Lc 3,10-18: Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Đức Kitô chăng?” Gioan trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
Văn mạch của đoạn 3,10-18 là lời rao giảng của Gioan (3,7-18), gồm: – Ngỏ với dân chúng mà đối tượng chính là người là người Pharisêô và Kinh sư (3,7-19; x. Mt 3,7); – Ngỏ với đám đông, thu thuế và lính tráng (3,10-14); – Nói về chính mình trong tương quan với Đấng Kitô (3,15-17). Câu 18 là một tổng kết. Đoạn 3,10-14 gồm một câu hỏi được lập lại ba lần “Chúng tôi phải làm gì?” (cc. 10.12.14), và những câu trả lời của Gioan cho từng hạng người. Nội dung của nó là cách sống đạo đức. Đoạn 3,15-17 gồm các thắc mắc của dân chúng (3,15) và khẳng định liên quan đến Gioan và Đấng Kitô (3,16-17).
Câu hỏi “Chúng tôi phải làm gì?” (3,10.12.14; x. 10,25; Cv 2,37; 22,10) do dân chúng, những người thu thuế và lính tráng đặt ra ngụ ý là “Chúng tôi phải làm gì để được cứu độ?” (x. 3,6). Trong câu trả lời, Gioan nhấn mạnh đến sự đáp trả cá nhân cách thực tiễn. Cơm ăn áo mặc là những nhu cầu thiết yếu của con người (x. 12,28-29). Luca thường đề cập đến việc giúp đỡ và chia sẻ với người nghèo nhu cầu thiết yếu nầy. Việc thực hành nầy sẽ mang lại phần thưởng sự sống muôn đời khi Đấng Cứu Độ đến (6,30; 12,33; 14,12-14; 16,9; 18,22; x. Mt 25,36). Điều nầy cũng thấy trong giáo huấn của các ngôn sứ Cựu ước (Gióp 31,16–20; Isa 58,7; Êzêk 18,7). Những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa (x. 7,29). Họ thu thuế cho người Rôma theo giá biểu thuế đã được qui định. Tuy nhiên, vẫn có những lạm dụng trong việc thu thuế, như Zachêô nói đến việc lấy tiền sai trái của người khác (x. 19,8). Do sự bất liêm chính nầy mà họ bị khinh rẻ và xếp vào hạng những người tội lỗi và làm điếm (7,34; 15,1; 18,11). Tương tự như hạng thu thuế, vấn đề của binh lính cũng là tiền bạc. Họ có thể lạm dụng quyền hành hoặc dùng vũ lực để lấy tiền của người khác cách bất chính (sykophanteō, tương tự như việc làm của Zachêô, x. 19,8). Vậy, ai cũng được đòi hỏi phải hoán cải và thay đổi cách sống khi trông chờ Đấng Kitô đến (x. Cvtđ 2,37-47).
Khung cảnh của đoạn 3,15-18 giống như những đoạn trước là dân chúng đặt câu hỏi và Gioan trả lời. Thắc mắc của họ là Gioan có phải là Đấng Kitô hay không. Dân chúng nói cách chung đang trông đợi Đấng Kitô đến (3,15); Simêôn (2,26), Gioan (7,19.20) và cả giới lãnh đạo của người Do thái cũng trông đợi (x. 22,67). Để trả lời, Gioan không phủ quyết điều ấy cách trực tiếp (x. Gio 1,20), mà trình bày bản chất của phép rửa ông đang làm “bằng nước” và phép rửa Người sẽ làm “bằng Thánh Thần và lửa”; sự chênh lệch giữa ông và Đấng sẽ đến được diễn tả qua câu nói về việc cởi dép. Khi khẳng định là “không xứng đáng cởi quai dép cho Người” (x. Cvtđ 7,6; 13,24-25), Gioan cho thấy sự cao trọng của Đấng sẽ đến, của phép rửa Người sẽ thực hiện và cả sự nhầm lẫn của dân chúng khi đặt hy vọng thiên sai vào ông.
Phép rửa bằng/với nước do Gioan rao giảng và thực hiện là phép rửa dùng nước để thanh tẩy tội lỗi cho những ai tỏ lòng sám hối (x. 3,7). Phép rửa nầy đi kèm theo hành vi thống hối và thay đổi cuộc sống do người lãnh nhận phép rửa (3,7-7. 10-14). Trong hai lần nói đến phép rửa Chúa Giêsu chịu, một lần Luca ghi nhận Người đầy tràn Thánh Thần (3,21-22), và lần kia ông dùng “lửa” để chỉ sứ vụ của Chúa Giêsu và gắn liền nó với phép rửa Người sẽ chịu; phép rửa ở đây lại được dùng cách ẩn dụ để chỉ cuộc thương khó của Người (x. 12,49-50). Vậy trước khi ban phép rửa, chính Chúa Giêsu cũng đã nhận phép rửa bằng/với “Thánh Thần và lửa”. Điều đáng chú ý là chỉ ở đây Chúa Giêsu là chủ ngữ của động từ “làm phép rửa” (baptizō) ở thể chủ động. Làm phép rửa bằng/với “Thánh Thần và lửa” là Người sẽ ban Thánh Thần của Người (4,1.14.18; 10,21; 11,13; 12,12) và thanh luyện người lãnh nhận trong “lửa” của cuộc thương khó của Người để họ có thể sinh trái tốt (x. Mc 10,39). Ý tưởng nầy được khai triển trong câu 17 với hình ảnh thu gặt mùa màng. Cần ghi nhận chữ “của Người” được lập lại cách ấn tượng đến ba lần: “tay của Người”, “sân đập lúa của Người” và” kho lẫm của Người”. Chúng cho thấy kết quả tích cực của việc ban Thánh Thần là Người thu góp hạt thóc vào kho lẫm. Và lửa Người dùng để đốt vỏ trấu còn lại. Động từ “đốt sạch” (katakaiō) chỉ được dùng cho việc đốt cỏ lùng (x. Mt 13,30). Do đó, “lửa” trong câu nầy và câu trước có nghĩa là sự thanh luyện hơn là sự phán xét và hủy diệt (x. 3,9; 9,54; 17,29), vì phép rửa bằng/với “Thánh Thần và lửa” được hiểu là chỉ ban cho người tin, chứ không phải cho người không tin. Vậy, Gioan ý thức sự bất xứng của ông trước Đấng đang đến (3,16) là vì điều ông có thể làm là rao giảng về một phép rửa, kêu gọi nguời ta thay đổi cuộc sống và thực hiện nghi thức đó; ngoài ra ông không thế làm gì hơn để chuẩn bị cho Người (3,3-4). Trong khi đó, phép rửa của Chúa Giêsu cao trọng hơn vì Người sẽ làm tất cả cho người lãnh nhận. Người đưa họ vào thông hiệp trọn vẹn sự sống của Người nhờ Thánh Thần và lửa của cuộc thương khó. Luca kết thúc đoạn về lời rao giảng của Gioan (3,7-18) bằng một tổng kết là Gioan đang rao giảng Tin mừng (3,18). Sứ điệp sám hối là Tin mừng, vì trong sám hối con người được ơn tha tội.
Sám hối và thay đổi cuộc sống là bước đầu chuẩn bị cho Chúa đến và cũng là ngưỡng cửa bước vào sự thông hiệp với Người.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến