noel – thật ý nghĩa mang tựa đề “Người khách cuối cùng”. Chuyện kễ như sau: Đêm xưa năm ấy, khi hang Bêlem còn chìm trong bóng tối và Hài nhi Giêsu còn thiếp ngủ trong máng cỏ. Bỗng từ cửa hang, một bà lão mái tóc dài bạc phơ xuất hiện. Thân hình gầy guộc. Lưng còng sâu xuống với năm tháng. Nước da nhăn nheo. Mẹ Maria nhìn bà lão bằng cặp mắt canh chừng, lo âu và thoáng một chút sợ hãi. Bà lão tiến nhanh đến bên máng cỏ. Hài nhi Giêsu vẫn ngủ yên. Nhưng rồi bất ngờ, đôi mắt Hài nhi Giêsu khẽ mở mỉm cười nhìn bà lão. Thọc bàn tay sâu vào trong túi áo, Bà lấy ra một món quà đặt trên đôi tay của Hài nhi Giêsu. Sau một lúc yên lặng, bà lão nhanh nhẹn rời khỏi cửa hang và mất hút nơi khoảng đồi xa xăm. Mẹ Maria lại gần bên máng cỏ, vô cùng ngạc nhiên và kêu lên:  – Ôi, một quả táo! Một quả táo vàng!

Vâng. Quả táo vàng Bà lão vừa trao vào tay Hài Nhi Giêsu chính là Quả táo mà bà đã hái nơi Vườn Địa Đàng xưa. Bà lão ấy chính là Bà Evà, Người nữ đã ăn Trái Cấm và đã đưa cả nhân loại đi vào cõi chết của ách nô lệ tội lỗi. Và Đêm nay, Đêm Giáng Sinh, Bà đã đến trao lại cho Hài nhi Giêsu quả táo của tội tổ tông như một xác nhận rằng Hài nhi Giêsu, Con TC nhập thể, chính là Trưởng tử của nhân loại mới  và Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ của Hài Nhi chính là Bà Evà mới

Thực vậy, nếu Chúa Giêsu, Con Mẹ là Hoàng Tử Hòa Bình, Đấng đến thế gian để cứu chuộc nhân loại, để giao hòa con người với Chúa Cha, thì Mẹ Maria là người Mẹ đã cưu mang, sinh hạ và nuôi lớn Chúa Giêsu, đã luôn gắn bó, hợp tác cùng với CG, Con của Mẹ trong công trình cứu chuộc nhân loại nên Mẹ thật sự xứng đáng được gọi là Nữ Vương Hòa Bình, Đấng hằng chuyển cầu hữu hiệu cho nhân loại được ơn bình an.

Hôm nay khởi đầu năm mới Dương Lịch 2021, Năm mà Giáo Hội Việt Nam chọn để “đồng hành với giới trẻ trong đời sống gia đình”, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu là Hoàng Tử Hòa Bình, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, ban cho tất cả các gia đình chúng ta suốt năm mới được sống hòa thuận thương yêu nhau như một góp phần đắp xây “hòa bình thế giới” bằng chứng tá “yêu hòa bình” của mỗi một người trong chúng ta. Bởi lẽ, để có thể trị quốc và bình được thiên hạ, chúng ta – từ Ông bà, cha mẹ đến con cháu – trước tiên phải biết “tu thân, tề gia” ngay từ chính mái ấm của gia đình mình.

Lạy Mẹ Maria La Vang, Mẹ TC và là Nữ Vương Hòa Bình, Mẹ của TGP Huế, Mẹ Việt Nam, xin thương ban bình an cho gia đình chúng con, cho TGP Huế chúng con, cho Quê Hương Việt Nam thân yêu của chúng con và cho toàn thể nhân loại. AMEN.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Tuyến