Ga 16,12-15: Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.
Đoạn Ga 16,12-15 nằm trong phần thứ ba của diễn từ Ly biệt (16,4b-15). Bố cục của đoạn nầy có thể phân chia như sau: – Dẫn nhập: không thể mang nỗi (16,12); – Thần Chân Lý (12,13-15).
Các con không thể mang nỗi (16,12)
Sau khi bàn về nhiệm vụ của Thánh Thần đối với thế gian, Gioan nói đến nhiệm vụ của Người đối với các môn đệ. Trong 14,30 lý do Chúa Giêsu không nói với các môn đệ nữa là vì kẻ thù của Người đến. Ở đây Người không thể nói nhiều điều được vì các môn đệ của Người không có khả năng hiểu lời của Người. “Bastasein” nghĩa là “mang”; nghĩa bóng là hiểu một vấn đề, lời và đón nhận nó một cách điềm tĩnh (c. 12). Người sắp ra đi và sẽ không còn ở với các môn đệ nữa. Các ông không thể đi theo Người nơi Người đi (13,3). Ở lại trần gian, nếu không có Người, các môn đệ không thể làm được gì (x. 15,5). Do đó, cần Thánh Thần đến giúp đỡ họ hiểu lời của Người.
Thần Chân lý dẫn anh em vào mọi chân lý (16,13)
Phần hai nầy tập trung bàn về Thánh Thần như Thần Chân lý: nhiệm vụ dẫn các môn đệ vào trong mọi chân lý (c. 13); qua đó, nói đến việc tôn vinh Chúa Giêsu (c. 14), và xuất xứ của lời từ Chúa Cha (c. 15). Thần Chân lý đã được hứa ban để ở với và ở trong các môn đệ (14,17). Trong động từ “dẫn vào” nầy có chữ “đường” (hodos): Thánh Thần đưa các môn đệ vào mọi nẻo đường của chân lý. Chúa Giêsu là Đường và Chân Lý (14,5-6), và lời Người nhận từ Chúa Cha để loan báo cũng là chân lý (8,40.45.46; 17,17). Từ chương 1, Gioan đã nói là “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (1,17-18). Như thế, nói Thánh Thần dẫn vào trong mọi chân lý nghĩa là dẫn vào bên trong bản thân Chúa Giêsu – Sự Thật, trong lời nói và hành động của Người. Lý do Thần Chân lý không tự Người nói gì thêm, vì các môn đệ đã tìm thấy trong Chúa Giêsu chân lý hoàn hảo và sung mãn (14,6). Thánh Thần không có nhiệm vụ nào khác là làm cho các môn đệ ngày càng hiểu sâu xa hơn Chân lý nầy.
Thần Chân lý trong tương quan với Chúa Giêsu và Chúa Cha (16,14-15)
Hai cụm từ “lãnh nhận từ Tôi và loan báo cho anh em” liên kết hai câu nầy lại với nhau. Một câu nói đến việc Thần Chân lý tôn vinh Chúa Giêsu, và câu kia nói đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa Cha và Con, “tất cả những gì của Cha đều là của Con” (c. 15; 16,15; 17,10). Việc tôn vinh thường được đề cập giữa Chúa Cha và Chúa Con, được thực hiện cách riêng trong cuộc thương khó (12,23; 13,31.32; 17,1.5). Ngoài điều nầy ra, việc tôn vinh Chúa Giêsu còn được làm do phép lạ Chúa Cha thực hiện cho Người (11,4) để Người được nhận biết là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (11,27). Mục đích của việc tôn vinh Chúa Giêsu là làm cho mọi người nhận biết Người là Con Thiên Chúa (x. 8,54; 17,10). Cũng thế, Thần Chân lý tôn vinh Chúa Giêsu trong mức độ Người lấy lời của Chúa Giêsu mà loan báo cho các môn đệ. Điều Người làm cho họ hiểu trước tiên là Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Đó cũng là đối tượng của động từ “loan báo” (4,25; 16,13.14.15), và “làm chứng” về Chúa Giêsu cho các môn đệ (15,26). Đối với Chúa Cha, Thần Chân lý đến từ Chúa Cha (15,26), qua lời thỉnh cầu của Chúa Giêsu (14,16) hay “nhân danh” Người (14,26).
Đến dẫn đường vào chân lý và dạy cho hiểu lời của Chúa Giêsu, Thần Chân lý tiếp tục sự hiện diện và công trình của Chúa Giêsu cho đến khi việc cứu độ nhân loại được hoàn tất.
Linh mục Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến