Chúa Nhật IV Phục Sinh C – Tôi Biết Chúng – Giải thích bản văn Tin Mừng

09/05/2019

Ga 10,27-30: Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Điều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.

Đoạn 10,27-30 là câu trả lời cho người Do thái về câu hỏi họ đặt ra với Chúa Giêsu: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết” (10,24). Đoạn nầy nằm trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với người Do thái trong đền thờ vào dịp lễ Cung Hiến (10,22-40tt), sau khi Người nói về chính mình trong chân dung của vị Mục Tử tốt lành (10,1-21).

Yêu cầu của người Do thái là muốn Chúa Giêsu nói cách minh bạch về căn tính của Người, vì trong phần đầu Người đã dùng những hình ảnh ẩn dụ “Cửa Chuồng Chiên” để trình bày về chính mình, và họ đã không hiểu (10,1-6). Tiếp đến, khi Người trình bày về hình ảnh “Người Mục Tử nhân lành”, họ lại càng không hiểu và cho Người “bị quỷ ám và điên khùng” (10,20). Bởi đó, trong phần hai của chương 10 nầy, họ đặt câu hỏi trực tiếp là Người có phải là Đấng Kitô hay không. Để trả lời, trước tiên Người cho thấy Người là Con đối với Chúa Cha, và mọi việc và lời nói của Người đều “nhân danh Chúa Cha” (10,25). Sau đó, Người nói thẳng với họ lý do tại sao họ không thể hiểu và tin vào Người là vì “họ không thuộc đàn chiên của Người” (10,26). Trong mạch văn nầy, chúng ta tìm hiểu thêm những câu kế tiếp.

Bất chấp lời yêu cầu của người Do thái, Chúa Giêsu tiếp tục nói với họ bằng ẩn dụ (paroimia, x. 10,6), cho đến khi Người công khai nói với họ là Người sẽ không dùng cách nói nầy nữa (x. 16,25.29). Trong đoạn ngắn gồm 4 câu nầy, Chúa Giêsu nhắc lại những điều cốt yếu về con người và vai trò của Đấng Kitô, đã nói trong phần trước của chương 10. Đặc điểm của đoạn nầy là đại danh từ ngôi thứ nhất “của Tôi”: “chiên Tôi”, “nghe tiếng Tôi”, “đi theo Tôi” (10,27; x. 10,3.4), “tay tôi” (10,28), “Cha Tôi” (10,29). Câu 10,27 nói đến tương quan giữa Chúa Giêsu và đàn chiên của Người: – về phía đàn chiên: “chiên của Tôi”, “nghe tiếng Tôi”, “đi theo Tôi”; – về phía Chúa Giêsu: “Tôi biết chúng” (x. 10,14). Chủ đề “nghe” và “nghe tiếng Tôi” (10,3.8.16), như là thước đo để nhận biết thuộc về đàn chiên của Chúa, được nêu ra lại với ngụ ý là người Do thái không biết Chúa Giêsu là ai (10,6.38), vì họ không lắng nghe tiếng Người (10,20); nên cũng không thuộc về Người.

Câu 10,28 nói đến việc ban sự sống đời đời cho đàn chiên; qua đó qui chiếu cách gián tiếp về “kẻ trộm”. Sự sống ở đây không được đặt trong tương quan so sánh với sự tiêu diệt và hủy hoại do kẻ trộm mang đến (x. 10,10). Nó được định nghĩa là “sự sống đời đời”, mà con người có được nếu tin vào Chúa Giêsu (3,15.16; 6,40.47.54), tin vào công việc của Người, Đấng đã sai Người (5;24) và vào lời của Người (6,68). Ai không tin thì không có sự sống nầy (3,36). Ba điều Chúa Giêsu ban bằng cách nói trực tiếp “Tôi cho/ban”, đó là “sự sống đời đời” (10,28), “điều răn mới” (13,34) và “bình an của Tôi” (14,27). Sự bảo vệ đàn chiên được diễn tả qua hình ảnh ẩn dụ “tay của Tôi”. Động từ “harpazō” qui chiếu về việc “bắt lấy” của con sói, do người chăn thuê bỏ chạy (x. 10,12). Mục đích của sự che chở là để họ “khỏi mất đời đời” (6,39; 10,28; 17,11-12). Sự che chở nầy được đặt trong quyền năng của Chúa Cha “khỏi tay Cha” (10,29). Họ thuộc về Cha vì Cha đã ban cho Con (6,37; 17,6); nên Con bảo vệ họ.

Câu 10,30, chóp đỉnh của đoạn nầy “Tôi và Cha, chúng tôi là một”. Theo mạch văn sự hiệp nhất nầy được hiểu là trong hành động. Sâu xa hơn, đó là phải là sự hiệp nhất được nói đến trong 1,1, “Từ đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi lời ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (x. 20,28). Trong chương 10 nầy, Chúa Giêsu được trình bày như chính là hiện thân của Thiên Chúa. Người đến để chăn dắt dân Israel như đã hứa, “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng.” (Giê 23, 3-4tt; x. Ez 34,11-16.23; 37,24; Zc 11 và 13). Bởi đó, Người xác quyết về tương quan mật thiết giữa Người và Thiên Chúa để làm chứng cho người Do thái biết Thiên Chúa đang chăn dắt họ trong Người, như: “Cha biết Tôi…” (10,15), “Cha Tôi yêu Tôi…” (10,17), “…Tôi nhận từ Cha Tôi” (10,18), ”…Tôi làm nhân danh Cha Tôi…” (10,25), ”Tôi và Cha, chúng tôi là một” (10,30; xem thêm 10,36.37.38). Vậy, Chúa Giêsu đã nói và làm chứng về con người và việc mục tử của Người. Người Do thái đã thấy và nghe, nhưng họ vẫn không tin Người đến từ Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nên một với Cha của Người trong việc chăn dắt và ban sự sống cho dân Người. Nghe tiếng Người và đi theo Người, chúng ta cũng được nên một với Người trong Chúa Cha.

Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến