Chúa Nhật III Mùa Vọng A – Không Vấp Ngã Vì Tôi – Giải tích bản văn Tin Mừng

12/12/2019

Mt 11,2-11: Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.

 Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: ‘Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con’. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.

 

 Chương 11 vừa là kết luận của phần thứ nhất (11,1) vừa chuyển tiếp sang phần thứ hai của tin mừng Matthêô. Mở đầu phần thứ hai Matthêô trở lại câu hỏi về chân tính của Chúa Giêsu: Có phải Người là Đấng phải đến (11,2-6)?  Tiếp theo, Matthêô nói về Gioan Tẩy Giả qua chứng từ của Chúa Giêsu (11,7-15). Sau cùng Matthêô nói đến phản ứng của dân chúng trước cả Chúa Giêsu lẫn Gioan (11,16-19). Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của Gioan Tẩy Giả (11,2-6).

Cấu trúc của đoạn nầy gồm: – Câu hỏi của Gioan (11,2-3); – Câu trả lời của Chúa Giêsu (11,4-6). Chủ đề chính của đoạn nầy là đặt vấn đề Chúa Giêsu có phải là Đấng phải đến hay không. Những từ quan trọng liên hệ với nhau là: “những điều Chúa Kitô đã làm” (c. 2), “Đấng sẽ đến” (c.3), “Chúa Giêsu” (c. 4) và “tôi” (c. 6).

Bối cảnh là khi Gioan đang ở trong ngục (x. 14,3-12), ông sai các môn đệ đến với Chúa Giêsu. Câu hỏi của Gioan nêu lên vấn đề là Gioan có biết Chúa Giêsu là ai không? Không phải ông đã nói về Người là Đấng sẽ đến (3,11)? Không phải ông đã làm phép rửa cho Người (3,14)? Nếu đã biết, tại sao bây giờ ông lại thắc mắc?

Gioan thắc mắc về Chúa Giêsu khi nghe kể lại những việc Người đã làm (c. 2)

 “Việc của Đấng Kitô”, ergon, (c. 2) không chỉ là những phép lạ Chúa Giêsu đã làm (c. 5), mà cả những lời Người đã rao giảng (chương 5-9); nghĩa là cả những điều có thể “thấy và nghe” (c. 4; 4,23-24). Những “việc” nầy làm chứng về nguồn gốc của Người (x. 11,19). Câu 11,2 nầy đóng lại đoạn 4,23-11,2 chủ yếu trình bày những “việc” của Chúa Giêsu. “Đấng Kitô” ngay câu đầu của tin mừng Matthêô đã gắn liền với tên “Giêsu”, và chỉ cả nguồn gốc bởi Abraham, và thuộc dòng tộc Đavít “Con Vua Đavít”. Bởi đó, “Đấng Kitô” cũng được hiểu là Đấng Mêssia mà dân Israel đang trông đợi (x. 1,1.16tt; 2,4). Câu hỏi của Gioan ở dạng trực tiếp (c. 3). Ông muốn được xác nhận điều ông biết về “Đấng sẽ đến”,  mà ông đã loan báo (3,11). “Đấng sẽ đến” chỉ Đấng được Thiên Chúa sai đến (x. 3,11; 11,3; 21,9; 23,39; Tv 118,26; Đaniel 7,13; 9,25-27; Mal 3,1). Động từ “trông đợi” chỉ sự mong chờ Chúa đến; mọi người đang mong chờ (x. 24,5). “Chúng tôi” ở đây chỉ dân Israel cách chung. Vậy, qua lời giảng dạy và phép lạ Chúa Giêsu làm, Gioan có lý do để đặt câu hỏi về chân tính của Người.

Câu trả lời của Chúa Giêsu (11,4-6)

Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của Gioan, mà sai các môn đệ của Gioan đi làm chứng cho ông: “Hãy đi nói cho ông biết điều các anh nghe và thấy” (c. 4). “Loan báo”, angellō, bao giờ cũng là loan báo một tin vui (2,8; 11,4; 28,10). “Nghe” là nghe lời của Chúa (10,27; 13,7;15,10), đặc biệt là nghe lời của chính Con của Thiên Chúa (17,5); cũng thế “thấy” những điều kỳ diệu Chúa Giêsu đã làm (13,17). “Nghe” và  “thấy” gắn liền với nhau, vì tất cả đều phát xuất từ Chúa Giêsu. Câu 11,5 kết cấu bằng 5 câu ngắn và nối với nhau bằng liên từ “và”. Những điều mô tả trong câu nầy là tập hợp những lời hứa thiên sai trong Cựu ước: về người điếc và mù, què quặt và tàn tật (Is 29,17-19; 35,4-6; 42,18); về kẻ chết sống lại (Is 26,19); về loan báo tin mừng cho người nghèo (Is 61,1). Những điều loan báo ở đây Chúa Giêsu đã thực hiện: người phung hủi được sạch (8,2); bệnh tật (8,6); người mù và tàn tật (21,14); người nghèo được loan báo tin mừng (5,3). Khi loan báo tất cả những điều nầy Matthêô muốn cho thấy Thiên Chúa đang thực hiện trong Chúa Giêsu điều Người đã hứa. Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Người là Đấng Kitô, nghĩa là “Đấng được xức dầu”, điều nầy được thực hiện trong phép rửa tại sông Giorđan khi Thánh Thần ngự xuống trên Người (3,16; Is 61,1). Tuy nhiên, nếu so sánh những câu nầy với Luca 4,18, sẽ thấy có những khác biệt. Trong Lc 4,18 không hề nói gì đến việc giải thoát cho những người nằm trong ngục tù, không nói đến ngày ân xá cho tội nhân. Chính điều nầy liên quan đến hiện trạng của Gioan.

Câu kết luận nói đến thái độ phải có đối với Đấng phải đến (c. 6)

 Xem ra không có mạch lạc giữa những điều tốt lành Chúa Giêsu bảo đi loan báo và việc vấp ngã vì Người. Qua câu trả lời cho các môn đệ của Gioan, Chúa Giêsu đã xác nhận chính Người là Đấng phải đến. Vậy sao lại phải “vấp ngã” vì Người? Chắc chắn câu nầy nhắm trước tiên là cho Gioan. “Vấp ngã”, skandalizō, theo nghĩa tượng hình là đặt một hòn đá trên đường để ai đó bị vấp chân vào đá và ngã xuống; nghĩa bóng là “làm dịp cho ai đó rơi vào trong tội” (5,29.30; 13,21); do đó, xa đức tin, xa Thiên Chúa. Chúa Giêsu có thể làm cho ai xa Thiên Chúa? Matthêô ghi nhận một vài trường hợp: các Pharisêô (15,12); các môn đệ (26,31.33). Khi áp dụng động từ nầy cho Chúa Giêsu, Matthêô thường dùng thể thụ động “bị vấp ngã” vì Người. Tại sao Chúa Giêsu nhắn với các của môn đệ về nói với Gioan là “Phúc cho ai không bị vấp ngã vì Người”?

Gioan đang ở trong tù. Ông đã biết Chúa Giêsu là Đấng phải đến. Người là Đấng Kitô. Tuy nhiên, Người chẳng làm gì cho ông cả. Trong những “việc” của Người chẳng có việc nào là giải thoát tù nhân, mặc dù điều nầy đã được loan báo bởi ngôn sứ Isaia (Is 61,1). Ông đang bị giam trong tù. Đó là lý do làm ông thắc mắc về chân tính “Đấng Kitô” của Người. Không chỉ ông, mà cả những người do thái thời ấy (x. 22,42). Họ hình dung một Đấng Kitô theo nghĩa trần thế. Có nhiều người đã tự xưng là “Kitô” như thế (24,5.23). Trái lại, Chúa Giêsu hoàn toàn khác. Người là Đấng Kitô và cũng là Con Thiên Chúa. Tước hiệu và nguồn gốc Con Thiên Chúa của Người đi đôi với nhau (16,16; 26,63). Đấng Kitô đến chỉ để giải thoát con người khỏi tội lỗi (1,21), chứ không chính trị, bạo lực. Nếu như thế Người tất trở nên hòn đá vấp ngã cho những ai không chấp nhận Người như thế. Họ sẽ tránh xa Người, xa Thiên Chúa và ở trong tội của mình. Các Pharisêô đã không tin vào Người (11,20-24; 12,38-42), các môn đệ bỏ chạy trốn khi Người chịu thương khó (26,31.33); người do thái chế nhạo (26,68) và đóng đinh Đấng Kitô nầy vào thập giá (27,22). “Phúc cho ai”, makarios, chỉ sự cứu độ do Chúa Giêsu mang đến cho những ai biết nhận ra Người qua việc thấy và nghe (13,16; 16,17), gắn bó với Người (11,6) và thực hành lời của Người (chương 5). Gioan đã chấp nhận chết trong tù, nghĩa là đã không vấp ngã vì Người.

Đấng Cứu Độ đã được Thiên Chúa gởi đến trần gian. Tùy theo việc nhận biết Người là ai mà con người chọn thái độ đi theo Người hay từ chối Người. Ai nhận biết Người, sẽ được chúc phúc (10,32-33). Ai chối từ tin vào Người, sẽ chẳng được ơn cứu độ.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến