Lc 9,28b-36: Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Văn mạch của đoạn trên đây là Chúa Giêsu lần đầu tiên bày tỏ cho các môn đệ của Người về cuộc khổ nạn Người sẽ chịu (9,22). Phần Người, Người sẵn sàng đi lên Giêrusalem để thực hiện điều ấy (9,21-50). Bố cục của đoạn 9,28-36 có thể được phân chia dựa trên sự phân bố của động từ ginomai, “xảy ra là” (9,28.29.30.34.36): – Khung cảnh (9,28); – Cảnh biến hình (9,29-31); – Phản ứng của các môn đệ (9,32-33); – Lời giải thích của Thiên Chúa (9,34-35); – Phản ứng của các môn đệ và kết luận (9,36). Đoạn nầy được đóng khung bởi việc Chúa Giêsu và các môn đệ lên núi (9,28) và xuống núi (9,37).
Bối cảnh của trình thuật biến hình nầy là “khoảng tám ngày sau những lời ấy”, “Người lên núi cầu nguyện, đem theo Phêrô, Gioan và Giacôbê” (9,28). “Những lời ấy” là những lời tiên báo về cuộc khổ nạn (9,21-22) và lời mời gọi từ bỏ mạng sống để theo Chúa Giêsu (9,23-27). Trong cuộc biến hình, Chúa Cha cho các môn đệ thấy vinh quang Con của Người và qua đó xác nhận trước sự sống lại mà chính Chúa Giêsu đã tiên báo, “sẽ sống lại vào ngày thứ ba” (9,22). Đồng thời, đó thật sự là nguồn an ủi rất lớn cho các môn đệ. Họ được đem theo để chứng kiến cuộc biến hình. Nếu họ được mời gọi bỏ mình và vác thánh giá theo Người, họ cũng có thể tham dự vào vinh quang của Người (9,23-24). “Núi” là nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi ấy Chúa Giêsu thường đến để cầu nguyện, nhất là vào những bước ngoặt quyết định trong đời Người (6,12; 9,28.29; 21,37; 22,39-40). Vậy, trong cuộc biến hình, Thiên Chúa hành động tất cả cho Con của Người và các môn đệ.
Thiên Chúa làm cho Chúa Giêsu xuất hiện trong vinh quang (6,29-30). Những yếu tố trong đoạn nhỏ nầy liên quan rất mật thiết với cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, và nhất là đến lời Người nói với những ai từ bỏ mọi sự để đi theo Người. Họ có thể được thấy trước ngay bây giờ vinh quang của Người mà Người đã hứa (9,26). “Dung mạo” không chỉ một phần của thân thể, mà cả con người toàn vẹn (x 7,27; 9,51.52). Nó trở nên “khác” là trở nên vinh quang trước mắt các môn đệ. Họ đã thấy vinh quang của Người (x. 9,32). Vinh quang nầy chỉ tạm thời. Nó sẽ tỏ hiện cách sung mãn và dứt khoát sau khi Người đã đi qua cái chết (24,26). Chiếc áo trắng tinh chiếu sáng của Người chỉ tình trạng Người đang trong thế giới của Thiên Chúa (x. 9,26; Cv 1,10); không chỉ mình Người, mà cả Môsê và Êlia cũng ở trong vinh quang ấy (x. 9,31). Hai ông là những đại diện của Lề luật và các ngôn sứ đã nói những điều liên quan đến cuộc khổ nạn và vinh quang của Người (x. 24,26-27 và 24,44-46). Nội dung cuộc đàm đạo là “cuộc xuất hành của Người” (9,31). Sự ra đi nầy sắp sửa được thực hiện tại Giêrusalem. “Hoàn thành” là hoàn thành theo ý của Chúa Cha (x. 22,16; 24,44). Trong đoạn tiếp theo, Luca nêu rõ là Người “đi lên Giêrusalem” (9,51.53). Như thế, lúc nầy khi được biến đổi trong vinh quang, cuộc khổ nạn của Người cũng được loan báo.
Thiên Chúa làm cho các môn đệ nhìn thấy và hưởng vinh quang của Con của Người (9,31-35). Trong câu ngay trước đoạn nầy Chúa Giêsu cho biết một số người sẽ được thấy Nước Thiên Chúa (9,27). Chúa Giêsu vinh quang chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa nầy (x. 23,51-52). “Phêrô và những người cùng với ông” đang nhìn thấy Chúa Giêsu vinh quang (9,32). Tình trạng của các môn đệ đáng chú ý và phân tích. Họ “trở nên buồn ngủ mê mệt” một đàng; đàng khác, khi tỉnh dậy họ thấy vinh quang của Người (9,32). Đây là cách trình bày về phương thức Thiên Chúa thông tin cho con người; chẳng hạn Abraham (15,12), Daniel (Dn 8,18; 10,9), và Giuse (x. Mt 1,24). Thấy vinh quang của Người cũng chính là thấy tình trạng của Người khi đã phục sinh và cả sự cứu độ do Người mang đến (x. 21,27-28). Việc Phêrô xin làm ba căn lều tại đó có thể là ông muốn vinh quang xuất hiện nơi Chúa Giêsu được giữ mãi. Marcô ghi nhận là ông không hiểu điều ông nói (x. Mc 9,6). Vậy, Thiên Chúa đã làm cho các môn đệ thấy vinh quang của Chúa Giêsu.
Thiên Chúa xác nhận điều Người đã làm (9,34-35). Sự hiện diện của Thiên Chúa được trình bày qua hình ảnh “đám mây” (9,34[2X].35). Đám mây ấy “phủ trên” các môn đệ, như Thánh Thần “phủ trên” Maria khi đến truyền tin (1,35). Các môn đệ sợ hãi, vì họ ý thức là đang đi vào và ở trước mặt Thiên Chúa (9,34). Và lúc nầy, tiếng Thiên Chúa phát ra ngỏ với các môn đệ và khẳng định về Con của Người (9,35). Lần nầy, xác nhận “Đây là Con Tôi” được kèm theo tính từ “được tuyển chọn” và mệnh lệnh “hãy nghe lời Người”, thay vì “yêu dấu” và mệnh đề khẳng định “Cha hài lòng về Con” như trong biến cố phép rửa (x. 3,22). “Tuyển chọn” để thi hành một sứ mệnh (x. Is 42,1). Thiên Chúa tuyển chọn Con của Người (9,35), để chịu đóng đinh (x. 23,35). Chúa Giêsu cũng chọn các môn đệ để đi theo con đường của Người. Bởi đó, họ phải nghe lời của Người, như chính Người đã nghe lời Cha của Người. Như thế, mệnh lệnh của Chúa Cha đã đóng lại việc biến hình và xác nhận là đúng những điều Chúa Giêsu đã nói về cuộc khổ nạn của Người và những điều kiện theo Người.
Chúa Giêsu biến hình trong vinh quang với mục đích là để cho các môn đệ thấy. Thấy để tin Người là Con Thiên Chúa. Và thấy để lắng nghe Người mà đi vào cuộc khổ nạn và phục sinh với Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến