Lc 13,1-9: Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
Văn mạch của đoạn 13,1-9 nói về những việc phải làm để chuẩn bị cho việc phán xét sắp xảy đến (12,1-13,9). Đoạn nầy gồm hai phần và nối kết với nhau bởi chủ đề hoán cải: – Phải hoán cải để khỏi phải chết (13,1-5) và – Dụ ngôn cây vả không sinh trái (13,6-9). Đoạn 13,1-5 gồm hai phần cân đối nhau về cấu trúc và giáo huấn (13,1-3 và 13,4-5): – Một tin tức người ta nói với Chúa Giêsu; qua đó câu hỏi về tội ngầm được đặt ra cho Người (13,1.4a); – Chúa Giêsu trả lời họ bằng cách trước tiên nói lên lập trường của những người đang đối thoại (13,2.4b); – Sau cùng, Người bác bỏ lập trường ấy, và kêu gọi họ sám hối bằng một câu điều kiện có tính cách đe dọa (13,3.5). Đoạn 13,6-9 gồm: – Dẫn nhập (13,7); – Cây vả không sinh trái và quyết định của chủ vườn (13,7); – Người làm vườn xin hoãn lại việc thi hành quyết định ấy (13,8-9). Câu kết của dụ ngôn nầy cũng là một câu điều kiện có tính cách đe dọa như hai câu kết luận ở phần trên (13,3.5). Chủ đề chính của hai đoạn nầy là sự hoán cải. Do đó, từ ngữ tập trung nói đến những hậu quả tiêu cực sẽ xảy ra nếu như vẫn còn ở trong tội lỗi: “chết (13,3.5), “chặt” (13,7.9); “tội lỗi” (13,2.4), “không sinh trái” (13,6.7.9).
Một số người nào đó không xác định, vào thời điểm cũng không xác định (13,1a) thông tin cho Chúa Giêsu về những người Galilê đã chết do Philatô (13,1b), và những người chết tại Silôê do tháp đổ đè xuống (13,4a). Người Galilêa bị giết và Philatô hoà máu của họ chung với máu của tế vật làm liên tưởng đến việc người hành hương giết tế vật lấy máu để tư tế rảy máu ấy trên bàn thờ (x. Lv 1,5). Việc giết những người Galilêa nầy có thể đã xảy ra trong khuôn viên đền thờ Giêrusalem (x. 11,51), và có thể là cuộc nổi dậy của Giuđa người Galilêa (x. Cv 5,37). Tháp Silôê đổ đè chết mười tám người có thể chỉ đơn thuần là một sự cố. Đối với những người đưa tin, những sự kiện ấy rất có thể là hình phạt cho những người ấy có tội (x. 13,2a.4b). Phần Chúa Giêsu, Người không bàn cãi xa hơn về những người đã chết, mà quay sang giáo huấn những người đang sống. Trong câu trả lời, đặt ra vấn đề “tội” với những người đưa tin và kêu gọi họ sám hối, Người cho thấy họ nghĩ là những người ấy chết vì tội đã phạm; trái lại, họ không có tội nên không bị phạt chết như thế. Ở đây, Chúa Giêsu không định nghĩa bản chất của tội, mà chỉ đặt ra một so sánh về tội lỗi giữa những người đã chết và mọi người. Hai tên “Galilêa” (13,2) và “Giêrusalem” (13,4), là hai vùng chính của Israel, được nhắc đến để chỉ tất cả mọi người. Động từ “nghĩ, nghĩ tưởng”, dokeō, “Các ông tưởng rằng…” (13,2.4) thường được dùng để chỉ sự suy nghĩ của con người không đúng với điều xảy ra (x. 8,18; 12,40.51; 13,2.4; 24,37). Lập trường của Người được diễn đặt trong câu mở đầu bằng tiếng “không” (13,3.5). Tiếng khẳng định “không” (13,3.5) ngắn gọn mà rất mạnh mẽ, cho thấy họ cũng là người có tội có thể hơn những người ấy để họ thôi nhìn vào người khác. Tai ương chết người sẽ xảy đến trên họ nếu họ không hoán cải. Suy nghĩ của những người nầy cũng là suy nghĩ của các Pharisêô và kinh sư, cả dân chúng nữa (19,7). Họ thường tự phân biệt mình với những người tội lỗi để khinh rẽ và tránh xa (7,39; 18,11). Chúa Giêsu bị họ phê bình cách nặng nề khi Người đến gần những người tội lỗi ấy (5,30; 7,34). Người muốn họ xoay cái nhìn hướng về bản thân.
Sau khẳng định về thực trạng tội lỗi của họ, Người kêu gọi họ sám hối dưới hình thức đe dọa để khỏi phải chết (13,3.5). Sám hối là quay trở về với Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu (x. 5,32; Cv 2,38; 3,19; 8,22). Tại sao Người phải đe dọa? Vì họ ỷ lại là con cháu của Abraham (x. 3,8), vì kiêu ngạo (10,13.15) và không tin vào Chúa Giêsu (11,32; x. 16,30). Nói tóm lại, vì họ cứng lòng. Sự đe dọa được diễn tả trong dụ ngôn cây vả (13,6-9). Ngôn sứ Isaia đã nói đến một câu chuyện tương tự về vườn nho (Is 5,1-7). Chữ “trái” xuất hiện đến ba lần (13,6.7.9) cho thấy sự cần thiết là cây vả phải sinh trái. “Trái” đây phải là “trái xứng với lòng sám hối”, “trái tốt” (3,8.9; 6,43-44). Trái lại, nếu không sinh trái, chỉ phải chặt nó đi (3,9; 13,7.9), cũng có nghĩa là phải chết (13,3.5). Thời hạn “thêm một năm” chỉ sự phán xét sẽ đến trong tương lai rất gần. Vậy, trái nơi cây vả mà người chủ tìm kiếm chính là sự sám hối Chúa Giêsu đòi hỏi ở trên.
Trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều là tội nhân. Thay vì nhìn vào người khác, hãy nhìn vào chính mình và trở về với Thiên Chúa.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến