Tin Mừng Mt 13,44-52
Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu”. Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
************************************
BÁN TẤT CẢ?
1. Đâu là kho tàng và viên ngọc?
Đức Giê-su hôm nay làm tay bán hàng rong của Thiên Chúa: “Xin quý bà quý ông vui lòng đứng lại nghe tôi: đây là ngày may mắn của quý vị, tôi cho quý vị một cơ hội độc nhất, một viên ngọc và một kho tàng, đừng để may mắn bay đi. Tôi sắp kể cho quý vị câu chuyện con người đã tìm ra được một kho tàng và câu chuyện con người đã mua được viên ngọc đẹp nhất”.
May mắn lớn nào? Khám phá ra Đức Giê-su là kho tàng và là viên ngọc! Một trang sách, một cuộc gặp gỡ, một cuộc tĩnh tâm, một niềm hân hoan hay một nỗi đớn đau mãnh liệt xảy đến, và thế là người ta thình lình hiểu: sự sống chính là Đức Giê-su. Trong ánh sáng này, tất cả thành giản đơn, tất cả mang một ý nghĩa, chúng ta từ nay biết tại sao mình sống và sẽ sống như thế nào.
Chúng ta đã nắm bắt cơ may này chưa? Hai dụ ngôn xinh đẹp đối với chúng ta là những quan tòa phê phán. Bạn muốn kho tàng, bạn muốn viên ngọc! Nhưng bạn lại ra đi mà không quyết định bán tất cả để mua chúng. Vì cơ may thật tuyệt diệu, nhưng lại đắt giá biết chừng nào. Người nông dân sẽ bán “hết thảy những gì mình có”; tay thương gia sẽ bán “những gì mình có hết thảy”. Nếu không bán hết như thế, chúng ta tất cả sẽ là những kẻ thuê Đức Giê-su thôi, coi Người như một trong muôn giá trị.
Hãy xem người thế xử sự ra sao trước những gì họ mong đạt được. Santa Clara (Hoa Kỳ) là một câu lạc bộ bơi lội cho các thiếu nữ. Mỗi buổi sáng, các cô đều dậy lúc 5g30 và vội vã băng qua bầu không khí lạnh lẽo chạy đến hồ bơi. Ở đó họ bơi suốt hai giờ đồng hồ. Sau đó ăn sơ sài chút ít rồi vội vã đến trường học. Sau khi ở trường ra, các cô quay lại hồ bơi thêm hai tiếng nữa. Tối 6 giờ, họ nhanh nhẹn trở về nhà, vùi đầu vào sách vở, ăn bữa tối trễ và mệt lả leo lên giường. Sáng hôm sau chuông báo thức lại vang lên vào lúc 5g30 và họ lại bắt đầu toàn bộ công việc thường nhật. Khi được hỏi tại sao lại chấp nhận tuân theo một thời biểu kỷ luật đến thế, một cô gái đã trả lời: “Mục đích của chúng tôi là gia nhập đội thi Olympics. Nếu như đi dự tiệc hay du ngoạn mà phương hại đến mục đích đó thì đi làm gì! Chẳng có gì là quá đáng trong việc tập luyện nầy cả. Tôi càng bơi được nhiều dặm thì tôi lại càng bơi khá. Sự hy sinh là điều dĩ nhiên”.
Chúng ta cũng thế, muốn chiếm được Đức Ki-tô, muốn nên công dân Nước Trời, cần phải dấn thân triệt để. Chúng ta không thể theo đuổi điều đó như làm một công việc ngoài giờ. Chúng ta không thể theo đuổi điều đó như làm một công việc tiêu khiển. Phải dấn thân vào đó trăm phần trăm, phải xem nó là ưu tiên số một của cuộc đời mình và phải bán những gì cần thiết để mua lấy điều đó.
2. Bán những gì để mua?
Bán gì? Tôi không thể trả lời thay bạn. Tôi thấy cái mà tôi ngần ngại bán, và tôi nghĩ nếu bạn nhìn một chút vào đời bạn trong lúc này đây, bạn cũng sẽ thấy cái đang ngăn cản bạn mua viên ngọc và kho tàng.
Hai dụ ngôn mini này rốt cục là lời mời gọi từ bỏ gay go nhất. “Bán tất cả” nếu tôi muốn mua sự sống. Muốn được Đức Giê-su, phải đem thế chấp cả cuộc đời mình. Nói rõ ra thì điều đó có nghĩa: từ bỏ tất cả những gì ngăn cản tôi chọn Đức Giê-su. Thành thử tôi phải bán các an ninh của tôi, các ích kỷ của tôi, các tự mãn của tôi, các biếng nhác của tôi, các kiêu căng của tôi: “Có những kẻ mơ mộng hy sinh đời mình nhưng không biết hy sinh khuyết điểm tật xấu của họ”. Mỗi lần các dụ ngôn này trở lại, ta như nhận được một nhiệt tình, một sức bật mới. Nhưng có thể chúng ta cũng muốn giữ thể diện mà nghĩ rằng: dẫu sao mình sẽ không theo kiểu thánh Phan-xi-cô được, Thiên Chúa đâu có đòi hỏi thế!
Quả thế, việc từ bỏ để được ngọc có thể mang những hình thức thái quá kiểu thánh Phan-xi-cô A-xi-di-ô, nhưng Tin Mừng là cho tất cả. Đức Giê-su đâu có rao giảng cho mấy tay chỉ biết hô hào từ bỏ thật giật gân, Người cũng chẳng công bố niềm mơ ước hay điều không tưởng. Tiếng “bán tất cả” của Người là khó nhưng phải là có thể đối với bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào: “Mọi hoạt động, mọi công trình, mọi cuộc sống thực sự tốt đẹp, thực sự Ki-tô giáo, luôn mang dấu hiệu kép này : tình yêu và hy sinh” (Hồng y Gabriel-Marie Garrone).
Cách đơn giản, phải tự nhủ rằng người ta không theo Đức Giê-su với hàng tấn tiện nghi hay hàng núi ngập ngừng trước một trong những đòi hỏi chính xác của Người, ví dụ đòi hỏi tha thứ. Tiếng “bán tất cả” của Người có thể nói lên một sự từ bỏ tính tự ái cách mạnh mẽ, một lòng quảng đại về tài chánh hơi điên rồ, hay một tin tưởng anh hùng trước cơn bệnh khủng khiếp. Và dĩ nhiên, cũng là vâng theo một ơn gọi.
Trong hai dụ ngôn này, nơi mà mỗi lời đều được cân nhắc, có một từ cho ta thấy việc chọn Đức Giê-su là một may mắn tuyệt diệu cần biết nắm bắt cho dẫu phải đặt vào đó giá nào đi nữa: “Trong hân hoan…”. Hân hoan điên cuồng, người ta bán tất cả. Cơ may của cuộc sống chúng ta, đó là khi ta “bán tất cả” trong một niềm vui điên cuồng.
3. Được lợi những gì nào?
Vậy người Ki-tô hữu cũng giống như tay buôn ngọc, kẻ tìm kho báu hay như vận động viên bơi lội ở câu lạc bộ Santa Clara. Họ cần phải có sự dâng hiến và dấn thân trọn vẹn trong một niềm vui điên cuồng. Tuy nhiên có một điểm khác biệt lớn lao giữa một Ki-tô hữu với ba người ấy. Thánh Phao-lô đã nêu sự khác biệt này trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô: “Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1Cr 9,25).
Đó chính là điểm khác biệt. Phần thưởng của tay buôn ngọc, kho báu của gã nông dân, huy chương của lực sĩ vận động đều có thể lụi tàn. Khi tay buôn ngọc chết đi, viên ngọc chẳng còn giá trị gì đối với anh ta nữa. Khi người nông dân chết đi, của báu của anh đối với anh cũng sẽ thành vô dụng. Và khi vận động viên chết đi thì tấm huy chương của cô cũng chỉ còn là một vật lưu niệm đối với bà con gia đình. Nhưng khi các Ki-tô hữu chết, đặc biệt khi “các thiên sứ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính” thì vinh quang Nước Trời sẽ tỏa sáng, tỏa sáng mãi cho họ, hạnh phúc của Thiên Chúa sẽ tràn ngập họ đến thỏa lòng. Vào lúc chết thì chỉ có một điều là đáng kể. Đó không phải là viên ngọc quý, kho báu hiếm hay chiếc huy chương vàng mà chúng ta đã có được lúc còn sống. Điều đáng kể là chúng ta đã trở nên cái gì (con người của tình yêu) trong tiến trình cố gắng tìm viên ngọc, tậu của báu hoặc giành huy chương. Nếu những người đó đã sẵn sàng hy sinh rất nhiều cho một phần thưởng hư nát, thì chúng ta phải sẵn lòng hy sinh hơn cho phần thưởng mãi mãi tồn tại kia biết chừng nào. Và chắc chắn phần thưởng này sẽ vô cùng trọng hậu, nghĩa là cuộc đời ta lúc đó mới thành tựu đẹp đẽ.
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi