19Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !” 20Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 29Ông Tô-ma thưa với Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
30Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
PHỤC SINH VÀ THÁNH THỂ
Mỗi lần chúng ta lên rước lễ đều được nghe linh mục nói “Mình Thánh Chúa Ki-tô” khi trao chiếc bánh nhỏ mà Đức Giê-su từng dạy lúc sắp bước vào cuộc Vượt qua của Người: “Tất cả hãy nhận lấy mà ăn vì này là Mình Thầy, Máu Thầy…” Có lẽ ta đã không nhận thấy đủ mối liên hệ tuyệt đối giữa phép Thánh thể và cuộc Phục sinh. Ta nghĩ gì khi thưa “Amen-Đúng thế” trước Mình Chúa Ki-tô ? Nghĩ tới Đức Giê-su trong máng cỏ Giáng sinh ? Đức Giê-su làng Na-da-rét từng rao giảng một Tin mừng tình huynh đệ ? Nghĩ tới Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá để cứu chúng ta hết thảy ? Dĩ nhiên tất cả đều đúng. Nhưng cuối cùng, Thánh Thể chính là bí tích -dấu chỉ khả giác- của sự hiện diện đích thực: thế mà Đức Ki-tô duy nhất hiện hữu trên thực tế chính là Đức Ki-tô đã phục sinh, hôm nay đang sống, hôm nay có mặt, ở đây, dưới những vẻ bề ngoài khả giác của bánh và rượu trong Thánh lễ; chính là Đức Ki-tô Chủ tể vũ trụ, đang ôm lấy mọi sự trên trời dưới đất vào mình để làm nên một Thân thể vĩ đại, Thân thể mầu nhiệm mà Người là Đầu. Và chính trong tư cách ấy mà khi đưa bánh và rượu vào Thân thể vĩ đại này trong bữa Tiệc ly để làm của ăn cho nó (như về sau sẽ nhờ bàn tay các linh mục lúc truyền phép trong Thánh lễ), Người đã có thể gọi đó là Mình và Máu Người (y như khi thức ăn nước uống đã vào dạ dày tôi thì chỉ còn có thể gọi là máu và thịt tôi). Thành ra hãy cố gắng thoát khỏi một quan niệm chật hẹp về phép Thánh thể và cuộc Phục sinh.
1- Dự tính của Thiên Chúa: phục sinh, “sự sống bất tử”
Nhìn quanh, ta càng ngày càng thấy nhiều người bị thuyết luân hồi cám dỗ. Tư tưởng về sự hư vô của cái chết xem ra phi lý đến độ thiên hạ muốn chấp nhận học thuyết Đông phương này về một loại sự sống mới, tái sinh… trong một thể xác khác với thể xác mình. Đây là một giải đáp dở cho một vấn nạn thực. Vì đúng là con người thuộc mọi nền văn minh và mọi tôn giáo đều không đi đến chỗ cam chịu biến mất hẳn. Ngay cả kẻ vô tín ngưỡng của xã hội hôm nay, khi được hỏi: “Bạn đi về đâu ?” vẫn thường trả lời: “Tôi không biết !” Người ta có thể thật sự sống mà chẳng rõ mình đi về đâu à ?
Tất cả mạc khải Kinh thánh, trái lại, đều dẫn đến trang sáng ngời ta đang đọc, nói về cuộc Phục sinh. Mười hai Tông đồ của Đức Giê-su đều đã sống bi kịch cái chết của Người… ba ngày trước đó. Và họ đã chẳng cả tin đến độ vài kẻ đôi khi thường nói, cho rằng họ như con nít, quá ngây thơ khờ khạo. Tô-ma, tay cứng lòng, là sự bảo đảm cho chúng ta: “Nếu tôi không thấy [Người, Đức Giê-su phục sinh ấy]… nếu tôi không chạm đến [Người], không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người [đã bị lưỡi đòng đâm thâu] tôi chẳng có tin.”
Đôi khi thiên hạ kết án Thiên Chúa đã làm nên một thế giới trong đó sự chết hiện hữu. Thế nhưng đức tin trình bày cho chúng ta một câu trả lời hoàn toàn chặt chẽ và đầy đủ khi mạc khải cho ta rằng Thiên Chúa đã chẳng bao giờ tạo dựng thế giới phải chết này, nếu ngay từ giây phút đầu tiên, Người đã chẳng có ý định cho nó sống lại. Chương trình của Thiên Chúa liên tục cách hoàn hảo. Cuộc Sáng tạo được làm ra cho cuộc Nhập thể. Và cuộc Nhập thể được làm ra cho cuộc Phục sinh. Nếu dừng chương trình của Thiên Chúa ở nửa đường, ta làm cho nó nên khó hiểu. Thánh Phao-lô từng viết: “Như nơi A-đam mọi người đều phải chết, thì trong Đức Ki-tô, mọi người cũng sẽ được sống lại. Vì Người phải nắm vương quyền bằng cách đặt mọi thù địch dưới chân Người, và thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1Cr 15,22.25-26)
2- Bản chất của Phục sinh: chiến thắng sự chết
Hãy nhận rõ rằng sự phục sinh, theo một nghĩa nào đó, không loại trừ sự tử vong… nhưng “vượt qua nó”. Đức Giê-su thực đã đi qua cái chết. Và Người đã hiện ra cho bạn hữu mình mà chẳng ngụy trang cái chết này: Người từng có thể bày tỏ cho họ một thân thể “sạch sẽ hơn”, không vết sẹo… nhưng trên thực tế đã để họ thấy hai bàn tay bị đinh “đâm thủng”, một lồng ngực há hốc trên một trái tim mở rộng! Không, Đức Giê-su đã chẳng gian lận với cái chết của mình. Người đã trung thực mang lấy gánh nặng của thân phận con người chúng ta… thân phận khả tử, phi lý, bi đát!
Và đối với các Tông đồ cũng vậy, cuộc phục sinh đã “nắm bắt” họ ngay giữa lòng một hoàn cảnh bi thảm. Chiều ngày ấy, họ “đã đóng kín các cửa vì sợ…” Hoàn cảnh của riêng họ cũng “chết người” theo một nghĩa nào đó: vị Thầy mà họ từng hiến trao toàn bộ cuộc sống, lẽ sống của mình, đã biến mất 3 ngày trước. Họ còn đang bị “sốc” nặng. Và họ sợ rằng giới chức Giê-ru-sa-lem sẽ bắt họ chịu chung số phận như Thầy mình, Chính giữa lòng hoàn cảnh “không lối thoát” ấy, Đức Giê-su đã hiện ra cùng họ và nói với họ: “Bình an cho anh em !”
3- Ý nghĩa của Thánh Thể: mầm sống muôn đời
Chúng ta cũng hãy tự hỏi, khi thưa “Amen” trước Mình Thánh Chúa Ki-tô phục sinh, là Đức Giê-su muốn giải cứu chúng ta khỏi hoàn cảnh bí bách, chết người nào ? Chúng ta cũng chẳng từng “đóng kín” một cái gì đó khi nói: “Chấm dứt”, chả còn gì phải làm nữa ? Một hoàn cảnh hôn nhân xem ra bế tắc… một khó khăn lớn lao với con cái… một ưu tư nghề nghiệp đầy ám ảnh, vô vọng… một cơn khủng hoảng trong ơn gọi linh mục hay tu sĩ… Mỗi người chúng ta từng sống nhiều hoàn cảnh “chết người” như thế.
Niềm vui của mỗi Chúa nhật, niềm vui Phục sinh, alleluia của mỗi một thánh lễ… thành ra không phải là niềm vui dễ dãi đến với chúng ta khi sức khỏe hoạt động tốt, khi công chuyện chẳng đáng lo, khi hạnh phúc vẫn còn dài, khi thành công mục vụ đang phơi phới… Không ! Đó là niềm vui đến làm bật tung các “then cài của nỗi sợ”, đó là niềm vui nâng dậy khỏi những hoàn cảnh chết người ta đang lâm phải. Niềm vui ấy triệt để đến độ chẳng cái gì có thể giật mất nó, vì gốc rễ của nó không ở trong con người, mà ở trong Thiên Chúa, chẳng gì hơn !
Bấy giờ ta sẽ kêu lên như Tô-ma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, rõ ràng là cái chết luôn toàn thắng ! Nhưng chúng tôi “trông đợi kẻ chết sống lại.” Ước gì kinh Tin kính của chúng ta là một bài ca Phục sinh thực sự ! Đừng tìm giữa kẻ chết Đấng hằng sống. Chính Đấng hằng sống được chúng ta ăn lấy, để Người cho chúng ta sống lại, y như câu chuyện thật dưới đây:
Trong Giáo hội, có một vị thánh được gọi là “Bổn mạng những người rước lễ lần đầu.” Đó là nữ chân phước tí hon Imelda Lambertini (1322-1333), quê thành Bologna, miền Bắc nước Ý. Ngay từ thơ ấu, Imelda đã tỏ lộ những đức tính gương mẫu, gây ngạc nhiên cho mọi người. Lên 10 tuổi, cô bé xin cha mẹ cho phép vào dòng nữ Đaminh thánh Maria Madalena ở Valdipietra. Sống thánh thiện lạ thường, cô sốt sắng, đơn sơ, tuân phục và đứng đắn, trong khi chờ đợi đến tuổi được tuyên khấn trong dòng. Chỉ có một nỗi buồn lớn lao trong lòng cô bé là: vì nhỏ tuổi nên Imelda không được hồng ân lãnh nhận Mình Thánh Chúa, lúc đó chỉ dành riêng cho người lớn tuổi. Cô thành khẩn lập đi lập lại lời van xin: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Con ước ao được rước Chúa biết chừng nào.” Lời cầu xin tha thiết được chấp thuận. Ngày 12-05-1333, vọng lễ Thăng Thiên, cô đệ tử Imelda tham dự thánh lễ cùng với cộng đoàn. Lúc hiệp lễ, các nữ tu tiến về bàn thánh, chỉ Imelda còn lại một mình ở bàn quỳ, tuôn trào dòng lệ, mắt dán vào Thánh Thể mà vị linh mục đang phân phát cho các chị lớn. Thình lình phép lạ xảy ra. Mình Chúa thoát ra khỏi các ngón tay của cha chủ tế và đến dừng lại trên đầu Imelda. Ai nấy sửng sốt. Vị linh mục nhanh chóng tiến đến đưa đĩa thánh ra và Thánh Thể nhẹ nhàng hạ xuống. Hiểu được ý muốn của Chúa, cha cho cô bé rước lễ lần đầu. Đôi tay Imelda chắp lại, môi điểm nụ cười thiên thần và gương mặt ngời sáng. Một nữ tu kinh ngạc hỏi nhỏ: “Phải chăng cô bé đã được mang lên trời cao?” Câu thắc mắc thành sự thật. Imelda từ từ quỵ xuống và trút hơi thở cuối cùng. Cô chết vì được tình yêu mang đi. Thánh Thể đã đem cô vào cõi Phục sinh muôn đời.
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi