Bài giảng Thánh Lễ Tiệc Ly 2020 của Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hào

12/04/2020

THÁNH LỄ TIỆC LY 2020

Xh 12, 1-8.11-14; 1 Cr 11,23-26; Ga 13,1-15

Kính thưa anh chị em,

Với Thánh lễ Tiệc Ly chiều này, kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh, chúng ta đã bước vào Tam Nhật Thánh, đỉnh cao của Năm Phụng vụ. Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, dù ở xa và phải tham dự Thánh lễ trực tuyến, nhưng chúng ta vẫn hiệp thông trong đức tin và cùng nhau lắng nghe sứ điệp của lời Chúa. 

Lời Chúa hôm nay có thể được tóm gọn trong hai cụm từ, đó là YÊU THƯƠNG và PHỤC VỤ.

Bài đọc I, trích sách Xuất hành, nói lên tình thương mà Thiên Chúa dành cho dân Israel khi Ngài giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên Ai cập.

Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nhắc cho các tín hữu thành Côrintô về việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Đây là Mình Thầy hiến thân vì anh em và đây là Máu Thầy đổ ra cho nhiều người được tha tội. Chúa Giêsu hiến thân và đổ máu mình ra để làm gì, nếu không phải là vì yêu thương và để cứu độ nhân loại? Và tình yêu ấy được biểu lộ cao nhất trên thập giá.

Đó cũng là tình yêu đến tận cùng mà thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay đã ghi lại: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Theo các nhà chú giải, cụm từ ‘đến cùng’ có thể mang hai nghĩa: theo nghĩa thời gian là đến hơi thở cuối cùngtheo nghĩa luân lý là hoàn hảo đến tột độ. Nghĩa là Chúa Giêsu đã yêu thương đến giọt máu cuối cùng / và tình yêu ấy đạt đến mức tuyệt đối, vì theo Thánh Phaolô, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu và chết trên thập giá” (Pl 2,6tt).

Kính thưa anh chị em,

Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu hy sinh, tình yêu hiến mình và tình yêu phục vụ cho đến cùng. Đó là tình yêu tuyệt đối, vượt trên mọi thứ tình yêu mà nhân loại dành cho nhau, bởi vì: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).  

Từ ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay, chúng ta rút ra được bài học nào để áp dụng trong đời sống, cách riêng trong bối cảnh của những ngày đại dịch này? Chúng ta có thể dừng lại ở hai bài học. Đó là YÊU THƯƠNG và PHỤC VỤ.

Bài học thứ nhất: chúng ta được mời gọi sống yêu thương

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Yêu như Chúa yêu là yêu bằng hành động cụ thể, chứ không phải trên môi miệng, như Thánh Gioan viết: “Thưa anh em, chúng ta đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18).

Chúa Giêsu đã yêu chúng ta bằng việc làm cụ thể là chết trên thập giá. Ngài là mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (x. Ga 10,11). Tư tưởng này trong bối cảnh của ngày thứ Năm Tuần Thánh, kỷ niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể làm tôi nhớ lại ý nghĩa của Lời Kinh giúp Dọn Mình Rước Lễ rất sâu sắc. Xin trích một đoạn.

Giêsu lạy Chúa uy linh
Chúa thương nhân loại giáng sinh làm người.
Trước ngày chịu chết cứu đời
Chúa ban Mình Thánh dưỡng nuôi linh hồn
Chúa truyền hết thảy chúng con
Phải ăn Mình Chúa là nguồn sức thiêng.
Dù con không thấy nhãn tiền
Nhưng Lời Chúa phán con tin vững vàng
Dù con tội lỗi khô khan
Nhưng con trông cậy Chúa ban ơn lành
Yêu con Chúa đã hy sinh
Yêu con Chúa đã hiến mình vì con.

Vâng, tình yêu của Chúa là tình yêu hy sinh và hiến mình. Trong những ngày này, chúng ta nhận thấy nhiều y bác sĩ đang hy sinh thời gian và sức lực để giúp đỡ các bệnh nhân nhiễm virus Cornona trong các bệnh viện, nhiều tình nguyện viên giúp đỡ những người trong tình trạng cách ly. 

Chúng ta không thể tới các bệnh viện hay các khu cách ly để hy sinh giúp đỡ anh chị em, như các nhân viên y tế hay các tình nguyện viên kia, nhưng chúng ta có thể làm những hy sinh nhỏ bé khác thể hiện tình yêu thương trong gia đình, trong khu phố và thôn xóm.

Chẳng hạn, trong gia đình: cha mẹ, vợ chồng, anh chị em thể hiện tình yêu thương khi chịu đựng và tha thứ cho nhau, như thánh Phaolo dạy: “Đừng bao giờ chua cay, gắt gỏng, nóng nảy, giận hờn hay la lối thóa mạ. Trái lại, hãy đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và tha thứ cho nhau” (Ep 4,31-32). Đó là trong gia đình.

Ngoài xã hội, chúng ta hãy mở lòng để giúp đỡ những người nghèo khó, như Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ chúng ta trong sứ điệp gửi các gia đình nhân dịp Tuần Thánh. Ngài nói: “Chúng ta hãy quảng đại giúp đỡ những người khó khăn trong khu phố. Hãy tìm kiếm những người cô đơn nhất có lẽ qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội. Dù bị cô lập, nhưng tư tưởng và tinh thần chúng ta có thể đi xa với sự sáng tạo của tình yêu”.

Với sự sáng tạo của tình yêu, nhiều người có sáng kiến làm việc bác ái, giúp đỡ người nghèo, bằng những tô cháo, những chiếc bánh mì miễn phí hoặc đi mua đồ ăn giúp cho các cụ già neo đơn.

Ở Sài Gòn, người ta đặt cây ATM không phải để rút tiền nhưng để người nghèo có thể tới nhấn nút và lấy gạo miễn phí.

Trong một khu phố ở Hà Nội, có người bày ra mặt bàn hàng chục túi nilong, bên trong mỗi túi có 2 gói mì tôm, 2 chiếc xúc xích và 2 quả trứng.Ở cạnh bàn, người ta treo tấm băng rôn ghi “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”. 

Mặc dù phần quà không lớn, nhưng đây là thông điệp yêu thương trong mùa dịch Covid-19 này. Thông điệp này cũng cho thấy việc giãn cách xã hội không làm cho người ta xa nhau, nhưng lại gần nhau hơn nhờ sự sáng tạo của tình yêu.

Thông điệp này mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng ra để giúp đỡ mọi người, nhất là người nghèo. Có nhiều thứ nghèo: nghèo về vật chất (thiếu thốn tiền bạc, của ăn); nghèo về sức khỏe (ốm đau, bệnh tật); nghèo về tình thương (những người sống cô đơn, cô độc); nghèo về văn hóa, thiếu kiến thức… Tất cả những người nghèo này là hình ảnh của Chúa và là đối tượng mời gọi chúng ta phải yêu thương vì Chúa dạy: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Bài học thứ hai: chúng ta được mời gọi sống tinh thần phục theo gương Chúa Giêsu 

Có lẽ một trong những cử chỉ ấn tượng với chúng ta khi nghe bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ, và qua cử chỉ này Chúa muốn dạy các môn đệ và chúng ta bài học phục vụ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14).

Rửa chân cho nhau là phục vụ nhau, phục vụ quên mình, vô vị lợi, không đòi đền đáp, không so đo tính toán, không ngại mất thời giờ và phục vụ trong khiêm tốn như Chúa Giêsu, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Mỗi người chúng ta, tùy khả năng và địa vị, được mời gọi sống tinh thần phục vụ như lời Chúa dạy chúng ta: Ơn riêng Thiên Chúa ban cho anh em, mỗi người hãy dùng mà phục vụ người khác (1 Pr 4,10).

Cách đây hai ngày, ngày 7/4, ĐTC Phanxico viết trong tweet của Ngài như sau: Trong những ngày thánh này, chúng ta hãy đứng trước Đấng chịu đóng đinh và hãy xin ơn sống để phục vụ.

Năm 2013, trong một buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Giám mục không phải là Giám mục cho bản thân ngài, mà là cho dân. Cũng vậy, linh mục không phải là linh mục cho bản thân ngài, mà là cho dân, để phục vụ và chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài”.

Còn Đức Thánh Cha Piô XII nói: “Trong một gia đình mà người cha quên mình đi mà chỉ nghĩ đến vợ và các con; người vợ quên mình đi mà chỉ nghĩ đến chồng và các con; các con quên mình đi để chỉ nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, thì gia đình đó là thiên đàng”. Nếu mỗi người biết quên mình phục vụ nhau trong tình yêu thương thì chúng ta đang sống tinh thần của người môn đệ Chúa Giêsu.

Kính thưa anh chị em,

Trong khủng hoảng của đại dịch này, chúng ta cảm phục tinh thần phục vụ quên mình của nhiều người, cách riêng là các nhân viên y tế cũng như các nhà lãnh đạo các quốc gia, khi họ chọn sức khỏe của người dân là trên hết. Trước con virus Corona nhỏ bé làm cho cả thế giới lo sợ vì số người nhiễm bệnh và số người chết ngày càng gia tăng, Chúa đang dạy chúng ta phải đặt con người lên trên hết và phải biết rằng mọi của cải vật chất, danh vọng, quyền lực chẳng là gì khi phải đối diện với nạn dịch này.

Vì thế, sứ điệp lời Chúa hôm nay đang cật vấn mỗi người: Tôi có đặt con người lên trên hết để yêu thương và phục vụ không? Tôi có đặt cha, mẹ, vợ chồng, con cái, người bệnh tật, già yếu, neo đơn, đau khổ lên trên hết để yêu thương và phục vụ vô vị lợi không?

Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi cũng như các các Linh mục và cho tất cả chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu sống tinh thần yêu thương và phục vụ mọi người, đặt con người lên trên hết. Xin cho mỗi người chúng ta trở thành chứng nhân cho tình yêu thương của Chúa giữa thê gian vì Chúa dạy: “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Thánh lễ chúng ta đang cử hành sẽ kết thúc, ước gì hai bài học yêu thương và phục vụ không chỉ đọng lại trong tâm hồn nhưng còn thể hiện ra bên ngoài bằng đời sống chứng tá của chúng ta, như lời bài hát kết lễ quen thuộc: “Ta về thôi vì Thánh lễ đã hết, nhưng đời ta là Thánh lễ nối dài, đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi. Ta sống sao để thành chứng nhân”.

Xin kính chúc anh chị em Tuần Tam Nhật sốt sáng để chuẩn bị mừng lễ Chúa Phục Sinh trong yêu thương và chan hòa niềm vui. Amen.

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Văn Hào