Chúa Nhật III Mùa Thường Niên C – Hôm Nay Đã Hoàn Tất – Giải thích bản văn Tin Mừng

24/01/2019

Lc 1,1-4; 4,14-21: Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.

 Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:

 “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”.

 Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

Đoạn 4,14-21 nằm trong văn mạch 4,14-9,50 nói đến những hoạt động của Chúa Giêsu tại Galilêa, trong đó 4,16-30 bàn đến chương trình khởi đầu của sứ mạng của Chúa Giêsu (4,16-30). Có thể phân chia bố cục đoạn 4,14-21 như sau: 1/ Những điểm chính trong hoạt động đầu tiên của Chúa Giêsu tại Galilêa (4,14-15); 2/ Những điểm chính ấy được phác hoạ qua lời của ngôn sứ Isaia ( 4,16-21).

Khung cảnh của những hoạt động đầu tiên của Chúa Giêsu là tại Galilêa (4,14-15). Galilêa là nơi lịch sử đầu tiên khi Người đến thế gian (1,26), nơi khởi đầu và cũng là nơi chấm dứt sứ vụ rao giảng của Người (4,14 và 24,6). Người trở lại đó sau khi được Thánh thần đưa từ Nazaréth thuộc miền Galilêa vào hoang địa Giorđan (4,1) và rồi từ đó ma quỉ đưa Người lên Giêrusalem (4,9). Người về lại Galilêa và bắt đầu sứ vụ tại đó sau khi Gioan Tẩy giả đã bị bắt (x. Mt 4,12; Mc 1,14a). Trong khởi điểm nầy, Luca cho thấy là Chúa Giêsu được mọi người biết đến và danh tiếng của Người được loan truyền rộng rãi giữa dân chúng, trước tiên tại Galilêa và vùng lân cận (4,14.37; 5,15), sau cùng là tại Giuđêa và vùng lân cận (7,17); nghĩa là mọi người khắp đất nước đều nghe nói về Người. Nguồn gốc thiên tính của Người và hoạt động của Người được xác định bởi sự hiện diện của Thánh Thần trong Người. Khởi đầu của việc Người đến trần gian đã được xác định bởi Thánh Thần (x. 1,35); Thánh Thần đã “ngự xuống” trên Người trong ngày chịu phép rửa (x. 3,22); “xuống đầy tràn trên Người” và “dẫn Người vào hoang địa” (4,1). Rồi khi bắt đầu sứ vụ công khai, Người trở lại Galilêa “trong quyền năng Thánh Thần” (4,14a), và “Thánh Thần Chúa ngự trên Người” và “sai Người đi” (4,18) nhấn mạnh mọi công việc Người làm đều bởi Thánh Thần hướng dẫn và qua đó Người hiệp thông liên lỉ và sống động với Thiên Chúa. Hoạt động chính của Người là giảng dạy. Ở Galilêa, Người thường đến hội đường vào ngày sabbát và giảng dạy ở đó (4,15.31; 5,3.17; 6,6; 13,10). Trên đường đi lên Giêrusalem, Người cũng giảng dạy (13,22), và trong thời gian ở Giêrusalem, Người giảng dạy trong đền thờ (19,47; 20,1.37). Người không chỉ dạy cho dân chúng, mà cả các môn đệ của Người nữa (11,1). Nội dung của lời giảng dạy chưa được nói ra, Luca mới cho thấy hiệu quả mạnh mẽ của việc ấy.

Đoạn 4,16-21 phân chia thành ba phần: – phần mở đầu (4,16-17) đưa vào một bối cảnh cụ thể là “tại Nazaréth”, “vào ngày sabbát” và “trong hội đường” có xác định. Hành động là mở sách và tìm thấy đoạn trong sách Isaia (4,17); – phần kết thúc (4,20-21) đóng lại việc đọc sách (4,20) và đưa ra lời giải thích của Chúa Giêsu (4,21). – Đoạn sách Isaia nói về những điểm chính trong sứ vụ của Người (4,18-19).

Bốn hoạt động chính Chúa Giêsu sẽ có trách nhiệm thi hành là: – mang tin mừng cho người nghèo khó, loan báo sự giải thoát cho người tù đày và sự sáng mắt cho người mù loà; trả tự do cho người bị áp bức; và loan báo năm hồng ân của Thiên Chúa (4,18). “Loan báo tin mừng” (euangelizomai) là hoạt động chính của Người (4,18.43; 7,22; 8,1; 16,16; 20,1). Người nghèo hầu như là đối tượng (4,18; 7,22), và nội dung của việc rao giảng là “Nước Thiên Chúa” (4,43; 8,1; 16,16); Sau nầy, các tông đồ sẽ rao giảng về “Chúa Giêsu là Đấng Kitô” (x. Cvtđ 8,35; 11,20; 17,18). “Giải thoát người tù đày”, “mở mắt người mù” và “trả tự do cho người bị áp bức” là tái hội nhập con người toàn vẹn vào xã hội và cơ cấu. Khía cạnh nầy được nhấn mạnh thêm và mở rộng trong câu 4,19: “Loan báo năm hồng ân của Chúa”. Trong sách Lêvi 25,10, nói đến “năm giải thoát”, cụ thể là: “Các ngươi hãy thánh hoá năm thứ năm mươi là năm thánh. Hãy công bố sự giải thoát cho mọi người trong đất nước”. Trong năm nầy mọi người được quyền thu hồi lại những của cải hay đất đai đã mất, đồng thời cả sự tự do toàn vẹn của mình (x. Lv 25,8-17).

Chúa Giêsu không loan báo một năm như thế, mà là một “thời gian ân huệ của Chúa”. Hạn từ “dektos” có nghĩa là “chấp nhận được”, “thuận tiện”, “được đón nhận” (x. 4,24). Thời gian ân huệ là thời gian trong đó Thiên Chúa quảng đại đón nhận tất cả mọi người và mọi dân tộc (x. Cvtđ 10,35), thời gian con người được Thiên Chúa lắng nghe và cứu độ cách toàn vẹn (2 Cor 6,2). Thời gian nầy qui chiếu về tin mừng và những việc Chúa Giêsu sẽ thực hiện; nói tắt, về chính bản thân Người. Chúa Giêsu áp dụng đoạn sách thánh trên cho Người (4,21). Hạn từ “hôm nay” thường gắn liền với một biến cố cứu độ được thực hiện trong hiện tại (2,11; 5,26; 13,32; 19,5;.9; 23,43) và động từ “ứng nghiệm” ở thể thụ động ám chỉ chính Thiên Chúa đã làm hoàn tất. Như thế, câu giải thích của Chúa Giêsu muốn nói với những người đồng hương trong hội đường hôm đó là họ đã tham dự một biến cố cứu độ quan trọng đã không xảy ra trước hay sau đó: trong khi Người đọc đoạn sách thánh 4,18-19 và tai họ đang nghe điều ấy, thì Thiên Chúa đã hoàn tất nơi Người tất cả những điều đã được loan báo trong ngôn sứ Isaia (x. Is 61,1 và 58,6).

Nếu cả sứ vụ của Chúa Giêsu tập trung vào việc rao giảng tin mừng Nước Thiên Chúa, thì cả cuộc đời các thính giả của Người là lắng nghe và thực hành lời Người để được cứu độ.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến