1Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa 4rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” 6Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.
Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐỐI DIỆN
VỚI PHI-TÌNH YÊU LOÀI NGƯỜI
Trong những năm 1944-1945, dân thành Rô-ma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức Quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành. Ðức Thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển tới anh sự tha thứ của ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt Mân Côi. Ðến nhà giam, sau khi làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: “Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý ! Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình ! Ðức Giáo hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao quý ! Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này.” Nói rồi anh bật khóc: “Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con.” Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria…
Câu chuyện tha thứ trên đây cảm động quá phải không bạn ? Nhưng trang Tin Mừng đang đọc dạy cho ta bài học tha thứ còn cảm động và ý nghĩa gấp bội.
Trước hết, cần nhớ rằng chuyện Đức Giê-su rời núi Ô-liu (Cây dầu) để đến Đền thờ “cứu một người đàn bà ngoại tình”, một nữ tội nhân, là một trong những hạt ngọc của Tin Mừng. Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng trước cuộc Khổ nạn… lúc chúng ta cũng được kêu mời lãnh nhận ơn tha thứ của Người vì những tội mình đã phạm. Hãy coi chừng đừng hạ giá trang tuyệt vời này, bằng cách giản lược nó thành một loại bài học về sự khoan dung đối với các yếu đuối của con người… sự khoan dung mà các Hiền nhân, bậc Khôn ngoan thuộc mọi nền văn minh đều đã tán dương ca tụng. Nếu Đức Giê-su đã đến để chỉ nói lại với chúng ta điều ấy, thì rốt cuộc chúng ta chẳng cần Người.
Nhưng trên thực tế, trang Tin Mừng này là một mạc khải rất sâu xa về bản chất của tội lỗi và bản chất của ơn tha thứ…. từ quan điểm của Thiên Chúa.
1- Ý niệm Ki-tô giáo về tội lỗi.
Tiên vàn, tội lỗi đúng là một thực tại của con người, nhưng nhất là một thực tại của đức tin. Khi các nhà xã hội học nghiên cứu về thái độ của con người, họ khám phá ra rằng:
Trước hết, đó là một sự vi phạm… Xã hội của loài người nam nữ, của các gia đình và của các thành thị đúng nghĩa chỉ có thể hoạt động theo một số điều kiện với một số luật lệ, một số lệnh cấm. Chớ trộm cắp. Chớ nói dối. Chớ ngoại tình. Tôn trọng vợ chồng người ta ! Đừng có hiểu trang Tin Mừng này theo nghĩa ngược lại. Rõ ràng Đức Giê-su kết án tội ngoại tình: “Từ nay chị đừng phạm tội nữa.”
Rồi đến ý niệm lỗi lầm… Nếu trẻ thơ chỉ dừng lại ở chỗ các lệnh cấm -và khổ thay, một số người lớn vẫn là con nít trong chuyện này- thì thanh niên, khi ra khỏi thói coi trọng sơ đẳng cái được phép và cái cấm làm, thường khám phá ra rằng cái người ta đã cấm mình “gây thiệt hại cho chính bản thân mình.” Khi tôi nói láo, trộm cắp, hay ngoại tình, tôi phá hủy trong tôi một cái gì đó của nhân tính mình. Lỗi lầm là như một con sâu gặm nhấm trong một trái cây… một khiếm khuyết trong hữu thể, trong ý chí tôi.
Nhưng ý niệm tội lỗi còn một mức độ thứ ba. Tội lỗi, theo nghĩa chặt, tác động đến mối “quan hệ với Thiên Chúa.” Chúa nhật mới rồi, Đức Giê-su đã nhắc ta nhớ đến tội lỗi như một sự gãy đổ tình yêu với Cha trên trời: người ta cắt đứt liên hệ, người ta bỏ đi thật xa. Hôm nay, Tin Mừng gợi cho ta một mối quan hệ khác: tất cả Thánh Kinh từng so sánh tội lỗi của dân Ít-ra-en như một sự ngoại tình, một sự “phá vỡ Giao ước” giữa Thiên Chúa với tuyển dân yêu quý của Người. Các ngôn sứ cũng từng so sánh nhân loại như một Hôn thê bất trung với Hôn phu của mình. Phá vỡ một giao ước tình yêu ! Làm điều dữ cho một Đấng yêu thương chúng ta không ngừng ! Đấy chính là mạc khải đích thực và sâu xa về cái gọi là tội lỗi.
Như thế, đối với Đức Giê-su, người ta chỉ có “cảm thức về tội lỗi” khi có “cảm thức về Thiên Chúa,” Cuối cùng, chính các vị thánh là sáng suốt nhất vì họ cảm nhận được vết thương tình yêu mà những vi phạm và lầm lỗi gây ra cho Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta và thương yêu chúng ta biết chừng nào ! Đấng bị chúng ta tàn phá “khuôn mặt”… trong chúng ta, những kẻ đã được tạo dựng theo “hình ảnh” của Người !
2- Ý niệm Ki-tô giáo về ơn tha thứ.
Điều tuyệt diệu của Thánh Kinh, đó là tội lỗi được mạc khải thật sự cho chúng ta chỉ qua việc nó được tha thứ: “Tôi tin phép tha tội”… Lòng thương xót của Thiên Chúa đi trước các cuộc thống hối của chúng ta. Đấy là khám phá đích thực cần phải thực hiện, trong đức tin. Không chắc người đàn bà ngoại tình đã ăn năn tội khi người ta dẫn thị đến trước Đức Giê-su. Nhưng chắc chắn Đức Giê-su đã thương xót thị và đã cứu thoát thị: “Tôi không lên án chị đâu !”
Vâng, tình thương Thiên Chúa là vô điều kiện: Người vẫn tiếp tục thương yêu những kẻ không yêu thương mình. Thiên Chúa chẳng phải như ông chồng vụ lợi đầy tình âu yếm đối với bà vợ yêu say, nhưng bắt đầu ghét bà khi bà không còn dễ thương, hay bất trung, hay lừa phỉnh mình… dù phải tha thứ cho bà nếu bà trở lui lại. Không, Thiên Chúa -Thánh Kinh bảo chúng ta- tiếp tục yêu quý hôn thê ngoại tình của mình. Người luôn trong tình trạng tha thứ, ngay cả khi cô nàng bướng bỉnh. Thiên Chúa chẳng bao giờ hủy bỏ Giao ước (Hôn ước) của Người.
Thành thử cần điều chỉnh khái niệm thông thường vốn khẳng định cách quá đơn giản rằng: “Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta hối cải.” Chuyện tha tội không tiếp sau việc hối cải nhưng là đi trước, đi đầu. Đứa con hoang đàng được tha thứ hoàn toàn, yêu mến hoàn toàn trước. Con chiên lạc được mục tử thương mến, kiếm tìm ngay cả trong những lần đi lạc. Chị phụ nữ ngoại tình, với tội lỗi dĩ nhiên bị kết án, đã được Đức Giê-su yêu mến cách đặc biệt, vì Người thương xót chị: tội lỗi đã làm hư hỏng và gây tổn hại cho chị.
Tình thương Thiên Chúa là vô điều kiện. Để tha thứ, Thiên Chúa không chờ chúng ta. Người đi trước chúng ta. Nhưng để hòa giải, phải cần cả hai. Hôn phu thần linh sẽ chỉ có thể ôm lấy hôn thê ngoại tình của mình nếu cô nàng trở về với Người cách tự do. Sắp đến lễ Phục sinh, tất cả chúng ta đều được mời lãnh nhận sự tha thứ của Thiên Chúa: đây là một vấn đề tình yêu !
Viết theo Noël Quesson, Les entretiens du dimanche.