Ga 21,1-19: Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: “Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi “Ông là ai?”, vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
[Vậy khi các Ngài đã điểm tâm xong, Chúa Giêsu hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.]
Đoạn tin mừng gồm hai phần chính 21,1-14 và 21,15-19. Bố cục của đoạn 21:1-14 như sau: – Bối cảnh của buổi hiện ra lần thứ ba (21,1-3); – Phép lạ mẻ cá (21,4-8); – Bữa ăn của Chúa Giêsu với các môn đệ (21,9-14). Đoạn 21,15-19 là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô và Ngài trao quyền chăn dắt đàn chiên cho ông.
Bối cảnh buổi hiện ra lần thứ ba (21,1-3). Trình thuật mở đầu với khẳng định là “Ngài lại hiện ra cho các môn đệ” (21,1). Đây là lần hiện ra thứ ba (21,14), sau hai lần khác (20,19.26). Hai sự kiện chính trong trình thuật nầy là Chúa Giêsu làm phép lạ mẻ cá lớn và Ngài ăn với các môn đệ. Động từ “phaneroō” được dùng để chỉ sự hiện ra hữu hình của Chúa Giêsu sau khi sống lại. Trong khi ở những nơi khác, động từ nầy chỉ sự biểu lộ những điều thuộc về Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Tuy vậy, có thể hiểu là sự hiện ra hữu hình nầy cũng là sự biểu lộ vinh quang của Chúa Giêsu sống lại cho các môn đệ, với mục đích là làm cho họ tin vào Ngài (21,7; x. 2:11). Danh sách tên của các môn đệ được nêu lên ở đây như là đại diện cho nhóm. Phêrô luôn đứng đầu nhóm (x. 6,67-69; 13,6-9; 20,2-7). Nathanael được ghi nhận là xuất xứ từ Cana xứ Galilêa (x. 1,46). Hai người con của Zêbêđê lần duy nhất được nêu lên trong Gioan. Còn “hai môn đệ khác” không nêu tên ở đây có thể là người môn đệ dấu yêu (21,7.20-24; 13,23; 19,26; 20,2.3.8). Hai môn đệ vô danh đã xuất hiện ở đầu trong bối cảnh của lời Gioan Tẩy giả giới thiệu là “Con Chiên Thiên Chúa” (1,35) và cuối tin mừng trong trình thuật sống lại (21,2); có thể ngụ ý đó là hai nhân chứng của tất cả những việc Chúa Giêsu đã thực hiện và đã giảng dạy ngay từ đầu. Việc Phêrô đi đánh cá, các môn đệ khác theo ông và kết quả không bắt được gì hết (21,3) không mang nhiều ý nghĩa như trong trình thuật của Luca (Lc 5,5). Đó là bối cảnh cho phép lạ sắp xảy ra trong phần tiếp theo.
Phép lạ mẻ cá lớn (21,4-8). Chúa Giêsu hiện ra vào sáng sớm; thời điểm gặp gỡ Chúa sống lại (x. 20,1). Các môn đệ trông thấy và nghe tiếng Ngài nhưng không nhận ra Ngài; Maria cũng đã như thế (20,14). Như Maria, họ cần một hành động từ Chúa Giêsu. Ngài bắt đầu bằng cách gọi họ là “Nầy các con”. Ngài cũng gọi họ như thế trong buổi giã từ (x. 13,33). Trong cả hai trường hợp họ đều ở trong tình trạng thất vọng và chán nản. Chúa Giêsu ra lệnh cho họ cách quyền uy để giúp họ vượt qua tình huống nầy, “Hãy thả lưới bên phải” (21,6; x. 13,34). Kết quả họ bắt được mẻ cá lớn, vì họ đã vâng lệnh làm theo lời Ngài. Qua phép lạ, người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến liền nhận ra Ngài trước tiên “Chúa đó” (21,7; x. 20, 8). Còn Phêrô, ông chỉ phản ứng theo sau sự nhận biết của người môn đệ được Chúa yêu.
Bữa ăn cho các môn đệ (21,9-14). Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn một bữa ăn trên bờ hồ cho các môn đệ. Họ đóng góp vào các con cá đã bắt được (21,10.12). Ngài trao cho các ông bánh và cá (21,13) như Ngài đã làm cho dân chúng cũng trên bờ hồ Tibêriát (6,1-13). Điểm khác biệt ở đây là Ngài cùng ăn với họ; nghĩa là cho họ hiệp thông với Ngài. Chính nhờ đó, họ đã nhận ra Ngài là Chúa (21,12; x. 24,30-31). Vậy, bởi sáng kiến của Chúa Giêsu là cho các môn đệ mẻ cá lớn và cùng ăn với họ, họ đã nhận ra Ngài đã hiện ra với họ sau khi sống lại.
Trình thuật tiếp theo liên hệ với trình thuật trước bởi ghi nhận “sau khi ăn”. Trong trình thuật nầy, Phêrô tiếp tục là nhân vật chính. Cuộc đối thoại sau cùng của Chúa Giêsu với ông là lúc giã từ (13,36-38). Trong lần đó, Phêrô đã cam kết với Ngài là liều mạng sống vì Ngài (13,37). Nhưng sau đó, ông đã chối Ngài ba lần như lời Ngài tiên báo (13,38; x. 18,17.25.27). Bởi đó, bây giờ Ngài hỏi ông đến ba lần cùng một câu hỏi “Anh có yêu mến Tôi không?”, vì Ngài muốn trao cho ông chăn dắt đàn chiên của Ngài (21,15.16.17). Ngài trao lại cho Phêrô tư cách làm người mục tử dành riêng cho Ngài, Mục tử tốt lành (10,11). Điều kiện Ngài đòi hỏi trước khi Ngài giao phó đàn chiên cho là yêu mến Ngài hơn tất cả mọi người khác; nghĩa là vì lòng mến đối với Ngài mà yêu mến và thí mạng sống cho đàn chiên (x. 10,17). Bởi đó, có yêu mến Ngài hơn mọi người, mới có thể chăn dắt đàn chiên của Ngài như cách Ngài mong muốn.
Sau việc trao quyền mục tử cho Phêrô, Chúa Giêsu nói đến định mệnh của ông. Trong buổi giã từ, Phêrô muốn theo Chúa Giêsu để liều mạng sống vì Ngài (13,37). Nhưng Ngài tuyên bố là ông sẽ làm điều ấy không phải ngay lúc ấy, mà sau nầy (13,36). Hai giới từ về thời gian “bây giờ” và “sau nầy” tương ứng với sự phân biệt “khi còn trẻ” và “khi nên già”. “Bây giờ” dù đã cam kết liều mạng sống vì Ngài, Phêrô đã không làm khi chối bỏ Ngài. “Sau nầy” khi đã hối cãi và yêu mến Ngài hơn mọi người, Chúa Giêsu cho ông đi theo Ngài như Ngài đã hứa với ông. Lúc ấy “khi đã nên già”, ông sẽ không tự quyết định đường đi cho mình nữa, mà Chúa Giêsu, “Hãy theo Tôi” (21,19.22). Điều “người khác” đã làm cho Chúa Giêsu cũng sẽ làm cho ông. “Chết như thế nào để làm vinh danh Thiên Chúa” đó là cái chết như Chúa Giêsu (18,32; x. 12,28; 13,31-32; 17,1; 21,19; Cv 21,11.14; 2 Pr 1,14). Hơn nữa, việc tuyên xưng yêu mến Chúa Giêsu và nhận quyền mục tử thay Ngài đã bao hàm sự hy sinh cho đàn chiên như Ngài đã làm. Vậy, khi trao quyền cho Phêrô, Chúa Giêsu muốn ông nên giống Ngài hoàn toàn.
Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các môn đệ như một mục tử tốt lành. Các ông đã tin vào Ngài và được mời gọi trở nên như Ngài khi làm mục tử cho đàn chiên của Ngài.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến