Tin Mừng Ga 15,1-8
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.
************************************
CÂY NHO SAI TRÁI
Phi thuyền đổ bộ tên Eagle (Phượng Hoàng) của Hoa Kỳ mang hai phi hành gia Buzz Aldrin và Neil Armstrong đã đáp xuống mặt trăng ngày 20-7-1969. Đang lúc Armstrong chuẩn bị bước xuống nguyệt cầu thì Aldrin (một tín hữu Chính thống giáo) mở gói bánh mì và rượu đoạn đặt chúng lên máy vi tính có gắn hệ thống cân bằng: “Tôi đổ rượu vào ly, ông kể lại. Vì tại mặt trăng, trọng lực chỉ bằng 1/6 trọng lực ở trái đất, nên rượu co vòng và từ từ dâng lên trên thành ly trông rất đẹp mắt. Thật xúc động khi nghĩ rằng chất lỏng đầu tiên rót ra uống trên mặt trăng và thứ thực phẩm đầu tiên ăn tại đó lại là Mình và Máu Chúa”. Ngay trước khi dùng thức ăn thánh này, Aldrin đọc một đoạn Tin Mừng thánh Gio-an: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được!” Bàn về kinh nghiệm hiệp thông khi ở một mình trên mặt trăng, Aldrin nói: “Tôi cảm thấy một cách hết sức mãnh liệt sự hiệp nhất giữa tôi và Giáo Hội của chúng ta ở quê nhà, cũng như Giáo Hội khắp mọi nơi trên thế giới”.
1. Mọi cành phải được cắt tỉa
Câu chuyện trên không chỉ gợi ý đặc biệt cho bài Tin Mừng hôm nay, mà còn nhấn mạnh đến cách thức chúng ta hiệp nhất với Đức Giê-su như hình ảnh cành nho hiệp nhất vào cây nho vậy. Hôm nay, con người ấy, anh thợ mộc làng Na-da-rét, quý tử bà Ma-ri-a, tự xưng mình là “cây nho thật”. Đây đã là một kiểu nói hết sức táo bạo, đối với các thính giả đầu tiên của Đức Giê-su. Trong toàn bộ Thánh Kinh, hình ảnh “cây nho” tượng trưng “Dân Thiên Chúa”. Nay Đức Giê-su, hết sức tự nhiên, muốn chiếm chỗ “toàn dân” này: Người áp dụng cho bản thân mình cái từng được nói về Ít-ra-en. Thậm chí Người còn bảo mình là cây nho “thật” như thể cây nho kia chỉ là một thứ phác thảo, chuẩn bị, hình bóng: Ít-ra-en xưa chỉ là chuẩn bị cho “Ít-ra-en mới”, dân mới là Giáo Hội, là bản thân Chúa Ki-tô.
Mà đây không phải là lần duy nhất Đức Giê-su bày tỏ “tham vọng quá đáng” đó: Người từng bảo mình là bánh ban sự sống “thật” (Ga 6) đối nghịch với manna, là mục tử “thật” (Ga 10) đối nghịch với các mục tử giả, chăn thuê giữ mướn. Như thế, một lần nữa, con người đơn sơ này, xuất thân từ một thôn làng mất hút trong góc của một tỉnh thuộc Đế quốc Rôma, con người tầm thường sắp chết trong một vài tuần nữa, bị xã hội loại trừ, bị môn đồ phản bội và chối bỏ, bị địch thủ khinh bỉ và nhạo cười, bị tất cả bỏ rơi… con người ấy dám cho mình là trung tâm của thế giới và của lịch sử!
Ông ta còn gọi Thiên Chúa là “người trồng nho” và bảo đó là “Cha mình”. Rồi so sánh công việc Thiên Chúa với công việc của người trồng nho: mùa đông, ông chặt mọi nhánh khô cho vào lửa, tỉa một phần nhánh tốt để tập trung nhựa và làm sản sinh những chùm nho trĩu quả. Một cây nho không còn được cắt tỉa rốt cục chỉ cho lá mà thôi. Và Đức Giê-su, người đầu tiên, cây nho thật của Chúa Cha yêu quý, đã được “cắt tỉa” như vậy. Cắt tỉa thật thê thảm, máu me chảy đầm đìa, nhưng đã mang lại hoa trái biết bao! Công việc của Thiên Chúa trong Giáo Hội Người, và trong chúng ta cũng thế: Người cắt tỉa, Người tẩy sạch. Điều đó gây ra đau khổ. Nhưng đó là định luật của cuộc sống, để mùa thu hoạch cuối cùng dồi dào hơn. Thay vì miễn cưỡng cam chịu, người tín hữu khám phá ra sự phong phú của việc thanh tẩy này: ai hiểu rằng mình được cắt tỉa “theo gương” Đức Giê-su và “kết hợp” với Người thì có thể tìm thấy một ý nghĩa trong thử thách mình chịu, sẽ thấy rằng thử thách giúp mình kết hợp với Đức Giê-su, “ở lại” trong Người.
2. Mọi cành phải kết hợp với cây.
Động từ “ở lại” này sắp được thốt lên 8 lần trong 4 câu tiếp theo! Hình ảnh thật đánh động: chúng ta có thể ở trong Đức Giê-su, và Đức Giê-su ở trong chúng ta! Chúng ta kết hợp với Đức Giê-su như những cành nho “trong” một cây nho, chúng ta được tháp cách sống động trên Người. Vì thế mà có lối nói lạ lùng: “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Đức Giê-su không coi mình như “gốc” trên đó mọc ra các “cành”, tức chúng ta. Người coi mình như toàn bộ “cây nho” mà chúng ta là thành phần. Suy tư về hình ảnh cây nho này và nghĩ tới Thánh Thể, thánh Phao-lô sẽ bảo chúng ta là “chi thể trong Thân Thể Đức Ki-tô”. Điều đó muốn nói chúng ta là một mảnh của Thiên Chúa, một mảnh của Đức Ki-tô, là “những người con trong Ngôi Con”, là những “kẻ sống trong Đấng Sống duy nhất”. Từ Đức Ki-tô đến chúng ta, một dòng nhựa duy nhất lưu chuyển, một sự sống duy nhất chảy tràn… Tiếng “ở lại” này thành thử không chỉ có nghĩa là “cư trú, lưu ngụ” nhưng là “sống với”, “kết hợp với”. Đấy còn là một chủ đề từng gặp trong khắp cả Cựu Ước: ước vọng lớn lao nhất của Ít-ra-en, đó là được thấy Thiên Chúa ở với mình. Nhưng ở đây Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa: không chỉ có vấn đề diện đối diện, nhưng là “ở trong nhau”: một tương quan mới nối kết con người với Thiên Chúa; một thân mật hỗ tương kiểu cộng sinh hoàn toàn. Đức Giê-su lấy lại làm của mình công thức cũ của Giao ước: “Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi thờ”, nhưng Người đào sâu công thức đó bằng cách dám nói đến một sự nội tại tương hỗ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Nghe những lời này, ta không thể không nghĩ tới phép Thánh Thể, bí tích tuyệt hảo của Giao ước vốn làm cho “Đức Giê-su ở” trong sâu thẳm hữu thể ta. Người kể ra đã sử dụng cũng những công thức này trong diễn từ thời danh Bánh ban sự sống (Ga 6,56). “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”. Không những thế, chúng ta còn hiệp thông với nhau nhờ Mình và Máu Người, dù có thể ở cách xa nhau, như phi hành gia Aldrin trong chuyến bay lên nguyệt cầu từng kinh nghiệm cách sống động.
Đức Giê-su quá đáng chăng, tự phụ chăng, khi bảo việc liên kết với mình là một sự cần thiết sinh tử? khi bảo mọi ai không liên kết với mình thì “chết”, như một cành khô, chỉ đáng ném vào lửa? Song hãy nhìn thực tế, những kẻ không Thiên Chúa thì có kết cục nào? Nếu bạn hỏi họ, phần lớn sẽ đáp lại rằng cuộc sống của họ sẽ chấm dứt với hư vô của cái chết. Nhưng ta nhận thấy Đức Giê-su có một tư tưởng còn triệt để hơn: Người không nói đến tương lai, song đến hiện tại: “Ai không kết hợp với Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo”. Dĩ nhiên nhiều kẻ sẽ từ khước sứ điệp này, họ có tự do. Nhưng thật phiêu lưu mạo hiểm! Đức Giê-su kêu mời chúng ta đặt mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, và sự lệ thuộc này, đối với Người, đó là giải phóng khỏi mọi cái ngăn cản chúng ta “sống” thực. Ai từ chối gắn bó vào Đức Giê-su vẫn sẽ có một “sự sống”, song là một sự sống mong manh, một sự sống phàm hèn mà rốt cục sẽ bị hủy diệt, một sự sống mà chúng ta sẽ sai lầm nếu vì đó quở trách Thiên Chúa (“Hãy nhìn tất cả đau khổ của thân phận phàm nhân phi lý này!”). Vì Thiên Chúa đã chẳng bao giờ dựng nên chúng ta để sống “sự sống mong manh” ấy, nơi mà cái chết sẽ chiến thắng. Người đã dựng nên chúng ta cho sự sống thần linh “của Người”, một sự sống sung mãn, hạnh phúc và bất diệt !!
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi