Chúa Nhật III Thường Niên A – Ánh Sáng Đã Bừng Lên – Giải thích bản văn Tin Mừng

23/01/2020

Mt 4,12-17: Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Ca-pharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”.

 Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!”

 Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

 Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Đoạn tin mừng ngắn 4,12-17 là đoạn chuyển tiếp sang thời kỳ Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng (4,18). “Đến từ Galilêa” để chịu phép rửa bởi Gioan (3,13-17) và “rút lui về Galilêa” sau khi nghe tin Gioan bị bắt (4,12) đóng khung lại giai đoạn nầy. Có thể phân chia bố cục của đoạn như sau: – Bối cảnh dẫn nhập: Chúa Giêsu về lại Galilêa (c. 12); – Việc nầy hoàn tất lời của ngôn sứ Isaia (cc. 13-16); – Chúa Giêsu rao giảng lần đầu tiên về Nước Thiên Chúa (c. 17).

Sau khi Gioan Tấy Giả bị bắt, Chúa Giêsu lánh về Galilêa (4,12). Chúa Giêsu đã đi từ Galilêa đến sông Giorđan để chịu phép rửa bởi Gioan. Người đã được đưa vào sa mạc để chịu cám dỗ (4,1-11), và bây giờ Người về lại Galilêa (4,12). Lý do là tránh sự bắt bớ đang đe dọa. Ngay từ đầu Người đã nhiều lần lẩn tránh (2,12.13.14.22). Sau nầy Người còn phải tránh đi nơi khác vì nhóm Pharisêô âm mưu giết Người (12,14-15). Về số phận của Gioan Tấy Giả, ông bị Hêrôđê bắt và tống ngục (14,3), chỉ vì ông phản đối Hêrôđê lấy Hêrôđias vợ của anh mình là Philip làm vợ (14,3-4). Gioan sẽ bị chặt đầu trong tù như là hậu quả của lời ngăn cản nầy (14,10). Số phận của Gioan tiên báo về số phận của Chúa Giêsu. Người cũng sẽ bị bắt, paradidōmi, và giết chết (17,22; 20,18-19; 26,2…). Sứ vụ của Gioan kể như chấm dứt từ khi ông bị bắt. Và từ thời điểm nầy Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ của Người. Cách nào đó, Người tiếp tục lời rao giảng Gioan đã khởi đầu (x. 3,2). Như thế, Matthêô đặt ra sự song song giữa Gioan và Chúa Giêsu cả trong lời rao giảng và cuộc đời.

Hoàn tất lời của ngôn sứ Isaia (4,13-16)

Chỉ Matthêô trích dẫn đoạn Is 8,23-9,1. Rõ ràng Matthêô hiểu là những lời ngôn sứ nầy qui chiếu về Chúa Giêsu và việc Người rao giảng tại “Galilêa của các dân ngoại” là chương trình của Thiên Chúa. Trong lời trích dẫn của Matthêô, “Galilêa của các dân ngoại” bao hàm những lãnh thổ “Ðất Zabulôn và đất Nepthali, con đường biển, vùng bên kia Giorđan” (4,13). Dưới dưới thời người Assiria chiếm đóng (Tiglath-Pileser III, 732 trước Chúa Kitô), các vùng nầy được gọi bằng những tên khác là Dor, Megiddo và Gilêad. Dor tương đương với “con đường biển (Via Maris)”, Megiddo tương đương với “đất Zabulôn và đất Nepthali” (x. Giosua 19,23-39 và 19,10-16); còn gọi là “Galilêa của các dân”, gelîl haggôyīm (Is 8,23), và Gilêad là “vùng bên kia sông Giorđan”.

Việc chiếm đóng của người Assiria gây nên buồn sầu và cả thất vọng nơi dân Israel. Isaia 8,23-9,6 loan báo cho họ một niềm hy vọng và ánh sáng (Is 9,2-3). Hai lần ngôn sứ  nói đến “ánh sáng” tương phản với “bóng tối” để loan báo một sự biến đổi lớn lao, từ bóng tối thành ánh sáng, cho dân tộc đang chịu cảnh tù đày và áp bức (Is 9,4-5). Ánh sáng, phōs, nầy quy chiếu về một trẻ sẽ sinh ra. Trẻ nầy sẽ lên ngôi vua của Đavít, và thiết lập vương quốc trong công minh và chính trực (Is 9,7). Người sẽ được gọi là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Toàn Năng, Cha Muôn Thuở, Hoàng Tử Thái Bình” (Is 9,5-6). Trong khi trích dẫn Isaia, Matthêô đã thay đổi một vài cách dùng từ, trong đó cần lưu ý cụm từ “dân ngồi trong bóng tối” thay vì “dân đi trong bóng tối”(TM và LXX), và “ánh sáng trên họ” (TM), ngôi thứ ba số nhiều, thay vì “ánh sáng trên ngươi”, ngôi thứ hai số nhiều (LXX).

Áp dụng lời ngôn sứ Isaia vào Chúa Giêsu

 Người là vị “vua mới sinh” (2,2), là thủ lãnh chăn dắt dân Israel (2,6), thuộc dòng tộc Đavít (1,1). “Dân”, laos, thông thường chỉ dân tộc do thái (1,21; 2,6). Người đến cứu dân Người khỏi tội (1,21). Tư thế “ngồi”, kathēmai, (4,16 [2x]) chỉ tình trạng đang ở trong bóng tối, cũng ở trong tội. Matthêô ngồi ở bàn thu thuế (9,9), hai người mù ngồi bên vệ đường (20,30). Chúa Giêsu là Người đưa họ ra khỏi những bóng tối ấy và hơn thế nữa Người làm cho họ trở thành ánh sáng (x. 5,14.16).

 “Galilêa của các dân” muốn chỉ tính cách phổ quát của chương trình cứu độ. “Galilêa” và “các dân” sẽ được nhắc lại vào cuối tin mừng Matthêô. Và lần nầy bắt đầu sứ vụ của các tông đồ (x. 28,16.19). “Các dân”, ethnos, chỉ những người ngoài dân tộc Israel. Nói về việc rao giảng của các tông đồ, Matthêô phân biệt hai giai đoạn: trước tiên là chỉ đến với dân Israel và không đến với dân ở Samaria và các dân khác (x. 10,5). Sau khi Chúa lên trời sứ vụ đến với các dân mới bắt đầu (x. 28,19); cũng là sau khi dân Israel đã từ chối đón nhận tin mừng (21,43). Tuy nhiên, không có sự phân biệt các giai đoạn như thế nơi Chúa Giêsu đối với các dân. Người tiếp nhận mọi người, cả “những người bên kia sông Giorđan” (4,25); Người rao giảng và chữa bệnh tại đó (19,1). Người rao giảng sự công chính cho họ (12,18); mọi dân tộc đặt hy vọng nơi Người (12,21).

Chúa Giêsu rao giảng lần đầu tiên về Nước Thiên Chúa (c. 17)

Lời của Người nhắc lại từng chữ lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả (3,2), gồm một lời kêu gọi “Hãy hoán cải”, và một lời loan báo “Nước Trời đã gần đến”; chúng liên kết với nhau do chữ “bởi vì”.  Matthêô dùng nhiều cụm từ “Nước Trời” hơn là “Nước Thiên Chúa”;  vì theo cách dùng của người Do thái, họ muốn thế chữ “Thiên Chúa” bằng chữ “Trời” (x. Mt 13,11; Mc 4,11; Lc 8,10). “Nước Trời” chỉ vương quyền của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa với tư cách là Chúa và là vua của dân Người. Nước Trời ở đây được xem như một sự kiện, biến cố đang xảy ra. “Đã gần đến” nghĩa là đã khởi đầu, nhưng chưa đến cách hoàn toàn trong hiện tại. Đó là về lời loan báo từ phía Chúa Giêsu. Về phía người lắng nghe, Chúa Giêsu mời gọi một sự hoán cải. Hoán cải ở đây chính là đón nhận lời loan báo và thay đổi lòng dạ mà trở về với Thiên Chúa; tương tự như dân thành Ninivê nghe theo lời Giona rao giảng và hoán cải (12,41). Có thể đọc để hiểu thêm ý nghĩa của “hoán cải” trong Matthêô trong giải thích ở bài Chúa Nhật II Mùa Vọng A.

Chúa Giêsu đến mang lại hy vọng cứu độ và ánh sáng sự sống. Người đến chính là Nước Trời đang đến. Phần con người, cần một thái độ tương ứng là sám hối chân thành để tiếp nhận Người.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến