Lc 15,1-3. 11-32: Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” ‘. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó’. Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’ “.
Đoạn tin mừng 15,11-32 là dụ ngôn thứ ba trong loạt các dụ ngôn nói về cách đối xử của Thiên Chúa đối với người tội lỗi (15,1-32). Hai dụ ngôn kia là “Chiên lạc” (15,4-7) và “Đồng bạc đánh mất” (15,8-10). Trong phần nhập đề chung cho cả ba dụ ngôn (15,1-3), có ba nhóm nhân vật: một là “các người thu thuế và tội lỗi”, tiến đến gần Chúa Giêsu để nghe Người (15,1), hai là “Pharisêô và kinh sư” xầm xì về hành động của Người và ba là Chúa Giêsu. Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: – Nhập đề (15,11), – Câu chuyện của người con thứ (15,12-19); – Chân dung người cha (15,20-24); – Câu chuyện người con trưởng và kết luận (15,25-32). Điều đáng lưu ý là câu chuyện của mỗi người con được trình bày trong 8 câu cân đối với nhau, và ở giữa là 5 câu nói về chân dung của người cha. Tuy nhiên, “người cha”, patēr có mặt trong cả ba đoạn và được nhắc đến nhiều nhất (15,12.17.18.20.21.22.27.28.29). Như thế, chân dung của người cha, cách đối xử và lời của ông được nhấn mạnh trong trình thuật nầy. Chữ ”bios” (tiền của) đóng khung trình thuật nầy (15,12.30).
Liên hệ với hai dụ ngôn trên, dụ ngôn nầy có chung chủ đề về: tội lỗi (15,1.2.7.10.18.21), chết đi (15,17.24.32) tương tự với việc chiên lạc (15,4.6) và đồng bạc đánh mất (15,8.9), tìm lại được (15,4.5.6.8.9.24.32), vui mừng (15:7.10 chara, 15:5.32, chairō), ăn mừng (15:23.24.29.32). Đặc điểm riêng của dụ ngôn nầy là trình bày rõ thái độ và cách suy nghĩ của những người mà trong hai dụ ngôn trước gọi là người công chính, nghĩa là người luôn luôn tuân giữ lề luật (x.15,7.29); thái độ của Thiên Chúa đối với họ; và sự vui mừng không chỉ “trên trời” (15,7), trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa (15,7), mà cả trên trần gian nầy nữa (x.15,23.32).
Với nhập đề rất ngắn gọn và đơn giản “một người có hai người con” (15,11) dụ ngôn nầy sẽ nói về câu chuyện của ba người, chứ không riêng ai.
Câu chuyện của người con thứ (15,12-19)
Đoạn nầy có thể chia thành hai: – Nhận gia tài, ra đi và hoang phí (15,12-16) và – Quyết định trở về (15,13-19). Trong phân đoạn đầu (15,12-16), động từ “cho” (15,12.16) đóng khung đoạn và nêu rõ hai sự kiện tương phản: người cha cho tất cả khi người con thứ đang có tất cả và người ta chẳng cho gì cả khi anh đang thiếu tất cả. Anh rơi từ thái cực nầy sang thái cực khác. Lỗi lầm của anh là hoang phí tài sản hơn là đòi chia gia tài và đi xa (x. 15,13; 30). Trạng từ “một cách trác táng” hoặc “hoang phí” (asotōs) (15,13), chỉ xảy ra ở đây trong các Tin Mừng. Theo nguyên ngữ, chữ nầy phát xuất từ động từ soō, cũng là sōzō “cứu sống”, “cứu thoát”. Động từ nầy được dùng rất nhiều lần trong Luca khi nói đến việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh (7,50; 8,36), cứu vớt sự sống (6,9; 9,24), cứu độ (13,23; 18,26; 19,10). Dưới dạng một danh từ, chữ nầy xuất hiện trong Êph 5,18, Titô 1,6 và 1 Phêrô 4,4, và mang cũng ý nghĩa ấy, chỉ sự trác táng và say sưa trong các buổi tiệc tùng. Vậy, “asotōs” có thể hiểu là “không cứu vớt được”. Người con thứ đã hoang phí tài sản đến độ không thể cứu vãn được tình thế của anh. “Trác táng” là tội làm xấu hổ người cha (Cn 28,7). Việc anh đói rách và đi chăn heo thuê chỉ là hậu quả của việc anh đã làm. Trong phân đoạn hai (15,17-19), cụm từ “người làm công của cha” (15,17a và 19b) đóng khung cụm từ quan trọng mà người con thứ sẽ nói với cha trong phần kế tiếp “con đã phạm tội với trời và với cha; con không đáng gọi là con cha” (15,18b.19a và 21). Điều anh nghĩ, nhưng đã không nói vì trong thực tế, người cha đã phục hồi lại quyền làm con cho anh, và chỉ điều chính yếu anh đã nói là “con đã phạm tội”. Chính điều nầy cần xưng thú để được tha thứ. Động từ “chết” (15,17) ở đây ở thì hiện tại, chỉ chính xác tình trạng hiện thời của anh; khác với “đã chết” trong lời của người cha (15,27.32). Vậy, do lời xưng thú là “đã phạm tội” (15,18.21), người con thứ xếp mình vào nhóm người “tội lỗi và thu thuế” (x.15,1).
Chân dung của người cha (15,20-24)
Đoạn nầy mở đầu với ghi nhận người con chỗi dậy đi về nhà cha (15,20a). Tiếp theo là một loạt năm hành động liên tiếp của người cha được mô tả trong chỉ phần sau của câu 15,20: “thấy”, “động lòng thương”, “chạy”, “ôm choàng” và “hôn”. Rồi những mệnh lệnh ông ra cho gia nhân làm: “hãy đem áo ra”, “hãy mặc”, “hãy mang”, “hãy mang bò béo ra”, “hãy giết nó” (15,22-23). Tất cả những hành động dồn dập nầy biểu lộ của nỗi vui mừng vô biên của ông. Đó là người con đã chết, nay sống lại và đã mất nay được tìm thấy (x.15,24). Động từ “chạnh lòng thương” là khởi điểm của các hành động trên. Động từ nầy tìm thấy trong trình thuật bà góa thành Naim (7,13) và câu chuyện người Samaritanô nhân lành (10,33). Trong cả ba trường hợp, “chạnh lòng thương” đã cứu sống người sắp chết hoặc tái sinh người đã chết. Ý nghĩa của việc mang “nhẫn”, “áo” (x.St 41,42), “giết bò béo” chỉ việc tôn trọng khách đến thăm (St 18,7; 1 Sam 28,24). Vậy, người cha đã đón nhận lại người con trong vui mừng; đồng thời phục hồi lại cho nó quyền làm con, vì có người cha nào mà không xót thương con cái mình (x.Tv 103,13).
Câu chuyện người con trưởng (15,25-32)
Chữ “con trưởng”, presbyteros, cũng được dùng để chỉ các “kỳ lão”, những người cùng với thượng tế và luật sĩ chịu trách nhiệm việc bắt và giết Chúa Giêsu (9,22; 20,1; 22,52). Đặc điểm của đoạn nầy là những gì đã nói đến về người con thứ và người cha trong hai đoạn trên, được lập lại trên miệng của người con trưởng có tính cách phê bình và bất bình: “phung phí tài sản” của người con thứ (15,13.30), quyết định của người cha “giết bò béo” (15,23.27.30) và “mừng vui” (15,24.29.32). Thái độ nặng nề nhất của người con trưởng là “nổi giận” và kéo theo hành động là “không vào nhà” (15,28), nghĩa là từ chối tham dự và chia sẻ niềm vui người em trở về. Anh đưa ra so sánh giữa chính mình và người em, tương tự câu chuyện của người Pharisêô và người thu thuế (18,10-12), để chỉ ra cách đối xử bất công và không thể chấp nhận được của người cha (15,29).
Với người cha, anh tự xem là tôi tớ chứ không phải là con, và giữ lệnh truyền (lề luật) là điều kiện để có thể đòi hỏi quyền lợi (x.15,29). Nhưng Thiên Chúa không mắc nợ những người tôi tớ của Người (x.17,7-10). Đối với em, người anh nầy không chấp nhận nó được đối xử rộng lượng và đã phủ nhận tương quan anh em với nó vì quá khứ tội lỗi của nó, “con của cha”. Thái độ ghen tức nầy cũng là thái độ của những người làm vườn nho vào giờ đầu tiên (x.Mt 20,11). Câu kết luận (15,32) lập lại điều người cha đã nói với gia nhân ở trên. Điều được thêm vào ở đây là mời gọi người anh chia sẻ và cử hành niềm vui ấy, với nhấn mạnh là “phải vui mừng” và đó là “em con”. Đây là nơi duy nhất Chúa Giêsu kêu gọi cách gián tiếp những người Pharisêô và kinh sư chấp nhận và vui mừng vì người tội lỗi trở lại. Sự vui mừng nầy là điểm kết thúc và liên kết các dụ ngôn lại với nhau (15,7.10 chara, 15,5.32, chairō).
Tất cả được mời gọi chia vui vì người tội lỗi trở lại. Thiên Chúa đã quên quá khứ để tha thứ. Người con thứ cũng để lại đàng sau quá khứ của mình để trở về. Chỉ người con trưởng vẫn sống với quá khứ tội lỗi của người khác. Người nầy phải đổi mới cái nhìn có thể dự phần niềm vui cứu chuộc của Thiên Chúa.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến