Ga 10,1-10: Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
Đoạn 10,1-10 là phần đầu của chương 10 chủ yếu bàn về chân dung của Chúa Giêsu-Mục Tử Tốt Lành và tương quan của Mục Tử nầy với đàn chiên. Vào cuối chương 9, người mù sau khi đã nghe tiếng Chúa Giêsu và biết Người là ai, đã tin vào Người và trở nên môn đệ của Người (9,37). Trong khi đó, người Pharisêô nghĩ rằng Chúa Giêsu là một “người tội lỗi” (9,24); bởi đó, họ đã không tin vào Người và trở nên mù lòa. Người mù bẩm sinh đã không đi theo họ. Trong chương 10, Chúa Giêsu trình bày Người là “Cửa” tương phản với chân dung của những người “trộm và cướp”. Công việc của Người cũng tương phản với hành động của họ trong tương quan với đàn chiên. Và đàn chiên sẽ nhận ra Mục tử của chúng và đi theo Người, thay vì theo những người “trộm cướp”.
Có thể phân chia đoạn tin mừng nầy thành hai phần, và mỗi phần đều bắt đầu bằng câu “Quả thật, quả thật, Tôi nói với anh em” (c. 1 và 7): – Dụ ngôn về Người Mục tử (10,1-6); – Giải thích về hình ảnh Người Mục tử (10,7-10).
Dụ ngôn về Người Mục tử (10,1-6)
Đoạn 10,1-6 có thể phân chia nhỏ lại như sau: – Phân biệt người chăn chiên và trộm cướp: qua cửa mà vào (cc. 1-3a); – Thái độ của đàn chiên đối với họ (cc. 3b-5); Phản ứng của người nghe dụ ngôn (c. 6).
Cụm từ “Quả thật, quả thật, Tôi nói với anh em” được dùng để dẫn vào cách long trọng một tuyên bố. Tuyên bố đầu tiên là qua cách đến với đàn chiên, người ta có thể phân biệt ai là người chăn chiên và ai là người trộm cướp. Người trộm cướp không qua cửa mà vào chuồng chiên (c. 1). Còn người chăn chiên thì qua cửa, lối bình thường, mà vào với đàn chiên (c. 2). Thyra, “cửa” chỉ bất cứ loại cửa cổng, cửa ra vào. Chuồng chiên có nhiều loại. Vào thời đó, chuồng chiên thường là một khoảnh đất, được vây quanh bởi những viên đá chất lên thành bức tường. Cửa chuồng chiên là lối ra vào giữa hàng rào bằng đá ấy.
Thái độ và tương quan của chiên đối với người chăn chiên và người trộm cướp (cc. 3b-5). Sau khi phân biệt ai là người chăn chiên thật, Gioan nói đến thái độ của chiên đối với những người nầy. Đối với người chăn chiên, chiên nghe tiếng người nầy (c. 3) và đi theo (c. 4b); trong khi đó, chiên không đi theo người trộm cướp vì chiên không nhận biết tiếng của người nầy (c. 5). “Giọng nói/tiếng” của người chăn chiên rất quan trọng. Qua tiếng nói, người chăn chiên có thể thông tin và thông hiệp với chiên. “Tiếng” của chàng rể gọi lên niềm vui nơi bạn bè của chàng (3:29). “Nghe tiếng” dẫn đến sự sống. Những người nghe tiếng Chúa được sống (5,25; 11,43). Do đó, nghe tiếng gợi lên lòng tin tưởng và kèm theo hành động là đi theo. Người mù đã nghe tiếng của Chúa Giêsu, trong khi các người Pharisêô từ chối (x. 9,27). Không nghe tiếng có nghĩa là từ chối tin vào và không hành động theo (x. 5,38). Việc “nghe tiếng” nầy còn được tiếp tục bàn đến trong các câu 10,16.27; 18,37). Hơn nữa, việc gọi được “tên từng con chiên” là điểm phân biệt căn bản giữa người chăn chiên và người trộm cướp. Người chăn chiên biết tên từng con chiên. “Tên từng người” chính là người ấy, không nhầm lẫn với ai khác. “Gọi” được tên là biết người ấy (x. 1,48). Khi người chăn chiên gọi tên từng con chiên có nghĩa là đã biết tường tận từng con một. Việc làm của người chăn chiên là mở cửa. Động từ “mở”, anoigō, được dùng rất nhiều lần trong chương 9. Chúa Giêsu đã mở mắt người mù (9,7.14.17.21.26.30.32). Mở để cho người mù thấy ánh sáng. Người chăn chiên mở cửa để dẫn chiên đến đồng cỏ xanh (c. 9). Việc làm của người trộm cướp sẽ được bàn ở câu 10,10.
Ghi nhận của thánh sử (c. 6). Có một sự tương tự giữa sự ghi nhận nầy và sự mù loà không hay biết của người Pharisêô (9,40-41). Trong đoạn trước, người Pharisêô có mắt sáng nhưng không thấy. Ở đây họ nghe, nhưng không hiểu; cũng là điếc vậy.
Giải thích về hình ảnh Người Mục tử (10,7-10)
Trong đoạn nầy Chúa Giêsu trình bày chân dung tương phản của cả người chăn chiên và người trộm cướp, cũng như công việc của họ liên quan đến đoàn chiên. Người chăn chiên được nói đến nhiều hơn.
Sau công thức long trọng, một tuyên bố về người chăn chiên: “Tôi là cửa của các con chiên” (c. 7), “Tôi là cửa” (c. 9). Xem thêm ở các câu 11 và 14. Câu “cửa của các con chiên” cần nhiều giải thích. Đây là sở hữu cách chỉ hướng và mục đích. Do đó có thể dịch mang tính giải tthích là “cửa hướng về các con chiên”, và “cửa cho các con chiên”. Câu “Tôi là cửa của các con chiên” đều bao hàm cả hai ý nghĩa nầy. “Cửa hướng về các con chiên” nghĩa là Cửa nầy đóng kín với ai đứng ngoài cửa, và mở ra cho ai đứng bên trong. Như thế, Cửa giữ đàn chiên khỏi trộm cướp (10,1-2). Và chiên nào qua Cửa nầy mà vào bên trong thì được che chở an toàn, “được cứu”; đó là ý nghĩa của động từ sozō, “giữ khỏi bị tổn hại”, “cứu”. “Cửa cho các con chiên” nghĩa là Cửa nầy khi mở ra, mở ra ngay hướng đồng cỏ xanh. Chiên đi ra ngoài và tìm thấy ngay nguồn sống (c. 3-4.9). Đó chính là sự sống, zōe, mà Chúa Giêsu mang tới khi Người đến thế gian nầy (c. 10). Như thế, Chúa Giêsu vừa là Cửa, vừa là Người Mục tử. Sự sống và sự an toàn của chiên đều lệ thuộc vào Người.
Chúa Giêsu là Cửa, và các người chăn chiên khác muốn đến với phải đi qua Người. Nếu đi lối khác, họ là người trộm cướp (c. 1). Ở đây Người khẳng định là những người đến “trước Người” đều là trộm cướp. Chữ kheptō, “trộm cướp” ngoài những lần ở đây được dùng trong 12,6 để chỉ Giuđa Iscariốt. Theo mạch văn, trộm cướp là người đến với chiên không qua lối chính thức là cửa. Họ là những người đến mà chiên không mong đợi, và cả người chăn chiên. Hơn nữa, “trộm cướp” trong 12,6, chỉ Giuđa Iscariốt, được hiểu là Giuđa lợi dụng vị thế của mình mà kiếm lợi cho bản thân. Nếu hiểu chữ “trộm cướp” như thế là đúng, có thể đi đến kết luận là “những người đến trước” Chúa Giêsu, không thể là các tổ phụ, các vua hay các ngôn sứ của Thiên Chúa sai đến, mà là những người cứu thế giả giữa dân do thái, và ở đây là các Pharisêô và kinh sư. Những người nầy liên tục tranh luận với Chúa Giêsu. Họ không tin vào Người; nghĩa là không qua cửa của Chúa Giêsu. Do đó, họ không phải là các lãnh đạo do Thiên Chúa gởi đến (x. 7,48; 9,16). Họ đã lạm dụng quyền bính mà hướng dẫn dân chúng cách mù lòa (x. 9:40). Hành động của họ là giết, thyō, và hủy diệt, oppólymi; đối nghịch việc ban sự sống của Người Mục tử (c. 10; x. 3,16; 3,39; 17,12; 18,9).
Chúa Giêsu là Cửa duy nhất. Ai muốn đến với Chúa Cha, nguồn mạch sự sống duy nhất, phải đi ngang qua Người (14,6). Người cũng chính là sự sống. Người đến trần gian để đàn chiên của Người được sự sống dồi dào.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến