Bài giảng Thánh Lễ Tạ Ơn dịp Hồng Ân Vĩnh Khấn tại Ngọc Hồ

07/08/2021

LỄ CHÚA HIỂN DUNG ( NGÀY 6 THÁNG 8) : MC 9,2-10 (NĂM B)

(Bài giảng Thánh lễ cảm tạ hồng ân vĩnh khấn) 

Anh Chị em thân mến

Mỗi năm, Chúa nhật thứ 2 Mùa Chay được gọi là Chúa nhật Chúa biến hình, vì khi đó Phụng vụ đọc cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa biến hình được ghi lại trong Tin mừng theo thánh Mát-thêu, theo thánh Mác-cô hay theo thánh Luca, tùy năm ABC. Nhưng rồi ngày mồng 6 tháng 8 hàng năm cũng được gọi là lễ Chúa biến hình hay lễ Chúa hiển dung. Biến hình là thay đổi hình dạng nên sáng láng ; hiển dung là bày tỏ dung nhan rất vinh hiển. Đó là vì theo truyền thống, việc biến hình của Chúa Giêsu diễn ra 40 ngày trước khi Người chịu khổ nạn trên Thánh giá. Mà lễ Suy tôn Thánh Giá là vào ngày 14 tháng 9 nên lễ Chúa biến hình được đặt vào ngày mồng 6 tháng 8 hôm nay. Ý nghĩa chính của lễ này có thể tóm gọn trong câu: Phải chấp nhận biến dạng nhục nhã nếu muốn biến hình vinh quang.

1. Phải chấp nhận biến dạng nhục nhã…

Bản văn hôm nay mở đầu với mấy tiếng : “Sáu ngày sau”. Đó là sáu ngày sau khi xảy ra việc các Tông đồ tuyên xưng đức tin, việc Chúa Giê-su loan báo mình sẽ phải chịu chết rồi sống lại, việc Phê-rô cản trở Thầy đi vào con đường đau khổ nên bị Thầy chỉnh một trận nên thân, gọi là thằng quỷ, và việc Chúa Giê-su dạy dỗ về sự bỏ mình, vác thập giá theo Người nếu muốn được Người thừa nhận trong chốn vinh quang của Thiên Chúa.

Như bao con dân Do-thái đương thời, các Tông đồ mong chờ một Đấng Cứu Thế, nhưng một Đấng Cứu Thế vinh quang chiến thắng, sẽ đến phục hưng vương quyền Đa-vít và Sa-lo-mon xưa trong tất cả vẻ huy hoàng rực rỡ. Thế mà trong dự định của Thiên Chúa, Sứ giả Người sai đến sẽ phải là “Tôi tớ, Tôi trung đau khổ và tự hạ” mà các Ngôn sứ đã mô tả xưa kia. Để giúp các Tông đồ vượt qua thử thách khi rồi đây sẽ thấy Thầy mình chết trong đau khổ ô nhục, Chúa Giê-su hôm nay cho họ thấy vinh quang tương lai mà Người có sẽ như thế nào. Bản tính khốn khổ nghèo nàn của chúng ta cũng nếm trải lắm sợ hãi ngập ngừng khi theo Chúa Ki-tô trên con đường gian khổ. Nhưng như các Tông đồ, Người cũng dành cho chúng ta nhiều giây phút được ơn soi sáng và vui vẻ tâm hồn để giúp chúng ta đi tới cùng trong cuộc leo lên đỉnh núi Sọ.

Thế là Chúa Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên một ngọn núi cao Theo Thánh Kinh, núi là nơi Thiên Chúa thường dùng để tỏ mình và gặp gỡ con người, vì đó là nơi cô tịch, thinh lặng và dễ nâng hồn lên cao.

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông, nghĩa là khuôn mặt Người trở nên sáng láng, và y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh. Dĩ nhiên lúc ấy Chúa Giê-su đã không được soi chiếu tự bên ngoài do một thứ ánh sáng nào đó, từ mặt trời hay từ một ngọn đèn pha cực mạnh, nhưng chính Thân thể Người tỏa sáng từ bên trong, vì Người là chính là Ánh sáng, Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, như chúng ta đọc trong kinh Tin kính mỗi Chúa nhật. Hơn 30 năm trời, Chúa che giấu bản tính ánh sáng của mình dưới dạng một con người tầm thường, một thân thể xương thịt. Nay là lúc Chúa bóc lớp vỏ che phủ bản tính đó để trở lại nguyên hình. Điều ấy cho thấy tất cả những gì là xác thịt trong chúng ta cũng sẽ được trở nên ánh sáng, nên rạng ngời như Chúa hôm nay. Nhưng Ánh sáng Thân thể Chúa Giê-su chỉ bùng lên mãi mãi sau cuộc khổ nạn, lúc Người sống lại. Ánh sáng xác thịt chúng ta cũng chỉ rạng ngời sau khi đã được cắm Thánh giá vào. Đó là định luật của đời Chúa và cũng là của đời ta : mất để được, chết để sống, đau khổ để vinh quang…

2-… để được biến hình vinh quang.

Bên Giáo hội Chính thống Đông phương, cuộc Biến hình được coi là đại lễ, vì đó là câu chuyện con người được Thiên Chúa xuyên qua. Các họa sĩ vẽ ảnh thánh trong Giáo hội đó -mà thường là tu sĩ- chỉ có thể tốt nghiệp bằng cách vẽ một bức Chúa Giê-su biến hình… để chứng tỏ mình có khả năng vẽ khuôn mặt một con người-hình ảnh-Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng, phép rửa tội mà tất cả chúng ta đã chịu từ nhỏ, có mục đích biến chúng ta nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Ki-tô. Ý nghĩa đích thực của phép Rửa, bí tích đã “dìm” chúng ta trong Chúa Ki-tô, là làm cho chúng ta được “tham dự bản tính thần linh của Người” (2Pr 1,4). Quả vậy, tất cả cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta chỉ là một sự tham dự, một cuộc biến hình trong Chúa Ki-tô, như lời thánh Phaolô nói : Tất cả chúng ta đều phản chiếu vinh quang của Chúa, được biến đổi nên giống Hình ảnh Người, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, nhờ ơn Thánh Thần tác động (x. 2Cr 3,18). Dĩ nhiên ở đời này, mầu nhiệm lạ lùng đó, việc biến đổi đích thật con người trong Thiên Chúa đó, vẫn đang vô hình. Thật ra thì vẫn có những kẻ nhìn thấy được ánh sáng nơi mỗi người. Nhiều nhà sư Tây Tạng, nhờ luyện được cái gọi là «con mắt thứ ba», nên khi nhìn vào bất cứ ai, họ thấy người ấy phát ra loại ánh sáng nào. Người càng nhân đức thì ánh sáng càng ngả sang màu trắng, kẻ xấu xa tội lỗi thì tỏa một thứ ánh sáng đỏ quạch hay đen dần. Dù sao, đối với mắt thường thì sự biến hình của chúng ta trong Chúa chưa hiển hiện. Nó chỉ bừng sáng rực rỡ một ngày kia, khi chúng ta được phục sinh trong thế giới của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô: “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,3-4). Vì cũng như lời thánh Phaolô nói : « Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt” (1Cr 15,53).

Trở lại câu chuyện Chúa hiển dung, Tin mừng nói : «Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su” : Hai vị này tượng trưng cho niềm mong đợi của Ít-ra-en, niềm mong đợi đã được ghi khắc trong “Lề luật” và các “Ngôn sứ”. Hai nhân vật này, chết từ nhiều thế kỷ trước, nay đồng thời xuất hiện và trò chuyện với Chúa Giê-su. Đây là một ánh sáng soi chiếu thế giới bên kia, cho chúng ta biết về những người thân đã quá vãng. Thay vì là một dấu chấm hết, một sự tuyệt diệt, cái chết chỉ là một “ngưỡng cửa” đưa chúng ta đi vào thế giới của Thiên Chúa, nơi chúng ta sẽ gặp Đấng Tạo hóa của mình, Đấng Cứu chuộc của mình và những người thân yêu của mình.

“Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng : Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” : Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, “mây” chính là sự “hiện diện của Thiên Chúa” (x. Xh 16,10; 19,9; 24,15 ; Ds 14,10). Tiếng nói cũng chính là tiếng nói ngày Chúa Giê-su chịu phép rửa (x. Mc 1,11). Nhưng lúc ấy, tiếng đó chỉ ngỏ với Chúa Giê-su. Hôm nay, tiếng nói ngỏ với các Tông đồ và với chúng ta. Vậy Đức Giê-su là ai ? Lời giải đáp cho câu hỏi căn bản này không đến với chúng ta từ những “suy nghĩ lý luận” hay “nghiên cứu học hỏi, thậm chí nghiên cứu Kinh Thánh”, nhưng từ việc cầu nguyện, việc ở “riêng trên núi” với Chúa, trong thái độ “lắng nghe” Chúa hoàn toàn và bắt chước Người hoàn toàn! Bản tính đích thực của Chúa Giê-su chỉ được tỏ cho ta nhờ “mạc khải” của Chúa Cha, và chỉ sau khi Người đã trải qua đau khổ nhục nhã.

Hôm nay, cộng đoàn chúng ta cùng với gia đình ông Phêrô Trần Văn Trung cử hành lễ tạ ơn vì hồng ân vĩnh khấn của ái nữ của ông là chị Mátta Trần Thị Hồng Linh. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô 2 từng nói: “Không có lý tưởng nào cao đẹp đáng hy sinh cuộc đời, bằng hiến thân cho Chúa Kitô vì Nước Trời”. Chị Mátta, nhờ ân sủng Chúa qua gia đình, trường học, giáo xứ, dòng tu… đã hiểu được câu nói đó. Đang khi bao bạn đồng trang lứa chỉ mong có cuộc đời êm ả sung túc, thành đạt trong xã hội, thì chị Mátta quyết bước theo Chúa trên con đường gian khổ, qua việc khấn giữ vĩnh viễn 3 lời khuyên Phúc âm: khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, qua việc tông đồ phục vụ Giáo hội và các linh hồn, qua việc chấp nhận một cuộc sống bỏ mình vì tình yêu: yêu Chúa và yêu tha nhân. Chị chấp nhận biến dạng trong đau khổ ở đời này để được biến hình trong vinh quang ở đời sau. Chúng ta hãy cùng tạ ơn Chúa với Chị, với gia đình Chị và cầu nguyện cho Chị kiên vững, trung thành và can đảm bước theo Chúa đến cùng, trong bình an, vui tươi, nhiệt tâm và năng động. Amen.

Giáo xứ Ngọc Hồ, 06-08-2021