Tin Mừng Lc 12,49-53
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất.
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.
************************************
CHÂN TRỜI CỦA ĐỨC KI-TÔ
Chúng ta hôm nay đọc ba lời của Đức Giê-su: về “lửa” Người mang đến… về “phép rửa” Người phải nhận… về “mối chia rẽ” Người gây nên… Ba tư tưởng này hẳn đã được thốt lên vào những lúc khác nhau, vì người ta tìm thấy chúng hầu như trong các trang Tin Mừng khác, nằm độc lập (x. Mc 10,38; Mt 10,34-36). Gộp chung lại trong khuôn khổ cuộc đăng trình Giê-ru-sa-lem lần cuối, Lu-ca hiển nhiên đề nghị một lối giải thích: những lời đó nói đến sự chống đối, cuộc tử nạn, ơn Thánh Thần vốn đang ở chân trời.
1. Ngọn lửa Thánh Thần
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất”. Đây chắc chắn là một hình ảnh không nên hiểu cách vật chất nhưng cách biểu tượng. Cách đây mấy tuần, Đức Giê-su đã từ chối giáng lửa xuống trên một thôn làng người Sa-ma-ri (x. Lc 9,54-55). Vậy trong Kinh thánh, lửa tượng trưng cái gì? Trước hết, nó là một hình ảnh của Thiên Chúa: Mô-sê gặp Đức Chúa trong một bụi cây bốc lửa nơi hoang địa… dân Ít-ra-en nhận Lề luật Thiên Chúa trong bão lửa tại Xi-nai… ở Đền thờ Giê-ru-sa-lem, các tư tế đưa những vật hiến sinh qua lửa, như để chuyển chúng vào trong Thiên Chúa, trước khi ban lại cho người ta ăn như cử chỉ thông hiệp. Chính xác hơn nữa, lửa chỉ cuộc Phán xét của Thiên Chúa vốn thiêu hủy kẻ ác và thanh luyện phần dư tồn trung thành (x. St 19,23-29; Lv 10,2; Am 1,4-7; Is 66,15-16; Ed 38,22; 39,6).
Nhưng đối với Lu-ca, lửa đặc biệt là biểu tượng của Thần Khí Thiên Chúa đến thiêu đốt các Tông đồ ngày lễ Ngũ tuần (x. Cv 2,3-10). Là ngọn lửa thiêng liêng, tình yêu nóng sáng, hỏa hào đốt cháy trần thế, hiện diện nóng bỏng của Đấng Phục sinh, ngọn lửa này đã nung đốt lòng các lữ khách Em-mau khi họ nghe Đức Giê-su mà chưa nhận ra Người (x. Lc 24,32.49; Cv 2,33).
“Và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Đức Giê-su ao ước “ban Thần Khí” cho thế gian. Người nói đó là phận sự duy nhất của mình: “Thầy đã đến là vì thế”, Người bảo. Hãy thử tưởng tượng Đức Giê-su như một kẻ đầy khát vọng: một con người ấp ủ trong tim một dự tính bao la. Người say mê, Người trù định canh tân cả trái đất. Lấy lại hình ảnh này, một bài ca hiệp lễ đã hát: “Hỡi Hành khất xin lửa, con giữ Ngài trong tay, như người ta giữ trong tay ngọn lửa đông giá, và Ngài trở thành cơn hỏa hoạn đốt cháy cả thế trần”. Trong nhân tính chúng ta, vốn thường vỡ mộng, Đức Giê-su là một sức phấn khởi mới đối với nhiều người bây giờ. Giữa lòng các chuyện tầm thường mỗi ngày, chúng ta có thể đốt lên “ngọn lửa sống động của tình yêu”. Than ôi, ai trong chúng ta đã chẳng có một lúc dập tắt Thần Khí? Tin Mừng gây phiền nhiễu quá… dẫn chúng ta đi xa quá… Lúc ấy, ta đã lấy bình dập lửa để loại bỏ lời nóng bỏng quấy rầy này.
2. Phép rửa Khổ nạn
“Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất”. Từ “baptisma” trong Hy-ngữ (ta dịch là “phép rửa”), có nghĩa là “nhào lặn”, “tắm gội”. Vào thời thánh Lu-ca, phép rửa chẳng phải là đổ chút nước trên trán như trong các lễ rửa tội của ta bây giờ. Đó là dìm toàn thân vào một bể nước. Thành thử lẽ ra phải dịch câu nói của Đức Giê-su như sau: “Thầy sẽ phải tắm mình…”. Như ngôn ngữ trước, ngôn ngữ này cũng mang tính biểu tượng: đây chẳng phải là một nghi thức đối với Đức Giê-su. Người nghĩ đến cuộc Khổ nạn của mình, đến cuộc tắm máu… hay đúng hơn, đến những dòng thác đau khổ và chết chóc sắp chôn vùi mình, như một kẻ chết chìm bị sóng biển đu đưa (bể khổ). Đức Giê-su khắc khoải trước tư tưởng ấy. Người mong ước cho mau hoàn tất! Nhưng chuyện đó, có thể nói thế, cũng áp đặt lên Người: “Thầy phải…”. Đây là công thức thường dùng để nói đến cuộc Khổ nạn gây hoang mang ấy, nơi thể hiện một ý định nhiệm mầu, về mặt lý trí thật khó hiểu.
Liên kết chủ đề “ban lửa Thần khí” với chủ đề “chìm trong cái chết”, Lu-ca nhấn mạnh việc cứu rỗi thế giới đã bắt Đức Giê-su trả giá đắt đỏ biết chừng nào. Sao ta lại từ đó ngạc nhiên rằng cuộc sống Ki-tô hữu cũng đòi ta một vài hy sinh? “Người đã cam chịu cho những kẻ tội lỗi chống đối mình, thì chúng ta cũng hãy hướng mắt về Người để khỏi sờn lòng nản chí trong thử thách” (Dt 12,1.4). Đối với Lu-ca, môn đệ Phao-lô, chủ đề “phép rửa” có nhiều âm hưởng sâu xa, khác hẳn những âm hưởng, thường hời hợt, của chúng ta hiện thời: “Khi được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người, để như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).
Khi nghĩ đến cuộc Khổ nạn của Đức Giê-su, chúng ta hãy tự hỏi, như Đức Gio-an-Phao-lô II kêu mời: “Hỡi Ki-tô hữu, bạn đã làm gì với phép rửa của bạn?” Làm sao đời Ki-tô hữu của bạn có thể là một cuộc sống trong đó từ “triển nở” chỉ mang nghĩa hời hợt của phàm trần? “Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, dìm vào trong khổ đau, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất…”. Nhưng nghịch lý thay, đời kẻ thụ tẩy (chịu phép rửa) đúng là một sự “triển nở”, “hoàn tất” thật sự: thực tế là đi cho đến cùng tình yêu hiến trao tất cả. Sự sống “trong Đức Ki-tô” ban một ý nghĩa cho điều xem ra vô nghĩa: thập giá, dấu chỉ số một của tự hạ, hủy diệt, thất bại… nhờ Đức Giê-su đã trở thành dấu chỉ tích cực của viên mãn, hy sinh, hữu hiệu mọi bề. Cũng vậy, phép thánh tẩy, vốn là dấu chỉ sự chôn vùi, trở thành dấu chỉ sự sống mới. Mọi lo lắng khắc khoải tràn ngập hồn ta đều có thể hóa nên một “tiếng gọi”: các nỗi khổ của ta sẽ biến dạng chừng nào nếu chúng được sống trong sự hiệp thông với Đức Giê-su! “Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
3. Nguyên nhân chia rẽ
“Anh em tưởng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”. Bình an là một trong những điều thiện hảo được chờ đợi hơn cả vào thời Thiên sai (x. Is 9,5; Dcr 9,10; Lc 2,14). Thế mà lời rao giảng và hành động của Đức Giê-su lại gây nên nhiều phản ứng chống đối dữ dội, khiến bản thân Người bị vây dồn. Nhưng thay vì ngưng làm, thay vì sợ hãi, Người tiến đến cái chết một niềm can đảm đáng phục. Và Người loan báo cho bạn hữu biết họ cũng sẽ chịu một sự chống đối như Người. Một vài thủ bản Tân Ước gán cho Đức Giê-su câu này: “Ai ở gần Ta là ở gần lửa”.
Như các kẻ đương thời Đức Giê-su, chúng ta mơ ước “an bình”, muốn hưởng nếm cảnh hài hòa lặng lẽ ấy, vốn là sự yên nghỉ của trái tim: giữa nam với nữ, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa giới của mình với giới của người, giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với Thiên Chúa… Hòa bình, “shalom”, là lời chúc mà người Do-thái trao đổi với nhau. Một lý tưởng thật sự tóm kết tất cả những gì ta có thể mong ước.
Nếu thế thì tại sao Đức Giê-su xem ra cổ võ sự chia rẽ? Người chẳng phải là hòa bình của thế giới sao? Người chẳng đến để quy tụ hết thảy trong tình yêu của Chúa Cha sao? Tại sao có chia rẽ theo sau bước chân Người? Ngọn lửa phải thiêu đốt thế gian ấy là gì? Thật ra, chính hòa bình là cái Đức Giê-su mang đến. Nhưng không phải là một thứ hòa bình dễ dãi. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Nhưng Thầy không ban theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Có nhiều hòa bình lừa gạt, nhiều an ninh nguy hiểm, ru ngủ, chỉ xây dựng trên những thỏa hiệp và che giấu những áp bức trầm trọng, nghĩa là trái ngược với hòa bình. Trước Đức Giê-su, các ngôn sứ từng tố cáo những thứ bình an giả tạo không đòi hỏi về luân lý và tôn giáo ấy: “Người lớn cũng như trẻ nhỏ, tất cả đều tham lam bớt xén. Ngôn sứ cũng như tư tế, hết thảy là một lũ gian phi. Chúng bô bô: “Bình an vô sự” để xoa dịu thương tích của dân Ta, trong khi chẳng có bình an chi cả” (Gr 6,13-14; Mk 3,5; Ed 13,8-16; Gr 8,11; 14,13-16; 23,16-22).
“Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau…”. Lúc thốt lên những lời này, Đức Giê-su đặt kẻ đương thời trước sự chọn lựa dứt khoát: phải có quan điểm… theo hay chống Người. Niềm tin vào Người sẽ phải đi trước các liên hệ gia đình thiêng thánh nhất (x. Lc 9,59-62). Và điều này sẽ thấy rõ sau khi Người sống lại và Tin Mừng bắt đầu được rao giảng.
Thời Lu-ca, Giáo Hội, thiểu số giữa thế giới ngoại giáo, đã phải cảm nghiệm sự xâu xé này giữa kẻ tin và chẳng tin. Ngày nay, chúng ta không thể không nhận thấy tính sáng suốt kiểu ngôn sứ của lời Đức Giê-su dạy: “Con cái tôi đã bỏ mọi lối hành đạo… Cô X và cậu Y chẳng muốn làm lễ kết hôn… Hai ông bà ấy từ chối đem con đi lãnh pháp rửa…” Gia đình Ki-tô nào thoát khỏi những tranh chấp Đức Giê-su loan báo đó? Chúng ta lúc ấy bị cám dỗ kết án kẻ khác hay mang mặc cảm phạm tội: nếu Giáo Hội đã làm điều này… nếu các nhà giáo dục đã dạy điều kia… nếu tôi đã thực hiện điều nọ… Chớ có mặc cảm hay ngạc nhiên. Ngay ngôn sứ Mi-kha, 800 năm trước Đức Giê-su, đã mô tả “cuộc nổi loạn” của con cái chống cha mẹ như một vết thương của thời mình (x. Mk 7,6). Chủ chăn tối cao hiện thời của Giáo hội chẳng đang gây nên những cơn bão dư luận đó sao? Và các bản văn Khải huyền thời Đức Giê-su đều coi kiểu tranh chấp này là “khốn quẫn lớn lao” đi trước việc ơn cứu độ chung quyết là Đức Mê-si-a đến. Vấn đề chúng ta là chọn ai!
Lm. Phê-rô Phan Văn Lợi