Lc 24,35-48: Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.
Đoạn 24,36-49 thuật lại việc Chúa Giêsu đã hiện ra với nhóm Mười Một sau khi Người đã tỏ mình ra cho hai môn đệ trên đường đi Emmaus (24,13-35). Cấu trúc của đoạn nầy: 1- Bối cảnh nhập đề: Chúa ở giữa cộng đoàn và họ hoang mang (24,36-37); 2- Chúa tìm cách thuyết phục họ tin là chính Người (24,38-43); 3- Giáo huấn cuối cùng liên quan đến Người và sứ mạng của các môn đệ (24,44-49).
Để trình bày việc Chúa Giêsu sống lại hiện diện giữa các tông đồ, Luca dùng cách nói đơn giản “Người ở giữa họ” (24,36; x. 2,47; 22,27). Luca thường liên kết sự hiện diện của Chúa Giêsu với sự bình an do Người ban cho: khi Người sinh ra (2,46), khi Người tha tội (7,50; 8,48), khi môn đệ của Người đến trong nhà (10,5-6), khi Người đến như là vua của Israel (19,38), và khi Người sống lại (24,36). Như vậy, Chúa hiện diện để dạy dỗ, ban bình an và kêu gọi họ sống như Người. Phần các tông đồ (24,37), họ kinh khiếp và sợ hãi như các phụ nữ đã cảm nghiệm (24,5; x. 21,9), vì họ không tin vào điều mắt họ xem thấy. Họ nghi ngờ đó không phải là Người; do đó cả việc Người sống lại. Sự nghi ngờ nầy tác động trên cả con tim của họ (24,38; x. 5,22; 9,47).
Để làm cho họ tin là chính Người, Chúa Giêsu làm hai việc: cho các tông đồ đích thân thấy và sờ vào tay chân của Người (24,39-40), và Người ăn trước mặt họ (24,41b-43). Người ra cho họ những mệnh lệnh “hãy xem”, “hãy sờ”, “hãy nhìn” (c. 39) để tác động mạnh vào tình trạng khiếp sợ, rối loạn và nghi ngờ của họ. Tay và chân được xác định là “của Thầy”, đối nghịch với một con “ma” bất xác định. Chúa tỏ cho họ thấy và cho họ sờ tay và chân, vì chúng liên hệ đến cuộc tử nạn của Người. Có tay có chân là có xương có thịt; mà xương thịt chính là con người (x. 3,6).
Các tông đồ vui mừng vì Chúa sống lại (24,41). Tuy nhiên vì họ không hoàn toàn được thuyết phục, Người làm thêm việc thứ hai (24,41b-43). Đoạn nầy tập trung vào hành động của Người là ăn trước mặt họ (24,43). Việc nầy tác động thêm vào thị giác của họ, gây ấn tượng mạnh và sâu đến nỗi nó trở nên một lý chứng khi họ rao giảng về Chúa Kitô sống lại (Cvtđ 10,41).
Trong phần kế tiếp Chúa Giêsu dùng sách thánh để cắt nghĩa cho họ về chính Người. So sánh với hai lần trưng dẫn sách thánh trước trong cùng chương 24 (24,6-7. 25-27), lần nầy Người nhấn mạnh: 1- Sự hoàn tất của lời sách thánh trong chính bản thân của Người, đã chết và đã sống lại; 2- Việc Người soi sáng cho các tông đồ hiểu sách; 3- Việc sách thánh đã viết về thương khó và phục sinh của Người, Đấng Kitô (x. 9,22; Cvtđ 17,2); 4- Cả việc loan báo sự tha tội nhân danh Người cho mọi dân tộc; 5- Các tông đồ là những chứng nhân của Người.
Chúa Giêsu đã sống lại. Điều nầy không thể chối cãi được, vì đã có sách thánh và các tông đồ làm chứng. Họ đã loan báo điều nầy một cách xác tín cho muôn dân, vì họ là những người đã từng đụng đến, xem thấy và ăn uống với Đấng Phục Sinh (Lc 24,30.43; Gio 21,13; Cvtđ 10,41; 1 Gio 1,1).
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến