Suy niệm LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ – NĂM C
Lời Chúa: St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật.
Khi tôi ăn uống, đồ ăn thức uống trở thành tôi.
Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên, nhờ chút rau xanh, cá tươi, đậu trắng.
Tôi được nuôi bằng trời cao, đất rộng và biển cả.
Từ lâu Đức Giêsu mang một khát vọng lớn, đó là nuôi sống linh hồn con người, nuôi mọi tín hữu thuộc mọi thời đại, và nuôi họ bằng chính bản thân Ngài, bằng cái chết và sự sống của Ngài.
Ngài có mắc bệnh hoang tưởng không?
Cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển cho ta thấy Đức Giêsu là con người bình thường khi Ngài cử hành bữa Tiệc Ly tối hôm đó.
Ngài muốn ta tham dự vào cuộc Vượt Qua của Ngài, Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho ta; thành đồ ăn bằng cách biến tấm bánh thành Thịt Mình Ngài, thành thức uống bằng cách biến rượu nho thành Máu Ngài.
Như thế ai ăn Tấm Bánh và uống Chén Rượu đã được Ngài biến đổi nhờ quyền năng Thánh Thần, người ấy nên một với Ngài.
Không phải Ngài trở thành người ấy, cho bằng người ấy trở thành Ngài.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Mỗi thánh lễ là một lần nhớ đến và làm sống lại hy tế duy nhất năm xưa trên Núi Sọ.
Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Tình Yêu. Tình Yêu luôn có nhiều sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu.
Cần ngắm nhìn cử chỉ bẻ bánh của Đức Giêsu.
Tấm bánh trở thành Tấm Thân Ngài được bẻ ra và trao hiến trên thập giá.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã bẻ bánh để môn đệ phát cho dân.
Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên mãi.
“Anh em hãy cho họ ăn đi.”
Như các môn đệ, chúng ta cũng lúng túng và bất lực trước cơn đói của con người hôm nay, đói cơm bánh, đói tình thương, đói được tôn trọng.
Nếu chúng ta dám trao cho Đức Giêsu tất cả những gì chúng ta có, dù chỉ là nhỏ nhoi; nếu chúng ta chịu để cho Ngài bẻ ra, và làm vỡ tan mọi tính toán ích kỷ, thì chúng ta có thể nuôi được cả thế giới.
Thỉnh thoảng bạn nên cầu nguyện trước Thánh Thể. Bạn có thể học được nhiều điều.
Con Thiên Chúa vinh quang rất mực, lại khiêm tốn hiện diện dưới dạng tấm bánh mong manh, lặng lẽ, đơn sơ.
Tấm bánh không biết nói, không sống cho mình.
Tấm bánh hiện diện là để cho người ta thưởng thức, và tan biến ngay sau khi được hưởng dùng.
Chúng ta có thể bắt chước lối hiện diện ấy của Chúa Giêsu Thánh Thể không?
Gợi Ý Chia Sẻ
– Thánh lễ có làm thay đổi đời bạn không? Việc rước lấy Đấng đã tự hiến qua cử chỉ bẻ bánh có giúp bạn dám chia sẻ đời mình cho tha nhân không?
– Để có một thánh lễ Chúa Nhật đầy ý nghĩa, bạn thấy mình phải chuẩn bị trong cuộc sống ra sao?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan toả khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ. Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ, nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…
Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ, mời người ta dừng lại, trầm tư, và gặp được Chúa.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, viết năm 57, thánh Phaolô cho chúng ta một chứng từ cổ xưa về bí tích Thánh Thể mà ngài gọi là bữa ăn của Chúa. Ngài khẳng định rằng ngài chỉ là người truyền đạt lại những gì mình đã lãnh nhận từ truyền thống Giáo Hội.
Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Đức Giêsu trong bữa ăn vào đêm Người bị nộp.
Tấm bánh thành Mình Thầy: hãy cầm lấy mà ăn.
Chén rượu thành Máu Thầy: hãy cầm lấy mà uống.
Đức Giêsu còn mời ta làm lại những gì Người đã làm:
“Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ Thầy.”
Giáo Hội đã vâng lời từ 20 thế kỷ. Có biết bao thánh lễ đã được cử hành trên mặt đất. Thánh lễ nào cũng là một bữa ăn do Chúa thết đãi, và cũng là một nghi thức tưởng nhớ cái chết của Chúa.
Không thể tách rời thánh lễ với cái chết của Đức Giêsu. Mình Thầy sẽ bị nộp, Máu Thầy sẽ đổ ra vì anh em.
Rước lễ là rước lấy Đấng đã chết vì loài người, như thế là hiệp thông vào cái chết thập giá.
Mỗi lần dự lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết. Nhưng Đấng đã chết cũng là Đấng đã sống lại, Đấng đang ngự bên hữu Cha và sẽ đến trong vinh quang. Rước lễ chẳng phải là rước một thi hài người chết, mà là đón lấy Đấng đang sống và đang ban sự sống.
Dự thánh lễ là dự một bữa ăn như bữa Tiệc ly, là tham dự vào hy tế năm xưa trên Núi Sọ. Chính vì thế ta không nên dự lễ với hai bàn tay trắng. Cần đem theo tấm bánh của mình trong ngày qua, tuần qua. Tấm bánh làm từ lúa của đất, công của người.
Chúa Giêsu cần tấm bánh của tôi, để Người biến đổi. Thánh Thần cần tấm bánh của tôi, để Người thánh hoá.
Chúa Kitô không từ trời cao ngự xuống tấm bánh. Đúng hơn, Người nâng tấm bánh lên tới Người, và biến nó thành lương thực thần linh nuôi tôi. Như thế, tấm bánh thánh mong manh nhỏ bé lại là nơi hội tụ của cả Thiên, Địa, Nhân. Vũ trụ, con người và Thiên Chúa gặp nhau, hoà quyện.
Bí tích Thánh Thể góp phần biến đổi cả vũ trụ loài người. Những gì là tự nhiên, nay được thần hoá, được biến đổi tận căn mà vẫn không đánh mất chính mình.
Lễ vật tôi dâng lên Chúa, Chúa trao lại cho tôi. Bánh bởi trời cũng là bánh bởi đất…
Mỗi phút trên trái đất, có bao tấm bánh được trao đi.
Trong mỗi tấm bánh bình thường được bẻ ra và trao đi, chúng ta thấy có bóng dáng của tấm bánh Mình Chúa.
Chính nhờ được nuôi bằng bánh thánh tại bàn thờ, mà ta có thể chia sẻ cho tha nhân tấm bánh vật chất, và những tấm bánh tinh thần.
Hãy dâng tất cả những gì thuộc về trái đất và con người, để Đức Kitô biến đổi thành Tấm Bánh Khổng Lồ dâng lên Cha.
Gợi Ý Chia Sẻ
– Theo kinh nghiệm của bạn, rước lễ đem lại lợi ích gì cho cuộc sống?
– Thánh lễ trở nên nhàm vì chúng ta thường đi xem linh mục làm lễ, và chẳng mang theo một lễ vật nào. Theo bạn, thế nào là tích cực tham dự thánh lễ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, Chúa là thức ăn, thức uống của con.
Càng ăn, con càng đói; càng uống, con càng khát; càng sở hữu, con lại càng ước ao.
Chúa ngọt ngào trong cổ họng con hơn cả tầng mật ong, vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.
Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao, vì con không sao múc cạn được Chúa.
Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài? Con chẳng rõ; vì ở thẳm sâu lòng con, con cảm thấy cả hai.
Chúa đòi con nên một với Ngài, đòi hỏi đó làm cho con đau đớn, vì con không muốn từ bỏ những thói quen của con để ngủ yên trong tay Chúa.
Con chỉ biết tạ ơn Chúa, ca ngợi và tôn vinh Chúa, bởi đó là sự sống đời đời cho con.
Ruy Broeck
3. Thánh Thể, tặng vật Tình Yêu
(Suy niệm của Dã Quỳ)
Thông thường khi mừng lễ ai, ta cần chuẩn bị món quà để trao tặng người đó. Thế nhưng trái lại, Chúa nhật hôm nay, chúng ta long trọng mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Tin Mừng trình bày cho chúng ta: với sự cộng tác của các môn đệ, Chúa Giêsu đã trao tặng bánh cho đám đông đến với Người. Đây là hình bóng của việc Chúa sẽ lập Bí Tích Thánh Thể để trao ban chính sự sống của Người cho chúng ta.
Những cử chỉ khi Chúa Giêsu làm dấu lạ hóa bánh nuôi dân chúng cũng đồng nhất với những hành động lúc Chúa lập Phép Thánh Thể, hay sau khi Phục Sinh Người hiện ra và đồng bàn với môn đệ: “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho…” (Lc 9, 16; 22,19; 24, 30) Tất cả những cử chỉ của Chúa sẽ được tóm gọn trong Hy Tế Thập Giá.
Chúa Giêsu Kitô – Đấng nhập thể làm người đã yêu thương chúng ta đến cùng. Chúa đã cầm lấy tấm bánh đời mình là chính thân thể Người, hiến dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ Thánh giá để hòa giải nhân loại với Cha “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em.”(Lc 22,19) Người đã đổ đến giọt máu cuối cùng để chuộc chúng ta khỏi tình trạng nô lệ và tẩy sạch ta khỏi mọi tội lỗi “Anh em hãy uống chén này, vì đây là chén máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26,27-28)
Chúa muốn ở lại mãi mãi với con người và Tình yêu đã thúc đẩy Người có một sáng kiến quá kỳ diệu. Hơn thế nữa, Chúa còn muốn chúng ta được tham dự vào Thần Tính của Thiên Chúa nên trong bữa ăn cuối, Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, để lại Thân Thể Người làm của ăn và Máu Người làm của uống dưới hình Bánh và Rượu. Vì thế, Thánh Thể là tặng vật cao quí nhất mà Chúa đã phải trả một giá đắt là cuộc thương khó và tử nạn của Người trên thánh giá để rồi Bí tích Thánh Thể như là một Tưởng niệm vĩnh viễn cuộc Thương Khó của Chúa.
Nơi bàn tiệc Thánh Thể quý giá, Chúa ban cho chúng ta sự sống Thần Linh mang lại ơn cứu độ và đổ tràn đầy ân sủng trên ta. Không có bàn tiệc nào quí báu hơn, vì ở bàn tiệc Thánh Thể chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật ban Mình Máu cho ta làm của ăn trong Bí Tích Thánh Thể. Không có Bí tích nào đem lại sự sống đời đời ngoài Bí tích Thánh Thể vì Thánh Thể chính là Sự Sống (x. Ga 6, 51). Thánh Thể là ơn trên mọi ơn huệ, là quà tặng vô giá trên mọi quà tặng và là phép lạ lớn lao hơn mọi phép lạ. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu thực sự trở nên Tấm Bánh đong đầy Tình Yêu và Sự Sống.
Nếu như không có Bí tích Thánh Thể, có lẽ chúng ta khó mà nhận ra Tình yêu của Chúa dành cho ta. Vì khi yêu, cần có sự hiện diện. Thế nên, ta có thể nói: với Thánh Thể, Chúa yêu ta thực sự vì Người ban chính mình cho ta. Chính vì yêu ta mà Chúa ở lại đó và Người ước mong sống trong ta, ngự trị trong ta và ta sống nhờ sức sống của Người. Vì vậy, khi đến Hiệp Lễ, ta đón tiếp chính Thiên Chúa vào trong tâm hồn ta; chúng ta được tháp nhập với Chúa, được đón nhận nguồn tình yêu, sự sống, nghị lực, sức mạnh, sự hoàn thiện…vì Chúa là tất cả “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời…” (Ga 6, 54)
Chúa Giêsu đã bẻ chính Thân Thể Người qua cái chết đau thương để rồi Người trao cho từng người chúng ta “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em.” (1Cr 11, 24). Người trở nên mẫu gương của sự hiến ban chính mình và chia sẻ cho anh em. Vì thế, chia sẻ Thánh Thể đích thực là sự chia sẻ trong cái chết của Chúa Kitô và Cử Hành Thánh Thể là tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn của Chúa. Tấm bánh Thánh Thể được bẻ ra và chia sẻ sẽ liên kết tất cả mọi người nên một trong Chúa, hiệp thông với Chúa và với nhau vì tất cả lãnh nhận cùng một tấm bánh, ngồi cùng một bàn tiệc.
Khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta cũng được mời gọi cầm lấy tấm bánh cuộc đời mình, cho dù tấm bánh ấy nhỏ bé là cuộc sống bất toàn của ta, là những hy sinh vất vả, là những niềm vui nỗi sầu… Chúng ta hãy dâng lên Chúa, chúc tụng tạ ơn Người đã yêu thương ta, chúc lành và nâng đỡ ta từng ngày, trợ lực và nuôi sống ta bằng chính sự sống của Người trong Thánh Thể. Chúng ta can đảm bẻ ra bằng những từ bỏ ý mình để thuận theo ý Chúa; bẻ ra qua đón nhận những khác biệt của tha nhân để yêu thương bổ túc cho nhau; bẻ ra trong những cố gắng sống đoàn kết, hợp nhất với nhau trong tình huynh đệ. Bẻ chắc chắn sẽ khó, sẽ đau vì phải hao mòn và thiệt thòi, nhưng đem lại cho ta niềm vui của tình yêu hiến tế. Và cử chỉ cuối Chúa muốn ta cùng Chúa trao cho, chia sẻ cho anh chị em xung quanh đang cần ta, nhất là những người cùng khổ, vì Chúa đã mời gọi “Chính anh em hãy cho họ ăn.”(Lc 9,13)
Chúa đã chuẩn bị bàn tiệc Thánh Thể để nuôi sống chúng ta nơi trần thế và Người cũng đã sắp đặt một bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Trời để chờ đợi chúng ta vào chung hưởng cùng Người. Xin cho Mình và Máu Thánh Chúa Kitô mà chúng ta lãnh nhận hôm nay, ban cho ta sức mạnh để kiên vững trong hành trình theo Chúa, ban cho ta ân sủng để chiến đấu chống lại những cám dỗ và mang lại cho ta sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con tặng vật tình yêu là Mình Máu Thánh Chúa. Xin giúp chúng con biết siêng năng tham dự Thánh lễ và Rước lễ, yêu mến Bí tích Thánh Thể; biết sống và làm tỏa sáng tình yêu Thánh Thể bằng chính cuộc sống yêu thương, bác ái, hiệp nhất và phục vụ của chúng con. Amen.
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Đức Giêsu đã làm phép lạ cho chừng năm nghìn đàn ông ăn, nếu kể cả đàn bà, trẻ em, có lẽ hàng chục ngàn người ăn no nê, còn dư mười hai thúng.
Thiên Chúa đã quan tâm đặc biệt ban cho con người của ăn, của uống mỹ vị thật đầy đủ, để sống và sống dồi dào.
1- Để sống đời này: Thiên Chúa đã dựng nên một vũ trụ rất phong phú cho con người hưởng dùng. Chúng ta thử xem:
Về của uống: Nguồn nước trong vũ trụ hầu như vô tận, trên mặt đất cũng như dưới lòng đất và cả bầu khí quyển đầy hơi nước, cung cấp cho người hít thở, ăn uống, tắm rửa… Toàn thân con người đã có 70% là nước.
Về của ăn: Thiên Chúa cũng trao cho con người thống trị và hưởng dùng tất cả một vũ trụ chất chứa đầy nguồn lợi thiên nhiên: Bao nhiêu chim trời, cá biển, cây cối, hoa mầu, bao nhiêu súc vật, quặng mỏ. Còn thứ gì cần thiết bằng hơi thở và ánh sáng, thế mà có cái gì dư thừa bằng không khí và ánh mặt trời. Theo các nhà địa chất, chỉ một túi dầu ở Kôweit, tính ra khai thác cả trăm năm cũng chưa cạn.
Chúng ta có thể nói: Thiên Chúa đã nuôi dưỡng con người như một ông hoàng phong lưu sung sướng sống trong cảnh địa đàng. Ngài đã phán: “Các ngươi hãy thống trị địa cầu, hãy làm chủ cá biển, chim trời và muôn loài trên mặt đất” (Stk. 1, 6).
Sở dĩ loài người thiếu thốn, đói khát, là tại con người như đứa con đi hoang, phá tán của cải Thiên Chúa ban: Tháng 11/ 1979. Đài BBC tiết lộ Mỹ tổn phí sáu mươi tỷ đô và hai vạn quân trong chiến tranh Việt Nam từ 1965-1969. Một phá tán kinh khủng sau thế chiến thứ II. Báo chí tính tiền đổ vào bom đạn ở miền Nam, chưa kể miền Bắc, có thể mua vàng chất đầy một đoàn xe tải đậu sát nhau dài từ Vũng Tàu tới Sài Gòn. Còn trong thế chiến thứ II, người ta tính số tiền phung phí đánh nhau, nếu lấy chia cho mỗi người trên thế giới, sẽ được một nhà lầu và một xe hơi. Ngày nay, theo phát giác của một sử gia Thụy Điển, mỗi phút trên thế giới chi phí quốc phòng là một triệu đô. Ông Mác Namara, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới mười một năm, đã cảnh giác: Mỗi năm thế giới chi phí vô ích vào vũ khí ba mươi tỷ đô với năm trăm nghìn bác học vàkỹ sư ! Trong khi hơn bốn tỷ người phải thiếu thốn khổ cực và chết đói.
Tiếng than của chính Đức Kitô đến nay vẫn còn kêu lên: “Ta thương đám dân này vì đã bị đói lả”. Đói lả phần xác, ta có thể đổ lỗi cho xã hội bất công, còn đói lả phần hồn, không đổ lỗi cho ai, mà phải đấm ngực mình ăn năn để lo lãnh nhận của ăn đời đời.
2- Để sống đời đời: Thiên Chúa đã ban cho ta của ăn của uống vô cùng lạ lùng, vô cùng cao quý.
Vô cùng lạ lùng vì đây là kỳ công của Thiên Chúa. Khi dựng nên trời đất muôn vật nuôi xác con người, Thiên Chúa chỉ làm trong sáu ngày, hay đúng hơn: Chỉ phán một lời. Nhưng khi nuôi hồn, Thiên Chúa đã phải làm việc thật lâu dài và cực khổ.
Lâu dài vì từ khi tổ tông Adam sa ngã, Thiên Chúa đã phải tuyển chọn hàng trăm các tổ phụ, các Vua, các tiên tri để dậy dỗ, chăm sóc, hướng dẫn, nuôi dưỡng tinh thần loài người trải qua hàng ngàn thế hệ. Thiên Chúa vẫn chưa hài lòng, Ngài còn sai Con Một yêu dấu xuống làm thân phận như tôi tớ trong ba mươi ba năm. Cũng chưa xong, Con Một Ngài vẫn tiếp tục làm việc để nuôi linh hồn người ta cho đến tận thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Cực khổ vì các tổ phụ, tiên tri đều phải chịu bao nhiêu gian lao, thử thách khi hướng dẫn con người. Nhưng, chưa thấm vào đâu với sự hy sinh cực khổ của Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chịu khổ đến nổi đổ mồ hôi máu, phải hiến mạng sống chịu đóng đinh thập giá nhục nhã như tên trộm cướp trọng tội. Để yêu thương nhân loại hơn nữa, Người còn biến bánh và rượu thành Mình Máu Người làm của nuôi linh hồn ta được sống đời đời. Có thể nói, Thiên Chúa đã dồn hết kỳ công vào việc lập phép Thánh Thể để nuôi sống ta đời đời. Cảm nghiệm được lòng thương yêu vô cùng lạ lùng đó, Thánh Tôma đã kêu lên: “Ôi nhiệm tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ…”.
Vô cùng cao quý: Vì của ăn, của uống đây là chính Thịt và Máu Thánh Đức Giêsu như Người đã xác nhận: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời, và bánh tôi ban chính là thịt tôi… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga. 6, 51-54). Đối với người Do Thái, không bánh nào cao trọng bằng bánh man na vì Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên họ ăn suốt 40 năm đi trong sa mạc để về Đất Hứa. Thế mà, Đức Giêsu bảo họ: “Tổ tiên các ông đã ăn man na và đã chết. Ai ăn bánh này khỏi phải chết” (Ga. 6, 49). Như thế, Bánh Thịt Đức Giêsu có một giá trị đời đời vì bánh này là chính sự sống của Con Thiên Chúa. Khi chúng ta ăn bánh này, chúng ta được sống bằng chính sự sống vô cùng cao trọng của Thiên Chúa.
Còn đối với người Samaria, không một thứ nước nào bằng nước giếng tổ phụ Giacóp. Thế mà, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai uống nước giếng này vẫn cón khát, ai uống nước Ta ban, sẽ không bao giờ khát nữa”. Nước Người ban chính là Máu Thánh Người.
Ngay cả bánh Đức Giêsu làm phép lạ cho năm nghìn người ăn, cũng chỉ là bánh nuôi thân xác. Họ ăn rồi, vẫn còn đói. Nên họ đã đi tìm kiếm Người để ăn nữa. Khi gặp họ, Người khuyên: “Các ông hãy ra công làm việc… để có lương thực hằng sống đem lại phúc trường sinh” (Ga. 6, 27). Lương thực hằng sống Người ban: “Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy … Cùng một thể thức ấy, vào cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Này là chén Máu Thầy …”. Người đã nộp mình thiết lập một tế lễ mới thay cho các tế lễ cũ của loài người. Chúa chẳng yêu thích tế lễ cũ vì chúng là những thứ vô tri vô giác, là những loài vật chiên bò chỉ có tế lễ mới của Đức Giêsu: “Này con xin đến làm theo ý Cha” với lòng tan nát khiêm cung, với công lý và đức nghĩa của Người mới làm đẹp lòng Cha và được Cha chấp nhận.
Lạy Chúa, xin cho con ra công làm việc để có lương thực nuôi xác và nuôi hồn con hằng ngày. Xin cho con biết rước Mình Máu Thánh Chúa để loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, mới mong được Chúa ngự đến với con trong ngày quang lâm vinh phúc đời đời.
Phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay có thể giúp chúng ta khám phá ra một vài khía cạnh chính yếu của bí tích Thánh Thể. Qua bài đọc thứ I chúng ta thấy Melkisêđê là một nhân vật lạ lùng. Ông là vua Salem, đã dùng bánh và rượu để dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa trong thời đại mà truyền thống chỉ dùng chiên bò làm lễ vật. Ông vừa là vua lại vừa là thượng tế, và dường như ông đóng vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Từ đó, truyền thống Thánh Kinh đã coi ông như là kiểu mẫu cho chức tư tế và các cộng đoàn tín hữu, đã noi gương ông, dâng bánh và rượu như lễ vật tạ ơn Thiên Chúa để lãnh nhận những ơn phúc lành Thiên Chúa ban cho.
Tiếp đến qua bài Phúc Âm thánh Luca kể lại phép lạ bánh hoá nhiều. Chúa Giêsu đã nuôi 5000 người bằng 5 chiếc bánh và 2 con cá. Phép lạ này là hình ảnh của bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ lập sau này. Ngài đã dùng chính thịt máu Ngài qua hình bánh rượu để làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta.
Sau cùng thánh Phaolô đã kể lại việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể vào chiều ngày thứ năm tuần thánh trước khi Ngài chịu nạn. Rồi thánh nhân đã kết luận: Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chết cho đến khi Ngài lại đến. Vì thế, khi rước lễ thì chính Chúa hiện diện trong chúng ta, kết hiệp chúng ta lại với nhau và cùng nhau kết hiệp với Thiên Chúa, đưa chúng ta từ cõi chết đến nguồn sự sống vĩnh cửu. Chính Ngài đã phá huỷ để tái lập lại chúng ta nên con người mới.
Một sự chết đi và sống lại được thực hiện trong chính tâm hồn chúng ta. Điều đó xem ra có vẻ lạ lùng, nhưng lại là cách thức sinh tồn của vạn vật. Hạt giống không mục nát, không chết đi thì làm sao cây lúa có thể nẩy sinh. Con ngài không tự huỷ thì làm sao nở thành một cánh bướm xinh tươi. Chính nhờ vào sự chết đi mà tạo vật được tiến hoá.
Với chúng ta cũng vậy, khi chúng ta rước lấy Mình Thánh Đức Kitô là chúng ta thực hiện một cuộc tái sinh mới. Chúng ta từ bỏ bản thân để được kết hợp với Đức Kitô. Hơn thế nữa, Thánh Thể còn nuôi dưỡng và thực hiện trong chúng ta một đời sống mới. Người tín hữu phải biết chấp hành những biến đổi do Đức Kitô đem lại, phải từ bỏ mình để làm một cuộc mạo hiểm, vì chúng ta không biết được điều gì Đức Kitô thực hiện trong chúng ta. Đó là một đời sống mới mà chúng ta chưa bao giờ trải qua.
Bởi vậy, với lương thực thần linh bổ dưỡng chúng ta hãy biêt khử trừ những thói hư tật xấu để nhờ đó chúng ta sẽ được mặc lấy con người mới theo hình ảnh của Chúa.
6. Hồng ân Thánh Thể – Lm. Ignatiô Trần Ngà
Không gì quý bằng sự sống. Dù bị thiên tai càn quét hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng người nhà chưa phải chết thì vẫn còn may.
Được sống trên cõi đời là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Sách Giảng Viên viết: “Thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết.” (Giảng Viên 9,4). Thà làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Thế nên người ta thường nói: “Mạng sống quý hơn đống vàng.”
Vì yêu thương con người vô hạn nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý nhất, đó là sự sống; và Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật (sự sống tự nhiên) mà còn thông ban cả Sự Sống thần linh của chính Thiên Chúa cho con người nữa.
Thông ban Sự Sống thần linh
Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha, rồi Chúa Cha thông ban Sự Sống của mình cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con) và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu xác nhận sự sống của mình từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha.” (Ga 6, 57)
Một khi nhận được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.
Bằng cách nào?
Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để nên một với cây nho vườn.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giêsu.
Thế nên, Chúa Giêsu lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người thì được nên một với Người, được ở lại trong Người:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”
Những ai “ở lại trong Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu ở lại trong người ấy”, thì kẻ ấy nên một với Chúa Giêsu và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Người, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
“Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 51)
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54)
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giêsu khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giêsu và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời.
Biến đổi con người thành Chúa Giêsu
Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giêsu khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định:
“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy.” (Trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh)
Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa: “Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)
Lạy Chúa Giêsu,
Hồng ân Thánh Thể Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.
Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.
Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, Thiên Chúa dựng nên con người và ban cho con người sự sống của chính Thiên Chúa. Họ được thông ban sự sống thần linh, được đặt vào trong vườn địa đàng, được chăm sóc và cai quản mọi loài Chúa dựng nên. Họ được toàn quyền để phát triển sự sống của chính Thiên Chúa nhờ muôn vật Chúa ban trừ cây biết lành biết dữ. Trải qua dòng lịch sử, con người vẫn luôn ý thức rằng: sự sống của chính mình là sự sống của Thiên Chúa ban cho cho dù tội lỗi có là lu mờ đi niềm tín thác vào Thiên Chúa. Trong thời Tân Ước, Đức Giêsu đã đến để loan báo tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, để khẳng định rằng con người luôn được Thiên Chúa yêu thương mặc cho tội lỗi có cản lối. Cao điểm của tình yêu Thiên Chúa là cái chết đau đớn của Con Thiên Chúa trên Thập giá, Ngài đã lấy hết máu và nước mình ra để minh chứng tình yêu. Yêu đến cùng cực, yêu đến điên cuồng. Tình yêu đó cũng được diễn tả cách đặc biệt bằng việc Đức Giêsu lấy thịt và máu mình để nuôi sống và cứu chữa nhân loại. Khi lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly Đức Giêsu cầm lấy bánh và nói “Này là Mình Thầy”, và cầm lấy chén rượu và nói “Này là Máu Thầy”. Còn tình yêu nào cao hơn tình yêu Thiên Chúa trong việc Thiên Chúa hiến thân, hiến thân hoàn toàn cho nhân loại. Không phải trong bữa tiệc ly ChúaGiêsu cao hứng rồi lập Bí Tích Thánh Thể nhưng mặc khải Thiên Chúa ban Thịt và Máu Ngài cho nhân loại đã là ý định đời đời nơi Thiên Chúa và đã được mặc khải tiệm tiến trong Cựu Ước với việc Thiên Chúa ban Manna cho dân Do Thái trong sa mạc, ban cách dư tràn để nuôi dân chúng. Còn trong Tân Ước như trong bài Tin mừng hôm nay chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, họ đã ăn no nê mà lại còn dư đến 12 thúng đầy bánh vụn. Suy niệm bài Tin mừng hôm nay để chúng ta thấy được rằng Bí Tích Thánh Thể là bí tích tình yêu, một tình yêu nhưng không, một tình yêu tràn đầy.
Sau khi cho dân chúng no đầy thức ăn Lời Chúa và no đầy sức khoẻ thể lý bằng việc giảng dạy và chữa lành bệnh tật cho dân chúng thì đến lượt Chúa cho họ no đầy thức ăn để nuôi sống họ. Đọc Tin mừng ta thấy phát kiến nuôi đám đông dân chúng được đến từ Thiên Chúa, Ngài bảo “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Trong tình yêu Ngài thấy được sự đói khát, sự thiếu thốn của dân chúng. Và Chúa Giêsu biết việc mình sắp thực hiện nhưng Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ cộng tác với Ngài trong công việc của Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể Chúa cũng nhờ tay các linh mục sau khi đã truyền phép thì phân phát chính Thịt và Máu Chúa cho dân chúng. Con người không có khả năng đòi hỏi một điều vượt quá sự mơ tưởng của mình. Nhưng trong Bí Tích Thánh Thể Thiên Chúa chẳng những ban những ơn ban mà còn ban chính Đấng ban ơn là chính Ngài. Cả linh mục lẫn Kitô hữu đều lãnh nhận hồng ân cao vời được phát kiến từ tình yêu Thiên Chúa. Mặt khác, Bí Tích Thánh Thể còn là bí tích được ban các dư dật theo khả năng đón nhận của từng người. Trong bài Tin mừng hôm nay có một sự đổi khác: các môn đệ chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá nhưng sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ thì họ đã ăn no nê và dư 12 thúng đầy. Chúa Giêsu đã làm phép lạ nuôi sống sự sống thể lý cho dân chúng qua đó Ngài cũng muốn nói lên rằng Ngài cũng sẽ trở nên Bánh nuôi sống sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã ban cho bằng Mình và Máu Chúa. Có thể nói cái cốt yếu là lãnh nhận hồng ân Chúa như thế nào bởi Thiên Chúa đã ban và luôn ban dư đầy.
Hôm nay lễ Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể. Có yêu thật thì mới dám chết cho người mình yêu, có yêu say đắm thì mới dám lấy thịt mình cho người yêu. Nơi Bí Tích Thánh Thể Thiên Chúa ban chính mình cho chúng ta, Ngài muốn hiện diện trong chúng ta, hành động trong chúng ta, chiến đấu cho chúng ta.. Sống mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể là sống bái ái yêu thương bởi ta đã lãnh nhận nhưng không từ Thiên Chúa thì cũng hãy biết cho nhưng không. Thiên Chúa đã yêu chúng ta đồng thời Ngài cũng yêu mọi người như chúng ta, nếu ta để Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta thì lẽ gì mà chúng ta không yêu thương anh em đồng loại.
Sống mầu nhiệm Bí Tích Thánh Thể còn là sống đời sống vui tươi. Vui tươi vì được Thiên Chúa ở cùng, vui tươi vì ta được sống sự sống của chính Thiên Chúa.
(Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Thánh lễ là Bàn tiệc. Rước lễ là ăn uống chính Mình và Máu Thánh Chúa, thứ lương thực tuyệt hảo nuôi sống và bổ dưỡng linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn chúng ta yếu, Mình Máu Thánh Chúa sẽ bổ sức cho mạnh ; nếu ta đang chán nản, Chúa sẽ ban lại cho ta niềm hy vọng ; nếu chúng ta cảm thấy người khác khó thương, Ngài sẽ ban thêm cho ta lòng mến.
Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh Lễ này, nhất là sốt sắng rước Chúa vào lòng để cho Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta lo tìm lương thực phần xác hơn là lương thực phần hồn.
– Chúng ta cùng tham dự một bàn tiệc Chúa, cùng ăn một thứ lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng chúng ta không đoàn kết yêu thương nhau.
– Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời, nhưng chúng ta còn quá lo lắng trước những khó khăn trần thế.
III. LỜI CHÚA
- Bài đọc I (St 14,18-20):
Văn mạch của câu chuyện này là Abraham vừa mới chiến thắng liên minh nhiều vua trong vùng (xem St 14,1-16).
Hay tin ấy, Melkisêđê, vừa là vua vừa là tư tế thành Salem, đã đem lễ vật gồm bánh và rượu tới dâng cho Abraham để chúc mừng ông ; đồng thời Melkisêđê cũng nhân danh Thiên Chúa tối cao chúc lành cho Abraham.
Phần Abraham. mặc dù lúc ấy ông đã hùng mạnh, nhưng ông cũng bày tỏ lòng thần phục vị Tư Tế của Thiên Chúa, nên đã nộp cho vị này một phần mười tất cả các chiến lợi phẩm.
- Đáp ca (Tv 109)
Tv 109 ca tụng Đấng Messia như một vì vua thống trị tất cả các vua trên mặt đất.
Câu đáp “Con là Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê” lại cho thấy Vua Messia ấy còn là Thượng tế nữa.
Cả hai tước hiệu Vua và Thượng Tế đều được áp dụng cho Chúa Giêsu.
- Tin Mừng (Lc 9,11-17):
Phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Cách viết của thánh Luca chứa nhiều ngụ ý:
– Ngụ ý nhắc lại phép lạ manna ngày xưa: nơi diễn ra phép lạ là “sa mạc”, một đám đông dân chúng đang đói, họ đã được ban cho một thứ bánh phép lạ, dư lại 12 thúng tương đương con số các chi tộc Israel à Như thế, phép lạ này tái diễn phép lạ manna trong sa mạc ngày xưa và còn trổi vượt hơn phép lạ xưa ấy nữa.
– Ngụ ý ám chỉ bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ lập: thời điểm diễn ra là “khi đã xế chiều” (giống bữa tiệc ly), những cử chỉ của Chúa Giêsu “cầm lấy”, “nhìn lên”, “chúc tụng”, “bẻ ra” và “chia” (giống những cử chỉ Chúa Giêsu làm khi lập phép Thánh Thể).
Tóm lại, phép lạ hóa bánh ra nhiều này nhắc lại phép lạ manna ngày xưa và là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể.
- Bài đọc II (1 Cr 11,23-26):
Thời đó, tín hữu có thói quen cử hành “bữa tiệc Thánh Thể” (Cena) trong khung cảnh một “bữa ăn huynh đệ” (agape). Ý nghĩa của bữa Cena là như sau: mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, các tín hữu đem theo của ăn thức uống góp chung lại, một phần để giúp những anh em nghèo túng, phần còn lại chia nhau dùng chung.
Nhưng ở Côrintô những người giàu đã vội vàng ngồi vào bàn và ăn uống trước không chờ những người nghèo. Tệ hơn nữa, những bữa ăn ấy lại là dịp cho họ nhậu nhẹt say sưa.
Để sửa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ở đây, Phaolô trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Đây là một tài liệu rất quý giá (cc 23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích họ cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng và đúng nghĩa. Tham dự cách bất xứng là tham dự Thánh Thể mà không quan tâm đến việc chia xẻ với những anh em nghèo túng, không nhận biết cộng đoàn Giáo Hội là thân mình của Đức Kitô được xây dựng trong tiệc Thánh Thể (ý nghĩa kiểu nói “phân biệt được Thân mình”).
- GỢI Ý GIẢNG
- Lễ Tạ Ơn
Theo nguyên ngữ, Eucharistia, Thánh lễ là một lễ Tạ ơn. Ý nghĩa này rất rõ trong các bài đọc hôm nay:
– Tư tế Melkisêđê hay tin Abraham chiến thắng thì đã “chúc tụng Thiên Chúa” (bài đọc I). Chúc tụng là một cách tạ ơn.
– Abraham nộp cho vị Tư Tế của Thiên Chúa một phần mười tất cả các chiến phẩm cũng là để bày tỏ tâm tình tạ ơn (bài đọc I).
– Khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầm lấy bánh và tạ ơn” (bài đọc II)
– Khi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, hình ảnh tiên báo Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầm lấy, ngước mắt nhìn lên trời và chúc tụng” (chúc tụng là tạ ơn) (bài Tin Mừng).
Nhưng ngày nay khi chúng ta dự Thánh lễ, hầu như chúng ta chỉ biết xin ơn mà quên tạ ơn.
Có biết bao điều ta có thể tạ ơn Chúa mỗi khi tham dự Thánh Lễ.
- Những điều tầm thường trở thành phi thường
Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta thấy nhiều điều rất tầm thường trong cuộc sống bình thường: bánh, rượu, ăn, uống, cầm, bẻ ra, chia…
Nhưng Melkisêđê đã dùng bánh và rượu ấy để làm lễ tế ; Chúa Giêsu cũng dùng bánh và rượu để biến thành Mình và Máu Ngài. Và Chúa Giêsu đã làm việc đó bằng những cử chỉ bình thường như cầm lấy, bẻ ra, trao…
Trong Thánh lễ, tất cả những điều bình thường và thậm chí tầm thường đều có thể trở thành phi thường, cao cả, thánh thiện.
Vậy mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy đến với những sự tầm thường và thánh hóa chúng thành những điều phi thường. Thí dụ: mồ hôi, nước mắt, việc làm, tâm tư, nguyện ước….
- Quen thuộc hóa
Linh mục Walter Ciszek bị quân Nga bắt trong thế chiến thứ hai. Ngài bị kết tội là “Gián điệp Vatican” và phải qua 23 năm trong tù và trong các trại lao động Sibêrica. Cuối cùng, khi ra khỏi tù, Ngài viết lại một quyển sách về những kinh nghiệm của mình và đặt tựa cho nó là: “He Liadeth me” (Ngài dẫn dắt tôi)
Một số câu chuyện cảm động trong cuốn sách nói về những hy sinh mà các tù nhân phải chịu để được nhận lãnh Mình Thánh Chúa Kitô ở trong tù. Đặc biệt có một câu chuyện đáng ghi nhớ. Trước khi chia sẻ câu chuyện này với anh chị em, tôi xin trình bày bối cảnh của câu chuyện:
Vào những ngày xảy ra thế chiến thứ hai, tức là trước Công Đồng Vatican II, giáo luật buộc kiêng ăn uống suốt 24 giờ đồng hồ trước khi rước lễ. Xin lưu ý điều này khi đọc đoạn văn sau trích từ quyển sách của Linh mục Ciszek:
“Tôi thấy các tù nhân phải bỏ bớt giấc ngủ cần thiết và thức dậy trước chuông rung để tham dự thánh lễ bí mật. Chúng tôi sẽ bị trừng trị nghiêm khắc nếu bị khám phá đang hành lễ và luôn luôn lúc nào cũng có những tên chỉ điểm… Tất cả điều trên khiến cho những thánh lễ có đông tù nhân trở nên rất khó khăn, vì thế khi có thể chúng tôi thường truyền phép thêm bánh lễ để phân phối cho các tù nhân khác. Đôi khi chúng tôi thường chỉ trông thấy họ khi chúng tôi trở về trại vào ban tối trước bữa ăn. Tuy vậy, những người này thường phải thực sự nhịn đói cả ngày và phải lao động cật lực mà không dám ăn một miếng kể từ bữa ăn tối chiều hôm trứơc chỉ với mục đích là để có thể rước Thánh Thể, điều này cho thấy Bí Tích Thánh Thể có ý nghĩa với họ biết là dường nào !” (Trích từ He Leadeth me của Walter Ciszek và Daniel Fatherly, bản 1973 của Walter J. Ciszek S. J).
Nói cách khác, trường hợp các tù nhân có thể sánh hệt như vào giờ này hôm qua đến giờ này hôm nay anh chị em và tôi chẳng hề ăn uống gì cả, đồng thời chúng ta lại đang phải lao động vất vả trong thời tiết dưới không độ. Điều ấy cho thấy sự rước lễ có ý nghĩa biết bao đối với Linh Mục Ciszek và các tù nhân của Ngài.
Câu chuyện trên thật thích hợp với lễ Mình Thánh Chúa Kitô hôm nay. Hai tiếng La Tinh “Corpus Christi” có nghĩa là “Thân Thể Chúa Kitô”… Vào dịp lễ Mình Thánh Chúa Kitô này, chúng ta tôn vinh thân xác Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.
Tại sao chúng ta dành riêng một ngày đặc biệt để tôn vinh “Mình Thánh” Chúa Kitô? Chúng ta đã chẳng tôn vinh Mình Thánh Chúa Kitô vào mỗi khi dâng Thánh lễ sao? Vậy tại sao lại có ngày dành riêng đặc biệt này?
Lý do chúng ta mừng lễ Mình Thánh Chúa Giêsu cũng chính là lý do khiến chúng ta mừng ngày dành riêng cho các bậc làm cha hôm nay. Bởi khuynh hướng con người chúng ta thường xem những tặng phẩm đặc biệt là điều dĩ nhiên, chẳng hạn như thân mình Chúa Giêsu hoặc các người bố của chúng ta.
Một trong những bi kịch lớn nhất của cuộc đời chúng ta thường đánh mất sự quí trọng đối với một vài tặng phẩm quí giá nhất mà chúng ta đang có. Tại sao vậy? Các nhà tâm lý học cho chúng ta hay là nếu chúng ta cứ phải chú ý đến từng âm thanh chúng ta nghe hoặc từng mầu sắc chúng ta thấy thì chắc chắn chúng ta sẽ phát điên lên. Vì thế để bảo vệ chúng ta khỏi sự điên khùng này, chúng ta liền thích ứng với những âm thanh và mầu sắc này, chúng ta đóng khung chúng khỏi ý thức mình. chẳng hạn, nếu chúng ta nghe ai đó đánh máy trong phòng bên cạnh thì chúng ta sẽ để cho lỗ tai làm quen với âm thanh ngay. Các nhà tâm lý học gọi tiến trình này là “Quen thuộc hoá” (habituation).
Tuy nhiên cũng có mặt trái của sự quen thuộc này. Bởi vì chúng ta thường dễ có khuynh hướng làm ngơ trước mọi sự, chẳng hạn những buổi mặt trời lặn, những bông hoa, bè bạn, các bà mẹ, các ông bố và ngay cả Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta đánh mất sự quý chuộng và sự biết ơn về những điều ấy. Chúng ta xem đó như những điều đương nhiên.
Sự quen thuộc hoá này là một trong những lý do quan trọng khiến môn Thiền đã trở nên khá phổ biến. Mục đích của việc thiền định là giúp chúng ta tiêu trừ “sự quen thuộc hoá” này. Nó giúp chúng ta ý thức trở lại vẻ đẹp của hoàng hôn, của bông hoa, của bè bạn. Trong thiền định, người ta cố gắng tập trung chú ý vào một đối tượng thân thuộc, chẳng hạn một bông hoa, như thể lần đầu tiên người ta trông thấy nó ; hoặc tập trung vào một kẻ mình yêu mến chẳng hạn ông bố của mình như thể đây là lần sau cùng mình trông thấy ông và ao ước cho hình ảnh ông ấy trường tồn mãi trong tâm trí.
Điều này dẫn chúng ta đến với Mình Thánh Chúa Kitô. Lễ Mình Thánh Chúa Kitô đưa ra cho chúng ta lời mời gọi lẫn thách thức.
Trước hết là lời mời gọi. Mình Thánh Chúa Kitô mời gọi chúng ta tự vấn xem việc rước lễ có ý nghĩa gì với chúng ta? Chúng ta còn trân trọng việc ấy nhiều như khi chúng ta rước lễ lần đầu không? Việc rước lễ có ý nghĩa đối với chúng ta nhiều như đối với các tù nhân trong cuốn sách của Linh Mục Ciszek không?
Nếu câu trả lời của chúng ta là không thì chúng ta sẽ gặp phải một lời thách thức. Đây cũng là lời thách thức dành cho các bậc làm bố đặt ra cho chúng ta. Thách thức đó là: “Làm thế nào chúng ta có thể tìm lại được sự quí chuộng đối với phép Thánh Thể cũng như sự quí chuộng đối với bố mình? Làm thế nào chúng ta có thể phấn khích trở lại về cả hai tặng phẩm ấy?”
Một phương cách giúp chúng ta làm được điều đó là bắt chước các thiền sư. Chúng ta cố gắng suy niệm về Mình Thánh Chúa Kitô như thể lần đầu tiên chúng ta khám phá ra mầu nhiệm này.
Cách đây một ít năm, bà Emilie Griffin làm nghề quảng cáo ở Nữu Ước đã trở lại đạo Công Giáo. Bà có viết một cuốn sách hấp dẫn tựa đề Turning (Trở lại), trong đó bà bàn về lý do lôi kéo bà đến với đạo Công Giáo như sau:
“Lòng sùng mộ gia tăng đối với phép Thánh Thể và niềm tin vào việc Chúa hiện diện thực sự đã lôi kéo tôi đến nhà các nhà thờ thuộc Công giáo Rôma và trong khi lòng sùng mộ phép Thánh Thể càng gia tăng thì tôi lại càng bị lôi cuốn đến với Công giáo Rôma”.
Như thế, chúng ta nên cố gắng suy niệm về bí tích Thánh Thể theo gương Emilie Griffin khi bà khám phá ra mầu nhiệm khôn dò này ngay trong lần đầu tiên.
Tôi xin được phép kết thúc bài giảng với hai gợi ý sau.
Thứ nhất, trong tuần lễ sắp tới, anh chị em hãy gia tăng lời cảm tạ Chúa Giêsu vào giờ kinh nguyện hằng ngày vì Ngài đã tặng ban Máu Thịt Ngài làm quà cho chúng ta.
Thứ đến, kể từ nay trong giờ lễ mỗi khi bước ra khỏi hàng ghế để lên nhận Mình Thánh Chúa, anh chị em hãy tập trung ý nghĩ một cách đặc biệt vào Đấng mà anh chị em sắp lãnh nhận khi thừa tác viên Bí tích Thánh Thể nâng Bánh Thánh lên nói: “Mình Máu Chúa Kitô”. Bởi vì:
Anh chị em sắp lãnh nhận thân xác sống động của Chúa Kitô.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu đã sinh ra ở Belem.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu đã chết trên thập giá.
Anh chị em sắp lãnh nhận chính Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết.
Khi anh chị em suy nghĩ về điều này, chắc chắn anh chị em khó thể nào tin nổi vì điều ấy thật khó mà tưởng tượng được, tuy nhiên nhờ đức tin chúng ta biết rằng điều ấy quả có thực. Chỉ một mình Thiên Chúa giàu lòng yêu thương mới có thể ban cho chúng ta một quà tặng khôn tưởng như thế. (Vietcatholic)
- Lương thực thần linh
Một số anh chị em dự tòng sau khi được học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của thánh lễ cũng như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi: Nếu thánh lễ và mầu nhiệm Thánh Thể cao quí và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều người công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa?
Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc nhận thực rằng: tại do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì thiếu hiểu biết nên không thấy được sự cao quí và tầm quan trọng của việc dâng lễ và việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa Nhật chỉ là một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức rằng: thánh lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa đặt ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Và thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55). Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng: Khi Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.
Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa: “Người ta sống không chỉ bởi bánh” (Lc 4,4).
Thiết tưởng mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với thánh lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi. (Sưu tầm)
- Bí tích tình yêu
Trái bom nguyên tử đầu tiên đã nổ tại Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945. Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, một thánh lễ được cử hành ở ngoại ô thành phố giữa những nạn nhân nằm la liệt.
Linh mục giám đốc tập viện Dòng Tên mở cửa nguyện đường đón nhận họ và tìm cách săn sóc họ. Về sau, khi đã trở nên Bề Trên Cả Dòng Tên, cha giám đốc tập viện Pedro Arrupe kể lại cảnh tượng sáng hôm đó như sau: “Nguyện đường tập viện chúng tôi phân nửa đã bị tàn phá, khi ấy tràn ngập những người bị thương do bom nguyên tử. Họ nằm la liệt bên nhau trên nền nhà, co quắp lại, bị đau khủng khiếp. Tôi khởi sự dâng thánh lễ, ráng tập trung trong một thế giới chẳng hiểu biết gì về những điều đang thực hiện trên bàn thờ. Họ là người ngoại đạo chưa hề dự một thánh lễ. Tôi không thể nào quên được cử chỉ tôi làm khi hướng về họ và nói: Chúa ở cùng anh chị em, giữa cảnh họ đang chịu đau đớn. Tôi hầu như bị tê liệt với hai tay giang ra mà tôi nghĩ tới thảm kịch con người dùng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để tiêu diệt loài người. Đáp lại là những cặp mắt của những nạn nhân đang chờ nguồn an ủi nào đó từ bàn thờ giữa cảnh họ đang hấp hối và tuyệt vọng (…)
Sáu tháng sau, tất cả các nạn nhân được chữa trị đều trở về nhà, chỉ trừ hai người đã chết. Nhiều người trong số họ đã chịu Phép Rửa và ai thì cũng được biết thế nào là đức Ái Kitô giáo (…)
Bí Tích Thánh Thể – Dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu siêu việt
Bí Tích Thánh Thể lại một lần nữa làm cho tôi kinh ngạc và cúi đầu thán phục trước sáng kiến vĩ đại của mầu nhiệm Nhập Thể, một sáng kiến chỉ có thể là sáng kiến của Tình Yêu. Chính để cứu chuộc con người mà Thiên Chúa đã nên một Con Người như ta. Chính để trao ban Sự Sống Đích Thực cho ta, mà Ngài đã trở nên của ăn thật sự, cụ thể cho ta. Điều kỳ diệu là sức sống thiêng liêng lại có thể ban cho ta qua Bàn Tiệc rất hữu hình và cụ thể. Ta không chỉ ăn Đức Giêsu cách biểu tượng và mầu nhiệm, mà còn một cách thực sự hữu hình và vật chất. Đó chính là sự kỳ diệu của Bí Tích vậy. Hội Thánh của Đức Giêsu được nuôi dưỡng bởi chính những dấu chỉ hữu hình đó. Thán phục trước sự kỳ diệu đó, tôi thấy mình được mời gọi yêu mến Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giêsu hơn, với những phương tiện hữu hình, giới hạn nhưng đem lại sức sống dồi dào của Mẹ Thánh.
Đức Giêsu ban sự sống cho ta không với tư cách một người ban phát từ bên ngoài, nhưng Ngài tự nguyện trở thành của ăn cho ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi, để cho kẻ khác nhờ đó mà được sống, tựa như hạt giống kia mục nát đi để đem lại sự sống cho vô số hạt khác. Một hành vi phục vụ đúng nghĩa. Tôi tự hỏi mình đã có một ước muốn phục vụ đích thực theo nghĩa là dám tự nguyện quên mình để nghĩ đến lợi ích người khác hay chưa.
Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của sự hiệp thông. Thánh Thể hiện diện nơi Nhà Tạm là trung tâm của cộng đoàn tụ họp lại trong tình huynh đệ, dâng lên Cha hiến lễ chính Người Con. Vì Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô, nên khi dâng lên Cha Người Con, cộng đoàn tụ họp cũng dâng lên Cha chính mình với tư cách là Hội Thánh, Thân Mình của Đức Kitô vậy. Và khi cử hành Bàn Tiệc Thánh, cộng đoàn cũng cử hành mầu nhiệm hiệp thông vậy. Làm cho tôi được kết hợp với Đức Giêsu Phục Sinh, Bí Tích Thánh Thể còn liên kết tôi với anh chị em khác vốn cũng đang mang Đức Giêsu trong mình: bởi vì họ cũng được Ngài yêu mến, hiến thân cho. Liệu tôi có thể yêu mến Đức Giêsu đích thực không khi tôi chẳng yêu thương những người mà chính Ngài yêu thương đến nỗi hiến mạng vì họ? Nếu tôi yêu mến Thánh Thể của Đức Giêsu, thì liệu tôi có sẵn sàng quan tâm, săn sóc những thành phần đau yếu nghèo đói, bị bỏ rơi của Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh chăng? Còn biết bao anh chị em trong cùng Thân Thể với tôi đang rên xiết dưới sức nặng của đau khổ và cần tôi giúp đỡ và yêu mến. Chính Bí Tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh khiến tôi có khả năng yêu mến và thể hiện Tình Yêu đó cho anh chị em tôi. (Lm Augustine, sj. Vietcatholic)
- “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”
Đôi khi chúng ta bị coi thường. Điều này thật đau buồn. Chúng ta thấy việc mình làm chẳng ai biết tới, và ngay chính bản thân chúng ta cũng bị đối xử như chẳng có gì đáng chú ý.
Nhưng tệ hơn nữa là chúng ta bị quên lãng. Điều này còn đau buồn hơn. Người ta quên chúng ta có nghĩa là không chỉ người ta không coi trọng chúng ta mà còn coi như chúng ta không có.
Bởi vậy ai cũng cố gắng làm cho người ta nhớ tới mình. Có câu nói rằng điều đáng sợ nhất không phải là chết mà là bị bỏ quên.
Chúa Giêsu cũng thế. Ngài muốn chúng ta nhớ tới Ngài. Vì thế trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã ngồi xuống cùng ăn với các môn đệ, rồi cầm lấy bánh và nói: “Này là Mình Thầy được ban cho các con”. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu và nói: “Này là chén Máu Thầy… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Dĩ nhiên Chúa muốn các môn đệ nhớ đến Ngài không phải chỉ vì ích lợi cho Ngài mà vì ích lợi cho chính họ. Họ cũng cần nhớ đến Ngài nữa. Vì yêu thương họ nên Ngài đã để lại một cách đặc biệt để nhớ đến Ngài, đó là Bí tích Thánh Thể.
Mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể là chúng ta nhớ lại một số lời Ngài nói và một số việc Ngài làm. Chúng ta suy gẫm những điều đó và cố gắng thực hành trong đời sống.
Mỗi lần chúng ta nhớ đến Ngài bằng cách đó thì Ngài trở nên hiện diện gần gũi với chúng ta, tuy không hiện diện hữu hình nhưng là hiện diện thực sự.
Nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, một mối dây yêu thương nối kết chúng ta lại với Ngài, kết quả là chúng ta có khả năng đi vào sự thân mật sâu đậm với Ngài, sâu đậm hơn cả khi Ngài hiện diện hữu hình. Chúng ta không chỉ thông giao với Ngài, mà còn hiệp thông với Ngài nữa, một sự hiệp thông thánh thiện.
Nhớ là một khả năng quý giá. Nó nối kết chúng ta lại với những người và những sự việc không còn nữa. Khi chúng ta nhớ đến những người thân yêu thì họ trở thành hiện diện với chúng ta. Họ không chỉ là một ký ức mà là một sự hiện diện thực sự. Khi nhớ tới họ là chúng ta tiếp tục gặt hái những hoa trái mà họ đã gieo khi còn sống với chúng ta.
Huống chi là khi chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, hoa trái chúng ta gặt hái còn nhiều hơn đến mức nào nữa. Nhất là nhớ đến Ngài bằng cách thức Ngài chỉ dạy, đó là cử hành Bí tích Thánh Thể (FM)
- Chuyện vui
Cô giáo giảng cho các học sinh về việc Chúa Giêsu lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi cả một đám đông: “Các em phải biết là Chúa Giêsu không thực sự nuôi dân bằng vài mẩu bánh. Chuyện đó không thể làm được. Đúng ra là Ngài đã dùng lời ngon ngọt mê hoặc họ để họ không còn cảm giác đói khát và về đến nhà vẫn còn cảm thấy no nê.” Chợt một bé gái đứng lên hỏi: “Thưa cô, vậy 12 thúng bánh vụn lấy đâu ra?”
- LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến, khi cùng với các tông đồ dự bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh thể để thánh hóa và dưỡng nuôi các tín hữu trong cuộc lữ hành trần thế. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
- Bí tích Thánh thể là bí tích tình yêu / dấu chỉ hiệp nhất / mối dây bác ái / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa / khi tham dự bàn tiệc Thánh thể / được đức tin duy nhất chiếu soi / và được liên kết trong cùng một đức ái vững bền.
- Chính Chúa Giêsu đón nhận người Kitô hữu khi họ rước Chúa vào lòng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa dạy các tín hữu / biết niềm nở đón tiếp những ai đang tìm Người.
- Chính Chúa Giêsu tự hiến làm của ăn của uống cho loài người trong bí tích Thánh thể / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho sức mạnh người Kitô hữu đã tìm được nơi bàn thánh / tồn tại mãi trong cuộc sống chứng nhân thường ngày.
- Việc rước lễ thường xuyên sẽ giúp ta tránh xa tội lỗi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu được điều này / và chuẩn bị thật tốt tâm hồn / để mỗi khi tham dự thánh lễ / đều có thể rước Chúa một cách xứng đáng và hữu hiệu.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, là Linh mục đích thực và vĩnh cửu, Chúa đã thiết lập hy lễ trường tồn và truyền cho chúng con cử hành mà tưởng nhớ đến Chúa. Xin cho chúng con biết tham dự thánh lễ một cách sốt sắng như Hội thánh đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
9. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
(Suy niệm và Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông)
Chủ đề lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô hôm nay là “bánh”, tượng trưng lương thực cần thiết để nuôi sống con người. Đó là bánh cùng với rượu mà ông Men-ki-xê-đê mầu nhiệm, vừa là vua và vừa là tư tế thành Sa-lem, dâng tiến để chúc phúc cho tổ phụ Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao. Đó cũng là bánh Đức Giê-su hóa nhiều để nuôi dân chúng ăn no nê trong hoang địa. Đó cũng là bánh mà trong đêm bị nộp, Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể để con người được sống và sống dồi dào.
St 14: 18-20
Bài Đọc I, trích từ sách Sáng Thế, thuật lại cuộc gặp gỡ của tổ phụ Áp-ra-ham với ông Men-ki-xê-đê mầu nhiệm, vừa là tư tế vừa là vua thành Sa-lem. Ông Men-ki-xê-đê dâng tiến hiến lễ tạ ơn gồm bánh và rượu. Truyền thống Ki-tô giáo đã thấy ở nơi hiến lễ này tiên trưng hy lễ Thánh Thể.
1Cr 11: 23-26
Bài Đọc II, trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, là bài trình thuật cổ kính nhất về việc Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể.
Lc 9: 11-17
Tin Mừng thánh Lu-ca tường thuật biến cố Chúa Giê-su hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng dân chúng trong hoang địa, tiên trưng Thân Thể Chúa Ki-tô vinh quang hiện diện và hóa nhiều trong bàn tiệc Thánh Thể.
BÀI ĐỌC I (St 14: 18-20)
Trong tập truyện về tổ phụ Áp-ra-ham được ghi lại trong sách Sáng Thế từ chương 12 đến chương 25, xuất hiện một tình tiết ngắn và đặc biệt: một nhân vật mầu nhiệm, ông Men-ki-xê-đê, vua và tư tế thành Sa-lem, viếng thăm tổ phụ Áp-ra-ham.
Sau khi đã chiến thắng bốn vị vua liên minh với nhau tấn công thành Xơ-đôm và thành Gô-mô-ra và đã giải thoát gia đình ông Lót, cháu của ông, cũng như dân của hai thành, ông Áp-ra-ham đang trên đường trở về, thì ông Men-ki-xê-đê, vừa là vua vừa là tư tế thành Sa-lem, đến để chúc phúc cho ông Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa.
- Cử chỉ của ông Men-ki-xê-đê:
Ông Men-ki-xê-đê đem bánh và rượu đến và dâng tiến hiến lễ tạ ơn. Ngay liền sau đó, bản văn xác định chân tính của ông Men-ki-xê-đê, ông hành động với tư cách tư tế của Đấng Tối Cao; vì thế cử chỉ của ông mang giá trị tôn giáo. Ông chúc lành cho tổ phụ Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã cho vị lãnh tụ Do thái này chiến thắng những kẻ thù của mình.
Việc ông Men-ki-xê-đê kêu cầu Thiên Chúa dưới danh xưng là “Đấng Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất”, đó cũng là danh xưng của Đức Chúa trong Kinh Thánh (St 24: 3; Tv 18: 14; 47: 3; 78: 35; 97: 9). Đó cũng là vị Thiên Chúa mà tổ phụ Áp-ra-ham tôn thờ, thường nhất dưới danh xưng “Đấng Toàn Năng” (St 17: 1). Quả thật, lời ông Men-ki-xê-đê chúc phúc cho ông Áp-ra-ham và chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao được gặp thấy tương tự trong đoạn văn sách Giu-đi-tha, theo đó, sau khi đã chiến thắng tướng Hô-lô-phéc-nê, bà Giu-đi-tha được ca ngợi: “Bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc… Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất” (Gđt 13: 18).
Ông Men-ki-xê-đê được tác giả thánh vịnh ca ngợi là dung mạo lý tưởng của Đấng Mê-si-a vừa là vua vừa là tư tế: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị… Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Tv 110: 1-4). Thật ra, Đấng Mê-si-a không thể là tư tế theo phẩm trật Lê-vi vì là hậu duệ của vua Đa-vít, nghĩa là Đức Giê-su thuộc bộ tộc Giu-đa chứ không thuộc bộ tộc Lê-vi. Tác giả thư gởi tín hữu Do thái sẽ khai triển lối chú giải này (Dt ch. 5 và ch. 7).
- Cử chỉ của tổ phụ Áp-ra-ham:
Để tỏ lòng biết ơn, tổ phụ Áp-ra-ham biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm của mình. Sách Sáng Thế thường kể ra tấm lòng hào phóng và vị tha của tổ phụ Áp-ra-ham (x. những lời cầu bầu thật cảm động của ông ở St 18: 22-32). Cử chỉ của vị tổ phụ đặc biệt có ý nghĩa. Một phần mười là hiện vật mà dân Ca-na-an dâng hiến cho các thần linh của mình; đây cũng là thuế hằng năm mà các dân đóng cho các vua chúa ở miền Cận Đông. Như vậy, ông Áp-ra-ham nhận ra tính chính danh chức tư tế và vương đế của ông Men-ki-xê-đê. Ngoài ra, cử chỉ của vị tổ phụ mang tính tiên trưng, vì sau này con cái Ít-ra-en có nghĩa vụ đối với Đức Chúa, các tư tế và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem của họ bằng cách đóng thuế thập phân. Như vậy, tổ phụ Áp-ra-ham tiền thân việc dân Chúa dâng tiến cho Đức Chúa, Đấng Tối Cao, một phần mười lợi tức của mình theo luật định.
Trong Tân Ước, chúng ta đọc thấy tình tiết này trong thư gởi tín hữu Do thái, ở đó tác giả còn phóng đại mầu nhiệm bao quanh nhân vật Men-ki-xê-đê khi ban cho ông tính chất siêu việt nào đó (Dt ch. 7). Các bản văn Do thái giáo khuếch trương nhân vật huyền bí này theo cùng một ý hướng, như các bản văn được gặp thấy ở Qumran gợi lên vai trò của ông Men-ki-xê-đê, “trổi vượt trên vai trò của các thiên thần”.
Sau này, vào thế kỷ thứ ba, trong khoa chú giải Ki-tô giáo, hiến lễ bánh và rượu mà ông Men-ki-xê-đê dâng tiến để chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao được giải thích như tiên trưng bàn tiệc Thánh Thể: Đức Giê-su sẽ biến bánh và rượu thành Mình và Máu của Ngài. Lời giải thích này được chính thức chấp nhận trong Lễ Quy Rô-ma khi nhắc nhớ: “hy lễ thánh thiện và lễ vật tinh tuyền của Men-ki-xê-đê, thượng tế của Chúa”.
BÀI ĐỌC II (1Cr 11: 23-26)
Bản văn này được trích từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô là bài trình thuật cổ kính nhất mà chúng ta có về việc Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. Thư này chắc hẳn được viết ở Ê-phê-xô vào mùa xuân 55, gần đến lễ Vượt Qua, vì thế khoảng cách giữa bản văn này và biến cố Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể khoảng độ 20 năm.
Thánh Phao-lô yêu cầu các tín hữu Cô-rin-tô phải tôn kính cách đặc biệt “bữa ăn của Chúa”. Để làm sống lại nơi họ tâm tình tôn kính “bữa ăn của Chúa” này, thánh nhân nhắc họ nhớ lại những ngôn từ của việc thiết lập và ý nghĩa sâu xa của bữa ăn này. Như vậy, chúng ta vừa có những lời của Chúa Giê-su được lập lại trong lễ Quy, vừa có quan điểm thần học đầu tiên hướng đến mầu nhiệm lớn lao này.
- “Đây là điều Chúa Giê-su đã dạy cho tôi…”:
Thánh Phao-lô viết: “Đây là điều Chúa Giê-su đã dạy tôi, tôi xin truyền lại cho anh em” (1Cr 11: 23), như vậy thánh nhân khẳng định rằng điều này ngài đã lãnh nhận trực tiếp từ chính Chúa Giê-su chứ không “từ truyền thống đến từ Chúa”. Chúng ta không loại trừ rằng thánh nhân ám chỉ đến một mặc khải cá nhân (thánh nhân có nhiều kinh nghiệm trực tiếp từ Đức Ki-tô), nhưng dù thế nào, mặc khải cá nhân này chỉ có thể củng cố điều mà thánh nhân đã biết được từ chính các chứng nhân nhãn tiền.
- Trong đêm bị nộp:
Mỗi khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta lập lại những lời này, chúng nhắc nhớ sự tương phản bi thảm giữa việc Đức Giê-su hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại và sự đê tiện của một trong các môn đệ của Ngài, một kẻ phản bội tình bằng hữu của Ngài và nộp Ngài cho các kẻ thù của Ngài. Ác thần đã làm rối loạn công trình tạo dựng ngay từ đầu. Ác thần này lại hiện diện và xem ra có vẻ chiến thắng vào thời điểm Đức Giê-su sắp thiết lập một thế giới mới và một giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Nhưng Xa-tan bị đánh bại bởi chính các công việc của nó: chúng giúp cho ý định của Thiên Chúa được thực hiện.
- “Đây là Mình Thầy, hy sinh vì anh em…”:
Bản văn của thánh Phao-lô rất giống với bản văn của thánh Lu-ca: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22: 19). Hơn nữa, chỉ duy cả hai ngài truyền đạt cho chúng ta lời căn dặn của Chúa Giê-su: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11: 24b và Lc 22: 19).
Chúa Giê-su đã minh nhiên loan báo hồng ân lạ lùng này: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6: 51). Những lời này xem ra quá thẳng thắn đến mức khó mà tin được. Ngài cũng đã cho vài linh cảm theo cách khác qua những dấu chỉ. Ở tiệc cưới Ca-na, Ngài đã biến nước thành rượu, đây chỉ là một khúc dạo đầu; ở nơi hoang địa, Ngài đã hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông đang đói được ăn no nê, đây chỉ còn là bước khởi đầu của biểu tượng.
Hai dấu chỉ “bánh” và “rượu” có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Bánh được làm từ hạt lúa miến bị giã thành bột và được nhồi thành bánh, rượu được ép ra từ trái nho bị dẫm đạp và nghiền nát; cả hai xem ra được định sẵn cho việc chuyển đổi thành hai hình Thánh Thể. Chúa Giê-su nhấn mạnh cả giá trị hy tế lẫn ý nghĩa giao ước mà cử chỉ của Ngài mặc lấy. Nhưng thánh Phao-lô không nhấn mạnh hai khía cạnh này. Trong một chú giải ngắn của mình, thánh nhân cho thấy ý nghĩa sâu xa mà thần học của thánh nhân không ngừng được gợi hứng: mầu nhiệm Tử Nạn và mầu nhiệm Phục Sinh được tái diễn mỗi lần cộng đoàn Ki-tô hữu cử hành bàn tiệc Thánh Thể.
- Mầu nhiệm Tử Nạn và mầu nhiệm Phục Sinh:
“Thật vậy, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa đến”. Với lời nhắc nhở này, thánh Phao-lô cho chúng ta hiểu rằng hồng ân Thánh Thể quy tụ, thâu tóm tất cả mầu nhiệm cứu độ, tức mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Cử hành Thánh Thể là tái diễn hy tế của Đức Ki-tô trên thập giá, nhưng đây là vị Thiên Chúa hằng sống, Đấng tự hiến bản thân mình. Khi rước Mình Thánh Đức Ki-tô, người Ki-tô hữu được tháp nhập vào trong cùng một chuyển động đau khổ, chết và sống lại của Ngài. Thánh Thể là bảo chứng cho thấy ngay từ giờ Nước Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại và sẽ phát triển viên mãn vào ngày Đức Ki-tô trở lại trong vinh quang. Sự đảm bảo này được toàn thể cộng đoàn tuyên xưng niềm tin và niềm hy vọng của mình sau khi truyền phép: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
TIN MỪNG (Lc 9: 11-17)
Phép lạ bánh hóa nhiều được cả bốn tác giả Tin Mừng tường thuật, thậm chí thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô còn tường thuật thêm bánh hóa nhiều lần thứ hai. Thánh Gioan xác định phép lạ này xảy ra vài ngày trước lễ Vượt Qua. Vào thời điểm này, có rất nhiều khách hành hương từ khắp nơi quy tụ cùng nhau dọc theo biển hồ Ghên-nê-sa-rét để chuẩn bị theo từng nhóm lên đường tiến về thành thánh Giê-ru-sa-lem. Vì thế, đám đông được mô tả trong bài tường thuật này đóng một vai trò quan trọng. Khi hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông vài ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su loan báo một lễ Vượt Qua khác. Đó là lý do tại sao phụng vụ cho chúng ta đọc bài tường thuật này vào lễ Mình và Máu của Đức Ki-tô.
- Một ngày đầy hồng ân:
Biến cố được định vị ngay sau khi nhóm Mười Hai đi truyền giáo trở về. Chúa Giê-su muốn đem riêng các Tông Đồ xuống thuyền qua bờ bên kia “đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6: 31). Tuy nhiên, đám đông hiểu ý liền theo đường bộ mà đến với Ngài.
Đức Giê-su không sống cho riêng mình; Ngài đến để hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại. Sự hiện diện của đám đông ở nơi này cản trở dự định nghỉ ngơi của Ngài, ấy vậy Ngài ân cần tiếp đón họ. Ngài động lòng thương những nỗi khốn khổ của họ “vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6: 34). Để đáp ứng nỗi khốn khổ tinh thần của họ, “Ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa”, và để bù đắp nỗi khốn khổ thể lý của họ, “Ngài chữa lành những ai cần được chữa lành”. Khi chiều xuống, Ngài hoàn tất ngày hôm đó với một cử chỉ báo trước việc Ngài hiến dâng bản thân mình còn triệt để hơn nữa.
- Dấu chỉ loan báo cuộc Xuất Hành Mới:
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nhấn mạnh: “Ở đây hoang vắng”. Diễn ngữ này gợi nhớ thời kỳ Xuất Hành, thời kỳ dân Do thái đã phải chịu đói chịu khát trong hoang địa Xi-nai, họ nhận được bánh man-na, “bánh từ trời xuống”, ân ban này được tiếp diễn hằng ngày cho đến lúc dân vào đất hứa Ca-na-an. Diễn ngữ này ám chỉ Đức Giê-su là Mô-sê Mới sắp cho dân Ít-ra-en Mới ăn no nê bánh kỳ diệu.
- Dấu chỉ loan báo thời Mê-si-a:
Trước tiên, cử chỉ của Đức Giê-su mang chiều kích Mê-si-a. Với các môn đệ và đám đông dân chúng theo Ngài, Đức Giê-su muốn cho họ hiểu rằng thời kỳ Thiên Chúa viếng thăm nhân loại đã đến, tức là thời Mê-si-a, thời mà các ngôn sứ, các thánh vịnh gia và các hiền nhân đã tiên báo rằng đó sẽ là thời kỳ Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ân phúc của Ngài. Chủ đề này được trình bày dưới hình ảnh một bữa ăn, “bàn tiệc thời Mê-si-a”, tiên báo bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa sẽ khoản đãi những người được tuyển chọn trong Nước Thiên Chúa (Tv 132: 14-15; I s 49: 10; 55: 1-3; Am 9: 13…).
- Dấu chỉ loan báo Giáo Hội:
Thánh Lu-ca luôn luôn nhạy bén trước khía cạnh Giáo Hội ở nơi những dấu chỉ mà Chúa Giê-su ban cho. Như tại thánh Mát-thêu, khác với thánh Mác-cô và thánh Gioan, thánh Lu-ca nêu bật nhóm Mười Hai, các ngài ý thức về hoàn cảnh và đề nghị một giải pháp: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì ở đây hoang vắng quá”. Nhưng Chúa Giê-su đáp: “Anh em hãy liệu cho họ ăn”. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại mệnh lệnh này. Thánh Mát-thêu còn nhấn mạnh hơn nữa: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14: 16). Các ông phải mặc lấy tấm lòng của Đức Ki-tô trước nỗi khốn khổ lớn lao của đám đông này. Chính các ông chứ không ai khác phải đối mặt với vấn đề này và đáp ứng những mong ước của đám đông khốn khổ này chứ không tìm cách thoái thác để lẫn tránh trách nhiệm của mình, dù bất kỳ lý do gì.
Các môn đệ chỉ còn biết thú nhận là họ bất lực: họ chỉ có trong tầm tay vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá trước đám đông dân chúng khốn khổ bao la này. Về phương diện nhân loại, không có giải pháp nào khả dĩ. Đây là một bài học thật sự kinh khiếp: không phải Giáo Hội thường phải đối mặt với những vấn đề tưởng chừng như không thể giải quyết được nếu không có đức tin sao?
Lúc đó, Chúa Giê-su yêu cầu các môn đệ cho dân chúng ngồi thành từng nhóm, mỗi nhóm khoảng năm mươi người. Ở đây, bản văn quy chiếu đến sách Xuất Hành, theo đó ông Mô-sê quy tụ những chi tộc Ít-ra-en để làm thành một dân và đặt những người chỉ huy: điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người (Xh 18: 21-25). Cũng vậy, Đức Giê-su làm cho đám đông thành một cộng đoàn quy tụ quanh Ngài và Ngài sắp nuôi dưỡng họ từ bánh hóa nhiều. Ý nghĩa Giáo Hội thì thật rõ nét.
- Dấu chỉ loan báo Thánh Thể:
“Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ…”. Ở đây, các tác giả Tin Mừng đều miêu tả cử chỉ của Đức Giê-su y hệt như cử chỉ của Ngài trong Bữa Tiệc Ly (Lc 22: 19-20; 1Cr 11: 23-25) và cũng qua dấu chỉ này các môn đệ nhận ra Chúa (Lc 24: 30-31).
Việc chia sẻ bánh hóa nhiều trên đồi Ga-li-lê tiên trưng việc chia sẻ bánh hóa nhiều khác, nghĩa là chia sẻ Thân Thể Đức Ki-tô vinh quang hiện diện và hóa nhiều trong bàn tiệc Thánh Thể, không chỉ cho vài ngàn người nhưng cho hằng triệu người, mỗi giây phút và trên khắp thế giới cho đến ngày tận thế: “Đức Giê-su là tấm bánh bẻ ra cho một thế giới mới”.
10. Thánh Thể, quà tặng tình yêu
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Người Do Thái quý trọng hạt lúa miến như thế nào thì người Việt Nam chúng ta cũng quý trọng hạt gạo biết bao.
Vì hạt gạo tượng trưng cho sự đầy đủ, sung túc và no ấm. Người Việt Nam còn coi hạt gạo, hạt cơm là “hạt ngọc” Trời cho để nuôi sống con người. Tuy nhiên, để có được hạt gạo con người cũng phải bỏ công sức với một nắng hai sương mà có. Trong bài thơ: “Hạt Gạo Làng Ta” của Trần Đăng Khoa viết năm 1968 khi nhà thơ vừa tròn 10 tuổi đã nói lên được một phần ý nghĩa đó:
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy.”
Ôi! Thật là một sự hy sinh, cần mẫn vượt lên trên cái nắng đổ lửa, gay gắt đến nỗi “Chết cả cá cờ / Cua ngoi lên bờ”, ấy thế mà: “Mẹ em xuống cấy”… Mẹ đâu quản nắng mưa, đầu tắt, mặt tối để kiếm bát cơm đầy cho con, cho gia đình ấm bụng. Cha đâu quản “một nắng hai sương”,“bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để vun trồng chờ ngày cho lúa trổ bông.
Vì thế, có ai đó đã nói rằng:
Ôi hạt lúa
Ngậm nắng uống sương
Hạt hình cong tấm lưng người cày cấy.
Cày cấy với biết bao mồ hôi, tần tảo hy sinh, nhưng để thành hạt gạo, hạt lúa lại còn bị thanh luyện một lần nữa để thành hạt gạo thơm ngon.
Ôi hạt lúa
rồi cũng thành hạt gạo
Đau đớn qua rồi
Gạo trắng tựa bông.
Có lẽ Chúa Giêsu khi chọn tấm bánh làm nên từ hạt lúa miến là biểu tượng cho chính thân thể Ngài, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc nhở con người phải trân quý Tấm Bánh Trời Ban, vì đây cũng là dấu chỉ của một tình yêu cao cả không phải của con người làm ra mà là của Thiên Chúa ân ban. Tấm bánh biểu lộ tình yêu tự hiến hy sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Tấm bánh là thành quả của mồ hôi, của công sức, của hy tế hiến dâng để trở nên của ăn của uống cho nhân trần.
Trong Thánh Kinh ghi lại: “Trong đêm bị trao nộp, Chúa Giêsu cầm bánh bẻ ra và trao cho các môn đệ.” Tại sao không phải là một đêm thanh bình hay một ngày bình an để thiết lập Bí tích Thánh Thể? Tại sao Chúa Giêsu lại chọn giữa lúc nguy nan trăm bề sợ hãi để trao ban Thánh Thể Mình cho các môn sinh? Có lẽ, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh yếu tố hy tế thập giá, là một hy tế tự hiến đầy hy sinh. Thánh Thể được làm nên trong hiến tế thập giá, trong máu và nước mắt của Chúa. Thiên Chúa đã làm tất cả điều đó vì yêu con người. Vì yêu mà Ngài chẳng màng những hy sinh, những đắng cay muôn phần. Cũng như một người mẹ chẳng quản ngại dầm mưa giãi nắng để gieo trồng hạt gạo thì Chúa Giê-su cũng đi vào cuộc thương khó để làm thánh tấm bánh hằng sống cho nhân trần. Nếu như cha ông ta đã từng đồng cảm với bao vất vả cực nhọc thấm đẫm mồ hôi của người nông dân, chân lấm tay bùn và lên tiếng nhắc nhở mọi người: “Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.” Có lẽ Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng món quà Thánh Thể mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta. Một món quà vô giá vì được ban tặng trong hiến tế đẫm máu của Đức Kitô trên Thập giá. Một món quà mà Thiên Chúa đã vun đắp với trọn tình yêu hy sinh chết cho người mình yêu.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa là dịp để chúng ta tạ ơn về tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Tình Ngài vẫn đong đầy cho chúng ta qua Thánh Thể Chúa. Tình Ngài vẫn chịu hiến tế vì chúng ta và qua đó trao ban cho chúng ta tấm bánh sự sống đời đời để: “Ai ăn bánh này sẽ không chết bao giờ”. Xin cho chúng ta luôn biết siêng năng đón nhận Thánh Thể Chúa là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Ước gì chúng ta cũng biết hiến tế đời mình kết hợp với hiến tế của Chúa để sinh ơn ích cho mình và cho muôn người.
Xin Mình Máu Thánh Chúa bổ dưỡng và nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ xa lánh ơn lành của Chúa. Amen.
Chúa Giêsu và các môn đệ đang đứng trước một cử toạ đông đảo, đói lời Chúa cũng như đói cơm bánh. Lúc ấy, trời đã về chiều mà địa điểm tụ họp lại là một nơi hoang vắng. Thánh Luca đã ghi lại Chúa Giêsu và các môn đệ có hai cách đối xử hoàn toàn khác biệt nhau trong cảnh huống đặc biệt ấy.
Các môn đệ thì đề nghị Chúa Giêsu giải tán đám đông để mỗi người tự lo liệu lấy cái ăn và nghỉ ngơi cho mình. Thật là đơn giản. Các môn đệ và cả Thầy của họ khỏi bận tâm vất vả, mặc dù giải pháp các ông đề nghị có thể đưa đến một tình trạng xáo trộn có thể là khung khiếp. Chúng ta thử mường tượng cả một đám đông, mà nguyên số đàn ông đã lên tới 5000, kéo vào một vài làng gần đó, chắc hẳn là không có những siêu thị hiện đại dư đầy hàng hoá, để sục sạo mua bán cái ăn thức uống. Cảnh giành giật, cấu xé nhau không thể không xảy ra. Và cảnh tượng ấy hiển nhiên là trái nghịch với cảnh Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu vừa mới rao giảng cho họ. Các môn đệ như muốn giới hạn sứ vụ của các ông và cả của Chúa Giêsu vào những việc ngày nay quen gọi là việc đạo. Thực ra cứ lý tự nhiên mà xét, vào lúc này không thể làm gì hơn là giải tán để mỗi người tự lo liệu lấy. Giải pháp riêng xem ra vẫn dễ hơn và khoẻ hơn. Chẳng phải chúng ta nghĩ oan cho các môn đệ. Bởi vì ngay Chúa Giêsu cũng đã ra lệnh cho các ông: Các con hãy cho họ ăn đi. Các ông đã trả lời: Chúng ta chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá, trừ khi chúng con phải đi mua thức ăn cho tất cả đám đông này.
Nhưng Chúa Giêsu thì lại có một thái độ khác hẳn. Ngài không thể bỏ mặc đám đông đã đi theo Ngài. Sứ mạng của Ngài, như Ngài đã từng khẳng định: Không phải là mưu tìm cơm áo cho những kẻ thiếu thốn bởi vì chính Ngài đã bỏ trốn khi đám đông tìm Ngài để tôn Ngài lên làm vua sau khi được Ngài làm phép lạ cho họ ăn no nê. Nhưng Ngài không giới hạn sứ mạng của Ngài vào những việc thiêng liêng, để rồi làm ngơ trước cái đói, cái khó khăn, cái cùng quẫn của con người. Và ở đây Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của Ngài bài học, đó là phải biết quan tâm về cuộc sống của những người chung quanh. Mọi sự đều được bắt đầu từ sự quan tâm này. Đồng thời không có sự quan tâm này thì mọi sự đều trở nên khó khăn. Trái lại, khi đã có sự quan tâm nhập cuộc, thì tình hình khó khăn sẽ được giải quyết như bởi một phép lạ. Dĩ nhiên, sự quan tâm đến người khác đòi hỏi chúng ta phải đầu tư sức lực, trí tuệ và khả năng để đáp ứng những nhu cầu của họ. Và như thế sự quan tâm cũng có nghĩa là tự hiến mình cho kẻ khác.
Và Chúa Giêsu đã thể hiện tới cùng sự quan tâm này nơi chính bản thân của Ngài, bởi vì Ngài đã ban chính thịt máu Ngài, nghĩa là trọn vẹn cuộc sống của Ngài cho kẻ khác: Các con hay cầm lấy mà ăn vì này là mình Ta. Các con hãy cầm lấy mà uống vì này là máu Ta. Cử hành Thánh Thể chính là lặp lại cử chỉ tự hiến của Chúa Giêsu: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Thánh Thể không phải chỉ là một nghi lễ, nhưng hơn thế nữa còn là một thái độ sống, một sự quan tâm, một sự dấn thân vì hạnh phúc của người khác.
(Trích trong ‘Hãy Ra Khơi’)
Hôm nay, tôi bỗng chợt nhớ đến một kinh nghiệm sống trong gia đình và thường được lặp đi lặp lại mãi trong thời gian tôi 57 tuổi. Cứ mỗi lần mẹ tôi làm bánh hay cha tôi tát các mương đìa quanh nhà bắt cá thì tôi thèm thuồng ngồi bên nồi bánh vừa chín hoặc tiếc nuối những rổ tôm cá. Thèm thuồng vì rổ bánh chín mà mình muốn ăn nhưng mẹ tôi lại cứ lấy đi phân chia, bảo tôi đem cho người này người nọ, hoặc hối tiếc những con tôm, con cá mà mẹ tôi bắt đem cho các gia đình hàng xóm, những người cần đến. Mỗi lần bảo tôi mang đi cho người khác thì tôi không muốn cho đi, bấy giờ mẹ tôi lại bảo: “Con ạ, mình giữ lại ăn thì hết mà cho người ta ăn thì còn mãi”. Tôi không bao giờ quên lời nói đơn sơ này đi kèm với chính hành động chia bánh, chia cá cho những người xung quanh.
Hôm nay đọc lại đoạn Tin Mừng của lễ Mình Máu Thánh Chúa, kinh nghiệm gia đình tôi đã trải qua và nhất là lời giải thích của mẹ tôi: “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn”. Một lần nữa lại xuất hiện và giúp tôi phần nào hiểu thêm kinh nghiệm mà các tông đồ đã trải qua ngày xưa trong biến cố được kể lại trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa đọc qua. Vào thời điểm của biến cố, chắc chắn các tông đồ đã được nhìn thấy nhiều việc làm của Chúa Giêsu để thực hiện tình thương đối với con người. Những lời nhắn nhủ dạy bảo của Chúa đã đánh động các ngài là sẽ không được sống ích kỷ, không được mơ ước vinh quang, danh vọng, địa vị cho bản thân khi theo Chúa. Thế nhưng, khi phải đối diện với một nhu cầu cụ thể của muôn người đang theo Chúa mà bị đói thì các ngài có phản ứng tránh né, thoái thác, không muốn hy sinh làm một cái gì đó để giúp vào. Các ngài đã nhắc khéo Chúa cho đoàn người ra về để họ tự lo giải quyết lấy vấn đề ăn uống. Chúa Giêsu đã làm ngược lại, Ngài ra lệnh: “Các con phải cho họ ăn”. Làm đồ đệ của Chúa, nhất là trong địa vị các tông đồ thì càng không thể chối từ trước lời mời gọi của tình bác ái liên đới. Và không để các tông đồ sống trong một thái độ tiêu cực lâu hơn nữa. Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông cộng tác vào công việc cho đi của Ngài. Trước hết, bằng việc chịu cực một chút, dấn bước hơn một chút để ra khỏi cái tôi ích kỷ, để tổ chức đám đông ngồi xuống bãi cỏ thành từng nhóm cho có trật tự.
Chắc chắn, đây cũng là một công việc khá phức tạp so với phương tiện thời đó. Phức tạp hơn là việc rửa chén quét nhà, rót cho người khách một ly nước, dù chỉ là một ly nước lã, nếu phải ly nước trà lại càng phải hy sinh nhiều hơn nữa: “Con ạ, mình ăn thì hết, người ta ăn mới còn”. Không biết mẹ tôi đã học được lẽ khôn ngoan này nơi đâu? Chắc chắn không phải nơi sách vở, vì mẹ tôi chỉ học xong tiểu học, như vậy có thể là từ Chúa. Tôi không biết. Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ cầm lấy bánh và cá mà Ngài vừa chúc phúc để đem phân phối cho dân chúng. Như mẹ tôi đã bảo tôi đem bánh, đem cá đi cho người xung quanh để họ cũng được hưởng một bữa ăn ngon như nhà tôi lúc tát đìa hoặc làm bánh. Cử chỉ Chúa Giêsu thực hiện và được mô tả trong đoạn Phúc âm của thánh Luca hôm nay loan báo cho các môn đệ là Chúa sẽ thiết lập Bí tích Thánh Thể sau này. Chắc chắn sau kinh nghiệm sống với Chúa, các tông đồ hiểu được bí quyết sâu xa của Bí tích Thánh Thể, hy sinh chính bản thân mình như Chúa để nên của ăn đem lại hạnh phúc vui mừng cho anh chị em.
Chúng ta có thể nói, mừng lễ kính Mình Máu Chúa hôm nay như là ôn lại một kinh nghiệm gia đình, kinh nghiệm đại gia đình Giáo Hội của chúng ta. Bí tích Thánh Thể là trung tâm trong đời sống của mỗi người chúng ta cũng như là trung tâm của sinh hoạt Giáo Hội. Mỗi người chúng ta cũng như toàn thể Giáo Hội đều được mời gọi ôn lại kinh nghiệm gia đình mà Chúa Giêsu đã thực hiện với các tông đồ ngày xưa, Ngài mời gọi các tông đồ hãy cộng tác với Ngài để cho đi, cho đi chính Ngài, cho đi chính bản thân của họ. Mỗi người chúng ta hôm nay cử hành lễ Mình Thánh Chúa, chúng ta cũng được mời gọi cho đi chính mình như Chúa đã cho đi. Chúng ta tôn thờ sự hiện diện của Chúa không đủ, chúng ta còn phải để cho Chúa sống trong chúng ta, để Chúa cho đi trong chúng ta và chúng ta được mời gọi cho đi như Ngài. Xin Chúa củng cố đức tin cho chúng ta, để chúng ta cho đi trong tình thương bác ái, để chúng ta được sống như Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể mỗi ngày như Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh Tin Kính.
13. Bánh Hằng Sống – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Ông tổ Abraham đi cứu người cháu là ông Lot bị bắt giữ, khoảng 1850 năm trước khi Chúa Giêsu giáng trần. Trên đường trở về đi qua Salem, ông Abraham đã gặp ông Melchizedek vừa là vua và là tư tế. Melkizedek đã dâng bánh và rượu cho Abraham. Bánh và rượu là biểu tượng của Bí tích Thánh Thể sau này được hiến dâng bởi tư tế theo dòng Melkizedek: Ông Melkizedek, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao (Stk 14, 18). Từ thuở xa xưa, con người đã biết biến chế hạt miến, hạt mì thành bánh và ép những trái nho ủ lên men thành rượu. Đây là một tiến trình hòa lẫn biến đổi bánh rượu thật tuyệt vời. Tất cả mọi loài vật khác trên địa cầu đều ăn tươi nuốt sống theo luật tự nhiên. Riêng con người, bánh và rượu là căn cốt thực phẩm được chế biến để đáp ứng nhu cầu ăn uống của con người mọi thời và mọi nơi.
Trong ba năm rao giảng, phúc âm kể lại hai lần Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Trước khi Chúa làm phép lạ cho bánh và cá hóa nhiều, Chúa đã dạy dỗ và an ủi chữa lành bệnh tật cả tâm linh lẫn thể xác. Chúa yêu thương đoàn dân như chiên không có người chăn dắt. Người ta mải mê nghe lời Chúa quên cả ngày giờ. Chúa cảm thông mọi nỗi khát khao của họ. Chúa cho họ các món ăn cả tinh thần lẫn thân xác. Hôm nay, Chúa muốn các tông đồ lo liệu thức ăn cho đám đông. Thật là bối rối, của ăn đâu cho đủ để nuôi cả mấy ngàn người: Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” (Lc 9, 13). Chúa muốn thử thách các các tông đồ một chút. Với lòng cảm thương sự đói khát của đoàn dân, Chúa đã sẵn sàng dùng bánh và cá như dấu chỉ của trời cao trao ban: Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông (Lc 9, 16).
Có thể chúng ta cũng cảm thấy hơi lạ, dân chúng ăn bánh với cá. Bánh là thức ăn chung của nhiều dân tộc nhưng với cá khô nướng hay cá kho. Mỗi dân tộc có những món ăn riêng biệt làm nên căn tính con người. Thức ăn nuôi dưỡng con người cả tinh thần lẫn thể chất. Thức ăn đi đôi với suy tư, quan niệm và triết sống. Đại khái thức ăn biểu trưng của người Việt Nam là cơm gạo, người Căm Bốt có mắm Bồ hóc, người Ấn Độ có món Cari, người Đại Hàn có Kim chi, người Trung Hoa có Mì phở, người Ý có Pizza, người Hoa Kỳ có Hamburger và người Mễ Tây Cơ có Taco, đỗ đậu…Thức ăn làm nên căn tính của mỗi dân tộc. Chúng ta tôn trọng sự khác biệt trong vấn đề văn hóa thực phẩm. Món ăn của các Kitô Hữu trên toàn thế giới, không phân biệt mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chúng ta cùng ăn chung một thứ bánh và uống chung một chén rượu. Bánh và Rượu của Bí Tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã chọn lựa. Khi chúng ta được ăn bánh và uống chén của Chúa, chúng ta trở nên chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Khi hoàn tất việc rao giảng Tin Mừng, trước khi Chúa Giêsu từ giã thế gian, Ngài đã để lại cho Giáo Hội một gia bảo quý giá vô cùng. Cũng bánh đó, rượu đó mà chúng ta được dưỡng nuôi hằng ngày. Chúa Giêsu đã chọn lựa bánh rượu trong muôn ngàn loại thực phẩm để hiến thánh. Trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giêsu đã cử hành một nghi thức hết sức nhiệm mầu: Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy ( 1Cor 11, 24). Và Chúa đã chọn rượu nho để thánh hiến trở thành Máu Chúa. Chất rượu trong chén thánh là giá máu của giao ước mới. Chúa Giêsu dùng cả bánh và rượu biến đổi thành thịt và máu thánh Chúa: Cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”(1 Cor 11, 25).
Đây là mầu nhiệm đức tin. Các tín hữu tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Niềm tin vượt trội trên tất cả mọi việc cử hành phụng vụ. Người không thuộc trong đạo Công Giáo, không thể nào hiểu nổi, tại sao người tín hữu lại tin vào tấm bánh bé mọn và chén rượu nho đó là Mình Máu Thánh Chúa. Không có một tôn giáo nào trên thế giới có niềm tin vào sự biến đổi bản thể của một sự vật như thế. Trong cử hành thánh lễ, qua lời truyền phép của linh mục, bánh và rượu trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa. Một sự biến đổi lạ lùng qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Mọi người tuyên xưng niềm tin và phủ phục tôn thờ Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh hình rượu. Và khi trao Mình Máu Thánh, linh mục hay thừa tác viên xác tín: Mình Thánh Chúa Kitô, Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta thưa: Amen. Có nghĩa là chúng ta tin thật Chúa hiện diện đó.
Các linh mục thay mặt Chúa và Giáo Hội dâng thánh lễ mỗi ngày. Giám mục và linh mục đều là con người yếu đuối, tội lỗi và mỏng dòn chứa đầy tham thân si. Qua sứ vụ, Chúa đã chọn gọi những con người tầm thường để thi hành việc thánh. Thật ra, không ai là người xứng đáng đại diện đứng trước bàn thánh để dâng thánh lễ. Trong lễ hiến tế, Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa bị lột trần, bị đòn đánh nát thân, mồ hôi cùng vết thương rướm máu chảy lan, chân tay bị đóng chặt vào thánh giá, chịu đói chịu khát, quằn quại đớn đau và máu cùng nước từ cạnh sườn đã chảy ra tới giọt cuối cùng. Vì đuối sức, Chúa bị nghẹt thở và đã chết trên thánh giá để cứu độ nhân loại. Chén Máu đã đổ ra lập giáo ước mới không chỉ trong bữa tiệc ly mà là chén máu châu báu đang hứng từng giọt từ châu thân của Chúa trên thánh giá. Chén Máu của nhục hình khổ đau và chết.
Trên gian cung thánh, trước bàn thờ dưới chân thánh giá Chúa, các chủ tế mặc áo lễ thiệt đẹp, có khi rước sách linh đình, chén vàng bát kiểu, bàn thờ đá quí và hoa nến trang trọng. Các linh mục cử hành thánh lễ trong không gian rộng rãi, thoáng mát và chẳng phải chịu nắng nôi đớn đau và khổ sở như Chúa Giêsu trên thập giá xưa. Mỗi linh mục cần ý thức vai trò đại diện quan trọng của mình trong khi cử hành thánh lễ. Các linh mục có trọng trách giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Chúa Giêsu là vai chính. Chúng ta biết rằng thánh lễ hy tế là trung tâm của tất cả niềm tin Kitô Giáo. Cử hành thánh lễ tưởng niệm sự hiện diện của Chúa Kitô chịu chết và sống lại. Thánh lễ là cử hành Bí tích tình yêu dâng hiến. Thánh Phaolô lãnh nhận giáo lý từ chính Chúa Giêsu phục sinh và truyền lại cho các thế hệ, Ngài nhắc nhớ: Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết (1Cor 11, 26). Chúng ta ăn Bánh và uống Chén hằng tuần, chúng ta tiếp tục loan truyền Chúa chịu chết và sống lại. Mỗi lần lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được biến đổi nên giống Chúa hơn.
Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con Bí Tích Thánh Thể là nhiệm tích vô cùng cao quí, chúng con cùng phục bái tôn thờ. Chúa hiện diện trong Thánh Thể để an ủi và cảm thông những gánh nặng cuộc đời: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28). Hơn nữa, Chúa còn dưỡng nuôi chúng con bằng chính Mình và Máu Thánh Chúa, xin cho chúng con được hưởng nếm tình yêu dịu ngọt trong ân tình Chúa.
14. Bánh của hiệp thông chia sẻ
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Hôm nay thật là một ngày hồng phúc đối với người Kitô hữu, vì ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi Giáo hội đã cử hành kỷ niệm ngày Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể vì yêu chúng ta, giờ muốn suy tôn Bí tích cực thánh này mọi nơi mọi lúc để muôn đời tưởng nhớ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời đã ẩn mình nơi tấm bánh nhỏ mọn này, một sự hạ mình khó tin, tự ban chính thân mình làm của ăn cho chúng ta. Bánh các thiên thần nay phàm nhân được hưởng, và thưởng thức dồi dào như xưa Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng: “Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại” (Lc 9,17).
Sự việc xảy ra: Khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn” (Lc 9,12).
Đám đông dân chúng đang đói, Chúa Giêsu đứng giữa họ và quan tâm đến từng người, mạc khải cho họ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, loan báo mầu nhiệm Thánh Thể. Nhóm Mười Hai Tông Đồ Chúa chọn, nay được đặt vào trong tình trạng khó xử là cho đám đông ăn, khiến họ thưa: “Xin Thầy giải tán dân chúng”, với lý do họ chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, chẳng thấm vào đâu cho chừng ấy người ?
Đó là tình trạng hằng ngày của chúng ta, chúng ta không thể đáp ứng nhu cầu của một đám đông đã được giao phó bằng các phương tiện nhận loại mà ta đang có. Dù các tông đồ chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá trong túi xách thôi. Từ những chiếc bánh ít ỏi ấy, Chúa sẽ biến đối cái nghèo thực tại của các ông.
Hôm nay Chúa Giêsu muốn biến đổi nhận thức của chúng ta và yêu cầu chúng ta phải hướng về Cha trên trời. Người muốn biến đổi nhân tính của chúng ta để nhân tính ấy không dựa vào chính mình, nhưng tin cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa luôn hành động.
“Các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9,13). Đám đông theo Chúa cả ngày, trời lại gần tối. Lời Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ trong khoảnh khắc ấy làm thỏa mãn đám đông, từ đây họ được nuôi sống bằng bánh sự sống và được no lòng thỏa dạ. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa, rước Mình và Máu Người, Chúa Giêsu dẫn chúng ta từ đám đông đến hiệp nhất với cộng đoàn.
Bí tích Thánh Thể là Bí tích của sự hiệp thông, làm chúng ta ra khỏi cái chủ nghĩa cá nhân để sống với nhau theo Chúa Kitô, tin cậy vào Người. Đây đã là tình trạng của Giáo hội đang bất lực trước nhu cầu của các tổ chức trên thế giới. Thiên Chúa mang trên mình tất cả những ưu tư lo lắng của của con người, và muốn chăm sóc Giáo hội với sự cộng tác của con người. Nếu mỗi người chia sẻ những gì mình có, cho dù nhỏ mọn, Thiên Chúa sẽ làm lên những điều không thể cho toàn thế giới.
“Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.” (Lc 9,16-17). Trước đám đông dân chúng, các ông thất vọng về sự bần cùng và phương tiện, cũng như thiếu khả năng để nuôi đám đông. Năm chiếc bánh và hai con cá đặt vào tay của Chúa Giêsu, cả đám đông được no nê.
Chúng ta ngày nay cũng thế, nếu biết đặt vào tay Chúa khả năng khiêm tốn, cái mà chúng ta có, thì, trong sự chia sẻ, đời sống chúng ta sẽ phong phú. Thiên Chúa ở gần chúng ta, nhờ lễ hy sinh trên Thánh Giá, Người đã hạ mình xuống cho đến chết để ban sự sống mình cho chúng ta, Người đã chiến thắng sự dữ, ích kỷ, cái chết. Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu dẫn chúng ta đi trên con đường phục vụ, sẻ chia, cho đi một chút để chúng ta trở nên giầu có. Quyền năng của Thiên Chúa là tình yêu, đổ xuống và biến đổi cái nghèo của chúng ta.
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu là Suối Nguồn hằng sống của Giáo hội. Giáo hội sống nhờ và trao ban sự sống thần linh này cho những người đã chịu phép Rửa tội cách dồi dào.
Ðiều này rõ ràng trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi các tông đồ muốn giải tán dân vì thấy bất lực trước nhu cầu của đám đông. Nhưng được Chúa gợi ý cho dân ăn, bảo họ ngồi xuống thành từng nhóm. Người trao bánh, cá cho họ… cuối cùng còn thu được mười hai thúng miếng vụn, đúng số Mười Hai Tông Đồ.
Những điều ấy há không đáng suy nghĩ sao? Trong bàn tiệc Thánh Thể, Chúa muốn chúng ta nghĩ đến nhu cầu của anh em. Có thể chúng ta bất lực, nhưng Chúa sẽ giúp. Mình Máu Người còn trao cho chúng ta, huống hồ là của cải vật chất và tài năng tự nhiên mà Chúa đã đặt trong tay mỗi người. Chúng ta không phải chia sẻ những của ấy sao? Chúng ta sợ mất mát thiệt thòi, không thấy cuối cùng còn thu lại được mười hai thúng miếng vụn đó hay sao?
Chắc chắn Hội Thánh ban đầu đã hiểu rằng, bàn ăn của Chúa cũng phải là bàn tiệc huynh đệ, nên khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, Hội Thánh cũng tổ chức việc chia sẻ nâng đỡ vật chất. Giáo dân Côrintô đã quên phương diện này, nên Phaolô đã phải nhắc lại (x. 1 Cr 11, 23-26). Lời thánh Phaolô hôm nay cũng chất vấn chúng ta, chúng ta sốt sắng tôn thờ Thánh Thể nhưng có biết chia sẻ với nhau một cách thực tế không, để không một ai phải thiếu thốn, đang khi những người khác thì no đầy?
Vì thế, chúng ta phải suy nghĩ về ba bài đọc, để khi long trọng tôn thờ Chúa trong Thánh Thể, chúng ta ý thức về nhiệm vụ bác ái, để mỗi lần cử hành bàn tiệc của Chúa, chúng ta lại nghĩ đến bàn ăn của anh em. Nơi bàn thánh chúng ta nhận được từ nơi Chúa thì cũng phải chia sẻ với anh em, để khi trở lại dâng lễ chúng ta có bánh rượu là hoa màu ruộng đất và lao công của con người dâng lên Chúa để trở thành bánh nuôi sống và của uống thiêng liêng cho tất cả chúng ta. Amen.
15. Này là Mình Ta. Này là Máu Ta
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Liền sau lễ là kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên đường trải thảm, có các em rắc hoa, vừa đi vừa hát: “Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê” (Ca nhập lễ – lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Khởi đi từ một thị kiến, nữ tu Juliena de Mont-Cornillon được Chúa cho biết, hàng năm phải cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa và tôn sùng Mình Máu Thánh Chúa trên bàn thờ. Vì thế, lễ này được cử hành lần đầu tiên tại Liège vào năm 1247. Đến ngày 11 tháng 8 năm năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbainô IV thiết lập và truyền phải cử hành trọng thể việc tôn sùng Bí tích Mình Thánh, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.
Cử hành Thánh Thể
Giáo hội công khai cách long trọng Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn.
Trên Bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta: Làm sao Bánh và Rượu lại có thể là Mình Máu Chúa Kitô được ?
Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, dẫn chúng ta trên đường về về với Chúa!
Giáo hội quả quyết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải tôn thờ. Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.
Theo thánh Tôma Aquinô: Con độc nhất của Thiên Chúa muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc chúng ta, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.
Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và Rượu trở nên Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người đối với chúng ta: “Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta” Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người” (Mc 14, 22-24).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy”. (Thánh Gioan Kim Khẩu)
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta: “Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người đã mang lấy chính xác thân của ta”. Người tan biến trong chúng ta, “làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài” (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Việc biến đổi Bánh và Rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa.
Rước kiệu Mình Thánh Chúa
Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là “Mặt Trời”: Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ “mặt nhật”)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người già và trẻ; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con. Amen.
16. Tình yêu tột cùng – Cố Lm Hồng Phúc
Ở trong nhà tiệc ly chiều hôm thứ năm thánh ấy, Chúa Giêsu đã cầm bánh và rượu lập nên phép Thánh Thể. Bánh đã trở nên mình Chúa, rượu đã trở nên máu Chúa. Thì cách đó độ 300 thước, trên sân đền thờ người Do-thái cũng giết con chiên lấy máu rẩy lên bàn thờ, họ dâng bánh thánh theo luật Môisen dạy. Ngài cũng làm một nghi lễ, nhưng mặc cho nghi lễ ấy một ý nghĩa sâu xa: Ngài vừa là Thầy cả vừa là của lễ hiến tế dâng lên Đức Chúa Cha, vừa là của nuôi linh hồn ta.
Trong bài đọc I, Kinh Thánh kể lại việc Môisen làm hy lễ giao hòa bằng cách lấy máu bò tơ tưới lên bàn thờ. Người xưa coi máu là sự sống, cấm đổ máu người ta là cấm hại mạng sống người vì mạng sống thuộc quyền của Chúa; người xưa lấy máu để tỏ tình đoàn kết giao hòa. Hai bộ lạc dễ tỏ tình đoàn kết thì cho hai vị thủ lãnh gặp nhau, lấy dao rạch máu ở tay, và đôi bên uống máu nhau. Bằng nghi thức ấy, họ cho rằng hai bên đã uống nguồn sống của nhau và đã trở nên anh em, đã giao hòa mãi mãi với nhau. Môisen đã làm nghi lễ ấy khi lấy máu bò tơ, đại diện cho toàn dân để tưới lên bàn thờ Thiên Chúa: giữa Thiên Chúa và dân đã có một cuộc giao hòa vĩnh viễn.
Khi lập nên phép Thánh Thể, Chúa Giêsu đã hoàn tất việc giao hòa giữa ta với Thiên Chúa. Máu thánh của Ngài chảy trong huyết quản của ta, làm cho ta giao hòa nơi Thiên Chúa, Ngài ở trong ta như ta ở trong Ngài. “Này là chén máu Ta, máu tân ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được khỏi tội”. “Nếu các con không ăn thịt và uống máu Ta thì các con không có sự sống đời đời”.
Thánh Thể là một cuộc giao hòa – Thánh Thể là một lễ tế.
Chúa Giêsu biết giờ sau hết của Ngài đã gần đến thì Ngài yêu thương ta đến tận cùng. Ngài đã làm gì? Ngài diễn tình yêu ấy ra trước cuộc tử nạn của Ngài sẽ xãy ra ngày mai; Ngài cầm bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán: “NÀY LÀ MÌNH TA”. Bánh ấy đã trở nên mình Ngài, mà ngày mai sẽ bị roi đòn đánh đập, bẻ gẫy như chiếc bánh hôm nay, đã hiến tế dâng lên Đức Chúa Cha và làm của ăn nuôi linh hồn ta. Hai việc ấy là hiến dâng và nuôi sống linh hồn ta, chính là một cuộc lễ hiến tế và Ngài muốn chúng ta phải làm đi làm lại: “Chúng con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.
Vậy phép Thánh Thể là cuộc giao hòa chúng ta với Chúa, là việc tế lễ ta với Chúa. Hôm nay mừng mầu nhiệm ấy, chúng ta hãy dâng tất cả để tôn vinh và cảm tạ Chúa, vì đã ban cho chúng ta phép Thánh Thể.
Cách đây không bao lâu, một đám thợ lặn đã tìm ra chiếc tàu Tân Ban Nha bị chìm dưới đáy biển ngoài khơi Bắc Ái Nhĩ Lan. Trong số các báu vật tìm được trong tàu, họ thấy một chiếc nhẫn bằng vàng, trên mặt nhẫn có chạm một bàn tay nắm trái tim với dòng chữ:
– Anh không còn gì hơn nữa để cho em!
Hình ảnh về câu nói trên nhắc chúng ta nhớ đến việc Chúa Giêsu đã chịu chết để cứu chuộc chúng ta. Trái tim người đã bị đâm thủng vì chúng ta và Ngài còn tự nguyện trở nên thần lương cho đời sống Kitô hữu của chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.
Nhiều nhà thần học gia nói rằng: việc Chúa Giêsu từ bỏ ngai Trời của mình hoá thân làm người cũng đủ cứu chuộc chúng ta rồi. Thế nhưng, với lòng yêu thương chúng ta quá bội, Ngài còn muốn trao ban cho chúng ta tất cả tình yêu, trao ban cả mạng sống của Ngài. Chính sự hy sinh vô cùng này có sức cứu chữa tất cả mọi tâm hồn tội lỗi, tha thứ mọi hình phạt mà con người đáng phải chịu. Ai yêu mến Chúa hết lòng, và ước ao trở nên một với Ngài trong Bí tích Thánh thể, sẽ được nên giống Chúa và chắc chắn sẽ được phần thưởng Nước Trời.
Thời nay, chúng ta không được gặp Chúa Giêsu, không được nghe Người giảng trực tiếp như các Tông đồ ngày xưa, nhưng chúng ta có Bí tích Thánh thể. Chúa Giêsu không muốn chúng ta thiệt thòi hơn dân Do Thái xưa nên Người đã lập Bí Tích Thánh Thể, để tiếp tục ở với chúng ta, đến với từng người chúng ta như xưa Người đã đến trong dân Do Thái. Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh lễ là chúng ta được nghe lại lời Chúa và suy niệm theo sự gợi ý của vị linh mục, sau đó được rước chính Chúa vào lòng như xưa kia Giakêu, Phêrô, chị em Lazarô… đã rước Chúa vào nhà mình. Giáo lý Công giáo dạy rằng: mỗi khi chúng ta rước lễ là được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và hợp nhất với nhau, được tha thứ các lỗi nhẹ, được Chúa thêm sức giúp chúng ta chống trả các cơn cám dỗ… Vấn đề là chúng ta có cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong lòng mình không? Hay chúng ta rước lễ vì thói quen, rước rồi mà không nhớ là Chúa đang ngự trong lòng mình, quên việc tiếp đón và tâm sự với Chúa. Nếu chúng ta rước Chúa cách thờ ơ như vậy thì không chừng đáng bị phạt hơn là được ơn. Vì vậy, phải chuẩn bị tâm hồn kỹ lưỡng trước khi rước Chúa. ước gì mỗi lần rước Chúa, chúng ta đều rước với lòng yêu mến chân thành, cung kính để an ủi trái tim Chúa và nhận được tràn đầy ơn ích thiêng liêng.
Xưa kia, Thiên Chúa ngự xuống núi Sinai và nhắn gởi những lời thương yêu, nhắc bảo, sửa dạy dân chúng mà dân Do Thái cảm thấy rất phấn khởi và đầy lòng kính sợ Chúa. Còn chúng ta rước Chúa thường xuyên với tâm tình nào? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe lời Chúa và vâng theo thánh ý Chúa Cha như Đức Giêsu không? Có lẽ chúng ta chưa được như vậy! Vì vậy, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ngự vào lòng và làm cho long chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Chúa, vui long hy sinh phục vụ cho gia đình, và tha nhân, chu toàn các bổn phận mà mình đã lãnh nhận trong chức vị hiện tại của mình đối với Giáo Hội và xã hội.
Xin Mình Máu Thánh Chúa mà chúng con rước lấy hàng ngày thêm sức cho linh hồn con, cho tâm trí con được chan chứa tình thương và lòng vị tha bác ái, để chúng con thật sự là chứng nhân cho Chúa giữa trần gian này.
Lễ nào không phải là lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hay sao, mà phụng vụ còn phải đặt ra ngày lễ hôm nay? Đó là vấn đề đã được tranh luận sôi nổi ở cuối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV trước khi lễ kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Giêsu được phổ biến ở mọi nơi. Trước đó, tức là trong hơn 10 thế kỷ đầu của Kitô giáo, Hội Thánh vẫn cử hành thánh lễ tạ ơn, nhưng không nghĩ tới việc đặt ra một ngày lễ đặc biệt để tôn thờ Chúa Giêsu ngự nơi Thánh Thể. Hội Thánh coi Thánh Thể là lương thực hàng ngày nên không để ý quan sát, mà chỉ quan tâm lãnh nhận. Sang đến cuối thế kỷ XII, vì có người đặt vấn đề sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể, Hội Thánh mới thấy việc chiêm ngưỡng và suy nghĩ về bí tích này là cần thiết. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu được đặt ra để nói lên niềm tin vào việc Chúa ngự nơi Thánh Thể. Và niềm tin này đòi hỏi việc tôn thờ xứng đáng, biểu hiện trong thái độ chầu Mình Thánh và kiệu Mình Thánh. Đó còn là những việc mà chúng ta muốn làm hôm nay cùng với việc dự lễ và rước lễ để nói lên lòng tin yêu của chúng ta đối với bí tích Thánh Thể.
Nhưng cho dù chính đáng, những cách thức biểu lộ niềm tin này vẫn không cần thiết bằng việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể mà Hội Thánh vẫn quan tâm ngay từ đầu. Và những bài đọc Kinh Thánh hôm nay muốn giúp chúng ta làm công việc này.
- Bánh rượu trong tay Melkisedek.
Bài sách Khởi Nguyên đưa chúng ta về một thời đại xa xưa, thời của tổ phụ Abraham. Hôm ấy vị tổ phụ đi giao chiến để cứu anh em mình là gia đình ông Lót. Abraham đã toàn thắng. Trên đường về có vua ở Sôđôma ra đón để chúc mừng và tỏ tình thân thiện. Lại có vua ở Salem là Melkisedek cũng ra gặp gỡ.
Tác giả sách Khởi Nguyên chỉ dùng có ba câu để thuật lại câu truyện. Nhưng đây là ba câu đã có ảnh hưởng lớn trong truyền thống của Kinh Thánh. Hết mọi từ ngữ đều có ý nghĩa. Melkisedek, nếu chiết tự thì có nghĩa là Vua Công Chính. Và Salem không những là tên được đồng hóa với Giêrusalem mà còn gợi lên tư tưởng Hòa Bình. Chắc chắn câu truyện kể ở đây đã thành danh tiếng vì nó đã xảy ra tại Giêrusalem, ở ngay thời của tổ phụ dân Chúa. Người ta truyền tụng nó để đề cao Giêrusalem, và để nói lên rằng: thủ đô của dân Chúa đã được vị tổ phụ của dân tộc đặt chân đến.
Hơn nữa, ở đây, nơi đô thị ‘Hòa Bình’ này, vị tổ phụ đã gặp một nhân vật ‘mầu nhiệm’. Ông không phải chỉ là vua, mà còn mang danh hiệu là ‘ông vua công chính’. Về sau người ta đã cố gắng tìm hiểu lai lịch của ông, nhưng mọi nỗ lực chỉ đi đến một kết luận: ông như không cha không mẹ; ông đột nhiên xuất hiện rồi lại biến mất tăm hơi. Ông là con người mầu nhiệm, y như thái độ của ông trong câu truyện này.
Ông ra đón Abraham, nhưng khác hẳn với vua Sôđôma đã ra gặp vị tổ phụ. Vì mặc dù là Vua Salem, ông đã không nghênh đón ‘người đại thắng khải hoàn’ theo cung cách triều đình, nhưng với tác phong là tư tế; vì theo tục lệ đông phương thời ấy, hoàng đế cũng là tư tế. Ông mang bánh và rượu ra. Ông làm một cử chỉ tôn giáo. Ông chúc lành cho Abraham và ông ca tụng Chúa Tối Cao. Ông dùng chính vị Chúa của mình là Đấng Tối Cao dựng nên trời đất để chúc phúc. Ông làm cho Abraham như phải cúi đầu và dâng cho ông thập phân về hết mọi sự.
Có lẽ hàng tư tế Do Thái đã thích câu truyện này và muốn lợi dụng tối đa. Họ nhắc đi nhắc lại để cho con cái Israel phải quý việc nộp thập phân huê lợi cho hàng tư tế, vì chính vị tổ phụ đã làm như thế!
Nhưng phần lớn truyền thống Cựu Ước lại chú ý đến vai trò tư tế của Melkisedek và vị Chúa Tối Cao mà ông tôn thờ. Ngài là Đấng dựng nên trời đất, nên Ngài cũng là chính Giavê, Chúa của dân Israel. Ngài đã phó địch thù trong tay Abraham, và như vậy Ngài là Chúa toàn năng của tất cả mọi người, cả khi người ta không biết Ngài. Tất cả những tư cách này khiến con cái Israel –cũng như tổ phụ Abraham thấy ngay Ngài cũng là Thiên Chúa của họ và Giêrusalem thật là nơi thánh địa, vì từ đầu vẫn là đô thị của Thiên Chúa.
Điều này cũng nói lên quan niệm của Cựu Ước không coi tôn giáo tự nhiên, tôn thờ Đấng dựng nên trời đất, như tôn giáo của các dân ngoại. Ngoại giáo là tà giáo, chứ tôn giáo tự nhiên thờ Đấng Tối Cao là chính giáo ở thời chưa được mạc khải, nên vẫn đáng trọng.
Tuy nhiên Cựu Ước chưa chú trọng đến bánh rượu ở trên tay Melkisêdek như phụng vụ muốn cho chúng ta phải làm trong ngày hôm nay. Những của lễ kia, nằm trên tay vị tư tế mầu nhiệm của tôn giáo tôn thờ Đấng Tối Cao là hình ảnh báo trước bánh rượu sẽ được đôi tay của vị tư tế đạo mới dâng lên sau này. Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất, ngay từ buổi đầu của lịch sử dân Chúa, đã tỏ ra muốn dùng bánh rượu làm lễ vật. Những của lễ này nằm trên tay Melkisêdek nói lên lòng tôn thờ tự nhiên, chuẩn bị cho việc tôn thờ hoàn chỉnh sau này.
Do đó ngày nay trong Thánh lễ, chúng ta dâng lên Chúa bánh rượu ‘là hoa mầu ruộng đất và lao công vất vả của con người’ để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh lễ của chúng ta kiện toàn lễ dâng của Melkisêdek. Bánh rượu trên tay vị tư tế này đang chờ được vị thượng tế đạo mới thánh hóa. Và như vậy, Thánh lễ của chúng ta đã bắt nguồn từ xa xưa và kiện toàn mọi lễ dâng từ thời Abel qua Melkisêdek và cho tới nay. Chúng ta không dâng lễ ở ngoài lịch sử, nhưng dâng tất cả lịch sử làm của lễ khi nhận lấy bánh rượu đã được dâng từ thời Melkisêdek để trở nên bánh nuôi sống và của uống thiêng liêng cho chúng ta.
Và Melkisêdek là hình ảnh báo trước về Chúa Kitô và các tư tế của Người, trong đó có cả chúng ta. Do đó, mỗi khi dâng lễ, chúng ta lại nhớ tới vị tư tế xa xưa này. Mỗi khi cầm bánh rượu, chúng ta như nắm lấy tất cả thiên nhiên và lịch sử. Chúng ta muốn tất cả trở thành lương thực nuôi dưỡng chúng ta sau khi đã biến đổi nên Mình và Máu Chúa Giêsu. Chính Người với lễ hy sinh của Người nối kết và hoàn chỉnh mọi lễ dâng của các thế hệ xa xưa cũng như của những thế hệ sau này. Chúng ta hãy nhìn Người trong hành vi tế lễ.
- Bánh rượu trong tay Chúa Giêsu.
Chắc chắn, khi còn ở trần gian và sống với các môn đệ, Đức Giêsu đã nhiều lần cầm lấy bánh rượu. Nhưng có thể nói, môn đệ đã quên hết mọi lần khác để chỉ nhớ lại một lần, lần xảy ra trong bữa ăn tối sau hết trước khi Ngài ra đi chịu chết.
Lần ấy Người đã cầm lấy bánh rượu một cách khác thường, không thể quên được, đến nỗi mỗi khi nhắc lại đã có lần nào Người cầm bánh rượu, là môn đệ lại nhớ đến lần này và lấy cử chỉ, thái độ của Người trong lần này để mô tả mọi lần khác. Chính vì vậy mà hôm nay chúng ta xem bài thư Phaolô trước nói đến lần Đức Giêsu cầm lấy bánh rượu ở bàn Tiệc ly. Rồi chúng ta mới nói đến bài Tin Mừng kể việc Đức Giêsu cầm lấy bánh để chia trong một dịp khác.
Việc này xảy ra trước bữa Tiệc ly; nhưng như đã nói, môn đệ Chúa đã kể lại việc này theo ‘khuôn mẫu’ của việc Người cầm lấy bánh rượu ở trong bữa ăn cuối cùng. Thành ra, chính bài thư Phaolô sẽ giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng, mặc dù câu truyện kể ở đây đã xảy ra trước, nhưng đã được viết lại sau và theo kinh nghiệm bàn Tiệc ly.
Thánh Phaolô viết đoạn thư này vào khoảng năm 57, căn cứ vào truyền thống chân thật, đây là điều người đã nhận được nơi Chúa, tức là bắt nguồn từ Chúa để truyền lại cho tín hữu. Do đó, đây là sự kiện chân thật. Chỉ có uy tín chân thật này mới có thể làm cho giáo dân Côrintô suy nghĩ và sửa mình.
Họ vẫn hội họp nhau để cử hành ‘bữa tiệc của Chúa’. Nhưng Phaolô thấy chẳng có vẻ gì là ‘của Chúa’ cả. Gần giống các bữa tiệc tôn giáo của dân ngoại rồi. Bởi vì ai đến ăn, cũng mang phần riêng của nhà mình tới. Người có nhiều thì ngồi chung với nhau ăn nhậu một cách tham lam và khinh bỉ những người khác. Những người này nghèo hơn, mang theo phần ít, ngồi ăn một cách buồn bã. Người ta chỉ mượn ‘Nhà của Chúa’ để mang đồ ăn của ‘nhà mình’ tới. Người ta lợi dụng buổi lễ tôn giáo để ăn uống chứ không cử hành ‘bữa ăn tối’ của Chúa nữa.
Thế nên để sửa dạy giáo dân của Ngài, Phaolô nhắc lại thế nào là ‘bữa ăn’ đích thực của Chúa. Người làm cho họ nhớ giáo huấn chân truyền. Và sự thật ấy thế này: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và tạ ơn xong, Người đã bẻ ra và nói: “Này là Mình Ta… vì các ngươi…”. Cũng vậy về Chén, sau khi dùng bữa tối xong, Ngài nói: “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống mà nhớ đến Ta”.
Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Phaolô đã thuật lại tất cả sự thật. Người nói rõ việc ấy xảy ra trong đêm Đức Giêsu bị nộp. Thế nên việc ban bánh rượu này cho môn đệ gắn liền với cuộc khổ nạn của Người. Và ‘Bữa Ăn Của Chúa’ luôn luôn mang sắc thái của bữa Tiệc ly.
Đó cũng là bữa ăn Vượt Qua của người Do Thái, nhắc lại việc Chúa cứu dân ra khỏi Ai Cập và tin tưởng cầu xin cùng chờ đợi Chúa còn tiếp tục giải cứu nữa trong tương lai cho đến khi có giao ước mới và vĩnh cửu như lời các ngôn sứ của Chúa từng loan báo. Và trong bữa ăn này, việc giết một con chiên để lấy máu bôi lên cửa là việc cốt yếu. Thế mà khi chia bánh rượu cho môn đệ, Đức Giêsu lại tuyên bố: đây là Mình Ngài bị nộp và đây là chén Máu Ngài sẽ đổ ra. Người còn gọi đó là chén giao ước mới. Do đó, rõ ràng Người đã tự coi, tự hiến mình nên Chiên Vượt Qua để mang đến ơn cứu độ mà các ngôn sứ từng loan báo.
Các môn đệ không lầm. Họ thấy rõ với các cử chỉ của Chúa Giêsu đã khai trương thời đại mới. Người đã thay thế bữa ăn Vượt qua của người Do Thái bằng bữa ăn của Người hôm nay. Có thể họ chưa hiểu rõ những lời về Mình và Máu, vì phải đợi đến ngày hôm sau khi thấy Mình Ngài bị nộp và Máu Ngài chảy ra họ mới biết hết ý nghĩa. Nhưng họ đã cảm thấy chắc chắn Chúa Giêsu muốn dùng các cử chỉ của Người hôm nay để ký kết giao ước mới, chấm dứt đạo cũ và nghi lễ cũ. Từ nay bước sang thời đại cứu độ và nếp sống mới. Và nghi lễ mới cũng đã được thiết lập, vì Đức Giêsu đã bảo: ‘Phải làm sự này mà nhớ đến Người’. Tức là mỗi khi nhớ đến Ngài, nhớ đến để hiệp thông với Ngài trong hành vi cứu độ để được Giao Ước mới, phải làm việc Ngài vừa làm, tức là phải cầm lấy bánh rượu mà làm như Ngài.
Thế mà giáo dân Côrintô đâu có làm như thế! Thánh Phaolô phải bảo họ ‘mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa… anh em làm bất xứng, thì sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa.
Những lời này tuyên bố rõ ràng có sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể. Bánh rượu đã trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Nếu ngày lễ hôm nay có ý nói lên niềm tin Chúa hiện diện nơi Bánh Thánh, Rượu Thánh, thì những lời thánh Phaolô vừa nói đã đạt yêu cầu. Nhưng mục đích của thánh Phaolô không phải chỉ muốn nói đến sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể; Người muốn rằng người ta phải hiệp thông với Chúa, có tâm tình của Chúa để cử hành tiệc Bánh Rượu.
Đây là bữa ăn Vượt qua. Người ta phải ôn lại và ôm lấy tất cả lịch sử từ trước cho đến nay với tâm tình tạ ơn, nhưng cũng với ‘ý thức xót xa vì bao nhiêu khiếm khuyết để ước mong được cứu độ nhờ giao ước mới. Người ta sẽ cầm lấy bánh và chén rượu. Và lúc ấy theo lời Chúa Giêsu đã nói, người ta nhớ đến Người, nhớ đến cuộc Tử Nạn hồng phúc của Người. Người ta tham dự, thông phần lễ hy sinh Người đã dâng để được vượt qua, sống lại, hướng về ngày vinh quang Người trở lại.
Bánh rượu trên tay Chúa, vì thế, không còn phải chỉ là bánh rượu như trên tay Melkisêdek nữa. Nếu trên tay vị tư tế mầu nhiệm này, bánh rượu tượng trưng cho thiên nhiên, thì trên tay Chúa Giêsu, bánh rượu mang thêm ý nghĩa lịch sử và giao ước cũ. Đó không phải chỉ là hoa mầu ruộng đất, nhưng còn là lao công vất vả của con người. Thiên nhiên và con người đều phải trở nên tạo vật mới, nhờ mầu nhiệm Chúa Giêsu nơi bí tích bánh rượu mà chúng ta còn tiếp tục dâng trên bàn thờ.
- Bánh rượu trên tay chúng ta.
Dĩ nhiên khi dâng bánh rượu, chúng ta phải có những tâm tình như trên vừa nói; vì lời thánh Phaolô nói với tín hữu ở Côrintô cũng là để cho chúng ta. Nhưng mục đích cuối cùng của Phaolô không phải chỉ muốn nhắc cho chúng ta nhớ ‘Bữa Ăn Của Chúa’, mà còn khuyên chúng ta vì tính chất của bữa ăn như vậy, nên phải cử hành tiệc Thánh Thể mà gia tăng bác ái. Bữa ăn của Chúa phải là bữa ăn huynh đệ.
Ở đây chúng ta hãy nhớ bài Tin Mừng Luca. Chúng ta đã nói cử chỉ cầm bánh rượu của Đức Giêsu nơi bàn Tiệc ly đặc sắc quá khiến mỗi khi nhắc lại những lần khác mà Đức Giêsu cầm lấy bánh rượu, các môn đệ lại nhớ đến các cử chỉ của Người ở bàn Tiệc ly và dùng chúng làm khuôn mẫu để diễn tả. Điều này rõ ràng trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Luca kể hôm ấy Chúa muốn thết đãi những người đi theo Chúa vào nơi hiu quạnh. Người cho họ ngả mình xuống thành từng cỗ, mỗi cỗ độ năm mươi… Rồi Người cầm lấy bánh và hai con cá. Người ngẩng mặt lên trời và chúc tụng trên bánh và cá, đoạn bẻ ra và ban cho môn đệ để họ thết đãi dân chúng.
Chúng ta bảo bữa ăn này báo trước bàn Tiệc ly và nhất là bàn tiệc Thánh Thể trong Hội Thánh; hay chúng ta phải nói các bữa ăn Thánh Thể và bàn Tiệc ly đã cung cấp cho thánh Luca mọi yếu tố để thuật lại một câu truyện xảy ra trước? Dĩ nhiên câu truyện này cũng có ý báo trước những việc xảy ra sau… nhưng chính những sự kiện xảy ra sau đã đem ý nghĩa đến cho câu truyện xảy ra trước và cung cấp cho nó những tài liệu để diễn tả.
Chúng ta không cần nói thêm điều ấy nữa. Nhưng vì thánh Luca đã nhìn vào bàn tiệc Thánh Thể trong Hội Thánh để thuật câu truyện đã xảy ra nơi sa mạc, thì chúng ta hãy xem ngoài các yếu tố báo trước bàn Tiệc ly và tiệc Thánh Thể, thánh Luca còn muốn chú trọng đến điểm nào nữa? Dường như tác giả đã chú ý đến vai trò của các Tông Đồ. Lúc đầu họ muốn giải tán dân vì thấy bất lực cung cấp lương thực cho dân. Nhưng được Chúa gợi ý cho dân ăn, họ nhiệt tình muốn đóng góp tất cả và sẵn sàng làm thêm. Chúa bảo họ tổ chức cho dân ngả mình xuống thành từng cỗ. Ngài trao bánh cá cho họ phân phát… cuối cùng còn thu được 12 giỏ mảnh vụn, đúng số 12 Tông Đồ.
Những điều ấy há không đáng suy nghĩ sao? Trong bàn tiệc Thánh Thể, Chúa muốn chúng ta phải biết nghĩ đến nhu cầu của anh em. Có thể chúng ta bất lực, nhưng Chúa sẽ giúp. Mình Máu Người còn trao cho chúng ta để chia sẻ, huống nữa là của ăn vật chất và tài năng tự nhiên mà Chúa đã đặt trong tay mỗi người. Chúng ta không phải chia sẻ những của ấy sao? Chúng ta sợ mất mát thiệt thòi sao, khi thấy cuối cùng còn thu lại được 12 giỏ vụn?
Chắc chắn Hội Thánh ban đầu đã hiểu rằng bàn ăn của Chúa cũng phải là bàn tiệc huynh đệ, nên khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, Hội Thánh cũng tổ chức việc chia sẻ nâng đỡ vật chất. Giáo dân Côrintô đã quên phương diện này, nên thánh Phaolô đã phải nhắc lại. Lời thánh Phaolô hôm nay cũng chất vấn chúng ta: chúng ta sốt sắng tôn thờ Thánh Thể, nhưng có biết chia sẻ với nhau một cách thực tế không, để không một ai phải thiếu thốn quá đang khi những người khác thì no đầy?
Thế nên hôm nay chúng ta phải suy nghĩ về cả ba bài đọc, để khi long trọng tôn thờ Chúa trong Thánh Thể, chúng ta ý thức thêm về nhiệm vụ bác ái, để mỗi lần cử hành bàn tiệc của Chúa chúng ta lại nghĩ đến bàn ăn của anh em. Nơi bàn tiệc thánh được Chúa nuôi thì sự sống mới chúng ta nhận được phải đưa chúng ta đến với anh em và chia sẻ số phận với anh em để khi trở lại dâng lễ, chúng ta có bánh rượu là hoa mầu ruộng đất và lao công của con người dâng lên để trở thành bánh nuôi sống và của uống thiêng liêng cho tất cả chúng ta.
19. Chúa Nhật Mình Máu Chúa Kitô
Anh chị em thân mến.
Tôi có một người bạn rất dễ mến, anh ta có đời sống bình thường đơn sơ không biết đua chen, chính vì thế mà đời sống của anh dường như hơi vất vả.
Sau một thời gian không gặp. Một ngày nọ tôi đến thăm, dường như không tin vào những gì mình nhìn thấy. Vẫn con người đó, vẫn phong cách đó, nhưng mà sự nghiệp giờ đây đã hoàn toàn đỗi mới. Nhà cửa không sang trọng lắm, nhưng cũng khang trang sạch đẹp và có được một chút tiện nghi, với mãnh vườn cây ăn trái tạm bảo đảm cho cuộc sống. Thấy sự ngạc nhiên của tôi anh ta cười và bảo: nhờ may mắn.
Anh ít chơi vé số, nhưng anh lại trúng được số đặc biệt, anh chỉ thỉnh thoảng giúp đở khi người bán vé số kêu nài khiến anh phải động lòng. Nhờ đó anh mới có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Tôi vui mừng với anh. Sau đó mới suy nghĩ: cũng có biết bao người trúng số đặc biệt như anh, hay còn được nhiều hơn anh, thế mà cuộc sống họ vẫn không được ổn định, họ phải lao đao vất vã. Đó là vì họ không biết tận dụng những gì mình có, họ không biết tận dụng dịp may cho đời sống của mình được tốt đẹp hơn.
Chúa Giêsu đã cho hơn 5000 người ăn no, trong khi các môn đệ bất lực muốn trốn chạy trước đám đông, vì sợ trách nhiệm. Ngài đã cho họ ăn no với những gì mà mọi người cho là nhỏ bé không thể làm gì được. Ngài đã nuôi sống họ, trong khi bao nhiêu người dường như tuyệt vọng. Ngài đã cho họ ăn no, vì các Tông Đồ biết tận dụng cơ hội: đó là biết vâng nghe Lời Ngài, biết cộng tác với Ngài. Ngài đã cho họ ăn no và dư thừa, vì có người đã biết đóng góp công sức nhỏ bé của mình với Ngài.
Họ đã đóng góp những chiếc bánh nhỏ để nuôi sống bản thân mà không tiếc nuối. Các Tông Đồ đã biết đóng góp công sức, bằng cách: vâng lời, ổn định trật tự dân chúng và đem phân phát những gì đã lãnh hận từ nơi Ngài. Của ăn Ngài ban luôn luôn dư thừa. Nếu con người biết tìm đến thì không bao giờ phải thiếu. Thế mà trong số những người được ăn no đó, được bao nhiêu người biết Ngài đã nuôi sống họ, được bao nhiêu người ý thức về của ăn mình vừa thưởng thức.
Không phải chỉ những người của ngày xưa mới như thế. Trải qua những năm dài của lịch sử. Những người của thế kỷ XXI cũng như đám đông của ngày xưa: họ cũng có những nỗi lo sợ cho sự thiếu thốn khi nhìn thấy sự bất lực của bản thân. Họ cũng lo sợ khi nhìn thấy trách nhiệm nặng nề trước mắt, nên họ tìm các trốn chạy. Họ sợ mất đi những gì nhỏ bé của mình nên họ không thể đóng góp. Còn hơn thế nữa, vì quá tự hào về sự hiểu biết của bản thân, nên họ không biết lắng nghe, càng không biết vâng phục vì họ cứ cho đó là những điều vô lý. Cũng vì sự ích kỷ, họ không biết phân phát những gì Thiên chúa trao ban và bảo phân phát.
Nên họ vẫn cảm thấy thiếu thốn, đói khát và không thể hành động theo như Lời Chúa bảo, ngay cả nơi những người chung quanh họ, những người mà họ có trách nhiệm cũng thế. Họ không nhận ra được cơ may mà họ có trong tầm tay. Họ cũng không biết dùng những gì mình đã được trao ban cho chính đáng. Của ăn Thiên Chúa ban vẫn dư thừa, trong bất cứ thời đại nào cũng thế. Ngay cả ngày hôm nay cũng vẫn còn có những người biết vâng nghe theo mệnh lệnh Chúa truyền, biết đóng góp phần nhỏ bé của mình, để họ không còn bất lực, không còn lo sợ, không còn trốn tránh trách nhiệm nữa, vì họ đã nếm được của ăn, họ đã tìm được sự sống, họ đã biết được Đấng ban của ăn cho mình.
Tất cả chúng ta đã được nuôi sống trong khi con người hoàn toàn bất lực. Chúng ta đã ăn Bánh Thiên Chúa đã trao ban, chúng ta đã nhận được Hồng Ân nuôi sống. Nhưng chúng ta có khi nào để một chút suy tư vào của ăn mà mình đã từng dùng đến. Một chút nữa đây, trong thánh lễ, chúng ta cũng nhận lấy của ăn, mà trước mắt con người thì đó dường như là một sự bất lực không thể nuôi sống được. Chúng ta có biết đóng góp phần nhỏ bé của mình để bánh nầy trở nên dư thừa trong đời sống của mình. Chúng ta có biết dâng những hy sinh, những khổ nhọc, những nghịch lý trong cuộc đời và hơn nữa chúng ta có biết phân phát những gì cần phải phân phát theo như Lời Chúa truyền dạy. Được như thế là chúng ta biết tận dụng những gì mình đang có, chúng ta biết dùng của ăn cách chính đáng. Đó là chúng ta đã trúng số đặt biệt của Nước Trời.
Xin Chúa cho chúng ta biết tìm của ăn đích thực mang sự sống đời đời cho mỗi người.
Trước kia khi đọc bài Tin Mừng này thì tôi không thể nào chấp nhận được một người lại lấy máu thịt mình cho người khác ăn được. Tôi cứ thích việc Chúa làm và xem đó như một trò ảo thuật. Nhưng đến ngày hôm nay khi hiểu được thì thật là một mầu nhiệm cao siêu đầy quyền năng của Chúa, qua việc quan tâm đến đám đông và chăm sóc họ một cách rất cụ thể.
Ngày xưa, khi nhìn bằng con mắt quan tâm. Đức Giêsu biết rất rõ đám thính giả của Người đang đói. Một hình ảnh tượng trưng cho cả nhân loại. Người ta nói rằng đám đông ấy đông vô kể. Phần các môn đệ, những người có thể nói chưa quan tâm đủ nên đã nói nên giải tán để cho họ đi vào các làng lân cận mà lo kiếm của ăn. Nhưng Đức Giêsu lại nghĩ khác. Người yêu cầu cho họ ngồi xuống. Chính Người sắp lo liệu cho đám dân này mà Người lại làm công việc đó một cách khiêm tốn. Người đã không coi chuyện năm ổ bánh và hai con cá nghèo nàn mà các môn đệ nói cho biết là chuyện nghiêm chỉnh chăng? Chính những ổ bánh và những con cá này mà Người hóa ra nhiều đấy.
Chúng ta cũng được biết trong trí của Đức Giêsu (việc hóa bánh ra nhiều) là dấu lạ loan báo một của ăn khác. Nếu ta vận dụng ý nghĩa của cử chỉ Chúa làm, thì ta có thể cả quyết rằng phép Thánh Thể cũng như phép lạ ta vừa chứng kiến, không phải là một trò ảo thuật. Việc làm của Đức Giêsu dựa trên việc hiến dâng 5 ổ bánh và 2 con cá. Đó chính là vai trò hết sức chủ động dành cho ta trong phép Thánh Thể. Đức Kitô muốn ghép hồng ân Thánh Thể vào chính bánh và cá cũng như cuộc sống của ta. Thánh Phaolô sẽ nói lên điều đó. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô. Vì thế, trong khi cử hành bí tích Thánh Thể cũng như mọi bí tích khác, chính chúng ta cũng phải cống hiến 5 ổ bánh và 2 con cái mà ta có. Những thứ đó chẳng là gì sánh với đám đông đang đói lả ngày nay. Tuy nhiên, nếu không có những thứ đó, Bí tích Thánh Thể sẽ chỉ còn là một trò ảo thuật. Đức Giêsu, với quyền năng của Người, Người sẽ biến đổi, sẽ hiến thánh sự nghèo nàn của những việc ta làm và thực tại cuộc sống của ta.
Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất cách tuyệt hảo những gì mà con người có can đảm cống hiến cho người nghèo đang van xin, cho người đau yếu đang rên rỉ, cho tù nhân đang đòi hỏi công lý, cho người cùng khổ đang đau đớn và than khóc. “Điều gì anh em làm cho người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta đây, là đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Ngày nay, trong Bí tích Thánh Thể, chính là việc Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào bàn ăn của Người, và việc Người đón tiếp thì rất cụ thể: trong khung cảnh một bữa ăn để ta có cái ăn.
Thiên Chúa tiếp đón chúng ta ở bàn tiệc sự sống của Người. Bánh và rượu được ban để làm cho sự sống của Chúa hoạt động trong ta “trong sinh hoạt thường ngày”. Lễ Mình Máu Chúa Kitô còn vọng lại âm thanh của mùa phục sinh vừa mới kết thúc, mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ ra trong việc Đức Giêsu chết và sống lại vì chúng ta. Lễ này cũng nhắc lại sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa, mà ta vừa mới cử hành Chúa nhật vừa qua trong lễ Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu tiếp nhận ta vào sự sống của chính Thiên Chúa. Khi ăn bánh và uống chén rượu, chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là giờ phút để ta “cám ơn”, tạ ơn Thiên Chúa.
Trong lễ Mình Máu Chúa hôm nay Thiên Chúa sẽ hoan hỉ khi mọi con cái loài người đều có chỗ ngồi và có của ăn. Và trong “sinh hoạt thường ngày”, ai sẽ được trao nhiệm vụ đón tiếp đám đông để nói cho họ về Nước Thiên Chúa? “Anh em hãy cho họ ăn đi”. Trọng trách được trao cho các môn đệ. Ân huệ kéo theo nhiệm vụ. Nếu ân huệ là cụ thể, thì nhiệm vụ cũng vậy thôi. Chúa không ngừng hướng dẫn Hội Thánh Người đến với những người đang đói.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tầm quan trọng trong Bí Tích Thánh, để năng nhận lãnh mỗi ngày như của ăn linh hồn không thể thiếu trong cuộc sống. Amen.
21. Corpus Christi – Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
Nguồn gốc ngày lễ:
Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.
Lẽ đương nhiên, vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về nguyên nhân hay động lực thúc đẩy làm nên lời thỉnh cầu. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu.
Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài. Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này: thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu; thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức; và thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.
Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh). Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.
Tập quán trên đã được nắm giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi.
Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.
Tuy cũng có những người chống đối và tìm cách loại trừ ngày lễ này khỏi lòng tín hữu, nhưng những cố gắng đó cũng chỉ hoài công. Lịch sử có ghi nhận: trong cuộc Chiến tranh Ba Mươi Ngày bên Châu âu, quân đội Thuỵ Điển đã bao vây một làng Wuerzburg tại Bavaria. Vị quan chỉ huy đã đưa ra nhiều nghiêm lệnh nhằm khống chế dân chúng. Trong đó có lệnh cấm tổ chức rước kiệu trong ngày lễ Corpus Christi sắp đến.
Các thầy Dòng Camêlô đang cư ngụ trong làng đã phải đối diện với tình hình tiến thoái lưỡng nan: trong khi Thiên Chúa Cha muốn cử hành ngày lễ tôn kính Con Ngài thì vị chỉ huy quân đội Thuỵ Điển lại ngăn cấm, nếu không muốn bị tử hình. Nhưng cuối cùng các vị tu sĩ đã chọn vâng theo ý Thiên Chúa. Thế là một cuộc rước long trọng với linh mục kiệu Thánh Thể từ nhà thờ qua cổng làng đã diễn ra. Lập tức quân đội được phái đến. Súng ống, gươm giáo dàn ra đe doạ.
Không sợ hãi, thầy Agapytus hiên ngang rẽ đám đông tiến lên. Đứng trước hàng quân đang lăm le vũ khí, thầy bảo họ hãy quỳ gối xuống trước Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá. Lạ lùng thay, cả đoàn binh đã đồng loạt quỳ xuống, không ai dám thi hành lệnh phá hoại cuộc rước của quan chỉ huy! Thế là dân chúng lại tiếp tục hồ hởi cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các nẻo đường đã định. (x. Homilies, Thomas L. Kemp)
Ý nghĩa lễ Corpus Christi:
Lễ Corpus Christi được lập ra để nhắc nhở với người giáo hữu về một tình mến bao la vô tận. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban người Con yêu dấu của Ngài, để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Sự hạ mình từ một Thiên Chúa cao sang xuống mang kiếp người để chia sẻ thân phận khốn cùng và cứu chuộc nhân loại đã là một lối tỏ tình quá sức tưởng tượng. Ấy thế mà, làm như chưa thoả, Thiên Chúa lại còn hạ mình trở thành tấm bánh, vật vô tri vô giác, còn thấp hơn bất cứ một loài thụ sinh nào.
Lắm người cảm nhận mình như là quả banh, cây chổi, viết chì trong tay Chúa. Quả là những tâm tình khiêm hạ đáng quí. Nhưng khi so với sự khiêm hạ của Thiên Chúa khi trở nên tấm bánh nuôi dưỡng tâm hồn người ta thì vẫn là một cách biệt không thể đo lường.
Thánh Bênađô từng nói: “Tình yêu không phân biệt giai cấp.” Còn Thánh Phêrô Kim khẩu thì viết: “Khi yêu, người ta bất luận giàu nghèo, cũng không màng cân xứng, không ngại khó khăn, nhưng miễn sao thoả lòng ao ước là được.” Một linh mục khác cũng nhận xét rằng khi yêu chẳng ai nói với nhau: “Tôi là con nhà giàu, có bằng tiến sĩ vật lý, còn em chỉ là con bé nhà quê ít học, cho nên em phải biết thân biết phận của mình”. Không thế được! “Không thể có thái độ kênh kiệu như thế trong tình yêu chân thật” (Lm. Nguyễn Khảm, Nghe Trong Thinh Lặng). Đúng hơn, người ta sẽ khiêm tốn hạ mình để chỉ thấy người yêu chính là đối tượng duy nhất và tất cả.
Thế ra, vì yêu thương nên Thiên Chúa đã khiêm tốn hạ mình làm người, và hơn thế nữa, Ngài lại còn hạ mình làm thành tấm bánh đơn sơ bé nhỏ cho người ta dễ ăn, hầu được nên một với con người.
Nên một là đặc tính của tình yêu. Có yêu nhau người ta mới muốn nên một và sợ bị chia ly. Thánh Anphong từng suy gẫm rằng: “Vì Chúa khao khát ta rước lấy Ngài trong phép Thánh Thể, nên Ngài mời gọi: ‘Hãy đến ăn bánh Ta ban và uống rượu Ta dọn’ (Cn 9:5). ‘Ăn đi hỡi các bạn. Uống đi! Say đi hỡi các bạn yêu dấu’ (Dc 5:1). Chúa mời gọi ta chưa đủ, Ngài còn ra luật buộc ta nữa: ‘Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta’ (Mt 26:26). Và Ngài hứa ban sự sống đời đời cho những ai chịu lấy Ngài: ‘Ai ăn bánh này, thì sẽ được sống đời đời’ (Ga 6:51). Nếu ta không vâng giữ lời Ngài, thì Ngài ngăm đe: ‘Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi sẽ không có sự sống nơi mình các ngươi’ (Ga 6:53). Tất cả những lời mời gọi, những lời hứa ban, và những lời khuyên răn hiệp cùng ta trong bí tích Thánh Thể, để tình yêu thương được mật thiết hơn”.
Kỳ lạ làm sao tình Chúa yêu nhân thế trong Bí tích Thánh Thể! Nhưng có lẽ cũng kỳ lạ không kém khi con người dửng dưng, lạnh lùng và xem thường việc rước Chúa. Không ít người cảm thấy nguội lạnh, chẳng xứng đáng được Chúa ngự vào. Nhưng những người đó hãy ghi nhớ lời Thánh Catarina Xiêna: “Kẻ nói mình nguội lạnh, không dám rước lễ cũng giống như người biết mình bị cảm lạnh mà không chịu đến lò sưởi ấm, ấy thật là dại dột.” Thế nên, càng biết mình nguội lạnh, khô khan, hay hèn yếu, ta càng phải siêng năng đến gần với lò lửa tình thương đang bừng cháy. Các thánh khuyên ta hãy siêng năng rước lễ vì “một lần rước lễ được nhiều ơn ích hơn một tuần ăn chay” (T. Vincentê Phêriê).
Nếu không thể rước Chúa cách trực tiếp thì cũng hãy rước lễ cách thiêng liêng. Với lòng ước ao rước Chúa cũng đủ để khử trừ mọi tội nhẹ và giữ gìn ta khỏi các tội trọng rồi. Nếu không thể đi dâng Lễ hàng ngày, thì hãy đọc lên lời nguyện “Rước lễ Thiêng liêng” sau đây để lửa mến Chúa được bừng cháy luôn trong tâm hồn: “Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong phép Thánh Thể, nên lòng con khát khao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ con chẳng được rước thật Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa xin hãy ngự vào lòng con”.
Xin cho ngày Lễ Corpus Christi đốt lên trong ta ngọn lửa kính mến và lòng khát khao được kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể, hầu sức sống luôn chứa chan và bình an hằng tuôn tràn trong cuộc đời chúng ta.
22. Mọi người đều ăn, và được no nê
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Không ai có thể khai thác được tất cả sự sung mãn tuyệt diệu của Bí Tích Mình Thánh Chúa, vì đó là tuyệt tác của tình yêu Thiên Chúa.
Qua các thời đại, các Giáo phụ và vô số các thánh đã suy nghĩ, diễn tả bằng mọi cách sự tuyệt diệu của Bí Tích nầy, nhưng kho tàng Tình Yêu nầy vẫn không vơi cạn.
Giáo Hội đã sử dụng mọi cách, mọi nghi lễ để suy tôn Mình Máu Chúa và giúp con cái mình yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Những cố gắng đó không vô ích, gần đây nhất là Đức Phaolô VI, Đức chân phước Gioan-Phaolô II gần như liên tục cổ võ lòng yêu mến, và sùng kính Bí Tích Tình Yêu nầy. Những cố gắng nầy đã tạo nên một làn sóng sùng mộ Chúa Giêsu Thánh Thể trên khắp thế giới.
Mỗi năm, Giáo Hội thiết lập hai lễ đặc biệt, để thúc giục người tín hữu yêu mến Chúa trong Thánh Thể: là lễ Thứ Năm Tuần Thánh -kỷ niệm việc Chúa Giêsu thiết lập phép Mình Thánh Chúa-, và lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Chúng ta hãy vui mừng cảm tạ Chúa vì hồng ân Thánh Thể Chúa đã tặng ban cho mỗi người chúng ta; một hồng ân mà chúng ta không thể nào hiểu hết giá trị và sự phong phú của nó.
Đó là mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, làm sao trí khôn nhỏ bé chúng ta có thể hiểu được?
Nhưng đây là hồng ân tình yêu, tuy không hiểu thấu nhưng chúng ta có thể cảm nhận được. Chúng ta có thể yêu vì Chúa có cách tỏ tình, chỉ cần chúng ta thật tình muốn yêu mến Chúa, muốn đáp trả lại tình yêu.
Thánh Thể là một của ăn, là một dấu hiệu vật chất mà chúng ta có thể ăn được, chỉ cần ăn với ước muốn đáp trả hồng ân.
Muốn cho chúng ta hiểu được phần nào và đi sâu vào tình yêu, Chúa Giêsu phải chuẩn bị trước bằng những dấu hiệu vật chất, bằng những xác quyết rõ ràng.
Diễn từ về Bánh Hằng sống trong chương thứ 6, Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã không úp mở: “Thịt Ta là của ăn… Ai ăn Thịt Ta, người ấy sống trong Ta và Ta sống trong người ấy…”.
Con người rất cần của ăn vật chất, nhưng họ cũng cần một thứ của ăn khác, cao quí hơn: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh”. Của ăn vật chất không thể thỏa mãn được con người, nó nuôi sự sống phần xác để đi đến một mục tiêu cao hơn đó là hạnh phúc.
Manna trong sa mạc đã nuôi dân Do thái, không phải chỉ để cho họ sống, mà còn giúp họ đạt đến mục tiêu, là trở nên một dân tộc tàng trữ kho tàng tình yêu của Thiên Chúa; là ơn cứu độ và hạnh phúc với Thiên Chúa.
Hôm nay, chúng ta nghe kể lại phép lạ Chúa Giêsu nuôi năm ngàn người, trong hoang địa bằng năm chiếc bánh và hai con cá. Phép lạ nầy chứng tỏ quyền năng vô song của Chúa Giêsu. Ngài bảo các môn đệ phải cho dân chúng ăn. Nuôi năm ngàn người trong hoang địa không là việc của một vài người. Các ông thú nhận sự bất lực của mình: làm sao lo cho họ ăn được? chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá?
Chúa Giêsu bình thản, chậm rãi ra lệnh: Xếp cho họ ngồi từng nhóm và đem bánh và cá lại cho Ngài.
Thánh Luca ghi lại: “Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ…” Những cử chỉ nầy sẽ được lặp lại trong bữa Tiệc Ly. Phải chăng bữa ăn trong hoang địa nầy là khúc dạo đầu cho bản tình ca Thánh Thể? Khi ấy, Ngài nuôi năm ngàn người bằng năm chiếc bánh và hai con cá; và hôm nay, Ngài nuôi tất cả nhân loại bằng một tấm bánh duy nhất, cho đến tận thế. Tấm bánh đó chính là Mình Ngài, “sẽ bị nộp”, nghĩa là sẽ tan nát trên thập giá, dưới roi đòn để trở thành của ăn cho muôn người.
Ngài căn dặn: “Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”. Việc nầy không chỉ là nói mà là ăn. Ăn lấy Thầy đi, chúng con sẽ nhớ Thầy đã chết cho chúng con. Không làm việc nầy, chúng con sẽ quên, của ăn trần gian vẫn luôn hấp dẫn. Ăn lấy Thầy, chúng con mới biết Thầy yêu chúng con đến mức độ nào. Thánh Phaolô cảm nghiệm được tình yêu Chúa nên đã thốt lên: “Ngài đã yêu tôi và đã liều mạng cho tôi!”.
Liều mạng cho tôi, và hơn thế nữa, đây chính là đỉnh cao vút của tình yêu: Ngài cho tôi ăn lấy Ngài, đây cũng là một cách liều mạng. Ăn lấy Ngài là nhìn nhận cái chết của Ngài: “Anh em ăn bánh nầy… là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”
Trở thành Thánh Thể là chết đi một lần nữa.
Ăn lấy Chúa, chúng ta có cảm thấy tình yêu Chúa thấm nhập vào chúng ta không? Ngài là Tình Yêu, và chúng ta ăn lấy Ngài, trở nên một với Ngài, điều mà tình yêu con người không thể làm được. Chúa đã làm được.
Vì thế, tình yêu của Chúa là tình yêu toàn năng. Nơi tấm bánh nhỏ đó, chúng ta nhận ra sự toàn năng của Chúa.
Để gom góp chúng ta lại, Chúa Giêsu đã dùng một phương tiện hết sức đơn giản là mời chúng ta vào bữa tiệc của Ngài, để tất cả chỉ ăn cùng một của ăn duy nhất, trở thành một gia đình duy nhất, sống trong một tình yêu duy nhất. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã dùng đến phương tiện cuối cùng nầy.
Ngài trở nên lương thực cho chúng ta, làm sao chúng ta hiểu được chiều “rộng, cao, sâu” của tình yêu Ngài? Chúng ta chỉ biết tôn thờ và cảm tạ.
Chúng ta nghĩ gì khi ăn lấy Chúa? Chúng ta có cảm thấy rằng chúng ta được yêu thương đến tột đỉnh không?
Nhưng ăn Chúa để làm gì?
Thánh Irênê nói: “Thiên Chúa làm người để con người làm Chúa”. Điều nầy thật đúng với Thánh Thể. Chúng ta ăn Chúa để trở thành Chúa. Chúng ta có hiểu điều đó không? Chúa Giêsu thánh hóa chúng ta, biến chúng ta thành Giêsu mới… Nói như thế cũng không quá đáng, và đó là sự thật. Chúa đã muốn như thế chứ không phải chúng ta muốn.
Chúng ta trở thành Giêsu chưa? Quả tim chúng ta có giống quả tim của Chúa chưa? Chúng ta dám yêu thương như Ngài không?
Hiệu quả đương nhiên của Thánh Thể là như thế, chỉ có chúng ta không để cho Ngài biến đổi chúng ta thôi.
Dù yếu đuối, hèn mọn đến đâu, chúng ta đều có quyền yêu mến Chúa. Mình Thánh Chúa là của ăn và là tình yêu. Ăn lấy Chúa mà không yêu mến Chúa là đắc tội, vì “Chúa đã yêu chúng ta trước” và “đã yêu chúng ta đến tận cùng”.Cố gắng của chúng ta là yêu mến Chúa đến tận cùng như Ngài.
Không có đấng thánh nào mà không yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể hết lòng. Cũng có nhiều giáo dân tầm thường, không có học thức cũng khám phá ra kho tàng tình yêu Chúa; và họ đã tìm hết cách để luôn đến với Chúa.
Trong một giáo xứ kia, có hai bà lão ở cùng xóm với nhau, một 75 và một 70 tuổi. Cà hai đều mang những căn bệnh không thuốc trị, tuy thế mỗi ngày vẫn dắt nhau đi lễ. Nhà thờ cách xóm gần hai cây số. Thế nhưng cả hai không bao giờ bỏ lễ, trừ khi trở bệnh không thể đi được. Những người trong xóm ngạc nhiên hỏi: “Các bà lớn tuổi và bệnh như vậy mà mỗi ngày vẫn đi lễ?”. Họ đều nhận được câu trả lời: “Chúa Giêsu quí hơn mọi sự trên đời”.
Vậy là họ đã khám phá ra Chúa Giêsu.
23. Dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – R. Veritas)
Trong ngày lễ kính Mình Máu Chúa Kitô, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về phép lạ bánh hóa nhiều. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn Phúc Âm thuật lại. Đây cũng là một phép lạ công khai trước mặt một số đông người. Năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương thực nuôi khoảng năm ngàn người mà vẫn còn dư mười hai thúng miếng vụn. Thánh sử Luca nhấn mạnh đến vai trò của nhóm Mười Hai trong phép lạ này. Chính họ đã chủ động xin Chúa Giêsu giải tán đám đông để những người này tìm chỗ ăn, chỗ ở. Và Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một thách đố cho nhóm Mười Hai: “Chính các con hãy cho họ ăn”. Hãy lo cho họ sau khi đã được nghe giảng về Nước Thiên Chúa, được chữa lành khỏi mọi tật bệnh. Các môn đệ thấy mình bất lực trước nhiệm vụ này dù mới đây họ đã được sai đi rao giảng và chữa bệnh vàđã thành công. Điều duy nhất họ có trong tay là năm chiếc bánh và hai con cá, nhưng chừng ấy thấm vào đâu so với nhu cầu của dân chúng: “Ở nơi thanh vắng này, dù có tiền cũng không mua được đủ bánh”. Chúa cần các môn đệ nhìn nhận sự bất lực của họ, để rồi Ngài mời gọi họ cộng tác vào việc nuôi sống dân chúng. Các môn đệ, theo lệnh của Chúa Giêsu, đã chia đám đông thành từng nhóm nhỏ. Chính các ông đã trao bánh và cá cho Chúa Giêsu để rồi nhận lại từ tay Ngài và trao cho đám đông. Phép lạ đã xảy ra trên bánh này khi Chúa Giêsu chúc tụng và bẻ ra. Chúng ta không tưởng tượng nổi số lượng khổng lồ bánh và cá đã phát sinh từ hành vi bẻ ra này. Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên không ngừng.
Có thể hôm nay chúng ta cũng thấy mình đứng trước những nhu cầu lớn lao của con người. Nhân loại vẫn ở trong tình trạng đói về nhiều mặt. Hàng giờ có biết bao trẻ em chết đói trên thế giới này. Trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ, chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực. Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có; nếu chúng ta để cho Ngài thánh hóa những cố gắng nhỏ bé của mình; nếu chúng ta chỉ coi mình là người cộng tac của Thầy Giêsu đến phục vụ con người, thì phép lạ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có thể nuôi cả thế giới no nê và dư dật, nếu chúng ta biết cộng tác với Chúa.
Chúng ta đọc lại câu 16 đoạn Tin Mừng trên: “Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đm đông”. Khi kể lại cử chỉ của Chúa Giêsu làm lúc lập bí tích Thánh Thể, thánh Maccô cũng sử dụng bốn động từ trên đây. Và trong biến cố hai môn đệ về Emaus, chúng ta cũng thấy thánh Luca dùng lại bốn động từ này: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ”. Cử chỉ quen thuộc này đã làm cho hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu. Giáo Hội thời khai sinh hẳn đã thấy sự liên hệ giữa phép lạ bánh hóa nhiều và bí tích Thánh Thể. Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu đều dùng một cử chỉ mà mời người khác ăn tấm bánh Ngài trao cho. Rất có thể ý định lập bí tích Thánh Thể được khơi mào từ sau phép lạ bánh hóa nhiều. Những chiếc bánh vật chất như đã giảm cơn đói cho một số người nhất định trong một thời gian nhất định. Mana ngày xưa trong sa mạc cũng không cho người ta sự sống sau cái chết.
Bữa tiệc ly không phải là một hành vi đột xuất không suy nghĩ trước. Trái lại, Chúa Giêsu đã phải bận tâm với mơ ước nuôi cả nhân loại, nuôi họ bằng chính bản thân Ngài và ban cho họ sự sống vĩnh cửu: “Này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Này là chén máu Thầy, sẽ đổ ra cho các con”. Chúa Giêsu mời chúng ta ăn tấm bánh và uống chén rượu đã được thánh hiến để có dịp tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Ngài; vào chính bản thân Ngài. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của một tình yêu biết tìm kiếm.
Cựu ước đã hứa rằng trong những ngày sắp đến, Thiên Chúa sẽ nuôi dân Người dư dật. Chúa Giêsu đã làm trọn lời hứa đó phần nào qua phép lạ bánh hóa nhiều. Nhưng đó cũng chỉ là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Khi thông hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh với hình bánh và hình rượu, chúng ta còn cần đến đức tin, chúng ta mong chờ ngày được tham dự bữa tiệc ở Nước Trời, nơi chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Ngài, không qua bức màn đức tin nữa nhưng diện đối diện. Chúa Giêsu đã bẻ bánh nhiều lần trong cuộc đời của Ngài. Đời Ngài được kết tinh trong hành vi bẻ bánh. Tấm bánh trong bữa tiệc ly đã trở thành tấm thân Ngài được bẻ ra và trao cho con người qua cái chết trên thập giá: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Giáo Hội thời khai sinh đã không quên mệnh lệnh đó, họ tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể mà họ gọi là lễ bẻ bánh tại các nhà riêng của tín hữu. Bẻ bánh trở thành nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô sơ khai. Nghi thức này thường được cử hành vào ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần.
Xin Chúa giúp chúng ta gặp Ngài trong lễ bẻ bánh.
24. Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)
KHI NGƯỜI TA BIẾT CHIA BÁNH CHO NHAU THÌ THẾ GIỚI SẼ KHÔNG CÒN NẠN ĐÓI
Phép lạ bánh là phép lạ duy nhất được cả bốn tác giả Tin Mừng cùng thuật lại, và có tác giả thuật đến hai lần như Matthêu (Mt 14, 13-21 và15, 32-38.) và Mác cô (6,35-44 và 8, 1-10) Luca ( 9, 12-17) và Gioan (6, 1-13). Như vậy, chắn chắn sự kiện nầy chứa đựng một nội dung hết sức quan trọng.
Nội dung đó là: khi người ta biết chia bánh cho nhau, thì thế giới sẽ không còn nạn đói.
Tài nguyên trái đất gồm hoa màu ruộng đất, các loài gia súc cầm thú, chim trời cá biển… được Thiên Chúa dựng nên dư thừa để nuôi những cư dân trên mặt đất.
Thế thì tại sao có nhiều người đói?
Sở dĩ có nhiều người đói vì có một số người thu gom cho mình thật nhiều, tích trữ cho mình dư dật nên mới xảy ra tình trạng “người thì ăn không hết, người thì làm không ra”.
Một chủ tiệc hào phóng dọn ra một ngàn phần ăn đủ cho một ngàn người ăn uống no say. Nhưng có một số khách mời khoẻ hơn, nhanh tay hơn, chạy vào phòng tiệc vơ vét nhiều thực phẩm cho mình, lại còn tọng đầy những túi mang theo để dành cho ngày mai, cho con cháu… thế là những khách mời đến sau phải đói.
Thế giới hôm nay cũng là một phòng tiệc vĩ đại mà Thiên Chúa dọn sẵn cho mọi người. Lương thực trên đất, dưới biển có dư cho mọi người hưởng dùng. Nếu cùng nhường nhau mà ăn, thì không ai phải thiếu đói.
Nhưng tiếc thay, có những người nắm trong tay những nhà máy lớn, nắm bắt công nghệ tiên tiến nên đã thu vén cho mình dư đầy của cải, khiến cho những người không có phương tiện sản xuất, không thủ đắc những công nghệ mới đành phải chịu cảnh thiếu đói.
Qua phép lạ bánh hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với mọi người rằng: nếu ai cũng biết chia sẻ số bánh ít ỏi đang có cho nhau, thì tất cả mọi người đều no đủ, không những no đủ mà còn dư.
Hôm ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu, say mê nghe lời Ngài giảng dạy quên cả giờ về. Khi ngày tàn, nhóm Mười Hai đề nghị Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ kịp trở về các làng mạc chung quanh kiếm thức ăn, vì hiện nay mọi người đang ở nơi hoang vắng.
Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, lấy gì nuôi đủ cả năm ngàn người ăn?”
Thế rồi “Chúa Giêsu truyền cho dân chúng ngồi xuống, Ngài lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.”
Các môn đệ trố mắt nhìn Chúa Giêsu kinh ngạc! Chừng nầy cá và bánh thì ai ăn ai nhịn? Thôi thì cứ theo lệnh Chúa mà làm. Các vị phân phát phần bánh và cá ít ỏi cho dân. Noi gương các môn đệ, trong đám đông cũng có một số người mang theo chút lương thực dự phòng, cũng mang phần ăn ít ỏi của mình ra mà trao cho người bên cạnh. Thế là người nầy trao qua, người kia chia lại, mọi người tỏ lòng hào phóng với nhau. Và đang khi họ chấp nhận trao phần bánh ít ỏi của mình cho người khác thì phép lạ xảy ra: bánh càng trao đi thì càng được tăng thêm nhiều, cá càng được chia ra thì lại phát sinh gấp bội, nhiều đến nỗi cả năm ngàn người ăn không hết còn dư lại cả mười hai thúng đầy!
Phép lạ nầy cũng như hũ bột của bà goá Sa-rép-ta. Dù đang giữa cơn hạn hán trầm trọng, dù nạn đói hoành hành khắp nơi, dù chỉ còn chút bột ít ỏi trong hũ và chút dầu còm cõi trong bình, bà goá thành Sa-rép-ta vẫn vâng theo lời tiên tri Ê-li-a truyền dạy, đem phần ăn ít ỏi của mình cống hiến cho người khác. Thế là hũ bột không vơi, bình dầu không cạn cho đến khi Chúa cho mưa xuống làm hoa trái tốt tươi. (I Vua 17, 7-16).
Nếu hôm nay, nhân loại biết nghe theo lời Chúa Giêsu: “Các con hãy cho họ ăn” để rồi mọi người biết chia bánh cho người người chung quanh mình, thì chắc chắn nạn đói sẽ không còn tồn tại trên mặt đất nầy.
* * *
Xin mượn lời kể của Mẹ Têrêxa thành Cacutta để thay cho phần kết: Ngày nọ, có một thiếu phụ và tám đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần… Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: “Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn”.
Mẹ Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau.
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Sự sống quý hơn mọi báu vật trên đời
Trên cõi đời này, không gì quý bằng sự sống. Được sống vui, sống khỏe là mơ ước, là khát vọng mãnh liệt và thâm sâu nhất của con người. Vì thế, khi mắc những chứng bệnh nguy hiểm đe dọa mạng sống, người ta tìm cách chạy chữa với bất cứ giá nào, miễn là được khỏi bệnh và được sống.
Tuy nhiên, cuộc sống con người trên dương gian chỉ như bông hoa sớm nở tối tàn, có thể tan biến bất cứ lúc nào như sương, như khói… Cụ Nguyễn Công Trứ cũng đồng quan điểm đó, khi viết rằng:
“Ôi nhân sinh là thế ấy,
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao …”
Chính vì cuộc sống con người mỏng dòn và phù du như vậy, nên ai cũng muốn sống lâu và tìm cách kéo dài sự sống. Tuy vậy, con người không thể thắng được sự chết và sớm muộn gì cái chết cũng đến cướp đi sự sống của từng người trên dương gian này.
Thiên Chúa đáp ứng khát vọng của con người
Đang khi nhân loại khao khát được sống lâu dài mà chẳng thể nào đạt được và bao nhiêu nỗ lực nhằm đạt tới mục tiêu này đều thất bại, thì người ta chỉ còn hy vọng vào Chúa mà thôi.
Thiên Chúa là Cha của mọi người và Ngài hết lòng yêu thương họ. Ngài cũng là chủ của sự sống, là cội nguồn thông ban sự sống cho muôn vật, muôn loài.
Thiên Chúa đã ban cho con người sự sống tự nhiên đời này và Ngài không dừng lại ở đó, Ngài còn muốn ban thêm. Ngài tìm cách ban sự sống vĩnh cửu của chính Ngài cho con người, để họ được sống đời đời với Ngài, để họ được hạnh phúc vĩnh cửu như Ngài.
Nhưng làm sao thực hiện được điều tuyệt vời này?
Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.
Nhưng làm thế nào để con người hèn mọn có thể được nên một với Chúa Giê-su?
Để thực hiện điều này, Chúa Giê-su lập nên bí tích Thánh thể, hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài cách xứng đáng, thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).
Và những ai “ở lại trong Chúa Giê-su và có Chúa Giê-su ở lại với mình”, thì người đó là một với Chúa Giê-su và tất nhiên Sự Sống của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho người ấy.
Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.
Đức Giê-su khẳng định điều này khi nói rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…” (Ga 6, 54).
Thế là thông qua việc tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giê-su khi rước lễ, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu”[1] với Chúa Giê-su và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho họ. Họ sẽ được sống đời đời với Chúa! Hạnh phúc biết bao!
Đừng thờ ơ với hồng ân Chúa
Một bệnh nhân đang hấp hối trên giường bệnh mà có danh y nào đó đến cứu chữa kịp thời giúp anh khỏi bệnh, khỏi chết và sống thêm được mươi năm nữa, thì anh ta vui mừng khôn xiết và tạ ơn thầy thuốc với tất cả tâm hồn.
Vậy mà qua Bí tích Thánh thể, Chúa Giê-su cứu chữa chúng ta khỏi chết đời đời trong hỏa ngục, lại còn ban cho chúng ta một quà tặng tuyệt vời là được sống đời đời với Chúa trên thiên quốc, được vui hưởng hạnh phúc thiên đàng đến thiên thu vạn đại… thì tại sao chúng ta không reo vui lên trước hồng ân vô giá này, lại còn tỏ ra hờ hững với tình yêu cao vời đến thế?
Lạy Chúa Giê-su,
Đã bao lần chúng con dửng dưng đối với Thánh thể là hồng ân vô giá Chúa ban. Đó là thái độ vô ơn bội bạc và xúc phạm đến tình thương Chúa.
Chúng con quyết từ nay không bao giờ thờ ơ với hồng ân cao vời là Mình Máu Chúa; trái lại, sẽ sốt sắng tham dự Thánh lễ thường xuyên để đón nhận quà tặng vô giá là sự sống đời đời Chúa dành cho chúng con.
———————-
[1] Trích từ bài giảng của thánh Lê-ô cả Giáo hoàng.
26. Chạnh lòng thương – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)
Mỗi người chúng ta đã từng nghe, từng nói những câu mời gọi sống tình liên đới và chia sẻ bác ái với nhau trong tình làng nghĩa xóm như: “Lá lành đùm lá rách”, hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Sự liên đới đồng cảm với nhau trong tình thần “Tứ hải giai huynh đệ” để có thể “thương người như thể thương thân”. Đó là những lời răn dạy của tổ tiên, là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống của người dân Việt chúng ta. Một dân tộc đặt chữ tình lên trên mọi mối quan hệ giữa người với người để có thể “tối lửa tắt đèn có nhau”. Thế nhưng, có mấy ai đã thực sự sống điều đó? Có mấy ai đã thực sự sống đùm bọc lẫn nhau? Tại sao một nền văn hóa tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam mà lại có sự chênh lệch giầu nghèo quá lớn như ngày hôm nay? Ở giữa những phồn hoa của nền kinh tế thị trường hôm nay vẫn còn đó những mảnh đời đói rách bần cùng, kiếm ăn từng bữa, đôi khi cũng chỉ được bữa cơm, bữa cháo! Ngày nay khi xã hội thay đổi, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Thì ở đâu đó rất gần chúng ta vẫn còn có những mảnh đời lạnh giá cả về thể xác lẫn tâm hồn. Họ là những người vô gia cư bị xã hội đẩy ra bên lề xã hội. Họ là những em bé bị bỏ rơi, bị lợi dụng đang ăn xin, bán vé số, lượm ve chai. Họ là những người tật nguyền không có tiền để đến bệnh viện đành chấp nhận sống lây lất qua ngày… Họ là những con người nghèo đang chờ từng hạt cơm rơi hay từng nghĩa cử bác ái của chúng ta.
Song le, cái đói, cái nghèo không chỉ đến với một vài cá nhân nhưng đôi khi cũng bám vào cả một làng, một xã. Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, có một ngôi làng mà cư dân phải đối mặt với nạn đói quanh năm. Đó là làng Trung Chánh, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, một ngôi làng không ruộng, không vườn, ăn không đủ no, trẻ con không được đến trường. Báo Nông Nghiệp ghi nhận về tình cảnh khốn khổ của dân làng này qua đoạn ký sự như sau.
Làng Trung Chánh nằm sát đầm Cầu Hai, phá Tam Giang. Cuộc sống ở đây chỉ theo đuổi con tôm, con cá ở đầm. Khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, cả thôn từ già đến trẻ lại kéo nhau “gieo mình” xuống đầm, xuống biển mưu sinh. Cứ như vậy, người và lưới rong ruổi khắp các con đầm, kênh, lạch và ra tận biển từ đêm đến sáng hôm sau. Trong làng chỉ còn lại những người già yếu và trẻ con 3-4 tuổi trong những căn nhà lụp xụp, xiêu xẹo, dột nát.
Làng Trung Chánh 6 giờ sáng, khi những “chuyến đò đêm” trở vào bờ. Cả thôn náo nhiệt tiếng í ới gọi nhau, đàn ông xả lưới, đàn bà quảy hàng đi chợ, trẻ con hò nhau phụ giúp bố mẹ nhặt từng con tôm, con tép còn sót lại. Đã từ lâu dân Trung Chánh hình thành nên thói quen bất đắc dĩ là mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm: “Cả thôn này không có bữa cơm trưa, bữa tối, thường thì chỉ ăn “bữa cơm chính” vào lúc 8-9 giờ sáng, rồi sau đó cả làng cùng đi ngủ, đến tối lại đi làm” một người dân tên Hạnh tâm sự như thế. Và cái tên “làng đói” cũng ra đời từ đó. Buổi trưa, cả thôn không có lấy một nhà nổi lửa. Không gian đìu hiu, chỉ có bóng dáng những đứa trẻ con đầu tóc vàng hoe vì nắng, vì gió tụ tập quanh những bóng tre. Chúng vẫn chưa đến tuổi làm nghề nên vẫn còn được chơi đùa thoả thích. Còn cha, mẹ, anh chị của chúng đã tranh thủ ngủ lấy lại sức sau một đêm dài thức trằng trên đầm, trên phá.
Cũng theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, khi kể về chuyện nợ của người dân trong thôn, cư dân Mai Thị Gái chua xót nói với phóng viên “Chú không tin cứ đi hỏi mười người trong thôn này thì có đến… mười một người mắc nợ. Khổ lắm chú ơi. Hồi trước còn có cơm mà ăn, nhưng mấy tháng nay, nhiều gia đình đã chuyển sang…ăn cháo”.
Xem ra làng Trung Chánh đang thiếu một tấm bánh được chia sẻ, được trao ban cho họ. Đất nước chúng ta đang ngày một giầu có vật chất nhưng lại nghèo tấm lòng. Nghèo đến mức chỉ tìm kiếm của cải cho mình mà vẫn chưa bao giờ thỏa mãn. Nghèo đến mức chẳng nghĩ rằng mình có khả năng cho đi. Nghèo đến mức chỉ nghĩ vun quén cho bản thân mà quên rằng mình còn có bổn phận chia sẻ cho anh em trong tình liên đới anh em một nhà. Cái đói, cái nghèo lận vào cuộc đời người dân làng Trung Chánh vì không được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Nếu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” thì cả một làng đói khổ sao cả một dân tộc không chạnh lòng với những đói khổ của anh em mình?
Hôm nay lễ Mình Máu Thánh Chúa là dịp để chúng ta nhìn lên tình yêu của Chúa. Chúa đã trao ban chính sự sống của mình cho thế gian được sống. Chúa còn trao ban cả Máu Thịt Ngài để trở nên của ăn của uống cho chúng ta. Có người cho rằng bánh và rượu làm sao trở nên Thịt và Máu của Chúa Giêsu được. Thực ra, chúng ta ăn bánh và rượu vẫn biến đổi thành thịt và máu của chúng ta thì Chúa Giêsu cũng có thể biến bánh và rượu trở nên Máu Thịt Ngài. Điều quan yếu không dừng lại ở việc bánh và rượu trở nên Máu Thịt Ngài mà hệ tại ở việc Ngài trao ban chính sự sống đó cho chúng ta. Để “ai ăn bánh này sẽ không chết muôn đời”. Như vậy, bánh và rượu trở nên Mình và Máu thì dễ, điều quan yếu là chúng ta có dám trao ban chính sự sống đó cho tha nhân hay không?
Nguyện xin Mình và Máu Thánh Chúa cũng biến đổi chúng ta trở nên giống Chúa. Giống Chúa ở trái tim biết chạnh lòng thương xót trước những khổ đau của anh em. Giống Chúa ở tấm lòng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để vơi đi nỗi khổ của anh em trong tình liên đới chân thành. Giống Chúa ở việc cũng trở thành tấm bánh được sẻ chia cho tha nhân được sống hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện cao dẹp của chúng ta để mỗi cuộc đời chúng ta thực sự là tấm bánh đem lại cho nhân thế sự no thỏa và niềm vui, hạnh phúc. Amen.
27. Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
Phép lạ là hóa bánh ra nhiều hay bẻ bánh ra và trao?
Trong các phép lạ được ghi lại, hóa bánh ra nhiều là phổ thông nhất: cả bốn sách Tin Mừng đều kể lại, thậm chí Mat-thêu và Mác-cô còn đề cập tới một vụ khác nữa ít hoành tráng hơn. Tại sao vậy? Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho là ‘vì đây là phép lạ chứng tỏ rõ ràng nhất quyền uy tuyệt đối của Chúa Giê-su trên các định luật tự nhiên’ (xem chú giải Lc 9,12 trong ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Tôi xin mạn phép được suy nghĩ khác đi một chút.
Căn cứ vào Phúc Âm Gio-an chương 6, ý nghĩa chính của sự kiện lạ này không mấy hệ tại ở việc ‘hóa bánh ra nhiều’, cho bằng ở việc ‘bẻ bánh ra và trao’. Hầu như cả sáu trình thuật đều đề cao hành vi xem ra khá tiểu tiết này. Hơn nữa, khi đọc đoạn Tin Mừng được Giáo hội trích dẫn trong ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm C, tôi càng thêm xác tín về suy nghĩ của mình. Đúng là ‘hóa bánh ra nhiều’ chỉ là ‘bao bì’ để thu hút khách hàng đón nhận một ‘sản phẩm’ tuyệt vời là tình yêu ‘bẻ ra và trao tặng’ gói đựng bên trong. Và có thể vì đã nắm được nội dung nòng cốt của sự kiện này nên các Ki-tô hữu ngay từ thời đầu đã dành cho phép lạ ‘bánh hóa nhiều’ một trân trọng đặc biệt đến thế. Phép lạ mang tính vật lý này thực ra chỉ là tiền đề đưa ta tới cử chỉ ‘bẻ ra và trao tặng’ đầy ý nghĩa và rất độc đáo của một Thiên Chúa nhân ái, được thực hiện trong hiến tế thập giá của Đức Giê-su Ki-tô. Sau này, khi việc hóa bánh ra nhiều không còn là quan trọng nữa, thì hành vi ‘bẻ bánh và trao cho’ lại luôn được môn đệ nhận ra đó là dấu hiệu không thể nhầm lẫn để nhận ra Thầy chí thánh, như trường hợp hai môn đệ trên được đi Em-mau sau khi Chúa phục sinh (xem Lc 24, 30-31).
Nếu truyền thống Ki-tô giáo, qua các thời đại, luôn liên kết phép lạ này với Thánh Thể, thì chính là vì đã nhận ra việc ‘bẻ ra và trao ban’ là điều đã được thực hiện cách trọn vẹn trong hiến tế thập giá của Đức Giê-su. Trong bữa tiệc Vượt Qua ly biệt, Đức Giê-su đã chẳng tự ‘bẻ ra và trao ban’ là gì’? Bánh bẻ ra là ‘bí tích’ (dấu bên ngoài) của Mình Thầy hiến tế, rượu trao ban là ‘bí tích’ của Máu Thầy đổ ra cứu chuộc. Tự nó việc xác định ‘bánh là Mình Thầy và rượu là Máu Thầy’ sẽ hầu như trở nên vô nghĩa, nếu chỉ dừng lại ở sự biến thể kỳ lạ (transubstantiation). Đức Giê-su chỉ biến thể để có thể thực hiện việc tự ‘bẻ ra và trao tặng’ tới từng người chúng ta. Như thế Thánh Thể trước hết phải là một hành động, một hành động tự hiến, biểu lộ rõ nét nhất yếu tính nền tảng của Thiên Chúa, như Đức Giê-su đã hé mở cho thấy: một Thiên Chúa hiến dâng và trao tặng cho nhân loại, trong chính lúc họ tội lỗi và bất xứng nhất.
Như vậy Mình và Máu Thánh Chúa sẽ không chỉ đơn thuần là hiện diện của Giê-su – Thiên Chúa, để chúng ta ‘phục bái tôn thờ’; nhưng luôn là dâng hiến của một Giê-su ‘bẻ ra – trao ban’ để ta đón nhận và phân phát. Thánh Thể sẽ không chỉ đòi nơi ta một lòng sùng kính ‘tĩnh’, nhưng phải đưa ta đến một đón nhận và tham gia ‘động’ vào huyền nhiệm Giê-su hiến mình trên thập giá. Thánh Thể thôi thúc mỗi môn đệ chúng ta “chính anh em hãy cho họ ăn”, khác hẳn với thái độ hưởng thụ và no nê cho thỏa chí thỏa lòng của đám quần chúng.
Suy niệm này giúp ta hiểu được phần nào các đòi hỏi của việc cử hành Thánh Thể. Truyền phép để bánh trở thành Mình-Chúa-bẻ-ra và rượu trở thành Máu-Chúa-đổ-ra là một cử hành (celebration) thực sự, chứ không chỉ là một công thức (formula) nhiệm mầu tạo nên sự biến thể. Và Chúa muốn mỗi chúng ta “anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, chứ không chỉ diễn lại hay lập lại như một tấn tuồng tưởng niệm. Càng trong tư cách linh mục, chính tôi trước hết, và qua tôi cả các anh chị em tín hữu khác nữa, trong mỗi Thánh lễ sẽ phải làm việc cử hành này cách sinh động nhất; đó là vào sâu trong niềm tin vào một Thiên Chúa hiến mình và trao ban, để rồi chính mình cũng sẽ khởi đầu cuộc hiến mình và trao ban trong Giê-su.
Thống hối đầu Thánh Lễ không chỉ mang mục đích thanh tẩy ta cho xứng với một hành vi phụng vụ, nhưng còn quan trọng hơn, cho ta ý thức đón nhận món quà đã được Thiên Chúa trao ban vô điều kiện, cách đầy nhân ái và yêu thương. Việc rước lễ không chỉ để ta đón lấy một Thiên Chúa ngự vào trong lòng, nhưng phải kết hiệp ta sâu sắc với một Đức Ki-tô ‘bẻ ra và trao tặng’ của thập giá, và phải thôi thúc ta làm như người đã làm trong cuộc sống hàng ngày. Thánh Lễ là trung tâm đời sống Ki-tô hữu không chỉ vì đó là hành vi thờ phượng Thiên Chúa cách cao quí nhất, nhưng vì nó liên kết chúng ta cách sâu xa nhất vào mầu nhiệm hiến tế là trung tâm của niềm tin cũng như cuộc sống của chúng ta. Một khi chính Thiên Chúa đã tự hiến và trao ban thì các Ki-tô hữu, là những kẻ tin vào Người, sẽ không thể làm gì khác hơn.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, cảm tạ Chúa đã cho con được làm linh mục để có điều kiện ‘cử hành’ Thánh Lễ tốt hơn. Xin Chúa nâng đỡ để con có thể giúp nhiều tín hữu, không những chỉ cử hành các nghi thức cách trang trọng và sốt sáng, nhưng còn biết tham dự vào hiến tế thập giá của Chúa Ki-tô bằng việc ‘bẻ ra và trao ban’ chính mình trong cuộc sống hàng này. Xin cho con được một lòng sùng kính mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa cách sống động, để mỗi lần tới gần Thánh Thể là con lãnh nhận được tình yêu dâng hiến Chúa dành cho con, đồng thời cũng mời gọi con tiến vào tình yêu dâng hiến phục vụ mọi người. Amen.
Nhân ngày lễ kính Mình và Máu thánh Đức Kitô hôm nay, tôi muốn đưa ra một câu hỏi để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, đó là: Người Kitô hữu có cần phải đi tham dự Thánh lễ hay không?
Việc tham dự Thánh lễ đối với nhiều người, dù chỉ trong ngày Chúa nhật, cũng đã là một gánh nặng, một việc cực chẳng đã mới phải làm mà thôi. Dĩ nhiên hơn một tiếng đồng hồ ở trong nhà thờ chẳng ăn nhằm chi với đời sống, với những tính toán làm ăn và hưởng thụ của họ.
Nhưng nếu người Kitô hữu là người suốt tuần cảm thấy mình là phần tử của Dân Chúa và ý thức rằng thiên đàng không gì khác hơn là mọi người được hiệp nhất với Chúa và hiệp nhất với nhau, thì làm sao người đó lại không hân hoan đi về nhà Chúa, lại không cảm thấy mình cần phải có mặt trong cuộc gặp gỡ đầy tình mến thương, là Thánh lễ.
Nếu người Kitô hữu là người luôn ý thức sứ mạng của mình ở giữa lòng cuộc đời, là phải chu toàn những nghĩa vụ trần gian từ trong gia đình đến ngoài xã hội, thì làm sao người ấy lại không cảm thấy mình cần phải đến trước mặt Chúa, thú tội cùng anh chị em và xin mọi người cầu khẩn cho mình trước tôn nhan Chúa?
Nếu người Ki tô hữu là người suốt tuần muốn được ánh sáng đức tin soi cho thấy mọi sự và tìm hiểu ý Chúa trong mọi hoàn cảnh và trong mọi biến cố, thì làm sao người ấy lại không cảm thấy mình cần phải đến lắng nghe và suy gẫm lời Chúa?
Nếu người Kitô hữu là người suốt tuần không nhắm mắt và bịt tai lại, nhưng đã biết nhìn thấy những khổ đau vật chất cũng như tinh thần ở chung quanh mình, đã biết chia sẽ những niềm vui cũng như những nỗi buồn với mọi người anh em, và nếu người đó đã từng mang trong cõi lòng niềm hy vọng thúc đảy mọi người tiến đến sự giải thoát của Đức Kitô, thì làm sao người ấy lại không mang niềm hy vọng và nỗi chờ mong đó, hợp với những ý nguyện trong Thánh lễ mà dâng lên Thiên Chúa toàn năng?
Nếu người Ki tô hữu là người luôn ý thức rằng mọi sự mình có từ mảnh vườn và hạt lúa đến vợ chồng và con cái…đều do Chúa ban, còn mình thì có nhiệm vụ khai thác đất đai để giúp ích cho mọi người, thì dĩ nhiên người ấy sẽ hiểu vì sao Thánh lễ lại được gọi là lễ tạ ơn và vì sao mình phải cảm tạ Đức Kitô, Đấng phụng thờ Chúa Cha cách hoàn toàn hơn bất kỳ một người nào khác.
Nếu suốt tuần, sự lao động được quan niệm như là một việc thờ phượng Thiên Chúa, nếu những công lao khó nhọc và những nỗi đau buồn trong tuần đã được biến thành một của lễ thiêng liêng, thì chúng ta hiểu được vì sao cần phải đem tất cả những lễ vật xuất phát từ lòng cuộc đời ấy kết hiệp với của lễ tinh tuyền của Đức Kitô mà dâng lên cho Thiên Chúa.
Việc dâng lễ và rước lễ chỉ có ý nghĩa và giá trị, đồng thời trở nên niềm vui mừng và hy vọng, nếu như trước và sau khi đến nhà thờ, chúng ta cảm thấy mình chỉ có một nghĩa vụ là yêu mến Thiên Chúa trong anh em và yêu mến anh em trong Thiên Chúa, khi đó chúng ta mới cảm thấy rằng chúng ta không có cách nào hơn để sống, ngoài việc kết hiệp với Đấng đã vì yêu thương mà hiến mình trên thập giá và hiện đang sống để chuyển thông sức mạnh tình yêu ấy cho mỗi người chúng ta.
Bởi đó, hãy siêng năng tham dự thánh lễ và sốt sắng rước lễ, nhờ đó chúng ta sẽ kín múc được những lợi ích thiêng liêng cho tâm hồn, mà thánh lễ đem lại cho mỗi người chúng ta.
29. Thánh Thể dấu chỉ tình yêu
- Ăn uống là nhu cầu tất yếu để cho sự tồn tại và phát triển thể xác của một con người. Vì yêu thương, Thiên Chúa không những cho con người có thể xác mà còn có linh hồn, đó là điểm cơ bản để con người hơn hẳn các sinh vật khác. Đoạn Tin Mừng được chọn đọc Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng, không những được ăn no nê mà còn dư thừa, đó là dấu chỉ Bí Tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập, để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta.
- Phép lạ hoá bánh ra nhiều nầy có liên hệ gì tới Bí Tích Thánh Thể, tới Mình Máu Thánh Chúa? Thưa đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng ghi lại, và đây cũng là phép lạ công khai trước một số đông người. Từ năm chiếc bánh và hai con cá ban đầu biến thành lương thực, thực phẩm cung cấp cho trên năm ngàn người ăn mà vẫn còn dư thừa! Cách ghi chép của Thánh Luca về phép lạ này có thể so sánh với việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể (x. Mt 26 và song song), như:
– Phép lạ xảy ra vào lúc ngày tàn; sau này Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể cũng vào lúc cuối ngày.
– Trong phép lạ này những hành động của Đức Giêsu như: cầm lấy bánh và cá đọc lời chúc tụng, bẻ ra, phân phát; sau này Đức Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể, Người cũng có những hành động giống như vậy.
Qua phép lạ hoá bánh, cá ra nhiều này và Bí Tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập. Đức Giêsu muốn nói lên, muốn dạy ta điều gì? Thưa qua đó cho ta thấy tình thương của Thiên Chúa, Đức Giêsu dành cho mọi người chúng ta và Chúa cũng đòi hỏi chúng ta cũng phải lấy tình người đối với nhau.
- Trước hết, phép lạ nầy và Bí Tích Thánh Thể cho ta thấy dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu đã cứu chữa những ai cần được cứu chữa. Rồi khi trời đã xế chiều, rất có thể Người giải tán đám đông để họ tự túc đi vào các làng mạc gần đó để mua thức ăn cho khỏi bận tâm như lời đề nghị của các Tông Đồ. Thế nhưng chúng ta thấy Chúa không đồng ý với đề nghị này mà Người lo liệu cho họ có của ăn bằng phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều.
Không những lo cho dân chúng được no đủ về thể xác, mà quan trọng hơn bằng việc tự hiến bản thân của mình để ban của ăn thiêng liêng cho loài người. Vì Người là Đấng quyền năng, có thể dùng những phương thức khác để nuôi sống linh hồn con người, nhưng Người đã chọn con đường tự hiến máu thịt của mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Tình thương của Người dành cho chúng ta không những một lần thôi, mà mỗi khi Thánh Lễ được cử hành là tái diễn việc hy sinh của Đức Giêsu, và hiệu quả của việc hy sinh này tiếp tục được thực hiện, như lời Đức Giêsu đã hứa: Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời(x. Ga 6,51-58).
- Kế đến, phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều và Bí Tích Thánh Thể còn là dấu chỉ tình yêu thương của con người phải có đối với nhau. Khi các Tông Đồ đề nghị giải tán dân chúng để họ tự tìm thức ăn, thì chính Đức Giêsu đã nhắc nhở các ông: “Chính anh em, hãy cho họ ăn” (Ga 9,13). Vâng “chính anh em”, “chính các con” phải có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc cho anh chị em mình chứ không đợi một ai khác!
Rồi cảnh tượng bữa ăn lạ lùng thật vui, trên 5.000 người cùng chia sẻ lương thực thực phẩm với nhau. Một hình ảnh nói lên sự yêu thương và hợp nhất. Thật vậy, một buổi tiệc dù vui hay buồn (sinh nhật, cưới, tang…), thì những người tham dự cùng chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn, qua đó nói lên sự yêu thương, hợp nhất. Buổi ăn nơi hoang dã này càng đượm ý nghĩa hơn khi Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể.
Bàn tiệc Thánh Thể được Đức Giêsu thiết lập dưới hình thức một bàn tiệc hiệp thông huynh đệ. Vì vậy, Thánh lễ, qua đó Bí Tích Thánh Thể được cử hành là bàn tiệc thánh, thiêng liêng, mọi người không phân biệt giai cấp, già trẻ, sang hèn… đều được mời gọi tham dự, chia sẻ. Thánh Phaolô đã viết: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).
Như vậy quả thật Bí Tích Thánh Thể không chỉ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa ban cho con người mà còn là dấu chỉ của tình người cần phải có đối với nhau.
- Nhân ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, và qua những suy nghĩ trên, chúng ta có quyết tâm gì?
Khi xác quyết Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình Chúa, chúng ta phải siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ, để đáp trả tình yêu thương Ngài đã dành cho chúng ta. Đồng thời nhờ ơn Chúa giúp để chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, thử thách đời nầy và nhất là đảm bảo cho chúng ta được sống đời đời.
Khi xác quyết Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình người, mỗi chúng ta phải cố gắng sống yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Không phải chúng ta chỉ hiệp nhất và yêu thương trong việc thờ phượng Chúa, trong Thánh lễ… mà còn phải thực sự hiệp nhất và yêu thương nhau trong cuộc sống. Đức Giêsu phán: “Anh em hãy làm việc nầy mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), chắc hẳn Chúa không chỉ muốn chúng ta chỉ cử hành lại Bí Tích Thánh Thể mà thôi, mà còn muốn chúng ta yêu thương, giúp đỡ nhau trong tình bác ái huynh đệ theo gương của Người. Bởi đời ta là Thánh lễ nối dài và như lệnh truyền của Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
30. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
THÁNH LỄ TRONG NHÀ THỜ VÀ THÁNH LỄ NGOÀI CUỘC ĐỜI
Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm những bình đựng Mình Thánh. Kẻ trộm đổ Mình Thánh Chúa ra vườn, lấy đi những bình mà họ tưởng làm bằng vàng. Thật là một sự phạm thánh ghê gớm.
Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.
Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích. Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta hãy lưu ý hai điểm:
1- Diễn tiến phép lạ hoá bánh ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ. Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ Thánh Thể thì trong bài tường thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng trước rồi mới ban bánh sau. Dân chúng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc. Đây quả là một Thánh Lễ cử hành giữa đời thường. Một Thánh Lễ không có nhà thờ, chẳng có bàn thờ.
2- Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau giống y như nhau. Cả 3 đoạn văn trên đều tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ.
Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự thực. Sự thực ấy phải đâm rễ sâu nơi cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại lợi ích cho đời sống.
Nếu trong Thánh Lễ Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người đã ban lương thực nuôi thân xác.
Nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ, thì trong sa mạc hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm 50 người để họ chia sẻ với nhau không chỉ cơm bánh mà còn tâm tư tình cảm nữa.
Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Chúa Giêsu đã tự hiến mình trên thánh giá.
Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhúc, đòn vọt, đóng đinh.
Quả thật Chúa Giêsu đã dâng Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ, mà Người còn dâng Thánh Lễ ngoài cuộc đời. Người không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Người chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích. Người không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người. Chính vì thế mà lễ dâng của Người có giá trị. Thái độ của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ.
Làm sao ta có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét? Làm sao ta có thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung quanh ta còn biết bao anh em đói khổ, thiếu thốn? Làm sao ta có thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến mình cho anh em?
Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Người còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời. Nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương, biết hiến mình vì anh em.
Việc cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú, giả dối và phản chứng.
Xin cho bí tích Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống. Xin cho chúng ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không phải chỉ trong hình bánh mà còn nơi những anh em bé mọn trong cuộc đời. Xin cho chính đời sống ta trở thành một bí tích, chịu bẻ ra để đem lại lợi ích cho anh em. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Theo bạn, thế nào là tích cực tham dự Thánh Lễ?
- Rước lễ đem lại những ơn ích nào cho đời sống thiêng liêng của bạn?
- Bạn đã dâng Thánh Lễ trong cuộc đời chưa?
31. Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Ý NGHĨA CỦA BÁNH VÀ RƯỢU TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Rượu được làm từ đâu? Từ những quả nho riêng lẻ bị vắt ép và nước ép đỏ như máu sẽ lên men để trở nên thức uống nồng ấm làm hoan hỉ lòng người. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu đã chọn rượu để làm nên máu của Người. Trong tin mừng Thánh Gioan…
Suy niệm
Một bài báo đã đăng tin ngay trên trang nhất về vụ cháy rừng vừa mới xảy ra. Một câu chuyện đã gây nhiều xúc động cho người đọc: sau khi ngọn lửa đã được dập tắt, những người kiểm lâm rất vất vả và khi đã đi vào rừng để ước lượng mức độ thiệt hại của vụ cháy rừng.
Một người kiểm lâm trẻ tuổi nhất bất chợt phát hiện một con chim đã chết vẫn đứng im lìm như bức tượng gỗ trên một cành cây cao đang cháy dở trước mặt anh. Một chút sợ hãi chen lẫn chút tò mò, anh lấy một cành cây nhỏ, chọc vào xác con chim đã chết. Lúc anh đang chọc nhẹ vào con chim đã chết cháy như vậy, bất thình lình, anh hốt hoảng khi thấy một chú chim con nhỏ bé từ dưới cánh con chim chết cháy bay vụt ra… những người đi trong đoàn kiểm lâm ai nấy đều sửng sốt. Người kiểm lâm cao tuổi nhất trong nhóm, có mái tóc bạc phơ nói rằng, suốt mấy chục năm làm mghề gác rừng, ông chưa từng thấy có chuyện lạ như vậy. Hóa ra, trong lúc ngọn lửa ma quái thiêu đốt cánh rừng, vì yêu con, chim mẹ đã dang rộng đôi cánh để che chở cho con mình. Lúc đám cháy chưa lan tới, chim mẹ đã có thể bay đi thật nhanh để tìm một nơi an toàn cho riêng mình, nhưng chim mẹ đã không bay đi, vì biết con mình còn rất yếu ớt, bé bỏng, không thể bay kịp theo mình. Chim mẹ không muốn bỏ mặc con mình ở lại với mối nguy hiểm đang chờ đợi nó. Khi ngọn lửa hung hãn đã bùng lên dữ dội và khi sức nóng của ngọn lửa sắp thiêu cháy mình, chim mẹ vẫn không hề nao núng, dao động. Chim mẹ sẵn sàng đón nhận cái chết để lấy đôi cánh chở che cho con mình được sống. Có lẽ chim mẹ biết chắc một điều rằng, với tình yêu và đôi cánh chở che của mình, con mình sẽ sống. Ôi! Tình yêu có một sức mạnh lớn lao và kỳ diệu, nên một vĩ nhân nào đó đã nói: “tình yêu mạnh hơn sự chết”.
Kính thưa anh chị em,
Sự hy sinh quả cảm của chim mẹ khiến chúng ta liên tưởng đến tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta trong ngày lễ Mình Máu Chúa Kitô.
“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, nghĩa là các con hãy cử hành bí tích Thánh Thể để nhớ đến tình yêu của Chúa Giêsu.
- Chúng ta đã đáp trả như thế nào?
- Chúng ta đã sống mầu nhiệm Thánh Thể ra sao?
- Chúng ta đã đưa mầu nhiệm Thánh Thể và cuộc sống như thế nào?
- Và chúng ta đã đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể mỗi khi chúng ta Rước Lễ?
Ngay trong mỗi Thánh Lễ, trước khi dự Tiệc Thánh, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt sáng để dâng của lễ Bánh và Rượu. Chúng ta hoà quyện đời sống của chúng ta vào Bánh và Rượu dâng trên bàn thờ. Bánh và Rượu mang rất nhiều ý nghĩa, cả trong cuộc sống lẫn trong bí tích Thánh Thể. Khó có gì diễn tả về cuộc sống một cách tuyệt vời cho bằng hương vị chiếc bánh mới. Mùi thơm từ chiếc bánh mới chính là hương vị cuộc sống.
Nhưng bánh được làm từ đâu? Từ lúa mì, từ những hạt riêng lẻ. Những hạt lúa mì phải bị nghiền nát để trở thành bột mì, sau đó phải chịu đựng sức nóng của lửa để trở thành hương vị cuộc sống chúng ta như thánh Augustinô đã nói trong một bài giảng: “đúng là chiếc bánh này không phải làm từ chỉ một hạt lúa mì, nhưng từ nhiều hạt lúa mì riêng lẻ.
Trước khi hoà trộn vào nhau bằng nước, chúng được nghiền nát. Nếu chúng không được nghiền nát, sau đó không được tưới ẩm thì chúng không thành chiếc bánh để chúng ta hưởng dùng. Và nếu không có lửa thì chúng cũng không thành chiếc bánh để chúng ta ăn. Bánh phải được nướng trong lò với một sức nóng dữ dội. Lúc đó bánh nói lên được niềm vui và cả niềm đau đớn khôn tả.
Rượu cũng mang một ý nghĩa như vậy: vừa là thức uống dành cho các bữa tiệc, vừa nói lên tình bằng hữu, cộng đoàn, niềm vui và chiến thắng. Tuy nhiên, tương tự như bánh,
Rượu được làm từ đâu? Từ những quả nho riêng lẻ bị vắt ép và nước ép đỏ như máu sẽ lên men để trở nên thức uống nồng ấm làm hoan hỉ lòng người. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu đã chọn rượu để làm nên máu của Người. Trong tin mừng Thánh Gioan, nước biến thành rượu, rượu trở thành máu, máu và nước đều chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Đó cũng là điều đã diễn ra nơi bàn tiệc Thánh Thể và trong cuộc sống chúng ta.
Nhiệm vụ chúng ta là giữ Bánh và Rượu trong tay, nơi bàn tiệc Thánh Thể để chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa. Bởi vì chính Bánh và Rượu đó sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Đó chính là của lễ Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Một của lễ nói lên một tình yêu sâu thẳm. Một của lễ nói lên sự hy sinh cao cả để cứu chuộc và nuôi sống chúng ta. Điều chúng ta phải làm là hòa quyện con người của chúng ta. Hòa quyện đời sống của chúng ta vào Bánh và Rượu dâng trên bàn thờ, để trở thành của lể dâng lên Thiên Chúa Cha.
Quả thật, tấm bánh mà hàng ngày chúng ta dâng trên bàn thờ và sau đó rước vào lòng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa: đó là thành quả của biết bao công lao: của đất, của ánh mặt trời, của những giọt mưa, của lao động và trí óc con người. Trước khi đến tay chúng ta, nó cũng đã qua tay người thợ gặt, thợ xay và người làm bánh. Để trở thành một tấm bánh dâng lên Chúa, tấm bánh đã qua rất nhiều công đoạn và tấm bánh cũng được kết hợp bởi rất nhiều hạt lúa rải rác trên khắp cánh đồng của cả một cộng đoàn đông đảo, nói lên một điều quan trọng khi linh mục đọc: “Lạy Chúa là Chúa Cả Càn Khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con”, ấy thế mà, như lời tâm sự của một lương dân: một lời nguyện ý nghĩa như thế mà rất ít giáo dân được biết đến, thay vào đó là những bài hát không chuyển tải được ý nghĩa quan trọng của phần dâng lễ vật này. Một lưu ý để chúng ta đi vào đời sống Phụng Vụ một cách sống động hơn và nhờ đó, chúng ta đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô một cách tích cực hơn. Amen.
32. Loại bánh con người khao khát – Achille Degeest
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Trên bình diện giai thoại, nên nhắc đến một chú giải mới đây cho rằng đám đông theo Chúa là một cuộc tập họp có dáng dấp quân sự… Theo lối nhìn ấy, tưởng nên phụ đề thêm cho đủ bộ: Chúa chữa lành các bệnh nhân, vậy có nên nghĩ Chúa điều hành một sở y tế không? Phải nói lên như vậy để chúng ta chú ý đến sự cần thiết đọc các bản văn Kinh Thánh với tinh thần khách quan, không nên quên rằng nguy cơ là ở chỗ để óc chủ quan làm cho hiểu sai ý nghĩa Kinh Thánh. Phê phán thẳng thắn với một tâm hồn thanh khiết, là điều kiện phải có cho sự khảo cứu những tác phẩm nghiêm chỉnh – đức tính ấy rất cần cho người đọc Kinh Thánh.
Ý định Thiên Chúa trong sáng như thanh thiên bạch nhật, hiển hiện qua đoạn Phúc Âm thuật lại phép lạ hóa bánh thành nhiều. Đức Giêsu đáp ứng những khát vọng sâu xa của nhân loại bằng ân huệ sinh hóa bánh ăn và bằng chính bản thân Chúa lôi cuốn dân chúng. Bài đọc hôm nay dễ hiểu, chỉ cần lưu ý ba chi tiết hấp dẫn:
1) Đức Giêsu niềm nở với đám đông dân chúng theo Người.
Đức Giêsu là Thầy được dư luận rộng rãi đồn đại. Ai cũng muốn đến gần để xem để nghe. Tới một lúc, Chúa muốn lui ra một chỗ riêng biệt. Dân chúng đoán biết ý Chúa, vội đến đó trước chờ Người. Thấy thế, Chúa tỏ ra niềm nở với họ. Chúng ta có thể tưởng tượng Người có lẽ hơi bực mình, muốn nghỉ ngơi một lát vì mệt mỏi. Chúa để đám đông vây quanh, như thể ‘nuốt’ lấy Người. Có ý kiến cho rằng linh mục của Đức Giêsu Kitô được ơn kêu gọi trở nên một người bị ‘nuốt’. Đối với Chúa, điều nhận xét này đúng vô cùng. Chúa ban cho dân chúng một của ăn thiêng liêng lâu bền hơn của ăn vật chất. Vậy của ăn mà loài người khao khát nhất là của ăn thiêng liêng. Môn đệ Đức Kitô không được bao giờ quên rằng người xung quanh có quyền đòi hỏi nhiều ở mình, mình phải niềm nở, phải tiếp tế cho những ai đói khát.
2) Chúa nói với họ về Nước Thiên Chúa. Và bảo các môn đệ: “Hãy cho họ ăn”.
Cho họ của ăn nào? Họ cần cả hai thứ, bánh phần hồn lẫn bánh phần xác. Con người là một bản thể vừa vật chất vừa siêu nhiên. Nước Thiên Chúa dưới thế gồm những con người cần có lương thực nuôi thân. Kitô hữu nào muốn trở nên môn đệ Đức Kitô trong sự thật, kẻ ấy phải cố gắng phân phát của ăn vật chất cho những ai đói về thể xác, nhưng không được quên rằng họ cũng đói về phần hồn. Thế giới ngày nay thiếu ăn, kêu gọi chúng ta giúp đỡ – Đức Giáo Hoàng không ngớt nhắc nhở chúng ta điều ấy. Chúng ta làm gì về mặt thực tế cho những kẻ ăn không đủ no? Thế giới đang kêu gọi những người có trách nhiệm về Phúc Âm. Chúng ta có đem Phúc Âm thật đến cho những kẻ đói khát sự thật không?
3) Bánh được Đức Giêsu hóa thành nhiều là tiền-ảnh về Bí tích Thánh Thể.
Đức Giêsu tự hóa thành nhiều như Người đã hóa năm chiếc bánh thành vô số của ăn. Phép lạ bánh là dấu chỉ khiến chúng ta ý niệm về quyền năng vô biên của Thiên Chúa đem phục vụ cho một tình yêu vô biên. Không có dấu hiệu yêu thương nào lớn hơn hiến mạng sống mình. Đức Giêsu hiến mạng sống Người, hơn thế nữa, Chúa tặng tất cả bản thân Chúa cho nhân loại. Chúa dùng quyền năng vô biên của Người phục vụ cho sự hiến tặng ấy. Chúa tự hóa thành nhiều để hiến cho mỗi người chúng ta. Khi hàng ngàn người rước lễ, có hàng ngàn con người riêng biệt, chính Đức Kitô hiến toàn thân cho mỗi người rước Mình Thánh Chúa lúc đó.
33. Từ bàn tiệc của Chúa đến bàn ăn của anh em
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trên thế giới ngày nay đang xảy ra hai sự kiện rất thời sự, nhưng cũng rất bi thảm và chua cay: đó là cảnh một số người dư tiền thừa của, ăn uống lu bù… Và bên cạnh đó, một thảm cảnh trái ngược khác: đó là hàng triệu người thiếu ăn, hay không có gì để ăn… Ngay hôm nay đây, có những vùng rộng lớn trên thế giới-như Phi Châu- đang thiếu ăn đến độ không sống nổi, bên cạnh những người khác đang phung phí tiền của một cách phi nhân… Ăn uống tràn trụa, ăn chọ bội thực, ăn quá mà chết, và người ta đã chết vì ăn quá nhiều cũng như biết bao nhiêu người khác đã chết vì không có gì ăn!..
Trong hai thực trạng bi thảm đó, có chung hậu quả nầy là: cái chết. No quá mà chết. Đói quá mà chết. Tại sao lai chết? Vì hai nhu cầu không được đáp ứng: nhu cầu thứ nhất, người ta muốn biết sống để làm gì? Tại sao lại sống? Vì thấy đời sống phi lý, nên người ta ăn để mà chết, ăn cho nó nổ tung cái bụng ra cũng được! Nhu cầu thứ hai, người ta muốn có cái gì ăn để sống. Sống bằng cái gì? Câu hỏi nầy lệ thuộc hoàn toàn vào câu hỏi thứ nhất: sống để làm gì? Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu trả lời: người ta sống với nhau và chia sẻ với nhau. Thánh Thể Chúa ban cho chúng ta để thúc đẩy chúng ta chia sẻ tình yêu với anh em của mình. Nếu chúng ta thực hiện được điều nầy là giải quyết được nạn đói trên thế giới.
Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô vừa cho chúng ta một chứng cớ rất xa xưa về Bí tích Thánh Thể, “Bữa tiệc của Chúa”. Bốn sách Tin Mừng cũng ghi lại những nét chính yếu về Bữa Tiệc nầy. Các tín hữu Côrintô vẫn hội họp nhau để cử hành “Bữa tiệc của Chúa”, nhưng Thánh Phaolô thấy chẳng có vẻ gì là “Tiệc của Chúa” cả. Gần giống các bữa tiệc tôn giáo của dân ngoại, bởi vì ai đến dự cũng đem phần ăn riêng của nhà mình đến. Người có nhiều thì ngồi chung với nhau ăn nhậu say sưa thoải mái, bên cạnh đó những người nghèo hơn đem theo phần ăn ít ỏi hay chẳng có gì, ôm bụng đói meo ngồi chờ… Người ta chỉ mương “Nhà của Chúa” để đem đồ ăn của “nhà mình” đến ăn nhậu. Người ta lợi dụng buổi lễ tôn giáo để ăn uống chứ không cử hành “Bữa ăn tối của Chúa” nữa.
Vì vậy, để sửa dạy giáo dân của ngài, thánh Phaolô phải nhắc lại thế nào là “bữa ăn” đích thực của Chúa. Ngài làm cho họ nhớ lại điều ngài đã nhận được nơi Chúa Giêsu để truyền lại cho tín hữu, đó là: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra trao cho các môn đệ mà nói: “Nầy là Mình Thấy sẽ bị nộp vì anh em”. Cũng vậy, sau khi dùng bữa tối, Chúa Giêsu cầm chén rượu trao cho các ông mà nói: “Chén này là Giao Ước mới trong Máu Thầy. Anh em hãy làm lại việc nầy mỗi khi uống mà nhớ đến Thầy”.
Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Thánh Phaolô đã thuật lại tất cả sự thật. Ngài nói rõ việc đó xảy ra trong đêm Chúa Giêsu bị nộp. Cho nên việc ban bánh rượu nầy cho các môn đệ gắn liền với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Và “Bữa ăn của Chúa” luôn luôn mang sắc thái của Bữa Tiệc Ly cũng là Bữa Tiệc Vượt Qua của người Do Thái. Trong Bữa Tiệc Vượt Qua nầy, việc giết một con chiên để lấy máu bôi lên cửa là việc cốt yếu. Vậy mà khi chia bánh rượu cho môn đệ, Chúa Giêsu lại nói: “Đây là Mình Ngài sẽ bị nộp và đây là Máu Ngài sẽ đổ ra”. Rõ ràng Chúa Giêsu đã tự coi, tự biến mình nên Chiên Vượt Qua để đem đến ơn cứu độ mà các tiên tri từng loan báo. Ngài đã thay thế Bữa Tiệc Vượt Qua của người Do Thái bằng Bữa Tiệc của Người hôm nay.
Vậy mà giáo dân Côrintô đâu có làm như vậy. Thánh Phaolô phải bảo họ: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén nầy, anh em loan báo cái chết của Chúa cho đến khi Ngài trở lại. Anh em làm bất xứng thì sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa”. Những lời nầy tuyên bố rõ ràng có sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể. Bánh và rượu đã trở nên Mình và Máu Chúa. Nhưng mục đích của Thánh Phaolô không phải chỉ nói đến sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể mà còn khuyên chúng ta vì tính chất linh thiêng của bữa ăn như vậy, nên phải cử hành Tiệc Thánh để gia tăng tình yêu: Bữa ăn của Chúa phải là bữa ăn huynh đệ.
Đây mới là ý nghĩa của bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: Trước khi làm phép lạ nhân bánh ra nhiều để nuôi 5.000 người ăn, chưa kể đàn bà và trẻ em, Chúa Giêsu bảo các tông đồ: “Anh em hãy cho họ ăn đi!”. Các ông ngạc nhiên, lúng túng và bắt đầu tính toán: chúng ta chỉ có năm cái bánh và hai con cá; hay là phải đi mua thức ăn cho cả đám đông nầy? Làm sao nuôi nổi tới năm ngàn đàn ông, còn đàn bà và trẻ em chưa kể? Chỉ mua bánh cũng phải tốn ít ra là 200 đồng. Nhưng mua ở đây vì đây là hoang địa? Chính Philip là người đang cố tìm câu trả lời. Các ông định giải tán dân chúng để họ tự tìm lấy thức ăn và chỗ ở cho yên chuyện, vì trời sắp tối rồi. Thấy các ông thú nhận sự bất lực của mình, Chúa Giêsu bảo các ông chia đám đông thành từng tổ 50 người, rồi Ngài lại cầm lấy bánh và cá, chúc tụng Chúa, bẻ ra và trao cho các ông đem phân phát cho dân chúng. Tất cả mọi người đều được ăn no và cuối cùng còn thu lại được 12 thúng bánh vụn.
Những điều đó đáng chúng ta suy nghĩ. Trong Bàn Tiệc Thánh Thể, Chúa muốn chúng ta phải biết nghĩ đến nhu cầu cảu anh em. Có thể chúng ta bất lực, nhưng Chúa sẽ giúp. Máu Thịt Ngài, Ngài còn trao cho chúng ta để chia sẻ huống nữa là của cải vật chất và tài năng tự nhiên mà Chúa đã đặt trong tay mỗi người chúng ta. Chúng ta sợ mất mát thiệt thòi sao, khi thấy cuối cùng còn thu lại được mười hai thúng bánh dư thừa?
Vì vậy, hôm nay chúng ta phải đi từ bàn tiệc của Chúa đến bàn ăn của anh em; đi từ chia sẻ Mình Thánh Chúa đến chia sẻ tình hiệp thông bác ái huynh đệ trong việc xây dựng đời sống cụ thể: cơm ăn, áo mặc, nhà ở… cho mọi người. Chắc chắn Giáo Hội ban đầu đã hiểu rằng bàn tiệc của Chúa cũng phải là bàn tiệc huynh đệ, nên khi cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể, Giáo Hội cũng tổ chức việc chia sẻ nâng đỡ đời sống vật chất. Giáo Hội Côrintô đã quên việc hiệp thông huynh đệ trong Bữa Tiệc Thánh Thể, nên Thánh Phaolô đã khiển trách họ nặng nề: “Họ vẫn chia rẽ nhau, vẫn không chia sẻ cho nhau; người giàu thì ăn uống no say, còn người nghèo thì ôm bụng đói meo ngồi chờ” (1Cr 11).
Người ta phải sống với nhau và chia sẻ cho nhau. Chúng ta sốt sắng dự lễ, rước lễ, tôn thờ Thánh Thể, nhưng chúng ta có biết chia sẻ với nhau một cách thực tế không, để trên thế giới ngày nay không một ai phải thiếu thốn quá, đang khi những người khác thì no đầy; để không còn xảy ra thảm cảnh những người chết vì bội thực bên cạnh những người chết vì không có gì để ăn!
Nơi Bàn Thánh chúng ta được nuôi dưỡng bằng sự sống của Chúa. Sự sống mới nầy phải đưa chúng ta đến với anh em và chia sẻ với anh em. Các bí tích không phải là những phương tiện để chúng ta được cứu sống mà còn để chúng ta thành những người đi cứu hộ kẻ khác nữa. Bởi đó, tất cả những gì làm cho mọi người liên kết, hoà hợp, yêu thương nhau phải thúc đẩy chúng ta không ngừng. Chúa Giêsu đã không chết vì hận thù, nhưng Ngài chết vì tình yêu, thì trong Bữa Tiệc Thánh Thể nầy Chúa Giêsu cũng muốn dạy chúng ta phải biết sống và chết vì tình yêu như Ngài.
34. Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa
Trong ngôn ngữ người Việt Nam chúng ta thường diễn tả các buổi chúc mừng bằng chữ “ăn’ như ăn tết, ăn cưới, ăn giỗ. Cái gì cũng phải ăn trước đã! Vì miếng ăn nhắc đến những sự chia sẻ huynh đệ, sự đoàn tụ hiệp nhất của tất cả mọi người trong gia đình. Cùng ăn chung với nhau từ một bàn ăn và cũng chia sẻ thức ăn, họ chia sẻ chung với nhau một sự sống và một tình yêu trong gia đình.
Đối với Thiên Chúa bữa ăn cũng vô cùng quan trọng, vì nó không những mang lại sự sống đời này mà còn sự sống vĩnh cửu đời sau nơi bàn tiệc của Vương quốc Thiên Chúa nữa. “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15).
Bài Phúc Âm của thánh Luca hôm nay (Lc 9, 11b -17) nói đến phép lạ Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi hơn năm ngàn người bằng năm chiếc bánh và hai con cá. Lịch sử Dân Do Thái và những người Kitô hữu tiên khởi đã biết rất rõ ý nghĩa của phép này. Chúa Giêsu hành động cũng giống như Môi sê ngày xưa đã ra lệnh cho mỗi gia đình phải quy tụ nhau lại, ăn một bữa tiệc rất đặc biệt. Tại bữa tiệc này, họ đã nhớ lại tổ phụ Môisen, người đã hướng dẫn họ trở thành một dân tộc tự do. Bữa tiệc giải phóng khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập, mang lại tự do hạnh phúc. Trong Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia ban hành ngày 17/4/2003, ở đoạn 1, ĐGH để giới thiệu về Bí Tích Thánh Thể ” là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (Lumen Gentium đoạn 11). Bí tích Thánh Thể “tích chứa tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội: Đó là chính Đức Kitô” (Presbyterorum Ordinis đoạn 5). Vì nhờ Bí Tích Thánh Thể mà lời hứa khi xưa của Chúa Giêsu được thực hiện: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Trong cuốn “Dining in the Kingdom of God” Cha Eugene LaVerdiere, một học giả thánh kinh đã cho rằng Phúc Âm của thánh Luca có một nét độc đáo. Đó là đã nhìn toàn bộ cuộc đời mục vụ của Chúa Giêsu dưới hai khía cạnh: các bữa tiệc và các cuộc hành trình, có tất cả 10 bữa tiệc chính trong phúc âm của Luca. Tất cả các biến cố quan trọng đều xoay quanh khung cảnh trước hoặc sau 10 bữa tiệc này. Bữa tiệc cao điểm chính là Bữa Tiệc Ly, Chúa lập Phép Thánh thể. Bí tích Thánh Thể được cử hành bây giờ trên trần thế alf dự gbáo cho bàn tiệc mới nơi vương quốc của Thiên Chúa ở ngày cánh chung (Mt 26, 29). Bữa tiệc đầu tiên xảy ra tại nhà Lêvi (Lc 5, 27-39). Sau đó, Chúa Giêsu thành lập 12 môn đệ (Lc 6, 12-8, 56). Sau bữa tiệc thứ hai ở nhà một người biệt phái (Lc 7, 36-50), Chúa trao sứ mệnh đi rao giảng Tin mừng cho 12 môn đệ (Lc 9, 1-50). Và tiếp theo là việc bẻ bánh tại Betxaiđa hay còn gọi là phép lạ hoá bánh ra nhiều (Lc 9, 10-17). Ba là bữa tiệc đầu tiên này là khởi điểm của của việc thành lập Giáo Hội trong bước đầu của công tác mục vụ công khai của Chúa Giêsu. Vì thế trong bài Phúc Âm hôm nay, khi các tông đồ muốn trốn tránh trách nhiệm với vai trò là những mục tử phải nuôi nấng đoàn chiên của mình: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng” (Lc 9, 12). Qua chỉ thị này Chúa Giêsu đã trao phó vai trò tìm kiếm thức ăn, dọn tiệc và cử hành bàn tiệc Thánh Thể cho Giáo Hội.
Chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa Kitô và chia sẻ lương thực với nhau trong tình huynh đệ là ý nghĩa đầy đủ của bàn tiệc Thánh Thể. Qua bàn tiệc Thánh Thể con người kết hợp với Thiên Chúa và liên kết với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người (Sacrosanctum Concilium đoạn 48). Vì thế, việc cử hành bàn tiệc Thánh Thể là một dấu chỉ của sự loan báo Vương Quốc Tình yêu, Bàn Tiệc Thiên Quốc (Lc 22, 16;GLCG 1344). Thể xác thần thiêng của Chúa Kitô (1Cr 15, 44) hiện đang đổi mới thân xác của các chi thể Ngài, đặc biệt qua Thánh Thể (1Cr 6, 15). Người Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa Kitô, đón nhận “liều thuốc trường sinh” và “hạt giống phục sinh” (Ga 6, 27. 33. 40. 54. 58) để thuộc về thân thể Người, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Hơn nữa, khi tham dự bữa tiệc Thánh Thể ở trần gian là họ tham dự vào bữa tiệc cánh chung (Mt 26, 29) vì Mình và Máu Chúa Kitô còn nuôi dưỡng niềm hy vọng của dân Kitô cho tới khi Chúa lại đến. Như vậy, người Kitô hữu đang thuộc về Chúa Kitô, được sống lại trong Chúa Kitô trong từng giây phút hiện tại ta nên họ sẽ được sống lại với Người (1Cr 6, 14; Ep 2, 6; Cl 2, 12). Mặt khác, niềm hy vọng này không chỉ giúp người kitô hữu hoàn tất cuộc vượt qua khi đối diện với cái chết nhưng còn đón nhận gian lao trong cuộc sống trong tâm tình lạc quan, vì tin rằng sẽ được phục sinh với Chúa Kitô phục sinh trong ngày sau hết.
Nếu Chúa Giêsu đã sinh ra một lần nơi trần thế, Ngài sẽ còn sinh ra mãi. Nếu Chúa Giêsu đã một lần hoá bánh ra nhiều, Ngài sẽ còn tiếp tục hoá bánh ra nhiều mãi. Phép lạ đã xảy ra ngày xưa, vẫn tiếp tục xảy ra ngày hôm nay cho chúng ta ai tin cậy nơi Ngài. Đã có lần nào chúng ta cảm nghiệm, chính chúng ta làm phép lạ hoá bánh ra nhiều chưa? Tại góc đường của một thành phố lớn, có một người phụ nữ quần áo rách tả tơi đứng xin ăn với đứa con trai nhỏ gầy ốm xanh xao của mình. Trong số những người qua lại trên đường phố, có một ông triệu phú bước qua, không nói tiếng nào, cũng chẳng giúp đỡ gì. Nhưng khi trở về biệt thự sang trọng của mình rồi, nhìn vào bàn ăn với đủ mọi thứ cao lương mỹ vị ông liên tưởng đến thằng bé còm kĩnh và người mẹ khốn khổ của nó. Càng nghĩ về họ ông càng tức giận Thiên Chúa. Rồi ông nắm tay lại đưa quả đấm lên trời la to với Thiên Chúa: “Làm sao Ngài lại có thể để cho sự khốn khổ như thế xảy ra cho được?” “Tại sao Ngài lại không làm gì để giúp đỡ những con người bất hạnh đó?” và từ một nơi nào đó, rất sâu tự bên trong tâm hồn của ông, có tiếng Thiên Chúa trả lời: “Ta đã làm. Ta đã dựng nên ngươi”. Ta đã tạo nên con để con giúp đỡ họ, để con làm phép lạ hoá bánh ra nhiều! Thế nào cũng đã có lần chúng ta chứng kiến và cảm nghiệm sự bác ái yêu thương của những người con Chúa. Mỗi lần như thế là mỗi lần bánh tình yêu được biến hoá ra nhiều.
Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều cho hơn năm ngàn người. Ngài đã làm phép lạ này từ năm chíêc bánh và hai con cá của ai? Phúc Âm Ga nói rõ: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá” (Ga 6, 9). Lòng quảng đại bác ái của em bé đã được gia tăng từ đó. Khi chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta cũng cử hành mầu nhiệm làm gia tăng đức bác ái thương người, hoá bánh ra nhiều (Cv 2, 42- 46; 1Ga 3, 17-18; 4, 20; 1Pr 3, 8-12). Chúa Giêsu dùng chính lễ vật chúng ta dâng hiến: tiền bạc, của cải vật chất, tài năng, công sức, lòng quảng đại, lời cầu nguyện, sự hy sinh đóng góp, để mưu ích cho toàn thể dân Chúa (Rm 12, 1-10). Ngài luôn thôi thúc và mời gọi chúng ta dâng hiến trọn vẹn, chấp nhận chia sẻ tất cả, quảng đại cho đi, thực thi công bằng, gia tăng việc bác ái yêu thương và sống hoà thuận với nhau (2Cr 8, 7; Cv 4, 32-34). Sự gia tăng những chiếc bánh tình yêu này nuôi dưỡng và bồi bổ cho nhiều người.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng rước Chúa. Ngài chính là lương thực cần thiết, là liều thuốc trường sinh dẫn đưa chúng con về quê Trời. Không những thế, Chúa ngự trong lòng chúng con, xin Chúa cũng giúp chúng con biết yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu thương và hiến mạng sống mình cho chúng con được sống đời đời. Amen.
35. Lương thực hằng ngày – McCarthy
Suy Niệm 1. ĐỂ TƯỞNG NHỚ ĐẾN THẦY
Vào lúc này hay lúc khác, tất cả chúng ta không được ai biết đến hoặc làm lơ. Điều ấy làm chúng ta rất khổ sở. Chúng ta cảm thấy việc chúng ta làm không được thừa nhận và chính chúng ta bị đối xử như thể chúng ta thật sự không có gì đáng kể. Nhưng có một điều còn tệ hơn việc chúng ta không được biết đến. Chúng ta có thể bị bỏ quên. Điều này còn làm chúng ta khổ sở hơn. Điều đó không chỉ ở chúng ta có ít giá trị mà ở chỗ không có giá trị nào cả. Như thể chúng ta đã không hiện hữu.
Đức Giêsu cũng muốn đước tưởng nhớ. Đêm trước khi Người sắp chết, khi Người ngồi ăn với các môn đệ, Người cầm lấy bánh và nói: Đây là mình Thầy bị nộp vì các con: Rồi Người cầm lấy chén rượu nho và nói: “Này là chén máu Ta… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Dĩ nhiên, Đức Giêsu không đòi các môn đệ tưởng nhớ chỉ vì nhu cầu riêng của Người. Người cũng nghĩ đến các môn đệ của Người. Họ cũng cần nhớ đến Người. Vì tình yêu của Người đối với họ. Người đã để lại cho họ một phương thế đặc biệt để họ nhớ Người tức là Thánh Thể.
Mỗi lần chúng ta cử hành Thánh Lễ, chúng ta nhắc lại một vài việc làm và lời nói kỳ diệu của Người. Chúng ta suy nghĩ về những điều ấy và áp dụng vào đời sống chúng ta. Nhưng Thánh Lễ còn kỳ diệu hơn thế nữa. Khi chúng ta nhớ đến theo cách ấy, Người trở nên hiện diện với chúng ta. Không phải bằng thể chất, nhưng là hiện diện thật.
Qua Thánh Thể một dây liên kết được hình thành ở giữa chúng ta, với kết quả là chúng ta có thể bước vào sự thân mật sâu xa với Người hơn cả khi Người hiện diện bằng thể chất. Chúng ta không chỉ giao tiếp với Người nhưng ở trong sự hiệp thông với Người, một sự hiệp thông thánh thiện.
Trí nhớ là một khả năng quý giá. Nó liên kết chúng ta với người khác và các biến cố không còn hiện diện với chúng ta nữa. Nếu chúng ta ấp ủ hồi ức về những người chúng ta yêu mến, họ trở nên hiện diện với chúng ta. Họ không chỉ là một hồi ức nhưng còn là một sự hiện diện mà chúng ta cảm thấy hơn là nhìn thấy. Khi tưởng nhớ đến họ, chúng ta tiếp tục thu hoạch một mùa gặt từ những gì họ đã gieo trồng khi họ còn sống giữa chúng ta. Tưởng nhớ đến Đức Giêsu còn sinh lợi hơn biết bao, đặc biệt trong cách mà Người yêu cầu chúng ta nhớ đến Người.
Suy Niệm 2. TRONG ĐÊM NGƯỜI BỊ PHẢN BỘI.
Đêm hôm trước ngày Người chết, Đức Giêsu ngồi vào bàn tiệc với các Tông đồ. Nhóm nhỏ quy tụ xung quanh bàn tiệc gợi lên sự gần gũi, thân mật, ấm cúng, tín thác và yêu thương. Nhưng nếu có phản bội bước vào trong khung cảnh ấy thì sự chia cắt tình cảm càng sâu xa hơn, và tổn thương gây ra càng nhiều hơn. Khi sự rạn nứt xảy ra giữa những người rất thân nhau thì sự giải quyết gay go hơn so với những người không thân nhau đến thế.
Giuđa cũng đã có mặt. Tại sao ông ta lại tham dự bữa Tiệc Ly khi mà ông ta đã có ý định phản bội Đức Giêsu? Có lẽ, ông ta muốn tạo ra cảm tuởng rằng mọi việc vẫn bình thường, và do đó Đức Giêsu sẽ không có chút nghi ngờ nào.
Bản tường thuật của bữa Tiệc Ly của Phaolô là bản cổ nhất mà chúng ta có trong Tin Mừng. Ông viết: “Trong đêm Người bị phản bội, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em hãy cầm lấy bánh mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”.
Một câu đập vào mắt của chúng ta. Đó là “Trong đêm Người bị phản bội”. Chính trong đêm ấy chứ không phải một đêm nào khác. Thay vì đoạn tuyệt với các Tông đồ, Người cho họ một dấu chỉ của tình yêu Người: Người ngồi ăn bữa tối thân mật với họ. Rồi Người nói: “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”. Đó là cách mà họ phải nhớ đến Người. Chính trong đêm đó, một người trong bọn họ đã phản bội Người.
Chúng ta không nên nghĩ rằng Đức Giêsu không bị sự phản bội của Giuđa làm tổn thương. Người đã bị tổn thương một cách sâu xa. Thánh Gioan nói rằng khi Người bắt đầu nói về kẻ phản bội “Người đau buồn sâu sắc”. Và chắc chắn là thế. Người đã đích thân tuyển chọn và đào tạo Giuđa. Giuđa đã nghe những lời Người giảng dạy và chứng kiến những phép lạ của Người. Giuđa là một người trong vòng thân cận. Thế mà giờ đây, ông ta định phản bội Người. Sự phản bội của một người bạn càng gây ra nhiều sự tổn thương và khó khăn hơn khi đối phó với sự phản bội của một kẻ thù.
Đối phó với sự phản bội là một việc rất gay go. Tuy nhiên, những người bị phản bội có thể có được niềm an ủi từ sự kiện Đức Giêsu đã cảm thấy bị phản bội như thế nào. Họ không thể cho rằng mình không bị phản bội làm tổn thương. Đức Giêsu cho thấy Người bị tổn thương như thế nào và đã bộc lộ bằng lời nói. Điều quan trọng là chúng ta phải đối phó với sự tổn thương như thế nào. Nó có thể làm cho chúng ta chua chát hơn và cám dỗ chúng ta trả thù. Dù cảm thấy bị tổn thương, Đức Giêsu không trả đũa Giuđa. Người cũng đã từ chối bêu xấu ông ta trước mặt những người khác. Nhưng khi đưa cho Giuđa miếng bánh nhỏ (một cử chỉ bạn bè), Người để ông ta biết rằng Người biết kế hoạch của ông ta. Và khi từ chối lấy tay chỉ thẳng vào ông ta, Người để cánh cửa mở rộng cho ông ta quay lại với tập thể.
Điều Giuđa làm cũng gây ra sự tổn thương cho các Tông đồ khác. Dẫu sao, ông ta cũng là một người của họ. Họ đã tin tưởng ông ta và cùng ông ta chia sẻ mọi việc. Họ nghĩ rằng họ biết ông ta, nhưng ông ta đã trở mặt làm một kẻ phản bội. Khi phản bội Giêsu, ông ta cũng đã phản bội họ.
Chúng ta không nhớ đêm ấy vì sự phản bội của Giuđa. Chúng ta nhớ đêm ấy vì ơn lành mà Đức Giêsu để lại cho chúng ta dù rằng có sự phản bội đó. Thánh Thể sẽ giúp đỡ chúng ta bình phục trước sự phản bội mà bàn tay người khác đã gây ra cho chúng ta. Và Thánh Thể cũng giúp chúng ta không trở thành kẻ phản bội của bất kỳ ai khác.
Thánh Kinh đã dùng thật nhiều hình ảnh để diễn tả về bữa tiệc Thánh Thể. Nào là hình ảnh Manna, Bánh bởi trời, nào là hình ảnh chiên vượt qua… Và gần chúng ta hơn hết là hình ảnh của phép lạ bánh hóa nhiều. Tất cả những hình ảnh ấy được thực hiện một cách viên mãn nơi Đức Kitô khi Ngài tuyên bố:
– Ta là bánh hằng sống… Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống.
Chính Chúa Giêsu đã trở nên của ăn cho tâm hồn mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể chính là một sáng kiến tình yêu vĩ đại nhất của Chúa Giêsu. Ngài đã thiết lập mầu nhiệm tình yêu này để thông ban cho con người một hồng ân cao cả, đó là nhờ mình và máu Ngài mà chúng ta được thông hiệp vào sự sống thần linh. Thánh Thể còn là hy tế tưởng niệm và tạ ơn hoàn hảo nhất được dâng lên cho Thiên Chúa. Qua cái chết và sự Phục sinh, Đức Kitô đã trở nên của lễ hoàn hảo.
Nhưng lễ tế này, giờ đây còn được tái diễn trong thánh lễ. Hy tế ấy vẫn tồn tại và hiện thực, mặc dù biến cố ấy đã xảy ra cách đây hai mươi thế kỷ. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch sự sống, bổ dưỡng cho tâm hồn chúng ta như lời Chúa đã nói:
– Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời.
Dân Chúa đang trên đường lữ thứ trần gian cần phải được bổ dưỡng bằng lương thực thần linh này để đạt tới bờ bến bình an.
Bí tích Thánh Thể còn là nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, sự sống đời đời là gì nếu không phải là ơn cứu độ Chúa dành cho chúng ta. Bí tích Thánh thể còn là sợi dây liên kết mọi người chúng ta lại với nhau như lời thánh Phaolô:
– Tất cả chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén, cùng thông phần một nguồn sức sống thần linh là Đức Kitô.
Tuy nhiên, Bí tích Thánh Thể chính là bí tích của đức tin. Muốn lãnh nhận, chúng ta phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta nhận ra bộ mặt của Đức Kitô trong Giáo hội. Chỉ qua lăng kính đức tin, chúng ta mới nhận ra Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Không có đức tin mọi hành vi phụng vụ đều bị coi là mê tín. Bí tích chỉ có ý nghĩa và tác sinh hiệu quả khi chúng ta có một đức tin sống động, một tình thương chan hòa và ơn sủng Chúa trao ban.
Và sau cùng, Thánh Thể chính là hình ảnh của bữa tiệc cánh chung. Khi tham dự Thánh Thể, được ăn và uống mình máu Thánh Chúa Giêsu, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Được Đức Kitô tan biến và thấm nhập vào tâm hồn chúng ta, được sống bằng chính sức sống của Thiên Chúa. Và như vậy, đời sống vĩnh cửu đang có và triển nở nơi người tín hữu để rồi tiến đến tình trạng viên mãn trong ngày sau hết.
Vì những ý nghĩ cao cả ấy, việc cử hành thánh lễ, phải là trung tâm của mọi hoạt động phượng tự của Giáo hội, cũng như phải là chóp đỉnh của đời sống người tín hữu, như Công đồng Vatican II đã xác quyết:
– Mọi bí tích, mọi việc tông đồ, mọi chức vụ của Giáo hội đều qui về Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là khởi nguồn và chóp đỉnh của mọi việc rao giảng Tin Mừng và là dấu chỉ của sự hiệp nhất.
Thế nhưng còn chúng ta, chúng ta đã nghĩ gì về Bí tích Thánh Thể và nhất là chúng ta đã đáp trả tình thương to lớn mà Chúa Giêsu Thánh thể đã dành cho chúng ta như thế nào.
37. Chúa Giêsu là niềm mong đợi của mọi người.
Cuộc gặp gỡ tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta ở trang Tin Mừng này hay Tin Mừng nọ đôi khi là một kế hoạch lớn, một cuộc đối diện khá thân mật với Ngài và đôi khi là một kế hoạch tổng thể trong đó chúng ta chiêm ngưỡng Ngài từ xa hơn. Đó là trường hợp ngày hôm nay.
Không có trần thuật nào quen thuộc với chúng ta hơn là trần thuật bánh hóa nhiều. Có sáu trần thuật như thế trong Tin Mừng! Ngày hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta cố gắng đi ngay vào việc suy niệm Thánh Thể, nhưng như thế, sẽ làm hạn hẹp những quan điểm rộng rãi của thánh Luca.
Từ đầu thánh Luca không ngừng loan báo biến cố: ngày hôm nay hoàn tất những lời hứa của Thiên Chúa, ngày hôm nay Đấng Thánh của Chúa đã đến, những việc lạ lùng xảy ra, Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài.
Đối diện với những kẻ thù địch và những kẻ bỏ rơi Chúa Giêsu, thánh Luca ghi lại lần cuối cùng quang cảnh ở Galilê: Chúa Giêsu và đám đông phấn khởi. Đó là sự suy niệm của chúng ta, nhưng còn mở rộng ra, hết sức rộng: Chúa Giêsu, niềm mong đợi của tất cả mọi người.
Thánh Luca sắp giúp chúng ta thấy Chúa Giêsu như là Đấng quy tụ và làm cho phỉ nguyện. Lời đầu tiên của bài Tin Mừng là: “Dân chúng”, lời cuối cùng: “Tất cả ăn no nê”. Việc hóa bánh thành nhiều về mặt lịch sử đúng là một phép lạ, năm ngàn người được nuôi sống với năm chiếc bánh và hai con cá. Tôi ái ngại cho những người mà điều này làm cho khó chịu. Đức tin của họ thiếu động lực. Nhưng đàng sau phép lạ có dấu chỉ lớn về cơm bánh: Chúa Giêsu làm cho những người đói được no nê.
Ngày quy tụ Dân Chúa, Ngài tổ chức Dân Chúa, nhóm Mười Hai hiện diện trong trần thuật này, nhưng điều được nói đến nhất chính là quyền bính bình lặng và mạnh mẽ, ảnh hưởng của Ngài. “Xin Thầy giải tán dân chúng!”, nhóm Mười Hai lo lắng nói với Ngài. Không, Ngài ở lại thì chúng ta cũng ở lại, không có kẻ nào khác Ngài là người quy tụ ở dưới đất cũng như trên trời.
Ngài nói: Ngài giảng dạy Nước Trời, thánh Luca giải thích như thế. Thánh Luca cho thấy kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa. Chúng ta mất thời giờ khi chúng ta tìm kiếm một ông thầy mặc khải khác.
“Ngài mang lại sức khỏe”. Ở đây nữa, đàng sau các phép lạ, phải thấy dấu chỉ này là việc chữa lành các tâm lòng, sự dứt ra khỏi tội lỗi, sự giải thoát lớn, sức khỏe của con cái Chúa.
“Mọi người đều ăn no nê, và người ta thu lại được mười hai thúng bánh vụn!” dấu hiệu của cơm bánh, chính là thức ăn thần diệu, làm phỉ nguyện và dư dật. Chúa Giêsu nói với những người lầm lẫn về dấu chỉ này: “Cơm bánh, chính là Ta! Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói; ai tin Ta sẽ không bao giờ khát” (Ga 6,35)
Chúng ta sẽ đi đến Chúa Giêsu thật ngày mà chúng ta xác tín rằng chỉ có Ngài mới có thể xoa dịu cơn đói chủ yếu của đám đông dân chúng. Cơn đói được sống, được hiểu cuộc sống, được rút ra các mật ngọt từ đó, và đi tới niềm vui tối hậu mà vì đó chúng ta cảm thấy rõ rằng chúng ta đã nhận lãnh sự sống và những đói khát vô bờ bến. Chính Ngài là Sự Sống và là Cơm Bánh.
Cảm thấy những điều đó ở trong đám đông để thoát khỏi nếu cần một sự sùng tín Thánh Thể được sống quá riêng tư với Ngài. Chúng ta chỉ yêu mến Chúa Giêsu khi chúng ta rất muốn tất cả đều yêu mến Ngài.
38. Nạn đói và sự hiệp thông – JKN
Trình thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều là trình thuật nền tảng và quen thuộc của Tin Mừng, vì 4 Tin Mừng đều thuật lại câu chuyện này (Mt 14, 13-21; Mc 6, 30-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-14). Xét về chi tiết thì mỗi tác gỉa thuật mỗi khác tùy theo quan điểm riêng của từng tác giả, nhưng tổng quát sự kiện xẩy ra thì giống nhau.
Thánh Luca cho chúng ta chiêm ngắm một vị Chúa đầy tình thương, tình người và kêu gọi chúng ta chia sẻ để có thể hiệp thông vời Chúa và liên kết với anh chi em.
1) Chúa Giêsu, Đấng thương cảm trước “cái đói, cái khát” của con người.
Những ai đã trải qua cái đói, khát thì mới thấy sự đáng thương, bi đát của người bị đói. Vì thế, phải đặt mình vào vị trí của những người đi theo Chúa Giêsu vào buổi chiều hôm ấy thì mới thấy được tình trạng thê thảm như thế nào khi không có cái gì để bỏ vào bụng. Có lẽ những người này đang trong tình trạng đói lả. Và Chúa Giêsu không thể nào làm ngơ trước tình trạng đáng thương ấy của “đám đông”. Họ đói khát vì đi theo Người, vì chăm chú nghe Lời Người. Chúa Giêsu không chỉ giải quyết cái đói thiêng liêng: Người nói với họ về nước Thiên Chúa (c.11b) mà Người còn giải quyết cái đói vật chất của đám đông đang theo Người: chữa lành những ai cần được chữa lành và cho mọi người được ăn no nê (c.17a)
2) Chính anh em hãy cho họ ăn
Phản ứng sửng sốt củ các môn đệ như bị gáo nước lạnh dội thẳng vào người là bình thường, vì làm sao họ có thể cung cấp thực phẩm cho số người như thế (riêng đàn ông đã đến gần 5 ngàn). Vì vậy, khôn ngoan nhất là giải tán để họ có thể tìm lương thực nơi các làng mạc chung quanh. Trong Gioan thì Chúa Giêsu là người đầu tiên bày tỏ sự lo lắng này (Ga 6,5) chứ không phải các môn đệ; và đây có lẽ cũng là cách của chúng ta hôm nay. Nhưng khi được Chúa gợi ý cho dân ăn, thì các ông đã nhiệt tình như muốn đóng góp tất cả. Năm chiếc bánh và hai con cá như thế là tất cả chất liệu mà các ông có thể có để cung cấp cho Người (5+2=7: một con số diễn tả sự viên mãn, trọn vẹn). Trong bữa ăn Thánh Thể, Chúa muốn chúng ta phải biết nghĩ đến nhu cầu của anh chị em và rồi chính Người sẽ cung cấp chất liệu để ta chia sẻ (Lc11,14).
Thực ra chính Chúa Giêsu mới là Đấng làm cho con người được no thoả. Các môn đệ xưa kia đã cộng tác với Thầy mình vàhôm nay là Giáo Hội mà trong đó mỗi người chúng ta được kêu gọi như là cánh tay nối dài của Chúa. Chúng ta chỉ có thể trở thành tấm bánh được bẻ ra và được trao ban cho anh chị em mình một khi dám đi ra khỏi cái tôi ích kỷ, hẹp hòi, so đo, tính toán, cố bám lấy chức, quyền, địa vị hay tìm kiếm một chỗ ở an toàn để yên thấn, để được kính nể… Chính vì vậy, cộng đoàn mặc dù không đói cơm bánh nhưng lại là nơi đói khát tình người, tình huynh đệ; và thế giới hôm nay tưởng chừng như sung túc thì lại trở thành nơi thiếu cơm bánh và đầy bất công. Một thế giới tuởng chừng là ngôi nhà chung của mọi người thì lại là nơi chất chứa nỗi cô đơn, tuyệt vọng.
Bao lâu “cái tôi”của ta còn quá lớn thì không thể ngả mình thành từng nhóm (câu 14a) và lại càng không thể bảo mọi người ngả mình xuống được (c.14b), tức là vẫn còn chia rẽ, vẫn còn thiếu tình huynh đệ. Nếu sau khi hiệp thông với Chúa trong thánh lễ (rước lễ) mà không không thể chia sẻ cơm bánh vật chất, cơm bánh thiêng liêng với anh chị em mình thì Mình Máu Thánh Chúa vẫn còn xa lạ với chúng ta vì chúng ta chưa thực sự hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể là tấm Bánh được bẻ ra và được trao ban cho nhân loại thông qua các tín hữu.
39. Lễ Mình Máu Thánh Chúa – JKN
Câu hỏi gợi ý:
- Đức Giêsu đến có phải để lo chuyện ăn uống cho dân chúng không? Tại sao Ngài lại làm chuyện ấy? Động lực nào thúc đẩy Ngài làm chuyện ấy?
- Nơi Đức Giêsu, tình yêu của Ngài đối với dân chúng hay bản tính Thiên Chúa của Ngài làm nên phép lạ?
- Nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta học được bài học gì?
Suy tư gợi ý:
- Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu cụ thể của dân chúng
Ta thấy hoạt động của Đức Giêsu được phối hợp giữa việc rao giảng Tin Mừng và việc thỏa mãn những nhu cầu cụ thể của dân chúng: “Đức Giêsu tiếp đón dân chúng, Ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa, và chữa lành những ai cần được chữa”. Điều mà Ngài rao giảng không phải là một cái gì xa vời đối với dân chúng, mà là một cái gì thiết thực, phù hợp với những khát vọng của họ. Đó là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, một tin vui về việc họ được giải phóng, được thoát khổ và hạnh phúc, là điều mà họ hằng mong ước. Đó là thứ Tin Mừng “cho kẻ nghèo hèn”, Tin Mừng giải phóng “cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức được tự do, v. v…” (Mt 4, 18).
Việc rao giảng ấy luôn luôn đi kèm với nỗi quan tâm lo lắng của Ngài đến những nhu cầu cụ thể của dân chúng. Nhờ sự quan tâm và những hành động cụ thể ấy, dân chúng cảm thấy được Ngài yêu thương, chăm nom săn sóc. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy tình yêu nhân bản của Ngài:
Thấy trời đã tối, các môn đệ đề nghị Đức Giêsu giải tán để họ tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn. Nhưng Ngài bảo các ông: “Anh em hãy cho họ ăn”. Thật là một quan tâm đầy tình người. Và sau đó Ngài đã làm một phép lạ cả thể.
- Tình yêu có thể làm nên những phép lạ
Chúng ta đừng nghĩ rằng Ngài làm như vậy vì Ngài có khả năng làm phép lạ. Còn chúng ta, không làm phép lạ được, nên có gặp trường hợp tương tự, ta sẽ không dám làm như Đức Giêsu, là quan tâm đến nhu cầu cụ thể ấy của dân chúng. Đôi khi chúng ta phải nghĩ ngược lại, chính vì Ngài yêu thương, quan tâm thật sự đến nhu cầu của người khác và quyết tâm thỏa mãn những nhu cầu ấy với bất cứ giá nào, nên Ngài mới làm nên những phép lạ. Chúng ta không làm được những phép lạ, vì chúng ta không thật sự yêu thương và quyết tâm giải quyết những nhu cầu của anh em chúng ta. Nguyễn bá Học có nói: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Trong bối cảnh này, câu ấy có nghĩa: Đừng sợ rằng ta không thể làm được điều gì giúp anh em, mà hãy sợ rằng ta không đủ tình thương, không dám hy sinh vượt khó, không dám chấp nhận gian khổ để thỏa mãn những gì cần thiết cho anh em mình.
Tình thương thật sự có thể làm nên những phép lạ. Nhiều trường hợp trong lịch sử chứng minh điều ấy. Nếu ta thật sự yêu thương, quan tâm và nhất quyết giúp đỡ anh em mình khi họ cần, chắc chắn ta vẫn luôn luôn làm được một cái gì đó ích lợi cho họ. Nếu không đủ tình thương để làm nên phép lạ, thì hãy cố gắng làm tối đa trong khả năng của mình. Nếu không đủ tình thương để cố gắng tối đa, thì chí ít cũng nên làm những gì tối thiểu: có còn hơn không! Nếu ta hoàn toàn thờ ơ không làm gì cả trước nhu cầu thực tế của anh em, thì tình yêu của ta có hơn gì những người mà ta cho là phường tội lỗi? Trong họ, biết bao người đã tỏ ra có nhiều tình thương hơn ta (xem dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Lc 10,29-37).
- Đừng chỉ quan tâm đến nhu cầu thiêng liêng của người khác, mà không quan tâm đến nhu cầu cụ thể và thiết thực của họ
Mục đích chính của Đức Giêsu khi đến trần gian là để rao giảng Nước Trời, chứ không phải là để cứu đói, chữa bệnh, trừ quỷ, hay nói chung là cứu khổ về phần xác. Nhưng Ngài đã quan tâm rất nhiều tới những việc này. Thánh Phê-rô đã nói lên điều ấy: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế” (Cv 10,38).
Rất nhiều Kitô hữu lo lắng đến những nhu cầu thiêng liêng của người khác: lo cho người ta biết Chúa, biết sống đạo đức, ăn ngay ở lành, làm lành lánh dữ, biết chăm sóc đến đời sống nội tâm, v.v… Điều ấy rất quí rất tốt, và cũng hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong số những Kitô hữu nhiệt thành ấy, có khá nhiều Kitô hữu chỉ quan tâm lo cho tha nhân những việc thiêng liêng ấy mà thôi, không hề nghĩ đến những nhu cầu thiết thực, cụ thể trước mắt và rất cấp bách của những người gần gũi chung quanh họ. Chính vì thế, những người được họ quan tâm lo những việc thiêng liêng, không cảm nhận được tình thương của họ một cách cụ thể. Điều ấy làm cho những cố gắng tốt đẹp của họ về mặt thiêng liêng bớt hữu hiệu.
Thiết tưởng một người được đức ái đích thực thúc đẩy, sẽ không phục vụ tha nhân theo kiểu “công chức”, nghĩa là chỉ phục vụ một số đối tượng nào đó, trong một khía cạnh nào đó, trong một số giờ nào đó mà mình được chỉ định phục vụ. Vì thế, họ không quan tâm phục vụ những đối tượng khác, trong những khía cạnh khác, vào những giờ khác, cho dù có những người cần được họ chăm sóc, phục vụ, nhưng lại vượt ngoài những hạn định ấy. Người có tình yêu đích thực vẫn có thể chọn một loại đối tượng để phục vụ, trong một khía cạnh nào đó mà mình chuyên môn, v.v… Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết mà đức bác ái đòi hỏi, người ấy vẫn có thể phục vụ những đối tượng khác, trong những khía cạnh khác, vào bất kỳ giờ giấc nào. Một người có tình yêu đích thực, có đức ái đích thực, không tự giới hạn lòng yêu thương, sự phục vụ của mình, nhất là trong những trường hợp đặc biệt cần đến lòng yêu thương và sự phục vụ của mình. Một người chuyên phục vụ tha nhan về mặt tâm linh, vẫn nên quan tâm đến những nhu cầu cụ thể của họ.
- Hãy noi gương Thánh Thể
Nói tới Thánh Thể, chúng ta thường nghĩ tới việc phải làm sao để nhận được từ Thánh Thể những ơn cần thiết cho mình. Nhưng thiết tưởng chúng ta không nên bỏ qua một bài học tuyệt vời và rất quan trọng của Thánh Thể là sự quên mình và tính vị tha. Không có gì tỏ ra quên mình và vị tha cho bằng trở nên của ăn cho người khác, hay sẵn sàng để cho người khác “ăn” mình. Thật vậy, đồ ăn hiện hữu vì người ăn nó, chứ không hiện hữu một chút xíu nào vì bản thân mình cả. Tất cả mọi sự, để trở thành đồ ăn thì đều phải chết đi mới có thể nuôi sống người ăn mình. Bản chất của đồ ăn chính là chết đi để nhờ đó người khác được sống, bị tiêu diệt để nhờ đó người khác tồn tại. Thông thường, chúng ta có khuynh hướng bắt người khác phải vì mình, biến họ thành phương tiện hay công cụ phục vụ cho mình. Biến mình thành đồ ăn thì hoàn toàn đi ngược lại khuynh hướng thông thường ấy: sẵn sàng hiện hữu vì người khác, sẵn sàng chấp nhận làm phương tiện hay công cụ vì hạnh phúc đời này hay đời sau của những người mình yêu thương. Danh ngôn Pháp có câu: “Aimer, c’est permettre d’abuser” (yêu là cho phép người mình yêu lợi dụng mình).
Cả cuộc đời Đức Giêsu là một thứ đồ ăn: Ngài hiện hữu không phải vì bản thân Ngài, mà hoàn toàn vì Thiên Chúa và vì con người. Ngài đã chết để con người được sống, đã tự hủy để con người được tồn tại, đã đau khổ để con người hạnh phúc, đã tự hạ để con người được nâng lên, đã chấp nhận bị đối xử như người tội lỗi để làm cho con người trở nên thánh thiện, v.v… Ngài hiện hữu, Ngài làm mọi sự đều vì người khác, chẳng vì mình một chút nào. Và Ngài đã biểu hiện tính chất “là của ăn”một cách cụ thể và tuyệt vời khi lập bí tích Thánh Thể. Chúng ta ăn Ngài, nhưng chúng ta đừng quên bắt chước Ngài trong tính chất ấy. Ngài đã yêu cầu chúng ta: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy”. Tưởng nhớ ở đây không gì tốt hơn và ý nghĩa hơn là bắt chước Ngài trong tính chất ấy: Hãy trở nên đồ ăn cho những người chung quanh mình, nhất là những người sống gần mình nhất.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin hãy ban cho con nhiều tình yêu hơn, để con bắt chước Chúa, là trở nên của ăn cho những người chung quanh con, bằng cách quên mình đi để sống vì họ, cho họ.
Nhân ngày lễ kính Mình Máu Thánh Đức Kitô hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về bí tích Thánh thể. Vậy bí tích Thánh thể là gì?
Trước hết, bí tích Thánh thể là một bữa tiệc huynh đệ.
Thực vậy, không phải tình cờ mà Đức Kitô đã thiết lập bí tích Thánh thể trong một bữa ăn. Như chúng ta đã biết ăn uống là một việc làm sơ đẳng của con người, là một như cầu cần thiết cho sự sống. Nhưng hơn thế nữa, ăn uống còn biểu lộ một tính cách xã hội nữa.
Đúng thế, mời nhau cùng ngồi vào bàn ăn là muốn diễn tả một tâm tình gắn bó nào đó. Chẳng hạn trong gia đình, khi một người không còn muốn ngồi ăn chung cùng với những người khác,, thì lúc bấy giờ tình cảm đã bị sứt mẻ nặng nề và nghiêm trọng.
Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh thể trong một bữa ăn và như một bữa ăn, nhờ đó chúng ta được liên kết, được gắn bó muật thiết với Chúa và với nhau.
Thật là không bình thường khi người ta ngồi vào bàn ăn mà lại chẳng ăn uống gì cả. Đành rằng có khi vì một lý do nào đó chúng ta không thể ăn uống được, nhưng vẫn ngồi vào bàn với anh em bạn bè, để biểu lộ tình cảm của chúng ta. Song đó chỉ là một việc chẳng đặng thì đừng, vạn bất đắc dĩ mà thôi.
Cũng thế, bình thường khi tham dự bàn tiệc Thánh thể, chúng ta cần phải rước mình và máu thánh Đức Kitô, trừ khi có những lý do chính đáng, những ngăn trở thực sự.
Lại cũng là một chuyện không bình thường, nếu chúng ta đến tham dự cùng một bàn tiệc Thánh thể mà lại thờ ơ lãnh đạm với nhau, thậm chí còn bất hòa và chia rẽ cùng nhau.
Quả là một thiếu sót to lớn khi chúng ta đến tham dự thánh lễ mà lại không để ý, không quan tậm tới người khác, cũng như không muốn chung tiếng chung lòng với nhau để tham dự một cách tích cực và sốt sắng. Thân xác ở đây mà cõi lòng thì lại ở tận những đâu đâu, hay chỉ loay hoay cầu nguyện riêng một mình, hoặc giũ thinh lặng thừ đầu chí cuối.
Quả là không bình thường khi bàu khí thánh lễ thiếu vắng tình huynh đệ, thiếu vắng sự hòa hợp, thiếu vắng sự vui tươi. Vậy chúng ta cần phải làm gì để thánh lễ trở nên trung tâm của mọi sinh hoạt trong giáo xứ?
Tiếp đến Thánh thể là bí tích tưởng niệm hy tế thập giá của Đức Kitô.
Đúng thế, thánh Phaolô đã viết:
– Mỏi lần ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.
Phụng vụ ngày lễ hôm nay cũng đã dựa vào những tư tưởng trên để cầu nguyện:
– Lạy Chúa, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích huyền diệu để kỷ niệm cuộc khổ nạn Chúa.
Bí tích Thánh thể chính là một đài tưởng niệm sống động cho cuộc thương khó. Trong phòng tiệc ly, Đức Kitô đã phó mình cho chúng ta qua hình bánh và rượu, trước khi phó mình cho chúng ta qua cái chết đẫm máu trên thập giá.
Đồng thời khi thiết lập bí tích này, Ngài đã hoàn toàn qui hướng về cái chết: Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là chén máu Thầy, máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
Như vậy, mỗi khi cử hành thánh lễ, Giáo hội diễn lại sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô, diễn lại mầu nhiệm ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Vì thế, khi đi tham dự thánh lễ, chúng ta không phải chỉ tham dự một bữa tiệc, mà còn liên kết chặt chẽ với hy tế thập giá, đồng thời hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha.
Thế nhưng, dù dưới khía cạnh một bữa ăn, hay dưới khía cạnh một hy tế, bí tích Thánh thể vẫn mãi mãi là một bí tích của tình yêu, bởi vì hy tế thập giá chính là cao điểm của tình yêu cứu độ, như lời Đức Kitô đã phán:
– Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Bởi đó, sống thánh lễ là phải tiêu diệt tính ích kỷ, sự chia rẽ và tất cả những gì đối nghịch với tình yêu của Đức Kitô và tình yêu của anh em đồng loại.
Sống thánh lễ là phải ràng buộc mình vào trong tình yêu, là phải làm cho đời mình trở nên phù hợp với những đòi hỏi của tình yêu, là phải sống bác ái yêu thương.
Hãy biến cuộc đời thành một thánh lễ nối dài bằng những hy sinh cho nhau và vì nhau.
41. Mình Máu Thánh – Radio Veritas Asia
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – RVA)
Một trong những lễ trọng trong mùa thường niên là lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa, lễ này được cử hành vào thứ năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, nhưng tại nơi nào lễ này không buộc thì Hội đồng Giám mục có thể dịch vào Chúa nhật tiếp sau đó với sự phê chuẩn của Tòa thánh. Hằng ngày Giáo Hội cử hành Bí tích Thánh Thể qua việc dâng hy tế Thánh Thể, đây là một nghi lễ thường xuyên kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô.
Trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về phép lạ bánh hóa nhiều. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Phúc âm thuật lại, và đây cũng là một phép lạ công khai trước mặt một số đông người. Năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương thực nuôi khoảng năm ngàn người mà vẫn còn dư được mười hai thúng bánh vụn.
Thánh Luca nhấn mạnh đến vai trò của nhóm mười hai trong phép lạ này, vì chính họ đã chủ động xin Chúa Giêsu giải tán đám đông để những người này tìm chỗ ăn, chỗ ở khi ngày đã bắt đầu tàn. Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một thách đố cho nhóm mười hai: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi”. Hãy lo cho họ sau khi đã được nghe giảng về Nước Thiên Chúa và được chữa lành khỏi mọi tật bệnh. Các môn đệ thấy mình bất lực trước nhiệm vụ này, dù mới đây họ đã được sai đi rao giảng, chữa lành bệnh tật và đã thành công. Điều duy nhất họ có trong tay là năm chiếc bánh và hai con cá nhưng chừng ấy thấm vào đâu so với nhu cầu của dân chúng, vì ở nơi thanh vắng này dù có tiền cũng không mua được đủ bánh.
Chúa Giêsu cần các môn đệ nhìn nhận sự bất lực của họ để rồi Ngài mời gọi họ cộng tác vào việc nuôi sống dân chúng. Các môn đệ theo lệnh của Chúa Giêsu đã chia đám đông thành từng nhóm nhỏ, chính các ông đã trao bánh và cá cho Chúa Giêsu để rồi nhận lại từ tay Ngài và trao ban cho đám đông, như thế phép lạ đã xảy ra trên bánh và cá sau khi Chúa chúc lành và bẻ ra.
Chúng ta không tưởng tượng nổi số lượng khổng lồ bánh và cá phát sinh từ hành vi bẻ ra này. Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên không ngừng. Có thể hôm nay chúng ta cũng thấy bất lực trước những nhu cầu của con người, và nhân loại vẫn ở trong tình trạng đói về nhiều mặt khác nhau, hằng giờ có biết bao trẻ em chết đói trên thế giới này. Trong tay chúng ta chỉ vỏn vẹn vài tấm bánh nhỏ, chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực. Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có, nếu chúng ta để cho Ngài thánh hóa tất cả những cố gắng nhỏ bé của mình, nếu chúng ta chỉ coi mình là người cộng tác của Thầy Giêsu để phục vụ con người thì phép lạ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Do đó chúng ta vẫn có thể nuôi cả thế giới no nê và dư dật, nếu chúng ta biết cộng tác với Chúa.
Chúng ta đọc lại câu 16 của đoạn Tin Mừng hôm nay: “Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”. Khi kể lại cử chỉ Chúa Giêsu làm khi lập Bí tích Thánh Thể, thánh Marcô cũng sử dụng bốn động từ trên đây. Trong biến cố hai môn đệ trở về làng Emmau, chúng ta cũng thấy thánh Luca dùng lại bốn động từ này: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ”. Cử chỉ quen thuộc này đã làm cho hai môn đệ nhận ra Chúa Giêsu. Giáo Hội sơ khai hẳn đã thấy sự liên hệ giữa phép lạ bánh hóa nhiều và Bí tích Thánh Thể. Trong tất cả những trường hợp trên, Chúa Giêsu đều dùng một cữ chỉ để mời người khác ăn tấm bánh Ngài trao cho. Rất có thể ý định lập Bí tích Thánh Thể đã được khai mào từ sau phép lạ bánh hóa nhiều.
Những chiếc bánh vật chất chỉ làm giảm cơn đói của một số người nhất định và trong một thời gian nhất định. Manna ngày xưa trong sa mạc cũng không mang lại cho người ta sự sống sau cái chết. Bữa Tiệc Ly không phải là một hành vi đột xuất không suy nghĩ trước. Trái lại, Chúa Giêsu đã phải bận tâm với mơ ước nuôi cả nhân loại, nuôi họ bằng chính bản thân Ngài và ban cho họ sự sống vĩnh cửu: “Này là Mình Thày sẽ bị nộp vì anh em. Này là chén Máu Thày sẽ đổ ra cho anh em…”Chúa Giêsu mời chúng ta ăn tấm bánh và uống chén rượu đã được thánh hiến để thông hiệp vào cái chết và sự Phục sinh của Ngài, vào chính bản thân Ngài.
Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của một tình yêu biết tìm kiếm. Cựu ước đã ghi rằng: “Trong những ngày sắp đến, Thiên Chúa sẽ nuôi dân Người dư dật”. Chúa Giêsu đã làm trọn lời hứa đó phần nào qua phép lạ bánh hóa nhiều, nhưng đó cũng chỉ là hình bóng của Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này.
Khi thông hiệp với Chúa Giêsu Phục sinh dưới hình bánh và hình rượu, chúng ta còn cần đến đức tin, chúng ta mong chờ ngày được tham dự vào bữa tiệc trên trời, nơi chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Ngài không qua bức màn đức tin nữa nhưng diện đối diện. Chúa Giêsu đã bẻ bánh nhiều lần trong cuộc đời của Ngài. Đời Ngài được kết tinh trong hành vi bẻ bánh. Tấm bánh trong nhà Tiệc Ly đã trở thành tấm thân Người được bẻ ra và trao cho con người qua cái chết trên thập giá: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”.
Giáo Hội sơ khai đã không quên mệnh lệnh đó, họ tiếp tục cử hành Bí tích Thánh Thể mà họ gọi là lễ Bẻ Bánh tại các nhà riêng của tín hữu. Bẻ Bánh trở thành nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô sơ khai. Nghi thức này thường được cử hành vào ngày Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần. Xin Chúa giúp cho chúng ta gặp Ngài trong lễ bẻ Bánh.
42. Thánh Thể – Lm. John Nguyễn
“Ai ăn thịt và uống máu Ta sẽ được sống đời đời” (Ga 6,59). Với niềm tin của người Kitô hữu thì Mình Máu Chúa trở nên lương thực thiêng liêng và là nguồn sống đời đời, nhưng với những người không phải là Công giáo thì họ không thể hiểu được ý nghĩa lớn lao của Bí tích này. Cụ thể, trong Tin mừng khi Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51), thì Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Từ thắc mắc này gợi lên cho chúng ta suy tư về mầu nhiệm Mình Máu Chúa mừng kính hôm nay.
Với cách nhìn của con người, việc ăn thịt người thật là ghê tởm, khủng khiếp quá, người Do thái thời Chúa Giê-su, họ coi máu là sự sống của con người, và chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên máu huyết. Cho nên, họ không ăn thịt sống khi có máu. Ngay cả chúng ta cũng khó hiểu, vì chẳng ai ăn thịt và uống máu người bao giờ. Người Do thái có lý để tranh luận với Chúa Giê-su. Và cuộc tranh luận đó càng trở nên sôi nổi và gây gắt, vì họ chỉ hiểu theo cách nhìn của con người, theo nghĩa thông thường, họ chưa thoát khỏi bởi thế giới của xác thịt. Trong khi đó, Chúa Giê-su muốn cho họ nhận ra Người, chính là gắn bó với Người, trở nên một với Người. Đó là đồng hóa bản thân với Người ngay trong thực hữu nhân loại của Người, thực hữu đã được ban tặng cho nhân loại trong cuộc sống và trong cái chết của Người. Như lời Đức Giêsu xác quyết: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.
Sau trận động đất ngày 17.1.1995 tại Kobe, Nhật bản, người ta phát hiện ra người mẹ và cô con gái bốn tuổi nằm ở dưới đóng gạch vụn. Cả hai mẹ con đã bất tỉnh. Sau đó, những người cứu hộ đưa cả hai mẹ con vào phòng cấp cứu, rất may là họ đã được cứu sống. Khi tỉnh lại, bác sĩ hỏi tại sao bà lại có vết thương và máu ở tay ra? Bà mới kể lại rằng: “Khi thấy con của tôi không còn gì để uống, tôi cũng không còn sữa cho con bú, và tôi cũng không biết tìm đâu ra thức ăn và nước để cho đứa con có thể sống, nên tôi đã lấy thanh sắt, rồi rạch mạch máu ở tay để lấy máu chảy ra cho đứa con uống.” Bác sĩ hỏi thêm rằng, bà có biết làm như vậy là nguy hại đến tính mạng của mình không?. Bà ta trả lời: “Lúc đó, tôi không nghĩ đến tính mạng mình nữa, tôi chỉ mong sao cho con tôi được sống”. Hình ảnh người mẹ hy sinh mạng sống cho đứa con của mình xuất phát từ tình yêu sâu thẳm của tình mẫu tử. Đứa con sống được là nhờ máu của người mẹ.
Câu truyện có nhiều ý nghĩa về tình yêu dâng hiến, và nó cũng có thể minh họa cho chúng ta những điều khó hiểu về mầu nhiệm Mình Máu Chúa mà chúng ta lãnh nhận mỗi ngày. Hơn nữa, chúng ta có thể hiểu được lời Chúa Giê-su nói rõ ràng nhất, chính là qua thập giá của Ngài. Cái chết của Chúa Giê-su là bằng chứng sống động và là nguồn ơn cứu độ cho con người. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su cầm bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ và nói:” Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy”; và Người cầm lấy chén rượu và đọc:” Đây là máu Thầy, máu giao ước mới sẽ đổ ra cho các con”.
Cho nên, mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ là chúng ta tham dự vào hy tế của Chúa Giê-su được tái diễn lại trên bàn thờ, mà chính Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly trước khi đi vào cuộc khổ nạn.
Cho nên, Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô hữu, và tấm bánh đó được bẻ ra để phân phát cho mọi. Điều đó được diễn tả trong Tin mừng hôm nay. Khi đám đông theo Chúa vào trong hoang địa không có gì để ăn, thì Ngài thấy họ đói thì chạnh lòng thương, và bảo các tông đồ: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại. Phép lạ hóa bánh ra nhiều không chỉ cho chúng ta thấy được quyền năng của Thiên Chúa mà còn là thể hiện tính hiệp nhất, liên đới giữa Thiên Chúa với con người mà Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời. Chúa Giê-su nói:” Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.” ( Ga, 6,57-58)
Lạy Chúa, xin cho con biết siêng năng rước mình Thánh Chúa mỗi ngày để làm của ăn lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh của chúng con, và xin cho con trở nên tấm bánh cho những người anh chị em đang sống bên cạnh con. Chỉ có Ngài là sự sống đích thực cho con. Amen.
43. Bánh Hằng Sống – Lm. Minh Vận, CRM
Năm 1230, tại thành Toulouse xảy ra một cuộc tranh luận kịch liệt giữa Thánh Antôn Padua và ông Boniville thuộc bè rối Albigensê. Đề tài cuộc tranh luận là sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Thánh Antôn xác quyết theo Đức Tin Công Giáo: Chúa Kitô thực sự hiện diện cách thực tại nơi hình bánh rượu sau khi Linh Mục đọc lời truyền phép; còn ông Boniville nhất định chối từ chân lý này. Cả hai đều đưa ra nhiều chứng lý để bênh vực cho lập trường của mình. Cuộc tranh luận diễn ra trước đám đông dân chúng của hai phe. Sau cùng, một người đề nghị dùng con lừa của ông Boniville để làm một cuộc trắc nghiệm. Cả hai đều chấp nhận. Cuộc trắc nghiệm diễn tiến như sau: Con lừa phải nhốt trong chuồng, nhịn đói ba ngày không hề cho ăn uống gì. Rồi trước một đám đông dân chúng, gồm cả những người tin cũng như những người không tin đang chờ đợi sự việc sẽ xảy ra. Con lừa được dẫn tới trước mặt Thánh Antôn Padua, trong khi ngài nâng cao hào quang mang Thánh Thể Chúa Kitô trước mặt con vật; đồng lúc đó, ông Boniville cũng đem thúng lúa mạch và cỏ khô để dưới chân nó. Một sự thật ngạc nhiên vô cùng trước sự chứng kiến của đoàn lũ dân chúng đông đảo: Con lừa đã không thèm để ý gì tới đồ ăn đặt dưới chân nó; mà trái lại, nó đã quì gối xuống trước Thánh Thể Chúa, như để cung kính thờ lạy Người.
- THÁNH THỂ, PHÉP LẠ VÔ CÙNG SIÊU VIỆT
Bài sách Các Vua hôm nay thuật lại việc Chúa làm phép lạ cho 20 chiếc bánh mạch nha và lúa mì vị tiên tri phân phát cho một trăm người ăn no mà còn dư. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa dùng 5 chiếc bánh và 2 con cá, chúc phúc và truyền cho các Tông Đồ phân phát cho 5 ngàn người ăn no, phần còn dư thu lại được 12 thúng bánh vụn. Ấy là chưa kể đàn bà con nít, có lẽ vì đàn bà con nít ăn ít nên không nói đến.
Hai phép lạ Chúa làm cho bánh hóa nhiều chỉ là hình bóng, là biểu tượng một phép lạ vĩ đại vô cùng siêu việt Chúa sẽ thực hiện, để tỏ uy quyền và tình thương vô cùng của Chúa đối với chúng ta. Đó là Bí Tích Thánh Thể. Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã trở nên như điên, như khùng, như mát, như mất trí khi tự trở nên bánh làm của ăn nuôi sống chúng ta. Hay nói đúng hơn, là Chúa đã biến bánh trở nên Chúa, để ở lại với chúng ta, nên lương thực nuôi linh hồn chúng ta, nên nguồn ơn thánh trào đổ xuống chúng ta, kết hợp nên một, hòa tan trong chúng ta, biến chúng ta nên thánh thiện như Người; lấy làm sung sướng hạnh phúc ở lại với chúng ta, như chính lời Chúa đã phán: “Hạnh phúc của Cha là ngự giữa con cái loài người mọi ngày cho đến tận thế” (xem Mt 28:20). Chúa được thỏa mãn hạnh phúc ngự vào tâm hồn chúng ta mỗi khi chúng ta đón tiếp Người.
- THÁNH THỂ BỊ KHINH CHÊ QUÊN LÃNG
Ngày nay, biết bao anh em trong các giáo phái ly khai không nhìn nhận, không tin Chúa ngự thật trong Nhiệm Tích Thánh Thể. Họ cho đó chỉ là một kỷ niệm suông, không phải là sự hiện diện thực tại sống động của Chúa Kitô như chính Tin Mừng đã dạy.
Người ta tin Thánh Kinh, nhưng đồng thời người ta lại kết án là Chúa đã đánh lừa nhân loại khi phán: “Đây là Mình Ta! Đây là Máu Ta!” (Mt 26:26-28) Trước Thánh Thể, Đức Mẹ, toàn thể các Thần Thánh trên Thiên Quốc đều tôn thờ sùng mộ, ngợi khen, chúc tụng, tôn kính, mến yêu… Ngay cả các quỉ thần trong hỏa ngục cũng phải thất kinh bát đảo sụp lạy kính thờ.
Phép lạ bánh hóa nhiều đã làm cho dân Do Thái xưa phải thán phục trước uy quyền của Chúa Cứu Thế, đến nỗi họ đã muốn tìm cách tôn Ngài lên làm Vua… Nhưng phép lạ đó mới chỉ một là hình bóng tiên báo Nhiệm Tích Thánh Thể Chúa sẽ thiết lập. Nó cũng chỉ là phép lạ trong bậc tự nhiên thuộc phạm vi chất thể, để nuôi sống thân xác con người mà thôi; còn phép lạ Thánh Thể là một phép lạ trong bậc siêu nhiên, vượt trên mọi phép lạ Chúa đã thực hiện, để Ngài có thể ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, nên thần lương dưỡng nuôi linh hồn chúng ta, nên nguồn hạnh phúc thánh hóa chúng ta và giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Quốc.
III. NGHĨA VỤ CỦA CHÚNG TA VỚI THÁNH THỂ
Là con cái Chúa, chúng ta có nghĩa vụ nào đối với Chúa Giêsu Thánh thể? Chúng ta có nghĩa vụ phải hết sức tin tưởng, kính tôn, phụng thờ và yêu mến Chúa. Năng đến kính viếng hoặc tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng, đón rước Chúa ngự vào linh hồn và nồng nàn kết hợp với Chúa trong tình yêu mến thiết tha. Chúng ta còn có nghĩa vụ phải làm tông đồ truyền bá lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể, đề tạ những tội lỗi, những lời lộng ngôn phạm thượng, những xúc phạm bất kính phạm đến Nhiệm Tích Thánh Thể. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta còn có nghĩa vụ phải đền bồi phạt tạ những tội lỗi của các linh hồn sống Đời Thánh Hiến, đã không cử hành Thánh Lễ và rước Chúa cách xứng đáng làm đau lòng Chúa.
Để đón rước Chúa ngự vào linh hồn cách xứng đáng, chúng ta hãy tuân theo giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ: “Trước khi anh chị em ăn Bánh và uống chén Rượu này, anh chị em hãy hồi tâm kiểm điểm xem, anh chị em có xứng đáng ăn và xứng đáng uống không, nếu không xứng đáng mà dám ăn dám uống là ăn và uống án phạt cho mình” (xem I Cor 11:28-29).
Đừng kể anh em trong các giáo phái không tin Chúa ngự thật trong Nhiệm Tích Thánh Thể, mà ngay trong hàng ngũ Công Giáo, nhiều người cũng dường như không tin tưởng gì. Họ vào Thánh Đường nhâng nhâng nháo nháo, trò truyện dức lác, coi Thánh Đường như một hội trường, như cái chợ, như nơi hẹn hò tìm bạn bốn phương, tình tình tứ tứ… Có những người miệng nhai kẹo cao xu trong suốt buổi lễ, chỉ bỏ ra khi lên rước Chúa, rồi lại nhai tiếp tục… Tệ hơn nữa, họ còn dám để tội trọng mà lên rước Chúa, vì coi việc rước Chúa chỉ là ăn miếng bánh tiến thường theo nghi lễ như thói quen cho vui. Biết bao người đã phạm sự thánh khi mắc tội trọng mà dám lên rước Chúa. Có những người chưng diện mặc diêm dúa khiêu dâm, hở hang bao nhiêu có thể, bán da bán thịt, phơi bày cái thân xác mình một cách trơ trẽn mà không biết hổ thẹn… Tất cả những thái độ bất kính, những lời lộng ngôn, những tội phạm thượng đó đã và đang vọng lên trời cao trêu cơn nghĩa nộ Thiên Chúa, kêu nài sự giáng phạt cân xứng.
Là con cái Chúa, chúng ta cần ý thức trách nhiệm phải tôn thờ, phạt tạ và yêu mến Chúa, bù lại những tội lỗi nhân loại hằng xúc phạm đến Chúa trong mọi thời đại. Thứ đến, là những bậc phụ huynh, những thầy dạy, những huynh trưởng, chúng ta nên đề phòng cho con em chúng ta khỏi nhiễm lây những thói hư tật xấu của dân ngoại, làm ô danh cho giòng họ, cho dân tộc, cho con cái Chúa.
Với tấm lòng chân thành, tôi xin đề nghị với tất quí ông bà anh chị em mấy điểm sau:
* Khi tới Thánh Đường tham dự Thánh Lễ hay tham dự bất cứ việc phượng tự nào, chúng ta nên khuyên nhủ con em chúng ta biết phục sức đứng đắn, kín đáo cách đoan trang nết na, xứng đáng với nơi tôn nghiêm, nơi thờ phượng Chúa.
* Giữ các em nhỏ khỏi làm xáo trộn, chạy lăng xăng, la hét, bất kính với Chúa và làm chia trí người khác.
* Điều quan trọng hơn hết, là chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ một cách chủ động, với tất cả tâm tình sùng mộ tôn kính mến yêu, xứng danh một người con ngoan thảo đến tâm sự với Cha Trên Trời, một thụ tạo đến tôn thờ Đấng Tạo Hóa, một tôi trung đến phụng sự Đấng Thượng Đế của mình.
Chúng ta nên nhớ rằng: Không phải chúng ta đi xem lễ hay đi nghe hát thánh ca cách thụ động máy móc, hay cực chẳng đã, phải đi để khỏi mắc tội hoặc khỏi bị cha mẹ rầy la cách miễn cưỡng, nặng nhọc, bất đắc dĩ… nhưng là đi tham dự Thánh Lễ, cùng dâng Thánh Lễ với tất cả tâm hồn sốt mến, sung sướng hạnh phúc, cách tự tình tự nguyện. Với ất cả tâm hồn sùng mộ yêu mến, tự hiến dâng chính bản thân hợp với Lễ Hy Tế của Chúa Kitô trên bàn thờ thượng tiến Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, và cùng với Chúa Kitô biến cả đời mình thành một Thánh Lễ liên tiếp làm hài lòng Thiên Chúa cao cả và đền tạ Người, xin ơn tha thứ tội lỗi muôn dân.
Kết Luận
Lạy Mẹ, xin Mẹ chia sẻ cho chúng con tâm tình khiêm nhu sâu thẳm và lòng sốt mến phi thường của Mẹ, để chúng con được xứng đáng tế lễ Chúa, tham dự Thánh Lễ, đón rước Chúa ngự vào linh hồn chúng con, như xưa Mẹ đã được Chúa sung sướng ngự xuống cung lòng trinh khiết của Mẹ. Chớ gì chúng con được biến đổi nên Mẹ, được đồng hóa nên một với Mẹ, để Chúa cũng được sung sướng ngự vào lòng chúng con như vậy.
(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)
Đức Hồng Y Newman là một chức sắc cao cấp và nổi tiếng của Giáo Hội Anh Giáo, mỗi năm được hưởng một khoản trợ cấp của nhà nước là 100.000 quan thời đó. Ngài đã nghiên cứu lâu năm đạo Công Giáo và cuối cùng Ngài xin trở lại Đạo Công Giáo. Vài ngày trước khi ngài trở lại, một người bạn thân khuyên rằng: “Ngài hãy nghĩ lại việc ngài làm! Nếu ngài trở thành người Công Giáo, ngài sẽ mất 100.000 quan mỗi năm đó!”. Newman bất bình nói lớn tiếng: “Một trăm ngàn quan là gì so với chỉ một lần rước lễ!”
Vì sao Đức Hồng Y Newman lại quyết định một cách táo bạo và khẳng định một cách chắc chắn như vậy? Thưa, vì Ngài đã hiểu được hiệu quả của việc rước lễ. Thật vậy, giáo lý về bí tích Thánh Thể dạy rằng: Rước lễ thì được những ơn ích này: Một là được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và Hội thánh; Hai là được tẩy xóa các tội nhẹ; Ba là được lớn lên trong ân sủng; Bốn là được bảo đảm sự sống muôn đời.
Chính vì hiệu quả của việc rước lễ như vậy nên Giáo Hội đã khôn ngoan ấn định rước lễ mỗi năm ít là một lần, buộc nặng, ai không thi hành là mắc tội trọng. Giáo Hội còn kêu gọi con cái mình năng rước lễ, và rước lễ mỗi ngày. Bởi vì, ngoài những ơn ích trên, năng rước lễ sẽ có thêm sức mạnh và sự can đảm để giữ đạo, sống đạo và truyền đạo.
Trong thời kỳ đầu của Hội Thánh, dân ngoại bỡ ngỡ khi thấy người kitô hữu anh dũng chấp nhận cái chết vì Chúa. Đâu là lý do của sự lạ lùng đó?
Chính Thánh Siprianô trả lời rằng: “Chính nhờ Mình Thánh Chúa Giêsu gìn giữ mà người có đạo mới ra pháp trường một cách anh dũng như vậy”.
Ở Việt Nam chúng ta trong thời kỳ bách hại đạo, sự anh dũng của cha ông chúng ta cũng không thua kém các vị tử đạo đầu tiên ở Rôma. Nhờ đâu? Nhờ năng rước Mình Thánh Chúa. Trong sắc lệnh của vua Tự Đức có một điều như sau: “Không được để người ta đem đến cho kẻ có đạo thứ bánh mầu nhiệm gì đó, vì thứ bánh ấy làm cho người ta không sợ đau đớn và vui vẻ chịu chết”.
Theo dòng lịch sử Hội Thánh, Thánh Thể đã tạo ra biết bao nhiêu vị thánh: các thánh Tông đồ, các thánh Đồng trinh, các thánh Tử đạo…Cha Đamiêng, vị tuyên uý cho người cùi đã khẳng định: “Nếu không có thầy chí thánh đêm ngày ngự trong nhà thờ nhỏ của tôi, chắc không bao giờ tôi có thể chung số phận với số phận của người hủi”.
Và ngày hôm nay, rất nhiều người nhờ năng rước Mình Thánh Chúa mà đã có sức đứng vững giữa gương xấu tội lỗi, có sức chống trả các chước cám dỗ, giữ được linh hồn trong trắng giữa bùn nhơ, khắc phục được nhiều thói xấu, tập được nhiều nhân đức. Chính vì vậy, Thánh Cyrilô Alexandria, Giáo phụ và tiến sĩ Giáo hội kêu gọi mọi người rằng: “Nếu nọc độc kiêu ngạo sưng lên trong ta, hãy quay về với Thánh Thể, và bánh đó là Chúa của anh em, Ngài tự hạ và ẩn mình, Ngài sẽ dạy cho anh em sự khiêm nhường. Nếu cơn sốt ích kỉ tham lam rống lên trong anh em, hảy ăn bánh này, anh em sẽ học được sự quan tâm. Nếu cơn gió buốt của lòng tham lam làm tàn héo anh em, hãy mau nhận lấy bánh các Thiên Thần, và đức ái sẽ trổ bông trong lòng anh em. Nếu anh em thấy ngứa ngáy và tính khí bất thường, hãy nuôi mình bằng Thịt Máu Chúa Ki-tô. Đấng đã thực hiện tự chế anh hùng suốt đời nơi dương thế, và anh em sẽ nên người điều độ. Nếu anh em lười biếng và uể oải việc thiêng liêng, hãy củng cố mình với lương thực trên trời này, anh em sẽ nên sốt sắng. Sau cùng, nếu anh em bị say sém vì cơn sốt không trong sạch, hãy tới bàn tiệc các Thiên Thần, và con chiên Ki-tô thanh sạch, sẽ làm cho anh em nên trong sạch tinh khiết”.
Mỗi người chúng ta chắc chắn cũng có một ít kinh nghiệm về hiệu quả của việc rước lễ: biết bao lần dọn lòng rước Mình Thánh Chúa sốt sắng ta cảm thấy một cái gì ấm áp, ngọt ngào trong linh hồn. Biết bao lần chịu lễ xuống ta thấy lòng gớm ghét tội lỗi hơn, muốn sống thánh thiện hy sinh hơn. Biết bao lần chịu lễ rồi về với gia đình ta cảm thấy mọi bổn phận hằng ngày nhẹ nhàng hơn.Thực tế, nhìn vào các gia đình trong giáo xứ chúng ta thấy, gia đình nào có cha mẹ con cái năng tham dự thánh lễ và rước lễ sẽ được hạnh phúc và bình an hơn.
Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra được hiệu quả của việc rước lễ để năng rước lễ và rước lễ sốt sắng mỗi ngày. Amen.
45. Suy niệm lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)
Trong suốt ba năm đời sống công khai, Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Lời của Ngài. Trước khi về trời, Ngài còn thiết lập Bí tích Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống các Tông đồ và Giáo hội mãi cho tới tận thế. Không những thế, Ngài còn làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để cứu đói dân chúng về phần xác và mời gọi các Tông đồ: “Các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).
Đó là ba của ăn liên kết chặt chẽ với nhau và liên quan đến đời sống con người. Đó cũng là ba điểm tôi muốn gợi ý cùng anh chị em suy niệm trong ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô hôm nay.
- Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Lời của Ngài.
Chúa Giêsu dùng Lời của Ngài để giảng dạy và nuôi dưỡng các môn đệ và những người đi theo Ngài. Bắt đầu là lời mời gọi “Hãy theo Ta!” (x. Mt 4,19). Tiếp đến là những lời giáo huấn để đào tạo các ông trở thành những môn đệ chân chính. Bài Tin mừng hôm nay cũng diễn ra trong bối cảnh dân chúng đi theo để lắng nghe Lời Ngài. Họ lắng nghe một cách say mê đến nỗi quên cả thời gian, quên cả ăn uống. Lời của Chúa là Sự Thật và là Sự Sống. Đúng như Ngài đã từng nói: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (x. Ga 6,63); “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi, các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32). Lời của Chúa có sức biến đổi: người tội lỗi trở thành Thánh nhân; người bệnh tật được chữa lành. Lời của Chúa xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại…Con người sống nhờ Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).
Các Tông đồ và Giáo hội cũng dùng Lời Chúa để sống, dạy dỗ và khuyên nhủ. Thánh Phaolô nói: “Có đức tin, là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Nơi khác, Ngài nói: “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được phép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó, chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). Thánh Phanxicô Xaviê nên thánh nhờ suy niệm và sống câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào ích lợi gì” (x. Mt 14,26). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nên thánh nhờ suy niệm và sống câu Lời Chúa: “Ai trở nên như trẻ nhỏ thì mới được vào Nước trời” (Mt 8,4).
Giáo hội luôn mong muốn mọi người kitô hữu đọc, suy gẫm và đem Lời Chúa thực hành trong đời sống, làm lương thực nuôi sống linh hồn. Bởi vì: “Ai nghe và thực hành Lời Chúa thì giống như người khôn ngoan xây nhà mình trên đá” (x. Mt 7,24).
- Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Mình và Máu Thánh Ngài.
Chúa Giêsu không chỉ nuôi dân chúng bằng Lời của Người, mà còn nuôi dân chúng bằng chính Thịt Máu Người. Để ăn uống Mình và Máu Thánh Người, cần phải hội đủ hai điều kiện chính: sạch tội trọng và có ý ngay lành. Điều kiện để rước lễ đơn giản như vậy nhưng hiệu quả thì vô cùng to lớn. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho biết: “Khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được gắn bó chặt chẽ hơn với Đức Kitô, được tha thứ các tội nhẹ và bảo vệ khỏi các tội trọng. Nhờ rước lễ, tình yêu của chúng ta với Đức Kitô được mật thiết hơn, nên sự hiệp nhất trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Người, được củng cố” (Số 1416). Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (x. Ga 6,54). Vì hiệu quả lớn lao như vậy, nên Giáo hội buộc nhặt mỗi người kitô hữu ít nhất mỗi năm rước lễ một lần. Giáo hội khuyến khích mỗi người kitô hữu siêng năng rước lễ và cho phép rước lễ mỗi ngày hai lần, nhưng lần thứ hai phải tham dự thánh lễ đầy đủ. Cho nên, mỗi người kitô hữu chúng ta hãy dọn mình và siêng năng rước lễ, vì “Nếu không ăn thịt và uống máu Người thì không có sự sống nơi mình” (x. Ga 6, 53). Trong bài đọc II, Thánh Phaolô trích dẫn bản văn phụng vụ về việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Qua đó, thánh nhân không những mời gọi chúng ta ăn uống Mình Máu Thánh Người mà còn phải có tâm tình chia sẻ với anh chị em xung quanh (x. 1Cr 11, 23-26).
- “Các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).
Ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Con người cần ăn uống để tiếp tục sống. Nhưng cũng có người vì ăn uống mà phải chết, đó là ăn uống phải những thực phẩm bẩn, độc hại. Thật vậy, con người trong xã hội ngày nay thay vì cho nhau ăn uống những thực phẩm sạch, họ đang cho nhau ăn uống những thực phẩm bẩn.
Hằng ngày chúng ta đối diện với biết bao nhiêu thực phẩm bẩn: gạo bẩn, cá bẩn, rau bẩn, hoa quả bẩn, kẹo bánh bẩn, thức uống bẩn…Có người nói rằng, chúng ta toàn ăn phải“Thịt lừa”: thịt lợn người ta lừa là thịt trâu, thịt bò; cá bẩn người ta lừa là cá sạch; rau bẩn người ta lừa là rau sạch… Vì ăn uống phải thực phẩm bẩn nên số lượng người bị ngộ độc ngày càng nhiều. Có người vì ăn uống phải thực phẩm bẩn nên lăn ra chết tức thì. Có người ăn phải thực phẩm bẩn nên phải mang bệnh tật, để rồi phải chết dần chết mòn. Tai hại hơn, khi con người bị nhiễm độc tố kim loại nặng thì hậu quả lại vô cùng nguy hiểm, không phải bản thân mình chết mà ảnh hưởng cả những thế hệ tương lai. Thư chung Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh năm 2016 về thảm hoạ môi trưởng biển Miền Trung khẳng định: “Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Khi con người tiêu thụ thủy sản, nước mắm, muối có nhiễm độc, các độc tố này sẽ xâm nhập và tích lũy ngày càng nhiều trong cơ thể. Đến một lúc nào đó hàm lượng độc tố này vượt ngưỡng cho phép, chúng sẽ gây bệnh tật như ung thư, tổn thương não… Và có thể gây dị dạng, quái thai cho các thế hệ sau.”
Chúng ta không chỉ đối diện với các thực phẩm bẩn, chúng ta còn phải đối diện với các phương tiện truyền thông bẩn. Sự bùng nổ các kỷ thuật thông tin, sự ra đời của các phương tiện truyền thông đang làm thay đổi xã hội và các gia đình, vì lợi ích lớn nhưng tác hại cũng không hề nhỏ. Đó là những loại hình văn hoá phi đạo đức, những văn hoá phẩm đồi truỵ, những trang giả danh Công giáo, các thông tin bịa đặt vu cáo, kết tội vô căn cứ những người dám nói lên sự thật, bênh vực cho công lý. Đài truyền hình Việt Nam đã vu khống cho Đức Tổng Giáo Mục Giuse Ngô Quang Kiệt năm 2008 vì sự góp ý chân thành của Ngài trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, và ngày 15 tháng 05 vừa qua lại một lần nữa Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục vu khống Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh, vì Ngài đã nói lên sự thật về nạn ô nhiễm môi trường biển Miền Trung.
Đứng trước những thách đố như vậy, là người kitô hữu chúng ta phải làm gì? Cho nhau ăn gì?
Con người là một bản thể có hai phần hồn xác. Về phần hồn, chúng ta hãy giúp nhau sống Lời Chúa và rước Mình Máu Thánh Người. Về phần xác, chúng ta hãy cho nhau ăn những thức ăn sạch.
Khi biết sống theo Lời Chúa và dọn mình để rước Mình Máu Thánh Người thì chắc chắn chúng ta: không phổ biến, không dùng những phương tiện truyền thông bẩn; “Cương quyết không sản xuất, chế biến ‘thực phẩm bẩn’ gây huỷ hoại sức khoẻ, tổn thương đến tính mạng đồng bào mình; từ bỏ lối phát triển kinh tế không những không bền vững mà còn huỷ hoại đến môi sinh” (Thư chung ĐGM Gp. Vinh 2016); biết ngăn chặn những người sản xuất hay buôn bán những thực phẩm bẩn; biết sản xuất, buôn bán và cho nhau ăn những thực phẩm sạch, không phải chỉ để bảo vệ mạng sống của mình mà còn cần bảo đảm sự sống cho những người xung quanh.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết loại ra khỏi cuộc sống những thực phẩm bẩn, đồng thời biết sống Lời Chúa và dọn tâm hồn trong sạch để rước Thánh Thể Chúa mỗi ngày. Amen.
Có một bữa ăn của Chúa Giêsu đã được cả bốn sách Tin Mừng ghi lại và thêm một chỗ thứ năm nữa cũng ghi lại, đó là trong thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô. Đó là bữa ăn cuối đời Ngài, bữa tiệc ly, lúc Ngài giã từ các môn đệ thân yêu để lên đường chịu khổ nạn và chết. Trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu đã làm một việc rất quan trọng: biến bánh miến thành thịt Ngài và biến rượu nho thành máu Ngài để nuôi linh hồn muôn người. Đây chính là phép Thánh Thể, là Bí tích Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Chúng ta hãy nhìn lại việc cao trọng này. Hôm ấy là ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men, là tuần lễ chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của người Do thái. Chúa Giêsu gọi Phêrô và Gioan đến và trao cho hai ông công tác dọn tiệc mừng lễ Vượt Qua. Vâng lời Ngài, hai ông đi vào thành mượn được một căn phòng rộng rãi và chuẩn bị mọi sự cần thiết cho bữa tiệc. Đến chiều ngày thứ năm, Chúa Giêsu cùng đoàn tông đồ tới đó dự tiệc, gồm những tuần rượu, những món ăn cổ truyền, xen lẫn với việc đọc các thánh vịnh. Sau khi nhắn nhủ các môn đệ nhiều điều xoay quanh vấn đề chính là hãy yêu thương nhau, rồi Chúa Giêsu cầm lấy bánh và nói trước mặt các môn đệ rằng: “Tất cả các con cầm lấy mà ăn: Này là mình Thầy”. Chúa trao cho các môn đệ cùng ăn. Rồi Chúa cầm lấy chén rượu và nói: “Tất cả các con cầm lấy mà uống: Này là chén máu Thầy”. Chúa trao cho các môn đệ cùng uống. Với những lời nói và những cử chỉ trịnh trọng đó, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể. Rồi Chúa còn truyền cho các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, tức là Chúa ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quí này để tưởng niệm đến Ngài. Như thế, trong bữa tiệc lịch sử này và cũng là thánh lễ đầu tiên do Chúa Giêsu cử hành, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và ban quyền chức linh mục cho các tông đồ.
Từ đó trở đi cho đến ngày nay và cho tới tận thế, trong thánh lễ, khi linh mục trịnh trọng lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Này là mình Thầy”, “Này là chén máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Kitô. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của lý trí loài người. Bởi vì trước và sau khi đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm bánh và rượu chưa truyền phép và đã truyền phép, chúng ta không thấy có gì khác nhau. Nhưng theo đức tin thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một đàng là một tấm bánh nhỏ bé, một chút rượu tầm thường. Vì thế, chúng ta gọi đây là một Bí tích và là một mầu nhiệm đức tin.
Để củng cố đức tin của chúng ta vào Bí tích kỳ diệu và cực thánh này, Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ tỏ tường để minh chứng cho mọi người biết trong Phép Thánh Thể có Chúa Kitô thật sự và hoàn toàn. Sau đây là hai phép lạ điển hình.
Phép lạ xảy ra ở làng Bônsênna nước Ý. Phép lạ này đã lưu lại cho chúng ta lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Có phép lạ này bởi vì Chúa muốn dẹp tan sự băn khoăn, nghi ngờ của nhiều người về sự Chúa Kitô hiện diện thật sự trong Thánh Thể. Đó là vào năm 1263, một linh mục người Đức cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Christiana đồng trinh tử đạo. Đến khi bẻ bánh thì đột nhiên bánh thánh ấy biến thành Thịt và Máu thật sự, trừ phần nhỏ linh mục cầm trong tay. Những giọt máu ở Bánh thánh chảy loang ra thấm ướt khăn thánh. Linh mục ấy gấp khăn thánh lại, nhưng gấp đến đâu máu chảy ra đến đó và in lại dung mạo Chúa Kitô rõ ràng.
Một phép lạ khác xảy ra với thánh Antôn Pađua. Có một người Do thái, tên là Bônvilô, không tin và thường nhạo báng Phép Thánh Thể. Thánh Antôn nói thế nào ông ta vẫn cứ thế. Một hôm, ngài nói với ông ta như là một cuộc thách thức: “Nếu con lừa ông cưỡi mà quì xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình trong hình bánh thì ông có tin không?”Ông ta cho là một câu nói chơi và nhận lời thách thức. Hai ngày liền, ông ta không cho lừa ăn, rồi dẫn tới chợ để có đông người chứng kiến. Giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua. Con lừa quên đói, không ngó ngàng gì đến lúa mạch, quay sang thánh Antôn quì xuống gật gật đầu thờ lạy Chúa cho đến khi thánh Antôn kiệu Mình Thánh đi. Mọi người quì xuống thờ lạy Chúa và hoan hô thánh Antôn.
Đối với chúng ta, trên lý thuyết, tất cả chúng ta đều tin Chúa Giêsu hiện diện thật trong Phép Thánh Thể, thì trong thực hành, chúng ta hãy sống đức tin đó. Xin đề nghị hai điều: Thứ nhất, mỗi khi bước vào hay bước ra nhà thờ, chúng ta hãy nghiêm trang, cung kính cúi sâu đầu để bái chào và thờ lạy Chúa. Thứ hai, mỗi khi đi dâng thánh lễ, chúng ta hãy cố gắng rước lễ và chuẩn bị cẩn thận trước khi rước lễ và cám ơn sau rước lễ, vì đó là cách hiệp dâng thánh lễ đầy đủ và tốt đẹp nhất.
Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta long trọng cử hành thánh lễ tôn kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh lễ này nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng Chúa Kitô đã và đang trao ban chính Mình Máu Ngài làm lương thực không hư nát để ban sự sống cho chúng ta, tiếp nhận chúng ta vào hiệp thông sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đồng thời thánh lễ hôm nay cũng nhắc nhớ rằng: chúng ta luôn được Thiên Chúa mời gọi hãy ra công làm việc vì của ăn không hư nát này và hãy cùng Ngài trao ban sự sống cho người khác bằng đời sống bác ái yêu thương, hy sinh phục vụ.
Chúng ta biết rằng, mọi sinh vật trong đó có con người cần thức ăn vật chất để sống, tồn tại và phát triển thân xác, con người lại còn trổi vượt hơn các loài sinh vật khác nhờ có đời sống lý trí và tinh thần. Chính đời sống lý trí và tinh thần làm cho con người ra con người và sống ngày càng ra người hơn, nhân bản hơn trong mối tương quan với người khác và vũ trụ vạn vật. Đời sống này cũng cần có lương thực phù hợp là tri thức và văn hóa. Không có tri thức và văn hóa, con người sẽ phải sống trong lạc hậu, u mê chẳng hơn con vật là mấy.
Thế nhưng, con người không chỉ có thể xác, lý trí và tinh thần, con người còn có tôn giáo, nghĩa là con người còn có đời sống niềm tin, đời sống giúp con người vươn lên những tương quan cao hơn, lớn hơn, chi phối mọi tâm tư, tình cảm và sinh hoạt đó là đời sống thông hiệp với thần minh hay Thiên Chúa. Đối với chúng ta, những người tin vào Chúa Kitô thì đời sống đức tin giúp chúng ta đi vào mầu nhiệm thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa tình yêu. Chính đời sống này không những làm cho chúng ta nên hoàn thiện mà còn hoàn thiện tốt lành như Thiên Chúa là Cha Tốt Lành trên trời, và chúng ta đến đón nhận sự sống đời đời của Thiên Chúa.
Lương thực cho đời sống này chính là Đức Kitô. Ngài là bánh bởi trời ban sự sống đời đời: Ai ăn thịt và uống máu Ngài thì có sự sống đời đời. An và uống chính mình máu Ngài sẽ không còn phải đói khát.
Chúng ta cần cơm gạo để sống, cần trau dồi tri thức và văn hóa để làm người thì chúng ta cũng cần phải tiếp nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô để sống đức tin, để nên thánh.
Cũng như mọi lương thực khác, Mình Máu Thánh Chúa tuy là hồng ân Thiên Chúa ban tặng nhưng không, nhưng Ngài vẫn mời gọi sự nỗ lực cộng tác của con người tìm kiếm và tạo tác nên lương thực cho đời sống của mình.
Tin Mừng hôm nay thuật lại, phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều không phải từ không ra có, nhưng từ năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp của con người. Cũng vậy, bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa được hiến dâng trên bàn thờ chính là hoa màu ruộng đất, sản phẩm của cây nho và lao công khó nhọc của con người. Thiên Chúa không muốn làm một mình dù Ngài có thể, nhưng Ngài muốn con người chúng ta cộng tác với Ngài. Được cộng tác với Ngài chính là hồng ân, là vai trò tuy nhỏ bé nhưng hết sức cao quí và sinh hiệu quả được dành riêng cho chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chính từ bánh, từ cá, từ đời sống của chúng ta mà Thiên Chúa đã tháp nhận vào ơn huệ Bí tích thánh Thể, làm nên Thánh Thể Đức Kitô.
Phần đóng góp công sức của chúng ta chẳng đáng là bao so với nguồn lương thực lớn lao này, tuy nhiên, không có phần của chúng ta, Bí tích Thánh Thể sẽ chỉ là ma thuật. Đức Kitô sẽ biến đổi, thánh hiến sự đóng góp nhỏ nhoi, khiêm hạ của chúng ta thành nguồn lương thực dồi dào cho mọi người.
Vì thế, chúng ta hãy nỗ lực góp phần cộng tác với Thiên Chúa. Chúng ta đóng góp không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng cần thiết hơn còn bằng chính đời sống lao động khó nhọc để phục vụ người khác; bằng chính việc chu toàn bổn phận hằng ngày của mỗi người và bằng chính đời sống yêu thương, chia sẻ bác ái.
Chúng ta cộng tác với Thiên Chúa không phải chỉ tìm kiếm lương thực cho riêng mình, nhưng còn cho anh em khác nữa. Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, Ngài cũng đồng thời mời gọi chúng ta trao ban cho người khác. Đón nhận lương thực để rồi chuyển hóa thành sự sống tình yêu. Thánh Thể phải được chuyển hóa thành năng lượng tình yêu.
Thiên Chúa không làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chỉ một mình Người có bánh hay chỉ cho các môn đệ thân tín của Ngài, nhưng là cho mọi người. Thánh Thể cũng không chỉ dành cho một ai, một số người nào đó nhưng là cho mọi tín hữu. Không phải chỉ chúng ta no đủ phần hồn phần xác mà còn phải biết chia sẻ cho anh em khác nữa. Chia sẻ ở đây không có nghĩa là đi trao Mình Chúa cho người khác, nhưng là trao chính sự sống của mình. Vì một khi đã đón nhận Thánh Thể chúng ta đón nhận chính Đức Kitô để Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Đời sống Đức Kitô là đời sống của yêu thương và hiến mình cho người khác. Đón nhận Ngài thì cũng chỉ có một đời sống như Ngài mà thôi, đó là sống cho và vì người khác trong yêu thương và phục vụ.
Nếu chỉ biết đón nhận mà không biết trao ban, không triển nở ơn thánh thì coi chừng mắc phải chứng bệnh “béo phì ân sủng”. Ngày nay, người ta sợ hội chứng béo phì vì sẽ làm tăng mỡ máu đưa tới xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, gây khốn khổ cho cuộc đời và nguy hiểm cho sinh mạng. Cho nên, phải giảm ăn thậm chí sợ ăn và tăng cường hoạt động để tiêu bớt mỡ, giảm bớt trọng lượng.
Cũng thế, nếu bị “béo phì ân sủng”sẽ có nguy cơ đưa tới xơ cứng trái tim yêu thương khiến cho không triển nở được tình yêu và sự sống của Thiên Chúa. Và lúc đó, việc tham dự thánh lễ cũng trở nên máy móc, theo thói quen nhàm chán, thậm chí ngại và sợ thánh lễ, đôi khi còn xúc phạm vì ý chẳng ngay lành. Nếu như thế, thì thật khốn cho ai ăn và uống Mình máu Thánh Chúa cách bất xứng. Nói như thánh Phaolô: “An uống như thế là ăn uống án phạt mình”chẳng lợi gì chỉ thêm nguy hại mà thôi.
Do đó, cần phải sống như Chúa: cho đi chính mình, trao ban chính sự sống mình. Lương thực Thánh Thể, nguồn sự sống phải được chuyển hóa tiêu hao thành tình yêu, thành bác ái hy sinh để cuộc sống mỗi người và mọi người luôn được no nê ân sủng, tình yêu và sự sống của Thiên Chúa.
Hãy đón nhận Thánh Thể là nguồn lương thực của đời sống Kitô hữu, là của ăn không hư nát mang lại sự sống đời đời. Hãy lao công khó nhọc vì của ăn không hư nát này và hãy cùng nhau chia sẻ của ăn ấy trong tình bác ái huynh đệ để thực sự chúng ta được sống và sống dồi dào.
Hằng ngày trong cuộc sống, để biểu lộ niềm vui người ta thường tổ chức tiệc mừng. Tiệc mừng đôi nam nữ kết hôn, tiệc mừng gia đình vừa xây xong ngôi nhà mới, tiệc mừng thi đậu… Những bữa tiệc ấy dù có vui cách mấy thì cũng đến lúc tàn. Và rồi mọi sự đâu cũng vào đấy. Có một bữa tiệc hết sức trọng đại và bền vững hơn nhiều nhưng có khi chúng ta lại không ý thức đủ. Đó là tiệc Thánh Thể. Chính Thiên Chúa là Chủ tiệc. Của ăn và thức uống chính là Thịt và Máu Chúa Giêsu.
Trong bảy Bí tích Chúa Giêsu đã lập thì Bí tích Thánh Thể là quan trọng hơn hết. Vì qua Bí tích này Thiên Chúa ban cho chúng ta chính Chúa Giêsu là nguồn mọi ơn phúc. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54 – 55). Quả thật còn gì hạnh phúc khi một Vị Chúa đã tự nguyện và tự hiến chính mình làm của nuôi cho chúng ta.
Thịt và Máu là cái gì đó thiêng liêng và cao quý nhất của sự sống. Vì yêu thương và muốn cho chúng ta luôn được ở trong tình yêu ấy nên Thiên Chúa đã ban của nuôi quý giá ấy cho chúng ta. Người luôn muốn chúng ta được sống và được sống dồi dào (Ga 10, 10). Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 56 – 57)
Hôm nay, qua đoạn Tin mừng Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi những người đi theo Người. Của ăn ấy không những đã làm cho họ hết đói mà còn no nê đến nỗi còn dư mười hai thúng. Đây là dấu chỉ cho biết những ai theo Chúa với lòng tin tưởng thật sự thì Người sẽ không để cho một ai phải thiếu thốn.
Bữa tiệc Thánh Thể được diễn ra mọi lúc mọi nơi khi Giáo hội họp nhau cử hành Thánh lễ. Giáo hội tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả con cái đều được tham dự và rước lấy của nuôi thiêng liêng quý giá ấy. Dầu vậy nhiều lúc có thể chúng ta còn viện nhiều lý do để trốn tránh. Phải chăng chúng ta giống như những người mà Chúa Giêsu đã nói tới trong dụ ngôn những người khách được mời dự tiệc xin kiếu: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn. Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu. Người khác nói: Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu. Người khác nói: Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14, 16 – 20)
Thử hỏi, đóng vai trò chủ tiệc chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi những người được mời nhất mực từ chối. Chắc chắn chủ tiệc sẽ rất buồn và thất vọng. Ở đây nơi bữa tiệc Thánh Thể không những chẳng phải hao tốn gì mà chúng ta lại được bảo đảm có sự sống đời đời nữa.
Xin Chúa Giêsu ban thêm lòng tin và cho chúng ta biết quý trọng những Bữa Tiệc Thánh Thể.
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Đức Giêsu đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để thêm sức cho những người đã theo và nghe Ngài giảng dạy. Phép lạ hoá bánh ra nhiều, là dấu chỉ của bí tích Thánh Thể sau này.
Đức Giêsu như gương mẫu
Các tông đồ nhắc nhở Đức Giêsu: “xin Thầy cho dân chúng về để họ tìm chỗ trọ quanh đây và kiếm thức ăn vì ngày đã tàn”. Dường như dân chúng ham mê nghe Đức Giêsu giảng, và chính Đức Giêsu cũng rất thích giảng dạy dân chúng đến quên cả thời gian.
Điều các tông đồ có thể làm được, là nhắc nhở Đức Giêsu về nhu cầu thể lý của con người. Và Đức Giêsu nói: “Anh em hãy cho họ ăn”. Cho dân chúng ăn, đâu phải là nhiệm vụ của các tông đồ, và cũng vượt khả năng của chính các ông: “chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Hãy bảo họ ngồi thành nhóm khoảng năm mươi người. Và Đức Giêsu đã cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời tạ ơn rồi bẻ ra trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho dân chúng. Đức Giêsu không chỉ quan tâm đến khát vọng thiêng liêng của dân chúng, nhưng Ngài còn thông cảm và để ý đến cả nhu cầu thể xác của con người nữa.
Đức Giêsu: “cầm lấy, ngước mắt lên trời, dâng lời tạ ơn…”. Những việc bình thường hằng ngày, ngay cả như “ăn uống”, Đức Giêsu cũng vẫn làm với ý thức sâu xa về Thiên Chúa. Và cũng chính thói quen này giúp hai môn đệ Emmau nhận ra Đức Giêsu. Đây là điều mỗi người cần học nơi Đức Giêsu: đối diện với thực tại, hướng lên Thiên Chúa, chúc tụng và xin Ngài giúp để biết phải làm gì và làm như thế nào trong mọi hoàn cảnh.
Đức Giêsu nuôi dưỡng con người bằng chính Mình Máu Ngài
Đức Giêsu trong đêm Ngài bị bắt, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: này là mình thầy, hiến tế vì anh em. Đức Giêsu đã bị trao nộp và bị giết vì tội con người, Ngài trở nên của ăn của uống cho con người của mọi thời đại.
Ngày xưa dân Do Thái đi trong hoang địa được nuôi bằng manna, người thời Đức Giêsu được Ngài hoá bánh ra nhiều để nuôi họ, còn ngày nay Ngài nuôi con người bằng chính thịt máu Ngài. Con người ngày nay còn hạnh phúc hơn cả con người ngày xưa và ngay cả con người thời Đức Giêsu nữa. Tuy vậy, mấy ai nhận ra diễm phúc này?
Qua bí tích Thánh Thể, con người nhận ra tình yêu vô cùng của chính Đức Giêsu đối với con người. Ngài sẵn sàng trở thành của nuôi con người, để được tan biến trong con người, để làm con người được thần hoá, được thông phần bản tính Thiên Chúa. Của ăn vật chất con người dùng, trở thành thịt máu con người; còn bí tích Thánh Thể con người dùng, làm con người được “trở nên thịt máu Đức Giêsu”, được “thánh hoá”, được thần hoá, được trở nên con Thiên Chúa.
Dâng hiến chính mình
Đức Giêsu đã dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa và cho con người qua cái chết trên thập giá và được thể hiện trước cách bí tích qua bí tích Thánh Thể. Và qua điều này Ngài mời gọi con người của mọi thời đại trở nên giống Ngài: yêu thương đến quên mình, đến dâng hiến chính mình cho con người.
Trong lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều người đã anh dũng dâng hiến chính mạng sống để làm chứng cho Chúa. Ở Việt Nam đã có cả hơn một trăm ngàn người dám chết để làm chứng cho đức tin, cho Thiên Chúa. Các thánh và chân phước tử đạo là nhân chứng hùng hồn cho tình yêu Thiên Chúa và con người.
Những người dâng mình cho Chúa, cũng là những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Ơn gọi không khởi đầu với con người và cũng không được kết thúc bởi con người. Chính Thiên Chúa là sáng kiến của mọi ơn gọi và đặc biệt của ơn gọi dâng hiến; cũng chính Thiên Chúa là Đấng bảo vệ và phát triển ơn gọi dâng hiến. Ơn gọi dâng hiến là ơn gọi của tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Tình yêu không triển nở, sẽ bị chết. Mỗi người sống đời dâng hiến hãy luôn cầu xin, để tình yêu của họ với Thiên Chúa và con người luôn phát triển. “Xin Chúa làm cho con yêu Chúa và yêu con người”.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Bí tích và phép lạ khác nhau như thế nào?
- Bạn có năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể không? Tại sao?
- Xin bạn chia sẻ tâm tình và kinh nghiệm thiêng liêng của bạn với Đức Giêsu nơi bí tích Thánh Thể.
(Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm – Góp nhặt và biên tập)
Tối thứ bảy, 2-6-2012, 350 ngàn người thuộc các gia đình năm châu đã tham dự lễ hội chứng từ do Đức Thánh Cha Benedicto chủ tọa bắt đầu từ lúc 8 giờ rưỡi tại Công viên Bresso ở mạn bắc Milano, Italia.
Trong lễ hội này, dưới bầu trời dịu mát, đã có phần trình bày chứng từ, xen lẫn 5 câu hỏi được nêu lên với các câu trả lời ứng khẩu của Đức Thánh Cha và các bài ca điệu vũ được trình diễn.
Mở đầu, bé gái Cát Tiên 7 tuổi, trong chiếc áo dài màu đỏ, đầu đội khăn đóng, cầm bó hoa đến cắm trước ảnh Thánh Gia, và em tiến đến trước Đức Thánh Cha để chào ngài và nói (bằng tiếng Anh):
”Con chào Đức Giáo Hoàng, con là Cát Tiên, con đến từ Việt Nam. Năm nay con 7 tuổi và con muốn giới thiệu với Đức Giáo Hoàng gia đình con: đó là ba con tên là Đang, và mẹ con tên là Thảo, và đó là em con tên là Bình. Con rất muốn biết về gia đình Đức Giáo Hoàng và hồi đức thánh cha còn bé như con..
”Cám ơn con rất yêu quí, và cha mẹ con.. Cha chân thành cám ơn. Con hỏi cha kỷ niệm về gia đình cha như thế nào: có nhiều lắm. Cha chỉ muốn nói ít điều. Đối với gia đình cha, điều rất quan trọng là Chúa nhật, và Chúa nhật thì bắt đầu ngay từ chiều thứ bẩy. Ba của cha vẫn đọc cho con cái các bài đọc của ngày lễ Chúa nhật, rút từ cuốn sách rất phổ biến bấy giờ ở Đức, trong đó cũng có những giải thích về các bài đọc. Và thế là Chúa nhật bắt đầu: gia đình cha đã bước vào phụng vụ trong một bầu không khí vui mừng. Ngày hôm sau, cả gia đình cha đi lễ.
“Và trong gia đình thì dĩ nhiên điều quan trọng là dùng bữa chung với nhau. Trong gia đình cha vẫn thường ca hát nhiều: anh của cha là một nhạc sĩ giỏi, sáng tác nhạc ngay từ nhỏ cho cả gia đình, và cả nhà cha đều hát.
“Và dĩ nhiên là gia đình cha cũng đi chung với nhau, đi bộ; nhà cha gần một khu rừng và vì thế đi bộ trong rừng là điều rất tốt: có những cuộc phiêu lưu và các trò chơi nữa, cùng những thứ khác.
“Thú thực là khi cha tìm cách tưởng tượng xem thiên đàng như thế nào, cha luôn hình dung ra thời cha còn trẻ, thời niên thiếu của cha. Trong khung cảnh tín thác, vui mừng và yêu thương như thế, gia đình cha thật là hạnh phúc và cha nghĩ rằng thiên đàng cũng giống như trong thời niên thiếu của cha. Theo nghĩa đó, cha hy vọng được ‘đi về nhà’, đi sang phần bên kia của thế giới.”
Trong 4 điểm trên ta sẽ nhắc lại 2 điểm và dừng lại chỉ 1 điểm thôi, phù hợp với lễ Mình Máu Chúa hôm nay.
- Điểm 1 là cầu nguyện chung. Linh mục Pê-tanh đã nói: “Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau thì sẽ sống hợp nhất với nhau”. Việc cầu nguyện chung trong gia đình sẽ củng cố mối dây hợp nhất mọi thành phần với nhau mỗi ngày một thêm bền chặt. Đi lễ chung cũng là một cách cầu nguyện chung.
- Ngoài việc cầu nguyện chung trong gia đình, cha Gioan Tô-mát, dòng Tên đã nhấn mạnh một khía cạnh khác, cũng quan trọng không kém, đó là việc dùng cơm chung với nhau thì sẽ sống hợp nhất với nhau.
Bữa ăn chung trong gia đình có một tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của nó mà ngày nay nhiều người đã bỏ quên hoặc không quan tâm cho đủ. Bữa ăn chung trong gia đình làm cho mọi thành phần vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em được hợp nhất với nhau, được dịp chia sẻ những niềm vui, những quan tâm lo lắng của nhau.
“Một gia đình dùng bữa chung với nhau sẽ sống hợp nhất với nhau”, lý tưởng là như thế, nhưng không phải tất cả mọi người, mọi gia đình ngày nay đều có thể thực hiện được lý tưởng cao đẹp này. Nhiều gia đình đã bỏ mất dịp tốt này, mỗi người vội vàng lo cho mình có chút gì vào bụng rồi mau chóng đi lo công việc riêng, mỗi người không còn xếp đặt công việc để có thể tham dự bữa cơm chung trong gia đình nữa
Cha mẹ lo làm việc, xếp đặt đời sống chạy theo công việc nên không còn quan tâm đến việc ăn cơm chung với con cái; phần con cái bận việc với bạn bè hay công việc riêng của mình nên cũng chẳng màng chi đến bữa cơm chung. Mỗi người trong gia đình đều có lý do riêng để không ăn cơm chung với nhau, nhiều gia đình ngày nay tan vỡ có lẽ vì hai lý do: không cầu nguyện chung với nhau và không ăn cơm chung với nhau (ít là 1 bữa trong ngày). Chúng ta hãy nhìn lại gia đình mình và kiểm điểm theo hai nguyên tắc căn bản trên: cầu nguyện chung và dùng cơm chung.
Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể trong một bữa ăn chung. Chắc chắn Ngài đã từng ăn chung nhiều lần với các môn đệ: những lúc đó đủ diễn tả tình bằng hữu rồi ; giây phút cuối tại sao Ngài không lên đền thờ hoặc đến núi cao để lập bí tích Thánh Thể, mà lại cũng là trong một bữa ăn chung.
Chính vì thế thánh Gioan đã viết: “Ngài đã yêu thương các môn đệ của Ngài và đã yêu thương họ đến cùng”. Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu thương đến tột bực. Tột bực tình yêu của Ngài ở đây là việc lập Thánh Thể. Thực vậy, Chúa Giêsu đã ghi dấu đặc biệt của Ngài nơi bữa tiệc này, để từ nay Ngài trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa chúng ta với Ngài và giữa chúng ta với nhau.
Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Chúa Giêsu vừa báo trước cho các môn đệ là Ngài sẽ giã từ thế gian để về cùng Cha. Ngài sẽ phải xa cách họ luôn sao? Không, trong tình yêu thương, Ngài đã tìm ra một phương thế để ở lại với các môn đệ và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Phương thế tuyệt diệu đó là Bí tích Thánh Thể, nhờ đó Ngài hiện diện thực sự và trải dài sự hiện diện đó đến tận cùng thời gian qua mọi người để ban cho họ những điều tốt lành.
Con người ta ai lại chẳng cần ăn để sống, và khi ăn, ta nhớ tới Chúa Kitô hiện diện, bởi Ngài trở thành của ăn cho chúng ta.
Ta nhớ là khi sống lại, Chúa vẫn ăn: “Có gì ăn không,” họ đưa cho Ngài khúc cá nướng, Ngài ăn trước mặt họ.
Chính trong bữa ăn mà 2 môn đồ trên đường Emmaus nhận ra Chúa. Lúc hiện ra trên bờ hồ Tiberiad, Chúa cũng dọn sẵn bữa ăn cho các ông.
Trong một gia đình kia, vào mỗi chiều thứ tư sau khi người mẹ đi vắng nhà một chút trở về thì đứa con trai được mẹ đem về cho một cái bánh. Đây là chuyện bình thường đối với em trong vài lần đầu. Nhưng qua nhiều lần như thế em lấy làm lạ. Em quyết định tìm hiểu. Chiều thứ tư nọ, sau khi mẹ ra khỏi nhà, em liền lén đi theo sau. Thì ra mẹ đến Nhà thờ để họp mặt các bà mẹ Công giáo trong họ đạo. Quan sát từ xa, em thấy đến giờ giải lao mỗi bà mẹ được phát cho một cái bánh và một chai nước. Các bà mẹ khác thì vô tư thưởng thức phần của mình. Chỉ riêng mẹ của em sau khi nhìn qua nhìn lại bà vội để cái bánh vào giỏ và chỉ ngồi uống nước.
Lúc ấy, em đã hiểu vì sao mình có được cái bánh vào mỗi chiều thứ tư. Em quay về nhà và cũng như bao ngày khác ngồi chờ mẹ về. Tuy nhiên, tâm trạng của em không còn như trước nữa. Càng nghĩ đến hình ảnh thấy về mẹ bao nhiêu thì em càng cảm thấy thương mẹ bấy nhiêu.
Và người mẹ cũng đã trở về. Em cũng vui vẻ nhận bánh như bao ngày thứ tư khác. Đưa bánh cho con, người mẹ vào nhà tiếp tục công việc của mình. Bà đâu hay biết chuyện gì đã xảy ra với con mình. Em cầm cái bánh hết sức nâng niu và ra góc nhà đứng ăn trong nước mắt vì cảm thấy quá hạnh phúc.
Phải chăng hình ảnh người mẹ này phần nào giúp ta hiểu sâu hơn về tình thương mà Chúa Giêsu muốn dành cho chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích cao quý này, Người muốn ở lại với chúng ta một cách trọn vẹn và lâu bền hơn.
Bí tích Thánh Thể là một Hy Tế và là một bữa ăn. Trong chuỗi ba năm về chủ đề gia đình của Hội Thánh Việt Nam, chúng ta đang sống “Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”: Ước gì các gia đình, nhất là các gia đình gặp khó khăn biết tái lập lại việc đi lễ Chúa nhật chung với nhau để dự “Bữa ăn của Chúa”; và về gia đình, có những bữa ăn chung với nhau, không hằng ngày được, thì chí ít, hằng tuần. Được như thế, chắc chắn gia đình sẽ bớt và hết khó khăn để được sống hạnh phúc trong bàn tiệc Nước Chúa. Amen.
51. Bữa tối trọng nhất – Gm Arthur Tonne
Trong Bang Georgia, giữa công viên đại học và Fairburn có nhiều vườn cỏ với những đài kỷ niệm danh tiếng. Đài kỷ niệm nổi nhất là bức điêu khắc bữa tối sau cùng bằng cẩm thạch khổng lồ dài 20 Feef, cao 7 Feef khắc vào một tấm cẩm thạch nặng 60 tấn.
Chúa Giêsu và các tông đồ được khắc bằng cỡ người thật, nhà điêu khắc Bern Zuckerman cố diễn tả từng chi tiết như móng tay, gân cổ của các tông đồ và thức ăn trên bàn. Ông mất ba năm để diễn tả những gì xảy ra trong chiều thứ năm Thánh đầu tiên ấy. Bức điêu khắc này lấy mẫu của Bức hoạ lừng danh của Leonard de Vinci Bức hoạ về bữa tiệc ly chúng ta thường thấy trong nhiều nhà thờ, trên tường hay trên kính cửa sổ.
Tại sao chúng ta kính nhớ bữa tiệc ly vào lúc này trong năm? Chúng ta đã chẳng kỷ nịêm bữa tiệc ly vào ngày thứ năm tuần thánh để nhớ bữa tiệc đó xảy ra lúc nào đó sao? Vâng, nhưng ngày thứ năm trong tuần thánh thì trang trọng và u buồn. Gia đình Chúa muốn Tôn kính biến cố rất quan trọng với một ngày lễ đặc biệt và vui mừng vào một ngày chủ nhật để tất cả chúng ta có thể tham dự.
Đêm trước khi Chúa Giêsu chịu chết, Chúa đã nói lời này: “Đây là Mình Ta. Đây là Máu Ta” và lần đầu tiên, con người được rước lễ. Rồi sau đó Chúa Giêsu nói với các tông đồ và tất cả chúng ta rằng chính thân thể ấy sẽ bị treo trên thập giá vào ngày hôm sau, chính Máu đó sẽ chảy ra từ các vết thương. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta’. Nói cách khác hãy làm để nhớ cái chết của Ta.
Thánh Phaolô viết trong thơ Côrintô… Hãy làm việc này… để nhớ đến Ta. Nên mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan báo sự chết của Chúa cho tới ngày Người đến”.
Trong thánh lễ, chúng ta những công giáo, làm điều Chúa Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly, chúng ta diễn tả, chúng ta công bố sự chết của Chúa như người đã truyền dạy, chúng ta thật sự làm sống động bữa ăn tối sau cùng và sự chết của Chúa vào ngày kế tiếp.
Một kỷ niệm là một cái gì đó giúp ta nhớ về một người hay một biến cố nào đó. Nó có thể là một việc làm, một đài kỷ niệm, một lưu bút v..v… ngày Thứ Năm thọ nạn, Chúa Giêsu đã minh nhiên khởi đầu một việc làm để nhắc nhở và lưu niệm sự chết của Người qua mọi thời đại.
Đài kỷ niệm lớn nhất thế giới như ở Georgia, Bức tranh vĩ đại nhất thế giới như của Vinci. Thật sự cũng quá nhỏ bé so với bữa tối trọng nhất mà chúng ta làm sống lại trong thánh lễ này. Đó là chân lý quí giá chúng ta cử hành trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Vì tình yêu, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta chính Ngài, vì tình yêu chúng ta tiếp nhận Ngài.
Xin Chúa chúc lành bạn. Amen.
52. Lương thực trường sinh – AM Trần Bình An
“Tôi muốn con tôi sống” đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu? Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.
Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: “Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước”. Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: “Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm”. Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa… Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: “Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”. (Vietnamese Missionaries in Asia, Tôi Muốn Con Tôi Sống)
Trình thuật Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, ý nghĩa Thánh Thể được diễn tả khái quát, qua sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ, với 5 chiếc bánh và 2 con cá, phục vụ cho 5 ngàn đàn ông, không kể trẻ em và phụ nữ. Mọi người đều ăn, và ai nầy đều no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng. (Lc 9, 17)
Hy tế hằng ngày
Hiện nay, hằng ngày mầu nhiệm Thánh Thể vẫn tiếp tục được tôn vinh và cử hành trong các thánh đường trên toàn thế giới. Tình Yêu Thiên Chúa vẫn tràn đầy, phong phú như sương sa, vẫn dưỡng nuôi các linh hồn đang khao khát, thiếu thốn, mệt nhọc, trên Đường Hy Vọng.
Cuộc hy tế của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, xóa tội trần gian, vẫn còn tiếp tục tái hiện qua Thánh Lễ. Công cuộc cứu độ của Chúa vẫn tiếp diễn cho đến tận thế. Nhưng đáng tiếc, bây giờ khuynh hướng tục hóa lan tràn, khiến cho nhiều con chiên ngoảnh mặt làm ngơ, lầm tưởng mầu nhiệm Thánh Thể chỉ như một nghi thức hoài cổ, kỷ niệm nào đó, chẳng hề liên quan đến họ.
Năm 1263, một linh mục người Đức cử hành Thánh Lễ ở nhà thờ kính Thánh Christiana. Lúc bẻ bánh, đột nhiên, linh mục thấy Mình Thánh không còn là hình bánh, mà đã biến thành Thịt và Máu thực. Những giọt máu loang ra thấm ướt tấm khăn Thánh trên bàn thờ. Linh mục vội gấp khăn lại, nhưng gấp tới đâu, máu thấm ra tới đó, máu thấm qua 25 lần vải. Vị linh mục vừa cảm động vừa sợ hãi đến mức không tiếp tục Thánh Lễ được.
Ngài tới yết kiến Đức Giáo Hoàng Urbanô và kể lại sự kiện ấy. Đức Giáo Hoàng sai một Giám Mục đến rước Mình Thánh cùng tấm khăn đẫm máu về Tòa Thánh đặt ở nhà thờ chánh tòa cho giáo dân thờ kính. Năm sau, (1264) vào ngày mồng 8 tháng 9, Người ra sắc dụ lập lễ kính Thánh Thể trong toàn Giáo Hội như chúng ta mừng kính hôm nay. (Noel Quesson, Đây là Mình Thầy)
Lương thực trường sinh
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn và chết nhục nhã, đau đớn trên thập giá, Chúa Giêsu đã lập Giao Ước Mới bằng cách hy tế chính thân mình. Người không tế lễ bằng chiên, bò như giao ước cũ. Người hiến tế chính thân mình để gánh tội lỗi trần gian, giải thoát con người khỏi quyền lực ma quỷ, để giao hòa với Thiên Chúa. Như thế, con người mới hy vọng sống muôn đời. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, Chính là thịt tôi đây, Để cho thế gian được sống.” (Ga 6: 51)
Mỗi khi đón rước Thánh Thể, chúng ta được vinh dự đón Chúa Giêsu ngự vào mình. Người thánh hóa bản thân chúng ta, liên kết chúng ta chặt chẽ với Thiên Chúa. Người ban muôn ân sủng, an ủi, dưỡng nuôi linh hồn và thân xác, cùng ban sự sống muôn đời. “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy.”(Ga 6,56 )
Trong bữa tiệc ly, Đức Kitô cho biết Người sẽ đổ máu ra để cứu rỗi toàn thể nhân loại, khi Người cầm chén rượu và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội.” (Mt 26, 27-28)
Hiệp thông và chia sẻ
Năm chiếc bánh và hai con cá được Chúa Giêsu cầm lên dâng lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, rồi trao cho các môn đệ phân phát cho dân. Tất cả mọi người đều được no đủ và dư thừa.
Nhưng mầu nhiệm Thánh Thể còn cao sang gấp bội. Chính Chúa Giêsu trở nên của ăn thiêng liêng, cho phép chúng ta cùng hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân.
Nhờ lương thực Thánh Thể, chúng ta trở nên như Người và Người trở nên chúng ta. Như thế, chúng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Đồng thời, tất cả tín hữu Kitô khi đón rước Người đều trở nên anh chị em của nhau
Trước đây, dân chúng được chia sẻ cùng năm chiếc bánh và hai con cá trong tình bằng hữu. Nay được chia sẻ mầu nhiệm Thánh Thể, mọi người cũng đều được ăn uống trong tình huynh đệ, như hai môn đệ Emmaus, đã nhận ra Chúa Phục Sinh chính vào lúc Người: “cầm lấy bánh chúc tụng, đoạn bẻ ra trao cho hai ông…” (Lc 24,30-31).
Trong Anh ngữ, từ “companionship” (tình bằng hữu) có nguồn gốc từ La tinh “Cum Panis,” nghĩa là cùng chia sẻ bánh cho nhau. Chỉ là bạn hữu thân thiết mới chia nhau của ăn. Có lẽ từ đó bắt nguồn từ sự kiện Chúa Phục Sinh, chia sẻ tấm bánh với hai môn đệ Emmaus kể trên.
Cho và đền đáp mới duy trì mối tương quan tốt đẹp. Vậy, chúng ta lấy gì đáp lại Chúa Thánh Thể? Nếu không phải dâng lên những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn, cực nhọc, những vất vả lo toan, ưu tư, hy vọng và cả những tội lỗi, yếu đuối vấp phạm.
Hiến dâng lên tất cả những gì chúng ta có, dù chẳng tốt đẹp, chẳng xứng đáng, mà còn tầm thường, thậm chí bất xứng nữa. Chú bé trong Tin Mừng đã dâng lên Chúa Giêsu tất cả lương thực chú đem theo, gồm 5 tấm bánh và 2 con cá mộc mạc và dân dã. Chúa vẫn hân hoan vui vẻ tiếp nhận và thánh hóa.
Tóm lại, chúng ta dâng lên tất cả những gì chúng ta có trong đời thường, tựa như hy lễ hiến dâng lên Thiên Chúa, như dấu chỉ tình yêu đáp trả Đấng đã yêu thương cứu chuộc chúng ta khỏi sự chết đời đời.
Như thế, chúng ta không thể thờ ơ với Bàn Tiệc Thánh. Bàn tiệc duy nhất cao quý vô cùng trên thế gian. Cố gắng thu xếp, từ bỏ hết các rào cản do công việc, hay thú vui, để hân hoan và nhiệt thành tham dự Thánh Lễ. Nhất là sốt sắng Rước Lễ mỗi khi có thể, đề đến đáp tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.
Rước Chúa vào lòng là thắt chặt mối liên kết hòa giải với Thiên Chúa, đồng thời hòa giải với anh chị em trong cuộc sống thường nhật mới thật sự có ý nghĩa và chân thành đồng hành với Chúa.
Khi chúng ta hy sinh, tha thứ và bác ái với tha nhân chính là lúc chúng ta nhìn thấy Chúa trong anh chị em, là lúc chúng ta đem mầu nhiệm Thánh Thể vào đời, vào ngay môi trường đang sống.
Mặt khác, những hy sinh, đau khổ chúng ta vui lòng chịu vì người khác sẽ là những lễ vật chân thật, đơn sơ, mộc mạc của cuộc đời, chúng ta dâng tiến Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban muôn hồng phúc cho các Linh mục, đã hiệp thông tái hiện mầu nhiệm Thánh Thể, để cho đàn chiên được sống, và sống dồi dào. Xin Chúa ban cho con tình yêu nồng nhiệt với Thánh Thể, để con được hòa giải với Thiên Chúa và với tha nhân.
Lạy Mẹ Maria, con tri ân Mẹ đã “Xin Vâng,” đón nhận, cưu mang Chúa Giêsu trong cung lòng. Nay con cũng được vinh dự đón rước Chúa. Xin dạy con biết cảm tạ, tri ân và tôn vinh Thánh Thể. Nhờ Tiệc Thánh, xin cho con được hiệp nhất với Chúa và với mọi người. Amen.
53. Thánh Thể – Bí Tích tình yêu.
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Phúc Âm kể lại: Đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn,bẻ ra trao cho các môn đệ và nói:Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26-29; Lc 22,14-20). Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chúa dặn dò các môn đệ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Tiệc Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.
Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.
Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.
Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa.Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô.Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô,Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá.Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần,tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội.Thánh Thể làm nên Giáo Hội.Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh là thân mình Đức Kitô (1 Cr 10,17).
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể.
Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô khi Linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà Linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như Linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của Linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách”giữa Linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép, bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là Linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc Linh mục Truyền Phép:
“Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”(Kinh Nguyện Thánh Thể II).
“Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con”(Kinh Nguyện Thánh Thể III).
“Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18,20).Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: “Ta đói các ngươi cho ăn,Ta khát các ngươi cho uống …”(Mt 25,35-36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi Linh mục đọc Lời Truyền Phép. (x.Tặng phẩm Thần Linh, Đức Cha Bùi Văn Đọc)
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. Thiên Chúa đã yêu thế gian nổi ban chính Con Một (Ga 3,16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.
Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng laị là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người.Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.
Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
54. Thánh Thể là trung tâm đời sống Kitô hữu
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng nói rằng: Tôi mơ ước Tòa Thánh, cùng với tất cả các cơ quan của mình, như một bánh thánh lớn, một chiếc bánh duy nhất được dâng hiến trong hy tế thiêng liêng, giữa lòng Giáo hội như một nhà Tiệc ly rộng lớn…
Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần tôi được dịp giang tay đóng đanh chính mình vào Thập giá với Chúa Giêsu, cùng cạn chén đắng với Ngài…
“Con muốn hỏi: Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả? Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá”
Dù thiếu tất cả, dù mất tất cả, nhưng còn Thánh Thể là còn tất cả vì con có Chúa Thiên Đàng dưới đất… (Trích Bài Thuyết Trình tại Đại Hội Thánh Thể thế giới, MEXICO 2004).
Phép Thánh Thể là trung tâm đời sống phụng vụ chung của Giáo Hội, trong đời sống toàn thể Giáo Hội và trong đời sống mỗi tín hữu Chúa Kitô.
Nhiệm Tích Thánh Thể có vị thế nào trong một ngày của bạn? trong một tuần bảy ngày của bạn? Mỗi người chúng ta đều có thể đặt cho mình câu hỏi này.
Nếu tôi tham dự Thánh Lễ hằng ngày, tôi có thành tâm cố gắng tham dự không?
Tôi có coi Thánh Lễ là thời khắc tối thượng trong ngày của tôi không? Để thờ phượng Thiên Chúa, để tôn vinh sự cao cả của Ngài, để dâng lên Ngài lời chúc tụng và tạ ơn; xin Ngài tha thứ mọi tội lỗi của tôi và của người khác không?
Tôi có coi Hy Lễ Thánh Thể là cơ hội vô cùng cao quí để hiến dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha, và học dâng hiến bản thân tôi nhờ Chúa Kitô không?
Thánh Lễ hằng ngày có được tôi coi là một biến cố sung mãn của phụng vụ mà trong đó tôi dâng lên Thiên Chúa toàn thể ngày giờ của tôi, với những vui buồn, những dự liệu, những thành công và thất vọng không?
Tôi có mong gặp Chúa Giêsu khi Hiệp Lễ không? Ngài đã mời chúng ta đến với Ngài: “Anh chị em hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh chị em, vì rời khỏi Thầy anh chị em không làm được gì cả.” Hiển nhiên Ngài muốn ở với chúng ta: “Nếu anh chị em không ăn thịt Con Người và uống máu Con Người thì anh chị em không có sự sống nơi mình.” Và Ngài bảo đảm với chúng ta: “Bất cứ người nào ăn thịt của Thầy và uống máu của Thầy thì người ấy sống trong Thầy và Thầy sống trong người ấy.” Được rước Chúa Giêsu mọi ngày suốt cuộc hành trình trần thế của chúng ta không phải là điều tuyệt vời lạ lùng sao?…
Thay vì than khóc những khó khăn của chúng ta thì chính trong Thánh Lễ là lúc chúng ta dâng những khó khăn đó lên Thiên Chúa. Chúng ta dâng lên Ngài những đau đớn và nhức nhối, những bệnh tật của mình. Chúng ta càng lớn tuổi thì những đau đớn càng nhiều. Nếu không phải là đầu gối thì vai, nếu không phải vai thì cổ, và nếu không phải cổ thì lưng. Chúng ta nhìn nhận rằng ở tuổi bảy mươi thì chúng ta không còn tráng kiện như khi chúng ta hai mươi lăm tuổi, chúng ta càng sớm nhận ra điều này càng tốt.
Chúng ta đến với Thánh Lễ và nhờ Chúa Giêsu chúng ta dâng thực tại đó lên Thiên Chúa. Cả tuổi tác, cả những khó khăn trong gia đình, những hoàn cảnh đau khổ do hành động của người khác gây ra, những đau đầu vì chính trị, vì thiếu an ninh và vắng bóng hòa bình.
Chúng ta cũng dâng lên Thiên Chúa những điều chúng ta hoạch định và hy vọng, học hỏi nghiên cứu và dự phóng tương lai, những lo lắng, những công việc nghề nghiệp, những hoạt động cho cộng đồng Giáo Hội, cả những ước mơ cải đổi thế giới này nên tốt hơn cho tất cả mọi người.
Thánh Lễ cũng là thời gian vui mừng, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những niềm vui hân hoan, sức khỏe, gia đình thuận hòa, thành công về học hỏi nghiên cứu hoặc nghề nghiệp, đời sống gia đình hạnh phúc, bạn bè thân thuộc, và những niềm vui âm thầm khi thấy kế hoạch của chúng ta thành công, khi nhìn những nụ cười tươi trên mặt con cái và cháu chắt chúng ta.
Chúng ta dâng hết tất cả mọi điều đó lên Thiên Chúa. Cùng với bánh và rượu mà chúng ta tiến dâng trong phần Dâng Lễ, chúng ta dâng lên Thiên Chúa toàn thể bản thân chúng ta. Nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, chúng ta nài xin Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên của lễ đáng được chấp nhận trước mắt Ngài…
Một ngày rồi phải đến lúc tàn. Cho dù ngày đó bắt đầu với ánh bình minh rực rỡ, cũng phải tới lúc hoàng hôn. Cuộc đời chúng ta cũng vậy. Ước chi chúng ta sống tới 200 tuổi, dầu chúng ta đều biết chẳng ai muốn trường thọ như thế. Sẽ đến lúc bóng chiều cuộc đời thấp thoáng ngoài cửa. Những dấu chỉ bắt đầu tăng thêm cho thấy lúc chấm dứt cuộc sống trần thế của chúng ta không còn xa. Sức khỏe suy giảm dần. Xương cốt bắt đầu đau. Cử động mỗi ngày mỗi chậm chạp. Chúng ta cũng bắt đầu quên lãng. Một thứ bệnh tật nào đó phát hiện. Khi bệnh này khỏi thì lại nảy ra bệnh khác. Tóm lại, buổi chiều, hoàng hôn, chập choạng tối, mặt trời lặn của cuộc lữ thứ trần gian của chúng ta bắt đầu lộ diện. Suốt cuộc đời, bắt đầu từ thuở niên thiếu và trong lúc tuổi già, Phép Thánh Thể phải là trung tâm đời sống Kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu ban cho chúng ta hy lễ và các nhiệm tích của Ngài. Giáo Hội rất quí trọng việc tông đồ của các linh mục tuyên úy bệnh viện, các ngài cử hành Thánh Lễ cho bệnh nhân tại bệnh viện hoặc tại gia cho các vị cao niên, và đem Mình Thánh Chúa đến cho họ. Công việc của các ngài rất quan trọng. Người bệnh hoặc cao niên tại gia cũng được an ủi qua việc rước Thánh Thể Chúa đến với họ. Những vị làm công việc tông đồ này hằng ngày thực hiện công việc hết sức cao quí. Người cận kề giờ chết rước Mình Thánh Chúa như Của Ăn Đàng để được Chúa tăng thêm sức và đồng hành trên đường về nơi vĩnh hằng, cuộc hành trình vô cùng quan trọng mà chúng ta đều phải đi. Thánh Ignatius of Antioch gọi Phép Thánh Thể là “linh dược của sự bất tử.”
Khi một Kitô hữu qua đời, điều tối quan trọng mà chúng ta có thể làm cho người đó là dâng hy tế Thánh Lễ. Việc đó quan trọng hơn, có giá trị hơn bông hoa và mộ bia, mặc dầu bông hoa và mộ bia đều không có gì sai trái. Nhưng Thánh Lễ thì quí giá vô cùng cho người quá cố. Thánh Lễ cũng là điểm chính yếu của việc cử hành tang lễ của một Kitô hữu. Và sau tang lễ, chúng ta tiếp tục dâng hy tế Thánh Thể cầu nguyện cho những thân yêu đã ly trần, để nếu các người đó còn ở nơi Luyện Ngục, thì họ sớm được hưởng ánh sáng và bình an của Chúa Kitô. Còn nếu họ đã tới thiên đàng rồi, thì Thiên Chúa ban ân phước của Thánh Lễ, chúng ta dâng để cầu cho các linh hồn đó, cho chính chúng ta hoặc cho những người khác. Vì thế chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho những người thân yêu và xin dâng Thánh Lễ cho họ cho dù chúng ta nghĩ rằng những người đó đã sống tốt lành. (Trích Bài giảng của Đức Hồng Y Francis Arinze).
Nhiệm Tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Kitô hữu chúng ta. Câu hỏi là chúng ta có quí trọng và sống chân lý này cao độ hay không?
Ông Effie Cordeiro chia sẽ kinh nghiệm sống Thánh Lễ thật tuyệt vời.
Tôi, Effie Cordeiro, 46 tuổi. Gia đình tôi sống nơi vùng phụ cận thành phố ở Québec nước Canada. Mỗi ngày tôi đều đặn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Thánh Lễ trở thành nguồn ơn vô giá đối với tôi sau khi tôi được hồng phúc nghe bài giảng trong Thánh Lễ có các Em Bé rước lễ lần đầu. Thánh Lễ cử hành tại nhà thờ Thánh Luca. Vị chủ tế và giảng thuyết hôm ấy là Cha Roger Martineau. Cha đặc biệt nói với các Trẻ rước lễ lần đầu:
– Khi các con dùng bữa các con ăn thịt, rau, cá, trứng v.v. Các thức ăn sau đó trở thành máu nuôi sống các con. Cũng giống như thế, lúc các con ăn, hay nói đúng hơn, lúc các con nhận lãnh Đức Chúa GIÊSU khi các con chịu lễ, các con trở thành phần tử của Ngài. Điều này không thể minh chứng bằng khoa học, nhưng sự thật là như thế. Mỗi khi các con tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa với trọn lòng tin, các con được biến đổi trong Đức Chúa GIÊSU KITÔ cho tới một ngày, Đức Chúa GIÊSU thật sự tỏ lộ qua lối cư xử của các con, qua lời các con nói và qua chính cuộc sống của các con.
Lời giải thích của Cha Roger Martineau gây xúc động sâu xa nơi tâm lòng tôi. Tôi làm theo lời khuyên của ngài. Tôi tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Kể từ đó, cuộc đời tôi hoàn toàn biến đổi. Tôi thay đổi trong lối phản ứng trước các sự việc. Tôi thay đổi trong cách thức tiếp nhận và giao tế với người khác. Tôi cũng thay đổi trong lề lối giải quyết các vấn đề. Nói tóm lại, trước mỗi khi làm việc gì, nói lời nào, giao tế với ai và giải quyết vấn đề quan trọng nào, tôi đều cầu nguyện cùng Đức Chúa GIÊSU. Tôi xin Ngài soi sáng cho tôi biết phải hành xử như thế nào cho đúng tư cách là tín hữu Công Giáo. Và Đức Chúa GIÊSU luôn luôn đáp lời tôi cầu xin. Ngài đích thật là sức mạnh, là niềm vui và là gương mẫu cuộc sống của tôi. Đức Chúa GIÊSU là Bạn Chí Thân dấu ái nhất đời tôi.
Nhờ sống kinh nghiệm sâu xa trên đây tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi được may mắn là tín hữu Công Giáo. Tôi cũng được ưu đãi vì sống gần nhà thờ Công Giáo có Linh Mục dâng Thánh Lễ mỗi ngày. Nhờ thế tôi được diễm phúc xem lễ và rước lễ mỗi ngày.
Tôi còn được may mắn dành trọn thời giờ trong ngày để phụng sự THIÊN CHÚA với tư cách là thư ký của giáo xứ. Văn phòng giáo xứ chỉ cách nhà thờ vài chục thước. Trước khi bắt tay vào việc hoặc lúc rãnh rỗi tôi ghé vào nhà thờ, đến trước Nhà Tạm và thờ lạy Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể đang ẩn mình trong Nhà Tạm. Đối với những may mắn vừa kể, tôi cảm thấy đời tôi quả nhận lãnh nhiều hồng ân. THIÊN CHÚA cư xử thật nhân hậu đối với tôi. Suốt đời tôi mãi mãi tri ân Ngài.
Còn một hồng phúc khác tôi muốn viết ra nơi đây. Đó là sự kiện tham dự Thánh Lễ mỗi ngày nối kết tất cả các tín hữu Công Giáo lại với nhau. Chúng tôi chú ý tới những người tham dự thánh lễ thường xuyên và có thói quen ngồi chỗ nhất định. Vì thế khi chỗ ngồi vắng bóng, chúng tôi liền nhớ đến và cầu nguyện cho người vắng mặt. Xin THIÊN CHÚA chúc lành và gìn giữ họ cùng gia đình họ. Hoặc khi chúng tôi nhận thấy có người đến tham dự Thánh Lễ với nét mặt âu sầu phiền não, chúng tôi đoán họ có chuyện buồn. Chúng tôi kín đáo cầu nguyện cách riêng cho họ. Và khi hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hỏi thăm và san sẻ nỗi buồn của họ. Vâng, đúng thế. Bí tích Thánh Thể nối kết tất cả lại với nhau. Chúng tôi có cùng tâm tình vì chúng tôi cùng nhận lãnh Mình và Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Điểm sau cùng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân chân thành đối với THIÊN CHÚA là được hồng phúc sống trong đất nước tự do. Chúng tôi được hưởng quyền tự do tôn giáo. Chúng tôi tự do đọc Kinh Thánh. Chúng tôi tự do đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và rước lễ mỗi ngày. Tôi cầu chúc cho mỗi tín hữu Công Giáo sống trong các nước tự do hãy sử dụng trọn vẹn quyền tự do tôn giáo của mình để sống đạo nghiêm chỉnh và chân thành. Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể chờ đợi mỗi tín hữu Công Giáo đến tham dự Thánh Lễ và rước Ngài hầu Ngài có thể tuôn đổ muôn vạn ơn lành hồng phúc xuống trên từng người.
Tôi không quên cầu nguyện cách riêng cho các tín hữu Công Giáo kém may mắn, sống trong các nước không được thực thi quyền tự do tôn giáo. Tôi xin THIÊN CHÚA cho họ mau chóng tới ngày hưởng mọi quyền tự do, dẫn đầu là tự do tôn giáo. Xin THIÊN CHÚA nhậm lời chúng con nài xin. Amen. (Sister Patricia Proctor, OSC, ”201 Inspirational Stories of The Eucharist”, Franciscan Monastery of Saint Clare, Spokane, Washington, 2004, trang 47-48).(Radio Vatican).
Bí Tích Thánh Thể là hồng ân vô giá mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Thánh Thể là trung tâm qui tụ Dân Chúa. Thánh Lễ có sức mạnh truyền giáo. Chúng ta đón nhận Thánh Thể để có sự sống thần linh của Chúa. Xác tín rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống người Công giáo, nên tôi tìm mọi dịp dâng lễ cho bà con giáo dân.
Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, bạn nên quỳ gối trước Thánh Thể, bạn sẽ học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
55. Thánh Thể, bàn Tiệc tình yêu – Lm Vũ Xuân Hạnh
Ăn uống là chuyện bình thường của mọi sinh vật sống. Khi tôi ăn uống, thức ăn, thức uống trở thành tôi. Tôi sống, tôi hoạt động, tôi lớn lên… nhờ bao nhiêu chất dinh dưỡng từ chút rau xanh, cá tươi, hoa trái…
Trừ những bữa tiệc, những độ nhậu phi nghĩa, phi đạo đức, nhằm mua quan, bán chức, hối lộ, mãi lộ, nịn hót. Hoặc những bữa tiệc, những độ nhậu mà người ta dùng như một cuộc hẹn hò làm ăn, bàn tính, thậm chí qua đó, người ta lên chương trình cho cả một hệ thống phi luân lý như cùng hợp tác với nhau giết người, cướp của, bóc lột dân lành, mánh mung, trả thù, bớt xén của công, chạy chọt để thoát sự trừng trị của pháp luật…
Trừ tất cả những bữa tiệc ấy, những bữa cơm, dù toàn những thức ăn sang giàu, hay chỉ đạm bạc, đơn giản vài trái cà gém, một chút mắm tôm của những gia đình nghèo, vẫn không bao giờ mất đi tính thiêng liêng và vẻ đẹp của nó. Nó cần nhận được sự tôn trọng của mọi người như: tránh gây gỗ, cãi vả, hiềm khích, đánh đập nhau. Câu nói nổi tiếng của ông bà từ ngàn xưa để lại cho con cháu: “Trời đánh tránh bữa ăn”, là câu nói rất hữu ích giáo dục lòng tôn trọng sự thiêng liêng và vẻ đẹp của bữa cơm. Những bữa cơm giàu tình yêu, nồng ấm tình gia đình, tràn ngập sự thành thực…, dù là những bữa cơm sang giàu hay đạm bạc đều là những bữa cơm quý phái, cần thiết cho cuộc đời.
Chúa Kitô đã nhiều lần sử dụng bữa cơm để mạc khải nhiều chân lý quý giá cho Giáo Hội. Càng suy nghĩ, ta càng nhận thấy Chúa Kitô thật là một nhà giáo dục tài ba. Vì có lúc nào tình yêu đằm thắm, lòng người tin tưởng nhau, và là nơi trổ sinh niềm vui cho bằng bữa cơm. Người đã dùng khung cảnh tốt đẹp của bữa cơm như thế để nâng hôn nhân lên hàng bí tích tại tiệc cưới Cana. Người đã đến nhà và dùng bữa tại nhà cô Maria, một phụ nữ tội lỗi, để tha tội cho chị, khi chị gục đầu khóc bên chân Người. và trong một bữa cơm, Người dạy người ta hãy ngồi vào chỗ rốt hết, vì “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”, Người đã ăn với các môn đệ trên biển hồ sau khi sống lại để bày tỏ mầu nhiệm phục sinh… Còn nhiều, nhiều nữa những bữa cơm mạc khải như thế.
Liên quan tới bí tích Thánh Thể, Thánh Kinh cũng cho thấy nhiều bữa ăn mạc khải mầu nhiệm Thánh Thể. Chẳng hạn hai lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân trong thời gian Người giảng dạy. Hay bữa ăn cuối cùng trước khi rời xa các môn đệ. Chính trong bữa ăn này, Chúa Giêsu chính thức thành lập bí tích Mình Máu Thánh Người, qua lời truyền phép mà hôm nay thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô đã nhắc lại: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”và “Chén này là Tân Ước trong Máu Thầy. Mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Hôm nay, lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi ta suy niệm một trong ba bữa ăn ấy. Đó chính là lần Chúa làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi sống năm ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con.
Chúa không làm phép lạ chỉ như một phép lạ mà thôi, càng không bao giờ làm phép lạ để khoe mẽ tài năng của mình. Nhưng phép lạ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá, gọi về một phép lạ khác lớn lao hơn. Đó là phép lạ hóa nên Mình Máu của chính Chúa Kitô để nuôi dưỡng linh hồn con người, không phải năm ngàn hay mười ngàn, nhưng là lớp lớp người từ đời này sang đời khác. Hóa ra phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều là để hướng lòng ta về chính Bánh là của ăn muôn đời trường tồn, là Bánh bất tử đưa ta vào sự sống nhiệm mầu và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Bánh ấy chính là Thịt máu Chúa Kitô.
Bữa ăn Thánh Thể do Thiên Chúa dọn cho chúng ta là một cuộc hạ sinh mới trong lòng người. Nếu đã có lần Chúa Giêsu sinh ra trong trần gian một cách thể lý, thì cuộc sinh hạ của Chúa trong lòng người ta là một cuộc sinh hạ không ngơi nghỉ. Mỗi khi ta rước Chúa Giêsu vào tâm hồn mình, là mỗi lần Chúa chấp nhận giáng sinh lại trong lòng ta. Người chấp nhận làm điều đó không nhằm lợi ích cho riêng mình, nhưng cho chính chúng ta. Vì các của ăn phàm trần, khi ăn vào, sẽ biến thành máu thịt ta, nhưng ăn Máu Thịt Chúa Giêsu, ta được “Thiên Chúa hóa”(ngôn ngữ chuyên môn của thần học gọi là “thần hóa”), nghĩa là trở nên giống Chúa hơn. Người sẽ ban cho ta sức mạnh của lòng tin, của tình mến để ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa, vững vàng trước mọi cám dỗ, không sa ngã và bảo vệ đức tin của mình thành toàn. Tắt một lời, Người hạ sinh trong lòng ta qua bí tích Thánh Thể để ta ngày một nên thánh thiện như Người.
Trên mọi bữa ăn, Thánh Thể là bữa ăn của hiệp thông trong tình yêu. Cuộc hiệp thông trong tình yêu này là một cuộc hiệp thông lớn lao đến mức tuyệt vời: Thiên Chúa tìm đến viếng thăm tâm hồn người thế và con người được diễm phúc đón nhận chính Thiên Chúa vô cùng cao cả ấy. Cuộc hiệp thông ấy lớn đến mức tuyệt vời nằm ở chỗ: siêu nhiên đến với tự nhiên, Thánh ở với người, cái vô cùng ở cùng cái hữu hạn. Một cuộc hiệp thông lớn đến thế, chỉ có thể thực hiện bởi tình yêu của Thiên Chúa mà thôi. Ngoài tình yêu ấy, không còn một sự hiệp thông nào sánh ví.
Một cuộc hiệp thông cao cả như vậy, mang lại giá trị cho con người. Bởi Thiên Chúa đã không trao ban bất cứ một cái gì ngoài Người, nhưng là trao ban chính Con Một của mình cũng là Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế, nơi cuộc hiệp thông được thực hiện trong tình yêu của Chúa, chúng ta kín múc nguồn hạnh phúc là chính Thiên Chúa, Đấng Tuyệt Đối. Có ai ngờ, nơi bí tích Thánh Thể, loài người bé nhỏ là thế, lại được gần Thiên Chúa đến nỗi nên một trong nhau. Do đó, loài người không còn chỉ là tạo vật đơn thuần, nhưng là tạo vật mang chiều kích vĩnh cửu.
Lãnh nhận tình yêu hiệp thông nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống yêu thương và hiệp thông với anh chị em của mình. Kinh Tạ Ơn II nói lên điều đó: “Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô”. Hoặc kinh Tạ Ơn III: “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”.
Lời cầu xin ơn hiệp thông khi cử hành Thánh Thể phải được cả cộng đoàn sống và áp dụng trên từng cá nhân. Chính vì điều này ta có thể nói, để đánh giá sức sống của một cộng đoàn Thánh Thể, tiêu chuẩn đúng nhất là sự hiệp thông, duy nhất nơi cộng đoàn đó. Một cộng đoàn chia rẽ không thể nói về “một thánh lễ sốt sắng”. Cũng như mỗi thành viên trong gia đình mà chia rẻ, rạn nứt, gia đình đó, dù chuyên chăm tham dự thánh lễ, lãnh bí tích Thánh Thể đến đâu, vẫn là gia đình đánh mất ơn hiệp thông, lẽ ra phải có, nhờ Thánh Thể Chúa Kitô.
Chúng ta có những bữa cơm hằng ngày, có khi đạm bạc, có khi sang trọng. Những bữa cơm ấy là nơi gặp gỡ và nuôi dưỡng tình gia đình, tình bạn, tình lối xóm, và biết bao nhiêu thứ tình cần thiết trong cuộc sống.
Trong chiều kích thánh thiêng của tâm hồn, chúng ta tham dự tiệc Thánh Thể, để múc lấy tình yêu của Thiên Chúa. Từ đó sống với anh chị em quanh mình. Tình yêu nơi bàn tiệc Thánh Thể không đơn thuần nuôi dưỡng tình con người, nhưng đi một bước cao hơn: thánh hóa mọi tình yêu nhân loại, vĩnh cửu hóa tình yêu ấy. Tình yêu nơi bàn tiệc Thánh Thể còn thần hóa những người yêu nhau và biến họ nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô.
Vì thế, mỗi một lần rước Chúa Giêsu Thánh Thể, bạn và tôi xin Người ban cho mình được chìm ngập trong tình yêu của Người, để nên một với Thiên Chúa và với anh chị em.
“Chúa cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng….họ phân phát cho dân chúng”. (Lc 9,16).
Bữa ăn, bữa Tiệc, với người Á Đông, người VN, rất quan trọng, vì thế mà tục ngữ VN có câu, “Trời đánh tránh bữa ăn”. Ngôn ngữ VN thường diển tả bữa ăn bằng những từ: ăn cưới – ăn giỗ – ăn tết – ăn hỏi – ăn đám. Những từ này nói lên Bữa Tiệc có tầm quan trọng lớn trong đời sống dân gian, chính vì thế người ta mới ví: Ông Trời có đánh ai cũng phải tránh bữa ăn của gia đình họ. Dĩ nhiên vì miếng ăn, cũng đã xảy ra những cuộc tranh chấp tồi tàn, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan trên đầu”; nhưng nhìn chung, miếng ăn, hay bữa tiệc đều nói lên nguồn hạnh phúc, tình bác ái huynh đệ, sự đoàn kết của mọi thành viên đang tham dự…Còn hình ảnh nào hơn hình ảnh của một gia đình: cha mẹ, con cái đòan tụ bên mân cơm cười nói rôm rả, dù thức ăn không cao sang? Đây chính là hình ảnh của Bữa Tiệc Thánh Thể, chính Thịt Máu Chúa Giêsu muốn ban cho nhân loại sau này. Chúa Giêsu muốn nói đến qua bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay…
- Các Bữa Tiệc trong Kinh thánh là hình bóng của bữa Tiệc Thánh Thể: Tiệc Vượt Qua Cựu ước – Hóa bánh ra nhiều – Tiệc Ly Tuần thánh: Trước tiên, Tiệc Vượt Qua trong Cựu Ước: chính Môisen dạy dân chúng hàng năm cử hành Bữa tiệc này, tưởng nhớ việc Chúa cứu dân ra khỏi Ai cập. Đây chính là hình bóng của Bữa Tiệc Thánh Thể; Chúa Kitô chính là Con Chiên Tinh tuyền, không tỳ tích, Con Chiên vô tội, đã gánh tội trần gian. Kế đến, hai lần Hóa bánh ra nhiều: là để loan báo cho Bàn tiệc Thánh Thể, nơi đó Chúa Kitô không chỉ ban cho nhân loại bánh ăn nuôi thân xác, người sẽ ban cho họ thứ bánh có khả năng ban sự sống thật, sự sống vĩnh cữu trên Nước Trời. Sau cùng, Bữa Tiệc Ly: Chúa Kitô không chỉ ban cho nhân loại sự sống vĩnh cửu là Thịt Máu Chúa làm của ăn tại thế, Người còn loan báo Bàn Tiệc mới trong Vương quốc Thiên Chúa mai sau trên Nước Trời.
- Tiệc Thánh Thể chính là Bữa Tiệc ban sự sống thần linh, nhờ đó người được lãnh nhận sẽ được hiệp thông với Thiên Chúa trong tình yêu, trở nên thân mật với Thiên Chúa, nên một với Thiên Chúa, như Công Đồng chung Vatican 2 nói: “con người được kết hợp với Thiên Chúa và liên kết với nhau, để cuối cùng, Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.” (S.C. số 48).
Chúng ta thử nghĩ: Chúa Kitô lập BT. Thánh Thể để trở nên của ăn cho nhân loại và ở lại với họ, điều này quá đúng và quá thực tế! Cái ăn đối với con người là một nhu cầu quá lớn, không ai chối cải được. Chúa Kitô muốn Thịt Máu mình làm của ăn cho nhân loại, để được ở cùng nhân loại, đồng thời cũng loan báo hạnh phúc vĩnh cửu, Bàn Tiệc Thiên quốc, hay cuộc sống thật và hiệp thông viên mãn bên Thiên Chúa, điều đó không quá đúng và quá đánh động chúng ta sao? Có một tôn giáo nào dám đem lại cho con người hạnh phúc vĩnh cửu, chân thật và cụ thể như thế? Hay nói cách khác: chính vì Thiên Chúa là Đấng quá thánh thiện, quá tốt lành, nên Người muốn chia sẻ cuộc sống thần linh, hay cuộc sống quá sung mãn của Thiên Chúa cho nhân loại; Người không có cách nào khác hơn là lấy Thịt Máu mình làm của ăn nuôi họ, điều đó không đủ gây ấn tượng và cảm động cho ta sao? Chúng ta có tại sao Chúa Giêsu không dùng hình ảnh nào khác?
- Gợi ý sống và chia sẻ
Chúng ta giữ đạo đã mấy mươi năm, biết bao lần rước Mình Máu Thánh Chúa, vậy mà hiện nay, sức sống của Chúa có tràn ngập trong ta, Tình yêu của Thiên Chúa có tràn đầy trong ta chưa? Hay ta cũng vẫn như vậy không có gì khác, như hồi nhỏ mình rước lễ vỡ lòng? Hội thánh qua 20 tk đã sống nhờ chính lương thực thần thiêng, mầu nhiệm nầy. Còn ta thì sao?
57. Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô
(Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Đình Nhi)
Suy niệm về Bí tích Thánh Thể, các bài Tin Mừng của chu kỳ phụng vụ trình bày những góc cạnh khác nhau về việc Chúa Giêsu ban Mình và Máu Thánh Người cho nhân loại. Năm A, với bài Tin Mừng Gioan 6:51-58, ta lắng nghe lời giảng của chính Chúa Giêsu nói về ý nghĩa và hiệu quả của Thánh Thể. Bài Tin Mừng năm B (Mc 14:12-16.22-26) kể lại chính biến cố Chúa lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly. Năm nay (C), bài Tin Mừng Luca kể lại phép lạ Chúa làm cho bánh hóa nhiều nuôi đám đông dân chúng và các Tông đồ giúp Chúa phân phát bánh cho họ. Ta thử tìm hiểu ý nghĩa của phép lạ này và suy nghĩ về bữa tiệc Thánh Thể của toàn thể Giáo Hội mà ta tham dự.
1) “Dân chúng đi theo Người… Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa”
Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi tập sự loan báo Tin Mừng trong một thời gian. Khi trở về, họ vui vẻ thuật lại cho Người những gì họ đã thực hiện. Nhưng con đường huấn luyện còn dài và các ông còn cần rất nhiều những chỉ bảo dạy dỗ. Do đó, Chúa Giêsu đưa các ông về Bét-xai-đa, tránh xa đám đông dân chúng để các ông có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm tông đồ và học hỏi thêm. Thế mà dân chúng cũng biết được Người đang ở đâu và tìm đến với Người.
Dân chúng đi theo Người vì nhiều lý do. Một đàng Chúa Giêsu có quyền lực thu hút dân chúng. Đàng khác dân chúng có những nhu cầu chỉ có Chúa Giêsu mới có thể giúp họ được thỏa đáng. Giữa Chúa Giêsu và dân chúng đã bắt đầu có một mối quan hệ, quan hệ giữa Mục Tử nhân lành và đoàn chiên. Trong quan hệ ấy, họ cần đôi tay giang rộng của Chúa để tiếp đón họ, lắng nghe những thao thức trăn trở của họ. Họ cần nghe được một giáo lý mới mẻ đem lại cho họ luồng sinh khí mới, chứ không phải mớ luật lệ nặng nề máy móc như họ vẫn thường phải nghe và tuân giữ. Họ có bao nhiêu vết thương cần được chữa lành, vết thương thể xác do bệnh tật hay lam lũ, vết thương tinh thần do mất mát đổ vỡ trong cuộc sống hoặc bị xã hội áp bức bất công. Trong hoàn cảnh ấy, Chúa Giêsu đã cảm thông với họ bằng trái tim của Thiên Chúa. Thánh sử mô tả Chúa Giêsu đã thi hành sứ mệnh đối với dân chúng như thế nào: “Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được cứu chữa” (Lc 9:11).
Đối với các Tông đồ, các ông vừa thực tập việc tông đồ nên đã bắt đầu biết theo gương Thầy, quan tâm tới người khác. Nhưng các ông chỉ có thể đưa ra những sáng kiến hợp lý và trong tầm mức loài người thôi. Giải pháp tốt nhất các ông đề nghị để giải quyết vấn đề của dân chúng lúc này là “Xin Thầy cho đám đông về” để họ tự lo cho những nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ của họ. Tuy nhiên lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của Chúa và lòng khao khát đón nhận Tin Mừng của dân chúng còn to lớn hơn cả những nhu cầu cấp thiết của họ nữa. Vì thế, Chúa có lối giải quyết của Người.
2) “Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá…”
Ta cứ tưởng tượng ra khung cảnh hơn năm ngàn người, chưa kể đàn bà và trẻ em, yên lặng và trang nghiêm ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu. Trước khi làm phép lạ cho bánh hóa nhiều, Người không hô hoán phù phép như một ảo thuật gia, cũng không nghênh ngang đắc chí như một người ban phát ân huệ cho đám lê dân. Nhưng Người có những cử chỉ cung kính, trân trọng và cầu nguyện: “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông”, đúng như một bữa ăn gia đình Do-thái.
Phong cách ấy được lập lại trong bữa Tiệc Ly khiến ta xác tín phép lạ hóa bánh ra nhiều này là hình bóng báo trước biến cố trọng đại Chúa lập Bí tích Thánh Thể. Đám đông dân chúng là hình ảnh Giáo Hội, với những người anh chị em có những nhu cầu chỉ Chúa Giêsu mới đáp ứng cho họ. Không chỉ là những nhu cầu “tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn”, nhưng là những nhu cầu thiêng liêng, đói khát lời Chúa và tình yêu Thánh Thể của vị Mục Tử nhân lành. Giáo Hội quây quần chung quanh bàn tiệc Thánh Thể, để đón nhận lời Chúa và rước lấy Mình Máu Thánh Chúa làm lương thực. Cũng giống như đám đông dân chúng ngày xưa đi theo Chúa cần đến phép lạ bánh và cá hóa nhiều, thì Giáo Hội mọi thời cũng cần Thánh Thể trong cuộc hành trình theo Chúa đi về nhà Cha. Phép lạ bánh hóa nhiều chỉ xảy ra một hoặc hai lần, nhưng phép lạ bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu thì xảy ra từng giờ từng phút khắp nơi trên mặt đất khi các linh mục dâng Thánh Lễ.
Về phép lạ hóa bánh ra nhiều, thánh Luca đã ghi lại sự phong phú dư dật của bữa ăn lạ lùng: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng”. Suy nghĩ về sự phong phú của Bí tích Thánh Thể, ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Chúa bao la như thế nào. Sự phong phú này được thể hiện qua mỗi Thánh Lễ, giúp ta nhớ lại lời Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Tình yêu của Thiên Chúa đầy tràn đến độ không những Người sai Con Một đến ở giữa nhân loại, mà Người Con ấy còn tự nguyện ở lại với họ mọi ngày cho đến tận thế. Cùng với tình yêu của Thiên Chúa, ta cũng nhận ra tình yêu của con người. Đến với Bí tích Thánh Thể và Thánh Lễ, mọi người lãnh nhận tình yêu của Chúa, nhưng cũng sẵn sàng biểu lộ tình yêu thương nhau, để sự phong phú tình yêu được lan tràn theo mọi chiều kích dọc ngang.
3) “Chính anh em hãy cho họ ăn”
Thánh Thể là phương cách biểu lộ tình yêu. Chúa Giêsu muốn ở gần ta nên Người chọn phương cách này để làm thỏa mãn cơn đói Thiên Chúa của ta. Người truyền dạy các môn đệ: Chính anh em hãy cho họ ăn. Trong tinh thần chia sẻ “cùng một bánh và một chén”, Bí tích Thánh Thể đưa ta đến hành động. Nếu ta đã được phúc lãnh nhận tình yêu Thiên Chúa, thì đến lượt ta cũng phải chia sẻ tình yêu đó với anh chị em. Dĩ nhiên, vốn liếng tình yêu của ta thật nghèo nàn, giống như các Tông đồ “chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”. Nhưng Chúa chỉ cần có thế thôi, Người sẽ sử dụng sự nghèo nàn của ta để thực hiện sự phong phú của Bí tích Thánh Thể.
Điều quan trọng khác để ta sống Bí tích Thánh Thể là ta có biết nhận ra sự đói khát của anh chị em hay không. Các Tông đồ đi theo Chúa nên đã học theo gương Chúa lo lắng cho tha nhân. Các ông đã nhận ra được những nhu cầu của dân chúng, dù chỉ là những nhu cầu vật chất. Dần dần, họ nhận ra những nhu cầu tinh thần và thiêng liêng của nhân loại và đã ra đi thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Cũng vậy, nếu ta không uốn nắn con tim và tập nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em, ta sẽ không thể nhận ra được những nhu cầu ấy. Những người đi theo Chúa đâu có kêu ca với các Tông đồ là họ đang đói lắm. Thế mà các ông nhận ra được. Tình yêu đích thực luôn nhìn thấy trước được những nhu cầu người khác chưa nói lên.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Thánh Lễ là bữa tiệc của toàn thể Giáo Hội. Nhưng tôi có ý thức tầm quan trọng của Thánh Lễ không? Tôi có sống ngoài vòng liên kết tình yêu của Thánh Thể không?
Thánh Thể liên kết tôi với Chúa và tôi với anh chị em. Vậy sự liên kết ấy đòi tôi phải làm những gì cho Chúa và cho anh chị em?
“Chính anh em hãy cho họ ăn” có phải là một mệnh lệnh quá đáng đối với tôi không? Tôi đã làm được gì để xoa dịu cơn đói tinh thần của anh chị em?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.
Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách đến với con người hôm nay:
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.
Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con. A-men.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 106)
58. Thánh Thể: Bí tích hiệp thông
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Khi diễn tả hành vi của tình yêu cho người mình thương mến, chúng ta thường trao cho họ những kỷ vật để làm bằng chứng về tình yêu mà mình muốn dâng hiến. Với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.
Cũng vậy, khi Chúa Giêsu đến trần gian để cứu độ con người, và khi biết mình sắp trở về với Đấng đã sai mình, Người đã yêu thương họ đến cùng, Người cũng để lại cho Giáo Hội một bảo chứng để diễn tả tình yêu tuyệt đối của Người cho nhân loại, đó là Bí tích Thánh Thể.
Vì vậy, Bí tích ThánhThể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (x. LG, số 11). Thật vậy, trải qua bao thế hệ, Giáo Hội luôn coi Bí tích Thánh Thể là gia tài của mình, nơi đó tuôn chảy và phát xuất ra mọi năng lực của Giáo Hội (x. Porta Fidei, số 9).
Khi thiết lập Bí tích này, Chúa Giêsu hiện diện trực tiếp để trở nên của ăn, của uống nuôi linh hồn con người. Đồng thời Người cũng muốn mọi người khi đã rước Mình và Máu Người thì cũng được liên kết, hiệp thông với nhau trong cùng một tinh thần.
- Thánh Thể: Bí tích hiệp thông
Thật vậy, mỗi khi chúng ta tham dự Tiệc Thánh Thể, ấy là những lúc chúng ta sống trong sự hiệp thông sâu xa với Chúa và với nhau. Khi rước lễ, chúng ta đón nhận chính Chúa Giêsu. Mà Chúa Giêsu là Đầu của Giáo Hội thì chúng ta cũng được hiệp thông với nhau trong Chúa Giêsu với tư cách là thân mình của Người. Sự hiệp thông này gợi lại cho chúng ta lời cầu nguyện của chính Chúa Giêsu: “Như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta, như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con.” (Ga 17,21).
Trong Kinh Tiền tụng Thánh Thể cũng nhắc lại cho chúng ta ý nghĩa này: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.” Công thức này cho thấy rõ ràng hiệu quả của Bí tích Thánh Thể: là sự hiệp nhất của các tín hữu trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Như thế Bí tích Thánh Thể tỏ hiện là nền tảng của Giáo Hội – mầu nhiệm hiệp thông.
Trong Thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển rõ ràng và sâu xa, giúp toàn thể Giáo Hội sống hiệp thông với Chúa. Ngài viết:
“… Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các Bí tích, vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha, bằng cách đồng hoá với Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần.”
Để sự hiệp thông được lớn lên, cần có đời sống ân sủng, nhờ đó chúng ta trở nên “những người thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Cũng vậy, khi pha chút nước vào rượu, linh mục dâng lời nguyện để nói lên sự thông phần đó: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.”
Khi chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu, thì cũng có nghĩa là chúng ta hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi chúng ta được sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa thì cũng là lúc chúng ta hiệp thông với nhau cách trọn vẹn. Thánh Augustinô đã làm nổi bật sự thông phần vào bản thể của Thánh Thể khi nói: “Nếu anh em là thân thể Đức Kitô, là chi thể của Người, anh em sẽ thấy đặt trên bàn của Chúa mầu nhiệm của anh em. Vâng, anh em sẽ nhận lãnh mầu nhiệm của chính mình.” Từ những lập luận trên, ngài đã kết luận như sau: “Chúa Kitô… đã thánh hiến trên bàn thờ mầu nhiệm bình an và hiệp nhất của chúng ta. Bất cứ ai nhận lãnh mầu nhiệm hiệp nhất mà không duy trì những mối giây hòa bình thì không nhận lãnh mầu nhiệm của Người để được cứu độ, nhưng nhận lãnh một bằng chứng chống lại chính mình.” (x. EDE 34…).
- Bí tích Thánh Thể liên kết mọi thành phần Dân Chúa
Thật thế, khi ta đón nhận Bí tích Thánh Thể cách xứng đáng là ta đi vào mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Đây chính là một trong những đặc tính “duy nhất” của Giáo hội Công giáo. Sự hiệp thông ấy trước tiên là với Đức Giáo hoàng.
Trong những ngày này, toàn thể Giáo Hội thể hiện sự hiệp thông đó qua việc hưởng ứng lời mời gọi của Đức Giáo hoàng hướng về Thánh Thể như là sự hiệp thông tuyệt hảo. Đây là nền tảng vĩnh cửu và hữu hình, bởi vì: mọi cuộc cử hành thành sự Bí tích Thánh Thể đều diễn tả sự hiệp thông phổ quát này với vị đại diện Chúa Kitô và là người kế vị Thánh Phêrô. Hiệp thông với ngài là hiệp thông với toàn thể Giáo Hội… Chính vì sự hiệp thông mầu nhiệm này, mà trong “Năm Đức Tin”, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Tông thư “Porta fidei”, đã kêu gọi toàn thể Giáo Hội chầu Thánh Thể vào ngày mồng 2-6 tại Giáo phận Rôma và các giáo phận trên toàn thế giới. Tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành vào lúc 17 giờ (giờ Rôma), tức 22 giờ (giờ Việt Nam). Sự kiện này cho thấy tính hoàn vũ và tinh thần hiệp thông sâu rộng. Khi cử hành việc tôn sùng Thánh Thể cách công khai và mang tính hoàn vũ như thế, Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta nhớ lại những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban qua Bí tích Thánh Thể; đồng thời mời gọi chúng ta tôn thờ sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể và sống đặc tính Bí tích này qua sự hiệp thông.
Tầm nhìn hoàn vũ của thời điểm này đã trở thành một cử chỉ chia sẻ thiêng liêng nhằm hiệp thông với vị Đại diện Chúa Kitô để cầu nguyện cho Giáo Hội, để dâng lời cảm tạ vì hông ân đức tin Chúa đã ban, để trao phó Giáo Hội cho sự hướng dẫn của Đấng “khởi đầu và kiện toàn lòng tin”.
- Liên đới với người nghèo là sống sự hiệp thông Thánh Thể
Quả thật, bánh và rượu được chọn làm lễ vật là bởi vì nội tại nơi những lễ vật này nhắc ta tính cộng đồng. Mỗi tấm bánh được kết tinh từ trăm ngàn hạt lúa mì; cũng vậy, ly rượu là kết quả của nhiều trái nho được ép trong máy và hoà tan với nhau. Hai hình ảnh này tiên trưng cho tính cộng đồng khi cùng nhau hiệp dâng thánh lễ trên bàn thờ.
Chính vì vậy, thật mâu thuẫn tận căn khi chúng ta cử hành Thánh Thể và thiếu đi tính hiệp thông sâu xa này. Bởi vì “Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông và cổ vũ sự hiệp thông”. Nói như Thánh Phaolô thì “anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27). Hiện nay, trên thế giới, dân số lên đến 6 tỷ 750 triệu người. Nhưng có tới 1/3 người nghèo, tức là hơn 2 tỷ người đang sống dưới mức nghèo khổ. Riêng Việt Nam, trong số 87 triệu người, có 15% dân nghèo không kiếm đủ 1 USD/ ngày. Tuy nhiên, bên cạnh đó, biết bao nhiêu thứ dư thừa và lãng phí được huỷ bỏ ngay trên xác chết của những người đói khát. Rồi những nguồn lực kinh tế thì tập trung vào một số người và tập đoàn, trong khi đó biết bao nhiêu người phải vĩnh biệt cuộc sống chỉ vì thiếu một gói mì chỉ với giá 2.000 VNĐ, hay một ly nước, một viên thuốc. Lại còn biết bao nhiêu tiền bạc đổ dồn vào những quán nhậu, quán bar mỗi khi thành phố lên đèn, số tiền chi trả lên đến bạc triệu sau mỗi cuộc vui chơi trác táng, bên cạnh đó là những Lazarô nghèo đói, ghẻ lở đang bị những con chó đến liếm những mụn nhọt đã ung thối.
Đứng trước thực trạng xã hội đó, là người Kitô hữu, chúng ta đều có trách nhiệm ít nhiều trong việc thăng tiến con người.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến cái bụng của mình mà không biết nghĩ đến cho người khác, thì làm sao có 5 chiếc bánh và 2 con cá để Chúa làm phép lạ nuôi dân chúng? Nhờ 5 chiếc bánh và 2 con cá qua sự quảng đại của người hiến tặng, Chúa đã làm một việc cả thể là nuôi 5.000 người, không kể đàn bà và trẻ em. Không phải vì Chúa không làm được phép lạ từ không thành có để nuôi dân chúng, nhưng vì Chúa muốn cho con người sống tinh thần liên đới khi biết đóng góp phần mình trong công việc chung vì ích lợi của người khác.
Như vậy, mỗi người chúng ta hãy biết liên đới với người khác, biết đặt sự sống của mình vào trong hoàn cảnh của họ, để thấy được thế nào là đói khát, đau bệnh và cô đơn… hầu đem lại niềm vui và hạnh phúc đại đồng cho tất cả mọi người.
Mừng Lễ Mình và Máu Cực Thánh Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng ta biết sống mầu nhiệm tự huỷ của hạt lúa, trái nho để đem lại sự sống cho người khác. Xin cho chúng ta cũng biết liên đới với anh chị em chung quanh chúng ta mỗi khi họ cần đến chúng ta để yêu thương, chia sẻ, đồng hành với họ. Được như thế, chúng ta đang làm cho Bí tích Thánh Thể sống động nơi con người và hành vi của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tôn thờ, chúc tụng Chúa. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con khi rước Mình và Máu Thánh Chúa cách xứng đáng, thì cũng được hiệp thông thần tính với Chúa và liên đới với nhau. Amen.
59. Tình yêu hy sinh trao ban chính mình
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Kính thưa quý OBACE, dù theo truyền thống văn hóa nào, người ta cũng đều cảm thấy máu của con người có một giá trị thiêng liêng, là phần quan trọng nhất trong cơ thể con người, và nó còn được coi như biểu tựơng của sự sống của con người; những ngày hiến máu nhân đạo được coi như những ngày hội của lòng nhân ái, nhờ những giọt máu của lòng quảng đại ấy mà nhiều người đã được cứu sống. Cũng vậy đối với người Do Thái, máu là thánh thiêng, là biểu tượng của sự sống và thuộc chủ quyền của Thiên Chúa nên không ai được đụng chạm đến máu, vậy mà trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh, tại nhà tiệc ly, Chúa Giêsu đã thực hiện một việc lạ lùng, đó là trao ban cho nhân loại Máu và Thịt, và Ngài còn mời gọi: Anh em hãy cầm lấy mà ăn, hãy nhận lậy mà uống, máu ấy vừa có sức tẩy rửa tội lỗi, đem lại sự sống và làm của ăn của uống và là quà tặng muôn đời cho nhân loại.
Chúng ta thường xúc động khi đọc những câu chuyện về những người cha tận tụy hy sinh một đời cho con cái, có những người mẹ đã ở tuổi 70 mà vẫn phải vất vả sớm hôm lo cho những đứa con bệnh tật, có những người cha người mẹ mỗi tháng âm thầm đi bán những giọt máu của mình để có tiền nuôi con, và thuốc men cho con cái. Mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta càng xúc động hơn nữa khi chiêm ngăm tình yêu của Thiên Chúa đã hy sinh đổ máu mình ra để cứu chuộc chúng ta và mời gọi chúng ta xác tín vào Bí Tích Diệu Kỳ này, đồng thời mời gọi chúng ta chiêm ngắm, tôn thờ và đón nhận Mình và Máu Chúa làm lương thực và sức sống cho chúng ta.
Những hình ảnh hy sinh tận tụy của những người cha người mẹ giúp chúng ta dẽ dàng hơn khi suy niệm về tình yêu của một Thiên Chúa yêu thương và hy sinh, kể cả mạng sống cho chúng ta là con cái của Ngài. Đức Giêsu Kitô chính là một vị Thiên Chúa, thế nhưng Ngài không ngự ở trên trời để nhìn xem loài người, nhưng Ngài đã chấp nhận mang lấy thân phận của con người để đến ở với con người và nhất là để có thể yêu thương con người bằng trái tim của một con người. Đó là một Thiên Chúa có tấm lòng chạnh thương trước những nhu cầu và sự đói khổ của nhân loại, Ngài nhìn thấy một nhân loại đang lầm lũi bước đi trong bóng tối của sư chết, Ngài đã đem đến cho họ ánh sánhg của hy vọng và niềm vui của nước trời, Ngài đã chỉ cho họ con đường để đạt đến niềm vui và hạnh phúc đích thực, Ngài còn ra tay cứu chữa những đau khổ thể xác và tâm hồn cho con người. Tin Mừng Maccô còn cho thấy, Chúa Giêsu không chỉ lo lắng cho đời sống thiêng liêng của con người mà Ngài còn chạnh thương cho tình trạng đói nghèo thể xác của họ. Khi thấy đám đông dân chúng đã theo Ngài từ sáng sớm, Ngài không nỡ để họ ra về bụng đói, Ngài đã đề nghị các tông đồ tim kiếm lương thực cho họ, và sau đó Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông hơn năm ngàn người ân no.
Qua phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng ăn no đến dư thừa, Chúa Giêsu còn muốn hướng mọi người đến một thứ lương thực cao quý hơn có thể thỏa mãn tất cả những đói nghèo, đau khổ của con người người, mà Chúa Giêsu sẽ ban tặng sau này, đó là việc Ngài đã không chỉ biến bánh ra nhiều mà còn biến bánh trở nên thịt Ngài và biến rượu trở nên máu Ngài làm của ăn của uống nuôi dưỡng nhân loại chúng ta.
Trong thư Corintô, Thánh Phaolô đã thuật lại biến cố long trọng ấy: Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Đây là Mình Thày, hiến dâng vì anh em, anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thày. Ngài cũng cầm lấy chén và nói: Đây là Máu Thày, anh em hãy cầm lấy mà uống, anh em hãy làm việc này mà nhớ đên Thày. Việc làm này là một hành động vượt sức tưởng tượng của con người, giống như người cha người mẹ, không hề tiếc với con điều gì, kể cả mạng sống, thì Đức Giêsu cũng yêu thương con người chúng ta như vậy, Ngài trao ban tất cả cho chúng ta, trao ban đến cả mạng sống, chấp nhận trở nên của ăn của uống để có thể ở lại với con người, đi vào trong tâm hồn và nên một với người mình yêu thương.
Bí tích Mình Máu Thánh Chúa, chính là một sáng kiến tuyệt với của tình yêu của Chúa Giêsu, vì yêu, Chúa không muốn lìa xa con người nhưng muốn ở lại, và ở cùng con người để tiếp tục yêu thương và nuôi dưỡng con người cho đến ngày tân thế, Ngài còn chấp nhận lệ thuộc vào các tông đồ khi trao cho các ông quyền: Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày. Với lệnh truyền này, Chúa Giêsu đã cho các tông đồ lặp lại việc biến bánh và rượu là sản phẩm từ lao công của con người trở thành của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha và biến nó trở thành chính thân thể, máu thịt của Chúa Giêsu.
Thưa quý OBACE, mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta cảm tạ về Hông Ân Mình và Máu Thánh mà chúa Giêsu đề lại và trao ban cho chúng ta, đồng thời Ngài mời gọi chúng ta đừng ngại ngần, mà hãy siêng năng đến cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống vì đây chính là lương thực nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta, và là chính Thiên Chúa Tình Yêu đang ở với chúng ta để nâng đỡ và bổ sức cho chúng ta trên hành trinh theo Chúa.
Thánh lễ mỗi ngày là nơi mà Giáo Hội thi hành lệnh truyền của Chúa: Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày, và cũng là lúc Giáo Hội nhân danh Chúa Giêsu để dâng lên Thiên Chúa Cha, chính Mình, Máu và cả con người của Chúa Giêsu đã chịu hiến tế, để xin ơn tha thứ và cứu độ cho nhân loại. Vì vây đến tham dư thánh lễ mỗi ngày, là chúng ta bày tỏ lòng yêu mến biết ơn và vâng phục của chúng ta trước tình yêu hy sinh trao hiến của Chúa Giêsu, đồng thời mỗi người đón nhân tình yêu và sư tha thứ từ nới Thiên Chúa Cha. Không những thế, trong thánh lễ, tùy theo phận vụ và ơn gọi của mình mỗi người đến đây sẽ đem theo mồ hôi nước mắt, hy sinh vất vả trong ngày để cùng đặt lên dĩa thánh dâng lên Thiên Chúa xin Chúa chấp nhận biến thành Máu Thịt của Chúa Giêsu và ban làm của ăn cũng như ơn cứu độ cho bản thân và gia đinh.
Vì thế đừng bao giờ chúng ta nại vào sự vất vả hay bận rộn, mà bỏ qua việc đến với Thánh lễ mỗi ngày, vì ở nơi đây chúng ta được gặp gỡ với Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, được đón nhận sư nâng đỡ và bổ sức của Ngài, được nuôi dưỡng và an ủi, được thứ tha và được yêu thương vỗ về của Thiên Chúa là Cha và của chính Chúa Giêsu Đấng là Chúa và cũng là bạn hữu là người thân của chúng ta.
Đón nhận Mình Máu Chúa, chúng ta được mời gọi để trở thành của ăn trở thanh tấm bánh cho anh em, chấp nhận hy sinh, chia sẻ và trao tặng cả con người và cuộc đời mình cho gia đình và anh em. Chính anh em hãy cho họ ăn. Đó là lời Chúa muốn nói với chúng ta, dù là bậc cha mẹ hay là con cái, dù là trong gia đình hay với bạn bè, chúng ta đều phải thực hiện lời mời gọi này. Hãy noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải trở thành những con người dám phục vụ anh chi em, dám hy sinh thời giờ sức lực trí tuệ để đem đến niềm vui và hạnh phúc cho anh chị em, dám mở rộng đôi tay và trái tim và để cho trái tim mình biết rung nhịp trước những đau khổ của anh em để cảm thông để an ủi nâng đỡ; hãy cho vợ chồng, con cái không chỉ lương thực cơm bánh mà hãy cho họ tình yêu thương và sự phục vụ của mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi các bạn trẻ hãy siêng năng đón nhận Mình Máu Chúa mỗi ngày, Thánh Thể Chúa sẽ dạy các bạn biết thế nào là một tình yêu thương đích thực, Ngài sẽ cho các bạn nghị lực và niêm vui trong cuộc sống, Ngài sẽ giúp các bạn ra khỏi sư ngại ngần để bước đến với người khác bằng một tâm hồn và trái tim nhiệt thành của tuôi trẻ, để phục vụ để yêu thương. Nhất là đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, Ngài sẽ giúp các bạn chiến thắng được con người ù lỳ lười biếng của mình, vượt qua những lôi cuốn của cám dỗ đam mê dục vọng, và sẽ thánh hóa con người và cả cuộc đời các bạn, và đem đên cho các bạn sự sống đời đời. Amen.
60. Nguồn Sống – Trầm Thiên Thu
Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Thật tuyệt, nhờ Ngài mà chúng ta không chỉ ĐƯỢC SỐNG mà còn SỐNG DỒI DÀO. Chúa Giêsu đã có cách độc nhất vô nhị mà không ai có thể tưởng tượng được, đó là Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trước khi Ngài bị kết án tử. Thánh Thể được hiểu bao gồm Thánh Huyết. Thánh Thể là Phép Lạ của các phép lạ.
Sống thì phải ăn, ăn để có sự sống. Tuy nhiên, lương thực chúng ta ăn hằng ngày không chỉ là lương thực bình thường mà đặc biệt là chính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Đó là Thần Lương, là Nguồn Sống cho mọi người trên đường lữ hành trần gian.
TỪ GIAO ƯỚC VĨNH CỬU…
Kinh Thánh cho biết rằng ông Menkixêđê là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, là vua thành Salem, và chính ông mang bánh và rượu ra. Sau đó, ông chúc phúc cho ông Áp-ram: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” (St 14:19-20). Về sau, Thiên Chúa thiết lập Giao ước Vĩnh cửu với Áp-ram và xác nhận: “Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (St 17:5).
Bài đọc I ngắn gọn nhưng có những chi tiết quan trọng. Thứ nhất, thời Cựu ước, BÁNH và RƯỢU được dùng làm lễ vật; thời Tân ước, Chúa Giêsu cũng dùng BÁNH và RƯỢU để thánh hóa thành chính Mình Máu của Ngài. Thứ nhì, có lễ vật thì cần có người dâng, đó là các tư tế, đại diện dân Chúa mà dâng lễ vật lên Thiên Chúa hằng ngày, họ được mệnh danh là những người theo phẩm trật Menkixêđê. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, đồng thời Ngài cũng thiết lập chức linh mục. Các linh mục thừa tác tiếp tục công việc tế lễ để Chúa Giêsu hằng ngày hiện diện thật giữa chúng ta, để nhờ Mình Máu Ngài, chúng ta được sống và sống dồi dào qua từng hơi thở. Quả thật, Đại Tôn Sư Giêsu quá tuyệt vời!
Tác giả Thánh Vịnh nói về sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110:1). Và từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ. Chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con” (Tv 110:3). Chúng ta chỉ là cát bụi, hoàn toàn bất xứng, nhưng lại vô cùng hạnh phúc vì được Ngài giao ước. Tuy chỉ một lần thề ước, nhưng là vĩnh viễn, Ngài sẽ chẳng rút lời: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Tv 110:4).
Thánh Phaolô nói rõ: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:23-24). Thánh Phaolô tiếp tục nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:25).
Phép Lạ vĩ đại hằng ngày xảy ra trên bàn thờ, nhưng mắt thường không thể nhìn thấy, cho nên sau lời truyền phép, Giáo hội xác nhận: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Và rồi mọi người cùng tung hô theo lời của Thánh Phaolô đã nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26). Quả thật, chúng ta phải dùng con-mắt-đức-tin để bù đắp cho con-mắt-trần-tục khi tôn kính Thánh Thể. Những lần hiện ra, Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn luôn nhắc nhở người ta phải hết lòng tôn sùng và yêu mến Thánh Thể.
…ĐẾN PHÉP LẠ
Chúa Giêsu không bao giờ nói suông, mà rất thực tế, đồng thời cũng để củng cố lòng tin cho mọi người. Một lần nọ, có đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Ngài tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Khi bóng đêm dần buông xuống, các môn đệ đến bên Thầy Giêsu và thưa: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng” (Lc 9:12). Thế nhưng Ngài liền bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9:13a). Ôi chao, “căng” thật! Rồi các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này” (Lc 9:13b).
Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Một bữa tiệc nhỏ còn phải chuẩn bị cả tuần trước, dù chỉ vài chục thực khách chứ nói chi vài trăm người. Thế mà lúc này có tới gần chục ngàn người. Làm sao mà xoay xở đây chứ?
Thấy các ông vò đầu, bóp trán, vẻ lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt của các đệ tử, Đức Giêsu nói với họ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một” (Lc 9:14). Bị động và bị triệt buộc, nhưng các môn đệ được Thầy gỡ rối tơ lòng, thế nên bảo sao làm vậy, chả dám ý kiến chi cả. Các ông bảo mọi người ngồi xuống theo nhóm. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.
Thánh sử Luca cho biết một sự lạ khác: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng” (Lc 9:17).
Trong cuộc sống, miếng ăn liên quan các vấn đề khác, không chỉ về sự sống mà còn về “quyền lợi”. Tục ngữ Việt Nam nói: “Trâu cột ghét trâu ăn”. Một thực tế buồn nhưng vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác” (Rm 11:17-18a). Và rồi Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Thì bạn cứ lên mặt đi! Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn” (Rm 11:18b).
Quả thật, chia sẻ là điều quan trọng, cả vật chất lẫn tinh thần. Chia sẻ liên quan việc CHO và NHẬN: “Phúc cho ai CHO mà không nhớ, NHẬN mà không quên” (Elizabeth Bibesco). Thánh Phanxicô Assisi đã có nghịch-lý-thuận này: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình). Quả thật, nếu chúng ta không chia sẻ với người khác về những thứ họ cần, đó là chúng ta đã cướp chính sự sống của họ! Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng đề cập các vấn đề tương tự.
Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Ngài đã ban Nguồn Sống Thánh Thể để chúng con được sống và sống dồi dào, xin giúp chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể hằng ngày để mai này cũng xứng đáng lãnh nhận sự sống đời đời. Xin Chúa giúp chúng con biết sẵn sàng và vui vẻ chia sẻ với mọi người, nhất là những người thiếu thốn – tinh thần hoặc vật chất. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
61. Lễ Mình và Máu Thánh Chúa – Nguyễn Tro Bụi
Thánh nữ Juliana (1193 – 1258) người Bỉ, từ nhỏ đã có lòng kính mến Mình và Máu Thánh Chúa cách đặc biệt, và luôn ước ao có một ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa. Juliana đã bày tỏ lòng ước ao đó với Đức cha Robert de Thorete, Giám mục Liège, và sau đó thỉnh cầu tới nhiều vị hữu trách khác trong Giáo hội. Đức Giám mục Robert rất đồng tình và thiết đặt một ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa trong địa phận mình năm 1247. Năm 1264, Đức Giáo hoàng Urban IV ban hành sắc lệnh Transiturus để công bố ngày Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa trong toàn thể Giáo hội. Đức Giáo hoàng Clement V, rồi Đức Giáo hoàng John XXII cũng góp phần phổ biến rộng rãi ngày lễ này trong Giáo hội hoàn vũ.
Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Mình Thánh Chúa Kitô qua hai biểu hiện. Một là qua Bí tích Thánh Thể, hai là qua Giáo Hội – thân thể mầu nghiệm của Người.
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh của Phụng vụ và là nguồn mạch của đời sống Giáo hội. “Những Bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với Bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó” (GLGHCG, số 1324). Bí Tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Hội Thánh, là tâm điểm của niềm tin, là suối nguồn của lòng mến và niềm trông cậy.
Giáo hội là nhiệm thể của Đức Kitô bởi mối dây mật thiết Người chia sẻ với các môn đệ (GLHTCG, số 787). Kinh Thánh cũng nói rõ Đức Kitô là đầu, Giáo hội là thân thể (Cl 1, 18), trong đó chúng ta là những chi thể của thân thể mầu nhiệm đó, như những cành nho gắn liền với thân nho (Ga 15, 5).
Trong Phép Thánh Thể, chúng ta được ơn xa lánh tội lỗi, tăng cường các nhân đức, linh hồn được no thỏa và dư đầy hồng ân, như đám đông được no lòng thỏa chí trong bài Tin mừng hôm nay. Không có Bí tích nào tốt lành và sinh ơn ích dư tràn hơn Phép Thánh Thể. Được thiết lập để mưu ích phần rỗi của cả và nhân loại, nên Bí tích Thánh Thể được cử hành cho cả người sống và kẻ chết, để mọi người có thể chia sẻ kho tàng cực châu báu là Mình và Máu Cực Thánh Chúa Giêsu.
Người Việt chúng ta thường có câu “đồng bàn, đồng bạn.” Bàn tiệc Thánh Thể đưa tình bạn “đồng bàn” đó lên một tầm cao mới, là kết hiệp chúng ta nên một với Đức Kitô và liên kết chúng ta với nhau. Nhờ Bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta được lãnh nhận và được tham dự vào thần tính của Chúa Kitô. Từ trời cao, Người xuống đất thấp để nâng dậy con người từ đất thấp lên tới trời cao. Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu chết cho con người, ban lương thực thần linh nuôi dưỡng con người, để con người được làm con Thiên Chúa. Vinh phúc thay! Cao quý thay Máu Thịt Con Chúa Trời! Ngay tại thế gian này, chúng ta được nếm trước Bàn tiệc Thiên Quốc. “Nhờ cử hành Bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ chúng ta được kết hiệp với phụng vụ trên trời và tiền dự vào đời sống vĩnh cửu” (GLHTCG, số 1326). Đối với phàm nhân, còn gì cao cả hơn? Còn gì quý trọng cho bằng?
“Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích cực trọng này để hiện tại hóa mầu nhiệm tử nạn của Người. Người ước ao vô cùng chúng ta lãnh nhận Người. Người mong muốn cháy bỏng trao ban chính mình Người cho chúng ta. Người khát khao nồng cháy kết hiệp thân tình với chúng ta. Tất cả điều đó chỉ vì tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho chúng ta. Vì vậy, Người đã không những trao ban chính mạng sống Người để cứu chuộc chúng ta, mà còn trao ban chính mình Người làm của dưỡng nuôi linh hồn chúng ta. Bởi vì tình yêu của Người là một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1). Mình và Máu Thánh Chúa chính là bảo chứng cho tình yêu đó. Vì yêu chúng ta, Người đã đổ tràn tình yêu của Người trên chúng ta cùng sự thiện hảo vô biên của Người.
Từ Cuộc Khổ Nạn của Người tuôn trào suối nguồn ân sủng, khai sinh các Bí tích. Nơi nào chúng ta có thể tìm thấy dạt dào tình yêu và hồng ân cho bằng Thánh Thể. Nơi nào chúng ta có thể gặp gỡ chúa Kitô sống động hơn Thánh Thể?
Với tâm tình tạ ơn, ca ngợi Thiên Chúa Cha, và tưởng niệm hy tế của Đức Kitô, Giáo hội cử hành trọng thể Lễ kính Mình và Máu Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi nhìn nhận sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi yêu mến Giáo Hội và tha nhân. Khi nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta sẽ biết yêu mến tha nhân. Vì rằng, mến Chúa và yêu người là hai mặt của một lòng mến duy nhất. Lãnh nhận cùng một thân thể Chúa Kitô, chúng ta trở thành chi thể của Người, là thành phần trong Giáo hội của Chúa, là anh em của nhau trong Đức Kitô.
Nên thánh, sống hiệp nhất thân tình với Thiên Chúa chính là ơn gọi chung cùng, là đích điểm của mỗi người chúng ta. Xin được kết thúc những tâm tình của ngày Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay bằng lời ca tiếp liên:
Hãy xướng lên lời ca khen ngợi,
… hãy vui mừng rạng rỡ!
Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm Bàn tiệc Thánh được thiết lập ra…
(Ca Tiếp liên Lễ Mình và Máu Thánh Chúa)
Câu hỏi gợi ý suy niệm:
- Tôi có ý thức đầy đủ mỗi khi tham dự Thánh Lễ, và thực sự khát khao lãnh nhận Chúa Kitô mỗi khi tôi lên rước Mình Máu Cực Châu Báu Người?
- Tôi có được biến đổi sau khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh là chính Thịt và Máu Con Đức Chúa Trời? Hay tôi vẫn mãi là tôi, khi bước vào nhà thờ và bước ra sau mỗi Thánh Lễ, tôi vẫn không có gì thay đổi?
- Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, tôi có bao giờ dành chút thời gian yên tĩnh riêng tư trước Chúa Giêsu Thánh Thể không?
- Lễ kính Mình Máu Chúa năm nay, Giáo hội kêu mời toàn thể con cái mình cùng cử hành giờ Chầu Thánh Thể để công khai tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, cũng như thờ lạy và chiêm ngưỡng Đấng Cứu Độ chúng ta trong Bí tích cực thánh này. Cùng Giáo hội hoàn vũ, tôi chuẩn bị gì cho tâm hồn tôi?
62. Bí Tích Thánh Thể – Dấu chỉ Tình Yêu
Khi thương nhau thì người ta sẽ làm mọi cách để biểu lộ tình thương và sự quan tâm của mình. Những món quà, những cuộc điện thoại hay những tin nhắn qua điện thoại… Cử chỉ trao nhẫn cho nhau trong nghi thức của Bí tích Hôn phối cũng nói lên dấu chỉ tình yêu giữa hai người phối ngẫu. Dấu chỉ ấy nói lên từ giây phút đó họ sẽ thuộc trọn về nhau cả xác lẫn hồn.
Tuần trước cùng với Giáo hội chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi – mầu nhiệm trung tâm của niềm tin Kitô giáo. Ba Ngôi cùng một bản thể, cùng một uy quyền và cùng hướng về một mục tiêu chung. Đó là cùng đem tình yêu và hạnh phúc đến cho con người. Có thể nói Thiên Chúa đã tỏ ra hàng trăm ngàn dấu chỉ để biểu lộ tình thương của Người dành cho con người. Một trong những dấu chỉ quý báu ấy chính là Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể chính là Bí tích quan trọng nhất trong 7 Bí tích. Vì qua Bí tích này chúng ta đón nhận được chính Chúa Giêsu là nguồn mọi ơn phúc.
Như chúng ta biết, trước khi chịu khổ hình Chúa Giêsu biết mình sẽ không còn hiện diện hữu hình ở trần gian này nữa nên Người đã lập Bí tích Thánh Thể. Để rồi qua Bí tích này Người sẽ còn tiếp tục hiện diện với con người. Quan trọng hơn là Người ban cho con người chính bản thân mình qua hình Bánh và hình Rượu.
Ngày nay, mỗi khi tham dự Thánh lễ là chúng ta cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể – Bí tích tình yêu. Và rồi nếu có đầy đủ điều kiện chúng ta sẽ lên rước lấy chính Chúa Giêsu qua hình bánh và hình rượu làm của nuôi cho sự sống đời đời. Thật là cao quý và hạnh phúc cho người tín hữu chúng ta. Mãi mãi chúng ta là những con người được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Hãy tin vào Chúa qua dấu chỉ Bí tích Thánh Thể – Bí tích tình yêu này. Và chúng ta đ ược kêu mời hãy siêng năng rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Bởi lẽ, rước lễ thì được những ơn ích này: một là làm cho ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và với nhau, hai là xóa bỏ các tội nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa, ba là thêm sức cho ta chống trả các chước cám dỗ của ma quỷ và sửa tính mê nết xấu, bốn là bảo đảm cho ta được sống đời đời.
Trong thư thứ nhất gởi cho giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô đã nói: “Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó không phải là dự phần vào Thân Thể của Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta ta chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 16b-17). Cho nên, hiệu quả của Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông với nhau.
Ông bà chúng ta có dạy: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau “.
Hay: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Còn ở đây, khi rước lễ là chúng ta được hiệp nhất cùng nhau trong thân thể Chúa Giêsu. Thân thể này không thể bị chia rẻ nhau từng mảnh mà phải được gắn kết với nhau.
Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho chúng ta tin vào dấu chì tình yêu qua Bí tích Thánh thể Người đã lập nên. Thể hiện niềm tin ấy là việc siêng năng rước Chúa và sống hiệp thông với nhau.
63. Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều
(Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
Cử hành Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ Đức Giêsu là chia sẻ không những sứ mạng của Người, mà cũng còn là chia sẻ định mệnh của Người, được tượng trưng bằng thập giá.
1.- Ngữ cảnh
Truyện này được đặt vào ngay sau phân đoạn nói về việc Đức Giêsu sai phái Nhóm Mười Hai đi rao giảng (các ông ra đi: 9,1-6; tiểu vương Hêrôđê thắc mắc về Đức Giêsu: 9,7-9; các tông đồ đã đi rao giảng về tường thuật của Đức Giêsu những việc đã làm: 9,10-11) và trước lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (9,18-21) cũng như lời tiên báo Thương Khó lần thứ nhất cùng với các điều kiện của đời môn đệ (9,22-16).
Riêng truyện hóa bánh ra nhiều trong TM Lc (9,12-17) thì tương ứng với Mc 6,30-44 và Mt 14,13-21. Tác phẩm Lc không có bản văn tương ứng với truyện hóa bánh ra nhiều lần hai ở Mc 8,1-10 và Mt 15,32-39; do đó, bề ngoài bản văn Lc giống với Ga bởi vì Ga cũng chỉ có một bài tường thuật về nhân bánh và cá (Ga 6,1-15).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Sứ vụ của Đức Giêsu (9,11b);
2) Các môn đệ nhận định về vấn đề (9,12);
3) Đức Giêsu đáp trả (9,13-16):
- a) lệnh thứ nhất cho Nhóm Mười Hai (c. 13),
- b) lệnh thứ hai cho Nhóm Mười Hai (cc. 14-15),
- c) một hành động của Người (c. 16);
4) Kết quả (9,17).
3.- Vài điểm chú giải
– nói với họ về Nước Thiên Chúa (11): hoặc “tiếp tục nói với họ”, vì động từ ở thì vị-hoàn (imperfect). Tác giả Lc đã sửa Mc 6,34 (“nhiều điều”) thành “về Nước Thiên Chúa”. Rõ ràng Lc muốn nối phép lạ sắp kể với lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
– Nhóm Mười Hai (12): Trong bản văn song song, Mt 14,15 và Mc 6,35 nói đến “các môn đệ” (hoi mathêtai). Đối với Lc, Nhóm Mười Hai tượng trưng sự nối tiếp với Israel. Trong Cv 1, con số mười hai phải được bổ sung sau khi Giuđa chết, để Nhóm Mười Hai đã được tái lập như thế, có thể đón nhận ân huệ đã được Thiên Chúa hứa ban là Thánh Thần và bắt đầu đi làm chứng. Tác giả Lc là tác giả duy nhất nối kết Nhóm Mười Hai với danh hiệu “tông đồ” ở 6,13 (x. Mt 10,2). Đọc Cv 1,21-22, ta thấy Phêrô xác định rằng người thay thế Giuđa phải đã cùng đi với Đức Giêsu kể từ khi Người được Gioan ban phép rửa đền khi Người lên trời, và như thế, trở thành chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Người. Như vậy, đối với Lc, Nhóm Mười Hai trở thành dây liên kết nối tiếp lời loan báo của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa với lời Giáo Hội rao giảng Lời Chúa.
– Chính anh em hãy cho họ ăn (13): Những lời Đức Giêsu nói có thể gợi đến 2 V 4,42-44: ở đây, một người từ Baan Salisa mang đến biếu ngôn sứ Êlisa hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm. Vị ngôn sứ bảo tiểu đồng: “Phát cho người ta ăn”. Tiểu đồng phản đối: “Có bằng này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?”; vị ngôn sứ đáp bằng cách nhắc lại lời của Đức Chúa (Yhwh): “Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Nếu gợi ý này quả thực có trong các Tin Mừng Nhất Lãm, thì hẳn là nó có hàm ý là Đức Giêsu đóng vai trò ngôn sứ khi hóa bánh ra nhiều.
– Đức Giêsu cầm lấy (16): Năm hành động của Đức Giêsu được diễn tả bằng những động từ lấy nguyên văn từ Mc 6,41 (x. Mt 14,18): cầm lấy (labôn), ngước mắt lên trời (anablepsas eis ton ouranon), dâng lời chúc tụng chúng (eulogêsen autous), bẻ ra (kateklasen), trao cho (edidou).
Mt 14,18 cũng nói đến năm hành động ấy nhưng ở những dạng khác. Trong Bữa tối cuối cùng theo Mc 14,22 (x. Mt 26,26), có bốn hành động được nhắc lại: cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Ở Lc 22,19, cũng xuất hiện bốn động từ, nhưng eulogêsas (chúc tụng) được thay thế bằng eucharistêsas (tạ ơn). Ở Lc 24,30, có ba động từ, nhưng edidou được thay thế bằng epedidou (= ban tự ý; ban làm của hồi môn). Trong bài tường thuật cuộc nhân bánh lần hai (Mc 8,6; Mt 15,36; x. 1 Cr 11,24) cũng có những động từ tương tự. Những bản văn dùng eucharistêsas (tạ ơn) phải được coi như là phản ánh một đợt muộn hơn trong truyền thống về Bí tích Thánh Thể (eucharistia). So với Mc 6,41, động từ này đứng một mình, nên rất có thể có nghĩa là “chúc tụng Thiên Chúa”. Khi gắn đại từ “chúng” (= bánh và cá) vào lời chúc tụng và việc bẻ bánh, tác giả cho hiểu rằng hai hành vi này chính là nguyên nhân đưa tới việc hóa bánh ra nhiều.
– ngước mắt lên trời (16): Đây là một thuật ngữ của Cựu Ước, thường có ở trong Bản LXX (St 15,5; Đnl 4,19; G 22,26; 2 Mcb 7,28).
– bẻ ra (16): Các TMNL không bao giờ nói rằng Đức Giêsu đã “nhân” bánh ra nhiều. Ta suy ra phương diện phép lạ từ con số những người ăn và những gì còn sót lại, từ khối lượng nhỏ bé lúc khởi đầu.
– ai nấy được no nê (17): Lc dùng echortasthêsan là động từ của Mc 6,42. Ngài cũng dùng động từ này trong Mối phúc 6,21 (x. 15,16; 16,21). Trong Bản LXX, động từ này thường được dùng để diễn tả lòng nhân lành Thiên Chúa đã hứa để làm no thỏa dân Ngài (x. Tv 37,19; 81,17; 132,15).
– mười hai thúng (17): Con số “mười hai” rõ ràng có một quy chiếu tượng trưng đến “Nhóm Mười Hai” ở c. 12: mỗi ông mang về một thúng đầy và bây giờ có đủ lương thực để nuôi cả những người khác nữa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Sứ vụ của Đức Giêsu (11)
Sau khi mười hai tông đồ đi giảng về và sau khi các ông đã tường thuật cho Người các công việc đã làm (Lc 9,10), Đức Giêsu lại chìm vào trong công việc phục vụ đám đông (9,11): Giảng về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Từ đầu Tin Mừng đến đây, tác giả đã liên tục giới thiệu hai khía cạnh này trong hoạt động của Đức Giêsu:4,31-44; 6,18; 8,1-2.
* Các môn đệ nhận định về vấn đề (12)
Lần đầu tiên trong Tin Mừng Lc, Nhóm Mười Hai lấy sáng kiến và quan tâm đến tương quan của Đức Giêsu với đám đông. Vì trời đã xế chiều, các ông đã nêu những nhận định và đề ra phương án giải quyết rất thực tế: đây là nơi hoang vắng, mà người ta thì đông; do đó, tốt nhất nên giải tán đám đông để họ tự giải quyết vấn đề nơi ăn chốn ở. Tác giả Lc nói ở 9,12 về “Nhóm Mười Hai”, trong khi ở 9,14.16, ngài thay đổi từ vựng: Đức Giêsu ngỏ lời với các “môn đệ”. Từ ngữ “môn đệ” này rất có thể cả ở đây cũng chỉ một nhóm đông hơn trong đó chắc chắn có Nhóm Mười Hai. Dù sao, sáng kiến phát xuất từ Nhóm Mười Hai khi họ vừa đi giảng về và lại tháp tùng Đức Giêsu. Qua sáng kiến này, rất có thể tác giả muốn cho thấy là, do chuyến đi truyền giáo vừa qua, các tông đồ đã nhạy cảm hơn với các nhu cầu của dân chúng.
Ở đây, chúng ta sắp gặp lại đề tài quen thuộc trong TM III, đó là “các bữa ăn Đức Giêsu chia sẻ với người khác” (x. 4,16–9,6). Nay chúng ta sắp sửa chứng kiến một phương diện mới: qua sứ mạng của Đức Giêsu là rao giảng về Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa đang thực hiện các lời Ngài hứa, là nuôi dưỡng tạo thành đói khát (x. Is 25,5-6).
Cụm từ “nơi hoang vắng” (c. 12) khiến chúng ta nhớ đến đoàn dân Israel đang sống kiếp nô lệ, nay bằng qua sa mạc để tiến dần về tự do, về với một cuộc sống mới.
* Đức Giêsu đáp trả (13-16)
Đức Giêsu trả lời bằng hai lệnh truyền (Lc 9,13.14) và một hành động (9,16).
Do Nhóm Mười Hai đã tỏ ra có ý thức trách nhiệm đối với dân chúng, Người trao cho một trách nhiệm quan trọng hơn và xác nhận nhiệm vụ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (9,13); chính anh em hãy nuôi dưỡng đoàn dân Israel vừa mới được tái lập. Với cái nhìn thực tế và với trái tim sẵn sàng, các ông nhận thấy tài nguyên của các ông quá nghèo nàn, các ông tình nguyện đi mua thức ăn cho dân chúng. Nhưng Đức Giêsu phản ứng với một lệnh thứ hai: “Bảo họ ngả mình thành từng nhóm năm mươi” (9,14). Các ông đã thi hành chính xác lệnh truyền (9,15). Đức Giêsu không lập một cơ quan phân phối bánh, để mỗi người có thể đến lấy phần của mình. Các môn đệ phải bố trí họ thành những nhóm trật tự (9,14).
Bây giờ đến hành động quyết liệt của Đức Giêsu. Sau khi đã đọc lời chúc tụng và bẻ bánh và cá ra, Người trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho đám đông. Các môn đệ đã vâng theo lệnh thứ hai của Người, nên giờ đây Đức Giêsu làm cho họ cũng có khả năng thực hiện lệnh thứ nhất: cho đám đông ăn (so sánh 9,13 // 9,16). Các từ ngữ được Lc dùng để mô tả hành động Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho) thuộc về bài tường thuật việc thiết lập Bí tích Thánh Thể (22,19) và truyện hai môn đệ Emmau (24,30, cũng liên hệ với Bí tích Thánh Thể). Các môn đệ của Đức Giêsu sẽ phải tiếp tục nuôi dưỡng đám đông bằng Bí tích Thánh Thể.
* Kết quả (17)
Đám đông đã được no nê mà các mảnh vụn còn thừa đã được người ta thu lại được mười hai thúng (Lc 9,17). Trong biến cố này, Nhóm Mười Hai, là những bạn đồng hành của Đức Giêsu, không chỉ chứng kiến việc Người làm, mà còn được đưa vào cộng tác trực tiếp. Các ông đã nhận lệnh cho đám đông ăn (9,13) và các ông đã được Đức Giêsu làm cho có khả năng thực hiện điều đó (9,16). Điều đánh động chúng ta khi đến cuối truyện này là Lc không ghi lại một phản ứng nào của đám đông trước phép lạ (ngược với Ga 6,14-15). Chính Phêrô sẽ làm phát ngôn nhân cho họ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (9,20).
Ta có thể so sánh với 22,19, trong đó cũng Nhóm Mười Hai nhận bánh do Đức Giêsu trao ban, bây giờ với lời giải thích và lệnh truyền: “Đây là Mình Thầy, hiến trao vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Các ông lại nhận và phải cho đi. Về đời sống của cộng đoàn tiên khởi, sách Cv viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Như Simôn và các môn đệ đầu tiên vào dịp mẻ cá lạ lùng (5,4-11), Nhóm Mười Hai cũng trải nghiệm trực tiếp về quyền lực của Đức Giêsu.
+ Kết luận
Khi tỏ mình ra như là chúa tể ban cơm bánh, Đức Giêsu cũng tỏ mình ra như là chúa tể ban sự sống và khuyến khích Nhóm Mười Hai tin tưởng bẻ ra và phân phát bánh đã nhận trong Bữa Tối cuối cùng. Nhóm Mười Hai đã đề nghị giải tán đám đông và như thế là chấm dứt sự hiện diện và kết hợp của họ với Đức Giêsu. Nhưng dân chúng không bị buộc phải rời bỏ Đức Giêsu mới tìm được các kế sinh nhai. Đức Giêsu có quyền năng duy trì sự hiệp nhất trong tư cách là chúa tể ban cơm bánh và sự sống. Người có thể quy tụ lại và bảo toàn cộng đoàn vĩ đại quanh Người. Cả điều này cũng thuộc về kinh nghiệm mà Nhóm Mười Hai vừa trải nghiệm.
5.- Gợi ý suy niệm
- Bữa tiệc Đức Giêsu vừa chiêu đãi thật vĩ đại. Tuy nhiên, nếu đã có kết quả ấy là bởi vì các môn đệ đã góp phần của mình vào (lương thực: năm chiếc bánh và hai con cá; phục vụ: phân phối đám đông thành nhóm trật tự và phát bánh với cá). Bữa tiệc này gợi đến Thánh Lễ chúng ta dâng. Khi đó, chúng ta cũng phải góp phần nhỏ bé của mình vào để cho tất cả được no nê. Bữa tiệc Thánh Thể lại tiên báo Bữa tiệc vĩnh cửu trên thiên quốc, mà mỗi người chúng ta hiện đang góp phần để thực hiện, dù là phần khiêm tốn bé nhỏ.
- Quả thật, một Thánh Lễ mà không đưa tới hành vi cụ thể giúp đỡ những người túng cực, để ai nấy được no đủ, thì chỉ là một hành vi dối trá. “Những miếng vụn còn thừa thu lại được mười hai thúng” (c. 17): Bánh Thánh Thể không phải là thứ dành riêng cho những người đạo đức; đây là một quà tặng Đức Kitô ban không bao giờ cạn kiệt. Quà tặng này sẽ tiếp tục được phân phát cho tới ngày bắt đầu bữa tiệc vĩnh cửu, và khi đó lễ mừng sẽ không bao giờ chấm dứt.
- Mối bận tâm đến lương thực hằng ngày là nguyên do khiến con người phân tán, bởi vì mỗi người sẽ phải lo làm công việc của mình, và đôi khi cũng là nguyên nhân đưa đến những mâu thuẫn do đấu tranh để bảo toàn sự sống và cạnh tranh về nghề nghiệp. Đức Giêsu cung cấp một bữa tiệc: Người muốn kiến tạo đời sống cộng đoàn hợp nhất. Các môn đệ hôm nay phải hướng về Đức Giêsu: Người đã chứng tỏ là Người có ý muốn và Người có khả năng làm mục tử chăn dắt đoàn chiên này, quy tụ họ lại trong sự duy nhất và sự hiệp thông, dọn cho họ một bàn tiệc và quy tụ họ lại quanh mình để sống tình hiệp nhất cộng đoàn trong sự bình an và thân tình.
- Khi đi tham dự Lễ Tế Tạ ơn, chúng ta tham dự vào một cộng đoàn huynh đệ được Đức Giêsu nuôi dưỡng. Khi đó, chúng ta hưởng sự tự do được ở với nhau trong tình thương, trong sự an bình và trong niềm vui. Như ngày xưa với đám đông, hôm nay với các tín hữu đến tham dự thánh lễ, không có việc làm nào cả, không có sự mệt nhọc nào cả, không có sự bân tâm nào cả, không có sự phân biệt nào cả: mọi chuyện ấy không còn nữa, khi Đức Giêsu có mặt.
- Hôm nay khi đứng trước những vấn đề nan giải, các tín hữu nhớ rằng Đức Giêsu sẽ giúp họ giải quyết, nhưng họ cũng phải góp phần nhỏ bé vào. Khi đã đạt được kết quả, thì đừng quên rằng họ chỉ là tôi tớ, đã biết vâng theo những lệnh truyền của Đức Giêsu và cộng tác với Người. Nhưng con số mười hai thúng đầy gợi ý là, sau khi đã chia sẻ tiệc Thánh Thể với những anh chị em hiện diện, bây giờ chính chúng ta cũng có thể và phải chia sẻ lương thực cho những anh chị em không có mặt, để họ cũng được liên kết với đoàn dân Chúa.
- Cũng ghi nhận là tác giả Lc nối truyện này trực tiếp vào lời Đức Giêsu tiên báo Thương Khó và với những giáo huấn của Người về việc vác thập giá hằng ngày (9,18-27). Cử hành Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ Đức Giêsu (22,19) là chia sẻ không những sứ mạng của Người (9,1-6), mà cũng còn là chia sẻ định mệnh của Người, được tượng trưng bằng thập giá (9,18-27).
64. Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
HOÁ BÁNH RA NHIỀU HAY BẺ BÁNH
Phép lạ về bánh rất ăn khớp với mạch văn. Ngoài việc nó được đưa vào một cách hợp lý –ngày đã bắt đầu tàn, phải nghĩ đến chuyện ăn uống- trình thuật sắp gián tiếp trả lời cho câu hỏi mà Hêrôđê tự đặt ra cho ông; nếu không có một tước hiệu nào được gán cho Chúa Giêsu ở đây, thì dấu chỉ lạ lùng Ngài đã thực hiện cũng đưa nhóm Mười Hai (và độc giả) vào đúng hướng. Duy nhất chỉ có phép lạ này trong suốt sứ vụ ở Galilê, được tường thuật trong ba bản Nhất Lãm mà cũng thấy có cả ở Gioan nữa. Hơn thế, Mc 8,1-10, được Matthêu lấy lại, có một bản dịch với bảy bánh, bảy thúng và bốn ngàn người. Như vậy, được thuật lại sáu lần trong các Tin Mừng, “phép lạ làm quà” này theo một sơ đồ mà cách Các Vua đã sử dụng tới ba lần khi nói về Êlia và Êlisê: dù người ta không đòi hỏi, vị ngôn sứ đã do sáng kiến của riêng mình mà trao tặng những của cải vật chất (bột mì, dầu, bánh) một cách kỳ diệu. Người ta cũng nhấn mạnh đến sự dư dật của quà tặng. Trong trình thuật mà bản văn chúng ta cảm hứng theo, chính Êlisê tuyên bố: Chúa phán như thế này: Người ta sẽ ăn no mà còn dư thừa (2V 4,43 xem cả ở 1V 17,14). Trái với đoạn văn song song của Ga 6, Luca không đọc ở phép lạ hoá bánh theo ánh sáng của các trình thuật thời xuất hành nói về manna và ông cũng không trình bày Chúa Giêsu như Môsê mới trao ban bánh của thời kỳ cuối cùng.
Ngày đã bắt đầu tàn. Về mặt thời gian, ghi chú này cũng là một thoáng nhìn đầu tiên hướng về bữa ăn ở Emmas (24,29) sẽ được nói rõ hơn trong phần tiếp theo của bản văn. Tính cách cho không của dấu chỉ mà Chúa Giêsu sắp làm đến từ sự kiện là nếu địa điểm là nơi hoang vắng, cũng có các làng mạc và nông trại quanh đây; nhóm Mười Hai có thể đi mua thực phẩm dù đó là một chi phí khá lớn (c.13). Trong khi giải quyết vấn đề thực phẩm, phép lạ sắp xảy ra không giải quyết vấn đề chỗ ở, như cũng đã được nhắc đến… Lời đối đáp của Chúa Giêsu giống như lời của Êlisê (2V4 – Lc 9,13-17). Tính cách lớn lao của quà tặng được ban phát đến từ sự khác biệt giữa những con số; Chúa Giêsu là một Ngôn Sứ vĩ đại đến độ ta không thể so sánh Êlisê với Ngài được.
Lệnh được ban các môn đệ bảo mọi người ngồi xuống làm cho các ông đóng vai trò trung gian. Các ông đã trình bày với Thầy về nhu cầu của đám đông (c.12); trong chốc lát; họ sẽ đưa bánh và cá từ bàn tay Chúa Giêsu đến cho dân chúng. Trình thuật không chứa đựng lời tiên tri để nói lên ý nghĩa của những gì đang xảy ra (khác với 1V 17,14; 2V 4,13); ý nghĩa được cung cấp cho độc giả bằng bốn trong năm đương thời mô tả những cử chỉ của Chúa Giêsu. Cầm lấy, tạ ơn (ở đây là dâng lời chúc tụng), bẻ ra, trao cho là những từ ngữ dùng cho bữa tiệc cuối cùng ở 22,19. Màu sắc của phép lạ còn rõ nét hơn khi Luca dùng những từ ngữ “bẻ ra / bẻ bánh” để chỉ những buổi tiệc Thánh Thể của Giáo Hội (24,30.35; Cv 2,42-46). Hơn nữa, không có từ “tăng lên nhiều”; chỉ có chuyện bẻ ra và phân phát bánh thôi. Được nhắc đến hai lần, nhưng các con cá lại ở vào thế phụ thuộc, vì lý do các động từ liên quan đến bữa tiệc Thánh Thể được dùng ở đây. Cuối cùng nơi mà năm trình thuật khác trong Tin Mừng nhắc đến “chúc tụng Chúa” hoặc “tạ ơn Chúa”, chỉ có Luca nói chúc lành cho thực phẩm. “Bằng lời chúc lành”, Chúa Giêsu chuyển trao sức mạnh của ngài sang bánh và cá như khi chữa bệnh, một quyền năng xuất phát từ Ngài và làm cho phép lạ xảy ra (F. Bovon). Trái với các trình thuật chữa bệnh, ở đây không có thể phát biểu ý kiến về biến cố dựa trên một trình thuật như thế.
2V 4,44 ghi chú: “Tên đầy tớ phân phát trước mặt mọi người: họ đã ăn và còn dư lại theo lời Thiên Chúa”. Ở đây cũng vậy, thêm vào việc mọi người ai nấy được no nê là còn thừa những miếng bánh đã bẻ ra (dịch sát: những miếng vụn, cũng là một từ của bữa tiệc Thánh Thể); tất cả là mười hai thúng. Cuối cùng thì mỗi người trong nhóm Mười Hai (xc.12) mang một thúng đầy. Như vậy là một cách đọc có tính tượng trưng đã rộng mở…
Không hề có một phản ứng nào về phía đám đông, dường như họ không biết đến những gì vừa xảy ra. Trái lại, phản ứng của nhóm Mười Hai sẽ xảy ra ngay tức khắc; phép lạ hoá bánh ra nhiều chuẩn bị cho lời tuyên xưng của Phêrô liền ngay sau đó.
Hôm nay là “Lễ Mừng Thiên Chúa”! Từ đó xem ra kỳ lạ, nhưng được tuyển chọn để nói lên mầu nhiệm “Mình và Máu Đức Kitô”, là dấu chi vĩ đại, là bí tích thiêng thánh của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Vì thế để gợi lên cho ta thấy bí tích Thánh Thể quan trọng này, Giáo hội đã chọn, để năm nay chúng ta đọc lại một phép lạ liên hệ đến “vật chất”: đó là phép lạ hóa bánh ra nhiều. Làm như thế có phải là giảm nhẹ mầu nhiệm không? Có lẽ đó là điều gây cho ta nhiều ngỡ ngàng. Với tinh thần duy lý, chúng ta không thường hiểu sai, khi muốn vật chất hóa bánh ra nhiều một cách triệt để, hãy thiêng liêng hóa bữa tiệc Thánh Thể đến cùng sao? Thực sự, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hai thứ bánh đó liên kết với nhau. Để nói lên Đức Giêsu cho đám đông dân chúng đói bụng ăn no nê, Luca sử dụng chính những công thức của Bữa Tiệc ly… Nhưng ông cũng sẽ diễn tả Thánh Thể như một bữa ăn huynh đệ, đòi phải phục vụ lên nhau cách cụ thể.
Có lẽ chúng ta cần nhận ra rằng, “bánh của Thiên Chúa” đòi ta phải thương tới anh em mình, tới “bánh của con người”… hoa quả và ruộng đất công lao của con người! Vì lòng thương yêu chúng ta, khi trao nộp Mình và Máu Ngài, Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy làm như thế. Làm sao Thánh Lễ của chúng ta lại có thể thoát ra ngoài thế gian được?
Đức Giêsu đã nói với đám đông về nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
Ngay những lời mở đầu, Luca đã tiếp tay rất nhanh, để độc giả của ông, những Kitô hữu sống Thánh Thể mỗi Chúa Nhật, hiểu rõ ý nghĩa biểu tượng của trình thuật ông sẽ kể. Cũng như trong thánh lễ, bữa ăn mà Đức Giêsu sắp cống hiến cho đám đông, bắt đầu bằng một “Phụng vụ Lời Chúa”. Cần phải hiện diện tại đó ngay từ đau để được dưỡng nuôi bằng chính Giêsu đó, Đấng “nói về nước Thiên Chúa” và “chữa lành những ai cần được chữa”. Phải, dấu chỉ của bánh che giấu một khuynh hướng biểu tượng sâu sắc mà ta cần phải hiểu ý nghĩa vượt trên thực tại vật chất trực tiếp. Lương thực sắp được trao ban, không chỉ nhằm tới làm dịu cơn đói phần xác, dù rằng trước hết nó đóng vai trò đó. Con người không chỉ sống bằng cơm bánh! Cơn đói khát của con người không phải chỉ là những lương thực trần gian. Lát nữa họ có nhận ra Đấng sẽ ban cho họ “bánh bởi trời” (Ga 6) không?
Đức Giêsu “nói đến nước Thiên Chúa”. Do đó, đây là Lời giải thoát con người, là Ngôi Lời cứu độ con người, là sứ điệp mở lối cho con người tới Thiên Chúa. Hỡi con người giá như người biết nhu cầu đích thực của ngươi? Giá như ngươi biết rằng, sự “no thỏa” duy nhất và thực sự của người là chính Thiên Chúa. Người được tạo thành để hưởng hạnh phúc vô biên, mà các hạnh phúc trần gian chỉ là một thứ hình ảnh mờ nhạt. Vậy, bạn đừng hài lòng vì những thứ bánh ngọt, món rau đỗ, hay món thịt bò với khoai tây rán…
Đức Giêsu “chữa lành những ai cần được chữa”. Đó là kiểu nói đầy tính mạc khải. Luca biết rằng có lẽ mọi người đều cần đến việc chữa lành như trên, mà Đức Giêsu sẽ mang đến. Nhưng rõ ràng, có quá nhiều người còn đang đóng kín trong tiểu vũ trụ con Người riêng tư của họ, thường không cảm nhận được những giới hạn sâu xa của mình, như tội lỗi và định mệnh phải chết. Họ cứ tưởng mình là “mạnh khỏe”! Thế mà, Đức Giêsu không đến với người mạnh khỏe, những kẻ công chính, nhưng đến với kẻ đau bệnh và tội lỗi (Lc 5, 31). Đó thực là “hồng ân cứu độ của Thiên Chúa, sắp được biểu trưng trong lương thực mầu nhiệm có sức làm no thỏa và vô cùng phong phú… mà Đức Giêsu (theo tiếng Hê-brơ danh của Ngài có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”) sẽ trao ban cho “những ai cần đến”! phần tôi, tôi có thuộc vào những người đó không?
Ta cũng đã thấy, tại điểm nào mà kiểu giải thích nhằm đơn giản hóa sự việc, muốn tìm hết cách để hợp lý hóa phép lạ, và cố nói lên rằng, Đức Giêsu đã thuyết phục dân chúng để họ đưa ra những đồ dự trữ mà họ cất giấu, do đó gợi lên một thái độ chia sẻ chung. Kiểu giải thích này không nghiêm chỉnh. Nó biến Tin Mừng thành một thứ tiểu thuyết màu mè, dù đã đưa ra được một bài học liên đới khá tốt.
Cũng thật là ấu trĩ khi nghĩ rằng, Chúa là Đấng không ngừng làm cho các đồng bắng trên thế giới đẫy rẫy những mùa gặt từ vài hạt lúa, lại có thể gặp lúng túng khi hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh… Thánh âu Tinh đã phát biểu như thế.Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn. Nếu đó là ơn cứu độ, là sự sống đời đời, thì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng “Hỡi con người nếu ngươi nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban” (Ga 4, 10). Ôi, hỡi chị phụ nữ xứ Samari, cơn khát khao của chị không phải là cơn khát ở nước giếng này! (Ga 4,15) Còn tôi, tôi có đói khát không?
Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng…”.
Vẫn là nết nhạy bén của Luca. Dừng lại những chi tiết vật chất của cảnh tượng trên, có nghĩa là bỏ quá điều cốt yếu. Làm sao những người quen thuộc Kinh Thánh lại không nhận ra trong thứ bánh được trao ban cho dân chúng “trong hoang địa”: Một nhắc nhở đến phép lạ “man na” kỳ diệu trong Xuất Hành? Đức Giếsu là Môsê mới, “nhà giải phóng” mới, Đấng,”cứu khỏi vùng đất tử thần” hoang địa!
Không phải nhờ đi đến các nông trại làng mạc mà đám đông được cứu sống… nhưng chính là nhờ ở lại với Đức Giêsu! Hỡi các tông đồ, các ông đã nhầm lẫn khi kiếm tìm giải pháp trong phạm vi nhân loại.
Nhưng Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn. Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá… trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. Quả thực, có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy cho họ ngả lưng thành từng nhóm khoảng năm mười người một”. Các môn đệ làm y như vậy và cho mọi người ngả lưng xuống.
Ta không thể không ngạc nhiên, về những vai trò mà Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ thể hiện: thế nhưng chính Đức Giêsu sắp “ban bánh”… và nhóm Mười Hai sắp phân chia bánh. Trước hết, họ được trao cho trách liệm tổ chức đám đông ô họp thành “cộng đoàn” có cơ cấu. Họ được Đức Giêsu thiết lập như các “thừa tác viên”, nghĩa là những “người phục vụ”. Làm sao các cộng đoàn thời Luca lại không hiểu được ám chỉ đó! Trình thuật mang tính đồng quê trên đây chắc chắn hàm chứa nhiều màu sắc phụng vụ hơn chúng ta tưởng, nếu ta không dừng lại ở vẻ bề ngoài.
Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.
Hiển nhiên là những từ trên được Luca chọn lựa, để nhắc lại nghi thức phẩm trật và phụng tự của Thánh Thể. Diễn tiến bốn cử chỉ Thánh trên đây, cũng sẽ được Luca thuật lại trong bữa tiệc ly thứ Năm Thánh và trong bữa ăn tại làng Em-mau:
Tại hoang địa (Lc 9, 15)
Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh…
Ngài chúc lành…
bẻ ra…
và trao ban…
Tại phòng Tiệc ly (Lc 22,19)
Ngài cầm lấy bánh…
dâng lời tạ ơn…
bẻ ra….
và trao ban…
Tại Em-mau (Lc 2430)
Ngài cầm lấy bánh…
dâng lời chúc tụng…..
bẻ ra…
và trao cho họ…
Những lời trên không chắc chắn buộc chúng ta phải dừng lại trên lối giải thích, các Kitô hữu đầu tiên đã làm trước việc hóa bánh ra nhiều nổi tiếng mà các Tin Mừng không tường thuật cho ta ít hơn sáu câu đối chiếu (Mt 14, 13.21 và 15, 32.39 Mc 6, 30.40 và 8, 1.10 Lc 9, 10.17 Ga 6, 1,15). Khi linh mục, thừa tác viên phục vụ của Đức Giêsu lặp lại giữa chúng ta, trong cộng đoàn, bốn cử chỉ trên đây của Đức Giêsu, thì chính Người đang thực sự làm lại và: hiện diện giữa chúng ta. Thánh lễ có thể giúp ta, trong Đức tin gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh, Đấng chiến thắng sự dữ và tử thần, do đó là Đấng cứu chuộc con người. Bánh được bẻ ra và trao ban, đó là dấu chỉ mà “Thiên Chúa ở cùng chúng ta. “Bánh đó chính là bản thân của Đức Giêsu được trao ban cho ta… là chính con người nhiệm mầu, như hai đoạn văn liền kể trước sau với trình thuật hóa bánh ra nhiều gợi lên cho ta: “ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện lạ như thế? Hêrôđê tự hỏi (Lc 9, 7.9)… “Anh em bảo Thầy là ai?”. Đức Giêsu hỏi các bạn hữu, ngay khi Người làm phép lạ trên đây (Lc 9, 18.27). Nếu chúng ta không trả lời câu hỏi về căn tính của Đức Giêsu trên đây, thì “dấu chỉ bánh” vẫn còn giữ vẻ hời hợt bên ngoài. Như thế có phải là các Kitô không cần quan tâm đến sự đói khát vật chất của mình không? Cộng đồng chủng người trẻ của Taizé trả lời rằng việc phụng thờ và công cuộc phát triển liên kết với nhau. Việc bạn chia sẻ cơm bánh, thái độ dấn thân để thay đổi xã hội, cử chỉ cho kẻ đói ăn, hành động phục vụ kẻ khác… những việc làm như thế rất quan trọng. Trước hết bạn hãy thực hiện những công tác đó! Nhưng bạn cũng đừng quên tôn thờ, gặp gỡ con người của Đức Giêsu Đấng cứu độ… Nếu không, bạn có thể làm thất vọng anh em mình về điều họ đang cần nhất. Họ là làm no thỏa cái bụng, họ cần sự thỏa mãn mà Thiên Chúa sẽ mang đến nếu bạn biết trao cho họ. Bởi vì, bánh hằng ngày của con người (không có gì tầm thường hơn là bánh!), cần phải trở nên Minh Thánh Đức Kitô. Không được phung phí bánh của con người. Một mầu nhiệm đang ẩn giấu ở đó.
Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
Không được vứt đi một mảnh nào của đời người, một miếng nào của tầm thường, một giây nào của mỗi ngày… từ khi Thiên Chúa đã nhập thể vào đó! Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn – chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa mầu ruộng đất và công lao của con người, xin dâng lên Chúa để bánh này trở nên bánh tràng sinh nuôi dưỡng chúng con!
Nhưng chúng ta cũng biết rằng, lúc đó đám đông chưa hiểu gì. Họ muốn tôn Ngài làm vua, gán cho Người vai trò của Đấng Mêsia, theo quan điểm chính trị, đóng khung Người trong phạm vi nhân loại! Người đã không nhận. Người “lánh mặt đi lên núi” (Ga 6, 15) và “Người bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia” (Mc 6, 45).
Xin ban cho chúng con lương thực hằng ngày… lương thực này và lương thực kia!
66. Chú giải của Fiches Dominicales
ĐỨC GIÊSU BẺ BÁNH, PHÂN PHÁT DƯ DẬT CHO DÂN CHÚNG TRONG HOANG ĐỊA
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
- Một trình thuật được sáng tỏ nhờ nội dung bản văn.
Lua đã đặt trình thuật hóa bánh ra nhiều vào giữa hai câu hỏi về thân thế của Đức Giêsu:
+ Câu hỏi của vua Hêrôđê, ông không biết nghĩ sao khi nghe nhưng dư luận rất khác nhau về Đức Giêsu. “Có kẻ nói: Đó là ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết sống lại. Kẻ khác nói: ông Êlia xuất hiện đấy. Kẻ khác nữa lại nói: Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại. Còn vua Hêrôđê thì nói: Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? Rồi vua tìm cách thấy mặt Đức Giêsu ” (9,7-9).
+ Câu hỏi của chính Đức Giêsu (9, 12-20): “Đám đông nói Thầy là ai?… Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “. Và Phêrô sẽ đáp lại bằng lởi tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa ” (Tin Mừng Chúa nhật tới).
– Luca cũng đặt trình thuật nào vào bước ngoặt của sứ vụ Chúa thi hành ở Galilê, khi sứ vụ sắp kết thúc. F. Prod’hom giải thích: “Tấm thảm kịch tới hồi bi thảm, một bên là nhà cầm quyền sẽ thù nghịch, và đám đông hồ hở lúc ban đầu, nhưng rồi chán nản vì lòng nong mỏi một Đấng Kitô trần tục không được đáp ứng; một bên là các môn đệ và Đức Giêsu thì cố gắng làm cho họ hiểu bản chất đích thực của sứ vụ cứu thế của Người… Ta không thể đọc trình thuật về việc hóa bánh ra nhiều, mà không nghĩ đến lúc này Đức Giêsu đang bị cơn khủng hoảng: người tự thấy mình bị một số người lìa bỏ những người đã không có thể vượt lên trên những mong mỏi trần tục của họ; cũng lúc này Phêrô và các bạn được mời gọi chứng tỏ lòng tin yêu phó thác, quyết tâm đi theo Đức Giêsu.” (“Assemblée du Seigneur”, số 32, trg 60-61).
– Sau cùng, Luca liên kết trình thuật này với việc sai mười hai ông đi truyền giáo lần đầu, các ông được sai đi “công bố Vương Quốc Thiên Chúa” (9,1-2). Các ông trở về và “báo cáo cho Đức Giêsu những việc các ông đã làm”. Rồi Đức Giêsu dẫn các ông vào nơi vắng vẻ. Chính lúc đó thì đám đông đi theo Chúa và biến cố đã xảy ra, khi mà Mười Hai trình bày cho Thầy mình biết nhu cầu của đám đông và thú nhận sự bất lực trước tình thế cấp bách như vậy, thì Đức Giêsu truyền cho các ông phân phát cho mọi người năm chiếc bánh và hai con cá. Công cuộc truyền giáo được kết thúc bằng việc phục vụ đám đông.
- Một trình thuật mô tả cảnh thiếu thốn nhường chỗ cho cảnh dư dật.
“Ngày đã bắt đầu tàn”. Các môn đệ hỏi nhau: Chúng ta đang ở “một nơi hoang vắng”. Lấy gì ăn đây. Bởi vì có tới “năm ngàn người” mà lương thực dự trữ chỉ có “năm ổ bánh và hai con cá”. Trong khi các ông nghĩ rằng tốt nhất là giải tán cho họ về nhà, thì Đức Giêsu lại trả lời: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi”.
Trước hết, Đức tin truyền cho các ông: “Anh em hãy bảo họ ngả mình xuống. Rồi Người cầm lấy bánh, cá, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho đám đông. Thức ăn dư dật đến độ còn dư thừa “12 thúng”. Mỗi thúng cho một ông trong nhóm mười hai.
- Một trình thuật viết dưới ánh sáng Phục sinh.
Mọi nhà chú giải Thánh Kinh đều đặt trình thuật việc lập Bí tích Thánh Thể đối chiếu với việc hoá bánh ra nhiều. Nhưng còn có sự đối chiếu song hành nổi bật hơn nữa, đó là đối chiếu với trình thuật về hai lữ khách đi Emmaus.
– Cũng như ở Luca 24,13-35 (“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đên Người trong Sách Thánh”). Việc chia sẻ Lời Chúa (“Đức Giêsu nói với họ về Nước Thiên Chúa”) xảy ra trước dấu lạ bánh được chia sẻ và được hóa ra nhiều là chóp đỉnh của trình thuật.
– Cũng như ở Luca 24,29 (“Mời Ngài ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều là ngày sắp tàn”) thì cũng vào lúc “ngày bắt đầu tàn” xảy ra việc hoá bánh ra nhiều.
– Cũng như ở Luca 24,40, thì ở Luca 22, 14 cũng tả tư thế của những người tham dự là thế nằm (“anh em hãy bảo họ ngả lưng xuống”) theo phong tục của thời đó khi ăn tiệc lớn.
– Cũng như ở Luca 24,30 thì ở Luca 22,14 chúng ta gặp thấy 4 động từ đặc điểm của việc dâng lễ tạ ơn: Đức Giêsu cầm lấy 5 ổ bánh… ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ.
Hành động mà Đức Giêsu đã làm và những lời Người đã nói lúc ấy để “làm dấu chỉ” cho sứ mệnh của Người là tái lập nước Thiên Chúa, đã không được hiểu ngay lúc ấy. Nhưng sau cuộc khổ nạn và “biến cố vinh quang”, “trong ánh sáng của Thánh Linh” thì cộng đoàn tiên khởi đã làm sáng tỏ điều Người “thực sự đã làm và đã dạy”.
- Một trình thuật dưới dạng dụ ngôn.
Sau hết, ta nhận thấy trình thuật này được trình bày như một dụ ngôn bằng hành động mô tả sứ mệnh của Đức Giêsu và của Hội Thánh Người như thế nào.
– Trước đám đông dân chúng, mải miết đi theo Người vào chốn hoang vắng này, đến nỗi quên rằng giờ đã muộn và lại ở xa với địa điểm có thể tìm được lương thực, thì Đức Giêsu là một vị Ngôn sứ thượng thặng (vượt xa những ngôn sứ trong Cựu ước, như Êlia, vị ngôn sứ đã nuôi 100 người bằng 20 ổ bánh (2V 4.44), qui tụ và nuôi sống Dân Thiên Chúa.
Trong Người, Nước Thiên Chúa đã khai mở, sự trông ngóng của muôn người được đáp ứng ngoài mong đợi. Của ăn mà Người vừa cung cấp cho họ một cách nhưng không và dư dật tràn trề, chính là ơn cứu độ của Thiên Chúa.
– Đám đông không còn tản mát và bơ vơ, mà đã được qui tụ được tổ chức “thành từng nhóm năm mươi người” (Giống như dân Israel trong sa mạc: Xh 18, 21-25; Ds 31, l4; Đnl 1,15) làm thành một cộng đoàn cùng nhau dự tiệc, gợi nhớ đến Dân mới và Bữa tiệc cánh chung mà, theo lời Chúa hứa, kẻ nghèo sẽ được ăn uống no nê.
Còn về Nhóm Mười Hai, tác vụ tông đồ các ông thi hành ở đây mang một ý nghĩa biểu trưng. Đức Giêsu cho các ông hợp tác cụ thể với sự nghiệp của Người (“Các anh em hãy cho họ ăn”). Chia công tác cho các ông, truyền cho các ông tổ chức dân chúng (“Anh em hãy bảo họ ngả mình từng nhóm năm mươi người…”), và phân phát bánh đã hóa nhiều cách rộng rãi (“Đức Giêsu đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho mọi người”).
Khi nói đến bánh dư thừa thu gom lại được “12 thúng”, thì tuy trình thuật kết thúc ở đây, nhưng vẫn mở ra cho sứ mệnh phổ quát của Hội Thánh qua không gian và thời gian.
Francois Bovon kết luận: “Nhìn theo quan điểm Giáo Hội học, Đức Giêsu mời gọi sự cộng tác của các môn đệ, dù rằng, trước phục sinh, các ông chưa hoàn toàn hiểu được điều đang xảy ra. Việc làm trung gian là Người trao cho Nhóm Mười Hai báo trước tác vụ và trách nhiệm tương lai của các ông sau phục sinh. Như vậy đã rõ, Đức tin thiết lập tác vụ như một sự phục vụ chứ không phải như một sự thống trị. Căn nguyên của tác vụ này và những thiện ích phát sinh từ đó ra, không hệ tại bản thân thừa tác viên, nhưng hệ tại Thiên Chúa, đang tuyển chọn và bổ nhiệm. Công việc của thừa tác viên giống như đời sống của Giáo Hội có phát triển bên ngoài (1,1 –16,10a) và bên trong (9. 10-l7) đó là phải bung ra thế giới ngoại giáo, đồng thời phải xây dựng cộng đoàn thánh thiện.
Dân Thiên Chúa vì thế phải lên đường cả ngày lẫn đêm, nơi thôn quê cũng như thành thị, và sa mạc. Chắc chắn Chúa yêu thương họ, săn sóc và nuôi dưỡng họ bằng cách thế không thể ngờ. Người ban tặng họ ân huệ cao quý và dư dật, nhờ con của người là nhờ những môn đệ mà Con Chúa đã tuyển chọn. Ơn huệ dồi dào này không chỉ dành riêng cho nhóm dân khác. Thông hiệp vào tình yêu của Thiên Chúa không phải là hình thức loại trừ, nhưng là sự hội nhập có tính năng động”
BÀI ĐỌC THÊM:
- Một cử chỉ làm thay đổi thực tại đời ta
(L. Sintas trong “Parole de Dieu pour la méditation”).
Đức Giêsu đang nói với đám đông về Vương quốc Thiên Chúa. Vậy mà khi vừa mới giảng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu liền truyền cho đám đông ngồi xuống như để đưa ra cho họ một hình ảnh cụ thể. Thế còn cử chỉ Người làm trước mắt họ là cử chỉ nào? Đó là việc hóa bánh ra nhiều. Vua đích thật của Vương quốc chẳng có gì kiêu kỳ cả. Người biết rất rõ đám thính giả của Người đang đói. Đám đông đói lả này tượng trưng cho cả nhân loại. Người ta nói rằng đám đông ấy đông vô kể. Phần các môn đệ, các ông nghĩ là nên giải tán để cho họ đi vào các làng lân cận mà lo kiếm của ăn. Nhưng Đức Giêsu lại nghĩ khác. Người yêu cầu cho họ ngồi xuống. Chính Người sắp lo liệu cho đám dân này mà Người lại làm công việc đó một cách khiêm tốn. Người đã không coi chuyện năm ổ bánh và hai con cá nghèo nàn mà các môn đệ nói cho biết là chuyện nghiêm chỉnh chăng? Chính những ổ bánh là những con cá này mà Người hóa ra nhiều đấy.
Chúng ta cũng được biết trong trí của Đức Giêsu (việc hóa bánh ra nhiều) là dấu lạ loan báo một của ăn khác. Nếu ta vận dụng ý nghĩa của cử chỉ Chúa làm, thì ta có thể cả quyết rằng phép Thánh Thể cũng như phép lạ ta vừa chứng kiến, không phải là một trò ảo thuật. Việc làm của Đức Giêsu dựa trên việc hiến dâng 5 ổ bánh và 2 con cá. Đó chính là vai trò hết sức chủ động dành cho ta trong phép Thánh thể Đức Kitô muốn ghép hồng ân Thánh Thể vào chính bánh và cá cũng như cuộc sống của ta. Thánh Phaolô sẽ nói lên điều đó. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô. Vì thế, trong khi cử hành bí tích Thánh Thể cũng như mọi bí tích khác, chính chúng ta cũng phải cống hiến 5 ổ bánh và 2 con cái mà ta có. Những thứ đó chẳng là gì sánh với đám đông đang đói lả ngày nay. Tuy nhiên, nếu không có những thứ đó, Bí tích Thánh Thể sẽ chỉ còn là một trò ảo thuật. Đức Giêsu, với quyền năng của Người, Người sẽ biến đổi, sẽ hiến thánh sự nghèo nàn của những việc ta làm và thực tại cuộc sống của ta.
Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất cách tuyệt hảo những gì mà con người có can đảm cống hiến cho người nghèo đang van xin, cho người đau yếu đang rên rỉ, cho tù nhân đang đòi hỏi công lý, cho người cùng khổ đang đau đớn và than khóc. “Điều gì anh em làm cho người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta đây là đã làm cho chính Ta vậy ” (Mt 25,40) “.
- Lễ Mình Máu Chúa Kitô
(Fête-Dieu, tạp chí “Célébrer” do CNPL., số 219, trg 42)
Đức Giêsu tiếp đón đám đông dân chúng. Cụm từ đó đi liền trước và dẫn vào trình thuật về bánh được phân phát trong Tin Mừng Luca. Bí tích Thánh Thể, chính là việc Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào bàn ăn của Người, và việc người đón tiếp thì rất cụ thể: trong khung cảnh một bữa ăn để ta có cái ăn.
Thiên Chúa tiếp đón chúng ta ở bàn tiệc sự sống của Người. Bánh và rượu được ban để làm cho sự sống của Chúa hoạt động trong ta “trong sinh hoạt thường ngày”. Lễ Mình Máu Chúa Kitô còn vọng lại âm thanh của mùa phục sinh vừa mới kết thúc, mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ ra trong việc Đức Giêsu chết và sống lại vì chúng ta. Lễ này cũng nhắc lại sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa, mà ta vừa mới cử hành Chúa nhật vừa qua trong lễ Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu tiếp nhận ta vào sự sống của chính Thiên Chúa. Khi ăn bánh và uống chén rượu, chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là giờ phút để ta “cám ơn”, tạ ơn Thiên Chúa.
Trong lễ Mình Máu Chúa (Fête-Dieu), Thiên Chúa sẽ hoan hỉ khi mọi con cái loài người đều có chỗ ngồi và có của ăn. Và trong “sinh hoạt thường ngày”, ai sẽ được trao nhiệm vụ đón tiếp đám đông để nói cho họ về Nước Thiên Chúa? “Anh em hãy cho họ ăn đi”. Trọng trách được trao cho các môn đệ. Ân huệ kéo theo nhiệm vụ. Nếu ân huệ là cụ thể, thì nhiệm vụ cũng vậy thôi. Chúa không ngừng hướng dẫn Hội Thánh Người đến với những người đang đói.
67. Chú giải của William Barclay
Chiều sắp tàn, nhà thì xa, và dân chúng đều mỏi mệt, đói bụng. Lạ thay Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải lo cho dân chúng ăn. Có hai cách suy gẫm phép lạ này. Thứ nhất, hiểu đơn giản đây là một phép lạ Chúa Giêsu đã thật sự làm ra thức ăn cho đám người đông đảo này. Thứ hai, có người nghĩ sự việc xảy ra như sau. Dân chúng đói, và họ rất mực ích kỷ. Tất cả đều có đem thức ăn theo, nhưng mỗi người cứ giấu kín vì ngại phải chia sẻ cho người khác. Mười Hai Tông Đồ đem đặt trước mặt dân chúng phần ăn ít ỏi của họ, việc đó đã làm động lòng dân chúng khiến ai nấy cũng bày phần ăn của mình ra, sau cùng mọi người đều có thức ăn dư dật. Khi Chúa cải hoá một số người ích kỷ, nghi ngờ trở thành những người rộng rãi, thì đó là phép lạ vì người ta được thúc đẩy bởi Chúa Giêsu mà có được tấm lòng muốn chia sẻ của cải cho anh em.
Thật ra, nhận định như vậy thì người đó quá chủ quan. Làm sao một câu chuyện như vậy có thể xảy ra lại được ghi trong Kinh Thánh và được cả Hội Thánh sơ khai bàn đến, học hỏi rất nhiều. Tất cả đều công nhận đó là phép lạ Chúa hoá bánh nuôi năm ngàn người (không kể đàn bà con nít, theo văn hoá thời bấy giờ). Tác giả các sách Phúc Âm ghi lại những điều này nhằm nhắc nhở dân Chúa vững tin rằng Chúa luôn thoả đáp nhu cầu của loài người trong lúc họ cần.
Trước khi phân phát thức ăn, Chúa Giêsu đã chúc phúc trên thức ăn, Ngài nói lên lời cảm tạ. Châm Ngôn Do Thái có câu: “Kẻ nào hưởng dùng của gì mà không cảm tạ khác nào kẻ ấy ăn trộm của Chúa”. Lời chúc tụng tạ ơn được đọc trong mỗi gia đình ở xứ Palestine trước mỗi bữa ăn như sau: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con và là Vua trần gian, ca ngợi Ngài là Đấng làm cho đất sinh ra bánh”. Hẳn Chúa Giêsu không bao giờ ăn món gì mà không cảm tạ Đấng đã ban mọi ơn lành. Đây là một câu chuyện dạy dỗ chúng ta nhiều điều:
- Chúa Giêsu xúc động vì thấy dân chúng đói.
Thật thích thú cho chúng ta khi cố gắng tìm hiểu Chúa Giêsu đã dành bao nhiều thì giờ, không phải để giảng, nhưng để làm giảm bớt đau khổ của đoàn dân và cho họ được ăn no. Chúa Giêsu còn chờ đợi sự giúp đỡ của bàn tay loài người. Người mẹ dành cả đời mình để làm việc nội trợ phục vụ gia đình, cô y tá, vị bác sĩ, người bạn thân, người bà con đã hy sinh thì giờ và đời sống để xoa dịu đau khổ cho người khác, các nhà cải cách xã hội đã hy sinh tất cả để tìm kiếm cho loài người một cuộc sống tốt hơn –họ thật đã giảng cách có hiệu quả vượt xa những nhà hùng biện tài ba.
- Sự giúp đỡ của Chúa Giêsu thật rộng lượng.
Sự giúp đỡ của Ngài thật đầy đủ và dư dật. Tình yêu không tính toán thiệt hơn. Chúa như thế đó. Khi chúng ta gieo giống, thường chúng ta phải nhổ tỉa bớt cây con cho trống bớt và đôi khi số cây con ném bỏ còn nhiều cây hơn số cây giữ lại. Thiên Chúa đã dựng nên thế giới có thừa của cải để nuôi mọi người nếu loài người sẵn lòng chia sẻ cho nhau.
- Bao giờ cũng có một chân lý vĩnh cửu nằm trong tay một hành động thoáng chốc.
Trong Chúa Giêsu, mọi nhu cầu của loài người đều được tiếp trợ. Có sự đói khát của linh hồn, trong mỗi con người thỉnh thoảng có một niềm khao khát được gặp một ai đó mà mình có thể gửi gắm cuộc đời. Tâm hồn chúng ta không bao giờ nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa. Phaolô đã nói: “Thiên Chúa sẽ tiếp trợ mọi sự cần dùng của anh em” (Pl 4,19) dầu trong những chỗ hoang vắng.
CẦN SỰ HIỆP THÔNG HUYNH ĐỆ KHI THAM DỰ TIỆC THÁNH
Thánh Lu-ca thuật lại phép lạ Đức Giê-su nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Trước nhu cầu của đám đông, thay vì giải tán để mỗi người tự lo liệu việc ăn nghỉ cho mình như đề nghị của các môn đệ, Đức Giê-su lại truyền cho các ông: “Anh em hãy liệu cho họ ăn đi”…
- HỌC LỜI CHÚA
Ý CHÍNH:
Thánh Lu-ca thuật lại phép lạ Đức Giê-su nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Trước nhu cầu của đám đông, thay vì giải tán để mỗi người tự lo liệu việc ăn nghỉ cho mình như đề nghị của các môn đệ, Đức Giê-su lại truyền cho các ông: “Anh em hãy liệu cho họ ăn đi”. Sau đó, dù các ông chỉ có năm cái bánh và hai con cá, nhưng Đức Giê-su đã sử dụng số lượng ít oi này để nhân ra nhiều gấp bội mà cho đám đông dân chúng được ăn no. Số bánh dư thu lại được mười hai thúng. Số người ăn hôm ấy khoảng chừng 5000 đàn ông.
CHÚ THÍCH:
– C 11b-12: + Đức Giê-su nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa: Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là trọng tâm các bài giảng của Đức Giê-su. Lu-ca cho thấy Đức Giê-su đã giảng trước khi làm phép lạ nhân bánh. Đây cũng là khuôn mẫu của thánh lễ sẽ được Hội thánh cử hành sau này. Thánh lễ cũng gồm hai phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. + Chữa lành những kẻ cần được chữa: Lời giảng luôn được kèm theo phép lạ chữa bệnh. Đó là đặc điểm về cách thức truyền giảng Tin mừng của Đức Giê-su và là khuôn mẫu cho việc truyền giáo sau này. + Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn: Câu nói của các môn đệ cho thấy: Tuy có quan tâm đến nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ của dân chúng, nhưng các ông lại không ý thức mình phải phục vụ để đáp ứng các nhu cầu này của họ.
– C 13-14: + “Chính anh em hãy cho họ ăn”: Đức Giê-su trao trách nhiệm cho các môn đệ phải lo phục vụ dân chúng không những về tinh thần mà cả về thể xác nữa. Trong kinh “Thương người có mười bốn mối” của Hội Thánh cũng đề cập đến các việc bác ái cụ thể mà người tín hữu có bổn phận phải chu tòan như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. + “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”: Bánh và cá là thức ăn thường ngày của dân chúng miền biển hồ Ga-li-lê. Năm chiếc bánh và hai con cá ở đây là của một bé trai (x. Ga 6,9). Tuy nhiên số thức ăn này chẳng thấm vào đâu so với đám đông dân chúng. Điều này nói lên khả năng hữu hạn của các môn đệ. Nhưng Đức Giê-su lại muốn các ông cộng tác bằng việc góp phần nhỏ bé ấy vào phép lạ lớn lao mà Người sắp thực hiện. + Anh em hãy bảo họ ngả mình: Thời xưa người miền Cận Đông thường ăn tiệc trong tư thế nằm nghiêng trên giường. + thành từng nhóm khoảng 50 người một: Họp thành từng nhóm gợi lại việc ông Mô-sê tổ chức dân Do-thái thành từng nhóm trong sa mạc thời Xuất hành, là cách tổ chức lý tưởng của dân Chúa (x. Xh 18,21.25). Đức Giê-su muốn các môn đệ tổ chức đám đông ô hợp thành từng cộng đoàn. Các ông trở nên những “Thừa tác viên” phục vụ cho cộng đoàn ấy.
– C 15-17: + Các môn đệ làm y như vậy: Các môn đệ mau mắn làm theo Lời Đức Giê-su dạy, dù lúc ấy các ông chưa biết Người định làm gì. + Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá…: theo phong tục của người Do thái thì trước bữa ăn, gia trưởng thường đọc một kinh cảm tạ Thiên Chúa. Ở đây Đức Giê-su cũng cầu nguyện bằng một nghi thức có tính phung vụ như Lu-ca viết: “Cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ”. Những cử chỉ này giống như khi người lập bí tích Thánh Thể ngày thứ Năm tuần thánh tại nhà Tiệc ly (x. Lc 22,19), và trong bữa ăn tối với hai môn đệ tại làng Em-mau (x.Lc 24,30). + Trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho đám đông: Đức Giê-su không trực tiếp trao bánh, nhưng Người trao qua trung gian là các môn đệ. Ngày nay vai trò của các linh mục và phó tế cũng giống như vậy trong các cộng đoàn và các xứ đạo. + Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê… Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng: no nê và dư thừa nói lên đồ ăn dồi dào. Điều này đã ứng nghiệm về bữa tiệc Thiên Sai mà I-sai-a đã báo trước: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon” (Is 25,6), 12 thúng đầy tương ứng với 12 môn đệ phục vụ dân chúng hôm ấy. Việc các môn đệ thu nhặt lại số bánh và cá dư cho thấy bữa ăn này sẽ còn tiếp tục kéo dài để đón thêm những thực khách đông đảo trong thánh lễ sau này.
CÂU HỎI:
1) Thánh lễ gồm có hai phần chính là những phần nào? 2) Câu nào cho thấy Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải góp phần phục vụ dân chúng cả về phương diện thể xác nữa? 3) Tại sao Đức Giê-su lại bảo môn đệ cho dân chúng ngả mình nằm thành từng nhóm 50 người? 4) Tại sao Đức Giê-su lại sử dụng 5 chiếc bánh và hai con cá do môn đệ góp để nhân ra nhiều? 5) Ngày nay những cử chỉ của Đức Giê-su làm trong phép lạ nhân bánh ra nhiều được Hội thánh lặp lại trong lễ nghi nào? 6) Trong Thánh lễ khi nào bánh rượu trở thành Mình Máu Thánh Chúa? 7) Trường hợp bánh rượu đã được truyền phép bị hư hỏng không ăn uống được, thì bấy giờ có còn là Mình Máu Thánh Chúa Giê-su nữa không? 8) Ta phải có thái độ nào đối với những mụn Bánh Thánh đã được truyền phép rơi xuống đất? 9) Mỗi ngày các tín hữu được rước lễ mấy lần? 10-Tại sao các tín hữu nên năng rước lễ mỗi ngày?
- SỐNG LỜI CHÚA:
- LỜI CHÚA: “Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9,16).
- CÂU CHUYỆN:
1) Lịch sử Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa:
Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành thánh lễ tại nhà thờ thánh Chris-ti-a-na, tới lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy tấm bánh mới truyền phép đã biến thành Thân Mình Chúa Giê-su chịu tử nạn. Trên thân xác Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương bị đóng đinh ở hai bàn tay bàn chân và vết lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ trên bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua 25 lần vải khăn. Vừa cảm động lại vừa sợ hãi, vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết Thánh lễ được. Sau đó, vị linh mục này đã đến xin vào yết kiến Đức Giáo hoàng Ur-ba-nô và tường trình sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một vị Giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định sự việc đó thực là phép lạ, vị Giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa về Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời giáo dân đến chầu Mình Thánh Chúa liên tục. Sau đó, vào ngày mồng 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo hoàng Ur-ba-nô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giê-su và truyền mừng lễ này trong toàn thể Hội thánh.
2) “Mình Thánh ở trong lòng tôi”:
Thời kỳ cách mạng Pháp, có một cha xứ miền Bờ-ta-nhờ (Bretagne) đưa Mình Thánh Chúa đến cho một gia đình. Theo giúp Cha là một cậu bé tên là Ben-gia-manh (Benjamin). Bấy giờ cha xứ bị bọn lính phát hiện và đuổi theo rất gấp. Ngài vội dúi vào tay cậu bé chiếc hộp nhỏ có đựng Mình Thánh Chúa trước khi chạy trốn. Sau đó cha đã bị bắt và bị giết chết. Bấy giờ cậu bé Ben-gia-manh vừa chạy vừa mở hộp lấy Mình Thánh Chúa bỏ vào miệng mà nuốt đi. Sau đó cậu bé cũng bị bắt và bị tra hỏi về nơi đã cất giấu Mình Thánh Chúa. Cậu hiên ngang chỉ tay vào người mình và nói rằng: “Mình Thánh Chúa đang ở trong người tôi đây này! Các ông hãy mổ ra mà lấy”. Bọn lính điên tiết đã đâm chết cậu bé rồi chôn vùi xác chết của hai cha con dưới một gốc cây sồi ở đầu làng. Một thời gian sau thì cuộc cách mạng đã lụi tàn và cuối cùng bị thất bại. Một hôm một cơn bão lốc xóay rất mạnh đã đốn ngã đổ cây sồi cổ thụ kia, để lộ ra hai xác chết của cha xứ và cậu bé giúp lễ. Người ta đã phát hiện ra Mình Thánh Chúa vẫn đang còn ngự trong người cậu khi thấy thân xác cậu vẫn luôn ngời sáng ánh hào quang.
3) Phép lạ Mình Thánh Chúa do Thánh Antôn thực hiện:
Một phép lạ khác xảy ra với thánh An-tôn Pa-đô-va. Có một người Do thái, tên là Bôn-vi-lô, không tin và thường nhạo báng Phép Thánh Thể. Thánh An-tôn nói thế nào ông ta vẫn cứ thế. Một hôm, ngài nói với ông ta giống như thách thức: “Nếu con lừa ông cưỡi mà quì xuống và thờ lạy Chúa ngự trong hình bánh thì ông có tin không?” Ông ta nghĩ đó chỉ là một câu nói chơi và đã nhận lời thách thức. Hai ngày liền, ông ta không cho lừa ăn, rồi dẫn tới chợ để có đông người chứng kiến. Giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh An-tôn kiệu Mình Thánh Chúa đến gần. Con lừa quên đói, không ngó ngàng gì đến lúa mạch, quay sang thánh An-tôn quì gối xuống cúi đầu thờ lạy Chúa cho đến khi thánh An-tôn kiệu Mình Thánh đi qua. Mọi người đều quì xuống thờ lạy Chúa Thánh Thể và hoan hô thánh An-tôn.
4) Đức Giêsu hiện thân nơi người nghèo đang chờ được phục vụ:
Đức Hồng Y Ca-ma-ra về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối đấm ngực than khóc như vừa gặp đại hoạ. Thì ra đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, thì kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm các bình đựng Mình Thánh. Chúng đổ Mình Thánh ra ngoài vườn, lấy đi những bình mạ vàng mà chúng tưởng được làm bằng vàng thật. Đây thật là tội phạm thánh nặng nề.
Thế nhưng trong bài giảng lễ hôm ấy, Đức Hồng Y Ca-ma-ra đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giê-su vẫn bị nhục mạ, hành hạ, chà đạp, bị giết chết nơi những người nghèo khổ, vô gia cư, trẻ mồ côi … Sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những người nghèo ấy chính là hiện thân của Chúa Giê-su, là Thân Mình Chúa giữa đời thường cần được chúng ta chăm sóc.
Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho các tín hữu về khía cạnh thường bị quên lãng. Đó là chúng ta cần phải hiệp thông với nhau khi dự thánh lễ tại nhà thờ mà còn phải hiệp thông với nhau trong cuộc sống xã hội nữa.
- THẢO LUẬN:
1) Khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta cần ăn mặc thế nào? Có nên đi trễ về sớm không? Cần vào bên trong ghế hay đứng ngoài nhà thờ hút thuốc nói chuyện? 2) Chúng ta cần dọn mình trước và cám ơn sau khi lên rước lễ như thế nào?
- SUY NIỆM:
1) Phép lạ nhân bánh ra nhiều là hình bóng của bí tích Thánh Thể:
Bài Tin mừng đã thuật lại phép lạ Đức Giê-su làm trong sa mạc là nhân 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá ra nhiều, để nuôi đám đông dân chúng gồm năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà con trẻ, và sau khi ăn xong còn thu lại được 12 thúng đầy bánh vụn.
Phép lạ này nhắc lại việc Đức Chúa đã làm trong thời Xuất Hành của dân Ít-ra-en do Mô-sê lãnh đạo: Khi ấy Đức Chúa đã ban cho con cháu Gia-cóp “man-na” trong suốt thời gian 40 năm đi trong sa mạc. Con số 12 thúng bánh vụn tượng trưng cho 12 chi tộc dân Ít-ra-en.
Phép lạ nhân bánh ra nhiều còn tiên báo về bí tích Thánh Thể Đức Giê-su sẽ thực hiện trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua sau này: Khi ấy Người cũng làm những cử chỉ giống như đã làm khi nhân bánh ra nhiều hôm nay: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19).
2) Bí Tích Thánh Thể: bữa tiệc hiệp thông huynh đệ của cộng đoàn tín hữu:
Thời Hội Thánh sơ khai, các tín hữu có thói quen cử hành “bữa tiệc Thánh Thể” trong khung cảnh “bữa ăn huynh đệ” (A-ga-pe). Mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, các tín hữu đem theo đồ ăn thức uống góp chung lại, rồi dành riêng ra một phần để chia sẻ cho những người nghèo, phần còn lại sẽ ăn chung với nhau thể hiện sự hiệp thông huynh đệ.
Cần tránh thái độ chia rẽ nhau khi tham dự bữa tiệc thánh giống như giáo đoàn Cô-rin-tô đã bị thánh Phao-lô quở trách: Một số người giàu hẹn nhau mang nhiều đồ ăn ngon đến sớm để ngồi chung với nhau, và cùng nhau ăn uống trước bữa ăn chung (A-ga-pê) của cộng đoàn. Như vậy bữa tiệc huynh đệ bị phân hóa thành hai lớp người giàu nghèo: Kẻ nghèo bị đói bụng đang khi người giàu lại no say! Để dẹp bỏ tệ nạn ấy, Thánh Phao-lô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ngài trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể (cc 23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích giáo đoàn Cô-rinh-tô cử hành bí tích Thánh Thể sao cho xứng đáng và đúng với mục đích là bữa ăn chia sẻ trong tình yêu thương huynh đệ. Người ta sẽ tham dự bữa tiệc Thánh Thể cách bất xứng khi họ không biết chia sẻ cơm bánh cho người nghèo, không ý thức Hội Thánh chính là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Đầu nên cần phải hiệp thông chia sẻ trong bữa tiệc thánh yêu thương.
3) Bí Tích Thánh Thể tái diễn lễ hy sinh thánh giá của Đức Giêsu:
Khi thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: “Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em… Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19.20). Do đó khi lên rước lễ là chúng ta đón nhận chính Thân Mình Máu Huyết của Đức Giê-su và nhờ đó chúng ta sẽ được hiệp thông với Đấng đã chịu chết để đền tội thay cho chúng ta và đã sống lại để phục hồi sự sống siêu nhiên cho chúng ta.
Khi tham dự thánh lễ, chúng ta cần hiệp dâng các nỗi lao công vất vả tượng trưng bằng số tiền xin lễ hay tiền bỏ thau nhà thờ trong lễ Chúa Nhật, kèm theo các bệnh tật đau khổ và những điều trái ý gặp phải trong cuộc sống, kết hiệp với Thân Mình Máu Huyết của Chúa Giê-su, làm lễ vật dâng lên Chúa Cha để đền tội thay loài người và giao hòa chúng ta với Thiên Chúa.
4) Cuộc đời chúng ta phải là thánh lễ nối dài sự hiệp thông và chia sẻ:
Mỗi phút giây qua đi, có biết bao tấm bánh vật chất được bẻ ra để nuôi sống thân xác con người. Trong mỗi tấm bánh ấy cũng có bóng dáng của bánh Thánh Thể của Chúa Giê-su. Nếu ta siêng năng đến nhà thờ lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng chia sẻ tấm bánh vật chất cho tha nhân giữa đời thường. Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta cần nhớ lời thánh Phao-lô: “Mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa” (1 Cr 11,26-27). Ngoài ra, trong Thánh lễ, Hội thánh luôn cầu nguyện cho sự hiệp thông cộng đoàn như sau: ”Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Ki-tô” (Kinh Tạ ơn II).
Trong bí tích Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa Giê-su mà thôi, nhưng còn liên kết với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là Thân Mình Chúa Giê-su, tất cả mọi người sẽ nên chi thể của Người như lời thánh Phao-lô: ”Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ sức sống của Chúa Ki-tô là chính Thánh Thần mà Người ban cho ta”.
- NGUYỆN CẦU:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa muốn chúng con kết hiệp mật thiết để được nên một với Chúa. Đòi hỏi đó làm cho chúng con cảm thấy lúng túng, vì cho tới nay chúng con vẫn chưa dứt bỏ được những thói hư tật xấu cùng những đam mê tội lỗi. Xin cho chúng con sẵn sàng nói “không” với những gì gian ác xấu xa thuộc về ma quỷ và năng đón rước Chúa mỗi ngày, để chúng con được sống và sống dồi dào trong ơn nghĩa Chúa, và sau này cùng được sống hạnh phúc mãi mãi với Chúa trên Nước Trời.
- X) Hiệp cùng Mẹ Maria. – Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(Suy niệm của Huệ Minh)
Tin Mừng hôm nay thuật lại, phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều không phải từ không ra có, nhưng từ năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp của con người. Cũng vậy, bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa được hiến dâng trên bàn thờ chính là hoa màu ruộng đất, sản phẩm của cây nho và lao công khó nhọc của con người…
Suy niệm
Bí Tích Thánh Thể là một nhiệm tích tuyệt hảo. Chúa hiện diện với con cái của Ngài. Chúa hiện diện qua Bí Tích để chúng ta tôn thờ, để làm của ăn đường và là nguồn ủi an cho những ai muốn chạy đến bên Ngài. Chúa Giêsu hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể. Sau mỗi lần linh mục chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh và rượu, linh mục tuyên xưng rằng: Đây là mầu nhiệm đức tin. Mắt phàm không nhìn thấy, giác quan không cảm, chúng ta chỉ lấy đức tin bù lại.
Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã biến bánh và rượu trở nên thịt và máu Ngài để ở lại với con người và để nuôi sống phần linh hồn của con người; đồng thời, qua việc biến rượu thành máu, Chúa Giêsu muốn thiết lập với con người một giao ước mới khác với giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập trên núi Sinai với dân của Ngài qua trung gian của ông Môisê. Khi Ngài cầm lấy chén rượu, Ngài muốn nhấn mạnh đế hai ý nghĩa: chén rượi trở thành máu của thân Thể ngài, đồng thời màu là bằng chứng cho giao ước mới mà Ngài ký kết với con người. Và Ngài còn truyền cho các môn đệ: hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Chính trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã thiết lạp chức linh mục để tiếp noi công việc Ngài đã làm
Chúa Giêsu thiết lập một giao ước mới. Giống như giao ước cũ, giao ước được đánh dấu bằng máu, nhưng không phải bằng máu của súc vật, nhưng bằng máu của chính Ngài. Thiên Chúa luôn luông trung tín. Tình yêu của Ngài không hề thay đổi.,nhưng con người thì vẫn cứ thế đổi thay phụ bạc! Không phải lúc nào dân của Ngài vẫn trung thành với tình yêu của Ngài. Trước khi dân Ngài tiến vào đấ hứa, Thiên Chúa đã phê chuẩn qua trung gian ông Môi sệ và dân chúng cũng đã thề húa sẽ trung thành với những gì Thên Chúa phán dạy. Nhưng dân Ngài dẵ không giữ giao ước, đã phản bội bằng cảnh sùng bái ngẫu tượng. Mặc dầu vậy, Thê Chúa vẫn không bỏ rơi họ.
Tin Mừng hôm nay thuật lại, phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều không phải từ không ra có, nhưng từ năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp của con người. Cũng vậy, bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa được hiến dâng trên bàn thờ chính là hoa màu ruộng đất, sản phẩm của cây nho và lao công khó nhọc của con người. Thiên Chúa không muốn làm một mình dù Ngài có thể, nhưng Ngài muốn con người chúng ta cộng tác với Ngài. Được cộng tác với Ngài chính là hồng ân, là vai trò tuy nhỏ bé nhưng hết sức cao quí và sinh hiệu quả được dành riêng cho chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể. Chính từ bánh, từ cá, từ đời sống của chúng ta mà Thiên Chúa đã tháp nhận vào ơn huệ Bí tích thánh Thể, làm nên Thánh Thể Đức Kitô.
Chính Chúa Giêsu đã trở nên của ăn cho tâm hồn mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể chính là một sáng kiến tình yêu vĩ đại nhất của Chúa Giêsu. Ngài đã thiết lập mầu nhiệm tình yêu này để thông ban cho con người một hồng ân cao cả, đó là nhờ mình và máu Ngài mà chúng ta được thông hiệp vào sự sống thần linh. Thánh Thể còn là hy tế tưởng niệm và tạ ơn hoàn hảo nhất được dâng lên cho Thiên Chúa. Qua cái chết và sự Phục sinh, Đức Kitô đã trở nên của lễ hoàn hảo.
Bí tích Thánh Thể chính là bí tích của đức tin. Muốn lãnh nhận, chúng ta phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta nhận ra bộ mặt của Đức Kitô trong Giáo hội. Chỉ qua lăng kính đức tin, chúng ta mới nhận ra Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Không có đức tin mọi hành vi phụng vụ đều bị coi là mê tín. Bí tích chỉ có ý nghĩa và tác sinh hiệu quả khi chúng ta có một đức tin sống động, một tình thương chan hòa và ơn sủng Chúa trao ban.
Và Thánh Thể chính là hình ảnh của bữa tiệc cánh chung. Khi tham dự Thánh Thể, được ăn và uống mình máu Thánh Chúa Giêsu, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Được Đức Kitô tan biến và thấm nhập vào tâm hồn chúng ta, được sống bằng chính sức sống của Thiên Chúa. Và như vậy, đời sống vĩnh cửu đang có và triển nở nơi người tín hữu để rồi tiến đến tình trạng viên mãn trong ngày sau hết.
Qua bí tích Thánh Thể, con người nhận ra tình yêu vô cùng của chính Đức Giêsu đối với con người. Ngài sẵn sàng trở thành của nuôi con người, để được tan biến trong con người, để làm con người được thần hoá, được thông phần bản tính Thiên Chúa. Của ăn vật chất con người dùng, trở thành thịt máu con người; còn bí tích Thánh Thể con người dùng, làm con người được “trở nên thịt máu Đức Giêsu”, được “thánh hoá”, được thần hoá, được trở nên con Thiên Chúa.
Thiên Chúa không làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chỉ một mình Người có bánh hay chỉ cho các môn đệ thân tín của Ngài, nhưng là cho mọi người. Thánh Thể cũng không chỉ dành cho một ai, một số người nào đó nhưng là cho mọi tín hữu. Không phải chỉ chúng ta no đủ phần hồn phần xác mà còn phải biết chia sẻ cho anh em khác nữa. Chia sẻ ở đây không có nghĩa là đi trao Mình Chúa cho người khác, nhưng là trao chính sự sống của mình. Vì một khi đã đón nhận Thánh Thể chúng ta đón nhận chính Đức Kitô để Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Đời sống Đức Kitô là đời sống của yêu thương và hiến mình cho người khác. Đón nhận Ngài thì cũng chỉ có một đời sống như Ngài mà thôi, đó là sống cho và vì người khác trong yêu thương và phục vụ.
Tất cả chúng ta đều tin Chúa Giêsu hiện diện thật trong Phép Thánh Thể, thì trong thực hành, chúng ta hãy sống đức tin đó. Xin đề nghị hai điều: Thứ nhất, mỗi khi bước vào hay bước ra nhà thờ, chúng ta hãy nghiêm trang, cung kính cúi sâu đầu để bái chào và thờ lạy Chúa. Thứ hai, mỗi khi đi dâng thánh lễ, chúng ta hãy cố gắng rước lễ và chuẩn bị cẩn thận trước khi rước lễ và cám ơn sau rước lễ, vì đó là cách hiệp dâng thánh lễ đầy đủ và tốt đẹp nhất.
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy noi gương Người, biết quên mình, hiến thân phục vụ đồng loại.
Khi cử hành Thánh Thể, có lẽ chúng ta nên nhớ lại Chúa Giê-su lập Bí Tích này với mục đích gì. Chúa phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”. Đúng vậy, khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đã trao nộp thân mình Người và đổ máu của Người ra là để chúng ta được sống và sống muôn đời. Nộp mình và đổ máu trong Bí tích Thánh Thể cũng chính là hành động hiến tế của Chúa Giê-su trên thập giá vậy. Do đó, không thể tách biệt Bí tích Thánh Thể ra khỏi cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, cũng như không thể ít lưu ý tới vai trò của Máu trong Bí tích Thánh Thể và Máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá.
Mình và máu Đức Giê su qua bí tích Thánh Thề là một món quà quí giá nhất mà Ngài bao tặng cho con người, là một bằng chứng của tình yêu của Ngai đối với nhân loại, là món ăn thức uống để nuôi sống con người cho đến ngày tận thế; “Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống Máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy.”( Ga 6, 55-56)
Và ta thấy nhờ Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Người đổ ra đến đâu đem lại sự sống đến đấy. Dòng Máu Người lan tới đâu thì ban ơn tha tội đến đấy.
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Người đã hiến mình, đổ máu để cứu chuộc ta.
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy đáp lại tình yêu của Người bằng cách siêng năng đến lãnh nhận và siêng năng đến thờ lạy Đức Giêsu ngự trong phép Thánh Thể.
70. Bí Tích Tình Yêu – Huệ Minh
Yêu! Xem ra quá mầu nhiệm bởi lẽ chẳng ai định nghĩa được yêu là gì. Chỉ khi nào người ta yêu nhau người ta mới cảm về nhau, cảm tình yêu họ dành cho nhau như thế nào. Và, rất giản đơn khi ta thấy ai nào đó thương yêu nhau thì người ta sẽ làm mọi cách để biểu lộ tình thương và sự quan tâm của mình và đặc biệt muốn hiện diện, muốn ở mãi bên cạnh người mình yêu.
Trong thực tế, ta thấy những dịp kỷ niệm, người ta thường trao cho nhau những món quà, những cuộc điện thoại hay những tin nhắn qua điện thoại… Cử chỉ trao nhẫn cho nhau trong nghi thức của Bí tích Hôn phối cũng nói lên dấu chỉ tình yêu giữa hai người phối ngẫu. Dấu chỉ ấy nói lên từ giây phút đó họ sẽ thuộc trọn về nhau cả xác lẫn hồn.
Đặc biệt, với Thiên Chúa, Thiên Chúa là Tình Yêu và chính Thiên Chúa trong cung cách của Ngài, Thiên Chúa đã tỏ ra hàng trăm ngàn dấu chỉ để biểu lộ tình thương của Người dành cho con người. Một trong những cách biểu lộ rõ nét nhất đó chính là dấu chỉ quý báu củaBí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể chính là Bí tích quan trọng nhất trong 7 Bí tích. Vì qua Bí tích này chúng ta đón nhận được chính Chúa Giêsu là nguồn mọi ơn phúc, nguồi mạch của sự sống và đặc biệt nguồn mạch của tình yêu.
Trước khi chịu khổ hình Chúa Giêsu biết mình sẽ không còn hiện diện hữu hình ở trần gian này nữa nên Người đã lập Bí tích Thánh Thể. Ðể rồi qua Bí tích này Người sẽ còn tiếp tục hiện diện với con người. Quan trọng hơn là Người ban cho con người chính bản thân mình qua hình Bánh và hình Rượu.
Lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Mình Thánh Chúa Kitô qua hai biểu hiện. Một là qua Bí tích Thánh Thể, hai là qua Giáo Hội – thân thể mầu nghiệm của Người.
Ngày nay, trong Bí tích Thánh Thể, chính là việc Thiên Chúa tiếp nhận chúng ta vào bàn ăn của Người, và việc Người đón tiếp thì rất cụ thể: trong khung cảnh một bữa ăn để ta có cái ăn.
“Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Chúa Kitô đã thiết lập Bí tích cực trọng này để hiện tại hóa mầu nhiệm tử nạn của Người. Người ước ao vô cùng chúng ta lãnh nhận Người. Người mong muốn cháy bỏng trao ban chính mình Người cho chúng ta. Người khát khao nồng cháy kết hiệp thân tình với chúng ta. Tất cả điều đó chỉ vì tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho chúng ta.
Vì vậy, Người đã không những trao ban chính mạng sống Người để cứu chuộc chúng ta, mà còn trao ban chính mình Người làm của dưỡng nuôi linh hồn chúng ta. Bởi vì tình yêu của Người là một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1). Mình và Máu Thánh Chúa chính là bảo chứng cho tình yêu đó. Vì yêu chúng ta, Người đã đổ tràn tình yêu của Người trên chúng ta cùng sự thiện hảo vô biên của Người.
Cả cuộc đời Đức Giêsu là thức ăn cho ta: Ngài hiện hữu không phải vì bản thân Ngài, mà hoàn toàn vì Thiên Chúa và vì con người. Ngài đã chết để con người được sống, đã tự hủy để con người được tồn tại, đã đau khổ để con người hạnh phúc, đã tự hạ để con người được nâng lên, đã chấp nhận bị đối xử như người tội lỗi để làm cho con người trở nên thánh thiện, v.v…
Ngài hiện hữu, Ngài làm mọi sự đều vì người khác, chẳng vì mình một chút nào. Và Ngài đã biểu hiện tính chất “là của ăn” một cách cụ thể và tuyệt vời khi lập bí tích Thánh Thể. Chúng ta ăn Ngài, nhưng chúng ta đừng quên bắt chước Ngài trong tính chất ấy. Ngài đã yêu cầu chúng ta: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy”. Tưởng nhớ ở đây không gì tốt hơn và ý nghĩa hơn là bắt chước Ngài trong tính chất ấy: Hãy trở nên đồ ăn cho những người chung quanh mình, nhất là những người sống gần mình nhất.
Bí tích Thánh Thể chính là việc Thiên Chúa muốn quy tụ, mời gọi và đón nhận mỗi người chúng ta vào dự Tiệc với Người. Bữa tiệc đó rất cụ thể, rất sinh động và sinh muôn ơn ích. Bàn tiệc mà chúng ta tham dự không đơn thuần là một bữa tiệc thông thường, mà là một bữa Tiệc Sự Sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến kín múc nơi bàn tiệc Thánh Thể để toàn thể con người chúng ta qua việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông cách trọn vẹn với Thiên Chúa, được sống chính đời sống Thần linh của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể còn là một lời mời gọi chúng ta can đảm lên đường, đến với thế giới đang chia rẽ, đến với đồng loại đang đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn tù đày để liên kết, an ủi, nâng đỡ và cưu mang họ.
Thánh Lễ là nơi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh Lễ là một hy tế lặp lại hy tế Núi Sọ. Theo Công Đồng Vaticanô II, hy tế này là “nguồn cội và là chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (LG 11). Là nguồi cội, vì tất cả đời sống Kitô hữu phát sinh từ đó; là chóp đỉnh, vì tất cả đời sống Kitô hữu phải qui về đó. Ấy thế mà một số giáo dân coi việc tham dự Thánh Lễ như chuyện miễn cưỡng phải giữ. Nhiều giáo dân cảm thấy thánh lễ không có liên quan gì đến cuộc sống của họ ngoài đời, không có ảnh hưởng gì trên đời thường của họ. Rốt cuộc thánh lễ bị họ bỏ rơi, nhà thờ ngày Chúa Nhật cũng vắng người. Đó đã là chuyện của các nước Tây phương, nhưng cũng sẽ là chuyện của chúng ta.
Xin Chúa thánh hoá và biến đổi chúng ta hầu cuộc đời chúng ta mãi mãi là Thánh lễ nối dài giữa lòng nhân loại.