2 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ?” Họ hỏi thế là để thử Người. 3 Người đáp: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì ?” 4 Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5 Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác làm phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
HAI HỒNG ÂN
Đoạn Tin Mừng hôm nay, với giáo huấn luân lý, nằm trong văn mạch nói về chuyện Đức Giê-su 3 lần loan báo việc Người chịu khổ nạn (Mc 8,31-33; 9,30-32; 10,32-34). Việc Mc ghép hai vấn đề này như vậy thật đáng suy nghĩ. Thay vì “lên lớp” dạy luân lý, hoặc trích luật này luật nọ trong Kinh Thánh, ông nhìn nhận chỉ có một nền tảng duy nhất cho đời sống luân lý Ki-tô giáo là tấm gương của Đấng Sáng lập. Các trình thuật loan báo số phận Đức Ki-tô chỉ muốn cho thấy chính từ định mệnh của Người, ta sẽ hiểu được những đòi hỏi của Người. Do đó ta sẽ không còn ngạc nhiên thấy đời sống Ki-tô giáo có những yêu sách quyết liệt, bất khoan nhượng. Và việc thực thi được những yêu sách này là một hồng ân Thiên Chúa.
1. Hồng ân chung thủy trong hôn nhân
Trước hết là vấn đề luân lý hôn nhân. Đức Giê-su trả lời một câu hỏi gài bẫy: “Phải chăng chồng được phép rẫy vợ?” bằng cách cố gắng làm cho các đối thủ, rồi các môn đệ của mình suy nghĩ về hôn nhân như đã được Thiên Chúa đặt ra. Chú ý kỹ, ta có thể thấy ngay là Đức Giê-su gỡ mình khỏi quan điểm pháp lý thuần túy (lề luật có cho phép không ?). Sau khi phái Pha-ri-sêu thú nhận: Mô-sê không phải đã “truyền dạy” mà là “cho phép”, tức nhân nhượng tạm thời, Đức Giê-su đã tái xác quyết ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa, lên tới tận ý nghĩa sâu xa nguyên thủy của một trong những thực tại nhân loại quan trọng. Việc tìm kiếm ý nghĩa như thế này, điển hình của Tin Mừng, thúc đẩy chúng ta trước hết chiêm ngưỡng dự định của Thiên Chúa về hôn nhân, tiếp đến là xin được hồng ân trung tín với dự định đó, vì nó không dễ thực hiện.
Đức Giê-su muốn chúng ta chiêm ngưỡng cái gì ? Chiêm ngưỡng hôn nhân như là sáng tạo của Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu”. Nhân loại sẽ không ngớt đưa ra nhiều nhận xét và luật lệ về vấn đề này, tùy theo sự tiến triển của các phong tục, nhưng Tin Mừng bao giờ cũng sẽ đưa chúng ta về lại cái Thiên Chúa đã muốn: một đôi bạn thiết lập trên sự khác biệt phái tính và trên sự chung sống lâu dài.
“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng… Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Đơn giản và mạnh mẽ. Phải bám vào tảng đá đó mỗi khi thấy chuyện tính dục đồng giới, đa thê, sống thử, ly dị và bất trung, mỗi khi đứng trước các nổi loạn, các chế nhạo hay các quan niệm khác của trần đời. Dẫu trong nhiều nền văn hóa, thiên hạ nghiêng chiều đến đâu về sự dễ dãi (đặt lại vấn đề lòng chung thủy) cũng như về sự quảng đại (thông cảm đối với những thất bại), Đức Giê-su vẫn đòi phải luôn hướng về lý tưởng ban đầu ấy: một người nam và một người nữ yêu nhau lúc sướng khổ vui buồn, trong thời gian và cho đến vĩnh cửu. Họ là những “bạn đường vĩnh cửu” (compagnons d’éternité) như nhan đề cuốn sách rất hay của Cha Ambroise-Marie Carré viết về hôn nhân, về linh đạo vợ chồng.
Tình yêu mong manh ban đầu của họ phải biến thành tình yêu không lay chuyển tiếp đó: một hỗn hợp gồm âu yếm, can đảm, bền bỉ và đức tin, sẽ giúp họ đứng vững trong các cơn giông tố hay, đôi lúc tệ hơn, trong những ngày nhạt nhẽo, đặc biệt giữa hoàn cảnh bất thuận lợi cho hôn nhân như hiện thời. Hôm qua, ly dị bị đàm tiếu, và trong các môi trường Ki-tô giáo, người ta chẳng chút thương xót chuyện ấy. Nay thì thiên hạ chấp nhận bất cứ vụ ly hôn nào, coi như một sự cố đơn giản trên hành trình thôi. Nhiều người mất lòng ao ước chiến đấu để cứu vãn một tình yêu, tình yêu của họ hay của những cặp khác.
Chính vì thế mà cần cầu nguyện, vì chiến đấu trước hết và luôn luôn là cầu nguyện. Ở đây cũng vậy, ta có thể không cưỡng được những mỉa mai và thất vọng lúc nói đến chuyện cầu nguyện để cứu vãn một tổ ấm. Nhưng một Ki-tô hữu tin gì nếu không tin vào lời cầu nguyện ? Việc cầu nguyện mà chúng ta thực hiện để thay đổi con tim kẻ khác trước hết phải là việc cầu nguyện để thay đổi chính con tim của chúng ta, các suy nghĩ, các lời nói, các thái độ của chúng ta. Nó giữ chúng ta luôn tỉnh thức về sự tiến triển của tình yêu mình. Nó đặt chúng ta lại trước Đức Giê-su, Đấng nói với chúng ta về ý định của Thiên Chúa: một người nam và một người nữ yêu nhau chung thủy. Vì sự trung tín đến cùng trong đời đôi bạn rốt cục là một hồng ân của Thiên Chúa.
– Ngày 10-09-2000 đã diễn ra Ngày Hội Các Gia Đình tại quê hương của thánh Phan-xi-cô Khó nghèo. Nhân dịp này, báo chí đã đặc biệt nhắc đến chuyện một linh mục dòng Phan-xi-cô là “gia trưởng gương mẫu trong một gia đình có 7 người con” mà đa số đã dâng mình cho Chúa. Đó là cha Probo Vaccarini, 81 tuổi, thuộc giáo phận Rimini, nước Ý, thi hành chức vụ linh mục đã 12 năm nay. Năm 1952, chàng thanh niên Probo Vaccarini kết hôn với cô Anna Maria Vannuci. Cả hai sống rất đạo đức, chuyên chăm thờ phượng và làm việc bác ái. Cuộc hôn nhân này vì thế được Chúa chúc lành với 7 người con. Năm 1970, bà Anna qua đời. Thấy con cái đã khôn lớn, ông Probo đã bày tỏ với giáo quyền ý muốn dâng mình cho Chúa. Sau nhiều thử thách, ông đã trở thành linh mục dòng Phan-xi-cô. Nhưng trong gia đình cha Probo, không chỉ có ngài làm linh mục. Ba con trai là Giovanni, Francesco và Giuseppe cũng là linh mục. Con trai thứ tư, Gioacchino, làm thầy sáu. Maria Lusia là nữ tu, Maria Celeste thuộc dòng ba Phan-xi-cô và Maria Pia đã kết hôn, có 4 con nhỏ. (Theo VietCatholic).
2. Hồng ân gia nhập Nước Thiên Chúa
Tiếp ngay sau giáo huấn về hôn nhân, một số cha mẹ đã dẫn con họ đến với Đức Giê-su để “Người đặt tay trên chúng” và họ đụng phải phản ứng thô bạo của các môn đồ: mấy ông thẳng tay xua đuổi. Đức Giê-su bèn lợi dụng cơ hội để đưa thêm một giáo huấn mới: Nước Thiên Chúa được ban cho những người “giống chúng”, và ai không đón nhận Nước này “như một trẻ nhỏ” sẽ chẳng được vào. Nhưng “như một trẻ nhỏ” và “giống chúng” nghĩa là gì ? Hoàn cảnh lịch sử của Đức Giê-su cũng như cộng đoàn Mc loại trừ mọi lối giải thích tâm lý học.
Không phải cái mà trẻ em tưởng nghĩ và cách chúng cảm nhận sự vật phải được coi là kiểu mẫu và lề lối. Đúng hơn, tư tưởng Đức Giê-su đi theo chiều hướng xã hội, dựa trên thân phận trẻ nhỏ. Nước Thiên Chúa thuộc về những ai ít được lưu tâm như trẻ nhỏ. Bởi vì trong toàn thể thế giới cổ xưa, kể cả Do-thái, trẻ em đặc biệt bị coi như một cái gì chưa hoàn thành, có tính cách chuẩn bị và do đấy, đối với tư tưởng Do-thái, là thiếu khả năng để thực thi Lề luật, thành thử câu 10,14 có nghĩa: Nước Thiên Chúa được ban cho những người không đủ khả năng, khờ dại, chả được học hỏi những vấn đề của luật pháp. Nói cách khác: Nước Thiên Chúa không thể chiếm đoạt bằng những tính toán, bằng việc giữ đúng Lề luật. Nó là hồng ân nhưng không, chỉ ban cho ai sẵn sàng chờ đợi và đón nhận nó “như một trẻ nhỏ”, nghĩa là với thái độ vâng phục và sẵn sàng.
Thành thử lời Đức Giê-su không đề ra cho chúng ta một tấm gương là lối cư xử trẻ con, ngay cả trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Nó cũng chẳng khuyến khích một thái độ ngây thơ sai lạc, một thái độ khiến ta trút cho kẻ khác nỗ lực nên thánh, bổn phận định đoạt số phận bản thân mình (“Con đường thơ ấu” của thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su hoàn toàn khác). Đúng hơn, đây là một lời phản đối ý tưởng cho rằng chỉ những ai có khả năng tài giỏi trong những vấn đề Lề luật mới đi vào được Nước Trời. Theo phe các trẻ nhỏ như Đức Giê-su làm ở đây (Người chứng minh bằng lời nói và hành động), thành ra theo phe tất cả những ai chờ đợi sứ điệp và ơn cứu rỗi của Người cách đơn sơ, vô thành kiến và không bị trói buộc bởi bao truyền thống cổ lỗ, những truyền thống vốn được duy trì với những cấm kỵ và kiêu căng của chúng. Vậy là qua hình ảnh “vị thế” xã hội của trẻ em, Đức Giê-su muốn chống lại mọi tôn giáo muốn tìm cách quản lý hồng ân Thiên Chúa nhờ việc tự thân nỗ lực thực thi các quy tắc luân lý lẫn phụng tự của Lề luật (trường hợp phái Pha-ri-sêu) và như thế là muốn mua lấy hay tạo lấy sự cứu rỗi con người.