Bình thản và nhân ái – Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C

08/04/2022

Tin Mừng Lc 22,14-23,56

BÌNH THẢN VÀ NHÂN ÁI

Vốn rất thường khác nhau, bốn Tin Mừng đều hòa hợp nhau trong toàn bộ diễn tiến khi viết về cuộc Khổ nạn. Tuy nhiên, tưởng cũng nên nhấn mạnh những gì mà mỗi soạn giả đã nêu bật. Hơn các ông khác, Lu-ca nhấn mạnh đến sự bình thản tuyệt diệu cũng như lòng nhân ái của Đức Giê-su. Đây là hai trọng điểm xen kẽ nhau mà ta sẽ cố gắng nêu bật.

1. Thản nhiên loan báo cái chết

22 15 “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”. Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn… Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn… “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em… Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”

Đây là bữa ăn sau hết của Đức Giê-su ở trần gian. Người biết thế và Người nói thế. Tuy nhiên, ta không thể không nhận thấy nỗi an tâm tột độ của Đức Giê-su lúc sắp tử nạn này.

Người đã muốn sống (cảm nghiệm) cái chết của mình trong nội tâm, trước khi nó đến cách cụ thể. Đấy là ý nghĩa của cử chỉ biểu tượng, của bữa ăn giã biệt này. Có thể nói Người “diễn điệu trước” cái chết của mình, Người đặt cái chết trên bàn, như bánh và rượu ban cho những ai Người yêu mến. “Này là mình Thầy hiến tế… Này là máu Thầy đổ ra…”. Ngày mai, máu Người sẽ thật sự tách khỏi thân Người, như tối nay bánh tách khỏi rượu.

Đức Giê-su đã sống cái chết của mình cách ý thức và tự do ngay từ tối hôm trước. Người hình dung nó như một lương thực đầy sức sống cho ai ăn vào. Người biểu lộ qua đó hai tâm tình cho thấy Người hết sức làm chủ bản thân: – đi vào quá trình của cái chết một cách nồng nhiệt: “Thầy những khát khao mong mỏi”; – nhìn ngắm nó với một nỗi vui ngược đời: “Người dâng lời tạ ơn”. Được lặp lại hai lần, thái độ này quả là đặc trưng, tiêu biểu. Các “Lễ tạ ơn” (Thánh thể) của chúng ta chỉ nối dài những gì Đức Giê-su đã làm tối hôm ấy: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Cách nhìn ngắm cái chết như thế hết sức hay ho cho chúng ta. Thật thế, trong mọi hành vi của con người, cái chết là hành vi đặt ra vấn đề cơ bản nhất. Mọi hành vi khác (làm, ăn, chơi, yêu, học v.v…) có thể mặc một ý nghĩa tự chúng, chẳng cần mời Thiên Chúa can thiệp. Nhưng hành vi chết chỉ có thể mặc một ý nghĩa nếu Người hiện hữu. Không có Thiên Chúa, cái chết là tận cùng của mọi sự. Thế mà Đức Giê-su, xét như con người, thật sự là kẻ đã lấy “Thiên Chúa làm nghĩa lý” đời mình, đã trọn vẹn đặt đời mình trên Thiên Chúa. Chính vì thế Người đã biến cái chết của mình thành hành vi đậm đặc ý nghĩa nhất trong toàn bộ cuộc sống phàm nhân của mình. Cái chết của mình, Người nói tối hôm ấy, là khởi điểm của “triều đại Thiên Chúa”, của Nước Thiên Chúa. Trong giây phút ấy, Đức Giê-su hướng về “ngày viên mãn”, lúc Thiên Chúa sẽ thống trị trọn vẹn, vì sự ác và cái chết sẽ chẳng còn. Nên ta hiểu Người đã coi cái chết của mình chẳng phải là một cái gì trống rỗng, vô nghĩa, tiêu cực: Người đã biến nó thành “việc đi về với Cha”. “Thầy lên cùng Cha”… đến với mối tình của Thầy…

2. Đón nhận kẻ bội phản, cầu cho kẻ chối thầy

22 21 “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người”… 31“Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh… Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy”.  

Nhìn bày tay môn đồ phản bội đang cùng đặt trên bàn ăn với mình, Đức Giê-su đau xót nhưng lòng vẫn xót thương. Người tội nghiệp cho kẻ đang nuôi ý định nộp thầy vì ý đồ nào đó (chữ “khốn cho” là lời phàn nàn, tiếc nuối chứ không phải là lời thóa mạ nguyền rủa). Tiếp đến, Người tiên báo việc Phê-rô chối Thầy; nhưng tiên báo như thế chính là để tố cáo tên tội phạm đích thực: Xa-tan! “Xa-tan đã xin được sàng anh em”. Và đồng thời cũng loan báo: lời cầu nguyện của Người cho môn đệ sẽ được nhậm và tình thương của Người sẽ toàn thắng. Ơn tha thứ đã được ban rồi, ngay trước khi tội lỗi xảy ra. Những sự chối bỏ của chúng ta đều được Thiên Chúa thứ tha ngay từ đầu. Phê-rô được tha thứ trước khi bắt đầu việc chối thầy hèn nhát của ông: “Thầy đã cầu nguyện cho anh… Phần anh, một khi đã trở lại, hãy củng cố anh em…”                                                

3. Bình tâm trong cơn chiến đấu

22 39Sau đó, Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”… Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền. Người liền nói với các ông: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”.

Cầu nguyện. Bốn lần Lu-ca gợi lên việc Đức Giê-su cầu nguyện chỉ trong 5 câu (22,41-46). Đó là nơi Người tìm được mọi xác tín đôi khi khiến chúng ta ngạc nhiên. Đó là nơi Người nhận lấy sức mạnh phi thường để đương đầu với đớn đau của cuộc khổ nạn. Đó là nơi Người kín múc sự bình thản siêu phàm mà Người sắp bày tỏ. Nếu chấp nhận theo Lu-ca trong bài suy niệm của ông năm nay, thì ta sẽ thấy tràn ngập Ghet-sê-ma-ni không phải là nỗi khắc khoải của cơn chiến đấu[1] nhưng là “bình an” của một con người biết mình vẫn được Thiên Chúa yêu mến dẫu rằng mình sắp tử nạn. Dấu chứng của cơn chiến đấu đầy khắc khoải đó chính là “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất”. Đây là hiện tượng mồ hôi máu vốn xảy ra trong những điều kiện vô cùng đặc biệt: suy nhược nặng về mặt thể lý, kèm theo chấn động khủng khiếp trong tâm hồn, do bị một cảm xúc sâu xa, lo sợ dữ dội. Chi tiết này chỉ có trong Lu-ca, vị y sĩ (x. Cl 4,14). Nhưng một thiên thần đã đến trợ lực cho Đức Giê-su và xem ra để cùng lúc đón lấy sự chấp thuận của Người. Chi tiết thiên thần đến trợ lực (cũng chỉ có trong Lu-ca) là cách Thánh Kinh diễn tả sự hiện diện của trời cao. Vâng, Thiên Chúa có đó, bên cạnh tôi, khi tôi đau khổ. Nên tôi vẫn vui tươi, an bình!

4. Tha thứ cho môn đệ chối thầy

22 54Họ bắt Đức Giê-su, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phê-rô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị!” Một lát sau… Chừng một giờ sau… Ngay lúc ông còn đang nói thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông… Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”.

Lu-ca là người duy nhất trong bốn thánh sử ghi nhận “cái nhìn” của Đức Giê-su trên Phê-rô, cái nhìn tha thứ khiến ông hoán cải. Cái nhìn này, Người cũng đã đặt trên Mát-thêu thu thuế (x. Lc 5,27), trên người phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7,44), trên thầu thuế Da-kêu bóc lột (x. Lc 19,5)… Đúng là Tin Mừng của lòng thương xót. Khi tôi phạm tội, Đức Giê-su không kết án tôi… Người nhìn tôi với lòng âu yếm. Và hết thảy mọi ai chấp nhận cái nhìn này thì được “cứu khỏi” mọi phản bội, mọi tội lỗi của mình.

5. Điềm tĩnh trước tòa án thế gian.

22 66Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng và hỏi: “Ông có phải là Đấng Mê-si-a thì nói cho chúng tôi biết!”. Người đáp: “… từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng”. Mọi người liền nói: “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?” Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây”. Họ liền nói: “Chúng ta cần gì lời chứng nữa? Chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói!”

Trong các dữ kiện lịch sử nhận từ truyền thống, Lu-ca đã cố ý nêu bật ba tước hiệu của Đức Giê-su: “Mê-si-a”: một tước hiệu hàm hồ, mà Người không mấy thích vì có những âm hưởng chính trị. “Con Người”: tước hiệu Kinh Thánh, rút từ sách Đa-ni-en, được Người ưa hơn. “Con Thiên Chúa”: tước hiệu Đức Giê-su mặc nhiên chấp thuận từ phía tất cả những ai tin Người qua những công trình thần linh Người hoàn tất. Cuộc phục sinh của Người sẽ chứng thực cho tước hiệu cuối cùng này cách rạng rỡ…

Đứng trước Thượng Hội Đồng trong phiên tòa tôn giáo, Đức Giê-su biết đây là giây phút quyết định, sinh mạng mình tùy thuộc vào những lời mình nói, vì các địch thủ, sau bao chứng dối vu vơ, đã muốn Người phải tự kết án chính mình. Và Người đã bình thản tự gán hai tước hiệu sẽ bị coi là phạm thượng: “Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa Toàn Năng” “Con Thiên Chúa”.

23 1 Toàn thể cử tọa đứng lên, điệu Đức Giê-su đến ông Phi-la-tô… Ông hỏi Người: “Ông là Vua dân Do-thái sao?”. Người trả lời: “Chính ngài nói đó”. Ông Phi-la-tô nói với các thượng tế và đám đông: “Ta xét thấy người này không có tội gì”.    

Trong phiên tòa dân sự này, Lu-ca cũng nhấn mạnh thái độ bình thản của Đức Giê-su. Trước câu hỏi của vị tổng trấn sau những lời tố cáo tới tấp của các thành viên Thượng Hội Đồng, Người chỉ đơn giản đáp: “Chính ngài nói đó”, khiến cho Phi-la-tô ba lần tuyên bố bị cáo vô tội (x. Lc 23,4.14. 22).

Trước tòa Hê-rô-đê (23,8-12), Đức Giê-su được nhà vua hỏi cũng lắm và bị thượng tế kinh sư tố cáo cũng nhiều, thế nhưng “Người không trả lời gì cả”. Người cũng chẳng phản ứng khi bị Hê-rô-đê và bọn lính chế diễu mà khoác cho một chiếc cẩm bào.

6. An ủi kẻ thương khóc, cầu cho các lý hình

23 26 Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê-su. Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người

Đối với Đức Giê-su lúc này, những lời than khóc thương hại của mấy bà đó không là gì cả, bởi lẽ trước mắt Người, sự đau khổ của Người chỉ có ý nghĩa và giá trị khi đối chiếu với tội lỗi, là sự ác không dò thấu, không hiểu được. Trước cái đó thì sự nghiền nát thân thể Người, dù kinh khủng đến mấy, có là gì đâu! Cái đáng khóc lóc thương xót, đó chính là tội lỗi con người và những hậu quả do tội lỗi đó gây ra cho nhân loại. Do đấy mà Chúa có những lời cảnh báo kèm theo an ủi.

23 34 “Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”… Với tên gian phi bị đóng đinh thập giá với mình nhưng bênh vực mình và tỏ lòng sám hối, Người nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Đến ba giờ chiều, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.

48 Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc xảy ra, đều đấm ngực trở về”

Lu-ca là người duy nhất ghi lại lời cầu nguyện tuyệt diệu hơn cả của Đức Giê-su trên thập giá: xin Thiên Chúa Cha tha cho các lý hình. Ông cũng là tác giả duy nhất phân biệt tên lành tên dữ trong hai kẻ gian phi (thật ra đó là hai tay kháng chiến chống Rô-ma xâm lược) và tường thuật lời hứa quá ư bất ngờ và hậu hĩ của Đức Giê-su cho kẻ chỉ thống hối vào giờ sau hết. Trong lúc đám đông nơi ba Tin Mừng kia chỉ có lòng thù hận và sự thách thức, thì quần chúng trong Lu-ca, sau khi chứng kiến tất cả cảnh tượng, nghe hết mọi lời tha thứ của Con Thiên Chúa, đều đấm ngực trở về nhà.

Giây phút cuối cùng cũng Đức Giê-su cũng đượm một sự bình thản tuyệt diệu. Vâng, Người đã chết một cái chết an bình. Theo thánh Lu-ca, Đức Giê-su đã chấm dứt cuộc sống phàm nhân trong một lời cầu nguyện liên tục, trong một cuộc trò chuyện dịu dàng và thân tình với Chúa Cha; Người ra đi trong tâm trạng bình thản vì đã tha thứ cho hết thảy, kể cả những ai chủ trương “giết chết Thiên Chúa” mà không biết việc họ làm, đã ban ơn cứu rỗi đời đời cho hết thảy, kể cả những kẻ bất lương, đã ban ơn hoán cải cho hết thảy, kể cả những ai trước đó chỉ biết thách thức và hận thù.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] Từ Hy-lạp agônia trước đây thường dịch là “hấp hối” (agony trong Anh ngữ: Chúa hấp hối trong vườn Cây Dầu) thật ra cũng có nghĩa là “xao xuyến” hoặc “chiến đấu” và thiết tưởng dịch “chiến đấu” thì hay hơn cả.

Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi