Bài giảng Thứ Sáu Tuần Thánh 2020 của Lm. Phêrô Phan Tấn Khánh

14/04/2020

Trọng kính Đức Tổng,

kính thưa quý Cha, quý Thầy, quý Sơ, quý Cộng đoàn,

cùng quý ông bà anh chị em tham dự trực tuyến.

Rất có thể nhiều người chúng ta cảm thấy lòng trí không được đánh động đủ trong Nghi Thức Tưởng Niệm chiều nay. Có thể bởi việc này lặp lại hằng năm và mất đi tính thời sự của nó, hay câu chuyện chúng ta đang nghe là chuyện của ngày xưa nơi khác, hoặc nữa, do cách thế hiện diện của cộng đoàn khi phần đông mỗi người ở nhà của mình để nhìn xem cách trực tuyến hơn là tham dự trực tiếp. Hầu hết chúng ta bận tâm bởi chuyện thời sự của cơn đại dịch mà quên mất chuyện ở đây và lúc này. Nỗi ám ảnh bởi chuyện thời sự làm quên mất đi một Hiện Tại.

Nhưng Nghi Thức chiều nay vẫn mãi thời sự. Cung Thánh không là sân khấu, người tham dự không là khán thính giả.

Thêm vào đó, những phương tiện sơ đẳng, đơn giản để đối phó với cơn đại dịch lại làm cho chúng ta càng cảm thấy cách xa nhau hơn. Vừa sát khuẩn chúng ta ngại bắt tay, đeo khẩu trang xong chúng ta ngại nói, giãn cách cộng đồng và cách ly làm cho chúng ta tránh né nhau. Mỗi người lo phần mình. Có lẽ không hoàn toàn bàng quan, nhưng chắc chắn là tự thủ. Càng xa càng hay, càng ít liên đới càng tốt. Không liên hệ, tránh liên lụy. 

Nhưng sống không liên hệ, thì làm sao mà sống, bởi không ai là một hòn đảo. Sống là sống với, là liên hệ, là liên đới, thậm chí liên lụy.

Về phần Ngài, Chúa không muốn sống cách ly. Ngài không rửa tay, để vô can như Philatô, hoặc để rũ bỏ chúng ta như rũ bỏ một con virus ! Ngài muốn liên lụy với chúng ta,  vì chúng ta. Bài đọc I đã nói rất rõ : sự thật, Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. Vì chúng ta mà Chúa bị lụy : Ôi bởi con mà Chúa mang thảm hình (Giờ Tử Nạn). Và Ngài chết cách thảm khốc, khốn khổ nhất !

Cũng bài đọc I mô tả tình cảnh thật bi đát của nhân loại : Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người mỗi ngã. Lạc lõng, lang thang. Cách ly, giãn cách đâu có là gì !  Cần một ai đó quy tụ chúng ta về một mối. Và cách thức Chúa dùng thật hết sức lạ lùng, chúng ta không sao hiểu được. Chúng ta giống như những người mà tiên tri Isaia vừa nói : muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa nghe ai kể lại, vì được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ. Lần đầu tiên, có chuyện một Thiên Chúa chết vì con người. Hỏi còn chuyện chi lạ lùng hơn chuyện một Thiên Chúa bị con người giết chết ? Xưa nay chỉ nghe chuyện thần thánh trừng phạt và tiêu diệt con người, chưa hề nghe ai nói đến chuyện ngược lại. Nếu sách Isaia không cho biết trước, không ai dám nhắc lại : chính người đã bị đâm vì chúng ta phậm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông.

Hãy nói theo ngôn ngữ của một nhà thần học của thế kỷ 20 : “Thiên Chúa đã đến quá gần đến nỗi chúng ta có thể giết được Ngài, và vì thế, Ngài dường như không còn là Thiên Chúa của chúng ta”. Trước một sự lạ như thế, “chúng ta hết sức bối rối và hoang mang”. Với tâm thức kính nhi viễn chi của người Á Đông, “chúng ta tự nhủ : hay cứ tin tưởng, ngưỡng vọng và phó thác vào một Đấng đời đời ẩn dấu (…) có phải đơn giản hơn không ? Thiên Chúa cứ ở cách xa chúng ta muôn trùng có phải hơn không ?” Dù được viết như thế cách đây hơn 50 năm, điều này vẫn luôn thời sự. Những lời này lại càng có sức nặng hơn, khi tác giả của chúng 40 năm sau trở thành người kế vị trên ngai tòa Phêrô  (Cf. Joseph Ratzinger, ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô giáo, hôm qua và hôm nay, tr. 54, bản Việt Ngữ)

Hay nói như Tv 138: Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Quả thật, tạo ra con người đã là điều hết sức lạ lùng. Nhưng cách thức Chúa cứu chuộc con người còn lạ lùng hơn biết bao ! Nếu Sáng tạo là từ không mà làm ra có, thì chuyện của thứ sáu Tuần Thánh có thể nói là biến có thành không. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu, khai trừ khỏi cõi nhân sinh. Như thể là Người đã bị đẩy vào chốn hư vô, trở thành số không. Hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, chết trên cây thập tự (thư gởi tín hữu Philipphê). Trước viễn cảnh này, ngay chính con Thiên Chúa cũng phải sợ đến nỗi đổ mồ hôi máu và thốt lên : Sao Cha lại bỏ con ?

Quả thật, những gì Thiên Chúa đã làm, đã phải chịu vượt xa mọi hình dung và tưởng tượng của con người. Vì Ngài đã đến quá gần chúng ta ! Hãy giãn cách và chiến đấu với cơn dịch…Nhưng hãy để cho lòng xích lại nhau hơn trong những ngày này ! Hãy gần nhau trong mầu nhiệm này. Đó cũng là lời mà tác giả thư Do Thái nhắc chúng ta trong bài đọc II : chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần Ngai Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã đến quá gần con người, nên chi hãy mạnh dạn. Hãy giũ bỏ tâm thức kính nhi viễn chi.

Làm sao không để cho những lời cuối trong bài Thương Khó khích lệ chúng ta : Đứng gần Thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, có môn đệ mà Người thương mến đứng bên cạnh nữa. Không chỉ vậy, còn bó hai bà Maria khác: Maria vợ ông Clêopát và Maria Macđala.

Xin Máu Thánh Đức Giêsu Kitô đổ ra trong Thứ Sáu Tuần Thánh chiều nay tẩy rửa chúng ta khỏi mọi tội lỗi và đem chúng ta lại gần với Thập Giá, với Vinh Quang Phục Sinh của Ngài. Xin Chúa biến chúng ta thành người thân và môn đệ của Ngài, thành những người biết đến gần Ngài. Amen.

Lm. Phêrô Phan Tấn Khánh