Mt 17,1-9: Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.
Đoạn 17,1-9 nằm trong văn mạch tập trung bàn về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu (16,21và 17,27), trong đó Chúa Giêsu tiên báo hai lần về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người (16,21 và 17,22-23). Giữa hai lần ấy là bài tường thuật về sự biến hình của Chúa Giêsu (17,1-9). Xét mạch văn gần hơn, đoạn nói về Biến Hình cho thấy trước vinh quang của Chúa Giêsu mà câu 16,27 loan báo. Cũng thế nó liên kết với đoạn sau khi nhắc đến cuộc khổ nạn (17,12) và việc sống lại từ cõi chết (17,9). Đoạn nầy có cấu trúc đối đảo (chiasmus): Chúa Giêsu dẫn 3 môn đệ lên núi – xuống núi (cc. 1 và 9); Chúa biến hình có Môsê và Êlia – Chúa sau khi biến hình và một mình (cc. 2-3 và 7-8); Phản ứng của Phêrô – và của các môn đệ (cc. 4 và 6); Lời của Thiên Chúa về Con của Người (c. 5). Do dùng cấu trúc nầy, Matthêô muốn đặt trọng tâm chú ý vào nội dung của câu 5: Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa, và phải nghe Người.
Biến Hình của Chúa Giêsu diễn ra trong một thị kiến. Horama (c. 9) “thị kiến”, là điều con người thấy được do Thiên Chúa ban cho trong xuất thần hoặc trong giấc ngủ (x. Cv 7,31; 9,10, 12; 10,3, 17, 19; 11,5; 12,9; 16,9tt; 18,9); do đó, thị kiến có tính cách mạc khải. Những điều được nói đến trong Biến Hình không thuộc thế giới tại thế: các nhân vật như Chúa Giêsu “mặt sáng như mặt trời, áo trắng tinh như ánh sáng” (c. 2), Môsê và Êlia (c. 3), tiếng từ đám mây (c. 5), sự sợ của các môn đệ (c. 6).
Chúa Giêsu đem ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cao (c. 1)
”Núi cao” nhắc nhớ nơi Chúa Giêsu chịu cám dỗ (4,8). Nơi ấy Người không làm theo lời của ma quỉ, mà chỉ vâng lời ý của Thiên Chúa. Trên núi cao nầy, Người sẽ được biến đổi trước trong vinh quang, vì Người đã chấp nhận trước cuộc khổ nạn và cái chết do Chúa Cha chỉ định (x. 16,21). Vinh quang phục sinh nầy sẽ bày tỏ cách dứt khoát cho tất cả các môn đệ trên một ngọn núi tại Galilêa trước khi Người lên trời (28,16). Chúa Giêsu chỉ muốn cho nhóm ba môn đệ chứng kiến cuộc biến hình của Người, vì Phêrô đã không hiểu và phản đối việc chịu khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu (x. 16,22-23), và họ sẽ là những người loan báo sự phục sinh của Người cho muôn dân (c. 9). Nhóm ba người nầy sẽ chứng kiến Chúa Giêsu trong trạng thái buồn sầu và xao xuyến trước khi chịu khổ nạn (26,37), tương phản với vinh quang trong Biến Hình. Điều nầy cho thấy Biến Hình là cần thiết để có thể “vác thánh giá theo Chúa Giêsu” và mạnh mẽ “liều mất mạng sống vì Người” (16,24-25).
Metamorphoō (c. 2) “biến hình” là thay đổi hình dạng hay vẻ bên ngoài thấy được. Sự thay đổi nơi Chúa Giêsu được diễn tả là “mặt Người sáng láng như mặt trời” và “áo Người trắng tinh như ánh sáng”. Cụm từ “sáng láng như mặt trời” còn được áp dụng cho những người công chính sau khi sống lại trong Nước của Cha (13,43). Gioan cũng nói như Matthêô khi ông mô tả thị kiến về Chúa Giêsu xuất hiện giữa bảy trụ đèn vàng “Mặt Người sáng láng như mặt trời với cả sức chói lọi” (Kh 1,16). “Áo trắng tinh như ánh sáng” chỉ người của Thiên Chúa. Thiên sứ trong buổi sáng ngày phục sinh, từ trời xuống lăn viên đá cửa mồ đi, mặc áo “trắng như tuyết” (28,3). Như thế trong quang cảnh của Biến Hình chỉ có “mặt trời”và “ánh sáng”. Không có bóng đêm. Đó là cảnh vinh quang của Thiên Chúa và Chúa Giêsu (x. Kh 21,3; 22,5).
Môsê và Êlia xuất hiện (c. 3)
Matthêô không nói đến nội dung của cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu – Môsê và Êlia (x. Lc. 9,31). Sự xuất hiện của hai ông và việc họ đàm đạo với Chúa Giêsu chứng tỏ Biến Hình diễn ra trong thế giới của Thiên Chúa. Trong Matthêô, Môsê được nhắc đến như là người đại diện của lề luật. Mọi thứ trong đời sống của dân Israel đều bị chi phối bởi luật Môsê: liên quan đến người mắc bệnh phong (8,4), vợ chồng (19,7.8; 22,24), quyền giảng dạy của các Pharisêô và kinh sư (23.2). Khi Chúa Giêsu đến, Người kiện toàn mọi lề luật của Môsê. Lề luật yêu thương của Người là luật cao trọng nhất và tóm kết mọi lề luật (22,40). Về Êlia mà dân chúng mong đợi sẽ đến trước ngày của Thiên Chúa để chấn hưng mọi sự (Mal 3,23-24), Chúa Giêsu đã đồng hoá ông với Gioan Tấy Giả (17,12). Như thế cả hai Môsê và Êlia đều đóng vai trò đi trước dọn đường cho ngày Con Thiên Chúa sẽ đến (x. 5,17-18). Vai trò chuẩn bị của họ đã xong và đã được thay thế bởi việc Chúa Giêsu đến. Bây giờ phải nghe lời của Con Thiên Chúa (c. 5).
Trung tâm của Biến Hình là lời của Thiên Chúa (c. 5)
Đám mây chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa (24,30; 26,64). Từ đám mây Thiên Chúa phán ra. Lời phán ra tương tự với lời trong buổi Chúa Giêsu chịu phép rửa (3,17). Điểm khác biệt là có thêm mệnh lệnh “Các anh hãy nghe Người”. Trong buổi chịu Phép rửa chỉ mình Chúa Giêsu có thị kiến về Thánh Thần ngự xuống trên Người trong hình chim bồ câu, và nghe tiếng Chúa Cha. Trong Biến Hình, lời Chúa Cha nói cho ba môn đệ. Người tuyên bố Chúa Giêsu là Con của Người; qua đó, Người xác nhận điều Phêrô tuyên xưng “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống” (16,16; x. 1,18-25; 2,15; 3,17; 21,37). Mệnh lệnh “Hãy nghe Người” bao hàm toàn bộ tin mừng Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo (x. Đnl 18,18).
Phản ứng của các môn đệ (cc. 4 và 6)
Các môn đệ sợ sấp mặt xuống đất (c. 6). Sự sợ thường xảy ra nơi những người chứng kiến những điều thuộc về Thiên Chúa: Giuse (1,20); dân chúng (9,8); các môn đệ (14,27; 17,6); viên bách quản và những người đứng gần thánh giá (27,54), các môn đệ sau khi Chúa phục sinh (28,10). Họ sợ vì đã gặp Thiên Chúa. Thị kiến về Biến Hình tách biệt các môn đệ khỏi dân chúng. Họ không được nói cho dân chúng biết trước khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết (c.9). Họ chỉ có thể hiểu rõ và mạnh dạn loan báo điều nầy cho mọi người sau khi đã thật sự kinh nghiệm sự sống lại của Chúa Giêsu.
Điều Thiên Chúa cho ba môn đệ biết trong Biến Hình nhắm đến mọi người. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và ai cũng phải lắng nghe lời Người để được chia sẻ vinh quang phục sinh của Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến