30 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
KẺ THEO ĐẤNG LÀM ĐẦU
Đoản văn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay bao gồm lời loan báo thứ hai về cuộc Khổ nạn và phần đầu của một diễn từ tạp lục (có chen vào hai cảnh nhỏ) kéo dài cho đến Mc 9,50. Lời loan báo thứ hai này gần giống lời loan báo thứ nhất đã được diễn giải trong bài trước, nên nay ta chỉ tìm hiểu hai cảnh nhỏ. Chúng xem ra bổ túc nhau và mỗi cảnh diễn tiến trong hai thì: chính sự kiện và một câu nói của Đức Giê-su. Trước tiên là cuộc tranh luận giữa các môn đồ về kẻ lớn nhất và câu Đức Giê-su đáp trả về người đầu hết / cuối hết; đoạn đến cử chỉ Đức Giê-su bồng một em bé và lời nói (về việc đón tiếp) giải thích cử chỉ này.
1. Trở thành người rốt hết
“Khi về tới nhà” (c.33). Chúng ta đi vào vòng thân mật của nhóm Tông đồ đang được Đức Giê-su huấn luyện. Đây là thời kỳ “nhà tập” của họ, “Người đang dạy họ”, Người muốn giúp họ tiến triển khởi từ các tranh luận của họ. Tiếc thay ! Họ vẫn hoàn toàn tối dạ. Họ vẫn không hiểu những gì Đức Giê-su giải thích cho mình. Phải chăng vì quá khó ? Đúng thế, nhưng cũng vì họ bận tâm đến chuyện khác: vấn đề uy thế và địa vị: “Các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Thấy mình thành các đại thần của Đấng Mê-si-a – Vua tương lai làm họ say sưa.
Chớ nên chê việc suy niệm về các chuyện tham vọng và ngôi thứ ấy, dẫu các chuyện này thật khốn nạn khi người ta nhớ lại đó là nhóm của Đức Giê-su, một Đức Giê-su bấy giờ đang nỗ lực cho thấy người ta phải dùng con đường khó khăn nào để cứu mạng sống mình và cứu kẻ khác. Điều đó chứng tỏ chẳng ai tránh thoát khỏi tham vọng, dẫu năng lui tới với Đức Giê-su. Quyền lực là bản năng mạnh mẽ nhất và dai dẳng nhất trong 3 bản năng của con người mà (hai bản năng kia là sinh tồn và truyền sinh). Biết bao người thoạt đầu rất đơn sơ dần dần ngây ngất trước cái chức “phụ trách” dù là thật nhỏ. Như một cha xứ muốn làm “thầy cả” (chuyện chi cũng là thầy cả !) của giáo xứ mình, một bề trên tự coi mình như Thiên Chúa tối cao, một chủ tịch hội này hay hội kia đoạt hết mọi trách nhiệm.
Tuy nhiên, Tin Mừng phải là một thuốc giải độc hữu hiệu. Khi mạc khải cho chúng ta các ưa thích của Đức Giê-su, Tin Mừng mạc khải cho chúng ta các ưa thích của Thiên Chúa. Không thể không thấy Đức Giê-su chê ghét ba điều: giả hình, bạc tiền và tham vọng. Đến để phục vụ, Người năng lặp đi lặp lại chuyện đó, Người mạnh mẽ cảm thấy tham vọng là ung thư của phục vụ. Người ta không thể tự mãn mà lại quan tâm tới tha nhân, đó là cái chắc. Nhưng đặc biệt, thói kiêu căng chắc chắn làm hỏng cái mà người ta còn muốn gọi là tận tụy.
Trộn lẫn hai ước vọng này, phục vụ và thống trị, là điều quá gian xảo đến nỗi Đức Giê-su phản ứng mạnh mẽ. Đây chẳng còn là một cuộc tranh luận bình thường, thành thử Người ngồi xuống, tập họp Nhóm Mười hai lại và phát biểu nguyên tắc Tin Mừng không thể nào quên, nguyên tắc đặt một khoảng cách tuyệt đối giữa ý chí quyền lực và thái độ tận tụy: “Ai muốn đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và phục vụ mọi người.”
Muốn làm đầu, việc đó không đáng kết tội, ngược lại là khác ! Phải có những thủ lãnh. Các kinh nghiệm về đồng quản và tự quản nhanh chóng cho thấy rất khó khăn trong việc đưa ra một cái gì hữu hiệu nếu chẳng có những người biết tổ chức cuộc sống chung và tổ chức công việc hơn những người khác, nhất là rất khó khăn trong việc điều hành một cuộc bàn thảo cần thiết hầu tiến đến một quyết định cũng cần thiết cuối cùng. Các thủ lãnh ấy là một cơ may cho mọi nhóm, trong Giáo Hội cũng như bất cứ nơi đâu. Một số rõ rệt có những khả năng để làm việc này. Khi được người chung quanh hay một thẩm quyền cao hơn chỉ định mà trốn tránh là ích kỷ, là hèn nhát trước việc hiến thân mà cuộc thăng chức này sẽ đòi hỏi. Tuy nhiên, Đức Giê-su đòi kẻ “làm đầu” trước hết phải thực hiện trong lòng mình một chuyện: không được chịu thua bản năng quyền lực và ngây ngất trước quyền hành: “Phải làm người rốt hết”. Ai muốn làm đầu, phải hầu thiên hạ ! Người nâng sự điên rồ đó lên thành nguyên tắc. Và để chắc chắn ta sẽ không tìm một kiểu tránh thoát, Người xác định: “làm kẻ rốt hết tất cả, làm kẻ phục vụ mọi người”. Rồi đây, Người còn lấy chính mình làm mẫu mực: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (10,44-45). Hiến dâng mạng sống! Nếu làm thế, các thủ lĩnh có thể là hình ảnh mạnh mẽ nhất về Đấng Làm Đầu đích thực.
2. Đón tiếp kẻ nhỏ hèn
Câu chuyện đứa trẻ được đặt giữa các môn đệ xem ra minh họa cuộc đối thoại đi trước. Các Tông đồ phải phục vụ cách khiêm tốn, mà cơ hội tốt nhất để chứng tỏ tinh thần này chính là lưu tâm đến hạng nhỏ bé trong xã hội. Mà thời Đức Giê-su, trẻ nhỏ không mấy được coi trọng. Ở đây cũng như nhiều chỗ khác, chúng chẳng được xem như kiểu mẫu về sự vô tội hay đơn sơ đâu, nhưng chính là điển hình của cái không quan trọng, không đáng kể, vì thế chẳng cần lưu ý. Việc Đức Giê-su quan tâm đến các trẻ nhỏ có thể đem đối chiếu với thái độ của Người đối với hạng thu thuế và gái đĩ: thái độ mạc khải một điều rất tuyệt về Thiên Chúa. Đó là Nước Trời được trao ban cách nhưng không cho tất cả những gì bị bỏ rơi, khinh bỉ, mà chẳng để ý đến nhân đức công nghiệp; đó là lời mời dự tiệc thiên quốc được dành cho kẻ nghèo khó, bệnh hoạn, tật nguyền, cho hết những ai chẳng có gì để trả lại (x. Lc 14,13-14.21). Ý nghĩa nguyên thủy và sâu xa của cử chỉ Đức Giê-su ẵm lấy một em nhỏ là thế.
Người chẳng bao giờ bỏ qua một cơ hội để kéo môn đệ Người và chúng ta khỏi thói kiêu căng. Người như muốn nói: hãy luôn tìm cách sống khiêm tốn và đơn giản, bằng việc đón tiếp trẻ nhỏ chẳng hạn. Việc Người ẵm lấy nó, đặt nó ở chỗ nổi bật rồi ôm hôn nó là một cơ hội tốt để chúng ta tự vấn về cách thức chúng ta đón tiếp hạng này. Đó không luôn dễ dàng. Vì chúng xinh đẹp và duyên dáng, nên ta thường coi chúng như đồ chơi; hay vì chúng bẩn thỉu và nghịch ngợm, nên ta thường xua đuổi chúng nhân danh sự yên tĩnh của mình.
Trẻ con cần nguời lớn. Nó cảm nghiệm sự lệ thuộc này cách đơn sơ nhất đời và, ngay cả khi nó đặt ra đủ thứ câu hỏi khiến ta khó chịu, thì thường không phải do dã tâm. Đón tiếp một trẻ nhỏ nhân danh Đức Giê-su đòi hỏi tính kiên nhẫn, trí thông minh đầy óc sư phạm và lòng thương mến. Chẳng phải như thế mà Đức Giê-su đã đón tiếp các môn đệ Người sao ? Và chớ quên rằng chính khi chiến đấu chống thói kiêu căng mà Đức Giê-su nhắc tới việc tiếp đón các trẻ nhỏ. Những giây phút sống đơn sơ như thế giải thoát ta khỏi sự trịnh trọng hay lối bận rộn hơi kiêu kỳ.
Vậy là Đức Giê-su đã trả lời rõ rệt cho chuyện các môn đệ tranh cãi lúc đi đường: “Ai là kẻ lớn nhất”. Tìm kiếm vinh dự là điều trơ trẽn nơi những kẻ theo Đức Giê-su, lúc Người đang bước vào con đường khổ nhục của cái chết. Làm “đầy tớ” mọi người, mở cửa pháo đài Giáo Hội cho những kẻ hèn kém nhất, những kẻ nghèo đói nhất, đó là “dịch vụ” Đức Giê-su truyền cho các môn đệ phải thi hành. Để thêm trọng lượng cho giáo huấn này, Đức Giê-su kết luận bằng từ “đón tiếp”. Người là Đấng Chúa Cha sai đến. Đón tiếp Người qua những ai nhỏ bé là đón tiếp chính Cha Người. Thiên Chúa mặc hình dáng một trẻ nhỏ, đó là sứ điệp bất ngờ, độc đáo của trang Tin Mừng đẹp đẽ hôm nay.
Vua thánh Lu-y (Louis) nước Pháp (1214-1270) không những là một con người có lòng đạo đức (siêng năng dự lễ mỗi ngày, ăn chay kiêng thịt suốt năm), khiết tịnh (tránh chuyện vợ chồng suốt mùa Chay và mỗi ngày thứ 6), vua còn tỏ lòng thương người cách đặc biệt. Ngài thành lập nhiều bệnh viện, thăm viếng kẻ đau yếu, và cũng giống như quan thầy của mình là thánh Phanxicô, ngài chăm sóc ngay cả những người bị bệnh phong hủi. Mỗi chiều thứ bảy, thánh nhân có thói quen rửa chân cho một số trong họ, và mời họ ăn cơm do chính ngài thù tiếp. Vị tể tướng bực bội vì thói quen này, bởi thấy nhà vua quá hạ mình và có thể gặp nguy cơ lây nhiễm. Thấy vậy, lần kia thánh Lu-y hỏi ông: “Một là bị bệnh phong hủi, hai là phạm một tội trọng, người chọn đàng nào ?” Viên quan trả lời: “Hạ thần thích 30 tội trọng hơn là bị phong hủi”. Đức vua trả lời: “Ngươi dại dột quá. Người không biết rằng chẳng có bệnh nào ghê tởm bằng tội trọng sao, vì phạm tội trọng thì giống hệt ma quỷ !”